Chương 34: Cánh đồng hoang
Làn sương mỏng khiến đất trời phía cuối con đường như quyện vào nhau.
Dưới bóng chiều quạnh quẽ, chiếc xe bò lạch cà lạch cạch chất đầy những củi chầm chậm thả bước dọc triền đê. Gió từ lòng sông ào ạt phả vào bờ, thổi rạp cả những ngọn cỏ voi xanh mướt, lộ ra mấy nấm mộ hoang. Những nấm mộ không tên không tuổi, không khói không nhang, ngày ngày lặng lẽ nép mình sau những bụi cỏ um tùm lá, nhìn ra con đường nhỏ, nơi từng bóng người đến lại đi, đến lại đi.
Đang huýt sáo, thằng nhóc đánh xe thình lình hô một tiếng thật vang rồi giật mạnh sợi dây thừng. Lũ bò nhận lệnh, tiếng bước chân cũng thưa dần, để lại bốn bề chỉ còn tiếng cỏ lay gió thổi.
“Nhà tao ở đằng kia.” Nó đứng dậy, chỉ tay về phía một góc nào đó trên cánh đồng hoang, nhưng tôi lại quá buồn ngủ để nhìn theo, chỉ ừ ừ à à mấy tiếng cho ra vẻ. Dù sao thì tôi cũng chỉ đi nhờ nó một đoạn đường. Xuống xe rồi, mai này có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp nữa.
“Mày có nhìn thấy cái cây trụi lá phía ấy không?” Nó hỏi.
Tôi hờ hững liếc mắt về phía cái cây cháy đen, cao vun vút ở giữa cánh đồng, vừa gật gật đầu vừa ngáp.
Nó ngồi xuống chỗ của mình, lại tiếp tục đánh xe đi, giọng ung dung: “Hồi trước trong nhà có người bị hủi nên người làng không cho ở nữa, phải dọn đến đây. Nhà ấy vốn nghèo, lại thêm đàn con bốn đứa nên rời làng chưa được bao lâu thóc gạo trong nhà đã chẳng còn một hạt, phải ăn tạm rễ cây, quả dại sống qua ngày. Ít lâu sau, người vợ qua đời, bỏ lại người chồng thư sinh chỉ biết đến sách vở cùng bầy con nheo nhóc. Có người họ hàng ở tỉnh về, nghe chuyện, rủ lòng thương nên lén mang ít gạo sang thăm.”
Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, dừng lại một hồi lâu, nhưng ánh mắt lại đờ đẫn chẳng chút biểu cảm nào. Giống như đang nhìn xuyên qua tôi, tìm kiếm một điều gì đấy.
Rồi, nó nhoẻn miệng cười.
“Lúc người ấy bước vào nhà, bọn trẻ đang quấn lấy một bóng người đứng gần cửa sổ, vừa khóc nhề nhệ vừa gọi mẹ ơi mẹ hỡi. Nương theo ánh sáng, người ấy tiến lại gần hơn, cuối cùng lại thấy thứ không nên thấy.”
Gió lặng. Những ngọn voi cao quá đầu người cũng thôi lay động.
“Từ đấy cũng chẳng còn ai dám bén mảng đến căn nhà ấy nữa, chỉ để mặc họ tự sinh tự diệt. Cho đến một đêm, một ngọn lửa bất chợt bùng lên từ căn nhà ấy, càng lúc càng lớn, càng lúc càng như nuốt trọn lấy căn nhà.” Giữa cánh đồng hoang không một bóng người, tiếng nó thoắt cái đã trở thành trầm trầm bổng bổng, có lúc gần như đang hát, đôi vai gầy cũng theo nhịp lắc lư. Lời kể càng lúc càng nhanh. “Giữa đám cháy ấy, bên cửa sổ, người chồng vẫn điềm nhiên khi hát, khi lại đọc thơ, còn bọn trẻ lại bị trói quanh giường, không ngừng giãy giụa.”
Giọng nó dần chuyển sang the thé như gió rít.
“Về sau, người ta cứ bàn tán rồi phỏng đoán chuyện tại sao khi lửa cháy bọn trẻ đều bị nhốt trong nhà, nhưng lúc những ngôi mộ ấy tự đùn lên, chúng lại nằm mỗi người một chỗ. Họ chẳng biết gì cả. Thật ra trên đời này cứ muốn sống thì dù có chết vẫn sẽ tiếp tục sống thôi, giống như cái cây mày vừa nhìn thấy vậy. Hồi bị cháy cùng với căn nhà, nó chỉ cao đến thắt lưng tao.”
Nó dừng xe, quay lại nhìn tôi, đáy mắt chợt loé lên.
“Mày nhìn đi, có phải cái cây ấy lại cao hơn ban nãy rồi không?”
Trong vô thức, ánh mắt tôi một lần nữa lại liếc về phía cái cây. Lúc này, nó đã ở gần tôi lắm.
Không một chiếc lá, trơ trọi, cháy đen.
Dưới ánh chiều mờ ảo, ngọn cây như một con thú vừa tỉnh giấc, khẽ cựa mình, vươn lên, vươn lên nữa, dần dần vươn khỏi đám mây, ngạo nghễ nhìn tôi.
Tiếng người phía sau rờn rợn vang lên, khẩn khoản.
“Mày nhìn tao đi, có phải tao cũng lại cao hơn ban nãy rồi không?”
Giữa cánh đồng rợp một màu xanh ấy, chẳng có căn nhà nào như lúc nãy thằng nhóc đã chỉ tôi, hớn hở bảo: “Nhà tao đấy!” Chỉ có những ngôi mô thoắt ẩn thoắt hiện theo từng cơn gió, xuyên qua kẽ lá, dõi theo tôi.
Vào khoảnh khắc tôi dùng hết can đảm để xoay người lại, người ngồi phía trước đã biến mất tự bao giờ. Chỉ có chiếc xe bò, chất đầy củi, và tôi, lạch cà lạch cạch, lạch cà lạch cạch trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo.
Còn tôi, ngồi giữa những bó củi khô như đang chờ chực cháy bùng lên dưới tà dương, lại trơ ra, thảng thốt đến độ chẳng biết phải làm gì.
…
Xe cứ đi mãi, và đi mãi. Tôi cũng không rõ quãng đường ấy ngắn hay dài. Lúc tôi lấy lại bình tĩnh, trước đầu xe đã có một bóng người. Chỉ là, người ấy không phải thằng nhóc đã đồng hành cùng tôi suốt cả quãng đường rồi âm thầm mất dạng giữa cánh đồng kia.
“Đây là xe của nhà tao!” Thằng bé chừng mười, mười một tuổi đứng trước đầu xe hùng hùng hổ hổ bước đến lôi tôi xuống, vừa bấu chặt lấy cổ tay tôi vừa hung hăng quát: “Xe nhà tao mà mày cũng dám trộm! Mày chán sống rồi!”
Nhìn thấy nó, tôi mừng như bắt được vàng, bị đổ oan mà cứ tỉnh như không, chẳng những không rút tay ra mà còn run run giữ chặt tay nó không buông.
“Mày tưởng mày giả vờ giả vịt cầu xin một chút là hết chuyện à? Tao hô lên một tiếng là người làng kéo đến cho mày một trận đòn nhừ tử. Mày chờ đấy!”
“Cậu hiểu lầm rồi, xe này là người ta cho tôi đi nhờ, tôi không biết đấy là xe nhà cậu.” Tôi vội thanh minh.
Nó phun một bãi nước bọt xuống đất rồi hất mỏ nhìn tôi: “Đi nhờ cái đầu mày! Lão Hến đánh xe bị mày chuốc thuốc còn đang nằm vờ nằm vật ở đình kìa, mày láo với ai chứ đừng mong láo với tao!”
“Là… là… là thằng Biểu, đúng rồi, thằng nhóc cho tôi đi nhờ tên là Biểu, cao khoảng cỡ tôi, tóc cháy nắng, gầy gầy, nó bảo nó là người của làng này.” Tôi cố gắng lắm mới nhớ ra được cái tên mà mình chỉ nghe mỗi một lần.
Mặt nó tái đi, hớt hãi rụt ngay tay lại, rồi lùi ra sau mấy bước.
“Mày… mày đã gặp thằng Biểu hủi?” Nó nhìn tôi, gớm ghiếc.
Mấy chữ cuối câu của nó tôi nghe rất rõ.
“Tôi không có chạm vào nó.” Thật ra, dù có chạm cũng sẽ không bị nó lây bệnh dễ dàng đến vậy. Huống hồ vẻ ngoài của thằng nhóc ấy vẫn còn rất khoẻ mạnh, rất bình thường, thoạt nhìn làm gì có ai nghĩ là bị hủi?
Mãi lo đối đáp với thằng bé cứ khăng khăng mình là kẻ trộm, bên cạnh có nguời khác xuất hiện lúc nào tôi cũng không để ý.
“Chỉ gặp một lần chắc cũng chả đến nỗi nào đâu. Hồi trước bà Hà cũng lén mang gạo ra cho nhà nó một lần, thế mà đến giờ vẫn sống, vẫn lành lặn đấy thôi.” Người đàn ông trung niên ồm ồm cất giọng, vỗ vai thằng nhóc mấy cái trấn an, rồi quay sang tôi, hoà nhã bảo: “Thằng Biểu ấy từ nhỏ đã phá làng phá xóm, lần này chắc cũng là nó trộm, còn cậu nhóc này mặt mày sáng sủa đường hoàng, quần áo chỉnh tề sạch sẽ, nhìn rất có dáng học trò, có lẽ chỉ là tình cờ gặp nó rồi bị nó lừa thôi.”
Tôi lễ phép cúi đầu: “Vâng, bác đoán khéo quá ạ! Cháu là học trò ở Quốc Tử Giám, đang trên đường trở lại kinh thành. Ông lái đò Xá bảo lát nữa trời có bão nên khuyên cháu ở lại nhà ông ấy một đêm, sáng rồi hẵng tiếp tục lên đường. Ông ấy có hẹn với một người khách nên bảo cháu tìm đường làng về trước đã, nướng tí khoai lót dạ cho ấm bụng, còn ông ấy thì quay lại đón họ, tối mới về.” Có ông lão lái đò làm chứng, mọi việc có lẽ cũng dễ giải quyết thôi.
Người đàn ông ấy nghe xong thì quay sang nhìn thằng bé. Hai người họ trao đổi ánh mắt, rồi lấm lấm lét lét nhìn tôi. Tôi cảm giác, họ không giống nghi ngờ, mà giống như đang cố che che giấu giấu một điều gì đấy.
“Này, đứa nào dẫn đường cho nó đi, tao còn phải về nhà.” Thằng nhóc vẫy tay với một nhóm trẻ đang im lặng chơi mèo đuổi chuột cạnh bụi tre. Từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ nhìn thấy người ta chơi trò này lại không hề phát ra một tiếng động nào như vậy.
Một con bé yếm nâu chừng bảy tám tuổi chạy đến nắm lấy tay tôi, miệng cười tươi như hoa nở: “Để em dẫn anh đi.”
Hai ba đứa nhỏ hơn cũng sà lại, quấn lấy tôi, gọi “Anh ơi…” bằng cái giọng tha thiết ngân dài. Thế nhưng, chúng chỉ gọi thế thôi, rồi lẽo đẽo theo tôi, chứ chẳng nói gì thêm nữa.
Chúng đi rón rén đến độ nhiều lúc tôi còn không nghe thấy tiếng bước chân. Lúc tôi quay lưng lại, cả bọn đều nhìn tôi đầy vẻ thèm thuồng.
Tôi sờ túi, phát hiện ra trong ngừơi mình chẳng còn mẩu kẹo nào, đành ngường ngượng bảo: “Lần sau trở lại anh sẽ mang kẹo cho mấy đứa.”
Một đứa chừng sáu bảy tuổi hí hửng níu lấy áo tôi: “Thật nhé anh?”
Tôi gật gật đầu.
Cả bọn được thể, ào đến vây chặt lấy tôi.
“Lâu lắm rồi bọn em chưa được ăn kẹo đấy.”
“Anh ơi, anh ở làng nào? Ở ngoài làng chắc là vui lắm phải không anh?”
“Anh dẫn bọn em ra ngoài với được không? Hồi bé em từng cùng bà đi chợ, chợ đông vui lắm, em rất thích.”
“Ừ… ừ…” Thấy bọn nhỏ hào hứng quá, tôi cũng không nỡ khước từ. Trẻ con mà, hứa hôm nay, ngày mai ăn uống no nê rồi cũng sẽ quên sạch chẳng còn một chữ thôi.
“Bọn mày đúng là chả biết gì, chỉ có ở trong cái làng này thì cả lũ mới được an toàn. Ra khỏi làng cho quân Thát Đát nó giết sạch chết không kịp ngáp à!” Thằng nhóc cao lớn nhất bọn chống nạnh, nghiêm giọng bảo.
“Anh Tèo nói đúng đấy, lần trước thằng Đen nghịch ngợm, cố leo ra khỏi cổng làng, lúc chạy về chỉ còn cái xác cháy đen, suýt nữa thầy u nó cũng chả nhận ra.” Con bé yếm nâu đứng cạnh tôi liến thoắng. “Tối qua chị có nghe lén cụ nội ngồi bàn chuyện với trưởng làng, trưởng làng bảo hiện giờ bọn Thát Đát vẫn còn ráo riết lùng sục nơi ẩn nấp của các vua ta lắm. Càng không tìm được, chúng lại càng tức giận, đến nơi nào là đốt sạch, giết sạch nơi ấy không tha. Làng ta may nhờ có cái cổng vàng phù hộ, nếu không thì số phận cũng như làng Mã ở cạnh bên rồi.”
Quân Thát Đát? Truy sát hai vua?
Đấy chẳng phải là chuyện gần hai trăm năm trước rồi sao?
Tôi càng nghe càng thấy mù mờ: “Cái cổng vàng nào?”
Con bé cười cười, chỉ về phía bụi tre ban nãy: “Kia kìa, chính là cái cổng mà lúc nãy anh bị anh Hiển chặn xe lại không cho đi tiếp đấy.”
Không rõ là trời lạnh, hay tay con bé vốn đã lạnh rồi, mà tôi cảm giác thứ đang nắm lấy tay mình hoàn toàn chẳng có chút độ ấm nào.
Thằng nhóc thèm kẹo buồn bã giật nhẹ áo tôi: “Anh ơi, khi nào thì bọn Thát Đát mới bỏ đi? Bọn em đã phải đợi rất lâu, rất lâu rồi…”
Tôi mím môi, nhè nhẹ lách người tránh khỏi những bàn tay nhỏ xíu kia. Nếu có thể, tôi chỉ muốn tìm một cái cớ rồi chuồn khỏi cái làng này ngay lập tức. Nhưng, mặt trời đã tắt rồi. Tôi cũng chẳng biết đường về lại bến sông.
“Ơ, bọn nhỏ này, trời tối rồi mà sao còn lãng vãng ngoài đường?” Một giọng nữ mềm mại vang lên phía sau tôi. “Về nhà đi, kẻo thầy u lại lo lắng đấy.”
Tôi loáng thoáng nghe thấy thứ âm thanh nào đấy như tiếng sáo. Khi to khi nhỏ, văng vẳng vang lên từ sau những rặng tre.
Trong thoáng chốc, những đứa trẻ đang quấn lấy tôi đều đồng loạt ngẩng mặt nhìn trời, ánh mắt dại đi, đầu lắc lư, miệng ú ớ một điệu đồng dao kì lạ.
Chúng rời đi không một lời từ biệt.
“Đến nhà rồi, sao em còn đứng đấy?” Tôi nhận ra, đó là giọng cô gái vừa rồi, nhưng giữa bóng đêm, tôi đã chẳng còn nhìn thấy cô ấy nữa.
“Em muốn đến nhà ông lái đò Xá ạ.”
“Em đến nhà rồi.” Cô ấy bảo.
“Đây là nhà ông lái đò Xá ạ?”
Nhưng cô ấy chỉ lặp lại câu vừa nói: “Em đến nhà rồi.”
Tôi ngần ngừ đẩy cửa ra.
Cửa không khoá. Chỉ sau một tiếng kẽo kẹt kéo dài, mùi ẩm mốc bên trong đã lan đến, xộc vào mũi tôi.
Tôi mò mẫm giữa căn phòng tối đen như hũ nút, cố tìm một ngọn đèn, nhưng lại chẳng thấy gì.
Trong bóng tối, tôi tựa mình vào một góc phòng, nhắm mắt lại. Hình ảnh cái cây, thằng nhóc đánh xe, rồi những đứa trẻ cứ đan vào nhau. Tôi nghe thấy tiếng sáo, tôi nghe thấy tiếng gõ vào tường lộc cộc, nhưng luôn tự trấn an mình đó chỉ là những thứ mình tự tưởng tưởng ra.
Mãi cho đến khi ở góc phòng còn lại phát ra một giọng đều đều, thoi thóp: “Giúp tôi đi… giúp tôi đi…”
“Ai đấy?” Tôi giật mình đứng bật dậy, hai nắm tay siết chặt.
“Ở dưới giường…”
“Ai?”
“Tôi bị trói ở dưới giường… khó thở lắm… giúp tôi đi…”
Từ lúc bước vào làng này, tôi đã linh cảm mọi người đều có vẻ gì là lạ, giống như họ đang cố che giấu một bí mật nào đó. Người đang kêu cứu kia, có lẽ tình cảnh cũng như tôi.
Tôi men theo bức tường bằng nứa, lò dò bước đến những góc còn lại của căn phòng, cuối cùng cũng tìm được cái giường. Bàn tay tôi chậm chậm rê từ trái sang phải, rồi từ phải sang trái, làm đi làm lại mấy lần, nhưng chỉ chạm vào một khoảng không.
Chẳng có ai ở đấy.
Tiếng người, cũng chẳng còn.
Tiếng sáo nọ lại vang lên.
Tôi ném hành lý, đẩy cửa chạy một mạch ra khỏi căn nhà. Thế nhưng chưa được mấy bước, một bóng người đã xuất hiện, chắn ngang tôi.
“Đến nhà rồi, em còn đi đâu nữa?”
Là giọng cô gái. Cô ta nắm chặt lấy tay tôi.
“Anh ơi, bọn Thát Đát khi nào mới rời đi, anh phải nói cho em biết chứ!”
Là giọng thằng bé từng đòi tôi kẹo. Nó ôm chặt lấy chân tôi.
“Ra khỏi cổng làng là sẽ bị bọn Thát Đát giết ngay đấy, em đã nói rồi, sao anh không chịu tin em?”
Là giọng con bé có bàn tay lạnh ngắt từng dẫn tôi đi. Nó giữ chặt lấy hông tôi.
“Cút đi! Cút đi!” Tôi cố hết sức giằng ra khỏi họ, hét lên. “Cứu tôi với! Cứu tôi với! Cứu tôi với!”
Tôi chạy không ngừng nghỉ. Không biết đường, cũng chẳng biết mình muốn chạy đến nơi nào.
“Đình Phương… Đình Phương à…”
“Cút đi! Cút hết đi!” Tôi oà khóc, gào lên. “Cút hết đi!” Rồi đâm sầm vào một thân cây.
“Đình Phương đấy phải không? Ông là ông lái đò Xá đây.”
Tôi khóc thút thít, từ từ ngẩng đầu lên, nhưng không dám nhìn, chỉ thấy ánh đèn le lói.
Chiếc bóng đổ dài tiến lại gần tôi. “Là ông đây, đừng sợ.”
Tôi theo bản năng, chống tay lùi lại phía sau.
“Bọn trẻ ấy đùa cháu đấy, không phải ma đâu, đừng sợ. Ông là người mà. Cháu nhìn đi.”
Nhưng tôi vẫn chẳng dám nhìn.
Tôi sợ, lúc ngẩng lên, gương mặt kia lại không phải là gương mặt ông lão lái đò.
“Bọn nhóc kia, mau, bước ra đây hết nhanh lên! Đùa thì cũng phải có mức độ thôi. Lỡ người ta có bệnh thì làm sao hả?”
“Bọn cháu xin lỗi, bọn cháu ở trong làng mãi, buồn chán quá nên định đùa chút cho vui thôi, không có ác ý gì đâu ạ.”
“Im ngay! Cấm nói mấy câu ở trong làng mãi, ở trong làng lâu quá. Im ngay!” Tôi hét lên.
Đáp lại tôi là một trận cười rũ rượi.
“Lần này bọn em không phải cố tình doạ anh mà.”
“Hừ.” Bị một lũ con nít cấu kết nhau lừa, tôi càng nghĩ càng thấy bực mình.
“Chuyện này lại là do thằng Hiển bày đầu hả?” Ông lão lái đò đỡ tôi đứng dậy rồi quét mắt nhìn sang bọn trẻ.
“Vâng ạ, hồi chiều bọn cháu đang chơi ở giếng làng thì anh Hiển đến báo là anh Biểu vừa dụ về được một con mồi, bảo là sẽ cho bọn cháu một trận cười vui chưa từng thấy. Bọn cháu… bọn cháu sợ ông cả Lịch, nên đành phải nghe lời anh Hiển, doạ anh này một trận.”
“Hiển là cái thằng chặn xe tao có phải không?” Tôi hỏi.
“Vâng ạ, còn anh đánh xe chở anh đến cánh đồng hoang là anh Biểu, người hầu nhà anh Hiển, thật ra đường về làng không cần phải vòng qua chỗ ấy đâu.” Một thằng bé đáp.
“Vậy là cả người đàn ông đứng ra giải oan cho tao và cô gái cố dụ tao mở cửa bước vào nhà cũng là người hầu của thằng Hiển ấy?” Qua lời bọn trẻ, có vẻ như thằng nhóc nọ là con của người có máu mặt trong làng. Nếu không, sẽ khó có chuyện một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch lại thuyết phục được nhiều người như vậy góp tay vào “cuộc vui” này.
“Bác Chép là người quản kho lúa nhà anh Hiển, còn chị Sen là người hầu của mẹ anh ấy ạ.”
Ăn no rững mỡ. Thằng con nhà giàu chết tiệt!
“Vụ này hoàn toàn là do thằng Hiển bày à?” Giả ma giả quỷ trước giờ vốn là trò bọn trẻ con rất thích, tôi không lạ, nhưng dàn dựng cả một vở kịch thế này, nếu chỉ là một đứa trẻ mới mười, mười một tuổi thì…
“Bọn em cũng không biết nữa, vụ lần này từ mấy ngày trước bọn em đã được luyện tập rồi, anh Hiển bảo sao thì bọn em cố gắng diễn y như vậy.”
Ông lão lái đò cũng thắc mắc: “Thằng Hiển xưa nay hơi nghịch, nhưng chỉ giỏi đánh nhau chứ có bao giờ lừa lọc ai đâu, sao lần này lại nghĩ ra cái trò quái đãng này?”
“A, hay là chuyện này do cậu ấm từ kinh thành nọ dạy cho anh Hiển nhỉ?” Con bé yếm nâu lên tiếng.
“Cậu ấm kinh thành?” Đừng nói với tôi lại là Đỗ Huy đi!
Không thể nào. Giờ này Đỗ Huy vẫn còn đang ở nhà tôi lo chuyện mua bán đất. Chắc chắn không phải anh ta.
“Em cũng chưa gặp anh ấy bao giờ, chỉ nghe anh Hiển kể là nhà cậu ấm nọ làm quan ở kinh thành, có họ hàng xa với nhà anh Hiển. À, hình như cậu ấy cũng là học trò, giống anh vậy đó.”
Quan lớn, học trò… Là thằng khốn nào ở Quốc Tử Giám chăng? Thằng khốn nào mà giờ này không lo học, lại tót về quê?
“Thôi, cũng muộn rồi, ông cháu ta về nhà ăn chút gì cái đã.” Ông lão lái đò vỗ vỗ lưng tôi, nhỏ giọng “Cháu đừng giận, đàn ông làng này hồi kháng chiến đi lính nhiều nên làng nhiều đứa mồ côi lắm, u chúng nó phải vừa làm cha vừa làm mẹ nên rất bận, cả lũ cứ như cây cỏ mà lớn lên thôi. Bọn nó hơi nghịch ngợm, nhưng chẳng có ác ý gì đâu.”
Tôi gật đầu. Tức thì tức, nhưng cũng không rỗi hơi đến nỗi đi trả đũa một lũ con nít miệng còn hôi sữa.
Đêm ấy, trời mưa tầm tã. Tôi mệt lả người, nhai trệu trạo một củ khoai, nói chuyện phiếm với ông lão lái đò được vài câu thì co giò ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.
…
Sáng hôm sau, vừa thức dậy, trước cửa nhà đã líu ríu tiếng trẻ con. Bọn trẻ làng tính ra không xấu, ngược lại, có thể nói là vừa tốt tính lại biết điều. Thấy tôi đêm qua bị doạ đến phát khóc, nên cả bọn thấy mình có lỗi, mới sáng sớm đã kéo nhau mang kẹo, bánh, và cả chuối đến đãi tôi ăn.
Dĩ nhiên, tôi cũng chẳng còn giận chúng.
“Nhà thằng Hiển ấy ở đâu?”
“Anh đi hết con đường này, rẽ phải, vòng qua hết cái đầm sen là thấy một cái nhà vừa đẹp vừa to, chính là nhà anh Hiển.” Thằng bé nhỏ nhất đám vừa nhai ngốn ngấu quả chuối tự mang theo vừa đáp.
“Nhà ấy có con chó dữ kinh, anh cẩn thận.” Con bé yếm nâu cảnh báo.
“Bọn mày làm gì mà nhìn anh hào hứng vậy?” Nói thật, nhìn ánh mắt sáng rực của cả bọn dán vào mình, giờ tôi vẫn còn rờn rợn.
“Anh Hiển hay ăn hiếp bọn em lắm, anh có trả thù thì nhớ trả giúp bọn em luôn.” Thằng bé cười hì hì đáp.
Tôi chỉ ở lại làng này một hai ngày thì gây sự với thằng con ông cháu cha của làng ấy làm gì. Người tôi muốn gặp, là người khác.
Ông lão lái đò bảo hôm nay sẽ tiếp tục mưa, nên nhân lúc trời vẫn còn hửng nắng, tôi theo lời bọn trẻ, tìm đến nhà ông cả Lịch, cha thằng nhóc nọ, cũng là người đang cho thằng khốn cậu ấm kinh thành kia tá túc.
Vừa đến cổng, trong nhà đã có người chạy ra. Dù tối qua nhìn không rõ mặt, tôi vẫn nhận ra cô gái này là người đã tham gia vào màn lừa đảo nọ.
“Cậu Hiển bảo là nếu em đến thì dẫn em ra ao súng ở sau nhà.”
Nắng sớm dịu dàng trải bước. Tôi theo cô hầu gái, thoăn thoắt men theo con đường đá nhỏ đi xuyên qua giàn thiên lý xanh um. Giữa không gian tĩnh mịch, chốc chốc lại vang lên tiếng búng tay tanh tách. Hương trà thơm ngát càng lúc càng gần.
Thứ mùi hương này, hình như tôi đã từng ngửi được ở đâu rồi…
“Ồ, đến để trả thù à, Nguyễn – Đình – Phương?”