Cổ đại Sau Bức Mành Tre - Cập Nhật - Cinqdoll

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
An ủi Lãng mạn Sách Bìa.png

Tác giả: Cinqdoll

Trạng thái: Đang sáng tác

Thể loại: Cổ đại giả tưởng, tình yêu, nữ cường, huyền ảo

Văn án:

Mành tre là vật dụng có xuất xứ lâu đời, chúng dùng để che nắng chắn mưa, góp phần không thể thiếu trong các ngôi nhà bề thế thời xưa. Trong câu chuyện kể lần nầy, bối cảnh được xây dựng ở ba cổ quốc Đại Pháp, La Thành và Sở Kỳ trong một thời không song song, vốn dĩ đã hình thành trước tinh cầu Trái Đất ngàn tỷ năm. Cùng với hình ảnh mành tre không chỉ được tận dụng đúng với công dụng mà còn tô điểm cho các nhân vật xuất hiện đằng sau nó. Vương gia, thế tử, ông hoàng, bà chúa, chẳng ai đoán được cương vị của những người nầy.

Theo bản lục ghi chép, thân nữ nầy tự là Chiêu Phượng, ngày mà nàng chuyển kiếp tái sanh vào trần thế thiên địa nổi loạn, mây đen kéo đến ùn ùn, còn đâu áng quang soi sáng dương gian nữa. Chừng hai ngàn năm sau, bất ngờ xuất hiện dị tượng khiến cho cửa trời rộng mở, hào quang thiên sắc phủ trên đỉnh vinh quang mà bát tự của nữ tử ngày đó cũng khuynh chuyển, hạn vận được giải vây.

Chiêu Phượng bổn thân là bà chúa Chiêu Phượng của yêu tộc Lý Vi vương quốc La Thành, một nữ tướng tài ba với phong thái xuất thế, là con gái độc nhứt của Quý phi Hiệu Nguyệt. Tuy nhiên vốn đã rời cấm cung từ thuở nhỏ đặng tiến theo thầy đến Diễn Châu mà mới lưu lạc tận ba trăm năm. Sau ba trăm năm, nhơn tình thế thái đã khác xưa, cố nhơn cũng vừa gặp lại nhưng chưa thể nhận ra nhau.

[Trích đoạn 1]


...

Nhật Bảo ghé sát vô tai nàng mà nói rằng: “Em là nữ nhi, sau nầy lớn lên buộc phải theo chồng thì làm sao để anh bảo vệ em cả đời được đây?”

Chiêu Phượng nghe vậy thì có suy ngẫm, mặt thì vẫn hướng trước mà đi. Cách ít lâu nàng nói: “Vậy sau nầy trưởng thành em gả cho anh là được mà. Khi đó anh sẽ có thể che chở cho em cả đời rồi đa.”

“Ừa ha, vậy nào em lớn anh sẽ lấy em.”

[Trích đoạn 2]

Đường vô đại nội trải dài đến mười hai cổng thành, chàng bước chưn tới cửa áp cuối thì ngó thấy một người dắt theo ngựa, nhưng kéo hoài mà nó chẳng chịu đi. Người càng căng dây thì ngựa càng trương cổ lên, quặp đôi cẳng ngược về sau.

Nhật Bảo ở xa ngóng lại thấy con ngựa có ý muốn thoát khi liên tục giựt cương ở trong tay người giữ. Chàng mới tiến gần hỏi:

“Ngựa nầy của ai mà dắt vô cung?”

Nhật Bảo nhìn màu lông trắng của nó thì tay có vuốt lên, tới giữa lưng thì ngó thấy gần mông có nhúm lông tối sẫm hệt dấu bớt thì chàng không vuốt nữa, khuôn mặt đanh lại mà ánh mắt trông chẳng phản ứng chi.

Thế vận đổi dời buộc nàng phải buông bỏ chức phận của một bà chúa, dẫu chẳng rỡ ràng cho cam thế nhưng cũng đáng cho người khác nể trọng. Nàng đổi cái danh cha mẹ đặt cho rồi khoác lên mình địa vị con gái út trong gia đình phú hộ.

Kim Ân cũng chính là Chiêu Phượng mà trên vai nặng gánh cả mối thù giang san xã tắc. Xuyên suốt chặng đường phục quốc, báo thù cho vong tộc nàng còn bợ giúp ông hoàng cả Đại Pháp dựng lên cơ nghiệp đế vương. Lại cùng anh trai mình, sau nầy là vua của La Thành, hiệp sức đánh bại mưu kế, dẹp tan loạn thần.

[Trích đoạn 3]


Thằng Tú đặt cặp đòn gỗ nối cùng đuôi xe xuống đất, đôi chân cô út vừa chạm dưới giàn thiên lý đã nghe thấy tiếng người từ trong nhà vọng ra, giọng nói tiếng cười rôm rả, vọng lên cả sân trước.

Cô xăm xăm đi vô, lập tức bà Quyền từ ghế đứng dậy, kéo vai cô lại nói: “Đây là con gái út tôi nè đa.”

Rồi bà xoay qua Kim Ân, mang luôn cả vẻ mặt còn đang niềm nở mà nói: “Ân, ông đây là quan tri huyện Bình Châu và vợ của ổng, cùng với người đứng kia là cậu con trai cả, tên là Thanh Sang.”

Ngày đó là ai đã nặng lời thề:

"Nguyện kiếp nầy hẹn ước,
Kiếp sau ta lại bên nhau."

Nhưng đến kiếp nầy lại chẳng thể có được, thôi thì đành hẹn người ở nhiều kiếp luân hồi khác, khi không còn khổ đau.

Blog của tác giả:
Mục lục
Hồi mở. Mây trôi chốn hồng trần

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 1
Lạc trong giấc mơ tràng kì, nàng lần về quá khứ
Kinh qua năm ngàn năm khi vạn vật đã đổi dời, bước tới nơi hiện đại, Thiên Huyền mới tìm được người con gái năm xưa mà anh hằng mong đợi. Thắm thoắt trong thời gian ấy, quãng đường mà một người đi qua sẽ gặp vô số biến cố. Các sự kiện ấy dần làm thay đổi tư thái, cách nghĩ suy trong hàng ngàn khía cạnh của cuộc đời. Lòng dạ con người theo tháng năm cũng dần mai một, bất kể vật chi trên thế gian nầy đều có ngưỡng giới của nó, thì hồi ức mang theo như hành trang bên người chẳng khác xa là mấy. Quy lệ có mới nới cũ, cái đã không còn giá trị tất nhiên sẽ bị đào thải.

Những thứ đáng nhớ Thiên Huyền đều luôn ghi nhớ, từ mọi đau khổ mà cậu phải cam chịu cho tới những nẩy sanh tơ lòng. Vì để không quên dáng mạo của nàng mà Thiên Huyền đã dùng bảy loại màu sắc nắng mai, cùng lông của mình đặng vẽ nên bức họa về nàng, rồi treo trong mật thất của căn nhà.

Thiên Huyền ngồi trên chiếc ghế đai trong căn đình của người thầy bói. Cậu ngó quanh quất rồi lại quan sát tỉ mỉ từng hành động của bà ấy. Cách hồi người đờn bà xây sang nói:

“Tạm thời đã xong. Cứ để cổ ở trong giấc mơ, có tui ở ngoài nầy trông chừng là được.”

Huyền đến gần bên Nhung, nhẹ nhàng đặt thêm cặp đá Tuyết Sơn và lặng lẽ trở lại chờ.

Giả sử khi ai đó hỏi điều gì làm ta nhớ nhung khôn xiết, mà bất kể khi nào cũng đều mơ tưởng thì nên trả lời như nào mới phải lẽ.

Nếu là Thiên Huyền anh sẽ không hề do dự mà lập tức trả lời ngay đó là Hồng Nhung, một người từng mang đến cho anh những thước phim hồi ức tươi đẹp và quý giá nhứt trong dải đời tăm tối.

Còn đối với Hồng Nhung thì ngược lại, người khiến cô bận lòng nhiều nhứt, mang nỗi nhớ thương nhiều nhứt chính là Ngọc Huy, người anh trai đã quá vãng.

Người ta cho rằng, thứ đẹp nhứt là thứ đã từng trông thấy. Còn ngày bình yên nhứt là ngày đã từng trải qua. Và người lúc nào cũng bên cạnh mình chính là người trong lòng.

Trong trái tim thực sự nếu đã tồn tại bóng hình của ai rồi thì những thứ khác không cần bận tâm thêm nữa, có mặc thì nó cũng sẽ tự đến.

Ngày tháng nào đó khi tất cả đều hóa đau thương.

Ít ai biết được trước viện bảo tàng vào một đêm hôm mưa tầm tã, có người con gái che mình dưới tán ô, nhanh chân chạy đến bên phòng của bảo vệ. Cô định hỏi thăm đường về nhà, tiện thể ngỏ ý mượn điện thoại để liên lạc với người thân. Có điều dự tính chưa làm thì đã bị một thứ vô hình xô ngã vào trong chiếc quan tài đúc bằng đá.

Trong đó phủ hoàn toàn một màu đen mực, Hồng Nhung chầm chậm mở đôi mắt, cảm nhận cơ thể vô cùng nặng nề. Cánh tay phải nhẹ nhàng nhúc nhích, cô mon men di chuyển trên mặt đá lạnh lẽo. Từng hơi thở cũng dần dà mất độ ổn định. Trong thần thức mơ hồ, cặp mắt bất động lại vô tình trông thấy một đốm sáng bé nhỏ là xuống đáy quan tài.

Trong ánh sáng ấy mang hình hài của một con đom đóm. Bất chợt nắp của cỗ quan tài như vừa được ai kéo ra giúp, Hồng Nhung lồm cồm ngồi dậy. Hai tay bấu trên thành đá, cô ngơ ngác nhìn chung quanh thì cảnh vật căn phòng vẫn hiện lên vẹn nguyên như cũ, nhưng lại chẳng có một ai.

Đầu óc Hồng Nhung đau như búa bổ nhưng cô đã mau chóng bình phục lại tinh thần rồi nhấc chân rời khỏi.

Cô với tay nắm bình đèn dầu, chậm rãi từng chút một tiến ra ngoài. Xuyên suốt dãy hành lang là một mảng lớn tăm tối. Có soi ngọn đèn dầu tới đâu thì cũng là chùm sáng nhỏ chẳng thể đủ cho cô cất bước nhanh.

Dải tường cao vời vợi, lối đi lại hẹp và sâu thẳm, Nhung bây giờ chỉ là một tấm thân nhỏ bé chen giữa màu đen bạt ngàn.

Ở trong trại lao nơi giam giữ Tùng Dương, kẻ đồng phạm trong vụ tai nạn xe hơi khiến anh trai Nhung mất mạng còn cô thì trở nên dị tật. Gã thả lỏng người ngồi tựa vào thành tường, miệng ngậm cỏ lá tre, mắt hướng lên trần nhà. Cẳng chân hắn nhịp nhàng rung lắc, một tay thì gác lên đầu gối của chân cùng chiều. Hồi lâu Dương mới chuyển ánh mắt hướng ra ngoài song cửa thông gió, đăm chiêu trong nguồn sáng của mặt trời.

Có vẻ như hắn đã quen với cuộc sống như hiện tại cho nên mới mang thần thái của một kẻ tự tại. Bất kể có là trong ngục tù thì cũng chẳng thể giam giữ được hành động tàn ác mà hắn sắp sửa làm. Trong xác thân là Tùng Dương nhưng lại mang suy nghĩ của hai con người biệt lập, trái ngược về địa vị, về thời đại và còn về cả không gian.

Bên ngoài kia, Thiên Huyền khoanh chơn ngồi trên bộ ván, chẳng mảy may để ý có một tia sáng nhỏ bay là trong không trung và đậu vào mặt dưới của đầu bộ ván gỗ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 2
Bức họa tưởng dáng người xưa,
Mà lại xuất hiện dị tượng lạ lùng.
Hồng Nhung trong tiềm thức mộng mị vẫn chầm chậm những mũi chân. Đương đi thì cô nghe ở đằng sau có tiếng chưn ai kéo lê sợi xích rin rít trên mặt sàn, và âm thanh đó mỗi lúc một gần, tiến tới bên cô.

Hồng Nhung suýt đánh rơi bình đèn dầu ở trong tay nhưng vẫn cố trấn giữ bình tĩnh. Mỗi nhịp của dây xích cất lên trong dạ càng thêm rùng rợn. Sau khi đã lùi vài bước rồi day người bỏ chạy theo ánh hắt ra từ ngọn đèn dầu, thì thình lình không còn nghe tiếng của sợi xích ấy nữa. Nó đọng lại âm thanh cuối cùng trong màn đêm đen tĩnh mịch. Hồi sau tiếp tục trở lại, tuy nhiên còn mang cả sự dồn dập.

Hồng Nhung day người chạy đến mức muốn để tánh mạng ở lại, tiến đến cô là nhân dạng cao lớn của một gã đàn ông mà thể thân đều bốc mùi hôi thúi. Quần áo rách tả tơi lộ diện trên người vô số vết thương chi chít, gương mặt dữ tợn, tóc tai lại bù xù.

Anh ta tiến tới Nhung bằng thân ảnh cao ba mét. Cô không hiểu rằng sao người nầy có thể cao đến mức như vậy, giống hệt với những kẻ lạ mặt cô từng gặp trong công ty ngày đó.

Đôi chân hắn bị còng lại bởi một sợi xích đã nhuốm màu hoen gỉ. Hồng Nhung chẳng thể gắng gượng thêm được nữa, hai chân cô đã gần như rã rời mà hành lang sao cứ dài mãi không dứt.

Cô ngã xuống mặc cho gã kia có đang tiến tới, giây phút nầy Hồng Nhung đành phó thác cho số mệnh. Cô nhắm mắt và gục xuống, cảm nhận từng tích tắc của kim đồng hồ vang lên. Ngay sau đó cô chẳng còn nghe thấy tiếng của sợi xích nữa.

Mắt Hồng Nhung từ từ hé mở, từ trong màu đen của đồng tử bỗng dưng bị lấp đi bởi ánh của màu vàng rực. Cô ngẩng lên thì bắt gặp cảnh tượng hàng trăm hàng ngàn đom đóm bay giữa không trung. Một trong số chúng quấn quanh thân Nhung, số còn lại thì bay tán loạn vào cặp mắt người nọ khiến hắn chẳng thể trông thấy được gì đành quờ quạng.

Tia sáng li ti bắt đầu mở đường dẫn lối cho Nhung, cô men theo tiến lên phía trước. Được một lúc sau, nơi mà nó đưa cô đến chính là một căn phòng nằm sâu trong cùng của ngã rẽ.

Lúc nầy các vật thể đom đóm dần tan biến, chỉ còn lại đơn độc Hồng Nhung trong căn phòng nầy.

Nhung đưa cặp mắt ngó xung quanh, khắp nơi cô đứng là các tủ kính trưng bày các hiện vật như bộ dầm trà bát giác, bình tỳ bà, dĩa chu đậu cùng nhiều thứ khác. Tuy nhiên chẳng có cái nào được biên niên đại của chúng.

Cô tiến gần tới bức tường, và sau đó lại sát thêm vài bước nữa. Tay dang ánh sáng vàng nhạt được che chở bằng thông phong thủy tinh soi lên bức tranh đặt trên tường. Tia sáng lập lòe dẫn tới đâu bức tranh lại càng hiện rõ tới đó, sinh động như cảnh vật hiện thực.

Kích thước không quá to cũng chẳng phải nhỏ, người ở trong tranh được khắc họa là một người đờn ông vẫn còn trẻ, tóc búi trâm cài, trên người vận long bào đỏ tía với từng họa tiết được tô vẽ tỉ mỉ. Gương mặt thể hiện sự đạo mạo cùng ánh nhìn ôn nhu. Người nầy có lối đứng hơi nghiêng, lưng thẳng và tay chắp ra sau.

Hồng Nhung có chút tò mò nên dò đèn dầu xung quanh tìm tên của bức họa nhưng tìm hoài mà cô chẳng thấy đâu. Bất chợt từ phía dưới mép của tranh giống như vừa được ai bén lên ngọn lửa khiến cô sững sỡ lui về sau.

Trong nháy mắt ngọn lửa đã lan rộng và thiêu rụi toàn bộ tấm họa người đờn ông mà chẳng hề để lại một chút tro tàn nào. Cô không hiểu chuyện gì vừa xảy ra, kể từ khi đặt chơn vào trong bảo tàng nầy những thứ kỳ quái luôn bám theo cô.

Có điều cô chẳng ngờ được là tấm tranh vẽ người nam nhân đó chính là vật đã tạo ra hiện tượng đom đóm, cứu lấy cô hai lần thoát khỏi lằn ranh cái chết. Và đương nhiên sau khi nhiệm vụ hoàn tất tấm tranh cũng lập tức tan biến vào hư không.

Trong phòng bày trí cổ vật thế nhưng lại đặt một chiếc gương lớn, cả thân hình cô lướt qua và rơi vào trong tấm kiếng. Ban đầu cô chỉ nhìn thấy mình, sau đó chiếc gương đột dưng chuyển biến thành hình ảnh của đồng cỏ cùng một nhóm người chạy qua. Trông cách họ ăn mặc hệt binh lính thời xưa. Một trong số đó thấy cô thì lập tức tiến đến, hắn giương cung bắn nhưng khi mũi tên bay đi lại chẳng mảy may làm tổn hại được đến Hồng Nhung, bởi nó đã nhanh chóng bị tấm kiếng nuốt chửng.

Khung cảnh mà cô thấy chính là thế giới song song tái hiện một thời thịnh suy chìm nổi của ba quốc gia cổ Đại Pháp, La Thành, Sở Kỳ cùng các nước chư hầu kề cạnh.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 3
Đêm hôm chong đèn ra trước gió
Vắt vẻo ngồi nghe sự tích xưa.
Ở thời mà Trái Đất mới vừa sơ khai, còn vẹn nguyên vẻ hồng hoang thì đâu đó trong vạn dặm ngân hà, trên một tiểu hành tinh đã hình thành sự sống của hàng triệu năm. Nơi ấy loài người và loài yêu cùng sống chan hòa với nhau, loài người thì không thể như loài yêu, nhưng loài yêu thì lại mang dáng dấp hệt con người với sức mạnh thần thông tuyệt đối. Vả lại tuổi thọ người thì vỏn vẹn trong trăm năm, còn loài yêu lại vượt xa con số hơn một ngàn.

Thuở nọ tại vương quốc La Thành.

Trên đồng cỏ đã héo một màu vàng khô, song song hai phía của rặng cây có nhóm người đuổi theo một con nai con. Nữ tử ngồi trên yên ngựa dẫn đầu là một cô bé tuổi tầm chưa tới mười, theo sau có ba người đờn ông.

Nàng đưa mũi giáo dứt khoát nhắm tới nai con đương tận sức chạy, cuối cùng chẳng thể thoát nai con gục xuống bên hàng cây chết tươi.

Một trong những người đờn ông ban nãy tiến tới nhặt xác nai con đem đến dâng trước nàng.

“Con học giỏi lắm!” Người ngồi trên ngựa bước tới nói với cô bé.

Nàng mỉm cười, nhanh chóng đáp: “Đội ơn thầy đã khen con.”

Bé gái liền đem chiến tích về khoe với mẹ và bà ngoại khi cả hai đương uống trà nói chuyện trước cửa điện Minh Cát.

“Bà ngoại, mẹ, xem Phượng nhỏ mang được gì về nè.”

Hoàng Thái hậu nét mặt không phản ứng gì thế nhưng Hoàng Quý phi lại tiến đến, quỳ xuống bên nàng và vịn vai nói: “Nai con hy sinh tánh mạng để làm con vui, vậy thì con có nghĩ tới nai mẹ sẽ như thế nào không?”

“Dạ không.” Nàng ngây ngô trả lời.

“Nai mẹ sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn dù không phải chính tay con giết chết nai mẹ. Bởi vì nai con là sự sống, là ăn liền khúc ruột với nai mẹ. Cho nên về sau nầy không được tùy tiện dùng tài nghệ của mình khi chưa có sự xem xét kỹ càng, con nhớ chưa?”

“Dạ con nhớ rồi thưa mẹ.” Nàng gật đầu.

Người đờn ông ban nãy mà cô bé gọi là thầy đến bên Hoàng Quý phi, cung kính nói: “Lỗi thuộc về hạ thần đã không giáo dưỡng đường hoàng, xin mệnh phụ đừng trách phạt bà chúa.”

Hoàng Quý phi ngẩng lên: “Ta chỉ dạy dỗ con bé một chút, việc nầy hoàn toàn không liên can, không phải lỗi của Thanh Hầu gia.”

Từ đằng xa dáng của một bé trai tuổi vừa bằng đứa con gái kia chạy tới.

“Cháu thưa bà nội, thưa thím.”

Rồi ánh mắt sáng rực day sang hướng kia:

“Chị ơi! Em mới lặn dưới biển lấy được Đan ngọc đỏ trong thuồng luồng nè.”

Cậu bé xòe hai lòng bàn tay ra, giọng điệu vô cùng vui sướng: “Đan ngọc đỏ giúp có thể thở dưới nước mười hai canh giờ, là thứ chỉ có thể thấy chứ không thể cầu.”

Bé gái kinh ngạc ồ lên: “Vật hiếm như nầy ước gì em cũng có.”

“Cái nầy em dành tặng cho chị. Em sẽ mang về kết nó thành dây đeo.”

“Thật à?”

Bé trai liền gật đầu.

Khi nầy nàng mới nhìn ra sau, hỏi: “Sao không có cung nữ nào theo hầu anh hết vậy?”

“Em đã cho họ nghỉ hết rồi. Em không thích xuất cung mà có người lẽo đẽo theo sau.”

“Sao mà anh cứ xưng với em bằng em hoài vậy. Xét trên vai vế dù anh có nhỏ hơn em vài tháng nhưng anh là con của Thập thất thúc.”

Nàng vừa dứt lời thì cậu nhón chơn lên: “Nhưng mà chị cao hơn.”

“Cao hơn nhưng không có nghĩa làm em của em. Nếu anh vẫn tiếp tục gọi như vậy thì em sẽ không chơi với anh nữa.” Nàng cắt nghĩa cùng giọng điệu giận lẫy.

“Đừng. Anh… anh biết rồi.”

Một năm sau.

Vương của La Thành để mừng thượng thọ của Hoàng Thái hậu đã cho gởi thơ mời tới Đại Pháp, Sở Kỳ cùng các vương quốc láng giềng.

Ngày lễ được tổ chức long trọng, khách khứa lấp đầy cả sảnh lớn của điện Hòa Hiên. Sứ giả của các nước luân phiên tấu dâng vật phẩm lên cho Hoàng Thái hậu.

Cách dưới La Thành vương, bà chúa Chiêu Phượng ngồi ngay ngắn cạnh chiếc bàn đã được xếp sẵn, nàng nếm thử qua các dĩa thức ăn nhưng sắc mặt lại có vẻ không vừa ý. Nàng ghé sát tai hầu nữ thì hầu nữ mau chóng hiểu ra, tiến lên trên Hoàng Quý phi và truyền đạt lại.

Ngay sau khi Quý phi gật đầu chấp thuận, Chiêu Phượng liền đứng lên, hí hửng rời khỏi đại điện.

Ở trước cửa điện Minh Cát có trồng một cây phượng, cứ mỗi độ hè đến bông của nó đỏ rực trải kín một góc sân. Dưới tán cây treo một cái xích đu, phủ thảm đan thổ cẩm ở trên, Chiêu Phượng leo lên ngồi lên nó.

Nàng một mình ở đó chơi, sắc mặt trầm tĩnh.

“Sao mặt em trông bí xị vậy?” Vương tôn Nhật Bảo ở đằng sau bước đến bên Chiêu Phượng. “Trong điện không còn gì vui sao mà em xin phép mẹ ra đây?”

Nàng cúi gằm trả lời: “Đồ ăn đãi trong điện không ngon, em không thích nên chả nán lại làm chi.”

“Vậy em ăn cái bánh lá dừa nầy đi. Qua mới lấy từ chỗ nhà bếp.” Nhật Bảo lấy trong túi áo ra một chiếc bánh gói lá nằm gọn vừa lòng bàn tay.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 4
Tiễn bạn về đại quốc
Chiêu Phượng thực tình không còn ham thú ăn uống nhưng vẫn nhận cho anh vui. Khi mở bánh ra, mùi thơm của dừa xộc vô mũi làm nàng phải đưa lên cắn thử.

“Bánh nầy thiệt là ngon đa.”

“Chắc em lần đầu ăn thử đúng hôn?”

“Dạ.”

“Hồi đó còn ở với cha má, qua hay được mua cho. Tuy là đồ ăn chơi nhà quê nhưng mùi vị khó bao giờ quên được lắm. Sau nầy về ở phủ của Tôn nhơn lịnh đại nhơn thì không thường thưởng thức đến nữa.”

“Chắc anh thấy nhớ quê lắm đúng không?” Chiêu Phượng day người hỏi.

“Có kể là nhớ thì cũng chẳng thể về, mà nếu được về thì chả còn ai dưới đó cả.”

“Thôi xin anh đừng buồn, ở đây còn có em bầu bạn cùng anh mà.”

Nhật Bảo gượng cười sau đó lại gần nàng nói: “Để qua đưa xích đu cho em.”

Hai tay Nhật Bảo chạm lấy hai dây của xích đu rồi đẩy nó lên trước. Tay nàng bám chặt, nụ cười giòn giã lẫn vào trong khung cảnh đỏ rực của mưa phượng. Phương xa có một vương gia tiến tới mà bề ngoài trông như đã mười lăm. Cậu đến trước hai người và lên tiếng.

“Cho ta chơi cùng có được không?”

“Người là…” Nhật Bảo bước lên nói.

“Ta tự là Thiệu Cảnh trong đoàn sứ giả của Đại Pháp, hôm nay có trên điện đặng mừng thọ Hoàng Thái hậu.”

Chiêu Phượng ngay tức thời nhận ra địa vị của người đối diện lập tức bật dậy, một tay đè lưng của Nhật Bảo xuống, tay còn lại đặt trên ngực phải, cúi đầu: “Thứ lỗi vì đã không biết ngài là ông hoàng cả của Đại Pháp.”

“Không sao, ở đây là đất nước của các chư vị thì đáng lý ta nên cúng kính mới phải lẽ.”

“Xin ông hoàng đừng nói vậy, lỡ đâu ai nhìn thấy được thì lại nghĩ La Thành không kính trọng khách.”

“Ta đương thấy hai người chơi vui quá nên có mạn phép tới đây muốn được chơi cùng. Nếu bà chúa và vương tôn không trách sự xen chưn nầy thì có thể nào bỏ qua danh phận, cùng chơi với nhau có được không?”

Nhật Bảo nghe ông hoàng nói vậy thì hướng tới đáp: “Chỉ cần em gái ta đồng ý thì ta cũng sẽ y vậy.”

Chiêu Phượng ở cạnh không chút do dự lập tức trả lời: “Có gì đâu, chúng ta cùng chơi, càng thêm người càng vui mà.”

Thế là cả ba cùng nô đùa dưới tán của cây phượng. Nàng nghịch ngợm trèo lên cây để rồi sau đó bị té xuống, cả người áp lên lưng Nhật Bảo. Ông hoàng của Đại Pháp tiến đến chìa tay, nàng nắm lấy bàn tay đó lộn người đứng dậy.

Lễ mừng thượng thọ Thái hậu nước La Thành đã vãn, các đoàn sứ giả sửa soạn lại tư trang rồi lên đường theo như ngày giờ đã định.

Khi nầy ở trong điện nội thành, Chiêu Phượng được phép của La Thành vương mang theo trọng trách tiễn biệt sứ thần của Đại Pháp. Phượng nhớ như in hôm đó ông hoàng Thiệu Cảnh đã bạch với cha mình rằng:

“Trước giờ đều là các đại quan đích thân đưa tiễn, chi bằng lần nầy bà chúa đi cùng ta thì thế nào? Ta thấy bà chúa giỏi ăn nói, biết đâu chừng trên đoạn đường nhàm chán lại có vài chuyện vui thì sao.”

Sau khi nghe xong La Thành vương có đắn đo một hồi, bởi ông nghĩ đến Chiêu Phượng còn quá nhỏ đặng đi xa. Sau một hồi mới chấp thuận lời đề nghị: “Được. Chuyện nầy chả có chi là to tát, trẫm sẽ cho sắp xếp thêm lính vệ đặng hộ tống ông hoàng.”

“Xin ngài ngự an tâm, ta đảm bảo đường đi cả đường về của bà chúa luôn được an toàn.”

“Thiệt là ái ngại đã để cho ông hoàng bận lòng. Trẫm cũng đã chuẩn bị chu toàn cận vệ, thị nữ với lương thực theo hộ giá ngài ra tới biên giới. Nếu như ngài có cần gì thì nói với bọn họ.”

“Cảm tạ thánh ân của bệ hạ. Vậy chúng tôi xin phép được sớm khởi hành đặng về kịp tới Đại Pháp.” Ông hoàng Thiệu Cảnh gập người bái lạy rồi rời đi, Chiêu Phượng ở sau lập tức cất bước theo.

La Thành vương ngồi trên ngai vàng ngó bộ vô cùng rạng rỡ, đưa mắt dõi theo Chiêu Phượng mà lấy làm tự hào. Bởi con gái ông đã làm vừa lòng ông hoàng cả, biết đâu mai sau còn có thể gắn kết hôn ước thì sao, từ đó mà tình giao hảo lại càng thêm thắt chặt. La Thành vương thừa biết tài trí lanh lợi, khéo giỏi ăn nói của Phượng nên chuyến nầy để con gái đi cũng chẳng có chi bận tâm.

Bao đời nay La Thành là nước nhỏ, Đại Pháp là nước lớn, đôi bên giao hảo như anh em một nhà. Ngài Chế Tân là người luôn đặt trọng quốc thái dân an, hiểu cách đối ứng mềm mỏng đặng hai bên cùng thuận lòng thuận ý.

La Thành đối đãi Đại Pháp bằng sự ân cần thì dẫu để nàng thay mặt toàn bá quan cũng xá chi đâu. Nép ngoài cửa cách đó đã lâu, Nhật Bảo xăm xăm chạy vô ở cạnh Chiêu Phượng rồi hướng mắt tới thánh thượng nói rằng:

“Con cũng muốn được đi cùng em Phượng nữa.”

Giám quan đứng cạnh lập tức lên tiếng: “Không được đâu vương tôn.”

Chiêu Phượng tiến đến thêm một bước trước đức cha rồi dõng dạc: “Thưa cha, xin cha cho anh Bảo đi cùng con có được không cha?”

“Vương tôn cũng là bạn của ta, kính mong thánh thượng chấp thuận cho bạn ta đi tiễn có được không?”

Thiệu Cảnh ở ngoài nói chêm vô mà cho dù chàng có không nói thì La Thành vương ắt cũng đồng ý.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 5
Con cò trắng tựa như vôi
Tình tôi với bậu xứng đôi quá chừng.
Ngày hôm ấy binh mã tùy tùng đều phòng bị giáp sắt, dẫn dầu là binh tráng của ông hoàng mà sau cùng là phái quân của triều đình sở tại, giữa có đoàn hộ giá bà chúa và vương tôn.

Năm nầy sánh với năm trước Chiêu Phượng lớn nhanh như thổi, dẫu chập chững tuổi dậy thì mà đã cao ba thước. Tuy đường nét trên gương mặt và thân thể chưa hoàn toàn bộc rõ song dung mạo vốn đã có sự khả ái nên càng nhìn càng yêu mến.

Phượng ngồi trên Hồng La bạch mã, mái tóc dài thượt lả lướt trong gió, da thịt đã quen với thời tiết nắng gió mà suốt quãng đường nàng chẳng cần một kiệu hay bất kể một lọng che nào.

Vùng đất thiêng liêng La Thành thuở nào giờ là của tộc người và tộc yêu sinh sống ở vực núi cao, hoang mạc. Tổ tiên đã thích ứng với lối dân dã thành thử ra nàng cũng y vậy, từ bé xíu bắt đầu luyện công phu cho tới lớn dần thì học cỡi ngựa. Nhiều lần trèo lên té xuống, thương tích phủ mình mới khiến bản thân nàng ghi nhớ. Hồi tưởng sâu đậm nhứt ắt phải kể đến lần đầu nàng ngồi trên lưng nó một cách thuần thục, một thân một mình rong chơi trên thảo nguyên vô tận.

Đường biên ngăn cách hai đất nước dần hiện ra, cách chừng vài chục bước ngựa nữa thì ông hoàng thình lình ra hiệu dừng lại, day mặt nói vói Chiêu Phượng:

“Cảm tạ bà chúa đã theo ta tới tận đây, bên kia là lãnh thổ của Đại Pháp, ngay tại nơi nầy đoàn sứ giả nước tôi xin phép được nói lời từ biệt, sau sẽ tự đi qua. Nhưng trước đó mạo muội xin bà chúa cho bổn cung được chiêm ngưỡng điệu múa của người có được hay không? Ở thiên hạ ta nghe họ bàn tán bà chúa xứ La Thành tài nghệ nhiều vô kể lại xuất chúng, mà bổn cùng chưa được trông thấy bao giờ. Khi ở trong thành, chỉ mới có trò chuyện cùng bà chúa thôi mà ta đã cảm mến trước tài ứng xử khéo léo của người.”

Đằng sau tấm mạn mỏng tưởng chừng đã khuất đi nhan mạo thuần khiết trong đôi mắt của người quân tử, ấy vậy mà nõ vẫn lồ lộ hết thẩy những gì hoàn mỹ nhứt.

Dưới ánh mặt trời chói lòa trong khi dưới chơn là cát vàng nóng hổi thì chợt nhiên có ngọn gió lùa ngang, nói không chừng còn làm bay tấm mạn kia bất cứ lúc nào. Chiêu Phượng ngồi trên yên ngựa tỏ vói ông hoàng:

“Cảm tạ ông hoàng đã hết lời khen ngợi. Ông hoàng đã nhọc công nhọc lòng từ đại quốc tới tiểu quốc xa xôi của thần thiếp thì lý nào chỉ mỗi việc cỏn con đó mà thiếp lại từ chối được hay sao.”

Lời vừa dứt Chiêu Phượng liền nhảy khỏi ngựa, chẳng biết từ khi nào mà dàn nhạc công đã nấp mình trong đoàn tháp tùng. Nghe đến bà chúa thì họ lập tức lộ diện, tản ra hai cánh tả hữu. Nhạc vừa tấu, Chiêu Phượng tiến tới bên ông hoàng diễn bài “Xích Phượng hành chuyển” mà nàng mới được học. Bổn phận đều mang một chữ “Phượng” thảo nào bài nầy lại hợp với nàng đến vậy.

Ngoại phục nàng bận được dệt từ lụa tằm trắng, phần áo hở rún đính châu sa mà trên bắp tay lộ hai vòng đại bản. Thân dưới là chơn váy ngang mắt cá trong khi quanh eo lại thắt một vòng da với vô số đá quý.

Nàng kiểng gót chưn đeo kiềng vàng đặt trên phiến đá rồi cách chẳng bao lâu lại chuyển mình bật lên không. Chừng hồi khi sắp sửa hạ xuống thì đối bên kia ông hoàng vung tấm áo choàng. Chiếc choàng màu đỏ xuyến bay trong không, kế đáp cát mà đỡ dưới chơn nàng. Thiệu Cảnh không muốn thấy đôi gót hồng của nàng vì hơi nóng của sa mạc sẽ làm cho tổn hại.

Tiếng đờn lúc thăng lúc trầm tuy vậy vẫn giữ giai điệu tươi vui. Hai bên châu mặt, nửa là các cung nhơn, lính sĩ La Thành, nửa là các quân binh anh dũng triều Nguyễn của Đại Pháp.

Ông hoàng lẫn vương tôn đương ngây ra thì Chiêu Phượng đã kết thúc điệu múa tự khi nào. Nàng nghiêng mình cùng những cung nhơn, binh sĩ chào từ biệt đoàn sứ giả mà Thiệu Cảnh cũng hạ người đáp lễ, rồi cho ngựa lui sang tới chơn núi Hồng Hà hồi về Đại Pháp.

Nơi tẩm cung của La Thành vương, ngài nghiêm nghị ngồi trên long phản, bàn tay đặt trên đầu gối mà kề bên có Quý phi Hiệu Nguyệt xây hướng vô ngài. Từ hàng ba truyền tới giọng của giám quan, người nầy xăm xăm đi vô bẩm với vương Chế Tân.

“Bẩm ngài ngự, bà chúa của cung Lạc Viên đã tới.”

Chiêu Phượng nhấc chơn qua ngạch cửa, chắp đôi bàn tay lên trán bái liền tới bụng rồi quỳ xuống lạy.

“Đức cha, đức cha cho gọi con.”

“Ừa, tới đây ngồi kế bên cha.” La Thành vương đập tay nhẹ lên mặt phản.

Nàng nghe lời và làm theo, ngay tức thời vương Chế Tân nhìn cô mà nói: “Con đã theo thầy học được bao lâu rồi?”

“Dạ bảy năm thưa cha.”

Ông gật đầu, giọng ôn tồn: “Hồi ấy cách cử thầy con đến trấn Diễn Châu nhẩm đến nay đã được bốn tháng. Thầy vốn dạy con từ nhỏ vậy khi đổi thầy con đã quen với cách dạy của thầy mới chưa?”

“Dạ có một chút quen thưa cha.” Chiêu Phượng thình lình chuyển qua hỏi sự của sư cửu. “Bao giờ thì sư cửu về lại Trường Xuân vậy cha?”
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 6
Chờ chờ, đợi đợi, trông trông,
Bao nhiêu chờ đợi, mặn nồng bấy nhiêu.
“Thanh Hầu gia trẫm sắc phong cho khanh ấy chức Trấn bình Nguyên soái, cử tới Diễn Châu đặng định an bờ cõi. Thành thử bây giờ thì trẫm chưa trả lời cho con được.”

“Vậy con có thể tới thăm thầy được hôn cha?”

La Thành vương ngó con gái đáp: “Cha sẽ cho con đi nhưng không phải đến thăm, mà con sẽ tới ở cùng với sư cửu đặng sư cửu dạy dỗ.”

Quý phi xen vô nói: “Đức cha con đã suy tính chu toàn mới đưa ra quyết định ngày nay. Mẹ lo lung lắm khi biết con lần nầy đi, rồi… chả biết tới khi nào mới được trùng phùng.”

“Vậy con phải đi rất lâu đúng không hả mẹ?”

Quý phi Hiệu Nguyệt ngậm ngùi gật đầu.

Chiêu Phượng nắm chặt bàn tay của cha, day người nói: “Cho con hay lý do vì sao được không?”

“Phượng à, con còn quá nhỏ đặng hiểu sự tình, thôi thì đợi tới thời điểm con đủ chín chắn cha sẽ cho con biết. Con tới Diễn Châu ở cùng thầy, nơi đó cũng vui như trong cung vậy. Con đừng buồn, đừng lo, cha sẽ sớm cho người tới đón con về.”

Phượng khó thể phản đối lịnh cha nên đã phủ vạt áo, đồng lúc quỳ xuống: “Con xin phụng mệnh đức cha.”

“Sáng sớm mơi kiệu khởi hành đến Diễn Châu, vậy nên con mau sớm hồi cung đặng sửa soạn cho thật chu đáo.”

“Dạ thưa cha.”

Trên đỉnh Chu Vân buổi chiều hôm đó, nàng đứng dưới gốc phượng ngàn năm tọa lạc trong khu rừng phượng. Màu đỏ của nó rợp lấy khung trời, mặt đất hệt như thước vải bạt ngàn. Nhật Bảo từ dưới chơn núi chạy lên, khi vừa ở đỉnh thì chống đùi hổn hển thở.

“Chiêu Phượng! Anh nghe cung nhơn truyền lại rằng em sẽ tới trấn Diễn Châu có đúng thiệt vậy không?”

“Phải.”

“Khi nào thì em đi?”

“Sáng sớm ngày mơi. Cha nói em phải tới ở cùng sư cửu một thời gian.”

“Lâu dữ hung. Mà cớ chi lại như vậy?”

Nàng lắc đầu: “Em không rõ.”

“Kìa! Nó ở đây kìa!”

Hai người xây mặt đằng sau thì thấy ba vương tôn của nhà Lục bộ Thượng thơ cùng Nguyên Khôi gia xồng xộc xông tới. Nhìn dáng vẻ bọn chúng thì chỉ chênh tuổi của Nhật Bảo với Chiêu Phượng tầm một đến hai.

“Ê! Thằng không cha không mẹ kia.” Một cậu tướng tá mập ú lên tiếng, nó là Lữ Thanh Châu, con của ngài Nguyên Khôi mà Nguyên Khôi gia lại là anh em cùng cha khác mẹ với La Thành vương.

“Anh nói ai không cha mẹ hả?” Chiêu Phượng bật dậy từ chiếc xích đu nói.

“Không liên can tới bà chúa, đây không phải việc của người, mau tránh ra cho ta xử nó.”

“Bổn cung không tránh. Dẫu sao ảnh là con của Tôn nhơn phủ, anh tránh nói năng xằng bậy.”

“Thứ gì mà biểu ta coi trọng đồ con hoang nầy.” Châu ngoắc tay cho Hữu Đức và Hữu Tâm tiến lên, cả hai là con của Lục bộ Thượng thơ Lý Giang. “Ta phải trừng trị nó cái tội dám phá ta.”

“Ảnh đã sái chuyện chi với các anh?” Phượng dùng thân mình chắn trước Nhật Bảo, còn Bảo lại rụt rè nép phía sau, nàng ngoảnh mặt nói nhỏ. “Tụi nó nói như vậy mà sao anh không phản kháng tụi nó?”

“Tại… anh… anh sợ… Bởi anh đã trông thấy ba vương gia ức hiếp một bé gái ăn mày nên anh có xông vô ngăn cản, kế thì kéo đứa đó bỏ chạy, thành ra bọn họ mới tức giận muốn kiếm anh trả thù.”

“Ngay lúc đó anh đã không sợ gì vậy mà bây giờ sao lại…” Phượng cau mày, dang đôi tay ở trước Nhật Bảo mà nói tiếp. “Em sẽ bảo vệ anh nhưng chỉ một lần nầy thôi.”

“Đã biểu là tránh ra đi mà.” Thanh Châu nghiến răng, lộ vẻ mặt khó chịu trước nàng.

“Không. Các anh đừng hòng bắt nạt được anh Bảo.”

“Đức, Tâm, còn tần ngần ở đó mần chi, mau kéo lôi bà chúa ra.”

Hữu Đức và Hữu Tâm vừa xông tới thì thình lình bị Chiêu Phượng dùng đôi lòng bàn tay hất văng cho xa. Chiêu Phượng còn bé nên thần lực yêu tinh vẫn còn hạn hẹp, song nàng chẳng ngờ nàng chỉ mới vận nhẹ nội công thôi mà đã làm cho hai vương gia cách cả trăm bước.

Hữu Tâm đứng dậy, xoa má nói: “Ngươi chơi ăn gian, có giỏi thì đấu tay đôi với bọn ta.”

Phượng không chút lưỡng lự liền gật đầu đồng ý.

Tâm và Đức tiến tới kẹp chặt hai tay của nàng mà nàng thì cũng chẳng nhượng bộ đám vương gia. Nàng xây cổ tay bấu vô bắp tay của hai người. Cả ba ở thế kìm kẹp lẫn nhau, người đẩy người lùi khó phân thắng bại.

Nhật Bảo ban nãy bị sức mạnh của Chiêu Phương làm quật cho ngã đã lồm ngồm ngồi dậy, hét lên bằng giọng cực lớn: “Không cho phép các anh ăn hiếp em gái ta.”

Nhật Bảo lao vô như hổ đói, đẩy hai đứa con trai ngã quay ra đất, kế hùng hục tới chỗ Thanh Châu quật nó nằm xuống. Nhật Bảo liên tục đấm vào mặt của Châu, chàng hiểu nắm tay mình lực yếu cho nên chàng cố đấm thiệt nhiều đến không ngưng nghỉ, làm Thanh Châu khó thể phản kháng được gì. Tuy nhưng Nhật Bảo vẫn cảm thấy đau cẳng chưn do phản lực của nàng ban nãy mà làm va vào gốc cây. Thành thử ra Chiêu Phượng phải cõng Nhật Bảo trở về.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 7
Lời thề thốt trên rừng bông phượng
Chiêu Phượng địu Bảo trên lưng, ngoái lại hỏi: “Bộ lúc anh đánh tụi nó anh không còn thấy đau chưn sao?”

“Anh không biết tại sao lại như vậy nữa, chỉ nghĩ rằng làm sao có thể bảo vệ được em.”

“Qua hôm nay không còn em kề cạnh anh nữa, sau nầy anh phải tự dựa vào sức mình đặng tự bảo vệ chính anh. Chỉ một xíu linh lực của em mà đã đủ làm anh bị thương thì lỡ đâu có ai ăn hiếp, anh sẽ xử bọn chúng làm sao đây?”

Nhật Bảo tủi hổ nghĩ lại, cách một hồi nói với nàng: “Anh hứa với em, không chỉ anh mà anh cũng sẽ bảo vệ em.”

“Anh hứa thì phải làm được đó đa.”

“Anh muốn khi em cần anh đều có mặt chớ không như hôm nay. Cả đời nầy anh sẽ che chở cho em.”

“Em sẽ đợi tới khi đó, bao lâu không quan trọng. Anh đừng quên yêu tộc chúng ta tuổi đời tới mấy ngàn năm nên phận em chả phải gấp gáp mần chi. Anh lo thân anh trước đi đã.”

“Anh hứa tất nhiên anh sẽ làm được, không để em phải chờ đợi lâu đâu. Anh sẽ sớm tới Diễn Châu đón em về nhà.”

Chiêu Phượng gật cười:

“Ừm, em đợi anh.”

Chừng lát sau Bảo ghé sát vô tai nàng mà nói rằng: “Em là nữ nhi, sau nầy lớn lên buộc phải theo chồng thì làm sao để anh bảo vệ em cả đời được đây?”

Chiêu Phượng nghe vậy thì có suy ngẫm, mặt thì vẫn hướng trước mà đi. Cách ít lâu nàng nói: “Vậy sau nầy trưởng thành em gả cho anh là được mà. Khi đó anh sẽ có thể che chở cho em cả đời rồi đa.”

“Ừa ha, vậy nào em lớn anh sẽ lấy em.”

Nàng địu Nhật Bảo xuống núi lần về hoàng thành.

Những câu nói vô tư của hai đứa trẻ còn chưa đủ khôn lớn ấy vậy mà bỗng trở thành mối ràng buộc mãi sau nầy của chúng.

Bẵng một cái đã tám mươi năm trôi đi, Chiêu Phượng vẫn nơi nầy chờ đợi một ngày người từ trong cung đến đón. Đêm khép lại ngày rạng rỡ, lặp đi lặp lại một cách thầm lặng trong dương thế chẳng mấy ai để ý song nàng thì không như vậy. Chiêu Phượng vẫn thường tự hỏi, ở nơi phương ấy, thành Trường Xuân liệu có ai còn nhắc chuyện của nàng hay không? Vì vậy mà nàng luôn ở bản doanh của sư cửu đặng ngóng trông theo thời gian dần qua.

Trấn Diễn Châu nằm cặp biên giới, được ban cho thiên nhiên trù phú có con sông Lục Ngạn uốn quanh. Cách hướng Tây Nam giao với Sở Kỳ còn mạn Bắc tiếp với Đại Pháp. Nơi đây nổi lên tự bao đời là giao lộ kinh thương sầm uất bằng đường bộ. Muốn qua được nơi nầy mà vô trong La Thành, buộc phải xuôi theo dòng Lục Ngạn, vượt cả sa mạc Bình Nguyên mất tám ngày bảy đêm. Tuy nhiên thương buôn trở về từ đây đều trở thành người giàu có, của cải ruộng đất bạt ngàn vô kể.

Nhà dân ở Diễn Châu được cất theo dáng nhà sàn, quẩn quanh được bao phủ bởi rừng đồi núi thấp. Giữa trấn là bản doanh của Thanh Hầu gia gồm những dãy nhà kề nhau.

Năm nay vào mùa hạ mưa nhiều hơn năm ngoái, Chiêu Phượng dựa bên ô cửa trông những hạt mưa đương rỏ từ mái gianh. Bên hông có trồng nhiều bụi tre trúc, sau trận mưa lớn phần nhiều mặt lá vì không trụ được mà lần là rơi xuống, cánh vàng cánh xanh nằm ướt rượt ở phía trong bãi lầy. Nàng vươn tay đặng cho bồ câu đậu lên, nó dùng mỏ kẹp lấy vật nhỏ từ dưới chưn rồi trao cho.

Khi mở ra, trong đó là lá thơ được biên vài dòng ngắn ngủi: “Ngài ngự bận triều chánh nên chưa thể hồi âm về sự này.”

Chiêu Phượng gấp lại, mặt mày buồn nghiến, bao lâu rồi vậy mà nàng còn tại nơi đây, mòn mắt dõi mong ngày cha mẹ con cái đề huề. Đã qua bảy mươi hai mùa thay lá rồi cây đơm bông, trái lớp rụng lớp làm mồi cho chim ăn, mà bao cánh thơ gởi đi lại chẳng có tin tức chi.

Chiêu Phượng tiến ra ngoài sân trước trong khi văng vẳng bên tai tiếng người ta tập võ. Tất thẩy những người nầy là binh sĩ của sư cữu, dáng người nào người nấy đều hơn năm thước, thân hình rắn rỏi, khỏe khoắn. Đội quân tuy không nhiều nhưng toàn là những tinh binh chủ chốt, một khi đã xuất trận kẻ thù phải rờm rợp dưới chân. Chiêu Phượng đi qua, ngó bọn họ đương cần mẫn tập luyện thì nở miệng cười. Nàng ra sau hè, tay sàng lên sịa đặng cho mộc khấu và cam thảo được trải đều dưới tia nắng.

Cách hồi lâu các binh sĩ đồng loạt được Thanh Hầu gia cho phép giải tán, ông tiến đến Chiêu Phượng.

“Hôm nay cậu chỉ cho tập luyện có nhiêu đó thôi hả?” Phượng cất lời trong khi chẳng hề ngẩng lên.

“Ở tập thêm một tí vẫn được nhưng mà ta lo nhan sắc của cháu làm lay tâm của các sĩ binh, nên cho họ giải tán sớm.”

Khi nầy Phượng mới thẳng người, trông thấy hai mắt sáng ngời ngợi đương nheo lại làm lộ dấu chưn chim, gương mặt niềm nở nhưng không thể giấu nổi tuổi tác. Trên tóc và râu cũng ánh sợi bạc sợi đen.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 8
Mưa Diễn Châu mịt mù giăng lối,
Người hoạ nạn gặp được phúc nhơn.
Chiêu Phượng nhìn sư cữu cười, quả thực nàng đã trưởng thành nhiều, ở độ tuổi nầy chẳng khác nào bông hoa tươi rói vừa hé nở, dễ dàng thu hút khối nam nhơn đến gieo mộng ôm tình. Diện mạo nàng chẳng phải thuần khiết của nữ nhi thường tình mà là thuần khiết của thiên tiên, mang lẫn nét uy phong như một nữ tướng. Dẫu thường rong ruổi bên ngoài nhưng được nước da sáng mịn, hồng hào, nổi bật vóc dáng bốn thước, kể cả khi đứng hay ngồi đều toát lên đạo mạo.

Thanh Hầu chỉnh sắc mặt nghiêm túc, nói: “Ngày mốt lên đường đi Nhơn Trạch, cháu đã thu xếp tư trang rồi chưa?”

“Cháu giao cho Tú Sương làm rồi thưa cậu.”

“Đó giờ cứ vậy hoài, chả biết khi nào thì mới lớn khôn được.”

Bị sư cửu rầy nhưng nàng chỉ cười trừ.

Trời vừa đứng bóng, ông xếp tay sau lưng rời đi thì nàng có kéo lại bằng câu nói: “Sáng ngày mơi con lên núi hái ít thuốc. Ở nhà hễ có tin tức gì từ hoàng triều thầy sớm báo với con nghen.”

Ông day lại, nhíu mày: “Còn không lo chuẩn bị ngày tới khởi hành mà ở đó còn bận tâm sự thuốc thang.”

Tờ mờ sáng hôm sau, dẫu thầy có nói gì thì Chiêu Phượng vẫn nhất định lên núi tìm lá thuốc. Nàng khoác gùi lên vai, rời khỏi bản doanh, cách xa nơi không người sinh sống có ngọn núi không rõ tên. Nàng giữ nhịp độ leo đều đặn cho tới khi gặp các mõm đá thì từng bước vượt lên, mầy mò đến mặt trời sắp sửa lặn thì mới ưng bụng ra về.

Chiêu Phượng vác một gùi đầy ắp lá thuốc và bông tươi xuống chân núi, ngang qua thượng nguồn con suối nàng bắt gặp một kẻ ăn mày nằm bẹp trong bụi cỏ. Cả người đều mang trọng thương và nặng mùi hôi hám. Chiêu Phượng định không quan tâm nhưng khi trông thấy chàng ta nặng nề lê lết và giương cánh tay chộp lấy đầu thân xương rồng. Màu đỏ của máu thấm đẫm lòng bàn tay, từ từ rỏ xuống. Lúc nầy nàng bỗng mủi lòng, tiến đến gần thì người ăn mày đã ngất lịm.

Trông người anh ta dài hơn nàng, to xác hơn nàng thế mà nàng lại một phát bế gọn anh lên, đưa về doanh trại. Còn chàng thì thần trí bất minh, chẳng hay biết có người vừa cứu mình.

Phượng đưa hắn đặt trên giường của nơi thăm khám bịnh, biểu hai đệ tử là Tí Sún và Tèo Mướp đến gỡ giùm y phục của người ăn mày rồi sau đó lau qua nước.

Hai người nầy mệnh lời làm theo, khi vạch cổ áo từ vai xuống cả hai đều hốt hoảng hét lớn khiến Phượng lật đật trở ra. Nàng kinh ngạc nhìn thấy trên ngực của anh ta chi chít những vết thương, bằng kinh nghiệm đưa ra phán xét.

“Trên người đều là những dấu vết từ nhỏ đến lớn, từ roi đánh, đao chém, lửa đốt. Còn những chỗ thịt lồi kia chắc hẳn đã bị con gì đó gặm nhắm. Dấu thương cũ chưa lành, dấu thương mới đã chồng chất. Từ ngày nầy qua tháng nọ cho nên thành ra kinh tởm như thế nầy.”

“Vậy bây giờ phải làm sao đây?”

“Cứ như ta đã nói mà làm theo, chừng xong rồi thì kêu ta đặng trị vết thương cho hắn.”

“Xin tuân lịnh bà chúa.”

Tí Sún và Tèo Mướp mang thau nước lạnh, vải mềm cùng một bộ y phục mới, cả hai trút bỏ y phục cũ mà bộ dạng cứ nhờn nhợn như sắp ói. Tèo Mướp sắc mặt khổ sở, vừa bịt mũi vừa cầm tấm vải nhẹ nhàng chấm lên người gã ăn mày.

Chiêu Phượng ở riêng một nơi điều chế thuốc, chừng nghe hai người kia xong xuôi nàng mới cất chưn lên và tự tay bôi thuốc cho thân trên của chàng, rồi nhét vào tay thằng Tí biểu nó: “Bên dưới ngươi làm giùm ta, bôi nhẹ y hệt như ta vừa làm.”

“Hả? Con làm hả?” Nó ngó nàng trân trân.

“Làm đi. Ta là nữ nhi không làm được.” Phượng nhướng mày, trên gương mặt không biểu lộ cảm xúc nào.

Từ đầu chí chưn của gã ăn mày đều bọc lấy vải trắng, chỉ chừa lại hai con mắt bầm đỏ.

Đêm tối ập đến, Phượng đến thay cho thằng Tí và Tèo vào trong buồng ngủ còn nàng thì ngồi ngoài trông chừng đặng tiện săn sóc. Chiêu Phượng ngồi xuống ghế nghĩ đến hồi chiều, lúc thấy bàn tay anh nắm xương rồng, bị gai nhọn của xương rồng chọc thủng nhưng chẳng hề hấn, chỉ có thân người làm động thái co quắp trong khi tay còn lại bấu vô đất. Phượng nhớ đến bản thân ngày xưa cũng như nầy khi dấn thân chinh chiến nơi sa trường chẳng may rơi trúng bẫy của quân thù, và bị nhốt trong lồng sắt. Hết khảo bằng roi, treo ngược rồi lại bắt chuột đói bỏ vào cắn, Phượng chịu đủ mọi cách thức hành hạ.

Ở trong hang nàng chẳng thể phân định ngày đêm, hầu hết đều ngập chìm trong bóng tối. Tới khi có tia sáng he hé trên đỉnh hang động nàng mới biết bên ngoài đương là ban ngày. Tóc tai rối nùi và bù xù hệt lông nhím. Chiêu Phượng ngẩng đầu thấy tia sáng đương chiếu trên một cây xương rồng. Phượng dùng sức bình sinh còn lại lết tới, vươn tay nắm vào thân xương rồng. Máu từ lòng bàn tay túa ra, nhuốm lấy màu xanh của cây. Phượng làm như vậy là vì bị ép uống độc và chất độc đang phát tán mạnh dần làm nàng đau đớn, quằn quại đến khó kiểm soát. Khi bất chợt thấy gai của xương rồng nàng chẳng nghĩ ngợi gì mà với tới chộp lấy, bằng cách nầy Chiêu Phượng đã khắc chế được cơn đau.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 9
Chàng cảm kích nên bằng lòng che chở.
Nàng công sự phải gởi lại phương xa.
Chiêu Phượng gối đầu lên tay, thầm nghĩ: “Có bao giờ tên ăn mày nầy cũng như mình trước kia, tranh đoạt giây phút cuối chỉ mong được sống tiếp.”

Dần dà hai mắt nàng díp đi và rơi vào trạng thái ngủ sâu.

Người ăn mày khó khăn mới hé được ti hí con mắt phải, trong lờ mờ anh không tỏ rõ lắm nhưng trông như đó là một nữ tử. Hình ảnh trong đồng tử lúc động đậy lúc đứng yên, anh thấy người đó đương gục cạnh, còn mặt thì khó có thấy. Thính giác anh vẫn còn nhạy và nghe tiếng lộp độp ở đầu nơi nằm, ánh mắt đau nhói ngước nhìn, phán đoán là đèn cầy đương được đốt.

Nàng bất ngờ xít tới gần vai anh mà theo suy tính dựa trên cơn mơ hồ thì có lẽ thân của người nữ kia gần với đèn cầy. Anh nhẹ nhàng nâng cánh tay còn nhiều ê ẩm, lọ mọ tìm tới và đặt dưới lớp sáp đã chảy. Cứ y thế che chở cho nàng gái suốt bàn đêm mặc cho sáp cầy hết lượt nầy tới lượt khác nhểu xuống tay anh.

Sáng sớm ngẩng đầu mở mắt thì thấy bàn tay anh đặt cạnh chén đèn cầy, Phượng vội vàng cầm nhưng lại không thể gở miếng sáp bởi đã dính quá chặt. Nàng biểu Tèo Mướp thay băng khác cho anh, dặn dò Quỳnh Nga ở nhà coi sóc thuốc thang thay nàng vài ngày.

Chiêu Phượng lên xe ngựa đã chờ sẵn ngoài cổng, ở bên trong rồi nàng mới sực nhớ liền vén tấm màn, cẩn trọng nói với sư cữu: “Thầy làm cũng được, mà nhờ binh lính cũng được, tuyệt đối đừng để Quỳnh Nga hay Tú Sương bôi thuốc với thay y cho ảnh.”

“Trời đất! Cái con bé nầy, con nghĩ thầy không nghĩ được tới đó hay sao? Mau đi nhanh kẻo mặt trời kéo tới đỉnh đó đa.”

Thanh Hầu ngó Chiêu Phượng bằng nửa cặp mắt, còn Quỳnh Nga lẫn Tú Sương đứng cạnh thì bỗng dưng đôi má đỏ ửng.

“Thầy nhớ nha. Thưa thầy con đi.” Nàng vẫy tay chào tất cả mọi người rồi buông màn xe.

Mất đến hơn hai ngày đường Chiêu Phượng mới tới được trấn Nhơn Trạch, là con trấn gần trung tâm hoàng thành nhất. Tập trung giao thương mọi mặt hàng từ trong trấn vào tới đại nội hay trở thành nơi dừng chưn cho các thương nhơn trước khi vô Trường Xuân.

Cỗ xe ngừng trước một quán trọ, Chiêu Phượng đến Nhơn Trạch nhằm bái sư học đạo nghề y, nghe danh rằng người đó vô cùng tiếng tăm, gốc gác từ Sở Kỳ lặn lội đến Trường Xuân, vừa mới chữa bịnh cho Hoàng Thái hậu, nay đương trọ lại Nhơn Trạch. Nàng nghe tin tức nầy từ trong triều của một cung nữ hầu hạ bên Quý phi. Vị y sư nầy cũng chỉ trọ lại Nhơn Trạch có vài hôm trước lúc quay về quốc sở, nên nàng phải tranh thủ tìm người nầy để học hỏi y thuật.

Tí Sún và Tèo Mướp ở cuối đuôi xe lấy hành lý xuống, tay xách nách mang vô quán trọ. Sau khi đã sắp xếp tư phòng xong, Chiêu Phượng liền ngồi vào, đặt viết biên một lá thơ gởi thầy.

Trọ quán mà nàng chọn chính là nơi mà vị y sư cũng đương trọ ở đó. Nàng không quản ngại đường xá cách trở đã làm nhọc người, lập tức tới tìm bà chủ hỏi về y sư kia. Bà chỉ nàng lên cầu thang thì rẽ trái, đi tới căn cuối dãy là sẽ gặp được người nàng cần tìm kiếm.

Chiêu Phượng y như lời bà chủ nói mà làm, cách hai canh giờ Phượng bước ra từ chỗ đó, nét mặt hân hoan.

Thằng Tí và thằng Tèo không thấy nàng đâu thì lo lắng đi tìm, khi gặp được nàng dưới sảnh thì Tèo hỏi: “Bà chúa đã tìm gặp rồi há?”

Phượng đưa ngón tay lên miệng làm dấu, giọng về sau càng nhỏ dần: “Ta gặp được rồi. Ta quên dặn ở đây đừng gọi ta là bà chúa. Ở đây là Nhơn Trạch, rất gần với hoàng thành, thầy đã lén cho ta tới đây tìm người y sư kia. Bây giờ vẫn chưa có lịnh của đức cha gọi về, lỡ mà có ai ở Trường Xuân đi qua biết được thì biết ăn nói làm sao.”

“Xin người thứ lỗi cho sự ngu ngục của kẻ bề tôi. Vậy bây giờ phải gọi người bằng danh xưng chi?”

Chiêu Phượng đứng đối mặt nghĩ ngợi, tức thì Tí Sún lên tiếng: “Nếu người muốn che giấu thân phận vậy thì con có một cách.”

Thuở nay Tí và Tèo theo làm cho bà chúa ở y quán nhắm chừng đã trên dưới hai mươi năm, thường ngày chỉ ăn bận xuềnh xoàng chớ chưa bao giờ được khoác lên mình bộ nào đẹp như hôm nay. Phải đâu Thanh Hầu hà khắc với người ngoài mà do đó là quy củ của bản doanh, kể cả bà chúa cũng phải chấp nhận khi sống ở Diễn Châu. Thanh Hầu gia muốn dùng toàn bộ ngân quỹ để nuôi binh, sắm vũ trang nên những người sống trong bản doanh đều tiết chế việc ăn mặc sang trọng, làm điều gì liền phải tính toán trước sau.

“Bà chủ quán trọ nói đã chuẩn bị sẵn y phục và xà bông, có cả dầu thơm nữa. Thôi chúng con xin phép đi sửa soạn trước. Sự với thầy y coi như đã xong, một lát nữa dẫn người tới chỗ nầy.” Thằng Tí mang cảm giác thích thú với điều gì đó mà cứ hí hửng cười hoài, nó nắm áo lôi Tèo đi cùng.
 
Bên trên