Dã Sử Cố niên hoa - Cập nhật - Phương Uyên

ngocnungocnu

Gà trùm
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
11/9/14
Bài viết
5.251
Gạo
1.500,0
Gửi các bạn đọc của mình, cảm ơn mọi người đã quan tâm theo dõi Cố niên hoa, chương tiếp theo sẽ được đăng trong tuần sau nhé ạ.

Ở bài viết này, mình xin phép mượn đất để quảng bá đôi dòng về cuốn sách đầu tay của mình vừa ra mắt hôm nay:

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH - SÔNG NÚI CHƯA GIÀ

Tác giả: Phương Uyên

“Một cánh vạc mấy trời quan tái
Má hồng phai, sông núi chưa già.”

Lịch sử của dòng dõi Lạc Hồng vẽ nên từ máu. Suốt bốn nghìn năm, bao nhiêu lớp người ngã xuống là từng ấy lớp người đã đứng lên để cương thổ trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Có anh hùng vung giáo gươm, có dân đen đổi xương máu, cũng có những phận người mượn phấn son và hương sắc mà xây thành lũy. Tập truyện ngắn bạn đang cầm trên tay viết về những con người như thế.

Rồi son phấn hay sắc hương đều sẽ cuốn theo gió bụi thời gian. Năm tháng trôi qua, những gì còn lưu lại chỉ là một cái tên được nhắc đôi lần trong sách sử. Quốc gia cũng trải qua mấy mùa binh lửa, đổi họ bao lần.

Chỉ có núi sông là còn mãi.

Cuốn sách bao gồm bốn truyện: “Sơn hà tại”, “Ngàn dặm”, “Viễn xứ”, “Trăng già”. Mỗi truyện lần lượt là câu chuyện về các nhân vật lịch sử: Thái hậu Dương thị thời Đinh - Tiền Lê, Công chúa Huyền Trân thời Trần, Công nữ Ngọc Khoa thời Trịnh - Nguyễn, khởi nghĩa Lê Ngã thời Minh thuộc.

---

Sách được bán ở trang web của nhà sách Tri Thức Trẻ Books, mọi người vui lòng tìm theo tựa sách và tên tác giả giúp mình ạ. Cảm ơn mọi người đã yêu thích truyện của mình!
Chúc mừng nàng nhé!
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
CHƯƠNG 37: QUY NHƯ [1]

Thuyền chở lão già và tôi xuất phát sau cùng, khi đoàn người của quan gia và thái tử đã hướng về phía Thăng Long, phó tướng Đỗ Ngạc và Trần Cụ cũng đã dẫn đầu đoàn thuyền đưa Thánh Dực quân về Hồng lộ. Lão già muốn đích thân về phủ an phủ sứ chỉnh đốn quân doanh trước, song nhiều người đã biết việc lão bị thương trong trận chiến nên tất thảy tướng sĩ đồng lòng xin lão sớm về Yên Bang. Tôi cũng mong lão sớm được nghỉ ngơi, bèn về một phe với họ mà nói giúp mấy câu:

- Thuyền có vương gia cần tịnh dưỡng, dù nói gì đi nữa trạo phu cũng không dám chèo nhanh hoặc làm ồn. Xem như người cho phép họ nhanh chóng về đến nhà kịp đón giao thừa vậy!

Quân đội ở Hoàng giang đã có một đêm trừ tịch sớm, nhưng những người lính Thánh Dực theo chân lão đóng ở Cổ Mai thì đã lâu chưa có một hôm thực sự no say, thành thử, cái cớ xoàng xĩnh của tôi bỗng hóa hợp lý vô cùng. Lão thở dài một tiếng, khẽ dặn Đỗ Ngạc:

- Thay ta mang lễ vật đến từng nhà các binh sĩ đã nằm lại chiến trường, sắp xếp chu đáo cho gia đình họ.

- Thưa vâng! – Viên phó tướng cúi đầu.

Trước giờ toàn quân nhổ trại, lão già nhà tôi được lệnh chủ trì lễ tế vong linh tướng sĩ đã hy sinh. Tôi biết trước giờ lão vốn không tình nguyện tham gia các lễ tế của hoàng thất, song đây lại là một việc hoàn toàn khác. Đứng giữa tế đàn, lão dùng giọng nói trầm trầm đầy uy lực tụng liên tiếp mấy hồi chú vãng sinh, cho tất cả những người đã nằm xuống trong trận chiến này không kể địch ta. Những oan hồn được vỗ về, chiến địa mới hôm qua còn nồng tanh mùi máu và nặng nề sát khí đã dần dần trở lại vẻ thanh bình.

Trên tay lão chính là chuỗi hạt của cụ Đảm ngày trước. Tôi đứng cùng các binh sĩ quân Thánh Dực, mắt không rời khỏi bóng lưng người chủ tế. Bên dưới lớp áo choàng ấy, hẳn là vết thương vẫn không ngừng rỉ máu, và vết xước trong lòng lão vẫn âm ỉ nhói đau. Lão từng dạy tôi, chú vãng sinh kỳ thực dùng để an ủi những người còn sống, để họ tin rằng người thân của họ khi thác rồi vẫn được Thần Phật chở che, đưa về chốn niết bàn. Lão đã cho người đốt cháy cây cột từng treo xác cụ Đảm, lấy tro và một ít đất ở nơi đó mang về Dưỡng Chân trang để chúng tôi còn được lo hương khói cho cụ sau này. Tôi biết lão làm như thế chỉ để giúp tôi vơi nỗi ăn năn. Giá như tôi cũng có thể làm được gì đó để lão già của tôi thực sự thanh thản, thực sự yên lòng, thực sự buông bỏ chuyện của người đời trước. Nhưng tôi cũng chỉ là một hậu bối, chuyện xưa chẳng biết được mấy phần...

Khi thuyền rời bến Triều Đông, mặt trời đang khuất dần sau dãy núi. Tôi ngồi ở mũi thuyền, trông mãi về nơi cuối cùng mà tôi nhìn thấy độc túc tráng sĩ, thấy anh Túc, thấy rất nhiều người lính mà tôi chưa kịp biết tên. Chỉ một thời gian ngắn mà những chuyện tôi mắt thấy tai nghe đã nhiều hơn cả đời cộng lại. Giờ khắc toàn quân xuất phát trưa nay hay tận lúc này, mọi người đều rất hồ hởi vì chiến thắng, vì năm mới sắp đến, vì họ biết niềm vui này đắt giá đến mực nào. Thế nên tôi cũng không cho phép mình suy nghĩ nhiều thêm về những chuyện đã không có cách nào cứu vãn. Nhìn trời nước mãi cũng đâm chán, tôi bèn đưa cây sáo ngọc lên môi, thổi một khúc nhạc vui tươi.

Từ bụi cây phía xa, một cánh chim bay vụt lên trời rồi chao liệng trong ánh ráng chiều. Có anh lính buột miệng:

- Cô Nhã Phong cũng có tài thổi sáo điều kiển chim thú giống vương gia ư?

Tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì mọi người đã xôn xao:

- Tôi nghe mọi người nói đêm ấy thần sầu quỷ khốc mà chưa được chứng kiến. Bác có mặt ở đó không, thế nào?

- Bác mà thấy cảnh ấy còn tưởng vương gia của chúng ta là sứ giả nhà Trời đấy!

Tôi bật cười, hóa ra họ nhắc đến đêm tập kích nọ. Cũng vừa hay, vị sứ giả nhà Trời họ đang ca tụng vừa bước ra chỗ tôi đang đứng, hất hàm cười:

- Năm mới sang rồi, ta cũng nên phổ vài khúc nhạc mới nhỉ?

Nói đoạn, lão ra hiệu cho tôi tiếp tục thổi sáo, còn mình bước ra ngồi ở mũi thuyền, vừa hát vừa vỗ lên mạn thuyền, mắt trìu mến nhìn từng binh sĩ. Trên thuyền có những người trẻ tuổi mới sung quân vì trận chiến này, mấy ngày qua quen đứng từ xa nhìn chủ tướng đĩnh đạc, cao quý, nên giờ họ chỉ biết há hốc mồm vì kinh ngạc. Những binh sĩ khác theo lão già lâu hơn ít nhiều biết tính cách của lão nên có thể bắt nhịp rất nhanh, cười to sảng khoái rồi cũng vỗ tay, gõ nhịp, hòa giọng hát vang. Chẳng mấy chốc, cả khúc sông đã rộn ràng. Hát hết mấy bài, có người lính vì quá vui mà cả gan đề nghị:

- Bẩm, tôi nghe nói vương gia tinh thông kim cổ, không biết người có thể xem giúp tôi một quẻ xem vận mệnh thế nào không ạ?

Bốn bề bỗng im lặng như tờ, có người sợ hãi cúi đầu không dám nhìn lên. Tuy trước giờ thầy Tuệ Trung nổi danh bác ái, từ bi, thường giúp mọi người hiểu thấu lẽ thiệt hơn, nhưng đó là khi ở Dưỡng Chân trang, và người đó là thiền sư Tuệ Trung, không phải Hưng Ninh vương, không phải trong lúc người đang ngồi trên chiến thuyền như lúc này, càng không phải để tiên đoán quá khứ vị lai như anh lính nọ vừa thỉnh cầu. Có người vờ trách anh ta:

- Chúng ta thắng giặc mà vẫn sống sót trở về nghĩa là mạng lớn rồi, bác còn đòi gieo quẻ làm gì!

- Phải, phải đấy, để vương gia nghỉ ngơi chứ!

Anh lính nhận ra mình vừa quá phận, gượng gạo cười định lẩn vào đám đông, nhưng lão đã đưa tay vẫy anh lại gần. Người lính chậm chạp bước lên, lấm lét cúi thấp đầu chờ một lời quở phạt.

Lão già chăm chú nhìn anh lính, khẽ bảo:

- Nam tả, nữ hữu, anh chìa tay trái ta xem.

Bàn tay người lính run run đưa lên trước mặt, lão lại xem xét giây lâu rồi từ tốn nói:

- Số anh chẳng giàu thì nghèo,

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.

Số anh có mẹ, có cha,

Mẹ anh đàn bà, cha anh đàn ông.

Số anh có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai. [2]

Đâu đó có tiếng cười khẽ bị nén lại, không khí vẫn rất lạ kỳ. Tôi vờ nghiêm mặt hỏi lão:

- Vương gia phán thế nhỡ đâu anh ấy mãi lo chinh chiến, nhà chưa kịp nuôi lợn thì Tết này lấy đâu ra thịt để treo?

- Ừ nhỉ... - Lão ngập ngừng rồi lại nói liền một mạch. – Về đến Dưỡng Chân trang, em bảo cậu Thân mang hai con lợn béo qua nhà cậu ta ngay, không thể để quẻ bói của ta sai được.

Lúc này mọi người mới vỡ lẽ là vương gia của họ đang đùa, cười rộ cả lên.

- Nhất bác rồi nhé, tôi qua thăm nhà nhớ mang rượu thịt thết đãi đấy!

- Tôi sẽ làm cỗ to. Các bác phải qua cả, không được thiếu một ai nhé! – Người lính vừa được một phen thất kinh giờ lại cười đến chảy cả nước mắt.

Tôi sai người mang ít rượu ra để mọi người uống cho ấm bụng, riêng lão già và tôi cũng lấy trà thay rượu. Mọi người hết cười nói lại hát ca. Sóng vỗ rì rào dưới mạn thuyền, như thể những anh linh đã vì quốc vong thân mà nằm lại dưới lòng sông cũng hòa giọng mừng chiến thắng.

---

Chúng tôi về đến làng Vạn Niên mà không báo trước, tuy cũng có người biết chuyện len lén ra nhìn, song ai nấy đều đoán tính Hưng Ninh vương ưa yên tĩnh nên không dám ồn ào. Tôi đưa mắt nhìn mấy bóng người nấp sau rào giậu, bỗng nhiên thấy cao hứng, chộp lấy một lá cờ quân Thánh Dực vẫy thật cao, thúc Cụ Nhỏ chạy nhanh về phía trước, miệng không ngừng hô vang:

- Quân ta chiến thắng trở về rồi! Hưng Ninh vương trở về rồi!

Dường như chỉ chờ có thế, người trong làng từ bốn phía ùa ra tiếp đón, reo hò inh ỏi, có người còn mang cả mâm, cả nồi đồng ra gõ điếc cả tai. Bọn trẻ con trong làng nhận ra tôi, bắt tay lên miệng làm loa, thét lớn:

- Chị Nhã Phong đánh giặc về kìa! Oai quá!

Tôi ngoái nhìn lão già, cười tít mắt. Quân kỳ rực rỡ dưới hoàng hôn, hệt như mới hôm nào trong rừng Cổ Mai chúng tôi cùng xuất trận. Lão già của tôi vẫn thong thả cưỡi ngựa đi chầm chậm, không quên mỉm cười đáp lại lời thăm hỏi và chúc tụng của mọi người. Tiếng reo hò dẫn chúng tôi về tận cổng Dưỡng Chân trang:

- Hưng Ninh vương về rồi!

- Tuệ Trung thiền sư về rồi!

Chị tôi đang đứng cạnh anh Thân, bác Dương đã từ Hồng lộ trở về, còn có sư ông Phúc Đường và tất thảy gia nhân đều có mặt, chẳng thiếu một ai. Lão già chậm rãi xuống ngựa, vái chào:

- Sư phụ!

- Sư ông! – Tôi cũng cúi thấp đầu.

Sư ông đến nâng chúng tôi dậy, mỉm cười hiền hậu, khẽ siết tay thay cho muôn vạn lời nói. Lão già nhìn sang chị tôi, chị liền đoan trang hành lễ:

- Mừng vương gia thắng trận trở về!

- Nàng vẫn khỏe chứ. – Lão ân cần hỏi.

- Bẩm, mọi người ở Dưỡng Chân trang vẫn bình an. – Chị đáp.

- Bấy lâu cũng nhờ có nàng, đã vất vả rồi. – Lão mỉm cười.

Đợi phu thê hai người lễ nghĩa đủ đầy, tôi bước đến ôm chặt chị. Từ trước đến giờ tôi và chị không hay gần gũi, song, sau khi chứng chiến từng người từng người một bên cạnh mình ngã xuống, tôi đã nhớ người chị trên danh nghĩa của mình rất nhiều lần trong suốt những ngày ở Hoàng giang. Cũng may, khói lửa chưa kịp chạm đến vùng đất bình yên mà tôi muốn bảo vệ bằng cả tính mạng này. Chị tôi thoáng bất ngờ rồi cũng dịu dàng vuốt lưng tôi, khẽ hỏi:

- Em không bị thương ở đâu đấy chứ?

- Không ạ. – Tôi đáp. – Nhưng em nhớ những khi nghịch dại bị chị mắng, nhớ những lời kể lể của anh Thân, nhớ mấy món mà bác Dương hay nấu...

Mọi người cười rộ trước vẻ háu đói của tôi, anh Thân hồ hởi nói:

- Vương phi biết cô Nhã Phong bấy lâu không được ăn ngon nên đã chuẩn bị rất nhiều thức ăn đấy! Cô mau vào thôi!

Mọi người vui vẻ bước vào trong, riêng tôi quay lại chỗ Cụ Nhỏ đang được một anh lính giữ giúp, tháo chiếc đẫy đeo trên lưng nó, thận trọng ôm trong lòng. Đưa mắt nhìn lên chiếc cổng lớn của Dưỡng Chân trang, nhìn làn khói ấm áp bay lên từ khu nhà bếp, lại nhìn xuống thấy lão già đang đợi, tôi mỉm cười, khẽ nói với hũ tro nhỏ và quyển y thư trên tay:

- Chúng ta về đến nhà rồi!

---

Chị tôi biết mọi người đi đường xa mệt mỏi, binh sĩ lại nóng lòng đoàn tụ với gia đình nên không vội tổ chức tiệc mừng công, chỉ chuẩn bị rất nhiều phần quà Tết để họ mang về và một mâm cơm nhỏ để mấy người chúng tôi dùng bữa ấm cúng cùng nhau. Lão già vừa ăn vừa hỏi chị tôi những việc ở Dưỡng Chân trang suốt hơn một năm qua, dặn dò thêm vài việc khác, mãi đến khi trời tối mịt mới trở về phòng. Lão bảo anh Thân giúp lão chăm sóc vết thương, không để tôi thấy rồi lắm mồm nữa. Thế nên suốt cả ngày hôm nay, tôi cứ len lén nhìn xem sắc mặt lão có xanh xao không, hơi thở có khó nhọc không. Bị thương nặng như thế lại không được nghỉ ngơi, hết đi thuyền rồi lại cưỡi ngựa, luôn phải tỏ ra tươi tỉnh để kẻ dưới được yên lòng mà vui chiến thắng, trong lòng lại có vô vàn việc nhỏ việc to cần lo nghĩ, tôi không biết lão có thể cầm cự được bao lâu.

Cứ ngỡ khi về đến nhà thì có thể ngủ thật say, song bụng đã no mà đầu óc tôi vẫn tỉnh táo lạ thường. Tôi bước ra sân, ngồi ngắm trời ngắm đất. Phòng tôi ở cạnh phòng của lão già như từ bé đến giờ. Tôi cứ nhìn mông lung về căn phòng đang đóng chặt ấy, thật lâu. Cuối cùng, cửa phòng cũng mở ra.

Lão già chẳng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Mái tóc của lão không búi gọn gàng như ban ngày mà để lòa xòa, vài sợi trước trán khẽ lay. Trên người khoác hờ tấm áo choàng, lão chậm rãi bước ra. Tôi chạy đến đỡ tay lão, dìu lão cùng ngồi xuống bậc thềm, cảm nhận rõ sự nặng nhọc trong từng bước chân. Chúng tôi ngồi lặng im nghe tiếng gió xào xạc trên tán lá, tiếng côn trùng rả rích kêu.

- Học ai mà cũng biết khó ngủ rồi? – Hồi lâu, lão lên tiếng châm chọc.

- Em nghe nói bậc trí giả thường trằn trọc suy tư. Em ngu dốt khó thành trí giả, nhưng bắt chước họ suy tư giữa đêm thì em làm được ạ. – Tôi uể oải đáp.

Lão già nhếch mép cười. Đoạn, lão như nhớ ra còn việc vẫn chưa làm xong bèn dặn dò tôi:

- Thân sinh của Đỗ Ngạc ở Vạn Niên. Cậu ấy thay ta lo việc ở Hồng lộ trở về chắc Tết cũng sắp tàn. Ngày mai em thay ta sang thăm hỏi họ trước.

- Vâng ạ.

- Không biết Hưng Đạo đã lui binh, về đến Vạn Kiếp chưa. Ta vẫn chưa nói với chú ấy chuyện của Nguyễn Địa Lô.

- Anh Voi Lớn hiểu tấm lòng của tiên sinh, sẽ thay tiên sinh chuyển lời cho Hưng Đạo vương thôi. – Tôi nói. – Nếu người vẫn chưa yên tâm, sáng mai em sẽ viết một bức thư gửi cùng mấy bình rượu mơ đến phủ cho vương.

- Chú ấy... - Lão ngập ngừng.

- Không thích rượu mơ? – Tôi cố ý nhắc lại việc lão lừa tôi ủ rượu ở Cổ Mai. – Em thừa biết, em đã nhờ chị chuẩn bị rượu nếp cái hoa vàng để biếu cho vương.

Lão cười cười, lảng sang chuyện khác:

- Đã đưa tro của cụ Đảm vào điện thờ chưa?

- Rồi ạ. Cạnh Nguyễn Nam. – Nói đến đây, tôi nhớ ra mình vẫn chưa kể cho lão nghe một việc. – Em xin lỗi vì chưa hỏi ý tiên sinh đã vội hành sự. Thái tử hứa với em sau khi trở về kinh sẽ xá tội cho Vũ Thành vương. Em đoán ngài ấy còn bận nhiều việc nên chưa thể làm ngay, nhưng khi Vũ Thành vương tự do rồi, em sẽ mang linh vị và quyển y thư của Nguyễn Nam trả về cho họ Phạm.

Lão già thoáng ngạc nhiên, đoạn trầm ngâm một lúc thật lâu mới khẽ đáp:

- Ừ. Cảm ơn em.

Phía bên kia sân vẫn sáng đèn. Các gia nhân đang cùng nhau quét dọn, nấu nướng, làm bánh chuẩn bị cho mâm cỗ giao thừa thật đủ đầy. Tôi ngửa mặt, hít sâu mùi khói bếp và lắng nghe tiếng người í ới gọi nhau. Bỗng lại nhớ ra một việc khác, tôi vội vã chạy về phòng, bỏ mặc lão ngơ ngác giữa sân. Tôi lục tung túi hành lý của mình, cuối cùng tìm được chiếc khăn tay mà tôi cố gắng thêu lại đóa mộc lan của công chúa Thuận Thiên.

- Đây là... - Lão cầm chiếc khăn tôi vừa đưa, đoạn lại so sánh với chiếc khăn đang quấn vết thương trên cổ tay mình. – Em đã thêu bao nhiêu chiếc?

- Hai... mươi mấy ạ. - Tôi gãi gãi đầu. – Ở Hoàng giang em không có việc gì làm nên muốn làm gì đó cho tiên sinh vui. Nhưng em không khéo tay... Lúc Tĩnh Quốc vương xuất quân, em thấy ngài chẳng ai đưa tiễn nên đã tặng bừa một trong số những chiếc thêu hỏng, không ngờ ngài ấy lại tưởng là thật, mang trả cho tiên sinh.

Lão già cười khùng khục trong cổ họng khiến tôi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Lão đưa tay vò vò đầu tôi đầy thích thú:

- Xem ra chỉ một năm vắng nhà mà ta đã bỏ lỡ rất nhiều thứ.

- Có phải bây giờ người thấy em rất ra dáng hảo hán, rất đáng để nương tựa có phải không? – Tôi vênh mặt nói.

- Không phải mới bây giờ. – Giọng lão lại trở nên khẽ khàng, có chút mệt mỏi. – Mấy cây hoa nhài này do em trồng đấy à?

- Vâng. – Tôi ngáp dài, liếc mắt về bụi hoa nhài trước cửa phòng. – Em định trồng để ướp trà, nhưng nhiều sâu quá nên em nhờ anh Thân chăm giúp.

- Ừ. – Lão trầm ngâm. – Phong! Có một con rơi trên tóc em này.

Tôi hét lên một tiếng thất thanh rồi đưa tay phủi tóc liên tục, mặt cắt không còn giọt máu. Lũ sâu của cây hoa nhài vừa to vừa xấu xí, tởm chết đi được. Mái tóc dài mượt xinh đẹp của tôi...

- Hóa ra hảo hán ở Yên Bang cũng biết sợ sâu nhỉ?

Lão nhướn mày tỏ vẻ ngạc nhiên rồi bật cười thành tiếng khi thấy mặt tôi nghệch ra rồi dần chuyển sang vừa thẹn vừa giận. Tôi đang cố nghĩ cách trả đũa thì tràng cười của lão đã chuyển thành những tiếng ho sù sụ. Tôi vội vã đến vuốt lưng cho lão đỡ cơn ho, muốn đỡ lão về phòng nghỉ nhưng lão đã đưa tay ngăn lại.

Chúng tôi ngồi im lặng thật lâu, gió đưa hương nhài thoang thoảng khiến sự hậm hực trong lòng tôi cũng dịu bớt đôi phần. Mãi sau lão mới cất tiếng làm hòa, giọng nói càng lúc càng nhẹ như hơi thở:

- Em còn trải qua những chuyện gì mà ta chưa biết?

Câu hỏi của lão khiến tôi ngẩn người, lặng im thật lâu nhớ lại những chuyện xưa rồi vô thức nói thành lời:

- Khi tiên sinh không còn ở đây, đã có rất nhiều đêm em ngồi ở trước cửa phòng như thế này, nhìn mãi, nhìn mãi, đợi tiên sinh bước ra mắng em khuya rồi sao không ngủ. – Không biết có phải vì đêm lạnh, giọng tôi bỗng run run. – Nhưng mà... không có. Chỉ có em bị phải gió, ốm liền mấy ngày sau thôi.

Đôi mắt hơi mệt mỏi của lão già thoáng nét đau lòng. Tôi hít một hơi thật sâu, mỉm cười nhìn sang hướng khác:

- Nhưng tối nay em lại mong tiên sinh cứ ở yên đấy, ngủ thật say. Tiên sinh hay dạy người ta sinh tử là lẽ thường, đói thì ăn, khát thì uống, thế mà bản thân người lại không biết mệt rồi thì phải nghỉ ngơi. Em sợ vết thương của người... Tuy rằng em chẳng bằng ai, đừng nói là so với bọn Quang Khải, mà ngay cả ở Dưỡng Chân trang em cũng cực kỳ vô dụng, nhưng em vẫn có thể cho người tựa vào một chút.

- Vậy à?

Lão hỏi nhỏ đến mức tôi không chắc mình có nghe lầm không, song tôi không ngoái lại nhìn lão mà chỉ đều đều kể tiếp những chuyện mà ngày thường khó nói thành lời:

- Em biết em có thể bình an đến Hồng lộ là vì tiên sinh vẫn luôn cho người âm thầm bảo hộ phía sau. Cái hôm em vào nhà lao ở Tiên Lễ, chắc vị quan đó cũng chẳng mến mộ cửa Không đến mức chỉ nhìn một mảnh ngọc của sư ông mà đã thả em ra. Em đã luôn nép sau lưng tiên sinh mà nghĩ rằng mình tài giỏi đấy thôi.

Tôi không nghe lão đáp gì, hồi lâu bỗng thấy vai mình nằng nặng. Mái tóc thơm hương thảo mộc của lão phủ lên vai tôi. Tôi vừa thấy ấm áp, vừa thấy sợ hãi vô cớ, bèn ghé sát tai lão khe khẽ nói:

- Tiên sinh mệt rồi, không cần lo nợ nước, không cần nghĩ đến thù nhà, không cần một mình gồng gánh cả chi Vạn Kiếp. Bên cạnh tiên sinh còn có Hưng Đạo vương, có tướng quân Đỗ Ngạc, có chị Thiên Hương, có cả em. Em gác cửa cho người ngủ, có được không?

Lão vẫn không trả lời, tôi thử lay nhẹ, cả thân người to lớn đổ sụp vào lòng tôi. Trán lão nóng bừng vì sốt, còn lưng áo ướt đẫm vì vết thương vẫn rỉ máu không ngừng nhưng gương mặt lại bình yên như đang say ngủ. Tôi muốn khóc òa lên, song cuối cùng lại chỉ ôm chặt lão, không ngừng lặp đi lặp lại:

- Tiên sinh vào trong nghỉ ngơi đi, em gác cửa cho người.

---

[1] Quy như nghĩa là trở về chân như, trích tựa bài Vạn sự quy như của Tuệ Trung Thượng sĩ

[2] Ca dao.
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0

CHƯƠNG 38: PHỤNG MÚA, NGHÊ CHẦU [1]


Sau khi giúp tôi đưa lão già về phòng và băng bó lại vết thương cho lão, anh Thân đưa tay mời tôi ra sân, khẽ khàng đóng cửa phòng lão lại:

- Đêm nay tôi sẽ ở đây trông chừng vương gia, mời cô Nhã Phong đi nghỉ ạ. Từ lúc về đến giờ cô đã nghỉ được chút nào đâu!

- Em không mệt. – Tôi mỉm cười. – Em đã hứa với tiên sinh sẽ gác cửa đến khi người tỉnh dậy.

Thường ngày, người phu xe kiêm cận vệ thân tín của lão già nhà tôi sẽ luôn càu nhàu thêm vài câu dù biết rồi tôi cũng bỏ ngoài tai, song hôm nay anh lại chỉ giương mắt nhìn tôi giây lâu, đoạn mỉm cười thật buồn rồi vẫy tay gọi người mang một chiếc ghế trúc đặt trước thềm, không quên mang thêm ấm trà nóng và ít bánh mứt cho tôi. Anh ngồi trên bậc đá, nhìn ra khoảng sân tối mênh mông, ánh mắt xa xăm như thể đang nhớ lại chuyện từ kiếp trước. Tôi tựa sâu vào lưng ghế, kéo áo choàng kín cổ, ung dung chăm trà rồi đưa một chén mời anh.

- Vết thương của vương chỉ bị động vì đường xa, cô đừng lo lắng quá. – Anh ủ chén trà trong tay, ân cần động viên tôi.

- Anh Thân băng bó thạo nghề như thế, em không lo. – Tôi mỉm cười, cao hứng hỏi chuyện xưa của lão già. – Chắc lúc nhỏ tiên sinh cũng hiếu động, hay bị thương để anh phải trổ tài ạ?

Anh Thân cười hiền, khẽ lắc đầu:

- Từ lúc tôi theo vương gia, vương đã không giống một đứa trẻ rồi, nếu có bị xây xát thì cũng vì tập luyện kiếm cung, không phải do nghịch ngợm đâu.

Tôi hơi ngạc nhiên trước lời anh nói, vì trước đây qua lời kể của cụ Đảm, lão già khi còn trẻ cũng sôi nổi và thích phiêu lưu. Ngay cả đến bây giờ, khi tuổi đã cao, bên ngoài diện mạo luôn từ tốn, nho nhã kia, lão vẫn hành sự tùy hứng và ưa chọc tôi nổi cáu thì lẽ nào lúc thơ ấu lão lại đĩnh đạc, quy củ được?

Như hiểu được những thắc mắc trong lòng tôi, anh Thân giải thích:

- Mấy năm đầu tiên tôi đến Yên Bang, vương gia rất trầm lặng, chưa hề nổi nóng với ai nhưng cũng rất ít khi đùa. Về sau, chắc nhờ thiền sư Phúc Đường khai tâm, trông vương càng lúc càng thư thái, ung dung. Đến khi cô Nhã Phong vào phủ, tôi bắt đầu thấy vương cười nhiều hơn trước.

- Vâng, cả ngày mang em ra làm trò đùa thì lại chẳng cười? – Tôi hậm hực nhớ lại chuyện con sâu vừa nãy.

- Vương nói với tôi, cô Nhã Phong cho vương nhìn rõ sơ tâm. – Anh vẫn từ tốn giải thích.

Lão già từng dạy tôi, "sơ tâm" của một đứa trẻ là thứ gần Phật nhất. Một đứa trẻ thấy hoa mai thì biết đó là hoa mai, không chấp trước, không nhìn hoa mai nhớ hoa cúc rồi khởi niệm so sánh xấu đẹp, càng không giảng giải sâu xa rằng hoa mai cao quý vì đã kiêu hãnh vượt qua giá rét thế nào. Con người lớn lên, trải nghiệm nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn nhưng lại vô tình đánh mất cái "biết" thuở ban đầu, lúc nào cũng vấn vương những nuối tiếc từ quá khứ, những lo lắng về tương lai mà quên mất việc tận hưởng niềm vui ở thời khắc hiện tại, quên cách nhìn sự vật như nó vốn là.

- Chắc do đầu óc em đơn giản, lại vô tâm, có muốn lo nghĩ cũng không lo nghĩ được nhiều. – Tôi đáp.

- Cô Nhã Phong vô tâm thì sao có thể vừa về đến đã nhớ việc chân của nhà tôi hay đau mỗi khi trở trời mà ban thêm thuốc quý. – Anh cười hiền.

Tôi phì cười, gật gù đồng ý với lời tán thưởng của anh mà không nói gì thêm. Không biết lão già sẽ tỉnh lại khi nào, tôi vừa mong lão chóng khỏe lại, vừa hy vọng lão có thể nghỉ ngơi lâu hơn một chút để cơ thể phục hồi.

Đang vừa nhấm trà vừa nghĩ ngợi lung tung thì tôi trông thấy sư ông khoan thai đi đến. Tôi nhanh nhẹn đến chào, anh Thân sốt sắng mang thêm ghế, thêm một tách trà.

- Tuệ Trung thế nào rồi? – Sư ông ôn tồn hỏi.

- Bạch sư ông, tiên sinh đã hạ sốt, hiện đang ngủ say ạ. – Tôi lễ phép thưa.

- Huệ Tâm cũng bị thương phải không, con nên chóng về phòng tĩnh dưỡng.

- Bẩm thiền sư. – Anh Thân hào hứng đáp thay tôi. – Vương gia nay đã có người gác cửa thay để nghỉ ngơi một chút rồi.

Sư ông nhìn anh Thân rồi lại nhìn tôi, đoạn gật gù như hiểu ra điều gì, mỉm cười hiền từ.

- Có chuyện gì mà Huệ Tâm chưa biết không ạ? – Tôi hiếu kỳ hỏi cả hai người.

- Năm đó, khi không ngăn được Khâm Minh đại vương gây loạn, nữ quyến và trẻ nhỏ trong phủ đều đến lánh nạn ở Phúc Đường. – Anh Thân chậm rãi kể. – Vương gia là trưởng tử nên đã cùng Hưng Đạo vương cầm kiếm trấn giữ ở cổng tinh xá suốt một ngày một đêm giữ an toàn cho mọi người, đợi đến khi lệnh ân xá của quan gia được ban đến.

- Em nghe nói anh Thân theo tiên sinh cũng từ lúc ấy? – Tôi khẽ hỏi, trong đầu lờ mờ hình dung ra tình cảnh khi ấy và dáng đứng oai nghiêm của một Hưng Ninh vương vừa lên bảy.

- Thưa vâng. – Người phu xe đáp.

Kể từ lúc ấy, đã hơn hai mươi năm trôi qua, dù có thấu suốt Phật lý thế nào, hiểu rõ cái lẽ "chim mỏi đậu khóm lau, cá mệt dừng đáy nước"[2] ra sao, thì ngày nào còn sống giữa những người họ Trần, lão già của tôi hẳn còn chưa thể buông xuống những gánh nặng trên vai. Tôi hiểu tâm tư của anh Thân, bởi tôi đã không ít lần xót xa khi nhìn về phía lão.

- Tiên sinh đã đứng ở đó hai mươi năm rồi.

Khẽ giấu tiếng thở dài, tôi rót thêm trà vào chén cho sư ông, dâng bằng hai tay rồi nhìn người chờ đợi. Vị thiền sư đắc đạo thong thả thưởng trà, mông lung nhìn lên nền trời đen thẳm, vừa như suy tư lại vừa như đã nhìn thấu mọi sự trên đời. Giây lâu, người đặt chén trà đã cạn vào tay tôi.

- Chưa từng giữ được trong tay thì làm cách nào để buông bỏ?

Sư ông nói khẽ như thế rồi rời đi, tà áo bay trong gió khuya nhẹ nhàng như một vị tiên ông đang lướt trên mây gió.

Tôi nhìn theo "lão cổ chùy"[3] mà lão già nhà tôi kính trọng hơn bất kỳ ai, suy nghĩ rất lâu vẫn không hiểu được đâu mới thực là thứ lão "chưa từng nắm giữ"? Rồi tôi lại nhớ lời anh Thân bảo giờ lão đã có người gác cổng thay để nghỉ ngơi, chợt thấy mình chẳng khác gì con sấu đá[4] chạm trên thành bậc trước các điện ở Dưỡng Chân trang, hoặc giống như con sư tử chầu dưới tòa sen của Phật. Nghĩ đến đây, tôi vô thức ngồi thẳng lưng, ngẩng đầu, ưỡn ngực để thêm phần oai vệ, miệng mỉm cười cho giống vẻ rạng rỡ bông đùa của bọn chúng dù chẳng ai nhìn thấy.

Làm sấu đá mãi cũng mỏi người, tôi rón rén mở cửa bước vào phòng xem lão có trở sốt giữa đêm không. Lão già của tôi đang say ngủ, rất bình yên. Vì vết thương trên lưng, chúng tôi chỉ có thể đặt lão nằm nghiêng. Vừa hay, trông lão nằm lại giống hệt tư thế nhập Niết Bàn của đấng Thế Tôn.

- Thế là lão sẽ triệt để giác ngộ hay mãi mãi không tỉnh lại nữa nhỉ?

Tôi lẩm bẩm như thế rồi lắc đầu nguầy nguậy để xua đi những ý nghĩ không may. Ngồi xuống cạnh bên giường lão, tôi khẽ khàng sờ trán lão rồi thở ra nhẹ nhõm, thuận tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa phủ xuống đôi mày dài rậm, nhớ đến những lời sư ông và anh Thân nói ban nãy.

- Tiên sinh, có phải em đã đến muộn không?

***

Sáng hôm sau, tôi nhờ chị đến thăm phụ mẫu phó tướng Đỗ Ngạc thay lão già, đồng thời động viên những gia nhân thân cận cứ tiếp tục chuẩn bị đón Tết, dù lão có tỉnh lại kịp hay không. Chị tôi ngạc nhiên:

- Chị thấy em thức suốt đêm trước cửa phòng vương gia, cứ sợ em quá lo mà sinh bệnh. Không ngờ em lại bình tĩnh thế này...

- Thường ngày tiên sinh hay tập luyện nên sức khỏe cũng rất tốt. Người chỉ mệt mỏi rồi ngủ lâu hơn một chút, em không lo lắng ạ.

- Nếu đã vậy thì em về phòng nghỉ đi, đến chiều hãy quay lại. Đây là Dưỡng Chân trang, đâu phải Thăng Long hay chiến trường. – Chị tôi cười cười trêu.

Khi chị thốt ra những chữ cuối cùng, không biết tôi có nhìn lầm không, trong đôi mắt chị nét buồn bã và tiếc nuối thoáng qua rất nhanh. Bỗng dưng tôi lại ngập ngừng mãi mới đáp, dù lý do chỉ có một:

- Nhỡ đâu... tiên sinh tỉnh dậy đúng lúc em không có ở đây.

- Em sợ ngài ấy thất vọng sao? – Chị khẽ cười, hỏi lại.

- Em biết tiên sinh sẽ không trách em. – Tôi đáp. – Nhưng sau này người sẽ không thể nghỉ ngơi thực sự nữa...

Chị tôi nhìn tôi như thể vừa nghe thấy chuyện phi lý nhất trên đời. Tôi cũng không biết nên giải thích tiếp thế nào cho chị hiểu, lại mơ hồ sợ chị buồn dù hoàn toàn không rõ điều gì có thể khiến chị buồn, chỉ đành vỗ ngực:

- Trần Nhã Phong em là nam tử hán đại trượng phu, một lời nói ra như đinh đóng cột, đã hứa trông chừng cho tiên sinh nghỉ thì sẽ trông đến khi người tỉnh lại mới thôi. Nếu không, em còn mặt mũi nào gặp các tướng sĩ Thánh Dực quân nữa ạ?

Chị tôi phì cười rồi dịu dàng đưa tay chỉnh lại áo choàng đang khoác trên người tôi, sau đó lặng lẽ rời đi. Bác Dương lúc này mới đưa đến một mâm thức ăn nóng sốt, tôi chén sạch trong nháy mắt. Bác cười hiền, mắng yêu:

- Cháu sắp gả chồng được rồi mà vẫn háu ăn thế này!

Tôi sững người trong tích tắc rồi lại nhanh nhảu ôm tay bác:

- Của hồi môn cháu chả cần bạc vàng châu báu gì cả, chỉ xin đưa bác Dương theo để tiếp tục ăn món ngon thôi ạ.

Người vú già cũng chịu thua trước miệng lưỡi ngọt như mật của tôi, chỉ biết cười. Tôi miên man nghĩ đến mâm cỗ thịnh soạn đêm giao thừa, rồi sáng đầu năm, cái bụng vừa no lại muốn đói. Chợt tôi nhớ ra:

- Bác đã muối dưa chưa ạ?

- Bác biết vương gia và cháu đều thích món này nên đã bắt tay làm từ sớm rồi, chỉ còn một ít nữa thôi.

- Thế... bác cho người mang cả sang đây, cháu cùng làm bác cho vui ạ.

Chẳng mấy chốc, cả khoảng sân trước phòng của lão già đã phơi đầy nào giá đỗ, nào củ cải, nào đu đủ, măng trúc... Tôi thoăn thoắt gọt vỏ củ cải, tỉa thành hình bông hoa cho xinh đẹp, miệng không ngừng ngâm nga mấy bài đồng dao vui tai. Thỉnh thoảng, tôi sẽ tìm cách gợi chuyện để bác Dương kể về tuổi thơ của lão già. Buổi sáng ngày thứ nhất cứ như thế lặng lẽ trôi qua.

Khi tôi vừa dùng bữa trưa xong, anh Thân dẫn người nhà bác trưởng làng Vạn Niên đến xin gặp. Họ bảo làng muốn dựng một văn bia ở chùa để tưởng nhớ chiến công vừa qua, thỉnh cầu tôi soạn giúp nội dung văn tự để khắc trên bia. Tôi thoái thác ngay:

- Một việc quan trọng thế này mọi người nên đợi vương gia hồi tỉnh.

- Thưa, ông tôi biết tính vương khiêm nhường, sợ rằng vương sẽ không bàn đến công trạng của mình... - Người gia nô rụt rè giải thích.

Tôi lờ mờ hiểu ra ý định của họ, song vẫn thấy mình không phù hợp:

- Nhã Phong tuổi đời còn trẻ, lại chẳng có địa vị tôn quý gì, mọi người nên nhờ vương phi hoặc một trưởng lão đức cao vọng trọng trong làng.

- Thưa, chính vương phi bảo tôi đưa cậu ấy đến gặp cô. – Anh Thân khẽ nói.

- Thường ngày em vênh váo tự kiêu đến thế ư? – Tôi vờ như phật ý, đoạn thấy người gia nô mặt tái hẳn đi, tôi trở lại vẻ chân thành. – Anh Thân giúp em đưa cậu ấy đến hậu viên dùng bữa rồi nghỉ ngơi, đầu giờ Dậu em sẽ hoàn thành.

Cả hai cúi đầu lĩnh ý rồi nhanh chóng rời đi. Bỗng dưng được giao một nhiệm vụ vẻ vang, tôi hào hứng mang giấy bút ra, trong đầu nghĩ sẵn vô số lời hay ý đẹp, ca ngợi tài thao lược của lão già và đức hy sinh của những người như cụ Đảm, như Nguyễn Nam đến tận trời, chỉ sợ kể không đủ, càng sợ nhớ không hết tên những người đã khuất. Song, trong sát na giọt mực đầu tiêng loang trên giấy, có điều gì đó bảo tôi dừng lại. Đặt bút trở vào nghiên mực, tôi ngồi xuống ghế, khẽ thở dài. Truyền nhân của thầy Tuệ Trung sao có thể viết ra những điều mà chính tay thầy Tuệ Trung sẽ không bao giờ viết?

Tôi nhắm mắt hồi tưởng lại hình ảnh của lão già trong suốt cuộc chiến, chợt nhớ ra buổi tế vong linh tướng sĩ của mà lão chủ trì theo lệnh quan gia trước khi trở lại Yên Bang. Vội vã vào phòng lão, tôi tìm chiếc áo mà lão đã mặc trong ngày hôm ấy, khoác lên người. Dáng người lão cao to hơn tôi rất nhiều, thế nên chật vật mãi tôi mới mặc được một cách gọn gàng rồi phỏng theo dáng điệu của lão, từ tốn mở cửa bước ra sân. Cửa vừa mở, một cơn gió mạnh thổi đến khiến tóc tôi rối bù. Tôi khoan thai đưa tay vuốt lại tóc hệt như cách lão hay làm. Chợt, tôi đột nhiên hiểu ra mình phải viết những gì.

Thong thả cầm bút, tôi thấy những con chữ tuôn tràn dưới tay mình. Không có những lời tán tụng, không có những chiến công, càng không có một cái tên cụ thể nào cần phải tạc vào bia đá để ghi dấu ngàn năm. Cả một trang giấy chỉ viết về trách nhiệm của một người dân buổi đất nước lâm nguy, về những kỳ vọng ký thác vào những người còn sống. Hẳn là lúc quyết định cầm gươm xông trận, vị thiền sư phạm sát giới của tôi, độc túc tráng sĩ của tôi và vô số những người lính kia chưa hề nghĩ đến một ngày lưu danh sử sách. Họ chỉ muốn sống lại những ngày thanh bình, có nắng vàng gió nhẹ như ngày hôm nay tôi đang sống. Họ đi rồi, nhưng dáng hình của họ còn ở lại mãi với những tấc đấc mà họ giữ gìn, trong cái dáng điệu cầm cành trúc giả làm gươm đao của mấy đứa trẻ tôi gặp ở đầu làng, trong cái tinh thần chiến đấu quyết liệt mà thượng võ tôi học được từ cụ Đảm khi quyết định tha chết cho tên giặc Thát hôm nào.

Khi đọc lại những gì tôi đã viết, anh Thân chỉ khẽ gật đầu, mỉm cười rất hiền lành. Anh ôn tồn bảo với người gia nô của bác trưởng làng:

- Cậu cứ cam đoan với mọi người rằng vương gia chắc chắn sẽ hài lòng.

Tôi nhìn dáng vẻ phân vân của cậu ta khi trông thấy tôi mặc y phục của lão già, cố nhịn cười, thấy vừa thương vừa tội.

Đêm đến, trong phòng lão già lại vang lên tiếng ho khe khẽ. Lão vẫn hôn mê nhưng người hâm hấp sốt. Tôi hết lau mồ hôi trên trán lại đến quạt mát, xoa lưng cho lão, đôi mày của lão thỉnh thoảng vẫn chau lại. Tôi biết ngoài những vết thương trên người, trong cơn mộng chập chờn kia, lão già của tôi đang phải tự chữa lành những vết thương trong lòng mình. Chợt nhớ đến cái đêm ở làng Giá, tôi cũng trằn trọc mãi không ngủ được, cũng nhờ chú sa di Minh Tịnh giúp tôi bình tâm lại. Tôi biết việc này không có tác dụng với lão già, bởi hẳn lão đã tự trấn an mình như thế suốt hai mươi năm qua, song vẫn không muốn chỉ ngồi yên nhìn lão khó chịu mà lại chẳng làm gì. Tôi bèn nắm lấy bàn tay lão, siết nhẹ như truyền hơi ấm rồi nhỏ giọng đọc chú Dược Sư, đọc một biến rồi lại một biến, đoạn thiếp đi lúc nào chẳng rõ.

***

Khi trời hửng sáng và tiếng chân người đi lại rộn rã bên ngoài, tôi từ từ tỉnh giấc, tay lão vẫn ở trong tay tôi, song lão đã không còn sốt. Tôi khẽ khàng đặt tay lão xuống, thì thầm:

- Chú Dược Sư của em cũng công hiệu phết nhỉ?

Ngủ sai tư thế thật có hại, không những vai và cổ đau nhức, dường như tai tôi cũng ù đi, tôi không thể nghe thấy giọng nói của chính mình, bèn vươn vai rồi trở ra sân.

Người phu xe thân tín của lão già tôi và bác Dương đã ngồi trước cửa phòng từ lúc nào. Họ nhìn tôi đầy lo lắng:

- Cô Nhã Phong đi nghỉ một lúc đi.

- Em không mệt ạ. – Tôi nhoẻn cười. – Phiền bác Dương mang cho cháu ít thức ăn, cháu lại đói rồi.

- Cô đang nói gì vậy ạ? – Anh Thân hỏi lại.

Tôi bật cười trêu anh:

- Anh cũng phải đi nghỉ thôi, mất ngủ mấy đêm nên anh cũng ù tai giống em rồi!

Anh Thân trố mắt ra nhìn, tôi lại nghe bác Dương thảng thốt:

- Nhã Phong, cháu đang nói gì thế, cháu bị mất giọng rồi ư?

Tôi sững người, nhận ra cổ họng mình đang đau rát, chắc vì ở ngoài gió cả ngày và đọc chú cả đêm qua. Khổ não thở dài rồi ngồi phịch xuống ghế, anh Thân lấy chăn đắp lên người tôi, đoạn khẩn khoản xin tôi trở về phòng. Tôi cười cười, xua xua tay trấn an anh ấy, đoạn quay sang bác Dương, cau mày nhăn trán, trỏ tay xuống bụng mình.

- Cô còn bị đau bụng nữa ư? – Người phu xe lo lắng hỏi.

- Không đâu, gương mặt này là muốn xơi bữa sáng rồi. – Bác Dương mắng yêu tôi.

Tôi cười nhăn nhở, người vú già của tôi cười khổ rồi nhanh chóng đi về hướng bếp, anh Thân cũng mang bình trà đã nguội đi thay. Nhân lúc không ai thấy, tôi uể oải đưa tay đấm lên vai, ngáp dài, nghĩ xem mấy ngày sắp tới phải làm gì nếu cả trò chuyện để giết thời gian cũng không được. Tôi lim dim nhìn trời, nghe bọn chim ríu rít gọi nhau đi kiếm mồi, thầm nghĩ khi lão khỏe lại, tôi nhất định phải đòi lão trả công chăm bệnh thật hậu hĩnh. Nhưng trả công thế nào, tôi vẫn phải suy tính thật cẩn thận đã.

- Bác nói gì? Thật không? – Góc bên kia sân có tiếng lao xao.

Tôi len lén mở mắt nhìn thì thấy mấy người hầu việc trong Dưỡng Chân trang đang xầm xì to nhỏ với nhau. Tôi ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế đặt khuất sau bụi cây, lại phủ chăn kín người nên hẳn là họ không trông thấy. Tính tò mò nổi lên, tôi dỏng tai nghe:

- Cả kinh thành đang đồn ầm lên rồi, bác còn bảo thật hay không!

- Nghe nói mật đạo ấy là do tiền triều xây dựng, cả quan gia cũng không hay, thế mà Hưng Ninh vương lại biết.

- Bác có nhớ lời đồn năm xưa không, người ta bảo trước lúc lâm chung, Khâm Minh đại vương dặn dò Hưng Đạo vương phải giành được ngôi báu để trả thù.

- Nguy thật, năm đó đại vương gây loạn không thành, ngoại trừ những người họ Trần, cả phủ chẳng còn ai sống sót!

- Nếu trong thời gian chúng ta làm việc ở đây mà Hưng Ninh vương có dã tâm thì chết mất!

- Thường ngày vương đối xử với chúng ta rất tốt, tô thuế thu cũng ít hơn các thái ấp khác...

- Nhưng chúng ta còn có vợ mọn con thơ, cha mẹ già, không thể liều theo vương được!

- Thế thì phải tính sao đây?

- ...

Nói đến đây, cả bọn bỗng dưng im bặt, hóa ra họ nhác thấy bóng anh Thân từ xa, vội vã tản ra ai vào việc nấy. Đến lúc này tôi mới chậm chạp ngồi thẳng dậy, hết nhìn vào phòng lão rồi lại nhìn ra sân, đoạn thở hắt ra, cơn buồn ngủ tan biến từ bao giờ.

Tôi nhận ly trà nóng từ tay anh, nhấp một ngụm rồi chắp tay thỉnh cầu anh, đoạn lại trỏ về hướng mọi người tụ tập khi nãy, sau đó trỏ ra phía cổng, ý muốn nhờ anh ra ngoài nghe ngóng những điều họ vừa nói, xem tin đồn ở kinh thành lan xa đến đâu rồi, quan gia nghĩ thế nào.

- Cô Nhã Phong đừng lo... - Anh Thân ngập ngừng. – Tôi nghe nói quan gia chính là người ra lệnh phải dập tắt tin đồn. Chỉ là mọi người vẫn chỉ tin vào những gì họ muốn tin.

Hóa ra mọi người đều biết cả rồi. Tôi nhếch mép cười nhạt.

- Cô đừng giận. – Người anh thật thà của tôi ôm quyền hành lễ. – Vương gia và cô Nhã Phong vừa về phủ, sức khỏe của vương lại không tốt nên chúng tôi chưa dám báo.

Tôi đưa tay đỡ anh dậy, ôn tồn trỏ tay về phía nơi ở của chị tôi.

- Thưa, vương phi bảo những lời đồn vô căn cứ chỉ cần vài ngày sẽ biến mất, trái lại chúng ta càng thanh minh càng khiến người khác tin rằng ta có tật giật mình.

Tôi ngẫm nghĩ giây lâu. Lẽ thường, giặc vừa tan, năm mới lại sắp đến, mọi người phải vui vẻ hồ hởi mừng chiến thắng, phải bận rộn với bao nhiêu việc đang chờ. Có kẻ nào rỗi việc ác mồm suy diễn hay đồn thổi gì cũng cần đợi một thời gian nữa. Đằng này, bọn tôi còn chưa về nhà thì tin đồn đã đến trước. Nếu như Dưỡng Chân trang rối loạn, người ngoài nhìn vào cũng không tránh khỏi nghi ngờ.

Tôi chậm rãi lắc đầu, không đồng tình với những gì anh nói, rồi trỏ vào phòng của lão già, sau đó làm động tác như có mũi gươm vừa đâm vào ngực.

- Cô nói sao? Có kẻ muốn ám sát vương gia ư? – Anh Thân sửng sốt.

Tôi lắc đầu nguầy nguậy, vội vã xua tay kẻo anh bị kích động mà làm ra chuyện chẳng hay. Không biết nên giải thích thế nào, tôi bèn bẻ một nhánh cây ngay trong tầm tay, đoạn chạy ra phía sau chỗ anh đang đứng, dùng nhánh cây đâm vào lưng người phu xe.

- Ý cô là có kẻ giở trò sau lưng vương? – Anh chậm chạp đoán ra điều tôi muốn nói.

Tôi mừng rỡ vỗ tay tán thưởng. Sau trận chiến này, vị trí của quan gia, của họ Trần càng trở nên vững chắc. Quan gia quý trọng lão già nhà tôi là việc ai cũng biết, người nghi kỵ chỉ còn mỗi thái sư. Muốn lợi dụng sự hoài nghi của thái sư để gây khó cho lão, nếu không chớp lấy cơ hội này khi thái sư vẫn nắm nhiều quyền lực thì còn đợi đến bao giờ?

- Cô Nhã Phong có đoán được là kẻ nào không ạ? – Anh xoay người lại nhìn tôi.

Tôi ngần ngại lắc đầu, rồi cởi áo choàng vứt lên ghế, đoạn búi lại tóc cho gọn gàng. Mạnh mẽ đấm vào ngực mình, tôi muốn trấn an anh rằng dù kẻ ấy là ai, tôi cũng không để hắn đạt được mục đích đâu.

Không ngờ cú đấm quá mạnh khiến tôi lăn ra ho sù sụ.

---

[1] "Mỗi người phải có một nghề
Con phụng thì múa, con nghê thì chầu."
(Ca dao)

[2] Trích lời tụng của Tuệ Trung Thượng sĩ khi giảng giải kinh Niết Bàn. Hai câu này ý nói: "Chim bay mỏi cánh không bay nữa, nên đậu vào khóm lau để nghỉ. Cá lội mệt không lội nữa, dừng lại tựa vào các hòn đá hoặc là các gốc cây dưới đáy nước. Hình ảnh này nói lên trạng thái sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui, vì lúc đó an lạc thoải mái". (Tuệ Trung Thượng sĩ Ngữ lục Giảng giải, Hòa thượng Thích Thanh Từ).

[3] "Lão cổ chùy" là dùi sắt già. Trong nhà Thiền hay dùng cái đãy có cái dùi sắt ló đầu để tượng trưng cho cái thân tạm bợ hư dối có cái chân thật cứng chắc, cái chân thật cứng chắc đó dùi được tất cả những cái khác cho nên gọi là cái chùy (Trích Tuệ Trung Thượng sĩ Ngữ lục Giảng giải, Hòa thượng Thích Thanh Từ). Trong bài Thướng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư (2), Tuệ Trung Thượng sĩ viết: "Tạm lai tỉnh vấn cổ chuỳ thiền" (Tạm đến thăm hỏi vị Thiền sư đạo cao đức trọng).

[4] Con sấu là một biến thể của con nghê dưới thời Lý – Trần.

 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
130,0
CHƯƠNG 39: ĐÊM TRỪ TỊCH

Dùng bữa sáng xong, tôi ôm trán nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra cách dập tắt tin đồn. Đừng nói đến việc tôi đang mất giọng không thể mở miệng giải thích với ai, dù tôi có đăng đàn thuyết giảng suốt ngày suốt đêm, người ta vẫn sẽ chỉ tin những gì họ muốn tin. Thế nhưng tôi lại không nỡ để lão già của tôi vừa tỉnh dậy đã phiền lòng vì những vặt vãnh này. Nghĩ mãi, đến khi thấy gia nhân đi đi lại lại vác những cành đào đã cắt mang vào đặt ở bình lớn đặt trước điện Phật chính, chuẩn bị để mọi người trong làng đến rước lộc mang về như những năm trước, tôi mới nhận ra ngày mai đã là năm mới.

Tiên sinh đã khỏe hẳn chưa, năm nay người phải tự tay mừng tuổi cho em đấy.

Tôi nhẹ nhàng lau mồ hôi trên trán lão già, lẩm bẩm tự nói với mình dù không thành tiếng. Lão đã hạ sốt, vết thương trên lưng không còn rỉ máu, gương mặt cũng hoàn toàn thư thái, chắc chỉ nay mai là tỉnh lại. Chỉ mong khi ấy tôi đã nói chuyện được bình thường, nếu không sẽ bị lão mắng cho, có thể còn bị lão phạt vì không biết tự chăm sóc bản thân mình. Lão sẽ phạt tôi thế nào nhỉ? Bảo tôi chép kinh, cắt hết chi tiêu, hay là không cho đi chơi Tết, hay là… âm thầm để lại một phong thư rồi lại bỏ đi Hồng lộ như hai năm trước?

Gió thổi mành cửa lên cao để ánh nắng chiếu vào đúng chỗ lão đang nằm. Bóng lão hắt lên tường, bờ vai rộng càng rộng thêm chút nữa. Tôi thử đưa tay ra, để chiếc bóng của bàn tay tôi vỗ lên bóng vai của lão, tay còn lại vờ tự vuốt râu mình như những bậc cao niên rồi khẽ gật gù:

Cậu trai trẻ, đã vất vả nhiều rồi.

Tôi thích thú bật cười trước trò đùa ấu trĩ của bản thân. Năm xưa những lúc tôi không ngủ được, lão cũng thường bày trò này chọc tôi cười. Mùa hè nóng bức, lão còn kéo tôi xuống ao, dạy tôi diễn trò rối nước. Chợt, tôi nhớ đến lời anh Thân kể, lão nói “sơ tâm” của trẻ con là thứ gần Phật nhất. Nếu tôi đã không thể khiến những người lớn sống ở đây thôi lo lắng, vậy tôi có thể bắt đầu từ những đứa trẻ vô tư lự kia không?

Tiên sinh, không phải là em thất hứa. Em chỉ rời đi một tí để làm một việc cho người. Em sẽ quay lại ngay.

Nghĩ là làm, tôi đi tìm anh Thân và chị, nhờ người tìm giúp một phường rối nước, dựng gấp một buồng trò ở giữa ao sen, đồng thời cho gọi tất cả trẻ con trong làng đêm nay đến cùng đón giao thừa, bảo người chuẩn bị thêm thật nhiều quà bánh. Tôi cứ ngồi trước cửa phòng lão viết hết yêu cầu ra giấy để mọi người làm theo. Thế nhưng, trò tôi muốn diễn lại không phải là nội dung mà giáo phường đã quen thuộc, chúng tôi lại không có thời gian để tập luyện, nên tôi đã quyết định tự mình xuống nước điều khiển mấy con rối chính.


  • Em đã ốm thế này còn ngâm nước cả đêm, trời thì vẫn rét. Không muốn sống nữa sao? – Chị tôi rất hiếm khi tức giận thế mà giờ cũng to tiếng với tôi.
  • Cô Nhã Phong! – Anh Thân cũng mất kiên nhẫn. – Ngày xuân còn chưa bắt đầu, cô muốn diễn trò thì đợi bản thân khỏe hẳn cũng đâu muộn!
  • Nếu em còn làm càn, chị sẽ nhốt em vào phòng, khi nào vương gia tỉnh thì giao lại cho ngài ấy xử lý đấy. – Chị nghiêm giọng.
Tôi biết chị không đùa nên cuống lên, nắm chặt tay chị, đoạn lại vạt áo anh Thân, giương đôi mắt đỏ hoe nhìn anh cầu cứu. Người phu xe thở dài:

Cô Nhã Phong muốn diễn thế nào, tôi sẽ xuống nước điều khiển rối thay cô. – Anh nói. – Cô đứng ở bờ ao đánh trống hiệu cho tôi là được. Bẩm vương phi, như thế có được không ạ?

Cái nháy mắt của anh lúc chị không để ý khiến tôi lập tức hiểu ra ngay, vội vã cúi đầu cảm ơn cả hai người rối rít rồi lao đi chuẩn bị. Sau lưng tôi, dường như chị đã quở trách anh Thân vài câu vì học theo lão già mà chiều hư tôi, dường như người anh lớn của tôi đã bảo dù lão già có ở đây cũng làm như thế mà thôi.



***



Đêm xuống, người lớn trẻ nhỏ đã ngồi đầy khoảng sân cạnh Phật điện, nhìn ra hồ sen, hướng mắt lên buồng trò dựng ở thủy đình. Chị tôi phục sức trang trọng ngồi ở vị trí đẹp nhất bên bờ hồ, ngồi cạnh bên là sư ông Phúc Đường. Tất cả mọi người đều hướng mắt về phía chúng tôi. Tôi nở nụ cười rạng rỡ chào đón mọi người, đoạn lại nhanh tay nổi một hồi trống rộn ràng khiến người người vỗ tay không ngớt. Rồi trong nháy mắt, tôi nhanh chân chạy biến ra phía sau, quẳng dùi trống cho anh Thân rồi lao xuống nước, chộp lấy cần điều khiển rối. Cách một bức rèm, tôi không nhìn thấy vẻ mặt chị lúc này. Hẳn là chị đang giận lắm, nhưng giữa nơi đông người, tôi biết chị sẽ không buộc tôi dừng lại. Hậu quả thì cứ để diễn xong mới nghĩ cũng chẳng muộn.

Một hồi trống dài khác lại nổi lên, theo sau là tiếng đàn réo rắt, tôi khéo léo điều khiển chú tễu giáo trò bước ra sân khấu. Vở tôi muốn diễn dựa trên trò chăn trâu quen thuộc, song có thay đổi từ đứa trẻ chăn trâu chân chất thành một vị tướng tài ba còn nhỏ tuổi, dùng cờ lau thay cho giáo gươm để tập trận với bạn bè, sau khi trưởng thành thì tự mình lên ngựa bình định giang sơn.


  • Đây là sự tích Đại Thắng Minh hoàng đế trước đây thầy Tuệ Trung kể đấy! – Có đứa trẻ reo lên.
  • Đúng đấy! Đúng nhỉ!
Bọn trẻ đoán không sai, đây là vở diễn mà lão già đã dạy tôi ngày trước, do chính lão dựng, ngoài mấy người bọn tôi thì chưa từng có ai được xem qua. Thế nên dù cơ thể càng lúc càng lạnh, có khi run lên bần bật, tôi vẫn có thể thành thạo điều khiển mấy con rối đến khi tiếng trống báo hiệu hạ màn lại vang lên. Cả khoảng sân như vỡ òa với những tiếng reo hò:

  • Hay quá!
  • Em cũng muốn tập trận cờ lau để lần sau quân Thát có đến sẽ đánh chúng tan tác!
  • Phải đấy!
  • Từ ngày mai nhé!
Tôi cười tít mắt nghe bọn trẻ rộn ràng trong khi rất nhiều người lớn ngồi như chết lặng. Hẳn là họ đang hoài nghi những nghi kỵ của chính mình khi nhớ về những gì mà Hưng Ninh vương, mà Tuệ Trung thiền sư đã răn dạy họ trước đây về mấy chữ “trung quân ái quốc”. Tôi hiểu rất rõ một vở diễn này chẳng thể hoàn toàn dập tắt tin đồn, nhưng tôi không biết nên làm gì khác để giúp lão, càng không cam tâm ngồi yên một chỗ nhìn thanh danh của lão bị người ta vấy bẩn. Tôi chỉ có thể nuôi dưỡng niềm tin của những đứa trẻ này, để người lớn nhìn vào chúng mà tự soi mình.

Bỗng từ phía xa có tiếng vỗ tay rất khoan thai.


  • Đã lâu rồi không được xem một tuồng hay thế này! – Giọng lão già vang vang. – Ta mong mọi người cũng hài lòng.
  • Vương gia! – Anh Thân reo lên rồi vội vã bỏ dùi trống chạy đến chỗ lão.
  • Vương gia. – Chị tôi cũng đứng dậy hành lễ, mọi người xung quanh lập tức cúi chào.
Tôi len lén hé rèm ra xem, lão già của tôi được một người gia nhân dìu đến. Nét mặt lão đã hồng hào hơn trước, tóc búi gọn gàng, thân mặc lễ phục song cổ áo hơi mở rộng, để lộ dải băng quấn ngang ngực.

  • Vương gia bị thương trong trận chiến vừa rồi ạ?
  • Thế mà chúng ta chẳng biết gì cả!
Mọi người lại bàn tán râm ran. Trước đây lão không muốn mọi người biết mình bị thương, sợ ảnh hưởng sĩ khí, thế mà giờ lại cố tình để lộ, hẳn là lão đã ít nhiều biết những việc đang xảy ra trong trang viện. Thấy lão tỉnh lại tôi phải vui mừng mới đúng, thế mà đột nhiên tôi lại thấy chân nặng như chì, không dám bước ra khỏi buồng trò mình đang đứng để chạy đến chỗ lão, hệt như đứa trẻ trốn nhà đi chơi bị bắt gặp, chỉ biết nhìn mông lung vào chú tễu trên mặt nước. Mãi đến khi một bàn tay to lớn chìa ra trước mặt, tôi mới sực tỉnh, ngẩng đầu nhìn.

Tiên sinh… - Tôi mấp máy môi, đoạn ngập ngừng nắm lấy tay lão để lão kéo lên.

Nửa người dưới ướt sũng, một cơn gió thổi qua cũng khiến tôi rét run. Lão già ra hiệu cho gia nhân theo hầu mang áo choàng đến cho tôi, còn tay lão vẫn siết chặt tay tôi đến mức tôi cảm thấy đau. Lão không nói gì, chỉ chậm rãi kéo tôi đến chỗ chị đang ngồi, đoạn thả tôi ra, hướng về phía sư ông, cúi lạy:


  • Bạch sư phụ, đệ tử kính thỉnh sư phụ chủ trì tế lễ.
  • Tuệ Trung. – Sư ông ôn tồn nói. – Thầy chỉ đến đây làm khách. Con cứ tiến hành như những năm qua, đừng để ảnh hưởng đến mọi người.
  • Bẩm vâng. – Lão già cung kính cúi đầu.
Nói đoạn, lão từ tốn đi đến ban thờ đặt trước Phật điện, trang trọng và thành tâm làm lễ tiễn năm cũ và rước năm mới về. Lời khấn vừa dứt, anh Thân đã cho nổ ngay một ống pháo tre, rồi cả trang viện như bừng sáng với hàng loạt pháo đua nhau nổ, âm thanh giòn giã, đì đùng. Mọi người thi nhau đến thắp hương, bái Phật và xin lộc, tiếng cười nói càng lúc càng rộn ràng hơn cả tiếng pháo. Đáng lý ra tôi nên trở về phòng thay quần áo rồi mới quay lại chung vui cùng mọi người, song tôi chỉ biết đứng ngây một góc nhìn khung cảnh ấy, nhìn lão già của tôi được vây quanh bởi rất nhiều người đến thăm hỏi. Mãi lâu sau, khi sư ông của tôi đã trở về phòng nghỉ, anh Thân mới đưa tay làm loa, kêu lớn:

Vương gia thưởng tiền mừng tuổi! Mọi người đến cả đây!

Chẳng ai bảo ai, tất cả tập trung thành hàng ngay ngắn trước mặt lão già, đồng thanh:


  • Kính chúc vương gia thân thể an khang, phúc lộc dồi dào.
  • Kính chúc vương gia, vương phi năm mới sẽ có người nối dõi ạ.
Lời vừa nói ra, kẻ nọ đã bị mọi người xung quanh đưa tay che miệng. Năm nào cũng có kẻ mới đến không hiểu chuyện mà nói mấy lời này, những năm trước, tôi đều thấy rất buồn cười... Len lén nhìn sang, tôi thấy gương mặt chị vẫn giữ vẻ đoan trang niềm nở. Lão già cũng bình thản như thể không có gì cần suy nghĩ. Lão ngồi trên thềm cao, hiền từ đưa mắt nhìn khắp lượt, đoạn phe phẩy một phong bao đỏ rồi cất tiếng hỏi bâng quơ:

Ai muốn nhận đầu tiên nhỉ?

Không hẹn mà tất cả mọi ánh mắt dểu đổ dồn về phía chỗ tôi đang đứng.


  • Chị Nhã Phong!
  • Cô Nhã Phong! Năm nào cô cũng lên tiếng trước mà!
Từ lúc lão xuất hiện đến giờ vẫn chưa nói lời nào với tôi, vì thế tôi không rõ lão có thất vọng vì khi tỉnh lại chẳng thấy tôi không, hay có giận vì tôi bày trò dại dột mà không đợi hỏi ý lão hay không. Lão già nhướn mắt nhìn tôi, vẫy tay bảo tôi đến gần. Tôi ren rén bước lên thềm, cố bày ra gương mặt vui vẻ nhất có thể. Lão nghiêng nghiêng đầu, giọng nói giễu cợt song cả ánh mắt và khóe môi vẫn không hề có ý cười:

Em muốn nhận mừng tuổi thì mau chúc Tết.

Cả sân cười ầm lên. Suýt nữa tôi đã đánh kẻ ngồi trước mặt vì yêu cầu oái oăm. Song tôi chỉ dám giấu sự phẫn nộ ấy trong lòng, bày ra nụ cười nịnh bợ, lễ phép rót trà dâng lên lão, cố mấp máy môi thì thào mấy chữ:

Em mừng tuổi tiên sinh ạ.

Phong bao trên tay lão chợt dừng giữa khoảng không rồi quay lại nằm trên bàn. Tôi biết lão chỉ muốn trêu chọc tôi chứ chẳng có ý gì, nhất là khi ở trước mặt nhiều người thế này. Song ngay lúc này đây, vì mệt mỏi và lo lắng nhiều ngày, tôi chỉ thấy tức giận, rồi bỗng tủi thân đến mức muốn khóc òa. Tôi len lén cắn môi để ngăn nước mắt chảy ra, chỉ sợ mọi người nhìn thấy. Lão dường như không hay biết, ung dung đứng lên, bước về phía chiếc bình lớn đặt giữa sân, chăm chú chọn một cành đào.

Vương gia, hái lộc là phải tự tay mình, trao lộc cho người khác thì bản thân không còn may mắn đâu ạ. – Bên dưới có tiếng người ngăn cản.

Lúc này, khóe môi lão mới khẽ cong lên, lão vin một cành hoa nhỏ, toan cài lên búi tóc trên đầu tôi song dường như nghĩ ra gì đó, tay lão chợt dừng giữa khoảng không, rồi lão lại ấn cành hoa vào tay tôi, không cho phép tôi từ chối. Tôi như bị hoá đá. Tay lão vỗ nhẹ lên tóc tôi, tựa như muốn nói điều gì đó lại thôi. Giây lâu, lão quay về chỗ ngồi, tiếp tục công việc chỉ mới bắt đầu. Tôi đứng nép vào một góc, tay vẫn mân mê cành đào lão tặng. Có đứa trẻ đứng cạnh trêu tôi:

Chị Phong thích nhé, được nhận hết phúc lộc của vương gia.

Trong lòng bàn tay tôi, nụ hoa phớt hồng khẽ khàng lay động dưới gió đông, hệt như lòng tôi đang run rẩy lúc này.


***

Giao thừa mỗi năm, lão già của tôi cũng đều rất bận rộn. Hết cúng bái lại phải nhận chúc tụng và mời rượu, ban thưởng cho kẻ dưới, ban chữ cho những người đến xin lộc. Thông thường tôi sẽ loanh quanh giúp lão đón tiếp mọi người, nhưng giờ tôi chỉ biết ngồi một chỗ, nhìn không rời mắt để chắc chắn là lão đang dùng trà thay rượu. Được một chốc, lão già cáo bệnh, bảo chị tôi thay mặt lão tiếp tục tiếp đãi, đoạn lệnh cho tôi dìu lão về phòng nghỉ. Dọc đường đi, lão chẳng nói thêm gì, chỉ khe khẽ hát một khúc đồng dao. Ban nãy, tôi đã rất muốn giải thích với lão rằng tôi không hề thất hứa, rằng mọi việc tôi làm đều chỉ để bảo vệ người mà tôi trân trọng nhất trên đời. Thế nhưng khoảnh khắc nhận đóa hoa từ tay lão, tôi lại tự trách vì đã không tin tưởng lão, không tin tưởng mình. Vì sao tôi lại cho rằng mình phải giải thích thì cái người đáng trân trọng và thân thiết nhường vậy mới hiểu được tôi?

Lão dừng chân trước cửa phòng tôi, ấn tôi vào rồi bước ra ngoài, đóng cửa lại.

Ta đói rồi. Em mau thay y phục rồi xuống bếp nấu cháo cho ta.

Tôi đồ rằng lão già bệnh lâu nên mất trí rồi, vì tôi nào biết nấu cháo? Nhưng lúc này tôi có gân cổ cãi thì lão cũng không nghe thấy, chỉ đành nhanh chóng thay một bộ y phục ấm áp rồi trở ra, sợ lão đợi lâu dưới trời gió lạnh. Khi tôi bước ra, lão đang ngồi trên thành bậc, trầm ngâm như suy nghĩ điều gì. Tôi đến trước mặt lão, khẽ lay ống tay áo gọi lão cùng đi. Lão chậm rãi đứng lên, nhếch mép hỏi tôi:

Em định đi nấu cháo thật đấy à?

Tôi cúi đầu, lắc nhẹ. Ngoại trừ tô cháo miễn cưỡng nấu cho Nguyễn Nam năm xưa, tôi chưa từng đụng đến món này.

Không biết chăm sóc người bệnh. Sợ nước. Sức khỏe không tốt, hễ trái gió trở trời thì lăn ra ốm mà lại hành sự liều lĩnh, bốc đồng…

Vừa mới khiến tôi vui giờ lại đạp tôi rơi từ trên đài cao xuống. Tôi đứng như trời trồng nghe lão dùng giọng giễu nhại kể hết những điểm yếu của mình, không biết giấu mặt vào đâu.

Nhưng mấy ngày qua, ta đã ngủ rất yên.

Giọng lão nhỏ dần, đầy xót xa. Tôi bất giác òa lên khóc, cổ họng càng nghẹn ứ. Lão già cười khổ, xoa đầu tôi đến rối bù lên. Hồi lâu, lão đưa tay lau nước mắt cho tôi, cười cười trêu:

Bị ốm, không già mồm được nên chỉ biết khóc nhè ư? Đầu năm mà khóc sẽ không may mắn đấy!

Tôi dẩu môi, quay mặt đi nơi khác. Lão cười thành tiếng, đoạn ôn tồn nắm chặt vai tôi:


  • Đi thôi, ta nấu cho em. Ăn xong rồi ngủ một giấc sẽ khỏe lại ngay.

***



Tôi chống cằm trên bàn, nhìn bóng lưng của lão già đi đi lại lại trong gian bếp ấm sực mùi khói. Tôi vốn chẳng muốn ăn gì, chỉ muốn vùi vào chăn ngủ cho đẫy giấc. Song nghĩ đến việc lão chẳng có gì vào bụng mấy ngày qua, tôi bèn ngoan ngoãn đi ăn để lão cùng ăn. Ngồi một lúc, tôi ngủ thiếp đi, khi lão lay tôi dậy, cháo đã nấu xong, mùi thơm xộc lên mũi khiến bụng đói cồn cào. Lão nấu món cháo cá quả. Gắp hết cá qua đĩa, lão chậm rãi gỡ xương rồi đặt vào bát của tôi. Tôi đưa tay dụi mắt, đoạn kéo đĩa cá về phía mình, thận trọng gỡ rồi đặt một miếng cá to lên thìa, đưa đến trước mặt lão.

Ta không ăn, của em tất. – Lão cười hiền.

Tôi vẫn dí thìa cá vào miệng lão, nhăn nhó trỏ vào vết thương sau lưng lão. Lão thở dài, búng nhẹ lên trán tôi, đoạn ngoan ngoãn ăn hết sạch. Tôi mừng rỡ, lại bón thêm một thìa. Lão đanh giọng:

Giờ em là người bệnh. Mau ăn cho no, uống thuốc rồi còn đi nghỉ.

Tôi tiu nghỉu đặt lại thìa vào bát mình, phụng phịu. Lão bèn gắp về bát một miếng cá, khó nhọc gỡ xương rồi tự mình ăn, có vẻ rất khổ sở. Tôi bật cười, biết tỏng dù tổ tiên họ Trần sống bằng nghề chài lưới, trước nay lão lại không ưa ăn cá vì thuở bé hay bị hóc xương, thế mà lão vẫn luôn rất kiên nhẫn làm món này cho tôi. Bàn tay to lớn quen cầm kiếm giương cung và hiệu lệnh mọi người đó, những năm qua đã vì một đứa trẻ như tôi mà trở nên rất tỉ mẩn, dịu dàng.

Lão già ăn xong lại đun thuốc giải cảm. Tôi cũng lấy thang thuốc trị thương dành cho lão ra đun, buộc lão cùng uống hết bát thuốc vừa to vừa đắng nọ một lúc với mình. Khi lão đưa tôi trở về phòng, người đàn ông cao quý vừa nhận muôn lời chúc tụng kia nói với tôi:

Ngủ đi. Ta gác cửa cho em.

Tôi lập tức cau mày, lắc đầu nguầy nguậy. Lão trêu:

Hôm nay chỉ được ăn cháo thôi. Thịt mỡ, dưa hành đợi em khỏe lại đã!

Tôi hậm hực trỏ vào lão, cố vừa nói vừa ra hiệu:

Tiên sinh, ngủ.

Lão phì cười bảo:

Ta đã ngủ ba ngày rồi, không ngủ thêm được nữa.

Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy, cau mày. Lão già đành nhượng bộ:

Được rồi, vậy ta cũng về phòng.

Tôi mỉm cười, gật gật đầu ra vẻ hài lòng. Lão xoay lưng đi được vài bước, ngoảnh đầu vẫn thấy tôi đứng đó.

Đóng cửa, ngủ đi! – Lão nói.

Tôi lại lắc lắc đầu. Lão thở dài bất lực, nhanh chân đi về phòng mình, mở cửa bước vào rồi lại ngoái đầu nhìn tôi. Lúc này, tôi mới ngoan ngoãn khép cửa, thả mình lên chiếc giường êm ái. Bên kia, cửa phòng lão cũng đóng xịch. Tôi bất giác mỉm cười.

Mấy ngày qua luôn ở trạng thái cảnh giác và tập trung nên giờ tôi lại đâm khó ngủ dù thân thể rã rời. Tôi lăn trên giường mấy vòng, nghĩ ngợi mông lung về những gì đã xảy ra. Chợt từ phía phòng của lão già vẳng lên tiếng sáo du dương. Tôi khe khẽ hát theo một lúc rồi mơ màng chìm vào giấc ngủ.

Cuối cùng thì mùa xuân đã đến thật rồi.
 

abhamit533

Gà con
Tham gia
10/6/23
Bài viết
3
Gạo
0,0
Content warning: The story is set in Dai Viet under the Tran Dynasty, in the years of the first resistance war against the Yuan - Mongols (1258). Much of the story is based on history. However, the story still has many fictional characters and details, please do not confuse the story and the history.
pikashow
ppsspp emulator
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên