Dã Sử Nữ trạng nguyên - Cập nhật - codinhvan

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
Tên tác phẩm: Nữ trạng nguyện
Tên tác giả: Vian Dinh Van Co
Tình trạng sáng tác: Hoàn tất
Tình trạng đăng: cập nhật hằng tuần

Tóm tắt nội dung bản thảo

Nguyễn Thị Duệ vì có một lòng ái quốc đối với nhà Mạc nên quyết định thi. Nàng may mắn đỗ Trạng. Nhưng vì là nữ nhi nên phải cam chịu tội chết. Vua Mạc Kính Cung cảm tài nên phong làm Tinh phi.

Mưu kế nàng đưa ra là vua Mạc và vua Lê cùng hợp sức diệt họ Trịnh. Chúa Trịnh Tùng không muốn vua Lê tham gia nên bắt cóc nàng về Đông Kinh để khuyên giải nhà vua. Lúc này, nàng có cơ hội hiểu rõ thêm về thời cuộc bấy giờ. Nàng đã có lựa chọn phù hợp để giữ vững lòng trung thành với Đại Việt.
 

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
LỜI MỞ ĐẦU

Kiếp hồng nhan có truân chuyên, cũng do mình mà thôi.









Đức Thái Tổ[1] độ[2] chúng sinh,

Trong ngoài một cõi thái bình nhiều năm.

Cựu triều[3] bạc đức còn căm,

Bao năm mưa dầm[4] gọi là trung hưng[5].

Phận cỏ cây, sức có chừng,

Liệu thân này chỉ mong ngừng cơn mưa.


Chương 1

Những kẻ trộm nghĩa hiệp

Khi Trịnh Tùng chiếm lại Đông Kinh cho nhà Lê, rất nhiều người họ Mạc bị giết. Một số quan lại trung thành tiếp tục cùng dòng họ nhà Mạc chạy loạn, một số người tuẫn tiết cùng triều đại. Số khác thì tham sống sợ chết mà hàng phục nhà Lê và chúa Trịnh. Chính những quan lại này là mục tiêu của những phần tử quá khích, những thế lực trong phủ chúa Trịnh hay trong triều đình nhà Lê. Họ và gia đình được bảo toàn tính mạng nhưng cuộc sống thường nhật không yên…

Họ tuy có cuộc sống nằm ngoài thế sự, vì chúa Trịnh sẽ không bao giờ trọng dụng những con người như vậy. Nhưng hay được anh hùng hảo hán hỏi thăm về tiền của có trong nhà.

Một nhà quan lại như vậy thường có nhiều người hầu và binh lính canh gác.

Ánh trăng vằng vặc sáng tỏ nhiều ngóc ngách trong phủ. Ngọn lửa bập bùng cháy lan ra theo bóng người rượt đuổi trong đêm. Đêm nay, một nhóm người hay “hỏi thăm” các quan lại ra tay. Ánh đuốc sáng không bắt kịp bóng người lướt qua vội, vì họ có thân thủ không tầm thường. Những tên lính, người hầu cầm đuốc chạy trong khuôn viên nhà lo lắng cho số phận mình nếu không bắt được hai kẻ đột nhập. Một người lính hét to:

- Đại nhân ban thưởng cho bất kì ai bắt được một tên trộm!

Hai toán lính chạy từ hai phía đến chặn hai người mặc đồ đen. Cả hai quay lại thì chúng chạy tới tạo thành một tam giác bao vây. Cả hai đành bỏ túi vải xuống mà chuẩn bị cho một cuộc chiến.
Một người áo đen rút sau lưng ra hai thanh kiếm, với một giọng đanh thép: “Đánh thôi”.

Cả hai áo đen cùng ẩu đả với bọn lính, nhưng không chủ đích đả thương ai, chỉ đoạt vũ khí của họ. Như cách người này kề kiếm ngay cổ một người lính, rồi không dùng cạnh sắc mà dùng mặt kiếm đánh vào cổ tay để dọa người lính tự làm rơi kiếm. Người áo đen còn lại thì dùng một kiếm, nửa chừng đang đánh với hai người lính thì dùng roi da quấn lấy lưỡi kiếm của đối phương rồi hất tung nó ra phía sau. Nhưng cũng có vài người lính, họ buộc phải đả thương, rồi họ xin lỗi ngay. Việc họ xin lỗi khiến những người lính của phủ quan cảm thấy lạ, nên tấn công có phần không quyết liệt như trước. Cứ dùng dằng mãi nên hai người áo đen không thể thoát khỏi vòng vây.

Ở phía sau, một loạt cung được giơ lên. Viên quan đòi đoạt mạng hai kẻ đột nhập. Tên lính đứng hàng đầu giương cung mà nhắm vào người dùng song kiếm. Nguyễn Thị Duệ là người ấy. Nàng không biết mạng sống của mình ngàn cân treo sợi tóc.

Mũi tên lao gần tới Thị Duệ. Thì bị một mũi tên khác đánh bật ra. Thị Duệ vui vẻ quay lại với ánh mắt cười. Một tên lính nhảy lên rồi vung kiếm chém xuống đầu Thị Duệ. Thì người áo đen còn lại rút roi da đeo bên hông mà vung ra. Roi da cuốn vào cổ tên lính. Tên lính bị kéo giật ngược về đổ lên một toán lính. Thị Duệ và người đó tựa lưng vào nhau, cùng vào thế thủ. Người đó là Trịnh Thị Ngọc Trinh. Nàng nói: “Yên tâm đi, chị còn có em mà!”.

Lần lượt trong hàng từng tên lính bị bắn tạo thành lối đi. Toán lính hiểu được rằng hai người áo đen có trợ thủ. Nhìn thấy tên lính trong góc giương cung, thì Thị Duệ hét to: “Cẩn thận!”. Người áo đen thứ ba vừa nhảy xuống từ mái nhà, vừa giương cung. Đó là Giáng Hương, người em họ của Thị Duệ. Người thứ tư nhảy xuống theo Giáng Hương, trông có vẻ vụng về. Đó là Hồng Hoa, người bạn tâm giao của chị em Thị Duệ.

Giáng Hương bắn trúng ngay trán tên cầm cung trong góc. Thị Duệ trách móc:

- Không giết người mà.

Ngọc Trinh và Hồng Hoa đồng thanh:

- Không còn cách nào khác!

Giáng Hương ném cung, rút hai cây trâm cài tóc khoảng nửa mét ra rồi đổ một lọ nước lên. Cô xông vào chém tên lính khiến hắn ôm vết thương ngã xuống, co giật, ứa nước bọt. Hồng Hoa vừa rút kiếm vừa lấy một ống trúc ra nhắm bắn thì một mũi kim bay thẳng đến cánh tay đang cầm kiếm của một người lính. Trong tích tắc người đó cũng bị trúng độc rồi làm rơi kiếm.

Cả bốn ẩu đả với bọn lính.

Trông Hồng Hoa như thể cầm kiếm chỉ để phòng thân, cô chỉ sử dụng những mũi kim tẩm độc. Ba người kia đang đánh thì có hai đường tên bắn xuống khiến bọn lính náo loạn. Bốn người xách hai túi vải chạy vội ra. Thị Duệ vừa chạy vừa hét lớn cảnh báo: “Coi như sự trừng phạt cho kẻ bỏ thánh thượng, mà theo giặc Lê!”.

“Tiền của bất chính của bọn phản chủ phải chia cho dân nghèo”, Thị Duệ đã nhiều lần cho là như vậy. Suy nghĩ thế, nên nàng cùng nhóm chị em của mình thường cướp giàu giúp nghèo. Họ cũng thường lén lút cho người nghèo khổ, nạn nhân vùng thiên tai, đặc biệt là những gia đình ở giáp khu vực nhà Mạc và nhà Lê thường giao tranh.


Ngoài cánh đồng phi lao, gió thổi lồng lộng. Hai túi vải được ném xuống bờ cỏ xanh. Bốn cô gái tháo khăn che mặt, vui vẻ ôm nhau vì lại vừa cướp được và thoát nạn.

Một tráng sĩ vừa tháo khăn che mặt vừa thân thiện mỉm cười, để lộ vài cái răng đen. Đó là Trịnh Tráng. Một tráng sĩ khác cao ngạo dùng kiếm hất túi vải. Ngọc Trinh buồn rầu thở dài vì biết hai người anh trai tìm được mình, đồng nghĩa với việc cô phải trở về Đông Kinh[6]. Biết ý em mình, lại muốn dùng dằng ở lại, Tráng bèn nói:

- Lệnh cha khó cãi... Em đã có một năm làm điều em muốn rồi.

Những người “chị em gái” quay nhìn Ngọc Trinh như muốn tìm câu hỏi. Ngọc Trinh nói với một giọng điệu nặng nhọc:

- Em phải về kinh đô cùng các anh trai...

Thị Duệ định nói thì Ngọc Trinh xua tay ngăn lại. Ngọc Trinh biết cho dù có cố gắng thế nào thì lần này, nàng cũng phải nhất định theo các anh trở về. Tráng quay sang ba người:

- Còn mọi người? Không lẽ cứ muốn sống cuộc đời “hành hiệp” như vậy à?

Thị Duệ rất ít khi gặp Trịnh Khải. Nên nàng không để ý cái gù ở kiếm của Trịnh Khải được tết rất tỉ mỉ và gắn một miếng ngọc nhỏ xanh nước. Nếu nàng quan sát tốt hơn thì có lẽ nàng không thất vọng về sau, khi biết thân phận thật sự của anh em họ. Chứng tỏ vào lúc này, tuy nàng có chí của kẻ trượng phu nhưng suy nghĩ, nhận thức cũng còn hời hợt, thiếu sâu sắc.

Thị Duệ lắc đầu. Giáng Hương giải bày:

- Tụi em cũng nghĩ rồi, nếu cứ bắt phạt bọn quan nhà Mạc đầu hàng nhà Lê mãi thì cũng không ổn.

Trịnh Tráng, Trịnh Khải ngạc nhiên nhìn Ngọc Trinh. Nàng tránh ánh mắt các anh trai mình.

- Phải đó. Nói một cách dễ nghe là cướp giàu giúp nghèo. Nói khó nghe là đạo tặc.

Trịnh Tráng thẳng thắn quá khiến các cô gái mếch lòng. Thị Duệ giải thích thêm:

- Chúng em sẽ lên Cao Bằng rồi tính tiếp, thánh thượng ở đó mà.

Trịnh Tráng ngại ngùng mở lời:

- Thị Duệ… Chúng ta có thể nói chuyện riêng không?

Giáng Hương liền nắm lấy tay Hồng Hoa đi ra. Cả hai mỉm cười ra chiều tinh ý, vì đoán biết hai người có tình cảm với nhau. Trịnh Khải dắt Ngọc Trinh đi hướng khác, cũng muốn nói vài lời riêng.

- Bọn họ không biết thân phận thật sự của em sao?- Trịnh Khải.

- Em không muốn mọi chuyện càng trở nên phức tạp. Chị Thị Duệ không thích người họ Trịnh chúng ta- Ngọc Trinh.

- Nàng ấy cũng chưa từng hỏi chuyện anh Tráng sao?- Trịnh Khải.

Ngọc Trinh gật đầu vẻ chán chường. Đó mới là điều đáng quan tâm… Thị Duệ đối đãi với bạn bè chân thành, không tính toán, không dò xét vì Thị Duệ luôn tin sống trong thời loạn này, ai cũng khổ như nhau. Thị Duệ không thể nào đoán được người chị em vào sinh ra tử với mình có thể có thân phận gì.

- Thánh thượng cũng rất lo cho em nên sai bọn anh đến đón về- Trịnh Khải.

Ngọc Trinh bất ngờ bởi thông tin này. Có phải bởi vì gần đây thánh thượng có tình ý với nàng mà người quan tâm nàng nhiều hơn? Đây không phải là lần đầu tiên nàng bỏ trốn. Nàng bỏ trốn lần đầu vì không muốn làm hoàng hậu rồi quen biết nhóm người Thị Duệ. Lần này, nàng bỏ trốn khỏi hoàng cung nhà Lê vì thật lòng không muốn bị ép phải sinh cho vua Lê một đứa con. Nhà vua không phải là đấng lang quân mà nàng hằng mong. Tuy nhiên cũng có những lần nhà vua ngốc nghếch cố gắng lấy lòng một hoàng hậu như nàng. Nghĩ đến đây, nàng mỉm cười. Có lẽ nàng sẽ chấp nhận số phận từ đây…

Bên này, Trịnh Tráng tâm tình cùng Thị Duệ, vì cũng đã lâu hai người không gặp nhau. Những gì chàng muốn nói không phải về thân phận của mình, mà là vấn đề chàng đã thê tử nhưng vẫn muốn kết tóc se duyên cùng nàng. Với chàng mà nói, chuyện này thật sự rất khó mở miệng.

- Nhà Lê ở Đông Kinh quan tâm chăm sóc đến người dân lắm, ở đó cuộc sống tốt hơn nơi nhà Mạc cát cứ.

Thị Duệ không đồng tình:

- Nhưng tất cả đều đặt dưới bàn tay của Trịnh Tùng. Chàng đừng buồn như vậy, chúng ta rồi sẽ gặp lại mà!

Trịnh Tráng nói thêm:

- Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở quán trọ của Hồng Hoa, hãy đợi ta đưa Ngọc Trinh về nhà. Nàng phải hứa là sẽ đợi ta đó!

Trịnh Tráng định nắm tay Thị Duệ thì nàng rút tay lại.

- Nam nữ nên có khoảng cách, gần quá thì không hay.

Thị Duệ không thích cái cách Tráng xem mình nhỏ bé như Trinh. Tráng có thể xem Trinh như thế vì cô ấy là em gái, còn nàng đâu phải em gái của chàng.

Thị Duệ chợt thấy. Ánh trăng tròn. Trịnh Tráng quay lại nhìn. Trịnh Tráng và Thị Duệ cùng ngắm trăng mà giấu điều mình muốn nói. Bởi cả hai nghĩ rằng họ chỉ tạm xa nhau về khoảng cách địa lí… Bỗng Tráng không nhìn thẳng vào mắt Thị Duệ như ban nãy nữa, chàng mở lời:

- Nàng hứa đi! Dẫu mai này thế nào, nàng cũng chỉ nghĩ đến ta như trên cao kia chỉ có một vầng trăng.

Trịnh Tráng tha thiết lắm mà vẫn không dám nhìn biểu hiện của nàng. Thị Duệ mỉm cười, không cố ý khoe những cái răng đều tăm tắp màu đen của mình. Nàng tháo cây trâm cài tóc bằng gỗ ra khiến tóc xõa xuống. Thị Duệ cài vào búi tóc của Trịnh Tráng, vốn đã cài trâm, thì Trịnh Tráng nghiêng đầu ra.

- Ai lại đi cài trâm nữ nhi lên đầu!

- Trâm hỡi là trâm, vô duyên bạc phước nên người chẳng ưng.

Trịnh Tráng vội cài trâm vào búi tóc khiến Thị Duệ phì cười. Trong giây lát, chàng nhìn thấy một màu đen trên khuôn mặt nàng, từ tóc, từ mắt, từ răng. Nàng ngả đầu lên bả vai chàng. Chàng thở dài vì nghĩ mình sắp lại thua nàng rồi:

- Là thân con gái, dẫu có chút võ nghệ, các nàng cũng nhớ giữ mình.

Thị Duệ không hài lòng định nói rồi bị Trịnh Tráng ngắt lời. Tráng nói tiếp:

- Không phải lúc nào ta cũng ở bên nàng.

Thị Duệ có phần không hài lòng tỏ rõ qua nét mặt, Tráng vội giải thích vì sợ mất lòng.

- Có những chuyện đàn ông làm được, đàn bà con gái làm không được.

Thị Duệ mím môi cười hiểu chuyện rồi khẽ gật đầu. Nàng đợi chờ điều gì đó có ý nghĩa, mà chàng lại cứ chần chừ. Phải chăng chàng giấu nàng điều gì? Như là chàng đã có thê tử? Ra là thế mà chàng không dám hứa hẹn điều gì.

- Chúng ta sẽ sớm gặp lại chứ?- Thị Duệ thật lòng hỏi.

Trịnh Tráng bất ngờ vì câu hỏi của nàng.

- Sẽ sớm thôi. Một ngày không xa.

Thị Duệ mím môi cười mãn nguyện với chàng.

Một ngày không xa không chỉ một thời điểm cụ thể nên việc chờ đợi không có nhiều ý nghĩa. Một cách mơ hồ, nàng lo sợ về thời điểm hai người gặp lại. Trong những năm tháng này, Đại Việt một dải sơn hà bị chia năm xẻ bảy, nên người dân không thể có cuộc sống yên ổn. Nàng và Tráng có là gì đâu mà thoát khỏi định mệnh chung ấy…


[1] Thái Tổ chỉ Mạc Thái Tổ.

[2] độ: theo nhà Phật, có nghĩa là cứu giúp.

[3] cựu triều: nhà Lê Sơ.

[4] mưa dầm: mưa kéo dài nhiều ngày, thường trên diện rộng; chỉ giai đoạn từ khi Nguyễn Kim gây dựng lại nhà Hậu Lê cho đến khi chiếm lại được Đông Kinh, lại làm chủ Đại Việt thì đất nước bị tàn phá bởi loạn Nam- Bắc triều.

[5] trung hưng: sau thời kì suy yếu, thì hưng thịnh trở lại như xưa. Nghĩa bóng là chỉ việc họ Trịnh khởi binh nhiều năm giành lại Đông Kinh cho nhà Lê.

[6] Đông Kinh: là tên gọi của kinh thành Thăng Long, do vua Lê Lợi thay đổi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
Tình xưa chưa trả cho ai,

Thương yêu dọn lại đêm dài lê thê...


Chương 2

Can trường

Đoàn người vui vẻ đi vào quán trọ, với người dẫn đầu là Thám hoa của khoa này.

- Bớ bà chủ ơi!

Người bạn vừa reo lên thì bị Thám hoa thụi cho vào bên be sườn. Người bạn khác liền giúp sức:

- Hỡi cô hàng rượu tên Hoa ơi! Hôm nay có Thám hoa đến xin được làm quen.

- Mọi người tới đây nhiều lần rồi mà?

Câu hỏi không có ý trêu chọc của một người gúp việc, khiến nhiều người xung quanh cười khì. Thấy bóng dáng Hoa từ gian nhà bếp đi lên, Thám hoa cất giọng trêu đùa:

- Hỡi nàng tuyệt sắc tên Hoa, cớ sao ở mãi cung trăng một mình. Quanh năm nàng cứ lặng thinh, đầy đọa thân mình, một mình mãi ru?

Tiếng cười của Hoa ngọt lịm, lọt qua song cửa, lan ra xung quanh. Nàng lại vô tình để lộ hàm răng đen tuyền của mình. Cũng chính vì nó đã góp phần lớn vào việc đánh gục biết bao chàng trai dưới chân nàng.

- Đại nhân! Ngài trêu đùa rồi. Không biết các vị muốn dùng món gì? Hay để tôi đãi khách, để mừng tân khoa và cảm ơn về bài thơ ban nãy, ngẫu hứng là thế mà nghe rất vui tai.

Người bạn dùng bả vai đẩy Thám hoa về phía nàng. Nàng tránh mặt bưng tiếp khay thức ăn đến một bàn có một gia đình đang dùng bữa.

- Ta rất vui vì nàng để ý đến chuyện của ta.

- Từ sáng đã nghe mọi người truyền miệng về danh tính các vị tân khoa- Hồng Hoa đoán biết nên trả lời ngay.

Nàng bỏ vào trong thì Thám hoa níu vạt áo nàng lại.

- Xin đừng đi vội!

Hoa thu tay lại vội, không giấu vẻ bực tức khiến Thám hoa ngượng ngùng.

- Ta… ta đã đỗ đạt công danh.

Nàng biết là không phải nhưng không thể kiềm nỗi bực tức trong lòng. Những chuyện mang tính cá nhân, nàng không muốn bị trưng ra trước mặt nhiều người.

- Bớ ngài Thám hoa! Mong ngài hiểu cho. Trạng nguyên khoa này thuê trọ nhà tôi, còn chưa đẹp lòng tôi nữa là.

Thám hoa cảm thấy mếch lòng. Đúng là chàng có nghe người ta kháo nhau người đỗ Trạng nguyên đã từng đề thơ xướng họa tại nơi này. Nhưng chàng cũng là người thường xuyên lui tới quán, cảm tài sắc của cô chủ bấy lâu nay… Chàng tự nói đỡ cho mình phen này:

- Dẫu nàng so bó đũa chọn cột cờ như thế nào thì cũng xin nhớ cho rằng… vẫn còn có ta là Thám hoa của khoa này… đợi nàng.

Hồng Hoa nghe ra trong chất giọng của chàng ta có chút gì cứng cỏi, khiến nàng cũng mủi lòng đôi chút vì mình vừa lỡ lời do tính khí cha mẹ cho. Nàng luôn cho mình cái quyền xem thường phú quý vinh hoa.

- Tiện nữ xin kính cẩn ghi tạc trong lòng. Cảm ơn tấm lòng của người.

Hồng Hoa mím môi khẽ cười với Thám hoa. Đoàn người Thám hoa vui vẻ ra về. Chàng cũng nở mày nở mặt với bạn văn chương, bạn đồng học vì nàng trao riêng chàng một nụ cười thẹn thùng. Nàng chưa bao giờ có ý định trèo cao. Đức lang quân của nàng phải là người đội trời đạp đất, một người mà nàng có thể tin tưởng, dựa dẫm. Nên Thám hoa tuy là một lựa chọn không tồi, nhưng nàng thì không.


Hồng Hoa mang một giỏ thức ăn len theo con đường mòn nhỏ phía sau quán. Nàng đến trước vài căn nhà, mỗi căn chỉ có vài gian đơn sơ. Chúng được cho các sĩ tử thuê trong kì thi này. Ít có người thuê dài hạn.

Nàng đến trước một một căn nhà nằm hơi chếch một phía so với các căn khác, lại có các hàng cây chắn lối. Thoạt nhìn, rất khó nhận ra căn nhà giữa các tán cây. Nàng rẽ lối vào nhà. Đến trước cửa, nàng gõ nhẹ lên cửa cho phải phép rồi đi vào trong.

Nàng để giỏ thức ăn lên bàn rồi đi vào gian phòng ngủ. Nàng mỉm cười xót xa khi thấy Giáng Hương đang bới tóc cho Thị Duệ. Nàng nhìn sang những y phục của nam nhân được trải trên giường tre, mà lòng trỗi dậy một suy nghĩ mãnh liệt.

- Hay là bỏ trốn đi em…

Giáng Hương chợt dừng lại. Nàng mím môi rồi tiếp tục bới tóc cho Thị Duệ. Giáng Hương cũng hiểu rõ tuy bảng vàng đã đề tên, nhưng người trúng tuyển là Thị Duệ khi cải nam trang. Chỉ cần mãi không cải trang lại, thì không sợ phải chịu tội khi quân mạn thượng[1].

- Cơ nghiệp mấy mươi năm của nhà Mạc ta tuy đã đến lúc suy, nhưng lòng dân vẫn theo đông lắm. Kì thi vừa rồi như trẩy hội, sĩ tử tham gia không hề ít.

Thị Duệ đã quyết tâm. Nàng hiểu rõ người đời xưa nay có mấy ai mà tránh được cái chết.

- Nhưng chúng ta vẫn là thân nữ nhi…- Giáng Hương lại lo lắng.

- Hãy cho chị ngang bướng một lần- Thị Duệ muốn Giáng Hương đừng khuyên nữa vì từ trước khi Hồng Hoa vào phòng, thì Giáng Hương đã khuyên nàng bỏ cuộc.

Thị Duệ vỗ nhẹ lên tay Hương như có ý bảo hãy tiếp tục. Hương chải tóc lại cho ngay nếp.

- Chị vẫn mong em suy nghĩ lại lần nữa. Tìm một đấng lang quân, nghĩ đến chuyện chung thân đại sự cũng có phải hơn không? Tráng cũng là một lựa chọn tốt đó.

Hồng Hoa tò mò xem phản ứng của Thị Duệ. Thị Duệ nhìn mình trong gương đồng mà tự hỏi: “Đời mình rồi cũng thế ru?”. Như bao người con gái khác, như chọn một tấm chồng, sinh vài đứa con, cầu mong cả đời không gặp chuyện xấu phải bước vào cửa quan,… Nàng thản nhiên trả lời:

- Nếu có lòng thì đã lên đây tìm em lâu rồi.

Hồng Hoa và Giáng Hương nhìn nhau rồi cùng mỉm cười. Cả hai hiểu tính Thị Duệ, còn giận như thế nghĩa là còn yêu thương nhiều lắm. Sự ngang bướng của nàng khó lòng địch lại, Hồng Hoa nhắc lại những kỉ niệm xưa cũ.

- Thật không thể ngờ cũng chính căn nhà này, chị em mình lần đầu gặp nhau. Chớp mắt cũng đã hơn mười năm.

- Cũng chính nơi này bọn em mơ về một ngày trở lại Hải Dương.

Trong cách nói của Thị Duệ, hàm ý đoàn quân của nhà Mạc tiến về phương Nam chiếm lại Đông Kinh và các trấn khác. Lúc này, nàng mới trở lại quê nhà.

Hồng Hoa hiểu Thị Duệ muốn nghe thêm ý kiến của mình. Nàng ngồi xuống giường tre cạnh bên rồi nhìn ảnh phản chiếu của Thị Duệ trong gương đồng. Nàng nói với giọng điệu chán chường:

- Giá mà chị có thể giúp hai đứa.

Khi cả hai còn chưa hiểu rõ ý của Hồng Hoa thì nàng kéo lại vạt áo và cố gắng đẩy ngực mình về phía trước. Thị Duệ và Giáng Hương cười khà vì hiểu ý của Hồng Hoa, rằng: ngực cô trông to hơn của hai người. Giáng Hương để lộ hàm răng đã ố, do lâu rồi không dám nhuộm lại lần nữa, vì nàng là người không muốn mất thời gian cho chuyện làm đẹp thế này.

Giáng Hương đến góc nhà lấy hai tấm vải trắng khổ to.

- Vậy chị giúp bọn em chứ?

Để đáp lại câu hỏi của Giáng Hương, Hồng Hoa đến lấy một tấm vải ra ướm thử sau lưng Thị Duệ. Thị Duệ liền đứng dậy rồi cởi áo ngoài ra.

Hồng Hoa chưa cố gắng khuyên bảo Thị Duệ. Bởi thật lòng nàng nhận thấy Thị Duệ là một người thông minh nhất trong số những sĩ tử đến trọ. Thị Duệ đã có can đảm mà không phải nữ nhi nào cũng có. Chỉ nghĩ thế thôi, nàng đã không còn dám ngăn cản quyết định của người em gái kết nghĩa.

Trong lúc Hồng Hoa và Giáng Hương đang giúp mình cải trang, nàng suy nghĩ về chàng: “Một năm qua, chàng sống thế nào? Sao không đến tìm thiếp?”.

Thị Duệ hiểu rõ tình cảm của mình dành cho Tráng. Nàng càng hiểu rõ về ước mơ của riêng nàng, của cha nàng, của gia đình nàng về một quốc gia yên bình, phồn vinh. Quyết tâm biến ước mơ của nhiều người thành hiện thực, điều đó khiến cuộc sống của nàng có ý nghĩa hơn. Nàng đã tự nhận lấy trách nhiệm, thì cũng thử một lần góp sức cho đời. Nàng nghĩ đó là điều nên làm, bởi vì chuyện gì ở đời này cũng có thể xảy ra.

Bằng lòng với suy nghĩ của mình, nàng ngước nhìn qua song cửa, thầm cầu xin vằng vặc trăng cao chứng giám cho tấm lòng của nàng. Lần này, liều mình vào cung vua, nàng chỉ muốn góp chút sức mọn cho nhà Mạc phục hưng như xưa, chứ không phải dạt về vùng biên ải của Đại Việt và ở quá gần Đại Minh như vậy. Nàng biết bài thi thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm của nàng trước thời cuộc, đã được chấm cho đỗ trạng, thì khả năng thánh thượng thuận theo ý của nàng rất cao. Vậy nên điều nàng lo sợ là trước điện rồng phải giấu thân phận nữ nhi của mình thật kĩ.


[1] khi quân mạn thượng: đã có lời nói( hay hành động) nhằm lừa dối, coi thường phép vua.
 

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
Đời người dẫu hợp dầu tan,
Đều do Thượng Đế đã an bài rồi.
Duyên mình đến thế thì thôi,
Mai sau nước chảy hoa trôi cũng đành...​


Chương 3

Nữ nhi dầu đặng có thì

Trong giai đoạn lễ giáo phong kiến trói buộc, người phụ nữ bị xem thường, không được học hành thi cử, thì việc một người phụ nữ thi đỗ Trạng nguyên dĩ nhiên là coi thường phép nước. Thị Duệ biết là dễ mắc tội bêu đầu, nhưng lòng nàng đã quyết góp chút sức mọn giúp nhà Mạc khôi phục lại giang sơn. Bởi nàng còn lo sợ nếu lỡ mất cơ hội này, không biết đợi thêm bao năm nữa thánh thượng mới ban chiếu cầu hiền tài.

Đúng là ban đầu nhà Mạc đã cướp ngôi nhà Lê. Nhưng những năm tháng bắt đầu từ dưới triều của Uy Mục đế thì triều chính rối ren, kỉ cương phép tắc chẳng đâu ra đâu, dân chúng ta thán, nên Mạc Đăng Dung đã thuận theo mệnh trời dẹp yên bờ cõi, lại được lòng dân nên lên ngôi hoàng đế, tức Mạc Thái tổ mà gia đình nàng và hàng nghìn, hàng vạn con dân Đại Việt tôn thờ. Từ ngày đó, dân chúng không còn sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Sau đó, Nguyễn Kim chiêu tập binh mã để nối lại tông thất nhà Lê, đã tạo nên thời cuộc loạn Nam- Bắc triều, binh đao chiến sự khắp nơi. Ngẫm lại, chuyện họ Trịnh giành Đông Kinh cho nhà Lê cũng đã hơn mười năm, vậy mà lòng dân theo nhà Mạc không hề suy giảm mà có phần gia tăng là vì thế.

Thị Duệ nuôi hi vọng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn khi mọi cố gắng của người đi trước đã sụp đổ. Nàng đã nuôi hi vọng rất lòng. Đây là lúc thích hợp để nàng thực hiện.

Thị Duệ đã nghĩ ra một phương cách giúp thay đổi cục diện của nhà Mạc lúc này. Nhưng trước tiên nàng cần phải gặp mặt vua. Nàng đã tự tạo cho mình cơ hội bằng cách cải nam trang dự thi khoa cử. Chỉ có đỗ trạng mới có quyền bàn chính sự với vua!


Chính điện nhà Mạc lúc này không thể so sánh với cung điện ở Đông Kinh. Tuy là vương triều lánh nạn binh đao, nhưng cũng phần nào nói lên được sự cố gắng gây dựng lại tại nơi này, khi khung cảnh lấp lánh ánh vàng. Cũng có các bộ, cũng có tướng quân cùng vua họp bàn việc nước. Cũng có kẻ hầu liên tục tiếp món, tiếp rượu cho vua và các quan. Còn xung quanh là binh tướng canh gác nghiêm ngặt. Giữa không gian, tiếng của quan thái giám đứng hầu cạnh vua cất cao:

- Thánh thượng cho gọi các tân khoa!

Dàn nhạc ở góc điện dạo lên khúc nhạc vui mừng rộn ràng. Các quan cũng ngừng trò chuyện, ngừng mời rượu nhau mà tò mò nhìn ra cửa cung, xem xem những người được mời vào có hình dung thế nào. Vua Mạc Kính Cung, đội mũ thông thiên, vận áo giao lĩnh màu vàng, tựa một bên ngai mà uống rượu. Nhà vua cố gắng không tỏ ra bản thân cũng rất muốn biết mặt các tân khoa. Vì bài văn của họ về phép nước và con đường sẽ đi trong tương lai quá ngược nhau như ý kiến của các vị đại thần chấm thi.

Mạc Kính Cung[1] cuối cùng cũng ngước nhìn lên nhưng vờ như đang nhìn các quan đang uống.

Chân Thị Duệ bước qua bậc cửa. Tay nàng phủi hai ống tay áo rồi phủi áo màu đỏ. Tay nàng chỉnh lại mũ cánh chuồn. Chân nàng hiên ngang bước xuống bậc thang nhưng thực tế là bản thân cố gắng ra vẻ cho giống một trang nam tử.

Thị Duệ cúi đầu và chắp hai tay vào nhau, khẽ ngước nhìn phía trước mà đi. Phía sau có hai người bận áo quan màu xanh đi theo. Nàng dừng lại thì người đi sau dừng theo. Nàng quỳ rồi hai người đi sau quỳ theo; chỉ tích tắc vài giây tiếng nhạc cũng dừng. Cả ba đồng thanh:

- Chúng thần cúi đầu trước thiên oai! Chúc vua tôi vạn phúc.

- Miễn lễ- Mạc Kính Cung vừa nói vừa sửa lại dáng ngồi.

Thị Duệ, Bảng nhãn, Thám hoa cùng ngẩng đầu. Khi nàng vừa ngẩng lên thì vua Mạc khẽ bất ngờ. Ngài đưa mắt sang hai vị kia rồi vô tình buột miệng nói: “Không ngờ Trạng nguyên lại là một người trẻ đến như vậy”. Nàng lại chấp tay mà khẽ cúi đầu trước vua, coi như một sự ái ngại mà không trả lời. Sau khi từng người báo danh tính trước điện, thì nhà vua phẩy tay liền có quan thái giám khác đến tận nơi mời cả ba vào bàn ngồi.

Thị Duệ được phép ngồi một mình, phía đối diện với Thượng tướng. Nàng uống cạn ly rượu khi được các quan mời. Giáng Hương cũng giả trai đứng hầu phía sau, vì lo lắng cho nàng. Thượng tướng mở lời:

- Lần đầu dự tiệc, Trạng nguyên được phép ngồi gần thánh thượng, đó là phúc phần không phải ai cũng có.

Nàng cố gắng nói giọng hơi trầm, theo chất giọng đã tập với Giáng Hương và Hồng Hoa trong suốt bấy lâu, kể từ khi nàng quyết định cải trang đăng kí thi cử.

- Tạ tướng quân dạy bảo.

Vị tướng, có bộ râu quai nón, đứng sau lưng Thượng tướng đưa mắt nhìn các quan, có vẻ rất dò xét. Ông quay nhìn sang trái. Thì ra Bảng nhãn, Thám hoa ngồi cách Thị Duệ một bàn, đang cùng mời rượu Thượng tướng từ xa. Thượng tướng nhếch một bên mép khẽ cười khinh, làm lộ vài cái răng đen đã mẻ một phần. Rồi ông nhấp rượu.

Vị Thượng quan cũng được phép ngồi một mình như hai người tiếp chuyện nàng.

- Dường như Trạng nguyên không thích uống rượu thì phải?

Thị Duệ giải thích:

- Tuổi nhỏ không nên uống nhiều rượu, uống say sẽ rất xấu hổ.

Vua Mạc khen ngợi:

- Trạng nguyên khôi ngô tuấn tú, tuổi trẻ tài cao, lại khéo ăn nói.

Vua Mạc mỉm cười lễ độ, rồi quay nhìn sang trái của Thị Duệ. Một trong hai vị quan khẽ gật đầu với vua rồi bỗng đứng dậy.

- Bẩm thánh thượng. Bá quan đã đồng thuận trong buổi tiệc mừng các tân khoa sẽ bàn tiếp việc mượn lương, mượn binh khí thêm từ nhà Minh.

Tuy trong bài thi mỗi người điều có chỗ hay của riêng mình, nhưng Thị Duệ đã đưa ra quan điểm hợp với ý vua nên được đỗ trạng. Trong buổi yến tiệc này, phải đề cập lại cho bá quan cùng luận bàn. Vì không phải quan văn nào cũng được xem bài các thí sinh, và không một quan võ nào đã xem bài thi.

- Trẫm muốn bắt đầu nghe thêm ý kiến từ ba vị tiến sĩ.

Nàng vờ uống rượu khiến vua ngước nhìn xuống phía xa. Thám hoa muốn chứng tỏ mình và cũng vì ganh ghét Trạng nguyên được lòng cô hàng rượu tên Hồng Hoa. Chàng đứng dậy tâu rằng:

- Từ khi lên Cao Bằng, thánh thượng tính kế để trăm dân an cư lạc nghiệp, đó là cái lợi lâu dài. Dân giàu thì nước mạnh. Xưa nhà Trần đắp đê ngăn lũ cũng vì vậy. Dạo gần đây vụ mùa có thất thu, thần cạn nghĩ nếu cần thì ta mượn lương.

Thám hoa ngồi xuống cùng lúc có vài viên quan gật đầu. Thượng tướng đưa mắt nhìn, Bảng nhãn hiểu ý ngài nên liền đứng dậy rồi tâu:

- Bẩm thánh thượng! Nhà Mạc ta thế cô sức yếu dựa vào Thiên triều, phải đảm bảo đủ sức, để chống lại giặc họ Trịnh tràn lên. Tuy là thế nhưng cũng phải dè chừng, vì xem ra chúng ta đang ở trong thế lưỡng đầu thọ địch[2]. Nếu có mượn, chúng ta phải mượn binh khí trước.

Bảng Nhãn ngồi xuống cùng lúc có nhiều viên quan tấm tắc khen. Thượng quan tiếp lời:

- Bẩm. Cũng mười năm qua, chúng ta trang bị đủ binh khí, chưa kể đến nông cụ của người dân.

Vài người chợt nhận ra cái lí lẽ của Thượng quan. Thượng quan nhìn sang Thị Duệ lại đang vờ uống rượu. Giáng Hương nói khẽ vào tai Thị Duệ khiến nàng ngước lên. Thượng quan nói:

- Trạng nguyên. Mọi người đang đợi?

Thị Duệ đứng phắt dậy. Nàng chắp hai tay rồi nói:

- Bẩm thánh thượng... Thần sợ lỡ miệng làm phật lòng bá quan.

- Trẫm cho phép khanh nói.

Thị Duệ quỳ xuống hướng về thánh thượng của nàng.

- Một hạt gạo không mượn, một mũi tên cũng không mượn. Còn phải cắt đứt mối quan hệ dựa dẫm này.

Các quan chăm chú. Thượng quan ra chiều hợp ý. Thượng tướng dừng uống rượu.

- Nhà Minh lấy oai Thiên triều đã can thiệp, mà ép nhà Lê cho nhà Mạc ta ở đất này. Ban giao hai nước, đối đãi ta như nội thần mà không công nhận sự tồn tại riêng của nhà Mạc ta, không hề có ý liên kết.

Mạc Kính Cung sửa thế ngồi, nhìn thẳng về hướng Thị Duệ.

- Về lâu về dài chẳng khác nào ta cắt đất khỏi Đại Việt mà dâng hai tay cho giặc?

Mọi người bàng hoàng to nhỏ. Thượng tướng khinh thường uống rượu, vì ngài nghĩ đã bị bọn quan văn bày trò điều khiển yến tiệc. Một viên tướng ngồi bàn gần bên tiếp lời:

- Nhà Lê và họ Trịnh người đông thế mạnh. Nhà Mạc ta không dựa vào Thiên triều, thì biết dựa vào đâu?

Thượng tướng cầm chung rượu rung lên vì giận, nửa chừng muốn đánh mạnh ly rượu xuống bàn. Thị Duệ vào thẳng vấn đề:

- Từ bao đời nay, giặc phương Bắc luôn lăm le bên kia biên giới, đợi thời cơ để cướp trọn nước ta. Vô ý, không biết nhà Minh cũng là giặc mà phạm sai, thì gọi là lỗi lầm không đáng trách. Còn như đã biết mà vẫn phạm, thì là làm điều ác với muôn dân thiên hạ!

Thượng tướng đập tay xuống bàn rồi đứng dậy. Tướng râu quai nón đứng hầu phía sau ngài có mép miệng khẽ run lên vì giận. Vua Mạc cũng kinh ngạc, vì Trạng nguyên nói lời hợp ý người.

- Vậy Trạng nguyên có cao kiến gì?

Thị Duệ tần ngần:

- Cùng... cùng Lê diệt Trịnh, chia đôi sơn hà!

Mạc Kính Cung đứng phắt dậy, còn Thượng tướng giận dữ ném chung rượu, bối rối định rút kiếm của Tướng râu quai nón rồi quay sang rút kiếm tên lính bên cạnh. Tất cả lính rút kiếm. Mạc Kính Cung phẩy phẩy tay khiến lính tra kiếm lại. Kính Cung giải vây cho Trạng nguyên:

- Nếu họ Trịnh không phò tá nhà Lê thì chúng ta đã không mất kinh đô mà chạy lên đây rồi. Lẽ nào vua Lê lại tự chặt đứt cánh tay mặt của mình!

Thị Duệ giải thích thêm cho lập luận của nàng:

- Họ Trịnh kia đã cậy quyền mà lấn át vua của mình, thử hỏi vua Lê có chịu để yên?

Thượng tướng định nói thì Thị Duệ thấy liền cướp lời.

- Thánh thượng! Năm xưa giặc Minh đánh bại nhà Đại Ngu rồi chúng bắt thợ giỏi, lập tô thuế, buộc học văn hóa nhà Minh, xem kinh đô ta là cái cửa quan phía Đông của nhà chúng... Bài học dài hai mươi năm ấy, thánh thượng nỡ lòng nào lại quên...

Thượng tướng chăm chăm nhìn Thị Duệ giây lát như muốn ăn tươi nuốt sống nàng. Bỗng ông ta cười phá lên. Một viên quan ngồi phía bên các quan văn hét to lên:

- Ngươi đừng buông lời mê hoặc!

Bảng nhãn ra vẻ bất bình vì những lời của nàng, nhưng thật tâm là muốn được Thượng tướng để mắt tới:

- Khí vận nhà Mạc ta không còn như trước, nên ở Cao Bằng nuôi sức, đợi thời mà lập lại đại nghiệp của tổ tiên!

Thị Duệ chắp tay khẽ cúi đầu:

- Chúng ta nào phải phường rước voi vào nhà!

Thượng tướng giận run người, nàng chợt nhìn thấy mà lo lắng cho mạng sống của mình. Tướng có râu quai nón nói vài lời gì đó bên tai ngài. Nàng thấy hàm răng trắng ngà của người đó.

Thị Duệ định nói tiếp thì, Thượng tướng chạy tới vung kiếm, may là nàng thụp người xuống kịp. Kiếm vung ngang. Mũ cánh chuồn bay khỏi đầu nàng. Nàng kinh hãi, cùng với mái tóc xõa và hơi rối, không thể giấu được vẻ thùy mị, yếu đuối của nàng.

Trịnh Tráng bận áo lính đứng hầu trong góc điện bàng hoàng. Chàng được lệnh của chúa thượng- cha của mình- đến đây lấy tin tức. Tướng râu quai nón giật mình thích thú.

Thượng Tướng vội chạy đến, lần lượt kéo hai vành tai Thị Duệ xem thử. Giáng Hương vội rút kiếm định giải vây thì bị những binh tướng xung quanh dùng kiếm uy hiếp mạng sống nàng. Thượng tướng đến túm lấy búi tóc Giáng Hương mà kéo ra khiến tóc xõa lòa xòa.

Thị Duệ, Giáng Hương cũng đoán được một lúc nào đó như lúc này, tính mạng bị uy hiếp vì tội cải nam trang. Nhưng không ngờ lại đến sớm như vậy… Cả hai nàng bị đẩy quỳ xuống trước Mạc Kính Cung. Thượng quan bắt đầu cuộc tra hỏi:

- Nàng có biết tội của mình không?

Thượng quan giận vì chính nàng đã khiến kế sách của ngài và vua không thực hiện được. Tương lai gần, chắc rằng bọn quan võ sẽ nắm trọn vận nước…

Thị Duệ quay sang nhìn người vừa đặt câu hỏi, nửa như hờn như trách.

- Thánh thượng ban chiếu cần vương, mở khoa thi, cầu hiền tài. Thần may mắn đỗ trạng, lẽ nào không được dốc sức mình cho vua?

Thị Duệ ngước nhìn lên Mạc Kính Cung. Nhà vua đưa mắt nhìn sang Thượng tướng đang rất thích thú vì thu được thứ ngoài mong đợi. Ông ta cố trấn tĩnh bản thân để theo dõi cuộc vui đang diễn ra trước mắt. Thị Duệ quay nhìn sang bên, thì các quan tránh ánh mắt nàng.

Thượng tướng phá lên cười khiến mọi người kinh ngạc chỉ có Mạc Kính Cung, Thượng quan thì không. Thị Duệ lo lắng. Tự nhận thấy cuộc vui diễn ra không chút thú vị, Thượng tướng mở lời kết thúc:

- Thứ cỏ cây các ngươi thì làm được gì? Lôi chúng ra!

Thị Duệ nói to rồi cúi lạy:

- Cỏ cây sá nghĩ phận hèn. Liều đem tấc cỏ, quyết đền ơn vua…

Mạc Kính Cung có bất ngờ nhưng không bằng Thượng tướng. Nên vua sẵn nói tiếp:

- Trẫm cho ngươi nói. Nói đi, đến chính điện ngươi muốn nói điều gì?

Các quan lo lắng theo dõi. Thượng tướng kiềm cơn giận.

- Giang sơn này không phải của họ Nguyễn ở phương Nam, không phải của họ Trịnh hay của nhà Lê ở Đông Kinh, cũng không phải là của nhà Mạc chúng ta, mà là của muôn dân Đại Việt!

Thượng tướng hét to:

- Ngông cuồng!

- Dẫu cho còn một binh một tốt, hay khi gươm kề tận cổ, tiện nữ cũng xin người không nên dựa vào nhà Minh.

Một viên tướng lớn tuổi đập bàn:

- Ngươi chắc chắn là người của họ Trịnh phái tới làm rối loạn triều đình nhà Mạc ta!

Giáng Hương xen vào:

- Lẽ nào tướng quân thích để người nhà Minh hà hiếp dân mình?

Thượng tướng thét:

- Ngươi dám thoá mạ Thiên triều!

Thượng tướng đập bàn đứng dậy, thì nàng kéo Giáng Hương vào mình. Thượng quan can ngăn:

- Tướng quân, tướng quân phán xét như thế có quá vội vàng!

Thượng tướng bỏ ngoài tai:

- Lôi ra, nhốt vào ngục tối, sáng sớm mai bêu đầu giữa chợ!

Giáng Hương bần thần không nói thêm được lời nào. Thị Duệ chắp tay lạy từ giã thánh thượng, trước khi bị quân lính lôi ra ngoài.


Việc nàng cải trang thi đỗ Trạng nguyên chỉ thoáng làm cho bá quan ngạc nhiên. Bởi những năm tháng này biết bao chuyện lạ đã xảy ra: vua vô đạo, tôi bất trung, con bất hiếu, trò phản thầy,… Chẳng có ai cho rằng việc nàng muốn góp sức cho triều đình nhà Mạc là đúng. Chẳng có ai vịn vào bất kì lí do gì để xin tha mạng cho nàng. Chẳng có ai quan tâm đến thân phận bọt bèo của nàng. Chẳng có ai…


[1] Mạc Kính Cung: vua vương triều nhà Mạc lúc này.

[2] lưỡng đầu thọ địch: ý của Bảng nhãn là nhà Mạc đang ở giữa nhà Minh và nhà Lê.
 

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
Thân trai chí tại bốn phương,

Đầu non cuối ải, gió sương sá gì.

Oán trời cả gió làm chi,

Thương cho phận gái: có đi, khó về…​


Chương 4

Tơ vò chín khúc

Nhóm người của Trịnh Tráng được lệnh của chúa Trịnh đi thu thập tin tức. Tận mắt nhìn thấy Thị Duệ bị bắt tội giữa cung điện nhà Mạc mà không thể làm gì, lòng Tráng xót xa khôn cùng. Bản thân chàng biết là nhóm năm người dẫu có cánh cũng không thể cứu Thị Duệ ra, nên từ lúc cùng anh em rời khỏi cung điện, chàng không ngừng tính kế. Có lẽ nên cướp pháp trường… Nhưng như thế cũng cần có sự giúp đỡ của anh em cùng làm nhiệm vụ lần này. Nếu không may, có thể liên lụy họ. Cuối cùng chàng quyết định một mình xông vào ngục tối mà cứu người.

Do cùng vào sinh ra tử bao phen, đoán biết được chuyện anh mình sẽ làm, Trịnh Khải liền vung kiếm về phía trước để can ngăn. Trịnh Tráng rút kiếm ra mà hất kiếm của em mình đi. Tráng gằn giọng:

- Các ngươi tránh ra!

Ba thuộc hạ của chàng liền quỳ xuống:

- Xin Bình quận công[1] nghĩ lại.

Trịnh Khải xoay lưỡi kiếm hướng vào Trịnh Tráng:

- Anh phải theo em về gặp cha!

Tráng mặc kệ bỏ đi. Khải lao tới đánh Tráng. Khải ra đòn uyển chuyển và nhanh còn Tráng mạnh mẽ kháng cự. Cuối cùng, Tráng giả vờ bỏ chạy, để dụ Khải rượt theo rồi dùng chiêu “hồi mã thương”, mà chỉ kiếm ngay yết hầu Khải. Tráng biết không thể ngăn tất cả:

- Các ngươi ai có thể đi cùng ta?

Trịnh Khải khẽ đưa mắt liếc. Một thuộc hạ cầm kiếm đứng dậy đi về phía sau Trịnh Tráng. Chàng rút kiếm về:

- Nếu như em không giúp anh thì hai người bọn anh...

Trịnh Tráng chưa nói xong thì bị thuộc hạ dùng chui kiếm đánh vào sau cổ khiến chàng ngất xỉu.

- Hai người bọn ngươi hãy đi ngựa nhanh đưa anh ta về.

Một thuộc hạ khác hỏi:

- Quận công, vậy người vẫn tiếp tục thám thính tình hình?

Trịnh Khải tần ngần nhìn anh mình:

- Ta cần có một tin quan trọng mới được về. Ta còn phải ở lại... nếu Thị Duệ mất, ta phải đem xác nàng ấy về cho anh trai ta!

Trịnh Khải biết quyết định của mình có thể khiến tình nghĩa anh em từ nay khó lòng được như xưa. Nhưng chàng đành chấp nhận vì nhiều lí do. Chàng không thể không thực hiện lệnh của Nguyên soái, cha của chàng. Chàng không thể để anh mình có mệnh hệ gì, chỉ bởi một người con gái.


[1] Bình quận công: phẩm cấp( phẩm trật) của Trịnh Tráng lúc này.
 

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
Thương thay hoa phải lìa cành,

Từ nay vĩnh biệt có đành lòng không?

Nói ra lại thẹn trong lòng,

Nỗi mình mình chịu, còn mong được gì…​


Chương 5

Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Do nhà Minh lấy thế Thiên triều bắt buộc nhà Lê phải nhường đất nên nhà Mạc mới tạm yên thân. Mục đích của họ, có lẽ không ngoài việc khiến Đại Việt mãi không thái bình. Cục diện mà nội bộ không ngừng xâu xé để hòng đoạt Đông Kinh cho riêng mình, sẽ là cái lợi lâu dài cho nhà Minh.

Nhà Mạc xây dựng cung điện ở trên đất mới không lâu, nên ngục tối nhốt phạm nhân cũng đơn giản. Nhìn ra ngoài qua song sắt bên tường đá, Thị Duệ chỉ nhìn thấy ánh trăng tròn như trêu ngươi vì sự liều lĩnh, ngạo mạn của nàng. Trăng sáng lọt qua song sắt mà soi rọi buồng giam. Nàng không thể nhìn thấy gì khác vì song sắt quá cao; bên ngoài lại được xây dựng mấy lớp tường thành thì làm sao nàng biết Giáng Hương đang bị nhốt ở nơi nào…

Ngục đầy rơm. Một con chuột chạy ở góc tường, có lẽ nó vừa len qua giữa các buồng giam. Thị Duệ, mặc áo trắng ngà của phạm nhân, chỉ khẽ liếc nhìn rồi bỏ mặc nó. Nàng đưa hai tay bị xích lên thổi rồi xoa xoa tay. Nàng nghĩ: “Sương xuống dần, có lẽ đã sang giờ Dần”.

Nàng ngắm trăng mãi và thả hồn tận nơi đâu. Nàng lại tự hỏi mình:

- Đêm nay là đêm cuối hay sao…

Mạc Kính Cung đến trước buồng giam từ lúc nào. Nhà vua lặng nhìn nàng đã lâu. Ngài ra dấu cho lính mở khóa, nên gây ra tiếng thì Thị Duệ giật mình quay lại. Xích tay chân được làm bằng sắt đánh lên vài tiếng chua chát. Nàng vội quỳ xuống cầu xin:

- Mọi chuyện đều do tiện nữ muốn chứng tỏ mình! Em gái họ của tiện nữ không can hệ gì, xin thánh thượng minh xét.

- Tên thật của nàng là gì?

Thị Duệ ngạc nhiên ngước nhìn Mạc Kính Cung.

- Thị Duệ, Nguyễn Thị Duệ...

- Còn quê quán của nàng?

- Gia đình tiện nữ vốn là người Hải Dương.

Nhà vua ngạc nhiên thích thú vì quê quán của người cũng gần Hải Dương.

- Bây giờ cuộc sống của người dân ra sao?

Đến lượt Thị Duệ ngạc nhiên vì câu hỏi của người.

- Đã lâu rồi, Thị Duệ cũng chưa về quê…

Nhà vua đỡ nàng đứng dậy. Ngài liền nói:

- Nếu nhà Mạc ta có đủ khả năng không dựa vào nhà Minh, thì giữa chính điện đã không có kẻ ngang nhiên thị quyền trước mặt trẫm! Nhờ nàng khơi cả, mà khát khao trong ta, tro tắt lại nồng! Thị Duệ, hãy trở thành phi tử của trẫm...

Thị Duệ giật mình thì Mạc Kính Cung chợt nhận ra rằng mình đã vô ý khi hỏi một người con gái như vậy. Bỗng có tiếng gà gáy khiến Mạc Kính Cung giật mình.

- Trong trái tim nàng có phải có hình bóng của một ai đó?

Thị Duệ cũng không muốn giấu:

- Thị Duệ khắc cốt ghi tâm từng lời nói lúc tạm chia tay...

- Nhưng trước cái chết cận kề, trẫm mong rằng nàng có thể chìa tay ra cho trẫm bắt lấy.

Nhà vua đưa một tay ra. Nàng vội rút tay vào khiến vua lúng túng rút tay lại. Bỗng có tiếng hai con gà tranh nhau gáy.

- Trước chính điện Thị Duệ làm nhục bá quan, thử hỏi nếu như người cứu thiếp sẽ làm cho bá quan bất bình, mà tôi- thần có khoảng cách... Khẩn xin người cứu lấy Giáng Hương!

Nàng lại định quỳ thì nhà vua liền đỡ lấy nàng.

- Trẫm trằn trọc mãi bởi một câu nói của nàng: “Cùng Lê diệt Trịnh, chia đôi sơn hà”... Để khôi phục giang sơn, phải có điểm tựa. Trước cũng là giặc, sau cũng là giặc, nàng có hiểu cho trẫm?

Thị Duệ bất ngờ. Nhà vua nói tiếp:

- Bao nhiêu kẻ sĩ theo hầu trẫm, chưa có một ai dám đưa ra lí lẽ như vậy. Hàng trăm người cho rằng nàng ngông cuồng, nhưng hãy cho trẫm vịn vào đó mà vực dậy giang sơn.Nàng đừng chỉ vì giữ lời hứa mà làm điều gây hại đến bản thân...

Thị Duệ đau lòng nhắm mắt mà nuốt nước miếng. Bỗng lại có tiếng gà tranh nhau gáy.

- Hàng trăm người cho rằng nàng ngông cuồng, nhưng hãy cho trẫm vịn vào đó mà vực dậy sơn hà!

Nhà vua lại khẽ cúi người chìa tay ra trước nàng:

- Hãy chìa tay ra cho trẫm đỡ lấy nàng qua cơn hoạn nạn này… hỡi vì sao đang sà vào lòng trẫm!

Thị Duệ nhìn thấy hàm răng đen không được chăm chút cẩn thận. Nàng chợt nghĩ không phải người trước mặt nàng là một đấng quân vương hay sao?

Lượng trên che chở phen này. Nếu nàng không đón nhận thì cuộc đời nàng cũng sẽ chấm dứt tại đây. Nàng tin dẫu rằng non nước biến dời bao phen, thì tấm lòng nàng dành cho Đại Việt và Tráng sẽ không bao giờ thay đổi. Chắc rằng chàng sẽ không trách nàng với lựa chọn lúc này… Nàng chìa hai tay bị xích đặt lên tay Mạc Kính Cung:

- Tạ ơn cứu mạng của thánh thượng!

Mạc Kính Cung vui mừng cởi long bào phủ sang cho Thị Duệ. Nhà vua ôm nàng vào lòng. Nàng buồn phiền nheo nheo mắt nhìn trăng đang bắt đầu lặn. Tay nàng bấu lấy vạt áo của nhà vua, mà thầm tự hỏi: “Từ nay trăng cũng lặn rồi chăng...”.

Trong lúc thế này, Thị Duệ không nghĩ được nhiều, trước mắt phải bảo toàn tính mạng. Nàng không nghĩ được rằng trăng mỗi lúc mỗi khác. Bây giờ là khuyết, ngày mai sẽ tròn.
 

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0

Hoàng bào đổi lấy cà sa,

Vin[1] vào cửa Phật xót xa chi là.

Ngày ngày cơm trắng dưa cà,

Niết bàn[2], cõi ấy biết là có không?​

Chương 6

Vì trời có hai vầng dương

Từ lần cuối cướp giàu giúp nghèo cùng Thị Duệ, Ngọc Trinh bị hai người anh trai đưa về Đông Kinh. Cách biệt gần một năm, Ngọc Trinh cũng có nhiều thay đổi. Nàng theo lệnh cha lấy vua nhà Lê làm chồng đã được mấy năm. Nàng lấy cớ còn nhỏ tuổi, đã bỏ trốn mấy lần, rồi bây giờ nàng thật sự trở thành hoàng hậu của vua Lê Kính Tông. Vào một ngày mưa rả rích, hoàng hậu lâm bồn. Trước cửa phòng hoàng hậu có khoảng mười người hầu đang chờ sai vặt.

Nghe có tiếng phía cửa sổ, hai nô tì liền chạy đến rồi mở một bên cửa sổ để nhận khay nước nóng. Những người hầu tuy đứng trên hành lang nhưng cũng không khỏi bị ướt mưa là thế, nên người nô tì hiểu tại sao bà mụ không cho mở cửa chính vì gió lạnh có thể gây hại cho hoàng hậu.

Phía sau bức bình phong bằng gỗ được trạm khắc hoa lá cầu kì, bỗng có tiếng hét đau đớn của Ngọc Trinh. Hai bà mụ dặn dò chỉ bảo tận tình để mong mẹ tròn con vuông. Nếu như có điều gì không hay thì họ chắc sẽ mất mạng.

Ngọc Trinh nghiến chặt cái khăn ở miệng và gồng người. Một bà mụ lo lắng thấm mồ hôi trán cho nàng. Bà nói:

- Hoàng hậu cố thêm chút nữa thôi!

- Ngọc Thoa quạt lò than!- Ngọc Trinh ra lệnh.

Ngọc Thoa và vài nô tì vội quạt các lò than xung quanh bức bình phong. Vì ngoài việc giữ ấm từ xa cho hoàng hậu, họ cũng tránh mùi khói ảnh hưởng.

Nhũ mẫu của nàng khuyên nhủ:

- Hoàng hậu, người cố thêm một chút nữa! Đẻ con so là vậy đó!


Trong khi hoàng hậu vượt cạn thì nhà vua ở thư phòng cũng không yên. Mưa không có dấu hiệu là sẽ dần. Mưa nhạt nhòa khung cửa phòng được thếp vàng lên hoa văn hình rồng.

Một tướng quân đứng trước hiên đối diện căn phòng. Đó là Trấn quận công Trịnh Lâm, con trai thứ ba của Trịnh Tùng. Tướng quân đi theo hầu nhà vua đã nhiều năm. Lúc này, tướng quân có trách nhiệm đứng hầu trong lúc nhà vua cần tĩnh tâm.

Bàn viết chất đầy sách, vài cuốn đang mở. Phòng hơi tối vì thắp ít đèn, có ít ánh sáng từ cửa sổ. Lấp lóe ánh vàng đèn cầy ở một bàn đầy đèn cầy đỏ và những bức tượng và tranh Phật.

Nhà vua đang quỳ, nhoà đi trong ánh lửa đèn cầy đang nhảy múa. Nhà vua đội mũ tam sơn, vận áo bào màu xanh còn khoác thêm hoàng bào. Ngài thắp thêm vài cây đèn cầy rồi tiếp tục lần tràng hạt trước các tượng Phật.

Vua Lê Kính Tông là con thứ của vua Lê Thế Tông, cháu nội của vua Lê Anh Tông. Đó cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến ngài phải cầu xin chư Phật thương xót cho số phận ngài và hoàng hậu. Tình yêu của hai người đang kết trái. Ngài cầu xin khẩn thiết, mong cho hoàng hậu sinh hạ một hoàng nữ. Nếu là hoàng nam thì ngày mà ngài nối gót theo cha và ông mình sẽ sớm được định đoạt. Ngài không muốn mình chết trong tay của Thượng phụ Trịnh Tùng, thân phụ của hoàng hậu.


Nhũ mẫu vui mừng chạy ra từ phía sau bức bình phong. Một trong các vị thái y chỉ đạo nhóm người săn sóc cho hoàng hậu lúc này, liền hỏi:

- Là hoàng nam hay hoàng nữ?

- Là hoàng nam, là hoàng nam đó!

Nhũ mẫu vừa trả lời thái y xong thì vội vã chạy ngang qua hai kẻ hầu đang quỳ mà ra ngoài. Thái y lo lắng nhìn bức rèm, bỏ mặc tiếng khóc của ấu chúa vừa chào đời rồi vội vã chạy ra.

Nhờ một nô tì giúp đỡ, hoàng hậu ứa nước mắt ôm đứa bé trong lòng.

- Ngọc Thoa mau ra ngoài kêu tất cả mọi người vào đây cho ta.

Hoàng hậu âu yếm hôn lên tay đứa nhỏ. Ngọc Thoa hớt hãi chạy vào báo:

- Không thấy Thái y và nhũ mẫu đâu cả!

- Đại sự chẳng lành rồi...

Hoàng hậu buồn bã nhìn đứa trẻ rồi âu yếm kề má mình vào tay đứa nhỏ.


Vua Lê Kính Tông đang nhắm mắt đọc kinh lần tràng hạt rồi dừng hẳn vì tiếng hô to của nhũ mẫu.

- Chúc mừng hoàng thượng! Nhà Lê chúng ta có người nối nghiệp rồi!

Nhà vua rùng mình rồi kéo căng tràng hạt ra. Tràng hạt bung ra trong tay ngài. Từng hạt rơi xuống đất đánh những tiếng chua chát “tách tách” trong không gian yên tĩnh.


Trịnh Tùng đã lớn tuổi, đội mũ tam sơn, bận áo bào màu tím. Ngài được nô tì xoa chân mình trong thau vàng nghi ngút khói. Ngài cảm thấy thư thái, đảo đều nước trà trong miệng. Bỗng, thái y với thân người ướt mưa, lật đật chạy vào báo:

- Bẩm chúa thượng hoàng hậu đã hạ sinh được hoàng nam!

Trịnh Tùng, Đô Nguyên Soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương, mừng rỡ. Ngài nhổ vào tách đang cầm trên tay rồi lấy cái khăn lau miệng. Hàm răng của ngài hơi nâu vì đã lâu không nhuộm lại.

- Giỏi lắm con gái của ta!


Vua Lê Kính Tông phủ phục xuống nền nhà, chua xót ngước lên nhìn chư Phật.

- Phật Tổ tại thượng! Từ khi biết tin Hoàng hậu mang long thai, trẫm đã ăn chay trường, ngày đêm tụng kinh niệm Phật cũng chỉ mong cho Hoàng hậu sinh hạ hoàng nữ... Vậy mà...

Lê Kính Tông giận dữ đứng dậy trong khó khăn vì quỳ đã lâu. Ngài hất tung các pho tượng Phật, xé một bức tranh Phật quăng lên những cây đèn cầy.

- Tại sao người không thể thương lấy… nhà Lê của trẫm!

Bức tranh cháy…

Cửa thư phòng mở tung khiến căn phòng sáng hẳn lên. Chân một tướng quân bước đến mở thêm cửa sổ. Người mới vào phòng cất lời:

- Bên ngoài trời cũng đã tạnh mưa thưa Hoàng thượng.

- Là khanh đó sao...

Tướng quân đi vài bước dừng lại phía gần nhà vua. Đó là Vạn quận công Trịnh Xuân, con thứ của Trịnh Tùng. Lê Kính Tông lấy bên trong áo ra xâu chuỗi bằng cẩm thạch, quay người về phía bức tranh Phật đang cháy rồi tiếp tục quỳ.

- Mấy năm nay các cận thần của trẫm đều bị xử tử. Trẫm không còn khả năng chống cự đâu, nhắn giùm với Thượng phụ đừng lo...

Trịnh Xuân khuyên giải:

- Thánh thượng sao lại tự chịu cảnh này, chi bằng da ngựa bọc thay tỏ chí anh tài?

Nhà vua nghĩ Trịnh Xuân cũng là chỗ thân tình với ngài. Tuy tướng quân là con ruột của Thượng phụ nhưng lại là người ngài có thể tin tưởng, giống như hoàng hậu.

- Trẫm thân cô thế cô, một cây làm chẳng nên non... Cơ nghiệp trăm năm của nhà Lê ta đành nhờ cậy ở nhà chúa.

Trịnh Xuân liền quỳ xuống mà tâu, để tỏ rõ tâm tư với nhà vua:

- Trùng Quang Đế[3] anh hùng chí khí cạn, tử tiết bên dòng nước lớn. Đặng Dung trung thành thác theo chủ. Thánh thượng khát khao muốn lập nghiệp lớn, Trịnh Xuân xin dốc lòng dốc sức làm một Đặng Dung[4] cho người. Nguyện theo hầu thánh thượng, tuyệt không hai lòng!

Nhà vua ban đầu còn ngờ ngợ, sau khi nghe xong liền phá lên cười khiến Trịnh Xuân giật mình.

- Bản thân trẫm là con trời, mà còn chưa biết sẽ chết ngày nào...

Nhà vua ngước nhìn tượng Phật Tổ còn lại và bức tranh đang cháy nửa chừng. Vua giơ xâu chuỗi lên thì dừng. Vua cười khà rồi giơ mạnh xâu chuỗi lên qua đầu. Ánh xanh kịp phản chiếu lên mặt trước răng ngài, tạo nên một vẻ quý phái. Vua buông xâu chuỗi rơi xuống cổ khiến Trịnh Xuân hụt hẫng mà than rằng:

- Thánh thượng, đừng để suy nghĩ sẽ thất bại lấn át tinh thần người.

Vua Lê chắp tay và khấn.

- Phật tổ nếu có trên đời đã nghe được lời cầu xin của người. Thánh thượng! Người nghĩ đi tu là cách người có thể bảo toàn được tính mạng hay sao?

Nhà vua cay đắng nhắm mắt gạt ngoài tai những lời khuyên bảo của Trịnh Xuân.

- Phải. Khanh nói phải… Họ Lê ta chẳng có mấy hoàng tử chết già...

Nhà vua thở dài rồi mở mắt nhìn tượng Phật tổ và chắp tay lại.

- Bình An Vương, phụ thân khanh có công lớn với Đại Việt. Trong lòng người đã không có hoàng đế như trẫm từ lâu. Trẫm còn phải gọi người là Thượng phụ. Trẫm biết dựa vào đâu!

Trịnh Xuân như bắt được vàng, liền tâu:

- Chỉ tám chữ thôi.

Nhà vua kinh ngạc quay sang nhìn Trịnh Xuân. Trịnh Xuân đỡ vua đứng dậy, đi vài bước đến gần cửa sổ. Xuân kể lại chuyện khoảng một năm trước:

- Giữa chính điện nhà Mạc, Trạng nguyên của chúng đã nói tám chữ.

Nhà vua tò mò bấu chặt tay Xuân. Ngài muốn biết cách nào giúp người thoát khỏi tình cảnh bi đát của một thiên tử. Ngài như vật trưng bày trên ngai vàng.

Một người ý thức rất rõ về danh dự của bản thân và gia đình, đến mức độ trở thành nội lực thúc đẩy hành động, thì thường người đó không có được trí óc minh mẫn. Nhà vua đã mắc vào chước quỷ của Xuân một cách dễ dàng.


Không chỉ có phía vua Lê Kính Tông biết chuyện, mà cả kẻ thù của nhà vua cũng biết.

Tại thư phòng của chúa Trịnh Tùng, Trịnh Lâm đứng cạnh một vị quan lớn tuổi đang bận thường phục. Đó là Thái phó Trịnh Đỗ, em trai của Trịnh Tùng.

Trịnh Đỗ tâu với chúa:

- Xuân đến gặp thánh thượng, sau đó người đã cho người làm vài món mặn.

Trịnh Tùng nhíu mày rồi mở mắt ra. Trịnh Tùng phẩy tay để sai khiến hai nô tì xoa bóp chân phải lui ra. Trịnh Lâm vội quỳ xuống, vì chàng băn khoăn có nên nói về nội dung cuộc trò chuyện bên bàn ăn của nhà vua và Trịnh Xuân. Trịnh Đỗ nói tiếp:

- Xuân là đứa thông minh. tài giỏi. Chắc là đã dẫn dụ được thánh thượng ngồi yên trên ngai vàng của mình.

Trịnh Tùng quay sang Trịnh Lâm:

- Con theo hầu thánh thượng bao năm vậy mà không lấy được lòng người, Trịnh Lâm con có thấy xấu hổ không?

Trịnh Lâm cúi đầu thấp xuống. Trịnh Tùng sửa thế ngồi:

- Thánh thượng đã nghe được chuyện gì mà thay đổi nhiều đến như vậy?

Trịnh Lâm tâu với chúa thượng, cũng là cha của chàng:

- Trạng nguyên nhà Mạc đã đưa ra một kế sách, ngắn gọn chỉ tám chữ: cùng Lê... diệt Trịnh, chia đôi sơn hà.

Trịnh Tùng kinh hãi đứng phắt dậy đá thau vàng. Trịnh Tùng loạng choạng đi thì té cũng may là Lâm đỡ kịp. Trịnh Tùng đẩy Lâm ra rồi đến rút kiếm treo bên cột nhà.

- Trời sai họ Trịnh phò Lê, họ Trịnh gánh cái lo, nhà Lê hưởng cái vui! Thánh thượng sống trong sung sướng mà không chịu hưởng! Mua dây buộc mình! Lại còn muốn trừ khử ta sao? Quả thực thánh thượng đã lớn rồi, được chim rồi nên quyết tâm bẻ ná mà!

Trịnh Đỗ châm dầu vào lửa:

- Anh là nguyên lão ba triều, là ngoại tổ phụ của đại hoàng tử vừa chào đời. Nếu thánh thuợng đã có lòng như vậy, sao anh không ra sức đoạt giang sơn về cho họ Trịnh ta?

Trịnh Tùng khẽ giật mình. Ngài loạng choạng đi thì Lâm đỡ. Ngài lo sợ lối suy nghĩ của em trai mình. Ngài hất tay Lâm ra rồi vung kiếm chém khiến thau vàng bị bung đứt làm hai. Ngài vừa giận, vừa lo về em mình, nên ngài đã không tính được chính Trịnh Xuân là người muốn đất bằng nổi sóng gió. Sau này, ngài tự lí giải, không cần biết Xuân đã nói gì, thì tin tức về Trạng nguyên nhà Mạc trước sau gì cũng đến tai vua rồi khiến vua thay đổi như bây giờ.

Trịnh Tùng khẽ liếc thì thấy Đỗ mỉm cười gian xảo. Đỗ vẫn cái điệu bộ ấy như một con cáo đang rình mồi và môi thì mím chặt vào nhau.

Chúa Trịnh Tùng đã phải luôn suy đoán suy nghĩ, tâm tính của thuộc hạ thân cận và thậm chí là những người thân của mình. Chúa phải luôn xác định lại ai là bạn, ai là kẻ thù, bởi lòng người dễ dàng thay đổi bởi một tác động nào đó. Ngồi được vị trí của mình như hiện nay, chúa đã phải mất nhiều năm lao tâm khổ trí, thậm chí còn phải liều cả tính mạng của mình.


Trở lại phía hậu cung nhà Lê, Đoan Từ Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh vừa sinh hạ một hoàng nam. Đáng lí, nàng phải rất vui nhưng vì nghĩ cho nhà vua, nên quyết định đi một bước khó khăn…

Ngọc Thoa quỳ xuống dâng lên một khay. Ngọc Trinh nhìn sang, có một cây trâm hoa vàng và một khăn vàng nhúng nước.

- Đây là giờ phút quyết định, xin hoàng hậu quả quyết…

Ngọc Trinh đưa tay run run đến bên cái khăn cầm lên rồi bóp chặt. Nước chảy khỏi tay nàng. Ngọc Trinh run run thả khăn xuống rồi nhìn sang hài nhi trong tay mình.

- Có lẽ muộn nhất cũng là ngày mà con chập chững biết đi, bập bẹ gọi phụ hoàng, là ngày phụ hoàng con bị đoạt mạng... Mẫu hậu xin lỗi...

Hai vai gánh nặng hòa hai, Ngọc Trinh không biết cân giữa bên tình và bên hiếu, cho đến giờ phút này… Nàng lấy vội cây trâm khiến Ngọc Thoa kinh hãi nhắm mắt. Ngọc Trinh run run giơ cây trâm lên cao rồi vung cây trâm xuống.

Tuy bị ép gả cho vua, nàng không ngờ mình lại rơi vào lưới tình. Hoàng hậu bằng mọi cách lo cho tính mạng vua Lê Kính Tông sắp bị đoạt.Vì trước đó, nhà vuađã có mưu lật đổ Trịnh Tùng- phụ thân nàng- nhưng không thành. Chuyện lần đó, nhà vua được tha cho, còn nàng nhận được lời cảnh cáo thay cho người. Nghĩ đến tương lai của hai người xa xăm bất định, hoàng hậu càng thêm rầu.

Nàng rất lo lắng vì lúc này cha nàng đã một tay che trời. Nếu có lí do để cha nàng giết vua, lẽ nào người lại bỏ qua cơ hội phò tá ấu chúa vừa chào đời cũng là cháu ngoại của mình… Càng nghĩ nàng càng xót xa cho số phận mình, nàng kìm được nước mắt.


Chỉ còn lại một mình Trịnh Khải đứng hầu bên, Trịnh Tùng bắt đầu suy nghĩ cặn kẽ lại mọi chuyện. Vì Trịnh Khải là đứa con một mực trung thành với ngài. Chúa không cần dè chừng như khi có Trịnh Đỗ ở đây. Trịnh Đỗ tuy là em trai ngài, tuy rất được việc, nhưng là người ngài không tin tưởng tuyệt đối.

Chúa Trịnh Tùng nhớ lại nhiều chuyện để đi tìm lời giải.

Năm xưa, Tiên hoàng Anh Tông Tuấn Hoàng đế nghe lời gièm pha của bọn tiểu nhân, trong một lúc cạn nghĩ đã xiêu giạt ra ngoài, bỏ nước nhà không lo. Buộc lòng chúa và tâm phúc phải lập tân vương, tức Thế Tông Nghị Hoàng đế. Cuối cùng, đành tiễn người về trời…

Tiên hoàng Thế Tông Nghị Hoàng đế được chúa tôn lập làm vua khi còn nhỏ tuổi. Người hết lòng tin dùng chúa nên vua tôi không có khoảng cách. Thậm chí, ngày ấy, còn cho phép Trịnh Tùng được chém trước tâu sau. Thật lòng với chúa thì niềm tin yêu ấy không gì sánh bằng. Chỉ tiếc Tiên hoàng mất sớm khiến lòng người không khỏi nghi hoặc là chúa ra tay lần nữa…

Trịnh Tùng lại lập hoàng tử mà người tin yêu lên ngôi vị, tức là vua hiện tại của nhà Lê. Chúa còn gả con gái yêu cho người, tức là người một nhà. Vậy mà người không biết điều, có ý cho rằng chúa chuyên quyền… Thử hỏi kẻ trải trăm trận mạc với người ngồi mát ăn bát vàng, thì ai là người có thể giữ được cảnh thái bình này? Nhà vua còn quá non trẻ, làm sao hiểu được lòng người ham hiểm thế nào…

Nhưng ngẫm lại khởi sự cũng lỗi do chúa. Chính người đã đào quá sâu nên giờ khó lấp lại. Giữa tôi thần đã có khoảng cách, nên chúa cần người giúp giải khó khăn này cho mình. Đó phải là một người ngoài cuộc mà nhà vua tin tưởng.

Trịnh Tùng biết rất rõ người đó là ai.

[1] vin: ý trong câu là dựa vào việc tu đạo mà hòng thoát chết, việc làm này tự biết là khó thành công nhưng vẫn muốn bấu víu vào, khiến người ngoài không khỏi thương tiếc.

[2] niết bàn( hay nát bàn): điểm đến của những người tu hành theo đạo Phật; nơi con người có thể rủ bỏ mọi thứ trần tục, thoát khỏi luân hồi.

[3] Trùng Quang Đế: theo cách dùng từ trong Đại Việt Sử kí toàn thư, nhà vua Hậu Trần này là quốc quân chết vì xã tắc. Ông là người tận lực chống giặc Minh xâm lược, cho đến ngày bại trận bị giải về kinh đô nhà Minh. Trên đường đi đã tự vẫn.

[4] Đặng Dung: là một trong những người tôn lập Trùng Quang Đế lên ngôi. Ông là người trung quân ái quốc đến hơi thở cuối cùng.
 

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
Xin đừng hò hẹn kiếp sau,

Kiếp này thôi, xin nhớ nhau trọn đời!

Cũng đừng trông… mong… ngóng… đợi…

Chẳng có gì ở chân trời đăm đăm.​



Chương 7

Không bỏ cuộc

Thấm thoắt đã gần tròn một năm kể từ ngày Thị Duệ chịu ơn cứu mạng của vua Mạc Kính Cung. Nhà vua lập nàng làm phi tử nên nàng mới thoát chết. Từ đấy, nàng được mọi người tôn xưng là Tinh phi. Nhưng cũng từ đó, nàng như chim trong lồng, quẩn quanh ở hậu cung. Một người dám cải nam trang để ứng thí như nàng, thì không dễ gì nàng chịu bó gối ngồi không. Nên nàng cũng có nhiều lần bàn chính sự với riêng nhà vua…

Chính cung hoàng hậu của vua Mạc Kính Cung là một người phụ nữ xuất thân trong gia đình danh giá. Bà biết giới hạn của hậu cung và vạch rõ cho các phi tử biết. Bà đi lễ chùa, và lệnh cho Tinh phi theo hầu, cốt cũng chỉ muốn trao đổi thân tình riêng với nàng. Bà biết chuyện nhà vua thường hay trao đổi quốc sự với nàng. Ban đầu bà nghĩ: nhà vua có một phi tử giúp người san sẻ ưu tư là điều đáng mừng đáng quý. Nhưng không ngờ chuyện đi quá nhanh, các quan cảm thấy phật ý. Vì đôi lần nhà vua không ra quyết sách ngay, rồi sau khi gác lại để nhà vua suy nghĩ thêm thì quyết định của ngài đã thay đổi nhiều, thậm chí là ngược với ý định ban đầu của ngài. Hậu cung nhà Mạc không to lớn đủ để giấu kín bất cứ điều gì. Đặc biệt là những lần người thay đổi quyết định sau khi đến gặp Tinh phi Nguyễn Thị Duệ.

Hoàng hậu tự tay cắm hoa để dâng lễ. Tóc bà búi cao với cây trâm vàng giắt ngang, bện bằng vài cái kẹp tóc bằng vàng trông thật quý phái. Điện tam bảo chỉ có người của hậu cung dâng hương mà nhang tỏa khói nghi ngút, với tiếng gõ đều đặn của sư cô.

Thị Duệ thành tâm xin xăm. Nàng cúi xuống nhặt một quẻ xăm. Cây trâm cài bằng bạc của nàng có hình vài đóa hoa được điểm nhị bằng vàng lấp lánh dưới ánh nắng rọi từ các khung cửa ở trên cao. Nàng ngẩng đầu lên mà lầm rầm tạ ơn ơn trên. Còn Giáng Hương, trong trang phục nữ tướng, đứng hầu ở phía sau. Biết nàng vừa tạ ơn vì xin được một quẻ xăm, hoàng hậu liền bắt đầu nói:

- Bổn cung muốn nghe giảng kinh, tuần chay sau ngày rằm hẳn về cung.

- Bẩm lệnh bà, nếu vậy thì cũng một tháng nữa chúng ta mới về tới hoàng cung- Giáng Hương.

- Tinh phi à. Quan viên trong triều, đặc biệt là các tướng quân, họ không thích cách nàng xen vào triều chính.

Hoàng hậu khẽ thở dài rồi nói tiếp. Hoàng hậu cũng không muốn nói những lời này: “Thay vì chăm chỉ thêu thùa dệt vải, nấu vài món ăn ngon làm đẹp lòng thánh thượng, hà cớ gì nàng lại tự chuốc nỗi lo vào mình?”. Nàng định mở lời thì hoàng hậu nói tiếp: “Chúng ta là phận thê thiếp, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho thánh thượng là điều phải làm, là điều nên làm! Nếu cảm thấy nhàn rỗi hãy tập một gãy đàn một bản dân ca, không thì đọc thêm vài cuốn sách, không phải nàng rất thích đọc hay sao?”.

- Thần thiếp tự biết giới hạn. Nếu chẳng may vô tình vượt quá, cúi xin hoàng hậu lượng thứ- Thị Duệ.

Hoàng hậu vừa nói vừa cắm hoa:

- Có thể nàng chưa biết đủ. Chẳng hạn như việc nàng và thánh thượng tuyển lựa một nhóm tử sĩ… Sẵn sàng chết vì nàng và thánh thượng.

Thị Duệ khi nghe từ “tử sĩ” được phát ra qua kẽ răng nghiến chặt của hoàng hậu. Nàng tự biết không nên tranh cãi thêm.

- Từ lúc Hoàng thượng đưa nàng vào hậu cung, người cũng đã có nhiều cải cách thay đổi, đôi khi đi ngược lại với ý bá quan.

- Thần thiếp đã hiểu.

- Nhà Mạc ta khó khăn[1] lắm mới có thể được ở đây, thật lòng mà nói, hậu cung làm phật lòng tướng soái là điều không nên. Chúng ta là phận đàn bà, việc của chúng ta là nâng khăn sửa túi, đừng nghĩ gì đến chuyện vá trời lấp bể.

Thị Duệ, Giáng Hương cúi đầu hiểu chuyện.

- Nàng cứ tiếp tục xin xăm đi nhé, hỡi vì sao của thánh thượng!

Hoàng hậu dặn dò xong liền đi khỏi. Trong cách nói của bà vừa hàm ý sai khiến, vừa tỏ rõ sự ghen ghét của bà, mà một người như Thị Duệ không thể hiểu ngay ý thứ hai. Hoàng hậu suy nghĩ đơn giản, cho rằng nhà vua thấy Thị Duệ có chút mới mẻ, mà nhất thời yêu thương. Nên bà không dụng tâm đối phó nàng. Nàng được yên thân trong một năm qua cũng là vì thế.

- Tâu vâng...

Hoàng hậu khó chịu đi khỏi thì Thị Duệ lại quỳ xuống mà tiếp tục xin xăm.

Tay Thị Duệ lắc ống xăm. Một xăm rơi ra rồi một xăm nữa. Thị Duệ cầm hai xăm lên rồi ngước nhìn tượng Trần Hưng Đạo.


Trước cửa điện tam bảo, Thị Duệ, Giáng Hương thấy có hàng xem quẻ nhưng nhiều người bu xem. Thị Duệ nhìn quanh thì thấy một thầy xem quẻ mù trải chiếu ở một góc chùa. Cả hai đến bên ông ta.

- Cụ là người giải xăm ở chùa này?- Thị Duệ lễ phép hỏi.

Thầy xem quẻ gật gật đầu rồi hỏi:

- Phu nhân hay tiểu thư đây xin được quẻ xăm nào, số mấy và muốn hỏi gì?

- Tôi xin xăm của Đức Thánh Trần, quẻ số bốn... tôi muốn tìm một người.

Thầy lẩm nhẩm giây lát rồi nói:

- Ve lạnh uống sương. Con ve thân thể nhỏ bé, phải tạm uống sương qua ngày đợi tiết xuân sang. Nghĩa là chỉ cần vững lòng tin, rồi cũng sẽ đến lúc tìm thấy người, đạt được điều mình mong muốn.

Thị Duệ cảm thấy yên lòng:

- Đa tạ vài lời vàng ngọc của cụ.

Thị Duệ thả vào bát vài đồng bạc, tần ngần định nói rồi đi. Bằng giác quan của mình, thầy xem quẻ hỏi tiếp:

- Chẳng hay người định hỏi thêm gì?

Thị Duệ ngồi hẳn xuống chiếu mà khẽ khàng:

- Phu quân tôi muốn buôn một chuyến lớn mà lợi hại khó đoán được. Phận tôi thê thiếp, đang ngầm giúp chàng lại bị ngăn cản... Đến xin xăm để giải nỗi lòng nhưng lại nhận được hai quẻ, thật lòng tôi cũng chẳng biết ý của Đức Thánh là gì?

- Chẳng hay phu nhân nhận được quẻ xăm đầu là số mấy?

- Số sáu- Thị Duệ lo lắng.

- Quẻ rằng ngắm bóng trăng dưới dòng sông mùa thu.

Thị Duệ liền hỏi:

- Từ xưa cảnh sắc thu cùng ánh trăng đều vẽ cảnh buồn. Phải chăng ý nói công việc sẽ gặp nhiều khó khăn?

Thầy xem quẻ lắc đầu.

- Ánh trăng soi rọi dưới dòng nước thu. Ánh trăng đẹp nhưng đấy chỉ là ảo ảnh, khó giữ được lâu. Hơn nữa, trăng rồi cũng lặn, cảnh cũng sẽ có lúc tàn...

Thị Duệ liền hỏi:

- Thế còn quẻ xăm còn lại? Tôi có thể giúp gì được trong chuyến buôn này? Xin cụ mở lối chỉ đường, quẻ tôi bốc được là quẻ số mười một.

Thầy xem quẻ giật mình vui mừng.

- Đó là quẻ tốt nhất! Quẻ rằng cầm kéo cắt gấm. Trong chuyến buôn này, phu nhân nên nửa trông vào năng lực bản thân, nửa trông vào bạn tri âm… phu quân của mình.

Thầy xem quẻ nói lỡ lời là bạn tri âm, nên sửa lại vội. Thị Duệ thở dài nhìn trời rồi nói:

- Tạ ơn lão.

Trong lúc nàng đang lấy thêm vài đồng bạc cho lão xem bói thì nhận được lời khuyên:

- Xin xăm cũng chỉ là muốn hiểu rõ ý bề trên. Quan trọng vẫn là ý của người.

- Ta không hiểu ý lão- Thị Duệ ngạc nhiên.

- Thưa phu nhân, xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Thị Duệ, Giáng Hương mỉm cười hiểu chuyện. Thị Duệ vui vẻ bỏ tiền vào bát, nghe được tiếng đồng bạc đánh vào bát thì thầy bói khẽ cúi đầu cảm ơn. Tuy biết ông lão không nhìn thấy mình nhưng nàng vẫn cúi đầu chào cảm ơn.

Cả hai vừa đi được vài bước thì nghe tiếng binh lính hô hoán:

- Hộ giá! Hộ giá! Bảo vệ Hoàng hậu và Tinh phi.

Bọn người áo đen từ bên ngoài tường nhảy xuống, khiến người dân bỏ chạy, có người đỡ thầy bói mù chạy. Thị Duệ liền rút hai thanh kiếm đeo trên vai Giáng Hương, còn Giáng Hương thì lấy cây cung đeo trên người mà bắn.

- Đông quá! Chị cứ xông lên, em sẽ yểm trợ- Giáng Hương.

Thị Duệ chạy lên trước mặt Giáng Hương, rồi xông thẳng tới.

- Bên phải!- Giáng Hương hét lên.

Thị Duệ đang chạy liền nghiêng người sang phải thì mũi tên bay thẳng tới trúng trán tên áo đen đối diện. Một tên áo đen chạy đến bên Giáng Hương. Cô liền đánh trả bằng tay không. Tên áo đen chém xuống thì bị trúng tên. Giáng Hương quay nhìn. Áo đen khác đang giương cung, đó là Trịnh Khải, lúc này không thể lộ diện.

Bỗng có hai nhóm nhỏ những người áo đen chạy vào sân chùa khiến bọn áo đen, binh lính và Thị Duệ ngạc nhiên.

- Bọn chúng không cùng một nhóm!- Thị Duệ nhận định ngay.

- Cung thủ nhắm bắn nhóm bên trái, nhóm còn lại ra bảo vệ Tinh phi!- Giáng Hương.

Hai nhóm áo đen đánh nhau.

Giáng Hương lo lắng uống một viên thuốc rồi lấy lọ nước bên hông đổ lên những cây phi đao hai bên cánh tay, rút hai cây trâm cài tóc rồi đổ tiếp lọ nước lên nó. Cô xông ra.

Một tên áo đen hét lớn:

- Phải bắt sống người!

- Lui về bảo vệ Hoàng hậu!- Thị Duệ hiểu rằng chúng định bắt hoàng hậu.

Trịnh Khải lao vào đánh tên áo đen chỉ huy bên nhóm kia. Cả hai đọ kiếm và lườm nhau. Trịnh Khải chợt nhận ra người quen liền lui về để tên đó tiếp tục đánh binh lính.

Một tên áo đen lao thẳng tới phía sau Thị Duệ. Giáng Hương nhìn thấy liền phóng phi đao trúng ngay ngực hắn. Tên áo đen co giật, ứa nước bọt ướt khăn đen che mặt.

Tên chỉ huy đánh với Thị Duệ, cuối cùng hắn dứt đòn: chỉa mũi kiếm vào cổ nàng. Tên áo đen khác đánh sau gáy khiến Thị Duệ xỉu. Giáng Hương cùng nhiều binh lính lao tới nhưng bọn áo đen cản lại.

- Giết hết cho ta, cứu Tinh phi!- Giáng Hương điên cuồng.

Giáng Hương, binh lính ẩu đả với hai nhóm áo đen; cả hai nhóm áo đen cũng ẩu đả nhau.

Trịnh Khải bỗng ra lệnh: “Lui!”. Vì chàng thấy chúng đã đưa Thị Duệ rời khỏi chùa.


Tại chính điện nhà Mạc, tướng râu quai nón đứng hầu phía sau Thượng tướng, trong lúc ông cùng vua Mạc Kính Cung bàn chuyện liên minh với vua Lê. Việc liên minh phải tiến hành bí mật, và phải có sự hiện diện của hai vua. Vì nhà Mạc lúc này quá nhỏ bé, còn vua nhà Lê tuy là chủ Đại Việt nhưng chỉ là bù nhìn. Mạc Kính Cung hỏi:

- Vua Lê muốn ta đích thân đến sớm hơn dự tính ban đầu, người nghĩ thế nào?

- Thánh thượng có tin chắc rằng kẻ sẽ đến gặp người, là vua Lê? Liều thân vàng ngọc như vậy có đáng không? Hậu thế sẽ cười chê việc này...

- Vua Lê sợ rằng họ Trịnh có thể biết chuyện…

Nhà vua băn khoăn vò tờ giấy vàng trong tay, thì Giáng Hương chạy vào. Thượng tướng gằn giọng:

- Ngươi chỉ hầu cận Tinh phi mà dám chạy vào chính điện như vậy sao?

Giáng Hương vội quỳ một gối mà tâu:

- Tinh phi bị nhóm người lạ mặt bắt! Thần cho rằng có thể là người...

Thượng tướng cắt ngang lời nàng:

- Hãy lui xuống! Mọi chuyện có ta và thánh thượng lo.

Giáng Hương quay nhìn sang nhà vua như cầu xin. Vua phẩy tay bảo nàng ra ngoài. Nàng kiềm cơn giận đi ra.

- Tại sao khanh không cho Giáng Hương nói hết sự tình?

- Nếu là họ Trịnh, nhà Lê ở Đông Kinh, hay là họ Nguyễn ở phương Nam, thì sao? Mấy năm nay trong ngoài tạm yên, sao lại vì một người đàn bà mà làm nhọc đến ba quân?

- Khanh cũng chỉ suy đoán. Và đó là phi tử của trẫm...

- Thánh thượng. Người chọn giang sơn hay mỹ nhân?

Vua nắm chặt bàn tay, căng thẳng nửa muốn đấm xuống bàn.

- Nếu thánh thượng đã muốn làm thì trước mắt cứ tiến hành, cho dù Tinh phi đang bị kẻ nào đó bắt giữ.

Vua quay nhìn. Thượng tướng cúi đầu nhận lỗi vì bản thân có hơi quá trong cách nói chuyện.

- Từ ban đầu, thần không đồng tình kế mà Tinh phi đưa ra. Nên thần không tiện giúp người trong chuyện này. Thánh thượng nên tin vào chính mình là hơn cả.

Thượng tướng bỏ ra ngoài. Tướng râu quai nón đi theo nửa chừng thì khẽ liếc nhìn vua Mạc Kính Cung vì tò mò xem thái độ của nhà vua trước việc bị từ chối giúp đỡ.

[1] khó khăn: hoàng hậu ám chỉ việc nhà Mạc nhờ nhà Minh nên có thể tạm sống yên ổn.
 

codinhvan

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/11/15
Bài viết
74
Gạo
0,0
Sự đời nghĩ cũng nực cười,

Một con cá lội bao người buông câu!​

ca dao


Chương 8

Vải thưa muốn che mắt thánh

Làm mẹ, ai lại nỡ ra tay giết hại con mình. Đoan Từ Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh cũng không thể xuống tay với đứa con so của mình. Đó là lí do vì sao nàng cho người bắt Tinh phi, hay đúng hơn là Trạng nguyên nhà Mạc. Nàng định nhờ chính miệng Trạng nguyên khuyên Kính Tông từ bỏ ý định liên minh với nhà Mạc. Nếu như chẳng may để cha nàng biết được thì tính mạng nhà vua khó bảo toàn… Tất cả những gì nàng làm đều vì gia đình nhỏ mới vừa được tạo dựng của mình mà thôi.


Thị Duệ nằm trên cáng vải. Ba tên áo đen khác đang quỳ trước nàng. Ngọc Thoa đem một khay có ba túi nhỏ đến cho chúng:

- Các người đã vất vả rồi. Hãy cầm lấy phần thưởng của các người và lui đi.

Cả ba cúi đầu và đồng thanh:

- Tạ ơn hoàng hậu ban thưởng.

Khi chúng đi ra, Ngọc Thoa đến lay thân người Thị Duệ. Thị Duệ bị lay sang ngang lộ rõ khuôn mặt. Ngọc Trinh nhìn thấy thì giật mình, rồi từ từ ngồi xuống ghế, băn khoăn không biết phải cư xử thế nào. Nàng không ngờ Trạng nguyên nhà Mạc được vua của họ sắc phong Tinh phi lại là người quen cũ. Cuộc hội ngộ này bỗng mừng mừng tủi tủi.

Ngọc Thoa vỗ nhẹ hai bên má khiến Thị Duệ chồm dậy. Ngọc Trinh ngượng ngùng:

- Đã lâu không gặp... chị vẫn khỏe chứ?

Thị Duệ ngước nhìn. Nàng ngạc nhiên, còn Ngọc Trinh bận đồ hoàng hậu khẽ cười ngượng.


Một bữa cơm thân mật liền được dọn lên, chị em tay bắt mặt mừng dẫu là trong tình huống thế này. Ngọc Trinh cho rằng Thị Duệ đi đường vất vả, nên đợi chị dùng xong bữa cơm tối mới bắt đầu câu chuyện. Ngọc Trinh cũng cố gắng ăn để giấu tâm trạng rối bời của mình.

Sau khi uống thử trách trà hoa, Thị Duệ bắt đầu cuộc trò chuyện.

- Một năm qua, chúng ta thay đổi nhiều quá…

- Không ngờ chúng ta lại gặp nhau trong tình huống này...- Ngọc Trinh đồng tình.

Thị Duệ hiểu nếu không có việc cầu xin, thì chẳng có ai lại đến điện tam bảo, mà nay lại còn bắt cóc nàng về đây. Nên nàng mở lời tiếp, để giúp cuộc hàn huyên có thể đề cập vấn đề quan trọng.

- Đường đột thế này, lại không có binh lính kẻ hầu nào xung quanh, chắc đây không phải là chuyện nhỏ.

Ngọc Trinh mỉm cười thừa nhận ý kiến của Thị Duệ.

- Thánh thượng đã liên lạc với vua Mạc, hai người đã hẹn gặp nhau...- Ngọc Trinh vào thẳng vấn đề.

- Chị có biết chuyện đó. Hai vua liên minh có thể khiến Trịnh Tùng đứng ngồi không yên!

Ngọc Trinh chưa kịp mở lời xin Thị Duệ giúp Kính Tông thay đổi suy nghĩ thì lại nghe chính chị nói như quả quyết chuyện hai vua muốn lật đổ cha nàng sẽ thành công. Họ không biết cha nàng là một người như thế nào… Cha nàng vốn là một người có lòng dạ sâu bể, khó dò xét hay đoán đúng ý người muốn.

- Hứa với em dù có chuyện gì, hãy nghĩ cho thánh thượng giúp em… chỉ sau người mà chị yêu thương nhất...- Ngọc Trinh chân thành cầu xin.

Thị Duệ bị bất ngờ rồi gật đầu đồng ý. Ngay lúc này, Trịnh Khải cùng thuộc hạ xồng xộc vào khiến hai người đứng dậy. Ngọc Trinh gằn giọng:

- Các vị tướng quân, nên nhớ các vị đang ở đâu!

Các thuộc hạ của Trịnh Khải vội quỳ.

- Chúng thần khẩn xin Hoàng hậu thứ tội.

Trịnh Khải không quỳ, chỉ chắp tay, cúi người trước em gái mình:

- Hoàng hậu đừng quên mình mang họ gì.

Ngọc Trinh khẽ giật mình, còn Thị Duệ ngạc nhiên nhìn nàng. Nàng vẫn chưa nói cho Thị Duệ biết mối quan hệ của anh em nàng với Trịnh Tùng là như thế nào. Bấy lâu nay, chị em quen biết nhau mà Ngọc Trinh luôn giấu gia thế hiển hách của gia đình…

- Thần có cần báo lại là hoàng hậu đã đoạt người mà chúa thượng muốn gặp?

Thị Duệ không hiểu rõ sự tình đang diễn ra. Trịnh Khải tuy nói thế, vì biết Ngọc Trinh không dám cãi lời cha, thật lòng chàng cũng lo sợ cha biết được mình không làm tròn nhiệm vụ, lại còn bị thuộc hạ của em gái phỗng tay trên.

Ngọc Trinh giận run người, nắm lấy tay Thị Duệ.

- Xin chị hãy nhớ những gì vừa hứa với em...

- Xin mời đi lối này- Trịnh Khải giơ tay ra mở đường.

Thị Duệ gật đầu rồi đi về phía Trịnh Khải. Nửa chừng, Ngọc Trinh chạy đến níu Thị Duệ quay người lại. Nàng nhớ ra phải nói cho Thị Duệ biết để còn chuẩn bị:

- Trước khi trở thành Hoàng hậu nhà Lê, em có tước hiệu Thượng quận chúa, là thứ nữ của Bình An Vương Trịnh Tùng...

Thị Duệ kinh hãi, run run rút tay mình lại quay sang Trịnh Khải.

- Cả ba đều là con của...con của...

Trịnh Khải gật đầu khiến Thị Duệ đau lòng đi thẳng ra trước.

Ngọc Trinh đi được về bàn ăn rồi ngã người xuống ghế. Ngọc Trinh tức giận hất tách trà xuống sàn. Lê Kính Tông đang vào thì thấy cảnh này, chẳng hỏi chuyện gì đang diễn ra mà chỉ hỏi thăm về Thị Duệ:

- Người đâu rồi?

Ngọc Trinh giật mình. Kính Tông nhìn tách trên thảm rồi tách trên bàn. Nhà vua thét lớn:

- Trẫm hỏi người đâu rồi?

Nhà vua chỉ trút giận lên hoàng hậu. Vì ngài biết hoàng hậu sẽ chịu đựng, không than trách, mà còn có thể giúp ngài bình tâm trở lại. Nhưng không phải lúc nào hoàng hậu cũng làm được thế… Quản chi những chuyện đã qua, hôm nay hoàng hậu cho bắt người, mà còn là chị em vào sinh ra tử, thế mà thánh thượng không chút suy nghĩ cho người.

- Dũng quận công Trịnh Khải đã đưa người đi rồi.

- Nàng đã đưa Trạng nguyên về đây, tại sao không cho trẫm gặp?

Lê Kính Tông quay đi vội khiến Ngọc Trinh đau lòng đưa tay lên ngực rồi bấu chặt mép áo.

- Ngọc Thoa nhắn giúp ta đến Bình quận công Trịnh Tráng...


Trời chiều vàng vọt, nước mênh mông lấp lánh ánh sáng với tiếng sáo não nề của Bình quận công Trịnh Tráng. Xa tít tắp ngoài kia, hình như là đàn chim đang bay về tổ sau một ngày kiếm ăn vất vả. Đêm về trên dòng sông Nhị Hà[1] có gió thổi lồng lộng. Gió thổi tung tóc chàng. Chàng đứng ở đoạn hợp lưu mà trông về một nơi xa xăm mà thổi sáo, để suy nghĩ về Thị Duệ.

Thi thoảng vào những lần không bận công vụ, đầu óc chàng lại nghĩ về nàng. Chàng đã chọn đoạn sông này để làm vơi nỗi nhớ nhung về nàng mỗi khi chiều về. Chàng tiếc cho một mối tình vừa bắt đầu đã phải kết thúc. Chàng giận mình không thể bảo vệ nàng khi cần… Bóng dáng nàng dần cứ hao gầy trong tâm trí chàng. Đó là lỗi của ai? Có lẽ phải oán trách trời khi dòng đời cứ chảy. Thật tiếc cho một đóa hoa giữa dòng.

Chàng không thể trách em mình đã ngăn không cho chàng giải cứu nàng, đó có thể gây trở ngại cho việc lấy tin tức từ nhà Mạc. Việc ấy có thể làm cục diện chiến sự giữa họ Trịnh và các thế lực khác thay đổi. Vì thế chàng bị cha giam lỏng ở kinh đô bởi lí do muốn giải cứu một người quen biết. Cũng may Trịnh Khải không kể về tình cảm giữa chàng và Thị Duệ, không thì hình phạt mà chàng phải chịu có thể còn nặng nề hơn. Cha chàng không muốn tình ái nam nữ gây ảnh hưởng đến các con trai mình.

Từ lúc nghe tin tức về nàng, lòng chàng quặn thắt. Bây giờ nàng đã là phi tử của vua Mạc… Vừa dứt tiếng sáo buồn như hờn như tủi, chàng ngâm một bài thơ cho thỏa nỗi nhớ nhung:

- Mênh mông sóng vỗ trong lòng. Con nước chảy mãi bóng hồng xa xôi. Nhị Hà nước chảy chia đôi. Đời người ngắn ngủi tương phùng sao đây?

Trông ngóng người phương xa đây không phải là lần đầu. Chợt thấy chiều tà dần buông, tự hiểu phải tạm ngừng thương nhớ. Chàng chuẩn bị lê bước về phủ riêng của mình.

Ngọc Thoa xuống ngựa vội chạy đến bên Trịnh Tráng.

- Hoàng hậu truyền lời: “Người mà quận công muốn gặp đang ở phủ chúa”.

Trịnh Tráng vui mừng khôn xiết khi nghe tin về Thị Duệ nên lập tức đến phủ chúa Trịnh. Chàng và nàng đã cách biệt một khoảng thời gian dài. Chàng muốn nói cho nàng biết là chàng nhớ nhung về nàng nhiều như thế nào.






[1] sông Nhị Hà: tên gọi khác của sông Hồng.
 
Bên trên