Chương 14 - phần 1:
(Đây là hình tượng của Kinh Mặc trong lòng tác giả - Nguồn internet)
Câu chuyện mà Tư Khuynh kể cho Hy Thần nghe, nhiều năm trước, nàng cũng đã từng kể lại. Cả hai lần kể nàng đều khóc, nhưng cảm xúc khi đó và bây giờ lại không giống nhau. Ngày đó, nàng mới chỉ là một cô bé chín tuổi, ngoài thương tâm nàng còn thấy sợ hãi, ám ảnh…
Nhiều năm trước...
Ngoại thành Tây Đô, cách núi Thanh Trạch mười lăm dặm về phía Nam.
“Sư phụ! Con mỏi chân.” Tư Khuynh níu lấy tay Kinh Mặc, miệng kéo dài kêu ca với y.
Kinh Mặc nhìn nàng, nhíu mày.
“Không phải mới nghỉ hai canh giờ trước sao?” Tiếng y nhàn nhạt vang lên.
Nàng tròn mắt nhìn y, mặt méo xẹo.
“Hai canh giờ?” Nàng nói gần như hét lên, “Sao sư phụ nói nhẹ nhàng vậy? Là hai canh giờ đi bộ đó, người có biết là người đang tra tấn trẻ nhỏ không?” Nàng cao giọng lên án y.
Kinh Mặc day day trán, sao nha đầu này càng ngày lại càng nhiều chuyện như vậy. Mới có hai canh giờ đi đường núi thôi chứ có phải chuyện khó khăn gì đâu mà nàng đã nhặng hết cả lên? Mà đây đã là lần thứ ba trong ngày hôm nay rồi. Tuy vậy, y vẫn nhẹ nhàng nói:
“Nha đầu, con đã mười bốn tuổi rồi, không còn là trẻ nhỏ nữa. Con nói vậy là sỉ nhục trẻ nhỏ đó, có biết không?” Làm gì có đứa trẻ nào lớn tướng như nàng, lại còn không hiểu chuyện như vậy chứ. Mới đi có chút đã làm ầm lên.
Tư Khuynh nghe vậy, mặt bí xị. Nàng bỏ tay đang níu vạt áo của y ra, vùng vằng đi lại bên đường, ngồi xuống tảng đá nhẵn thín bạc phếch vì mưa nắng và bắt đầu “dỗi”. Sỉ nhục trẻ nhỏ? Sư phụ, người sao có thể nói nàng như vậy chứ?
Nhìn tiểu cô nương mà mình nhặt về năm năm trước, Kinh Mặc nén tiếng thở dài. Nha đầu này càng ngày càng vô pháp vô thiên, giờ đến lời y nói cũng chẳng coi ra gì, đã vậy còn thi thoảng gặp chuyện không hợp ý là làm mình làm mẩy với y. Từ khi nào mà lời nói của y lại xuống giá như vậy a. Hình như là sau sự kiện tấm bình phong kia… Nghĩ đến chuyện ngày hôm đó, Kinh Mặc thoáng đỏ mặt.
Y đã hai mươi ba tuổi nhưng vẫn là thân đồng tử (anh ý vẫn là xử nam đó ạ
). Tính y vốn lạnh nhạt, không thích thân cận với người khác, nữ nhân thì lại càng không, tất nhiên là trừ nha đầu xấu xa kia, nên chuyện không may hôm đó cũng là lần đầu y thấy qua thân thể nữ nử, dù rằng nữ tử kia còn chưa có phát triển đầy đủ.
Tuy vậy, mỗi lần nhớ đến, y vẫn không tránh được mặt đỏ tai hồng, bối rối ngây người một lúc.
Từ “sự kiện tấm bình phong”, không chỉ Kinh Mặc bị ảnh hưởng mà trong chính bản thân Tư Khuynh cũng có sự thay đổi lớn.
Mấy năm qua, sư phụ dạy nàng đọc sách, viết chữ, nhận biết thảo dược, chế độc, phối độc… nhưng người lại quên dạy nàng “nữ tắc”, quên dạy nàng ý thức cái gọi là “nam nữ thụ thụ bất thân”, cũng có lẽ người đã quên nàng là một nữ nhân.
Năm năm nay, hai người luôn như hình với bóng. Lúc chín mười tuổi, nàng là tiểu hài tử lệ thuộc vào y, giống như chú chó nhỏ quốn quýt bên y cả ngày. Khi y đọc sách thì nàng ở bên rót nước bưng trà, mài mực, rọc giấy, đôi khi chỉ là ngồi bên nhìn y. Khi y luyện thuốc thì nàng ở bên phụ tìm dược thảo, thêm củi, canh lửa. Những năm này nàng dùng hơi ấm, tình thương của y mà tiếp tục sống. Nhưng giờ nàng đã là một cô nương rồi, nàng chẳng thể hồn nhiên chạy đến ôm cổ y bắt y cõng đi hái thuốc cùng, cũng chẳng thể tự nhiên mà sà vào lòng y cùng y đọc sách. Nàng đã lớn rồi!
Đại thẩm dưới núi kể với nàng rằng, các cô nương trong thôn bằng tuổi nàng đã thi nhau may đồ cưới cho mình, có người đã sớm thành thân, sinh con rồi. Tư Khuynh tự nhìn lại bản thân, ngay đến kim thêu nàng còn chưa từng động vào, y phục của nàng mỗi khi bị rách, sổ chỉ đều là sư phụ nàng vá giúp, nàng đã khi nào phải động tay đâu.
Nghĩ cũng lạ, sư phụ nàng tưởng như không gì là không biết, ngay đến khâu vá cũng chẳng làm khó được người, một đại nam nhân mà lại có thể cầm kim ngồi bên cửa sổ cẩn thận từng đường kim mũi chỉ. Thật không biết phải có bao nhiêu nghị lực đây!
Tuy Kinh Mặc cầm kim may vá, nhưng lại không có một chút tục khí tầm thường nào mà lại tao nhã, điềm đạm, thần thái nhẹ nhàng, chuyên chú như là đang luyện chữ vậy. Tư Khuynh ngồi bên nhìn đến ngây ngốc, sư phụ nàng thật là đẹp, nhìn ở góc độ nào cũng đều đẹp. Khí chất tựa thiên tiên, phong thái đĩnh đạc, ung dung… nàng thật muốn nhìn mãi không thôi. Nhưng, nàng lại không nhịn được mà mở miệng nói:
“Sư phụ! Người thật là tài giỏi nha! Sư phụ không những nấu ăn ngon, vá đồ đẹp, võ công cao, lại là Độc Y lừng danh thiên hạ. Người mà gả cho nữ nhân nào thì thật là phúc đức tu bảy kiếp của nàng ta a.” Nàng vừa dứt lời thì cả người đã bị túm lên ném theo cửa sổ ra ngoài.
Vì bất ngờ nên Tư Khuynh chẳng thể làm gì hơn là lộn nhào hai vòng rồi dùng mông tiếp xúc thân mật với mặt đất. Nàng chưa kịp đứng dậy, phủi bụi bẩn bám trên y phục thì chiếc áo vốn đang được vá trên tay Kinh Mặc đã biến thành chục mảnh vải vụn rơi lả tả trên đầu nàng. Tư Khuynh đau lòng rơi lệ nhìn chiếc áo nàng thích nhất bị sư phụ hủy hoại. Nàng và nó thật là oan uổng a. Đang vui vẻ hòa thuận sao sư phụ lại nổi giận rồi?
Nàng vục đứng dậy, định tìm sư phụ đòi lại công đạo thì cửa sổ phòng Kinh Mặc đóng sập lại, bên trong truyền ra giọng nói nhàn nhạt như mọi khi.
“Viết một nghìn lần câu: “Sư phụ! Con sai rồi.” Trước bữa tối còn chưa xong thì con khỏi ăn cơm đi.”
Kinh Mặc ném chiếc kéo, thủ phạm của vụ thảm án chiếc áo lam, vào trong giỏ mây trên bàn kê bên cửa sổ, y tức giận ngồi xuống thư án. Nha đầu kia là đang khen hắn hay nói móc hắn đây? Nếu không phải vì thấy nàng thích chiếc áo đó đến nỗi không nỡ vứt đi, thì y đã không cầm kim mà vá lại nó rồi. Thật là nha đầu không biết tốt xấu, không cảm kích y thì thôi còn ngồi bên nói mát mẻ. Nên nhớ y còn chưa tự vá y phục cho mình bao giờ đâu đấy.
Kinh Mặc uống liên tiếp ba chén trà giải nhiệt mới nguôi nguôi giận.
Tư Khuynh ở bên ngoài nghe thấy y nói bắt nàng chép phạt mà bi phẫn. Rốt cuộc nàng đã làm gì sai a? Nàng là thật lòng tán dương sư phụ mà người lại tức giận, sao lại có người không hiểu lý lẽ như sư phụ chứ. Lại nhìn chiếc áo màu lam mà nàng thích nhất giờ chỉ còn là vải vụn trên mặt đất mà nàng càng thêm đau lòng. Tư Khuynh nhặt hết các mảnh vụn lại rồi mang nó ra một góc viện, chôn xuống. Nàng còn định lập bia: ái y chi mộ (mộ chiếc áo yêu quý), nhưng không tìm thấy vật gì thích hợp để làm bia nên đành thôi. Tư Khuynh ngồi lẩm bẩm:
“Áo à, ngươi đừng trách ta không bảo vệ ngươi. Là số ngươi không tốt, rơi vào tay ai chẳng rơi lại rơi vào tay sư phụ ta. Người tính tình thất thường lắm, cứ như mấy đại thẩm tiền mãn kinh ý… Ngươi ở đây yên nghỉ đi.” Nói xong thì nàng phủi mông đi về phòng bắt đầu chép phạt. Nếu chiếc áo có linh tính hẳn nó đã đội mồ sống dậy mà rống: “Thế không phải ngươi mang ta đến cho y chà đạp à?”
Chuyện đại thẩm tiền mãn kinh gì đó là nàng nghe Trương thẩm thẩm nói chuyện mới biết, người vào độ tuổi này tính tình rất thất thường, cứ như tiết trời tháng bảy vậy, nói nắng là nắng, nói mưa là mưa.
Tư Khuynh ngồi trong phòng, trước mặt là tập giấy chép phạt của sư phụ, nàng nhìn ra ngoài cửa sổ mà thất thần. Từ sau chuyện tấm bình phong nàng thường thất thần như vậy. Mỗi khi ở một mình nàng lại ngẩn người, dán cặp mắt vô thần ra ngoài cửa sổ, trong đầu lại vảng vất hình bóng của sư phụ.
Nàng nhớ lần đầu tiên gặp người, nàng trong dáng vẻ xác chết dọa người còn sư phụ thì khoác áo lông trắng, nhìn người thật giống tiên hồ. Nàng khi đó, tính mạng đã chỉ mành treo chuông nhưng lúc nhìn thấy người đi qua lại có sức lực vươn tay ra cầu cứu, phải chăng là số trời đã định, sư phụ sẽ nhặt nàng về?
Tư Khuynh không biết trái tim bé nhỏ của nàng đã biết tư xuân. Chỉ là hình bóng mà nàng ôm trong mình lại là hình bóng của người mà nàng không nên lưu luyến nhất…
…
Chương 13 << >>
Chương 14 - phần 2