Vạn Dặm Xuân - Cập nhật - Bí Bứt Bông

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
2.000,0
nay hơi nghịch, nhưng chỉ giỏi đánh nhau chứ có bao giờ lừa lọc ai đâu, sao lần này lại nghĩ ra cái trò quái đãng này?”
=> quái đảng hay quái đản nhỉ?
Nghe giọng điệu này có vẻ giống Lê Khắc.
Khiếp, em cũng bị dọa cho kinh hồn bạt vía, tưởng con nhóc này gặp ma thật. Cả một làng ma nữa. Rợn tóc gáy. Mà con bé Đình Phương này gan cũng to thật, thấy vấn đề mà vẫn vào làng.
 

miku42

Gà con
Tham gia
29/5/17
Bài viết
5
Gạo
0,0
Chị ơi! Làm sao để viết truyện dài khi mới tham gia ạ . Em không hiểu ạ .
Mong chị giúp cho ạ ! Em cảm ơn nhiều ạ
 

Bí Bứt Bông

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
30/9/14
Bài viết
163
Gạo
40,0
Chương 35: Bạn cũ

Trong đám con ông cháu cha ở Quốc Tử Giám, nổi tiếng nhất phải kể đến Lê Khắc và Lê Hoằng Dục.

Lê Khắc là con nuôi của đại tư đồ Lê Sát, võ nghệ hơn người, vừa vào trường đã được bọn hậu duệ cánh võ tướng trong triều tôn làm thủ lĩnh. Lê Hoằng Dục là quý tử của thiếu phó hữu bật Lê Văn Linh, từ nhỏ đã được tiếng siêng năng hiếu học, là tấm gương soi đường chỉ lối cho bọn học trò gia thế cao học thức thấp trong trường. Lúc mới chân ướt chân ráo vào trường, không bạn không bè, tôi chỉ được nghe những lời đồn đại về Lê Khắc. Mãi đến sau kỳ kiểm tra đầu tiên, nhìn lên bảng điểm đặt giữa sân trường, tôi mới biết hoá ra nơi này vẫn còn một nhân vật thứ hai.

Tôi chắp hai tay sau lưng, nhíu mày nhìn thằng nhóc ngồi đối diện, nghi hoặc hỏi: “Cậu là ai?”

Chén trà lãng đãng khói trên tay nó dường như hơi khựng lại.

Lê Hoằng Dục từng là thái tử tẩy mã (1) do đích thân tiên đế chọn, kề cận Phạm Nguyên từ năm tám tuổi, nhưng so với tôi, mối quan hệ giữa hai người họ lại có vẻ không thân thiết lắm. Nó ít nói, tôi khi ấy lại tự ti nên đôi bên hầu như chẳng qua lại bao giờ. Học chung mấy tháng nhưng ấy tượng của tôi về nó lại khá nhạt nhoà: mặt mày sáng sủa, thích đọc sách uống trà, thấy đám đông ồn ào, tranh cãi, đánh nhau thì bỏ sách xuống, hoặc ngủ, hoặc lôi túi lạc rang ra nhai nhóp nhép, chờ mọi chuyện yên rồi đọc tiếp. Ít va chạm nên tôi với nó cũng không thù không oán. Tính ra, tôi chỉ canh cánh trong lòng mỗi chuyện nó nhỏ tuổi hơn tôi nhưng thành tích lại luôn giỏi hơn tôi. Cũng chính vì có một đứa “vừa giàu vừa giỏi” như nó trong trường, nên tiếng thơm “nghèo mà vẫn giỏi” của tôi chỉ toả sáng được một thời gian. Về sau, người ta vẫn chuộng “vừa giàu vừa giỏi”.

Hơn một năm trước, từ một đứa mẫu mực ngoan hiền, nó đột nhiên trở chứng. Bài luận chả chịu làm, giờ học Luận Ngữ thì mang tranh ra vẽ, lúc học bắn cung thì ngồi nhịp chân đọc Kinh Thi, khiến các thầy đau đầu một hồi, khuyên nhủ trách mắng mãi không được, cuối cùng cũng phải bẩm lên cha nó. Nghe đâu sau đấy nó bị gia đình bị đẩy về quê tu tâm dưỡng tính. Dần dần, mọi người cũng quen với sự vắng mặt của nó, chẳng còn ai bàn tán, đoán già đoán non về nó nữa.

Thật không ngờ, bẵng đi một thời gian, tôi lại tình cờ gặp nó ở nơi này.

Một đứa trẻ lớn lên trong ánh hào quang như nó, nhận ra tôi nhưng lại bị tôi quên mặt dĩ nhiên là tức. Nó có tức thì mối hận này của tôi mới nguôi ngoai được. Đời tôi chưa bao giờ muối mặt như lần bị doạ đêm qua!

“Sách bảo người tóc xoăn trí nhớ không bằng được người thường, quả đúng là như vậy.” Nó nhấp một ngụm trà, vừa cất giọng điềm tĩnh vừa gật gật gù gù như đang nghiền ngẫm.

“Sách nào?” Tôi tự ti nhất chính là mái tóc này. Không giống thầy, không giống mẹ, cũng chẳng giống mọi người, nên lúc nhỏ cứ bị bọn bạn mang ra trêu chọc.

“Quyển ‘Nhân tướng học’ của Chu Thế Minh (2), ẩn sĩ núi Yên, bạn thơ của Mạnh Hạo Nhiên.” Thằng nhóc ấy đáp lại với vẻ vô cùng tâm đắc.

Chưa từng nghe qua!

Tôi bĩu môi, ánh mắt chậm rãi lướt qua khu vườn một lượt. Trà nước đầy đủ, bánh ngọt ê hề, ngoài đôi ba con gà đang chăm chỉ mò giun, nơi này chỉ có nó vào tôi. Đến nhà người ta ở mà được một mình một cõi, tự do sai bảo người hầu, dẫn khách vào vườn, đúng là con ông cháu cha có khác.

“Tôi với cậu không thù không oán, sao cậu lại bày trò dọa ma tôi?”

Nó xòe quạt, phẩy phẩy mấy cái dưới gió lạnh mùa đông: “Chọn ai làm mồi là quyết định của bọn trẻ kia, đâu phải của ta.”

“Vậy việc cậu ở đây chờ tôi là thế nào?” Tôi phủi ghế rồi ngồi xuống đối diện nó, vờ lên giọng như đang chất vấn. “Và sao cậu biết mà gọi đúng tên tôi?”

Nó chợt cười, lại phẩy quạt, lạnh đến nỗi tôi ngồi cách một sải tay còn thấy run run.

“Mới một năm không gặp, vẻ nhẫn nhịn ngày xưa sao đã biến đi nhanh thế!”

Tôi nhìn nó, nó nhìn tôi, khoé môi cả hai không hẹn mà cong lên cùng lúc. Một nụ cười ngắn ngủi ra hiệu cho đối phương: “Biết tỏng cậu rồi!”

Trước đây xa lạ, nay gặp lại, chẳng hiểu sao lại cảm thấy thân quen.

Hơn một năm, nhiều chuyện đã đổi thay. Tôi đã có chỗ dựa là Lê Sát, không cần phải khúm núm, hèn mọn, chỉ cầu yên ổn qua ngày. Gặp bọn trẻ con cháu công thần, đầu cũng đã có thể ngẩng cao hơn trước. Còn nó, ngày nào như ánh trăng lấp lánh giữa bọn trẻ chốn kinh kỳ, giờ lại phải nép mình ở một góc quê nghèo, xa cách nơi phố thị cao sang quyền quý. Vẻ lạnh lùng, già dặn đã phai đi ít nhiều rồi.

Trước đây tôi chẳng quan tâm nó lắm. Phần vì xuất thân khác biệt nên không dám trèo cao, phần vì lúc ấy tôi chỉ biết nhìn bề nổi, thấy Lê Sát quyền thế nghiêng trời mà không thấy những ảnh hưởng âm thầm của Lê Văn Linh đối với văn võ trong triều.

Tuy là quan văn, nhưng lúc còn khởi nghĩa Lê Văn Linh cũng từng có dịp điều binh khiển tướng, nên so với đa số những quan văn còn lại ông ta được cánh võ tướng xem trọng hơn nhiều. Huống hồ, lúc tiên đế còn tại thế, ông ta còn là người được lệnh chiêu mộ và tiến cử những nhân tài rải rác chưa được triều đình trọng dụng. Chỉ riêng những mối quan hệ từ nhiệm vụ này thôi cũng đã khiến vị thế của ông ta khác hẳn những quan lại khác trong triều. Năm ngoái Bùi Ư Đài dâng sớ xin Phạm Nguyên giảm bớt quyền lực của phe Lê Sát, bị Lê Sát khép tội ly gián quân thần, nhưng Phạm Nguyên tiếc một trung thần nên cứ chần chừ không xử, dù đã được hai ngôn quan kỳ cựu khi ấy là Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ khuyên giải nhiều lần. Chỉ đến khi Lê Văn Linh lên tiếng, việc mới hạ màn. Cậu ta hiểu nếu Lê Văn Linh đã lên tiếng, tiếp theo đấy cũng sẽ kéo theo cả khối người lên tiếng.

Một đứa võ nghệ làng nhàng như tôi muốn nhờ võ tiến thân rất khó. Trong thế giới của những kẻ thích dùng quyền cước để kết giao, dù được Lê Sát nâng đỡ, nếu tôi không có thực tài thì sớm muộn cũng bị những võ tướng khác bằng mặt không bằng lòng, thậm chí là ghét bỏ. Tiến thân nhờ văn tính ra lại thích hợp với tôi hơn. Xét thế cuộc lúc này, Nguyễn Trãi thì bị phe Lê Sát chèn ép không dậy nổi, Bùi Quốc Hưng thì địa vị cao nhưng quyền lực lại ít dùng, gần như an phận thủ thường. Có thể nói, trong cánh quan văn, Lê Văn Linh chính là cây cao bóng cả thích hợp để tôi nương tựa nhất hiện nay.

“Nếu tôi nhớ không lầm thì quê cụ thiếu phó ở Hải Lịch?”

Bàn tay nó vẫn quạt đều đều: “Về quê đâu nhất định phải ở quê cha.”

Tôi gật đầu, lại hỏi: “Nghe nói cậu là họ hàng xa của ông phú hộ nhà này?”

Nó khẽ xoay cây quạt: “Ta vốn ở làng bên, tháng trước sang đây dạo một chút, tiện tay phá một vụ trộm trong nhà nên họ quý mà thết đãi thôi.”

Tôi nghiêng đầu, hứng thú hỏi: “Trộm? Trộm gì?”

Theo tiếng quạt gió lạch phạch nhịp nhàng, nó nhấp một ngụm trà, bắt đầu ngồi kể về chiến tích của mình.

Số là nhà ông Cả Lịch cũng có chút của ăn của để, lại mê đồ cổ nên từng tậu về cái lọ hoa gốm men nâu rất đẹp, lưu lạc từ thời nhà Lý. Vừa rước được đồ quý về, ông Cả Lịch đã hớn hở sai tôi tớ đi mời các phú ông khác đến để khoe khoang. Nào ngờ, trước hôm gặp khách, bình hoa lại bị người ta trộm mất. Hôm ấy Lê Hoằng Dục đến làng này xin vài loài hoa lạ về trồng, tình cờ nghe bọn người hầu buôn chuyện nên tiện thể theo mọi người đến ngó nghiêng một chút…

Hồi còn ở kinh thành, Hoằng Dục là một thằng nhóc cực kỳ ít nói. Thế mà về quê mới hơn một năm nó đã nhiễm thói ngồi lê đôi mách của các bà cô rỗi việc lúc nông nhàn, mở miệng ra là kể một tràng, chẳng cần ai hỏi.

Nghĩ đến vẻ lạnh lùng ngày nào của nó, tôi chợt thấy buồn cười.

Nó đặt cây quạt “cạch” xuống bàn một cái, cắt ngang tiếng cười khúc khích cố nén của tôi, cũng cắt ngang câu chuyện của chính mình.

“Xin lỗi.” Tôi nói xong bèn mím môi, đưa hai tay lên che miệng lại, sợ nó hiểu lầm mình đang cười nhạo chiến tích bắt trộm huy hoàng của nó.

Tuy lúc uống trà cử chỉ của nó vẫn tao nhã như thường, nét mặt cũng không có vẻ gì là tức giận, nhưng tôi đoán trong lòng nó lúc này hẳn là đang mang cái tên của tôi ra giẫm giẫm dưới chân, chà chà dưới gót.

Có lẽ sự thay đổi của nó cũng không nhiều như tôi đã nghĩ. Người có tài thường kiêu ngạo, cũng thích khoe tài, nhưng nếu sự ưu tú của họ chỉ được ca ngợi bởi những kẻ tầm thường, cảm giác thoả mãn ấy dần dần sẽ trở nên nhàm chán, còn không bằng một lần chiến thắng những người được xem là ngang tài ngang sức với mình. Kinh thành là chốn hào kiệt đổ về, là nơi lắm hổ phụ sinh hổ tử, chứng tỏ bản thân ở chốn ấy mới là thành tựu. Ở đây, được tán tụng nhiều, nhưng có hơn cũng là hơn những đứa trẻ chân lấm tay bùn, cả ngày quanh quẩn bên mớ rau con tép, có gì là vẻ vang đâu. Đó cũng là lý do dù bọn trẻ ở quê nhà rất tốt, rốt cuộc tôi vẫn chỉ thích ở cạnh Phạm Nguyên.

“Không phải tôi chế nhạo chuyện bắt trộm của cậu đâu, nhưng giờ đang là mùa đông, cậu cứ cầm quạt phẩy tới phẩy lui như thế suốt buổi trông buồn cười lắm, tôi không nhịn được, nên…” Nếu tôi nhớ không lầm thì lần trước khi đãi tiệc tiễn Lê Văn Linh xuất quân thảo phạt, cây quạt trên tay ông ấy cũng từng trở thành chủ đề giúp vui của các lão thần. Thằng nhóc này hở ra là trầm ngâm, cầm quạt phe phe phẩy phẩy ra điều bí ẩn, không chừng là đang cố bắt chước cha thôi.

Thấy nó vẫn dửng dưng, thong thả hớp một ngụm trà, tôi cười cười hỏi: “Con người hầu bị thương ở cánh tay ấy là đồng loã phải không?”

Đến lúc này, nó chịu mới nhìn tôi: “Tại sao?”

“Nếu bảo tôi đến hiện trường quan sát, sợ là tôi sẽ chẳng nghĩ được gì.” Tôi đáp. “Có điều, câu chuyện này đã được kể qua góc nhìn của cậu. Những gì diễn ra xung quanh vụ án nhưng lại không có vai trò quan trọng cậu sẽ lược đi để tôi không bị phân tâm, đồng thời dễ liên hệ các tình tiết với nhau, như vậy lúc biết được đáp án sẽ thấy mọi việc hoàn toàn hợp lý. Tuy là cậu chỉ mới kể một đoạn thôi, nhưng việc con hầu ôm tay than khóc cậu lại kể đến ba lần, chắc chắn chuyện này có gì ẩn khuất.”

“Vậy cậu có còn muốn nghe đoạn tiếp nữa không?” Nó đung đưa cây quạt, nhìn tôi.

Tôi đùa bảo: “Cậu bỏ cây quạt xuống thì tôi nghe, chứ cậu quạt hoài quạt mãi, tôi lạnh đến sắp hắt hơi rồi.”

Nó lại gõ quạt “cạch” xuống bàn một cái, nhưng lần này đã không cầm lên nữa.

Tôi không mấy hứng thú với những chuyện kiểu này, nên nêu một nhận xét chứng tỏ mình cũng quan tâm xong thì cứ lẳng lặng ngồi đấy, để lời kể của nó trôi từ tai này qua tai nọ. Nó kết thúc câu chuyện bằng một ngụm trà. Còn tôi, chỉ đơn giản khen một câu: “Ồ, chả trách…” không thờ ơ, cũng không xu nịnh.

“Cậu đã thích bắt trộm như vậy, giờ tôi đố cậu một câu về bọn trộm, thế nào?” Tôi nhướn mày nhìn nó.

Nó liếm môi: “Nói thử xem!”

Tôi nhìn trời nhìn mây một lúc, từ tốn nói: “Có năm tên trộm đột nhập vào một nhà phú hộ, lấy đi chuỗi ngọc trai gồm một trăm viên. Vì trời mưa nên trên đường trốn chạy chúng phải dừng lại ở một ngôi miếu hoang. Tại đây, chúng bắt đầu phân chia số ngọc, lấy bức tượng trong miếu làm người làm chứng, cùng thề rằng nếu ai làm trái với nguyên tắc đã giao bước ra ngoài sẽ bị thiên lôi đánh chết. Những viên ngọc này đều là hàng cực phẩm nên ai cũng muốn giành phần về mình càng nhiều càng tốt, nhưng do bị ràng buộc bởi lời thề nên chúng phải tuân thủ theo nguyên tắc. Đầu tiên, người thủ lĩnh sẽ đứng ra chia số ngọc. Hắn có quyền cho hoặc không cho ai, cho bao nhiều tuỳ ý, nhưng phải đạt được sự tán thành của ít nhất phân nửa số thành viên trong bọn, bao gồm cả hắn. Nếu quyết định của hắn không đạt được đủ sự tán đồng này, hắn sẽ bị giết, và tên lớn tuổi nhất trong bốn tên còn lại sẽ vào vai trò thủ lĩnh và nắm quyền chia ngọc. Tên thủ lĩnh mới cũng bị chi phối bởi nguyên tắc đã đưa ra kia ra, và nếu hắn không đạt được đủ sự tán đồng, hắn sẽ bị giết để tên lớn tuổi tiếp theo lên thay, cứ như vậy cho đến khi việc chia ngọc được hoàn thành đúng theo nguyên tắc.” Tôi chống cằm, nhẹ nhàng nhoài người về phía nó, cất giọng thần bí như dụ dỗ: “Cậu nghĩ xem, với nguyên tắc ấy, tên thủ lĩnh đầu tiên có thể lấy tối đa bao nhiêu viên ngọc?” (3)

Nó im lặng cúi nhìn chén trà đã nguội, đầu móng tay đều đặn nhịp vào thân chén, tạo nên thứ âm thanh trong trong rất khẽ.

Bốn năm trước, thầy đã dùng câu đố này để giúp tôi đỡ buồn chán lúc phải giam mình dưỡng bệnh vì thuỷ đậu. Đến khi khỏi bệnh, tôi vẫn nghĩ không ra, phải nài nỉ mấy ngày thầy mới chịu chỉ cho đáp án. Tôi không tin Lê Hoằng Dục dễ dàng giải được câu này.

“Cậu có thể từ từ suy nghĩ. Hy vọng lần sau gặp lại, cậu có thể cho tôi một giải pháp vẹn toàn.” Tôi đứng dậy, chậm rì rì vuốt lại những nếp nhăn trên áo, đầy lễ độ bỏ lại một câu rồi đủng đỉnh bước đi.

Tôi muốn nó phải nhớ đến tôi.



Mảnh đất này dường như chẳng muốn để tôi đi. Cứ mưa rồi tạnh, tạnh lại mưa, rả rích từ lúc chớm trưa đến tận xế chiều, khiến tôi càng lúc càng trở nên lười nhác, chỉ muốn nằm ì một chỗ.

Tôi ngủ thiếp đi, cũng không biết đã ngủ bao lâu, lúc tỉnh dậy cả người lạnh cóng. Ngoài trời gió rĩ mưa rền. Tôi ngồi dậy, ngây người. Nhìn khung cửa sổ, nghe tiếng mưa rơi, sờ manh chiếu mục, trong lòng chợt cảm thấy có chút gì đấy hoang mang.

Rồi, nỗi hoang mang chẳng biết từ đâu ập đến ấy lớn dần. Từng cái chăn, cái ghế, cái ấm trà… tất cả những thứ hiện hữu trước mắt đều khiến tôi sợ hãi. Trong thoáng chốc, tôi quên mất vì sao mình lại ở đây. Thậm chí quên mất mình là ai, mình muốn làm gì, mình định làm gì. Chỉ biết, lúc nhìn bốn bề, phát hiện ra mình chỉ có một mình, tôi sợ lắm.

Tôi nép mình vào bức vách, bưng mặt khóc nức nở một hồi, rốt cuộc cũng tỉnh ra. Mưa đã tạnh, gió đã ngừng. Chỉ còn những giọt nước tí tách nhỏ xuống từ mái lá. Lưa thưa, chầm chậm, đều đều. Nghĩ lại, tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình bật khóc. Thầy tôi mất hai năm, tôi rời khỏi gia đình hai năm, sống ở một nơi xa lạ cũng đã hai năm. Vốn dĩ, đã chẳng còn biết sợ cô đơn. Huống hồ, đây cũng không phải lần đầu tôi một mình về quê, một mình trở lại kinh thành, một mình tỉnh dậy nơi đất lạ.

Tôi lau khô nước mắt, cố gạt nỗi ủ rũ mơ hồ ấy ra khỏi đầu mình. Khoác vội tấm chăn mỏng thoang thoảng mùi ẩm mốc, tôi lê cái bụng đói sục sạo tới lui trong căn bếp nhỏ tuềnh toàng, tìm được mấy quả chuối chín, vừa đủ qua cơn đói. Nhà ông lão lái đò chả khá giả gì, nên tôi không nỡ ăn gạo của ông, dù trước khi ra bến ông đã dặn nếu đói thì cứ lấy gì nấu lên ăn cũng được.

Lúc tôi ăn xong, tiếng nước mưa cũng đã trôi xa, chỉ để lại bốn bề tĩnh lặng. Nhìn cảnh cỏ cây tinh khiết, mát lành như được gột bỏ hết bụi trần, tôi không khỏi nhớ đến mấy câu thơ của thiền sư Huyền Quang, bèn thuận miệng ngâm:

Vũ quá khê sơn tịnh,

Phong lâm nhất mộng lương.

Phản quang trần thế giới,

Khai nhãn tuý mang mang.

(Sau mưa núi lặng khe trong,

Êm đềm một giấc rừng phong lặng tờ.

Ngoảnh nhìn thế giới bụi mờ,

Mở to đôi mắt mà ngờ như say.)

(4)

Thơ đọc xong, lòng cũng nhẹ dần. Sợ mình thức tiếp lại nghĩ vẩn vơ, tôi nằm xuống, vùi mình vào chăn cố tìm lại giấc ngủ ban đầu.

Lần này, lúc tôi tỉnh dậy, trời đã tối mù.

“Dậy rồi à? Đói bụng chưa, ăn tí cháo hành cho ấm người.”

Tôi gượng người ngồi dậy, đầu óc vẫn còn mơ màng nên hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy ông lão lái đò. Đón lấy bát cháo hành nghi ngút khói từ ông, tôi lí nhí cảm ơn: “Ông về lúc nào thế ạ?”

“Về lâu rồi, nhưng mày bị bệnh ngủ say như chết nên ông cũng không đánh thức.”

Thấy bên ngoài vẫn lác đác tiếng mưa, tôi chợt hỏi: “Lúc ông về còn mưa không ạ?”

“Mưa đâu, gần như là bão ấy chứ! May mà cậu Quý còn nhớ đến lão già này, vòng xe ra bến cho lão đi nhờ, nếu không là ướt như chuột lột rồi.”

“Cậu Quý là ai thế ông?” Tôi hớt một thìa cháo nhỏ, cúi đầu hì hục thổi.

“Là cậu lớn nhà ông cả Lịch, anh thằng Hiển. Hồi còn trẻ ông từng làm thuê cho nhà họ, hay cõng cậu ấy đến nhà thầy đồ để học.”

Tôi vui vẻ góp lời: “Lâu vậy rồi mà anh ấy vẫn còn tốt với ông, hẳn là người tốt tính lắm.”

“Ừ, tiếc là cậu ấy hơi chất phác nên ông cả Lịch không thích lắm, từ ngày bà nhỏ sinh thằng Hiển, cậu ấy càng bị bỏ rơi.” Ông thở dài.

“Ít nhiều gì cũng là con trưởng mà ông…”

“Con trưởng thì sao? Vua ta cũng truyền ngôi cho con nhỏ, bỏ bê con cả đấy thôi!” Làng này cách kinh thành cũng khá xa, có lẽ vì vậy mà người dân chả ngại bàn tán chuyện triều đình. “Mày chưa làm cha nên không hiểu, con trưởng quý thì quý thật, nhưng bốn năm chục tuổi sinh được thằng con trai thì còn quý gấp đôi ấy chứ. Nhìn nó nũng nịu, ngày ngày lon ton chạy theo mình, yêu không để đâu cho hết. So với thằng con lớn đã bắt đầu biết tính toán vun vén cho gia đình riêng thì lại càng thấy thằng con nhỏ ngây thơ ngoan ngoãn mới đúng là con.” Ông lắc đầu chán nản. “Huống hồ, bà cả đã mất lâu rồi, bà nhỏ lại được lòng ông Cả Lịch, mà xưa nay người ta quen yêu mẹ thì bế con. Tính cậu Quý hiền quá, sau này chia gia tài sợ là bị người ta qua mặt mất thôi.”

Tôi gật đầu vỡ lẽ, trong đầu hiện lên hình ảnh mờ nhạt của Quận vương, người mà mình chỉ gặp đôi lần. Tôi vẫn nghĩ tiên đế truyền ngôi cho Phạm Nguyên là vì không ưa những người theo phe Quận vương, nhưng xem ra đấy cũng chẳng phải lý do duy nhất. Hoá ra năm ấy Phạm Nguyên tuy giả vờ siêng năng mẫu mực nhưng trước mặt tiên đế đôi khi vẫn lộ tính trẻ con cũng là có nguyên nhân.

Tiên đế là cha cậu ấy, nhưng cũng là kẻ đưa mẹ cậu ấy vào chỗ chết. Suốt bao nhiêu năm qua, cậu ta đã đối mặt với người cha này thế nào?

Yêu?

Kính?

Sợ?

Hay là hận?



Trong làng không có thầy lang nên mọi người đã quen tự chữa bệnh bằng những loại cây cỏ quanh nhà. Uống thuốc của ông lão lái đò được vài hôm thì bệnh tôi khỏi hắn, vừa lại sức đã ra ngoài dạo lòng vòng cho khuây khoả.

“Một… hai… ba… bốn!”

Vút.

“Một.. hai… ba… bốn…”

Vút.

Tiếng tiếng đếm xen kẽ tiếng quất roi cứ vang lên lanh lảnh một góc đường. Lúc đến gần, tôi mới phát hiện đám nhóc này cũng chẳng phải ai xa lạ. Cái Hạnh, con bé lanh lợi nhất đám đang cầm một cái roi dài quất quất vào không khí. Bọn trẻ trai thì đang đứng xếp hàng, lần lượt nhảy lên cao. Tôi nhìn một hồi mà chả hiểu chúng nó định làm gì.

“A, anh Phương!”

Con bé vừa thấy tôi đã hớn hở ném roi chạy lại. Tôi mỉm cười nhìn nó, rồi lướt mắt sang bọn nhóc còn lại đang đứng phía sau. So với bọn trẻ trai lem luốc, quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù, một đứa quần áo sạch sẽ tinh tươm, nói cười nhã nhặn, lại còn có cái danh học trò chốn kinh kỳ như tôi quả là sinh ra để làm xiêu lòng các thiếu nữ mà!

“Các em đang chơi gì vậy?”

“Bọn nó đang nhảy mướp ạ!” Con bé đáp.

“Nhảy mướp?”

Nó cười cười: “Từng người một lần lượt nhảy lên, càng cao càng tốt, sao cho trán chạm vào quả mướp. Rèn luyện thân thể, tăng chiều cao anh ạ!”

“Một đồng một buổi, muốn nhảy bao nhiêu tùy thích.” Một thằng nhóc trong đám lên tiếng.

Tôi bưng miệng cười, còn cái Hạnh thì liếc xéo thằng nhóc nọ.

Cả bọn bảy đứa, tổng cộng bảy đồng, rèn luyện thân thể là chuyện phải làm thường xuyên nên bọn này ít nhất cũng phải đến đây mỗi tháng mười ngày. Thế là một tháng con bé kiếm được bảy mươi đồng, còn hơn một quan tiền.

Nhìn dáng con bé cũng đủ biết bọn trẻ trai này tụ tập lại đây mà không phải nơi khác là có lý do. Hồi ở làng cũ tôi cũng từng gặp chuyện này. Mấy thằng nhóc bình thường hổ báo cho lắm vào, vậy mà cứ có con bé nào xinh xinh sai bảo một tí là răm rắp nghe lời, anh hùng khó qua ải mỹ nhân.

“Ai cho bọn mày đến trước?” Tiếng quát của thằng Hiển thình lình vang lên khiến cả bọn giật mình.

Đây là lần thứ hai tôi gặp nó, ấn tượng cũng chẳng có gì đặc biệt. Khiến tôi chú ý chỉ có người đang đi bên cạnh nó mà thôi.

“Tôi đang định đi tìm cậu, không ngờ lại gặp cậu ở đây.” Tôi sải bước tiến về phía Lê Hoằng Dục, hồ hởi cất tiếng chào.

Nó nhướn mắt nhìn tôi: “Hửm?”

Vẻ mặt nhàn nhạt này chứng tỏ một điều: Nó chưa tìm được lời giải cho câu đố.

“Lần trước quên kể với cậu một dữ kiện quan trọng.” Tôi nói.

Ánh mắt nó sáng lên, nhưng vẫn ra vẻ thản nhiên: “Sao?”

“Tên thủ lĩnh có quyền thuyết phục từng người trong bọn, nhưng lý do đưa ra đều phải tuân theo quy luật.”

“À…” Nó gật gật đầu.

Tôi không rõ khả năng suy luận của nó đến đâu, chỉ chắc chắn một điều là mình còn muốn gặp lại nó dài dài. Nghĩ ra ngay lời giải sẽ khiến nó nhanh chóng mất đi hứng thú, nhưng nghĩ mãi không ra về lâu dài lại tổn thương sự tự tin của nó. Thôi thì cứ để tôi làm kẻ đãng trí, lâu lâu lại “Ồ” lên một tiếng, gãi đầu bẽn lẽn thông báo mình đã quên kể cho nó một dữ kiện quan trọng vậy.

“Nghe nói ngày mai cậu về Hải Lịch?” Tôi đi dọc theo dải rào nứa nhà cái Hạnh, lướt qua những bụi mồng tơi xanh ngắt vẫn còn đẫm hơi sương, tay thỉnh thoảng lại vân vê những quả con con đã ngả màu tím thẫm.

Người phía sau vẫn thả bước không tiếng động. “Ừ.”

“Nếu nơi nào cũng sinh ra được một nhân vật lớn như quan thiếu phó thì người dân đã chẳng khổ thế này.” Tôi xoay người, vừa đúng lúc nhìn thấy ánh mắt nó đang dõi theo làn khói bếp mỏng manh từ phía ngôi nhà đối diện. “Làng này đàn ông đi lính nhiều, chết cũng nhiều, thế mà chỉ được chia mấy mảnh đất cằn cho có lệ, cả nhà cùng cày cũng chẳng đủ ăn, trong khi tấu chương dâng lên vua thì toàn tốt khoe xấu che. Có về chốn xa xôi hẻo lánh này mới thấy, chuyện bọn quan địa phương bẩm về triều có đến quá nửa là giả dối.”

“Được chia đất thế đã là may.” Nó thủng thẳng đáp. “Mấy tháng trước triều đình điều tra rầm rộ, gông cổ được một đám tham quan ô lại nên tên quan huyện vùng này mới buông mấy mảnh đất cằn cỗi kia ra. Hồi ta mới đến lần đâu, dân ở đây còn chẳng có đất mà cày.”

“Nghe nói năm sau triều đình sẽ giảm thuế cho những người góa bụa. Không biết tin này có được thông báo xuống dân đen theo đúng luật không, hay quan trên lại tiếp tục thu thuế rồi bỏ túi riêng.” Tôi ngán ngẩm. “Có câu ‘Tiếng lành đồn gần, tiếng xấu đồn xa’.Bệ hạ còn nhỏ, lại lên ngôi chưa lâu, phép nước chưa lèo lái được vào nề nếp, nên cứ hay sợ dân khổ lại oán mình. Cũng tội lắm…”

Sau hôm động đất, suốt mấy ngày liền tôi đều phải theo lệnh Phạm Nguyên đi dạo lòng vòng mấy quán nước trong thành, nghe ngóng xem người ta có bàn tán, đồn đại gì không. Dù người đời cũng hiểu cậu ta còn nhỏ, quyền lực chủ yếu về tay tể tướng nên không oán cậu ta, nhưng nghe dân chúng than vãn mình thơ dại ngây ngô, chỉ biết chơi chứ chẳng biết gì, tôi nghĩ cậu ta cũng khó mà vui nổi.

“Từ lúc sinh ra, cái thế của bệ hạ đã khó rồi.” Giọng đứa trẻ từng làm thái tử tẩy mã ấy nhẹ như một tiếng thở dài.

Tôi gật đầu, chậm rãi buông từng chữ: “Thứ gì cũng có, nhưng lại chẳng có thứ gì là thực.”

Nó nhìn tôi, dường như trong mắt có ánh cười, nhưng cái nhìn ấy đọng lại không lâu.

“Hồi chưa vào kinh cuộc sống của cậu thế nào?” Nhìn lũ thằng Hiển, cái Hạnh phía xa hết cãi vả rồi lại tíu tít cười đùa, trong thoáng chốc tôi cảm giác có chút gì đấy giống như mất mát.

Quãng thời gian hai năm ở chốn lầu son gác tía đã khiến tôi không thể trở lại thuở vô tư chân thành ấy nữa.

“Trước lúc đổi đời à?” Nó đan hai tay vào nhau, đầu hơi ngẩng lên, ánh mắt dừng lại nơi bọn trẻ đang vờn nhau ầm ĩ: “Cũng giống bây giờ, đọc sách rồi lại lang thang nhìn bọn bạn chơi thôi. Hồi ấy đám ở trường vẫn chưa thích phô trương, khoe của. Đến con cá củ khoai còn phải dè sẻn thì đào đâu ra món gì quý để ganh nhau. Chuyện bè nhóm cũng chưa gay gắt lắm, hơn nữa lúc ấy còn bé quá nên lúc chơi với nhau cứ nghĩ gì nói nấy, thậm chí có khi chưa nghĩ đã nói rồi.”

Tôi nghĩ một chút rồi hỏi: “Thế cậu thấy sống túng thiếu nhưng đơn giản và ấm áp, hay sống sung túc nhưng toan tính và cô độc tốt hơn?”

Nó cười, vừa hỏi vừa tiến về phía một cái ao bèo gần đấy: “Đang hỏi về bản thân sao?”

Tôi cũng cười đáp lại, cằm hơi hất lên: “Thì cứ cho là vậy đi.”

“Với người này thì tiền tài danh vọng mới là lý tưởng sống, với người khác thì tự do tiết tháo mới là sinh mạng. Hơn nữa, tiền tài danh vọng không phải lúc nào cũng xấu, tự do tiết tháo càng không phải ai cũng biết dùng đúng chỗ. Từ ngoài nhìn vào, quả thật rất khó mà phán xét.” Nó tước lá từ một tàu dừa nằm lăn lóc cạnh bờ ao, vừa đón lấy ánh nhìn chăm chú của tôi, vừa chậm rãi biến chiếc lá vẫn còn xanh mươn mướt ấy thành một con châu chấu. “Lão tử nói: Biết đủ là đủ, tức là đủ; biết nhàn là nhàn, tức là nhàn. Ta nghĩ, nhiều lúc nếu không làm chủ được cuộc đời, ít ra cũng phải làm chủ được lòng mình, đãi cát tìm vàng. Nếu chỉ biết đứng núi này trông núi nọ, thả mồi bắt bóng, thì nghèo cũng khổ mà giàu cũng khổ, tầm thường cũng khổ mà phi thường cũng khổ.”

Tôi hít một hơi thật sâu, ngồi xuống nghịch mấy tai nấm dại vàng vàng trắng trắng cạnh gốc cây, tặc lưỡi: “Phải chi có thể làm trẻ con mãi nhỉ?”

Nó nhún vai, chọn lấy một cành cây chắc chắn rồi phóng lên ngồi.

“Bao giờ cậu mới trở lại kinh thành? Không phải cậu định ở đây làm thầy đồ rồi sống vậy đến già luôn đấy chứ? Trong trường có một bọn mới vào, học giỏi cực kỳ, nghe tiếng cậu cứ muốn so tài mãi mà không được.”

“Là bọn mới được tuyển đầu năm ngoái?” (5) Nó có vẻ quan tâm.

“Ừ.” Tôi gật đầu, ra vẻ vừa sực nhớ ra một chuyện, nói như trêu. “À, có đứa ác mồm còn bảo cậu vì ganh tị khi mẹ sinh em gái nên bỏ về quê nữa đấy! Cậu mà không về là không sớm thì muộn danh tiếng cũng tiêu tan.”

Nó chợt gắt lên: “Nói bậy!”

Phản ứng ấy khiến tôi ngẩn cả người.

Thấy nó trọng thanh danh nên tôi vớ tạm một chuyện đâu đâu để khích nó thôi, lẽ nào nó ganh em nên nổi loạn rồi bị đuổi về quê thật?

“Ai thông minh cũng biết là không phải, nhưng người ta thích đồn thì vẫn cứ đồn thôi…” Tôi nhặt một hòn đá nhỏ, hờ hững ném xuống ao bèo. “Mà kể ra có ganh em thật thì đã sao, nhiều người muốn ganh cũng chả có em mà ganh ấy chứ!”

Chỉ là một câu nói vô tình, nhưng lúc nói ra, chẳng hiểu sao tim tôi thắt lại.

“Sao vậy?”

“À, nghĩ đến chuyện nhà thôi.” Tôi cười trừ.

Gió càng lúc càng to, chúng tôi phải bước vội ra sau một gốc đa.

“Sau Tết dưới làng Mưng có hội đua thuyền, cậu có rảnh thì đi với bọn thằng Hiển cho vui.”

“Cậu có đi không?”

“Chắc là không đi được.” Nó đáp. “Nếu cậu đi, mong là cậu có thể giúp ta một việc.”

“Sao?”

“Năm ngoái ta cũng đi chơi hội, tình cờ quen được một cậu học trò ở đấy, nhưng lúc về chẳng hiểu bất cẩn thế nào lại lấy nhầm sách của người ta. Ông cháu cậu ấy thường ngao du nhiều nơi nên ta không tìm được, cũng không biết chỗ trả sách, định bụng đến lễ hội lần này sẽ tìm cậu ta trả lại. Cậu là người cẩn thận, nếu cậu giúp được ta thì tốt quá.”

“Chỉ sợ biển người mênh mông, tôi lại không biết mặt mũi cậu ấy tròn méo thế nào.”

“Bọn ta có hẹn năm nay sẽ gặp lại ở khúc sông có ba cây dừa chụm vào nhau. Cậu ấy tên Lý Quang, cũng trạc tuổi chúng ta, mặt mày lém lỉnh, kiến thức về đạo Phật và Lão đều rất tốt, thường đi cùng với ông cậu ấy. Ông cậu ấy thì râu tóc đã bạc cả rồi, bề ngoài trông khá bình dị và hài hước, nhưng dáng điệu nhìn vào là biết văn nhân.”

“Nếu hai người họ đi cùng nhau có lẽ cũng không đến nỗi khó tìm.” Tôi đáp.

“Cảm ơn cậu.” Nó tiến đến gần tôi, thân thiết bảo. “Trả ơn bằng một gói trà hồng mai nhé?” (6)

Tôi ra vẻ trang trọng: “Giao tình của quân tử nhạt như nước, giao tình của tiểu nhân ngọt như rượu (7)…” Sau đó lại cười: “Tôi không quân tử, cũng chẳng tiểu nhân, tặng trà được đấy.”



Thế giới bên ngoài rộng lớn và đầy màu sắc hơn nhiều so với hoàng cung.

Tôi theo Phạm Nguyên lúc chỉ chừng mười tuổi, kinh nghiệm sống ít ỏi, chỉ dựa vào chút thông minh vặt nên suy nghĩ nhiều lúc vẫn còn cứng nhắc và hời hợt. Đa số tôi chỉ hiểu việc, còn quan hệ giữa người với người thì chẳng hiểu được bao nhiêu, trong khi người đời thường vẫn hành động dựa vào tình cảm và cảm tính. Nếu không nhờ người khác khinh địch, cho là tôi còn nhỏ chẳng biết gì, những chuyện tôi làm có lẽ đã khó mà trót lọt. Thế nhưng ngày tháng trôi qua, tôi cũng sắp không giữ lợi thế này được bao lâu nữa. Tôi phải gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện, phải học cách thay đổi những quan niệm cũ của chính mình. Tôi thích trở thành một người phong thái cao sang, tự tin, hiểu biết mà điềm đạm như Hoằng Dục. Tôi không muốn làm Đình Phương việc gì cũng nhìn trước ngó sau, đỏ vỏ xanh lòng như xưa nữa.

Gặp những người xa lạ, nghe chuyện đông chuyện tây đã trở thành niềm vui thường nhật của tôi ở ngôi làng ấy. Những ngày lang thang nhàn nhã của tôi trôi qua rất nhanh, nhanh đến nỗi chỉ muốn quên đi thời gian, để mặc sức buông thả, chẳng phải nghĩ ngợi gì đến cái hẹn vào rằm tháng Chạp với Phạm Nguyên. Thoắt cái, tháng Chạp đã qua, tháng Giêng lại đến. Đã lỡ lầm thì lỡ lầm cho trót, tôi quyết định nán lại vài ngày sau Tết đi hội làng Mưng, dù sao thì Phạm Nguyên cũng sẽ không quá gay gắt đối với tôi. Cơ hội tốt thế này ai biết được về sau có còn không!

Tôi chỉ mượn được của Đỗ Huy ít tiền nên cũng không dám vung tay quá trán, chỉ có thể mua một ít nếp, thịt, rau cải về cùng ông lão lái đò ăn Tết. Ngay cả câu đối trước nhà cũng mua giấy về tự viết cho tiết kiệm. Đám chúng tôi khởi hành vào sáng sớm mồng ba, bốn trai ba gái. Trong đó có chị Sen là người hầu nhà thằng Hiển, được mẹ nó cử đi theo để chăm lo cả bọn, nhất là để gia đình đám con gái là cái Hạnh và cái Mai em họ thằng Hiển yên tâm. Trên thuyền, nghe bọn nó nhắc đến câu “lâu lắm rồi không được ra khỏi làng”, nhớ đến chuyện dọa ma, tôi thật ngứa chân muốn đá cả lũ xuống sông.

Hội đua thuyền ở làng Mưng thường được tổ chức từ cuối tháng Chạp. Những người được chọn vào đội thuyền đều là thanh niên trai tráng của làng, vừa khoẻ mạnh vừa nhanh nhẹn, nhà không có tang, chưa lập gia đình, hoặc nếu đã lập gia đình thì từ ngày hai mươi tháng Chạp phải vào đình ngủ để giữ thân sạch sẽ. Lúc chúng tôi đến đang là ngày bơi giải. Trên bến cắm ba cây nêu lớn, chờ thuyền bơi đến đâm mũi vào bờ, đâm được giải nào, giật ngay giải ấy, là ngày thi mang tính cạnh tranh chính thức đầu tiên của lễ hội này.

Lễ hội làng Mưng nức tiếng gần xa nên người đến xem vây kín cả một khúc sông. Sợ lỡ việc, nên vừa vào hội tôi đã tìm ngay đến chỗ cây dừa mà Hoằng Dục chỉ. Nơi này góc quan sát đẹp nên người đứng cũng đông, tôi lại thấp bé so với những người lớn khác,cứ phải nhảy lên nhảy xuống như con loi choi, cuối cùng đành chán nản ngồi bệt xuống. Đang định tìm lại bọn thằng Hiển, tôi chợt nghe thấy tiếng trò chuyện rất bình thản giữa tiếng hò reo của mọi người.

Theo miêu tả của Hoằng Dục, ông cháu thằng bé này hẳn là người học rộng. Những người vừa có kiến thức, vừa có cốt cách, đi đến đâu cũng có cái vẻ riêng. Tôi đoán, lúc thiên hạ thi nhau hò hét cổ vũ, rất có thể họ sẽ ung dung đứng bình luận và phán đoán đội nào về trước.

Giỏi phán đoán, cốt cách văn nhân, bình dị, hài hước, am tường cả đạo Phật và đạo Lão, chu du bốn phương, thường đi cùng một đứa cháu trai…

Hình như tôi đã từng nghe kể về một người như vậy.

“Cháu xin kính chào Hạ Trai tiên sinh ạ.” Tôi gập người, kính cẩn gọi cái tên mà mình chỉ mới nhớ ra cách đấy chưa đầy một khắc.

Ông lão cúi đầu nhìn tôi, mày hơi nhíu lại rồi cười nhẹ: “Nhóc con, cháu là con nhà ai, sao lại biết ta?”

“Cháu là bạn của Hoằng Dục, đến tìm bạn Quang để trả giúp cậu ấy quyển sách năm ngoái lấy nhầm ạ.”

“À, ta nhớ thằng bé ấy.” Ông lão gật gù. “Ta chưa bao giờ xưng tên với thằng bé kia, sao cháu biết ta?”

Tôi cười hì hì: “Cháu từng may mắn được học với Ức Trai tiên sinh và Cúc Pha (8) tiên sinh, có lần vô tình nghe họ nhắc về ông ạ. Sau lại nghe Hoằng Dục kể về ông và bạn Quang, lúc gặp ông cháu cứ có linh cảm ông chính là người mà mình nghe tiếng đã lâu, nên muốn thử một lần xem mình đoán có đúng hay không ạ.”

Lê Hoằng Dục không biết Lý Tử Cấu, nhưng nhờ vài lời bàn luận lại có duyên kết bạn với cháu ông ta, đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Thế giới của những kẻ dòng dõi thư hương này có vẻ không phải là nơi một người như tôi dễ bước vào.

“Nói vậy, cháu là học trò ở Quốc Tử Giám?” Ông lão cũng không mấy chú ý đến diễn biến trận đua thuyền nữa.

“Vâng ạ.” Tôi cúi đầu. “Hôm nay may mắn gặp được ông, lát nữa ông có thể dành chút thời gian chỉ dạy cho cháu một chuyện được không ạ?”

“Ừ.” Ông lão vuốt chòm râu bạc, ánh mắt trở về với những con thuyền đang lướt nhanh như chớp trên sông.

Lý Tử Cấu là bạn thơ của Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Trãi, đồng thời cũng là một trong những nhà Nho nổi tiếng đương thời. Ông đỗ đạc vào cuối thời Trần. Sau nhà Trần sụp đổ, nhà Hồ lên, triều đình vời ông vào kinh làm quan nhưng ông từ chối. Nhà Hồ tàn, giặc Ngô vào lập chính quyền tay sai lại gọi ông đến làm quan, nhưng chỉ sau một đêm ông đã biến mất không tung tích. Đến khi tiên đế lên ngôi, Nguyễn Mộng Tuân lại tiến cử ông, người ta mới biết ông còn sống, nhưng lần này ông vẫn chối từ, chọn sống đời tiêu diêu tự tại.

Được hai vị kia thân thiết và đề cao đến vậy, vị tiên sinh này tài trí hẳn phải có chỗ hơn người. Giờ đang là lúc Phạm Nguyên cần vây cánh. Nếu tôi thuyết phục được ông ấy về kinh trợ giúp, chẳng những có thể nâng cao thế lực cho Phạm Nguyên, mà về sau con đường của tôi ở quan trường cũng xán lạng hơn.

Tôi chỉ có dịp học với Nguyễn Trãi và Nguyễn Mộng Tuân đôi ba lần, lấy danh họ ra chẳng qua là muốn thấy người sang bắt quàng làm họ, khiến ông ấy có thiện cảm với mình thôi. Muốn ông ấy có ấn tượng với tôi, xem trọng lời tôi nói, có lẽ tôi phải có ý tưởng gì đấy hay ho, táo bạo một chút, nhưng giờ tôi lại chả biết nói gì.

Phải chi tôi tìm hiểu về lễ hội đua thuyền này một chút, giờ có lẽ cũng góp vui được vài câu, chứ không chỉ hú hét như những người tầm thường khác.

Lý Tử Cấu đã già, không thể đứng lâu như người khác nên trận đấu mới được chừng phân nửa đã vội tìm một góc nghỉ ngơi. Mà tôi, từ lúc gặp và biết ông ấy là ai cũng chẳng còn quan tâm đến vụ hội hè này nữa, vừa thấy ông ấy đi bèn lập tức đi theo.

“Chuyện cháu định nói với ta quan trọng lắm à? Cả buổi chẳng thấy cháu tận hưởng cuộc đua gì cả?”

Bị ông ấy nhận ra, tôi cũng thành thật đáp: “Chuyện này chẳng những quan trọng đối với cháu, mà còn đối với cả thiên hạ nữa ạ.”

“Vậy xem ra cháu không đơn giản chỉ là học trò của Ức Trai và Cúc Pha rồi.”

“Cháu là người hầu việc đèn sách cho ấu chúa ạ.”

Ông cười hiền hòa, nhưng xa cách: “Cháu đã nghe qua chuyện của ta, hẳn cũng biết ta không muốn dính líu đến việc triều đình.”

“Cháu biết ông là người thanh cao, không màng danh lợi, càng không muốn bon chen giữa chốn quan trường đầy mánh khóe lọc lừa. Thế nhưng cháu trộm nghĩ, ngay từ lúc chào đời, chúng ta đã nợ mảnh đất sinh ra chúng ta một ân tình, và nghĩa vụ của mỗi người là có tài góp tài, có sức góp sức vì mảnh đất này. Nay nước ta đuổi được giặc chưa lâu, triều đình non trẻ, mà ấu chúa lại thơ dại, quan viên kết bè kết đảng, vơ vét của dân. Cứ thế này…” Tôi ngập ngừng, vốn định nói quá lên rằng công sức của tiên đế và nghĩa quân chắc chẳng mấy chốc thì sụp đổ, nhưng sực nhớ ra ông không tham gia nghĩa quân, càng không có hứng thú làm thần tử cho tiên đế, đành dè dặt đưa ra một kết luận chung chung. “Nếu không có những người chính trực đứng ra lèo lái triều đình, phò tá ấu chúa, sợ là dân chúng ngày càng đói khổ, giặc chưa vào ta đã tự loạn mất rồi.”

Ông dúi cho tôi mấy hạt dưa: “Nghe cháu nói, lẽ nào hiện tại trong triều không có người chính trực?”

Tôi tách xong lại nuốt vội một ít hạt dưa rồi đáp: “Dĩ nhiên là có ạ, nhưng một cây làm chẳng nên non, cháu nghĩ đó cũng là một trong những lý do năm ấy thầy Cúc Pha muốn khuyên ông xuống núi làm quan.”

“Cháu có tin từ lúc xuất phát ta đã đoán được đội thuyền nào sẽ thắng không?” Ông chăm chú nhìn tôi, sau đấy hướng ánh nhìn ra phía bờ sông.

“Với tài năng của ông, cháu nghĩ việc này không khó.” Tôi nhanh nhảu đáp.

Ông lại tiếp: “Thế cháu có tin dù lên bất kỳ con thuyền nào, ta đều có thể biến đó thành con thuyền chiến thắng không?”

“Chuyện này…”

Tôi phân vân, môi cứ máp máy mãi mà chẳng tìm được câu trả lời nào vẹn cả đôi đường.

Cuối cùng, chỉ có thể nhận thua, cố nén tiếng thở dài thất vọng: “Vâng, cháu hiểu rồi.”

Ông ném cho tôi một cái nem, nửa nghiêm nghị nửa trêu đùa bảo: “Còn đang Tết đấy, đừng có mặt mày bí xị thế kia.”

Tôi cười gượng, nhưng lột cái nem ra ăn một hồi, nghĩ lại cũng hết buồn. Dù sao việc chiêu mộ Lý Tử Cấu cũng chỉ là ý tưởng nhất thời của tôi, được thì tốt, không được cũng chẳng mất gì. Bao nhiêu nhân vật tai to mặt lớn khuyên ông ấy còn không được, làm sao đến lượt tôi? Chẳng qua trước giờ làm việc suôn sẻ, nay lại lúng ta lúng túng, cảm thấy thất vọng với bản thân mình nên lúc đầu mới nuốt không trôi thất bại này thôi.

“Ông ơi, cháu xin ông một chữ cho năm mới được không ạ?” Tôi đứng dậy, cúi đầu lễ phép thưa.

Chiều hôm ấy, tôi trở về với một bức thư pháp đề chữ NHẪN.



Tôi rời làng vào ngày mười một. Lúc trở lại hoàng cung, trăng tháng giêng cũng đã đến độ tròn rồi.

So với hai năm trước, cỏ cây hoa lá ở chốn hoàng cung giờ đã phong phú hơn nhiều, lầu gác cũng tỏa màu phú quý chứ không còn là những căn phòng nhuốm màu xám xịt như xưa. Tuy mấy năm nay hạn hán liên miên, nhưng đất nước thanh bình, việc đồng áng cũng xem như ổn định nên nguồn thu của quốc khố không đến nỗi nào. Chỉ là trên đời lúc nào cũng có cảnh có kẻ ăn không hết, người lần không ra.

Đang lững thững đi men theo bờ hồ, vai tôi chợt bị người ta túm lại. Đối phương ra tay khá mạnh nên tôi theo bản năng giằng ra, thủ thế, định tung quyền phản kích. Nào ngờ, lúc quay sang, người đó lại Lê Nhật Lệ.

“Tôi mà sẩy chân là hai đứa bay thẳng xuống hồ ngay đấy!” Tôi ra vẻ nghiêm trọng.

Cô nàng phủi tay, phủi đất, rồi ngồi xuống cạnh tôi: “Cậu đi đâu mà mãi mới về?”

Tôi cất giọng khoe khoang: “Về quê ăn Tết, chơi xuân.”

“Sao trước khi đi bảo là trước Tết về mà? Xin phép vua chưa mà la cà dữ thế?”

Tôi gãi đầu, tặc lưỡi: “Thì… chưa.”

Cô nàng đứng phắt dậy, chau mày: “Chết cậu rồi! Mấy hôm nay nghe nói bệ hạ hay đá thúng đụng nia lắm. Có khi là vì bực mình cậu tiền trảm hậu tấu, đi mãi không về đấy.”

“Bệ hạ giận lắm à?” Tôi lo lắng.

“Cậu nên chuẩn bị đi, có mang quà gì về biếu không?”

Tôi gãi đầu: “Mang có mỗi quà cho cô với vài hoạn quan, cung nữ thân thiết thôi. Người ta là vua, cái gì chả có, tôi đâu dám dâng lên mấy thứ quê mùa.”

“Mang cho tôi cái gì đấy?” Cô nàng lại ngồi xuống, nhích lại gần tôi.

“Một cây sáo hồ lô.” Tôi rút cây sáo kỳ lạ ấy ra khỏi túi, xoay xoay mấy vòng một cách cực kỳ điêu luyện. “Khó khăn lắm mới mua được đấy nhé.”

Mẹ của Nhật Lệ là người Thái, nên từ nhỏ cô nàng đã có hứng thú với những thứ này.

Cô nàng nhìn cây sáo, thấp giọng bảo: “Thôi, mang cái này đi tặng cậu ông trời con ấy đi.”

“Tặng cậu ta?” Lúc chỉ có hai người với nhau, chúng tôi chẳng mấy khi giữ kẽ. Vui thì gọi “bệ hạ”, buồn thì gọi “ông trời con”, dù sao Phạm Nguyên cũng chẳng biết được mà bắt tội.

“Ít ra cũng có thể lấy lý do bôn ba tìm quà lạ nên trễ nãi thời gian trở về cung.” Cô nàng chép miệng cất giọng chán nản.

Tôi gật đầu, sau đó cảm kích vỗ vai Nhật Lệ: “Thoát được cái nạn này tôi sẽ đền cho cô món khác.”

“Ừ, tôi biết thể nào cậu cũng đồng ý tặng tôi một trăm cây mà.” Cô nàng vừa nói vừa nhanh thoăn thoắt đẩy tôi về phía điện Trường Xuân. “Giờ thì vào quỳ lạy chủ nhân của cậu xin tha tội nhanh đi, không là chẳng biết việc gì sẽ xảy ra đâu, mẹ tôi bảo bọn con trai tuổi này tính khí thất thường ghê gớm lắm.”

Lúc quyết định nán lại ngôi làng ấy vài ngày, tôi đã nghĩ: Phạm Nguyên sẽ mắng mình.

Lúc quyết định ở lại chơi xuân, tôi đã nghĩ: Cậu ta sẽ cắt tiền thưởng của mình.

Lúc quyết định la cà qua sau Tết, tôi đã nghĩ: Cậu ta sẽ ném vỡ đồ đạc, sẽ giận dữ, sẽ phạt bổng lộc của tôi.

Chuyện lại không xảy ra như vậy.

Tôi quỳ bên đường, đón võng của cậu ta và nguyên phi nối bước đi qua, cất tiếng thưa: “Bệ hạ, Đình Phương đã trở về”, nhưng cậu thiếu niên chỉ ở cách tôi chưa đầy hai thước ấy lại chẳng đoái hoài gì đến.

Tôi nhoài người đến chỗ cậu ta: “Bệ hạ…”

Đám người khiêng võng dừng bước lại.

Thế nhưng người ngồi trên ấy lại không quay sang tôi, chỉ nhẹ nhàng cất giọng như gió lạnh:

“Trẫm có bảo dừng lại sao?”

Từng người, từng người một trong đoàn cờ hoa lộng lẫy ấy lướt qua tôi. Có người thờ ơ, có kẻ hiếu kỳ ngoái lại nhìn. Ngỡ ngàng có, hả hê cũng có.

Tôi thấy Đinh Thắng khom người kể chuyện gì đấy với Phạm Nguyên, cậu ta bật cười khúc khích, cười rung cả hai vai.

Tôi thấy cô cung nữ lạ mặt nào đó dâng bánh cho Phạm Nguyên, cậu ta ăn xong một cái lại xoè tay, hệt như những lần vòi tôi đưa mứt.

Tôi thấy một khoảng sân rất rộng, một bầu trời rất cao. Hoàng cung to như vậy, rất dễ lạc nhau. Nhiều người như vậy, rất dễ quên nhau.

Tôi quỳ ở đấy, một mình dưới những tán hoa đào đã bị gió làm cho tan tác. Bấy lâu nay, dù e sợ Phạm Nguyên, tôi vẫn chỉ xem cậu ta là một đứa trẻ thông minh hơn mình, có quyền có thế hơn mình, chưa bao giờ thật sự cảm giác cậu ta là vua, còn mình là thần tử.

“Trẫm thấy ngươi nghèo khổ nhưng có chí, nên mới đưa ngươi vào cung rèn đức luyện tài. Hai năm qua, việc học của ngươi tiến hay lùi, hẳn ngươi tự biết. Việc làm của ngươi nghiêm cẩn hay tự tung tự tác, hẳn ngươi cũng rõ hơn ai hết. Bao nhiêu người học đến quên ngày quên tháng, nhịn cơm mua sách, nhưng vẫn không có cơ hội bước vào Quốc Tử Giám trao dồi kinh sử. Ngươi được vào trường chẳng cần thi cử, nhưng lại thích thì đi học, không thích thì trốn học rong chơi, có bao giờ nghĩ đến những người chỉ mong một buổi học mà ngươi đã bỏ? Dân chúng ngoài kia tay làm hàm nhai, quanh năm quần quật. Ngươi trong cung việc nào thích thì làm, việc không thích lại dựa uy trẫm đẩy cho người khác, cuối tháng vẫn lãnh lương, lãnh thưởng, có bao giờ nghĩ đến những người còng lưng vẫn chết đói chết rét ngoài kia? Trẫm tuổi còn nhỏ dại, không quan tâm lễ quân thần, chỉ xem ngươi là bạn, luôn dung túng cho ngươi, thế nhưng ngươi lại không xem trẫm ra gì.

Có lẽ, ngay từ hai năm trước, trẫm đã sai rồi.”

Cậu ta không đến, chỉ có viên hoạn quan già mang theo khẩu dụ của cậu ta, mặt nghiêm như tượng đứng truyền lại từng chữ một cho tôi.

Sau khi bốn chữ “Trẫm đã sai rồi” ấy cất lên, tôi bị dẫn đến một căn phòng vừa cũ nát vừa ẩm thấp ở phía tây. Không chăn màn, không bàn ghế, không lò sưởi.

Giam vào phòng tối.

Chú thích:

(1) Thái tử tẩy mã: Chức quan hầu cận, gần như là quân sư thái tử, thường cưỡi ngựa đi trước dẫn đường khi thái tử ra ngoài. Đây là chức quan ngũ phẩm, nên nếu xét đến địa vị thì Lê Hoằng Dục cao hơn Đình Phương nhiều, vì vậy mới xưng “ta” trong khi Đình Phương chỉ xưng “tôi”.

(2) Chu Thế Minh: Đây là một nhân vật không có thật, Lê Hoằng Dục bịa ra chỉ để trêu Đình Phương, nhưng vì Lê Hoằng Dục có tiếng là học giỏi, đọc nhiều sách nên người khác nghe cậu ta “trích sách” thường nghĩ là có trong sách thật.

(3) Câu đố của Đình Phương được tác giả mô phỏng theo một câu đố của phương Tây.

(4) Đây là bài “Ngọ thuỵ” của thiền sư Huyền Quang. Ông đỗ trạng nguyên thời Trần Thánh Tông, về sau từ chức đi tu và trở thành tổ sư thứ 3 của dòng Trúc Lâm Yên Tử. Bản dịch trích trong bài là của dịch giả Băng Thanh.

(5) Năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), Ngày mồng 4 tháng 2, thi học sinh trong cả nước. Lấy đỗ hơn 1.000 người, chia làm ba bậc. Bậc nhất và bậc nhì thì đưa về Quốc tử giám, bậc ba thì cho về học tại nhà học các lộ, đều cho miễn lao dịch. – ĐVSKTT

(6) Trà hồng mai: là loại trà chọn chế biến từ gốc mai già, cắt khúc chẻ răm nhỏ pha nước sôi có sắc hồng nhạt đem sao, vị thanh đậm, ngọt hậu rất đặc biệt. Dân gian còn gọi với tên “lão mai trà”. Đây là một loại thiền trà phổ biến ở các chùa chiền miền Bắc thời xưa. Nguyễn Trãi từng viết trong bài Ngôn chí: “Cõi tục chè thường pha nước tuyết/ Tìm thanh trong vắt tịn chè mai” Traviet.com

(7) Giao tình của quân tử nhạt như nước, giao tình của tiểu nhân ngọt như rượu : Nguyên văn là “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” – Trang Tử. Ý nói tình cảm giữa người quân tử với nhau thì nhạt như nước, còn tình cảm kẻ tiểu nhân với nhau thì nồng như rượu.

(8) Hạ Trai là tên hiệu của Lý Tử Cấu. Ức Trai là tên hiệu của Nguyễn Trãi. Cúc Pha là tên hiệu của Nguyễn Mộng Tuân.

Việc Nguyễn Mộng Tuân tiến cử Lý Tử Cấu cũng từng được ghi lại trong chính sử thời Lê Thái Tổ.

Thời xưa, tuỳ vai vế và quan hệ, trong giới học chữ người ta có thể gọi nhau bằng tên huý hay tên hiệu. Cách Đình Phương gọi tên một nhân vật cũng tuỳ vào đối tượng mà Đình Phương đang trò chuyện. Ví dụ như cùng là nhắc đến Nguyễn Trãi, khi nói chuyện với Đỗ Huy thì Đình Phương gọi thẳng là “Nguyễn Trãi” vì không có sự kính trọng hay thiện cảm gì đặc biệt. Khi nói chuyện với đối thủ của Nguyễn Trãi là Lê Sát thì Đình Phương lại gọi là “quan thừa chỉ” vừa tỏ vẻ kính trọng đối với chức vụ của Nguyễn Trãi đồng thời vạch rõ mình không thân thiết gì với Nguyễn Trãi. Còn khi nói chuyện với người không màng quyền thế danh vọng như Lý Tử Cấu thì Đình Phương sẽ gọi Nguyễn Trãi là “Ức Trai tiên sinh” một cách giản dị, không đề cập đến chức vụ, để tạo thiện cảm với Lý Tử Cấu.
 
Bên trên