Trong nhà, người con trai lạ mặt vẫn nằm bất động trên giường, có thể thấy thương thế của y không hề nhẹ, liếc nhìn qua dung mạo phong trần cũng đoán được tuổi tác hơn nàng khá nhiều. Ngồi bên cạnh giường là gia gia nàng thần sắc có phần nhợt nhạt. Ngọc Dung vội đến gần vấn an hỏi:
- Gia gia người có sao không?
- Ta không sao, chỉ là ban nãy dùng quá nhiều nội lực nên có phần mệt mỏi. Nghỉ ngơi một chút sẽ hồi phục lại thôi.
Ngọc Dung nhìn người con trai đang hôn mê trên giường trách mắng:
- Tiểu tử dám làm gia gia ta tổn hao công lực vì ngươi, bản cô nương ta phải sớm dạy cho ngươi bài học mới được!
- Hỗn xược! – Lão Lệnh Công nhìn nàng quát. – Ngươi có biết tiểu tử đó là ai không?
Trong lòng không khỏi ấm ức, Ngọc Dung hờn dỗi nói:
- Dù y có là đương kim Thái tử cũng không có quyền làm tổn hại đến sức khỏe của gia gia.
Lời này có vài phần nịnh nọt, Phạm Chiêm nghe xong lấy làm vui vẻ lắm, liền mỉm cười mà nói:
- Tiểu nữ ngươi hôm nay nói lời ngon ngọn không đúng lúc rồi, y chính là đương kim Thái tử Ngô Xương Ngập.
Cô gái áo lam nghe thấy thần sắc có phần tái đi, nửa vừa e thẹn nửa vừa có chút sợ hãi. Ngắm nhìn kỹ nam nhân đang bất tỉnh trên giường tre, thấy hắn hoàn toàn không có gì khác thường. Xưa nay nàng vốn nghĩ thái tử là thiên tử mà thiên tử chắc phải có ba đầu sáu tay. Gặp rồi hóa ra thiên tử cũng giống người thường, có điều nhìn kỹ y cũng được xếp vào dạng tuấn mỹ. Ngọc Dung quay lại hỏi gia gia:
- Thái tử, hắn bị thương nặng như vậy, liệu có qua khỏi không?
- Ban nãy ta đã dùng nội lực đẩy độc tố trong người Thái tử ra ngoài, tạm thời tính mạng đã qua cơn nguy cấp. Nhưng trên người hắn thương thế không hề nhẹ, cần phải có thời gian tĩnh dưỡng.
- Gia gia, sao người không mang thái tử về tệ phủ. Ở đó đại phu có thể chăm sóc tốt hơn cho y. – Ngọc Dung băn khoăn hỏi tiếp.
Lệnh Công chỉ khẽ thở dài:
- Đại kinh xảy ra chính biến, Đại vương thọ mệnh trời, Dương Tam Kha nhân cơ hội này muốn cướp đi bá nghiệp nên đã thuê thích khách đến thảm sát phủ thái tử. Cũng may là ta đến kịp nếu không Thái tử giờ đã mất mạng rồi. Tam Kha nhất định sẽ không bỏ qua chuyện này, trong nay mai sẽ cho quân đến Nam Sách đòi người. Nơi đây hoang vu lại cách Nam Sách một mê cung Trúc Đào Lâm, dù quân của hắn có tới Nam Sách cũng khó mà tìm được nơi này. Quân tình cấp bách ta phải sớm trở về phủ để chúng khỏi nghi ngờ, việc chăm sóc Thái tử điện hạ ta giao lại cho con.
Ngọc Dung hoang mang từ chối:
- Gia gia, chuyện này không thể được, tiểu nữ không phải thái y. Hơn nữa Thái tử… y chính là nam nhân.
- Nam nhân thì sao chứ? Ta đã từng nói con có sao Chu Tước chiếu mệnh, nhân duyên của con chính là việc chăm sóc cho y. Con hiểu rồi chứ?
Không đợi Ngọc Dung đồng ý, Lệnh Công đã bước ra ngoài đánh xe quay trở về Nam Sách phủ.
Phạm Chiêm về đến nơi đã thấy con trai Phạm Man đứng chờ sẵn ở cổng lớn. Vẻ mặt y có vẻ lo lắng, trên áo bào vẫn còn ướt thẫm sương đêm, hẳn là đã thúc ngựa chạy suốt đêm qua không ngủ.
Thấy cha về đến, Man vội ghé tai ông báo tin dữ. Ngay sau khi lên đường đến Cổ Loa, Phạm Chiêm đã đoán biết thế nào Dương Tam Kha cũng cho người truy sát gia quyến phủ thái tử nên đã sai Phạm Man dẫn theo thủ hạ cấp tốc đến hộ giá. Thật không may khi hắn đến nơi thì phủ thái tử đã lâm cảnh tiêu điều, tất cả đã bị nhấn chìm trong biển lửa, y không biết làm sao đành quay về Nam Sách.
Phạm Chiêm nghe xong thần tình có chút biến sắc, một thoáng suy nghĩ liền quay lại dặn dò:
- Chớ để công tử biết chuyện này vội!
- Con biết rồi thưa cha!
Phạm Man vâng mệnh phụ thân toan lui ra thì trên đường lớn chợt có tiếng vó ngựa dồn dập, một thám mã đeo kỳ hiệu phi như bay tới, miệng hô lớn:
- Quân tình khẩn cấp!
Những người đi đường đều vội tránh qua một bên nhường lối, ngựa chạy tới cổng phủ còn chưa dừng hẳn, thám mã đã phi thân xuống cấp tốc phục xuống trước mặt Phạm Chiêm báo tin:
- Khởi bẩm lão gia! Ngoài thành có khoảng năm nghìn binh mã, cờ hiệu Tĩnh Hải Quân. Tướng chỉ huy là Dương Cát Lợi, đòi lão gia ra gặp.
Phạm Man vốn tính nóng như lửa, vừa nghe tai đã nóng đỏ quát:
- Hỗn xược! Để ta ra dạy cho chúng một bài học!
Phạm Chiêm ôn tồn nói:
- Ngươi đi cả đêm qua đã mệt mỏi rồi, hãy vào trong nghỉ ngơi, việc ở đây ta sẽ lo liệu.
Phạm gia ở Nam Sách là một gia tộc lớn, tồn tại lâu đời ở Tĩnh Hải, gia quy đều hết sức nghiêm ngặt, Phạm Man nghe phụ thân nói vậy không dám cãi lời, chỉ ấm ức rộng thương xuống nền đá mà bước vào trong.
Sáu năm trước sau khi giúp Ngô vương đại thắng Bạch Đằng Giang Phạm Lệnh Công xin được từ quan về ẩn cư Nam Sách. Ngô vương tuy tiếc nuối nhưng cũng đành chiều ý, sau còn cho hai hoàng tử Xương Ngập và Xương Văn bái ông làm nghĩa phụ.
Phạm Gia vốn là danh môn vọng tộc, trên dưới đều là dũng tướng trên sa trường. Trong võ lâm nổi tiếng với bảy mươi hai đường thương thuật gia truyền chia thành bát bộ hay còn gọi là tám phương vị ra chiêu. Ngoài ra còn có Bát Huyền Đại Phạm chấn danh thiên hạ. Giang hồ có câu Bắc Vân Phong – Nam Phạm Chiêm, vì thế mà các gia tộc trong Tĩnh Hải khi nói đến Phạm gia đều kính nể mươi phần.
Thành Nam Sách được xây dựng suốt hơn hai trăm năm, qua đến Phạm Chiêm là đời thứ bảy. Tường thành đắp bằng cự thạch cao hơn mười thước, xung quanh là thủy hào. Phía trước là các lũy thủ bằng tre mọc tự nhiên, mặt quay ra ba phía Đông, Tây, Bắc. Phía Nam dựa vào núi Hun Sơn và rừng cổ nguyên, thành tuy không lớn nhưng vô cùng vững trãi.
Trong thành nuôi chưa đầy một ngàn binh sĩ nhưng hầu hết đều là tinh binh một có thể đấu mười, chỉ mới nghe qua đã khiến quân thù khiếp vía. Vì vậy mà sau nhiều cuộc binh biến trên đất Tĩnh Hải, Nam Sách vẫn đứng vững như một lũy đài bất khả xâm phạm.
Cổng Bắc thành mở rộng. Một lão tướng già râu tóc đã bạc trắng, thân hình cao lớn cưỡi một con bạch mã thong thả tiến ra. Bên ngoài cờ xí rợp cả một vùng trời, tiếng trống lệnh đang thúc vang bỗng nhiên đều im bặt. Trong đám quân binh kẻ này người kia đưa mắt nhìn nhau có chút kinh hoàng, bọn chúng đều ngỡ rằng sau cánh cổng thành là tinh binh vạn mã vó ngựa hí vang, ai dè chỉ có một lão tiên ông ung dung phong thái ra nghênh tiếp.
Dương Cát Lợi thấy Phạm Lệnh Công liền xuống ngựa tiến lên vòng tay ôm quyền thi lễ:
- Phạm tướng quân, đã lâu không gặp! Lão tiền bối vẫn khỏe chứ?
Phạm Chiêm ôm quyền đáp lễ nói:
- Đa tạ tướng quân đã hỏi thăm! Lão phu vẫn khỏe! Dương tướng quân đường xa lặn lội tới tệ phủ không biết có chuyện gì không?
- Thật không dám! - Dương Cát Lợi có phần hổ thẹn phân trần: - Mạt Tướng phụng mệnh Bình Vương đến Nam Sách tìm người, có điều gì mạo phạm mong Lão tướng quân bỏ quá cho.
- Bình Vương? - Phạm Chiêm làm vẻ ngạc nhiên hỏi.
Dương Cát Lợi hướng chính thiên giải thích:
- Lão Lệnh Công không hay biết gì sao? Chính kinh mới xảy ra đại biến, Ngô Tiên Chúa thọ mệnh băng hà, tuyên chiếu nhường ngôi cho nhị hoàng tử Xương Văn, phong Dương chủ tướng Tam Kha làm Nhiếp chính Bình Vương. Đại hoàng tử Xương Ngập vì chuyện này không phục, rắp tâm làm phản mưu sát tiểu thái tử. Đại kế không thành, nghe nói y đã chạy đến Nam Sách phủ. Mạt tướng phụng mệnh Nhiếp chính vương đuổi theo đến đây, mong được Phạm tướng quân giúp đỡ.
Phạm Chiêm nghe xong trong lòng có phần bức bối, chuyện mấy ngày nay tại kinh thành ông đều đã mắt thấy tai nghe. Kẻ mang bốn chữ rắp tâm làm phản phải dành cho Dương Tam Kha mới đúng, tuy vậy ngoài mặt vẫn làm như không có chuyện gì bèn nói:
- Tệ phủ cách xa kinh thành không hay tin dữ, quả lấy làm hổ thẹn. Tên Ngô Xương Ngập kia tội quả tày trời, chẳng phiền Dương tướng quân phải lặn lội tới đây, nếu lão phu bắt được sẽ đích thân giải y nên kinh thành sử tội.
Dương Cát Lợi nghe Phạm Lệnh Công nói vậy lấy làm xấu hổ liền cúi xuống đáp:
- Mạt Tướng có mắt mà không thấy thái sơn! Mong tướng quân thứ tội
Phạm Chiêm thản nhiên tiếp lời:
- Tướng quân từ xa đến đây, lẽ ra phải tổ chức nghênh đón từ xa, hiềm một nỗi tệ phủ đơn sơ, nếu Dương tướng quân không chê có thể cùng tùy tùng vào phủ nghỉ chân vài bữa thì quả là vinh hạnh!
Dương Cát Lợi vui vẻ nhận lời, trước khi đến Nam Sách hắn trong lòng vô cùng lo ngại bởi danh tiếng tinh binh bách chiến bách thắng. Nay lại được Phạm Chiêm hậu đãi mời vào phủ thì quả là một công đôi việc, liền quay lại sắp xếp quân binh hạ trại, còn hắn cùng Đỗ Cảnh Thạc và hai trăm tùy tùng khác theo vào trong thành tiện việc điều tra.
Đỗ Cảnh Thạc vẫn còn nghi ngờ liền nói nhỏ:
- Coi chừng trúng gian kế của lão!
Dương Cát Lợi gạt đi nói:
- Chuyện này ngươi khỏi lo! Phạm lão tướng quân là người quang minh lỗi lạc, danh tiếng trong thiên hạ, nếu thực sự muốn hại chúng ta đâu cần dùng đến phương sách hạ nhân như vậy.
Phạm Chiêm công lực cao sâu đã nghe được hết câu chuyện, chỉ tự cười một cái rồi quay bạch mã về thành, phía sau đoàn tùy tùng của Dương Cát Lợi cũng theo vào.
Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc dẫn theo hơn hai trăm tùy tùng vào thành Nam Sách, những người này hầu hết đều là tinh binh cải trang, mục đích để điều tra tung tích của Ngô Xương Ngập. Chuyện này vốn chẳng thể nào qua mắt được Phạm Chiêm, cao thủ trong võ lâm chỉ dựa trên bước chân cũng có thể đoán biết là người luyện võ hay không. Mặc dù vậy ông vẫn làm như bình thường bởi lẽ Xương Ngập hiện không ở trong thành, cũng muốn tương kế đánh lạc hướng truy lùng của triều đình.
Thành Nam Sách một buổi sớm bình yên như mọi ngày, bên thềm đá ven đường dạ yến thảo nở rực rỡ, một vài đóa lục bình trôi lững lờ bên con sông nhỏ. Qua một cây cầu đá chừng ba trăm bộ là Phạm gia phủ. Phủ này so với những kiến trúc xung quanh không có gì khác biệt nhiều, chỉ có điều được ngăn cách bởi một con sông nhỏ chảy vòng qua hai mặt Đông Bắc. Đoàn tùy tùng được bài trí ở lại tòa nhà khách bên ngoài phủ đệ, đây là một tòa nhà lớn để dành riêng cho việc đón khách của Phạm gia.
Bài trí xong xuôi chỗ ở, Phạm Chiêm từ biệt hai người về phủ, chỉ dặn lại Cát Lợi rằng:
- Nam Sách xưa nay người dân sống trong cảnh yên bình, Tướng quân trong lúc tuần thi công vụ xin lưu tâm giúp!
Biết ý đồ của mình đã bị phát hiện, Cát Lợi ái ngại vòng tay hành lễ thưa lại:
- Mạt tướng xin lưu tâm!
Phạm Chiêm trở về phủ lúc mặt trời đã lên đến đầu ngọn tre. Ngoài sân lớn một người đàn ông cao to, thân hình vạm vỡ, khuôn mặt góc cạnh, thần sắc xuất thần vẫn đội nắng đứng đó đã lâu. Người này tên Phạm Bạch Hổ, là em dưới Phạm Man, tính cũng nóng như lửa. Nãy giờ biết tin phản quân triều đình đến đang ngụ ở trong phủ, lại do đích thân phụ thân mời vào. Phẫn uất đã lên đến cao trào, trong lòng như có lửa đốt hậm hực đi lại trên sân đã lâu.
Phạm Chiêm vẫn vờ như không thấy bộ mặt sốt sắng của Bạch Hổ, liền đi thẳng vào khách đường. Bạch Hổ càng ra chiều bực dọc, kéo cây thương chạy theo sau nói:
- Cha ơi… cha…! - Lời từ có vẻ hậm hực chưa ra thành câu.
Bạch Hổ là Đông doanh tướng quân của thành Nam Sách. Buổi sáng nay nghe tin quân triều đình kéo đến cửa Bắc, hắn liền cấp tốc quân phục chạy về. Vậy mà khi về đến nhà lại nghe tin phụ thân cho mời địch nhân vào phủ, trong lòng ấm ức chẳng còn bước đi được, nên dãi nắng trên sân đã nửa canh giờ.
Lúc này Phạm Chiêm đã ngồi xuống bên bàn, tay nâng ly trà uống vô cùng thư khoái như chẳng hề thấy vẻ mặt khó coi bên cạnh.
Bạch Hổ đã chấn chút nộ khí hỏi:
- Cha! Những kẻ này lòng dạ tráo trở, bán chúa cầu vinh! Lọai người như vậy cần gì phải đối đãi nhân nghĩa với chúng, chi bằng để con một đao lấy đầu chúng cho rồi!
Phạm Chiêm đặt ly trà xuống nhìn Bạch Hổ một khắc, đã thấy nộ khí trong lòng hắn có chút chìm xuống mới lắc đầu nói:
- Ngươi và đại ca ngươi đều thật hồ đồ, không biết suy tính sâu rộng khiến ta rất đau đầu. Mẫu thân các ngươi mất sớm, một mình ta không biết giáo huấn các ngươi thành ra mới như vậy!
Bạch Hổ thấy cha có vẻ nóng giận, không dám cãi lời liền im lặng, Phạm Chiêm lại tiếp:
- Việc này ta đã có chủ ý, ngươi còn trẻ chưa hiểu chuyện tuyệt đối không được phá ngang.
Phạm phu nhân mất cách đây đã mười năm. Việc trong ngoài Phạm phủ lâu nay đều một mình Phạm Chiêm lo liệu. Phạm Chiêm không những võ công cao cường mà học thức cũng vô cùng uyên bác. Phạm Bạch Hổ dù trong lòng không nuốt trôi cơn giận nhưng biết việc cha đã làm hẳn có nguyên do, không dám cãi lời chỉ hậm hực lui ra.