Chương 1: Những trăn trở của Kha
...
“Ê, báo thức kêu ầm ĩ mà mày cũng ngủ được, nể mày thật!” Quyên mới đi học về, bước vào phòng đã càu nhàu.
“Mấy giờ rồi mậy?” Lam lăn một vòng, rên ư ử.
Quyên lắc đầu, bỏ lại một câu: “Bốn giờ bốn lăm” rồi phi nhanh vào nhà tắm, biết thế nào nó cũng giành với mình.
Không ngờ Lam cầm điện thoại ngó nghiêng rồi ngủ tiếp. Lúc điện thoại kêu lần nữa đã là năm giờ chiều.
“A lô.” Lam không tình nguyện nhấn nút nghe, vì điện thoại hiện lên ba chữ màu đỏ
Bằng Bánh Bèo nên giật mình không kịp rút lại phản xạ của mình.
“Chừng nào em qua? Anh đợi em đi chợ nè, đói quá!”
Á, à, Lam ngồi bật dậy, đầu đụng vào cạnh cầu thang một cái như trời giáng. Tỉnh rồi mới nhớ con hậu đậu như nó quên mất việc đi chợ, quên mất việc hẹn với ba đứa yêu tinh hôm nay ăn mừng xin được việc làm thêm.
“À, anh đợi tí, em qua liền.” Lam xoa xoa cái đầu, kéo chăn gối lại đặt vào chỗ cũ rồi nhìn con Quyên đang điên cuồng check facebook bằng nửa con mắt giận dỗi.
Quyên nhìn lại bằng ánh mắt vô (số) tội.
Lam thở dài, cũng tại nó ham ngủ đâu thể trách ai được.
“Tạnh mưa rồi hả qua.” Bằng nói một câu gọn ghẽ rồi cúp máy.
Lam lững thững bước ra cửa, thì ra mưa thật.
Mưa rồi. Lam ngẩn người nhớ đến người đó. Không ngờ lại gặp được anh giữa cái thành phố đông đúc này. Không ngờ bao năm qua rồi, anh vẫn gọi nó bằng cái tên đó,
Lan Anh.
...
Lam tắm xong, thay đồ luôn chỉ mất vẻn vẹn năm phút. Vì trời quá lạnh nên nó cũng không muốn rề rà trong cái nhà tắm yêu thích của mình giống như vào những ngày Cần Thơ nắng đổ lửa. Chải đầu xong bên ngoài mưa vẫn còn lắc rắc, Lam đánh liều dẫn xe chạy qua đường Mậu Thân, vòng qua con hẻm nhỏ qua mấy khúc cua mới đến được nhà trọ Bằng.
Nhi Bà Ngoại không có nhà, chỉ có Bằng ngồi trên ghế nhìn cái điện thoại không hề sáng đèn. Lam mỉm cười, lầm bẩm, yêu làm quái gì cho khổ, cứ như nó với con
Nhi Bà Ngoại, ba lơn tám ba lơn chín, tuy không thiếu trai theo nhưng cũng không cần ai. Như Nhi nói, như vậy mới là mẫu phụ nữ hiện đại.
“Anh, khóa cửa đi chợ luôn khỏi cần dắt xe ra vào, anh Kha chín giờ mới qua được.” Lam thò đầu vào cửa, nói nhỏ.
“Ừ.” Bằng nhét điện thoại vào túi, vào phòng lấy nón rồi chở Lam đi chợ. Anh vẫn không quên lời hứa sắt son trên zalo ngày hôm qua nó tuyên bố “em nấu lẩu”, “em đổ rau câu”, “em muốn nhậu ăn mừng”... Vậy mới có cuộc họp ngày hôm nay.
“Khách sạn lớn vậy mà dễ dàng nhận em vào làm thế à?” Bằng hỏi.
Lam cũng không biết đây có được gọi là có quen biết thì việc gì cũng thuận lợi hay không, nhưng nó tin rằng chiều cao chỉ xấp xỉ mét sáu, gương mặt không có gì đặc biệt, dáng người cũng không bằng mấy cô cùng phỏng vấn, đừng nói đến học lực, tuy không xét học lực như nhân viên chính thức nhưng nhìn lại nó cũng đâu có bằng ai. Vậy mà lại được nhận vào làm ngay từ lúc phỏng vấn luôn. Không phải đợi điện thoại hay chờ xét duyệt gì cả.
Lam thở dài: “Em vô tình gặp được người quen, anh ấy phỏng vấn rồi trực tiếp nhận em vào làm. Ha ha, chắc số em may mắn.”
“Tốt nghiệp rồi em xin vô đó làm được đó. Khách sạn lớn nhất cái Cần Thơ này rồi. Nhưng mà anh ta là ai?”
“À, anh ấy là hàng xóm cũ của nhà em. Lúc nhỏ chúng em có chơi cùng nhau, anh ấy chuyển đi mấy năm rồi. Hê, mà nè, anh ấy men lắm chắc không phải bánh bèo đâu.”
“Chắc ăn nhiều sữa chua lên men nên mới vậy.” Bằng thủng thẳng nói.
Lam đập vào vai anh: “Anh này! Không nói được gì tốt à. Men không được nên ganh tị, đúng không, đúng không?”
Bằng hừ một tiếng cho qua.
Lúc đi chợ về
Nhi Bà Ngoại đang ngồi vắt vẻo trên ghế gặm hộp cơm chay của mình. Lam nhảy xuống xe phóng vèo đến, cướp miếng chả giò chiên Nhi để dành trong hộp.
Nhi la oải oải: “Con đê tiện, đồ tiện tì, đồ ăn của tao sao mày dám cướp.”
Lam cầm miếng chả giò phun nước miếng phèo phèo vào rồi vờ để lại trong hộp. “Trả mày đó, chả có gì ngon.”
“Đệch! Ăn đi mày.” Nhi nghiến răng, rồi quay sang nhìn Bằng bằng ánh mắt căm hận: “
Bằng Bánh Bèo anh đem con “liên” này nhốt vào sở thú đi, trong đó giành đồ ăn không sợ nhục.”
Bằng phì cười, nửa lôi kéo Lam vừa nhai ngồm ngoàm miếng chả giò vừa không cam tâm còn ngó nghiêng vào cái hộp: “Em đừng làm mất mặt gia tộc nhà Hắc Nờ.”
“Nội hai chữ Hắc Nờ đã không có mặt mũi rồi, giữ nữa cũng có ăn được đâu.” Lam nuốt xuống miếng chả, cười hề hề.
Bằng lắc đầu. Nhi cũng hững hờ không trả lời chỉ lo cắm cúi ăn phần cơm của mình. Lam đem điện thoại cắm sạc, mở wifi chờ email của anh. Hình như từ lúc anh nói gửi mail, Lam chú ý đến cái điện thoại của mình hơn. Hơn nhiều mấy năm học đại học chờ email giáo viên hay xem điểm.
Nhi thấy Lam ngồi nhìn trân trân vào cái điện thoại nhấn nút refesh liên tục, bước qua đá đá vào chân con nhỏ: “Làm gì check mail hoài dạ con quỷ! Đi lặt rau coi.”
“Ờ.” Lam lơ đãng ngẩng đầu lên, trong con mắt còn trong veo ý cười.
Bằng nhìn sang, cũng chỉ biết cười trừ.
...
Cần Thơ mùa này vào mưa. Mưa lác đác từng cơn. Có khi nghe mưa đó, chạy ra lấy đồ thì trời bỗng tạnh mưa. Có lúc
Nhi Bà Ngoại đứng ngẩn người ngoài sào đồ thở phì phì nghe mùi hơi đất tỏa lên mà không một hạt mưa nào vương nổi trên vai. Lúc đó Bằng sẽ khoanh tay đứng đó, chế nhạo con bé dở hơi.
Lúc Nhi ra mở cửa cho Kha trời cũng như vậy, anh mặc áo mưa, nhưng trời thì vẫn trong veo với những ánh sao lác đác. Đêm không mưa, mặc áo mưa, Nhi thấy vậy ôm bụng cười ngặt nghẽo.
“Trời không có mưa có đứa biến thành siêu nhân! Há há há.”
Đáp lại tràng cười không nết na gì của Nhi là một cú nón bảo hiểm vào lưng. Kha biết tính nết Nhi dở người như vậy nên chỉ đánh nhẹ một cái rồi thôi. Đem áo mưa phơi lên giá rồi nhập bọn với Lam và Bằng.
Nhi Bà Ngoại và
Kha Bùi là hai đứa hay cạnh khóe nhau nhất. Nhớ lúc mới nhập bọn, hai đứa còn vì ổ bánh mì mà đánh nhau sứt mấy miếng thịt... heo dồn trong ổ bánh. Cuối cùng ổ bánh thuộc về Lam, vì Bằng giành được từ hai đứa đã tả tơi rồi đem cho Lam ăn.
Tính ra, sự đối chọi của hai người không chỉ vì ổ bánh mì, mà còn vì ngày
Nhi Bà Ngoại bị
Kha Bùi đạp văng xuống con mương cạnh chuồng bò lúc đi tình nguyện ở Trần Đề. Thật ra, Kha cũng không cố ý, chỉ muốn đùa nghịch cho vui, không ngờ lỡ chân không níu lại được. Nhi vinh quang lộn ngược xuống mương... phân bò.
Từ đó hai người kiếm chuyện chơi xấu nhau, rồi chẳng hiểu sao lại thành bạn bè. Lại ngày càng thân thiết như vậy, dù lúc nào cũng kiếm chuyện móc méo nhau. Mà tính ra, cùng nhờ mùa hè năm ấy mà bốn người với bốn tính cách nghịch đảo nhau đến vô cùng ấy lại sáp lại gần nhau, thân thiết rồi chẳng biết từ lúc nào trở thành một gia đình khác của chung.
...
Đêm Cần Thơ có gió nhẹ. Trời càng về khuya càng lạnh. Căn phòng trọ nhỏ bé có bốn người ngồi tựa lưng ở bốn góc khác nhau, cùng kể chuyện đời chuyện người.
Sở dĩ Nhi có biệt danh là
Nhi Bà Ngoại là bởi cái tính ca cẩm của con nhỏ cả. Nhi không già, không xấu. Nó ngược lại rất xinh đẹp. Nhưng bởi cái tính hay bép xép nói nhiều, cộng với việc rề rà khi đi chợ nên mới bị gán cho cái mác “già ngắt” như vậy. Nó cũng không bận tâm, tự nhiên xưng ngoại gọi con tự nhiên hơn bất kì người bà nào trên đời.
“Ê Nhi, thằng hôm bữa tỏ tình với mày sao rồi?” Lam nhặt quả chôm chôm vàng hoét, ném vào người Nhi. Biết quả này nhất định chua đến tê tái nên Lam ném đi mà vẻ mặt vẫn dửng dưng, không lộ ra vẻ tiếc nuối khi phải đem vứt bỏ đồ ăn của mình.
Nhi lườm Lam: “Gì mà gì! Tao biết ai đâu.”
“Người ta là
chụy em, em ơi.” Tiếng
chụy được Kha kéo dài, kéo dài đến sởn da gà.
Bằng không lộ ra vẻ mặt gì, chỉ thong dong phán câu xanh rờn: “Thằng
bánh bèo ấy là bê đê mà.”
Lam định phản bác “thế anh không
bánh bèo chắc”, nhưng nhìn vẻ mặt “nguy hiểm” của anh, Lam chỉ còn biết ngậm ngùi nhét miếng rau câu khóm chua loét vào miệng.
Vậy là cả ba đứa đều nhất quyết, Nhi muôn đời chung thủy với bánh bèo, tương lai chưa chắc lấy được chồng. Theo kinh nghiệm thì hai người trước đó tỏ tình với Nhi, sau này... đều có bạn trai đẹp trai hơn cả mấy ca sĩ đang lên mấy bài hit trên mp3. Đời đúng là không thể nói trước được điều gì.
Nhi cũng không phản bác lại, chỉ có nó biết mình cần cuộc sống tự do không bó buộc này đến thế nào. Nó biết mọi êm đềm trên cuộc đời này đều rất dễ vỡ tan. Thế nên vì một cuộc sống cân bằng, nó đã không chọn cách đánh đổi. Nó không giống Lam, dù hai đứa dở người giống nhau mới chơi chung với nhau được, nhưng nó biết mình lí trí hơn Lam. Cuộc sống của Nhi là những hoạch định đã được định sẵn, sẽ không có gì có thể khiến nó thay đổi được.
Khuya, Lam với Nhi ngủ một mùng, còn lại Kha và Bằng ngủ mùng cách vách. Tiếng mưa êm tai như tiếng nhạc, Lam và Nhi rất nhanh đã ngủ say. Không còn nghe thấy tiếng mưa rơi đều ngoài cửa sổ, tiếng gió rít, tiếng lá cây đạp xào xạc vào mái hiên.
Hai cô gái không biết nỗi trăn trở của hai con người cách họ chưa đầy một mét, hai người mà lúc nào cũng cười ha ha chọc vui các cô. Các cô cũng không biết, con trai họ giấu phần mềm yếu sâu thẳm trong lòng mình. Còn các cô luôn vô tình phơi bày nó ra.
Bằng siết nhẹ cái điện thoại đang sáng đèn trong tay, thở dài: “Tao không còn quá nhiều thời gian, có lẽ cũng không đủ kiên nhẫn.”
Kha nhìn vào tin nhắn đang nhấp nháy trong điện thoại với cái tên quen thuộc, lòng cũng nặng trĩu. Anh biết cậu bạn thân của mình coi trọng mối quan hệ ấy đến như thế nào, anh không hiểu vì sao mọi việc trên đời lại có thể nghịch lý đến trớ trêu như thế.
Kha không nói gì, chỉ vỗ vỗ vai Bằng. Anh cảm thấy bất lực. Sâu trong anh luôn muốn làm gì đó cho Bằng, nhưng ngoài việc nhìn Bằng lún chìm vào nỗi cô đơn anh không làm được gì. Sau này, hai chữ “sau này” đối với anh là một cái gì đó xa lắm, như đứng trên bờ vực nhìn xuống phía dưới ngút ngàn. Có người nói tuổi trẻ thật tốt, nhưng tuổi trẻ qua đi các anh thứ gì cũng không níu giữ được.
Giờ đã là sinh viên năm tư, học kì này Bằng ra trường, anh năm sau cũng ra trường. Mỗi người các anh đều có những dự định của riêng mình nhưng hết thảy, anh không biết sẽ thay đổi theo chiều hướng thế nào.
Anh cũng không biết cái “ba năm” mà Linh bảo Bằng chờ có được êm đẹp như cái viễn cảnh mà con bé vẽ ra hay không. Nói thật, anh không tin lắm vào cái vững bền được người ta ca tụng, cũng không tin có thứ gọi là “đợi chờ là hạnh phúc”.
Anh muốn Bằng buông tay, hơn hết, muốn Bằng thực hiện những dự tính ban đầu của mình. Anh không muốn Bằng phí hoài ba năm vô ích. Nhưng những lời nói tàn nhẫn ấy đến môi anh lại không thể thốt ra.
Kha chọn cách im lặng trong một đêm tĩnh mịch thế này. Vì chẳng biết lúc nào Cần Thơ sẽ dậy những cơn bão lớn, hạt mưa không còn tí tách rơi đều thấm ướt sân, mà là bão dội vào thềm, dội vào góc khuất trong những ngôi nhà, dội vào lòng những người trẻ như các anh.
Lúc ấy, nếu không vững lòng, không sót lại một chút niềm tin thì sẽ bị vùi đến tan tác ra.