Chương 2:
Cuộc sống của Kinh Mặc cùng Tư Khuynh rất đơn giản. Sáng sớm hai người cùng lên núi hái thuốc, trưa về cùng nấu cơm. Chiều chiều Kinh Mặc nằm trên võng đọc sách, thi thoảng chỉ điểm cho Tư Khuynh vài chiêu thức kiếm thuật, khi thì hắn cùng nàng luyện thuốc ở dược phòng sau nhà.
Bữa trưa, Kinh Mặc đeo tạp giề, tay cầm dao chặt thịt gà, hôm nay y định làm món canh thịt gà hầm củ cải. Tư Khuynh đứng bên cạnh "vặt" rau, nàng thi thoảng lại quay sang nhìn nhìn sư phụ mình, đôi mày lá liễu khẽ nhăn lại, nàng nghiêm túc nói:
“Sư phụ, người có thấy chúng ta giống một đôi phu thê không?”
Con dao trên tay y xém chút chặt vào tay đang giữ con gà trên thớt. Câu hỏi của nàng thật có sức công phá, nàng lại còn dùng bộ dạng nghiêm túc hỏi hắn như vậy. Nha đầu này càng ngày càng không phép tắc, ngay cả chuyện như vậy cũng nói ra được.
“Nha đầu, con biết tại sao con gà này lại nằm trên thớt không?” Y nhếch mày, quay sang hỏi nàng, tay cầm dao dứt khoát hạ xuống, con gà trên thớt liền chia làm hai.
Tư Khuynh nuốt nước bọt, chớp chớp đôi mắt to đen láy nhìn y.
“Không phải là sư phụ muốn ăn nó sao?”
“Không phải…” Y lắc đầu, rồi lại nhìn sâu vào mắt nàng “... là tại nó quá tò mò. Con cũng rất tò mò…” y nhìn nàng rồi lại nhìn con gà đã bị “phanh thây” kia.
Tư Khuynh nhìn theo tay y, cười cười hai tiếng rồi chạy thẳng ra ngoài.
“Sự phụ, con tuyệt đối không tò mò, không tò mò đâu…”
“…”
Kinh Mặc lại tiếp tục làm món canh thịt gà hầm củ cải. Y vốn không am hiểu trù nghệ, chỉ biết sắc thuốc, luyện dược… Nhưng sáu năm trước, một người thanh cao không dính nửa điểm bụi trần như y với trù phòng đầy dầu mỡ, khói lửa bắt đầu có “quan hệ” với nhau. Ngày ấy nàng mới mười một tuổi còn y đã hai mươi cái xuân xanh. Nàng và y dọn đến tiểu viện trên núi Thanh Trạch này, cả viện chỉ có hai thầy trò, việc bếp núc liền do một tay nàng lo liệu. Cũng may nàng biết nấu cơm, xào rau và làm mấy món đơn giản nên hai thầy trò không chết đói trên núi này.
Nhưng đó chỉ là chuyện của hai tháng đầu…
Lần đó, y vốn định đi đến dược phòng nhưng khi qua trù phòng thì nghe thấy tiếng dao rơi xuống nền nhà lạnh lẽo. Y đẩy cửa đi vào thì thấy nàng ôm bàn tay chảy máu, mặt tái đi vì sợ và vì mất máu. Lòng y khẽ lạnh đi.
Vết thương của nàng không nghiêm trọng nhưng phải kiêng nước vài ngày, vì vậy Kinh Mặc “được” mặc tạp dề lần đầu tiên. Lần đầu nấu ăn, cơm không lành canh không ngọt là chuyện bình thường, nhưng thiếu chút làm thức ăn thành độc dược thì quả là đáng sợ.
“Sư phụ, mau thêm củi vào… phải dùng ống thổi thổi cho lửa cháy a…”
“Sư phụ, nước sôi rồi kìa, mau cho gạo vào…”
“Sư phụ, người mổ cá chứ không phải khinh bạc cá, không cần vuốt ve nó hoài như vậy a…”
“Sư phụ…”
Kinh Mặc trong lòng luôn niệm “thanh tâm chú”, nếu không hẳn y đã mang cái miệng của Tư Khuynh xẻo xuống mà thả vào nồi cho đỡ rác tai rồi. Nhưng cuối cùng y cũng nhẫn không nổi.
“Tư Khuynh! Con lăn ra ngoài cho ta!”
Nàng chẹp miệng, đứng đậy phủi phủi mông đi ra.
“Rồi, rồi, con đi ra là được chứ gì…” Bước đến cửa nàng quay đầu lại nói.
“Sư phụ, vạt áo người bắt lửa rồi kìa…” Rồi nàng chạy biến.
Kinh Mặc phất tay áo một cái đem ngọn lửa liếm một phần vạt áo dập tắt, y thở dài nhìn bộ dạng chật vật của mình. Dù khó khăn nhưng y cũng hoàn thành được bữa cơm đầu tiên trong đời. Cơm dù có hơi khê một chút, canh có hơi mặn một chút, thịt có hơi cháy một chút nhưng cũng miễn cưỡng no bụng, y thoáng vui vẻ, tự hào thì nghe nàng nói:
“Sư phụ, con biết người rất giỏi chế độc nhưng cơm là ăn vào người nha, người sao lại biến nó thành độc dược thế này… Cơm thì trên sống dưới khê, thịt kho thành than…” Nàng khuấy khuấy bát canh, uống thử một ngụm, mặt nhăn như đít khỉ nhìn hắn ai oán “Hũ muối còn non nửa của con chắc hết rồi ạ? Mặn chết con rồi…” Hết lời, Tư Khuynh chắt vội chén nước xúc miệng, nàng uống liền ba cốc mà vẫn còn thấy mặn chát nơi đầu lưỡi.
Thật may đó chỉ là bữa cơm đầu, những bữa cơm sau chất lượng và độ an toàn cũng được cải thiện hơn… Có lẽ Tư Khuynh không biết Kinh Mặc đã tốn bao nhiêu công sức vào việc cải thiện trù nghệ này… Y cũng không hi vọng nàng biết, y chỉ cần nàng ngồi ăn cơm của y nấu mà mang bộ dạng tiểu nhân đắc chí hưởng thụ vui vẻ như bây giờ là được.
***
Trong quãng thời gian tám năm, gần ba nghìn ngày êm ả này cũng có những sự xáo trộn, bất đắc dĩ, ngượng ngùng xảy ra… Có trách thì trách Kinh Mặc là thầy chứ không phải là mẹ của nàng, là một nam nhân chứ không phải thái giám.
Hàng ngày, từ năm Kinh Mặc nhặt nàng về thì buổi tối nàng đều phải ngâm mình trong nước thuốc. Tất cả các vị thuốc đều là kịch độc.
Sau khi y kéo nàng từ quỷ môn quan trở về, nhận nàng làm đồ đệ, nàng nói với y rằng:
“Con hi vọng đời này sẽ không chết vì trúng độc… Vì sư phụ là độc sư… nếu chết vì độc chẳng phải là làm mất mặt người sao.” Cô bé chín tuổi nhìn hắn bằng đôi mắt trong trẻo lạ lùng, khuôn miệng nở nụ cười tươi tắn nhưng làm lòng hắn dấy lên xót xa. Tuy nàng chưa từng nói ra nhưng hắn có thể đoán được nàng đã từng chịu không ít đau khổ.
Năm nàng chín tuổi, khi ngâm thuốc vì dục bồn quá cao, y phải bế nàng thả vào trong. Năm nàng mười ba tuổi, nàng bước vào tuổi dậy thì…
“Sư phụ, con bị bệnh a, hình như con sắp chết rồi…” Nàng chạy đến cạnh y, níu chặt tay áo y mếu máo khóc.
“Nha đầu, ngoan, đừng khóc. Nói sư phụ nghe con bị làm sao?” Y lau nước mắt cho nàng, kéo nàng lại gần ân cần hỏi.
“Sư phụ, sáng nay con thấy nệm giường và y phục mình dính máu nhưng không thấy đau ở đâu, kiểm tra thì không thấy bị thương chỗ nào cả. Sau đó… sau đó…” Nàng lại mếu máo, kéo tay áo của y lên lau nước mắt nước mũi của mình.
“Sau đó thì bên dưới của con cứ chảy máu… Sư phụ, từ sáng giờ đã ướt hai cái khăn tay của con rồi… Con bị làm sao vậy sư phụ, mất máu nhiều như vậy liệu…” Càng nói nàng càng cuống, nước mắt không ngừng rơi lã chã. Nàng sợ hãi, nàng không muốn chết đâu, nàng muốn sống bên sư phụ lâu thật lâu cơ.
Kinh Mặc tay ôm trán, mày kiếm nhíu chặt. Sao y lại quên mất nàng là một nữ nhân đây? Mấy năm qua an an ổn ổn làm cho y quên mất, thoáng cái nàng đã dậy thì rồi. Nhưng bảo một nam nhân như y chỉ dạy cho nàng cái này… Y trong lòng thầm mắng bản thân ngu ngốc, sao khi đó mềm lòng mà nhặt nàng về để giờ khó xử thế này…
“Nha đầu, con đừng sợ… Cái này… cái này cũng không cần chữa…” Y chưa nói kịp nói hết thì…
“Trời ơi, là bệnh nan y không chữa được ạ? Ôi, sao con lại bất hạnh như vậy…” Nàng lại oa oa khóc.
“Không, không… cái đó, nó… nó không phải bệnh. Nữ nhân nào cũng như vậy, cái này người ta gọi là… à, là nguyệt sự đó.” Y như gà mắc tóc giải thích cho nàng.
“Hàng tháng, con sẽ bị như vậy.”
“Nhưng sao mọi khi con không bị như vậy?”
“Là giờ con mới trở thành nữ nhân chân chính, nó là để đánh dấu việc này… giờ con có thể lấy chồng sinh con được rồi.”
“Sư… sư phụ, người muốn bán con cho người khác sao? Con không chịu đâu. Đại thẩm dưới núi bảo con gái lớn sẽ bị gả đi, người ta mang tiền đến đưa cho cha mẹ là có thể mang các nàng đi… Con không ngờ người có thể vì tiền mà bán con đi…” Tư Khuynh càng khóc to hơn… giờ nàng đã quên hẳn việc bệnh nan y rồi.
Kinh Mặc giờ phút này thật bất đắc dĩ, hắn sao lại rơi vào chuyện này đây.
Mất cả buổi trời y mới khai phá được đầu óc cho nàng, lại mất hai canh giờ dậy nàng cách xử lý sao khi nguyệt sự đến… Tối đó y gặp phải ác mộng, giấc ngủ chập chờn chẳng yên…
Chương 1 << >>
Chương 3