Truyện ngắn Những Mẩu Ngắn

ntct95

Gà tích cực
Tham gia
28/3/21
Bài viết
99
Gạo
0,0
Re: Những Mẩu Ngắn
Thằng Đẹt nằm dài trên ghế bố, tiếng cọt kẹt từ ghế phát ra khiến mẹ nó ngồi cạnh bên liên tưởng đến mỗi khi bà trở mình cũng nghe xương kêu răng rắc như vậy. Tay nó cứ quệt quệt vào cái màn hình cảm ứng – món đồ đầu tiên mà bản thân mua được từ tiền làm thêm cách đây hơn hai năm. Nó còn nhớ lúc vẻ mặt hớn hở khoe với mẹ thành quả lao động đầu đời đã bị bà chửi sang sảng vì cái tội xa xỉ, không biết tiết kiệm. Ai mà ngờ có lúc, chính cái thứ xa xỉ này lại là cứu tinh giúp cả nhà không bị chết đói. Từ ngày xóm bị cách ly, ngày nào bà cũng giục: “Mau lên mạng coi hôm nay người ta có bán gì không?”

Mẹ nó nhìn màn hình một cách chăm chú, miệng cách vài giây lại gắt “Chậm thôi”, chốc chốc lại lấy tay chỉ trỏ. Chợt, bà vỗ cái đét vào vai thằng con mà nói:

“Dừng! Dừng! Tao vừa thấy có chỗ bán rau muống kìa!”

Tốc độ thằng Đẹt lướt điện thoại nhanh như người ta lướt sóng. Lúc mẹ hét lên chữ “Dừng” thì ngón tay nó đã quệt hơn chục lần, vậy là nó chầm chậm quệt tay theo hướng ngược lại. Đến khi mẹ lại bảo “Dừng” thêm một lần nữa, bên cạnh bó rau muống đã xuất hiện hai chữ màu xám nhạt: Hết hàng.

Mẹ xỉa tay một cái mạnh vào đầu nó, hệt như trong phim kiếm hiệp người ta phô diễn tuyệt chiêu “Nhất dương chỉ”, miệng không muốn khai khẩu nhưng không được. Đầu nó nghiêng qua phải, chưa tới năm giây lại trở về ngay ngắn, nghe mẹ mắng như nghe hát cải lương:

“Tao đã kêu chậm thôi! Mày nhanh quá làm gì? Rau muống là thứ rẻ nhất rồi mà giờ cũng hết!”

Mẹ thằng Đẹt là người quen ăn to nói lớn, do trước đây bà bán thịt trong chợ. Dân chợ mà ăn nói lí nhí, người ta tưởng dễ bắt nạt, khách khứa tưởng dễ trả giá mà lấn lướt, không sớm thì muộn cũng dẹp sạp. Chưa kể, bà hay cãi nhau với mấy con mẹ hàng bên. Cứ cùng ngành hàng, dựng sạp sát nhau là không thể nào tránh khỏi. Tưởng tượng đi, một người khách đứng giữa hai sạp thịt, bên nào cũng mời mọc gãy lưỡi, khách chọn sạp nào thì sạp còn lại cũng chẳng ít thì nhiều ném cho một cái lườm.

Đó là thằng Đẹt nghe mẹ nói vậy, chứ nó chưa bao giờ đi chợ nên không kiểm chứng được.

Lại nói về chuyện đi chợ, thằng Đẹt sau khi nghe hát cải lương xong, mặt vẫn vui như trẩy hội. Đã vậy còn tặc lưỡi nói:

“Chỗ này hết thì kiếm chỗ khác.”

Từ ngày mẹ thằng Đẹt nghỉ theo lời bác sĩ, kinh tế cả nhà gồng hết lên đôi vai gầy của nó. Cũng may nó ra trường rồi, tiền lương không cao nhưng vẫn đủ lay lắt ngày qua ngày. Có điều, mùa dịch này cái gì cũng lên giá, nhưng con số trong tài khoản ngân hàng mỗi tháng của nó lại không hề thay đổi. Nghĩ vậy thì tiêu cực quá, thằng Đẹt liền hướng bản thân rẽ qua lối tích cực. Nó tự nhủ thời gian này, nhiều người còn không có việc làm, bản thân vẫn được đồng ra đồng vô thì nên biết đủ, ăn uống gói ghém lại là được.

Cho nên, mỗi khi cùng mẹ đi chợ trên mạng, cả hai đều tìm rau muống đầu tiên. Rau muống mà hết thì tìm sang trứng gà, trứng vịt. Trứng gà, trứng vịt mà hết thì lại chuyển sang dưa leo... Cứ theo mức giá từ thấp đến cao, cái gì rẻ nhất hốt trước.

Dường như mẹ thằng Đẹt mắng nó lớn tiếng quá, âm thanh lọt qua nhà bà Tư kế bên. Tầm gần mười phút sau, bà Tư mặt đeo khẩu trang, đội thêm cái kín chắn nhựa trong suốt, tay xách một bọc rau tập tàng để xuống trước nhà nó, hô lớn:

“Ê Đẹt!”

“Dạ!”

Thằng Đẹt nghe tiếng bà Tư gọi, buông ngay điện thoại xuống rồi chạy ra cửa. Bà Tư đứng cách nó hơn hai mét, tay chỉ vào bọc rau:

“Mày cầm đỡ nhiêu đây đi! Hôm qua nhà tao đặt dư.”

“Dạ, con cảm ơn Tư!”

Thằng Đẹt cúi đầu lễ phép, hai tay xách bọc rau chuẩn bị đóng cửa sân. Chợt bà Tư hạ thấp giọng, hỏi nó:

“Mẹ mày lại chửi hả?”

“Dạ không, tại mẹ con lớn tiếng quen rồi.” Nó cười, khoe hàm răng không đều của mình trả lời, sau đó giấu mình sau cánh cửa.

Mẹ thằng Đẹt nhìn thấy bọc rau tập tàng mà nó lắc qua lắc lại quanh ngón trỏ, bèn “hứ” nhẹ một tiếng rồi hỏi:

“Chắc bả tưởng tao chửi mày nên mới đem qua cho đó!’

Thằng Đẹt nhìn thấy nét đượm buồn trong đôi cửa sổ tâm hồn được thời gian trao tặng vài vết chân chim nơi đuôi mắt, lập tức xua tay phủ nhận:

“Làm gì có! Mẹ đừng có nghĩ bản thân là ác phụ trong mắt người khác chứ!”

Mẹ nó không tin lời này, nét đượm buồn trong mắt chuyển sang tủi thân. Cũng mấy lần bà tự dặn mình, bản thân không còn là một người bán thịt ở chợ năm nào nữa, bớt ăn to nói lớn đi. Nhưng cái thứ gọi là thói quen ấy, đâu phải nói bỏ là bỏ liền được, huống gì bà đã bán ở chợ gần hai mươi năm. Bà cao hứng lên cũng nói lớn, giận dữ cũng nói lớn, đau buồn cũng nói lớn, vui mừng lại càng nói lớn. Mấy lúc vui thì không ai ý kiến gì, nhưng khi buồn người ta lại cho rằng bà như đang muốn nhai đầu người đối diện. Vậy là bà không qua lại với hàng xóm, chỉ dám dùng cái điệu bộ này để nói chuyện với con, vậy mà cũng không yên thân. Nhìn bọc rau này, bà lại càng tủi. Nhưng cái tủi xếp sau cái đói. Tủi thì một thời gian là hết, mà đói thì chết, chết thì không có cơ hội để tủi nữa.

“Ê! Tao lớn tiếng với mày như vậy đó. Mày có ghét tao không?” Mẹ không nhìn nó mà hỏi, trong giọng nói ẩn chứa sự âu lo.

Thằng Đẹt ôm miệng cười tủm tỉm khiến mẹ nó trợn mắt. Đợi đến khi cười xong rồi mới bắt đầu trả lời:

“Con mà ghét mẹ, con bỏ nhà đi lâu rồi.”

“Mày thử coi?”

Mẹ nó lại nói lớn. Nhưng chí ít, ánh mắt không còn u ám như khi nãy. Bà đứng dậy, đi một mạch xuống bếp, nhìn thấy bọc rau tập tàng nằm một cách chỏng chơ, miệng lại “hứ” một tiếng rồi buông câu chửi thầm. Có điều, lần này bà không lớn tiếng chút nào.

“Con tao thương tao là được, ai cần quan tâm lũ chúng mày!”
 

ntct95

Gà tích cực
Tham gia
28/3/21
Bài viết
99
Gạo
0,0
Re: Những Mẩu Ngắn
Con Mực hơn một tiếng rồi vẫn cứ ngó ra sân sủa đổng. Mà ngộ, nó chỉ nhìn duy nhất một chỗ, rồi sủa.

Bà Liên bên nhà đối diện một tay cầm cái xẻng còn đang dính dầu, tay khác chỉ thẳng mặt con Mực, gắt lên: "Mẹ cha cái thứ súc vật chỉ biết ăn rồi sủa!"

Câu nói này dường như chạm tới tự ái của toàn thể loài chó trên thế giới nói chung và trong xóm nói riêng, khiến đồng loại của con Mực lập tức tạo thành dàn đồng ca kháng nghị.

Gâu gâu gâu!!!

Con Mập nhà thằng Tí, con Nâu nhà chú Tư, con Pepsi nhà dì Bảy được người dân trong tổ dân phố bầu chọn là “hung thần” của xóm; bởi tiếng sủa và độ “chó điên” không ai mà không biết. Chó người ta bình thường chỉ sủa gâu gâu, riêng ba nhân vật này còn thêm tiếng gầm gừ sau mỗi lần sủa để ra vẻ thị uy. Đó là lý do tại sao mỗi khi ba người chủ nhà dắt chó đi dạo mỗi sáng, ai thấy cũng đều đứng xa hơn hai mét.

Nhưng ít ra, chúng nó không sủa đổng như con Mực. Cái tính mất nết này thực chất đã có bẩm sinh.

Con Mực là chó Phú Quốc thuần chủng, lông từ đầu đến chân phủ một màu đen, có đè ra nửa ngày nghiên cứu cũng không tìm thấy sợi trắng nào. Còn nhớ lúc Cường đưa nó về đây, khi đó chừng hơn một tháng tuổi, nó cũng nhìn vào một góc nhà rồi sủa ăng ẳng. Ban đầu, cả nhà cứ tưởng nó lạ nước lạ cái, sau này mới biết thì ra không phải.

Tính cho tới hiện tại, con Mực cũng đã trải qua năm cái Tết cùng gia đình Cường. Bình thường con Mực rất nghe lời; Cường bảo bắt tay, nó liền chồm lên, đưa hai chân trước đặt lên tay cậu; bảo ngồi xuống, nó không dám đứng; bảo không được ăn thứ này, nó dù có thèm nhỏ dãi cũng chỉ dám nhìn.

Vậy nhưng, trừ cái tính thi thoảng lại sủa đổng này, không sao trị được.

Mẹ Cường hay nói chó sủa ma, nhất là chó Phú Quốc, nhưng mà cái việc này nó chẳng ăn nhập gì hết. Con Mực không phải mới sủa ngày một ngày hai, mà đã suốt năm năm rồi. Năm năm trôi qua, Cường đếm sơ sơ số lần bị hàng xóm càm ràm về cái tật xấu của nó, ước chừng cũng quá nửa cuốn lịch treo tường. Lắm lúc Cường bực bội, muốn bỏ quách nó đi nhưng mẹ lại cản. Bà nói ngoài cái tính đó, con Mực so ra đã tốt hơn ba “hung thần” kia rồi!

Tối nay, nó lại sủa đổng.

Lần này không phải chỉ mình con Mực, dẫn đến cơ sự này, hàng xóm xung quanh đều đem tội lỗi đổ hết lên đầu bà Liên. Chó cũng có loại này loại kia, bà chửi đánh đồng làm gì! Bây giờ thấy chưa, mười giờ hơn rồi mà đầu xóm không ai được yên giấc!

Chợt, Bà Liên khịt mũi mấy lần, càng khịt mũi lại càng hướng bản thân vào nhà, sau đó tá hỏa nhớ ra mình còn đang chiên cơm chưa kịp tắt bếp, vội vã biến mất sau cánh cửa.

Con Mực vẫn còn ở đó sủa, tuy nhiên đồng loại đều đã rút dần, cho đến khi chỉ còn một mình nó.

Mấy ngày sau đó nữa, con Mực vẫn như vậy, inh ỏi khắp xóm.
 

ntct95

Gà tích cực
Tham gia
28/3/21
Bài viết
99
Gạo
0,0
Re: Những Mẩu Ngắn
Thằng Hoài ngồi xổm bên bếp lò được làm bằng sáu cục gạch nung chụm lại, xuýt xoa nhìn nồi cơm vừa sôi, tay nhanh nhẹn hớt lấy nước cơm trên bề mặt cho vào một cái tô. Nó định bụng tí nữa bỏ thêm vào đó chút đường cát, quậy đều lên, vậy là có cái để nhấm nháp rồi. Bây giờ chỉ còn chờ mẹ đi chợ về nữa là xong.

Nhắc đến chợ búa, thằng Hoài nhớ sáng nay lúc mẹ cắp giỏ ra khỏi nhà có đếm đi đếm lại mấy lần tiền trong túi. Mà có bao nhiêu đâu, hình như không tới một trăm nghìn, nhưng mặt mẹ lại lấy làm phấn khởi dữ lắm! Trước khi đi, mẹ dặn nó nấu nồi cơm cho thật ngon, khét một chút ở đáy cũng được, để lại lớp cơm cháy nữa thì càng tốt. Còn hứa nếu làm xong sớm sẽ có thưởng cho nó.

Thằng Hoài tuy thắc mắc thái độ kỳ lạ hôm nay của mẹ, nhưng nó không hỏi. Mẹ dặn thì cứ làm thôi. Sau khi đậy nắp nồi cơm và gạt bớt phần than ra phía rìa bếp, nó mang bộ mặt lem nhem nhọ nồi cùng tô nước cơm ra trước hiên nhà ngồi nhâm nhi, sẵn tiện ngóng mẹ về. Lại nói, công nhận nước cơm sệt sệt, cho thêm chút đường vào uống ngon hơn gấp mấy lần sữa hộp Vinamilk bán ở tiệm tạp hóa. Nói thẳng ra là nó cảm thấy tiếc, bởi tiền thì rất khó kiếm, mà thứ nước đó hút một cái rột chưa đến ba phút là đã nằm gọn trong bụng. Tiếc đứt ruột ấy chứ!

Khi tô nước cơm đã được vét đến giọt cuối cùng, cũng là lúc bóng dáng nhỏ nhắn của mẹ nơi đầu ngõ. Đầu mẹ đội cái nón lá cũ kỹ, trên người khoác chiếc áo sờn đã chắp vá mấy lỗ bằng những màu vải khác nhau, tay xách giỏ cói. Thằng Hoài khoe với mẹ đã hoàn thành xong nhiệm vụ được giao, hí hửng chờ đợi phần thưởng. Có thể là một bịch bánh, một hộp sữa, một cây xúc xích… Chung quy nó nghĩ rất nhiều, tất cả đều xoay quanh đồ ăn vặt. Đối với con nít, cái gọi là phần thưởng chỉ cần bấy nhiêu cũng đủ khiến chúng vui, đặc biệt là đứa suốt ngày lấy nước cơm thay cho bánh kẹo như nó.

- Hôm nay mẹ thưởng cho Hoài đồ ăn ngon lắm nhé!

Mẹ vừa nói, vừa lôi trong cái giỏ cói đi chợ ra một cục thịt ba rọi, chục quả trứng gà và một trái dừa xiêm. Nó nhìn thấy ba thứ đó, biết “đồ ăn ngon” mà mẹ nói hẳn là một nồi thịt kho trứng; liền sực nhớ hôm nay đã là 28 âm lịch, còn hai ngày nữa là Tết Nguyên Đán rồi.

Sở dĩ thằng Hoài liên tưởng món thịt kho trứng với ngày lễ lớn trong năm là vì ngày thường, nhà hiếm khi có được miếng thịt trong những bữa ăn. Một năm ba sáu lăm ngày, xoay quanh ba bữa là khô, là mắm, là ba khía cùng rau tập tàng luộc chấm nước kho quẹt. Chừng nào ngày quan trọng như Tết hay giỗ, nó mới được nhìn thấy miếng thịt kho màu cánh gián, ước chừng số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay.

Thằng Hoài thèm thịt kho trứng và muốn ngày nào cũng được ăn thật, nhưng cũng chỉ có thể ôm mong muốn đó đem vào giấc mơ mỗi tối. Nó không trách mẹ, bởi hiểu những cơ cực mẹ đang mang nặng trên vai, trên lưng. Nó chưa đi chợ bao giờ, nhưng thấy mẹ đếm đi đếm lại vài chục nghìn đồng lẻ, hết giãn rồi nhíu đôi lông mày thì cũng biết cục ba rọi vừa nạc, vừa mỡ nóng hổi kia hẳn là không rẻ, chắc là phải hơn mười hộp sữa Vinamilk cộng lại. Một buổi đi chợ như hôm nay, ước chừng phải đổi bằng hai ba ngày gánh chè bán dạo của mẹ.

Thằng Hoài mặt buồn buồn, lí nhí:

- Mua hết nhiêu đây mắc lắm không mẹ?

- Nói cho ông nghe rồi ông có trả lại tiền cho tui hông mà hỏi?

- Cái này là thịt đó! - Nó vừa lấy tay chỉ vào cục ba rọi, vừa nói. - Mắc lắm!

- Vậy mày có ăn không?

Thằng Hoài đã định sẽ lắc đầu, nhưng nhớ đến món thịt kho trứng vào Tết năm ngoái, cảm giác miếng ba rọi mỡ - thịt hòa quyện cùng dư vị béo béo của trứng gà khiến nó nuốt nước bọt, trong đầu đấu tranh tư tưởng dữ dội. Sau cùng, sự thương tiếc cho mấy ngày gánh chè dạo của mẹ cũng bị cái thèm thuồng đã lâu không được ăn thịt đè bẹp dí. Thằng Hoài không dám lắc cũng chẳng đủ can đảm gật đầu, đành đứng đực như ngỗng ra đó.

- Còn làm bộ làm tịch! - Mẹ bĩu môi, nhìn bộ dạng của nó không khỏi buồn cười.

Thằng Hoài cảm thấy ngượng. Câu trước còn nhắc mẹ thịt rất mắc, nhưng khi đứng trước việc ăn hay không thì nó lại chọn vế sau, đã vậy còn bị phụ huynh huỵch toẹt ra.

Để chữa ngượng, thằng Hoài bèn vỗ ngực dõng dạc:

- Khi nào con lớn lên rồi đi làm, có tiền rồi thì nhà mình ngày nào cũng sẽ ăn thịt kho trứng!

Lần này là nó nói thật, không “làm bộ làm tịch” như vừa rồi nữa. Thấy mẹ đi chợ đong đếm chi li, tính toán nay ăn gì, mai ăn gì khiến nó nhiều lúc cảm thấy bức bối và bất lực, muốn mình trưởng thành thật mau để mẹ không phải cực khổ như vậy nữa. Nó sẽ đi làm, sẽ kiếm tiền. Mẹ sẽ không cần phải gánh chè giữa trời nắng chang chang. Cuộc sống không cần phải tằn tiện, muốn ăn thịt kho trứng cũng có thể mua không cần suy nghĩ. Đáng tiếc, thằng Hoài vẫn chỉ mới học đến lớp năm, trong khi mẹ hay bảo nó rằng muốn ra đời kiếm tiền thì phải học tận mười sáu năm.

Mẹ nghe nó tuyên bố hùng hồn, trong lòng trỗi dậy sự xúc động. Cái “khi nào” của nó quả thật còn rất xa. Nhưng không chỉ riêng nó, đến mẹ cũng tin rồi sẽ có một ngày con trai lớn lên; những bữa cơm sẽ không còn xoay quanh khô với mắm, nồi thịt kho trứng cũng sẽ không chỉ xuất hiện mỗi khi Tết đến xuân về.

Mẹ nhìn thằng Hoài, lại tiếp tục cho nó thêm một cái cốc đầu, mắng yêu:

- Vậy thì mày tranh thủ ăn nhiều vào! Ăn để còn mau lớn. Làm bộ làm tịch!
 

ntct95

Gà tích cực
Tham gia
28/3/21
Bài viết
99
Gạo
0,0
Re: Những Mẩu Ngắn
292705908_798396288239633_7567666238567062126_n.jpg
Mùa nào buồn nhất trong năm?

Với lứa học sinh, đó là mùa hè (cũng có thể đây là mùa chúng vui nhất). Với những người đang nay lưng ở nhà máy, xí nghiệp thì hẳn là mùa Tết – cái mùa mỗi tối đều vắt tay lên trán nghĩ ngợi xem năm nay có tiền thưởng không, có đủ mua đồ biếu họ hàng khi về quê không.

Với con Tím, trong suốt bốn mùa, gần như mùa nào cũng nhuốm màu u sầu. Nó không có khái niệm xuân – hạ - thu – đông, mà chỉ tồn tại duy nhất hai mùa trong đầu: mùa no và mùa đói.

Mùa đói bao gồm những tháng không đủ chỉ tiêu, người ta hay đặt cho cái tên mỹ miều là KPI, khu xóm của nó hay dùng tiếng lóng là “no” và “đói”. Dĩ nhiên, mùa no thì ngược lại với mùa đói. Dù không đến mức bước vào mấy nhà hàng to bự; nhưng mỗi sáng vẫn có thể hất mặt lên trời, hiên ngang bước ra đầu hẻm, gọi một tô hủ tíu gõ hoặc ổ bánh mì thịt hai mươi ngàn.

Vậy nhưng, con Tím vẫn ủ rũ, dù là no hay đói. Nó không thích cái nghề rầy đây mai đó; cụ thể là bưng cái thúng to chứa đầy những bọc cút luộc, xoài, đậu phộng nấu và bánh phồng; sau đó đem bán ở bến phà. Hôm nào bán hết thì vui; hôm không vui thì tự lấy xoài ế, đậu nấu ế ăn thay cơm. Mà chỉ có những khi cuối tuần, người ta về quê hoặc lên thành phố đông thì mới có khách. Mấy ngày bình thường, có khi cả buổi còn chưa bán quá nửa thúng.

- Ê Tím, hôm nay bán được không mậy?

Giọng thằng Tuấn í ới từ đằng xa lại gần; trên tay cắp một thúng chứa sing-gum, bông ráy tai và nước suối, nước ngọt các loại. Nó là đứa thân với con Tím nhất ở bến phà, hay nói trắng ra là muốn sống yên ở khu này thì không được đánh lẻ. Dù là ở đâu cũng vậy, chia phe chia phái là chuyện không xa lạ gì, đặc biệt là với những mảnh đời chật vật nơi vỉa hè như tụi nó.

Địa bàn ở đây thuộc về Dũng hí – đại ca nắm trùm bến phà, cũng là phe mà thằng Tuấn và con Tím đi theo; dọc theo đường xuống chợ lại là đất của một đại ca khác. Nguyên tắc sống còn ở đây đơn giản: đừng bén mảng vào chỗ của người khác mà kiếm ăn. Đó là lý do tại sao, hai đứa trẻ kia chỉ có thể lẩn quẩn ở bến phà với hai mùa no, đói; trong khi ở chợ thì sẽ buôn bán khá hơn.

- Tao còn bảy bọc cút luộc. – Con Tím nhìn vào thúng, dáng vẻ ảo não; rồi lại liếc sang thúng đối diện – Của mày hình như cũng còn nhiều.

- Ờ, nay người ta không khát nước hay sao á. Năn nỉ mua chai nước suối thôi mà muốn gãy lưỡi! – Thằng Tuấn tặc lưỡi, nhìn hoàng hôn ngã dần về phía đường chân trời – Chiều tới nơi rồi, vậy mày tính tối nay ăn trứng cút trừ cơm nữa hả?

- Chắc vậy! Cho đỡ tốn.

Con Tím đáp một cách hờ hững, như thể việc phải ăn đồ bán ế thay cơm đã trở thành một chuyện quá đỗi quen thuộc. Nó đưa mắt nhìn màu ráng mỡ gà sắp biến mất trên bầu trời, tự nhủ vậy là lại sắp hết một ngày. Rồi sáng mai, những tia nắng đầu ngày sẽ xuất hiện, đến chiều tà thì tắt, lặp lại như kim đồng hồ quay không ngừng nghỉ, giống như cuộc đời của nó bây giờ vậy.

- Ê Tuấn, mày từng nghĩ mình sẽ làm cái gì đó khác chưa?

Bến phà lúc này đã vắng, khách lưa thưa. Thằng Tuấn ngồi bệt dưới đất, chóp chép tép singum bạc hà vẫn chưa bán được, lắc đầu:

- Làm cái khác là làm cái gì?

- Tao cũng không biết.

Đôi lúc, thằng Tuấn cảm thấy con Tím tào lao thật sự, đại loại là trong trường hợp này. Con nhỏ rất hay hỏi những câu mông lung nhưng lại không cho đáp án, mấy bà bán ở chợ vẫn hay gọi như vậy là hỏi sảng. Nhưng thôi, ai kêu nhỏ là bạn chí cốt của nó làm gì. Hoặc có khi do bán ế quá, đầu óc chìm trong sự rầu rĩ rồi nghĩ lung tung beng lên không chừng.

Sau một lúc đăm chiêu, nó chợt đứng dậy, vô cùng tự nhiên mà thò tay vào thúng của con Tím và nói:

- Bán tao một bịch cút luộc đi!

- Mày không để tiền mua bánh mì hả? Sao nay tự nhiên đòi ăn cút vậy ba? – Con Tím ngạc nhiên hỏi – Thúng của mày còn nhiều hơn của tao nữa.

- Chứ không lẽ mày muốn tao uống nước suối, ăn singum trừ cơm? Có lòng tốt mua ủng hộ thì cứ bán đi. Nhiều chuyện quá!

Vậy là thúng của con Tím bớt đi một bọc cút luộc, tâm trạng nó liền cảm thấy vui vẻ hơn. Cũng ngộ! Mấy lúc nó bán ế một mình thì buồn, nhưng biết tin thằng Tuấn cũng không khá khẩm gì thì nỗi buồn của nó lập tức vơi đi. Hay những khi nó phải ăn xoài và đậu nấu trừ cơm, gặp thằng Tuấn hôm ấy cũng nổi hứng mua một bọc rồi ăn chung thì cảm giác rầu rĩ và chán chường lại giảm đi rõ rệt. Cũng như bây giờ, nó không phải vui vì bán được bọc cút, mà vì có đứa cũng ăn trứng cút thay cơm giống mình, liền không giấu được nụ cười mà nhe mấy cái răng sâu ra.

- Bán thêm được một bịch, vui quá ha?

- Vui chứ! – Con Tím híp mắt, vô tình quét qua thúng của thằng Tuấn, rồi cũng tự tay chụp lấy chai Pepsi, giọng lanh lảnh – Vậy mày bán cho tao chai nước ngọt, coi như huề.

Hoàng hôn tắt. Trên trời bắt đầu rải rác những đốm sáng nhỏ giữa một màu đen huyền. Giữa bến phà vắng người, hai đứa trẻ ngồi bệt dưới đất đối diện nhau, ở giữa là hai bọc cút luộc và chai Pepsi đã được khui nhưng chưa nhấp ngụm nào.

- Ê, gà rán ngon hen mày! – Con Tím lột vỏ trứng cút, đặt vào miệng, nhồm nhoàm.

Thằng Tuấn tốc độ nhanh hơn, miệng cũng rộng hơn, cho hẳn hai trứng vào, vừa nhai vừa nói:

- Ngon sao bằng pizza của tao được!

- Gà rán của tao ngon hơn!

- Pizza ngon hơn!

Mỗi người một câu, không ai nhường ai. Hai đứa tranh nhau giải vô địch giữa “gà rán” và “pizza” đến khi bọc nilon chỉ còn vỏ trứng cút. Những tưởng cuộc chiến sẽ ngày một nảy lửa, chợt hai đứa im bặt. Nguyên nhân là do nghe được tiếng xe máy đang đến ngày một gần.

Thằng Tuấn và con Tím đứng phắt dậy, ôm lấy thúng của mình, mặt hồ hởi chạy về phía phát ra âm thanh, tiếng gọi văng vẳng giữa trời:

- Cút luộc anh chị ơi!

- Nước ngọt, nước suối đây anh chị ơi!
 

ntct95

Gà tích cực
Tham gia
28/3/21
Bài viết
99
Gạo
0,0
Re: Những Mẩu Ngắn
AVvXsEi7YWXnnGmAGmvg6a_X_ArCWUB6baeCOSey4B6WkKJgYUHIQL2ObolBwabZF4T8bsim8OGDotLWie3mrisKyOUFHb6CaN9clVKj1zjA_zmuKv6BmRzeFYDxHqlq9eS7vr1Y8Nfx07FvPqX64Gymu8EXwCi_xGqVjRwgA_sAjcprrAjeqoHthPhfg83Q
Sài Gòn có quán cà phê vợt rất ngon nằm trong một con hẻm nhỏ.

Nó cứ ngỡ ở nơi hoa lệ này không còn quán cà phê vợt nào tồn tại nữa, khi mà cà phê mang phong cách Tây du nhập vào nước ngày một nhiều. Giữa Sài thành nhộn nhịp, lẻ loi một quán nhỏ chỉ bán duy nhất loại cà phê được pha chế bằng cách cho bột vào túi vải, nhúng nước sôi đến khi ra hết chất thì đổ vào ly cho khách.

Quán cũng có cái tên rất thơ: Xưa.

Lần đầu khi nếm món cà phê đặc trưng của quán, trong đầu nó liền hiện lên hình ảnh một chiếc xe đạp màu xanh biển cũ kỹ. Người đàn ông lớn tuổi ngồi trên yên xe, đèo sau là một đứa con nít mặt mũi tèm lem.

Người đàn ông nói: “Ngồi sau, ôm ba cho chắc nha!”

Xe đạp chầm chậm lăn bánh, đi qua không biết mấy con đường. Trời nắng, lưng áo ông đẫm mồ hôi. Vậy mà miệng vẫn cười hề hề, hát vu vơ mấy câu nhạc Trịnh, tông nọ xọ tông kia:

Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây


Nó khi đó bảy tuổi, không biết bài hát ông ngâm nga tên gì. Nhưng ba ngày nào cũng “Gọi nắng trên vai em gầy…” làm nó cũng lẩm nhẩm hát theo. Cho đến sau này, cứ khi nào vô tình nghe được “Hạ trắng” ở đâu đó, nó lại nhớ đến dáng vẻ mồ hôi nhễ nhại của ba, nụ cười không tắt trên gương mặt ông giữa cái nắng khi ấy.

- Vậy ba em giờ chắc vẫn còn hay hát bài này hả?

Chị chủ quán đẩy ly cà phê về phía nó, mắt đăm chiêu nhìn thứ nước đen sóng sánh. Mỗi người đến đây đều mang trong mình một câu chuyện đã cũ nhưng chẳng bao giờ ngừng hoài niệm. Chị đoán chắc vị khách trước mặt mình cũng vậy.

Nó cười nhẹ, đưa ly lên nhấp một ngụm, cảm nhận vị đắng tràn trong khoang họng, để lại hậu ngọt đan xen chút béo, cất giọng trầm trầm:

- Nếu ông còn sống thì chắc cũng hay hát bài này.

Đó là một buổi tối kinh hoàng, khi những tiếng bom nổ đột ngột vang lên như sấm rền. Người người nháo nhào kéo nhau lánh nạn. Tiếng la ó khắp đầu làng cuối xóm. Tiếng khóc lóc của những đứa trẻ; có đứa gọi “Mẹ ơi!”, có đứa gào lên “Đừng bỏ con!”,… nghe đau điếng ruột. Người ta không mang theo gì, trừ bộ quần áo trên người, cầu giữ được mạng là may lắm rồi.

Nhớ khi đó chạy được nửa đường, ba đột ngột giao nó cho bác hàng xóm, dặn cả hai đi trước. Ông muốn quay lại lấy di ảnh của mẹ. Nó khóc lóc níu chân, nước mắt nước mũi lòng thòng không cho. Bom dội rất gần rồi!

- Ba hứa, lấy ảnh mẹ xong ba quay lại liền! Con đi theo chú ngoan nha. Chờ ba!

Rồi, bóng ông xa dần, cuối cùng bị màn đêm nuốt trọn.

Mọi người kéo nhau nấp dưới hầm, nghe trên đầu những tiếng nổ mà run rẩy. Người thân ôm lấy nhau, nguyện cầu cho chuyện qua mau. Người thì lấy tay bụm miệng, ngăn tiếng nấc lẫn tiếng khóc của mình. Con nít được ba mẹ ôm trong lòng, vỗ về “Đừng sợ”.

Còn nó thì…

Khi tiếng bom dừng hẳn, mọi người rời hầm, trở về chốn cũ, lúc này chỉ còn là bình địa. Nó nhìn mảnh đất hoang tàn trước mặt, nước mắt chảy không ngừng.

Đến sau này, trong những giấc ngủ chập chờn; nó vẫn vô hình nghe thấy tiếng người ta la hét, bảo nhau chạy đi; nghe thấy lời ba văng vẳng bên tai “Ba hứa, lấy ảnh mẹ xong ba quay lại liền!”. Giật mình tỉnh dậy, vẫn ngỡ mình chỉ chứng kiến cảnh ấy vừa mới đây.

- Chị xin lỗi! – Chị chủ quán rũ hàng mi khi nghe chuyện của nó, đồng cảm – Chắc vì vậy nên em tới đây thường xuyên để hoài niệm chuyện cũ hả?

- Em không biết nữa. – Nó cười – Chỉ là lúc còn sống, ông cũng hay pha cà phê vợt nhưng không cho em uống, nói rằng con nít thì đừng nên uống cái này sớm. Em toàn phải lén nhấp một ngụm, chùi mép sạch sẽ.

Bây giờ, cũng là cà phê vợt, cũng khiến nó nhớ lại khoảng thời gian ấy. Nhưng hương vị cà phê vợt năm ấy, trong chiếc ly mà ba pha mỗi sáng cùng tờ báo đi kèm, không sao nếm lại được nữa.
 

ntct95

Gà tích cực
Tham gia
28/3/21
Bài viết
99
Gạo
0,0
Re: Những Mẩu Ngắn
Tại sao người ta lại tin ăn đậu đỏ vào Thất Tịch sẽ có người yêu? Chị không biết và cũng không muốn mất thời gian tìm hiểu. Nhưng chuyện này khiến chị vui, bởi quán chè bán đắt như tôm tươi, trong khi bình thường giờ này vẫn còn quá nửa.

Quán chị thuộc hàng ở vỉa hè, không cửa kính hay điều hòa, cũng không có góc chụp đẹp để người mua seo-phì vài tấm đăng lên mạng xã hội, chỗ ngồi cũng chỉ có hai cái bàn và vài ba cái ghế. Cứ vậy, quán tồn tại ở đó đã mấy năm.

“Còn hai chén đậu đỏ, chị có muốn ăn thì em chừa lại!”

Nó nhìn chị, mắt lấp lánh như trông ngóng ở chị cái gật đầu. Nó biết bản thân không đủ can đảm để nói thẳng mong ước của mình cho chị biết, vậy nên cứ phải chơi chiêu nói gần nói xa. Ngặt nỗi, chị như đi guốc trong bụng nó, vế đầu chưa dứt đã hiểu vế sau. Nhìn dáng vẻ lấy lòng của nó, chị chỉ biết cười trong bất lực.

“Em mà cũng tin cái vụ ăn cái thứ này thì có bồ á? Đậu đỏ chứ không phải trái thị, có cô Tấm bước ra từ trong đó đâu thằng quỷ!”

Nói thì nói vậy, nhưng chị vẫn để lại hai chén cuối cùng vì thấy nó hôm nay cực quá. Đợi khi quán bán hết, chuẩn bị dọn dẹp; hai chị em mới ngồi xuống với nhau, đặt lên bàn hai chén chè đậu đỏ ngọt lịm. Mà hình như năm nào cũng vậy, nó cũng đều vòi chị để lại hai phần, đến cuối ngày thì ngồi ăn với nhau. Nó nói rất thích chè chị nấu, ăn cả đời cũng không ngán, ăn thay cơm đủ 30 ngày cũng được. Mấy lúc như vậy, chị chỉ cười, bảo ông tướng dẻo miệng dễ sợ mà vẫn ế chổng mông suốt 28 mùa lá rụng.

Năm nay cũng vậy. Trước khi cho muỗng chè vào miệng, mắt nó lia qua những hạt đậu đỏ; sau đó tặc lưỡi, nói.

“Giá mà từ đây đến cuối đời, mùng bảy tháng Bảy nào cũng đều được ăn chè của chị thì hay biết mấy!”

Năm đầu tiên khi chị nghe thấy mấy lời sến rện như này, đang ăn thì sặc cả đậu đỏ lên trên mũi, ho lấy ho để hồi lâu. Ai mà không biết thì cứ tưởng là nó đang tán tỉnh chị. Nhưng là phụ nữ đã qua một lần đò, chị biết thừa mấy cái mánh khóe trêu ghẹo này. Những năm sau đó nữa, nó cũng lặp lại câu nói y hệt năm đầu. Nhưng chị như đã tiêm vắc-xin miễn nhiễm với những lời như đường thốt nốt của nó, thành ra chỉ biết trưng bộ mặt dửng dưng kèm một cái nhún vai.

Đại loại như bây giờ, ngay khi nó vừa dứt kịch bản cũ mèm năm nào cũng xào đi xào lại; chị “À” lên một tiếng, nhún vai rồi cười khinh bỉ.

“Thời buổi tiên tiến rồi, em mà còn không chịu đổi mới là gái sẽ né em hết đó!”

“Ui xời!” Nó cho muỗng chè vào miệng, vẻ mặt thỏa mãn biểu hiện qua nụ cười mỉm, “Em không thèm nhìn đến tụi nó ấy chứ! Em mà có bồ, con gái em sẽ giận em!”

“Trời đất ơi! Coi cái mặt không biết xấu hổ mà đi nhận vơ con gái của tui kìa trời!”

Chị trừng mắt, mang theo sự hăm dọa truyền đạt đến người đối diện nhưng không khác gì nước đổ đầu vịt. Uyên – con gái của chị và chồng cũ, sáu tuổi. Năm chị ly hôn, Uyên chưa đầy ba tuổi. Mọi người khi đó khuyên sao không vì con mà nhẫn nhịn, bỏ qua để giữ gia đình trọn vẹn. Họ trách chị bồng bột, không chịu nghĩ đến việc con bé lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha là chuyện tồi tệ thế nào.

Chị biết, nhưng chị vẫn quyết định ký vào đơn ly hôn. Người ta rất dễ phán xét một ai đó cho đến khi bản thân họ trở thành nhân vật chính trong câu chuyện. Chị không phản bác, cũng không thanh minh, chỉ cần mình không hổ thẹn với lòng. Cho đến tận lúc ra tòa, chị vẫn có đủ kiêu hãnh ngẩng cao đầu để nói với chồng cũ rằng mình chưa từng làm gì sai trái trong cuộc hôn nhân này.

Nhưng xét cho cùng, để con cái lớn lên trong hoàn cảnh khuyết mất phụ huynh vẫn là một thiệt thòi.

Lúc nó gặp chị vào ba năm trước, khi đó chưa có quán chè. Chị với cái đòn gánh nặng oằn trên bả vai nhỏ nhắn cùng tiếng rao “Ai ăn chè đậu đỏ nước dừa hôn!” ngang qua nhà khiến nó thấy tội. Trong lòng nó khi đó cảm thán: Trời ơi! Người đâu còn trẻ vậy mà đã chịu đoạn trường. Nhưng mà nó không nghĩ đến, rằng thật ra đau khổ và xót xa vốn đâu có giới hạn độ tuổi bắt đầu. Nếu nó không mỗi ngày đều ngoắc tay hô lớn “Bán cho tui một chén!”, không từ lạ thành quen rồi đề nghị bỏ vốn cùng nhau mở quán; chắc chị giờ này vẫn còn bên cái đòn gánh năm nào, trưa nắng chang chang đội nón lá đi khắp ngõ hẻm, rao tiếng rao khiến người ta nghe xót lòng.

“Mới đó mà ba năm rồi ha!” Chị bùi ngùi nhớ lại, giọng trầm hẳn đi, “Kể từ lúc chị gặp em.”

Nó “Ừm” một tiếng, trong đầu lúc này là hình ảnh của những thước phim quay ngược không rõ màu sắc. Vị ngọt thanh nơi cổ họng vì chuyện cũ lại chợt thấy có chút mằn mặn đặc trưng.

“Vậy những năm qua, chị có vui không? Ý em là, từ lúc gặp em ấy?”

“Tất nhiên rồi!” Chị hít một hơi sâu, vực dậy năng lượng tích cực trong người đang chùng xuống, “Từ khách hàng thân thiết tự dưng trở thành đối tác hùn hạp chung, làm ăn cũng có đồng ra đồng vô. Vui quá đi chứ mậy?”

Chị cười, nó cũng cười. Nhưng chỉ nó biết, phía sau nụ cười của mình chất chứa rất nhiều nỗi niềm. Nỗi niềm đó được nó chuyển hóa thành lời qua từng năm, vào ngày này nhưng không thành. Nó không dám nói thẳng vì sợ vết thương trong lòng chị chưa lành. Rồi lại sợ chị sẽ như một con nhím, xù những chiếc gai nhọn trước sự nghiêm túc của nó để bảo vệ trái tim mình khỏi những tổn thương.

Nhưng chị không biết, từ lúc thấy chị với cái đòn gánh và tiếng rao giữa nắng trưa; cảm xúc của nó vẫn chưa từng thay đổi, cho đến tận bây giờ. Nó muốn nói rằng nó có thể thay thế vị trí người cha đã khuyết của Uyên, cho con bé một tình thương như những người cha bình thường khác dù không phải máu mủ; rằng chị có thể chuyển chỗ ở từ cái phòng trọ ọp ẹp trong con hẻm tối om kia đi để về nhà nó, ba mẹ nó không khó tính đâu; rằng thật ra không phải cứ ai đã từng trải qua tan vỡ rồi thì không có quyền được bước tiếp.

Nó còn muốn nói nhiều điều khác nữa với chị. Nhưng khi chén chè đậu đỏ trước mặt đã sạch bong, nó chỉ mỉm cười và lặp lại cái giọng thiếu nghiêm túc lúc nãy:

“Năm sau chị lại chừa hai chén chè đậu đỏ ra nữa nha!”

“Chị biết rồi! Thôi dọn dẹp lẹ đi, trời sắp chuyển mưa rồi kìa. Ngưu Lang với Chức Nữ gặp nhau đó!”

Chị vừa nói, vừa nhìn lên trời, trông thấy mây đen đang kéo đến ngày một dày.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

ntct95

Gà tích cực
Tham gia
28/3/21
Bài viết
99
Gạo
0,0
Re: Những Mẩu Ngắn
Tôi là một người nghiện cà phê. Mỗi sáng, trên bàn làm việc của tôi đều có một tách sữa đá với chín phần cà phê và một phần sữa.

Tuy vậy, thi thoảng tôi vẫn hay dừng chân ở quán trà sữa Phúc Long gần nhà và gọi một ly size L. Cơ bản thì khi con người ta nhấm nháp vị đắng khá lâu, cơ thể sẽ tự động bật công tắc thèm ngọt như một lần ngoại lệ.

Lần bật công tắc gần nhất của tôi là vào tuần trước, hậu quả là bị mẹ mắng té tát. Nguyên nhân do tôi đã nói rằng ly trà sữa ô long thơm béo của Phúc Long to thế mà chỉ có hai mươi nghìn, sau đó bị bà phát hiện.

Mẹ mắng vì tôi nói dối là phụ, thật ra bà tiếc đứt ruột vì ly trà sữa giá hơn năm mươi nghìn mới là chính.

Trở lại vào cái ngày tôi bật công tắc thèm ngọt, đó là một ngày khá nóng. Sài Gòn như một cái lò xông hơi siêu to khổng lồ mà chỉ cần bước chân ra khỏi nhà mười phút là mồ hôi (hoặc mỡ) chảy như tắm. Tháng Chín, mùa thu thì lá vàng. Những tán cây ở công viên gần nhà tôi cũng đầy rẫy lá vàng, nhưng không phải do mùa thu mà là bị cháy nắng. Chúng vừa vàng, vừa héo, lặt lìa chờ ngày bị rũ khỏi cành.

Trời nóng thì tâm lý con người sẽ phát sinh một nhu cầu, đó là muốn uống gì đó thật lạnh để làm mát cổ họng. Hôm đó, cơn nghiện cà phê của tôi bị ý nghĩ thèm ngọt chèn ép, buộc bản thân đến cửa hàng Phúc Long gần nhà và rước cho mình ly ô long sữa về giữa trưa nắng chang chang.

Mọi chuyện bắt đầu từ đây.

Gia đình tôi có gen tiểu đường di truyền từ đời ông ngoại, cho đến đời mẹ và cậu, dì. Vậy nên nhà tôi cấm kị đồ ngọt, đặc biệt là thứ có nhiều calo như trà sữa hay bánh kem. Mẹ tôi là một phụ nữ truyền thống và có tinh thần kỷ luật thép. Bà cho phép bản thân đụng vào “hàng cấm” với tần suất hai lần một tháng, và theo thuật ngữ của dân tập thể thao thì tháng này mẹ chưa cheat day ngày nào.

Cho đến khi tôi trở về nhà với ly nước trên tay.

Bình thường, tôi không mời mọc mẹ những thứ có hại cho bệnh tiểu đường của bà, và bà thì cũng không thích những thức uống của giới trẻ bây giờ. Vậy mà bữa đó trời xui đất khiến làm sao, hoặc cũng có thể do trời nắng đã làm mình ấm đầu, tôi cắm ống hút vào ly trà sữa, đưa đến trước mặt bà và ra dáng một đứa con hiếu thảo.

- Mẹ uống thử cái này đi! Nó ngon lắm!

Ban đầu, mẹ từ chối. Mãi khi tôi năn nỉ đến lần thứ năm, bà mới miễn cưỡng đưa ống hút lên miệng và nhấp thử một ngụm, sau đó khen lấy khen để chỗ này “cũng được”.

Cuối cùng, tôi nhường hết cả ly trà sữa cho mẹ, còn mình uống trà đá.

Nếu mọi chuyện kết thúc ở đây thì không có gì để nói (và để viết). Vấn đề ở chỗ sau khi mẹ tôi gật gù với thái độ vừa lòng vì trà sữa ngon, bà hỏi một câu vô cùng quen thuộc:

- Mày mua ly này hết bao nhiêu tiền?

Mẹ tôi là một người có tính tiết kiệm. Hiển nhiên thế hệ đi trước sinh ra và sống trong thời buổi chiến tranh loạn lạc mưu cầu ăn no, mặc ấm hơn là ăn ngon, mặc đẹp. Suy nghĩ thúc đẩy hành động, hành động nhiều tạo nên thói quen thậm chí trở thành quan điểm. Tôi vẫn hay nghe đồng nghiệp và bạn bè tâm sự rằng phụ huynh của tụi nó dù đã ở trong thời bình và điều kiện sống cũng đi lên nhưng vẫn chắt chiu từng đồng lẻ, mua bất kỳ thứ gì cũng đắn đo rất lâu. Âu cũng là vì chịu ảnh hưởng bởi những mảng màu trong cuộc sống mang tên “quá khứ”.

Mẹ tôi – với quan điểm những thứ không cần thiết thì đừng nên mua, hoặc nếu có mua thì cũng nên cân nhắc giá tiền. Trà sữa và bánh kem là hai trong số những gạch đầu dòng nằm trong danh sách đen của bà. Việc đốt tiền vào những thứ không có lợi cho sức khỏe là lý do khiến tôi thường xuyên bị la, dù chúng là những chuyện vô cùng lông gà vỏ tỏi.

Vào thời khắc mẹ hỏi giá tiền ly trà sữa, tôi có cảm giác chuyện lông gà vỏ tỏi kia một lần nữa sắp tái diễn.

Để ngăn không cho bom nguyên tử nổ như sự kiện lịch sử ở Hiroshima và Nagasaki, tôi quyết định lấy râu ông này cắm vào cằm bà kia, đem bảng giá của quán trà sữa nhà làm ở đầu hẻm áp vào ly Phúc Long size L.

- Dạ, có hai mươi nghìn thôi!

Thuở nhỏ, tôi hay nói dối mẹ mỗi khi ăn vụng đồ bà cất ở gạc-măng-rê và cái kết là bị đánh tơi bời. Lớn lên thì tôi không bịp bợm chuyện ăn vụng nữa, thay vào đó là chuyện giá cả. Ví dụ như một chiếc áo ba trăm nghìn, qua miệng tôi và đến được tai mẹ thì nó lại là một con số khác thấp hơn; hay tô phở năm sáu mươi nghìn được tôi mua về nhà, sau đó tụt xuống còn ba mươi.

Dĩ nhiên mẹ không phát hiện những chuyện này, và tôi thấy việc làm này cũng không mang mục đích xấu nên cứ thế mà triển tới tấp.

Nhưng người ta vẫn hay nói: đi đêm có ngày gặp ma.

Đằng này, tôi mua trà sữa vào ban ngày nhưng kết quả cũng không khác mấy ban đêm.

Sau khi nghe ly trà sữa có giá hai mươi nghìn, mẹ gật đầu và không nói gì. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm, ấy là trước khi thấy bà xoay chiếc ly một vòng rồi nhìn chăm chú vào một chỗ trên thành ly.

Lúc này, tôi nhận ra mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.

- Mày nói ly trà sữa này hai mươi nghìn, vậy sao cái nhãn ở đây ghi năm mươi lăm nghìn?

Đến đây thì không cần kể nữa, hẳn là mọi người cũng mường tượng được chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Có điều, tôi không thấy bực khi nghe phụ huynh hát cải lương vì chuyện này. Vì xét cho cùng, đứng ở góc nhìn của mẹ, việc tôi làm là một hành động phung phí. Và góc nhìn của mẹ được hình thành qua những năm tháng khổ sở thời ấu thơ - cái thời mà người người, nhà nhà phải ăn bo bo hoặc lúa mì thay cơm.

Một ổ gà không thể vấp ngã hai lần. Rút kinh nghiệm từ ly trà sữa, vài hôm sau tôi có mua cho mẹ thêm ly rau má ở ngã tư gần nhà, giá hơn ba mươi nghìn. Trước khi đưa đến tay bà, tôi đã nhanh trí xé nhãn trên thành ly, phi tang dấu vết sạch sẽ.

Người tính không bằng trời tính, hay nói đúng hơn là tôi tính không bằng mẹ tính. Mẹ tôi thích loại nước này, nhớ cả tên cửa hàng in trên ly. Bà không cần tôi mua cho nữa, trực tiếp ra thẳng cửa hàng (dù mọi khi bà không bao giờ ghé những nơi như thế này!).

Kết quả, mọi con đường đều dẫn đến La Mã. Và tôi vẫn không thoát khỏi tình cảnh nghe lại điệp khúc vọng cổ mẹ tự biên soạn, thay vì “Lan và Điệp” hay “Gánh trầu xanh” bà vẫn thường hát.
 
Bên trên