CHƯƠNG 25: TÂM VIÊN Ý MÃ[1]
- Cô Nhã Phong, sư phụ đâu? – Trần Cụ đến ngồi trước mặt tôi.
- Lúc nãy Địa Lô đến mời đi rồi. – Tôi trỏ phía vách đá đằng xa, mắt vẫn dán vào bàn cờ lão đang chơi dở từ trưa, tìm cách phá.
Nguyễn Địa Lô chỉ mới mười hai tuổi, là người trẻ nhất trong quân Thánh Dực. Nghe nói lúc triều đình có lệnh triệu tập, cậu ta đến đập cửa An phủ sứ ở Hồng lộ xin đầu quân, Trần Cụ chân thành bảo cậu ngoan ngoãn về nhà ở cho yên, cha mẹ đi đâu thì phải bám sát kẻo lạc. Không ngờ cậu ta nổi cơn tự ái, nửa đêm trèo tường bắn liên tiếp năm mũi tên xuyên qua ô cao nhất cửa thư phòng của lão già, cắm thành một đường thẳng tắp, trong đó có một mũi tên mang theo một bức thư trần tình, tha thiết xin được sung quân. Trần Cụ điên tiết vì thái độ láo xược, đòi đem cậu ta ra đánh, nhưng lão già chỉ phạt cậu ta ở lại phủ khắc mộc bản kinh Pháp hoa. Địa Lô thức trắng mấy đêm liền, không thiết ăn uống, chỉ trong nửa tháng đã hoàn thành, mang đến quỳ trước cửa thư phòng suốt mấy canh giờ xin lão già thu nhận.
- Ta nghe bảo Địa Lô bắn cung còn chính xác hơn ngươi, chắc ngươi không thích lắm? – Tôi hỏi tên Thích Đối Xứng.
- Cụ dùng nỏ, hắn dùng cung, so sánh rất khập khiễng. Hơn nữa, sư phụ dạy người tu thiền không được động tâm phân biệt hơn thua.
- Rất tốt! – Tôi gật gù khen. – Thật ra ngươi không làm xạ thủ thì cũng là một tay rèn vũ khí rất cừ. Thanh kiếm của ngươi tặng đúng là bảo vật, ta rất thích đấy!
- Thật không? – Trần Cụ thật thà cười. – Để sau này Cụ làm thêm cho cô vài món nữa!
Trần Cụ cười như trẻ con làm tôi cũng thấy vui lây. Lướt mắt xuống bàn cờ, tôi nảy ra cách giải, liền đánh xuống một quân.
- Đáng nể thật. – Tên sư đệ của tôi trầm trồ.
- Ngươi chăm chỉ học đánh cờ với tiên sinh vài năm nữa cũng sẽ được như vậy! – Tôi nhớ lại lúc mới đến, lão già ngồi chơi một mình dù hắn ngồi ngay cạnh.
- Cụ có học, cụ còn tự mình nghiên cứu rất nhiều kỳ phổ, nhưng học thế nào cũng mới đi được mấy nước đã bại, cứ khiến thầy cụt hứng… - Hắn gãi gãi đầu.
Tôi ngẩng lên nhìn hắn, ngẫm nghĩ một lúc rồi bật cười:
- Ai bảo ngươi nguyên tắc quá, xuất chiêu cứ phải theo thứ tự lớp lang, bị lão đoán được là phải rồi! Đánh cờ cũng như đánh trận, như làm người, phải tùy cơ ứng biến, linh hoạt thay đổi không ngừng! Hiểu không? – Tôi bắt chước dáng điệu của lão già lúc gõ gõ cây quạt lên trán tôi dạy dỗ.
- Hiểu! – Trần Cụ quả quyết. – Nhưng bảo bỏ đi thứ tự, nguyên tắc thì Cụ không làm được. – Vẫn rất quả quyết.
Cái tên này đúng là đầu đất! Thế này thì ngày hắn được dẫn binh vẫn còn xa lắm. Tôi thở dài, đoạn nhớ ra một việc, lòng chùng xuống, hồi lâu tôi mới ngập ngừng:
- Ta có chuyện này phải nói với ngươi. Cụ Đảm mất rồi.
Cụ Đảm là người đã dạy Trần Cụ làm binh khí, cũng xem như là thầy của hắn, tôi nghĩ hắn đau lòng chẳng kém gì tôi. Thế nhưng, phản ứng của hắn lại chẳng có gì kinh ngạc hay xúc động:
- À, Cụ cũng biết… cũng biết thời thế này, sinh tử rất vô thường. Thật đáng tiếc!
- Ngươi biết chuyện này rồi? – Tôi lập tức hỏi lại. – Cả tiên sinh ta cũng chưa có dịp kể, làm sao ngươi biết?
- Không… Cô nói Cụ mới biết thôi. Cụ quên mất còn một việc sư phụ đã giao! - Hắn đứng dậy, toan chuồn đi, tôi lập tức níu lấy vạt áo giữ lại hỏi cho ra lẽ.
Ông Đảm gặp nạn khi Thăng Long chẳng còn ai, nếu quân báo có nhắc đến việc này, sao lão già chưa từng nói gì với tôi? Cho là lão quá bận bịu nên quên, chuyện này cũng chẳng có gì đáng giấu, sao Trần Cụ lại lúng ta lúng túng như gà mắc tóc?
- Các người có gì giấu ta? – Tôi nhìn hắn đầy đe dọa. – Từ lúc ta đến đây, tiên sinh cứ tìm việc cho ta làm để không nghe lão bàn việc quân, hết ủ rượu đến phá cờ thế! Những dịp thế này, lão càng muốn ta theo lão học hỏi mới đúng!
- Cụ không biết! Không biết gì hết! – Tên sư đệ cao hơn tôi nửa cái đầu lắp bắp.
- Phong, qua đây! – Lão già gọi từ xa.
Trần Cụ như bắt được vàng, lập tức chạy bay biến.
- Sư phụ gọi kìa, cô đi nhanh đi, Cụ cũng phải đi làm mấy việc kẻo thầy trách phạt!
Quả nhiên họ có việc không muốn cho tôi biết!
Hít sâu mấy hơi để dẹp nỗi hậm hực trong lòng, tôi tự nhắc mình phải ngoan ngoãn để lão già không phải bận tâm, có việc gì thì để sau trận chiến ép lão nói cũng không muộn. Tuy vậy, tôi vẫn không ngừng lo lắng, liệu có gì đó nguy hiểm mà lão không muốn tôi vướng vào hay không?
- Đói bụng sao mà đi chậm vậy? – Lão hỏi tôi.
- Chẳng hay tiểu nhân giúp được gì cho tướng quân? – Tôi ôm quyền trịnh trọng thưa, cố lấy lại dáng vẻ hoạt bát thường ngày. – Xong việc rồi sẽ được thưởng mấy bát cơm trắng, mấy lượng vàng, mấy đêm với mỹ nhân?
Nguyễn Địa Lô đứng cạnh cố nhịn cười. Lão búng vào trán tôi đau điếng, đoạn đưa ra bốn thẻ tre:
- Giải đi, giải không xong thì từ giờ về sau chỉ được ăn lương khô uống nước lã thôi.
- Cái này là…? – Tôi ôm trán nhăn nhó hỏi.
- Thưa, là mật thư của quân Thát cho người đưa ra khỏi thành, đi về hướng bắc, có lẽ là gửi cho khả hãn của bọn chúng xin chi viện. – Cậu bé cung thủ kính cẩn trình.
- Mật thư? Làm sao mà cậu lấy được? – Tôi ngạc nhiên.
- Nhân lúc chúng vẫn chưa tản ra, tôi bắn chúng chết rồi lấy thôi ạ. – Cậu hồn nhiên đáp. – Tôi có mang cả xác chúng về nữa, cô xem.
Tôi nhìn theo hướng tay của cậu, thấy bốn tên giặc đang nằm chồng lên nhau, chết không nhắm mắt. Nét mặt của bọn chúng giống người Hán, có lẽ xuất thân từ quân của Đoàn Hưng Trí. Nhìn dáng vẻ nhỏ thó của cậu ta, ngẫm lại mình hôm trước ì ạch mãi mới phi tang được xác tên giặc nọ, tôi không khỏi thán phục.
Bốn thẻ tre lấy được chỉ ghi những từ rời rạc, tôi xếp xuôi xếp ngược thế nào cũng không thành câu. Cách đây rất nhiều năm, có một nhóm tăng ni người Nguyên đến Dưỡng Chân Trang, lão già đã nhờ họ dạy cho ít chữ nên bọn tôi cũng có thể đọc được một số văn tự cơ bản, nhưng chữ trong bức thư này thì tôi chẳng rõ chúng còn nghĩa gì khác hay không. Tôi chán nản tựa lưng vào gốc cây, lơ đãng nhìn trời. Một đóa hoa bay là đà rồi đậu ngay lên mũi, tôi chun miệng thổi thổi. Trăng dần lên cao, vừa mới qua rằm nên hãy còn tròn và sáng lắm. Tôi chợt nhớ đến những ngày ngồi tựa gác chuông ngắm trăng ở làng Vạn Niên, bèn dáo dác đưa mắt tìm lão già, vừa hay lão đang đến.
- Sao rồi? Nghĩ ra chưa?
Tôi dẫu môi, lắc lắc đầu. Lão đặt nghiên mực xuống bàn đá, thong thả mài, lại lấy ra bốn thẻ tre, ghi mỗi thẻ mấy chữ rồi úp xuống mặt bàn. Rõ ràng lão đã hiểu bức thư này từ sớm nhưng cứ thích thử thách tôi, thế thì tôi cứ từ từ mà giải vậy. Tôi co người, chống cằm lên gối:
- Đợi sau khi ngủ một giấc tỉnh táo, em nhất định sẽ hiểu được!
Lão định nói gì đó thì anh Voi Lớn đã sải bước đến, bẩm:
- Vương gia, người đến rồi.
Tôi nhìn bốn người đi phía sau anh, hai cao, hai thấp, mặc y phục của bọn lính Thát vừa như in, bỗng dưng nghĩ ra một ý. Di ngón tay kéo hai thẻ tre ở giữa xuống thấp hơn một dòng, lại xoay ngang cả ba thẻ, bỏ đi những chữ thừa so với thẻ thấp hơn kia, nội dung bức thư hiện ra rõ ràng trước mắt: “Nước Nam dùng kế thanh dã, xin chi viện quân lương, tìm đường vòng sang Lão Qua tạo thế gọng kìm”. Tôi thở hắt ra một tiếng, bọn chúng đã chia nhỏ bức thư để tránh bị người bắt được, lại còn dùng ám hiệu tương ứng chiều cao của kẻ đưa thư, quả là thận trọng! Chẳng trách ai nấy đều ca ngợi người Thát là bậc thầy truyền tin tức. Nhưng mưu kế càng kín kẽ càng có thể lừa người thì càng dễ bị gậy ông đập lưng ông. Lão già của tôi hẳn đã viết một bức thư giả với cách thức tương tự, nội dung ắt là báo tin vui, bảo kha hãn của chúng cứ yên tâm đợi ngày thắng trận.
Phấn khởi vì đã giải được nỗi thắc mắc lớn, tôi hồ hởi chạy đến chỗ lão già đang hỏi chuyện mấy anh lính:
- Các anh vào quân Dũng Nghĩa bao lâu rồi?
Tôi suýt há hốc mồm. Quân Thánh Dực Dũng Nghĩa là tập hợp những người bần cùng, cô nhi, đạo tặc, không ai quan tâm đến, được đào tạo để sẵn sàng hy sinh báo quốc bất cứ lúc nào. Phải rồi! Lão già muốn họ giả làm quân đưa thư, đi sang đất địch, bị phát hiện chắc chắn bỏ mạng, nếu may mắn qua được cũng khó có ngày về. Chân tôi bất giác run run, tôi cố giữ nụ cười, nhìn thật kỹ từng gương mặt mới gặp lần đầu mà đã có thể là lần cuối.
- Bẩm vương, được bốn năm rồi! – Người lớn tuổi nhất thưa, vẻ mặt tràn ngập tự hào.
- Thưa, khi trong quân họ đã được dạy một ít tiếng Hán, chỉ cần không bị tra hỏi gắt gao thì có thể qua mặt được. – Dã Tượng trình.
- Tên anh là gì? – Lão chân thành hỏi anh lính nọ.
- Thưa, toàn quân Dũng Nghĩa chỉ có một cái tên, là dân-Đại-Việt.
Lão già nhìn anh ta hồi lâu, đoạn gật gật đầu, nắm tay đấm nhẹ vào ngực anh ta đầy tin cậy:
- Hành sự cẩn trọng. Ngày về, đến Yên Bang tìm ta. – Lão mỉm cười thật hiền với cả bốn người.
Những người đàn ông đã dày dạn gió sương bỗng rưng rưng xúc động. Họ cúi đầu đưa tay nhận mỗi người một thẻ tre rồi nhất loạt cúi chào, đoạn dứt khoát quay đi. Tôi ngơ ngác nhìn rồi vội vàng đưa tay lên miệng làm loa:
- Các anh đi sớm về sớm, tôi sẽ ủ thêm rượu mơ đợi mọi người!
Bước chân của họ sững lại một khắc rồi tiếp tục tiến lên, không hề quay đầu lại.
Tôi trông theo bóng lưng thẳng tắp của bốn vị anh hùng cảm tử, nhìn những tấm áo choàng bay phần phật đầy kiêu hãnh tiến vào rừng mơ trắng xóa, họ cứ ung dung như đang trên đường đến cõi niết bàn. Mãi đến khi núi rừng đã che khuất họ, tôi nghe tiếng sụt sịt phía sau. Địa Lô đứng đấy từ bao giờ, miệng đang cắn chặt cổ tay để ngăn tiếng nấc:
- Tại tôi phải không? Vì tôi đã giết mấy tên Thát đó nên giờ họ phải ra đi? – Cậu bé lì lợm ngày nào bỗng như đứa trẻ. – Tôi chỉ muốn làm gì đó để báo ơn vương gia, không ngờ… không ngờ…
Tôi đặt tay lên vai cậu ta, nghĩ mãi cũng không biết nên an ủi thế nào. Cơn bão trong lòng vừa lặng một chút lại nổi lên, vai tôi cũng run run, tôi cúi thấp đầu để tóc che đi đôi mắt đã đỏ hoe. Tôi cũng không rõ đâu là đúng là sai nữa, chỉ biết Địa Lô chặn đường cướp thư là việc phải làm, lão già gửi một bức thư khác thay vào để phía kha hãn khỏi sinh nghi mà đưa thêm quân đến cũng là việc phải làm. Thời cuộc này, còn bao nhiêu việc “phải làm” dẫu ta không hề mong muốn.
Lão già đặt một tay lên vai tôi, siết nhẹ. Tôi nhớ lại lúc xưa, có lần Hưng Đạo vương hỏi lão:
- Phật dạy sinh tử là lẽ tự nhiên, thân này không thật. Vậy mỗi khi dẫn binh chinh phạt, một lệnh công thành là đầu rơi máu chảy, anh thấy thế nào?
Lão nhàn nhã đáp:
- Kẻ xem trọng sinh tử há đáng bước vào cửa Không? Kẻ coi khinh sống chết của sĩ tốt và nhân dân há xứng cầm quân lệnh?
- Thế thì phải làm sao cho vẹn đôi đường?
- Đóng vai nào thì diễn tròn vai ấy, đôi đường chẳng vẹn.
Giờ khắc này, tôi hiểu, lão ra quyết định đó cũng chẳng dễ dàng gì.
***
Đêm đông lạnh, không khí trên núi lạnh, cả trại quân chỉ thưa thớt vài đống lửa nhỏ nên càng se sắt lạnh. Tôi ngồi tựa cửa lán của lão già, bó gối nhìn lửa reo. Hương trầm thoang thoảng trong nơi ở của lão khiến tâm tư tôi dần lắng lại. Bấy lâu tôi không hề nhận ra mình đã nhớ mùi hương quen thuộc này đến thế, lúc nào cũng chỉ ngửi thấy mùi máu lạnh tanh. Không có việc gì làm, tôi bèn giở tấm địa đồ Thăng Long ra xem lần nữa, nhớ mãi cũng không nhận ra mình có vẽ sai điểm nào không.
- Sao em chưa ngủ đi, mệt cả ngày rồi? – Lão về đến từ lúc nào, đưa tay lấy tấm địa đồ của tôi giấu vào ngực áo rồi ngồi xuống cạnh bên.
Ở các lán xung quanh, binh sĩ đều ngủ cả, chỉ để lại một vài người canh gác, không gian yên lặng như tờ. Lúc chiều, Trần Cụ hỏi có thể dựng lán của tôi cạnh của lão hay không, lão vẫn đang dán mắt vào quyển binh thư, bâng quơ đáp:
- Chỗ của ta rất rộng, cứ bảo nó vào đó đi.
- Nhưng cô Nhã Phong là nữ, như vậy có vẻ không tiện lắm! – Trần Cụ cả kinh.
- Ta chưa từng nghĩ thế.
“Chưa từng nghĩ thế” nghĩa là chưa từng coi tôi là nữ hay chưa từng nghĩ việc tôi ở cùng lão là không tiện, khi ấy tôi không buồn hỏi, giờ mới thấy bất bình. Còn chưa kịp trả lời câu hỏi của lão thì một âm thanh đáng xấu hổ vang lên: bụng tôi sôi réo vì đói. Lão bật cười, tôi thẹn quá đưa cả hai tay che mặt, đi vào trong lán:
- Giờ em ngủ! Người cũng đừng thức khuya quá đó!
- Người thì bẩn, bụng thì đói, ngủ được không? – Lão vẫn giữ nụ cười trêu chọc.
Nhanh như cắt, lão với tay lấy cái áo khoác lông cừu treo trên cột rồi kéo tôi ra chỗ con ngựa của lão. Lão nhảy lên lưng nó, chìa tay xuống cho tôi:
- Ta vốn nghĩ sau này mới đưa em đến, không ngờ em nhanh chân như vậy. Đi thôi!
Thoắt một cái, tôi đã ngồi trước mặt lão. Lão thúc ngựa chạy như bay, xuống đường mòn, tiến thẳng vào rừng. Mặt trăng rải ánh sáng xuống tàn mơ trắng, tôi như lạc vào trong mộng, tiếng vó ngựa gần đây ám ảnh trong mơ bỗng dưng trở nên thật hiền lành.
Băng qua mấy lượt ghềnh thác, bọn tôi dừng lại trước một ôn tuyền. Suối này khá nhỏ lại nằm khuất sau một mỏm đá to, ba phía còn lại là rừng cây bao bọc. Nước lăn tăn gợn trên nền sỏi phản chiếu ánh trăng, lấp lánh như dát bạc. Lão đỡ tôi xuống ngựa, ôn tồn bảo:
- Trời rất lạnh, đừng ngâm lâu quá đấy. Ta đợi ngoài kia. – Lão trỏ về phía sau mỏm đá.
Tôi vẫn đang ngẩn ngơ, chỉ biết gật gật đầu. Lão đặt tấm áo lông cừu và một chiếc khăn to lên mỏm đá, lại dặn dò:
- Tắm xong thì khoác cái này, ta xem vết thương của em đã.
- Sao tiên sinh biết em bị thương? – Tôi kinh ngạc.
- Sao ta lại không biết? – Lão nhướn mày hỏi lại.
Tôi nhớ ra lúc vừa gặp mặt lão đã nắm lấy cổ tay tôi, hóa ra không đơn giản là dắt tay trẻ con, lão đã bắt mạch ngay khi ấy.
Lão già dắt ngựa rời khỏi rồi, tôi trút y phục, từ từ bước chân xuống nước. Nước ấm dâng đến đâu tôi tỉnh đến đấy, cả người duỗi ra khoan khoái. Dưới thứ ánh sáng huyền ảo này, làn da thô ráp vì nắng gió của tôi cũng trở nên trắng trẻo mềm mại như nhung lụa. Trong một thoáng, tôi không còn nhớ gì đến những chuyện buồn, chỉ thấy cơ thể và đầu óc đều nhẹ nhõm, khoan khoái ngâm nga:
“Bạc vụ nùng vân sầu vĩnh trú,
Thuỵ não tiêu kim thú.
Giai tiết hựu trùng dương,
Ngọc chẩm sa trù,
Bán dạ lương sơ thấu.
Đông ly bả tửu hoàng hôn hậu,
Hữu ám hương doanh tụ.
Mạc đạo bất tiêu hồn,
Liêm quyển tây phong,
Nhân tỷ hoàng hoa sấu.”
[2]
Vừa hết bài thơ, làn gió lạnh đưa lại một mùi thơm cực kỳ quyến rũ. Tôi vội vã lên bờ, lấy khăn quấn tóc, cuộn người trong tấm áo lông cừu rồi chạy ra chỗ lão già. Lão đang ung dung nướng mấy con cá, tôi đứng ngẩn ra nhìn, lát sau mới khe khẽ reo lên:
- Thơm quá!
Lão vỗ nhẹ lên bàn tay hấp tấp của tôi, kéo tôi ngồi xuống bên cạnh:
- Bỏng bây giờ! Chỉ háu ăn là giỏi.
Mắt tôi vẫn chăm chú nhìn lớp da cá vàng ruộm và làn khói nghi ngút, mồm nịnh nọt không ngừng:
- Tiên sinh nếu sinh trong nhà thường dân cũng có thể dựa vào tài nấu ăn mà trở thành đại phú đấy! Thơm chết mất!
Lão cười khẩy không giấu vẻ khinh bỉ, thong thả thổi cá cho nguội rồi bốc một miếng đưa đến trước mồm tôi. Tôi không ngần ngại ngoạm lấy, vị ngọt và hương thơm của cá nướng tràn đầy trong miệng. Tôi cười tít mắt, cảm thấy bao nhiêu sơn hào hải vị trên đời cũng không bì được với món này. Trong chớp mắt, ba con cá đã vào bụng, tôi chợt nhớ ra:
- Tiên sinh… không ăn sao?
Lão nhìn mấy bộ xương cá nằm chỏng chơ trên nền đất, thờ ơ đáp:
- Không. Ta không đói!
Nỗi áy náy hình thức của tôi kéo dài chẳng bao lâu vì trước nay vẫn thế. Tôi có tật xấu là khi đói hoặc thèm món gì ngon mà không được ăn thì không cách nào ngủ được. Lúc còn ở Dưỡng Chân Trang, mỗi lần như thế tôi lại gõ cửa phòng lão để mè nheo. Bao giờ lão cũng chê trách mấy câu, bao giờ cũng vào bếp làm một món rất đơn giản nhưng thật ngon, bao giờ cũng nhường tôi ăn hết. Song hôm nay giữa lúc việc quân bận rộn mà lão vẫn còn quan tâm những điều nhỏ nhặt này, tôi cảm động vô cùng! Người này là vương gia cao quý của Đại Việt, là tướng quân oai dũng của doanh Thánh Dực, là thiền sư đức cao vọng trọng của Dưỡng Chân Trang, đồng thời cũng là lão già xiết bao dịu dàng và thân thiết của riêng tôi. Khoảng cách trong lòng biến mất như chưa từng tồn tại, tôi nhìn lão đầy trìu mến.
- Sao vậy? Mặt ta lấm bụi than sao? – Lão hỏi.
Tôi lắc lắc đầu, đoạn nhớ ra điều thắc mắc bấy lâu:
- Em không ngoan ngoãn ở Yên Bang mà chạy đến quân doanh thế này, có phải tiên sinh thấy giận, thấy phiền không? - Tôi bỗng trở nên dè dặt, nhìn xuống chân mình.
- Mặt nào đó, thì phải. - Giọng lão lạnh lùng. - Đúng là trẻ con!
- Vậy, còn mặt khác thì sao?
- Thì... cũng vui.
Tim tôi đập rõ to, tôi ngước lên nhìn lão chỉ thấy lọn tóc dài đã che nửa mặt. Có cơn gió khẽ lướt qua giữa bọn tôi. Lão nói tiếp:
- Đâu có đứa trẻ nào gan lì như vậy.
Tôi phì cười, tựa đầu vào cánh tay lão, sung sướng tận hưởng cảm giác yên bình hiếm có này. Lát sau, lão đưa tay kéo chiếc khăn tôi đang quấn tóc, điềm nhiên dùng nó lau sạch bàn tay vừa gỡ cá. Đoạn, lão đến chỗ con ngựa lấy túi thuốc rồi quay lại bảo tôi:
- Bị thương thế nào, để ta xem.
- Vâng ạ.
Tôi ngoan ngoãn vén tóc sang một bên, tụt áo choàng xuống để lộ ra vết chém trên vai và lưng, tôi đoán giờ chúng đã đóng vảy. Gió lạnh khiến tôi hơi run rẩy. Mãi không thấy động tĩnh gì, tôi quay lại nhìn, gương mặt lão không có vẻ gì vui, đáy mắt còn thoáng nét đau lòng. Tôi chân thành nói:
- Giờ em vẫn sống, vẫn được ăn cá mà tiên sinh nướng, em thấy đủ lắm rồi. – Xoa xoa chỗ tránhơi nhíu lại giữa hai chân mày lão, tôi nói tiếp. – Tiên sinh đừng giận, đừng giận nữa!
Tôi biết những áp lực mà lão phải chịu lớn hơn tôi rất nhiều, những tâm sự trong lòng lại không có ai chia sẻ nên chỉ biết dùng cách này để xoa dịu phần nào.
Lão thở nhẹ, đưa tay mở hộp thuốc, rất chậm rãi xoa lên từng vết thương trên người tôi. Thuốc làm chúng rát buốt nhưng tôi cố giữ vẻ bình thản, sợ lão buồn thêm. Thoa thuốc xong rồi, lão thận trọng kéo áo lên tận cằm tôi, đoạn lại gỡ mớ tóc ướt tôi vừa gội, hong trước ánh lửa, tỉ mỉ như nâng niu thứ tơ tằm thượng hạng. Tôi cứ nhìn mãi bàn tay thon dài của lão, lớp thành trì kiên cố tôi dựng trong lòng bấy lâu nay theo mỗi động tác dịu dàng ấy mà vỡ vụn từng chút một. Khóe mắt tôi nóng dần lên rồi nước mắt cứ thế tuôn ra, tôi khóc nấc từng tiếng rồi cuối cùng gục lên gối lão òa lên nức nở, tôi khóc như gió như mưa, như trẻ con vừa lạc mẹ. Lão vỗ vỗ lưng tôi một lúc lại nắm chặt bờ vai đang run lên nức nở của tôi, hỏi khẽ:
- Sợ lắm phải không?
Ký ức mới mấy ngày trước ùa về, tiếng la hét, tiếng chém giết rền rĩ bên tai, màu đỏ tràn đầy trong mắt, mùi máu tươi ngập trong mũi, trong lồng ngực. Tôi gật đầu liên tục, vai tôi bị siết chặt hơn một chút. Một khắc sau, tôi dần nhận ra lúc này tôi không thấy lạnh, không thấy đau, không thấy hoang mang chẳng biết đây có phải là đêm trăng cuối cùng mình được nhìn thấy hay không. Mùi thuốc trên tay lão và hương trầm trên người lão già như có như không chầm chậm kéo tôi về thực tại, tôi lại lắc lắc đầu. Với tay nắm lấy tay lão đang đặt trên vai mình, lần mò mấy vết chai vì cầm kiếm và mấy vết cắt ghi dấu chuyện ngày xưa lão đẽo ngọc làm sáo cho tôi, tôi mỉm cười mặc kệ mắt vẫn ngân ngấn nước:
- Giờ em không sợ chi nữa!
Tôi nghe tiếng lão thở ra khe khẽ, bàn tay ấy vẫn kiên nhẫn vỗ về trên tóc. Tôi cứ nằm như thế trên gối lão, kể hết chuyện này sang chuyện khác: chuyện Nguyễn Nam, chuyện ông Đảm, chuyện bác Thôi, chuyện tôi trốn quân Thát ra sao, lại hoảng hốt khi thấy Thăng Long hoang vắng thế nào. Khóc mệt, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng rõ, xung quanh chỉ còn tiếng lửa reo và tiếng vượn trầm từ hang sâu vẳng lại.[3] Trong cơn mơ chập chờn, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm của lão, vẫn nghe giọng lão lẫn trong tiếng vó ngựa, tiếng gió reo, êm dịu như lời ru của mẹ năm xưa:
- Ngủ đi. Ta ở đây rồi!
[1] Trần Thái Tông viết trong Khóa hư lục: “Nếu khi ngồi thiền chẳng tắt mọi niệm thời tâm vượn nổi dậy, ý ngựa lông bông”.
Trong bài Trữ từ tự cảnh văn (Bài văn trữ tình tự răn mình), Tuệ Trung thượng sĩ viết:
“Miết nhĩ tuỳ tâm viên ý mã,
Nan miễn luỵ lợi toả danh cương.”
Nghĩa là:
“Lắm lét theo lòng hươu ý vượn,
Tránh khỏi sao lợi buộc danh ràng?”
[2] Bài thơ Túy hoa âm của Lý Thanh Chiếu thời nhà Tống. Dịch nghĩa:
“Khói nhạt mây dày, ngày dài tẻ ngắt,
Hương trầm đã nguội, lò vàng đã tắt.
Tiết trời tươi đẹp đúng dịp trùng dương,
Gối ngọc màn the,
Nửa đêm hơi lạnh len vào.
Bên bờ giậu phía đông, nâng ly sau buổi hoàng hôn,
Hương thầm đầy tay áo.
Chớ nói cảnh chẳng tiêu hồn,
Rèm cuốn gió tây,
Người so với hoa vàng còn mảnh mai hơn.”
[3] Trong bài Phỏng Tăng Điền đại sư, Tuệ Trung Thượng sĩ viết:
“Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu
Thuỳ thính cô viên đề xứ thâm.”
Dịch nghĩa:
“Người đời chỉ nhìn thấy nghìn núi vào buổi sáng
Ai nghe tiếng vượn cô đơn kêu nơi rừng sâu thẳm.”
Hoặc sau này trong bài Tụng Thánh Tông đạo học, ngài viết:
“Nhân gian chỉ kiến thiên sơn tú,
Thuỳ thính viên đề thâm xứ thâm.”
Dịch nghĩa:
“Người đời chỉ thấy núi non xanh tốt,
Nào ai nghe thấy tiếng vượn kêu sâu thẳm trong nơi sâu thẳm.”
Nghe tiếng vượn kêu nghĩa là nghe âm thanh từ nguồn gốc, cảm được cái bản chất của rừng núi, tức là nhìn thấy tự tánh.