Dã Sử Tảo mai - Hoàn thành - Trà Dư

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
Tảo mai
(Tảo mai kỳ nhị)

Tác giả: Trà Dư
Tình trạng sáng tác: Hoàn thành
Tình trạng đăng: Hoàn thành
Thể loại: Cảm hứng lịch sử
Độ dài: 12 chương
Giới hạn độ tuổi đọc: Không

Đôi điều
Synopsis:

Nhành mai lạc mộng, người chốn cũ,
Tỉnh giấc muốn tặng, người hoài xa.


Câu chuyện chưa kể về Hoàng đế Trần Nhân Tông và một con yêu quái.

Disclaimer: Đây là tác phẩm hư cấu. Tất cả các nhân vật, tổ chức và sự kiện được miêu tả trong tác phẩm này đều được viết dựa trên trí tưởng tượng của tác giả, hoặc được sử dụng một cách hư cấu.

Rambling: Tôi rất thần tượng Trần Nhân Tông nên luôn cảm thấy thôi thúc phải viết một mẩu truyện nhỏ về ngài để bồi bổ tinh thần. Truyện này tôi viết xong đã lâu, nhìn nó đóng bụi trong Docs cũng không nỡ nên quyết định lôi nó ra ánh sáng. Kiến thức Phật học của tôi còn hạn chế nên có gì chưa phải thì mong được góp ý, hoặc nếu cảm thấy chướng mắt thì bạn có thể bỏ qua truyện này.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
Dẫn nhập

Dưới triều nhà Trần đời Hoàng đế Thánh Tông, đứng lặng bóng bên khoảng sân nhỏ sau chùa Vân Yên là một gốc mai trắng hoa nở quanh năm.

Biết bao người đã thử đoán già đoán non tuổi của nó, nhưng càng nhiều người đoán bao nhiêu, tuổi của cây mai lại càng sai lệch đi bấy nhiêu. Có lời nói, nó bén rễ đơm hoa thời Tiền Ngô Vương mở nước xưng vương. Có lời nói, nó đã trải qua những năm tàn suy của Hồng Bàng thị. Có lời lại nói, nó được chính tay Viêm Đế trồng xuống. Thực hư thế nào, chẳng ai hay, chỉ biết đã bao phong ba qua năm tháng mà gốc mai vẫn đứng lừng lững như thách thức đất trời.

Thời gian như chiếc thoi đưa. Nhờ ở chùa nghe kinh kệ lâu năm nên cây mai trắng có tánh linh, dần dà sinh ra một con mai yêu.

Mai yêu tuy là yêu quái nhưng phong tư cao nhã như mai sớm, lại sắc nước hương trời. Mắt lúng liếng thu ba, chân mày như lá liễu, nét cười hiếm khi đậm mà chỉ phảng phất tựa làn khói lam, nhưng cũng đủ khiến chúng sinh đem lòng say đắm.

Tuy vậy, mai yêu lại là một con yêu quái kỳ lạ. Sớm bộc lộ niềm ham thích Phật pháp, ngày ngày nàng siêng nghe tiếng niệm kinh vọng đến từ tòa tiền đường, chuyên tâm tu hành đạt đạo. Lâu dần, nàng lĩnh hội được rất nhiều triết thuyết cao thâm của nhà Phật. Có lẽ cũng vì lý do này mà nhiều đời sư trụ trì thương tình không đánh đuổi nàng, để nàng sống an ổn ở một góc nhỏ trong sân.

Mai yêu ngụ trên cây mai sau chùa Vân Yên chẳng biết đã mấy kiếp người.
 

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
1. Ngộ (遇)

Sớm.

Nàng ngồi trên chạc cây thứ ba từ dưới đếm lên, lưng dựa vào thân cây, một chân đong đưa trên không trung. Nắng chảy qua kẽ tay, đổ đẫm tà váy nàng. Thỉnh thoảng như nghĩ ra chuyện gì vui vẻ, nàng lại cười một mình.

Nàng lim dim tận hưởng tiết trời thanh lạnh của sớm mùa hè. Hai con chim mào vàng làm tổ trên cây sanh gần đó luôn bảo cuộc sống của nàng thật chán ngắt. Nhưng nàng không bận tâm. Tâm nàng trước giờ lặng như mặt nước cuối chiều, chỉ lấy pháp môn làm niềm vui. Như thế với nàng đã là đủ.

Khói hương trầm lãng đãng bay đến mơn trớn cánh mũi nàng, khiến nàng thấy buồn ngủ. Bóng mây vờn qua mắt khi nàng chập chờn chìm vào giấc điệp.

Đột nhiên, âm thanh sột soạt của vải quần áo cọ vào nhau từ đâu vẳng đến. Cả tiếng đế giày gấp gáp đạp lên nền đá lạnh. Ban đầu nàng nghĩ là chú tiểu nào đó bị sai ra đây quét sân, nhưng sau lại thấy không phải. Chư tăng ở chùa Vân Yên vốn không mang giày – người đã xuất gia chỉ được sở hữu ba chiếc y và một chiếc bình bát – nên tiếng giày kia chắc chắn là của người ngoài. Chùa Vân Yên lại ngụ bên mạn sườn núi Yên Tử, một nơi hoang vu cách biệt chốn kinh kỳ nên hãn hữu khách vãng lai, chỉ dịp lễ lạt thì mới có kẻ đến thắp hương cầu may. Vậy tiếng giày này từ đâu mà có? Nàng lấy làm lạ, nhưng vừa mở mắt ra thì thấy đã có người đang đứng cạnh gốc mai.

Đứa bé ấy chỉ tầm sáu, bảy tuổi. Khuôn mặt nó trắng trẻo, vầng trán cao và rộng, đôi mắt ngước nhìn mai sáng như ngọc. Dáng đứng của nó khảng khái, tự tin, tỏ rõ thiên tư dĩnh ngộ hiếm thấy ở một đứa trẻ. Trang phục nó mặc nàng chưa thấy bao giờ: áo sô đen, hông thắt dây thao vàng, chân mang giày thêu. Trông nặng nề chẳng hợp với một đứa bé.

Nàng đang nghĩ ngợi thì đứa bé đã lên tiếng:

– Sao chị lại ở trên cây?

– Cậu bé nhìn thấy ta à? – Nàng tròn mắt.

– Tại sao lại không? Nhưng sao chị lại ở trên cây?

– Người phải có căn cơ cao mới nhìn thấy được ta. Cậu bé còn nhỏ mà đã thấy thì quả là…

Đứa trẻ nọ không bận tâm đến những lời độc thoại của nàng. Nó chợt cắp tay sau lưng như một vị quan hống hách. Giày thêu bước chậm trên nền đá, mắt nhìn nàng khẽ nheo lại.

– Phụ nữ thì không được trèo cây.

Nàng ngớ ra rồi suýt cười thành tiếng.

– Đúng là đặt điều. Phụ nữ sao không được trèo cây?

– Nhân đạo dạy, nam phải tuân theo tam cang, ngũ thường, nữ phải giữ gìn tam tòng, tứ đức. Tam tòng có vị gia tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tứ đức có công, dung, ngôn, hạnh. Người phụ nữ có dung thì dung nhan thanh tươi, tư thái phiêu dật. Có hạnh thì ngoài bày nghiêm nghị, trong bày đoan trang. Không sách nào chép rõ phụ nữ không được trèo cây, nhưng chị không thể nói ấy là đặt điều xằng bậy bởi trèo cây cũng chẳng phải hành động thùy mị, đoan trang gì.

Cứ mỗi câu đứa bé thốt ra, nàng lại thêm một lần kinh ngạc. Nàng sống trên đời ít nhiều cũng đã vài trăm năm nên thấu suốt âm dương, tỏ tường Phật pháp. Đến những danh tăng thông huệ nhất còn phải tán thưởng học thức của nàng. Thế mà giờ lại có một đứa trẻ đứng kia giảng giải cho nàng về tam tòng tứ đức. Các Sa môn đắc đạo từng là thầy nàng – những người nàng rất mực cung kính – nếu còn tại thế và chứng kiến chuyện này, hẳn sẽ được một dịp cười thoải mái.

Song le nàng vẫn phục tuệ giác của đứa bé này. Tuổi còn nhỏ mà đã ham học hỏi thì tương lai ắt sẽ thành người tài. Nàng cười tủm tỉm:

– Vậy nếu ta vẫn muốn trèo cây thì sao?

– Thì… – Đứa bé nghĩ một lát rồi hồn nhiên đáp – Thì chị không phải phụ nữ. Chị là con khỉ cái.

Miệng lưỡi sắc bén, nhưng trẻ con thì vẫn hoàn trẻ con! Nàng khẽ lắc đầu, tâm không giận nhưng hứng thú nói chuyện thì bỗng chốc tan biến. Mặc kệ đứa bé, nàng ngả đầu vào thân cây sần sùi và bảo:

– Nói xong rồi thì về đi. Ta muốn chợp mắt một lúc.

Thấy nàng nhắm mắt lại, xem chừng là sẽ ngủ thật, đứa nhỏ mất hẳn khí thế. Nó hỏi vẻ rụt rè:

– Chị giận em sao?

Nàng không đáp.

– Em chỉ nói như sách dạy thôi mà. Sao chị lại giận em?

Nàng nghiêng đầu sang một bên, tỏ ý không muốn nghe nữa. Chừng như thấy không lay chuyển được nàng, đứa bé tủi thân quay đầu bỏ đi. Nhưng không hiểu nghĩ gì, nó lại chần chờ đứng lại. Đoạn nó tháo chiếc ngọc bội dắt bên thắt lưng ra, nhẹ nhàng đặt xuống cạnh gốc mai.

– Em cho chị cái này, chị đừng giận em nữa nhé. – Nghĩ ngợi thế nào, nó còn đanh đá chêm vào – Thầy em nói chỉ có kẻ tiểu nhân mới giận dai. Nếu chị còn giận thì em sẽ mách thầy!

Nói đoạn nó đứng phắt dậy, tay khẽ phủi những cánh mai đậu trên vai mình. Thoắt cái, mai lả tả rụng đầy nền đá. Nàng nhìn gió thổi mai trắng vấn vít trên mũi giày đen như nhung, bỗng có ý nghĩ trên đời chẳng còn gì đẹp hơn thế nữa.

Thấy đứa trẻ sắp rời đi, nàng buột miệng nói với theo:

– Sách dạy những điều cao siêu, nhưng có dạy cảnh sắc nhìn từ trên cây đẹp thế nào không?

Đứa bé quay đầu lại nhìn nàng, ngớ ra, không biết nên đáp sao cho phải. Nàng bật cười khanh khách.

– Ta là mai yêu. Cậu bé tên gì?

Mắt đứa trẻ bừng sáng.

– Em là Trần Khâm, chị gọi Khâm là được.

Trần Khâm vốn định ở lại thêm chút nữa, nhưng chớm thấy bên ngoài có người đang dáo dác tìm mình, cậu bé mới tần ngần bảo:

– Nay mai em sẽ lên núi thăm chị.

Rồi chạy biến đi, màu nắng còn vấn vương trên tóc. Ánh mắt nàng thơ thẩn rơi trên phiến ngọc bội trắng tuyền, lòng xao xuyến.

Dưới cái nắng nồng hương hạ đầu mùa, đó là buổi đầu tiên nàng hạnh ngộ Hoàng trưởng tử Khâm của nhà Trần, cũng là người sẽ trở thành Hoàng đế Nhân Tông sau này.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
2. Ngọc (玉)

Người xưa có câu nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Quả nhiên chỉ một tuần sau, Trầm Khâm đã lại hớn hở chạy ra sau chùa tìm nàng.

Thay vì một màu đen óng như ngày nào, hôm nay cậu vận giao lĩnh y màu xanh biển. Gió thổi vạt áo bay phấp phới khiến cậu giống hệt một chú chim thanh lam nghịch ngợm. Đúng là trẻ con, nàng thầm chê bai song miệng vẫn mỉm cười.

– Chào chị Mai, em tới rồi đây!

– Ta là mai yêu, không phải Mai.

– Người kỳ lạ, cái tên cũng kỳ lạ. – Thằng bé lẩm bẩm – Chị biết không, tùy tùng của em theo em kè kè, em phải nghĩ đủ cách họ mới…

Lời chưa kịp nói khựng lại giữa chừng, ánh mắt Trần Khâm rơi xuống đất. Mũi giày cậu vừa chạm phải vật gì cưng cứng. Xuyên qua lớp cánh hoa trắng xóa chưa kịp quét, miếng ngọc bội quen thuộc lấp ló hiện ra. Nét mặt cậu trầm xuống.

– Chị không thích đồ em tặng sao?

Bàn chân trần của nàng khẽ đong đưa.

– Không phải. Ta là yêu quái nên không thể đặt chân xuống đất được. Nếu ta rời khỏi cái cây này, ta sẽ chết, cái cây cũng chết theo.

Mặt Trần Khâm thoáng lộ vẻ ngạc nhiên rồi lại giãn ra. Tiếng thở phào vọng đến chỗ nàng.

– Chị không chê là được rồi.

– Ta nào dám! – Nói đến đây nàng chợt phì cười – Mấy hôm trước có một chú tiểu ra ngoài này chấp tác, thấy miếng ngọc thì nhặt lên đem vào tịnh xá. Trụ trì trông thấy, bảo là của con yêu quái sống trên cây mai, cậu ta lại hoảng sợ cầm nó đặt lại chỗ cũ. Từ đó đến giờ, chẳng còn ai dám chạm vào miếng ngọc này nữa. Thôi thì phiền cậu nhóc trèo lên đây đưa ta vậy.

– Thân hoàng tử như ngọc, nói trèo là trèo được sao? – Cậu trề môi.

Nghe hai chữ “hoàng tử,” nàng lại thêm phen cả kinh. Nhưng rất nhanh chóng, nỗi sửng sốt đã không còn nữa: với một đứa bé có trí huệ như vậy, thân phận hoàng tử tất nhiên tương xứng. Nàng cũng không giận câu nói đùa vô hại kia vì biết chân Trần Khâm ngắn quá, có muốn trèo cây cũng không được. May thay, cậu bé đã nảy ra sáng kiến đơn giản – ném. Thế là phiến ngọc bội đã nằm gọn trong tay nàng.

Hôm ấy nàng ngồi trên cành cây, Trần Khâm ngồi dưới gốc cây. Hai người cứ thế nói đủ thứ chuyện đến quên cả thời gian, cả trời đất. Là kẻ sớm am hiểu sức ảnh hưởng khuynh đảo của Khổng giáo, nàng rất lấy làm lạ về cậu hoàng tử này. Vua theo đạo vua, tôi theo đạo tôi, mỗi kẻ đều có bổn phận với kẻ kia, đây chính là “chính danh” mà Khổng Tử đề cao để bình thiên hạ. Nhưng bổn phận lại tùy cương vị mà khác, nên đối với triều đình thì đạo tôi tất nặng hơn đạo vua. Thế là nảy ra cái thuyết tam cang – thuyết phân định rạch ròi ba mối quân thần, phụ tử, phu phụ – mà Khổng Tử vốn không hề nhắc đến. Các đời thiên tử từ đó mới thay nhau nâng niu cái tam cang này đặng mưu cầu lợi ích cho mình, đồng thời duy trì phân biệt đẳng cấp. Con người vậy đã đành, huống hồ, nàng chỉ là một con yêu quái. Thế mà Trần Khâm không ngần ngại ngồi bệt xuống đất cùng nàng đàm luận, thái độ cởi mở nhưng nhất mực tôn trọng, như thể hai người là bạn bè. Từ xưa đến nay, có mấy quân vương đủ dũng khí xem nhẹ tôn ti mà làm như thế? Càng lúc, nàng càng mến phục đứa bé này. Cậu tựa như miếng ngọc thô mà nếu được mài giũa đúng cách thì sẽ trở thành viên minh châu quý giá. Trong lòng nàng bỗng nảy sinh một niềm thôi thúc kỳ lạ, rằng nàng muốn được là người mài giũa miếng ngọc ấy.

Ngày dần tàn. Thấy một chàng lính hộ vệ đứng xa xa đang kính cẩn khom lưng thỉnh mình hồi cung, Trần Khâm mới tiếc rẻ đứng dậy.

– Sau này em sẽ thường xuyên ghé. – Trước khi ra về cậu không quên dặn – Chị không được làm mất ngọc bội đâu đó. Nếu chị làm mất, em sẽ mách thầy em!

Một con mai yêu vốn chẳng muốn vấn vương trần tục, thế mà lại gật đầu.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
3. Đạo (道)

– “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn tìm cầu giải thoát.”[1] Đây là di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.

Nàng vừa nói vừa cắn miếng kẹo đậu phộng Trần Khâm đem đến. Khi nói những lời này, nàng mỉm cười. Nụ cười điềm đạm không phô diễn, chỉ thoáng ẩn hiện, nhưng Trần Khâm vẫn cảm thấy hoa dung thật xinh đẹp.

– Hữu vi là gì, tại sao lại vô thường?

– Là sự vật do nhân duyên tạo tác, tức cả thân tạo tác và tâm tạo tác. Người Sa môn có những câu kệ động tâm này: “Các pháp hữu vi thật không bền vững. Nó có tánh sanh diệt là thường vì nhân sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên thường hay có sự khổ não.” Vậy phải buông bỏ, không vướng mắc pháp hữu vi thì mới được giải thoát khỏi khổ, khỏi vòng luân hồi sanh tử.

Trần Khâm ngồi xếp bằng dưới đất, mặt ngước nhìn nàng, ánh mắt non trẻ ngày một say sưa. Đã mấy năm nay, hàng tháng cậu lên Yên Sơn thắp hương rồi lại tiện đường tạt ra sau chùa thăm nàng. Hầu hết trong những lần ấy, nàng chỉ dạy cậu tham thiền. Sau đó hai người sẽ im lặng tọa thiền đến khi dứt vọng tâm, chân tâm hiện. Những ngày không tọa thiền, nàng lại cao hứng nói về giáo pháp. Chủ đề này thật tẻ nhạt với người không có lòng, nhưng nàng có thể nói cả ngày, Trần Khâm cũng có thể nghe cả ngày.

Cậu gật gù:

– Hữu vi là lạc nhỏ, nếu không buông bỏ sẽ không có được lạc lớn. Nhưng phải làm sao để buông bỏ hữu vi?

– Nhận ra pháp vô vi thì sẽ thoát khỏi Bát pháp[2] hữu vi đảo điên của trần thế này. – Nàng đáp – Niết bàn là pháp vô vi, nên hướng về Niết bàn cũng chính là hướng về pháp vô vi.

– Ngộ vô vi pháp là thế nào?

– “Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu. Tâm bất hệ đạo, diệc bất kiết nghiệp. Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng. Bất lịch chư vị, nhi tự sùng tối. Danh chi vi đạo.”[3] Muốn chứng ngộ điều này, phải thông qua tham thiền cầu đạo.

– “Đạo do tâm ngộ, khởi tại tọa dã?”[4]

Nàng không ngờ cậu bé lại đối đáp láu lỉnh như vậy, không nhịn được cười phá lên:

– Điện hạ hiểu lời Lục tổ dạy nhưng hiểu chưa toàn vẹn. Điện hạ đã biết chủ đích Thiền tông chính là giác ngộ chân tâm. Chân tâm không có hình tướng nhưng diệu thể của nó lại hiển lộ trong vũ trụ vạn pháp, vậy thiền cơ há chẳng tồn tại khắp nơi sao? Tĩnh tọa không phải thiền, thiền không phải tĩnh tọa. Nếu tâm đã ngộ thì đi là thiền, đứng là thiền, mọi oai nghi[5] đều là thiền. Có điều điện hạ mới là người sơ cơ, nên ngồi tập trước đã, tập thuần thục rồi thì dần dần sẽ thông cả bốn oai nghi.

Trần Khâm nghiền ngẫm một hồi rồi cho là phải, nghiêm túc gật đầu.

Trời chiều ngả úa, bóng hai người một trên cao, một dưới thấp nhòe dần vào bóng mai.

Khắp già lam thanh tịnh giờ vang vọng tiếng đọc tụng bái sám đều đều. Vì đã sang giờ Dậu nên nàng biết đây là thời sám thứ ba, sám tị căn,[6] do đích thân thái thượng hoàng[7] biên soạn.

Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Sau khi mạng chung, đọa ba đường khổ.
Trải nghìn muôn kiếp, mới được làm người,
Dù được làm người, quả báo bệnh mũi…


Thời kinh chấm dứt, người đánh chuông gia trì thỉnh một hồi và ba tiếng chuông diệt tứ. Tiếng chuông trong trẻo vang lên, ngân rung, rồi tan dần vào không khí như làn khói huyền.

----------
[1] Trích Kinh Đại Bát Niết bàn, bộ kinh mà Đức Phật thuyết trước khi qua đời.

[2] Bát pháp hay Bát phong (tám ngọn gió): tám điều làm ô nhiễm tâm thức của con người. Bát pháp đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc.

[3] Dịch: “Trong không có chỗ chứng đắc, ngoài không có chỗ mong cầu. Tâm chẳng trói buộc vào đạo, cũng chẳng tạo thêm nghiệp quả. Không chỗ niệm tưởng, không tạo tác, chẳng tu chẳng chứng. Chẳng trải qua các quả vị, tự nhiên cao tới tột bực. Đó gọi là đạo.” Trích lời Phật trong Kinh bốn mươi hai chương, bản dịch của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến.

[4] Dịch: “Đạo được bừng tỉnh từ tâm, há chỉ ở tư thế ngồi?” Trích trong Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng.

[5] Tứ oai nghi: oai nghi đi, oai nghi đứng, oai nghi ngồi, oai nghi nằm.

[6] Sám tị căn, hay sám căn mũi: một trong sáu thời sám hối trích từ Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối, thực hiện lúc mặt trời lặn. Người tu hành khi không tu thiền thì thực hiện sáu thời này để thanh tịnh sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

[7] Tức Trần Thái Tông, ông nội của Trần Khâm.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
4. Bình (平)

Suốt năm năm nay, có một điều đã thành thông lệ mà mọi thị vệ trong đội tùy tùng của trưởng hoàng tử đều biết. Hàng tháng hoàng tử sẽ lên chùa Vân Yên bái Phật, và mỗi khi cậu ra sau chùa để tọa thiền thì tuyệt đối không một ai được phép theo sau. Nguyên cớ là gì, họ không hỏi và cũng biết mình không ở địa vị có thể làm điều ấy.

Song, dẫu vô tình hay cố ý, bọn họ không ai là không để ý những tiếng nói chuyện chốc chốc lại vọng đến từ sân sau. Những người từng lãnh nhiệm vụ thỉnh hoàng tử ra về còn kể lại, lần nào cũng thấy hoàng tử đang ngồi độc thoại, cười đùa cùng cây mai sau chùa, như thể cây mai ấy là một con người thực sự. Những điều này, bọn họ giữ lại trong lòng, không ai hé môi với người ngoài lấy nửa lời. Họ không dám nghĩ chủ mình đã hoang tưởng hay tẩu hỏa nhập ma thế nào cả. Dẫu sao, tuy tuổi còn nhỏ nhưng hoàng tử đã có học thức lẫn đạo hạnh khiến họ phải kính trọng. Mỗi khi nghe cậu trò chuyện ngang hàng với những bậc nho sĩ và thiền giả mà quan gia[1] vời về cung, họ chỉ biết âm thầm ngưỡng mộ, thán phục. Một người như thế có lẽ nào lại hóa điên?

Họ cứ giữ im lặng như vậy một thời gian dài. Thế nhưng, chuyện rồi vẫn đến lúc phải tới tai quan gia. Nghe phong thanh hoàng tử nói chuyện cùng một cái cây, vua lo lắng lắm bèn kín đáo triệu gọi con trai để thăm hỏi sự tình.

– Ta nghe có chuyện như vậy, nhưng chưa được tận tai nghe từ miệng con nên chưa dám tin. Nay con nói ta hay thực hư thế nào.

Trần Khâm thầm nhíu mày. Cậu biết mai yêu không có ác tâm, cả ngày chỉ ưu du thiền định, lấy giáo lý nhà Phật làm thân mệnh. Song le nàng vẫn là yêu quái, chỉ dùng lời lẽ mà mong đợi những người không thấy được nàng, không thấu hiểu nàng cảm thông cho nàng thì thật khó khăn. Trần Khâm thấy mình rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cậu không dám chối hẳn vì không muốn nói dối cha, cũng không muốn kẻ nào đã mách lại với cha bị quở phạt. Nhưng cậu cũng sợ người ta coi mai yêu là thứ tà ma, ác thần mà tổn hại đến nàng. Cuối cùng, cậu quyết định sửa sang lại thân thế của nàng chút ít:

– Mỗi khi ngồi thiền dưới gốc mai chùa Vân Yên, con đều mơ thấy mình gặp một vị cao tăng đã từng phát đắc Tam muội[2] ở đây. Trong mơ, con được ngài truyền thọ Phật pháp. Kẻ khác không biết con đối đáp với ngài nên mới hiểu lầm đó thôi.

Vua nghe thế thì nhẹ nhõm phần nào nhưng vẫn nghiêm khắc dặn dò:

– Ta rồi cũng già, bách tính mai này trông cậy cả vào con. Con hãy liệu mà cư xử để không bị thiên hạ chê cười.

Trần Khâm hạ xuống một quân cờ, rồi tiện tay lại nhấc chung trà dưới đất lên nhấp một ngụm cho đỡ khô họng. Mai yêu ngồi xếp bằng, tay chống lên cằm nghe câu chuyện cậu vừa thuật lại, bỗng thấy hơi buồn cười.

– Vậy mà điện hạ vẫn bất chấp lời quan gia, tới đây nói chuyện với ta sao?

– Yên Tử là nơi linh địa của dòng họ em, phụ hoàng đâu nỡ ngăn cấm em tới đây. – Trần Khâm lắc đầu.

– Cũng phải. – Mai yêu chợt cảm thán – Ta còn nhớ năm nào ông nội của điện hạ còn trai trẻ, lên đây làm náo loạn cả quả núi này. Đột nhiên nửa đêm ngài trốn lên đây đòi xuất gia, cầu thành Phật. Sáng hôm sau, Thái sư Trần Thủ Độ bèn rình rang đưa một đoàn đại quan, cố lão trong triều lên núi năn nỉ ngài về kinh sư, năn nỉ không thành còn đòi chết, đòi cắm nêu xây cung điện trên đây cho ngài ở. Trụ trì bấy giờ kinh sợ núi rừng bị tổn hại, vội vàng mời ông nội của điện hạ gấp rút hồi kinh. Thế là mới yên.

Trần Khâm đỏ mặt đáp:

– Thượng hoàng mang tâm Phật nhưng nghĩ cho giang sơn xã tắc nên mới trở về. Thế mà tại sao qua miệng chị lại trở thành tâm điểm của một câu chuyện đáng xấu hổ như thế?

– Ta chỉ thuật lại điều mắt thấy tai nghe thôi. – Mai yêu cười ha hả – Pháo lục tiến tứ.

Trần Khâm vội đặt cờ theo lời hướng dẫn của mai yêu, sau đó thừ người ra nhìn bàn cờ mà suy tính. Nàng tiến pháo, vừa đuổi pháo đầu, vừa phong tỏa hữu mã của cậu. Nếu cậu bỏ pháo thì mất quân mà chạy pháo thì mã bên nàng chỉ cần nhảy một nước là chiếu tướng, hết cờ. Thế cục cứ càng lúc càng bế tắc.

Trần Khâm ỉu xìu thở dài:

– Em thua rồi. Mai yêu đúng là kỳ tài, cái gì cũng giỏi cả. Nội điển, ngoại điển chị đều thông, bây giờ cả đánh cờ cũng thắng em không sót trận nào.

– Ta nào có giỏi giang gì, chẳng qua sống đã mấy trăm năm rồi nên học lấy chút tài vặt để giết thời gian thôi. Nếu điện hạ sống lâu như ta thì ắt sẽ làm được nhiều chuyện trọng đại hơn nhiều. Chỉ tiếc con người phải trải qua sanh, lão, bệnh, tử, nên luôn có nhiều ước nguyện còn dang dở.

– Ước nguyện của em là cả đời vẫn được lên núi uống trà, chơi cờ cùng chị như thế này. Kể cả khi lão, khi bệnh, khi kề cận giờ tử, em vẫn sẽ đều đặn lên đây thăm chị.

Mai yêu vỗ tay lên đầu gối mà cười:

– Hay! Người quân tử nói được làm được! Vì nể câu nói ấy, ta kính điện hạ một ly trà.

– Được thôi. – Trần Khâm cũng cười và nâng chung lên – Dù là bảy mươi, tám mươi, hay chín mươi năm nữa, chúng ta vẫn sẽ hẹn nhau nơi đây.

Mai yêu với tay xuống đón lấy chung trà, rồi hai người cứ thế uống đến khi trà cạn. Trên nhân thế, hẳn chẳng mấy thứ trân cam mỹ vị có thể sánh được với bầu trời bình lặng đong đầy trong ấm trà ngon ngày ấy.

----------​

[1] Quan gia: tôn xưng của các vua triều Trần, Hồ và Lê sơ.

[2] Phát đắc Tam muội: Tam muội là trạng thái thiền định bậc cao, chỉ chuyên tâm chú ý ở một chỗ và giữ cho tâm an tĩnh không tán loạn. Khi đạt đến Tam muội thì liền phát khởi trí tuệ mà khai ngộ chân lý, nên dùng Tam muội tu hành mà đạt được cảnh giới Phật thì gọi là Tam muội phát đắc.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
5. Tình (情)

Xuân qua rồi hạ, hạ qua rồi thu, thời gian theo năm tháng lướt nhanh như làn gió. Có rất nhiều thứ chẳng hề thay đổi – chùa Vân Yên tĩnh lặng vẫn tĩnh lặng, núi Yên Tử thâm u vẫn thâm u. Có chăng, có một thứ chắc chắn đã không còn như trước. Gốc mai trắng vốn hiu quạnh là thế, bây giờ đã không còn đơn độc nữa rồi.

Bảo Phù năm thứ 2, đêm không sao.

Dưới mảnh nguyệt treo giữa trời, nàng khẽ ngâm nga rồi cất cao giọng hát từ khúc Thúy vũ.[1] Chân mày, khóe mắt nàng sáng đẹp tựa trăng sao. Gót sen xỏ trong đôi guốc gỗ, chiếc váy nhạt nhẹ phất. Trông cảnh sắc tựa chốn bồng lai, chẳng ai dám tin nàng là yêu quái mà phải là tiên nga giáng trần.

Tiếng sáo ngân lên hòa với tiếng hát. Lúc giáng, lúc thăng, lúc róc rách như suối chảy, lúc ầm ầm như thác đổ. Trăng quyện tiếng sáo, sáo quyện tiếng hát. Phong quang hài hòa như một bức tranh thủy mặc.

Thanh âm đã dứt, nàng mới thoáng cười:

– Đêm khuya tiết lạnh, điện hạ tới đây không sợ bị trách phạt sao?

Bóng người cầm theo cây sáo Họa long[2] chậm rãi bước ra từ màn đêm. Mười năm trôi qua từ lần gặp đầu tiên, giờ chàng đã tròn mười sáu. Nàng nhớ ngày ấy chàng vừa nhỏ con vừa nhõng nhẽo, nhưng luôn thích tỏ ra già đời. Vậy mà nay chàng đã thành cậu thiếu niên cao ráo, tuấn nhã, thần sắc tinh anh đạo mạo rồi. Bỗng nàng thấy hơi buồn cười. Sống trên thế gian mấy trăm năm có lẻ, nàng chỉ coi thời gian như bóng câu qua cửa. Thế mà mười năm quen biết chàng lại là mười năm trôi chậm nhất đời nàng.

Chàng vừa dắt sáo vào thắt lưng, vừa nhướng mày cười:

– Ta ra chùa tịnh tâm, có gì mà phải quở trách?

Tài ứng đối của người này càng ngày càng mẫn tiệp, miệng lưỡi nàng hết theo kịp rồi. Thấy nàng bĩu môi không phục, chàng bật tiếng cười vang. Cười vì người phụ nữ liễu đạt vạn hữu này cũng có những mặt thật trẻ con, mà chỉ mình chàng được chứng kiến.

Trước vẻ ngỡ ngàng của nàng, chàng thoắt cái đã bám tay vào chạc mai thấp nhất rồi nhanh nhẹn trèo lên.

– Điện hạ biết trèo cây sao? – Nàng hỏi.

– Lẽ ra là không. – Chàng dí dỏm đáp – Nhưng vì muốn hái hoa mai nên ta đã tập.

– Chẳng phải thân hoàng tử như ngọc sao?

– Phải.

– Còn trèo cây là không thùy mị?

– Không sai.

– Ta sẽ mách thầy của điện hạ đó. – Nàng trêu.

– Ta học về tam giáo từ mai yêu còn nhiều hơn từ thầy ta. – Chàng vô tư đáp – Nếu mai yêu không trách ta, thầy ta làm sao trách được?

Lúc nói những lời này, chàng đã leo đến nơi và ngồi xuống cạnh nàng. Chạc cây đỡ sức nặng của hai người nên hơi oằn xuống, nhưng nàng không còn tâm trí nghĩ về chuyện đó. Một áng mây vô tình che đi ánh nguyệt, khiến tư bề cây cỏ lấp loáng sắc bạc mờ. Không biết có phải vì trăng lu mà lòng nàng chợt xao động, hay vì mắt phượng khẽ lộ ý cười của người ngồi cạnh nàng kia?

– Nhìn từ trên cây, cảnh sắc quả nhiên đẹp hơn dưới mặt đất nhiều. – Chàng cảm khái – Tại sao bây giờ ta mới nhận ra?

– Vì điện hạ chăm chú vào sách vở nhiều quá đấy. – Nàng nói vẻ bông đùa – Như Lai không tự nhiên hiện ra từ nội điển đâu.

– Vậy ta phải làm gì?

– Câu trả lời điện hạ tất biết.

Vừa dứt lời, nàng đã vào thế kiết già và nhắm mắt thiền. Ngần ấy năm rồi, chàng vẫn không hiểu sao nàng có thể thản nhiên tọa thiền trên một chạc cây như thế. Đôi lúc ở cung, chàng cũng muốn làm thử, nhưng quan gia và hoàng hậu biết chuyện thì ra sức can ngăn nên chàng lại thôi.

Nhưng hôm nay chàng đến đây đâu phải để tập thiền quán? Hít một hơi trấn tĩnh trái tim đang đập liên hồi, chàng gọi:

– Mai yêu.

Nàng chưa kịp hỏi chuyện gì thì đã thấy trán mình bị một cảm giác âm ấm, mềm mại áp lên. Sửng sốt, nàng mở choàng mắt. Trần Khâm đưa tay nhẹ kéo nàng vào lòng, run giọng nói:

– Trước nay ta luôn tự nhủ nàng là bằng hữu của ta, còn ta chỉ nhất tâm kính Phật. Song nếu ta với nàng không có duyên, hà tất Đức Thế Tôn phải an bài cho hai ta gặp nhau chốn này? Nên rốt cuộc hôm nay, ta cũng thu vén được can đảm trèo lên đây, đặng nói với nàng những lời này. Ở bên nàng, mỗi sát na đều quý giá. Nhờ nàng mà đôi mắt ta ngỏ trước thế gian. Ta không tham khát cũng chẳng suy tính tương lai, coi thường những cảnh bôn ba gió bụi nhân trần hằng rong ruổi, chỉ xem trọng cuộc sống tự do, trầm tịch của nàng. Những lúc được ở bên nàng và cùng nàng tầm cầu đạo lớn, ta mới thấy lòng mình bình yên không còn khổ đau. Còn nàng là thầy, là tri âm của ta, khắp cùng trời cuối đất này không ai thay thế được.

Giọng chàng trong như nước lại ngọt như pha men rượu. Nàng muốn mở miệng đáp lời chàng, song không nỡ dứt khỏi hơi say chuếnh choáng. Thế là lại lặng thinh.

Chàng buông nàng ra, tay nhẹ nắm tay nàng, thủ thỉ ngỏ lời hẹn ước:

– Nàng có đồng ý ở bên ta suốt đời, suốt kiếp không?

Nàng nghe vậy thì cảm động khôn cùng, nhưng chợt nổi máu xấu muốn chọc chàng nên ra vẻ nghĩ ngợi. Chàng thấp thỏm không yên, nàng mới chúm chím cười đáp:

– Nếu mai yêu không đồng ý thì sao?

– Thật may là từ mười năm trước, ta đã liệu được sẽ có ngày này. – Chàng thở dài.

– Điện hạ nói gì thế?

Chàng chỉ vào miếng bội ngọc đang cộm lên dưới vạt áo nàng, hỏi:

– Nàng nghĩ thứ này dùng để làm gì?

– Không phải là để phô trương danh phận sao?

– Sai rồi. – Chàng âu yếm véo mũi nàng, cười bảo – Ngọc bội là tín vật đính ước. Nàng nhận của ta tức là đã hứa trao thân cho ta. Nay nàng không đồng ý, lòng có thấy thẹn với Đức Thế Tôn không?

Nàng phì cười, cuối cùng khẽ gật đầu ra dấu đồng ý. Chàng trông thế thì vui mừng khôn xiết, vội ôm chầm lấy nàng.

Ngày hôm ấy trời trong.

Hương mai vương nhè nhẹ trên mái tóc người thương, khiến chàng lâng lâng ngây ngất. Chàng để nàng ngả vào vòng tay vững chãi, môi khẽ phớt chạm môi nàng, dịu dàng nói:

– Bây giờ nàng hết dám mách thầy ta rồi nhé.

----------​

[1] Thúy vũ: Tức “thúy vũ ngâm,” tên một từ khúc nổi tiếng ngày xưa. Cung điệu của khúc ngâm này còn thấy ở bài “Trúc Sơn Từ” của Tưởng Tiệp.

[2] Sáo Họa long: một loại sáo/tù và có vẽ hình con rồng. Sách Từ Hải dẫn lời của Thẩm Ước và Từ Quảng nói rằng: “Tù và của người Hồ, chỗ tay cầm, vẽ con giao long có chân năm sắc.” (Theo Nguyễn Lương Vỵ)
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
6. Ly (離)

Vậy mà lần gặp mặt tiếp theo đã là bốn tháng sau.

Chân Trần Khâm bước vội vã trên những bậc thang bằng đá. Bậc đá trơn trượt như thoa dầu vì cơn mưa hồi chiều, nhưng chàng chẳng bận tâm.

Tâm trí chàng giờ chỉ tràn ngập nỗi nhung nhớ mai yêu. Bốn tháng nay do cùng quan gia xử lý quốc sự mà chàng bận ngập đầu, không thể rời cung đến nửa bước. Liệu nàng có giận chàng không? Giận thì hẳn sẽ giận, nhưng tin mà chàng sắp báo với nàng sẽ khiến nàng vui vẻ ngay.

Bóng thiếu nữ trên gốc mai già dần rõ nét. Mừng rỡ, chàng gọi:

– Mai yêu!

Nàng chầm chậm ngoái đầu nhìn chàng. Dung nhan nàng vẫn tươi hơn trăng rằm nhưng ánh mắt thì lạnh căm. Trần Khâm khựng lại, lòng thấy lo lắng. Xem ra nàng giận thật rồi. Nhưng nghĩ đến những điều sắp nói, chàng vẫn vững dạ bước tiếp.

Ngồi xếp bằng dưới cây mai trắng rộ hoa, Trần Khâm cẩn thận lựa lời, sau đó quyết định nói thẳng:

– Phụ hoàng sẽ sách phong ta làm thái tử.

Đoạn chàng cẩn trọng quan sát phản ứng của mai yêu. Thấy nàng vẫn dửng dưng, chàng chột dạ nhưng giọng vẫn kiên định như bàn thạch:

– Song ta không nhận. Sau khi được sách phong, ta chắc chắn sẽ phải lập phi. Vì nàng nên ta sẽ không làm thế. Ta quyết định nhường bảo tọa cho hoàng đệ và lên núi mai danh ẩn tích, vui thú lâm sơn, đặng được gần…

– Điện hạ về đi.

Lời sắp thoát ra khựng lại nơi đầu môi Trần Khâm. Mặc cho ánh mắt chàng bối rối, nàng vẫn một vẻ hững hờ:

– Và đừng trở lại đây nữa. Ta không đáng để điện hạ làm vậy.

– Ý nàng là gì? Có phải vì bốn tháng nay ta không lên núi tìm nàng? Nếu thực là thế…

– Điện hạ hiểu lầm rồi. – Nàng nhìn chàng phiền muộn – Trong mắt ta, điện hạ chỉ như đứa trẻ ngây ngô. Vì cớ gì điện hạ nghĩ ta thực có tư tình với điện hạ? Có lẽ điện hạ đã quên, dầu trông giống con người nhưng ta vẫn là yêu quái. Ngày đầu gặp nhau, nếu không phải vì e sợ bị phương trượng của ngôi chùa này diệt trừ thì điện hạ đã bị ta mổ bụng moi tim rồi.

Trần Khâm trầm lặng. Mắt chàng xoáy vào mắt nàng như muốn tìm trong đó một lời nói dối, song nàng đã uyển chuyển tránh đi. Nàng buông tiếng cười giễu cợt:

– Mười năm qua ta dạy điện hạ thiền quán, giáo pháp, cốt chỉ để đè nén ác niệm trong lòng ta mà thôi.

– Ta không tin.

– Vì cớ gì mà không tin?

– Nếu tâm nàng thực có ý muốn hại ta, thì sao còn hẹn ước với ta? Sao bây giờ lại nói sự thật với ta? Nàng thật sự thương ta.

– Vậy sao?

Nghe chữ “thương” mà chàng thốt lên, nàng liền lôi trong áo ra chiếc ngọc bội năm nào. Tay khẽ phất, ngọc bội buông mình xuống đất vỡ tan tành. Trần Khâm hoảng hốt chạy đến đỡ nhưng không kịp. Chàng phục xuống đất la lên, mắt vằn tia máu:

– Mai yêu!

– Điện hạ hiểu chưa? Miếng ngọc này đối với ta chỉ như một cục đá vô tri, giữ bao năm qua thật nặng người. Dẫu sao cũng nhờ điện hạ mà ta được hưởng cái lạc làm “thầy.” Nay ta đã chán, ắt cũng làm điện hạ mệt mỏi rồi, chi bằng dừng lại thôi.

Nói đoạn nàng thở dài.

– Điện hạ tầm đạo mà không hiểu, hay giả vờ không hiểu lòng ham muốn của mình là xuất phát từ vô minh, khiến điện hạ sẽ mãi vướng mắc trong vòng tục lụy? Niệm mười năm điện hạ coi ta như bằng hữu, ta nói lời này là thật lòng. Xin điện hạ hãy về buông xả ái dục đi, thì mới mong tu đạt toàn giác.

Trần Khâm lặng người nhìn hàng trăm mảnh vỡ lấp lánh dưới mũi chân mình. Vài sợi tóc lưa thưa trước trán chàng bị gió lay nhẹ, nhìn như đang run lên. Trong một thoáng nàng đã tưởng là chàng đang khóc, nhưng không, giây sau chàng đã cười phá lên.

– Được lắm. – Chàng ha hả – Hay cho câu mười năm bằng hữu, hay cho câu buông xả ái dục!

Vừa dứt lời, chàng liền xoay gót bỏ đi không chút đắn đo. Nhưng mới bước được vài bước, chàng đã đứng phắt lại. Chàng nói qua vai thêm mấy lời chót, giọng vừa thất vọng vừa đau đớn như đang trách nàng sao nỡ phụ chàng.

– Quen nàng mười năm, ta ngỡ đã biết hết về nàng. Hóa ra là ta vọng tâm, vọng tưởng.

Đã mấy trăm năm rồi, hoa mai chưa bao giờ rơi nhiều như thế.

Nàng bồi hồi nhìn bóng lưng chàng mờ dần sau làn mưa hoa, không hiểu sao lại thở dài. Hạt lệ châu chưa kịp lăn trên má đã vội bị gạt đi.

– Chàng sẽ trở thành bậc minh quân…

Những lời này Trần Khâm vĩnh viễn sẽ chẳng nghe được nữa.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
7. Trà (茶)

Hai tuần sau, tân thái tử đại hôn.

Người con gái đang e lệ trong bộ hỷ phục đỏ rực kia thực bỉ sắc tư phong, là giai nhân hiếm có. Là trưởng nữ của Hưng Đạo vương và Thiên Thành công chúa nên nàng xuất thân danh giá, thông minh, xinh đẹp, lại thảo hiền. Người như vậy há chẳng xứng đáng trở thành chính thê của hoàng đế tương lai, thành bậc mẫu nghi thiên hạ sao?

Thái tử mỉm cười ôn hòa và kéo nàng vào lòng.

– Hôm nay trên toàn cõi Đại Việt, không có đóa hoa nào đẹp bằng phu nhân.

Người đẹp thẹn thùng đỏ mặt, bẽn lẽn vòng tay ngọc quanh cổ chàng.

Trời bỗng đổ cơn mưa rào. Lúc đầu chỉ là những giọt nước lách tách nhỏ trên mái lưu ly, sau nặng hạt dần rồi chuyển mình thành thác trút xối xả. Ngoài trời lúc này hẳn rét thấu xương, nhưng hơi lạnh có làm thế nào cũng không với tới được sự ấm áp của ngọn nến nơi hỷ phòng. Thái tử bỗng mơ màng tự hỏi, không biết cây mai trên núi Yên Tử có bị ướt hay không.


Thái tử đã sinh tâm bệnh.

Người mới cưới tân nương đáng lẽ phải hoan hỉ như xuân, vậy mà thái tử cả ngày chẳng nói chẳng cười, hết tu thiền lại ngâm thơ rồi thơ thẩn đi loanh quanh ngoài vườn. Chàng tưới cây này một ít, bón cây kia một ít, bàn tay sạch sẽ không ngần ngại bới tung đất để trồng hoa. Tất cả những việc ấy, chàng làm với vẻ kính cẩn, say mê. Nhìn chàng chẳng khác gì một kẻ chìm trong mộng mị.

Thậm chí có một hôm, chàng còn nổi cơn tam bành hất đổ hết giấy mực trên bàn, rồi nửa đêm vượt thành lên Yên Tử đòi ẩn tu. Tuy rằng mới đến chùa Tháp núi Đông Cứu thì quan gia đã sai người thỉnh được chàng về kinh, nhưng sau đêm đó thái tử lại càng thêm ưu phiền, ngày một đắm mình trong giáo pháp như một khí cụ để quên đi nỗi sầu của chính mình.

Rồi có một ngày đẹp trời, thái tử bỏ ngang bữa cơm, quỳ xin quan gia cho mình lên Yên Sơn bái Phật. Lúc đầu quan gia sợ chàng lại tìm cách xuất gia nên không chịu, nhưng vì cũng là kẻ kính Phật, lại thương con, nên sau vẫn miễn cưỡng đồng ý. Thế là thái tử hứng khởi ra đi. Tới chân núi, chàng bỏ lại ngựa rồi vội vàng men theo sơn lộ mà lên chùa, đám tùy tùng lóc cóc theo sau. Gấp gáp là vậy, nhưng khi vào bái đường chàng vẫn thành khẩn dâng hương, đặt lễ. Đợi chàng hạ lễ xong xuôi, trụ trì mới ra vái chào và mời chàng vào nhà phương trượng đánh ván cờ. Thái tử tần ngần song vẫn đồng ý.

Chơi cờ nhưng tâm trí chàng lại bay ra tận sân sau. Cứ mỗi khi hạ xuống một quân, mắt chàng lại liếc ra ngoài cửa sổ. Từ góc này thì chẳng thể thấy được cây mai, chàng nhấp nhổm không yên. Trụ trì nhìn ván cờ dang dở thì không nói gì, chỉ lộ vẻ tư lự.

Từ ngoài cửa bỗng vọng lại tiếng gọi:

– Thưa thầy, trà đã pha xong.

Một chú tiểu tuổi tầm chín, mười lóng ngóng bưng khay trà nghi ngút khói vào. Biết người đang đánh cờ cùng phương trượng chính là thiên tử tương lai, chân tay cậu bủn rủn không yên làm nước trà suýt sánh khỏi ly. Trụ trì gật đầu tỏ ý cho lui, cậu liền mừng rỡ cắp khay phóng vụt ra ngoài.

Một mùi thơm nhạt nhưng quen thuộc theo khói trà phả vào không khí. Thái tử nhấc tách trà lên, lòng bần thần. Thiền sư cười mà rằng:

– Tiết lạnh thế này, bần đạo nghĩ uống trà hoa mai là ấm bụng nhất.

Một cánh mai trắng nhẹ nhàng nổi lềnh đềnh trên mặt nước, không biết do vô tình hay được ai cố ý thả vô.

– Cây mai sau chùa vẫn ra hoa đều đặn, xin điện hạ đừng lo lắng.

Câu nói làm như tình cờ nhưng lại ý vị này của phương trượng khiến thái tử bừng tỉnh. Lòng còn khúc mắc nhưng chàng vẫn thở ra một hơi nhẹ nhõm, đánh nốt ván cờ dang dở rồi cáo biệt ra về.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Trà Dư

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/12/16
Bài viết
17
Gạo
0,0
8. Thê (妻)

Bảo Phù năm thứ 3.

Tần suất thái tử lên chùa cứ mỗi lúc một nhiều.

Tới chùa chàng cũng chẳng ra sân sau mà chỉ thắp nén hương, đảnh lễ Phật, rồi vào nhâm nhi ly mai trà và đánh cờ với phương trượng. Có khi không đánh cờ, chàng lại hàn huyên với ngài về yếu chỉ Thiền tông. Thiền sư pháp danh Huệ Tuệ, là đệ tử kế thế trụ trì của Thiền sư Tiêu Dao và là đồng môn của Tuệ Trung Thượng sĩ, tức anh trai Hưng Đạo vương, cũng là người được thái tử thờ làm bổn sư. Thiền sư Huệ Tuệ là bậc trọng tuổi, tinh nghiêm giới luật, lại sống thanh bạch, giản dị nên được thái tử rất mực quý trọng. Nhưng trà vừa hết, chuyện vừa vãn cũng là lúc chàng đứng dậy ra về. Phương trượng thấy chàng luôn mang vẻ mặt chồng chất tâm sự thì cũng không hỏi gì, chỉ niệm đi niệm lại danh hiệu “Nam mô A di đà Phật.”

Cứ thế, nhiều tháng trời trôi qua. Đông Cung mỗi lúc một thêm quạnh hiu.

Rồi một ngày nọ, khi thái tử vừa leo lên lưng ngựa định xuất cung, thái tử phi bỗng từ đâu bước tới níu vạt áo chàng. Thái tử có vẻ ngạc nhiên lắm. Thái tử phi là người sống trầm tĩnh, kiệm lời, những lúc hãn hữu trò chuyện cùng chàng, nàng cũng chỉ nhẹ nhàng vâng dạ như sợ mình nói gì sai sẽ phật lòng chàng. Thái tử nghĩ, có lẽ hôm nay là lần đầu tiên nàng chủ động tìm gặp chàng. Chàng nắm bàn tay thái tử phi, ân cần thăm hỏi:

– Phu nhân thấy không khỏe sao?

– Nhờ ơn mưa móc, thiếp vẫn khỏe. Chẳng qua… – Nàng cắn môi, ngập ngừng hồi lâu mới mở được lời – Thiếp đã sai người nấu món hợp khẩu vị điện hạ, chẳng hay trưa nay…

Lời nàng muốn nói cứ quẩn quanh chót lưỡi mà chẳng thốt ra được. Sau cùng, nàng chỉ thở dài và xin lỗi vì đã phiền đến thái tử. Rụt lại bàn tay đang bị chàng nắm lấy, nàng gượng gạo thi lễ rồi cụp mắt rời đi.

Thái tử nhìn theo bóng lưng mảnh mai của nàng, lòng bỗng xót xa vô cùng. Nàng gầy đi từ khi nào? Từ đêm động phòng đến giờ, chàng gặp nàng được mấy lần rồi?

Kể từ ngày được lập làm phi, nàng luôn hết lòng quán xuyến hậu cung, giữ tròn nghĩa phu thê, lại là người hiền từ, thạc đức, bá tánh xa gần không ai là tiếc lời khen ngợi. Chàng thờ ơ lạnh nhạt nàng, ngày đêm chỉ huân tu thiền huệ, nàng cũng chưa hề oán thán nửa câu. Một người vợ như thế, chàng còn mong gì hơn nữa? Vì cớ gì mà bấy lâu nay, chàng nỡ xử tệ với nàng?

– Phu nhân.

Nghe tiếng chàng, nàng ngạc nhiên quay đầu. Trông ánh nhìn thương hại của chàng, nàng lại cố nở nụ cười nhưng không giấu được mày ngài ủ dột. Chàng nói khẽ:

– Ta có lỗi với phu nhân.

– Thiếp không dám. – Nàng cả kinh.

– Đợi ta, được không? Trưa nay mình cùng ăn cơm.

Dường như không ngờ chàng sẽ nói thế, thái tử phi mặt hoa phiếm hồng, bối rối chẳng nói nên lời. Trên trời, khói trầm bốc lên nghi ngút, bay lộn với mây xanh lững lờ. Lần đầu tiên kể từ ngày ấy, thái tử thấy lòng mình cũng nhẹ đến thế.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên