I - NÚT BUỘC TRÁI TIM
Đây là món quà tôi dành tặng cho chính mình, cho những kỉ niệm đáng yêu của một cô bé "nhà quê" đã từng lạc lõng giữa "phố huyện" rộng lớn nhiều năm về trước.
CHƯƠNG 1
- Êu, hôm qua tao nhìn thấy gấu của thằng An rồi nhá! Khôn hồn thì khai rõ mọi chuyện mau, nào giờ cứ giấu mãi!
- Ờ thì quen từ hồi cấp ba rồi. Lộ ra cho lũ lang sói bọn bây biết có mà khiến em ấy khóc thét à?
- Hu hu, uổng công tao tưởng mày cũng ế như tao, bấy lâu nay vẫn coi như tri kỉ…
Tôi nhét nốt mẩu bánh mì còn lại vào mồm, chiêu thêm một ngụm trà đá trước khi đặt chiếc cốc thủy tinh xuống bàn đánh cộp. Chiều hè nóng nực, căng-tin cũng đông đặc sinh viên, đến mức bàn này bàn kia kê san sát. Xem ra ý định học gạo tí chút trước giờ của tôi không thành rồi, khi mà phía sau là cả một đội quân chích chòe ba hoa.
Học trường kĩ thuật đến chín mươi phần trăm là nam sinh nó vừa khổ lại vừa hài thế đấy! Khổ vì dù muốn hay không vẫn cứ lọt vào tai mấy vụ rượu chè cờ bạc gái gú hút hít của mấy gã con trai mà ngay từ năm nhất đã quên mất khái niệm “ở đây có gái” là gì. Còn hài là vì nhiều khi đến chính mình cũng quên luôn bản thân mà quen dần với sự thô thiển ấy.
- Mày quên à? Ở đây vẫn còn Đường Tăng nữa! Tao nghi nó pê đê mẹ rồi, suốt mấy năm đã bao giờ thấy nó nói chuyện với gái đâu?
- Ờ phải! Ê sư phụ, chẳng lẽ bấy nhiêu năm mày chưa từng yêu một ai à?
- Có một người. - Một giọng nam trầm thấp là lạ cất lên.
- Oa… Hòa thượng phá giới bọn mày ơi! Lâu chưa? Em nào lại bất hạnh, à nhầm, may mắn thế?
- Năm lớp 5.
- Thằng này… Ăn gian nè!
Tôi khẽ nhếch miệng cười theo sự nhí nhố của mấy anh bạn phía sau đó. Xem ra, chủ đề tình yêu tình báo này không chỉ thu hút được mấy đứa con gái, mà cả bọn con trai cũng xôn xao không kém nhỉ. Lớp 5 à? Ở tuổi này mà có “mối tình đầu” thì cũng lãng mạn đấy. Vì khi đó, tôi cũng thầm yêu thích một người…
***
Phải, “mối tình” đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất của tôi cho tới lúc này, bắt đầu vào kỳ học hè của năm lớp 5.
Học hết ba năm đầu ở trường làng, bố mẹ chuyển tôi đến Lê Văn Tám. Thời đó, Lê Văn Tám là một trường tiểu học có tiếng của quận Hai Bà Trưng, lại nằm giữa trung tâm học hành nổi tiếng là khu Bách Khoa nên các bạn trong lớp ai ai cũng đều thuộc dạng “trong đầu có sỏi” cả. Vượt lên khỏi lũy tre làng đồng nghĩa với việc tôi phải cố gắng hết sức để đuổi kịp chúng bạn. Lớp tôi khi đó lại do thi tuyển mà vào nên chương trình học có sự ganh đua rất quyết liệt. Học nặng muốn xỉu, mọi người nơi đây nếu không phải đã quen biết nhau từ những năm học trước thì cũng thuộc diện “con nhà mặt phố”, gia đình khá giả trí thức.
Suốt năm đầu ở đây, tôi hoàn toàn không kết thân được với một ai.
Hết lớp 4, chỗ ngồi được sắp xếp lại. Tôi rời khỏi góc lớp lên bàn thứ ba, ngồi cạnh cậu bạn nào đó mà tôi chẳng nhớ tên, cũng chẳng nhớ mặt. Dù gì ở trong lớp này tôi cũng chỉ là một cái bóng mờ nhòa. Xuất hiện chẳng ai biết, biến mất chẳng ai hay. Cái nghèo và sự thua kém về trí tuệ khiến tôi mỗi lúc một khép chặt lòng mình. Có những ngày đến lớp, tôi thậm chí còn không mở miệng lấy một câu.
Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi mà tình cờ, người ngồi cùng bàn với tôi cả mùa hè năm đó không phải "Tùng", mà lại là "Tuấn".
Đúng là một sự ngẫu nhiên khó tin. Ngày xếp chỗ đó Tuấn nghỉ học, tạm thời chưa có chỗ ngồi. Còn Tùng, trùng hợp thay lại không tham gia học hè, nên vừa vặn chỗ trống cạnh tôi đương nhiên dành cho Tuấn. Thực ra có là Tuấn hay Tú gì gì đi chăng nữa cũng đều như nhau cả thôi. Đằng nào cũng vẫn là những cậu bạn tôi không hề quen biết.
Vậy là tôi bước chân vào lớp 5 với bạn “hàng xóm” bất ngờ tên Hoàng Anh Tuấn.
Nếu xét theo tiêu chuẩn thời nay thì bạn Tuấn này có lẽ sẽ được liệt vào hàng “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi”. So với tụi con trai luôn chạy huỳnh huỵch đuổi nhau mỗi giờ ra chơi thì Tuấn thích ngồi tại chỗ đọc truyện hơn. Quần xanh áo trắng lúc nào cũng tinh tươm sạch sẽ. Trên khuôn mặt trẻ con bầu bĩnh là hai lúm đồng tiền tròn trịa, mỗi khi cười hay nói đều như khắc sâu thêm cái duyên dáng cho đôi mắt đen tròn lay láy.
Tuổi này cơ thể của các cậu nhóc còn chưa phát triển. Tuấn cũng vậy. Cậu ấy chỉ cao sàn sàn tôi, trong lớp cũng không đảm nhận chức vụ nào, nhưng chỉ qua tuần học đầu tiên tôi đã lờ mờ cảm thấy cậu ấy không thuộc dạng "thường dân" như mình. Mẹ Tuấn là hội trưởng hội phụ huynh của lớp và trường, tôi từng thấy dì ấy chạy một chiếc xe Dream màu mận chín sang trọng tới đón con trai cưng mỗi giờ tan học. Bảo sao sau đó không lâu, tụi cái Hà cái My tổ bên bắt đầu nhằm sang tôi mà xì xào:
- Con Yên đó nhìn ghét nhỉ, mặt lúc nào cũng vênh vênh lên.
- Ừm. Học thì dốt, tên cũng đội sổ, lại còn quê quê nữa. Chẳng biết tại sao nó lại được vào lớp này?
Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể tin được, những đứa nhóc mới học lớp 5 cũng có thể biết nói xấu sau lưng một cách rành rẽ thế sao?
Mà này, tôi vào được đây là do thi tuyển đàng hoàng đấy!
…
Nhưng mà tụi nó cũng không sai. Tôi học kém hơn đa số bạn bè trong lớp. Có rất nhiều thứ các thầy cô dạy chỉ qua loa như là “học sinh đã biết hết rồi” vậy. Đúng! Tất cả đều biết, vì tụi nó đã được dạy trước ở lớp học thêm, tới lớp học chỉ ngồi để luyện đề. Thành thử, đến cả những bài toán cơ bản như rút gọn phân số cũng khiến tôi khổ sở.
Nhưng cậu bạn cùng bàn kia thì ngược lại. Giờ tôi mới biết cậu ta ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố, được cô giáo chủ nhiệm hết sức lưu tâm. Trong khi tiết nào tôi cũng phải đánh vật với những con số, thì cậu ta thản nhiên ngồi… chơi. Việc duy nhất là chờ cô giáo gọi lên bảng chữa các bài tập khó.
Tại sao trên đời này lại có người hoàn hảo như vậy nhỉ? Mà không, thực ra tôi cũng chỉ biết đến cái sự hoàn hảo này khi ngồi cạnh cậu ta thôi.
- Cậu biết cách tối giản phân số không?
Một ngày, bỗng dưng Tuấn quay sang hỏi nhỏ. Từ hồi ngồi cạnh nhau tới giờ, cũng đã mười ngày trôi qua. Và đây là lần đầu tiên cậu ấy mở lời.
Tuấn nhìn vẻ mặt đần độn của tôi, không truy hỏi gì thêm mà lập tức lấy ra một tờ giấy nháp, vừa viết lên đó vài con số vừa giảng giải:
- Đây nhé. Bài này có nhiều phân số được nhân với nhau. Cậu nhẩm xem giữa các tử số và các mẫu số, có cặp nào cùng chia hết cho một số tự nhiên nào lớn nhất không. Nếu có thì chia cả tử và mẫu cho số đó, viết kết quả ra bên cạnh. Viết nhỏ nhỏ thôi. Xong rồi nhân các kết quả phụ đó với nhau. Cậu làm thử xem?
Vậy là nỗi khổ đầu tiên về môn toán của tôi đã kết thúc.
…
Giờ Anh văn.
- Đây gọi là động từ to be. Ở thời hiện tại thường là am, is, are chia theo ba ngôi. Ngôi thứ nhất là I – am, số nhiều là we – are. Ngôi thứ hai là you – are. Ngôi thứ ba số ít là she, he, it – is, số nhiều là they – are.
Tôi nhìn Tuấn như một thần tượng của lòng mình.
Từ đó, mỗi ngày đến lớp đối với tôi đích thị là một ngày hội. Tất cả các môn học, cứ chỗ nào không hiểu tôi đều đem hỏi Tuấn. Và cậu ấy thì luôn nhiệt tình chỉ dạy, không tỏ ra phiền phức một chút nào. Cảm giác này thật tuyệt! Khác hẳn với những cô bạn ngồi xung quanh tôi trước đây, ít nhiều đều có vẻ rất khó chịu khi tôi “lỡ miệng” hỏi ra câu nào đó ngốc nghếch.
***
Một tháng rưỡi học hè năm ấy chính là khoảng thời gian vui vẻ nhất của tôi từ khi bước chân vào ngôi trường có tiếng này. Mỗi ngày tôi đều hào hứng đến lớp, nhìn thấy Tuấn là cười tít lên rối rít vẫy tay từ xa. Ngược lại, Tuấn đối với tôi cũng rất thoải mái. Mỗi sáng thứ ba cậu ấy đều mua truyện "Ninja loạn thị", còn thứ sáu là "Bảy viên ngọc rồng", tập mới nhất rồi đem đến lớp cho tôi đọc cùng. Chúng tôi thường chụm đầu vào nhau rồi cười lên thành tiếng mỗi khi xem tới đoạn nào đó hài hước. Việc học đối với tôi cũng nhẹ nhàng khoan khoái hơn nhiều vì đã có một cậu bạn "gia sư" kèm cặp ngay sát bên. Toán và Tiếng Anh không còn khiến tôi thấy phát sợ như cả năm học vừa rồi nữa.
Thế nhưng Tuấn cũng có điểm dở. Đó là cậu ấy không bao giờ thắt được khăn quàng đỏ cho đúng cách và đẹp mắt. Cậu ấy luôn xuất hiện với dải khăn quàng bên phải ngắn ngủn, cao sát tận gần nút thắt, trông rất thiếu thẩm mỹ. Tôi đã để ý điều này nhiều lần rồi nhưng cũng không nói gì, cho tới một ngày cô tổng phụ trách Đội đi qua cửa lớp và ra dấu nhắc nhở cho Tuấn sửa lại chúng.
Đúng là cậu ấy không làm được thật. Nhìn Tuấn loay hoay một hồi, chẳng hiểu hồi đó nghĩ gì mà tôi lại chủ động quay sang, cầm lấy khăn quàng đang vắt trên cổ Tuấn rồi giúp cậu thắt lại.
Hôm sau, khăn của cậu lại lệch như cũ. Lần này tôi làm rất chậm, vừa thắt vừa giải thích cho cậu rõ ràng.
Vẫn chẳng có gì khá hơn. Thậm chí hôm đó có lẽ vì quàng vội mà một bên cổ áo sơ mi trắng đồng phục của Tuấn còn chưa được bẻ hết. Tôi tiếp tục mím môi giúp cậu ấy bẻ cổ áo, thắt lại khăn, thậm chí vuốt lại mấy lọn tóc trên đỉnh đầu cho vào nếp giùm cậu.
Ngày qua ngày, quay đi quay lại tôi bỗng nhiên trở thành "vú em" chuyên thắt khăn sửa áo cho cậu bạn. Mỗi sáng gặp nhau, việc đầu tiên chính là một người ngửa cổ ưỡn ngực để người kia lúi húi tháo khăn đỏ trên cổ mình ra, vuốt ve lại cho phẳng phiu, gấp nhỏ vài lượt rồi mới quàng vào, làm thành một nút buộc vuông vắn đẹp đẽ. Mỗi lúc như vậy, đôi mắt sáng ngời của cậu ấy lại chăm chăm nhìn xuống khiến tôi có chút ngượng nghịu.
- Tay cậu nhỏ thật đấy!
- Tay cậu cũng thế mà.
- Sao cậu không để tóc dài rồi kẹp lên? Để mái che hết trán như vậy, ở vị trí này tớ không nhìn thấy mắt cậu được?
- Tớ quen rồi.
- A, mồ hôi đang lấm tấm trên chóp mũi của cậu kìa. Nóng à?
- Cậu yên đi nào!
Tôi phải rít lên mới khiến Tuấn ngoan ngoãn trở lại. Tự nhủ rằng khi mình ngốc nghếch hỏi bài cũng đều giương cái nhìn rất thộn ra uy hiếp cậu ấy đó thôi. Đến suốt cả tiết học Tuấn cũng không phàn nàn gì, nữa là bây giờ tôi chỉ tốn có một phút mỗi ngày để giúp lại cậu.
Với cả, tôi cũng thật sự thích làm việc đó mà. Chỉ thấy không được tự nhiên lắm khi bị cậu ấy nhìn như vậy thôi.
Giới thiệu << >> Chương 2