BIG TROUBLE
Tác giả: Dave Barry.
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Big Trouble
của Dave Barry
(Berkley Books Edition 2001)
Bản dịch của Việt An.
***
DÀNH TẶNG MICHELLE
LỜI CẢM ƠN VÀ KHUYẾN CÁO
Tôi xin mở đầu với lời khuyến cáo: Sách này không dành cho các bạn tuổi ô mai. Sở dĩ phải rào trước vậy là bởi qua những thư từ nhận được, tôi biết các sách hài hước và các chuyên mục trên báo của mình được khá nhiều bạn đọc tuổi ô mai theo dõi, và tôi sướng rơn vì điều đó. Duy đây không phải cuốn sách dành cho họ, bởi lẽ một số nhân vật sử dụng Ngôn Ngữ Người Lớn khá nhiều. Nào phải tôi ham hố gì cho các nhân vật thốt ra những “lời vàng ý ngọc” ấy; họ cứ tự biên tự diễn ấy chứ. Một số nhân vật ngang xương vậy đấy.
Và giờ đến phần tri ân:
Trước tiên tôi muốn gửi lời cảm ơn đến biên tập viên của mình ở Putnam, Neil Nyren, người đã khơi mào ý tưởng tôi hãy đặt bút viết một cuốn tiểu thuyết, và làm cho nó mắc cười vào. Neil luôn động viên và trao cho tôi những lời khuyên vàng ngọc, nên tôi du di cho anh chuyện anh đã không hé với tôi nửa lời, ngay từ bước khởi đầu, rằng tôi cần tìm nhân vật và cốt truyện trước cái đã.
Cảm ơn Al Hart, người đại diện đã hết mình cổ võ tôi xông pha vào lĩnh vực hư cấu. Tôi lúc nào cũng lắng nghe Al, người đã bình tĩnh lèo lái con thuyền văn chương của tôi qua bao cuồng phong bão vũ, với một tay giữ chắc bánh lái và tay còn lại giữ chắc chai bia.
Tôi rất may mắn khi có được những bạn hữu tiểu thuyết gia tuyệt vời, những người đã hào phóng sẻ chia sự thông thái của họ với tôi vào những ngày đầu tôi viết cuốn sách này, và ngộ ra mình hoàn toàn mù tịt về cốt truyện. Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Carl Hiaasen, một bậc thầy của thể loại mà tôi đã thử sức – thể loại Một Đám Khùng ở Nam Folrida – cũng như với Stephen King, Elmore Leonard, Paul Levine, Ridley Pearson, và Les Standiford. Nhìn chung thì tất thảy họ đều khuyên tôi đừng quá lo nghĩ về cốt truyện khi mới khởi sự viết, ngoại trừ Ridley, một con người siêu lập trình và đã biết trước mình sẽ có gì cho bữa điểm tâm vào ngày 12 tháng Năm, năm 2011 (trà và bánh nướng xốp kiểu Anh, không bơ). Tôi cũng cảm ơn Jeff Arch vì những dòng động viên quí báu của anh, dù có những từ bằng tiếng Yiddish tôi chịu không hiểu được.
Cảm ơn người trợ lý nghiên cứu tuyệt vời ông mặt trời của tôi, Judi Smith. Cứ ba hồi là tôi lại nhấc máy điện cho nàng và hỏi nàng những câu kiểu như, “Bình thường một trái dừa Tahiti chứa bao nhiêu sữa vậy cô?” Và nội mười phút thôi, bằng cách nào đó nàng đã liên lạc được với cơ quan có thẩm quyền tối thượng với những trái dừa Tahiti, và nàng sẽ điện cho tôi với cả ram giấy thông tin hờm sẵn, và tôi sẽ nói, “Ai dà, hóa ra tôi chẳng hề cần đến mấy thứ ấy,” vậy mà nàng lại chẳng giận bao giờ mới hay.
Cảm ơn Luis Albuerne và Bobby D’Angelo, những người đã cho tôi các tư liệu hữu ích về nghiệp vụ cảnh sát và phi cơ chiến đấu, theo thứ tự đề cập. Sợ tôi đã hiểu sai hết về chúng hết trơn quá, nhưng đấy không phải lỗi của họ nghen.
Sau cùng, cảm ơn tất cả quý bạn đã ủng hộ tôi suốt bao năm qua nhờ việc đọc các mục báo và sách của tôi, cũng như quý bạn lúc này đây (trừ các bạn tuổi ô mai) đang theo tôi bước vào Địa Hạt của Hư Cấu. Hi vọng bạn thấy vui khi đọc nó cũng nhiều như tôi thấy vui khi viết nó vậy. Ý tôi là, khi tôi đã tìm ra cốt truyện rồi ấy.
ĐẠI RẮC RỐI
MỘT
Puggy giữ được việc làm ở quán Bar và Thịt Nướng Jolly Jackal, một quán có gì chứ không có thịt nướng, đã ngót nghét ba tuần. Nếu coi lao động là vinh quang thì đây ắt là vinh hiển đầu tiên trong đời Puggy. Kì thực, sau quãng đời lang bạt kỳ hồ với nghiệp hành khất bán chuyên, nó đang cân nhắc ý định cắm rễ ở Miami, dừng bước giang hồ, xa hơn là tìm lấy một nơi trong nhà nào đó để ngủ nghê. Dù nó rất ưng cái cây của mình.
Puggy ưng mọi thứ ở Miami. Nó ưng tiết trời ấm áp. Nó ưng việc cảnh sát ở đây tỏ ra quảng đại bất ngờ với hạng người như nó – hạng người mà, chỉ bằng sự hiện diện trên đời, đã có khuynh hướng chà đạp lên các phép tắc mà những công dân mẫu mực chẳng ai nghĩ tới, như chuyện cứ ngồi đồng ở đâu đó mà không mua sắm gì, chẳng hạn. Thái độ của các thầy chú ở đây lại dễ chịu lạ, kiểu như: ầy, đằng ấy cứ ngồi thoải mái, miễn đừng bắn ai là được rồi.
Puggy còn khoái chuyện ở Miami, bạn tha hồ nghe thiên hạ kháo tiếng Tây Ban Nha mệt nghỉ. Nó khiến Puggy có cảm giác như đang sống ở nước ngoài, ước nguyện của đời nó. Dù cho lần duy nhất nó đặt chân ra khỏi biên giới, vào bốn năm trước sau một cuối tuần thất điên bát đảo khởi sự từ Buffalo, nó đã bị giam giữ trong thời gian ngắn vì tội tiểu bậy ở bảo tàng Ripley's Believe It or Not.
Kể cũng ngộ, Puggy chưa từng ve vuốt ý định đến Miami. Nó đã rời chốn nương náu cho dân bụi đời ở Cleveland, rồi cứ rong ruổi về nam theo lối vẫy xe đi nhờ, như một loài chim di trú tìm nơi ấm áp để sống qua mùa đông. Run rủi thế nào, bác tài bốc nó lên xe đang thẳng đường tới Hải Cảng Miami, ngay trung tâm thành phố.
Chưa chi đã thấy hạp phong thủy, Puggy đến vào đúng ngày bầu cử. Lang thang trên đường độ một giờ thì bất chợt một chiếc xe van ghé lại bên nó. Gã lái xe xổ một tràng tiếng Tây Ban Nha đoạn phe phẩy tờ mười đô trước mặt Puggy. Nghĩ bụng gã này muốn làm cuốc thổi kèn, Puggy bèn lắc đầu: "Hổng hứng." Thế là gã đổi cái rẹt sang tiếng Anh, cắt nghĩa chuyện nó cần làm để lấy được mười đô, là đi bầu cử.
"Ủa, tui đâu phải dân ở đây," Puggy nói.
"Dân đâu mà chả được," gã nói.
Puggy chịu liền, hồ hởi tót vào chiếc xe van. Trên đường tới điểm bỏ phiếu, gã lái xe đón thêm bảy cử tri nữa, toàn mày râu, vài cha còn sực nức mùi dầu thơm. Tới điểm bỏ phiếu, cả bọn lò dò bước vô và làm theo răm rắp những gì gã lái xe đã dặn từ trước. Đám công chức phòng phiếu ngó bộ chẳng màng gì tới chuyện đó.
Đến lượt bỏ phiếu của Puggy, nó trọ trẹ đọc tện mình, như chỉ dẫn từ trước, là Albert Green, nó đọc thành "Albert Gren." Albert Green thật đã quy tiên vào năm 1991, nhưng vẫn đi bầu đều đều ở Miami. Puggy bỏ lá phiếu của mình dưới tên Ô. Green cho một ứng viên thị trưởng tên Carlos gì gì đó, xong ra ngoài và lĩnh mười đô. Chao ôi, mười đô mà in hình như cả bạc triệu trong bàn tay nó.
Tự nào giờ Puggy chưa một lần bình bầu cho bất cứ thứ gì. Nhưng trong cái ngày thần diệu ấy, vi vu trong chiếc van trắng, nó đã bỏ phiếu cho chức thị trưởng Miami bốn lần tại bốn địa điểm khác nhau. Ba lần đầu, mỗi lần nó được mười đô, duy tới lần thứ tư, gã lái xe nói giá bây giờ còn năm đô thôi, Puggy ô kê luôn. Nó nghĩ bụng thành phố Miami đã quá thơm thảo với mình rồi, có phiền chi nếu phải đáp đền nó chút đỉnh.
Puggy bỏ lá phiếu cuối cùng tại một khu vực của Miami có tên là Coconut Grove, cũng là nơi gã lái xe thả nó xuống đường. Nó thích thú ngắm nhìn những hàng cọ, làn nước, những cột buồm đong đưa giữa xanh biếc bầu trời. Cứ như bồng lai tiên cảnh. Puggy thấy lòng phơi phới. Nó được ấm áp này, được ba lăm đô tiền mặt này, cha sanh mẹ đẻ tới giờ Puggy mới trông thấy một số tiền lớn nhường vậy. Nó quyết định đem hết đi uống bia.
Puggy cất công lùng sục một tửu quán tốt, loại trừ ngay kiểu bar cho khách du lịch ở trung tâm Coconut Grove, nơi một cốc bia có giá năm đô, mắc quá, ngay cả với người vừa kiếm được mười đô cho một lần bỏ phiếu như Puggy. Và rồi, sau một hồi xàng xê cùng khắp vùng ngoại vi xơ xác của Coconut Grove, Puggy thấy mình đang lững thững bước vào Bar và Thịt Nướng Jolly Jackal.
Jolly Jackal không phải một cơ sở khang trang. Nói cho ngay, nó cần bỏ vài nghìn đô để tu tạo mặc may mới đạt tới tầm của một quán cùi bắp. Biển đèn nê-ông chỗ cửa sổ đã tạch quá nửa, nên chỉ còn sáng lên mỗi chữ “ACKAL.” Từ cửa bước vô, hiện lên qua ánh sáng lờ nhờ là cái nhà cầu khuyết cửa mấy năm nay của bổn tiệm, kể từ cái bận một vị khách quen, tức mình vì xoay nắm cửa mãi không ăn thua, đã công phá nó bằng cái bình chữa cháy. Quầy bar tối hù ngầy ngật mùi ôi thiu của bia cũ. TV đang chiếu đua xe mô tô. Và loằng ngoằng chi chít trên tường là những tên người và các hình vẽ cơ quan sinh dục thô lậu. Puggy có cảm giác như được về nhà.
Nó ngồi xuống cạnh quầy bar trống trơn, trừ một gã râu xồm ngồi cuối quầy đang tán dóc với tay bán bar, không phải bằng tiếng Anh mà Puggy nghe cũng chẳng ra tiếng Tây Ban Nha. Tay bán bar là một gã mặt bư với thân hình hộ pháp, hắn liếc xéo Puggy song không tiến lại.
“Lấy tui chai Budweiser nhen,” Puggy nói.
“Có tiền không đó?” gã bartender hỏi.
Puggy không cảm thấy bị xúc phạm. Nó biết mình trông như kẻ không xu dính túi. Mà bình thường thì đúng vậy thật.
“Có chớ,” nó nói và dốc hết lên mặt quầy, ba tờ mười và một tờ năm. Gã bán bar làm thinh, khui nắp một chai cổ dài rồi để trước mặt Puggy. Hắn nhón lấy tờ năm đô của Puggy rồi thối lại ba đô rưỡi. Xong xuôi, hắn quay lại chỗ gã râu rậm, hai thằng xí xa xí xồ gì đó rồi cùng cười lên ha hả.
Puggy chẳng bận tâm. Nó đang nhẩm tính, coi với giá một đô rưỡi một chai thì kêu được nhiêu chai hết. Nó không xác định được con số cụ thể, nhưng chắc nhiều. Hơn chục chai là có. Còn dư thì lấy vài gói Slim Jims, nếu ở đây có bán.
Tu đến chai thứ tư thì Puggy thấy có hai thằng lom dom bước vào quán, một thằng là Snake, mặc áo thun in chữ Cá Sấu Mỹ, thằng kia là Eddie, mặc áo thun in chữ Đừng Nhờn Với Dick. Hai thằng đều mặc quần jean rách rưới, mấy bàn chân dận dép lào đóng sình đất đen thui, nên nhìn như thể chúng đang mang tất.
Snake và Eddie tự xưng là những ngư dân, duy tụi nó chẳng đánh tôm đánh cá gì ráo. Song quả thực chúng có lưu trú trên một chiếc thuyền; một thứ đồ lạc xoong bị chủ nhân hợp pháp của nó vứt đi bởi động cơ đã đi tong, và nó sẽ chìm ngay nếu bị xê dịch. Thu nhập hiện thời của Snake và Eddie trông cả vào việc lởn vởn ở mấy bãi đỗ xe khu Coconut Grove, canh me chiếc ô tô du lịch nào trờ tới là xáp vô, mau mắn hướng dẫn tài xế đỗ xe, khoa tay khí thế như thể đó là những ám hiệu phức tạp cần phải được thực hiện tuyệt đối chính xác, như hạ cánh tàu con thoi không bằng. Đoạn Snake và Eddie sẽ xán lại các du khách, xun xoe chờ tiền típ, thứ mà họ lúc nào cũng xì ra cho tụi nó, nhất là vào những lúc tối trời.
Puggy đoán Snake và Eddie là khách quen ở Jolly Jackal, bởi bọn chúng vừa mò vào là gã bán bar đã sấn sổ tiến tới, chỉ tay ra cửa, nói: “Cút! Tao đã cảnh cáo bây rồi! Cút!”
“Không, không, ông bạn, không,” Eddie giơ hai tay lên trước ngực, ra điệu đến trong hòa bình. “Gì mà căng thế, tụi này chỉ muốn giải khát thôi mà. Tiền có đây chớ không đâu.” Đoạn nó dò dẫm trong cái quần soóc rách bem, moi ra mấy đồng một phần tư đô, mấy đồng cắc và xu, thả rỏn rẻng lên quầy bar.
Gã bartender lừ mắt nhìn đống bạc, không ừ hử gì.
“OK?” Eddie nói, rục rịch đặt đít xuống cạnh quầy bar, cách Puggy một ghế về phía tay mặt. “OK,” nó lặp lại, yên chí gã bartender sẽ cho tụi nó ở lại. Snake ngồi xuống cái ghế bên tay mặt Eddie. Eddie trỏ vào mớ xu và nói, “Tụi tui uống hết chỗ này.”
Gã bartender lẳng lặng kiểm tiền, vuốt những đồng bạc trên quầy vào bàn tay. Hắn quày quả lấy ra hai ly thủy tinh và làm đầy chúng với một thứ chất lỏng trong suốt rót từ một cái chai không nhãn mác, xong việc hắn trở lại chỗ gã râu xồm.
“Chó đẻ,” Eddie bình phẩm, chỉ vừa đủ để Snake nghe.
Sau khi xác định tình hình không đòi hỏi phải lánh nạn gấp, Puggy tiếp tục với chương trình đua xe bán tải trên TV. Puggy chưa bao giờ coi đó là một môn thể thao, nhưng chính sách của nó với TV là: TV chiếu cái gì nó coi cái đó.
Chừng hai mươi phút sau thì nó nhổm dậy tính đi tè. Nó nhặt chỗ giấy bạc của mình lên, phát hiện vài tờ đã không cánh mà bay. Nó không biết đích xác bao nhiêu, nhưng ít nhất phải mười đô.
Puggy đưa mắt sang phải. Eddie và Snake đang nhìn châm bẫm vào TV, coi bộ nhập tâm lắm, làm quá nó đang chiếu phụ nữ khỏa thân thay vì xe bán tải.
“Ê nè,” Puggy nói.
Eddie và Snake vẫn dí mắt vô màn hình.
“Ê nè,” Puggy lặp lại.
Thằng Snake vẫn ngồi im. Thằng Eddie quay qua, quắc mắt nhìn Puggy.
“Chuyện gì đó, đại ca?” Nó nói.
“Trả tui,” Puggy nói.
“Trả gì?” Eddie nhăn mặt, ra bộ cóc hiểu Puggy đang nói gì, duy nó diễn hơi sâu.
“Tui nói là, trả nó lại cho tui,” Puggy nói.
“Mà trả cái đéo gì mới được chớ?” Eddie gắt. Coi, tới phiên thằng Snake ngóc đầu qua, hai thằng lục tục từ ghế đẩu xoay về phía Puggy.
Bằng kinh nghiệm, Puggy biết điệu này dễ có nguy cơ ôm đầu máu lắm. Nó biết mình nên bấm bụng cho qua. Nó biết chớ, nhưng mà, thiệt tình ... mười đô.
“Tui nói là,” Nó tiếp tục, “trả nó ...”
Quả đấm của thằng Eddie không có sức sát thương mấy, bởi vẫn còn một ghế ngăn ở giữa, và nó chỉ trúng vào vai Puggy. Song cú ngã sau đó mới làm Puggy đau thấy mồ nội. Thôi xong, thằng Snake nhập cuộc: từ sau lưng Eddie nó vòng qua với bàn chân xỏ dép lào dậm huỳnh huỵch, cố nhắm vào mặt Puggy. Puggy thu tròn người lại, áp mặt vào chỗ tiếp giáp giữa quầy bar với sàn nhà, không có ý kháng cự, chỉ gắng chờ cho bão tố qua đi. Cái sàn nhà có mùi như một bãi nôn.
Vừa lúc thằng Snake đang co cẳng lên trong nỗ lự thứ tư để dậm vào mặt Puggy, thì một tiếng “bong” chát chúa vang lên, Snake “á” lên một tiếng rồi đổ gục xuống sàn nhà. Ra gã bán bar vừa phang vào đầu nó bằng cái gậy bóng chày bằng nhôm. Đã chơi bóng chày bao giờ đâu, song cú vụt vừa rồi của hắn đâu thua gì tuyển thủ! Hắn ưa dùng chày nhôm hơn, bởi mấy cái bằng gỗ hay gãy quá, thay hoài mắc mệt.
Snake nằm ngay đơ kể như yên, gã bán bar quay sang thằng Eddie, kẻ đang vừa lùi về phía cửa vừa đưa hai tay lên, bật lại chế độ sứ giả hòa bình.
“Ông anh,” Eddie lắp bắp, “Có phải vấn đề của ông đâu nào.”
“TỤI BAY chính là vấn đề,” gã bartender nồ, nhứ tới một bước. Rõ ràng hắn đang chờ Eddie bỏ chạy, ngặt nỗi thằng này không tính chạy. Bởi lẽ Eddie đã nhác thấy Snake – cái thằng rất có khiếu trong chuyện đập đầu người khác – đang lom khom gượng dậy từ sau lưng gã bartender, tay quơ lấy một chai bia của Puggy. Gã bán bar đâu có mắt sau lưng mà thấy được chuyện đó, nhưng Puggy thì có thấy, và chả hiểu nguyên do nào xui khiến, đến giờ cũng không, nó nhoài người đến vung chân trái quét một cú chí mạng vào chân phải Snake, chỗ ngay trên mắt cá chân nó. Một tiếng “rắc” rùng rợn vang lên, Snake rú lên thảm thiết và một lần nữa đọ sàn, chai bia rơi khỏi tay lăn lông lốc. Gã bán bar quay lại - thấy Snake đang quằn quại trên sàn, quay lại nữa - thấy Eddie đang quáng quàng chạy khỏi cửa, quay lại nữa - chuẩn bị xử lý Snake. Hắn khom người tới trước, hai bàn tay nắm cái chày đang cầm xẻng, thục một phát vào mạng sườn Snake.
“Cút ngay!” Hắn nói.
“Nó phang gãy chân tao rồi!” Snake léo nhéo.
“Còn tao, tao phang nát gáo mày luôn,” Dứt lời gã bán bar siết chặt đầu chày, vụt một cú phong long, chờ đợi.
“OK OK OK,” Snake đáp lia. Bám vào cái ghế đẩu để lấy điểm tựa, mắt vẫn nhìn chừng gã bán bar, nó gượng dậy rồi tập tễnh bước về phía cửa. Chặp ra đến ngưỡng cửa, nó quay lại chỉ tay vào Puggy, kẻ bấy giờ vẫn còn xãi lai dưới quầy bar.
“Liệu hồn mày nghen,” Snake gầm gừ, “tao mà thấy cái mặt mày là tao giết.” Đoạn nó đẩy cửa, đi cà nhắc ra ngoài. Puggy thấy trời đã sập tối.
Gã bán bar chờ thằng Snake đi khuất rồi quay sang Puggy.
“Mày, cút luôn cho tao,” hắn nói.
“Anh này,” Puggy lắp bắp phân bua, “Tui ...”
“Cút,” hắn lại vụt hờ cái chày.
Puggy nhổm dậy, mới hay đã tè luôn ra quần. Nó ngó lên quầy bar. Rồi xong, số tiền bầu cử của nó đã biến mất, sạch banh! Thằng Eddie ắt đã hốt hết trong lúc thằng Snake thực hiện màn dậm chân dậm cẳng kia, trật đường nào nữa.
“Trời hỡi,” Puggy than thở.
“Còn chưa đi nữa?” gã bartender giục.
Puggy đang thất thểu bước về phía cửa thì thốt nhiên, từ cuối quầy bar, gã râu xồm, kẻ đã theo dõi từ đầu chí cuối trận ẩu đả, ề à cất giọng bằng tiếng Anh: “Chú cứ ở lại chơi.”
Gã bán bar liếc mắt sang gã râu xồm, khẽ nhún vai và nới lỏng cái chày.
Puggy rầu rĩ nói, “Tui nhẵn túi rồi. Tụi nó lấy hết rồi.”
Gã râu xồm phất tay, “OK mà. Quán đãi.”
Nghe vậy Puggy nhỏn nhoẻn cười, “OK.”
Chặp đang tu đến chai bia miễn phí thứ hai, lòng lại hoan hỉ với cách mọi sự diễn ra trong ngày hôm nay, trừ chuyện tè ra quần, thì Puggy lại nghe tiếng cửa xịch mở. Giật bắn người, nó đoán thằng Snake đang trở lại để giết mình, song đó lại là một gã vận com-lê, tay xách cặp táp. Gã com-lê thủng thỉnh đi đến cuối quầy bar và khởi sự trao đổi với hai gã kia bằng tiếng nước ngoài. Chợt gã râu rậm cất tiếng gọi Puggy.
“Ê, muốn kiếm năm đô không?”
“Muốn chớ,” Puggy đáp. Một đô thị đáng sống làm sao, Miami.
Hóa ra công việc là khuân một thùng gỗ ra khỏi cốp xe của con Mẹc đang đỗ ngoài quán. Cái thùng nặng trời thần, nhưng Râu xồm và Com-lê chỉ lấy mắt ngó. Puggy và gã bán bar hai thằng hì hục khuân thùng vào nhà, qua quầy bar, qua cái nhà cầu, men theo hành lang đến một gian phòng mà gã râu xồm lày quày một chặp mới mở được, bởi có đến ba ổ khóa. Gian phòng lớn hơn Puggy tưởng, và có ba thùng gỗ nữa với kích cỡ khác nhau ở đó. Bọn nó đặt cái thùng xuống rồi trở ra ngoài. Gã râu xồm khóa cửa, rồi móc ra năm đô đưa cho Puggy.
“Coi vậy mà khỏe gớm nhỉ,” gã tấm tắc.
“Hình như vậy,” Puggy đáp. Mà đúng vậy thật, dù không nhiều người nhận ra điều đó, nó tuy lùn nhưng khỏe như trâu.
“Mai ghé quán hen,” gã râu xồm nói. “Có thể anh lại có việc cho chú.”
Và đó là ngày công đầu tiên của Puggy ở Jolly Jackal. Nó luôn đến vào buổi chiều và ở lại cho đến khi Leo (tên gã bán bar) hoặc John (tên gã râu rậm) cho nó về nghỉ. Những hôm không có việc, họ vẫn để nó ở lại quán ngồi chơi không. Khi cần nó lao động, đó luôn là việc khuân vác những cái thùng gỗ - lúc thì từ con Mẹc vô phòng; lúc thì từ phòng ra con Mẹc. Cứ mỗi lần xong việc, John lại đưa nó năm đô. Một lần, Puggy buột miệng hỏi có gì bên trong mấy cái thùng đó vậy. John đáp gọn lỏn: “Đồ nghề.”
Phần lớn thì giờ, Puggy ngồi coi TV và uống bia, Leo không bao giờ tính tiền chỗ bia đó. Ta nói cứ như một giấc mơ vậy. Puggy mà biết có kiểu công việc như này, nó đã đi làm từ đời tám hoánh rồi.
Về đêm, khi họ cho nó lui, nó lại cu ky lầm lũi trở về cái cây của mình. Nó đã tìm thấy cái cây này vào đêm thứ ba ở Coconut Grove. Hai đêm đầu nó ngủ chỗ công viên cạnh bờ biển, bị bọn kiến ác độc nào đó cắn bầm mình bầm mẩy. Chưa hết, vào đêm thứ hai, từ xa xa nó thấy bóng dáng cô hồn của Eddie và Snake tiến về chỗ neo đậu cái xuồng ba lá của tụi nó. Thằng Snake vẫn bước tập tễnh.
Thành thử Puggy phải tìm một nơi lưu trú khác. Nó khám phá ra, chỉ cần bách bộ một quãng ngắn ở Coconut Grove, bạn đã lọt thỏm trong một khu dân cư hoàn toàn khác, khu của người giàu, với những ngôi nhà uy nghi bề thế bao bọc bởi tường cao, và cổng vào đóng mở bởi máy móc. Cây cối nhiều đến hoa cả mắt, những cái cây đồ sộ cầu kỳ với rễ tua tủa như những xúc tu, dây leo chằng chịt, và các cành cây như những cánh tay dài ngoằng vươn ra tận đường phố. Puggy ngỡ như đang lạc trong rừng rậm.
Nó tìm được một cái cây hoàn hảo để tá túc. Lừng lững sau bức tường của một nhà giàu, ngăn cách giữa cái cây và ngôi nhà là một khoảng sân vườn rộng lớn um tùm, nên sự riêng tư nhờ đó được bảo đảm. Puggy tiếp cận cái cây bằng cách leo qua bức tường; nó là một tay leo trèo bẩm sinh, kể cả sau khi đã nốc bia ứ hự. Ở độ cao sáu mét so với mặt đất, tại nơi mà ba cành to gộc trổ ra từ thân cây, có một sàn gỗ ọp ẹp đóng đầy rêu mà nhiều năm trước từng là nhà trên cây của tụi con nít. Puggy sửa sang tệ xá với vài mảnh cạc tông xếp lên sàn gỗ, và một tấm nhựa dẻo lấy từ công trường, phòng khi trời mưa còn có cái đắp. Đôi khi nó nghe thoang thoáng tiếng người nói chuyện trong nhà, nhưng dù có là ai, họ cũng không khi nào léo hánh đến chỗ cuối sân này.
Vào đêm khuya, luôn có tiếng nhạc vọng ra từ phía cuối ngôi nhà. Nghe như một tiếng sáo êm dịu len lỏi qua cánh rừng để đến với Puggy. Nó thích nằm dài và lắng nghe tiếng nhạc ấy. Lòng dạt dào hoan hỉ với cách mọi sự đang diễn ra, với công việc và với cái cây của nó. Đó là sự tồn tại an toàn nhất, quy củ nhất, êm lắng nhất mà nó từng được nếm trải. Cảnh đời an yên đó kéo dài xấp xỉ ba tuần.
“Tôi NHÌN LÒI MẮT cái quảng cáo này,” Khách Hàng Âm Binh Phì Lũ nói, “cóc thấy Bia Đầu Búa ở đâu hết.”
Eliot Arnold, thuộc phòng Quảng Cáo và Quan Hệ Công Chúng Eliot Arnold (nhân sự chỉ độc nhất Eliot Arnold), gật đầu với vẻ trầm ngâm, như thể cho rằng quan điểm Khách Hàng Âm Binh vừa nêu cũng có lý. Sự thực Eliot đang thấy may vì mình thuộc nhóm thiểu số ở Miami không bọc sẵn súng đạn theo người, bởi ngay lúc này anh chỉ muốn nổ vài phát vô cái thằng Khách Hàng Âm Binh này, ngay cái trán mập láng vo của nó.
Những lúc như lúc này – và không hiếm gì những lúc như lúc này – Eliot lại tự vấn lòng: phải chăng mình đã quá bốc đồng, chuyện chia tay nghề báo ấy? Mà cái cách anh chia tay thiệt hổng giống ai - vung chân đạp xuyên máy tính của thư ký tòa soạn. Quả thực anh đã thiêu rụi một cây cầu ở đó.
Eliot đã dành hăm mốt năm đời mình cho nghề báo. Dự định của anh sau khi ra trường là đấu tranh cho Công Lý, với vốn liếng là kỹ năng Anh Ngữ của mình để tìm và diệt tham nhũng. Anh tìm được việc tại một nhật báo nhỏ, lãnh phận sự viết cáo phó và ghi lại diễn biến các buổi họp thành phố, nơi các quan chức dân cử sở tại cùng các tư vấn viên kỹ thuật thao thao bất tuyệt hàng giờ về đường kính cần thiết cho loại ống cống mới. Eliot vừa dỏng tai nghe, vừa chúi mặt vào cuốn sổ tay nhà báo có gáy lò xo và hình bìa nhí nhố, đồ rằng tham nhũng ắt đang diễn ra ở đâu đây, song phải khởi sự truy lùng từ đâu thì anh mù tịt.
Đến khi trở thành ký giả của một tờ báo đô thị tầm cỡ, anh đã xếp xó ý định lùng diệt này kia và xây được chỗ đứng dễ chịu với việc viết truyện phóng sự, thứ mà hóa ra anh rất mát tay. Xuân Hạ Thu Đông, anh viết lách quần quật như thợ hồ đắp gạch. Thường toàn về những thứ mà các sếp ở tòa soạn, bằng giọng điệu bố đời, gọi là những câu chuyện “đặc tuyển.” Phóng sự văn học là thể loại họ cổ súy mạnh, những câu chuyên với lu bù người thật việc thật, được viết theo nhóm, đăng thành năm hoặc sáu kỳ với nhan đề không bao giờ thiếu từ “khủng hoảng”. Này “Khủng hoảng trong các gia đình,” này “Khủng hoảng trong các trường học,” “Khủng hoảng nguồn nước,” muôn trùng khủng hoảng. Những loạt bài này rất được o bế và thường ăn giải ở các cuộc thi báo chí, dù đám thảo dân ở tòa soạn quen gọi chúng là ba cái thứ “cứt trâu”. Duy các sếp thì mê mẩn chúng. Báo chí vận động, họ xướng tên nó như thế. Xu hướng nóng hổi nhất của ngành báo. Làm nên khác biệt! Kết nối với độc giả!
Eliot nghĩ làm gì có độc giả nào để kết nối ngoài mấy cha trong ban giám khảo ra. Ấy thế mà nghiệt thay, những thứ cứt trâu đó đổ xuống đầu anh càng lúc càng nhiều, và chẳng còn mấy thời gian để anh viết nên những câu chuyện mà theo anh sẽ có người muốn đọc.
Niệm khúc cuối đến vào cái ngày anh được gọi lên văn phòng của thư ký tòa soạn, Ken Deeber, kém Eliot bảy tuổi. Eliot nhớ hồi Deeber còn là một phóng viên chịu chỉ định bình thường, vừa ra khỏi lò Princeton. Nó nói chuyện dẻo đeo và phong thái thì lịch duyệt miễn chê. Và trăm lần như một, luôn có một chi tiết sai sự thật thè lè trong mọi thứ nó viết, dù có ngắn đến đâu đi nữa. Duy thằng Deeber không viết nhiều lắm; nó bận tối mắt để đi giăng mạng lưới quan hệ rồi. Deeber thăng tiến với tốc độ của ngư lôi Polaris, vỗ ngực xưng danh là thư ký tòa soạn trẻ nhất trong lịch sử báo chí. Thằng này tôn thờ phóng sự văn học. Đó là lí do nó cho gọi Eddie lên văn phòng.
“Khỏe chứ, Eliot?” Deeber mào đầu. “Hổm rày sao rồi?”
“À,” Eliot nói, “Tôi cũng ...”
“Sở dĩ tôi hỏi vậy,” Deeber ngắt lời, nó hơi đâu đi lo tình hình sức khỏe của Eliot, “là vì John Croton bảo tôi anh chưa nộp bài cho dự án nhà trẻ.”
Nhà trẻ là đống cứt trâu đang triển khai. Nó sẽ trình bày cặn kẽ với độc giả trong năm kỳ với mười bốn biểu đồ màu, ấy là đang có một cuộc khủng hoảng ở các nhà trẻ.
“Ken này,” Eliot nói, “Hình như đã có năm người khác đang làm ...”
“Eliot,” Deeber nghiêm giọng, như một bậc phụ huynh đang răn dạy đứa con ngỗ ngược, “Đó là phần sự của anh mà.”
Phần sự của Eliot là viết một khung báo nêu lên góc nhìn của cộng đồng người Haiti về các nhà trẻ. Debeer tin rằng mọi câu chuyện đều nên chứa đựng mọi góc nhìn của mọi nhóm sắc tộc. Cầm tờ báo trên tay, nó không thực sự đọc gì đâu, nó đếm các nhóm sắc tộc. Lúc nào cũng thấy nó lăng xăng đi phát các tờ giấy nhắc nhớ, kiểu như: Xét câu chuyện ‘cá sấu tấn công người chơi golf ngày một nhiều’ đang rất thức thời và chứa nhiều thông tin bổ ích, tôi kiến nghị nên đưa vào đó góc nhìn của dân Mỹ Latinh. Lí do xe ô tô của Deeber chưa bị gài bom là bởi bọn ký giả dở ẹc về kỹ năng đó.
“Công nhận, tôi đã được phân công,” Eliot nói. “Ngặt là tôi còn đang kẹt câu chuyện ...”
“Câu chuyện bồ nông?” Deeber cười mỉa. Eliot tự hỏi ở Princeton họ có khóa dạy cười mỉa không, bởi thằng Deeber cực xuất chúng khoản đó.
“Ken,” Eliot nói, “đây là câu chuyện tuyệt đỉnh, và không ai khác có nó đâu. Ông cụ này, một cụ già người Cuba ở Key West, ổng huấn luyện bồ nông để...’
“Đánh bom,” Deeber cười khinh bỉ. “Đó là thứ ngu ngốc nhất tôi từng nghe.”
“Ken,” Eliot kiên nhẫn. “Ông già này cháy lắm. Ổng huấn luyện bồ nông để ám sát Castro, dóc làm chó. Ừ thì kế hoạch thất bại, chắc quả bom bị trục trặc hoặc con bồ nông bấn loạn sao ấy, nhưng sự thật cái thứ đó đã nổ tung ngoài một khách sạn ở trung tâm Havana. Các mẩu mảnh của con bồ nông bắn ra, rớt lụi đụi xuống một đoàn du khách Pháp. Và chính phủ Cuba đổ thừa cho biến đổi khí ...”
“Eliot,” Ken phẩy tay, “Tôi không nghĩ chúng ta phục vụ bạn đọc những loại chuyện đó.”
“Nhưng nó có thật,” Eliot hổn hển, máu nóng dồn lên mặt, những muốn chồm dậy thộp cổ thằng Deeber. “Đó là một câu chuyện vĩ đại. Ông cụ đã nói chuyện với tôi, và ổng ...”
“Eliot,” Deeber nói, “Anh có biết dự án nhà trẻ quan trọng thế nào với bạn đọc của ta không? Anh có biết bao nhiêu bạn đọc của ta gửi con trẻ ở nhà trẻ, có biết không?”
Một thoáng im lặng.
“Ken,” Eliot nói, “anh có biết bao nhiêu bạn đọc của ta có lỗ đít không?”
Deeber ậm ừ, “Tôi không thấy có ...”
“Tất cả họ!” Eliot rống lên. “Tất cả họ đều có có lỗ đít!”
Lớp tường kính văn phòng Deeber sức mấy ngăn nổi mấy cái tai hóng hớt trong tòa soạn. Những cái đầu cùng ngoái về chỗ tiếng hét vọng ra.
“Eliot,” Deeber đanh giọng, “Tôi lệnh cho anh, ngay bây giờ ...”
“Làm luôn loạt bài về nó coi sao!” Eliot rống lên. “KHỦNG HOẢNG HẬU MÔN!”
Deeber, ý thức được quần thần đang nhòm ngó, cố nặn ra vẻ mặt nghiêm khắc nhất có thể.
“Eliot,” nó dõng dạc. “Anh làm việc cho tôi. Tôi bảo gì anh làm nấy. Tôi đã giao bài cho anh. Nếu còn muốn làm việc tại tòa soạn này, liệu mà hoàn thành nó và để nó vô đây” – nó chỉ vào cái máy tính bàn – “không xong thì đừng có về nhà đêm nay.”
“Tốt thôi!” Eliot nhún vai, đoạn đứng phắt dậy rồi đùng đùng tiến đến chỗ bàn giấy của Deeber. Deeber hết hồn, lật cập thụt ghế lại, va phải cái tủ credenza sau lưng làm đổ tháo tùm lum mớ bằng khen từ các cuộc thi lều báo.
Eliot nói: “Hay để tao gửi nó qua BÂY GIỜ luôn cho khỏe!”
Dứt lời, anh vung chân trái nhắm thẳng màn hình máy tính của Deeber, đạp một phát. Bàn chân kẹt luôn trong đó, thành thử khi anh cố rút nó ra là nguyên cái màn hình đi theo luôn, đánh rầm xuống nền nhà. Rộ lên trong tòa soạn những tiếng vỗ tay tán thưởng, ngắn ngủi nhưng không kém phần nồng nhiệt.
Trừ lần một thằng nhân viên vận tải say xỉn lái chiếc xe nâng 43 nghìn đô xuống đầm phá Biscayne Bay, chưa ai bị tờ báo sa thải chóng vánh như Eliot. Các đồng nghiệp bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ; Eliot đã trở thành một kẻ sĩ được kính phục trong dư luận giới ký giả toàn quốc. Nhưng cũng khá chắc là tên anh bị liệt vô sổ đen của mọi cơ quan báo chí, nhất là ở Miami. Ngặt nỗi anh muốn ở lại đây để có thể gần bên thằng con trai, Matt, nó hiện ở với vợ cũ của Eliot.
Vậy là Eliot ký giả trở thành Eliot Quảng Cáo và Quan Hệ Công Chúng, hành nghề trong một văn phòng còm hom ở Coconut Grove. Thời kì đầu, Eliot phải loanh quanh sớm tối để năn nỉ thiên hạ làm khách hàng của mình. Sau nhiều năm phấn đấu không ngừng, Eliot có tấn tới chút đỉnh, giờ thì anh sớm tối loanh quanh để năn nỉ thiên hạ trả nợ. Hoặc chuyện đó, hoặc ngồi nghe họ lý giải vì sao công sức của anh không được chấp nhận. Đó chính là điều Khách Hàng Âm Binh đang làm.
Sáng kiến mới đây nhất của Khách Hàng Âm Binh là Bia Đầu Búa, thứ mà lần đầu tiên và duy nhất Eliot nếm thử, anh đã phải khạc ngay lên bàn giấy bởi mùi vị kinh tởm của nó. Bia Đầu Búa là sáng kiến còn tệ hơn cả dự án trước đó của Khách Hàng Âm Binh, một loại công viên chủ đề cho người cao tuổi có tên Răng Giả Phiêu Lưu Ký.
Mà thôi, nói gì nói thằng này lâu lâu cũng chịu trả tiền, vậy nên Eliot đã lọ mọ triển khai một ý tưởng quảng cáo cho thứ bia này. Khách Hàng Âm Binh quan sát nó, và như thường lệ đưa ra lời phê bình rất có tâm.
“Như cái buồi,” hắn nói.
“Ây dà, Bruce,” Eliot nói, “tôi đã cố...”
“Nghe đây,” Khách Hàng Âm Binh ngắt ngang, hắn không tin vào việc để người khác nói hết câu, một khi vẫn còn ý tưởng nào nổi trôi trong đầu mình. “Anh biết triết lí kinh doanh của tôi là gì không?”
Biết chớ, Eliot nhủ thầm. Triết lí kinh doanh của mày là bào tiền từ lão cha giàu sụ của mày và xả nó vào mấy cái ý tưởng tào lao xịt bộp.
“Không, Bruce,” anh ậm ừ, “Triết lí của anh ...”
“Triết lí kinh doanh của tôi,” Khách Hàng Âm Binh dõng dạc, “đó là có rất nhiều người trên thế giới này.”
Để minh họa cho quan điểm, Khách Hàng Âm Binh phác cử chỉ hướng về phía thế giới. Không có động tĩnh gì tiếp theo. Eliot kiên nhẫn chờ đợi phần mở rộng nào đó.
“Chà,” sau cùng Eliot lên tiếng, “hẳn là...”
“Và,” Khách Hàng Âm Binh tiếp tục, hắn đã me đúng lúc Eliot mở miệng để cắt lời, “tất cả bọn họ đều MUỐN gì đó. Anh biết họ muốn gì không?”
“Không,” Eliot đáp. Đối sách của anh là đi với những câu ngắn.
“Họ muốn cảm thấy sướng,” Khách Hàng Âm Binh phán.
Lại im lặng nguy hiểm.
“Ồ,” Eliot nói.
“Anh hiểu tôi muốn nói gì chớ?” Khách Hàng Âm Binh nhìn trừng trừng Eliot.
“Ờ,” Eliot giả lả, “Chắc là ...”
“KHÔNG, ANH ĐẾCH HIỂU TÔI NÓI GÌ ĐÂU!”, Khách Hàng Âm Binh gầm lên, thấy vui trở lại vì đang được dịp bắt nạt một con người đang cần đến tiền của hắn, với hắn đó là thú vui không gì sánh nổi của sự giàu sang. “Bởi tôi đã dâng tận miệng anh cái ý tưởng hoàn hảo cho Bia Đầu Búa. Ý tưởng hoàn hảo! Không phải thứ cứt đái này.” Hắn phẩy tay xì xì, như thể đang đuổi ruồi, vào bản phác thảo mà Eliot đã thức đêm thức hôm để làm. Nó được đính trên một tấm bảng, bức hình cận cảnh một con cá mập đầu búa, với cái mồm há rộng giữa hai nhãn cầu cổ quái nằm cách xa nhau một cách phi lý. Dưới bức hình là hai hàng chữ đen và đậm:
Cá xấu.
Bia ngon.
“Cái quần què gì đây?” Khách Hàng Âm Binh xẵng giọng. “Xấu? Mắc gì có xấu ở đây hả cha?”
“À cái đó,” Eliot chống chế, “Thì tôi dùng phép tương phản ấy mà, nhưng theo hướng hài hước ...”
“Nghe đây,” Khách Hàng Âm Binh nói, với hắn khái niệm về hài hước - hắn có luôn băng video gối đầu giường về nó - là cảnh nửa chân dưới lủng lẳng sắp đứt lìa của Joe Theisman. “Tôi không muốn cái xấu. Xấu không phải cảm giác mà tôi mong chờ. Tôi đã cho anh ý tưởng! Tôi đã cho anh ý tưởng hoàn hảo!”
“Bruce, tôi đã bàn với luật sư về ý tưởng của anh, ổng bảo chúng ta khéo bị kiện sấp mặt vì ...”
“PHÊ VỚI ĐẦU BÚA!” Khách Hàng Âm Binh rống lên, nắm tay tròn vo đeo Rolex nện bụp bụp lên bàn giấy. “Đó chính là ý tưởng!”
Chợt hắn vùng phắt dậy, giang rộng hai cánh tay nung núc để giúp Eliot tiện hình dung. “Anh có một đôi nam nữ trên một chiếc thuyền. Con nhỏ mặc bikini, vú bự, hai đứa đang trên thuyền, và hai đứa đang phê lòi càng. Với bia Đầu Búa! Cảm giác nó mang lại là gì? Là có kẻ sắp sửa được chịch chớ gì nữa! Hậu cảnh là một con cá mập đang bơi quanh! Con nhỏ có vếu to VẬT. Bá cháy bọ chét. Tôi dâng cho anh ý tưởng bá cháy, anh thảy cái xấu cho tôi! Đừng mơ tôi trả đồng nào cho thứ này, gì chứ xấu là đây miễn trả tiền. Đây có thể có cái xấu miễn phí.”
Thì mày là hiện thân của nó mà! Eliot rủa thầm. Điều anh nói là: “OK, tôi sẽ cố gắng ...”
“Đừng! Đừng cố gắng với tôi. Đừng cố gắng. Tôi ghét cố gắng. Cố gắng chỉ dành cho lũ thất bại,” Khách Hàng Âm Binh, người có toàn bộ triết lí sống thuổng từ các quảng cáo của Nike, nói như đang hát. “Để tôi cho anh biết.” Hắn gõ gõ ngón tay lên bàn (đến mấy cái móng tay của hắn trông cũng béo nguậy). “Anh không phải phòng quảng cáo duy nhất ở thành phố này đâu.”
Ông nội cha thằng nào dám quảng cáo cho mày ngoài tao ra nữa, kẻ đã mấy tháng rồi chưa nộp tiền cấp dưỡng, Eliot rủa thầm.
“OK, Bruce,” anh nói.
“Tôi muốn thấy nó VÀO NGÀY MAI,” Khách Hàng Âm Binh nói.
Mình có thể kiếm được súng vào ngày mai, Eliot trù tính. Với cả mấy viên đạn đầu rỗng.
“OK, Bruce,” anh nói.
Chợt điện thoại reo. Eliot nhấc máy.
“Eliot Arnold nghe.” Anh nói.
“Tối con qua lấy xe nha ba,” Matt nói, nó là con trai Eliot và nó mười bảy tuổi, nghĩa là nó quá bận để nói một tiếng chào.
“Chào Nigel!” Eliot nói rổn rảng. “London vui không? Chờ tôi xíu nghen?”
“Nigel?” Matt nói.
“Bruce này,” Eliot nói với Khách Hàng Âm Binh, “Tôi phải tiếp chuyện với một khách hàng ở London về ...”
“Nhớ mai là có cho tôi đó, lần này làm cho đàng hoàng vào,” Khách Hàng Âm Binh nói, đoạn lấy tay hất cánh cửa văn phòng Eliot và thủng thẳng bước ra, chả buồn khép lại. Đoạn từ hành lang – sát ngoài văn phòng kế bên của gã kiểm toán viên luôn càm ràm mỗi lần Eliot bật nhạc – hắn hét vô ông ổng: “NHỚ KIẾM CON NÀO VÚ BỰ NHEN!”
“Cảm ơn đã ghé qua, Bruce!” Eliot nói về phía cánh cửa mở. “Của anh coi như xong rồi đó!” Đoạn anh nói vô ống nghe: “Matt?”
“Ai vú bự vậy ba?” Matt hỏi.
“Ai đâu,” Eliot nói.
“Ủa mà Nigel là ai?”
“Không ai hết, ba phịa ra Nigel để khách hàng khỏi nói mình vì chuyện riêng mà xao lãng đó thôi.”
“Thằng cha vụ bia bọt gì đó đúng không ba?”
“Thì nó chớ ai nữa.”
“Sao ba không tống phứt ổng đi cho rồi?” Matt nói.
“Matt,” Eliot hắng giọng, “con biết là tiền đâu có ở trên ...”
“Vậy ha,” Matt vội cắt lời, nó đâu muốn lãng phí thì giờ không đi học quí báu của mình để nghe giảng đạo, nhất là mấy bài quá nhàm kiểu này, “con mượn xe ba tối nay nha?”
“Chi vậy?” Eliot hỏi.
“Con và Anrew phải đi giết một con nhỏ,” Matt nói.
“OK,” Eliot nói, “làm gì làm nhớ mười rưỡi về trả xe cho ba, và con phải hứa lái cho thật ...”
“OK cám ơn ba,” Matt cúp máy. Một người đàn ông bận rộn.
“... cẩn thận,” Eliot nói, với cái điện thoại lặng câm.
DỌN RỬA XONG XUÔI sau bữa cơm tối, Nina thoái lui về phòng mình - gọi là “không gian của người giúp việc” cho oai, chứ nó chỉ là một gian phòng nhỏ với buồng tắm bé tí. Cô thận trọng khóa cửa lại, đã ba tháng nay cô luôn cảnh giác chuyện cửa nẻo, từ cái bận lão Herk đêm hôm sinh chứng bất tử mò vào phòng cô. Đúng lúc cô đang thay đồ nữa mới nghiệt, trên người chỉ tòn ten hai mảnh đồ lót. Phòng mình mà lão cứ khơi khơi đẩy cửa, bước vô như đúng rồi.
Nói chuyện lúc ấy lão đứng giữa phòng với ly vang đỏ trên tay, miệng cười cười. Nina chụp vội cái áo choàng trên giường, che trước người.
“Ày, không có gì đâu, Nina,” lão trấn an. “Tôi chợt nghĩ cô có muốn làm tí vang thư giãn không thôi ấy mà. Thấy cô làm cực quá, tội nghiệp.”
Nina biết lão quỉ này đâu có tốt bụng sảng vậy. Cô dư biết lão muốn gì qua cái cách lão địa cô, nhất là những khi rượu vào. Lão còn cái tật thích ló vào bếp khi cô chỉ có một mình, tò tò xáp lại gần cô một cách lãng xẹt, rồi chẳng nói chẳng rằng, cứ đứng ì ra đấy mà nhìn cô.
Áp chặt chiếc áo choàng vào người, cô nói, “Dạ thôi, cảm ơn ông, ông Herk. Tôi mệt lắm.”
Lão khép cửa lại, lững thững bước về phía cô. “Thư giãn tí mà,” lão nói, ấp bàn tay lên bờ vai trần của cô, rồi thình lình để nó trôi tuột xuống ngực cô. Bàn tay lão nhèm nhẹp mồ hôi.
Nina thụp người né khỏi bàn tay nhám nhúa, đoạn thụt lui về phía phòng tắm.
“Ông Herk,” cô nói, “Tôi không nghĩ bà Anna sẽ vui khi biết ông đang ở đây đâu.”
Chợt khuôn mặt lão trở nên nghiệt ngã. “Bả ngủ rồi,” lão nói. “Và tôi không tính chạy đi báo cáo bả biết mình ở đây. Cô cũng sẽ không báo cáo chớ, Nina?”
Không, cô sẽ không báo cáo. Bề gì lão cũng là chủ ngôi nhà này, và cô chỉ là phận đầy tớ, và sự hiện diện của cô ở quốc gia này là trái pháp luật, và cô không có nơi nào để nương náu cả.
“Cảm phiền ông,” vừa dứt lời Nina quay phắt người lại, chạy ù vào buồng tắm, dập cửa bấm chốt.
Cái nắm cửa rung lên cành cạch khi lão Herk ra sức vặn nó.
“Nina,” lão xẵng giọng, “ra coi.”
Nina nhìn cái nắm cửa, nín thở. Cảm thấy mồ hôi của lão còn nhơn nhớt trên cơ thể mình, chỗ mà lão sờ cô.
“Nina,” lão tăng âm lượng, “đây là nhà tao, mày làm công cho tao, tao muốn mày bước ra ngay.”
Nina nhìn cái nắm cửa.
“Con giặc cái,” lão rủa.
Nina nghe tiếng thủy tinh vỡ, rồi đến tiếng cánh cửa hành lang bật tung. Cô đợi thêm một lát rồi mở cửa buồng tắm bước ra. Coi, một vết đỏ sẫm lồ lộ chính giữa tấm ga giường, chỗ mà lão đã đổ ly rượu vang xuống. Cái ly thì lão đã giáng cho vỡ vụn trên sàn nhà. Cô bị xước chân khi dọn dẹp các mảnh thủy tinh.
Ngày hôm sau, khi cô bưng cà phê cho lão, với bà Anna ở đó, lão làm mặt tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Duy cô vẫn thấy lão tranh thủ địa mình. Và cô giữ cho cửa phòng luôn khóa. Cô không mê gì lão Herk, song cô cần công việc này. Cô cần kiếm đủ tiền mướn luật sư để có thể trở nên chính danh, và sau đó cô sẽ đưa mẹ và em trai mình đến Mỹ.
Nói chớ làm việc ở đây cũng không đến nỗi nào. Ngôi nhà như một tòa lâu đài, và bà Anna rất tốt bụng, rất dễ thương. Nina không hiểu nổi vì cớ gì lão Herk lại đối xử tàn tệ với một phu nhân cao quí nhường vậy. Nina đã từng nghe lão quát nạt bà, gọi bà bằng những cái tên tục tĩu, làm bà khóc. Nina biết đôi lúc lão còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bà.
Bà Anna đối xử với Nina tốt khỏi nói. Jenny, con gái bà cũng vậy, dù chủ yếu cổ cứ ru rú trong phòng mình, nấu cháo điện thoại, nghe thứ âm nhạc của cổ, thứ mà Nina nghe như tiếng la hét của những con người giận dữ. Cô không mường tượng nổi vì cớ gì người ta lại thích nghe tiếng la hét của đồng loại.
Nina thích nghe tiếng sáo của quê hương cô, qua những cuộn băng cát-xét cô mở bằng cái máy Fisher-Price của Jenny hồi cổ còn nhỏ. Vào buổi đêm, Nina mở cửa sổ phòng (cô không ưa máy điều hòa không khí), tắt đèn và nằm dài xuống giường, thả hồn theo tiếng nhạc. Nó giúp cô cảm thấy bớt cô đơn.
Phía bên kia sân vườn, trong cái cây của nó, chìm đắm trong tiếng nhạc của Nina, Puggy cũng cảm thấy niềm cô độc như dịu dàng hơn.
MATT ĐÓN Andrew lúc 8 giờ 40.
“Em chó lửa đâu mày?” Andrew hỏi.
“Trong cốp xe,” Matt nói. “Ế. Tao khoái bài này.” Nó vặn volume dàn stereo lên hết nấc, bài đang được bật là “Sex Pootie,” của một ban nhạc có tên Seminal Fluids. Lời bài hát như sau:
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Và cứ thế.
“Sex pootie là cái gì vậy?” Andrew hỏi.
“Chứ mày nghĩ nó là cái gì?” Matt khinh khỉnh, dù thực tình nó cũng chả biết sex pootie là cái quái quỉ gì. Nó lảng sang chuyện khác: “Dàn âm thanh này như hạch.” Matt có sự khinh bỉ không hề nhẹ cho bất cứ dàn âm thanh nào không đủ lớn để khiến trâu bò bất tỉnh.
“Sao ông ba mày lại tậu một con Kia nhỉ?” Andrew thắc mắc.
“Bởi ổng bị cù lần chớ sao nữa,” Matt giải thích.
Andrew gật đầu thông cảm. Bởi ba nó cũng là một gã cù lần. Hỏi ra mới biết hầu như cha đứa nào cũng cù lần một cây hết. Matt và Andrew không khỏi kinh ngạc khi thế hệ của tụi nó lại chất đến vậy.
“Hi vọng nhỏ Jenny không thấy cái xe này,” Matt nói.
Jenny là đứa con gái mà tụi nó sắp hạ thủ. Matt nghĩ cô nàng thật quyến rũ. Cô học chung lớp sinh học với nó ở Trung Học Southeast, và nó dành gần hết thì giờ trên lớp để ngắm cô trong khi làm bộ ngó biểu đồ tuyến tụy hay mấy thứ nội tạng khác. Nó đã vặn óc đủ cách để bắt chuyện với cô, song vẫn chưa tìm được phương kế nào khả thi. Nhưng chỉ lát nữa thôi, nó sẽ chính tay hạ sát cô, nó nghĩ điều này có thể phá vỡ được lớp băng.
Matt được chỉ định giết Jenny bởi Evan Hanratty, một nam sinh Trung Học Southeast, người chủ trì phiên bản năm đó của trò Killer. Killer là trò chơi đến hẹn lại lên ở nhiều trường trung học; bị ban giám hiệu các trường kịch liệt lên án và cấm ngặt, nên khỏi nói là tụi học sinh đứa nào chả thích chơi.
Có nhiều phiên bản khác nhau của trò chơi, nhưng chung qui là vầy: Bạn trả cho người chủ trì một khoản tiền (ở trường của Matt là mười đô để trở thành người chơi). Người chủ trì sau đó bí mật tiết lộ với bạn tên của một người chơi khác; và bạn phải đi tìm giết kẻ đó. Cùng lúc, bạn trở thành mục tiêu săn lùng của một kẻ không rõ danh tính khác.
Vào thời điểm được ấn định, trò chơi sẽ chính thức khai màn, và cuộc tàn sát bắt đầu. Sau mỗi vòng, những kẻ sống sót sẽ được giao những mục tiêu mới; cứ thế cho đến khi sát thủ cuối cùng còn sống sót nhận được phần thưởng bằng tiền mặt của người chủ trì.
Các vụ sát nhân được thực hiện bởi súng nước. Để vụ sát nhân được công nhận, bạn phải phun nước vào nạn nhân với sự hiện diện của một nhân chứng – nhưng chỉ một nhân chứng thôi. Nghĩa là gần như không có cửa hạ thủ ở trường, hoặc nơi công cộng như trung tâm mua sắm. Phải đánh lén, đánh du kích, thường thì ngay tại nhà nạn nhân luôn.
Nhiều đứa lôi kéo phụ huynh vào trò này. Nó sẽ nhờ mẹ chở mình đến nhà nạn nhân; rồi phục sẵn trong bụi cây, trong khi bà mẹ điềm nhiên bấm chuông cửa và hỏi nạn nhân có nhà không. Khi nạn nhân mở cửa cũng là lúc sát thủ vọt ra khỏi bụi cây, khai hỏa, à quên, khai thủy khẩu súng.
Matt và hội bạn của nó cho rằng quá đê tiện khi sử dụng mẹ mình để giết ai đó. Tụi nó thích phục kích về đêm hơn, hành động dưới sự chở che của bóng tối, khi bạn có yếu tố bất ngờ, và có khả năng (ai biết được) bắt gặp mục tiêu đang khỏa thân.
Matt đỗ chiếc Kia của bố nó cách nhà Jenny hai con đường. Nó mở cốp xe và lấy ra khẩu SquirtMaster Model 9000, loại đỉnh của dòng súng nước, 33.95 đô ở cửa hàng Toys R Us. Nhìn nó in hệt vũ khí giết người thứ thiệt, chứa tới bốn lít nước; và có thể bắn một tia nước đi xa mười lăm mét.
Matt và Andrew sải những bước dài xuyên qua màn đêm ẩm ướt, đến trước lối vào nhà Jenny. Tụi nó không chạm trán bất cứ ai trừ bọn muỗi; đây là khu đắt đỏ của Coconut Grove, đêm lại là ai ở yên nhà nấy.
Nhà Jenny to phải biết, duy từ đường phố nhìn vào chỉ thấy nó lấp ló sau đám cây lá rậm rịt. Một tường gạch cao hai mét bao quanh tư gia, và án ngữ trước lối vào là một cổng thép cơ giới. Một máy nội đàm được đặt sát bên cổng.
“Kế hoạch ra sao?” Thằng Andrew thì thầm. “Mày có định bấm chuông?”
“Lãng xẹt,” Matt gạt phắt. “Muốn tao nói gì? ‘Chào cô! Con là Matt Arnold, tới để giết Jenny ạ?’ Phải leo tường thôi.”
“Lỡ họ nuôi chó sao mày?” Andrew lo lắng.
“Tao thích chó,” Matt nói, nhưng bụng thì bảo dạ: chết cha, lạy trời họ không nuôi chó.
Hai đứa đi men theo bức tường ra đến mặt sau của tư gia. Tại đó, cạnh một cây lớn, tụi nó tìm được một chỗ gần với bức tường coi bộ cũng dễ leo. Matt đưa khẩu SquirtMaster cho thằng Andrew rồi leo qua tường trước; Andrew liệng khẩu súng qua rồi làm theo Matt. Đột nhập thành công, chúng đứng im một lát, dỏng tai hóng tiếng chó sủa, nhưng chỉ nghe văng vẳng tiếng nhạc sáo. Với Matt dẫn đường, hai thằng rón rén tiến bước về phía ngôi nhà.
Phía trên đó sáu thước, Puggy dõi theo bóng dáng hai kẻ cầm súng mất hút trong đám thực vật um tùm. Vụ gì đây không biết. Đây là cặp đôi có vũ trang thứ hai nó bắt gặp đã leo qua bức tường này, trong nửa giờ qua.
---
Tác giả: Dave Barry.
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Big Trouble
của Dave Barry
(Berkley Books Edition 2001)
Bản dịch của Việt An.
***
DÀNH TẶNG MICHELLE
LỜI CẢM ƠN VÀ KHUYẾN CÁO
Tôi xin mở đầu với lời khuyến cáo: Sách này không dành cho các bạn tuổi ô mai. Sở dĩ phải rào trước vậy là bởi qua những thư từ nhận được, tôi biết các sách hài hước và các chuyên mục trên báo của mình được khá nhiều bạn đọc tuổi ô mai theo dõi, và tôi sướng rơn vì điều đó. Duy đây không phải cuốn sách dành cho họ, bởi lẽ một số nhân vật sử dụng Ngôn Ngữ Người Lớn khá nhiều. Nào phải tôi ham hố gì cho các nhân vật thốt ra những “lời vàng ý ngọc” ấy; họ cứ tự biên tự diễn ấy chứ. Một số nhân vật ngang xương vậy đấy.
Và giờ đến phần tri ân:
Trước tiên tôi muốn gửi lời cảm ơn đến biên tập viên của mình ở Putnam, Neil Nyren, người đã khơi mào ý tưởng tôi hãy đặt bút viết một cuốn tiểu thuyết, và làm cho nó mắc cười vào. Neil luôn động viên và trao cho tôi những lời khuyên vàng ngọc, nên tôi du di cho anh chuyện anh đã không hé với tôi nửa lời, ngay từ bước khởi đầu, rằng tôi cần tìm nhân vật và cốt truyện trước cái đã.
Cảm ơn Al Hart, người đại diện đã hết mình cổ võ tôi xông pha vào lĩnh vực hư cấu. Tôi lúc nào cũng lắng nghe Al, người đã bình tĩnh lèo lái con thuyền văn chương của tôi qua bao cuồng phong bão vũ, với một tay giữ chắc bánh lái và tay còn lại giữ chắc chai bia.
Tôi rất may mắn khi có được những bạn hữu tiểu thuyết gia tuyệt vời, những người đã hào phóng sẻ chia sự thông thái của họ với tôi vào những ngày đầu tôi viết cuốn sách này, và ngộ ra mình hoàn toàn mù tịt về cốt truyện. Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Carl Hiaasen, một bậc thầy của thể loại mà tôi đã thử sức – thể loại Một Đám Khùng ở Nam Folrida – cũng như với Stephen King, Elmore Leonard, Paul Levine, Ridley Pearson, và Les Standiford. Nhìn chung thì tất thảy họ đều khuyên tôi đừng quá lo nghĩ về cốt truyện khi mới khởi sự viết, ngoại trừ Ridley, một con người siêu lập trình và đã biết trước mình sẽ có gì cho bữa điểm tâm vào ngày 12 tháng Năm, năm 2011 (trà và bánh nướng xốp kiểu Anh, không bơ). Tôi cũng cảm ơn Jeff Arch vì những dòng động viên quí báu của anh, dù có những từ bằng tiếng Yiddish tôi chịu không hiểu được.
Cảm ơn người trợ lý nghiên cứu tuyệt vời ông mặt trời của tôi, Judi Smith. Cứ ba hồi là tôi lại nhấc máy điện cho nàng và hỏi nàng những câu kiểu như, “Bình thường một trái dừa Tahiti chứa bao nhiêu sữa vậy cô?” Và nội mười phút thôi, bằng cách nào đó nàng đã liên lạc được với cơ quan có thẩm quyền tối thượng với những trái dừa Tahiti, và nàng sẽ điện cho tôi với cả ram giấy thông tin hờm sẵn, và tôi sẽ nói, “Ai dà, hóa ra tôi chẳng hề cần đến mấy thứ ấy,” vậy mà nàng lại chẳng giận bao giờ mới hay.
Cảm ơn Luis Albuerne và Bobby D’Angelo, những người đã cho tôi các tư liệu hữu ích về nghiệp vụ cảnh sát và phi cơ chiến đấu, theo thứ tự đề cập. Sợ tôi đã hiểu sai hết về chúng hết trơn quá, nhưng đấy không phải lỗi của họ nghen.
Sau cùng, cảm ơn tất cả quý bạn đã ủng hộ tôi suốt bao năm qua nhờ việc đọc các mục báo và sách của tôi, cũng như quý bạn lúc này đây (trừ các bạn tuổi ô mai) đang theo tôi bước vào Địa Hạt của Hư Cấu. Hi vọng bạn thấy vui khi đọc nó cũng nhiều như tôi thấy vui khi viết nó vậy. Ý tôi là, khi tôi đã tìm ra cốt truyện rồi ấy.
ĐẠI RẮC RỐI
MỘT
Puggy giữ được việc làm ở quán Bar và Thịt Nướng Jolly Jackal, một quán có gì chứ không có thịt nướng, đã ngót nghét ba tuần. Nếu coi lao động là vinh quang thì đây ắt là vinh hiển đầu tiên trong đời Puggy. Kì thực, sau quãng đời lang bạt kỳ hồ với nghiệp hành khất bán chuyên, nó đang cân nhắc ý định cắm rễ ở Miami, dừng bước giang hồ, xa hơn là tìm lấy một nơi trong nhà nào đó để ngủ nghê. Dù nó rất ưng cái cây của mình.
Puggy ưng mọi thứ ở Miami. Nó ưng tiết trời ấm áp. Nó ưng việc cảnh sát ở đây tỏ ra quảng đại bất ngờ với hạng người như nó – hạng người mà, chỉ bằng sự hiện diện trên đời, đã có khuynh hướng chà đạp lên các phép tắc mà những công dân mẫu mực chẳng ai nghĩ tới, như chuyện cứ ngồi đồng ở đâu đó mà không mua sắm gì, chẳng hạn. Thái độ của các thầy chú ở đây lại dễ chịu lạ, kiểu như: ầy, đằng ấy cứ ngồi thoải mái, miễn đừng bắn ai là được rồi.
Puggy còn khoái chuyện ở Miami, bạn tha hồ nghe thiên hạ kháo tiếng Tây Ban Nha mệt nghỉ. Nó khiến Puggy có cảm giác như đang sống ở nước ngoài, ước nguyện của đời nó. Dù cho lần duy nhất nó đặt chân ra khỏi biên giới, vào bốn năm trước sau một cuối tuần thất điên bát đảo khởi sự từ Buffalo, nó đã bị giam giữ trong thời gian ngắn vì tội tiểu bậy ở bảo tàng Ripley's Believe It or Not.
Kể cũng ngộ, Puggy chưa từng ve vuốt ý định đến Miami. Nó đã rời chốn nương náu cho dân bụi đời ở Cleveland, rồi cứ rong ruổi về nam theo lối vẫy xe đi nhờ, như một loài chim di trú tìm nơi ấm áp để sống qua mùa đông. Run rủi thế nào, bác tài bốc nó lên xe đang thẳng đường tới Hải Cảng Miami, ngay trung tâm thành phố.
Chưa chi đã thấy hạp phong thủy, Puggy đến vào đúng ngày bầu cử. Lang thang trên đường độ một giờ thì bất chợt một chiếc xe van ghé lại bên nó. Gã lái xe xổ một tràng tiếng Tây Ban Nha đoạn phe phẩy tờ mười đô trước mặt Puggy. Nghĩ bụng gã này muốn làm cuốc thổi kèn, Puggy bèn lắc đầu: "Hổng hứng." Thế là gã đổi cái rẹt sang tiếng Anh, cắt nghĩa chuyện nó cần làm để lấy được mười đô, là đi bầu cử.
"Ủa, tui đâu phải dân ở đây," Puggy nói.
"Dân đâu mà chả được," gã nói.
Puggy chịu liền, hồ hởi tót vào chiếc xe van. Trên đường tới điểm bỏ phiếu, gã lái xe đón thêm bảy cử tri nữa, toàn mày râu, vài cha còn sực nức mùi dầu thơm. Tới điểm bỏ phiếu, cả bọn lò dò bước vô và làm theo răm rắp những gì gã lái xe đã dặn từ trước. Đám công chức phòng phiếu ngó bộ chẳng màng gì tới chuyện đó.
Đến lượt bỏ phiếu của Puggy, nó trọ trẹ đọc tện mình, như chỉ dẫn từ trước, là Albert Green, nó đọc thành "Albert Gren." Albert Green thật đã quy tiên vào năm 1991, nhưng vẫn đi bầu đều đều ở Miami. Puggy bỏ lá phiếu của mình dưới tên Ô. Green cho một ứng viên thị trưởng tên Carlos gì gì đó, xong ra ngoài và lĩnh mười đô. Chao ôi, mười đô mà in hình như cả bạc triệu trong bàn tay nó.
Tự nào giờ Puggy chưa một lần bình bầu cho bất cứ thứ gì. Nhưng trong cái ngày thần diệu ấy, vi vu trong chiếc van trắng, nó đã bỏ phiếu cho chức thị trưởng Miami bốn lần tại bốn địa điểm khác nhau. Ba lần đầu, mỗi lần nó được mười đô, duy tới lần thứ tư, gã lái xe nói giá bây giờ còn năm đô thôi, Puggy ô kê luôn. Nó nghĩ bụng thành phố Miami đã quá thơm thảo với mình rồi, có phiền chi nếu phải đáp đền nó chút đỉnh.
Puggy bỏ lá phiếu cuối cùng tại một khu vực của Miami có tên là Coconut Grove, cũng là nơi gã lái xe thả nó xuống đường. Nó thích thú ngắm nhìn những hàng cọ, làn nước, những cột buồm đong đưa giữa xanh biếc bầu trời. Cứ như bồng lai tiên cảnh. Puggy thấy lòng phơi phới. Nó được ấm áp này, được ba lăm đô tiền mặt này, cha sanh mẹ đẻ tới giờ Puggy mới trông thấy một số tiền lớn nhường vậy. Nó quyết định đem hết đi uống bia.
Puggy cất công lùng sục một tửu quán tốt, loại trừ ngay kiểu bar cho khách du lịch ở trung tâm Coconut Grove, nơi một cốc bia có giá năm đô, mắc quá, ngay cả với người vừa kiếm được mười đô cho một lần bỏ phiếu như Puggy. Và rồi, sau một hồi xàng xê cùng khắp vùng ngoại vi xơ xác của Coconut Grove, Puggy thấy mình đang lững thững bước vào Bar và Thịt Nướng Jolly Jackal.
Jolly Jackal không phải một cơ sở khang trang. Nói cho ngay, nó cần bỏ vài nghìn đô để tu tạo mặc may mới đạt tới tầm của một quán cùi bắp. Biển đèn nê-ông chỗ cửa sổ đã tạch quá nửa, nên chỉ còn sáng lên mỗi chữ “ACKAL.” Từ cửa bước vô, hiện lên qua ánh sáng lờ nhờ là cái nhà cầu khuyết cửa mấy năm nay của bổn tiệm, kể từ cái bận một vị khách quen, tức mình vì xoay nắm cửa mãi không ăn thua, đã công phá nó bằng cái bình chữa cháy. Quầy bar tối hù ngầy ngật mùi ôi thiu của bia cũ. TV đang chiếu đua xe mô tô. Và loằng ngoằng chi chít trên tường là những tên người và các hình vẽ cơ quan sinh dục thô lậu. Puggy có cảm giác như được về nhà.
Nó ngồi xuống cạnh quầy bar trống trơn, trừ một gã râu xồm ngồi cuối quầy đang tán dóc với tay bán bar, không phải bằng tiếng Anh mà Puggy nghe cũng chẳng ra tiếng Tây Ban Nha. Tay bán bar là một gã mặt bư với thân hình hộ pháp, hắn liếc xéo Puggy song không tiến lại.
“Lấy tui chai Budweiser nhen,” Puggy nói.
“Có tiền không đó?” gã bartender hỏi.
Puggy không cảm thấy bị xúc phạm. Nó biết mình trông như kẻ không xu dính túi. Mà bình thường thì đúng vậy thật.
“Có chớ,” nó nói và dốc hết lên mặt quầy, ba tờ mười và một tờ năm. Gã bán bar làm thinh, khui nắp một chai cổ dài rồi để trước mặt Puggy. Hắn nhón lấy tờ năm đô của Puggy rồi thối lại ba đô rưỡi. Xong xuôi, hắn quay lại chỗ gã râu rậm, hai thằng xí xa xí xồ gì đó rồi cùng cười lên ha hả.
Puggy chẳng bận tâm. Nó đang nhẩm tính, coi với giá một đô rưỡi một chai thì kêu được nhiêu chai hết. Nó không xác định được con số cụ thể, nhưng chắc nhiều. Hơn chục chai là có. Còn dư thì lấy vài gói Slim Jims, nếu ở đây có bán.
Tu đến chai thứ tư thì Puggy thấy có hai thằng lom dom bước vào quán, một thằng là Snake, mặc áo thun in chữ Cá Sấu Mỹ, thằng kia là Eddie, mặc áo thun in chữ Đừng Nhờn Với Dick. Hai thằng đều mặc quần jean rách rưới, mấy bàn chân dận dép lào đóng sình đất đen thui, nên nhìn như thể chúng đang mang tất.
Snake và Eddie tự xưng là những ngư dân, duy tụi nó chẳng đánh tôm đánh cá gì ráo. Song quả thực chúng có lưu trú trên một chiếc thuyền; một thứ đồ lạc xoong bị chủ nhân hợp pháp của nó vứt đi bởi động cơ đã đi tong, và nó sẽ chìm ngay nếu bị xê dịch. Thu nhập hiện thời của Snake và Eddie trông cả vào việc lởn vởn ở mấy bãi đỗ xe khu Coconut Grove, canh me chiếc ô tô du lịch nào trờ tới là xáp vô, mau mắn hướng dẫn tài xế đỗ xe, khoa tay khí thế như thể đó là những ám hiệu phức tạp cần phải được thực hiện tuyệt đối chính xác, như hạ cánh tàu con thoi không bằng. Đoạn Snake và Eddie sẽ xán lại các du khách, xun xoe chờ tiền típ, thứ mà họ lúc nào cũng xì ra cho tụi nó, nhất là vào những lúc tối trời.
Puggy đoán Snake và Eddie là khách quen ở Jolly Jackal, bởi bọn chúng vừa mò vào là gã bán bar đã sấn sổ tiến tới, chỉ tay ra cửa, nói: “Cút! Tao đã cảnh cáo bây rồi! Cút!”
“Không, không, ông bạn, không,” Eddie giơ hai tay lên trước ngực, ra điệu đến trong hòa bình. “Gì mà căng thế, tụi này chỉ muốn giải khát thôi mà. Tiền có đây chớ không đâu.” Đoạn nó dò dẫm trong cái quần soóc rách bem, moi ra mấy đồng một phần tư đô, mấy đồng cắc và xu, thả rỏn rẻng lên quầy bar.
Gã bartender lừ mắt nhìn đống bạc, không ừ hử gì.
“OK?” Eddie nói, rục rịch đặt đít xuống cạnh quầy bar, cách Puggy một ghế về phía tay mặt. “OK,” nó lặp lại, yên chí gã bartender sẽ cho tụi nó ở lại. Snake ngồi xuống cái ghế bên tay mặt Eddie. Eddie trỏ vào mớ xu và nói, “Tụi tui uống hết chỗ này.”
Gã bartender lẳng lặng kiểm tiền, vuốt những đồng bạc trên quầy vào bàn tay. Hắn quày quả lấy ra hai ly thủy tinh và làm đầy chúng với một thứ chất lỏng trong suốt rót từ một cái chai không nhãn mác, xong việc hắn trở lại chỗ gã râu xồm.
“Chó đẻ,” Eddie bình phẩm, chỉ vừa đủ để Snake nghe.
Sau khi xác định tình hình không đòi hỏi phải lánh nạn gấp, Puggy tiếp tục với chương trình đua xe bán tải trên TV. Puggy chưa bao giờ coi đó là một môn thể thao, nhưng chính sách của nó với TV là: TV chiếu cái gì nó coi cái đó.
Chừng hai mươi phút sau thì nó nhổm dậy tính đi tè. Nó nhặt chỗ giấy bạc của mình lên, phát hiện vài tờ đã không cánh mà bay. Nó không biết đích xác bao nhiêu, nhưng ít nhất phải mười đô.
Puggy đưa mắt sang phải. Eddie và Snake đang nhìn châm bẫm vào TV, coi bộ nhập tâm lắm, làm quá nó đang chiếu phụ nữ khỏa thân thay vì xe bán tải.
“Ê nè,” Puggy nói.
Eddie và Snake vẫn dí mắt vô màn hình.
“Ê nè,” Puggy lặp lại.
Thằng Snake vẫn ngồi im. Thằng Eddie quay qua, quắc mắt nhìn Puggy.
“Chuyện gì đó, đại ca?” Nó nói.
“Trả tui,” Puggy nói.
“Trả gì?” Eddie nhăn mặt, ra bộ cóc hiểu Puggy đang nói gì, duy nó diễn hơi sâu.
“Tui nói là, trả nó lại cho tui,” Puggy nói.
“Mà trả cái đéo gì mới được chớ?” Eddie gắt. Coi, tới phiên thằng Snake ngóc đầu qua, hai thằng lục tục từ ghế đẩu xoay về phía Puggy.
Bằng kinh nghiệm, Puggy biết điệu này dễ có nguy cơ ôm đầu máu lắm. Nó biết mình nên bấm bụng cho qua. Nó biết chớ, nhưng mà, thiệt tình ... mười đô.
“Tui nói là,” Nó tiếp tục, “trả nó ...”
Quả đấm của thằng Eddie không có sức sát thương mấy, bởi vẫn còn một ghế ngăn ở giữa, và nó chỉ trúng vào vai Puggy. Song cú ngã sau đó mới làm Puggy đau thấy mồ nội. Thôi xong, thằng Snake nhập cuộc: từ sau lưng Eddie nó vòng qua với bàn chân xỏ dép lào dậm huỳnh huỵch, cố nhắm vào mặt Puggy. Puggy thu tròn người lại, áp mặt vào chỗ tiếp giáp giữa quầy bar với sàn nhà, không có ý kháng cự, chỉ gắng chờ cho bão tố qua đi. Cái sàn nhà có mùi như một bãi nôn.
Vừa lúc thằng Snake đang co cẳng lên trong nỗ lự thứ tư để dậm vào mặt Puggy, thì một tiếng “bong” chát chúa vang lên, Snake “á” lên một tiếng rồi đổ gục xuống sàn nhà. Ra gã bán bar vừa phang vào đầu nó bằng cái gậy bóng chày bằng nhôm. Đã chơi bóng chày bao giờ đâu, song cú vụt vừa rồi của hắn đâu thua gì tuyển thủ! Hắn ưa dùng chày nhôm hơn, bởi mấy cái bằng gỗ hay gãy quá, thay hoài mắc mệt.
Snake nằm ngay đơ kể như yên, gã bán bar quay sang thằng Eddie, kẻ đang vừa lùi về phía cửa vừa đưa hai tay lên, bật lại chế độ sứ giả hòa bình.
“Ông anh,” Eddie lắp bắp, “Có phải vấn đề của ông đâu nào.”
“TỤI BAY chính là vấn đề,” gã bartender nồ, nhứ tới một bước. Rõ ràng hắn đang chờ Eddie bỏ chạy, ngặt nỗi thằng này không tính chạy. Bởi lẽ Eddie đã nhác thấy Snake – cái thằng rất có khiếu trong chuyện đập đầu người khác – đang lom khom gượng dậy từ sau lưng gã bartender, tay quơ lấy một chai bia của Puggy. Gã bán bar đâu có mắt sau lưng mà thấy được chuyện đó, nhưng Puggy thì có thấy, và chả hiểu nguyên do nào xui khiến, đến giờ cũng không, nó nhoài người đến vung chân trái quét một cú chí mạng vào chân phải Snake, chỗ ngay trên mắt cá chân nó. Một tiếng “rắc” rùng rợn vang lên, Snake rú lên thảm thiết và một lần nữa đọ sàn, chai bia rơi khỏi tay lăn lông lốc. Gã bán bar quay lại - thấy Snake đang quằn quại trên sàn, quay lại nữa - thấy Eddie đang quáng quàng chạy khỏi cửa, quay lại nữa - chuẩn bị xử lý Snake. Hắn khom người tới trước, hai bàn tay nắm cái chày đang cầm xẻng, thục một phát vào mạng sườn Snake.
“Cút ngay!” Hắn nói.
“Nó phang gãy chân tao rồi!” Snake léo nhéo.
“Còn tao, tao phang nát gáo mày luôn,” Dứt lời gã bán bar siết chặt đầu chày, vụt một cú phong long, chờ đợi.
“OK OK OK,” Snake đáp lia. Bám vào cái ghế đẩu để lấy điểm tựa, mắt vẫn nhìn chừng gã bán bar, nó gượng dậy rồi tập tễnh bước về phía cửa. Chặp ra đến ngưỡng cửa, nó quay lại chỉ tay vào Puggy, kẻ bấy giờ vẫn còn xãi lai dưới quầy bar.
“Liệu hồn mày nghen,” Snake gầm gừ, “tao mà thấy cái mặt mày là tao giết.” Đoạn nó đẩy cửa, đi cà nhắc ra ngoài. Puggy thấy trời đã sập tối.
Gã bán bar chờ thằng Snake đi khuất rồi quay sang Puggy.
“Mày, cút luôn cho tao,” hắn nói.
“Anh này,” Puggy lắp bắp phân bua, “Tui ...”
“Cút,” hắn lại vụt hờ cái chày.
Puggy nhổm dậy, mới hay đã tè luôn ra quần. Nó ngó lên quầy bar. Rồi xong, số tiền bầu cử của nó đã biến mất, sạch banh! Thằng Eddie ắt đã hốt hết trong lúc thằng Snake thực hiện màn dậm chân dậm cẳng kia, trật đường nào nữa.
“Trời hỡi,” Puggy than thở.
“Còn chưa đi nữa?” gã bartender giục.
Puggy đang thất thểu bước về phía cửa thì thốt nhiên, từ cuối quầy bar, gã râu xồm, kẻ đã theo dõi từ đầu chí cuối trận ẩu đả, ề à cất giọng bằng tiếng Anh: “Chú cứ ở lại chơi.”
Gã bán bar liếc mắt sang gã râu xồm, khẽ nhún vai và nới lỏng cái chày.
Puggy rầu rĩ nói, “Tui nhẵn túi rồi. Tụi nó lấy hết rồi.”
Gã râu xồm phất tay, “OK mà. Quán đãi.”
Nghe vậy Puggy nhỏn nhoẻn cười, “OK.”
Chặp đang tu đến chai bia miễn phí thứ hai, lòng lại hoan hỉ với cách mọi sự diễn ra trong ngày hôm nay, trừ chuyện tè ra quần, thì Puggy lại nghe tiếng cửa xịch mở. Giật bắn người, nó đoán thằng Snake đang trở lại để giết mình, song đó lại là một gã vận com-lê, tay xách cặp táp. Gã com-lê thủng thỉnh đi đến cuối quầy bar và khởi sự trao đổi với hai gã kia bằng tiếng nước ngoài. Chợt gã râu rậm cất tiếng gọi Puggy.
“Ê, muốn kiếm năm đô không?”
“Muốn chớ,” Puggy đáp. Một đô thị đáng sống làm sao, Miami.
Hóa ra công việc là khuân một thùng gỗ ra khỏi cốp xe của con Mẹc đang đỗ ngoài quán. Cái thùng nặng trời thần, nhưng Râu xồm và Com-lê chỉ lấy mắt ngó. Puggy và gã bán bar hai thằng hì hục khuân thùng vào nhà, qua quầy bar, qua cái nhà cầu, men theo hành lang đến một gian phòng mà gã râu xồm lày quày một chặp mới mở được, bởi có đến ba ổ khóa. Gian phòng lớn hơn Puggy tưởng, và có ba thùng gỗ nữa với kích cỡ khác nhau ở đó. Bọn nó đặt cái thùng xuống rồi trở ra ngoài. Gã râu xồm khóa cửa, rồi móc ra năm đô đưa cho Puggy.
“Coi vậy mà khỏe gớm nhỉ,” gã tấm tắc.
“Hình như vậy,” Puggy đáp. Mà đúng vậy thật, dù không nhiều người nhận ra điều đó, nó tuy lùn nhưng khỏe như trâu.
“Mai ghé quán hen,” gã râu xồm nói. “Có thể anh lại có việc cho chú.”
Và đó là ngày công đầu tiên của Puggy ở Jolly Jackal. Nó luôn đến vào buổi chiều và ở lại cho đến khi Leo (tên gã bán bar) hoặc John (tên gã râu rậm) cho nó về nghỉ. Những hôm không có việc, họ vẫn để nó ở lại quán ngồi chơi không. Khi cần nó lao động, đó luôn là việc khuân vác những cái thùng gỗ - lúc thì từ con Mẹc vô phòng; lúc thì từ phòng ra con Mẹc. Cứ mỗi lần xong việc, John lại đưa nó năm đô. Một lần, Puggy buột miệng hỏi có gì bên trong mấy cái thùng đó vậy. John đáp gọn lỏn: “Đồ nghề.”
Phần lớn thì giờ, Puggy ngồi coi TV và uống bia, Leo không bao giờ tính tiền chỗ bia đó. Ta nói cứ như một giấc mơ vậy. Puggy mà biết có kiểu công việc như này, nó đã đi làm từ đời tám hoánh rồi.
Về đêm, khi họ cho nó lui, nó lại cu ky lầm lũi trở về cái cây của mình. Nó đã tìm thấy cái cây này vào đêm thứ ba ở Coconut Grove. Hai đêm đầu nó ngủ chỗ công viên cạnh bờ biển, bị bọn kiến ác độc nào đó cắn bầm mình bầm mẩy. Chưa hết, vào đêm thứ hai, từ xa xa nó thấy bóng dáng cô hồn của Eddie và Snake tiến về chỗ neo đậu cái xuồng ba lá của tụi nó. Thằng Snake vẫn bước tập tễnh.
Thành thử Puggy phải tìm một nơi lưu trú khác. Nó khám phá ra, chỉ cần bách bộ một quãng ngắn ở Coconut Grove, bạn đã lọt thỏm trong một khu dân cư hoàn toàn khác, khu của người giàu, với những ngôi nhà uy nghi bề thế bao bọc bởi tường cao, và cổng vào đóng mở bởi máy móc. Cây cối nhiều đến hoa cả mắt, những cái cây đồ sộ cầu kỳ với rễ tua tủa như những xúc tu, dây leo chằng chịt, và các cành cây như những cánh tay dài ngoằng vươn ra tận đường phố. Puggy ngỡ như đang lạc trong rừng rậm.
Nó tìm được một cái cây hoàn hảo để tá túc. Lừng lững sau bức tường của một nhà giàu, ngăn cách giữa cái cây và ngôi nhà là một khoảng sân vườn rộng lớn um tùm, nên sự riêng tư nhờ đó được bảo đảm. Puggy tiếp cận cái cây bằng cách leo qua bức tường; nó là một tay leo trèo bẩm sinh, kể cả sau khi đã nốc bia ứ hự. Ở độ cao sáu mét so với mặt đất, tại nơi mà ba cành to gộc trổ ra từ thân cây, có một sàn gỗ ọp ẹp đóng đầy rêu mà nhiều năm trước từng là nhà trên cây của tụi con nít. Puggy sửa sang tệ xá với vài mảnh cạc tông xếp lên sàn gỗ, và một tấm nhựa dẻo lấy từ công trường, phòng khi trời mưa còn có cái đắp. Đôi khi nó nghe thoang thoáng tiếng người nói chuyện trong nhà, nhưng dù có là ai, họ cũng không khi nào léo hánh đến chỗ cuối sân này.
Vào đêm khuya, luôn có tiếng nhạc vọng ra từ phía cuối ngôi nhà. Nghe như một tiếng sáo êm dịu len lỏi qua cánh rừng để đến với Puggy. Nó thích nằm dài và lắng nghe tiếng nhạc ấy. Lòng dạt dào hoan hỉ với cách mọi sự đang diễn ra, với công việc và với cái cây của nó. Đó là sự tồn tại an toàn nhất, quy củ nhất, êm lắng nhất mà nó từng được nếm trải. Cảnh đời an yên đó kéo dài xấp xỉ ba tuần.
“Tôi NHÌN LÒI MẮT cái quảng cáo này,” Khách Hàng Âm Binh Phì Lũ nói, “cóc thấy Bia Đầu Búa ở đâu hết.”
Eliot Arnold, thuộc phòng Quảng Cáo và Quan Hệ Công Chúng Eliot Arnold (nhân sự chỉ độc nhất Eliot Arnold), gật đầu với vẻ trầm ngâm, như thể cho rằng quan điểm Khách Hàng Âm Binh vừa nêu cũng có lý. Sự thực Eliot đang thấy may vì mình thuộc nhóm thiểu số ở Miami không bọc sẵn súng đạn theo người, bởi ngay lúc này anh chỉ muốn nổ vài phát vô cái thằng Khách Hàng Âm Binh này, ngay cái trán mập láng vo của nó.
Những lúc như lúc này – và không hiếm gì những lúc như lúc này – Eliot lại tự vấn lòng: phải chăng mình đã quá bốc đồng, chuyện chia tay nghề báo ấy? Mà cái cách anh chia tay thiệt hổng giống ai - vung chân đạp xuyên máy tính của thư ký tòa soạn. Quả thực anh đã thiêu rụi một cây cầu ở đó.
Eliot đã dành hăm mốt năm đời mình cho nghề báo. Dự định của anh sau khi ra trường là đấu tranh cho Công Lý, với vốn liếng là kỹ năng Anh Ngữ của mình để tìm và diệt tham nhũng. Anh tìm được việc tại một nhật báo nhỏ, lãnh phận sự viết cáo phó và ghi lại diễn biến các buổi họp thành phố, nơi các quan chức dân cử sở tại cùng các tư vấn viên kỹ thuật thao thao bất tuyệt hàng giờ về đường kính cần thiết cho loại ống cống mới. Eliot vừa dỏng tai nghe, vừa chúi mặt vào cuốn sổ tay nhà báo có gáy lò xo và hình bìa nhí nhố, đồ rằng tham nhũng ắt đang diễn ra ở đâu đây, song phải khởi sự truy lùng từ đâu thì anh mù tịt.
Đến khi trở thành ký giả của một tờ báo đô thị tầm cỡ, anh đã xếp xó ý định lùng diệt này kia và xây được chỗ đứng dễ chịu với việc viết truyện phóng sự, thứ mà hóa ra anh rất mát tay. Xuân Hạ Thu Đông, anh viết lách quần quật như thợ hồ đắp gạch. Thường toàn về những thứ mà các sếp ở tòa soạn, bằng giọng điệu bố đời, gọi là những câu chuyện “đặc tuyển.” Phóng sự văn học là thể loại họ cổ súy mạnh, những câu chuyên với lu bù người thật việc thật, được viết theo nhóm, đăng thành năm hoặc sáu kỳ với nhan đề không bao giờ thiếu từ “khủng hoảng”. Này “Khủng hoảng trong các gia đình,” này “Khủng hoảng trong các trường học,” “Khủng hoảng nguồn nước,” muôn trùng khủng hoảng. Những loạt bài này rất được o bế và thường ăn giải ở các cuộc thi báo chí, dù đám thảo dân ở tòa soạn quen gọi chúng là ba cái thứ “cứt trâu”. Duy các sếp thì mê mẩn chúng. Báo chí vận động, họ xướng tên nó như thế. Xu hướng nóng hổi nhất của ngành báo. Làm nên khác biệt! Kết nối với độc giả!
Eliot nghĩ làm gì có độc giả nào để kết nối ngoài mấy cha trong ban giám khảo ra. Ấy thế mà nghiệt thay, những thứ cứt trâu đó đổ xuống đầu anh càng lúc càng nhiều, và chẳng còn mấy thời gian để anh viết nên những câu chuyện mà theo anh sẽ có người muốn đọc.
Niệm khúc cuối đến vào cái ngày anh được gọi lên văn phòng của thư ký tòa soạn, Ken Deeber, kém Eliot bảy tuổi. Eliot nhớ hồi Deeber còn là một phóng viên chịu chỉ định bình thường, vừa ra khỏi lò Princeton. Nó nói chuyện dẻo đeo và phong thái thì lịch duyệt miễn chê. Và trăm lần như một, luôn có một chi tiết sai sự thật thè lè trong mọi thứ nó viết, dù có ngắn đến đâu đi nữa. Duy thằng Deeber không viết nhiều lắm; nó bận tối mắt để đi giăng mạng lưới quan hệ rồi. Deeber thăng tiến với tốc độ của ngư lôi Polaris, vỗ ngực xưng danh là thư ký tòa soạn trẻ nhất trong lịch sử báo chí. Thằng này tôn thờ phóng sự văn học. Đó là lí do nó cho gọi Eddie lên văn phòng.
“Khỏe chứ, Eliot?” Deeber mào đầu. “Hổm rày sao rồi?”
“À,” Eliot nói, “Tôi cũng ...”
“Sở dĩ tôi hỏi vậy,” Deeber ngắt lời, nó hơi đâu đi lo tình hình sức khỏe của Eliot, “là vì John Croton bảo tôi anh chưa nộp bài cho dự án nhà trẻ.”
Nhà trẻ là đống cứt trâu đang triển khai. Nó sẽ trình bày cặn kẽ với độc giả trong năm kỳ với mười bốn biểu đồ màu, ấy là đang có một cuộc khủng hoảng ở các nhà trẻ.
“Ken này,” Eliot nói, “Hình như đã có năm người khác đang làm ...”
“Eliot,” Deeber nghiêm giọng, như một bậc phụ huynh đang răn dạy đứa con ngỗ ngược, “Đó là phần sự của anh mà.”
Phần sự của Eliot là viết một khung báo nêu lên góc nhìn của cộng đồng người Haiti về các nhà trẻ. Debeer tin rằng mọi câu chuyện đều nên chứa đựng mọi góc nhìn của mọi nhóm sắc tộc. Cầm tờ báo trên tay, nó không thực sự đọc gì đâu, nó đếm các nhóm sắc tộc. Lúc nào cũng thấy nó lăng xăng đi phát các tờ giấy nhắc nhớ, kiểu như: Xét câu chuyện ‘cá sấu tấn công người chơi golf ngày một nhiều’ đang rất thức thời và chứa nhiều thông tin bổ ích, tôi kiến nghị nên đưa vào đó góc nhìn của dân Mỹ Latinh. Lí do xe ô tô của Deeber chưa bị gài bom là bởi bọn ký giả dở ẹc về kỹ năng đó.
“Công nhận, tôi đã được phân công,” Eliot nói. “Ngặt là tôi còn đang kẹt câu chuyện ...”
“Câu chuyện bồ nông?” Deeber cười mỉa. Eliot tự hỏi ở Princeton họ có khóa dạy cười mỉa không, bởi thằng Deeber cực xuất chúng khoản đó.
“Ken,” Eliot nói, “đây là câu chuyện tuyệt đỉnh, và không ai khác có nó đâu. Ông cụ này, một cụ già người Cuba ở Key West, ổng huấn luyện bồ nông để...’
“Đánh bom,” Deeber cười khinh bỉ. “Đó là thứ ngu ngốc nhất tôi từng nghe.”
“Ken,” Eliot kiên nhẫn. “Ông già này cháy lắm. Ổng huấn luyện bồ nông để ám sát Castro, dóc làm chó. Ừ thì kế hoạch thất bại, chắc quả bom bị trục trặc hoặc con bồ nông bấn loạn sao ấy, nhưng sự thật cái thứ đó đã nổ tung ngoài một khách sạn ở trung tâm Havana. Các mẩu mảnh của con bồ nông bắn ra, rớt lụi đụi xuống một đoàn du khách Pháp. Và chính phủ Cuba đổ thừa cho biến đổi khí ...”
“Eliot,” Ken phẩy tay, “Tôi không nghĩ chúng ta phục vụ bạn đọc những loại chuyện đó.”
“Nhưng nó có thật,” Eliot hổn hển, máu nóng dồn lên mặt, những muốn chồm dậy thộp cổ thằng Deeber. “Đó là một câu chuyện vĩ đại. Ông cụ đã nói chuyện với tôi, và ổng ...”
“Eliot,” Deeber nói, “Anh có biết dự án nhà trẻ quan trọng thế nào với bạn đọc của ta không? Anh có biết bao nhiêu bạn đọc của ta gửi con trẻ ở nhà trẻ, có biết không?”
Một thoáng im lặng.
“Ken,” Eliot nói, “anh có biết bao nhiêu bạn đọc của ta có lỗ đít không?”
Deeber ậm ừ, “Tôi không thấy có ...”
“Tất cả họ!” Eliot rống lên. “Tất cả họ đều có có lỗ đít!”
Lớp tường kính văn phòng Deeber sức mấy ngăn nổi mấy cái tai hóng hớt trong tòa soạn. Những cái đầu cùng ngoái về chỗ tiếng hét vọng ra.
“Eliot,” Deeber đanh giọng, “Tôi lệnh cho anh, ngay bây giờ ...”
“Làm luôn loạt bài về nó coi sao!” Eliot rống lên. “KHỦNG HOẢNG HẬU MÔN!”
Deeber, ý thức được quần thần đang nhòm ngó, cố nặn ra vẻ mặt nghiêm khắc nhất có thể.
“Eliot,” nó dõng dạc. “Anh làm việc cho tôi. Tôi bảo gì anh làm nấy. Tôi đã giao bài cho anh. Nếu còn muốn làm việc tại tòa soạn này, liệu mà hoàn thành nó và để nó vô đây” – nó chỉ vào cái máy tính bàn – “không xong thì đừng có về nhà đêm nay.”
“Tốt thôi!” Eliot nhún vai, đoạn đứng phắt dậy rồi đùng đùng tiến đến chỗ bàn giấy của Deeber. Deeber hết hồn, lật cập thụt ghế lại, va phải cái tủ credenza sau lưng làm đổ tháo tùm lum mớ bằng khen từ các cuộc thi lều báo.
Eliot nói: “Hay để tao gửi nó qua BÂY GIỜ luôn cho khỏe!”
Dứt lời, anh vung chân trái nhắm thẳng màn hình máy tính của Deeber, đạp một phát. Bàn chân kẹt luôn trong đó, thành thử khi anh cố rút nó ra là nguyên cái màn hình đi theo luôn, đánh rầm xuống nền nhà. Rộ lên trong tòa soạn những tiếng vỗ tay tán thưởng, ngắn ngủi nhưng không kém phần nồng nhiệt.
Trừ lần một thằng nhân viên vận tải say xỉn lái chiếc xe nâng 43 nghìn đô xuống đầm phá Biscayne Bay, chưa ai bị tờ báo sa thải chóng vánh như Eliot. Các đồng nghiệp bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ; Eliot đã trở thành một kẻ sĩ được kính phục trong dư luận giới ký giả toàn quốc. Nhưng cũng khá chắc là tên anh bị liệt vô sổ đen của mọi cơ quan báo chí, nhất là ở Miami. Ngặt nỗi anh muốn ở lại đây để có thể gần bên thằng con trai, Matt, nó hiện ở với vợ cũ của Eliot.
Vậy là Eliot ký giả trở thành Eliot Quảng Cáo và Quan Hệ Công Chúng, hành nghề trong một văn phòng còm hom ở Coconut Grove. Thời kì đầu, Eliot phải loanh quanh sớm tối để năn nỉ thiên hạ làm khách hàng của mình. Sau nhiều năm phấn đấu không ngừng, Eliot có tấn tới chút đỉnh, giờ thì anh sớm tối loanh quanh để năn nỉ thiên hạ trả nợ. Hoặc chuyện đó, hoặc ngồi nghe họ lý giải vì sao công sức của anh không được chấp nhận. Đó chính là điều Khách Hàng Âm Binh đang làm.
Sáng kiến mới đây nhất của Khách Hàng Âm Binh là Bia Đầu Búa, thứ mà lần đầu tiên và duy nhất Eliot nếm thử, anh đã phải khạc ngay lên bàn giấy bởi mùi vị kinh tởm của nó. Bia Đầu Búa là sáng kiến còn tệ hơn cả dự án trước đó của Khách Hàng Âm Binh, một loại công viên chủ đề cho người cao tuổi có tên Răng Giả Phiêu Lưu Ký.
Mà thôi, nói gì nói thằng này lâu lâu cũng chịu trả tiền, vậy nên Eliot đã lọ mọ triển khai một ý tưởng quảng cáo cho thứ bia này. Khách Hàng Âm Binh quan sát nó, và như thường lệ đưa ra lời phê bình rất có tâm.
“Như cái buồi,” hắn nói.
“Ây dà, Bruce,” Eliot nói, “tôi đã cố...”
“Nghe đây,” Khách Hàng Âm Binh ngắt ngang, hắn không tin vào việc để người khác nói hết câu, một khi vẫn còn ý tưởng nào nổi trôi trong đầu mình. “Anh biết triết lí kinh doanh của tôi là gì không?”
Biết chớ, Eliot nhủ thầm. Triết lí kinh doanh của mày là bào tiền từ lão cha giàu sụ của mày và xả nó vào mấy cái ý tưởng tào lao xịt bộp.
“Không, Bruce,” anh ậm ừ, “Triết lí của anh ...”
“Triết lí kinh doanh của tôi,” Khách Hàng Âm Binh dõng dạc, “đó là có rất nhiều người trên thế giới này.”
Để minh họa cho quan điểm, Khách Hàng Âm Binh phác cử chỉ hướng về phía thế giới. Không có động tĩnh gì tiếp theo. Eliot kiên nhẫn chờ đợi phần mở rộng nào đó.
“Chà,” sau cùng Eliot lên tiếng, “hẳn là...”
“Và,” Khách Hàng Âm Binh tiếp tục, hắn đã me đúng lúc Eliot mở miệng để cắt lời, “tất cả bọn họ đều MUỐN gì đó. Anh biết họ muốn gì không?”
“Không,” Eliot đáp. Đối sách của anh là đi với những câu ngắn.
“Họ muốn cảm thấy sướng,” Khách Hàng Âm Binh phán.
Lại im lặng nguy hiểm.
“Ồ,” Eliot nói.
“Anh hiểu tôi muốn nói gì chớ?” Khách Hàng Âm Binh nhìn trừng trừng Eliot.
“Ờ,” Eliot giả lả, “Chắc là ...”
“KHÔNG, ANH ĐẾCH HIỂU TÔI NÓI GÌ ĐÂU!”, Khách Hàng Âm Binh gầm lên, thấy vui trở lại vì đang được dịp bắt nạt một con người đang cần đến tiền của hắn, với hắn đó là thú vui không gì sánh nổi của sự giàu sang. “Bởi tôi đã dâng tận miệng anh cái ý tưởng hoàn hảo cho Bia Đầu Búa. Ý tưởng hoàn hảo! Không phải thứ cứt đái này.” Hắn phẩy tay xì xì, như thể đang đuổi ruồi, vào bản phác thảo mà Eliot đã thức đêm thức hôm để làm. Nó được đính trên một tấm bảng, bức hình cận cảnh một con cá mập đầu búa, với cái mồm há rộng giữa hai nhãn cầu cổ quái nằm cách xa nhau một cách phi lý. Dưới bức hình là hai hàng chữ đen và đậm:
Cá xấu.
Bia ngon.
“Cái quần què gì đây?” Khách Hàng Âm Binh xẵng giọng. “Xấu? Mắc gì có xấu ở đây hả cha?”
“À cái đó,” Eliot chống chế, “Thì tôi dùng phép tương phản ấy mà, nhưng theo hướng hài hước ...”
“Nghe đây,” Khách Hàng Âm Binh nói, với hắn khái niệm về hài hước - hắn có luôn băng video gối đầu giường về nó - là cảnh nửa chân dưới lủng lẳng sắp đứt lìa của Joe Theisman. “Tôi không muốn cái xấu. Xấu không phải cảm giác mà tôi mong chờ. Tôi đã cho anh ý tưởng! Tôi đã cho anh ý tưởng hoàn hảo!”
“Bruce, tôi đã bàn với luật sư về ý tưởng của anh, ổng bảo chúng ta khéo bị kiện sấp mặt vì ...”
“PHÊ VỚI ĐẦU BÚA!” Khách Hàng Âm Binh rống lên, nắm tay tròn vo đeo Rolex nện bụp bụp lên bàn giấy. “Đó chính là ý tưởng!”
Chợt hắn vùng phắt dậy, giang rộng hai cánh tay nung núc để giúp Eliot tiện hình dung. “Anh có một đôi nam nữ trên một chiếc thuyền. Con nhỏ mặc bikini, vú bự, hai đứa đang trên thuyền, và hai đứa đang phê lòi càng. Với bia Đầu Búa! Cảm giác nó mang lại là gì? Là có kẻ sắp sửa được chịch chớ gì nữa! Hậu cảnh là một con cá mập đang bơi quanh! Con nhỏ có vếu to VẬT. Bá cháy bọ chét. Tôi dâng cho anh ý tưởng bá cháy, anh thảy cái xấu cho tôi! Đừng mơ tôi trả đồng nào cho thứ này, gì chứ xấu là đây miễn trả tiền. Đây có thể có cái xấu miễn phí.”
Thì mày là hiện thân của nó mà! Eliot rủa thầm. Điều anh nói là: “OK, tôi sẽ cố gắng ...”
“Đừng! Đừng cố gắng với tôi. Đừng cố gắng. Tôi ghét cố gắng. Cố gắng chỉ dành cho lũ thất bại,” Khách Hàng Âm Binh, người có toàn bộ triết lí sống thuổng từ các quảng cáo của Nike, nói như đang hát. “Để tôi cho anh biết.” Hắn gõ gõ ngón tay lên bàn (đến mấy cái móng tay của hắn trông cũng béo nguậy). “Anh không phải phòng quảng cáo duy nhất ở thành phố này đâu.”
Ông nội cha thằng nào dám quảng cáo cho mày ngoài tao ra nữa, kẻ đã mấy tháng rồi chưa nộp tiền cấp dưỡng, Eliot rủa thầm.
“OK, Bruce,” anh nói.
“Tôi muốn thấy nó VÀO NGÀY MAI,” Khách Hàng Âm Binh nói.
Mình có thể kiếm được súng vào ngày mai, Eliot trù tính. Với cả mấy viên đạn đầu rỗng.
“OK, Bruce,” anh nói.
Chợt điện thoại reo. Eliot nhấc máy.
“Eliot Arnold nghe.” Anh nói.
“Tối con qua lấy xe nha ba,” Matt nói, nó là con trai Eliot và nó mười bảy tuổi, nghĩa là nó quá bận để nói một tiếng chào.
“Chào Nigel!” Eliot nói rổn rảng. “London vui không? Chờ tôi xíu nghen?”
“Nigel?” Matt nói.
“Bruce này,” Eliot nói với Khách Hàng Âm Binh, “Tôi phải tiếp chuyện với một khách hàng ở London về ...”
“Nhớ mai là có cho tôi đó, lần này làm cho đàng hoàng vào,” Khách Hàng Âm Binh nói, đoạn lấy tay hất cánh cửa văn phòng Eliot và thủng thẳng bước ra, chả buồn khép lại. Đoạn từ hành lang – sát ngoài văn phòng kế bên của gã kiểm toán viên luôn càm ràm mỗi lần Eliot bật nhạc – hắn hét vô ông ổng: “NHỚ KIẾM CON NÀO VÚ BỰ NHEN!”
“Cảm ơn đã ghé qua, Bruce!” Eliot nói về phía cánh cửa mở. “Của anh coi như xong rồi đó!” Đoạn anh nói vô ống nghe: “Matt?”
“Ai vú bự vậy ba?” Matt hỏi.
“Ai đâu,” Eliot nói.
“Ủa mà Nigel là ai?”
“Không ai hết, ba phịa ra Nigel để khách hàng khỏi nói mình vì chuyện riêng mà xao lãng đó thôi.”
“Thằng cha vụ bia bọt gì đó đúng không ba?”
“Thì nó chớ ai nữa.”
“Sao ba không tống phứt ổng đi cho rồi?” Matt nói.
“Matt,” Eliot hắng giọng, “con biết là tiền đâu có ở trên ...”
“Vậy ha,” Matt vội cắt lời, nó đâu muốn lãng phí thì giờ không đi học quí báu của mình để nghe giảng đạo, nhất là mấy bài quá nhàm kiểu này, “con mượn xe ba tối nay nha?”
“Chi vậy?” Eliot hỏi.
“Con và Anrew phải đi giết một con nhỏ,” Matt nói.
“OK,” Eliot nói, “làm gì làm nhớ mười rưỡi về trả xe cho ba, và con phải hứa lái cho thật ...”
“OK cám ơn ba,” Matt cúp máy. Một người đàn ông bận rộn.
“... cẩn thận,” Eliot nói, với cái điện thoại lặng câm.
DỌN RỬA XONG XUÔI sau bữa cơm tối, Nina thoái lui về phòng mình - gọi là “không gian của người giúp việc” cho oai, chứ nó chỉ là một gian phòng nhỏ với buồng tắm bé tí. Cô thận trọng khóa cửa lại, đã ba tháng nay cô luôn cảnh giác chuyện cửa nẻo, từ cái bận lão Herk đêm hôm sinh chứng bất tử mò vào phòng cô. Đúng lúc cô đang thay đồ nữa mới nghiệt, trên người chỉ tòn ten hai mảnh đồ lót. Phòng mình mà lão cứ khơi khơi đẩy cửa, bước vô như đúng rồi.
Nói chuyện lúc ấy lão đứng giữa phòng với ly vang đỏ trên tay, miệng cười cười. Nina chụp vội cái áo choàng trên giường, che trước người.
“Ày, không có gì đâu, Nina,” lão trấn an. “Tôi chợt nghĩ cô có muốn làm tí vang thư giãn không thôi ấy mà. Thấy cô làm cực quá, tội nghiệp.”
Nina biết lão quỉ này đâu có tốt bụng sảng vậy. Cô dư biết lão muốn gì qua cái cách lão địa cô, nhất là những khi rượu vào. Lão còn cái tật thích ló vào bếp khi cô chỉ có một mình, tò tò xáp lại gần cô một cách lãng xẹt, rồi chẳng nói chẳng rằng, cứ đứng ì ra đấy mà nhìn cô.
Áp chặt chiếc áo choàng vào người, cô nói, “Dạ thôi, cảm ơn ông, ông Herk. Tôi mệt lắm.”
Lão khép cửa lại, lững thững bước về phía cô. “Thư giãn tí mà,” lão nói, ấp bàn tay lên bờ vai trần của cô, rồi thình lình để nó trôi tuột xuống ngực cô. Bàn tay lão nhèm nhẹp mồ hôi.
Nina thụp người né khỏi bàn tay nhám nhúa, đoạn thụt lui về phía phòng tắm.
“Ông Herk,” cô nói, “Tôi không nghĩ bà Anna sẽ vui khi biết ông đang ở đây đâu.”
Chợt khuôn mặt lão trở nên nghiệt ngã. “Bả ngủ rồi,” lão nói. “Và tôi không tính chạy đi báo cáo bả biết mình ở đây. Cô cũng sẽ không báo cáo chớ, Nina?”
Không, cô sẽ không báo cáo. Bề gì lão cũng là chủ ngôi nhà này, và cô chỉ là phận đầy tớ, và sự hiện diện của cô ở quốc gia này là trái pháp luật, và cô không có nơi nào để nương náu cả.
“Cảm phiền ông,” vừa dứt lời Nina quay phắt người lại, chạy ù vào buồng tắm, dập cửa bấm chốt.
Cái nắm cửa rung lên cành cạch khi lão Herk ra sức vặn nó.
“Nina,” lão xẵng giọng, “ra coi.”
Nina nhìn cái nắm cửa, nín thở. Cảm thấy mồ hôi của lão còn nhơn nhớt trên cơ thể mình, chỗ mà lão sờ cô.
“Nina,” lão tăng âm lượng, “đây là nhà tao, mày làm công cho tao, tao muốn mày bước ra ngay.”
Nina nhìn cái nắm cửa.
“Con giặc cái,” lão rủa.
Nina nghe tiếng thủy tinh vỡ, rồi đến tiếng cánh cửa hành lang bật tung. Cô đợi thêm một lát rồi mở cửa buồng tắm bước ra. Coi, một vết đỏ sẫm lồ lộ chính giữa tấm ga giường, chỗ mà lão đã đổ ly rượu vang xuống. Cái ly thì lão đã giáng cho vỡ vụn trên sàn nhà. Cô bị xước chân khi dọn dẹp các mảnh thủy tinh.
Ngày hôm sau, khi cô bưng cà phê cho lão, với bà Anna ở đó, lão làm mặt tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Duy cô vẫn thấy lão tranh thủ địa mình. Và cô giữ cho cửa phòng luôn khóa. Cô không mê gì lão Herk, song cô cần công việc này. Cô cần kiếm đủ tiền mướn luật sư để có thể trở nên chính danh, và sau đó cô sẽ đưa mẹ và em trai mình đến Mỹ.
Nói chớ làm việc ở đây cũng không đến nỗi nào. Ngôi nhà như một tòa lâu đài, và bà Anna rất tốt bụng, rất dễ thương. Nina không hiểu nổi vì cớ gì lão Herk lại đối xử tàn tệ với một phu nhân cao quí nhường vậy. Nina đã từng nghe lão quát nạt bà, gọi bà bằng những cái tên tục tĩu, làm bà khóc. Nina biết đôi lúc lão còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bà.
Bà Anna đối xử với Nina tốt khỏi nói. Jenny, con gái bà cũng vậy, dù chủ yếu cổ cứ ru rú trong phòng mình, nấu cháo điện thoại, nghe thứ âm nhạc của cổ, thứ mà Nina nghe như tiếng la hét của những con người giận dữ. Cô không mường tượng nổi vì cớ gì người ta lại thích nghe tiếng la hét của đồng loại.
Nina thích nghe tiếng sáo của quê hương cô, qua những cuộn băng cát-xét cô mở bằng cái máy Fisher-Price của Jenny hồi cổ còn nhỏ. Vào buổi đêm, Nina mở cửa sổ phòng (cô không ưa máy điều hòa không khí), tắt đèn và nằm dài xuống giường, thả hồn theo tiếng nhạc. Nó giúp cô cảm thấy bớt cô đơn.
Phía bên kia sân vườn, trong cái cây của nó, chìm đắm trong tiếng nhạc của Nina, Puggy cũng cảm thấy niềm cô độc như dịu dàng hơn.
MATT ĐÓN Andrew lúc 8 giờ 40.
“Em chó lửa đâu mày?” Andrew hỏi.
“Trong cốp xe,” Matt nói. “Ế. Tao khoái bài này.” Nó vặn volume dàn stereo lên hết nấc, bài đang được bật là “Sex Pootie,” của một ban nhạc có tên Seminal Fluids. Lời bài hát như sau:
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Anh muốn cái sex pootie của em!
Và cứ thế.
“Sex pootie là cái gì vậy?” Andrew hỏi.
“Chứ mày nghĩ nó là cái gì?” Matt khinh khỉnh, dù thực tình nó cũng chả biết sex pootie là cái quái quỉ gì. Nó lảng sang chuyện khác: “Dàn âm thanh này như hạch.” Matt có sự khinh bỉ không hề nhẹ cho bất cứ dàn âm thanh nào không đủ lớn để khiến trâu bò bất tỉnh.
“Sao ông ba mày lại tậu một con Kia nhỉ?” Andrew thắc mắc.
“Bởi ổng bị cù lần chớ sao nữa,” Matt giải thích.
Andrew gật đầu thông cảm. Bởi ba nó cũng là một gã cù lần. Hỏi ra mới biết hầu như cha đứa nào cũng cù lần một cây hết. Matt và Andrew không khỏi kinh ngạc khi thế hệ của tụi nó lại chất đến vậy.
“Hi vọng nhỏ Jenny không thấy cái xe này,” Matt nói.
Jenny là đứa con gái mà tụi nó sắp hạ thủ. Matt nghĩ cô nàng thật quyến rũ. Cô học chung lớp sinh học với nó ở Trung Học Southeast, và nó dành gần hết thì giờ trên lớp để ngắm cô trong khi làm bộ ngó biểu đồ tuyến tụy hay mấy thứ nội tạng khác. Nó đã vặn óc đủ cách để bắt chuyện với cô, song vẫn chưa tìm được phương kế nào khả thi. Nhưng chỉ lát nữa thôi, nó sẽ chính tay hạ sát cô, nó nghĩ điều này có thể phá vỡ được lớp băng.
Matt được chỉ định giết Jenny bởi Evan Hanratty, một nam sinh Trung Học Southeast, người chủ trì phiên bản năm đó của trò Killer. Killer là trò chơi đến hẹn lại lên ở nhiều trường trung học; bị ban giám hiệu các trường kịch liệt lên án và cấm ngặt, nên khỏi nói là tụi học sinh đứa nào chả thích chơi.
Có nhiều phiên bản khác nhau của trò chơi, nhưng chung qui là vầy: Bạn trả cho người chủ trì một khoản tiền (ở trường của Matt là mười đô để trở thành người chơi). Người chủ trì sau đó bí mật tiết lộ với bạn tên của một người chơi khác; và bạn phải đi tìm giết kẻ đó. Cùng lúc, bạn trở thành mục tiêu săn lùng của một kẻ không rõ danh tính khác.
Vào thời điểm được ấn định, trò chơi sẽ chính thức khai màn, và cuộc tàn sát bắt đầu. Sau mỗi vòng, những kẻ sống sót sẽ được giao những mục tiêu mới; cứ thế cho đến khi sát thủ cuối cùng còn sống sót nhận được phần thưởng bằng tiền mặt của người chủ trì.
Các vụ sát nhân được thực hiện bởi súng nước. Để vụ sát nhân được công nhận, bạn phải phun nước vào nạn nhân với sự hiện diện của một nhân chứng – nhưng chỉ một nhân chứng thôi. Nghĩa là gần như không có cửa hạ thủ ở trường, hoặc nơi công cộng như trung tâm mua sắm. Phải đánh lén, đánh du kích, thường thì ngay tại nhà nạn nhân luôn.
Nhiều đứa lôi kéo phụ huynh vào trò này. Nó sẽ nhờ mẹ chở mình đến nhà nạn nhân; rồi phục sẵn trong bụi cây, trong khi bà mẹ điềm nhiên bấm chuông cửa và hỏi nạn nhân có nhà không. Khi nạn nhân mở cửa cũng là lúc sát thủ vọt ra khỏi bụi cây, khai hỏa, à quên, khai thủy khẩu súng.
Matt và hội bạn của nó cho rằng quá đê tiện khi sử dụng mẹ mình để giết ai đó. Tụi nó thích phục kích về đêm hơn, hành động dưới sự chở che của bóng tối, khi bạn có yếu tố bất ngờ, và có khả năng (ai biết được) bắt gặp mục tiêu đang khỏa thân.
Matt đỗ chiếc Kia của bố nó cách nhà Jenny hai con đường. Nó mở cốp xe và lấy ra khẩu SquirtMaster Model 9000, loại đỉnh của dòng súng nước, 33.95 đô ở cửa hàng Toys R Us. Nhìn nó in hệt vũ khí giết người thứ thiệt, chứa tới bốn lít nước; và có thể bắn một tia nước đi xa mười lăm mét.
Matt và Andrew sải những bước dài xuyên qua màn đêm ẩm ướt, đến trước lối vào nhà Jenny. Tụi nó không chạm trán bất cứ ai trừ bọn muỗi; đây là khu đắt đỏ của Coconut Grove, đêm lại là ai ở yên nhà nấy.
Nhà Jenny to phải biết, duy từ đường phố nhìn vào chỉ thấy nó lấp ló sau đám cây lá rậm rịt. Một tường gạch cao hai mét bao quanh tư gia, và án ngữ trước lối vào là một cổng thép cơ giới. Một máy nội đàm được đặt sát bên cổng.
“Kế hoạch ra sao?” Thằng Andrew thì thầm. “Mày có định bấm chuông?”
“Lãng xẹt,” Matt gạt phắt. “Muốn tao nói gì? ‘Chào cô! Con là Matt Arnold, tới để giết Jenny ạ?’ Phải leo tường thôi.”
“Lỡ họ nuôi chó sao mày?” Andrew lo lắng.
“Tao thích chó,” Matt nói, nhưng bụng thì bảo dạ: chết cha, lạy trời họ không nuôi chó.
Hai đứa đi men theo bức tường ra đến mặt sau của tư gia. Tại đó, cạnh một cây lớn, tụi nó tìm được một chỗ gần với bức tường coi bộ cũng dễ leo. Matt đưa khẩu SquirtMaster cho thằng Andrew rồi leo qua tường trước; Andrew liệng khẩu súng qua rồi làm theo Matt. Đột nhập thành công, chúng đứng im một lát, dỏng tai hóng tiếng chó sủa, nhưng chỉ nghe văng vẳng tiếng nhạc sáo. Với Matt dẫn đường, hai thằng rón rén tiến bước về phía ngôi nhà.
Phía trên đó sáu thước, Puggy dõi theo bóng dáng hai kẻ cầm súng mất hút trong đám thực vật um tùm. Vụ gì đây không biết. Đây là cặp đôi có vũ trang thứ hai nó bắt gặp đã leo qua bức tường này, trong nửa giờ qua.
---
Chỉnh sửa lần cuối: