Đầu óc ta đau đớn vô cùng, mỗi lần tỉnh lại trước mắt đều mơ hồ một màu đỏ như máu, ta cố giơ tay ra lần sờ mọi thứ bên cạnh nhưng mỗi lần như thế lại bị ai đó lấy cây quất vào tay đến chầy xước. Ta biết người đó không phải Đức Chính ca, anh ấy đối với ta tuyệt đối yêu thương, tuyệt đối nhu thuận.
Chắc ở đây là một hang động, ta cảm thấy phía sau mình bức vách rất cứng lại gồ ghề, nếu sơ lên trên cao một chút còn cảm nhận thấy dòng nước nhỏ chảy xuống từ những nhũ đá.
Ta đang định mò mẫm đứng dậy bỗng có giọng nói phát ra ồm ồm: “Ngươi định làm gì, ngồi xuống cho ta”.
Dựa vào âm thanh phát ra, ta cố xác định vị trí người đó: “Ông là ai? Lê ca ca đâu?”.
Giọng người này có phần hờ hững lại không hề thiện chí, nhất định chẳng tốt đẹp gì: “Ngươi sắp chết đến nơi rồi còn hơi sức mà lo cho người khác, ta thấy nhất định là cái tên ca ca kia của ngươi vì thấy ngươi sắp chết nên bỏ ngươi đi rồi”.
Máu nóng trong người ta phút chốc rừng rực: “Ông nói lung tung, Lê ca ca không bao giờ bỏ rơi ta”.
“Hơ! Thế tại sao lúc ta đưa ngươi đi lại không thấy hắn xuất hiện vậy?”.
Ta tức mình giơ chân đá mấy hòn sỏi bên dưới, liên tục quát: “Ai mượn ông đưa ta đi, ta có nhờ ông đưa ta rời khỏi đó à?”
Câu chửi tiếp theo còn chưa bật thành hơi, đột ngột từ bụng dưới một cơn đau thúc lên như xé ruột, tiếp đó là dòng nước tanh tưởi ào lên khoang miệng, không kìm được tuôn ra bên ngoài. Ta thở hổn hển, vô lực gã khụy xuống mặt đất, ông ta tiến lại gần bên ta, hình như rút ra cái gì đó rồi kéo tay ta lên nói: “Số ngươi cũng may mắn lắm bị trúng độc Xích Xà mà vẫn sống được đến giờ xem ra có tố chất khác người”.
Nói được đúng một câu hay ho, tiếp đó liền đem vật sắc nhọn trong tay rạch trên da ta làm ba đường, vừa vắt máu ta cho đã vừa luyên thuyên biết bao thể loại.
“Nói cho ngươi nghe Mộc Phong Sinh ta trước giờ không thích nữ nhi, ngươi nên cảm ơn con xà độc đã cắn ngươi là loại ta tìm kiếm bao năm nay nếu không ta đã chẳng thèm để ý đến ngươi rồi”.
Được một lát lại reo lên: “Ái chà, loại máu này độc thật ăn mòn xương cả mấy con trùng độc của ta”, thở dài thườn thượt: “ Hầy, nếu ăn mòn luôn cả xương của tiểu nha đầu nhà ngươi thì ta mới thấy thú vị”.
“Thú cái đầu nhà lão ấy”, ta vốn là người bằng xương bằng thịt mà lão xem chẳng bằng mấy con trùng, con bọ gì đó, thật khiến ta uất ức chết đi được.
Hai ngày sau mắt đã sáng tỏ, lần đầu nhìn thấy dung mạo ông già ta đã biết thần kinh lão có vấn đề. Cái thể loại gì đầu đã hai lứa tóc, trên đỉnh đầu lúc nào cũng cắm đầy hoa tươi quả lạ, trên vai đeo túi da thủng thẳng đến tận mông, quần thùng thình chẳng khác nào buộc váy vào chân.
Mỗi ngày lão chỉ cho ta ăn hai củ gì đó màu xanh rì, vừa chát vừa đắng, ông già nói nếu muốn sống thì phải cố gắng mà ăn. Tuy mấy hôm nay cơ thể có khỏe ra mấy phần nhưng cứ đến chập tối cả người ta vẫn nóng ran, ta hỏi ông già: “Liệu ta còn bao nhiêu thời gian sống?”.
Ông già xoay người về đống lửa, vô tư nói: “Chắc ba năm là cùng”.
Ôi! Ta ước gì có thể cầm con dao mà cắt phăng cái lưỡi của lão, người gì đâu đến một chút xót thương kẻ bệnh tật cũng không có.
Đêm khuya tĩnh mịch, gió thổi từng cơn ngoài động thi thoảng lại nghe được một khúc đàn dế rất gần, ta đột nhiên nhớ đến Vạn Hạnh thiền sư liền buột miệng nói với ông già: “Nếu ta có thể quay chở về nhà gặp Vạn Hạnh thiền sư, người nhất định có cách trị khỏi cho ta”.
Ông già tần ngần nhìn ta một lúc, nhảy lại gần ta hỏi: “Vạn Hạnh, ý ngươi bảo Vạn Hạnh thiền sư ở chùa Quỳnh Lâm”.
“Đúng vậy, ông cũng biết ông ấy sao?”
“Đương nhiên biết, có điều ngươi nên suy nghĩ cho kĩ, mặc dù ông ta trị bệnh cũng tạm nhưng chưa chắc đã trị khỏi độc của ngươi”.
Phút chốc cái miệng độc địa của lão lại dập tắt ngọn lửa hy vọng trong lòng ta, thì ra trên cõi đời này có một loại bệnh còn nguy hiểm hơn cả bệnh nan y, chính là bệnh “miệng thối”.
Trưa ngày thứ năm, ông già đi đâu mãi vẫn chưa thấy trở về, ta đang ngồi nướng mấy củ khoai lang thì xào một tiếng gió từ đâu thổi đến làm lửa tắt ngúm, ta quay mình nhìn theo hướng gió thổi nơi ấy một lão bà bạch y xuất hiện như nữ thần thượng ngàn.
Ngũ quan tinh tế, mắt phượng tinh xảo, mũi thẳng môi cong mặc dù mái tóc đã trắng xóa nhưng nét da vẫn căng mịn, đúng là nhan sắc hiếm gặp. Bà ấy ngữ khí lạnh lùng hỏi ta: “Mộc Phong Sinh ở đâu?”.
Ta ngẩn người lắc đầu không biết, ngay lúc đó bà dùng một sợi dây thừng làm từ tơ vàng vung một cái chớp mắt đã trói gọn ta xách đi, còn không quên để lại một bức thư viết bằng kiếm khí trên vách đá, đại khái là hẹn gặp ông già tại Ngọa Sơn Đỉnh.
Châu Thao Giang cách kinh thành một trăm hai mươi dặm lên phía Tây, tiên lão bà bà không đưa ta đi bằng đường bộ mà ngược đường thủy đi lên sau đó mới rẽ sang hướng tây đi thêm một ngày đường.
Đi bè ngao du đối với người trong giang hồ là chuyện hết sức bình thường có khi lại là một cái thú nhưng đối với một đứa trẻ như ta thì cái này quả thực mới mẻ, cho dù trước đây cũng từng nhìn thấy người ta chèo thuyền tuy nhiên tự mình thưởng thức thì chưa có lần nào.
Suốt cả ngày ròng tiên lão bà bà một câu cũng chẳng thèm nói với ta chỉ đến lúc ta vì quá ham vui suýt nữa ngã xuống sông bà ấy mới có chút biến chuyển thái độ. Bà ấy đưa cho ta một chiếc khăn thêu một đôi Hồ Điệp rất đẹp lạnh lùng bảo: “Lau khô người đi đừng để bị cảm, ta không có thời gian lo cho ngươi đâu”.
Tuy bề ngoài bà bà thường tỏ ra lạnh lùng nhưng ta biết bà ấy rất tốt, còn rất quan tâm ta, thi thoảng ta nhìn sang lại bắt gặp ánh mắt trìu mến của bà đang nhìn mình, đến tận đêm ngày thứ hai ta mới may mắn biết được tên thật của tiên lão bà bà là Hồ Điệp.
Trăng treo trên trời vừa xa vừa cô độc, nửa đêm gió lạnh thổi vào khiến ta rùng mình tỉnh dậy, cũng may là tỉnh ngay lúc đó nếu không lúc mở mắt ra nhất định đã đứng bên bờ Hoàng Tuyền cùng đám đầu trâu mặt ngựa rồi. Tiên lão bà bà tay trái cầm kiếm, tay phải dùng dây tằm vàng liên tục đánh về phía ta, tuy ta không học y thuật nhưng nhìn vào đôi mắt vô hồn của bà ta biết nhất định lúc này tâm trí người không được tỉnh táo. Võ công bà cao cường như thế đương nhiên ta không thoát nỗi, chỉ là bị người đánh một trưởng rất đau vào vai trái thổ một vũng huyết nhờ thế mà cảm động Phật Tổ làm cây giá đỡ trên nóc nhà rơi xuống trúng người lão bà khiến người ngất đi, ta cũng thoát kiếp nạn.
Sáng hôm sau tiên lão bà bà không nhớ bất cứ chuyện gì, ta cũng im lặng không nhắc lại nữa.
Chiều tháng sáu hanh hao sắc đỏ, hai hôm nay cơ thể ta vồ cùng kì lạ, sáng nóng như nung trong lò, đến tối lại lạnh giống đêm đông tháng chạp, nhìn gì cũng không muốn ăn, mỗi bước đi đều như giẵm trên hàng ngàn cái đinh sắc nhọn.
Bà bà đứng trên đỉnh Ngọa Sơn nhìn xuống dưới vùng Trung Sơn trong đáy mắt huyết sắc bỗng ngập tràn, mái tóc trắng xóa có lẽ vì suy nghĩ quá nhiều, đau buồn quá nhiều chăng.
Ta ngồi co bên một gốc cây già, đang miên man nghĩ ngợi về điều gì đó xa xôi chợt thấy một bóng nam nhân chậm rãi bước từ cánh rừng tiến lại.
“Hồ Điệp, hai mươi năm rồi nàng cuối cùng cũng phá vỡ trận pháp mà thoát ra được”.
Ông già, ta thầm lẩm nhẩm trong đầu.
Tiên lão bà bà từ từ quay lại, gương mặt vốn sắc sảo lại thêm nụ cười nửa miệng vừa kiều diễm vừa đáng sợ: “Mộc Phong Sinh, ngươi nhớ ta không?”
Câu nói ấy như đánh một đòn đau vào lòng ông già, ta thấy nét mặt người bỗng chốc xạm lại.
Bà bà bất giác cười lớn: “Hai mươi năm qua ta không ngày nào là không ghi hận trong lòng, không ngày nào là không muốn tìm ngươi báo thù”.
Từ khi gặp ông già đến giờ lần đầu ta thấy người nghiêm túc như vậy, có lẽ đối với người mình yêu thương cách đối xử tự nhiên có phần đặc biệt.
“Được, hôm nay ta ở đây, nàng muốn trả thù thế nào thì tùy nàng quyết định” , ông ấy chỉ về phía ta “Đứa trẻ kia không liên quan gì, nàng hãy để nó đi”.
Bà ấy nhìn về phía ta rồi chỉ kiếm về phía ông ấy: “Ngươi nghĩ bản thân còn quyền thương lượng với ta sao?”.
“ Hồ Điệp”.
“ Im đi” _ bà bà hét lên.
Nước mắt chảy xuống chứa đựng bao uất ức: “Ngày Tiểu Uyển chết, trái tim ta vốn đã chết đi một nửa, đám người Thần Y Quán các ngươi lại còn thêm một lần chà đạp ta, nói rằng chính ta đã giết chết con mình. Mộc Phong Sinh, ngươi lúc ấy làm gì, ngươi chẳng làm gì cả”, cười lớn như khóc: “Ta là thê tử của ngươi kia mà, Tiểu Uyển là con của ngươi kia mà, kể từ giây phút ấy ngươi đã giết chết ta rồi”.
Ông già nhìn bà ấy đau đớn quỳ sụp xuống, từ khóe mắt dòng giọt lệ chảy ra chua xót: “Hồ Điệp là ta có lỗi với mẹ con nàng”.
Bà ấy chợt cười tức tưởi: “Ngươi xin lỗi ta ư, ngươi giam ta hai mươi năm rồi bây giờ ngươi xin lỗi ta sao ?”.
Bóng trắng bạch y chớp nhoáng đã xuất hiện trên không, bà bà vung ngang lưỡi kiếm, một đường lấy đi đôi mắt của ông già, kiếm nhuốm máu tươi từng giọt, từng giọt rớt xuống nền đá lạnh.
Ta hét lên: “Ông già”, rồi chập chững lao lại nắm lấy tay ông.
“Bà bà, người đừng hại ông già, ông ấy không phải người xấu”.
Gò má ông giật giật, bàn tay nhuốm máu đẩy ta ra: “Ở đây không có việc của ngươi mau cút đi”.
Ta rất sợ, vừa khóc vừa bám lấy vạt áo trắng của bà: “Bà bà, đừng giết ông ấy. Xin bà đừng giết ông ấy”.
Bà từ trên cao nhìn xuống cũng chỉ là liếc qua một cái rồi nói với Mộc lão: “Con mắt đó của ngươi giữ lại cũng vô dụng, ta lấy đi nó để ngươi cả đời này chỉ có thể ghi nhớ hình ảnh oán hận mà ngươi đã một tay tạo ra”.
Bà đưa kiếm kề sát vào cổ ông già cứa từ từ đến chảy máu: “Ta sẽ để ngươi sống, để ngươi nghe thấy tiếng kêu la thảm thiết của đám tông đồ trong Y Quán, để ngươi cảm nhận nỗi đau đớn khi tất cả những kẻ vô tội kia đều vì ngươi mà chết”.
“Hồ Điệp, nàng định làm gì, dừng lại đi”.
Bà ấy dùng cước đá ông già văng vào một tảng đá, ánh mắt đỏ ngầu: “Dừng lại, ai sẽ trả mạng cho Uyển nhi của ta, ai sẽ trả lại tuổi thanh xuân cho ta”.
Máu chảy từ khoang miệng ông già thành ròng, ông ấy lồm cồm bò dậy: “Không ai hại nàng cả, không ai có lỗi cả”.
Cơn phẫn nộ như dâng đến đỉnh điểm, mũi chân bà xẻ lớp lá khô làm hai, mũi kiếm thẳng đường lao lại phía ông già, chính lúc đó ta không hiểu sao lại có đủ dũng khí mà lao ra ôm chầm lấy bà ấy, chắc lúc đó ta nghĩ mình dù gì cũng sắp chết trượng nghĩa cứu thêm một mạng người thì tậu chút phúc đức cho kiếp sau.
Ta hét thật to: “Bà là người xấu, là kẻ giết người. Lúc trước bà còn định giết cả tôi, có khi chính bà đã tự tay giết chết con mình lắm!”.
Bà ấy lăng ta ra, mũi kiếm từ từ chuyển hướng về phía ta, ánh mắt huyết sắc: “Ngươi vừa nói gì, ngươi dám nói láo, ta giết ngươi”.
Ta dứt khoát vạch áo ra, trên vai trái còn in hằn dấu bàn tay của bà: “Bà coi đi đây là vết thương mà bà đã tạo nên”.
Ánh mắt lão bà từ chỗ suy xét đến giật mình rồi chuyển sang hồi tưởng, phút chốc nét mặt thay đổi như điên loạn, thanh kiếm trên tay rơi xuống đất, bà dùng hai tay ôm lấy đầu điên dại lẩm bẩm: “Không phải ta, ta không giết Uyển nhi, ta không hại ai cả”.
“Hồ Điệp, đừng sợ. Không phải do nàng, không phải do nàng đâu”.
Bà ấy vội vàng vồ lấy ông già giọng điệu yếu ớt: “Phong Sinh, chàng biết đúng không, ta không giết Tiểu Uyển, ta yêu chàng như thế sao có thể hại con của chúng ta”.
Ông ấy không nói gì ôm chắc lấy bà, máu cùng nước mắt hỗn độn hòa vào nhau.
“Không sao cả, giờ ta đã tìm được cách khống chế căn bệnh này rồi. Chúng ta sẽ trở về như xưa được không?”.
“ Bệnh”, nét mặt bà thẩn thờ: “Chàng nói ta có bệnh?”.
Tiên lão bà bà đẩy Mộc lão ra, cái dáng bà ấy liêu xiêu như chết một nửa: “Phong Sinh tại sao chàng không cho ta biết, tại sao chàng để ta sống điên dại thế này. Hai mươi năm qua mục đích sống của ta chỉ là muốn thấy chàng đau đớn, ta sai rồi, đáng lẽ người nên chết là ta”.
Thanh kiếm từ dưới đất bay lên chớp mắt đã nhuốm đỏ.
Nắng đỏ ối, máu đỏ ối, lá vàng rơi, hoa trên cành rụng, cảnh cùng người phút chốc đều hóa thiên cổ. Tóc trắng như mây, váy trắng bồng bềnh chẳng khác nào hồ điệp gãy cánh từ trên không buông mình xuống thảm lá, Mộc lão gào thét điên cuồng cào xới từng lớp đất bò lại chỗ Hồ Điệp bà, nơi ấy máu nóng đang chảy, nước mắt cũng đang chảy. Tay bà run rẩy sờ lên mắt ông, không thể xoa dịu mà chỉ có thể chạm hờ, bà nói trong nghẹn ngào: “Phong Sinh, chàng đau không? Thiếp xin lỗi”.
Ông ấy lắc đầu: “Đừng nói nữa, ta cứu nàng, ta đưa nàng đến Thần Y Quán”.
Bà bà lấy tay chắn ngang miệng ông ấy, hơi thở đứt đoạn: “Nghe thiếp này, giờ thiếp cảm thấy rất thanh bình, thiếp sắp được gặp Uyển nhi của chúng ta rồi, thiếp sẽ cầu xin nó tha thứ cho thiếp, nó rất giống chàng nhất định sẽ không trách thiếp đâu nhỉ?”.
Mộc lão gật đầu, từng giọt máu nóng rớt xuống tay bà: “Uyển nhi rất yêu nàng, nó sẽ không trách nàng”.
“Phong Sinh, chàng có hận thiếp không?”
“Không, ta chỉ hận bản thân mình quá vô dụng. Là ta không cứu được con cũng không cứu được nàng”.
Bàn tay bà vân vê gò má ông: “Từ trước đến giờ chàng đã làm rất tốt rồi… Chỉ là chàng luôn muốn gánh vác một mình nên mọi việc thường không theo ý muốn…khụ..khụ…”.
“Hồ Điệp”, ông cuống quýt.
“Thiếp mệt rồi, yêu hận cả đời người cũng nên kết thúc thôi! Phong Sinh này, hứa với thiếp phải sống thật tốt, thật tốt đươ…”.
Trên đỉnh Ngọa Sơn dáng chiều lồng lộng nhưng giờ phút này đây chỉ còn mình ta là có thể chiêm ngưỡng. Một đoạn nhân duyên kết thúc như vậy vừa khiến người ta hận vừa khiến người ta thương.
Kể từ ngày đó ta theo ông già về Thần Y Quán, mọi người đều coi ta là đệ tử chân truyền của ông mà không hề biết rằng về bản chất ta chỉ là con bệnh mà thôi. Đêm đó, tiên lão bà bà đánh ta một trưởng Băng Phách Đoạn Cốt, nếu bình thường thì nhất định đã chết rồi nhưng trong người ta vốn mang độc Xích Xà, một nóng một lạnh thành thử lại khống chế lẫn nhau. Sư bá Viễn Vô Cầu lúc chẩn bệnh có nói căn bệnh này của ta từ nay về sau khó lòng mà rời khỏi Thần Y Quán được, nếu bỏ đi thì bảy bảy bốn chín ngày nhất định phải trở về không sẽ mất mạng.
Mới đầu ta cũng không rõ lắm, về sau mới biết Thần Y Quán được xây dựng trên long mạch trường sinh của núi Ngọa Sơn, đã thế bốn bên tám hướng đều được bố trí ngũ hành đồ pháp là nơi sinh khí tràn trề, căn bệnh của ta không chỉ cần thuốc thang độc nhất mà đến cả nơi nghĩ dưỡng cũng cần phải độc nhất.