Cổ đại Sau Bức Mành Tre - Cập Nhật - Cinqdoll

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 10
Phụ mẫu thân sanh làm nữ tử
Cải mạo dè đâu lại động phàm.
Chiêu Phượng vẫn chưa biết chúng nó định làm gì, đành tự mình đi đến căn buồng cuối trong tầng trệt. Mở cửa ra Phượng thấy hai cô gái đứng dạt hai bên, đầu hơi cúi thấp, kính cẩn nói: “Bẩm, tụi con được lịnh của bà chủ tới phục vụ cô nương tắm.”

Dứt câu cả hai bước đến lột bỏ áo ngoài của nàng ra, nàng cũng tình nguyện tiến sát vào trong cạnh bồn tắm. Nước ở bồn gỗ luôn nóng hổi, họ dần dần kéo bỏ hết y phục để ngoài, Chiêu Phượng đặt chân vào bồn rồi nhẹ nhàng hạ thấp người vào làn nước rải đầy hoa thơm. Làn khói nghi ngút mờ đi thân ảnh trắng sứ của nữ tử, mái tóc đen thườn thượt cũng tự do bơi lội trong nước. Phượng nhắm mắt, đã quá lâu nàng mới tận hưởng lại xúc cảm được người khác nâng niu tắm rửa và kì cọ hệt khi còn ở trong cung.

Đôi màn đỏ làm mờ vóc hình của nữ nhơn sau khi đã tắm và thay trang phục xong, chỉ có điều nhìn vào kiếng, nữ nhơn đã không còn là nữ nhơn, nàng đã một khắc biến hóa như nam tử. Quần áo hết sức sang trọng, nền trắng lại có họa tiết xanh lam, hông vắt một mảnh ngọc bội kỳ lân, tóc búi tròn xỉa trâm. Chiêu Phượng vốn mang uy lực của nữ tướng, nay hóa thành nam nhơn càng khắc họa vẻ dũng mãnh. Lông mầy nàng cao, dáng như kiếm mỏng, dài rộng thanh tú. Sắc thái nhãn châu rỡ ràng, trắng đen có phân định cùng đôi đồng tử đoan chánh. Ấn đường nàng cũng bằng và rộng mở, mũi thẳng dài, thon như ống trúc, cân đối nằm giữa hai đầu lông mầy. Môi chưa điểm qua son nhưng đã hồng nhuận tự nhiên, nhỏ nhắn như cánh đào.

Chiêu Phượng dang đôi tay, soi toàn thể dáng người của nàng trong kiếng rồi hỏi: “Như nầy là được rồi à? Hai anh kia muốn ta mặc như nầy ư?”

“Dạ bẩm đúng là vậy.”

Cả hai tiễn nàng ra ngoài, bắt gặp Tí và Tèo đương đứng day lưng chánh diện. Chúng xoay mặt lại, thẫn thờ khi thấy dung mạo bất phàm của bà chúa.

Chiêu Phượng tiến đến đánh vào hai cái hàm đương mở rộng: “Khép lại đi, chảy nước miếng hết rồi kìa. Các ngươi muốn đưa ta đi đâu mà phải cải trang như vầy hả?”

Tí với Tèo nhanh chóng dùng tay lau dưới mép, trấn định tinh thần, thẳng người nhìn bà chúa.

“Các ngươi đương nhìn ta với cái nhìn đối với nữ nhơn hay là nam nhơn?”

“Dạ… dạ nam.” Vừa nói dứt câu thì thằng Tí bị thằng Tèo cú cho một cái vào đầu đặng nó tỉnh lại, ắt hẳn vẫn còn u muội.

“Té ra bấy lâu ngươi thích nam chớ chả phải nữ giới. Được, lần nầy về ta sẽ tìm cho ngươi một nam nhơn tốt, điều kiện khá giả một tí đặng gả ngươi.” Chiêu Phượng biết Tí động tâm có nhất thời trả lời luống cuống nên đả kích nó đôi câu. Người xưa nói quân tử trả thù mười năm chưa muộn, nhưng nàng chỉ cần bắt đúng thời điểm như lúc nầy trả thù thằng Tí bởi nó đã biến nàng thành bộ dạng hiện tại.

“Không, không thưa bà, đừng có gả con đi mà.”

Tí Sún nối theo bóng lưng đương rời đi của Chiêu Phượng, thành khẩn cầu xin thì tiếp tục bị Tèo vỗ vô vai.

“Bà cái gì mà bà, lại lần nữa cẩn thận cái miệng ngươi đó.”

Dừng chưn trước kỹ lầu nguy nga với ba căn được xây cất tách biệt, mỗi căn tới hai lầu vô cùng lộng lẫy. Chốn nầy thuộc sự kiểm soát của tú bà Nguyệt Sa, có tuổi đời đã hơn trăm năm, mệnh danh là bồng lai tiên cảnh của giới đờn ông.

Chiêu Phượng ngây người ngó chẳng rời mắt, không ngờ được hai đệ tử thân tín lại đưa mình đến chỗ nầy. Mất một hồi nàng mới hít một hơi rồi thở ra mím chặt môi, trợn trừng liếc sang Tí với Tèo: “Thì ra đây là nơi các ngươi muốn đưa ta đến sao?”

Cả hai nhìn thái độ Chiêu Phượng liền trở nên sợ hãi, lắp bắp giải thích: “Vô chỗ nầy vui lắm vương gia, nếu đã đến Nhơn Trạch nhất định phải tới kỹ lầu Mỹ Huê, ở đây toàn cái lạ chưa từng thấy trong nhân gian.”

“Ngươi có lộn không vậy? Ta là nữ…” Phượng nhấn mạnh chữ cuối luồng qua kẽ răng. “Thì làm sao mà vô mấy chốn như nầy được.”

“Tự vì chúng con muốn dùng chút tiền tích cóp đặng đi thử coi đông vui ra sao mà thiên hạ đồn quá chừng. Nhưng lại không thể để người trong trọ quán một mình được nên có vô phép mạo phạm tới người, cải trang người thành nam nhơn.”

Xét thấy thái độ ăn năn từ ban nãy tới giờ nên Chiêu Phượng không muốn làm khó nữa, hạ giọng nói: “Thôi được rồi, các ngươi muốn đi thì ta cùng đi với các ngươi. Nhưng tuyệt đối về sau đừng tùy tiện dùng tiền tiêu phí vào mấy nơi như nầy nữa, mà dùng số tiền đó cưới vợ rồi lo cho tương lai. Rõ chưa?”

“Dạ tự tụi con biết lỗi của mình rồi. Cúi đầu ghi nhận lời dạy và lòng từ của vương gia.”
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 11
Cải nam trang vô nơi hoang lạc
Lần đầu gặp đã vội nghi oan.
Ở trước kỹ lầu Lưu Linh, dựa sát với công lộ có hàng rào giậu bọc quanh, bên trong xây mảnh vườn nho nhỏ đặng quan khách qua lại. Đờn ông từ trẻ chí già tới lui không ngớt mà bên cạnh còn khoác eo, quàng vai những mỹ nhơn. Nhan sắc của họ sắc sảo như tượng khắc, còn có người thì lại trong trẻo như trăng thanh. Phía trái hai kiều nữ tới cùng tú bà dừng chơn trước mặt ba vị khách. Diện mạo vô cùng ưu tú mà dáng người cũng mảnh khảnh. Ở cả ba, thoạt nhìn đều mang đến sự thu hút, tuy nhưng chỉ có tú bà thì lại không như đôi người kia. Trông bà như chưa bước tới trung tuần song lối trang điểm có phần cầu kì cùng cách ăn bận lòe loẹt, ngó sơ cũng thấy bật hơn trong đám người.

Chiêu Phượng lần đầu tới nơi vừa có rượu vừa có mỹ nữ mà vốn là chốn mua vui cho đờn ông thì nàng không khỏi bỡ ngỡ, giương ánh mắt kinh ngạc, trầm trồ khắp đó đây.

Tú bà nhích bên Chiêu Phượng, tỏ dáng bộ õng ẹo trước nàng: “Cha chả, vị công tử nầy tướng mạo trông thiệt là tuấn tú làm cho các nữ nhơn chỗ ta xao xuyến.”

Bà chạm ngón trỏ lên ngực của Chiêu Phượng, ấn nhẹ đẩy người nàng. Phượng ngó bà bằng đôi mắt trân trân rồi tằng hắng một tiếng, đổi qua giọng trầm nam: “Ờ ờm ta từ phương xa tới, muốn cùng hai em trai thưởng ngoạn xem bên trong lầu Lưu Linh có gì mà dân chúng tám phương đều đồn đại.”

“Vậy sao?” Tú bà làm vẻ mặt thẹn thùng ngó nhìn công tử. “Ta là Nguyệt Sa, cai quản kỹ lầu nầy, cũng được mệnh danh là mỹ nhơn xinh đẹp nhứt. Mời các ngài vào. Nếu các ngài muốn mưa dầm thấm lâu hoặc thăng hoa hay thậm chí là bạo thì ở đây em có hết thẩy. Các ngài cứ tự nhiên chọn lựa đến khi ưng thì thôi. Ngài cũng có thể chọn em nè, em sẽ phục tùng theo những gì ngài muốn.”

“Quả không khác gì với tên gọi, nàng đẹp như trăng sà vào lòng ao. Nhưng mà nàng cho ta mưa dầm thấm lâu đi, còn hai em ta thì dọ ý bọn nó giùm.” Chiêu Phượng nhếch khóe môi, đuôi mày trũng xuống gượng cười với tú bà nhưng bởi do bà thiếu nghĩ sâu cho nên mới không hiểu ẩn ý trong câu khen của nàng. Nàng hàm chỉ nhan sắc của bà chỉ thuộc hạng thông thường trong thiên hạ, chẳng đáng kể đến nhưng lại tự đề cao mình, giống như vật thể phù du dưới đáy ao vậy.

Y như lời Nguyệt Sa liền sắp xếp cho Chiêu Phượng đến một gian phòng rộng khắp, có ánh đèn cầy lung linh bày trí ở mọi nơi, gần như sáng bừng các ngóc ngách. Chiêu Phượng áp vào mặt ghế, sởn sống lưng khi các mỹ nữ đụng chạm. Năm sáu nữ tử kề cạnh không đẹp tầm thường thì cũng đẹp đến ngây ngất, hết người đút trái cây lại tới người khác dâng rượu cho. Ban đầu nàng còn chối từ nhưng khi về sau do lời thúc đẩy qua lại mà đành chiều lòng thuận ý với bọn họ. Tư nhan của Phượng cũng làm cho các nữ nhơn say đắm ngay từ cái đầu gặp mặt, họ ân cần săn sóc, bằng lời mật ngọt rót vào tai làm cho nàng trở nên rung động dần dần. Mà Phượng cùng là phận nữ nhi thì làm sao có thể xiêu đổ trước những câu từ đó được.

Cuộc vui được ngừng giữa chừng khi nàng nói muốn ra ngoài đi tiểu tiện, mò mẫm tới nhà xí Chiêu Phượng chỉ thấy có hai cái, một cái đã có ai dùng nên nàng vô cái còn lại. Khi trở ra thì có trông thấy người bên kia cũng bước ra, trong đôi đồng tử lờ mờ nhận ra đối diện là một nam nhơn. Phượng thảng thốt cất tiếng hét, ngay lập tức bị tên đờn ông bụm lại.

“Bớ người ta ở đây có biến thái.”

“Im! Sao anh la lớn quá vậy. Nhìn cho kỹ cùng là đờn ông với nhau.”

Chiêu Phượng liếc qua bên thì thấy tấm bảng nhỏ đề chữ “nam” rồi trân mắt ngó tới người nọ. Trong màn đen tuyền sống động, nàng thấy cận kề là sắc thái kinh ngạc của một dung nhan có ngũ quan xán lạn. Khuôn mặt trắng trẻo, mịn màng lại thon dài vừa vặn mà vẫn hiện hữu nét nam tánh. Phượng mới nhớ ra nàng đương cải trang thành nam nên hồi nãy được chỉ đến đây là phải, cớ làm sao còn ép oan người ta là đạo đức không chuẩn mực.

Thấy chẳng có ai nghe, chàng trai mới bỏ tay xuống, Phượng thở hơi ra rồi nhỏ nhẹ nói: “Xin vương gia thứ lỗi, ta say quá!”

“Nếu đã không ai nghe thì thôi coi như không có gì. Đi đứng cho cẩn thận.”

Dứt câu người nầy bỏ đi một nước. Còn Chiêu Phượng ở lại cảm giác nhẹ nhõm cùng cực, suy trong bụng nam nhơn kia chắc phải con nhà quyền quý, có đem đổi cả bản doanh của sư cửu cũng chẳng cứu nổi được nàng. Cũng may tánh tình người ta đức độ mới không truy cứu đến danh dự.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 12
Tắt ngang một lối đàng xưa,
Đôi chơn ngựa bước vòng về cố đô.
Sang sáng ngày hôm sau, Chiêu Phượng bật dậy từ trong một căn buồng lạ hoắc, nét mặt thẫn thờ bị ánh sáng ngoài cửa sổ làm cho chói mắt. Nàng thấy mình đang nằm bên dưới cách xa giường ngủ một đoạn thì vội vã tốc mền. Đẩy mạnh hai cửa ra ngoài ngó thấy Tí với Tèo nằm mỗi đứa một góc. Nàng tiến đến gọi thì hồi sau tụi nó mới tỉnh, luýnh quýnh ngồi dậy.

“Lẹ lên trời sáng be bét rồi, không kịp về Diễn Châu bây giờ.”

“Dạ thưa bà tụi con đi thu xếp liền ngay.”

Đêm qua khi cả ba bắt xe kéo về quán trọ, dìu bà chúa vào buồng rồi thì Tí và Tèo ra ngoài khép cửa, nhưng do mệt lả nên cả hai bàn nhau ngủ phứt ở trước chớ chẳng mắc công tới buồng làm chi.

Xe ngựa đến đón, thằng Tí phụ thằng Tèo chất đồ đạc lên sau. Chiêu Phượng từ trong trọ quán bước ra, bận sắc phục xanh thiên, tóc xõa ngang hông, nàng đã trở về với dung mạo của nữ giới. Chiêu Phượng thoắt ngang qua rồi đặt chưn vô buồng, nào mảy may biết rằng ở bên kia, đối diện khoảng không xa cũng có một trọ quán khác. Ngồi trong vọng gác là nam nhơn anh tuấn, dẫu từ phía nghiêng cũng dễ dàng trông thấy được tướng mạo phong lưu, góc nét gương mặt rõ ràng. Cử chỉ và lời ăn tiếng nói cũng đặc biệt tử tế với người đối diện.

Xe ngựa đã rời, có phải vừa chặt đứt sợi vương tơ trói buộc rồi hay không. Cố nhơn ngày xưa như hình với bóng, xa cách bảy mươi năm trên đường nhân sinh dăng dẳng, vậy mà nay lướt qua chớ hề nhận ra, có trách nên trách chưa hội đủ cơ duyên.

Con cả của Tôn nhơn phủ Phủ thừa võ giai giờ đã trưởng thành, thành một nam tử hào kiệt, khí phách. Người cùng uống trà đàm đạo với Nhật Bảo là công tử Khải Hoàn của gia tộc buôn gạo lớn nhất nhì La Thành.

Nhật Bảo đem hòm sắt dưới chưn đặt trên bàn và mở ra: “Hôm nay ta chỉ mang chừng nầy để trao đổi. Ta muốn nhiều hơn, nếu nhiêu đây chưa đủ thì lần tới ta lại ghé.”

“Như nầy là quá nhiều rồi thưa vương gia.” Khải Hoàn ngó vô thấy vàng thỏi xếp thành hàng thì trương cặp mắt hớn hở. “Ngay bây giờ tôi sẽ căn dặn đám người làm, sai tụi nó ngay lập tức mang đến y như số tạ gạo mà ngài biểu.”

“Đây là địa điểm, đưa tới sẽ có người đứng trước cổng nhận.”

Hoàn nhận lấy mảnh giấy từ trong tay Nhật Bảo: “Dạ thưa vương gia.”

Dòng dõi La Thành vương và Quý phi cùng là người trong tộc Lý Vi, xưa rày xướng danh đao binh hùng mạnh, cung thủ phi thường. Nội tộc có những người thân to tượng lớn khác biệt hoàn toàn với nhơn phàm. Chiêu Phượng là con gái độc nhứt của Quý phi Hiệu Nguyệt, so trong dân gian chỉ có trăm năm thì dẫu nàng có tám mươi tuổi đời thì dung nhan vẫn trẻ hoài như mười bảy, mười sáu. Dung mạo nàng mơn mởn tuyệt thế, vừa nhìn liền sanh cảm mến. Ngoài tộc Lý Vi còn có bộ tộc Huỳnh, bộ tộc Nguyễn Phước cũng mang thọ mạng ngàn năm.

Ngang qua trước tam quan, bà chúa biểu Tèo dừng xe, vén tấm màn nhung ngó ra, truyền giọng lên nói: “Ta xuống chỗ nầy một xíu.”

“Bẩm ở đây…”

“Cho ta xuống.”

“Dạ.”

Chiêu Phượng bước ra từ bên hông cỗ xe, ngước mắt lên tấm bảng chạm trên đầu cửa chánh đề bốn chữ “Kinh đô Trường Xuân”.

“Kinh đô Trường Xuân là bốn chữ mà chính tay đức cha khắc vào đại lễ đăng cơ. Trường mang ý nghĩa lâu dài còn xuân là sức sống, là sự đổi mới. Hai chữ Trường Xuân cha khát vọng bá tánh trong thiên hạ đều sống trong vĩnh viễn an vui, trường thọ.”

Chiêu Phượng thầm nghĩ rồi nhấc chơn tới hai vị lính gác của cửa chánh. Dẫu vừa không lâu từng muốn che giấu thân phận song khi nhìn thấy cánh cổng tam quan, Phượng chẳng cầm lòng cho đặng khi nhung nhớ dồn dập bấy lâu, xa cách nơi nầy đã qua mấy mươi năm mà chưa dịp nào được về thăm chốn cũ. Không biết những người trong đó xa mặt cách lòng có đương nhớ tới nàng hay là không.

Đôi lính gác đưa hai thanh giáo đan vào nhau, lõ mắt ngó nàng từ trên đầu xuống dưới cẳng: “Nhà ngươi đi đâu? Có giấy thông hành không?”

Tay Chiêu Phượng nắm vạt áo tỏ vẻ buồn xo: “Ta không có.”

“Không có thì đi ra.” Một trong hai nạt lớn.

Nàng day người lủi thủi bước đi.

Ngày nàng rời đi cũng vừa mới lên mười nay trở về thời gian đã đi qua tới bảy mươi năm, diện mạo cũng đổi khác theo sự trưởng thành. Còn được nhận ra chắc chỉ có trong thân tộc của nàng, dòng bề ngoài biết chừng người già, người mất còn kẻ chắc cũng đã quy hồi quê hương.

Ngựa kéo xe rời đi để lại phía sau dãy tường Trường Xuân, chặt đứt giấc mộng gặp lại người thân trong lòng Chiêu Phượng. Nàng đi được vài bước lại khựng lại, mong ngóng về phía thành, gạt đi ngấn lệ rồi thở ra.

Xe lần lần dang ra giữa lộ, mỗi tiếng chưn ngựa lộc cộc nó làm đau đớn nàng giống như chính bước chưn ấy giẫm lên ruột gan. Phượng vén màn, chong mắt ngó cánh cổng hoài, cảnh vật rung rinh dập sóng hay trong đồng tử nàng đã rỉ sầu ái thương mà thành ra như vậy. Xe rời chưa bao xa một tiếng nổ lớn phát ra từ trong hoàng thành. Dân chúng người qua, kẻ bán ai nấy đều giựt mình thảng thốt. Chiếc màn đã buông xuống tự khi nào lại do chính tay Chiêu Phượng kéo ra. Khoảng một hồi khi đã quan sát sự tình, nàng mới thấp người bước lên đẩy thằng Tèo với Tí sang bên.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 13
Miệng người dựng chuyện, từ không thành có,
Mưu hại gán ghép, bại hoại danh phong.
Hai chúng nó day nhìn nàng nói:

“Đừng bà, nguy hiểm hung!”

“Tránh ra, để ta lấy ngựa, còn các ngươi ở lại đây.” Mặc tụi nó đương vén người cho khỏi lọt, Chiêu Phượng vẫn luôn tay tháo đòn. Tí ngăn tay nhưng bị bà chúa hất mạnh.

Phượng đứng trên thanh đòn trong khi ngựa vẫn chạy, nàng gỡ thắt gút cuối tách rời buồng với ngựa rồi lanh lẹn nhảy lên, cầm nắm sợi dây cương. Cỗ xe thình lình khựng lại chỉ còn Tí với Tèo ngồi đó, Chiêu Phượng khiển ngựa chạy một đoạn rồi kéo cho day ngược, phóng tới cổng tam quan.

Lính tiến tới trước lớn tiếng nói: “Đứng lại.”

“Các ngươi không nghe thấy gì sao? Trong thành có tiếng nổ lớn, sao không mở cổng vô trỏng coi có chuyện chi.” Phượng đem giọng mạnh mẽ đáp lại hai người cai quản.

“Ngươi là ai mà ra lịnh như vậy?”

Nàng đanh thép nói: “Ta có là ai thì người ở trong kia mới quan trọng hơn thẩy. Mau mau mở cửa ứng cứu.”

Chưn ngựa tiến tới, tức thời hơi nóng từ đôi thanh giáo chạm sát ngực làm nó nhướn lên, rụt về sau. Nàng ngồi trên ruột gan nóng như thiêu đốt, nhanh tay rút thanh gươm bên cạnh chém gãy đôi giáo mà chẳng làm hại tới người. Phượng cùng ngựa xông lên, tay phóng gươm vô trong khe cửa, mũi gươm xuyên qua banh toạc cánh trái cánh phải.

Tay nắm của gươm rơi vào tay Chiêu Phượng, nàng lao ngựa thẳng vào trong hướng đám khói. Qua thêm một cổng thành, Phượng nhìn lên thấy toán lính đen đội khăn, che mặt chạy hai bên lối trên tường thành. Phượng giật cương quẹo sang bên, khi tới đàng cùng nàng hùng hổ để ngựa chạy leo lên tường. Mỗi cách chưn của ngựa rải xa, chẳng mấy chốc mà tới trên kia. Chiêu Phượng cởi tấm áo ngoài quăng tới đám người, lớp áo dang rộng phủ lên chắn mất tầm nhìn, nhanh chóng giúp nàng hạ sát gần chục người. Bên trong áo do nàng phòng ngự mà có bôi lên thuốc độc nhưng thuốc độc lại chẳng hề hấn gì tới thể thân nàng, là bởi vì nàng đã tắm qua thuốc giải.

Chiêu Phượng vung nhát đao hung hăng tiễn hết đám người tới cõi bên. Nàng vùng chạy lên trước hướng ra cổng lớn, đuổi theo toán người còn lại đương tẩu thoát. Giải quyết trong gọn lẹ rồi nàng một thân chạy vô trong đại nội. Bước chơn Chiêu Phượng bỗng sựng lại trước những bậc thang ngoài đại điện Hòa Khánh khi nhìn thấy khung cảnh hoang tàn máu đổ, xác người, tượng vật đều phanh thây. Chung quanh cung nhơn, thị vệ, quan thần tháo nhau tứ tán. Hiện trường do phát nổ gớm ghiếc đến chẳng thể tả, trước mắt còn thấy người đờn ông dường như cũng bận quan phục vùng vẫy trong đám lửa bu mình.

“Đức cha, mẹ, bà nội.” Phượng thảng thốt tự nói nhỏ, tức thời nghe phía sau tiếng la hét cách một đoạn có chàng trai hớt hải chạy tới kéo theo đám lính sĩ.

“Cha!” Chàng trai toan xông tới thì bị cản lại, đôi tay anh vùng trong vòng vây của thị vệ. “Các ngươi còn đứng ngó làm gì, sao không mau tới dập lửa cho cha ta.”

“Không được đâu vương gia ơi! Không kịp nữa đâu. Tôn nhơn lịnh, ngài ấy…” Nam nhơn ở cạnh lên tiếng, trông sắc phục khác biệt với những người còn lại.

Bấy giờ Chiêu Phượng mới muộn màng nhận ra người vùng vẫy trong đám cháy là Thập thất hoàng thúc. Đằng xa bỗng có lính chạy tới bên nam nhơn thị vệ thông báo rằng: “Thưa bệ hạ và Hoàng Thái hậu cùng các lịnh bà hậu cung vẫn an toàn.”

Nghe vậy Chiêu Phượng mới an tâm phần nào, lủi người trốn vô góc cửa thành, bỗng nhỏ sầu rơi lụy.

“Chú, là ai đã làm ra trận thảm sát kinh hoàng như vậy? Còn kia là ai trong các con của chú, có phải là anh Nhật Bảo hay là các huynh đệ khác của ảnh?”

Thập thất hoàng thúc của Chiêu Phượng được vua ban sắc phong Tôn nhơn lịnh văn giai, cử ở phủ đệ ngoại thành Trường Xuân. Nay đã qua chín trăm tuổi thọ, gương mặt đã lão đi nhiều nhưng trí huệ vẫn minh mẫn. Ông có tới sáu người vợ cùng mười tám người con đủ trai đủ gái, trong đó vương tử Nhật Bảo là con nuôi duy nhứt.

Chiêu Phượng định bụng rời đi trong tình cảnh hỗn loạn thì một binh tráng tiến tới hỏi: “Ngươi là ai? Ta chưa gặp bao giờ.”

Phượng đưa thanh gươm lên, từ xa chạy tới thêm vài binh vệ nữa chĩa mũi kiếm tới: “Kẻ xâm nhập bất pháp vào hoàng thành, người đã bị bao vây, mau buông vũ khí xuống!”

Thanh gươm trong tay nàng lập tức rơi ra, Chiêu Phượng không chống cự mà để các quân lính xúm tới bắt lấy, áp giải nhốt vào buồng lao.

Đã hai ngày trôi đi, nàng khép mình ngồi dàu dàu trên đống rơm nghĩ đến cái chết của Thập thất hoàng thúc. Từ ngoài lối, một lính gác tay bưng chén cơm, cùng gã lính khác vừa nói vừa đi tới: “Hổm rày mầy có hay giống gì không?”

“Không, có hay giống gì đâu.”

“Mang nầy xong tao với mầy cùng nhâm nhi vài chung rượu rồi tao kể cho mà nghe.”

Tên lính chớ hề mở cửa trực tiếp đưa vô mà chỉ đến trước song tre rồi ngừng, đặt chén cơm bên ngoài nói: “Giờ cơm tới rồi, mau ăn đi.”

Phượng chẳng màng đến sự ăn, không ngẩng đầu cũng không đáp lại lời nào. Chén cơm vừa đặt xuống lập tức đã có ruồi bu lại.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 14
Nghe chuyện trong cung, lòng nàng bàng hoàng
Hai tên lính đã xong nghĩa vụ thì tiến tới cạnh chiếc bàn làm bằng đá, ngồi xuống nhấm nháp dĩa đậu phộng cùng vò rượu gạo.

Người khai mào vừa nãy nói: “Từ phủ của Lục bộ bộ văn đại nhơn tao nghe nói vầy, ngài Thượng thơ với Nguyên Khôi gia lúc cùng ngồi uống rượu có bàn rằng sẽ dâng sớ tấu lên thánh thượng cho cách chức Trấn bình Nguyên soái ở Diễn Châu. Đề cử một Trấn bình Nguyên soái mới đặng tiếp tục bình định cửa trấn.”

“Mà cớ làm sao lại thành ra như vậy?”

“Cũng vì nghe nói Thanh Hầu gia đương mon men ý đồ rộng mở biên giới đặng cho thương buôn ngoại bang ùa vô, tránh không chừng tạo cơ hội cho các nước nhăm nhe tới nước mình.”

“Thiệt là vậy sao?”

“Bà chúa bên cạnh Thanh Hầu gia đã mấy chục năm, thói ăn thói ở đã thấm nhuần từ Hầu gia nên lần nầy cùng đưa về với Thanh Hầu đặng xét hỏi rồi xử trảm, cũng là tránh hậu họa sau nầy.”

“Từ khi tao với mầy vào cung chả hay mặt bà chúa điện Lạc Viên ra sao. Lần nầy nhà Thanh Hầu và bà khó mà sống nổi.”

“Chứ còn sao nữa, đó rất dễ dàng khép thành tội mưu phản. Bà chúa rời Trường Xuân tính tới nay đã chín mươi năm mà trong khi tụi mình mới bước vô đây chưa được mười năm. Ngoại trừ thân tộc bệ hạ thì ít có ai từng trông thấy dáng vẻ thực thụ của bà. Mà nghe đồn bà chúa điện Lạc Viên xinh đẹp vô cùng, ở thế gian khó có thêm được người như vậy.”

Chiêu Phượng ở trong buồng lao nghe hai người nhắc tới sư cữu cùng mình thì ngẩng mặt bò tới nắm hai song tre: “Các ngươi nghe những lời đơm đặt đó mà tin được à?”

Người lính ngoảnh đầu trông về hướng nàng rồi lớn tiếng: “Ngươi làm ta giật mình, sao không lo ăn cơm đi hay để lát ta đem đổ.”

“Trả lời câu hỏi của ta, vậy bây giờ sự đó đã tâu lên thánh thượng rồi chưa?”

“Ta không biết, với đó không phải chuyện của ngươi. Sắp bị đem ra xét xử mà còn lo chuyện người khác.”

Chiêu Phượng bệt xuống đống rơm, đã hai ngày không ăn không uống sắc mặt liền đổi khác, lợt lạt trắng nhách. Nàng suy nghĩ tới những lời vừa nghe, khẳng định thầy mình là người trung hiếu, làm sao có thể mần được sự đó. Nàng phải điều tra nguyên cớ đặng cho ra tình ra lý song đương trong nhà lao thì khó lòng mà làm nên lẽ được.

Bên xóm Lấp Vò có ngôi biệt phủ rộng tới trăm mẫu đất, phía trước dọc theo mé lộ đã xây tường còn rào song tre, chung quanh trồng mận, ương cam cùng các rặng cau xanh mướt. Ở ngoài đi vô khỏi cửa ngõ rồi tẻ ra hai đường vô nhà. Dọc theo hai đường ấy trồng bông đủ thứ, bông vàng xen bông trắng, lá đỏ lộn lá xanh, hai bên lại xây hai cái bồn trồng cây đặng cho đẹp. Phía sau có cất một cái nhà dài tám căn rồi chia ra chỗ xây bếp, chỗ chứa đồ, chỗ nuôi gia súc, chỗ để xe ngựa, còn dư mấy căn thì dành cho gia đinh ở.

Trước có một cái sân, chánh giữa xây hòn non trên hồ nước, mặt đỉnh ông tiều lum khum gánh củi, dưới khe ngư ông thong thả ngồi câu, bên kia thằng mục cởi trâu ăn, bên nọ chú cày đi ra ruộng.

Nhà nầy do vương gia Nhật Bảo cất cách đây không lâu, gần công lộ Ông Rầy đi Trường Xuân đặng cho tiện. Nhà cất kinh dinh kiểu xinh đẹp, nền cao cửa rộng tường chắc, thang lài, tứ hướng đều có làm cửa sổ đặng ánh sáng lọt trong nhà. Gian nào cũng lót gạch đỏ trơn đặng lau chùi cho sạch, nóc cũng lợp ngói móc đỏ lờm, còn cửa sổ thì sơn mài đen láng bóng. Trong nhà bàn cẩm ghế mây, cái nào cũng sạch sẽ tươm tất mà còn biểu lau chùi, đặng nhìn cho thấy mặt. Trên bàn cắm một bình bông trồng, dựa mấy gốc cột đều có một chậu kiểng, chỗ nầy để bùm sụm, chỗ kia để càn thăng, bên thì phát tài, lại bên nữa để đinh lăng trắng.

Lữ Nhật Bảo mặt dài trán rộng, khí sắc là người cầm binh khiển tướng, chưn mang guốc gỗ, mình mặc áo hồng đồng, quần thì vải lụa trắng tốt, tóc hớt ngắn đóng khăn, từ tốn ra đứng trước sân coi tụi mần công mở kho kiểm gạo. Nhật Bảo cũng tiến vô trực tiếp rờ tay lên mấy bao gạo, sai mở dây lạc đặng thò tay vô nắm một nắm coi khô ẩm ra sao, đặng còn tính hướng giải quyết.

Một thanh niên tiến tới bẩm báo với vương gia: “Thưa ngài, đã kiểm tra hết gạo trong kho, không có vấn đề gì hết.”

“Ừa, ngươi coi liệu phòng tránh ẩm mốc thận trọng.”

“Dạ bẩm ngài, con thường ngày cùng đám gia nhân trông coi và kiểm tra luôn luôn. Làm y như các cách trước giờ của lão Quý bày cho mà bảo quản chống mốc.”

“Người nầy coi bộ hay giỏi đa. Sắp xếp thưởng cho lão gấp đôi số bạc mà ta đã đề ra ban đầu.”

“Dạ con đã rõ thưa vương gia.”

Anh ta cúi mình nhận lịnh, khép đôi cửa lại rồi cất chơn theo sau vương gia dưới tàn hồng trĩu trái.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 15
Nghĩa huynh muội xá trăm năm.
Thắm thoắt thoi đưa, lại đoạn đứt.
Gia đinh chạy vào trong vương phủ bẩm với Nhật Bảo rằng: “Ở đại nội đã xảy ra chuyện lớn.”

“Là chuyện gì?” Nhật Bảo nghe nhắc tới hoàng cung lập tức biến sắc lo lắng.

“Thưa có vụ nổ chưa tìm được kẻ gây ra nhưng đã có thương vong về người. Dạ bẩm trong đó có Tôn nhơn lịnh đại nhơn.” Giọng của nó khẩn trương khai báo.

“Có cả cha ta!” Nhật Bảo nhận tin mà lòng bàng hoàng, hai chưn đến độ muốn không trụ nổi, lập tức vô trong buồng khoác sơ sài tấm áo ngũ thân rồi trở ra trước, hơ hải đi tới hoàng thành. Một ít gia đinh cũng tất bật chạy theo mặc họ chẳng nghe lịnh nào của thân chủ.

Khi chàng tới nơi thì mọi sự đã rồi, thấy cha nằm trong đống lửa, quằn quại đau đớn.

Thời các tiên đế của Trường Xuân chức hàm Tôn nhơn phủ Tôn nhơn lịnh cấp giai văn, giai võ, giai nào cũng có nhiều người được bổ nhiệm. Tuy nhiên tới đời cai trị của vương Chế Tân thì Tôn lịnh chỉ có một ở văn giai, còn võ giai thì không. Lữ Hồng Xuyên là thập thất huynh của vua, tánh tình cương trực, đức độ. Trên hiếu với phụ mẫu, dưới nghĩa tình với anh chị em, ngoài thì thương dân như con. Nên vua xem xét mới sắc chức cho làm Tôn nhơn lịnh phẩm bực cao nhứt trong triều.

Vương gia Hồng Xuyên có một người bạn chí cốt chơi từ thuở hàn vi, hai người cũng từng là bạn học cũ lớn lên từ tấm bé. Khi người kia lập gia thất thì đồng lúc đó Hồng Xuyên cũng cưới vợ rồi sanh con. Cho tới ngày người bạn nầy lâm bịnh nặng rồi bất tử ra đi, trong nhà cũng chẳng còn của cải chi hết. Bởi có bao nhiêu bạc tiền đều đem đổi thành thuốc đặng chạy chữa cho ông.

Mẫu thân của Nhật Bảo sau thời gian dài tự gồng mình nuôi con thì mắc bịnh lao, thể trạng ngày càng suy nhược, trước lúc nhắm mắt đã biên thơ gởi gắm mà trên hoàng thành vương gia Hồng Xuyên cũng mới vừa hay tin bạn mất.

Suốt một năm ông bận bịu công sự triều chánh, chẳng có thời giờ thăm hỏi bạn mình, tới khi biết được tình cảnh éo le đó thì ông day dứt khôn nguôi. Lo toan trong nhà ngoài cửa êm ấm rồi thì ông mới xuống nơi bạn mình ở đặng mà rước Nhật Bảo về nuôi nấng.

Đường vô đại nội trải dài đến mười hai cổng thành, chàng bước chưn tới cửa áp cuối thì ngó thấy một người dắt theo ngựa, nhưng kéo hoài mà nó chẳng chịu đi. Người càng căng dây thì ngựa càng trương cổ lên, ghịt đôi cẳng ngược về sau.

Nhật Bảo ở xa ngóng lại thấy con ngựa có ý muốn thoát khi liên tục giựt cương ở trong tay người giữ. Chàng mới tiến gần hỏi:

“Ngựa nầy của ai mà dắt vô cung?”

Thanh niên day lại đáp rằng: “Bẩm vương gia đây là ngựa của nghi phạm đã cỡi ngày hôm đó. Đã bốn ngày dù đã dụng đủ mọi cưỡng chế vậy mà nó vẫn cương quyết ở đây chớ chả chịu đi.”

Vương gia Nhật Bảo đứng bên ngựa, đột ngột bị đầu của nó dụi vào lưng. Người kia lập tức kéo dây lại rồi quát nó: “Cái con ngựa hỗn hào nầy!”

Nhật Bảo nhìn màu lông trắng của nó thì tay có vuốt lên, tới giữa lưng thì ngó thấy gần mông có nhúm lông tối sẫm hệt dấu bớt thì chàng không vuốt nữa, khuôn mặt đanh lại mà ánh mắt trông chẳng phản ứng chi.

Bảo lạnh giọng nói với người nầy: “Kiếm người giỏi thuần phục ngựa rồi đưa nó đi, đừng cho ở đây lâu. Gần tới giờ Thìn rồi, các bá quan sắp sửa ngang qua kẻo trông thấy thì lại không hay đâu đa.”

“Dạ con xin tuân lịnh ngài.”

Độ giữa giờ Thân hôm sau, trong ngục tù u tối thình lình nhận được chỉ dụ của hoàng thượng do giám quan mang tới. Chiêu Phượng lập tức dập đầu xuống mà nghe rằng:

“Nữ dân tên Lựu, một trong các nghi phạm liên can trong vụ kích nổ hoàng cung, sau khi đã điều tra làm rõ thì đưa kết luận rằng hoàn toàn không có dính líu. Vì vậy sẽ được thả, tuy nhiên, hành động tự ý xâm nhập cấm thành cùng chống đối quân lính của hoàng triều đương nhiên sẽ phạt hai trăm hèo.”

Sau hai từ “khâm thử” cất lên thì nàng liền đi tiếp nhận khung phạt. Mỗi gậy của người quản giáo giáng xuống đau cùng cực, nàng chịu được tới còn một trăm ba mươi tám roi nữa thì mông đã không còn cảm giác chi. Màu máu bệt với quần trắng, dàn ngang dàn dọc đan nhau ướt sượt.

Quản giáo đưa cây cho sai nha đương khoanh tay đứng sau rồi tỏ ý với người nằm mọp dưới đất rằng: “Đã đủ hai trăm. Bao giờ ngươi cảm giác đi lại được thì hãy rời khỏi đây.”

Ông ta đứng thẳng, chẳng cúi đầu chỉ hạ mí trên xuống đặng ngó nhìn bộ dạng thê thảm ấy cùng cử chỉ khinh miệt.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 16
Đánh rắn phải đánh dập đầu
Ngoại thành Trường Xuân, ngày đầu Tí với Tèo còn ở quán nước chờ, tới qua ngày hai ngày ba rồi mà chưa thấy bà chúa trở ra. Tụi nó rạo rực trong lòng mới tìm tới trước cổng thành nhưng đợi hoài chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Mạn phép hỏi người gác thành thì hay bà chúa đã bị quân lính triều đình giam bắt. Hai đứa nó sau khi đẩy hụt hơi chiếc xe thì có quay về nương trọ nơi quán cũ, được bà chủ trọ mang tới một phong thơ mà người gởi là Nguyên soái. Trong thơ ngài hỏi sự của bà chúa đã đến đâu, vả bao giờ thì về.

Tí Sún nào phải văn hay chữ tốt chi, nhưng được công nhận là lấn át hẳn Tèo, nên nó bèn ngồi vào bàn mà biên mấy dòng chữ đặng hồi âm. Nó nói bà chúa muốn ở chơi dăm ba hôm nữa mới đành về chớ nào dám kể lể tới hoàn cảnh hiện tại.

Cách trước hôm nàng chịu phạt, vào buổi sáng lối giờ Thìn trong chánh điện, vương Chế Tân ngự trên hoàng kỷ, ở dưới hai hàng bá quan văn võ tề tụ cung kính. Chừng các nghi thức đã đủ thì một đại quan tạng người cao ốm tiến lên.

“Khởi bẩm thánh thượng, chánh điện ở tiền cảnh đã bị thuốc nổ làm cho tan hoang, cảnh vật điêu tàn, người người máu đổ thành sông. Vì vậy phải mất tới một buổi mới thu dọn xong hiện trường, còn việc phục trạng ắt phải đợi hai trăng nữa mới hoàn tất. Sự nầy xảy ra trong cung đã làm dấy lên nỗi hoang mang trong toàn dân ngoài thành. Bá tánh thì hết lòng tín nhiệm hồng quân phòng vệ chặt chẽ nhưng sự lần nầy lại xảy ra trong đại nội, đã làm lung lay niềm tin đến thái bình.”

Vương Chế Tân vẻ mặt cương nghị, ông nói: “Chuyện xảy ra trước cửa điện Hòa Khánh ta còn kinh động thì dân chúng có lo lắng cũng là phải. Từ rày liệu phương kế làm sao đặng xoa dịu lòng dân trẫm còn phải nghĩ dài. Song các đồng phạm bắt được đã khảo tới đâu rồi? Sao còn chưa nghe tới kẻ chủ mưu?”

“Bẩm bệ hạ, toàn bộ lời khai đều đã lấy, có một người có chứng cớ ngoại phạm, hiện vẫn giam giữ ở nhà lao. Còn đây là bản chép điều tra thần kính dâng lên bệ hạ. Bọn người nầy là tàn dư của đội quân Sở Kỳ mà chủ mưu không ai khác là chúa Phương Uy. Phương Uy bị hồng quân tóm gọn khi trên đường tẩu thoát gần biên giới. Bây giờ đương ở trước cửa cho bệ hạ triệu kiến.”

“Cho vô.”

Hai lính canh gập đầu tuân chỉ liền mở cửa điện, từ ngoài hai binh sĩ khỏe mạnh giải chúa Phương Uy tiến vào. Vị chúa lãnh mà dân thành Sở Kỳ tôn vinh thực chất là một phụ nữ hình tướng cao ba thước hai tấc, diện mạo như trung niên với khuôn mặt vuông, môi rộng, da ngăm. Trên người trắng toát áo vải quần vải, đôi chơn không mang gì quỳ xuống trước La Thành vương. Mặt bà không ngước càng làm cho tóc ở hai rìa trán rũ rượi che khuất.

“Một phế quân ngang nhiên phái người đột nhập hoàng cung La Thành, đặt thuốc nổ phá tan tiền điện Hòa Khánh, làm bao sanh mạng phải chết oan uổng.”

“Ngươi còn nhớ gì đã nói lúc trước không? Ngươi gọi quân binh ta là đám tàn quân nhưng giờ ngươi thấy sao, một khung cảnh đổ nát ngay trước điện.”

Chế Tân vương gằn giọng: “Phương Uy! Ngươi bây giờ không còn là chúa của phương Bắc nữa, hãy mau chóng giao Sở Kỳ cho La Thành.”

“Láo xược!”

Nội ngoại điện tất thẩy đều nghe lãnh chúa Phương Uy lớn tiếng trả lời vương Chế Tân, ngay lập tức vệ binh xăm xăm tới, năm ngón tay giựt ngược tóc Phương Uy.

Bà ta kênh ánh mắt ngó La Thành vương: “Ta là chúa thượng thành Sở Kỳ, không ai được đụng tới một hạt đất của Sở Kỳ mà nhà ngươi, La Thành vương dám biểu ta phải giao nộp Sở Kỳ sao.”

“Tường thành năm đó đã bị đánh đến sập, ngươi còn cố chấp chờ ngày phục nước mà lui quân tới biên ải giữa La Thành và Sở Kỳ, ngăn không cho quân binh La Thành tiến vào. Tại sao ngươi lại kiên trì đến vậy chớ?”

Nói giữa chừng thì Chế Tân day sang cầm lấy quyển chép, đọc lên mọi lời trong ấy rồi dần cuối chỉ tay về hướng Phương Uy mà nói rằng: “Một hôn quân u mê nịnh nọt, diệt trừ hiền tài. Lại ham mê sắc dục mà lập nên Hoa Lạc viên đặng dung nạp vô số nam nhơn, bất kể bàn ngày bàn đêm đờn ca xướng hát chẳng chăm chú đến việc nước. Thiệt không đáng xưng chúa bờ cõi phương Bắc. Ngươi giờ chả còn gì trong tay, binh quyền thì ít ỏi, dân chúng bỏ xứ tứ tán làm ăn. Một trong đó đương sinh sống ở La Thành, ngươi có biết không?”

Phương Uy nhếch bờ môi nứt nẻ cười miệt: “Chỉ cần khi nào quân ta còn đóng ở cửa ải thì La Thành không được phép lấy Sở Kỳ.”

Ở cạnh vương Chế Tân một thái công thình lình lên tiếng: “Dẫn ả đi.”

Chừng một hồi tù nhơn được mang đi, Lục bộ Thượng thơ bộ văn xăm xăm đến trước hoàng thượng: “Tâu bệ hạ, được biết trấn Diễn Châu do Trấn bình Nguyên soái cầm quyền đã trăm năm nay. Nay tàn quân Sở Kỳ ám hại nội cung ta lại chạy về biên giới phía Tây cận trấn Diễn Châu, mà bệ hạ không thấy sự gì bất thường hay sao?”
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 17
Vấn vương cái tình xưa cũ
“Ý khanh là chi?”

“Bệ hạ đã ban thánh chỉ cắt cử quân binh đến mọi trấn, mọi làng trong La Thành đặng thăm xét tình hình quản thúc của các quan dưới đó. Vì vậy mà tuần quân của thần đã phát hiện được Trấn bình Nguyên soái Thanh Hầu câu kết với ngoại bang, hăm he ý định xâm lăng La Thành.”

Vương Chế Tân liếc mắt nhìn ngài Thượng thơ Lý Giang: “Tại sao khanh lại biết được chuyện đó?”

“Thưa ở đây có tang chứng đường hoàng há phải thần cáo oan cho Thanh Hầu gia, chính là những sổ sách ghi chép đây.”

Giám quan bước xuống nhận lấy án có năm tới sáu quyển dày cộm rồi đem dâng tới vương. Chế Tân mở xem thì trong ấy biên chép tỉ mỉ từng ngày giờ xuất nhập, loại mặt hàng mà các thương lái đưa vô La Thành.

Thượng thơ Lục bộ tiếp lời: “Cửa giới Tây Nam ngày đêm luôn rộng mở, thương lái vô ra không ngớt. Vả lại người xem ngày mà các thương buôn nầy lưu trú lại vương quốc chúng ta kéo dài những hai đến ba tháng, ấy chẳng phải là cõng rắn cắn gà nhà hay sao. Mong bệ hạ anh minh suy xét, Thanh Hầu gia đương lộng quyền phản quốc, phạm đại nghịch đáng đem ra xử trảm, muôn đời bị thiên hạ phỉ báng.”

Vương Chế Tân không chế ngự được cơn tức giận, mặt lập tức đỏ bừng, cầm quyển biên mà tay run không nói thành lời. Cách hồi lâu ngài mới gằn giọng: “Thiệt uổng công trẫm tin tưởng và phó thác cho hắn chức Trấn bình Nguyên soái, đặng giờ đây mưu đồ tạo phản muốn bán nước cho kẻ ngoại quốc. Ngay lập tức điều binh tới Diễn Châu bắt sống Thanh Hầu.”

“Dạ rõ.” Người bận y giáp đứng dưới chắp tay nghe theo mệnh lịnh của La Thành vương.

Lý Giang đương giương cao khóe môi đắc ý thì hàng phía sau đối bên kia, vương gia Nhật Bảo bước ra, cung kính cầm thẻ bài vị bằng ngọc mà tâu trước thánh quân rằng: “Bệ hạ, như xử trảm Thanh Hầu thì những người bên cạnh Thanh Hầu phải làm sao?”

“Đương nhiên cũng phải trảm hết, ngươi hỏi thừa.” Thanh Giang day mặt nhìn Nhật Bảo trả lời.

“Bất kể là bà chúa?”

Lý Giang lại đâu mặt với vua đáp: “Kính tâu bệ hạ, bà chúa xuất cung ngót nghét đã tám mươi năm, tuy là con gái của người nhưng quãng thời gian sống cùng Thanh Hầu gia dài hơn bao giờ hết. Không chừng tánh tình và suy nghĩ thấm nhuần như Thanh Hầu nên liên can trong chuyện nầy là rất khả năng. Diệt cỏ là phải diệt tận gốc đặng mai sau làm gương cho hậu bối.”

“Ông nói vậy là không thấu tình đạt lý. Người mang tội ắt nên trừng trị, còn người chưa xem xét cụ thể mà đã định đoạt tội danh thì chẳng khác nào vu oan đa.”

“Thôi, cứ đợi tới khi về đây tra khảo rồi hẵng định tội sau.” Vương Chế Tân nghiêm giọng, sớm muốn ngăn tranh cãi không nảy ra đôi bên.

Chánh giữa sân chầu đặt một chậu cao và một chậu thấp, giọt nước sau nối tiếp giọt nước trước nhỏ từ mặt thủng của chiếc chậu gốm hoa. Mực nước vừa dâng đến vạch chạm Tỵ, một người ở trên vọng gác lập tức đánh ba thời chiêng đồng. Đồng lúc ấy vua cũng ban lịnh bãi triều.

Nàng vẫn lưu thân trong lao tù không phải vì còn giam cầm mà là muốn trước khi rời cung thành, tự công vận khí lực đặng chữa trị vết thương. Hơn nữa, bằng thời gian ít ỏi còn lại cũng muốn lắng nghe danh tánh thủ phạm trong cái chết của hoàng thúc.

Trong lao có canh gác đã nói cho nàng biết người thủ ác chính là chúa Sở Kỳ cùng tàn quân của ả. Chừng hồi thì Phượng hỏi hắn:

“Vậy anh có nghe được gì về ngài Thượng thơ Lục bộ tấu trình lên vua chuyện của ngài Nguyên soái trấn Diễn Châu hay không?”

“Ta không có nghe.”

Chiêu Phượng cúi xuống, móc ra một nén vàng muốn dúi vào tay hắn: “Anh nói tôi nghe đi, nếu anh biết, tôi xin anh.”

Tên lính nhìn nén vàng chưa vội nhận ngay mà ngó nàng nói: “Ta thiệt lòng không nghe ngóng được chi hết. Chỉ nghe nói họp bàn chánh sự hôm đó kéo dài từ đầu giờ Thìn tới cuối giờ Tỵ. Bây giờ cô đã được thả tự do, theo ta, ta đưa cô ra cổng sau hoàng thành.”

“Khoan đã, ta còn một việc, nén vàng nầy tôi trả công cho anh.” Nàng đặt nó vô tay lính gác.

“Cô còn việc chi? Hoàng cung không phải là nơi của cô đa.”

“Không phải ý tôi là như vậy. Tôi muốn hỏi anh, anh mần việc trong đây lâu vậy thì có nghe ai nhắc tới bà chúa bên cạnh Thanh Hầu gia không?" Chiêu Phượng định nói tới đó thì thôi mà vì muốn rõ ràng hơn nên mới nhắc thêm. “Những người trong hoàng thất đó.”

Hắn nhíu mày ngó nàng mà lắc đầu.

“Ví dầu đã bẩm tấu lên vua sự của Thanh Hầu gia, thì bà chúa cũng có can dự đúng không?”

Lính gác tay nắm chui kiếm, cúi nhìn nàng đáp: “Ta không rõ nhưng trước nay người làm trong cung hiếm ai nhắc tới vị nầy, như thể đó là một điều cấm kỵ hoặc người ta không thiết tha nhắc đến cũng nên. Mà cô hỏi nhiều thiệt, như cô có quen với bà chúa hoặc Thanh hầu gia đó đa. Mấy chuyện ấy là chuyện của nội bộ hoàng cung, cô tốt phần nên ta mới cho hay tới đó.”

Chàng ta không muốn trò chuyện dây dưa với nàng nữa nên mới dang tay mặt hướng ra cửa: “Thấy cô đã ổn nhiều thì thôi cô đi cho mau.”
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 18
Chim sẩy lồng còn trông trở lại
Cảm tạ cái lồng, trả ngãi người nuôi.
Chiêu Phượng ngoài mặt thất vọng mà trong dạ cũng đổ nát. Nghe người gác ngục thuật chuyện nội cung mà chỉ thấy kết quả ôi sao quá phũ phàng, uổng công nàng vun nén tình cảm, dựng nên thương nhớ trong suốt tám mươi năm. Nàng cảm thấy ruột gan như đứt thành từng khúc, dấy lên thanh âm thán oán mà đắng cay cũng chan chứa nỗi tư lòng.

“Vậy thôi anh cầm cái nầy xem như đổi công cho anh.”

Phượng lấy trong cổ tay áo một xâu ngọc bội thưởng cho người canh lao rồi theo chưn anh ta rời đi.

Sau trận mưa rỉ rả, mây trời âm u, khí sắc Trường Xuân lại rực quang tảng sáng, mà trong hoàng thành gác ngục cùng nàng đã tới cửa sau của đại nội. Chiêu Phượng nhìn thấy ở ngoài đã có Hồng La bạch mã thân yêu ngóng đợi nàng.

“Hồng La.” Nàng rờ tay lên bờm nó, vuốt ve tỏ lòng thương nhớ. “Xin lỗi bữa đó đã để ngươi lại. Có bị đau ở đâu không?”

Chiêu Phượng nắn lên cổ, lên ngực, ở lưng của Hồng La, lại thăm hỏi nó.

Chừng một hồi nàng nói: “Thôi chúng ta về thôi, về lại Diễn Châu, Hồng La à!”

Nàng xây người thì Hồng La dúi mũi vô trong cánh tay, như níu nàng lại. Nó chõ mũi xuống sợi dây bạc vắt ngang hông có xỏ chiếc Đan ngọc của nàng, kế lại tự cọ đầu vào lồng ngực của chính mình.

“Hồng La, vậy là ngươi đã gặp được Nhật Bảo rồi ư? Nhưng làm sao biết đó là anh Nhật Bảo?” Đôi đồng tử đen tuyền thình lình trở nên óng ánh.

Trong hàng nắng chiều ngả bóng xuống cảnh ngoại của đại thành, một vài hạt nhỏ vì lệch hướng mà ngả vào nơi sóng nước dập dìu trên gương mặt, thoáng phút chốc đã xoay chuyển sắc thái nơi màu mắt, ngoài đỏ trong nâu, phân ranh rõ ràng.

Nàng lại day mặt về phía của Hồng La mà rưng lụy: “Như đã gặp thì cũng là chuyện đã rồi. Huynh ấy chắc hay ta đã trở về Trường Xuân nhưng lại chẳng hề đá động tới việc gặp ta. Bị nhốt trong lao cũng không thân thích nào tới nhìn mặt. Huynh sống trong cung thành lâu vậy, gần tám mươi năm chớ ít ỏi chi đâu, chắc hẳn đã quên muội của huynh mất rồi. Thôi, ta cùng Hồng La trở về trấn cũ, hẹn mãi không gặp lại huynh.”

Nàng nửa nói nửa diễn tình lòng mình, vừa trèo lên thì rải bước mà rời xa công lộ.

Đôi tràng tường đỏ lòm ngói xanh, còn dưới chơn của Hồng La lại chởm đầy đá cụi.

Nàng vẫn nhớ lúc đầu nàng đi có thảm đỏ trải hoa, nhưng lần nầy đã không còn được như thế. Ngay từ khi quay lại đô thành nàng đã trông thấy phận số linh đinh không ai chào đón, giống như nàng chẳng thuộc về nơi nầy nữa.

Chiêu Phượng ở lối hậu của tràng thành tiến ra trước cửa tam quan, kế trông thấy Tí với Tèo đương gặng hỏi đôi lính sĩ việc chi đó.

Ngó thấy nàng tới thì một lính sĩ chỉ tay về nàng mà nói: “Kia, có phải người các ngươi cần tìm hay không?”

“Bà chúa…” Miệng gần tròn vành từ “chúa” thì thằng Tèo bỗng nhiên sựng lại, nhất thời quên bén lời dặn dò của nàng. May mà nó nhanh trí, thấp giọng nói. “À, bà, bà đi đâu vậy? Còn lấy ngựa của chồng.”

Chiêu Phượng mím môi, nhướng mắt bối rối liếc lính gác, kế xây sang Tèo Mướp: “Tôi mượn ngựa đi chút chuyện. Giờ về trả lại cho tướng quân đây.”

“Vậy đi.”

Tèo Mướp nắm cương dắt ngựa lần ra dần công lộ mà Chiêu Phượng thì vẫn ngồi trên đó, lưng thẳng mặt hướng phía trước.

Đằng sau hai binh sĩ tủm tỉm bàn tán.

“Huynh coi kìa! Đờn ông mà sợ vợ dữ đa.”

“Nghe gì không? Là tướng quân đó. Ra chiến trường oai hùng thôi chớ ở nhà, vợ là phải đội lên đầu.”

“Ha ha, phải vậy mới mong sống thọ đó đa.”

Ngẫm nghĩ tới tiết xuân với những làn mưa bụi giăng giăng êm đềm, hay thu sang ngan ngát hương nồng ổi chín cùng cái gió lành lạnh dịu ngọt, thì giữa đông với hè lại vẽ nên sự tương nghịch. Vào ngày đông khí lạnh se thắt của gió chướng như cắt lên da lên thịt, song khi mùa hè kéo tới thì lại khoác cho vạn vật tấm áo mới chói lòa.

Nắng hè không yên ả, dịu dàng mà rất gắt, rực rỡ như đang căng hết sức lực để làm bừng sáng và bừng nóng không gian sau những chuỗi ngày mát mẻ của mùa xuân, vạn vật như thêm luồng sinh khí mới, tươi tắn và rạng ngời hơn. Rồi từng cơn dông và mưa rào chợt ào trút xuống khiến những nỗi oi bức lẩn mình đâu đó trên nhành cây âm thầm rút lui và tan biến dưới vòm trời xanh đầy gợi cảm.

Mùa hè bắt đầu bằng tiếng ve nao nức trên cành phượng vĩ đương rộ hoa đỏ chót. Tiếng ve kêu nhức nhối đó như đánh thức giấc ngủ dài của thiên nhiên. Tiếng ve xôn xao ồn ào giữa bữa trưa hè oi ả, làm đâu đó những nhánh bông phượng vĩ vì không chịu nổi mà lác đác rải trên sân con trong vương phủ của vương gia Nhật Bảo.
 

Cinqdoll

Gà con
Tham gia
29/7/23
Bài viết
20
Gạo
0,0
Chương 19
Ngắm trông cảnh cũ cũng như ngắm thấy nàng
"Con ve mang sợi cổ cầm
Trèo lên cây phượng thì thầm cùng nhau
Rủ rê mùa hạ đến mau
Cho từng cánh phượng đỏ au giữa trời."
Ấy là lối hậu mảnh vườn phía hông nên lối đi chỉ bằng hai người cùng đi, mặt lát đá san bằng uốn lượn quanh co. Dưới tán lớn của phượng đỏ, chàng đan tay sau lưng ngắm nhìn sắc diện của mùa hạ đã tới.

Nhật Bảo lấy ở lồng ngực ra một chiếc túi bọng tròn, dáng mã nhã nhặn, đẹp mắt. Mở bên trong ấy rồi cầm lên chiếc đuôi lông trắng tinh xảo. Chưa một ngày giờ nào mà chàng không nhớ tới Chiêu Phượng. Từ bé chàng vẫn gọi em gái bằng cái tên “Phượng nhỏ”, tới tận bây giờ nếu gặp lại chàng sẽ luôn gọi bằng tiếng gọi thân thương đó. Chỉ có điều rằng Nhật Bảo đã tự mình tước đi cơ hội gặp mặt mà trả người về phương trời xa. Không những làm cho mối ngăn cách đôi ngã càng thêm ngàn trùng, mà còn vô ý khiến Chiêu Phượng xây nên lầm tưởng về mình, về dòng tộc của nàng ấy.

Một đóa bông lìa cành, rụng rơi trên bã vai chàng. Nhật Bảo choàng qua nắm nó trong lòng bàn tay, đôi mắt cũng tức thời cụp xuống. Bảo nhìn đôi vật trong tay mà âm thầm nghĩ ngợi: “Phượng nhỏ! Cho tới khi nào thì qua mới đến đón em được đây? Ngày về càng thêm dài ra nhưng qua thì nhớ em luôn luôn. Em ơi! Em giờ đã lớn bộn rồi. Qua ước muốn nhìn được dáng vẻ của em nhưng làm sao khi tình cảnh rối ren, cha mẹ không cho em về cũng không đặng để em biết chuyện nầy. Hôm em về Trường Xuân, qua rất muốn gặp nhưng lo sợ tới an nguy của em nên mới dằn lòng, mà trong tâm cũng đau đớn hung khi để em chịu phạt hai trăm gậy, lại một mình lặng lẽ rời đi từ nơi vốn là nhà của em.”

Đứng trong bóng râm chàng chẳng hay bên ngoài bỗng chợt tắt nắng, còn gia đinh thì từ đâu tiến bên, trên tay vắt ngang tấm áo lông cừu ngọc lam mới tinh, khẽ khàng cất tiếng nói:

“Thưa vương gia, chiếc áo mà ngài biểu giặt, con đã giặt giũ sạch sẽ và phơi khô. Bây giờ ngài muốn đem cất nó ở đâu?”

Nhật Bảo xây lại hướng với gia đinh, cúi ánh nhìn chăm chăm vô tấm áo, chàng nói: “Cứ mang cất ở phòng ta, tránh nơi có nắng với hạn chế bụi bẩn lọt vào. Tuy không có người mặc nhưng ngày ngày cũng phải đem ra giặt.”

“Dạ, con hiểu rồi.”

Một hồi khi gia đinh vào trong thì chàng mới cầm bông hoa vừa nãy rồi trở vô nhà. Mà ở đại nội đồng thời có người đưa tin tới.

“Bẩm thánh thượng, nữ dân có chứng cớ ngoại phạm sau khi chịu đủ hai trăm roi đã rời đi trong chiều hôm sau.”

“Bình phục nhanh tới vậy sao?”

“Dạ có lẽ là đã bình phục. Chớ thông thường mà chịu hai trăm gậy thì chỉ nằm một chỗ, chẳng thể đứng đi ngay tức thời được như kia. Có khả năng ả cũng là thần yêu.”

Vương Chế Tân gật đầu tán đồng mà tay vẫn nắn lên sớ thơ vài chữ. Cách không lâu thì tạm ngưng công việc, đặt viết lông trở lại trên nghiên rồi hướng xuống thái giám quan.

“Ở Diễn Châu mấy nay ta không nghe một tin tức chi. Người dưới đó vẫn theo dõi sát sao chứ?”

“Thưa, như lịnh của bệ hạ, đã sắp người quan sát quân trại của Thanh Hầu gia.”

Vương Chế Tân ừm một tiếng, sau lại nói tiếp: “Trẫm muốn nghe về bà chúa.”

“Dạ bẩm, bà chúa thì vừa rời Diễn Châu dọc theo hướng Bắc rồi dừng ngựa ở Nhơn Trạch.”

La Thành vương nghe nói vậy, sắc diện lập tức xây chuyển, trân mắt hỏi giám quan: “Nó tới Nhơn Trạch đặng mần chi?”

“Nghe rằng là để gặp một vị y sư lừng danh. Đi theo bà chúa có hai người đờn ông, hiện giờ họ vẫn ở Nhơn Trạch chớ chưa có rời đi.”

“Nó ở đó từ lúc nào? Có ghé đô thành hay chưa?”

“Đã có thưa bệ hạ, chỉ là ngang qua cửa Đông của thành hồi đầu giờ Ngọ. Với hơn nữa bà chúa tới Nhơn Trạch mới cách nay mười ngày. Nhưng có gì sao bệ hạ?”

“Ngày nầy…” Vương Chế Tân cau mày, gương mặt xây sang bên khác rồi lại ngó tới thái giám mà nói. “Đâu ngươi đưa ta bản ghi chép về nữ dân vừa được thả cho ta xem.”

“Cái đó người của nội sự viện chưa đến mang đi, cho nên vẫn nằm trên bàn trước mặt thánh thượng.” Giám quan dứt lời, kế tiến đến bên vua, không để cho người động tới một ngón tay mà tức thời giở trong chồng văn lục tìm ghi chép về dân nữ kia.

Cách không lâu ông kéo ra một cuốn mỏng trình lên trước vua, Chế Tân mở ra đọc một lượt từ trên xuống.

“Họ tên là Trần Huỳnh Hoa, sanh ngày mười chín tháng Chạp năm Nhâm Tuất ở Ô Miễu, phụ mẫu thân sanh là ông Trần Văn Đình và bà Lương Nhị Hà…”

Vương Chế Tân hai tay gấp lại nói: “Người nầy đã điều tra rõ lai lịch rồi đúng không?”

“Dạ, không sót một thứ gì.”

“Cớ sao lại giống con gái trẫm đến như vậy.”

“Có lẽ bệ hạ vì quá nhớ nhung bà chúa mà mới sanh suy nghĩ như vầy, chớ xe ngựa chở bà đã về Diễn Châu vào ngày hôm đó.”

“Trẫm muốn nghĩ như khanh, nhưng kiếm thuật của người con gái nầy quả thực rất giống trong những phong thơ gởi về miêu tả. Vả lại dẫu chịu hai trăm đòn roi mà thể trạng lại hồi phục nhanh, thậm chí còn rời đi trong hôm sau.”

Cung phụng cạnh ngài đã lâu nên giám quan lập tức hiểu ra tâm tư trong lòng. Kế liền tiến bên, ân cần cắt nghĩa: “Trong cõi thiên hạ, vạn người sẽ có trăm người như một, bà chúa là nữ tướng tài giỏi ắt hẳn cũng có người giỏi hệt bà. Chưa kể tộc yêu chiếm số lượng ưu thế hơn tộc người, nên có thể dân nữ kia là con cháu xa trong nhánh tộc. Việc nầy thần sẽ thuật với nội sự viện cho điều tra thêm.”
 
Bên trên