Chương 7. Lấy lại tinh thần (Phần 2)
Buổi sáng hôm sau tôi bắt chuyến tàu đến Quảng Tây thăm thành phố Quế Lâm vừa cổ kính vừa hiện đại. Nếu như ở Việt Nam không mấy coi trọng hệ thống đường sắt thì Trung Quốc vẫn duy trì và phát triển nó rất tốt. Họ từ lâu đã triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao với vận tốc lên tới 250- 300 km/h. Đi từ Quảng Châu đến Quế Lâm cũng chỉ mất có ba giờ đồng hồ, giá rẻ, nhanh chóng lại vô cùng thuận lợi. Lúc tôi lên tàu là 9 giờ 11 phút đến ga Quế Lâm là 12 giờ 10 phút, vừa ngủ một giấc là đã đến nơi.
Trung Quốc rộng lớn với vô vàn những điểm tham quan du lịch nhưng tôi lại chọn Quế Lâm làm điểm dừng chân. Lý do rất đơn giản: thứ nhất vì tôi thích cái tên Quế Lâm (Mới nghe qua thôi đã có thể tưởng tượng ra tất cả vẻ đẹp dịu dàng và thơ mộng của nó. Thực thế thì Quế Lâm được đặt tên theo đặc trưng của thành phố này- nơi trồng rất nhiều cây quế- Quế Lâm còn có nghĩa là rừng quế.); thứ hai vì nó khá gần Việt Nam nên sẽ tiện hơn cho việc đi du lịch tự túc. Người Trung Quốc coi Quế Lâm là nơi đệ nhất cảnh quan chỉ xếp sau thiên đường nhưng theo cảm nhận của tôi với tư cách là một du khách thì lại thấy nơi đây đẹp nhưng quá buồn. Nếu như đang từ một nơi huyên náo mà đến Quế Lâm thì chẳng khác gì người vừa từ sa mạc bước đến một nơi băng tuyết. Cảm giác đầu tiên chỉ có thể là sốc nhiệt!
Trên vai tôi là chiếc balo nặng trĩu, trên tay còn cầm mấy cái túi to túi nhỏ nên không tiện đi xe bus về khách sạn. Ra khỏi nhà ga liền thấy rất nhiều taxi đang đỗ ngoài cửa, tôi lên một chiếc xe gần nhất rồi nói với bác tài địa chỉ khách sạn. Bên trong xe vẫn còn vương mùi thuốc lá nên đặc biệt ngột ngạt, cũng may là bác tài vừa lúc đó bật lên một bài hát gì đó nghe cũng êm tai nên cũng làm giảm đi phần nào sự khó chịu lúc ban đầu. Bác tài là người bản địa, nhìn một cái liền nhận ra tôi không phải là người Trung Quốc nhưng lại nói được tiếng Trung nên cũng tò mò bắt chuyện với tôi.
“Cháu là người Việt phải không?”
“Vâng ạ!”
“Đến đây đi du lịch à? Cháu chỉ đi có một mình thôi sao?”
“Vâng ạ! Cháu có chút công việc nên tiện thể đến đây chơi cho biết thôi ạ!”
“Tiếng Trung của cháu cũng không tồi nhỉ? Cháu có bố hay mẹ là người Trung Quốc à?”
“Dạ không chú ạ. Bố mẹ cháu đều là người Việt Nam. Ở Việt Nam thời tụi cháu rất thịnh hành học tiếng Trung nên cháu cũng học. Sau đó cháu làm phiên dịch một thời gian, giờ thỉnh thoảng mới có dịp dùng đến tiếng Trung nên nhiều cái cũng quên mất.”
“Chú thấy như trình độ của cháu là tốt lắm đấy! Chứ chú ở cái đất Quế Lâm này cả đời người rồi, lại làm cái nghề này cũng ngót nghét mấy chục năm. Chú cũng gặp nhiều hướng dẫn viên Việt Nam dẫn đoàn đến đây tham quan rồi nhưng đa phần họ cũng chỉ nói được tiếng bồi, nghe nhiều lúc khó chịu lắm.”
“Vậy ạ! Tiện chú giới thiệu cho cháu vài điểm tham quan đi, cháu lần đầu tới Quế Lâm nên cũng không biết đường xá gì cả.”
Bác tài xế sau đó rất nhiệt tình vạch ra cho tôi một lộ trình đi thăm thú được nhiều nơi mà lại tiết kiệm thời gian, sau đó còn chỉ cho tôi tường tận từng quán ăn ngon nhất định phải đến. Lúc đến cửa khách sạn bác ấy còn tặng cho tôi một chiếc quạt nói là lúc nào đến sông Li thì cầm mà chụp ảnh cho đẹp. Tôi cúi người cảm ơn bác tài dễ thương rồi lục đục bê đồ đạc vào khách sạn.
Bây giờ thời đại công nghệ thông tin lên ngôi, bất kể làm cái gì cũng vô cùng tiện lợi, đặc biệt là đối với những ai thích kiểu đi du lịch bụi, chỉ cần cài một vài cái app trên điện thoại thì cho dù là không biết tiếng, không biết đường, không biết đặt máy bay, đặt xe, đặt phòng khách sạn,… thì cũng dễ dàng đi bất cứ đâu mình thích. Khách sạn này tôi đã đặt trên app với giá hơn hai trăm tệ, so với hình ảnh lung linh ở trên website thì thực tế có hơi chút khác biệt nhưng nhìn tổng thể thì sạch sẽ, xinh xắn. Check in xong tôi được dẫn lên một căn phòng chừng hai mươi lăm mét vuông, phòng tuy hơi nhỏ nhưng bài trí vô cùng hợp lý, nhìn từ góc độ nào cũng thấy được độ thông thoáng chứ không hề gò bó một chút nào. Hơn nữa bên cạnh giường còn có một ô cửa sổ nhỏ nhìn ra được những hàng quán bên ngoài mọc san sát nhau, lúc vén tấm rèm cửa ra ánh nắng chiếu vào khiến cho căn phòng như được dát một lớp ngọc trai vô cùng xinh xắn.
Tôi thích thú hết nằm lên chiếc giường xoa xoa những họa tiết hoa lửa nhỏ li ti rồi lại nhảy ra nhìn ngắm con phố cổ yên bình, sau đó ngồi ngắm nhìn mình đang cười ngây ngô trong gương. Chẳng biết bao lâu rồi không còn nhìn thấy dáng vẻ mình vô tư, ngập tràn sức sống đến thế? Tôi làm ra cái điệu bộ hai tay chống cằm rồi nháy nháy mắt với cô gái trong gương kia, lấy một thỏi son ra thoa lên đôi môi một lớp son kem mỏng mịn màu đỏ trầm ấm. Trong tất cả các bước trang điểm tôi chỉ thích nhất công đoạn thoa son bởi vì mỗi khi gương mặt được điểm tô một chút son là các tế bào trong tôi như không hẹn mà cùng run lên trong thỏa mãn. Dù gì đi chăng nữa tôi cũng chỉ là một người con gái bình thường, không cái gì có thể khiến được tâm trạng này buồn mãi, mà cũng chẳng có khi nào có thể vui suốt. Con gái quả thật là một loại sinh vật khó hiểu nhất trên thế giới, đôi khi các cô gái sẽ chỉ vì tìm được một màu son mà mình thích mà vui mãi không thôi, đôi khi lại chỉ vì một chuyện rất nhỏ nhặt mà tâm trạng bỗng nhiên trùng xuống không thể lý giải được. Tôi giành tặng cho cô nàng đang rất yêu đời một nụ hôn thật kêu rồi bắt đầu cuộc hành trình khám phá một vùng đất mới.
Theo như lời chỉ dẫn của bác tài xế thì ngay đằng sau chỗ khách sạn này có một quán cháo cá rất nổi tiếng. Bây giờ đang là hơn mười hai giờ, trước tiên tôi sẽ đi tìm cái quán đó rồi sau đó sẽ giành cả buổi chiều để lượn lờ phố xá.
Sau một hồi tìm kiếm thì cuối cùng quán cháo rất nổi tiếng mà bác tài giới thiệu cũng chịu xuất hiện, chỉ là hàng người đang xếp hàng mua cháo làm tôi có hơi chút nản lòng. Tôi tự trấn an mình rằng nó phải rất ngon người ta mới xếp hàng dài như thế, sau đó cũng bon chen đi lên phía trước xếp hàng. Một hàng toàn là người, già có, trẻ có, không ai nói chuyện với ai, nhưng cả khu phố lại trở nên rất huyên náo bởi vì tiếng bát đũa, tiếng bàn ghế kê dịch, tiếng chiếc muôi múc cháo gõ coong coong vào thành nồi,… Kể ra thì đợi chờ cũng có cái hay của đợi chờ, vả lại chắc chắn là ăn một bát cháo mà có cộng hưởng cả sự chờ đợi sẽ còn ngon hơn bội phần.
Trong lúc đang xếp hàng chờ cháo thì điện thoại có kêu mấy lần nhưng tôi chỉ chuyển sang chế độ yên lặng mà không nghe. Bây giờ cho dù có là ai đi chăng nữa thì cũng không nên nghe. Một là tôi không muốn bị làm phiền, hai là phí gọi ra nước ngoài cũng đắt, nếu không có việc gì quan trọng thì tôi cũng không nghe máy để tránh cho người gọi mất tiền oan. Từ xa xa đã ngửi thấy mùi cháo thơm nức mũi, trong đó đặc biệt thơm nhất là cá xao quyện với mùi hành lá, bảo sao biết bao người không quản xa xôi, nắng nôi đứng xếp hàng như thế này.
Cuối cùng cũng đến lượt tôi. Bà chủ không hề khách khí hỏi dồn mấy câu liền. Tôi nghe không rõ bà ấy hỏi gì nên cứ đứng đực mặt ra ú ớ không nói nên lời. Sau đó tôi bị bà ta mắng xa xả vào mặt vì cái tội làm mất thời gian của người khác, nói ăn hay không để còn biết mà bán. Máu trong người tôi như muốn sôi lên, nhưng vẫn phải nhịn xuống vì biết võ mồm của mình chửi bằng tiếng Việt thì còn chẳng ăn ai chứ tiếng Trung thì làm sao mà đấu lại con mụ ghê gớm này, lại nghĩ thôi thì cũng đã xếp hàng cả nửa tiếng dưới cái trời nắng này rồi thì cứ mua vậy. Tôi chỉ bảo bà ta cho một cốc cháo mang về, bồi thêm mấy câu giải thích mình lần đầu tiên đến ăn nên còn chưa biết thực đơn, gọi đồ chậm, mong thông cảm. Nói xong mà thấy tức, ăn bát cháo mà bị chửi lên chửi xuống. Ước gì không hiểu bà ấy chửi gì còn đỡ, đằng này đích thân nghe thấy người ta chửi mình rồi không dám chửi lại, lại còn phải nói ngọt để bà ấy bán cháo cho. Trên đời này đúng là chuyện vô lý nào cũng có thể xảy ra!
Cầm trên tay cốc cháo mà lòng không biết nên vui hay nên buồn, nên ăn hay là không ăn. Tôi tìm một chiếc ghế đá dọc đường mà ngồi xuống, thôi thì cũng mất công chờ rồi thì cứ ăn thôi. Chẳng phải ở Hà Nội cũng có mấy quán chửi khách đấy thôi. Người ta bị bà chủ chửi từ trên đầu chửi xuống thiếu điều muốn cầm cái bát bún mà dội lên đầu khách ấy thế mà vẫn có biết bao người xếp hàng dài muốn được thử một lần thưởng thức cái văn “chửi khách” ấy xem thực hư chuyện nghe chửi có làm con người ăn ngon miệng hơn không. Tôi đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ muốn trải nghiệm cái cảm giác đó cho đến hôm nay vô tình thế nào lại được nếm mùi như thế. Cháo quả thực rất ngon! Thịt cá được xao lên thơm ngậy nhưng không bị dầu mỡ quá, cá này nghe nói là cá sông nên rất chắc thịt, không hề có một chút mùi tanh nào; bên cạnh đó không biết ở đây người ta nấu cháo bằng loại gạo gì mà mùi vị rất lạ, gạo linh ra nước ngọt thanh, cùng mấy cọng hành ngò thì quả là hết xảy. Thôi thì nhờ có bát cháo này mà tôi xin nguyện bỏ qua tất cả những lời lẽ tục tịu vừa được bà chủ tế cho. Giá như người tài hoa nấu được ra loại cháo này dẫu sao cũng nên có một cái miệng xinh xắn để nhả ra lời vàng lời ngọc thì sẽ càng tuyệt vời hơn.
Ăn xong cháo tôi lại đứng dậy đi lại cho thoải mái. Quế Lâm là địa phương đầu ngành du lịch nên được nhà nước quan tâm bảo vệ, lưu giữ những giá trị hoang sơ của nó. Quả thực phong cảnh nơi đây rất yên bình, nhịp sống của con người ở đây cũng không hề xô bồ như ở những thành phố lớn. Tuy nhiên dân cư ở Quế Lâm thì lại không nhiều bởi vì ở đây người ta không chú trọng đầu tư nền kinh tế nên có rất nhiều người, đặc biệt là thanh niên đều bỏ sang các thành phố lân cận để làm ăn sinh sống. Dần dần Quế Lâm tuy đẹp nhưng như tôi đã nói, nó thật sự rất buồn! Nét buồn của Quế Lâm chỉ thật sự được cảm nhận thấy khi bạn thật sự đặt chân xuống mảnh đất này, khi bạn chứng kiến thấy những khung cảnh nơi đây. Nếu là người phương xa đến đây để du ngoạn, chắn chắn ai cũng sẽ phải lòng một Quế Lâm an bình với nhịp sống chậm rãi, nhưng nếu như phải sống quá lâu trong một môi trường như thế này thì chưa chắc người ta đã có nhiều lý do để ở lại.
Cả buổi chiều hôm đó tôi giành thời gian chỉ để đi dạo khắp những con đường mà không biết chán. Nếu như chuyến đi này vào năm tôi mười tám tuổi thì một điều chắc chắn là tôi sẽ chẳng thích cái trò đi bộ này nhưng bây giờ là mười năm sau, tôi của mười năm sau lại không còn là đứa trẻ thích đến những chỗ náo nhiệt nữa rồi. Những con phố này bình yên như hơi thở vậy, dẫu cho đang ở một nơi xa, khi mà phải nghe bên tai mình thứ tiếng lạ lẫm, trước mắt không phải là những con đường quen thuộc nơi quê hương nhưng cảm giác lại chẳng hề xa lạ. Đường phố thật tình cũng chẳng có gì để ngắm cả. Nơi chân đã đi qua và nơi chân sẽ tới cũng vẫn chỉ là cảnh những tán cây, những ngôi nhà, những con người không quen,... không có gì thay đổi mấy. Càng về chiều trời càng nắng, cũng may hai bên đường nhiều cây, những tán cây to với lá xanh mọc đua ra như một tán ô khổng lồ che mất bầu trời, vừa hay có thể che nắng che mưa cho người bộ hành. Thiên nhiên nơi này đúng là vi diệu thật! Bảo sao một quốc gia giỏi đầu tư khai thác như Trung Quốc lại đưa Quế Lâm vào diện một trong những thành phố cần được bảo vệ. Người Trung Quốc họ rất biết khai thác tài nguyên. Những nơi có vị trí địa lý thuận lợi như Thâm Quyến, Quảng Châu thì họ biến nó trở thành những đặc khu kinh tế, còn đối với nơi được thiên nhiên ưu đãi như Quế Lâm thì họ ra sức bảo tồn, nhằm thu hút khách du lịch mang về nguồn lợi không hề nhỏ. Cũng may là họ đã làm như vậy nên một nơi mười năm trước còn là làng chài nghèo như Thâm Quyến mà nay đã trở thành khu chợ điện tử khổng lồ của thế giới và Quế Lâm vẫn còn là Quế Lâm của ngày nào.
Lúc cảm thấy đã đi rất xa rồi tôi cũng chẳng biết mình ở nơi nào. Chẳng phải tôi có bất mãn gì với cuộc sống đâu, chỉ là quan điểm cho cuộc dạo phố này của tôi là như vậy. Tôi thích cứ đi cho mỏi chân rồi lại chở về nơi mình xuất phát. Nghe cũng lãng mạn đấy chứ! Kể ra tôi tuy là một đứa chẳng thích những lời ngọt ngào, lãng mạn của người khác nhưng lại thi thoảng thích tự tạo cho mình những không gian dễ thương hoặc lãng mạn nào đấy. Tôi cho rằng bản thân mình nhiều lúc cũng quá cứng ngắc, đến nỗi cứ quen ai không nằm trong “những điều tôi thích” là lại nói lời chia tay. Mặc dù đã biết bao lần tôi tự nhủ hãy cố gắng thêm một chút, cho người ta thêm cơ hội chứng tỏ bản thân mình nhưng lần nào tôi cũng không thể làm được. Tư duy cảm xúc của tôi nếu như ngay từ đầu đối với một người đã không phải là chạy loạn thì nó sẽ là một đường thẳng tắp từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Tôi lại nhớ đến lời nhắc nhở của Long mấy tuần trước bảo tôi đừng vì quá áp lực mà chọn bừa một người. Đến chính tôi cũng không thể hiểu con tim tôi muốn gì. Có những lúc tôi tha thiết được yêu một ai đó thật điên cuồng nhưng đến khi yêu cảm xúc của tôi không đủ lửa. Tôi đã từng trải qua không biết bao nhiêu những mối quan hệ làng nhàng, cũng có những giai đoạn tôi cảm thấy có thể yêu họ đến chết đi sống lại nhưng rồi những câu chuyện tình đó lại bị chính tôi bỏ lửng. Một người đàn bà như tôi quá phức tạp để hiểu, cho nên tôi hoàn toàn không mong ai đó cố mà hiểu tôi làm gì cho khổ vì chính tôi đến tầm tuổi này vẫn đang trong một tâm thế rất mông lung về “sự mong muốn” trong tình yêu.
Quả nhiên việc sử dụng Google Map ở Trung Quốc đúng là một điều ngu dốt. Cái giá cho sự ngu dốt thì bao giờ cũng đắt cả. Kết luận là tôi đã phải trả hơn ba trăm tệ tiền taxi để quay trở về khách sạn, nguyên nhân thì là vì tôi đã lười không tải Baidu Map về nên bị lạc một vố và phải bắt taxi với cái giá không thể đắt hơn. Nhưng thôi không sao, về được là tốt rồi!
Sáng hôm sau theo đúng lịch trình tôi dậy thật sớm để trải nghiệm đi thuyền trên sông Li. Bác lái thuyền là một người đàn ông gầy gò, xanh xao, đôi mắt sâu hoắm, trên đầu đội một chiếc khăn cũ mèm chắc là để thấm mồ hôi, duy chỉ có đôi tay do chèo thuyền lâu năm mà còn rắn chắc. Tôi vừa xuống thuyền đã bắt gặp ngay ánh mắt của người đàn ông, trong lòng không khỏi thương xót. Đây rõ ràng là đôi mắt của mẹ tôi năm nào. Trước khi tôi kiếm ra tiền, mẹ tôi cũng là một người đàn bà chỉ biết đến làm, làm, và làm. Trong ký ức của tôi về mẹ bà là một người phụ nữ không bao giờ sắm quần áo mới, không bao giờ đi chơi vào những buổi tối, không thích ăn thịt, ăn cả, chỉ thích ăn rau với cơm và nước mắm. Đó chính là người mẹ mà tôi đã thường rất ghét vì chẳng bao chịu cho tôi một cắc tiền ăn sáng, chẳng bao giờ chịu bỏ tiền ra mua cho tôi một đôi khuyên tai mỹ ký vài nghìn đồng, chẳng bao giờ cho tôi bật đèn nếu như trời chưa thực sự tối. Tôi từng ghét bà vì bà có tiền xây một căn nhà rất to nhưng bên trong lại không có đồ đạc nội thất, ghét bà vì luôn nghĩ bà là một người mẹ tằn tiện nhất trên đời. Nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ ngu ngốc. Tôi chẳng bao giờ chịu nhìn thấy đôi bàn tay mẹ chỉ còn da bọc xương và đôi mắt của mẹ khi khóc nước mắt chẳng thể rơi xuống vì chúng đã đọng lại ở chỗ trũng nơi hốc mắt. Những người cha người mẹ chính là những sinh vật đáng thương nhất trên hành tinh này thế nhưng họ không hề thấy mình đáng thương. Cho dù họ luôn hy sinh nhưng họ lại luôn cười hạnh phúc vì chỉ cần nhìn thấy con cái luôn vui thì trong lòng họ cũng mãn nguyện lắm rồi.
Câu chuyện của bác lái thuyền thì lại khác. Một người đàn ông đã dành cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho chiến đấu, hơn một nửa đời sau lại dành tất cả thời gian để bươn chải, lăn lộn trên dòng sông này. Đối với bác ấy, chiếc thuyền này, dòng sông này chính là nhà! Bác cũng có một cậu con trai nhưng đã mất từ rất lâu rồi. Lúc nghe chuyện về cậu con trai mà tôi không cầm nổi nước mắt.
Bác kể: “Năm ấy nó lên thành phố làm công trình điện cho người ta rồi run rủi thế nào mà bị điện giật chết. Mấy tháng trời bác không liên lạc gì được với nó nên cũng lo lắng lắm! Rồi người ta đưa tro cốt nó về, nói cái gì mà do sự cố không may mà nó phải chết. Chúng nó cậy quyền cao chức trọng, thằng con nhà bác chết đã mấy tháng rồi mà chúng nó giấu nhẹm đi coi như không hề có chuyện gì xảy ra rồi đợi vụ đó nguội xuống rồi mới đưa nó về với bác. Trời ơi, sao chúng nó ác thế! Chúng nó bưng bít hết con ạ, dẫu bác có đi đâu kêu kiện thì cũng chỉ là muối bỏ biển mà thôi. Rồi thì bác cũng đành phải chấp nhận, tiền chúng nó bồi thường bác đem cho trại trẻ hết, không giữ lại một xu. Rồi bác cũng bán nhà luôn chứ giữ lại mỗi tối về nhà lại đau lòng.”
“Bây giờ bác ở luôn trên thuyền này, chính quyền đuổi bác cũng không đi. Bác coi đây là nhà của mình rồi, cháu đến đây cũng coi như là khách đấy, cũng coi là bác cháu ta có duyên!”
Tôi thu chân ngồi nghe bác kể chuyện. Tay bác ấy vẫn chèo đều đều, con thuyền xuôi theo dòng nước, hình như bác ấy cũng chẳng còn nước mắt để khóc nữa.
“Cháu cũng nghĩ trên đời này có duyên phận bác ạ!”
“Đúng thế! Ngày nào bác cũng chỉ trở có một chuyến mà thôi nên phải có duyên lắm bác cháu ta mới gặp đấy.”
“Sao bác đi có một chuyến thôi vậy?”
“Thì già rồi đi một chuyến cho dẻo tay thôi chứ làm gì có sức khỏe hả cháu?”
“Cháu bao nhiều tuổi rồi?”- Bác hỏi.
“Năm nay cháu hai mươi tám.”
“Nhìn tướng cháu là tướng chưa chồng con rồi. Bác nói có phải không?”
Tôi buồn cười quá, cho tay xuống làn nước mát lạnh mà khuơ khoắng.
“Bác đoán sai rồi. Cháu có một chồng hai con rồi đấy ạ!”
“Vậy à? Thế là bác nhìn nhầm rồi. Nhưng cứ ngẫm mà xem không lâu nữa đâu sẽ có hai người đàn ông đến bên đời cháu.”
Tôi nhìn vẻ mặt bác lái thuyền mà tự nhiên da gà nổi lên cục cục. Tôi phải xoa mãi tay chân mới hết ớn lạnh.
“Bác biết xem tướng ạ?”
Bác ấy cười: “Không phải tướng số gì đâu nhưng là bác thấy bác cháu mình có duyên nên có lòng nói với cháu vài câu vậy thôi! Đừng nghĩ nhiều!”
“Vâng! Cháu tin là có duyên phận. Như hôm nay đến đây thấy cảnh vật non nước tươi đẹp thế này quả là không phí công.”
“Người Trung Quốc có câu thế này, để bác đọc tặng cháu: “Sơn thanh, thủy tú, động kỳ, đá mỹ.”
“Ở đây rất giống một nơi ở Việt Nam nhưng khác chỗ nó là biển chứ không phải là sông. Bác làm nghề này được bao lâu rồi?”
“Cũng ngót nghét ba mươi mấy năm rồi.”
“Cháu đi vào tầm sáng sớm như thế này chỉ ngắm được cảnh đẹp thứ hai của nó thôi, đẹp nhất là lúc chiều tà cơ. Chiều nào bác cũng nằm trên cái thuyền này nhìn mặt trời đi qua những dãy núi rồi biến mất.”
“Nghe cũng lãng mạn quá bác ha?”
Người đàn ông cười dịu dàng như nắng mai, trên khóe mắt những nếp nhăn xô lại như hình chiếc quạt giấy hơi gấp hờ. “Thanh niên các cháu mới cần lãng mạn chứ bác bây giờ còn cái khỉ khô gì mà lãng với chẳng mạn.”
Tôi đứng lên, tung mấy giọt nước lên không trung. “Sao lại không cần chứ! Cháu thấy cuộc đời bác cháu mình không suôn sẻ nhưng chúng ta vẫn sống tốt đấy thôi. Bác thì yêu cái nước non nơi này, còn cháu thì đang đi tìm cảm hứng mới để sống tiếp. Tâm hồn chúng ta không phải cũng nhạy cảm, cũng lãng mãn hay sao hả bác?
“Ừ lãng mạn lắm! Nói hay lắm!”
Tôi đứng trên mõm thuyền nhìn những gợn sóng nhẹ nhàng rẽ sang hai bên, thuyền tiến về phía trước, lướt qua hai bên cảnh vật mơ hồ như có như không. Bấy giờ lòng tôi sôi sục một ý niệm chỉ cần còn thở một giây là hạnh phúc một giây, chỉ cần còn sống thì phải hạnh phúc đón nhận tất cả.
Ngày hôm đó trong ký ức của tôi mãi khắc ghi về một hình ảnh bến nước con thuyền cùng với người bạn già tri kỷ, khác tuổi nhưng tâm hồn đồng điệu đến bất ngờ. Những mải mê trong tôi về một đô thị phồn hoa rực rỡ như bọt biển biến mất khỏi đại dương mà thay vào đó là một dòng sông hiền hòa với những vách núi phả bóng lấp lánh xuống mặt nước long lanh. Nhiều lúc cả con sông như oằn mình đưa hai bác cháu rẽ sang một hướng khác nhưng hai bên thì vẫn là những con thác nước, những hang động kỳ vĩ mà nên thơ đang chào đón. Con sông này chảy dài như vô tận, uốn éo mềm mại như một dải lụa vắt mình giữa những dãy núi chênh vênh. Đó chỉ là một phần về Li Giang- dòng sông đã đánh thức mạnh mẽ về một niềm tim đã ấp ủ trong trái tim tôi nhiều đêm. Ban đầu niềm tin ấy cũng mơ hồ như cảnh vật nơi này nhưng càng đi, càng tận hưởng tôi lại càng chắc chắn về một dự định mới đang dần mọc rễ và trưởng thành trong tâm trí tôi.
Kết thúc chuyến đi trên sông thì ngay ngày hôm sau tôi liền đến thăm Dương Sóc- một trung tâm du lịch ăn khách cách Quế Lâm khoảng 40 km.
Trái ngược với vẻ ngoài có vẻ đạo mạo của Quế Lâm thì Dương Sóc lại chính là một khu vui chơi sôi động, náo nhiệt đúng nghĩa. Nhất là khi cảnh vật được bao phủ bởi màn đêm, Dương Sóc cũng lên đèn như bao thành phố lớn. Mọi người bất kể người bản địa hay khách đến tham quan không hẹn mà cùng gặp ở khu chợ đêm tây phố. Mọi hoạt động mua bán, ẩm thực đến các trò chơi giải trí đều được diễn ra ngay trên lòng đường. Khu phố đêm này sẽ làm cho mọi người rơi vào một mê cung với toàn là đồ ăn ngon, đồ lưu niệm lạ mắt và rất rất nhiều những hoạt động giải trí cho cả người lớn lẫn trẻ em.
Dòng người trên phố đông đến nghẹt thở cộng với những tiếng cường giòn tan của trẻ nhỏ và đủ các loại mùi hương khác nhau la tỏa khắp không gian,... tất cả đủ khiến cho bất cứ ai cũng cảm thấy phấn khích. Tôi cũng trở lại làm một đứa trẻ mà chạy lăng xăng khắp nơi, hết ăn thử cái này lại nếm thử cái khác rồi nhẹ nhàng chuồn mất, không những thế còn một mình chơi mấy trò bật nhảy của bọn con nít rồi cười vang. Sau cùng khi đã ăn chơi đã đời thì tôi đến một góc phố nơi có hoạt động “uống xong đập rượu”. Tôi mua một bình rượu rồi sau đó mở nắp uống một ngụm thật to rồi giơ cao tay đập cái bình đến “choang” một tiếng. Có mấy người đứng gần đó vỗ tay luôn miệng nói “Hay! Hay lắm!” trong khi tay thì giơ lên ngón cái hướng về phía tôi. Tôi nuốt ngụm rượu xuống mà cổ họng có cảm giác như vừa nuốt phải axit vậy. Không ngờ là rượu này lại nặng đến thế, bảo sao mấy người gần đó có vẻ phấn khích như vậy.
Đêm hôm đó tôi ra về trong tình trạng không hoàn toàn được tỉnh táo cho lắm nhưng vẫn may còn toàn mạng quay về. Tâm tình không vui trước đây cũng như bình rượu vừa bị đập nát kia biến mất tăm mất dạng.
Hôm nay ngủ một giấc dậy, ngày mai có thể trở về đối diện với cuộc sống bằng một thái độ tích cực hơn rồi! Muộn phiền ơi mau mau qua đi thôi!