Chương 7:
Cánh thứ tư của cỏ bốn lá - nhóc Huy!
Cỏ bốn lá là cỏ may mắn. Người ta nói cánh thứ tư chính là hiện thân của may mắn, ba cánh còn lại lần lượt là niềm tin, tình yêu và hy vọng. Nếu ai tìm được cánh thứ tư ấy, thì may mắn sẽ mỉm cười với họ.
~*~
Tôi diện bộ đồ Lệ Mai chọn cho tôi đi cổ vũ cho hội thao tỉnh, sáng nhóc Huy nó cứ trêu tôi hoài.
“Chị Hai mặc đồ này trông xinh ghê nè mẹ ơi!” Nó vừa nói vừa nhảy tưng tưng khắp nhà, thật không hợp với bộ dạng cao to của mình chút nào.
Mẹ tôi cũng khen bộ đồ ấy đẹp. Chắc tại Lệ Mai có con mắt thẩm mỹ hơn tôi. Đồ tôi chọn chẳng bao giờ mẹ khen cả. Lần sau đi mua đồ tôi sẽ dẫn cô ấy theo. Và quyết không chọn những bộ đồ lôi thôi nữa.
Hội thao tổ chức ở sân vận động lớn của tỉnh, cách trường chúng tôi không xa. Mới sáng sớm mà đã toàn là người với người. Tôi, Phát và nhóc Huy chen muốn xỉu mới lọt vào hàng ghế gần chỗ thi đấu.
Mai còn đi sớm hơn cả ba chúng tôi. Cô ấy ngồi đó với Thành. Hôm nay cô ấy mặc một chiếc váy màu hồng trông rất điệu đà với mái tóc uốn dài xõa xuống vai (bình thường vẫn cột lên) trông rất đẹp. Tôi nhìn lại mình. Thôi thì dù thế nào tôi cũng không bằng được cô ấy.
Tôi rút lại câu nói lúc nãy, có lẽ tôi vẫn là tôi của trước kia thì hơn.
Thấy tôi ỉu xìu Phát tưởng tôi mệt nên vén vén tóc tôi rồi bắt đầu cằn nhằn: “Cậu mệt à? Biết vậy tôi đã không thèm hứa với cậu đi thi đấu làm gì.”
Cậu ấy nói rồi chìa chai nước ra trước mặt tôi bảo tôi uống. Tôi uống một ngụm nước cho cậu ấy yên tâm chứ thực ra tôi không khát tẹo nào. Mà dù tôi có mệt đi nữa thì việc uống nước cũng chẳng có liên quan gì.
“Không có gì đâu mà, mình không mệt!” Tôi lè lưỡi với cậu ấy.
Phát cười. Cậu ấy thấy tôi còn đùa được chắc đã yên tâm hơn nhiều rồi. Tôi cũng thấy vui, lúc nào có Phát bên cạnh dù trời có sập xuống tôi cũng yên tâm.
Thành thi đấu sau Phát, nhưng hai người theo thầy thể dục vào cùng một lúc nên chỉ còn ba đứa tôi ngồi trơ trọi một mình. Sáng giờ nhóc Huy cứ tí tởn đi theo Thành nói chuyện với anh ấy. Tôi ngồi giữa Mai và Phát nên cũng không có dịp nói chuyện với Thành.
Dù rất muốn, nhưng từ lúc thân nhau đến giờ tôi tự nhủ lòng mình rằng nên chôn sâu tình cảm với Thành đi. Nếu không, ngay cả Mai cũng không muốn làm bạn với tôi nữa. Tôi không muốn mất đi một người bạn chân thành như Mai. Tôi không muốn mình là Xuân Thanh thứ hai, vì tình yêu hay sự đố kị mà mất đi lí trí.
Tôi biết tình cảm ấy rất dễ khiến tôi sa ngã, nhưng tôi vẫn đang cố gắng kiềm lòng mình, không để mọi thứ đi quá xa. Nếu đến mức tôi không thể ngăn cản được, tôi thà tự làm đau mình chứ không để tổn thương Mai, như tôi đã từng bị.
“Thi đấu xong năm đứa mình đi ăn rồi hãy về. Hôm nay mình không có học gì cả.” Khi vòng thi đấu cuối cùng sắp xong cô ấy kéo tay tôi lại, sợ tôi và nhóc Huy kéo nhau về trước.
“Không được, không được. Chị quên là tụi mình phải về nhà nội anh Phát sau khi trận đấu kết thúc à?” Nhóc Huy kéo kéo tay tôi.
Lúc đó tôi mới nhớ ra là có chuyện đó thật. Hôm qua nói chuyện điện thoại với chị họ Phát rất lâu thế mà sáng giờ lại suýt quên. Thật tệ.
Vậy là sau khi thi đấu xong Thành và Mai về trước. Thành được giải nhì, còn Phát đứng thứ ba, cậu ấy đi thi chỉ vì tôi mè nheo thôi, chứ tôi thừa biết cậu ấy cũng không thích thú gì.
Đợi người ta kéo nhau ra khỏi nhà thi đấu hết, năm đứa chúng tôi mới chia tay nhau ở cổng. Tôi nhìn theo Mai và Thành mà tiếc hùi hụi vì lỡ mất một lần đi ăn với anh. Nhưng không sao, hôm nay chắc sẽ là một ngày vui vẻ với tôi, vì có nhiều niềm vui nữa đang chờ tôi nơi nhà nội Phát.
Nhà nội cậu ấy là một đại gia đình, nói thế vì nơi đó có nhiều thế hệ sống với nhau. Ông nội cậu ấy từng đi lính, sau khi hòa bình ông mới về lại nơi mảnh đất quê hương mình. Đó là nơi ông sinh ra và lớn lên, nên khi chết đi ông cũng muốn mình nằm xuống tại đó. Các ngôi nhà ở gần thành một cụm, toàn của các chú bác cô dì cậu ấy, đất đai ở đây thì đa số là của ông nội và bác cả Vinh. Dù ai có làm gì, bác cả vẫn theo nghề nông, và ông nội ủng hộ bác bằng cách để lại đất đai cho bác ấy làm.
Những người khác muốn học gì làm gì ông đều hỗ trợ, miễn sao có được cái nghiệp đàng hoàng. Giống như ba Phát, không được gì ngoài tấm bằng luật sư, mà có khi tấm bằng ấy hơn đứt mấy thửa ruộng của nội rồi.
Ông nội giờ chỉ sống với cô Út và dượng, bà nội đã mất cách đây vài năm, vì thương nội nên cô Út không nỡ gả đi. May mà cô gặp được người yêu thương mình nên chấp nhận ở rể, không biết tôi có may mắn gặp được một người như dượng không nhỉ? Dượng đi làm cũng gần nhà nên có thể về thường xuyên, chị Ngọc thì chiều nay mới về tới vì chị đi học Đại học tận Sài Gòn, khi nào nghỉ mới được về. Thường thì ba mẹ Phát cũng sẽ về vào chiều nay, rồi sáng sẽ lái xe đưa chúng tôi đi học. Mà hễ nói đến gia phả nhà Phát là cứ rối tung cả lên, mỗi lần đám tiệc tôi đến chào hỏi từng người thôi đã mất cả tiếng đồng hồ rồi. Nhưng bù lại có rất nhiều con nít cho tôi chơi, chưa bao giờ tôi ngại việc thưa gửi nhiều người mà từ chối bất cứ chuyến đi nào về đây.
Ba đứa chúng tôi đi xe bus hơn nữa tiếng mới đến nơi, năm nay vừa xây cầu nên giao thông thuận lợi, mấy năm trước toàn đi phà nên chúng tôi cũng ngại phải đi. Xuống xe bus còn phải đi bộ một quãng chừng hai, ba cây số mới đến nhà nội cậu ấy. Chúng tôi đi trên con đường xi măng trải dài, nhóc Huy ôm một cái ba lô bự kệ nệ đi sau lưng tôi, chốc chốc lại bắt tôi đút nước cho nó uống.
Đi mãi cũng đến nơi, ông nội đang ngồi ở bàn nước trước nhà, thấy chúng tôi thì vui vẻ hẳn lên. Trong trí nhớ của tôi lúc nhỏ ông nội là người hơi nghiêm khắc, ngày xưa tôi cũng sợ ông lắm nhưng dần dần tôi hiểu ra ông chỉ nghiêm khắc với mình Phát thôi, còn chúng tôi thì... vô tư. Có lẽ đó là cách răn dạy Phát từ lúc cậu ấy còn rất nhỏ, mà cậu ấy chắc cũng bị huấn luyện cỡ như bộ đội kìa. Chỉ là, cậu ấy đi lính gần mười tám năm vẫn chưa được xuất ngũ.
Mặt trời đã lên cao trên tán cây me trước cửa nhà. Ba đứa chúng tôi ngồi trước sân lặt rau phụ dì Út. Thực ra thì nhóc Huy về cái khoản này nó giỏi hơn Phát rất nhiều. Cậu ấy lặt cọng rau nào cũng xấu xí, bị cô Út đuổi lên bàn uống nước với nội. Nội nhìn chúng tôi móm mém cười. Thực ra nội cũng đã già rồi, không quản nổi lũ nhỏ nữa. Tôi nghĩ giờ mà Phát có nổi loạn, nội cũng chẳng thể làm gì được cậu ấy đâu.
Nhặt rau, nấu cơm xong xuôi cũng đã đứng bóng mười hai giờ. Chúng tôi ăn cơm xong rồi mỗi đứa mắc một cái võng phía sau hè nằm. Những cơn gió nhẹ lướt qua làm tôi thiếp đi lúc nào không hay. Lúc thức dậy đã xế chiều rồi. Phát và nhóc Huy không biết đã biến đi đâu biệt tăm.
Tôi đi vòng một vòng quanh nhà cũng không thấy hai người ấy đâu, đang định hỏi ông thì thằng nhóc nhỏ kéo kéo vạt áo tôi.
“Khị... khị...”
Tôi chẳng biết nó nói gì, ngớ ra một lúc lâu mới biết là nó đang kêu tôi bằng chị.
Thằng nhóc nhỏ chỉ cao hơn đầu gối tôi tí xíu, chắc khoảng hơn một tuổi. Gớm, nó chỉ chập chững biết đi thôi mà đã đi được tận đây. Bàn tay nó trắng nõn, những ngón tay ú núc. Nó có đôi mắt tròn xoe, tóc thì chỉ lưa thưa vài ba cọng trông rất ngộ. Một tay nó giữ chặt lấy vạt áo tôi còn tay kia chỉ ra hướng mé bên kia bờ ruộng.
“I... i... khị khị...”
Tôi vòng tay ôm nó vào người. Trông nó bé tí xíu vậy chứ cũng nặng lắm. Nó ôm cổ tôi vẻ hí hửng rồi cứ liên tục mấy tiếng vô nghĩa i i i i...
Bên cạnh nhà nội là nhà của bác Vinh, chắc đây là cháu của bác, con chị Nhàn. Thằng nhóc được tôi bế lên thì nó thích thú hẳn. Người nó cứ rướn lên phía trước, mà nó nặng vậy rồi tôi không thể đi nhanh hơn được nữa.
Đi đến cửa nhà bác Vinh tôi đã mệt bở hơi tai. Tôi thấy chị Nhàn đang phơi quần áo ngoài sào, chị ấy thấy tôi ôm thằng nhóc chỉ hoảng hồn bỏ quần áo đi lại chỗ tôi đỡ lấy thằng nhóc. Nhóc con thấy mẹ thì đôi mắt sáng rực lên.
“Em gặp thằng nhóc ở đâu vậy? Trời đất ơi, chị để nó trên võng ngủ rồi mà.”
Chị Nhàn lấy tay sờ sờ thằng nhóc xem nó có sao không, còn nó thì cười khặc khặc không biết mẹ nó đang lo lắng vì nó thế nào.
“Nó gặp em bên nhà ông, đòi em qua đây đó chị. Mà chị thấy Phát với em trai em đâu không?”
“Nó ở bên kia chơi thả diều kìa, em ôm thằng nhóc này qua đó chơi đi, lát nữa chị qua.” Nói rồi chị Nhàn giao thằng nhóc lại cho tôi. Chắc nó biết sắp được tôi dẫn đi chơi nên hôn chụt một cái lên má tôi. Thằng bé tí xíu mà thông minh gơm, chắc khi lớn lên nó hơn tôi gấp mấy lần ấy chứ.
Phát thấy tôi ôm thằng nhóc con qua thì chạy lại ôm thằng nhóc trên tay tôi. Nó cười khanh khách. Đúng là phản bội, mới đó đã có đồng minh mới, nó quên là ai ôm nó qua đây à?
Phát lo giữ thằng nhóc, hai người có vẻ hòa hợp. Hình như bất cứ thằng nhóc nào cũng thích cậu ấy thì phải. Lúc nhỏ nhóc Huy cũng đi tò tò theo Phát mà không mặn nồng lắm với những trò chơi của tôi.
“Sao mày ngu quá vậy hả?”
Tôi giật mình nhìn sang thấy thằng nhỏ chừng bảy tuổi đang đánh vào đầu chị nó. Hai chị em là con dì Phước cách đây không xa, tôi có gặp chúng nó được mấy lần. Tôi thấy nhỏ chị không nói gì, chỉ lẳng lặng sửa lại con diều cho thằng em. Thằng nhỏ vênh mặt lên ra vẻ ta đây khi sai vặt được chị nó.
Thật ra không biết có phải mỗi người chị hai nhu nhược đều bị em trai mình ăn hiếp hay không. Tôi cũng là một người nhu nhược nhưng từ nhỏ đến lớn nhóc Huy chưa bao giờ đối xử với tôi như vậy.
Tôi nhìn sang nhóc Huy, nó đang lúi húi tìm cái gì trên bãi cỏ xa xa đằng kia. Chợt tôi thấy mắt mình cay cay.
Tuổi bốc đồng của một đứa con trai mới lớn nào cũng muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, muốn hơn người khác. Nhưng chưa bao giờ nhóc Huy vì điều gì mà tỏ ra hơn tôi, hay khôn ngoan, hay tốt hơn tôi. Nó bao giờ cũng làm những điều mà nó cho là đúng, cho là tốt với tôi thôi.
Tôi chưa từng trải qua thời bị em trai mình ăn hiếp, hay giành đồ chơi và tình thương của ba mẹ. Nó với tôi sống một cách hòa hợp đến kì lạ. Bởi từ thời khắc nó hiểu chuyện, nó luôn nhường nhịn tôi như tôi là em gái nó chứ nó không phải là em trai tôi. Lúc nhỏ nó cũng có nghịch một xíu xiu là hay lấy tay vò tóc tôi cho rối tung lên, rồi bật cười khanh khách ra vẻ thích thú. Và trò nghịch phá của nó với tôi duy nhất chỉ có thế.
“Chị Hai, lại đây có cái này hay lắm nè!” Nhóc Huy quay lại thấy tôi đang nhìn nó thì lấy tay huơ huơ bảo tôi lại.
Phát nghe nó gọi cũng tò mò đi theo.
Thằng nhóc Huy nó nằm mọp dưới bãi cỏ, tay mân mê những cụm cỏ ba lá. Trên tay bên kia là cọng cỏ bốn lá còn xanh ươm.
“Cho chị nè! Mấy lần trước em với chị tìm hoài mà không thấy, cuối cùng cũng tìm được.”
Tôi chợt nhớ những ngày trước tôi cũng dốc sức tìm cỏ bốn lá ngoài cái bãi cỏ này. Cỏ bốn lá là cỏ may mắn. Người ta nói cánh thứ tư chính là hiện thân của may mắn, ba cánh còn lại lần lượt là niềm tin, tình yêu và hy vọng. Nếu ai tìm được cánh thứ tư ấy, thì may mắn sẽ mỉm cười với họ.
Và khi nhóc Huy đưa cây cỏ ấy qua tay tôi, tôi chợt sững sờ nhận ra rằng: những điều tôi cố công tìm kiếm bấy lâu nay thật vô nghĩa, nhóc Huy chính là may mắn mà bấy lâu nay tôi vẫn đang cố chấp đi tìm. Và may mắn ấy vẫn ở bên cạnh tôi trong suốt ngần ấy năm qua, chỉ là tôi đã không nhận thức được sớm hơn.
Thật may mắn khi có được một người em trai như vậy!
Nắng chiều nhuộm thắm cả một bãi cỏ trải dài với gió và cát bụi. Hoàng hôn dần buông, một ngày nữa sắp qua đi. Và điều tốt đẹp nhất vẫn ở lại bên tôi. "Nhóc Huy..." Tôi lẩm nhẩm rồi mỉm cười. Nhưng khi chớp mắt, tôi mới chợt nhận ra mắt mình đang cay, cay lắm...Cay vì hạnh phúc!