Tình yêu Đợi một loài hoa nở - Cập nhật - Mai Tuyền

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 10: Thực hiện kế hoạch

c666b59519ce8d4c3d77d64fe0c853fc.jpg

(Ảnh: Internet)

Mới đây mà đã mấy tháng ròng. Lại nhiều lần xin việc thất bại. Điều này quá đỗi bình thường và sớm trở thành bài hát quen của cuộc đời tôi! Tôi không còn tin là sẽ có một nơi nào đó trong thành phố này nhận tôi vào làm việc nữa. Thôi! Đã như thế thì tôi sẽ quyết định chọn con đường khác kiếm tiền thì hơn. Nếu như tôi không có diễm phúc làm công cho người khác thôi thì tôi tự mình thuê mình, tự mình làm chủ vậy! Quyết định thế, tôi vạch ra cho mình một kế hoạch về tương lai làm bà chủ của chính mình.

- Đúng rồi chính là nó! Mình sẽ bắt đầu tương lai của mình từ nó!

Tôi đứng phắt dậy, mừng rỡ đến quên cả đầu gối đụng phải cạnh bàn, đau đến nỗi xương dường như sắp vỡ. Miệng hít hà, lòng thần than: “Đáng đời, ai biểu chân dài!”

Không giấu được nỗi vui mừng khi ý tưởng vừa loé lên trong đầu. Tôi cầm bút lên xoạt xoạt vài nét, tiêu dề thật lớn “Kế hoạnh kinh doanh của Mai Cô” hiện ra trên trang giấy A4 trắng tinh. Thế là xong bước khởi động đầu tiên. - xây dựng kế hoạch tổng quát cho ý tưởng của tôi. Tiếp theo phải làm gì bây giờ? Đúng rồi, khảo sát thị trường!

Trời tháng mười hai dễ nhớ thương, những ngày gần Tết thật thoải mái với cái nắng không gay gắt thiêu đốt mà ấm áp lạ thường, hoà cùng cái lạnh se se khiến tâm trạng người ta như luyến tiếc cũng giống như rạo rực trong lòng thứ gì đó khó tả. Bỏ con ngựa sắt ở nhà, tôi một thân một mình ngồi lên chiếc xe đạp đen gỉ sét cũ kỹ, mang theo cây đàn guitar và vài thứ tinh tinh, len lỏi đạp xe thong dong trên các con phố. Tóc mỏng tung bay, chiếc áo khoát lụa bên ngoài rộng tay phất phơ trôi theo gió. Một dáng người thon thả, chân dài chuẩn mực, duyên dáng, khoan thai, nếu trừ bỏ gương mặt của tôi ra cũng có thể coi như là một cảnh đẹp xưa nay hiếm thấy trong thành phố này.

Dừng chân trước một xe đẩy bánh mì của vợ chồng nọ tôi đã kịp mua mười ổ bánh mì của các cửa hàng lớn nhỏ cũng như những xe bánh mì bên lề khác. Khoá xe lại, ngồi xuống băng ghế bên cạnh, kín đáo quan sát. Nơi đây nhiều người qua lại, chỗ họ đang bán ở dưới chân chung cư cao cấp của khu vực, phía trước không xa là siêu thị lớn nhất thành phố, quả thật là một nơi lý tưởng thu hút khách.

Đôi vợ chồng này phối hợp làm việc rất ăn ý, mới ba mươi phút hơn mà họ đã bán được hai mươi ổ bánh mì. Nửa tiếng sau bán thêm tận hai mươi lăm ổ. Đây chính là xe bánh mì đắt nhất ngày hôm nay, không cần thực đơn dài ngoằn, chỉ dựa vào hai cái tên đơn giản là bánh mì thịt quay và bánh mì trứng ốp la (trứng tráng hay còn gọi là trứng ốp lét, omelet.)

Tôi dần nhận ra rằng đối tượng chủ yếu của loại bánh mì thịt quay là nhân viên văn phòng, công nhân, các chú xe ôm, các cô bác tập thể dục buổi sáng, còn của bánh mì trứng phần đông là sinh viên, học sinh. Và cũng có thể phân loại theo giới tính như sau nam thích bánh mì thịt quay, nữ thích bánh mì trứng ốp la. Còn phân theo lứa tuổi thì trung niên tuổi thích mua bánh mì thịt quay, trứng ốp la được giới trẻ ưa chuộng. Tôi có rút ra nhận xét quá nhanh không nhỉ? Thôi trước hết lại mua hết hai loại xem sao. Quyết định xong, tôi đi về phía xe bánh mì.

- Chào em gái xinh đẹp! - Vừa nói chị chủ vừa ngước lên nhìn, thấy khuôn mặt tôi chị đứng hình một giây, cố cười gượng rồi nhanh chóng sửa lại. - A... Em... Em gái... Muốn mua gì bánh mì gì?

Nhìn vẻ mặt của chị chủ bán bánh mì tôi không khỏi vừa buồn vừa tức cười, cũng không trách chị được, ai nhìn thấy tôi mà không có thái độ như vừa rồi mới là lạ. Trên đời này, ngoài gia đình tôi và cái xóm nhỏ Trường Tấn đã nhẵn mặt ra thì chỉ còn Ngân Băng và Phương Bằng là ngoại lệ thôi.

- Dạ, chị cho em một ổ bánh mì thịt quay với một ổ bánh mì trứng nhé!

Tâm trạng tôi đang tốt, sự việc bi hài vừa rồi sớm bị tôi quẳng ra sau đầu khi chị cất lên giọng sang sảng nhưng trong trẻo:

- Anh ơi một thịt quay, một trứng.

Âm thanh không quá lớn, đủ để ác đi tiếng xe cộ ồn ào chung quanh, cũng đủ để người chồng kế bên nghe thấy.

- Ừa, anh biết rồi! - Người chồng đáp lại rồi cắt xuống miếng thịt sườn quay thơm lừng đã rút xương đang treo trên giá, thuần thục chém thành từng miếng nhỏ giống nhau đến khó tin. Viền của miếng thịt tinh tế vô cùng, không một vụn nào rơi ra cả giống như những sản phẩm được tạo ra từ dây chuyền sản xuất. Những miếng thịt như đang nhảy múa trước mắt tôi, lớp mỡ xen lớp thịt tắm dưới nắng sớm lấp lánh. Tôi không ghìm được mà thán phục: “Nghệ thuật, nghệ thuật!”

Người vợ sau khi bật bếp gas lên, cho dầu vào chảo, đợi dầu trong chảo vừa tới, nhanh nhẹn đập trứng gà. Thao tác chị nhanh đến nỗi tôi chỉ thấy tay chị đưa qua đưa lại vài đường trong không khí mà trứng đã nằm trọn trong chảo. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì hai ổ bánh mì đã được chị rọc xong, nằm ngăn nắp trong chiếc đĩa tròn bên cạnh cái thớt con. Trên thớt, dao cũng không ngừng dao động đem trái dưa chuột xanh đầy gai non mướt cắt ra thành từng lát dài để lộ phần hạt bé tí bên trong tươi mát và căng đầy nước.

Dầu trong chảo bắn lên những tiếng tí tách vui tai báo hiệu trứng đã chín như ý. Chị lấy vá con xúc trứng cho ra đĩa rồi xắn ra làm hai nữa. Trứng vừa chín tới, lòng đỏ vừa đặc, không giống như những nơi khác trứng còn lòng đào rất mất vệ sinh, tôi thích cái cách chị chiên trứng như vậy vô cùng. Đeo vào tay trái găng tay ni long, cầm bánh mì lên, chị quét đều một ít hỗn hợp nước sốt sền sệt thơm phức chẳng thể gọi tên vào bên trong ổ bánh mì. Tôi nghĩ chắc là bí quyết của chị. Sau đó, chị cho trứng đã chiên vào, thêm một cây xúc xích chẻ đôi, hai lát chả, một gấp chà bông nhỏ, ít muối tiêu, ba lát dưa chuột rồi vài cọng rau mùi, hành lá, ớt sừng tạo điểm nhấn hương vị.

- Em ăn nước tương hông?

Câu hỏi với giọng địa phương gần gũi, kéo tôi về với thực tại, chớp chớp đôi mắt một mí tôi trả lời:

- Vâng, chị để nước tương cho em nhé! - Tôi đáp ngay.

Một ổ bánh mì không được gọi là ngon khi nó thiếu đi chua cay mặn ngọt. Và nước tương là một phần tạo nên linh hồn của món ăn trứ danh này.

Vừa lúc đó người chồng bên cạnh cũng đã cho cái nguyên liệu vào được một nửa ổ bánh mì thịt quay rồi chuyền cho người vợ, chị nhanh chóng đưa ổ bánh mì trứng đã hoàn thành cho anh ta. Trong khi chị bỏ rau và cái thứ còn lại để xong nốt ổ bánh mì kia thì anh đem ổ bánh mì trứng bọc giấy dầu, cho thêm giây chun buộc bên ngoài, còn kèm theo một cây tăm xỉa răng được đóng gói giấy cẩn thận, sau đó trao lại cho chị. Chị nhanh chóng cho bánh mì vào trong bao ni long một ổ, hai ổ, đưa cho tôi.

- Bao nhiêu tiền vậy chị?. - Tôi cần lấy túi bánh mì chị đưa rồi hỏi.

- Bánh mì trứng mười lăm ngàn, thịt quay hai mươi ngàn, ba mươi lăm ngàn em nha! - Giọng miền Nam của chị cực mát tay, đã vậy còn không quên tặng tôi một nụ cười đầy thiện cảm. Sau khi nhận tiền trả, chị với theo chào một câu. - Lần sau nhớ ghé nữa nha!

Ngồi lại băng ghế lúc nãy, ngân nga và ba câu hát, tôi bắt đầu cắn thử bánh mì thịt quay trước. Nghiêm túc đánh giá mùi vị của nó, tự gật gù nói một mình:

- Tạm được!

Ngon nhưng cũng không có gì đặc biệt nhưng cái hay ở chỗ chất lượng bánh mì. Bột bánh thơm béo, bên ngoài giòn, bên trong mềm xốp, vỏ bánh đậm đà nhưng ruột bánh nhàn nhạt rất tuyệt. Không giống như bánh mì quê tôi làm, ổ bánh mì khi đến tay các xe bánh mì thịt không còn giòn tan như thế, nếu họ có bảo quản tốt đi nữa thì cũng không đạt đến trình độ bánh mì giòn và còn hơi âm ấm như thế này. Lấy chai nước suối ra uống một ngụm to, sau đó tiếp tục thưởng thức ổ bánh mì trứng. Hương vị hoàn toàn khác ổ bánh mì vừa rồi, như đánh thức cả thị giác lẫn vị giác, trong quen thuộc có thêm một chút mới mẻ, nhưng tạm thời tôi không tài nào nghĩ ra được. Chắc có lẽ bí quyết là do hỗn hợp tự chế kỳ diệu quét vào khắp bên trong ổ bánh mì. Một hương thơm của đất trời nhưng rất dân dã gần gũi làm người ta dễ dàng sở hữu nó nhưng cũng dễ dàng đánh mất nó.

Tôi dẹp tàn cuộc qua một bên, mỗi ổ bánh mì đều bị cắn một miếng riêng bánh mì trứng chỉ còn phân nửa. Đã rõ rồi, bây giờ tôi cảm thấy thong dong hơn bao giờ hết, trong đầu thầm vạch lên một kế hoạch hoàn chỉnh hơn cho mình. Với tay kéo cây đàn guitar từ đằng sau lưng lại, mở khoá lôi nó ra, chậm rãi quàng dây đeo vào cổ, chỉnh lại một tư thế thích hợp cho mình, tôi bắt đầu lướt ngón tay nhẹ nhàng lên phím đàn, môi đóng mở lẩm nhẩm bài “Có một cô nương” của Vicky Zhao.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 11: Tôi nên đối với anh thế nào đây?

e8cd8007f2b83c57eafb79a044c5efd9.jpg

(Ảnh: Internet)

Những ngày cuối năm thật tuyệt. Bên chiếc xe bánh mì tôi tích luỹ từ quỹ tiết kiệm bốn năm học đại học, tôi bắt tay vào công việc. Loay hoay cùng với một đóng thứ chất cao như núi trong thời gian một tuần nay nào là chọn nơi cung cấp bánh mì ngon giá cả phải chăng, thịt quay lấy ở cơ sở quay nào, trứng gà mua ở đâu hợp lý. Ôi! Tôi sắp bị ngộp rồi. “Go for it, cứ liều thử đi!”, câu nói vang vang trong đầu nhưng cổ vũ, tôi tin là bất kỳ một công việc nào chỉ cần ta cố gắng và không ngừng cố gắng là được, tất cả mọi người đều có cùng điểm xuất phát, dù tôi có xuất phát từ số không, hay thậm chí là con số âm cũng được, tôi sẽ từ từ mà tiến lên.

Nói là một chuyện còn lại làm là một chuyện khác. Sáng đến giờ rồi mà chỉ bán được có hai ổ, một cho bác gái dưới quê lên thăm con gái đọc đại học, do bác không biết đường đi tới nhà trọ của cô bé gần ở trường, may mắn đó là trường của tôi đã học và bác đã mua giúp tôi một ổ thay lời cảm ơn. Còn một ổ, tôi bán cho chị bánh ướt bên cạnh tôi. Vì tôi mới ra bán, lại thấy gương mặt tôi tội tội nên chị mua ủng hộ, chị nói vậy. Ngồi đó tới trưa cầm cây đuổi ruồi đập bên trái đập bên phải, đập bên đây, đập bên kia mà suy nghĩ không biết là do nguyên nhân gì? Thở dài một cái rõ to, tôi chống tay lên cằm, nghĩ mãi mà cũng không tài nào nghĩ ra.

Một tuần nữa trôi qua, tình trạng ế ẩm vẫn cứ tiếp diễn, gương mặt của tôi nó trông còn nhăn và thâm đen hơn cả miếng thịt sườn quay đang treo lủng lẳng trước mặt tôi lúc này. Hôm nay một buổi chiều nhiều gió, cuốn theo những chiếc lá rụng bay đến bên xe bánh mì của tôi, nhặt một cái lên xoay qua xoay lại, mới nhìn rõ là lá của cây mai. Thò cái đầu chuột nhắt bé tí tẹo ra xem thì ra không phải lá rụng, những cái lá này do ông lão nhìn giống Phật Di Lặc nhà sát xe bánh mì của tôi vặt xuống. Lòng thầm than: “Ôi! Mới mười ba âm lịch thôi mà sao ông vặt lá sớm thế? Chắc ông sợ cái cảm giác thấp thỏm đợi mai nở hoa đây mà.”

Ông lão ngó sang, nhìn tôi cười rộ lên:

- Xin lỗi cô bé! Ông không cố ý, tại gió lớn quá.

Nói xong ông nhanh nhẹn cầm chổi và ki lên định gom hết chỗ lá đó lại, nhưng chưa kịp thì một cơn gió lớn hơn nữa lại dồn dập thổi tới, thêm một cơn nữa, rồi một cơn nữa. Thổi đến mái tóc mỏng của tôi rối tơi rối bời như tổ quạ. Tôi nắm một mớ tóc lên đưa trước mắt nhìn rồi cúi xuống ngó chiếc áo hoa bây giờ vương vãi vài chiếc lá mai già sậm màu điểm thêm mấy chấm vàng nâu loang lỗ, khỏi cần gương, tôi biết chắc chắn ngay lúc này bản thân rất “tuyệt”, rất giống một fashionista (tính đồ thời trang) thật thụ rồi.

Ông nhìn tôi cười gượng, ngập ngừng:

- Ông... Ông xin lỗi!

- Không sao ông ạ, là gió! - Tôi nhăn mặt, tay gãi đầu, tay nắm vạt áo hoa cười gượng. - Là gió, chính xác là gió!

Thế là buổi chiều hôm đó kết thúc cũng không tệ, ông lão Phật Di Lặc nhà bên mua giùm tôi tận năm ổ bánh mì, tôi biết ông mua thay cho một lời xin lỗi. Tôi đâu có giận ông ấy, tôi vui nữa là khác, vì có thêm một người không sợ gương mặt này của tôi.

Mười bốn âm lịch, tôi không dọn hàng bán. Không phải vì tôi mê tính “mùng năm, mười bốn, hâm ba” mà dân gian thường hay nói, nguyên nhân chính là tôi nếu còn bán nữa thì sẽ lỗ to. Kinh doanh ế ẩm như thế hoàn vốn là điều khó khăn, vậy thì việc lỗ vốn chỉ còn là chuyện thời gian mà thôi.

Lại thở dài ngao ngán. Lấy điện thoại ra mở nguồn lên, tôi đã không còn thói quen kiểm tra đi động một ngày trên hai trăm lần nữa rồi. Trên màn hình nền hiện ra một nhành hoa mai vàng nữa khép nữa nở rất đẹp. Giật mình vì không biết đã thay khi nào. Lạ quá! Sự việc này làm tôi không khỏi có chút sợ hãi, giấc mơ về tiên nhân áo trắng cùng với ngàn vạn đoá hoa mai lại ào ạt đổ về. Tôi mở bộ sưu tập ra kiểm tra album, tìm hoài cả buổi mà vẫn không thấy, cuối cùng tôi đưa ra kết luận chắc là vô tình xoá rồi mà quên, còn chuyện giấc mơ cũ mèm kia là trùng hợp mà thôi.

Cố dẹp cái việc điên khùng vừa rồi đi, tôi đăng nhập vào tài khoản của mình, check facebook, đập vào mắt tôi có vô số thông báo chủ yếu là tin nhắn quảng cáo, tin nhắn của bạn bè, lời mời kết bạn đỏ chót choáng ngợp màn hình, có những tin hơn cả năm trời tôi chưa từng đọc qua. Tôi vào trang cá nhân cẩn thận trả lời tin những người quen hỏi thăm. Xong xuôi tôi buông di động xuống nệm, thuận tay lấy cây đàn guitar vừa đàn vừa hát bài hát xa xưa, đến cả tôi cũng chả còn nhớ tên.

Giai điệu chệnh choạng vừa kết thúc, trong đầu tôi chợt sáng.

- Phải rồi! - Tôi thốt lên.

Nguyên nhân là đây! Vấn đề marketing trong kế hoạch bán hàng. Suy nghĩ được khai thông, tôi như người mù tìm thấy ánh sáng. Lý do trước tiên khiến tôi thất bại chính là công cụ quảng cáo không được tôi quan tâm. Sao tôi lại không bắt đầu với việc quảng cáo trên trang cá nhân? Ngay lúc này mô hình kinh doanh của tôi còn chưa phát triển nếu không muốn nói là quy mô rất nhỏ. Lý do thứ hai là chiến lược bán hàng và chăm sóc khách hàng tôi hoàn toàn không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào. Dù là kinh doanh nhỏ lẻ vài triệu đồng hay khởi nghiệp với vốn hàng tỷ đồng thì cũng không nên bỏ qua chiến lược bán hàng và chăm sóc khách hàng trước trong và sau cho thật tốt. Lý thuyết cơ bản như vậy mà tôi lại quên.

Thở ra một hơi, cầm viết lên, gõ gõ đầu bút bi lên cái cầm chẻ của mình, tôi nắn nót viết vài gạch đầu dòng trên giấy. Nào là trước đó phải bán hàng như thế nào? Sau khi khách hàng mua sản phẩm cần thăm hỏi và cảm ơn khách hàng mong khách hàng tiếp tục ủng hộ trong lần tới ra sao? Cuối cùng là lưu trữ thông tin khách hàng để chăm sóc sau bán hàng và tiếp tục bán chéo, bán thêm các sản phẩm khác, hoặc làm cho khách hàng cảm thấy được hài lòng, tiếp tục ủng và không phàn nàn về mình.

- Okay, hoàn hảo! – Tôi tâm đắc cảm thán.

Tôi sẽ dùng chiến lược bán hàng “thu lợi nhuận nhỏ”, “cam kết tốt và mạnh mẽ” kết hợp với “chương trình khuyến mãi shock - độc - lạ.”

Nhìn tờ giấy trống trơn bây giờ toàn nét chữ, tôi vui hẳn ra. Nhưng vấn đề là sản phẩm bánh mì của tôi quá bình thường, quá quen thuộc với mọi người, không có gì đặc biệt về mùi vị, mọi người sẽ dễ dàng bỏ qua nếu như những kế hoạch marketing và chiến lược bán hàng của tôi thất bại. Làm sao đây? Suy nghĩ vu vơ tôi thuận tay đem sắp giấy lấy ra tờ thứ hai vẽ vẽ vẽ, nhưng không hiểu sao lại vẽ ra một đoá hoa mai, tôi cũng thấy ngạc nhiên sao lại vẽ ra nó? Hoa mai vẽ rất đẹp, tôi còn nhận ra được nó đẹp và sinh động đến nỗi tôi thoáng nghe hương thơm của nó bay ra trong căn phòng này. Bất giác tôi lại nhớ tới nụ cười của Phương Bằng, nụ cười đẹp như một đoá hoa mai nở rộ. Đặt bút xuống, tôi nhìn bức hoạ thật lâu, có thứ gì đó chui ra từ trong ký ức xa xôi.

- Chính là nó! Vì sao bây giờ mình mới nghĩ ra? - Tôi vui sướng reo vang trong căn phòng trọ chật chọi, nếu có thêm ai ở đây đảm bảo họ sẽ cảm thán: “Con nhỏ này điên rồi!”

Tại sao lâu như thế tôi lại lãng quên nó chứ, “bánh mì trộn đặc biệt” của tôi? Tôi còn nhớ ngày tôi còn bé, hình như là cuối năm một chín chín chín (năm 1999) thì phải. Khi đó quà sáng mẹ cho tôi là một nghìn đồng, chỉ cần năm trăm đồng đã mua được nửa ổ bánh mì chan. Ăn thì ngon, song tôi phát hiện loại bánh mì chan này không có chất lượng do thành phần nước chan quá mặn và loãng, so với bánh mì thịt nguyên ổ giá một nghìn đồng đã tệ thì bánh mì chan này còn tệ hơn một cách thảm hại. Nên tôi đã đem tiền mẹ cho mua bánh mì không về từ lò cách trường không xa sau giờ tan học. Về nhà, tận dụng những nguyên liệu mà tôi yêu thích như thịt gà, chà bông thịt lợn, chà bông cá, cùng với những loại rau cải kết hợp chút nước tương để làm nên món “bánh mì trộn” cho riêng mình. Đó là món ăn sáng ưa thích của tôi, sạch sẽ, thẩm mỹ là lại tiết kiệm và điều quan trọng là ăn vào chắc bụng và lâu đói.

Sau một hồi vui mừng, tôi ngồi xuống bàn ngắm nhìn bức vẽ hoa mai khi nãy, lòng dâng lên cảm giác lâng lâng, khom người xuống ngăn kéo tôi tìm cây bút lông, một thỏi mực cùng một nghiên mực, những thứ này tôi mua để tự học thư pháp với lại vẽ tranh chữ nhưng mãi không có dịp đem ra sử dụng, hôm nay cao hứng tự nhiên nhớ tới chúng.

Vừa mài mài thỏi mực một vòng lại một vòng trong nghiên, đầu thì nghĩ nghĩ không biết đề chữ gì cho thích hợp. Cuối cùng cũng tìm được mấy chữ mỹ lệ: “Phong trung phi mai hoa.”

-Vậy đi! - Nói rồi tôi dùng bút lông chấm vào trong nghiên lấy một lượng mực vừa đủ, từng nét dùng lực vừa phải đậm nhạt ngang dọc. Một thoáng, bên phải bức hoạ hiện ra lạc khoản vô cùng hợp ý tôi. Chợt tầm mắt trắng xoá, tôi cảm giác được lụa mềm lướt khẽ qua da, hương hoa mai nhàn nhạt. Tiếng bút rơi xuống nền, tôi choàng tỉnh. Trên giấy hiện ra bóng hình một cổ nhân đang ngước nhìn tán mai vàng nở rộ. Tôi biết, tôi biết rõ cổ nhân tôi vừa tự tay vẽ ra là ai. Chính anh, tiên nhân áo trắng.

- Tôi nên đối với anh thế nào đây?

Tôi khẽ nói rồi cúi xuống nhặt bút lên, thở dài và mỉm cười, nụ cười đến chính bản thân tôi cũng không thể lý giải ý nghĩa của nó là gì.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 12: Văn Hiền

29c347395a680bcccad33af00bc7657b.jpg

(Ảnh: Internet)

Thời gian đầu mới ra quân cũng không tệ, nhờ có mạng xã hội mà số lượng bánh mì từ đếm trên đầu ngón tay giờ đã tăng tới mức ba con số. Đó là động lực giúp tôi không ngừng sáng tạo hơn nữa cho sản phẩm của mình. Lúc đầu tôi chỉ bán bánh mì truyền thống là thịt quay và trứng. Sau này tôi cho ra bánh mì thịt gà salad (xà lách trộn dầu giấm), bánh mì thịt quay đậu phộng, bánh mì thịt bò bằm theo kiểu sốt spaghetti (món mì ống của Ý) và còn một loại bánh mì đặc biệt là “bánh mì trộn” mà tôi gọi bằng “Mix Bread.” Chỉ cần trộn hết thịt bò, thịt gà, thịt lợn quay lại kết hợp bí quyết tỏi phi ba nắng và cơm dừa rang vàng rắc thêm vào bánh, vị ngọt hăng của tỏi cùng với thơm béo của dừa khiến cho bất cứ ai đều không thể chối từ.

Nhưng hôm nay là thứ sáu ngày mười ba, cái ngày quái quỷ này rơi vào mười sáu âm lịch. Thật trùng hợp, tôi nghỉ bán. Chỉ đơn giản là nghỉ ngơi mà thôi. Xem ra cũng chẳng có gì đặc biệt, tôi vẫn ngồi đây rảnh rỗi, suy nghĩ về cái một cái Tết nữa sắp đến. “Ôi trời! Đã mười sáu âm lịch rồi còn gì, mười bốn ngày nữa thôi, sẽ nhanh lắm đây”. Năm nay tháng đủ, có ngày ba mươi. Chán! Ba mươi hay không ba mươi tôi cũng thấy vô vị. Ngày trước tôi cực thích ba mươi Tết, lúc đó còn ngoại, bà sẽ mong cho tháng cuối năm có thêm ngày, một ngày ba mươi Tết. Nếu là vậy, bà sẽ có đủ thời gian kịp sửa soạn mọi thứ chuẩn bị đón năm mới và tôi sẽ có thêm một ngày nữa để lười biếng, than vãn. Còn năm nay có nhiều thời gian đi chăng nữa cũng để làm gì? Để cho ai? Không có bà, năm nay có ba mươi Tết cũng không còn ý nghĩ gì.

Tự nhiên tôi lại thấy nhớ, nhớ về đêm ba mươi xa xôi lúc bà còn sống. - cái đêm Trừ Tịch ấy, bà gói bánh Tét (một loại bánh được làm vào dịp Tết Nguyên Đán ở miền Nam Việt Nam), cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên. Lúc nào cũng vậy, không bao giờ tôi chịu ngồi xuống ăn cơm với gia đình. Bà gọi tôi tận năm bảy lần tôi vẫn không để ý, chỉ lo cầm “dế” yêu lướt web, vậy mà tôi đã bỏ lỡ bữa cơm, bỏ lỡ cả một đời sự ấm áp của gia đình. Không tìm thấy nữa, mãi mãi cũng không thể nào tìm thấy nữa. Và nếu, nếu như thời gian quay lại tôi thề sẽ không bao giờ vô tâm như thế, ngoại của tôi!

Không nghĩ nữa, tôi cầm điện thoại lên, chạm tay mở màn hình thì thông báo tự động đổ liên hồi. Mục tin nhắn trên facebook đỏ chót tới gần mấy chục tin, hầu như toàn bộ đều là ý kiến phản hồi về chất lượng bánh mì. Cuối cùng những nổ lực của tôi cũng đã có hồi đáp.

Trả lời qua một lượt, định tắt máy vô tình ánh mắt lướt qua một tin nhắn kỳ quái từ một tài khoản lạ. Tôi đưa tay chạm vào tin nhắn, màn hình hiện ra vô số đoá hoa mai vàng vàng đáng yêu. Ai mà rảnh thế này? Gõ bao nhiêu đây xong ngón tay người đó cũng mỏi rã rời cho mà xem. “Chắc là fall in love with my Mix Bread rồi!”, trong lòng thầm hân hoan, tôi thầm nghĩ. Theo thói quen tôi liếc qua tên tài khoản của người này, lập tức tôi bật cười ha hả:

- “Anh Hai Miền Tây” sao?

Thời buổi này đúng là thú vị, tên tiếng Anh tiếng o gì đấy không hợp thời nữa rồi. Bây giờ tên càng quê mùa thì càng ấn tượng, càng thuần Việt chừng nào thì càng đẹp chừng ấy. “Anh Hai Miền Tây”, ngày nào cái tên này cũng lảng vảng trong danh sách thông báo. Tôi cũng nên lịch sự chút, biết đâu đây là fan (người hâm mộ) ruột của bánh mì Mix Bread sau này. Định gõ vài dòng trả lời nhưng lại tò mò, tôi vào ảnh xem trước để biết người này mình có quen hay không. Ai ngờ là Văn Hiền, trưởng ấp Trường Tấn quê tôi.

- Hai tài khoản, ba tài khoản. Văn Hiền này thật rảnh quá!

Tôi lầm bầm mắng trong lúc chầm chậm gõ tiếp trả lời: “Anh là Văn Hiền trưởng ấp Trường Tấn mình chứ ai, còn ở đó giả vờ!” Viết xong tay tôi chạm vào nút gửi, môi bất giác cong lên cười. Chưa kịp tắt điện thoại thì tin nhắn lại đến, là Văn Hiền trả lời. Tôi thầm than: “Cái gì mày trả lời tin nhắn nhanh như robot vậy? Cứ y như là auto (tự động), đã cài sẵn chức năng trả lời không bằng.” Tôi mở tin nhắn ra thì giật mình một cái la lên:

- Trời, gửi ảnh nữa!

Văn Hiền gửi tôi tận bốn bức ảnh. Ba bức là ảnh chỗ tôi bán bánh mì, có một bức tình cờ lọt vào khung ảnh ông lão Phật Di Lặc đang sửa chậu hoa mai hôm trước ông vặt lá và một vài cái ghế con xinh xắn ở gian hàng của chị bán bánh ướt. Còn bức cuối cùng là Văn Hiền. Trong ảnh Văn Hiền trẻ hơn tuổi thật của anh rất nhiều, dân mạng hay gọi là vô cùng “lừa tình.” Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt với những đường nét mềm mại như con gái. Có điều đôi má bầu bĩnh lún đồng tiền thì hoàn toàn không hợp tí nào với cái cằm vừa nhọn vừa dài kia của anh. Văn Hiền còn vác theo cây guitar nâu, trông anh như lọt thỏm bên cây guitar to lệ khệ rất hài. Thì ra anh đang ở thành phố này, hèn gì cứ thần thần bí bí rõ ràng là muốn chọc tôi mà. Tôi gõ: “Anh lên thành phố công tác à? Khi nào về lại Trường Tấn, có dịp anh em mình gặp nhau nhé. Em cũng cám ơn anh quan tâm em, có điều hôm nay em nghỉ, mai mới bán”.

Văn Hiền lại nhanh như cắt gửi cho tôi: “Anh lên để coi sóc cửa hàng nhạc cụ xem tụi nhân viên có sao nhãng không ấy mà, rồi ít hôm về lại. Nghe bác Thiên nói em tập tành buôn bán trên này nên anh với thằng Khôi sẵn tiện ghé qua thăm em, định cho em bất ngờ ai dè bữa nay em không ra bán, vậy thì để hôm khác. Anh vừa tốt nghiệp xong khoá đàn guitar muốn khoe em, lại còn mang theo đàn đây này, định bụng đệm cho em hát bài ‘Có một cô nương.’ Hôm trước anh thấy em đăng trên trang web nghe nhạc làm nghiện luôn. Em hát hay thật, cứ như là ca sĩ ấy!”

Đọc xong mấy lời có cánh đó của Văn Hiền, miệng tôi cười hết cỡ chỉ còn thiếu là nhảy cẫng lên mà la om sòm: “Cám ơn Văn Hiền! Cám ơn ngàn vạn lần!” Dù là anh khen xã giao hay là thực sự mến mộ giọng hát của tôi đi nữa thì tôi cũng cảm thấy tâm trạng vui vô cùng. Bao giờ bồ câu đưa tin tốt cũng cần phải được đền đáp xứng đáng. Tôi nghĩ vậy liền trả lời: “Cám ơn anh! Vì lời khen này anh sẽ được miễn phí mười ổ bánh mì Mix Bread đặc biệt! Anh có thể tới bất kỳ lúc nào, cái xe bánh mì nhỏ của em luôn hoan nghênh anh!”

Văn Hiền lập tức trả lời: “Vậy thì còn gì bằng. Nhưng mà anh khen em không phải vì ổ bánh mì Mix Bread kia đâu nhe! Là vì anh thật sự thích giọng hát của em. Thôi vậy đi, em đợi anh tí, anh sẽ đàn cho em nghe ngay bây giờ luôn!”

Văn Hiền anh nói là làm, năm phút sau anh gửi video qua còn kèm theo vài dòng ở tiêu đề: “Em gái à! Anh nhất định sẽ tới. Nhưng em phải chắc là miễn phí đấy. Nếu vậy thì anh có quà cho em đây này. Em nghe đi, anh đã cố tình sửa một chút. Em nghe xong nhất định phải khen đó. Chào em! Khi khác gặp nhé, Mai Cô”.

Tôi mở đoạn video Văn Hiền gửi lên. Thì vô cùng bất ngờ. Anh không hát theo lối dễ thương, nhí nhảnh như Vicky Zhao hay chậm rãi, sâu lắng như Lý Vinh Hạo mà là một chất riêng, tôi tạm gọi là “rất Văn Hiền.” Tôi vô tình nhận ra được đằng sau từng lời hát từng nốt nhạc của anh là sự chân thành được đong thật đầy. Tôi không biết con người Văn Hiền tốt xấu như thế nào, cũng không muốn biết. Chỉ cần vui vẻ, cởi mở, không khách sáo, e dè hoặc cố gồng để làm ra bộ mặt giả tạo, lịch thiệp bên ngoài và điều quan trọng là anh không bao giờ dung tục. Thế đó, mà phần đông giới trẻ bây giờ đã thật sự quên mất nó. Cám ơn anh, Văn Hiền!

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 13: Về quê

56a74b71ecdcb5d61ffed398c88e7bbb.jpg

(Ảnh: Internet)

Một tuần nữa trôi qua, tôi ôm đồm hết những công việc quản lý, thu ngân, giao hàng. Vừa làm chủ vừa làm nhân viên, tôi chạy như con thoi trong lòng thành phố, tất nhiên với chiếc khẩu trang trên mặt. Nếu để mặt “mộc” ra bán như tuần đầu tiên, tôi đảm bảo một ngày bán chỉ có hai ổ bánh mì thôi, một cho ông lão Phật Di Lặc tốt bụng, hai cho chị bán bánh ướt thân thiện. Tôi thầm cười trong lòng.

Ban ngày tôi hoàn thành những đơn hàng của khách gọi điện tới đặt trước, có khi còn cả những đơn cung cấp cho khách du lịch, các em học sinh đi tham quan, hoặc cho những anh chị nhân viên làm văn phòng. Tối đến, tôi bày xe bánh mì ngay khu công nghiệp lớn có vốn đầu tư của nước ngoài, phải khó khăn lắm mới có được một chỗ bán nhỏ xíu như vậy, nhưng đổi lại không tệ chút nào. Công nhân, nhất là các bạn nữ thích mua bánh mì của tôi lắm. Họ bảo nó ngon, lạ, giá cả phải chăng, chỉ cần bỏ ra tầm mười đến mười lăm nghìn đã có một bữa tối no bụng để tăng ca.

Làm thì vất vả, nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại tôi thấy mình dẻo dai hơn, sức khoẻ tốt hơn và đặc biệt tin thần ngày càng phấn chấn. Hạnh phúc khi được cầm trên tay những đồng tiền từ sức lao động chính đáng của mình, nhờ vậy tôi nghĩ ra được nhiều cái mới mẻ trong phương pháp thu hút khách hàng, tăng số lượng sản phẩm tiêu thụ. Chẳng hạn dịp Tết cổ truyền này, khách hàng nào đặt số lượng bánh mì trên năm ổ sẽ được tặng móc khoá handmade hình hoa mai vàng bằng gỗ đáng yêu, một mặt là những câu châm ngôn bổ ích, mặt kia là logo (biểu trưng) vô cùng ấn tượng của thương hiệu “Mix Bread” do tôi tự tay thiết kế. Và nếu như trên mười ổ thì ngoài tặng móc khoá và miễn phí ship (phí giao hàng) sẽ được giảm giá 15% tổng đơn hàng.

Hai mươi chín âm lịch cũng tới. Hân hoan thu dọn hành lý, lọc cọc đem hết những thứ đồ linh tinh đóng gói, khoá lại phòng trọ, tôi lái con ngựa sắt một đường về thẳng quê. Từ mấy ngày trước, tôi đã đăng tin tạm nghỉ Tết cho mọi người biết. Chuẩn bị đâu vào đó cho nên tôi mới có tâm trạng về quê quên đi những căng thẳng, lo lắng và cực kỳ thư thái như vậy.

Đường hôm nay đông nghịch. Lạ! Sao ai cũng tranh nhau về vào những ngày cận Tết thế nhỉ? Tôi nghĩ mọi người phải về từ mấy ngày trước chứ, nào ngờ cũng còn lắm kẻ “tham công tiếc việc” như tôi, lắc đầu, tôi cười thầm. Len lỏi trong dòng người nhích từng chút một, mỗi năm giây tôi chỉ xê dịch được có vài ba mét, với đoạn đường hơn trăm ki lô mét, chừng nào tôi mới về tới nhà đây? Quả thật tôi đã được mở rộng tầm mắt thế nào là “đặc sản” giữa thành phố nhộn nhịp này. Vậy mà tôi vẫn về được tới nhà, may quá! Từ thành phố về tới quê, tôi ngoạn mục kéo dài thời gian gấp ba lần bình thường. Thở hắt ra, tự thưởng: “Tôi thật là tài năng!”

Được đặt chân về lại mảnh đất thân thuộc làm lòng lâng lâng lạ thường. Tôi yêu Tết quê hương vì ở đó có gia đình, có người thân yêu và có cái gọi là nhà. Đợi cả một năm dài đằng đẵng cuối cùng hoa mai trong vườn cũng nở! Loài hoa báo hiệu sự chuyển mình của đất trời và của những gì thiêng liêng nhất.

Tối đến, tôi với em gái đi xem chợ hoa, mệt mỏi quá nên ghé qua nhà hàng sân vườn nhỏ của chú Chín sát bên hông chợ nghỉ, ngồi ở nơi quen thuộc ngay sát cửa sổ lớn trông xuống đường, ở tầng một có thể phóng tầm mắt thưởng thức chợ hoa lung linh bên dưới thì còn gì bằng.

Năm nào phiên chợ Tết cuối cùng vào đêm hai mươi chín âm lịch quê tôi cũng đông vui náo nhiệt, nhưng không hiểu sao năm nay lại lặng lẽ hơn năm trước? Hình như nó cũng biết buồn khi bà không còn nữa. Tôi cười nhạt rồi nâng cốc cà phê đậm đặc lên môi uống một hớp, vị nguyên chất của hạt cà phê còn đọng lại làm tê đầu lưỡi. Bị mùi vị ấy làm cho say, tôi chợt hiểu ra được một cái gì đó. Có lẽ tôi đã quá bảo thủ, trải qua bao nhiêu chuyện đắng cay ngọt bùi tôi nên cho bản thân một cơ hội, tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ. Từ một ngóc ngách chật chội nào đó của tâm hồn tôi đang thì thầm: “Ngoại ơi! Ngoại tha thứ cho con nhé! Con đã mệt mỏi rồi, có được không ngoại?”

Chốc chốc, tôi lại nhìn ra dòng người ngoài kia. Xe máy hai hàng xuôi ngược chen nhau tiến tới từng chút một, giống như vô số con ốc sên chậm chạp với cái mũ quái gở trên đỉnh đầu đang cố bò nhanh nhất có thể trên lòng đường chật hẹp. Hai bên lề, những người chủ bán hoa trông chờ khách hàng mà chẳng thấy ai, thỉnh thoảng họ ngó ra dòng người đang nhìn chòng chọc những bông hoa của họ mà không mua lấy một chậu nào, họ ngán ngẩm ngáp một cái hình như tôi còn nghe được cả tiếng thở lê thê kéo theo sau. Thôi suy nghĩ, tôi bưng cả cốc cà phê lên, uống cạn, như uống hết những điều phiền muộn của cuộc đời. Cà phê rất đắng, đắng như chính tâm trạng lúc này của tôi!

Do mệt mỏi nên tôi không nhớ em gái đèo tôi về nhà như thế nào nữa. Thôi kệ đi vậy, tôi cười rồi nhanh chóng leo lên giường, đắp chăn ngủ. Trằn trọc đến ba giờ sáng mà tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Chợt gió nổi lên, thổi tung cửa sổ tôi khép hờ, bóng nhành mai vàng in trên tấm rèm hoa nhảy nhót. Đáng lý ra tôi phải hét lên rồi bất chấp lao ra khỏi phòng bằng mọi cách, nhưng không có, một chút sợ hãi cũng không có. Trong vô thức tôi đứng dậy, chân nhẹ tênh như lướt trên mây hướng về phía cánh cửa đang không ngừng đóng mở nhịp nhàng.

- Đẹp quá! – Tôi khẽ nói rồi chòm người ra cửa sổ.

Rừng mai nhỏ sáng bừng trong đêm tối, thứ ánh sáng huy hoàng nhưng rất đỗi dịu dàng, không phải mặt trời càng không phải mặt trăng mà chính là một tà lụa trắng, tà lụa trắng của tiên nhân trong giấc mơ tôi đã gặp.

- Mai Cô! – Âm thanh ấy lại vang lên như mời mọc.

Bàn tay thon dài vươn ra, những ngón tay lấp lánh. Lụa trắng không ngừng tung bay. Khoảnh khắc tôi không thể kiềm chế trái tim, bàn tay rục rịch giơ lên, bắt lấy. Lụa trượt qua tay, cảm giác mát rượi dễ chịu bị tước đoạt. Ánh sáng vụt tắt, bóng tối bủa vây, tôi hét lên:

- Đợi đã!

Vừa mở mắt ra thì đã rớt xuống giường.

- Ôi má ơi, thì ra là mơ! – Tôi thở phào, quẹt mồ hôi trên trán nói.

Bao lâu rồi, tôi đã sớm quên đi giấc mơ về tiên nhân áo trắng? Vì sao tôi lại mơ thấy anh, phải chăng đây là một điềm báo? “Bậy bạ, bậy bạ! Giấc mơ chỉ là giấc mơ mà thôi. Chỉ cần bản thân không tin là được.” Tôi tự trấn an mình trong khi đầu óc chờn vờn ý nghĩ muốn nhìn được gương mặt của tiên nhân kia. Nhưng rồi tôi liền đập lên trán rõ đau, cười bảo:

- Trời, là mơ mà! Mày nghĩ đi đâu vậy, Mai Cô?

Dứt lời tôi lồn cồm bò dậy, vươn vai, theo thói quen dụi mắt một cái nhìn chiếc đồng hồ quả lắc.

- A… - Tôi la lên không tin vào mắt mình nữa.

Mai Kha cùng mẹ ngay lập tức chạy vội vào phòng tôi, thấy tôi mặt mày hớt hải còn không ngừng trỏ tay lên chiếc đồng hồ đang treo trên cột gỗ khiến hai người họ cũng lấy làm khó hiểu.

- Trời ơi! Hai giờ chiều rồi sao không gọi chị dậy? Cái con nhỏ này. Chị... chị thật tức quá đi mất! Á… - Lại hét lên, hai tay nắm tóc giật mấy cái, trông tôi chẳng khác nào một tên hề.

Nó giả vờ giận dỗi, mắt nó nheo lại như khóc:

- Chị này kỳ ghê! Thấy chị tối qua mất ngủ, nên em muốn để chị ngủ thêm chút nữa. Vậy mà chị còn không cảm ơn em, lại còn trách em nữa chứ.

- Em con nói đúng đó, thấy con ngủ say như vậy nên nó mới để con ngủ thêm, đừng có la nó, em nó thương con mà!

Mẹ với vẻ quan tâm thật lòng trong khi em gái Mai Kha lén sau lưng mẹ cười tủm tỉm, chêm lời:

- Phải rồi đó, chị hai! Em thương chị chứ bộ.

Đúng là tồi tệ mà! May mắn hôm nay không phải là ngày đầu năm mới nếu không chắc tôi hận và sẽ tự trách bản thân mình. Mấy năm trước vào ngày này, lúc nào tôi cũng dậy từ sáng sớm làm những công việc cuối cùng cho năm cũ thật nghiêm túc. Nhưng năm ngoái tôi cũng ngủ quên, thế là ngày cuối năm chẳng làm được việc gì ra trò, cũng chính vì lẽ đó tôi đã dằn vặt suốt cả đêm giao thừa. Người ta thường hay nói Tết thế nào cả năm thế ấy không sai mà, cả năm nay tôi lúc nào cũng sống trong tình trạng hối hận, lòng không thoải mái, cảm thấy bản thân như bỏ lỡ một thứ gì đó rất quan trọng.

Cái tính tôi là thế! Đến cả tôi cũng phải sợ, một khi đã không làm thì một móng cũng không động, đánh răng rửa mặt cũng muốn tiết chế, nếu thở cũng ngừng được thì tôi cũng đã ngừng luôn cho đỡ phiền. Còn một khi đã làm rồi phải làm cho đến cùng dù khó khăn cỡ nào cũng không nản chí, không làm tôi bỏ cuộc được. Cho nên nếu như có một việc gì đó dù là nguyên nhân vô tình hay cố ý không thể hoàn thành hoặc bỏ qua cũng làm tôi khó chịu đến mất ăn mất ngủ cũng nên, thậm chí là hết lần này đến lần khác mang ra đem vào tự làm khổ bản thân. Khổ là bản thân tôi khổ, nhưng người trong gia đình tôi luôn lấy đó làm niềm vui khi chứng kiến tôi phải vật lộn với lương tâm, nhất là em gái Mai Kha luôn coi điều đó là một trò cười và sẽ không bao giờ thôi cũ đối với nó. Cơ hội béo bở lần này, nó sẽ không dễ dàng bỏ qua. Lòng tôi thật chua chát vô cùng. Tôi tự cười nhạt một cái, cười cho chính bản thân mình.

Mẹ đi rồi, em gái cũng đi ra, nhưng trước khi đi nó còn nhướng mày rồi cong môi rất giảo hoạt, giống mấy nhân vật vai phản diện trong phim điện ảnh, thật là giống vô cùng.

Thôi suy nghĩ, tôi chạy ào vào phòng vệ sinh làm những gì cần làm một cách nhanh nhất có thể. Sau đó hối hả lấy bút viết lên nhiệm vụ “to lớn” trong giây phút cận kề thềm năm mới. Xong xuôi, đã tổng kết lại hết tất cả công việc cũng không nhiều lắm, chỉ có mười mấy gạch đầu dòng, hai việc cuối cùng là học gói bánh Tét và bằng mọi giá phải cùng gia đình ăn bữa cơm tất niên đầm ấm.

Một nhiệm vụ nữa đã hoàn tất với kết quả hoàn hảo, ngôi mộ của bà được tôi lau dọn tỉ mỉ, sạch sẽ, tất cả các mạng nhện giăng lên bởi những con nhện đầu chó chăm chỉ đêm qua, một chút tơ nhỏ cũng không còn. Ngồi nghỉ một lát, ôm cây đàn vào lòng bắt đầu ngân nga đôi ba câu cổ nhạc mà ngoại thường hay hát, hát cho bà, cho ông và cho một chuyện tình đi vào quá khứ.

Giai điệu nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu lắng làm tôi nhớ tới những ngày tháng còn vui vẻ, những ngày tháng có ngoại bên cạnh. Lúc đó tôi thật sự là người hạnh phúc nhất vậy mà tôi đã nhẫn tâm không nhận ra được. Không ai đoán trước được điều gì. Qua ngày hôm nay thôi, sẽ kết thúc một năm năm tháng lẻ sáu ngày đầy đau thương và mất mát này, quãng thời gian tôi sẽ không bao giờ quên và cũng sẽ không bao giờ muốn nhớ. Đây đúng là một trò đùa quá trớn của tạo hoá, tôi thầm mong cho nó chỉ là cơn ác mộng, ngày mai ngày đầu của năm mới tôi sẽ tỉnh giấc sẽ được gặp lại bà, ngoại của con!

Mà thôi, tôi không thể nào cứ cố chấp như vậy được. Hai mươi mấy tuổi, hơn một phần ba đời người; thử hỏi đời người có sáu mươi năm, rốt cuộc là dài hay ngắn? Biết là thế nhưng tôi lại vô tình lãng phí nó. Điều quan trọng nhất của tôi bây giờ không phải là tiếc nuối cho khoảng thời gian đã đánh mất, mà tôi phải nhanh nhanh sử dụng khoảng thời gian sắp tới của cuộc đời mình một cách hiệu quả nhất cho gia đình yêu quý hiện tại.

Nghĩ thông, tôi cầm cây đàn lên, đứng phắt dậy, sửa một tư thế hiên ngang nhất cho mình. Nếp nhăn trên trán giãn ra, hai vệt hằn giữa đôi lông mày cũng biến mất, khuôn mặt tươi vui lạ thường. Nụ cười trên môi không biết nở khi nào, trong lòng dâng lên cảm giác vui sướng, có thêm một chút bối rối giống như tôi vừa nhận ra được giá trị của cuộc sống này chính là biết quý trọng nó?!

Từ trong gian nhà bếp vọng ra tiếng gọi của cô em gái Mai Kha:

- Chị ơi! Vào chuẩn bị lá cho mẹ đi chị. Nhanh lên chị, để kịp gói bánh nữa đó!

- Ừ, nghe rồi! Chị vào ngay!

Tôi bước vào nhà, từng bước chân thong dong nhưng vững chãi.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 14: Bất ngờ

8570e6697ae03835941acda5f055ee71.jpg

(Ảnh: Internet)

Gian bếp quen thuộc, mùi khói bếp tỏa ra nồng nàn hoà cùng hương nếp tẻ, chuối sứ huyện vào vị béo ngậy bùi bùi của đậu xanh mới chín làm xốn xang lòng người. Nhân bánh Tét đã gần chuẩn bị xong. Tôi nhanh nhẹn nhảy lên bộ đi-văng, ngồi xuống trong khi mẹ và em gái đã làm gần xong phần việc của mình. Mẹ trông dáng vẻ xớ rớ không biết làm gì của tôi liền cười, bảo:

- Đây, việc ruột của con này! – Mẹ chìa sắp lá chuối đã phơi héo một phần cùng với một cái khăn sạch và mềm cho tôi.

- Dạ! - Tôi háo hức đáp rồi đưa hai tay ra đón lấy.

Ngày hôm nay của năm trước thấp thoáng trong ký ức, tôi cũng được bà ngoại giao cho nhiệm vụ đơn giản mà quan trọng này. Nhanh thật, thời gian làm tất cả thay đổi khiến tâm trạng tôi giống như vừa muốn rót vào lòng nhiều hơn một cái gì, vừa muốn lấy ra nhiều hơn một cái gì.

Vừa lau mấy miếng lá chuối tôi vừa cười cười một mình. Mai Kha nhếch môi xinh đẹp, nói:

- Thấy em làm mệt muốn xỉu, còn cười. Chị thì rỗi quá rồi! Lau có mấy cái lá, một lát gói bánh, em để chị siết dây bên ngoài hết bao nhiêu đây luôn cho chừa.

- Tốt quá! Được được được, hết thì hết!

Tôi cười nắc nẻ, em tôi nói đúng ý tôi quá còn gì. Học gói bánh Tét là mục tiêu cận cuối của tôi và cũng là ước mơ tôi vẫn chưa thực hiện được hồi bà còn sống.

Nó chu mỏ lên, mặt phụng phịu, tôi vẫn cười, tiếng cười giòn tan, man rợ hơn trước. Cộng thêm cái nháy mắt khiến nó tức tối vô cùng.

Từ trong gian bếp nhỏ, trông ra ngoài sân phía xa xa, cạnh gốc mai già, cha đang lui cui nhóm thêm một cái bếp ngoài trời, thỉnh thoảng lại lấy cái vá dài vớt bọt nồi thịt kho nước dừa bên cạnh, thi thoảng lại ngó qua xem chừng nồi khổ qua hầm kế đó. Trong này, mẹ trộn đều lần cuối thau nếp ủ thơm xay với cơm dừa bào nhuyễn. Lâu lâu, mẹ lại nhìn hai chị em tôi cười thật hiền, mắt mẹ ánh lên tia nhìn nồng hậu. Tôi ngẩng mặt, vô tình bắt gặp khung cảnh này, trong lòng có một dòng ấm áp chảy qua, vì đây chính là niềm hạnh phúc mà bấy lâu nay tôi bỏ quên ở nơi này. Có lẽ đâu đó quanh đây, còn có một người nữa ngoài bốn người chúng tôi cũng nhận ra điều đó, phải không ngoại của con?

Cầm con dao nhỏ lên, cắt dây lạt siết bên ngoài cái bánh Tét có một không hai. Cuối cùng chiếc bánh đầu tiên cũng được tôi cho nó một hình thù kỳ dị vừa mập vừa dài. Em gái được dịp ôm bụng cười hả hê một tràng. Tôi xụ mặt, ỉu xìu ngồi đó. Tôi cứ im lặng, em tôi cứ cười. Nhưng mẹ bảo tôi gói đẹp, gói khéo. Mẹ khen tôi, tôi biết, cái gì của con làm dù xấu đến đâu cũng là tác phẩm nghệ thuật để cha mẹ nâng niu, xem như báu vật. Có lẽ một ngày, tôi cũng sẽ cảm nhận được tâm trạng mẹ lúc này.

Vậy là xong, em gái tôi tết phần lạt (dây bằng tre, dang hay mây chẻ mỏng dùng để buộc) thừa ở đầu bánh lại với nhau, từng cặp một bánh Tét nhân chuối và đậu được kết chung, sau đó em gái bỏ tất cả chúng vào một cái thúng lớn. Nhìn chúng nó trong thúng có đôi có cặp, giống như phu thê bánh hạnh phúc, viên mãn bên nhau; dù là bị lạt buộc vào đau đớn, dù là nước sôi nóng rát; chúng vẫn gắn bó bên nhau, đi với nhau đến hết đời.

Tôi giúp mẹ khiêng thúng bánh ra chỗ nồi nước to tướng đang sôi ùng ục. Cha tiếp thúng bánh để xuống rồi lần lượt cho từng cặp bánh vào. Cái bánh của tôi nó đi với một cái bánh xinh đẹp nhất chỗ bánh này, được để vào đầu tiên, và chắc chắn phải để vào đầu tiên. Vì nếu không làm thế, không biết khi nào nó mới chín. Đậy nắp, thêm củi, quạt quạt quạt. Tôi làm thuần thục, cũng công việc này, cùng một người làm, cũng cùng một nơi, mà sao khác quá!

Trong nhà, cha cũng đã hoàn tất xong công đoạn nấu nướng cho bữa cơm tất niên. Cũng như năm ngoái, ngoài những món truyền thống như khổ qua nhồi thịt hầm, thịt kho nước dừa, cải chua, chả đầu, bánh Tét còn có thêm món chả giò chiên, canh chân giò, đặc biệt là món bún xào thập cẩm em gái Mai Kha đi chợ mua nguyên liệu từ sớm, làm chăm chút kỹ lưỡng. Nó biết tôi ngoài thích bánh mì trộn ra còn rất tâm đắc mấy món sợi dài như mì, hủ tiếu, phở, bún, miến. Do đó, món bún xào thập cẩm không thể thiếu trong mâm cơm cuối năm, và nó cũng chứa thật nhiều sự cố gắng và tấm lòng em gái tôi trong đó. Nhưng là cái khổ ở chỗ đợi tận một năm trời, tôi mới được em gái ưu ái duy nhất ngày này. Nghĩ tình cảnh của tôi cũng chua, nhưng bù lại cũng có chút ngọt. Có mấy ai được đích thân em gái nấu ăn cho, có thì cứ hưởng, không than thở, không trách cứ.

Tôi vẫn chuyên tâm ngồi quạt lửa, cha và mẹ chuẩn bị dọn cúng, để tiến hành làm nghi thức rước ông bà về ăn Tết. Bánh cũng sắp được rồi, bánh thơm hương quê quen thuộc mở thông khứu giác. Em gái Mai Kha loăn xoăn bưng đồ ăn lên bàn thờ. Nó chạy đi chạy lại làm tôi sắp hoa cả mắt.

Chỉ những lúc lắng động như thế này tôi mới có thể ngắm nhìn khung cảnh yêu thương này kỹ càng như vậy. Trên bàn thờ chính trong nhà, ảnh ông ngoại đặt cạnh ảnh bà ngoại ở chính giữa bệ thờ phía trước bộ lư đồng. Hai bên bệ thờ là hai chân đèn cũng làm bằng đồng sáng chói mắt. Bên phải bệ thờ cha khéo léo chưng ở đó một bình hoa mai vàng rực rỡ. Còn bên trái bày một cái chò (vật để đĩa trái cây cúng làm bằng gỗ cây chò) gỗ chạm hình ba con rồng đang chầu, đâu lưng vào nhau. Một mâm trái cây đủ các loại màu sắc vừa được cha đặt lên đỉnh đầu của ba con rồng, quả chất cao chạm vào cả nhành mai treo câu đối đỏ.

Cha đã lên đèn, ánh đèn dầu tỏa ra bốn phía tràn ra chiếu sáng một nửa quả dưa tròn xanh xanh, bóng loáng. Tất cả bố cục chặt chẽ đậm có nhạt có, xa có gần có giống như một bức tranh sơn dầu được người nghệ nhân kỳ công tạo ra bằng chính sự cảm thụ của mình, đong hết tình cảm vào làm tròn đầy linh hồn của kiệt tác. Khiến bất cứ ai nhìn vào lòng đều dâng lên có một nỗi niềm da diết mà không biết gọi tên nó làm gì. Là nhớ, là thương, là yêu hay là vương vấn? Riêng tôi đó chính là cái cảm giác muốn khắc sâu vào lòng nhưng sợ sẽ đau, lại cũng muốn quên đi nhưng sợ sẽ còn khắc khoải. Tôi như đứng giữa một con đường, hai bên đường chính là vùng đất nhớ và quên, nếu bước sai có lẽ phải hối hận, nêm cứ dậm chân mãi một chỗ, mặc cho thời gian cứ nhanh chóng qua đi, bỏ rơi tôi ở lại để nhớ và quên một bóng hình. - Ngoại của tôi!

Lấy điện thoại ra chụp lại khung cảnh đẹp đẽ này làm kỷ niệm. Một tấm, hai tấm, vô số tấm. Vùi đầu sửa lại mấy tấm hình vừa chụp sao cho đẹp nhất, để kịp đăng cho “nóng”. Bỗng, chuông điện thoại reo lên bài hát “I'm your” của Jason Mraz làm tôi giật mình suýt chút nữa vứt luôn cái điện thoại vào bếp lửa đang cháy. Số này tôi không hề lưu trong danh bạ, nhưng tâm trạng đang tốt, không chần chừ, tôi lướt nhẹ ngón tay bắt máy:

- A lô!

Đầu dây bên kia vẫn không trả lời. Tôi kiên trì:

- A lô! Cho hỏi là ai đang gọi đến số của tôi vậy?

Vẫn chìm vào im lặng, không một tiếng đáp trả.

- A lô! Không trả lời tôi tắt máy đấy!

Bây giờ đầu dây bên kia mới chịu lên tiếng:

- Đừng, đừng, đừng... Mai Cô! Anh là Phương Bằng đây, đừng tắt máy! - Anh nói, giọng bé tí, run run.

Tôi ngạc nhiên quá đỗi, mắt trợn to, miệng há hốc, không nói nên lời. Quả thật tôi đã sớm quên anh, ngay khi anh vừa rời khỏi. Nhưng rất lâu trước đó, tôi đã quên anh rồi. Đúng là như vậy. Tôi không tin vào sự thật đang diễn ra, bàng hoàng đáp:

- Anh Phương Bằng à, lâu rồi không gặp anh!

Phương Bằng ngắt lời tôi:

- Phải, anh đây! Lâu rồi chúng ta không gặp nhau, em nhỉ? Em có khoẻ không? - Anh hỏi với giọng trầm ấm, ôn tồn làm tôi cũng vô tình lâng lâng say theo.

Đắn đo một chút, tôi mới đáp:

- Ừ, tôi vẫn khoẻ! Còn anh thì sao, vẫn khoẻ chứ, Phương Bằng? – Tôi hỏi như không biết gì để hỏi, câu đó thật sự xưa như trái đất, ai nghe cũng thấy nhàm chán vô cùng.

- Vâng, anh vẫn khỏe, rất khỏe. À, bên ấy hoa mai nở chưa, em nhỉ? - Vậy mà anh trả lời vô vị y như tôi, không khác tí nào.

Tôi cũng vô vị đáp:

- Hoa mai nở rồi. Đẹp lắm!

Vô tình mùi hoa mai rất đậm quấn lấy cánh mũi. Một cơn gió xuân khéo thổi, mang tới vô số cánh hoa mai rụng theo làn gió, vươn lại trên đầu, trên vai rồi khắp người, bay cả vào nồi bánh Tét đang sôi. Tôi cười, tay tiện thể bắt lấy cánh hoa vương trên môi làm tôi nhột nhạt, bóp tan ra thành nước.

Anh lại nói:

- Bà mất, anh không về được, em đừng giận anh nhé!

Không, tôi không có giận anh và không có lý do gì để giận. Nếu anh biết tôi đã quên đi sự tồn tại của anh, quên đi cậu bé béo ú năm xưa, cũng quên đi người mang tên Phương Bằng lâu rồi, chắc anh sẽ là người giận tôi mới phải. Tôi thỏ thẻ với anh bằng giọng khách sáo mặt dù không xa lạ như lúc trước nhưng cũng không gần gũi:

- Không có đâu, anh quan tâm ngoại tôi như vậy là tôi vui lắm rồi!

Anh tiếp:

- Không giận anh là được rồi!

- Không giận! - Tôi khẳng định một cách chắc chắn.

- À... - Anh ngập ngừng không chịu nói trọn câu.

- Có chuyện gì, anh cứ nói?

- Năm mới, anh chúc em và gia đình vạn sự như ý! - Anh lại về cái cách nói vô vị như trước có điều tôi lại cảm thấy nó bắt đầu thú vị.

- Cám ơn anh nhiều! Chúc anh và chú mua may bán đắt, phát tài phát lộc, tiền vô như nước nhé! - Tôi chúc anh bằng cái câu chúc vô cùng bình dân gần gũi, mộc mạc giản dị, và có phần quê mùa như chính con người tôi.

- Vâng, anh cũng mong như vậy. Anh... Anh...

- Còn gì à?

- Anh... À mà... - Anh nói rồi đột ngột im bặt.

Anh vẫn cứ ấp úng mãi như vậy, đã hai lần anh thách thức sự kiên trì của tôi, tôi với anh cứ duy trì tốc độ này thì tôi phải tắt máy sớm, còn nồi bánh Tét của tôi nữa chứ, chỉ có đường nở bung lá hết thôi. Được! Tôi tình nguyện làm cô gái vô duyên vậy. Dù sao anh cũng không phải người yêu của tôi, không cần năn nỉ ỉ ôi hay sợ lỡ lời rồi chia tay ngay trên điện thoại giống như mấy cuộc tình trẻ con chóng vánh. Nghĩ là làm, tôi nói:

- Không còn gì nữa, tôi tắt máy đây, đón giao thừa xong ngủ sớm nhé!

Đột nhiên anh vội hô lớn, nhưng cũng không quên nói rõ mồng một mấy chữ cuối:

- Khoan đã! Mai Cô! Anh... Anh yêu em!

- Anh nói cái gì? Này anh, chuyện đó không phải muốn đùa thì đùa được đâu? A lô, a lô! Phương Bằng…

Đợi tôi nói hết câu đó thì anh tắt máy mất rồi. Phương Bằng này đảm bảo xem phim không bao giờ xem màn kết, đọc sách chừa ra mỗi trang cuối cùng. Giờ đây anh bắt tôi phải làm sao? Nói đến đó còn không cho tôi quyền từ chối hay chấp nhận. Thật quá ích kỷ!

Ngay lập tức, âm báo tin nhắn vang lên, là tin nhắn của Phương Bằng: “Mai Cô, anh rất nhớ em! Không lâu nữa chúng ta sẽ gặp nhau, đợi anh! Từ nay về sau đừng gọi anh là ‘anh Phương Bằng’ nữa. Gọi ‘Bằng’ như ngày xưa, em nhé!”

Trời ơi! Sao lại tự biên tự diễn thế kia? Làm ơn cho tôi thoại một câu với! Không ai biết, không ai nghe, không ai hiểu nỗi lòng của tôi. Cô gái thức thời chắc chắn sẽ nhận lời làm bạn gái Phương Bằng ngay, còn tôi chỉ là cô gái ngốc nên sẽ không thể yêu anh, không xứng với anh và sẽ không bao giờ đồng ý cũng như không bao giờ hối hận. Không nghĩ nữa, để điện thoại lên bàn, tôi tiếp tục công việc dở dang.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 15: Cơm tất niên
8cd76f58e0618775c92c3c9833a74da3.png

(Ảnh: Internet)

Cùng lúc mẹ từ trong nhà đi ra, gương mặt tươi cười, mẹ nhỏ nhẹ:

- Mai Cô, Ai gọi vậy con?

- Dạ, là Phương Bằng đó mẹ! - Tôi đáp lời nhàn nhạt quay đi, lấy tay quơ qua quơ lại phả khói nồi bánh Tét, thuận tay cầm một đôi đũa dài cạnh đó, gắp một cái bánh ra xem bánh đã được chưa.

- Phương Bằng... – Mẹ chậm rãi tìm cái tên Phương Bằng trong trí nhớ, rồi khép đôi mắt nâu, ngẫm nghĩ.

- Là cái người trạc tuổi con, đến thăm ngoại cùng với con vào cái đêm ngoại đỗ bệnh. - Tôi vừa cắt dây buộc xong, rồi tháo luôn hai lớp lá chuối vứt vào cái thau nhôm bên cạnh, nhắc mẹ.

- À, mẹ nhớ rồi! Thảo nào, nghe tên thì quen mà mẹ không nhớ ra. Cậu ta ấy à, thật gần gũi, dễ mến mà lại còn tốt bụng nữa. - Mẹ gật gù, cười hiền.

- Dạ, con cũng thấy vậy đó mẹ.

Mẹ bước qua chỗ tôi, ngồi xuống cái phảng kế bên bếp lửa, cầm con dao nhỏ cắt một khoanh mỏng bánh Tét, cho vào miệng nếm thử, mẹ gật đầu nhè nhẹ. Tôi nhìn mẹ, nhìn thật lâu, tôi thấy sao mẹ giống bà lạ. Hình ảnh đó làm cho lòng tôi rất ấm! Mẹ ăn xong khoanh bánh, từ tốn cắt một khoanh nữa đưa qua cho tôi. Không do dự, tôi đón lấy ăn ngon lành. Nhìn tôi ăn xong mẹ mới nói:

- Mẹ thấy cậu Phương Bằng đó người sáng sủa, tính tình cũng tốt. Mẹ ước sao có một người con rể như vậy. – Vẫn cười hiền như trước, mẹ tiếp. - Phải chi cậu ấy làm người yêu của con thì tốt quá!

Đang vớt mấy cặp bánh ra chiếc thúng tre, tôi phì cười vì câu nói của mẹ:

- Mẹ ơi! Đâu phải mình muốn là được đâu mẹ. Có là người yêu hay không cũng phải tùy duyên nữa. Chứ như con, mẹ thấy không, vô duyên quá trời!

Tôi không buồn, không tự trách như trước khi nghe bất kỳ ai, kể cả người thân nhắc về chuyện người yêu này, người yêu nọ. Có lẽ tôi đã có tình yêu mới?! Tình yêu cho ước mơ, cho lý tưởng riêng của mình, cho những gì tôi đang làm và sẽ làm trong tương lai. “Chuyện Phương Bằng” chắc là tôi đang mơ một giấc mơ đẹp, đẹp nhất từ trước đến giờ mà tôi từng mơ, anh và tôi có một đoạn nhân duyên ở kiếp này, nhưng không có nợ. Tôi đoán vậy, tôi cũng nghĩ như vậy.

- Ừ thì con muốn sao cũng được, mẹ đều đồng ý!

Mẹ nói đoạn, bỏ lần lượt mấy cặp bánh vô thau nước lạnh đã để sẵn kế bên thúng tre, nhanh tay lướt qua mấy chỗ bánh bị bọt, dầu dừa rỉ ra làm bẩn. Rồi mẹ nhẹ nhàng xếp bánh ra đĩa cho đủ cúng, mấy cặp còn lại mẹ vắt ngang qua một khúc cây trúc, để lát nữa vào nhà mẹ sẽ treo lên. Mẹ làm y như hồi ngoại còn sống. Lúc trước, cũng tại chỗ này, bà ngồi trên phảng, một chân xếp lại, một chân co lên giống như mẹ, cũng rửa bánh, cũng xếp bánh, cũng treo bánh. Tôi nhớ bà, nếu như bà còn sống, bây giờ bà cũng sẽ nói với tôi như mẹ.

Mẹ đứng lên, đem khúc cây trúc treo đầy hơn chục cặp bánh Tét tinh tế, đẹp mắt vào trong nhà. Trông thấy cái bánh Tét tôi gói, được mẹ trịnh trọng xếp vào cái đĩa sứ hoa vàng, nó dài hơn và to hơn cái bánh bên cạnh nó. Tôi thấy có chút buồn cười, nhưng trong lòng cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi cũng nhanh chóng bưng mấy đĩa bánh Tét lên bàn thờ, để hoàn thành việc chuẩn bị mâm cơm cúng Tết.

Mọi người đều đã thay quần áo mới, nghiêm túc chỉnh tề đứng trước bàn thờ tổ tiên. cha sửa lại cổ áo sơ mi màu xanh xám, bước lên một bước, rồi chậm rãi đốt ba nén hương trầm, cẩn thận dâng cao lên đầu. Ngừng một chút, cha bắt đầu khấn:

- Hôm nay đêm ba mươi Tết Đinh Dậu, con ở đây cùng vợ và hai con kính thỉnh ông bà, tổ tiên về lại gia đình ăn Tết đoàn viên với con cháu. Chúng con luôn biết ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ, thân tộc quyến thuộc đã phù hộ cho gia đình con luôn bình an vô sự, xum vầy, hạnh phúc. Chúng con sẽ ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục, sẽ giáo dục con cháu nối tiếp, duy trì truyền thống. Chúng con cầu mong ông bà, tổ tiên, cha mẹ, thân tộc quyến thuộc luôn bảo vệ ban phước cho chúng con; để chúng con trong năm mới này luôn được may mắn, phúc thọ an khang...

Miên man dòng suy nghĩ theo lời cha khấn vái, em gái Mai Kha dõi mắt lên bàn thờ chăm chú, nét mặt rạng ngời như ấp ủ một hoài bão đẹp đẽ. Tôi thì thầm vào tai nó:

- Có tin không, chị thuộc hết mấy lời cha vừa khấn đấy!

Tôi nói mà khuôn mặt cứng ngắt, đực ra. Rất tếu nhưng cũng rất nghiêm túc. Em gái cười, thúc thúc cùi chỏ vào hông rồi ra hiệu:

- Suỵt! Nhỏ tiếng thôi! Em biết, chị còn thuộc cả bài “Kinh Vãn Sanh” còn sắp làu làu “Chú Đại Bi” nữa kìa. - Nó nói mà cái vẻ cứ như là bà cụ non, đã thế còn tằng hắng thêm cái nữa.

Cha đã làm xong nghi thức, lùi xuống nhường chỗ cho mẹ. Dường như cha có vẻ đượm buồn không biết vì cái gì. Cha nhìn hai chị em tôi cười, cố che đậy vẻ buồn đó trên gương mặt. Có lẽ cha cũng nghĩ điều tôi đang nghĩ? Vì ngoại năm nào cũng là người đảm nhận vị trí cha lúc này, làm việc bà hay làm rồi nhớ người xưa chăng? Không một ai trong chúng tôi biết những người còn lại nghĩ gì; nhưng chúng tôi rõ, giờ phút này, có một hình bóng mà cả bốn người chúng tôi điều hướng tới.

Mùi nhang trầm vẫn tỏa đều đều, lượn lờ trong không khí. Đầu của chúng uốn cong cả một đoạn dài, hương bay ra khắp gian nhà, sà vào cả ngọn đèn dầu im thin thít. Lửa ngọn đèn lâu lâu nở pháo hoa tí tách, lay động gật gù như người thức đêm buồn ngủ. Tiếng bước chân người đi đón giao thừa ngoài ngõ. Tiếng xe máy. Tiếng chó sủa. Tiếng nhạc. Tiếng tivi mở lớn. Tiếng nói cười rộn rã từ những nhà bên cạnh. Quen đến mức làm cho tôi lầm tưởng đó chính là tiếng động riêng của Tết, của mùa xuân và của chính vùng đất Trường Tấn nơi này.

Mới đó mà trời đã dần tối, màn đêm hôm nay đẹp lắm! Những đám mây xếp ngổn ngang trên nền trời như chiếc chăn lớn muốn che khuất những ngôi sao nhấp nháy dần dần nhường chỗ cho khoảng trời mờ ảo, thấp thoáng xa xa một vùng hồng hồng sáng lấp lánh ánh đèn. Em gái bật công tắt đèn huỳnh quang treo trên cành mai cổ thụ trước sân rồi bưng hai đĩa lớn đồ ăn ra, đặt xuống bàn đá cạnh gốc mai, nhanh nhẩu chỉ tay về khoảng trời ngập tràn ánh đèn rực rỡ, hào hứng nói:

- Phía đó lát nữa có pháo hoa.

Tôi đứng lên, bước tới gần em gái, nhìn chăm chú hướng nó chỉ, rồi bảo:

- Chị thích ngắm pháo hoa từ xa hơn. Cái gì ở xa cũng đẹp và hoàn hảo hết.

- Chị nói phải! – Nó đáp.

Tôi nhìn nó một lúc lâu thì hỏi nó:

- Sao năm nay em không đi đón giao thừa với bạn bè đi?

Em gái mặt tươi rói, cười tít mắt, giọng thánh thót:

- Em thấy ở nhà với gia đình mình vầy có ý nghĩa hơn. Mấy năm trước đi đón giao thừa tận tỉnh bên. Trời ơi! Đón xong, đầu năm đầu tháng mà không được ở nhà còn đi tiếp tăng hai tăng ba nữa, về tới nhà là mồng một Tết luôn, sáng lại lăn ra ngủ vùi tới tận chiều. Đêm giao thừa như vậy phí gần chết. Chi bằng ở nhà dọn dẹp, tán gẫu, ăn cơm đoàn viên với gia đình mình không phải sướng hơn sao?

- Em gái lớn rồi nhe!

- Thôi, chị khen mà cứ như đang cố tình chọc em vậy.

Tôi cười ha hả, giọng cười vô duyên chưa từng có, chêm vào một câu nữa:

- Ừ thì chị đang chọc mày chứ có khen gì đâu, tưởng đâu lớn đầu hoá ra lớn xác.

Nó nhăn cái mặt lại rồi xắn tay áo lên định cù lé tôi nhưng nó nén xuống nói:

- Hôm nay giao thừa, tha cho chị đó!

- Con đó, chỉ giỏi ăn hiếp chị! - Mẹ mắng nó rồi đặt đĩa thức ăn cuối cùng lên bàn, tiện tay cầm đũa đút cho tôi một miếng chả thơm lừng trong khi em gái chu môi ganh tỵ.

- Ngon không? - Cha hỏi tôi.

Vừa nhai sừng sực miếng chả trong miệng, tôi vừa nói với vẻ hí hửng rồi giơ ngón tay ra hiệu:

- Dạ, tất nhiên rồi! Cha làm là số một! - Nuốt xuống, cười tươi, tôi tiếp. - Có rãnh thì cha xuống bếp thường xuyên đi. Sao ai nấu ăn ngon cũng đều thích giấu nghề?

Em gái nhìn một màn, sốt ruột lên tiếng:

- Bụng con sôi ùng ục đây này, mau lên, con đói lắm!

- Nào cả nhà ăn mình ăn cơm thôi! - Cha không giấu được vẻ vui mừng, nói.

Mọi người đều cầm đũa lên, tâm trạng hân hoan lạ thường.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 16: Bạn thân

960100af196fe4c2ac0d86293f95a994.jpg

(Ảnh: Internet)

Cuối cùng, ước mơ nhỏ bé của tôi cũng được thực hiện, bữa cơm Tất Niên vui vẻ này sẽ để lại những kỷ niệm đẹp trong mỗi con người ở gia đình chúng tôi. Không còn gì tiếc nuối, tâm nguyện mà tôi chưa thực hiện trong năm cũ cũng hoàn thành, hoàn hảo, mỹ mãn. Dọn mâm, rửa chén xong xuôi; cả nhà quây quần bên nhau đợi giao thừa tới. Đã là tám giờ tối, bốn tiếng chắc không lâu nữa đâu!

Đêm dần khuya, tiết trời mát mẻ, khô và lành lạnh. Gió xuân vẫn thổi đều, từng trận mưa hoa bên gốc mai cổ thụ đẹp mê người. Ánh đèn treo trên cây mai lung lai nhè nhẹ, phản chiếu những cánh hoa đang trôi theo gió, nửa sáng, nửa tối khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến bầu không khí có chút liêu trai.

Một con dơi con không biết từ đâu bay tới, sượt qua mặt tôi, làm tôi giật mình kinh hãi. Đâu đó trong xóm, có người say rượu cứ lè bè chửi bới. Con dê nhà ai kêu la như tiếng trẻ con quấy khóc làm tôi rợn hết da gà. Chịu không được tôi bèn hỏi nhỏ Mai Kha:

- Này, dê nhà ai kêu ghê quá vậy?

Mai Kha nghe tôi hỏi nó đổi giọng, âm thanh nhẹ tênh:

- Là dê nhà anh Hai Hiền, mà…

- Văn Hiền trưởng ấp hả? Mà sao?

Mai Kha ấp a ấp úng làm tôi khẩn trương ghê gớm. Đang lúc tôi cố nén lại nhịp tim binh binh, nó đáp một câu xanh rờn, nét mặt không đổi:

- Ảnh mất rồi, mất nửa tháng rồi!

Tôi nghe xong thì thở không nổi, vò đầu bức tóc một hồi mới ngẩng lên nói:

- Sao em không nói với chị? Chuyện như vậy mà chị chẳng biết gì hết, dù sao cũng là hàng xóm láng giềng, ảnh còn là trưởng ấp Trường Tấn này, thật tình chị thấy mình tệ quá. Mà ảnh bị sao vậy?

- Ảnh cứu ai đó rồi bất cẩn bị xe tông phải. Lúc ảnh xảy ra tai nạn là trên thành phố. Ảnh vốn mồ côi mà, ở đây đâu còn ai thân thích nữa, họ hàng của ảnh ở trên đó lo hậu sự rồi đưa ảnh về quê mẹ. Xóm Trường Tấn mình chỉ nhận được một cái tin buồn như vậy thôi chị. Nhà ảnh vẫn để nguyên dưới này, còn con dê trắng ảnh nuôi thì giờ anh Khôi bác sĩ chăm hộ. – Mai Kha nói tới đó, nó cúi đầu thở dài, âm thanh nặng nề rồi từ từ chìm vào đêm xuân tịch mịch.

Tôi cũng không nói gì thêm, lặng lẽ ngồi cùng nó. Đối với xóm Trường Tấn hẳn là chỉ mất đi một trưởng ấp, rồi họ sẽ nhanh chóng bầu ra một trưởng ấp khác. Một năm, hai năm, nhiều năm sau, còn mấy ai nhớ tới Trường Tấn từng có Văn Hiền?

Phải rồi, ngày mai nhất định phải rủ anh Khôi cùng sang nhà thắp nén nhang cho anh. Sự việc khiến tôi chết chìm giữa bàng hoàng và hoang mang tột bực. Còn anh, liệu anh đanh ở đâu đó nhìn tôi hay anh đã trôi về phương trời nào xa xăm, phải chăng như anh đã khuyên tôi: “Mọi chuyện đều đã có sắp đặt, chúng ta chỉ việc chờ đợi”, anh đợi được rồi ư, Văn Hiền? Gương mặt tươi cười trong đoạn video anh gửi, nụ cười có đôi má lúm đồng tiền cùng giọng hát ngọt ngào cứ vang lên trong đầu khiến tôi không thể nào quên được. Vậy mà anh đã đi rồi, tôi còn nợ anh, nợ một lời hứa vu vơ của ngày hôm đó! Bánh mì “Mix Bread” kia miễn phí cho ai bây giờ? Trái tim trong lồng ngực không ngừng đau đớn, nước mắt không rơi vì đã sớm chảy ngược vào trong máu.

Dê cứ kêu, người say rượu chửi lớn tiếng hơn nữa, âm thanh lúc vọng gần lúc vang xa chen vào tai nhức nhối, càng lúc càng quỷ dị.

Đột nhiên điện thoại lại reo vang bài hát “I'm your” chết tiệt. Lần đầu tiên tôi ghét cay ghét đắng giai điệu này vô cùng, tự hứa là tối nay tôi nhất định phải đổi lại nhạc chuông truyền thống, cứ thế này tôi sẽ ám ảnh mất.

Cầm điện thoại lên nhìn trân trân dãy số lạ hiện trên màn hình, lần này không phải Phương Bằng. “Có nên bắt máy không?” Do dự cả buổi, cuối cùng cuộc gọi bị nhỡ. Cầm điện đoạn trong tay xoay qua, xoay lại, nghĩ ngợi: “Nếu ai đó muốn gọi mình, thì chắc chắn họ sẽ gọi lại.” Như suy đoán, điện thoại lại một lần nữa rung lên từng hồi đòi mạng. Thôi kệ! Cứ bắt máy xem sao.

- A lô! Cho hỏi là ai đang gọi vậy?

Vẫn không trả lời. Tôi thầm mắng: “Thật là! Mấy cái người này cũng rỗi quá đi. Gọi không nói thì thôi đừng gọi. Ở nhà đón giao thừa không phải yên thân hay sao? Tên này cùng với Phương Bằng kia đúng là về chung một nhà được mà!” Cùng một kiểu người thì dùng cùng một chiêu. Suy nghĩ dứt khoát, tôi gằn giọng nói giòn tan:

- Không trả lời tôi tắt máy đây!

Vậy mà có tác dụng, đầu dây bên kia đã chịu mở miệng:

- Mai Cô! Là tao, Ngân Băng nè!

Là Ngân Băng thật rồi. Nó không thể nào biết được tôi vừa phải tiếp nhận tin buồn đến thế nào, nhờ giọng nói thân quen của nó mà tôi mới có thể thả lỏng trái tim sắp nghẹt thở của mình. Thường năm, cứ đến giờ này là nó sẽ gửi một tin nhắn cầu kỳ chúc Tết tôi. Gần mười mấy năm qua nó vẫn chưa hề làm khác. Vậy mà kể từ hôm Ngân Băng hiểu lầm tôi với Phương Bằng trong bệnh viện, nó đã gần như mất tích. Tôi đã làm mọi cách để liên lạc nhưng chẳng được. Tôi rất muốn, rất muốn quát cho nó một trận, cũng muốn trốn nó suốt đời để nó hiểu được cảm giác lúc này của tôi. Có điều giọng nói hiện tại của Ngân Băng không giống nó trước đây, không huyên náo cũng không ồn ào khiến tôi biết ngay nó gặp chuyện buồn rồi, vì hai tiếng “bạn thân” tôi sẽ cố một lần nữa bỏ qua cho nó. Tôi vội nói:

- Trời ơi, mày đi đâu, làm gì biệt tăm biệt tích vậy? Tao gọi cho cha mẹ mày cũng không ai biết mày ở đâu? Mà mày đổi số điện thoại hả, định trốn tao à? Tao nhớ mày lắm!

Ngân Băng đáp như không:

- À... Vậy hả?

- Ê con nhỏ này, mày sao thế? - Tôi bực mình đến độ dường như muốn hét lên trong điện thoại.

- Mai Cô! – Ngân Băng gọi tôi, rồi âm thanh nghẹn bứ trong cổ.

- Ừm, nói đi, tao nghe nè! – Tôi cố kìm nén lại cơn giận đang dâng lên, hít một hơi thật sâu trả lời.

Ngừng một chút Ngân Băng tiếp, giọng nó khàn hơn:

- Mày ra đây được không?

Bây giờ tôi mới biết là nó đang say. Cố sửa cho giọng nói trong và rõ hơn. Tôi lật đật hỏi nó:

- Mày uống say rồi phải không? Đang ở đâu vậy? Tao tới ngay!

Bằng cái âm thanh rề rà và lựa nhựa, nó cắt ngang lời tôi:

- À... mà thôi, không cần đâu! Tao không có say! Mày ở nhà đi, khỏi ra đây. Tao không có say thật mà!

Tôi đổi tay cầm điện thoại, nghiến hai hàm răng dường như thành tiếng, tôi tưởng tượng máu đang lên tới đỉnh đầu mình rồi bốc khói đỏ, tôi quát lớn:

- Vậy chứ gọi tao làm chi? Mày rảnh quá vậy! Rõ ràng vừa bảo tao ra mà... - Cố kiềm chế sự bực tức lúc này, tôi bấu chặt móng tay đến nổi quên đi lòng bàn tay bị làm cho đau, nhỏ giọng nói với nó. - Thôi bỏ đi. Ở đâu, tao ra đó liền?

Ngân Băng im lặng một chút, dường như nó đang nghĩ gì đó, tiếng của nó bây giờ không còn say như vừa nãy, nó bảo:

- Quán quen tao với mày thường đi đó.

Tôi hối hả đáp lời Ngân Băng:

- Okay! Ở nguyên đấy, đừng đi đâu, tao đến ngay!

Nói xong tôi tắt máy. mẹ bên cạnh hỏi tôi:

- Là con bé Ngân Băng à?

- Dạ, là nó đó mẹ. Nó say rồi, đang ở nhà hàng của chú Chín dưới thị xã. Chắc con gọi cho gia đình nó cái đã.

Mẹ nghe tôi nói cũng thấy lo lắng cho nó lắm, mẹ bảo:

- Con gọi đi, báo cho cha mẹ nó một tiếng. Để có gì đón nó về. Con gái con lứa, một mình mà còn say xỉn, bên ngoài giờ này thì nguy hiểm lắm.

- Dạ, con gọi ngay ạ! - Tôi đáp rồi bấm số.

Cả cha mẹ và em gái cũng im lặng nhìn tôi trong khi tôi vẫn còn đang chun mặt lại chờ chuông điện thoại reo.

Em gái đợi một lúc thì hết kiên nhẫn, đứng lên lấy thêm hủ đậu phộng rang muối, vặn vặn nắp, nó bắt đầu huyên thuyên:

- Nào giờ chị Ngân Băng chơi với chị có thấy nhậu nhẹt gì đâu. Mà giờ lại trở chứng. À, nhắc tới mới nhớ, từ hồi ngoại bệnh tới giờ, chỉ biệt tăm, biệt tích, mặt mũi còn không thấy. Nghĩ cũng lạ thật đó, hồi nhỏ tới lớn có khi nào mà chỉ với chị vắng nhau đâu, hai người dính nhau như hình với bóng. Tự nhiên bẵng đi thời gian, rồi nay đột ngột gọi điện chi vậy ta? Lạ thật!

Mẹ nghe nó nói thì cười nhẹ, nâng bình trà xanh rót một ly, bưng lên, từ tốn bảo:

- Chắc Ngân Băng nó bận công việc nên không có thời gian đi chung với chị con, nếu chị con mà đi làm cũng bận như nó thôi. - Hớp một ngụm trà nhỏ mẹ quay sang tới. - Mà cũng lâu rồi Ngân Băng nó không có tới nhà mình chơi. Còn bằng không... Mai Cô à! Con ra thị xã rước nó về đây, có thêm nó tối nay càng vui hơn đó con!

Mẹ vừa nói xong thì tôi cũng kết thúc cuộc gọi. Than rõ một tiếng, lầu bầu nói:

- Chắc là vậy rồi mẹ. Cha mẹ nó về nhà ngoại ăn cỗ hết rồi, nhờ con lo giùm cho Ngân Băng, hai người họ đều đã quá chén, có vẻ họ không lo lắng cho nó lắm. Thật không trùng hợp chút nào!

Cha cũng không khỏi lo, khuyên tôi:

- Hay là cha con mình cùng ra đó đưa nó về đây luôn, một mình con đi không kè nổi nó đâu. Giờ đã tám giờ tối, đường quê vắng người, không phải như trên thành phố đâu con. Con đi một mình cha không an tâm!

Nghĩ nghĩ tôi thấy cũng đúng, nhưng tôi không muốn làm phiền cha. Không để vì Ngân Băng mà bắt ông phải chạy đi chạy lại trong đêm như vậy.

Em tôi cũng xen vào:

- Ê! Em theo với, có gì em phụ chị.

Tôi vội vã nói:

- Thôi được mà! Con biết nhà mình ai cũng muốn tốt cho con, nhưng mà con lớn rồi, yên tâm đi, chuyện này con xử lý được. Không sao đâu! Cha với mẹ yên tâm!

- Vậy thì đi cẩn thận nghe con gái, mặc áo ngoài vào con, thấy vậy chứ trời lạnh lắm! - Mẹ nhắc nhở tôi.

- Con lấy xe mình đi đi, nếu Ngân Băng nó có xe thì con cứ gửi lại chú Chín chủ quán, mai nó về lấy. Lại tới đó mà nó có say quá thì gọi về nhà nghe con, cha với em ra ngay. - Ông cũng không quên nhắc nhở tôi.

Nói rồi, tôi chạy vội vô trong nhà lấy cái áo khoác len tay dài với túi xách. Lật đật xỏ tay áo vào, tôi nghiêm túc nói với em gái:

- Còn em nữa, ở nhà đi, mình chị đi được rồi!

Mai Kha khinh nhờn, hất cằm nói:

- Ừ, thì thôi! Mà chị nhanh lên đi chứ. Từ nãy giờ chắc chỉ ngủ được một giấc rồi đó!

- Rồi, rồi! Đi liền, đi liền!

Tôi nói xong, ì ạch dắt xe ra ngõ, nhanh chóng phóng xe đi. Trời đêm xuân không lạnh chỉ vừa se se, mà trong ruột bắt đầu đánh run từng đợt. Gió miết vào má, gió xé cổ họng cay xè. Lũ côn trùng lao vào đèn xe, lao cả vào mặt, vào cổ làm rát da. Tôi vẫn chạy về phía trước, tăng tốc. Lòng thầm nghĩ đến đó sẽ mắng Ngân Băng một trận cho chừa tật học đòi. Trời càng lúc càng tối, đường lại toàn ổ gà ổ vịt, lại còn phải né cái ổ khủng long đầu ngõ nên không kịp tránh chiếc xe con đen thui lù lù đang chạy ngược chiều. May thay chiếc xe đó chỉ sượt ngang hông xe tôi, chứ bằng không là tôi đo đường ngay. Tôi dừng xe lại trông theo chiếc xe chạy ẩu vừa rồi, nó đang rẽ vào lối đường rải đá nhà tôi.

- Xe ai thế nhỉ? – Tôi lẩm bẩm nói một mình.

“Hay là xe của anh Khôi bác sĩ?” Tự suy đoán một hồi, tôi thở phào. Xe ai cũng mặc, miễn bản thân không sao là được. Dứt khoát vặn tay ga, tôi cứ thế chạy thẳng một mạch.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 17: Lời cầu xin từ bạn thân

00d79511269fa1987923143479d71a12.jpg

(Ảnh: Internet)

Nhà hàng nhỏ của chú Chín hôm nay nhộn nhịp. Đêm giao thừa không khí bình dân, đậm chất quê vắng bóng. Mấy ông trung niên gần cửa chính đàm đạo tán gẫu, nhóm chục cậu con trai nép vào chậu quất um tùm chơi bài tây, một tụm già trẻ lố nhố núp kín đáo sau bức bình phong cao hứng đổ xí ngầu. Súc sắc lốc cốc, lá bài rơi chan chát, kẻ xỉn, người say cười cười nói nói, đây reo hò, kia buông lời chửi bới, tất cả pha tạp, ồn ào lố nhố. Phía trên lầu yên ắng hơn, ba bốn người phụ nữ công nhân làm chung ở xí nghiệp rủ nhau cùng ăn mừng tất niên, họ chỉ ăn lẩu cay mà không có bia hay rượu. Tôi lướt qua bàn họ, mùi ớt nồng nồng ngứa tận mang tai. Thẳng một đường vào trong cùng, tôi đi đến bàn yêu thích cạnh cửa sổ lớn trông xuống đường, trên đôn gỗ gụ lục giác dựa vách thường thường có một chậu mai cảnh nhỏ xíu mà chú Chín cưng nhất, nhưng hôm nay chậu mai lăn lông lốc dưới nền, đất vương vãi khắp nơi. Ở đó, chú Chín đang gọi cô gái nằm gục trên bàn. Chính là nó, Ngân Băng!

Chú Chín thấy tôi liền mừng quýnh, chạy qua, kéo tôi lại chỗ Ngân Băng, hấp tấp nói:

- Mai Cô, con tới thiệt đúng lúc. Chú vừa định gọi con ra đây rước nhỏ bạn con về. Con coi đó, nó uống say rồi giở thói đập đồ, quậy phá. Chậm một chút là chú gọi công an rồi.

- Trời ơi! Sao lại đến nông nỗi vậy? Chú Chín có hư cái gì không? Con thay nó đền lại cho chú. - Tôi nói xong, nhanh nhẹn móc trong túi xách lấy mấy tờ tiền đưa qua cho chú Chín.

Chú thấy vậy nhảy dựng, xua tay, chú nói:

- Thôi nghe, con cất vô đi, tiền bạc gì.

- Chú cứ lấy đi mà chú! Dù sao cũng là quán chú làm ăn, bạn con nó làm vậy là nó không đúng rồi. Chú nhận đi chú Chín!

- Con cất vô đi, tại chú tức nó quá nên nói vậy chứ tiền bạc gì. Con còn không cất, chú méc (mách) cha con đó! - Chú Chín sửa giọng nói cứng một chút, nhìn sang Ngân Băng đang ngủ ngon lành, lắc đầu thở dài. - Thôi! Dẹp tiền vôi đi. Con qua coi nó có sao hôn? Hồi nãy nó chọi ly bia, không biết có trúng tay trúng chân không nữa. Tết tới nơi rồi… Con gái con lứa, nhậu với nhẹt. - Rồi chú tránh qua bên, bảo. - Chú giao nó lại cho con đó, chú đi làm đồ ăn đây để khách chờ, coi nó nghe con!

- Dạ, con cám ơn chú Chín! Chú đi làm gì thì làm đi chú. Để con xem nó là được rồi!

- Thôi ơn nghĩa gì, con cứ khách sáo! - Chú nói rồi quay qua bưng cái chậu mai lên, đặt phịch lên đôn gỗ, hai tay chùi chùi vào tạp dề trước bụng, lật đật bước nhanh xuống lầu.

Không ngờ Ngân Băng uống say tới như vậy. Nó đập đồ thì thôi còn làm ngã chậu mai của chú Chín. Hẳn chú buồn lắm! Tuy bình thường Ngân Băng bướng bỉnh, bạo lực, ngang ngược nhưng cực kỳ yêu quý bản thân, yêu tới độ khiến người ta chán ghét, chưa bao giờ tôi thấy nó buông thả tới mức này. Có lẽ nó gặp chuyện buồn không nói được nên đành mượn rượu xua đi phiền não. Cũng có lẽ đó mới đúng là bản chất thật của nó. Nếu như ngoại của tôi không xa rời tôi, nếu như những người tôi tin tưởng trước kia không làm tôi mất niềm tin, thì hôm nay dù cho chứng kiến hiện trường trước mặt tôi cũng hoàn toàn không tin những gì chú Chín nói. Còn bây giờ thì sao? Không có gì là tuyệt đối cả. Tôi và nó từ nhỏ lớn lên bên nhau, tôi và nó hiểu nhau, tôi và nó như người thân của nhau, như thế có đủ để tin tưởng nó vô điều kiện không? Tôi đã nghĩ là không! Mắt tôi cay, miệng khô và cổ họng nghẹn. Tôi muốn khóc quá! Không biết cho tôi hay là cho Ngân Băng nữa? Những khái niệm mà trước giờ tôi hiểu rõ thì bây giờ tôi không dám chắc mình hiểu được mấy phần, thậm chí tôi còn không biết gì về chúng hết! Tôi tự hỏi mình rốt cuộc hai tiếng “bạn thân” là như thế nào?

Tôi cười trừ, ra đến tận đây rước Ngân Băng về, mà mãi nghĩ gì đâu không, để nó nằm ngủ như cho mèo con trên bàn trông thật tội nghiệp. Tôi kéo ngồi Ngân Băng tựa người vào lưng ghế, tát nhẹ vào đôi gò má ửng ban đỏ vì say của nó mấy cái, gọi:

- Ngân Băng, Ngân Băng, tao Mai Cô nè! Dậy đi, tao đưa mày về! Tỉnh dậy đi, Ngân Băng, Ngân Băng!

Vô dụng! Tôi lay, tôi gọi mà nó chẳng thèm cựa mình lấy một cái. Say tuý luý thế kia bây giờ dẫu có động đất hoặc thiên thạch rơi, nó cũng yên bình đón mặt trời ngày mai. Không bỏ cuộc tôi định gọi một lần nữa, đột nhiên Ngân Băng giật mình, dim lim mở mắt, chồm người dậy, nói tỉnh như ru:

- Tới rồi à!

Ngân Băng làm tôi đứng hình. Phải chăng nó mắc chứng thần kinh phân liệt? Trạng thái trở bàn tay thật khó đoán. Bỡ ngỡ vài giây, tôi nặn cho nó một nụ cười thật tươi, lộ nguyên vẹn hàm răng chuột trắng muốt. Vòng tay ôm lấy cánh tay nó kéo lên, tôi thỏ thẻ:

-Ừ, Tao ra rước mày về nhà tao. Lúc nãy tao có điện thoại xin cha mẹ mày rồi, tối nay ở lại nhà tao đón giao thừa, vậy nhe! - Ngân Băng vẫn không nói gì, nó tỳ xuống ghế nặng quá. Tôi dùng hết sức lực, hệt đang cố dựng chống hai chân của xe máy thế mà nó cũng không chịu đứng lên. Nó đang làm trận với ai đây nhỉ? Tay tôi chuyển qua ôm cả người nó cho có sức kéo nó dậy. - Ngân Băng à! Mày cũng tỉnh rồi, cũng bớt say rồi, mày đứng lên nhe! Nào, tụi mình về nhà thôi, về nhà rồi muốn làm gì thì làm. À, mà mày có đi xe không? Có thì tao nói với chú Chín, để ổng giữ xe giúp mày, mai Mồng Một hãy lấy. Đứng dậy nhanh lên!

Ngân Băng bất ngờ gạt tay tôi ra, đẩy thật mạnh vào bụng tôi làm tôi mất thăng bằng lui về sau mấy bước. Nó nhìn thẳng gương mặt ngốc nghếch của tôi, dứt khoát từng tiếng:

- Thôi đủ rồi, Mai Cô! Dù sao mày cũng tới đây, tao với mày nói chuyện đi.

Tôi không biết chuyện đang diễn ra gì cả, Ngân Băng nói xong câu đó làm người tôi cứng đờ, mặt đen lại. Từ trước tời giờ tôi với nó có cái gì không hiểu nhau đâu mà phải nghiêm túc nói chuyện như lúc này. Trong lòng không biết vì sao có một chút khó chịu? Nhưng nhịn, nhịn hết, hiện tại Ngân Băng vẫn chưa hết say, đừng vì vài câu nói mà nổi giận với nó. Làm vậy chẳng khác nào những người ích kỷ ngoài kia cả. Rồi tôi cũng gật đầu với nó:

- Nói chuyện? Được được được, sao cũng được. Mà nói chuyện xong mày để tao đưa mày về nhà tao nhe!

Tôi bước qua ngồi mé xuống ghế đối diện với Ngân Băng, người khom khom không tự nhiên lắm. Trước giờ chúng tôi không có thế! Khung cảnh này, tình huống này làm cho tôi không sao quen được. Hai cánh tay tôi trở nên dư thừa, không biết đặt ở đâu cho phải, những ngón tay cứ đan vào rồi đan ra mãi.

Bất ngờ Ngân Băng lên tiếng:

- Mai Cô!

Tôi cố ghìm giọng thật dễ nghe để trả lời Ngân Băng:

- Ngân Băng, mày nói đi! Tao đang lắng nghe mày nè!

Nó ngập ngừng nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh nước. Không biết là nước mắt do nó vừa ngủ dậy hay là nó sắp khóc?

- Mai Cô, tao... – Nó e ngại cúi mặt xuống, mái tóc dày che đi ánh mắt đẹp.

- Mày có chuyện buồn gì khó nói ra hả? Không sao, mày nói đi cho giải toả, cứ để hoài trong lòng sao chịu nổi hả mạy? Nói đi! Xem tao có giúp gì được cho mày không? Làm được gì thì tao đều sẽ làm. Cứ nói đừng ngại mà.

- Mày nói thật chứ?

Nó hỏi ngược lại rồi nhìn tôi bằng ánh mắt biết ơn như thể tôi là ân nhân của nó vậy. Đúng là Ngân Băng nó uống say thì y chang người thần kinh phân liệt. Rành rành lúc nãy nó hùng hồn đòi ngồi xuống cùng nói chuyện, lại hung dữ xô tôi xém ngã, chỗ tay nó đụng bụng tôi còn nong nóng, mà giờ cứ ấp a ấp úng. Chẳng hiểu nó muốn cái gì nữa? Tôi bắt đầu thiếu kiên nhẫn. Tôi ước gì nó say ngủ như chết luôn, quăng nó lên taxi thế là xong. Tôi dịch người sửa lại tư thế ngồi, nhìn chăm chú Ngân Băng:

- Tao nói thật mà! Bạn bè bao nhiêu năm, mày không biết tính cách của tao à? Thôi... Thôi nói ra tao xem nào!

Ngân Băng vẫn ngập ngừng:

- Mai Cô, tao muốn nói là... – Ngừng một chút, Ngân Băng hít một hơi dài lộ rõ gân xanh trên cổ, nói thật nhanh. - Mày hãy buông tha Phương Bằng. Tránh xa ảnh ra. Đừng có giành ảnh với tao nữa. Mai Cô! Coi như... Tao xin mày!

Trời ơi! Tôi nghe như trong đầu vừa xảy ra một vụ nổ khủng khiếp. Ngân Băng đang nói cái quái quỷ gì thế? Cái gì mà “buông tha Phương Bằng”, “tránh xa Phương Bằng ra” rồi “đừng giành Phương Bằng”, rốt cuộc chuyện này là sao? Bây giờ tôi thật sự hoảng loạn tột bực khi chính tai tôi nghe đứa bạn thân nhất của tôi nói thế. Tôi bắt đầu váng đầu, hai tai ù ù, tim đau không thể thở nổi. Mặc dù trời dần về khuya thêm lạnh mà mồ hôi cứ túa ra. Tôi đưa tay vuốt mặt mình, cố gắng bình tĩnh nói với nó:

- Ngừng, cái gì mà có “Phương Bằng” ở đây? Tao không hiểu gì hết. Tao cần một lời giải thích.

Ngân Băng lập tức cười khan, nước mắt nó ứa ra từng giọt lớn. Ngước mặt lên nhìn trần nhà, nói dùng cả hai bàn tay lau nước mắt:

- Giải thích? Mai Cô, rốt cuộc là tao hay mày phải giải thích đây?

Tôi thấy Ngân Băng như vậy, rất giận cũng rất sợ. Giận vì nó là bạn thân của tôi bấy lâu nay mà một chút về tôi nó cũng không hiểu. Sợ vì tôi biết tôi có thể sẽ mất đi người bạn thân này chỉ vì cái người mang tên “Phương Bằng” kia. Tôi có cảm giác mình sắp sửa hận Phương Bằng đến thấu xương. Tôi không biết Phương Bằng từ đâu đến, chẳng lẽ do “nghiệp” của tôi tạo thành? Tôi thừa nhận là do tôi sai, lúc trước tôi đã không biết trân trọng những người yêu thương tôi nên ông trời đã mang ngoại của tôi đi mất, còn bây giờ tôi đã làm gì nên tội cơ chứ mà ông trời lại sắp lấy đi Ngân Băng của tôi? Thật quá bất công với tôi rồi! Một năm rưỡi, một năm rưỡi không có Ngân Băng bên cạnh. Đó là những chuỗi ngày mà tôi gọi là “tăm tối” nhất cuộc đời. Tôi không thể mất nó được, không thể được. Chuyện này nếu giải quyết không tốt thì tôi và nó dù có làm bạn trở lại với nhau cũng sẽ như sợ dây dứt, nối cỡ nào cũng vẫn là sợ dây dứt. Tôi nắm chặt lòng bàn tay lạnh toát, đầy mồi hôi của mình, gằn giọng:

- Mày nói vậy là sao? Thật tình là tao không hiểu gì hết. Ngân Băng à, mày bị làm sao vậy?

Ngân Băng thôi cười, cũng thôi khóc, ảo não nhìn tôi:

- Vậy mà mày nói với tao mày sẽ làm bằng hết sức giúp tao khỏi buồn! Chuyện gì mày làm được mày cũng sẽ làm. Chẳng lẽ việc này khó đến mức vượt khỏi khả năng của mày sao? Buông tay Phương Bằng rồi tránh xa ảnh ra, chỉ vậy thôi. Khó khăn với mày lắm phải không?

Tôi bây giờ như người ngốc vừa mới vừa hiểu được một chút lại tiếp tục ngẩn ngơ. Ngân Băng nói năng càng ngày càng đảo lộn. Tình bạn của tôi và nó, nó lại không thể đặt tôi vào vị trí nào đó trong lòng nó. Nó xem tôi là gì? Chẳng bằng lẻ của tên Phương Bằng đó. Ngân Băng đi quá xa rồi đấy. Tôi sắp điên lên với nó mất.

- Không phải như vậy đâu, Ngân Băng! Mày nghe tao nói đi! Thật sự tao với người tên Phương Bằng đó chỉ biết nhau cách đây một năm rưỡi thôi, còn chưa phải là bạn bè của nhau nữa là! Huống chi... Mày nói tao buông tha Phương Bằng, tránh xa Phương Bằng, tao thực sự không hiểu.

- Nói láo, tao không tin! - Nó quát vào mặt tôi.

Tôi vẫn kiên trì giải thích:

- Tao đã nói rồi mà, Ngân Băng! Tao và tên đó không là cái gì cả. Mày biết đó, lúc ngoại tao bệnh, trùng hợp chú anh ta cũng nằm viện nên tao chỉ gặp anh ta vỏn vẹn có mấy tiếng khuya hôm đó thôi, rồi đến tận bây giờ tao không hề thấy mặt anh ta một lần nào nữa hết. Mày... thật là làm tao tức chết mà!

Ngân Băng giơ hai tay ôm đầu, trông nó thật thảm hại, nó thút thít:

- Lúc ngoại mày bệnh, chính cái lúc đó! Khi tao bắt gặp mày với Phương Bằng, hai người nắm tay nhau; mày biết tao đau đến như thế nào không hả, Mai Cô? Tại sao mày đã nói là không tranh Phương Bằng với tao, vậy mà mày lại lén lúc hẹn hò sau lưng tao. Mày cũng biết, từ nhỏ đến lớn cái gì tao cũng nhường mày, cái gì tao cũng cho mày. Tao biết mày rất tội nghiệp, lúc nào cũng bị bạn bè chê cười xa lánh nên tao rất thương mày, không hề tranh mày cái gì. Tao chưa bao giờ cầu xin bất cứ ai một điều gì cả, lúc nào tao cũng cao cao kiêu ngạo, biết bao nhiêu người sống chết theo đuổi tao, thậm chí còn nguyện vì tao mà bất chấp tất cả, đến như vậy mà tao còn chưa hề siêu lòng. Chỉ có hôm nay tao xin mày... Nhường Phương Bằng thôi, lẽ nào mày cũng không toại nguyện cho tao được hả, Mai Cô?

Nó “nhường” tôi? “Từ nhỏ đến lớn”? Có sao? Mà cứ cho là có đi thì tình yêu là thứ không thể trao qua, trao lại. Đập mạnh tay xuống bàn, tôi lớn tiếng nói với nó:

- Mày nói nhường à? Dễ thôi, tao sẽ nhường, cái gì tao cũng nhường. Nhưng Phương Bằng bây giờ không phải của tao làm sao mà tao nhường ảnh cho mày được? Mà giả sử như tên Phương Bằng đó là của tao, tao nhường cho mày chưa chắc anh ta đã đồng ý! Mày làm ơn tỉnh táo lại chút đi, Ngân Băng! Nếu anh ấy yêu mày, tự anh ấy sẽ đến bên mày thôi, không cần mày phải đi cầu xin như vậy đâu.

Mấy bàn bên cạnh thấy ồn ào, ai cũng ngóng mắt về phía chúng tôi xầm xì, chỉ chỉ trỏ trỏ, làm tôi thấy nhột nhạt vô cùng. Tôi vội vã đứng lên, chạy vội sang chỗ Ngân Băng ngồi, nắm tay nó kéo dậy:

- Đi thôi! Cái gì cũng được, bỏ qua hết. Về nhà đi Ngân Băng. Khuya rồi tụi mình về không hay đâu. Mày chưa tỉnh hẳn, để tao dìu mày!

Ngân Băng bực bội, vùng vằng hất tay tôi lần nữa, nói:

- Tao không về! Mày hứa với tao đi, tao mới về!

Tôi không thể nén sự tức giận hơn được nữa, bỏ tay nó ra, đứng thẳng người lên, nhìn thẳng vào mắt nó, nói bằng cả tấm lòng:

- Được! Mày bảo tao buông tha Phương Bằng, tao không đáp ứng mày được, vì tao chưa phải là người yêu của ảnh tao không có quyền đó. Nhưng tránh xa ra thì tao làm được. Từ nay tao sẽ không gặp Phương Bằng nữa, cũng sẽ giữ khoảng cách với Phương Bằng, nếu ở đâu có Phương Bằng thì ở đó sẽ không có tao. Okay! Bây giờ mày tin tao chưa?

Ngân Băng rưng rưng, ngửa gương mặt đáng yêu với đôi con mắt đẹp như liễu rũ lên nhìn tôi làm tim tôi tan chảy. Ngay bây giờ đây, tôi thấy thương, rất thương nó.

Ngân Băng thỏ thẻ nói với tôi:

- Mày nói đều là thật chứ, Mai Cô? Mày đừng làm khác đó!

Tôi nắm hai bờ vai tròn của nó, nhìn vào mắt nó:

- Được, tao hứa. Tao sẽ làm được mà vì mày là bạn tao, bạn thân duy nhất của tao.

Ngân Băng hài lòng với đáp án tôi cho nó, đứng dậy cầm tay tôi:

- Tao tin mày lần này, mày không được làm tao thất vọng nữa.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 18: Không may

10bd35a2c5977b64ba8fe9591a553326.jpg

(Ảnh: Internet)

Chúng tôi vừa định đi thì chợt điện thoại trong túi xách vang lên. Tôi lật đật mở máy ra xem, thì ra là cha gọi tôi. Tôi hư thật! Nãy giờ ra đây nói cả buổi mà không gọi về làm ông sốt ruột.

Không gian ở đây càng lúc càng ồn, không nghe rõ ông nói gì, tôi dùng hết sức có thể, nói thật lớn vào trong điện thoại:

- A lô, con nghe nè cha!

- Ừ, con đó hả? Sao rồi con? Ngân Băng nó có say lắm không con?

- Dạ, ổn rồi! Con chở nó về ngay, cha đừng lo nhe!

- À... Mai Cô ơi! Có bạn con ghé nhà mình chơi. Nó bảo nó ở đây ăn Tết với gia đình mình luôn đó con!

- Hả, bạn con? Ở nhà mình ăn Tết? Mà bạn con là bạn nào? Kì vậy, con nhớ con đâu còn có bạn nào nữa ngoài Ngân Băng đâu cha.

- Ừa! Nó nói nó tên Phương Bằng.

Tôi giật mình một cái, tay cầm điện thoại suýt nữa trượt, hoảng hốt kêu lên:

- Trời ơi! Là Phương Bằng sao? Ở… ở nhà mình ăn Tết. Tuyệt đối không được!

Ôi chết chưa! Tôi bất ngờ quá nên la lớn lên, khiến Ngân Băng bên cạnh cũng nghe thấy. Thôi rồi! Khó khăn lắm tôi mới lôi được Ngân Băng đứng lên cùng về nhà. Giờ thì hay ho rồi, cái tên Phương Bằng chết tiệt! Dám tới tận đây giành “đào” với tôi hả. Được lắm! Tôi hận anh, Phương Bằng!

- Mai Cô, con còn nghe cha nói không?

- Dạ...dạ...

- Chút nữa, con gửi xe nhà chú Chín luôn đi. Phương Bằng chở cha ra đó đón con với Ngân Băng về luôn thể. Vậy đi, cha tắt máy đây.

- Cha! Khoan đã, khoan… con...

Tôi vẫn chưa nói xong thì cha đã tắt máy rồi. Lần này khó xử cho tôi quá. Tôi vừa hứa với Ngân Băng là sẽ không gặp Phương Bằng nữa, mà giờ đây Phương Bằng lại đến tận nhà tôi còn có ý định ăn dầm nằm dề ở đó đến qua Tết. Thật khiến tôi không biết phải giải quyết chuyện này sau nữa. Bất quá thì: “I'm a lesbian!” Mà nói dối vậy bất hiếu lắm. Thôi, nếu đã vậy thì ba mặt một lời sẽ là giải pháp tốt nhất trong lúc này. Nếu mọi chuyện đi quá xa thì sẽ tìm đường khác binh, quan trọng là đặt tình bạn lên trên hết.

Nghĩ chưa xong thì y như rằng, Ngân Băng trở chứng. Nó bước lên trước đối diện tôi, nhìn chằm chằm, điên tiết mắng cho tôi một tràng:

- Đó thấy chưa, Mai Cô! Mày lại nói dối tao nữa rồi. Mày đã hứa với tao ra sao, tránh xa Phương Bằng ra, vừa mới đó mà mày còn hẹn ảnh đến tận nhà mày, còn ở luôn đón Tết. Mày coi tao là cái gì? Là con bạn ngốc hả? Lừa tao xong rồi, để mày với ảnh dễ dàng đến bên nhau, không phải vậy sao? Thật là tao ngay từ đầu không nên tin mày. Đúng là tao ngu, ngu mới tin một đứa dối trá như mày!

Tôi nghe xong một loạt lời nó nói, rõ ràng đang vu khống tôi. Nhưng tôi cư xử làm sao mới phải đây? Bằng mọi giá tôi phải thanh minh cho mình, tôi cố nén cơn nghẹn trong cổ họng, nhẹ giọng:

- Từ đã Ngân Băng, mày nghe tao nói đi! Chuyện này thật sự là ngoài ý muốn. Tao không hề có ý lừa dối mày đâu, Ngân Băng à. Tao quả thật không biết cái tên Phương Bằng đó lại đến nhà tao. Làm ơn Ngân Băng, mày phải tin tao!

- Toàn là nói dối. Vậy chứ mày bảo tao tin mày ra làm sao? Tao đã nghe hết rồi, những lời mày vừa nói qua điện thoại, mày với Phương Bằng đang yêu nhau. Mày tưởng tao điên à, Mai Cô? Không hẹn hò tại sao tới nhà mày vào giờ phút này chứ? Mày đừng nói với tao là trùng hợp, cái đó không lừa được tao nữa đâu. – Ngân Băng nói rồi đột ngột khóc thành tiếng, tay nó ôm ngực, nghẹn ngào tiếp:

- Mai Cô! Mày... có biết... một năm rưỡi nay tao đã ở đâu không?

Tôi thẩn thờ nhìn nó, đáp:

-Cái gì cơ? “Đã ở đâu”, không phải... mày đang đi làm hả?

Nó nhìn tôi cười khổ, âm thanh nhè nhè nhưng giòn lắm, làm tôi thấy đau thay cho nó. Nó mỉa mai:

- Đi làm à?

- Vậy chứ mày ở nhà sao? - Tôi ngây người hỏi nó, đôi mắt một mí càng nheo lại.

- Tao đã đuổi theo anh ấy đến tận Hoành Thôn. Mày biết tao đã làm gì không? Mà mày làm gì biết được. Tao đã lấy hết can đảm của một đứa con gái để nói lời yêu Phương Bằng... Nhưng đau đớn thay cho tao, ảnh nói ảnh có người yêu rồi, có lâu rồi! Và cái người con gái đó không ai khác chính là mày! Đó, mày đã nghe rõ chưa?

Nghe nó nói xong tôi càng thêm tức giận. Hai tay tôi nắm chặt, móng tay cấu vào da đau nhói. Đau giống nhưng tim tôi đang đau. Đến bây giờ, tôi không thể giả ngốc được nữa. Tôi biết rõ Phương Bằng có tình cảm đặt biệt với tôi nhưng không vì thế mà anh ấy muốn nói gì thì nói. Tôi không thích chuyện người khác sắp đặt, bảo tôi đi Đông là tôi phải đi Đông, chỉ tôi Tây tôi không dám đi Nam. Xin lỗi! Đó không phải tính cách của tôi. Tôi không buồn hay trách gì Ngân Băng cả. Quả đúng như thế! Nhưng tôi chỉ hận người khác đem tôi ra làm trò cười, xoay tôi như chong chóng khiến tôi không hiểu lấy một thứ gì. Ngay lúc này, tôi cảm nhận hơn bao giờ hết nỗi sợ mất đi cô bạn thân Ngân Băng của tôi. Tôi không cần tình yêu, không cần ai yêu tôi hết; Ngân Băng tôi đã coi nó như chị em của tôi, đã là chị em thì không thể không cần nhau. Còn tình yêu à! Nếu là tình yêu thì càng quan trọng hơn nữa, chỉ đơn giản là tôi không có yêu Phương Bằng, cho nên tình yêu của anh không có cũng chẳng sao.

Chợt, ôm lấy vai nó. Mắt đã ướt, tôi nghẹn ngào:

- Ngân Băng, xin hãy nghe tao giải thích! Tao và Phương Bằng thật sự không có gì mà, chuyện tối nay thật đúng như mày nói là trùng hợp. Chỉ là trùng hợp mà thôi. Mày cố bình tĩnh mà suy nghĩ cho kỹ lại. Ban đầu, khi gặp ảnh lúc phỏng vấn tao đã bảo là tao không tranh với mày rồi. Nếu như tao và Phương Bằng đang yêu nhau, lén lúc hẹn hò nhau sau lưng mày, thì tao ra đây đón mày về nhà tao nữa làm cái gì? Để mày thấy bộ mặt phản bội bạn của tao à? Tao điên khùng đến mức độ đó hay sao, Ngân Băng? Mày thấy có đúng hay không?

Ngân Băng ở trong vòng tay tôi giãy giụa, nó quơ tay quơ chân quá trớn làm tôi và nó ngã ngồi trên sàn. Tôi vội xổm dậy, quỳ sát bên nó trong khi nó vẫn nguyên không nhúc nhích. Nó nói trong tiếng khóc:

- Đó là do mày ngụy biện! Tao không cần mày nói mấy lời vô nghĩa đó nữa. Mày không biết được Phương Bằng đã cực khổ như thế nào đâu? Một năm rưỡi ảnh lập nghiệp ở nước ngoài khó khăn bao nhiêu, gian khổ bao nhiêu. Trong khi đó, mày ở đâu, ở đâu hả? Chỉ có tao cùng ảnh vượt qua những tháng ngày đó. Vậy mà tao muốn trở thành người yêu của ảnh lại là điều dường như là không thể nào đối với ảnh. Trong lòng ảnh chỉ có mày, chỉ có mỗi mày thôi! Tao ước... tao rất ước được như mày, một chút thôi cũng được!

Nói rồi nó cứ ôm mặt khóc mãi. Tôi sít lại sát bên nó gỡ đôi bàn tay đang che thật chặt gương mặt giàn giụa nước mắt của nó, siết lấy đôi tay lạnh băng của nó, thì thầm:

- Ngân Băng à! Tao thừa nhận là tao vô tâm. Nhưng tao không có yêu Phương Bằng, không có yêu một chút nào hết. Mày biết chứ? Phương Bằng không là gì của tao cả, mặt kệ ảnh yêu tao thế nào khi về tao sẽ nói rõ với ảnh. Còn mày thì khác, mày chính là bạn duy nhất của tao và chỉ có mày, dù cho là mày có lập gia đình đi chăng nữa, hay là mày cách xa tao bao nhiêu đi chăng nữa thì mày mãi vẫn là bạn tao. Tao không thể thiếu mày được. Mày hiểu chứ, Ngân Băng?

Ngân Băng nghe không lọt vào tai những lời tôi bộc bạch, nó cứ bướng bỉnh cãi lại:

- Tao không nghe... Không hiểu gì hết! Rồi mày cũng sẽ lừa dối tao, gạt tao như ban nãy mày đã làm. Được, mày nói mày sẽ không yêu Phương Bằng, không giành Phương Bằng với tao. Cũng được... Tao đồng ý! Nhưng rồi thì sao? Mày cũng sẽ gặp ảnh, giống như bây giờ tao với mày về nhà, mày cũng sẽ gặp ảnh thôi, không phải sao?

Tôi không còn lời lẽ nào nói với chính đứa bạn thân này nữa, tôi buông nó ra đứng dậy nói dứt khoát với nó:

- Trời ơi! Tao phải nó làm sao mày mới thông đây? Đó là tao không hề biết Phương Bằng sẽ đến, rõ chứ? Còn từ nay về sao tao thề sẽ tránh xa cái tên Phương Bằng khốn kiếp kia ra, không bao giờ tự ý đến gần tên Phương Bằng rắc rối đó nữa. Dù cho có vô tình chạm mặt nhau, tao cũng sẽ là người chủ động tránh xa ra, càng xa càng tốt. Mày chịu chưa hả, Ngân Băng?

Ngân Băng nghe xong vẫn nấc từng tiếng lớn nghẹn ngào, nó đừng như đã sắp khóc hết sức lực trong người nó. Vài người khách mới vào, đi lên lầu, băng qua chỗ chúng tôi, họ quăng cho tôi và Ngân Băng một ánh nhìn khó hiểu. Mấy người dưới lầu tò mò nghe ồn ào cũng chạy lên xem. Tôi hấp tấp như đứng trên ổ kiến, vội vàng ôm nó vực nó dậy, nói thật dễ nghe vào tai nó:

- Thôi được rồi, Ngân Băng mày theo tao về nhe! Chúng ta ở đây lâu rồi, nhiều người đang nhìn chúng ta kìa, không tốt lắm đâu. Về đi mày!

Ngân Băng không những không nghe, mà nói còn quát tôi lớn tiếng hơn nữa làm tôi giật thót:

- Tránh ra, tao không cần mày đưa tao về. Mặc kệ tao đi. Tao không tin mày nữa! - Nó nói rồi vùng dậy bước đi loạng choạng.

Tôi vội vã ôm chầm lấy nó sợ nó ngã:

- Ngân Băng, để tao đỡ mày...

- Tránh xa tao ra! Đồ dối trá, tao sẽ không tin mày, không bao giờ tin mày nữa! - Nó lại mắng tôi.

Tôi ghét ai nói tôi dối trá, mà nhất là bạn thân của tôi. Nếu như người chửi tôi là người ngoài, người xa lạ, hay thậm chí là tên Phương Bằng kia tôi cũng sẽ không tức giận. Lúc đó tôi chỉ cần lớn tiếng chỉnh họ, mắng lại họ, vậy là xong. Còn người mắng tôi là người thân, người tôi yêu quý, nhất là Ngân Băng thì tôi sẽ rất đau lòng, đau lòng đến chết.

Tôi lại ôm vai Ngân Băng cố lay mạnh cho nó tỉnh táo lại:

- Ngân Băng vì cái gì? Vì cái gì mà mày lại nói tao dối trá. Có phải vì cái tên Phương Bằng đáng chết kia không, vì tên đó mà mày nói tao như vậy sao? Lẽ nào tình bạn bao lâu nay mà mày xem tao không bằng tên Phương Bằng xa lạ đó sao hả, Ngân Băng? Mày nói cho tao xem nào!

Ngân Băng hất tay tôi ra, trừng mắt đáp:

- Mày nói tao như thế nào cũng được, thậm chí chửi tao. Nhưng mày không được phép xúc phạm Phương Bằng. Kẻ dối trá như mày không xứng!

Cái gì không được phép? Tôi nghiến răng, nói thật lớn cho nó nghe:

- Tại sao chứ Ngân Băng? Tao có cái gì không xứng? Vì cái tên Phương Bằng khốn kiếp đó mà mày lớn tiếng với tao à? Mày làm tao đau lòng quá!

- Tao không muốn nghe nữa! - Ngân Băng ôm đầu la lên.

Rồi Ngân Băng không nói không rằng, nó hất tay tôi, xô tôi ra xa, vùng chạy về phía cầu thang. Tôi đứng lên đuổi theo, chỉ kịp ngăn nó lại trước cầu thang xuống lầu, giơ hai cánh tay khẳng khiu chắn ngay trước mặt nó:

- Mày đi đâu đấy? Theo tao, tao đưa mày về!

Nó kéo tay tôi, tôi vẫn cứ chặn. Tôi làm nó bực bội, đi không được nó quát:

- Tao đi đâu cũng được, miễn là không thấy mặt mày nữa!

- Không, tao xin mày mà! Mày còn say, lỡ có chuyện gì thì sao? Nghe tao, theo tao về rồi mai muốn đi đâu thì đi, tao năn nỉ mày đó!

- Tránh ra! Để tao đi, đừng cản tao!

Tôi vẫn đứng yên dang tay ra đó, không cho nó xuống cầu thang:

- Không! Nếu mày chịu theo tao về, tao mới tránh!

- Tránh ra! – Ngân Băng vẫn cố chấp quát đồng thời đẩy mạnh vào bả vai tôi.

- Á… - Tôi hét lên.

- Mai Cô! - Ngân Băng cũng la thê thảm.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Chương 19: Có thật là tôi?
40eefe92ccadcc714e1ac922f15dda3e.jpg

(Ảnh: Internet)

Tôi nghe tiếng Ngân Băng vọng xuống từ trên lầu. Không biết chuyện gì đã xảy ra với tôi ngay bây giờ? Tôi chỉ còn kịp nhận thức được khi lưng chạm vào nền gạch hoa thật lạnh; toàn thân truyền tới từng cơn đau liên tục, mỗi lúc một dồn dập; đầu óc tôi quay cuồng; chân tay không còn chút sức lực. Tôi cố mở mắt thật to nhưng xung quanh đây tối đen như mực hình như là ai đó quên không mở điện. Không phải, tôi nhớ vừa rồi đèn còn sáng mà, chắc là mất điện thôi. Tôi cố quờ quạng trong không trung tìm kiếm một thứ gì đó để tựa vào. Tôi đã mất phương hướng. Sợ hãi, thật sự sợ hãi!

Tôi nghe như ai đó gọi tên tôi. Không phải tiếng Ngân Băng mà là tiếng một người nam, âm thanh thật quen thuộc. Rồi một vòng tay ấm áp ôm trọn thân thể nhỏ bé của tôi. Lúc này tôi giống như đứa trẻ bị ngã đau, muốn sà vào lòng mẹ thật lâu để làm nũng, muốn rất muốn! Theo quán tính tôi miết má mình vào ngực người này, tay tôi vô tình vòng ra sau lưng anh ta bấu vào vải áo. Tôi ngửi được mùi hoa mai rất nồng, mùi hương tôi quen thuộc, còn cảm nhận được những giọt sương đêm thơm tho nóng hổi đang rơi trên mặt mình. Tôi thả lỏng người, cảm thấy sống lưng rất lạnh, cả tay chân đều lạnh, rồi ngực và đầu cũng lạnh. Hương hoa mai nhạt dần, nhạt dần tan vào trong không khí và tôi không còn ngửi thấy nó nữa. Tôi thật sự mệt, vô cùng mệt! Không muốn ngửi hương hoa mai kia nữa!!

Bất ngờ người nhẹ tênh giống như đang bay, đầu óc dần có ý thức trở lại. Mở mắt ra nhìn quanh, mọi thứ từ lờ mờ trở nên rõ ràng. Tôi phát hiện mình trôi lơ lửng sát mặt đất. Kế bên, cha đang vội vã gọi điện thoại, còn Ngân Băng ngồi bệt xuống chân ông, khóc nức nở. Chú Chín sốt sắn, cứ chạy qua chạy lại không yên như đang chờ đợi điều gì gấp gáp lắm. Kìa, còn một người nữa... Chính là anh ta, Phương Bằng! Anh quỳ dưới đất, vòng tay ôm chặt một cô gái mà khóc đến thương tâm. Tôi cố đứng dậy, vẫn bàng hoàng thì từng đám người ở mấy bàn bên cạnh ùa tới vây kín lấy bốn người bọn họ làm tôi không thể trông được gương mặt cô gái ấy. Có vài người hấp tấp đến độ xuyên qua tôi, cơ thể tựa xé đôi, tan ra thành vô số làn khói trắng, phải mất mấy giây sau mới tụ lại được. Tôi hoảng hồn nói lảm nhảm:

- Ôi má ơi! Chuyện quái quỷ gì vậy?

Không suy nghĩ, nhanh như cắt tôi chạy thẳng qua đám đông, bước đến trước mặt cha, gọi ông:

- Cha ơi cha! Cha ơi!

Ông không nhìn tôi cũng không đáp lời nào. Thấy thái độ ông như vậy thật kỳ lạ, liền nắm lấy bàn tay ông để hỏi cho rõ. Nhưng bàn tay của ông vô tình xuyên qua bàn tay gầy guột của tôi làm nó tan ra thành từng làn khói trắng li ti rồi nhanh chóng hợp lại thành hình như trước. Tôi ngơ ngẩn nhìn đôi bàn tay của tôi trong gang tất, gào lên điên cuồng:

- Không, không phải như vậy!

Liều mạng thử lần nữa, tôi cố ôm lấy ông nhưng không thể. Tôi xuyên qua người ông ngã về phía trước, cả người tan ra thành khói trắng. Tôi gọi ông liên tục không ngừng khi cơ thể chưa đọng lại được:

- Cha, cha ơi! Làm ơn nghe con nói đi mà cha! Tại sao cha không trả lời con vậy hả?

Lúc này ông đã tắt máy; mặc kệ mọi cố gắng của tôi ông vẫn không đáp lời tôi, tay ông nắm chặt thành quyền, trừng mắt nhìn Ngân Băng trong khi nó khóc lóc sắp ngất.

Tôi ngồi thụp xuống bên cạnh Ngân Băng, gọi nó:

- Ngân Băng! Mày nghe thấy tao không hả? Tao đang hỏi mày đấy, tại sao không trả lời tao, Ngân Băng?

Tôi dùng cả hai tay vẫy vẫy trước mặt nó mà mắt nó chẳng thèm chớp rồi tôi nắm vai nó nắm mãi chẳng thể được. Bất lực tôi cấu tóc, lắc đầu liên tục kêu gào:

- Trời ơi! Mọi người bị cái gì vậy? Không ai thấy tôi, không ai trả lời tôi là sao? Trời ơi là trời, tôi phải làm gì đây? Làm ơn cứu tôi, cứu tôi với!

Dù tôi có khóc la thảm thiết đến mấy cũng bằng không. Tôi vô lực ngồi nhìn Ngân Băng từ từ bò tới sau lưng Phương Bằng. Nó nắm lấy cánh tay khẳng khiu của người con gái đang buông thõng sau lưng anh, luôn miệng nói:

- Xin lỗi, tao thật sự xin lỗi mày! Tao không cố ý! Không cố ý đâu mà! - Rồi nó khóc như điên dại, tiếng nó khàn đặc đến khó nghe.

Phương Bằng nãy giờ vẫn ngồi đó, khư khư ôm người con gái kia không chịu buông. Anh cúi xuống hôn thật mạnh vào trán, vào mắt, vào má cô gái đang bất động trước ngực rồi áp má mình vào má cô gái ấy, anh gào trong hơi thở đứt quãng, nghẹn ngào nói:

- Mai Cô! Anh yêu em, rất yêu em, ngàn vạn lần yêu em. Xin em đừng có chuyện gì! Mở mắt ra nhìn anh đi! Làm ơn mà, Mai Cô!

Ngân Băng thấy vậy nó khóc lớn hơn rồi bò quỳ đến trước mặt Phương Bằng:

- Anh Phương Bằng! Bình tĩnh đi anh! Mai Cô nó sẽ không sao đâu! Không sao đâu!

Anh Phương Bằng dường như không nghe lấy một lời nó nói, anh cứ thế ôm chặt cô gái không buông, nức nở:

- Anh nói với em ra sao? Đã bảo em đợi anh mà, tại sao em không nghe lời anh, luôn cứng đầu thế hả? Chẳng phải em mạnh mẽ lắm ư? Sao giờ lại nằm im thế kia? Dậy đi chứ, dậy đi! Anh không cho phép em ngủ. Tuyệt đối không cho phép, nghe rõ chưa? - Nói rồi Phương Bằng lay cô gái anh ôm thật mạnh.

Thấy Phương Bằng làm vậy Ngân Băng hét toán lên, vội vàng ngăn anh:

- Phương Bằng, bình tĩnh lại đi! Anh làm Mai Cô đau đó! Đừng lay nữa, em xin anh! Nó sẽ không sao đâu, anh Phương Bằng. Chúng ta phải kiên nhẫn đợi xe cấp cứu. Em xin anh đó, Phương Bằng!

Ngân Băng nói rồi giơ tay qua chỗ cô gái đang bất động sờ gương mặt nhỏ nhắn của cô ấy. Phương Bằng thấy khó chịu, ôm cô gái vào sâu hơn trong lòng anh, đẩy Ngân Băng ra, quăng cho nó một cái nhìn chằm chằm, lớn tiếng với nó:

- Cô tránh ra! Tôi làm gì mặc tôi!

Cha thấy Phương Bằng làm vậy, chạy qua đỡ Ngân Băng dậy, nhỏ giọng khuyên Phương Bằng:

- Phương Bằng, Ngân Băng nói đúng, con bình tĩnh tĩnh đi! Mai Cô nó nhất định không sao, không sao hết! - Ông nói rồi nhìn rồi quay mặt đi, khoé mi rơi lệ. Đây là lần thứ hai tôi thấy ông khóc, những giọt nước mắt của ông từng giọt, từng giọt gâm vào lòng đau nhói.

Phương Bằng nghe cha nói không dám động đậy, chỉ kẽ đặt cằm anh lên trán cô gái. Lâu lâu lại hôn thật nhẹ lên gương mặt cô, nước mắt anh cũng không ngừng rơi, ướt hết cả phần tóc tơ mỏng manh trước trán cô. Tôi thấy từ trong hốc mắt của cô chảy ra một dòng rồi một dòng long lanh; làm môi, làm má Phương Bằng cũng ướt.

Rốt cục là thế nào vậy? Tôi ngẩn ngơ nhìn sự việc diễn ra trước mặt mà không tài nào giải thích được. Tôi cố lếch người lại sát bên Phương Bằng quan sát kỹ cô gái anh đang ôm trong lòng. Bất ngờ thay, gương mặt cô lại giống tôi quá, giống đến mức tôi làm tôi giật mình. Tôi dụi dụi mắt nhìn cho rõ. Trời ạ! Là tôi sao? Tôi không thể nào tin những gì mình đang chứng kiến nữa, mọi chuyện hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tôi cố trấn tỉnh bản thân rằng: “Anh ta chỉ đang ôm người con gái giống tôi mà thôi!” Nhưng không, đó chính là tôi, còn tôi đây là linh hồn đã lìa khỏi xác.

Chợt, tiếng xe cấp cứu inh ỏi dừng lại ngoài cổng. Lúc này tôi bắt đầu thấy khó chịu, đầu tôi lại đau như ai bổ đôi ra; người tôi lạnh buốt, cái lạnh ấy như một tảng băng vĩnh cữu khiến tôi cảm thấy nơi nào tôi đứng cũng lạnh lẽo y như tôi vậy. Tôi ôm đầu, khuỵu chân ngã xuống đất, đầu đau, tim cũng đau. Lắc đầu qua lại thật mạnh, nước mắt theo đó mà văng ra khắp cùng mặt, vây cả vào đôi tay nhỏ, tôi thét lên một loại âm thanh của quỷ ma thật kinh người:

- Không thể nào, không thể nào! Tôi không thể chết được!

Tiếng của tôi vang xa và lớn làm tôi dường như sắp điếc hai tai, nhưng không một ai nghe thấy cả. Không biết là gió nổi lên hay là tiếng thét của tôi gọi cơn gió lớn kia kéo đến, cuồng dã thổi tung tất cả những ô cửa sổ sát đất mà chú Chín đóng hờ khiến kính vỡ tan tành, làm những cánh hoa mai mang theo cát bên ngoài cửa sổ bay vào trong quán.

Phương Bằng dùng cả người anh che gió cho tôi. Mọi người trong quán nhốn nháo, tiếng xe cấp cứu vẫn không ngừng kêu, làm không gian xung quanh hỗn loạn vô cùng.

Anh nhấc lại tôi trong lòng, nói khẽ vào tai tôi:

- Đi thôi, Mai Cô! Chúng ta cùng đến bệnh viện nào! Em sẽ nhanh khỏi đau. Đi theo anh nhé!

Khi nghe Phương Bằng nói câu đó, không biết vì cái gì, người tôi rất lạ, không muốn đi theo anh cũng không được. Phương Bằng xốc tôi trên tay lần nữa bước đi, Ngân Băng và cha cũng đi theo bên cạnh. Đi được vài bước, người của xe cấp cứu cũng tới, họ nhận cơ thể mềm nhũn của tôi từ tay Phương Bằng chuyển qua băng ca, đưa lên xe. Cứ thế hồn tôi theo họ đến bệnh viện.

<<chương trước chương sau>>
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên