9. Mai (梅)
Số lần thái tử ghé thăm chùa Vân Yên thưa dần, thưa dần, rồi tạnh hẳn vào Bảo Phù năm thứ 4, khi thái tử phi hạ sinh cho chàng con trai đầu lòng. Ôm đứa bé giống mình như tạc trong tay, chàng bỗng thấy sự trống rỗng trong tâm trí mình vừa được lấp đầy bởi một ý nghĩa cao quý.
– Con là Thuyên. – Chàng nói – Con cha.
Kể từ dạo ấy, thái tử không còn lên núi nữa. Chàng dồn tất thảy tâm tư mình vào việc nước, vào nếp sống tịnh tâm của nhà Phật, vào cả đứa con trai còn chưa đầy tháng kia.
Ngày nối tháng, tháng tiếp năm. Bóng hồng thuở nào cứ thế phai nhạt khỏi tâm trí chàng.
Bảo Phù năm thứ 6, vua lên làm thái thượng hoàng, thái tử đăng cơ.
Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng một, tân hoàng đế đổi niên hiệu thành Thiệu Bảo, đại xá thiên hạ. Thái tử phi được lập làm hoàng hậu.
Sau nhiều ngày yến tiệc liên miên, vua mệt mỏi trở về tẩm điện. Hoàng hậu có ý muốn theo chăm sóc, nhưng vua đã từ tốn xua đi.
Sớm. Mặt trời còn chưa lộ. Chàng giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Chàng nằm xuống cố dỗ giấc ngủ, nhưng rồi nhớ lại giấc mơ vừa rồi, chàng có làm sao cũng chẳng thể nhắm mắt nổi. Hết cách, chàng ôm vò rượu xương bồ ra ngồi bên cửa sổ ngắm bình minh đang ló dạng. Tự dưng thấy thật đau đầu. Thế sự loạn lạc, quân Nguyên ngày đêm chầu chực ngoài biên. Chắc chắn chỉ non vài hôm nữa, vua Nguyên sẽ sai sứ qua yêu sách, lấy cớ dụ bảo tân hoàng đế sang chầu. Vua sang chầu thì khác gì trở thành con tin, là tự tay dâng Đại Việt vào miệng cọp quân Nguyên? Nhưng nếu không sang chầu, chúng sẽ lại có cớ động can qua, hưng binh xâm lược biên giới… Càng nghĩ, chàng càng chỉ muốn uống rồi quên hết tất cả.
Khi đã ngà ngà, chàng mở toang song cửa và nhìn xuống khu vườn nhỏ mình tự tay trồng suốt mấy năm qua. Chân trời đã dần hửng nắng, nhưng giữa ngày đông giá lạnh thế này, loài cây nào dù cứng cáp đến đâu cũng đều khô cóng hết cả. Duy chỉ có gốc mai trắng là khai hoa sớm, bông đã san sát tựa tuyết bừng sáng cả góc vườn. Thật khó mà tin giữa muôn cây nghìn cỏ, chính loài hoa tao nhã, mỏng manh nhường ấy lại quật cường, khí phách hơn cả.
Liếc nhìn tờ giấy Tuyên và nghiên mực trên bàn, chàng lại gần rồi hạ bút múa một vòng. Trong cơn say mơ màng, chàng đọc những vần thơ còn chưa khô mực trên giấy.
Trốn lạnh năm ngày cửa biếng ra,
Gốc lẻ gió xuân đã la đà.
Nước thoáng bóng rủ, băng tan chớm,
Hoa chen đầu ngọn, ấm thoảng qua.
Khúc Thúy vũ chìm trăng xóm núi,
Sáo Họa long đẫm Ngọc Quan nhòa.
Nhành mai lạc mộng, người chốn cũ,
Tỉnh giấc muốn tặng, người hoài xa.[1]
Đầu bút viết đến chữ cuối cùng bỗng ngập ngừng. Một giọt mực vì thế mà đọng lại rồi rơi xuống, sắc đen loang lổ khắp mặt giấy trắng. Vua giật mình gác bút.
– Ta lại mơ thấy nàng. – Chàng cười khổ – Đã bốn năm rồi, vậy mà ta lại mơ thấy nàng.
Một luồng gió lạnh thổi ùa vào phòng qua khung cửa sổ, xuyên qua hai lớp vải vẫn thấy rét run người. Vua ôm trán thở dài. Hóa ra cành mai ấy vẫn còn ngự trị trong tâm trí chàng chứ chẳng hề phai tàn. Có lẽ suốt đời này, nàng sẽ mãi là một lời nguyền mà chàng chẳng thể rũ bỏ.
Sau phút trầm ngâm, vua nhấc bút rồi cẩn thận đề xuống giấy hai chữ “Tảo mai.”
[1] Bài thơ “Tảo mai kỳ nhị” (Hoa mai sớm kỳ hai) của Trần Nhân Tông:
Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn.
Ảnh hoành thủy diện băng sơ phán,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc Quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.
Chữ quân thông thường có nghĩa là chàng, tuy nhiên chữ quân cũng có thể là nàng. Ví như câu hát “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu” của Dương Khuê, nghĩa là “Lúc ta rong chơi không gì bó buộc thì nàng hãy còn nhỏ tuổi.”
Bản phỏng dịch thơ Việt là của tác giả.
Số lần thái tử ghé thăm chùa Vân Yên thưa dần, thưa dần, rồi tạnh hẳn vào Bảo Phù năm thứ 4, khi thái tử phi hạ sinh cho chàng con trai đầu lòng. Ôm đứa bé giống mình như tạc trong tay, chàng bỗng thấy sự trống rỗng trong tâm trí mình vừa được lấp đầy bởi một ý nghĩa cao quý.
– Con là Thuyên. – Chàng nói – Con cha.
Kể từ dạo ấy, thái tử không còn lên núi nữa. Chàng dồn tất thảy tâm tư mình vào việc nước, vào nếp sống tịnh tâm của nhà Phật, vào cả đứa con trai còn chưa đầy tháng kia.
Ngày nối tháng, tháng tiếp năm. Bóng hồng thuở nào cứ thế phai nhạt khỏi tâm trí chàng.
Bảo Phù năm thứ 6, vua lên làm thái thượng hoàng, thái tử đăng cơ.
Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng một, tân hoàng đế đổi niên hiệu thành Thiệu Bảo, đại xá thiên hạ. Thái tử phi được lập làm hoàng hậu.
Sau nhiều ngày yến tiệc liên miên, vua mệt mỏi trở về tẩm điện. Hoàng hậu có ý muốn theo chăm sóc, nhưng vua đã từ tốn xua đi.
Sớm. Mặt trời còn chưa lộ. Chàng giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Chàng nằm xuống cố dỗ giấc ngủ, nhưng rồi nhớ lại giấc mơ vừa rồi, chàng có làm sao cũng chẳng thể nhắm mắt nổi. Hết cách, chàng ôm vò rượu xương bồ ra ngồi bên cửa sổ ngắm bình minh đang ló dạng. Tự dưng thấy thật đau đầu. Thế sự loạn lạc, quân Nguyên ngày đêm chầu chực ngoài biên. Chắc chắn chỉ non vài hôm nữa, vua Nguyên sẽ sai sứ qua yêu sách, lấy cớ dụ bảo tân hoàng đế sang chầu. Vua sang chầu thì khác gì trở thành con tin, là tự tay dâng Đại Việt vào miệng cọp quân Nguyên? Nhưng nếu không sang chầu, chúng sẽ lại có cớ động can qua, hưng binh xâm lược biên giới… Càng nghĩ, chàng càng chỉ muốn uống rồi quên hết tất cả.
Khi đã ngà ngà, chàng mở toang song cửa và nhìn xuống khu vườn nhỏ mình tự tay trồng suốt mấy năm qua. Chân trời đã dần hửng nắng, nhưng giữa ngày đông giá lạnh thế này, loài cây nào dù cứng cáp đến đâu cũng đều khô cóng hết cả. Duy chỉ có gốc mai trắng là khai hoa sớm, bông đã san sát tựa tuyết bừng sáng cả góc vườn. Thật khó mà tin giữa muôn cây nghìn cỏ, chính loài hoa tao nhã, mỏng manh nhường ấy lại quật cường, khí phách hơn cả.
Liếc nhìn tờ giấy Tuyên và nghiên mực trên bàn, chàng lại gần rồi hạ bút múa một vòng. Trong cơn say mơ màng, chàng đọc những vần thơ còn chưa khô mực trên giấy.
Trốn lạnh năm ngày cửa biếng ra,
Gốc lẻ gió xuân đã la đà.
Nước thoáng bóng rủ, băng tan chớm,
Hoa chen đầu ngọn, ấm thoảng qua.
Khúc Thúy vũ chìm trăng xóm núi,
Sáo Họa long đẫm Ngọc Quan nhòa.
Nhành mai lạc mộng, người chốn cũ,
Tỉnh giấc muốn tặng, người hoài xa.[1]
Đầu bút viết đến chữ cuối cùng bỗng ngập ngừng. Một giọt mực vì thế mà đọng lại rồi rơi xuống, sắc đen loang lổ khắp mặt giấy trắng. Vua giật mình gác bút.
– Ta lại mơ thấy nàng. – Chàng cười khổ – Đã bốn năm rồi, vậy mà ta lại mơ thấy nàng.
Một luồng gió lạnh thổi ùa vào phòng qua khung cửa sổ, xuyên qua hai lớp vải vẫn thấy rét run người. Vua ôm trán thở dài. Hóa ra cành mai ấy vẫn còn ngự trị trong tâm trí chàng chứ chẳng hề phai tàn. Có lẽ suốt đời này, nàng sẽ mãi là một lời nguyền mà chàng chẳng thể rũ bỏ.
Sau phút trầm ngâm, vua nhấc bút rồi cẩn thận đề xuống giấy hai chữ “Tảo mai.”
----------
[1] Bài thơ “Tảo mai kỳ nhị” (Hoa mai sớm kỳ hai) của Trần Nhân Tông:
Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn.
Ảnh hoành thủy diện băng sơ phán,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc Quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.
Chữ quân thông thường có nghĩa là chàng, tuy nhiên chữ quân cũng có thể là nàng. Ví như câu hát “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu” của Dương Khuê, nghĩa là “Lúc ta rong chơi không gì bó buộc thì nàng hãy còn nhỏ tuổi.”
Bản phỏng dịch thơ Việt là của tác giả.
Chỉnh sửa lần cuối: