Vấn Thiên quyển 1: Thiếu niên ca - Cập nhật - Banhmitrung

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Cảm ơn bác, mình có đam mê viết về mảng kiếm hiệp kỳ ảo lâu rồi. Mình có đọc qua Đất Thiêng, nhưng mới đọc có đoạn giới thiệu chưa đọc vào chương.
Có thể mới chỉ đọc một đoạn, chưa chuẩn, nhưng cảm giác của tôi là: tính võ hiệp kì ảo trong truyện của bác mang lại cảm giác dễ chịu, bởi vì nó mang lại không khí võ hiệp, nhưng tôi cảm thấy ít chất Tàu trong đó như nhiều truyện khác.
Truyện của tôi chỉ viết nhì nhằng. Cốt truyện, tình tiết còn chưa định hình hết. :) Đọc thì hết sức khô khan và bình bình. Chắc khi đã viết xong cái xương rồi, còn phải chỉnh lại nhiều. :D
 

Banhmitrung

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/8/14
Bài viết
174
Gạo
0,0
Chương 03b

Dư Lệ ngồi xuống, múc một muỗng cháo nhỏ, khẽ thổi qua rồi đưa tới, lúng búng nói:

- Ăn chậm thôi, từ nay không ai hành hạ em được nữa.

Cá Con trông muỗng cháo trước mắt, nước mắt bỗng chốc lăn dài. Cháo thì đã ở đây, nhưng mẹ nó thì vĩnh viễn không trở lại.

Dư Lệ nhìn cô bé vừa khóc nấc vừa ăn cháo, bất giác trong lòng đã có điều hiểu ra.

Vì sao Trần Công Minh phải chém đinh chặt sắt, không ngại ngần đối mặt với quá nửa các thế lực ở Nam Bộ chỉ để giữ vững lời tuyên bố của mình: nơi này, sẽ không có chợ nô lệ.

Đều là những kẻ có kinh nghiệm, hai người xử lý cái xác rất nhanh chóng. Ở nơi đồi núi hoang vu trập trùng này, một xác chết ném xuống đáy vực sẽ được bọn dã thú xử lý nhanh chóng. Máu tươi chảy khá nhiều, nhưng cũng không thành vấn đề gì lớn, chỉ cần lấy cát bên đường phủ lên sau đó quét bay đi, gió và bụi sẽ thực hiện phần còn lại của công việc.

Sau khi thu dọn và xóa đi hoàn toàn dấu vết của cuộc giao chiến, cả hai liền ngồi bệt ngay bên vệ đường để nghỉ ngơi. Ba Khang rõ ràng rất hào hứng, giống như vừa trút được một gánh nặng trên lưng. Y lôi từ lưng ngựa xuống một ống bương chè xanh, thứ nước uống yêu thích của y, thậm chí còn hào phóng chia cho Hoan một bương.

- Uống đi, uống đi. Mẹ nó, không có mày thì tao chưa chắc đã giết được thằng Sáu. Thằng này bỏ theo trại Long Hổ từ lâu rồi, mấy hôm nay mới lòi mặt chó ra.

Hoan nhận lấy bương nước, đặt sang một bên, cười cười hỏi lại:

- Sao hội chủ biết ổng phản bội hay vậy?

Ba Khang hơi nhíu mày, bất tri bất giác gõ thành dao găm trong tay vào đế giày sắt nghe coong coong:

- Hai ngày trước chính mắt tao thấy nó chém lén Tư Nghĩa một nhát đằng sau lưng. Trận đánh ở mương Bảy đó. Tao thấy mà lúc đó không nói gì được vì võ nghệ thằng Sáu cao lắm. Mà mày không uống nước chè à?

- Không quen, tui mà uống vào thế nào cũng bị đau bụng, trước giờ tui toàn uống nước suối không à.

Ba Khang cũng cười cười:

- Mày lanh lắm, lúc nãy tao nói có một chữ là mày hiểu ngay phải diễn thế nào.

Lời vừa dứt y đã vung cục đá không biết đã nắm sẵn trong tay phải từ lúc nào, đập thẳng vào đầu Hoan. Tay trái y chụm lại như một mũi dùi, đâm thẳng vào cổ gã thiếu niên, miệng chửi:

- Mẹ mày, lanh này.

Ba Khang ra tay đã nhanh, Hoan còn nhanh hơn.

Gã hội chủ chỉ cảm thấy trước mắt hơi hoa lên, thì hai tay đã giống như bị hai cái kẹp sắt kẹp lại, đau đến nỗi gã phải rú lên một tiếng. Thế nhưng tiếng rú của y tắc nghẹn lại trong bụng vì Hoan đã uốn người nhảy lên, giáng thẳng hai đầu gối vào ngực y. Động tác của gã thiếu niên vừa lanh lẹn vừa hung mãnh, rõ ràng là thủ pháp cận thân cầm nã thủ cao cường nhất.

Ba Khang nghe rõ cả tiếng xương sườn mình gãy răng rắc dưới sức công phá của đòn tấn công.

Thằng nhóc con này khí lực mạnh như một con trâu chọi. Chưa kịp phản ứng gì thì lại nghe bên tai hai tiếng gãy gọn nữa. Mắt y nổ đom đóm, hai tai ù đi và có cảm giác như cơ thể mình đã bị gãy gập xuống. Chỉ trong ba đòn liên hoàn ấy, Hoan đã tiện đà bẻ lọi cả hai tay y rồi.

Trận giao thủ này diễn ra nhanh như một cái chớp mắt. Khi hai người đã đánh xong, cái bương nước khi nãy mới đổ lật nghiêng sang một bên.

Nước bên trong bương chảy ra tới đâu, cỏ dại bên vệ đường liền bạc úa đi tới đó.

ooo​

Khi Ba Khang tỉnh dậy thì mặt trời đã hơi ngả về tây, gã thiếu niên đang ngồi đối diện với y, dáng điệu vô cùng thoải mái. Hai thanh mã tấu cắm chéo sau lưng và con dao găm ban nãy đang biểu diễn một điệu múa giữa hai tay gã, vừa man rợ vừa yêu diễm.

Ba Khang không có một cơ hội nào. Kể cả khi có vũ khí thì y cũng không cầm lấy nó bằng hai cái tay đã gãy khớp được.

Hoan nhẩn nha, vừa tung tẩy con dao vừa nói, giọng châm biếm:

- Tao là Dư Lệ, hay còn gọi là Báo Rừng. Từ khi tao vào trại Long Hổ tới giờ, chưa khi nào nghe nói tới một thằng tên Sáu Xà hết. Tao không biết vì sao mày giết nó trước, nhưng chắc chắn nó là người của bọn mày đó.

Ba Khang ngậm tăm.

- Thật ra cũng không quan trọng, đúng không? Mục đích của mày là giết hết cả hai đứa bọn tao. Đường tới huyệt Ưng Sào chỉ có thể cho một người biết. Mày định để tao lại sau cùng, chắc vì nghĩ tao là người yếu nhất, đúng không.

Gã thiếu niêm giễu cợt nhìn Ba Khang:

- Mày tính sai rồi, tính sai một lần mạng cũng phải bồi vào.

Ba Khang nhịn không được nữa, buộc miệng chửi bậy:

- Đù má, mày đúng là lanh thiệt.

Dư Lệ cười ha ha:

- Giờ mày có thể nói cho tao nghe đường đi đến Ưng Sào chưa?

- Mày mơ à? Tao thua rồi thì chỉ có chết thôi chứ mày đừng hòng moi được cái gì trong miệng tao.

Thanh dao găm đột nhiên dừng lại điệu nhảy của nó. Ba Khang tự dưng hơi hạ đầu xuống, một cảm giác bất an tràn ngập trong lòng y. Vừa ban nãy y đã bắt được một tia cảm xúc lóe lên trong mắt gã thiếu niên trước mặt, một cảm xúc hào hứng pha lẫn điên cuồng. Giờ phút này y chỉ hy vọng cảm giác của mình là sai.

Hoan nhìn gã phó thủ lĩnh sa cơ, thản nhiên hỏi lại hai chữ gọn lỏn:

- Thiệt hả?

Ba Khang bỗng dưng cười lớn, bất chấp cơn đau xé cả lồng ngực:

- Tao đang nghĩ vì sao mày phải nhất định tới huyệt Ưng Sào, bất chấp nguy hiểm để bám theo hai người bọn tao. Có người thân của mày ở đó à? Hay là người của Công Minh? Muốn giết bọn tao dễ ợt, mấy trận chiến gần đây chỉ cần mày nửa đường phản bội thì coi như tao có ba đầu sáu tay cũng không chạy được.

Mắt gã hội chủ trừng lên trong cơn hào hứng bạo ngược và tàn ác:

- Vậy thì vì sao? Nếu có người thân của mày thật thì mày chờ mà lượm xác bọn nó đi, vì chúng nó sẽ chết rục ở huyệt Ưng Sào.

Trong tình huống này có lẽ đây là cái phao duy nhất có thể cứu mạng Ba Khang. Muốn như vậy, cách duy nhất là y phải áp đảo được đối thủ về mặt khí thế, mới có thể dùng nó làm điều kiện trao đổi có lợi cho mình.

Dư Lệ tiến lại gần, vỗ vỗ bản dao vào má Ba Khang, lắc đầu bảo:

- Mày biết không, để tao nói với mày một chuyện cũ. Ngày xưa, tao cũng là nô lệ. Chỉ là một đứa trẻ con năm tuổi, nhưng tao đã sống ở trại tròn năm năm.

Ba Khang tái mặt, hơn ai hết gã hiểu rõ cái chữ năm năm này tàn khốc hung hiểm đến mức nào, máu tanh đến mức nào. Gã thiếu niên nhạt giọng nói tiếp, không để lộ bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào.

Tao học được cách đánh nhau. Học được cách giết người. Học được cách trộn lẫn với đám buôn người tụi mày. Và học được cách tra tấn nữa.

Lời này vừa dứt, thanh dao găm sắc lẻm đã hớt ngược lên, hớt bay chóp mũi của Ba Khang. Gã hội chủ vừa há hốc mồm để gào lên đau đớn thì Dư Lệ vung tay đấm mạnh xuống, tống luôn xương mũi và hai cái răng vào cổ họng y.

Vừa ra tay gã thiếu niên vừa nói:

- Tao không có quen ai ở huyệt Ưng Sào, cho nên mày cũng đừng vội nói nhanh quá.

Một bức màn đỏ thẫm đã phủ mờ mắt Ba Khang, xuyên qua bức màn máu đó, bóng người trước mặt y bỗng dưng biến thành ma quỷ dưới địa ngục. Từng tiếng gào thét không thuộc về cõi người, vang vọng bên sườn núi một buổi chiều tháng bảy.

ooo​

Trận chiến ở huyệt Ưng Sào kết thúc rất gọn gàng. Khi người của trại Long Hổ tràn vào lúc tờ mờ sáng, đám thủ vệ vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra. Thậm chí bọn chúng cũng hoàn toàn không biết chuyện địa bàn chính của mình dưới chân núi đã bị dọn sạch. Lúc bốn tên gác ngoài cửa huyệt bị cắt cổ không một tiếng động thì bọn còn lại vẫn đang chìm trong giấc ngủ.

Không một ai có thể phát hiện ra huyệt Ưng Sào. Đó là niềm tin đã đi theo chúng vào cõi chết.

Mặc dù đã sống mấy năm ở trại nô lệ thế nhưng khi thấy những cảnh tàn ác và nhơ nhớp mà hội Dạ Hành gây ra, Dư Lệ vẫn phải nhíu mày. Không một phòng nào không có dấu vết phụ nữ bị chà đạp, thậm chí có vài chỗ đã bày ra đầy đủ thú vui bệnh hoạn của bọn buôn người này. Chỉ đi qua có hơn mười phòng, trại Long Hổ đã cứu ra gần hai mươi cô gái, tất cả đều giống như những cái xác vô hồn biết đi.

Dư Lệ nhìn thấy ánh mắt vô hồn trên mặt họ. Có vài người hờ hững nhìn qua bọn thủ vệ bị thương nằm lăn lộn trên mặt đất. Có vài người vừa trông thấy chúng thì vằn mắt lên xông vào đánh đập để trả thù. Có cô gái đã đến bờ điên loạn, giật lấy đao băm vằm tên thủ vệ cho đến lúc nát nhừ thì quẳng đao ôm mặt khóc ngất.

Người của trại Long Hổ không ngăn cản, lệnh của Trần Công Minh là giết sạch đám buôn người. Trong cuộc chiến này, họ đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần tình cảnh như vậy rồi.

Ở trại nô lệ, hoàn toàn không có con người.

ooo​

Khi Dư Lệ tiến vào khu vực phòng giam ở đằng sau huyệt Ưng Sào, y càng thấm thía hai chữ trại người. Người ở đây bị chăn nhốt như một bầy heo, hầu hết đều chỉ quấn vài mảnh vải rách rưới để che thân. Bọn họ phải ăn trong máng, và không khí trong lành chỉ được cung cấp bởi vài cái cửa tò vò ở tít trên cao. Hội Dạ Hành chia bọn họ ra làm ba khu, một là những người lớn tuổi già cả, cũng là khu vực hôi hám tồi tệ nhất. Khu thứ hai đông nhất và cũng rộng rãi nhất, bao gồm các thanh niên trai tráng còn sức lao động, đếm sơ qua cũng gần ba mươi người. Khu thứ ba là tối tăm nhất, và dù không dơ bẩn như khu đầu tiên thì nó cũng nhỏ bé đến nỗi không khí trong đây tưởng như đã đặc quánh lại.

Dù rằng hầu hết những người bị giam ở đây đều là con em hoặc chủ gia đình có chút ít tài sản, và lý do duy nhất để họ chưa bị chuyển đến các chợ buôn người là do hội Dạ Hành còn đang chờ món tiền chuộc từ gia đình của họ. Thế nhưng không vì thế mà họ được đối xử tốt hơn chút nào. Trái lại, do tình cảnh bị chôn chân ở tận trong núi rừng một thời gian quá lâu, tâm lý bọn thủ vệ hầu như đều đã biến hóa thành thói bạo ngược.

Bọn chúng nghĩ ra đủ mọi trò để tiêu khiển trên thân xác đám nô lệ. Không một ai là không bị thương trên người, từ nhẹ nhàng đến tàn phế.

Dư Lệ mở cửa phòng giam khu thứ ba và phải mất đến vài giây để có thể làm quen với bóng tối. Y thấp thoáng nhìn thấy một hình dáng bé xíu quấn chặt trong một tấm vải xám rách rưới, ngồi co ro tít tận góc phòng trong cùng. Lúc ban đầu y tưởng rằng khu này chỉ có một người bị giam, nhưng khi chân y vấp phải một cái xác nằm co quắp dưới nền thì y nhận ra rằng, ở đây thật ra chỉ có một người sống sót.

Mười tám cái xác trẻ con và một đứa còn đang thoi thóp.

Khi Dư Lệ bế đứa bé lên, y cảm thấy hầu như tay mình không mất tý sức nào. Đứa bé này đã gầy như cái xác ve. Dư Lệ ôm nó vào lòng, nhẹ nhàng nói:

- Xong rồi, tất cả đã qua rồi.

Y cảm nhận được toàn thân đứa bé khe khẽ run lên. Và y thấy được một đôi mắt sáng bừng lên. Ánh sáng mà ngay cả sự bạo ngược vô nhân đến tận cùng, cũng không có cách nào phủ mờ đi.

ooo​

Sau sáu tháng bị giam giữ trong huyệt Ưng Sào, Cá Con lại một lần nữa thấy được ánh mặt trời. Nó cố vươn người lên, hít lấy hít để thứ không khí trong lành thấm đẫm mùi lá cây ngai ngái. Và khi mũi nó bắt được một mùi mà đã lâu không gặp, thì bụng nó liền quặn lên.

Người thanh niên cao lớn lúc nãy bế nó ra ngoài đã trở lại, trên tay cầm theo một chén cháo thịt. Không sai, là cháo thịt, thứ mà ngày xưa mẹ nó vẫn hay nấu cho cả nhà ăn vào buổi sáng. Ở những năm tháng an lành.

Thế nhưng bản năng và thói quen trong sáu tháng sống ở trại người đã khiến cho Cá Con co người lại. Tấm vải rách rưới trên người nó giống như một tấm chắn cuối cùng, bảo vệ nó khỏi mọi sự tàn ác của thế nhân.

Dư Lệ nhìn cô bé nhỏ như con chó con đang cố rút người vào góc. Y nhìn thấy nét hoảng sợ và hoài nghi trong đôi mắt sáng của nó. Y nhìn thấy cả những vết sẹo chi chít trên những phần cơ thể lộ ra ngoài tấm vải rách. Y nhìn thấy cơn run rẩy rất nhẹ nhưng dai dẳng không cách nào chấm dứt.

Y nhìn thấy y, của mười năm trước. Khi người ta giật y ra khỏi vòng tay ấm áp của mẹ y, người mà y chẳng thể nhớ nổi nét mặt, bỏ lại sau lưng cả một đô thành đang bốc cháy hừng hực.

Dư Lệ ngồi xuống, múc một muỗng cháo nhỏ, khẽ thổi qua rồi đưa tới, lúng búng nói:

- Ăn chậm thôi, từ nay không ai hành hạ em được nữa.

Cá Con trông muỗng cháo trước mắt, nước mắt bỗng chốc lăn dài. Cháo thì đã ở đây, nhưng mẹ nó thì vĩnh viễn không trở lại.

Dư Lệ nhìn cô bé vừa khóc nấc vừa ăn cháo, bất giác trong lòng đã có điều hiểu ra.

Vì sao Trần Công Minh phải chém đinh chặt sắt, không ngại ngần đối mặt với quá nửa các thế lực ở Nam Bộ chỉ để giữ vững lời tuyên bố của mình: nơi này, sẽ không có chợ nô lệ.

Vì sao trại Long Hổ đổ xương đổ máu, không tiếc hao tổn để tuyên chiến với những trại buôn nô lệ. Trong những đứa trẻ, người già bị bắt giữ ở trong trại, có bao nhiêu người là thân quyến của đồng đội họ ngày xưa trên chiến trường. Có bao nhiêu người khi chồng, cha, con của mình bán mạng chiến đấu, thì họ bị biến thành những món hàng, bị xem như súc vật mua đi bán lại.

Trong lòng y lúc này cũng đang gầm thét, cuồn cuộn như biển trào.
 

Banhmitrung

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/8/14
Bài viết
174
Gạo
0,0
Chương 04 (a): Tấn Bình biến.

Mặc dù nhờ có quan ải Thiên Môn trấn giữ, dị thú Vân Hoang không thể tràn vào vùng đất bên trong với số lượng lớn, thế nhưng khi ấy vương triều đang chìm trong nội chiến, vốn đã không còn lực lượng để bảo vệ khu vực quan ngoại nữa. Khi cuộc chiến kết thúc, các cứ điểm và thành trấn vùng quan ngoại của vùng Nam Bộ đã bị phá hủy tan nát, diện tích đất đai trực thuộc phủ Gia Định co lại còn chưa đầy một nửa trước đó. Nếu không có thành Huyết như một thanh đao sừng sững chắn sau ải Thiên Môn, có lẽ tòa hùng quan này đã sớm bị dị tộc vượt qua. Nhưng năm sau đó, màu đỏ sậm của tường thành Huyết đã nhuộm thành đỏ tươi. Máu của nhưng quân đoàn biên giới, những hào quang rực rỡ còn sót lại của tiền triều, lại một lần nữa bừng lên rực rỡ trên những tháp phòng thủ trên tường thành.

Lục địa Thang Lâm có hình dạng giống như một tam giác ngược, chia làm bốn vùng chính là Nam Bộ, Nam Trung bộ, Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ. Bốn vùng đất này, trừ những nơi biên giới quá xa xôi hẻo lánh, thì đều nằm dưới thế lực của bốn tòa thành lớn nhất. Thành Huyết quản lý Nam Bộ, thành Tỵ Tuyết khống chế Tây Bắc Bộ, núi Hoàng Kim nắm giữ Nam Trung Bộ còn thành Vấn Thiên trấn giữ vùng Đông Bắc Bộ.

Vùng Nam Bộ hợp lại bởi ba phủ Gia Hòa, Gia Tĩnh và Gia Định, tiếp giáp với đất Vân Hoang. Bên dưới ba tòa phủ là mấy mươi tòa thành thị lớn nhỏ rải rác ở khắp nơi, có chỗ đã tồn tại từ thời xa xưa, có thị trấn vừa tạm thời mọc lên để quy tụ dân chạy nạn, lâu dần phát triển lên thành thị. Nhân khẩu toàn vùng Nam Bộ hiện nay đã vượt quá một triệu người, mặc dù nếu so với thời tiến chiến thì vẫn kém xa, nhưng đây đó cũng thấp thoáng thấy được bầu sinh khí dần thịnh vượng.

Mặc dù Nam Bộ được che chắn bởi hùng quan Thiên Môn cùng bảy cửa Sơn Khuyết, đây vẫn là nơi có tranh chấp nhiều nhất trong lịch sử lục địa. Ngay từ buổi hồng hoang, khi bảy quốc gia còn tranh giành quyền lực lẫn nhau, thì quả thật số lần chiến tranh ở nơi này đã bùng nổ đếm không hết. Cho đến khi vương triều Tinh Đế quật khởi, Nam Bộ lại là chiến trường chính giữa vương triều và dị tộc, dị thú Vân Hoang suốt mấy mươi năm ròng rã, kéo dài tận đến lúc cuộc chiến Năm Vua Chín Chúa bùng nổ.

Mặc dù nhờ có quan ải Thiên Môn trấn giữ, dị thú Vân Hoang không thể tràn vào vùng đất bên trong với số lượng lớn, thế nhưng khi ấy vương triều đang chìm trong nội chiến, vốn đã không còn lực lượng để bảo vệ khu vực quan ngoại nữa. Khi cuộc chiến kết thúc, các cứ điểm và thành trấn vùng quan ngoại của vùng Nam Bộ đã bị phá hủy tan nát, diện tích đất đai trực thuộc phủ Gia Định co lại còn chưa đầy một nửa trước đó. Nếu không có thành Huyết như một thanh đao sừng sững chắn sau ải Thiên Môn, có lẽ tòa hùng quan này đã sớm bị dị tộc vượt qua. Nhưng năm sau đó, màu đỏ sậm của tường thành Huyết đã nhuộm thành đỏ tươi. Máu của nhưng quân đoàn biên giới, những hào quang rực rỡ còn sót lại của tiền triều, lại một lần nữa bừng lên rực rỡ trên những tháp phòng thủ trên tường thành.

Không còn sự chi viện của vương triều phía sau, tướng sĩ thành Huyết khi ấy hoàn toàn dựa vào tài nguyên một rẻo đất Nam Bộ để chống chọi với dị tộc. Họ đã điền vào những chỗ sụp đổ của tường thành bằng sinh mạng con người. Họ cũng không còn đủ dư lực để cướp đoạt địa bàn xung quanh như những thế lực quân phiệt lớn mạnh khác. Thế nhưng không một quân phiệt nào dám khiêu khích thành Huyết. Bởi lẽ cho dù có thành công lật đổ thành Huyết, họ sẽ phải đối mặt vào sự tấn công liên miên của đất Vân Hoang. Không những thế, họ sẽ chìm sâu vào sự phản kháng của những thế lực khác bên trong quan ải, những thế lực chỉ chấp nhận thành Huyết là người đứng đầu tối cao của bọn họ.

Bất kể là trước hay sau chiến hỏa, qua năm năm tháng tháng, tòa thành kiên cố nhất lục địa này vẫn là biểu tượng của sự bất khuất anh dũng trong lòng dân chúng Thang Lâm.

Thế nhưng chưa một ai thực sự thống nhất được Nam Bộ, kể cả vương triều hùng mạnh ngày xưa hay thành Huyết ngày nay. Có lẽ do sự rèn đúc của chiến hỏa liên miên, dân phong của Nam Bộ nổi tiếng là hung hãn, bất khuất và kiên định. Mặc dù họ đều công nhận thành Huyết là thế lực đứng đầu của mình, nhưng tình hình Nam Bộ lúc này lại giống như quần hùng chia nhau cát cứ khắp nơi. Bên dưới bề mặt có vẻ phẳng lặng kia là trăm ngàn dòng chảy ngược xuôi không hề ngơi nghỉ một giây một phút nào.

ooo​

Đất Gia Hòa rộng đến sáu mươi vạn mẫu, khắp nơi phần lớn đều là sông rạch, núi thấp chen lẫn với rừng ngập. Tuy Gia Hòa nằm lệch về một phía so với trung tâm, thế nhưng lại có lợi thế một mặt giáp biển, hai mặt giáp với đất Trung Bộ, vì thế sản vật và tài nguyên của nó vô cùng phong phú và quý giá. Phía nam lại được che chắn bởi phủ Gia Định, nên trong lịch sử nó cũng chưa bao giờ phải chịu nạn hung thú cùng dị tộc xâm lấn.

Giao thương đường thủy ở đây phát triển vô cùng thịnh vượng. Chỉ riêng các cảng biển chính, nơi đây đã có đến chín cái, cảng sông lên đến hơn trăm cái. Hầu như ở khắp nơi đều có thể thấy được ghe thuyền qua lại, từ các bến cảng trung tâm này tỏa đi khắp các ngõ ngách trong phủ Gia Hòa.

Thời tiền chiến, các bến cảng này là nơi tập trung kho chứa hàng hóa của rất nhiều thương hội lớn, ngay cả đoàn ngự thương của hoàng tộc cũng đặt trụ sở chính tại nơi này. Sự phong phú về tài nguyên và giao thông thuận lợi biến phủ Gia Hòa thành một trong những phủ phồn vinh nhất, chỉ đứng sau kinh thành.

Trong những năm chiến loạn, nó lại trở thành một trong những nơi lánh nạn tốt nhất. Đất đai ở đây tuy mênh mông rộng lớn, nhưng lại bị chia cắt bởi sông rạch và núi non chằng chịt, lại không có bất kỳ nơi nào gọi là hiểm yếu. Các phe phái rất khó tập trung quân đội với số lượng đông đảo, cũng như tổ chức phòng thủ hữu hiệu ở nơi đây. Vì thế ở phủ Gia Hòa có rất ít những trận giao tranh lớn, cũng không có thế lực nào đủ mạnh mẽ để có thể khống chế toàn bộ vùng đất. Các thành trấn cũng vì thế mà hầu như vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn, sau đó trở thành tài nguyên tốt nhất để nó hồi phục sau cuộc chiến. Ngay khi nội chiến gần kết thúc, một số bang hội, thành trấn đã quyết định cùng nhau quy phục thành Huyết, tránh cho phủ Gia Hòa bị một thế lực hùng mạnh nào đó tiến đánh.

Thế nhưng thời hậu chiến, các thế lực nhỏ lẻ, các bang hội môn phái mọc lên như cỏ dại sau mưa, tạo thành một cục diện hết sức hỗn loạn. Ngay cả thành Huyết khi đó vì đang bận rộn củng cố lại sức mạnh và địa bàn của mình, cũng không thể duy trì lực lượng đến tận mỗi ngóc ngách của Gia Hòa. Vì thế ở ngoài mặt thành Huyết chấp nhận chế độ nửa tự trị ở đây, chỉ áp đặt quyền thống trị hết sức sơ sài, tác dụng chính yếu là để thu thuế hàng năm. Họ chỉ giao thiệp với những thế lực quân phiệt lớn nhất trong vùng và hoàn toàn giao phó quyền khống chế địa bàn bên dưới cho các thế lực này.

Miễn là không có biến động quá lớn hay tụ tập quân lực quá hùng hậu, có thể dẫn phát chiến tranh quy mô lớn, thì về cơ bản thành Huyết sẽ không ra tay can thiệp. Thế nhưng phủ Gia Hòa rất ít khi xảy ra xung đột quân sự, bởi vì các thế lực bản địa đều hiểu rõ thành Huyết là một quái vật hung tợn đến như thế nào. Đừng nhìn ngày thường nó chẳng hề quan tâm gì, thế nhưng chỉ cần họ lộ ra chút ít sơ hở, con quái vật này sẽ nuốt gọn bọn họ chẳng chừa cả xương.

Thái độ ngậm miệng ăn tiền này của thành Huyết lại càng biến phủ Gia Hòa thành một vùng đất mà ở đó, lực lượng bản thân và quan hệ lợi ích là sức mạnh cốt lõi.

ooo​

Bốn năm trước, trại Long Hổ đã quyết định xây dựng hai khu trại chính của mình ở Gia Hòa.

Một trại nằm ngay đầu nguồn con sông Lưu Bích, một trong bảy con sông lớn nhất trong phủ, gọi là trại Hổ. Trại được xây trên một vùng đất bằng phẳng tương đối rộng lớn, một mặt hướng ra sông, một mặt tựa vào núi. Bên trong bao gồm mấy chục căn nhà gạch lớn, vừa là nơi ở của các đệ tử chính thức và gia quyến của họ, vừa là chỗ cất giữ nhu yếu phẩm thường ngày. Bên ngoài có cả một khu bến cảng cỡ vừa, là nơi tập kết chính của các đội thuyền chuyển vận và bảo vệ trong trại.

Trại Long dựng trên một khoảnh đất nằm ở chân núi Bà, ẩn mình dưới một rừng cây thưa xanh mát. Cách trại Hổ khoảng ba dặm, nơi này được bao quanh bởi một con kênh nhỏ gọi là kênh Ông Tõm, chỉ có một lối ra duy nhất là cầu Cá Vượt. Đây cũng là nơi ở của trại chủ, bốn vị trưởng lão và mười ba vị đầu lĩnh, là bộ phận chỉ huy đầu não đồng thời cũng là nơi họp bàn những quyết sách chính trong toàn trại.

Nằm cách trại Long chừng một dặm là một dãy nhà nhỏ, là nơi chăm sóc cô nhi của chiến hữu bỏ mình và những thành viên bị thương tật nặng qua những trận giao tranh ngày trước.

Hai đường sinh kế chính của trại Long Hổ trong mấy năm gần đây đều nằm ở võ đường và hộ vệ hàng hóa của thương đội. Thời buổi chiến loạn liên miên, hầu như ai cũng muốn luyện tập một ít võ nghệ để có thể bảo vệ bản thân và gia đình. Và những chuyến vận chuyển hàng buôn từ vùng này sang vùng khác đều giống như một trận chiến nhỏ giữa thương hội và hắc đạo trên đường. Vì thế sinh ý của trại Long Hổ phát triển vô cùng thịnh vượng, cửa ghi danh ở võ đường của họ chưa bao giờ vắng bóng người và lá cờ Hộ Kỳ Long Hổ hầu như có mặt khắp nơi trên các nẻo đường phủ Gia Hòa.

Họ có sáu võ đường ở rải rác khắp vùng lân cận, mỗi một chỗ được quản lý bởi một vị đầu lĩnh và hai vị phó thủ, cứ nửa năm lại thay phiên toàn bộ một lần. Các võ sinh khi thành tài lập nghệ, rời khỏi võ đường thì hầu như đều quay về làm việc dưới trướng trại Long Hổ. Hoặc cũng có người tự mình gầy dựng thành thế lực bản địa riêng, nhưng tất thảy đều giữ mối quan hệ thân thiết với nơi đã đào tạo mình. Cũng nhờ vào các võ đường này, lực lượng đệ tử bổ sung của trại Long Hổ luôn luôn thừa thải và hệ thống tin tức cũng trải rộng khắp nừa phủ Gia Hòa.

Ngoài các võ đường, trại Long Hổ còn có ba cơ sở thực hiện nhiệm vụ hộ vệ, gọi chung là Hộ Kỳ. Ba Hộ Kỳ này trực tiếp nhận mệnh lệnh từ Trần Công Minh, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cửa hàng, hộ vệ các đoàn xe hoặc thuyền buôn của thương đoàn ngang dọc trên sông. Họ đặt trụ sở ở cả ba tòa thành lớn trong phủ, hộ viên được tuyển chọn từ lớp đệ tử xuất sắc ở sáu võ đường, võ nghệ và trung thành đều là hạng nhất.

Nếu chỉ xét riêng về sức mạnh giữa các bang hội giang hồ, trại Long Hổ hoàn toàn đủ sức chen vào ba vị trí đứng đầu trong phủ Gia Hòa.

Trong bốn năm, họ đã quét sạch toàn bộ các tổ chức buôn bán người ở vùng ven biển, thu nạp thêm thành viên tới hơn hai ngàn người, phần lớn là lính giải ngũ và nô lệ. Điều này khiến cho thế lực và sức mạnh của trại Long Hổ tăng lên cực nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.

Không một thương đoàn nào ở phủ Gia Hòa dám đắc tội với trại Long Hổ, bao gồm cả ba liên minh thương đoàn lớn nhất. Cũng không một bang hội hắc đạo nào dám trắng trợn ra tay cướp bóc các đoàn xe và thuyền có gắn hộ kỳ Long Hổ. Thậm chí đến cả các thế lực quân phiệt rải rác trong vùng cũng phải nể mặt bọn họ mấy phần.

Mặc dù đang nắm trong tay lực lượng hùng mạnh, nhưng Trần Công Minh hiểu rất rõ câu nói đất có thổ công, sông có hà bá. Đối với những thế lực quân phiệt này trại Long Hổ đều giữ gìn lễ số rất chu đáo, chuyện giao nộp phí lên hàng quý chưa bao giờ trễ nãi. Vì thế dẫu thỉnh thoảng có vài trận huyên náo nho nhỏ nổ ra giữa đám người bên dưới, thì quan hệ tầng cao của các bên vẫn rất tốt đẹp.

Dù sao bánh ít đi qua bánh quy đi lại vẫn là tiêu chí tồn tại hàng đầu của các bang hội lớn.
 

Banhmitrung

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/8/14
Bài viết
174
Gạo
0,0
Chương 04 (b): Tấn Bình biến

Dư Lệ chồm lên khỏi mặt nước, tham lam há miệng hớp lấy hớp để từng ngụm khí trời. Lồng ngực vốn đang bỏng rát của gã được luồng không khí trong lành ấy xoa dịu, cảm giác đột nhiên dễ chịu không sao tả xiết. Dù mỗi ngày gã đều rèn luyện hết sức chăm chỉ, thế nhưng đi quyền dưới mặt nước luôn là bài tập khó nhằn nhất. Mỗi lần luyện xong, phải đến nửa canh giờ sau gã mới có thể khôi phục hô hấp bình thường.


Dư Lệ chồm lên khỏi mặt nước, tham lam há miệng hớp lấy hớp để từng ngụm khí trời. Lồng ngực vốn đang bỏng rát của gã được luồng không khí trong lành ấy xoa dịu, cảm giác đột nhiên dễ chịu không sao tả xiết. Dù mỗi ngày gã đều rèn luyện hết sức chăm chỉ, thế nhưng đi quyền dưới mặt nước luôn là bài tập khó nhằn nhất. Mỗi lần luyện xong, phải đến nửa canh giờ sau gã mới có thể khôi phục hô hấp bình thường.

Nhớ lại ngày đầu tiên rèn luyện, gã vỏn vẹn chỉ đấm ra ba cái, tung ra một cước là đã hết sạch khí lực. Có lần gã nổi cơn ương bướng, nhất định không chịu trồi lên mặt nước cho đến khi mặt mày tím tái, suýt chút nữa vì luyện võ mà thành con ma chết trôi.

Do trại Long Hổ là một bang hội sinh kế chủ yếu nhờ vào nghề sông nước, thế nên bài tập dưới nước này là một bài tập bắt buộc với mọi đệ tử trong trại. Yêu cầu của Trần Công Minh với bọn đệ tử vô cùng nghiêm khắc, mỗi một cú ra đòn dù đang ở dưới mặt nước, kình lực phát ra vẫn phải đầy đủ không sai biệt chút nào thì mới gọi là đạt yêu cầu. Tuy trong trại cũng có không ít những con ‘quỉ nước’ có thể nín hơi dài gấp bốn năm lần người bình thường, thế nhưng đạt đến mức kéo dài gần nửa canh giờ như Dư Lệ là cực kỳ hiếm.

Yếu quyết cơ bản của bài tập này thực chất không nằm ở chuyện tích hơi trước khi lặn nhiều bao nhiêu, mà là cách phân bố lực lượng chính xác bao nhiêu. Bởi vì thực chất nếu tích hơi vào phổi càng nhiều, thân thể lại càng dễ nổi lên mặt nước. Người lặn khi đó lại càng phải vận sức để trầm mình xuống, dẫn đến mất hơi mất sức nhanh hơn. Vì thế những kẻ nín hơi dài nhất là những kẻ có khả năng khống chế lực vô cùng tinh tế, mỗi một cử động của cơ thể họ đều chỉ dùng lực vừa đủ, không thừa không thiếu một chút nào. Ai phân bổ lực lượng tốt hơn, người đó càng có cơ hội sống sót nhiều hơn khi giao chiến dưới nước.

So với những ngày đầu tiên đánh đấm như vịt đạp nước, sau ba năm rèn luyện không ngơi nghỉ, Dư Lệ đã có thể đánh đủ ba mươi sáu thức trong bài quyền Tiềm Long Vỹ trong một hơi nín thở. Lực lượng của quyền kình không khác gì lúc gã đứng trên đất bằng, mạnh mẽ đến mức tạo thành những xoáy nước ngầm bên dưới mặt nước.

Luyện quyền dưới nước, đối với những người đã đạt tới cảnh giới ngoại khí như gã, lại càng là cơ hội để quan sát đường đi của kình khí mình đánh ra, dựa vào việc xao động của dòng nước xung quanh cơ thể.

“Ô, hôm nay kiên trì được thêm hẳn một hồi đấy. Tao cứ tưởng chuẩn bị phải nhảy xuống vớt mày lên” - Một lão già bụng phệ, ngồi trên tảng đá bên hồ nước, vừa chẹp chẹp miệng vừa nhìn Dư Lệ ướt lóp ngóp trèo lên bờ.

“Lão Hàn, mới sáng sớm đã nốc rồi à. Sớm muộn rồi cũng thăng thiên vì rượu thôi.” – Dư Lệ nhìn cái hồ lô bầu đã mở nắp đặt bên cạnh lão già, vừa thở vừa trả treo.

“Kệ tao.” – Lão Hàn chẳng lấy đó làm điều, thản nhiên tu thêm một ngụm – “Lo mà luyện đi, nhắm chừng vài năm nữa là mày sẽ đạt tới cảnh giới bơi dưới hồ nửa ngày mà không dính nước đấy, ngang với mấy con vịt.”

Dư Lệ hừ hừ trong miệng, không đáp lời. Lão Hàn là người coi sóc khu trại cô nhi từ những ngày đầu tiên, nghe nói do chính Trần Công Minh đặc cách, thuộc vào hàng ngũ nguyên lão. Ở trại Long Hổ tròn tám năm, chưa bao giờ Dư Lệ thấy lão Hàn rời khỏi bầu rượu hồ lô của mình, thứ nước mà lão luôn gọi là nước tiên trời ban ấy. Và lão già có gương mặt béo múp, hai mắt híp rịt lại ấy hầu như tỉnh táo vào buổi sáng, thời điểm mà lão ngồi hóng mát ngoài bờ hồ và điểm tâm bằng cách châm chọc Dư Lệ.

ooo

Gã leo lên ngồi xếp bằng bên bờ hồ, tận lực thả lỏng những cơ bắp đang căng cứng của mình ra. Trở về trạng thái thả lỏng trong thời gian nhanh nhất là điều đầu tiên mà Dư Lệ được dạy dỗ, và cũng là một điều hữu dụng nhất. Một người có thể khống chế tốt trạng thái của cơ thể và điều chỉnh hơi thở là người hồi phục nhanh nhất trong chiến đấu. Chỉ cần nhỉnh hơn đối thủ một chút, coi như đã thêm một phần chiến thắng. Trần Công Minh truyền lại cho gã một bộ khí công với cách hít thở hai dài ba ngắn đan xen, mà nhờ nó gã có thể lấy lại sức mạnh nhanh gấp rưỡi những võ sinh khác.

Dựa theo kiến thức thông thường ở Thang Lâm, tất cả những người luyện võ khi chưa thể hình thành Nội Khí bên trong cơ thể thì đều phải dựa theo ba tầng cảnh giới để phân chia. Đó là Cơ, Lực và Ngoại Khí. Mặc dù ranh giới giữa các cảnh giới khá nhạt nhòa, thế nhưng gần như đây là cách rèn luyện từ cơ bản dành cho mọi võ sinh. Bởi lẽ nếu không thể luyện cơ thì không thể sinh lực, nếu không sinh lực được thì cũng đừng mong phát ra ngoại khí.

Cơ là cách thức để rèn luyện và cung cấp một môi trường phát triển tốt nhất cho cơ bắp của một người. Sự dẻo dai của hệ cơ bắp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chịu đựng và phát lực của cơ thể. Rất nhiều người đã mang ám thương trong người khi rèn luyện, chỉ vì cơ bắp không đủ bền vững mà lại luyện lực quá sức, cuối cùng ảnh hưởng đến thành tựu võ học cả đời của mình. Các võ điển truyền lại từ xưa vẫn thường hay ghi chép tuổi để luyện cơ tốt nhất là khoảng từ năm tới sáu tuổi. Thế nhưng trải qua một thời gian dài phát triển và khám phá, rất nhiều môn phái đã hoàn thiện một bộ phương pháp luyện cơ cho tất cả các lứa tuổi từ hai mươi trở xuống.

Sau khi luyện cơ đến một mức độ nào đó, võ sinh sẽ bắt đầu nghiên cứu đến cách vận dụng sức mạnh và phân bổ sức tấn công của mình. Những kiến thức này đều được gói gọn trong một cảnh giới: Lực.

Do thể trạng của mỗi người đều khác nhau, cho nên sự bền vững của hệ cơ bắp cũng không ai giống với ai cả. Có những người trời sinh thần lực, cử đá ném tạ gấp mấy lần bạn cùng lứa, lại có những kẻ miễn cưỡng rèn luyện thời gian dài, cũng chỉ đạt đến mức cơ thể rắn chắn dẻo dai hơn người thường mà thôi. Lực chính là phương cách để bồi đắp cho sự chênh lệch đó. Ở trại Long Hổ, những trưởng tràng đi trước sẽ tùy theo tư chất của đệ tử lớp sau mà truyền dạy những phương cách rèn lực khác nhau, từ cương dương khai trời mở đất đến âm nhu nước chảy đá mòn.

Cảnh giới Lực được đánh giá từ nhập môn, trường lực đến viên mãn. Một người có tư chất thông thường sẽ mất khoảng chừng sáu năm rèn luyện để có thể đạt tới viên mãn.

Dư Lệ vốn đã bước qua cảnh giới Lực viên mãn từ ba năm trước, khi gã mới mười ba tuổi.

Khí lực của gã nếu xét trong những đệ tử cùng thế hệ cũng không được coi là mạnh mẽ nhất, thế nhưng được đánh giá là bền bỉ và dẻo dai nhất. Có thể gã sẽ không nâng được tạ đá nặng nhất trên sân tập, nhưng nếu cộng lại toàn bộ khối lượng tạ đã nâng trong buổi tập thì chắc chắn gã là người đứng đầu. Điều này một phần cũng nhờ vào bộ khí công vô danh mà gã học được từ Trần Công Minh.

ooo

Khi gã mở mắt ra thì thấy bên cạnh lão Hàn đã có thêm một người đàn ông thân hình cao lớn từ lúc nào không biết. Gương mặt sắc nét gọn gàng như đao khắc, hai hàng mày kiếm kéo lên đến tận tóc mai, khiến cho thần thái người này không giận mà tự có uy. Trên người y dù lúc này chỉ có một bộ quần áo chẽn đơn giản, thắt lưng vải xanh dắt đao buộc chéo ngang hông, vẫn toát ra khí thế trầm tĩnh và hào hùng không thể khuất lấp của người quen ngồi ngôi vị cao.

Dư Lệ vội đứng lên cúi chào, gọi một tiếng trại chủ. Người đàn ông này chính là trại chủ trại Long Hổ, danh tiếng dọa khiếp cả phủ Gia Hòa, Trần Công Minh.

“Luyện tập không tệ, vẫn đang nghe khí đúng không.” - Công Minh khoát tay, bảo Dư Lệ cứ việc ngồi xuống: “Lúc nãy ta thấy ngoại khí của cậu phát ra dưới mặt nước đã có thể xoắn lại thành vòng xoáy rồi đấy, cố gắng thêm một chút nữa là có thể chạm đến nội khí rồi.”

Dư Lệ nghe thế liền nhăn nhó mặt mày, cái đoạn ‘cố gắng thêm chút nữa’ gã đã nghe từ ba năm trước, khi lần đầu tiên dùng Lực đánh ra ngoại khí.

Ngày đó Dư Lệ phải cố gắng hết sức mới có thể không chạm vào ly nước mà vẫn làm nước xao động, dù khoảng cách từ tay gã tới ly nước chỉ bằng một sợi tóc. Khi ấy gã đã vui mừng đến mức mất ngủ trọn hai ngày. Ba năm rèn luyện miệt mài, hiện tại gã đã có thể cách không đánh nát nội tạng của một con heo nhỏ, thế nhưng vẫn mịt mờ chưa thể chạm tay vào tầng cao hơn: Nội Khí. Thế nhưng Công Minh không chỉ dạy gã bất kỳ điều gì, mỗi lần đến xem xét gã luyện tập chỉ nói vỏn vẹn: Cố gắng thêm chút nữa.

Công Minh thấy được cái nhăn mặt của Dư Lệ, chậm rãi hỏi:

- Sao vậy, luyện tập bảy năm vẫn chưa bước đến nội khí, cảm thấy bức bối trong lòng?

Dư Lệ không đáp, thế nhưng biểu hiện trên gương mặt đã tố cáo nội tâm của gã. Dù thế nào thì gã cũng chỉ mới là một thiếu niên mười sáu tuổi. Vả lại người đàn ông ngồi trước mặt gã hiện tại, chính là người mà gã tin tưởng nhất, tin tưởng đến mức có thể thả lỏng tâm tình.

Khi Dư Lệ được giải cứu khỏi trại Ngạc mới chỉ là một cậu nhóc chín tuổi, lúc đó khắp người của gã đều là ám thương rách nát, hậu quả của những năm tháng lăn lộn trong trại buôn người. Thậm chí xương cốt gã đã có vết nứt, do điều kiện sống tồi tệ đã trở thành mãn tính. Công Minh đã phải mất trọn cả năm trời để uẩn dưỡng, phục hồi lại những vết rách bên trong cơ bắp của Dư Lệ, rồi mới cho phép gã luyện võ.

Khoảng thời gian một năm trời đó có thể coi như là thời điểm đau đớn về thể xác nhất trong cuộc đời Dư Lệ. Khi mỗi tối gã đều phải ngâm mình trong những thùng nước thuốc đặc chế, có lúc như bị cả ngàn mũi kim châm vào da thịt, có lúc như bị thiêu sống trong lửa, có lúc lại cảm giác như đang lột từng lớp da trên cơ thể. Thậm chí khi có một thùng thuốc chứa gần trăm xác thạch sùng đủ loại được dùng trong suốt một tuần, đã bất tri bất giác tạo thành mối hận thù sâu sắc của gã thiếu niên với loài bò sát hiền lành này.

Tuy không ai nói ra, nhưng Dư Lệ biết tư chất luyện võ của mình có thể liệt vào hạng đầu trong đám đệ tử đời thứ ba của trại Long Hổ. Gã chỉ mất hai năm để đạt đến cảnh giới Lực viên mãn. Mất thêm một năm nữa để đạt đến cực hạn của ngoại khí, trong khi một võ sinh có tư chất bình thường sẽ phải mất trung bình gần mười năm. Đạt đến Ngoại Khí, người võ sinh có thể bắt đầu được gọi là võ giả.

Ngoại khí chính là cách vận dụng Lực trong chiến đấu, muôn hình vạn trạng. Tùy vào võ công mà người luyện võ sử dụng, ngoại khí có thể nặng như núi đè, mạnh như thác đổ. Cũng có thể nhẹ nhàng như hái hoa, mềm mại như nước chảy. Có những môn phái chuyên về ngạnh công, cao thủ của họ thậm chí có thể tay không triền đấu với binh khí sắc bén. Có những môn phái chuyên về âm kình, ngoại khí của họ có thể đánh xuyên qua cánh một con bướm làm vỡ nát vật phía sau mà vẫn không hề làm rơi một chút bụi phấn nào trên cánh.

Thế nhưng sau Ngoại Khí, Dư Lệ liền chững lại. Võ công của y không tiến lên một bước nào nữa.

Phía sau ngoại khí chính là nội khí. Đó là khi võ giả đạt đến cảnh giới thu từ ngoài vào trong, từ phát tán ngoại lực trở thành thu liễm nội lực. Và đó cũng là bước chân đầu tiên ở con đường võ đạo. Một võ giả không có nội khí, vĩnh viễn không thể trở thành cao thủ hàng đầu.

Khí vốn là lực lượng huyền bí nhất trong cơ thể con người, là cơ sở để rèn luyện bất kỳ môn vũ công nào. Ngoại khí cực hạn chỉ coi là mới vừa đứng ngoài cửa của vũ công. Bất kỳ ai nếu chăm chỉ rèn luyện, sớm hay muộn cũng sẽ đi đến bước này. Nhưng Nội khí lại là một lằn ranh phân cách. Rất nhiều người luyện võ đã dừng chân vĩnh viễn ở ngưỡng Ngoại Khí.

Chỉ có người hiểu được nội khí mới có thể tiếp tục tiến lên tầm cao hơn trong võ đạo. Lúc đó cơ thể con người sẽ không còn dừng lại ở mức cực hạn của cơ bắp và cách phát lực nữa. Cách tích lũy và vận hành nội khí chính là cái để phân hóa các môn các phái với nhau, hay còn gọi là Pháp. Mỗi một môn phái sẽ có những tâm pháp, đường lối riêng của mình để phát triển nội khí cho đệ tử, từ đó tạo thành những môn vũ công khác nhau. Một đường đao chém dọc, một thanh kiếm đâm ngang, nếu chỉ nhìn ở đường lối vận dụng bên ngoài thì có vẻ không khác nhau là mấy. Thế nhưng bên trong chiêu thức ấy lại ẩn chứa hàng trăm hàng ngàn cách vận khí kình khác nhau, đã phân cao thấp lại có xem xảo thô.

Dư Lệ mất ba năm ròng rã, vẫn không làm sao nghe được dòng chảy nội khí trong cơ thể mình. Đám đệ tử đời thứ ba đã lác đác có mấy người vượt qua cảnh giới này, được phân bổ thành những trưởng tràng ở võ đường. Bởi vì Dư Lệ gần như là đệ tử không chính thức của Trần Công Minh, trong trại cũng không ai nói ra nói vào gì với gã. Thế nhưng vốn là một thiếu niên quật cường, chính Dư Lệ lại cảm thấy vô cùng khó chịu với bản thân mình.

Gã rất kiên nhẫn, ba năm qua không bỏ một ngày rèn luyện nào. Gã đủ ý chí, chưa bao giờ gian dối bất kỳ mục rèn luyện buồn chán nào, thậm chí còn cố làm gấp mấy lần khối lượng luyện tập. Thế nhưng gã vẫn một mực dẫm chân tại chỗ.

Công Minh có biết tâm trạng này của gã thiếu niên hay không. Dĩ nhiên là biết, thế nhưng vị trại chủ ấy chỉ nói một lời: Lực lượng của cậu đã đủ, nhưng tâm cậu còn thiếu một chữ minh. Không có chữ minh này, cả đời này cậu cũng không thể viên mãn được nội khí.

Và suốt ba năm sau đó, sự hướng dẫn duy nhất mà Dư Lệ nhận được là năm chữ: Cố gắng thêm một chút. Cái từ một chút ấy, đối với Dư Lệ tựa như đáy biển vực trời, mãi không tìm thấy đường đi qua.

Hôm nay là lần đầu tiên trại chủ mở lời hỏi về tâm trạng của gã. Dĩ nhiên là Dư Lệ không thể bỏ qua cơ hội trưng ra một bộ mặt không thể sầu khổ hơn được nữa.

Lão Hàn nhìn thấy bộ mặt này, liền bật cười ha ha:

- Tao tưởng thằng lõi con này không lạnh như đá thì cũng giống ông cụ non, ai ngờ hôm nay lại thấy cái mặt khổ qua này. Quả thật chuyện lạ trong đời ngày nào cũng có.

Dư Lệ phớt lờ lão béo, tiếp tục biểu thị vẻ ngoài oan khuất vạn năm của mình. Công Minh nghe lão Hàn nói cũng bật cười, dựng lên hai ngón tay:

- Dư Lệ, hôm nay ta đến đây, cũng là để nói cho cậu hai con đường để đi. Đi bên nào là tùy ý cậu lựa chọn. Dù cậu chọn bên nào, ta cũng sẽ dốc sức bồi dưỡng cho cậu đạt đến đỉnh cao của con đường đó.

Dư Lệ hơi nhướng mày. Gã mơ hồ cảm thấy những gì Công Minh nói ngày hôm nay chính là tương lai cả đời của gã, vì thế gã thậm chí tập trung đến mười phần sức lực để lắng nghe, chỉ sợ bỏ rớt câu nào.

- Thứ nhất phải biết rằng trại ta không phải một môn phái, về bản chất nó là một bang hội. Ở bang hội khi nói về hai chữ bí kỹ hay tâm pháp thì quả thật là quá nhiều. Cướp đoạt, sưu tầm, do thành viên cống hiến, bằng đủ mọi cách khác nhau nên số lượng tâm pháp võ học của bang hội tính ra thì gấp mấy chục lần môn phái. Thế nhưng phàm trên thế gian đã nhiều thì bớt tinh. So với những tâm pháp kế thừa từ đời này sang đời khác của các môn phái, được sàng lọc và cải tiến từ cái gốc rễ cơ bản nhất thì bang hội chẳng thể sánh bằng. Nếu cậu muốn, ta có thể lựa cho cậu mấy bộ tâm pháp tốt nhất mà trong trại đang có, chỉ vài tháng là đủ để cậu sinh ra nội khí trong cơ thể. Chuyện này, chỉ là một cái phất tay mà thôi.

Hai mắt Dư Lệ tự nhiên sáng lên như hai ngọn đèn bão. Lão Hàn trông thấy, lại khục khục bật cười ra miệng, suýt nữa thì té lăn khỏi tảng đá đang ngồi.

- Thế nhưng vì sao trong ba năm qua ta không hề đả động tới chuyện này, bởi vì ta muốn cậu cảm nhận được sự buồn chán và cô độc của việc rèn luyện ngày qua ngày, mà kết quả vẫn cứ hư vô mờ mịt là như thế nào.

Dùng tâm pháp để hình thành nội khí là con đường mà hầu hết võ giả đã đi qua, cũng là con đường đơn giản nhất, thế nhưng nó là một con đường chết. Nói một cách đơn giản, khi đi con đường này, nội khí của cậu tựa như một thanh vũ khí. Cậu rèn luyện, mài dũa nó hàng ngày, nó sẽ càng lúc càng sắc bén, càng lúc càng mạnh mẽ. Thế nhưng đến cuối cùng, nó cũng chỉ là một thứ vũ khí mà thôi. Vũ khí, không có người sử dụng, là một vật chết. Có sắc bén hùng mạnh đến thế nào, cũng chỉ là vật chết.

Vị trại chủ nhìn gã thiếu niên đang hừng hực khí thế, từ tốn gập một ngón tay xuống, nói tiếp:

- Con đường thứ hai rất ít người dám đi, và cũng rất ít người thành công. Khi cậu đi con đường này, nội khí của cậu sẽ không phải là một vật chết nữa, không còn là một món binh khí vô hồn nữa, mà nó có sự tồn tại riêng của nó. Mặc dù nó vẫn là một phần thân thể của cậu, nhưng lúc này chúng ta sẽ không dùng hai chữ khống chế để nói về nó nữa. Mà cậu sẽ hợp tác với nó, cùng tiến bộ với nó. Cả hai sẽ bổ sung cho nhau, hòa hợp với nhau để đạt đến sức mạnh lớn nhất. Nếu đi con đường này, điều kiện đầu tiên là cậu sẽ phải tự nghe được dòng chảy của nội khí trong cơ thể mình, đây là điều không một ai có thể giúp đỡ cậu được.

Chúng ta gọi đó là cảnh giới ‘minh’.

Đạt đến cảnh giới minh nói khó không khó, nói dễ không dễ, chỉ có một từ ngộ. Nếu ngộ được bản tâm của mình thì tự thân sẽ linh thông, để từ đó kết nối với đại đạo thế giới. Có những người chỉ trong khoảnh khắc là đã minh, có người đến lúc chết già vẫn chưa ngộ. Nói thế để cho cậu biết, con đường thứ hai này hư vô mờ mịt đến như thế nào. Nếu nói là lúc nào tốt nhất để bắt đầu lựa chọn giữa hai con đường với võ giả, thì đó là lúc trước khi hình thành nội khí. Vì thế hôm nay ta nói cho cậu biết những điều này, để cậu có thể tự mình lựa chọn.

Dư Lệ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi lại:

- Trại chủ, nếu vậy thành tựu của người đạt tới cảnh giới minh so với cao thủ nội khí thì như thế nào?

- Khó nói. Cảnh giới minh không chỉ để nói tới vũ đạo, bất kỳ ai có thể lãnh hội chữ ngộ được trong cuộc đời thì đều đạt tới minh. Thi thơ, văn chương, đàn hát, lãnh binh, quan trường, mọi thứ hiện hữu trên thế gian này đều có minh, đều có ngộ. Thế nhưng một người luyện võ bình bình lại có thể dễ dàng sát hại một vị họa thần chân yếu tay mềm. Cho nên rất khó để nói cao thủ nội khí là hơn hay kém một người đã minh ngộ.

Nếu thật phải so sánh, thì ta có thể so thế này. Cảnh giới tối cao của cao thủ vũ học là tông sư, có thể khai tông lập phái, có thể ngang dọc giang hồ, có thể tự quản một phương, đạt đến địa vị cực hạn của một con người. Nhưng minh thì không có cực hạn, minh vốn chỉ là cánh cửa mở ra để một người có thể kết nối với căn nguyên của thế giới này. Tiến xa được bao nhiêu là tùy thuộc người đó có thể hiểu được đại đạo bao nhiêu. Dời núi lấp biển thì hơi khó, nhưng xẻ trời rạch đất thì trong tầm tay.

“Như vậy chẳng phải là thành thần tiên rồi sao?” – Dư Lệ ngạc nhiên.

“Thần tiên sao.” – vị trại chủ bật cười – “Đạt tới cảnh giới nào đó, quả thật có thể sánh với thần tiên.”

Dư Lệ ngập ngừng một lúc, lại hỏi:

- Trại chủ, vậy người đi theo con đường nào.

Trần Công Minh không hề do dự, trả lời:

- Ta ư, tông sư một phái đứng trước mặt ta, mười chiêu là chết.

Lời này quang minh chính đại, vang vọng bốn phía, tựa như cột chống trời ngàn vạn năm. Dư Lệ và lão Hàn cùng một lúc há mồm thật to, hai cặp mắt tựa như sắp rớt ra ngoài. Mãi một lúc sau lão Hàn mới thì thầm trong miệng, theo cách tất cả mọi người đều nghe rõ:

- Sống gần hết đời mới biết, khoác lác cũng có thể đạt tới cảnh giới này.

Không khí nghiêm trang từ nãy đến giờ, thoáng cái bị câu nói đùa của vị trại chủ phá vỡ. Công Minh cười ha ha, ngoảnh mặt về phía sau nói lớn:

- Được rồi được rồi, Cá Con, ra đây đi. Đứng một lúc nữa thì chúng ta chỉ có thể ăn đồ ăn nguội thôi đấy.

Lời này vừa dứt, từ gốc cây phía sau một bóng dáng nhỏ nhắn thanh mảnh liền nhô ra, trên tay bê một mâm đồ ăn lớn gấp đôi thân mình. Đó là một cô gái tuy trông qua vẫn còn nhỏ tuổi nhưng dáng vóc đã dong dỏng cao. Mái tóc cô xanh mượt như suối, mi mày nhạt như núi xa, hai má phớt hồng vì cái lạnh se buổi sớm mai, vì cố sức nắm chặt cái mâm mà có các ngón tay đã trắng bệch ra.

Cô bé được giải cứu ở huyệt Ưng Sào khi trước, trải qua ba năm sinh hoạt an tường ở trại Long Hổ, đã ẩn ẩn lộ ra vẻ thanh thuần động lòng người của thiếu nữ đương xuân.

- Trại chủ xin thứ lỗi, thấy mọi người đang trao đổi, cháu không dám cắt lời.
 
Bên trên