Chương 1.
Ao Dưỡng Ngư là một cái ao lớn nằm chính giữa vườn ngự Quỳnh Lâm. Vào giữa hè, trong ao tràn ngập màu xanh, xen lẫn màu hồng của hoa Sen và lá Sen. Hương Sen thơm ngát theo làn gió tỏa đi mọi ngóc ngách xung quanh ao, lan tới cả các tẩm cung nằm gần vườn ngự. Gần giữa ao là một chiếc đình rộng lớn có tên Ngoạn Y đình. Nhà vua cho dựng đình này với mục đích để các phi tần, vương tôn, bá quan đứng ngắm cảnh ngâm thơ vào những dịp lễ tết.
Trong đình Ngoạn Y, có một cô gái đang đứng tựa nửa người vào thành lan can bằng gỗ. Trên người cô khoác chiếc áo giao lãnh (1), bên trong yếm đỏ, phía dưới mặc váy lụa màu đen dài quá mắt cá chân. Dây thắt lưng màu vàng được buông thả phía trước váy. Chân mang guốc mộc đơn giản, mái tóc đen bóng búi cao trên đỉnh đầu được cố định bằng một dải lụa đỏ. Đôi mắt cô khép hờ, khuôn mặt trầm lặng như chất chứa nhiều tâm sự đã nhiều năm.
Cô gái ấy chính là tôi, một linh hồn đi lạc!
Trước kia tôi không nghĩ bầu trời của hơn một nghìn năm trước, lại có thể trong xanh đến vậy. Một màu xanh trong vắt, cùng với những đám mây trắng khổng lồ nối đuôi nhau lững thững trôi xa dần. Ánh nắng giữa hè cũng không quá khắc nghiệt như thế giới trước kia tôi sống.
Nơi này không phải thời hiện đại với những tòa nhà cao chọc trời, những con đường tràn ngập tiếng inh ỏi của tàu xe, những nhà máy với ống khói đen ngòm. Nơi này không có những thiết bị điện tử thông minh, không có sự tấp nập bon chen của cuộc sống, nhưng lại có thừa những cuộc chiến tranh tàn bạo, đầy khốc liệt.
Đây là thời đại nhà Trần, nơi có cuộc sống thô sơ, cùng những hỗn loạn mà trước kia tôi chỉ được biết qua sách báo.
Không biết mẹ tôi mà biết đứa con gái của bà đang sống ở cái thời loạn lạc này, sẽ thương tâm đến mức nào. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tim tôi ngừng đập, mẹ đã khóc ngất trong quằn quại, đau đớn. Hơn hai mươi tôi năm sống trên đời, là hơn hai mươi năm cuộc đời tôi mang đầy tội nợ với mẹ.
Mẹ của tôi, một người mẹ bất hạnh!
Bố mẹ tôi là một cặp vợ chồng hiếm muộn, sau bao năm chạy chữa từ Bắc vào Nam mẹ mới mang thai thôi. Nhưng vui mừng chưa được bao lâu, niềm vui ấy lại tựa như nụ hoa chưa kịp nở đã vội tàn.
Ngày tôi được sinh ra, bác sĩ đã chuẩn đoán tôi mắc bệnh tim bẩm sinh khiến cả bố lẫn mẹ đều suy sụp. Nhưng bố mẹ không vì vậy mà bỏ mặc đứa con tội nợ là tôi.
Hai người làm tất cả mọi việc để kiếm tiền chi trả cho những đợt trị liệu, cùng viện phí của đắt đỏ của tôi. Mẹ vẫn luôn động viên bố hay vì tôi mà cố gắng, mẹ cũng luôn tin đứa con nhỏ bé của bà sẽ khỏi bệnh. Bố cũng đã luôn tin như vậy.
Năm tôi mười tuổi, một tai nạn giao thông tàn khốc đã cướp tính mạng của bố. Mẹ lại một lần nữa suy sụp, ánh mắt mẹ chẳng còn lấy một tia ánh sáng nào le lói. Mẹ của ngày đó, vô vọng như vậy. Có lẽ từ lúc ấy, người mẹ của tôi đã chết một nửa.
Sau khi bố mất, mẹ vẫn cố gồng gánh để tôi trị bệnh. Trải qua hai lần đại phẫu, bệnh của tôi vẫn chẳng tốt hơn mà ngược lại, tệ đi rất nhiều. Những cơn đau từ trái tim thiếu khuyết, khiến tôi cảm thấy mệt nhoài. Những mũi tiêm, những loại thuốc dần bào mòn đi niềm tin nơi tôi.
Rồi cũng đến lúc tôi chịu không nổi, tôi đã ra đi. Mẹ mất đi người thân cuối cùng, mất đi hy vọng cho cuộc sống. Mẹ, mất hết rồi!
Người phụ nữ tôi mang nợ cả đời ấy, là người mẹ trước kia của tôi. Còn ở đây, tôi không có mẹ.
Người mẹ ở nơi này vì khó sinh, nên khi tôi ra đời bà đã nhắm mắt buông xuôi. Dù không biết mặt, cũng chưa một lần được cảm nhận yêu thương từ bà, nhưng tôi vẫn luôn biết ơn bà sâu sắc. Bà đã hy sinh tất cả để tôi được sống, dù đối với cuộc sống này tôi hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng tôi vẫn luôn trân trọng. Ít ra, bây giờ tôi cũng đã được sống trong một thân thể khỏe mạnh, mà tôi từng ao ước.
Khép mắt giấu đi những ưu thương, tôi thở dài trong lòng. Đối với thời đại rối ren hiện tại, tôi chẳng biết một chút gì, vậy nhưng tôi lại biết rõ kết cục thê thảm của mình.
Cái cần biết thì lại không biết, cái không cần biết thì lại biết quá rõ, ông trời cũng thật khéo trêu người!
Kéo chiếc váy dài, tôi xoay người bước ra khỏi Ngoạn Y đình.
Trời đã gần xế chiều nên các cung nữ, phi tần ra ngoài vườn ngự tản bộ khá đông. Tiếng nói chuyện líu ríu như chim oanh vang vọng khắp nơi, nghe rất thích tai. Tôi đứng từ xa nhìn họ ngoẻn cười, rồi đặt chân lên con đường mòn dẫn về cung Hoàng Phúc. Chầm chậm bước từng bước nhỏ.
Cung Hoàng Phúc là nơi ở của tôi, do vua cha khi xưa xây tặng. Mọi người đều nói, tên cung là Hoàng Phúc thì người sống trong cung sẽ được hưởng nhiều may mắn. Tôi nghe vậy chỉ cười trừ, bởi tôi biết dù tôi có sống trong một vạn cung điện mang tên Hoàng Phúc, thì cuộc đời tôi vẫn chẳng thể có lấy một chút an may.
Mải chìm trong suy nghĩ hỗn độn, tôi vấp vào một viên đá cuội to bên vệ đường, cả người mất thăng bằng ngã nhào về phía trước. Tôi hoảng sợ nhắm chặt mắt, chờ cú tiếp đất ngoạn mục của mình. Chợt bả vai bị ai đó giữ chặt, một giọng nam trầm từ đỉnh đầu tôi truyền xuống:
- Chị Liễu, chị không sao chứ?
Nghe người kia hỏi, tôi giật thót. Liễu là tên húy của tôi do vua cha đặt cho, từ ngày người mất chẳng còn ai gọi tôi như vậy. Tôi tò mò, ngước mắt lên nhìn người trước mặt tìm tòi.
Đứng đối diện với tôi là một chàng trai thân hình cao lớn, ánh mắt chàng lấp lánh nhìn tôi. Bờ môi đầy đặn mỉm cười rạng rỡ, màu da mật ong nổi bật trong nắng chiều. Mái tóc dài của chàng được búi lên cao, gọn gàng. Chàng mặc bộ áo giao lãnh dành cho nam màu trắng có khuy gài bên trái, chiếc quần màu đen được làm bằng gấm thượng hạng lấp ló bên trong tà áo. Dưới chân là đôi guốc mộc màu nâu.
Tôi không biết chàng là ai, nhưng nhìn chất vải của bộ đồ chàng mặc, tôi đoán chàng là một công tử của quan lớn nào đó vào cung chơi.
Nhanh nhẹn lùi lại vài bước, tôi khéo léo tránh khỏi tầm tay chàng, giọng nói nghi hoặc:
- Anh là ai?
Chàng ngạc nhiên, mở lớn mắt nhìn tôi:
- Chị không nhớ em sao? Em là Trần Thông đây, ngày bé chúng ta có gặp nhau vài lần còn gì.
Thì ra chàng chính là em họ của tôi - con cả của Thái úy Khâm Thiên Đại vương Trần Nhật Hiệu. Và cũng chính là vị Chiêu Thành Vương mà mấy năm nay các vị tiểu thư, cung nữ vẫn hay nói tới với ánh mắt sùng bái. Nhiều năm không gặp chàng thay đổi chóng mặt, khiến tôi chẳng còn nhận ra nữa.
Chớp nhẹ hàng mi, tôi cười khẽ:
- Ra là Chiêu Thành Vương, lâu lắm rồi không gặp nên ta quên mất.
Chàng cười thành tiếng, bàn tay khua khoắng:
- Thái trưởng công chúa à, chị không cần phải khách sáo vậy đâu. Cứ gọi em là Thông được rồi.
Chàng nói vậy, tôi cũng chỉ gật nhẹ đầu không phản đối. Tính tôi trước giờ vốn không thích nói nhiều, lại càng không muốn tranh cãi phản bác ai. Cũng vì thế mà trong cung cấm này, tôi chẳng có lấy một người thân thiết.
- Thông, Bệ hạ triệu kiến kìa, mau đi thôi.
Một người đàn ông cao lớn, có làn da ngăm đen từ sau bụi cây bước nhanh về phía chúng tôi, giọng nói gấp gáp.
Người đàn ông mặc trường bào màu lam, có các họa tiết hình mây được thêu chìm. Trên đầu đội mão quan màu đen, tay cầm đốc kiếm, chân đi hia màu trắng. Khuôn mặt cùng thần thái bất phàm, khiến người nhìn nể trọng.
Người này là chính là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.
Khi nhìn thấy tôi đứng cùng chàng, Nhật Duật khá bất ngờ. Anh quay sang hỏi tôi:
- An Tư, em cũng ở đây sao?
Tôi gật đầu đáp lời:
- Vâng, em đang định về cung Hoàng Phúc.
Anh tiến lên xoa nhẹ đầu tôi, giọng quan tâm:
- Dạo này chiến sự bất ổn nên mọi người đều bận, em phải tự biết chăm sóc mình biết không.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu lần nữa, anh cười hài lòng rồi quay sang kéo tay chàng:
- Chúng ta mau đi thôi kẻo trễ giờ.
Nói rồi chẳng đợi chàng đáp lời, anh lôi chàng đi nhanh về phía trước, khiến chàng vội vã chạy theo. Từ xa, tôi vẫn nghe thấy giọng chàng làu bàu:
- Hoàng hynh à. Anh từ từ nào, đau chết em mà.
Giọng Nhật Duật nửa cười, nửa bực:
- Nhóc con còn biết đau hả, lát muộn giờ Bệ hạ trách phạt ta xem em còn dám than không?
Nghe anh nói vậy chàng nói thêm gì đó, nhưng vì quá xa nên tôi nghe không thấy gì. Tới khi bóng họ khuất dần sau bụi cây, tôi vẫn ngẩn người nhìn theo.
Nhật Duật là anh trai cùng cha khác mẹ của tôi, con trai thứ sáu của vua Thái Tông. Anh cũng là người quan tâm cho tôi nhiều nhất từ khi vua cha qua đời. Ở cung cấm này, có được một người thật lòng để tâm đến mình không phải đễ. Nên dù không nói ra, nhưng trong lòng tôi luôn cảm kích, cùng kính trọng anh vô cùng.
Hoàng thượng giờ này vẫn còn triệu kiến họ, có lẽ là để bàn về việc bên ngoài biên ải.
Mấy hôm nay tôi nghe mọi người trong cung nói, quân Nguyên Mông lại bắt đầu lăm le sâm lược, nên Hoàng thượng cùng văn võ bá quan đều bận tối mặt cho các kế hoạch chống quân Nguyên. Tôi cũng rất muốn có khả năng tài giỏi như các nữ chính trong tiểu thuyết xuyên không, để giúp đỡ mọi người. Nhưng tôi vẫn chỉ là một cô gái yếu ớt, chẳng biết một chút gì về mưu lược, hay đánh trận. Dù vậy không có nghĩa là tôi vô dụng, phía trước còn có một sứ mệnh khốc liệt khác đang chờ tôi tiếp nhận.
Thở dài gạt mớ suy nghĩ trong đầu, tôi xoay người bước tiếp về phía cung Hoàng Phúc.
Chú thích:
(1): Áo giao lãnh là chiếc áo dài xưa nhất của Việt Nam, có kểu dạng như áo tứ thân nhưng khi mặc hai thân trước để giao nhau chứ không buộc lại như áo tứ thân.