Chương 3.
Bên ngoài sân lớn của cung Hoàng Phúc, hai chiếc kiệu nhỏ bốn người khiêng được đặt ngay ngắn, xếp theo chiều ngang ở chính giữa sân. Ở trong cung cấm này, kiệu chính là phương tiện chủ yếu dùng để di chuyển từ cung này, qua cung khác, nên tôi cũng chẳng còn xa lạ gì với thứ đồ thô sơ ấy.
Kiệu ở thời Trần được thiết kế gần giống với các loại kiệu rước, mà kiếp trước tôi hay thấy ở trong các lễ hội. Còn về mặt thẩm mỹ, đương nhiên kiệu nơi này kém xa các loại kiệu ở thời đại khoa học, công nghệ phát triển.
Nói là kiệu, nhưng thực chất nó lại chỉ là một chiếc ghế có thành tựa, được làm bằng gỗ lim đen bóng. Phía trước và sau mặt kiệu có gắn bốn thanh gỗ lớn, dùng làm cán khiêng. Phần lòng ghế được trải một lớp vải rất êm ái, khiến người ngồi không cảm thấy khó chịu hay đau nhức. Phía sau lưng thành ghế, được gắn một thanh gỗ vót tròn, hướng thẳng lên trời. Trên đỉnh của thanh gỗ là cái ô lớn có hình gần giống nón quai thao, được kết tỉ mỉ bằng lá cọ.
Bên ngoài kiệu được điêu khắc các họa tiết hình mây, rồng, phượng, công với nhiều tư thế lạ mắt. Nhưng vì thời đại này còn quá thô sơ, nên các nét điêu khắc rối loạn kia khó khăn lắm mới được coi là một con rồng, con phượng, con công thực sự.
Nhiều năm trước, khi vua cha chỉ vào một hình điêu khắc ngoằn nghèo và bảo với tôi rằng đây là con rồng, tôi vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười. Phải nhìn cả gần trăm lần mấy đường ngoàn nghèo kia, tôi mới phân biệt được đâu là đầu rồng, đâu là đuôi rồng.
Bước tới gần hai chiếc kiệu, tôi thấy tám thanh niên khỏe mạnh, đang đứng nghiêm nghị bên cạnh tám chiếc cán khiêng. Trên người họ đều mặc bộ quần áo nâu đã sờn vải, bên hông dùng vải đen buộc lại thành đai lưng. Ống quần được bó lại gọn gàng bằng sà cạp cùng màu với quần áo, chân đi giầy được kết bằng cói chắc chắn.
Thấy tôi và Bảo Châu tiến lại, bọn họ đều quỳ gập người xuống, giọng nói khuôn phép:
- Nô tài xin vái chào Thái trưởng công chúa, cùng Công chúa.
Khuôn mặt bọn họ gần như dính sát mặt đất, hơi thở phát ra từ miệng trong khi nói, thổi bay cát bụi bên dưới. Dù đã quen với việc được người khác quỳ lạy, và quỳ lạy người khác, nhưng tôi vẫn có chút không đành.
Cúi người làm tư thế hơi nâng họ dậy, giọng tôi hơi lạc:
- Ta miễn lễ, các anh mau mau đứng lên.
Bảo Châu đứng bên cạnh tôi nhanh nhảu nói theo:
- Ta cũng miễn lễ, mấy người mau đứng lên thôi.
Tám người kia vẫn cúi đầu, đáp lời:
- Dạ, nô tài xin vâng.
Nhìn những gương mặt chất phát, mái tóc nhuốm màu sương gió của họ, tôi thở dài. Dẫu có đồng cảm cùng họ tôi cũng bất lực không giúp được gì. Tôi chỉ là thân gái bèo trôi, đâu đủ sức để thay đổi lịch sử, hay thay đổi chế độ phong kiến này.
Đưa tay nhấc chiếc váy dài vước víu, tôi bước lên bậc kiệu rồi ngồi xuống ghế. Bảo Châu bên kia cũng đã bước lên chiếc kiệu còn lại ngồi vào chỗ của nó. Thấy chúng tôi đã ổn định chỗ ngồi, một anh kiệu phu bước lên cung kính:
- Bẩm Thái trưởng công chúa, bây giờ chúng ta đi nơi nào.
Tôi ngước mắt nhìn hoàng hôn đang dần buông xuống, giọng nói lộ rõ vẻ gấp gáp:
- Mấy anh đi thẳng tới cung Vạn Thọ cho ta, đi mau còn kịp kẻo trời tối rồi.
Anh kiệu phu cúi đầu lần nữa:
- Bẩm, nô tài xin vâng.
Sau đó anh ta quay về vị trí, đưa tay ra hiệu cho bảy người còn lại nâng kiệu lên đi thẳng ra hướng cửa lớn.
Ngay cạnh cung Hoàng Phúc của tôi là cung Thúy Hoa của Lan Quý Phi, phi tần đang được Hoàng thượng sủng ái nhất hậu cung. Kiệu vừa đi tới cổng lớn của cung Thúy Hoa, mùi hoa Ngọc Lan nồng đậm tỏa khắp nơi, khiến tôi khó chịu phải lấy khăn tay đưa lên che mũi lại.
Ở thời này, loài hoa được ưa chuộng không phải là Đào Mai, không phải là Cúc Huệ, càng không phải hoa Hồng hay Lưu Ly như ở hiện đại, mà lại là những bông Ngọc Lan trắng muốt.
Trong cung cấm đâu đâu cũng thấy người ta trồng Ngọc Lan, nhiều phi tần còn quý trọng, nâng niu loài hoa này hơn cả trân bảo. Hầu hết bọn họ đều dùng hoa này gài lên tóc, hoặc để trong quần áo cho ám mùi thơm của hoa.
Còn nhớ ngày nhỏ có lần Nội tôi nói với tôi, hoa Ngọc Lan trồng lâu năm sẽ trở thành nơi cư trú yêu thích của các hồn ma. Vậy nên nhà nào trồng loài hoa này trong nhà, cũng đồng nghĩa với việc rước ma về nhà.
Đưa mắt nhìn những gốc Ngọc Lan đã có tuổi hai bên đường, rồi ngẫm lại lời của Nội tôi thấy cũng đúng. Có lẽ do cung cấm này trồng quá nhiều Ngọc Lan, nên mới có thể lôi được cả một linh hồn từ gần một nghìn năm sau là tôi, quay lại nơi này. Nhưng cũng chẳng phải vì mê tín mà tôi không thích hoa Ngọc Lan, đơn giản là vì tôi từ trước đến giờ đã chẳng có hứng thú gì với hoa cỏ, đặc biệt là những loài có mùi thơm nức mũi.
Khi tôi sai người đốn hết sạch Ngọc Lan trong cung Hoàng Phúc, Cúc Hương đã cuống cuồng chạy đến hỏi tại sao. Tôi vốn là người ăn ngay nói thật, nên trả lời là vì không thích. Ấy vậy mà em ấy lại phồng má, trợn mắt nói tôi là người lạ đời. Tôi nghe vậy cũnh chỉ cười trừ, không hề phản bác. Từ ngày tôi có mặt ở nơi này, tôi cũng đã trở thành một kẻ lạ đời rồi còn gì.
- Hoàng cô, người nghĩ gì mà nhập tâm vậy?
Giọng nói của Bảo Châu ngay bên cạnh, khiến tôi giật thót quay sang. Chẳng biết từ lúc nào mà kiệu của nó từ phía sau đã tiến lên đi song song với kiệu của tôi. Đôi mắt to tròn của nó nhìn tôi chăm chú đợi câu trả lời, cái miệng nhỏ nhắn cong lên đáng yêu vô cùng. Tôi cười tủm tỉm, ngước nhìn cành Ngọc Lan đầy hoa bên đường:
- Ta đang nhớ tới sự tích hoa Ngọc Lan.
Bảo Châu mở lớn mắt, giọng điệu ngạc nhiên pha chút háo hức:
- Có cả sự tích về hoa Ngọc Lan cơ ạ? Hoàng cô, người mau kể cho con nghe đi.
Nó nhoài người sang nắm lấy ống tay áo của tôi lắc nhẹ năn nỉ. Nhìn gương mặt xinh đẹp hiện lên sự sốt sắng của nó, tôi phì cười. Nếu biết hoa Ngọc Lan dẫn ma về nhà, có khi nó sẽ về ngay cung của mình bắt các cung nữ, thái giám nhổ sạch cả rễ hoa Ngọc Lan lên chứ chẳng đùa.
Bảo Châu thấy tôi vẫn không nói năng gì, liền đổi sang "chế độ" nịnh nọt:
- Hoàng cô, người là người tốt nhất trên đời, người mau kể cho con nghe đi mà.
Tôi quay sang lườm yêu, giọng nói vờ quở trách:
- Con chỉ được cái dẻo mỏ thôi, ta có nói là không kể đâu mà con cứ nhắng hết lên thế.
Nó vội vã ngồi ngay ngắn trở lại:
- Đây con ngồi im rồi, người mau mau kể đi.
Đối với tính cách lém lỉnh của đứa cháu này, tôi cũng đành giơ tay chào thua. Thở ra một hơi dài, tôi bắt đầu câu chuyện:
- Ngày xửa ngày xưa ở ngôi làng hẻo lánh, có chàng trai tên Trương đem lòng yêu người con gái tên Lan ngay cạnh nhà. Một ngày nọ, chàng trai quyết định bạo dạn ngỏ lời với cô gái. Chẳng ngờ cô gái kia từ lâu cũng đã thầm mến mộ chàng, nên khi chàng ngỏ lời cô đã gật đầu ưng thuận ngay lập tức. Cứ vậy tình cảm của bọn họ ngày một đằm thắm, tưởng như không gì chia cắt được.
Đến kỳ thi Hội ba năm tổ chức một lần, chàng trai quyết định khăn gói lên kinh thành ứng thí cùng chúng bạn. Trước khi đi chàng thề thốt cùng nàng. Chàng nói đợi tới ngày chàng đỗ Trạng trở về chàng sẽ rước nàng về Dinh, cho nàng cuộc sống nhung lụa của một bà hoàng. Cô gái nước mắt dàn dụa gật đầu liên tục. Nhìn theo bóng người thương khuất dần, cô cầu xin trời phật cho chàng thuận buồm xuôi gió.
Từ ngày chàng trai ra đi, cô gái ở nhà thay chàng chăm sóc mẹ già, lo việc đồng áng, cơm nước hàng ngày. Tất cả mọi việc lớn bé trong gia đình chàng, đều do một tay cô vun vén. Ấy vậy nhưng...
Nói đến đây tôi ngưng lại để lấy hơi. Anh kiệu phu phía trước thấy tôi không kể tiếp thì hơi quay đầu lại, giọng nói tò mò:
- Bẩm Thái trưởng công chúa, ấy vậy nhưng... rồi thế nào nữa ạ?
Bảo Châu ngồi trên kiệu cũng nóng nảy:
- Phải đấy Hoàng cô, người mau kể tiếp đi.
Mấy anh kiệu phu còn lại cũng nhìn tôi với ánh mắt trông chờ. Thấy bọn họ háo hức, tôi cũng thấy vui vui. Cười khẽ, tối cất giọng đều đều tiếp tục câu chuyện:
- Ấy vậy nhưng, ngày chàng trai trở về, bên cạnh chàng đã có một người con gái khác. Người con gái kia tên Loan, con gái thứ ba của Tể tướng nổi danh trên kinh thành.
Từ ngày Loan gặp Trương, nàng đã bị thu hút bởi phong thái đĩnh đạc, cùng gương mặt khôi ngô của chàng. Nàng tìm mọi lý do để được gặp mặt chàng, chăm sóc cho chàng mọi lúc mọi nơi.
Nữ nhi ở kinh thành đương nhiên xinh đẹp, đài các hơn rất nhiều so với cô thôn nữ ở một làng quê heo hút. Chàng trai kia ngày ngày được nhìn thấy người con gái xinh đẹp, lộng lẫy trong những bộ quần áo thướt tha, thì đã quên mất ở quê nhà đang có một người mỏi mòn chờ mong.
Khi Lan nghe tin chàng trở về, nàng vui mừng khôn xiết. Nhưng thương thay, khi nàng tới nhà gặp chàng thì biết tin chàng đã lấy người khác. Nàng hoàn toàn suy sụp.
Mọi người trong làng biết chuyện, đều trách móc chàng trai vô tình, bạc nghĩa. Sợ tiếng xấu sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình, chàng nói với mọi người là vì nàng đã trao thân cho người khác, nên chàng không thể rước nàng về làm vợ như đã hứa.
Quá nhục nhã, tủi hổ với dân làng, với cha mẹ, Lan đã dùng tấm lụa trắng khi xưa Trương tặng treo cổ, kết thúc cuộc đời. Kỳ lạ là ít lâu sau đó, trên nấm mộ của Lan mọc lên một cái cây nhỏ xanh mướt. Ban đầu cây chỉ to bằng ngón tay, dần dần lớn như cây cổ thụ. Từ các cành lá xum xuê, những bông hoa trắng muốt nở ra tỏa hương thơm ngào ngạt. Có người nói Lan vì bị oan nên đã biến thành cây hoa trắng để tự minh oan cho chính mình. Vậy nên từ đó về sau, người ta gọi loài hoa trắng đó là hoa Ngọc Lan để tưởng nhớ người con gái bất hạnh ấy.
Tôi dứt lời kể, Bảo Châu đưa khăn tay lên lau nhẹ đôi mắt đỏ hoe. Anh kiệu phu đi phía trước giọng nói ngậm ngùi:
- Bẩm Thái trưởng công chúa, có phải gã trai kia sau đó bị con gái Tể tướng bỏ, rồi gã sống trong ân hận suốt đời phải không?
Có lẽ từ xưa tới nay, con người vẫn hướng đến quan niệm "Ác giả ác báo", nhưng sự thật mấy khi được như vậy. Tôi lắc nhẹ đầu nhìn anh kiệu phu:
- Chàng trai kia chẳng những không ân hận suốt đời, cũng không bị con gái Tể tướng bỏ. Mà anh ta sau này công danh hiển hách, con cháu đầy đàn, sống vui vẻ đến hết cuộc đời.
Anh kiệu phu khuôn mặt hụt hẫng, Bảo Châu thì bức xúc:
- Con mà gặp gã đàn ông xấu xa kia, con sẽ cho hắn sống còn khổ hơn chết. Sau đó cho người sử trảm hắn, bêu đầu ngay cổng thành!
Vừa nói nó vừa vò nát chiếc khăn trong tay, như muốn nói lên sự căm phẫn của mình. Tôi thì vẫn chỉ cười, cúi đầu im lặng.
Thật ra hết yêu một người không có tội, nhưng đã hứa với một người mà không thực hiện được thì lại là một đại tội. Giống như tôi, từng hứa với mẹ sẽ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhưng tôi đã không làm được. Tôi mang tội với mẹ, nhưng đời này chẳng có cách nào trả nổi.
Con người ta, nhiều khi cũng bất lực đến đáng thương.