Công sở 12: Vết đứt
Tôi suýt bật cười trước câu diễn giải tếu lâm ấy. Đúng lúc, Thương bước vào căn tin để rồi tôi thấy một sự việc lạ lùng, anh chàng Vinh đang nói cười khí thế với những đồng nghiệp nữ thì bỗng nhiên ngừng lại sau đó lập tức rời khỏi “đám hội” bước nhanh đến chỗ Thương đang lấy cơm. Ban nãy anh ta hồ hởi với họ bao nhiêu thì giờ lại “lơ” 360 độ và cứ lẽo đẽo theo cô gái dễ thương nhất phòng Kinh doanh. Mặc dù Thương chẳng biểu hiện sự thích thú gì nhưng anh ta vẫn hỏi han liên hồi. Trông cảnh ấy, Huyền thở dài một phát:
- Chắc Nguyễn mới vô nên không biết, anh Vinh mê Thương như điếu đổ, theo đuổi hai năm rồi đó.
- Thế Thương không thích à?
- Có lẽ em ấy không thích cũng không ghét.
Lúc tôi vừa rời mắt khỏi cảnh đeo đuổi thái quá đó thì tình cờ chị Phúc chị Ân xuất hiện, hiển nhiên họ không ngồi ăn ở bàn nhân viên mà là bàn dành cho mấy sếp.
- Chị Phúc chắc là nghiêm khắc lắm hả?
- Nhìn mặt cũng đủ biết rồi. Tuy nhiên, cách làm việc của chị ấy chuyên nghiệp, quan trọng là chị ấy biết cách bảo vệ “lính” mình.
Tôi gật gù, về điều này thì đáng cho điểm cộng. Thường, ít có sếp nào đứng ra bảo vệ nhân viên của họ. Bảo vệ chứ không phải bao che, tức là nếu nhân viên mình làm đúng nhưng lại bị trưởng phòng khác trách phạt thì người đó cần lên tiếng chứ không phải lôi cấp dưới của mình ra mắng trước. Đôi khi vì khách khí hoặc để lấy lòng, một số trưởng phòng sẵn sàng trách phạt lính trước mặt trưởng phòng khác mà chẳng tìm hiểu ai đúng, ai sai. Điều đó khiến cho phần lớn nhân viên rất là ấm ức. Tiếp theo, tôi chuyển chủ đề sang chị Ân. Nghe tôi nói cảm nghĩ về chị ấy xong, Huyền đảo mắt nghĩ ngợi:
- Đúng là chị Ân thân thiện với tất cả mọi người. Mà nói Nguyễn biết điều này, chị Ân là vợ anh Quốc đó, và chị ấy với chị Châu là kẻ thù không đội trời chung vì anh Quốc ưu ái chị Châu. Cả hai ghét nhau ra mặt luôn.
Chà, hóa ra anh Quốc đã có vợ. Từ ngàn xưa, chiến tranh của “nhan sắc” đã diễn ra vô cùng khốc liệt, huống chi thêm việc tranh giành một người đàn ông thì cuộc chiến đó càng khốc liệt cỡ nào. Được nghe kể mà tôi cảm giác mình đang ở trong chốn thâm cung, chứng kiến cảnh “đấu đá” lẫn nhau giữa các phi tần. Một công ty lớn chuyên nghiệp như Minh An, hóa ra bên trong vẫn âm thầm diễn ra những điều không ngờ được. Thiết nghĩ, công ty nào cũng vậy thôi, ở đâu có sự tồn tại của con người thì ở đó nhất định có tranh giành hơn thua. Mỗi tập thể đều là một xã hội thu nhỏ, vì vậy tốt xấu đều song hành tồn tại.
Chiều tan việc, tôi mời Lâm Đạt đi ăn tối, tiện thể ăn mừng cho cuộc hội ngộ sau ba năm và tôi cũng muốn biết cuộc sống của anh thời gian qua như thế nào. Thế nhưng anh lại từ chối vì bảo có việc bận. Đang chán như con gián vì kế hoạch ăn tối bị “phá sản” thì tôi nghe chuông điện thoại của anh reo.
- Được rồi, từ nay đến cuối tuần cháu sẽ tranh thủ tìm phòng trọ rồi dọn đi.
Lúc Lâm Đạt cúp máy, tôi bắt gặp nét trầm tư lẫn trên mặt anh, liền lân la hỏi:
- Sếp gặp chuyện gì sao?
Lấy lại vẻ mặt bình thường, hẳn không muốn tôi lo nên anh lắc đầu. Lắng nghe cuộc đối thoại nãy giờ, tôi cũng đoán mang máng ra vấn đề khó khăn mà anh gặp.
- Sếp đang tìm phòng trọ đúng không? Thế ra, anh nói bận là vì việc này? Ừm... thôi thì nếu được, em sẽ chỉ cho anh một chỗ trọ giá vừa phải.
Vẻ như không quen nhờ vả người khác hay sao mà anh đắn đo khá lâu:
- Vậy em cho tôi địa chỉ, tôi sẽ đến đó xem sao.
- Không cần đâu, em sẽ dẫn sếp đến đó vì chỗ ấy gần nhà em mà.
Ngạc nhiên trong thoáng chốc, anh đưa tay gãi đầu một cái rồi không nói gì nữa.
***
Tôi về đến nhà, vừa dắt xe vô sân, tháo mũ bảo hiểm ra là đã lật đật chạy đi. Mẹ đang mang tô hoành thánh cho khách, vẫn kịp thấy bóng dáng tôi, liền hỏi lớn:
- Đi đâu đó Nguyễn?
- Con sang chỗ bà Bảy một chút, lát sẽ về ạ!
Đáp chưa hết câu là tôi đã mất dạng sau cánh cổng. Nhà bà Bảy nằm ở cuối đường, ngôi nhà khang trang bốn tầng, có tám phòng tất cả, và nó được bao quanh bởi khu vườn xanh um. Bà Bảy hơn sáu mươi tuổi, chồng vừa mất, con cháu đều làm ăn bên nước ngoài nên ngôi nhà này trở nên trống vắng, chỉ còn mỗi mình bà. Để nhà cửa đỡ cô quạnh, bà cho người ta thuê phòng trọ, mỗi tháng có thêm thu nhập. Vì không chủ yếu để kinh doanh nên giá phòng ở đây rẻ hơn những nơi khác.
Đẩy cổng đi vào khu vườn, tôi và Lâm Đạt bước lên lối cầu thang sắt mà bà Bảy thuê người bắc thêm ở ngoài để những người ở trọ dễ dàng đi lên phòng của họ. Cầu thang này đều dẫn lên hành lang của mỗi tầng. Bà Bảy ở tầng một, tôi gõ cửa vài cái thì cửa mở, bà cười hỏi:
- Ủa Nguyễn, con qua đây có gì không?
- Dạ, chỗ bà còn phòng trống không ạ? - Nghe bà đáp còn, tôi nói - Bạn của con muốn thuê phòng nên con dẫn anh ấy đến đây.
Bước qua bên trái tôi vài bước, Lâm Đạt cúi chào bà Bảy. Tự dưng bà nhìn tôi cười cười rồi nói với anh vài điều về khoảng thời gian trọ, tiền thuê mỗi tháng. Sau đó, bà dẫn chúng tôi lên căn phòng ở lầu bốn xem thử. Nó không quá rộng nhưng rất thoáng đãng, một phòng ngủ, nhà vệ sinh và bếp, thêm một khoảng nhỏ để tiếp khách. Tôi thấy Lâm Đạt có vẻ hài lòng. Trong lúc anh vào xem phòng ngủ thì bà Bảy liền kéo tôi vào góc, hỏi khẽ:
- Bạn trai con hả? Trông được đấy!
Buồn cười trước vẻ tò mò của bà, tôi bảo cả hai chỉ là bạn bè bình thường. Tức thì bà chậc lưỡi, ra điều tiếc nuối lắm. Cuối cùng, Lâm Đạt đồng ý thuê.
Rời khỏi nhà bà Bảy, tôi hứng chí cứ như mình là người thuê căn phòng ấy:
- Phòng đẹp quá sếp nhỉ, giá cũng rất phải chăng. Mà ở đây có tuyến xe buýt đến công ty, vậy là tiện cho anh đi làm. À, hôm nào thì anh dọn đồ qua?
- Có lẽ thứ bảy tuần này. Dọn đồ trong một ngày, còn chủ nhật thì nghỉ ngơi - Lâm Đạt ngừng lại, quay qua tôi - Từ giờ đừng gọi tôi là sếp nữa, tôi đâu còn là trưởng phòng của em.
- Em quen rồi. Vả lại trong lòng em, anh mãi mãi là sếp.
- Nếu em cứ gọi như thế sẽ phiền phức lắm, đặc biệt là trong công ty.
Mặc dù không muốn đổi cách xưng hô ấy chút nào nhưng tôi hiểu điều anh nói là đúng. Tôi thích gọi anh bằng “sếp”, nó hoàn toàn khác với gọi anh Quốc, là vì bên trong cái từ đó chứa đựng sự kính trọng lẫn tình cảm đặc biệt tôi dành cho anh.
- Em sẽ cố sửa, sếp yên tâm...
Nói xong, tôi liền bịt miệng lại, lỡ phát ra từ “sếp” nữa rồi, chắc phải mất một thời gian bản thân mới quen được.
***
Buổi sáng trong công ty, Huyền sang bên phòng tôi, nói với anh Quốc rằng chị Phúc cần xem lại vài đơn hàng cũ của năm rồi để kiểm tra đối chiếu với bảng photo ở phòng Kế toán. Vì chị Châu ngồi gần tủ hồ sơ nhất nên anh Quốc yêu cầu chị tìm chúng. Ngay lập tức, chị ngả người ra sau ghế, mặt tỏ vẻ mệt mỏi, còn đưa tay lên day day huyệt thái dương.
- Sáng, em in cả đống hóa đơn, chạy tới chạy lui mệt quá sếp ơi!
Chất giọng than thở dẻo ơi là dẻo đó khiến tôi “dị ứng” dễ sợ. Đúng là sáng nay chị ta có in hóa đơn nhưng được hai cái liền ngồi nghỉ, bảo chị Lý đến in phụ. Rồi tiếp theo, tôi thấy chị Lý chạy tới chạy lui in vội vã, còn chị Châu vẫn ngồi lì một chỗ tám chuyện với anh Phước gần đó. Vậy thử hỏi, chị ta mệt ở chỗ nào? Anh Quốc vốn ga lăng, cứ phát huy tối đa ưu điểm “siêu việt” đó nên đâu nỡ đày ải chị Châu. Thỉnh thoảng anh bắt chị làm cái này cái kia nhưng hễ chị than mệt là “ném” việc sang cho đứa khác liền và lập tức. Chỉ mới làm ở đây một tuần mà tôi biết rõ lắm.
- Ừ, vậy em ngồi nghỉ đi, để anh bảo người khác.
Đang nghĩ xem đứa nào xui xẻo sắp bị bắt còng lưng ra lôi cái đống đơn hàng kia thì đột ngột tôi nghe giọng anh Quốc thật rõ ràng:
- Nguyễn, em thay Châu lấy ra nhé. Mấy đơn hàng đó nằm ở thùng thứ ba.
Giờ thì biết cái đứa “hứng đạn” ấy là ai rồi. Sao số tôi xui dữ vậy trời! Chỉ vì có tay trưởng phòng chiều chuộng gái đẹp nên thành ra mình trở thành đứa chịu khổ. Đáp vâng xong, tôi đứng dậy uể oải, chán chường đi đến bên tủ hồ sơ. Trong lúc mở cửa tủ, tôi kín đáo liếc mắt vào màn hình máy tính của chị Châu, thấy đang mở trang web thời trang. Cái bà chị này rảnh rang thiệt! Càng nghĩ càng tức, tôi thì bận việc trong khi bả ngồi rảnh mà còn than nhức đầu. Chịu không nổi luôn!
Đưa mắt nhìn mấy thùng giấy, tôi choáng váng. Nó khá to và tôi phải vác hai thùng ở trên xuống mới lấy được thùng thứ ba. Ngán ngẩm, tôi lần lượt khiêng chúng xuống. Xong, tôi tìm mấy đơn hàng mà chị Phúc yêu cầu. Đang loay hoay thì tự dưng có người ngồi xuống bên cạnh, nhìn qua thì tôi bất ngờ khi thấy Thương.
- Để em phụ.
- Không cần đâu, em về làm việc đi.
- Không sao ạ, em cũng làm xong rồi, có em tìm phụ sẽ nhanh hơn.
Không để tôi nói thêm là Thương mau chóng lấy đơn hàng ra . Vì đang ở trong phòng lại không muốn to chuyện, nên tôi đành để em ấy giúp mình. Nhưng đúng là hai người tìm thì nhanh hơn, chỉ mấy phút sau đã có được những đơn hàng cần tìm. Thương còn đề nghị giúp tôi khiêng mấy cái thùng nặng trịch trở về chỗ cũ. Đáng ra mọi chuyện vẫn bình thường nếu như em ấy không bị một phần kiếng lộ ra của cửa tủ hồ sơ cắt trúng mu bàn tay, một vết đứt dài xuất hiện, máu loang ra. Tôi chỉ kịp nghe em kêu khẽ, rồi thình lình tiếng chị Châu vang lên ở phía sau:
- Thương, em bị đứt tay rồi kìa!
Tức thì, mọi người trong phòng đều dồn mắt về phía này. Nhanh chóng, Thương lắc đầu, bảo không sao.
- Chảy máu thế kia mà nói không sao, chắc đứt sâu đấy!
Câu sốt sắng từ chị Châu khiến mọi người bắt đầu nhao nhao lên, nhất là mấy anh. Ngay cả anh Quốc cũng rời bàn, cùng vài người xúm lại chỗ Thương xem vết thương. Ai nấy đều hỏi han liên tục. Còn tôi bước lùi ra ngoài, tay cầm thùng đơn hàng, vẫn đứng ngây người ra đó. Tôi không hiểu sao mình lại hành động như thế, chọn sự im lặng thay vì nên hỏi Thương có sao không. Đặt thùng giấy lên trên, tôi lặng lẽ quay về bàn làm việc. Ngồi yên khoảng vài phút, tôi đưa mắt nhìn mấy anh đang băng bó cho Thương và cả gương mặt nhăn lại vì đau của em. Đáng lý tôi nên có mặt trong vòng tròn đó và là người hỏi han em, thế nhưng một sức mạnh vô hình kìm giữ đôi chân, khiến tôi vẫn cứ ngồi trơ ra chẳng khác nào tên tồi tệ. Qua kẽ hở của những dáng người đang đứng, tôi thấy bàn tay Thương được băng trắng, vết thương ấy là vì giúp đỡ tôi mà có, bất giác tôi đau như chính mình bị thương.
***
Buổi trưa thứ bảy, đúng như lời đã hứa, tôi phụ Lâm Đạt dọn đồ qua chỗ ở mới và làm luôn cả công việc dọn dẹp. Căn phòng cho thuê không đến nỗi quá dơ vì bà Bảy mỗi tháng vẫn lau chùi một lần nhưng do tính sạch sẽ của anh mà chúng tôi đã mất hết cả buổi chiều để quét dọn. Tôi làm hì hục như trâu. Bắt đầu từ buổi trưa sau khi ăn cơm xong, cả hai làm cho đến tận bảy giờ tối mới xong.
Khi anh vừa đóng tủ quần áo lại và nói công cuộc dọn dẹp đã hoàn tất thì tôi hét lên một tiếng thật mừng, sau đó thì lếch thếch ra ngoài phòng khách, ngồi phịch xuống chiếc gối ngồi xẹp lép do sử dụng đã lâu, gục mặt lên bàn. Tiếng anh từ trong phòng bếp vọng ra, hỏi gọn lỏn: “Bia hay nước ngọt?”. Miệng tôi áp trên mặt bàn lót kiếng, phát ra những âm thanh chẳng khác gì người bị nghẹt mũi:
- Bia đi sếp ơi!
Lát sau, tôi nghe âm thanh va chạm khe khẽ giữa đáy lon với mặt bàn, liền ngước lên. Lâm Đạt chơi “dữ” dễ sợ, mang cả sáu lon bia ra luôn. Ngồi xuống phía đối diện, tiện tay mở hai lon bia xong đẩy về phía tôi một lon, anh thở ra nhẹ hẫng:
- Đã bảo làm ít thôi, giờ thì nằm than.
- Em có lòng tốt nên mới làm nhiều, một lời cảm ơn mà sếp cũng không có.
- Thì tôi đãi em bữa tối xem như lời cảm ơn còn gì. Được rồi, em ngồi dậy ăn đi, bụng kêu sùng sục kia kìa.
Chu môi, tôi dựng thẳng người dậy, đón lấy lon bia ướp lạnh. Áp nó vô má rồi cười típ mắt vì mát quá xá, chậm rãi ngửa cổ ra tôi uống một hớp bia. A, sảng khoái thật! Bất chợt có một luồng gió mát từ ngoài cửa sổ thổi tràn vào căn phòng, mau chóng xoay qua, tôi thốt lên vì từ đây có thể nhìn ra bầu trời đêm rộng mênh mông, bởi nhà bà Bảy rất cao. Chỗ này mà ngắm sao thì mê li.
- Phòng sếp đúng là sướng, ở nơi thật cao, phơi quần áo chắc mau khô lắm.
Dường như chả thích thú gì trước lời nói đùa của tôi, Lâm Đạt lại nhắc nhở:
- Sao em cứ gọi tôi là sếp hoài vậy?
- Cái gì cũng phải từ từ, em đang tập dần đây ạ. Chưa kể, em vẫn chưa biết gọi anh là gì nếu không gọi bằng sếp nữa.
- Em cứ thoải mái gọi tôi bằng tên hoặc anh Đạt cũng được.
Miễn cưỡng gật đầu xong, tôi hỏi thật chậm về vấn đề mình đang tò mò:
- Em có thể hỏi ba năm qua anh sống như thế nào không?
Yên lặng vài giây, Lâm Đạt chuyển dời ánh mắt về phía cửa sổ mở toang, tôi không nghĩ là anh ngắm cảnh bởi cái nhìn ấy trở nên vô định, hệt đang nhìn về quá khứ xa xăm. Đưa lon bia lên môi uống một hơi dài, anh từ tốn kể lại:
- Ba năm trước tôi đề đơn từ chức vì gia đình tôi phá sản. Nguyên nhân là do bố tôi đầu tư thua lỗ. Sau khi bán hết nhà cửa, tôi và bố mẹ về quê. Gia đình tôi đã trải qua thời kỳ rất khó khăn. Hai năm sau, bố tôi qua đời vì lao lực, còn mẹ tôi ngã bệnh và cũng mất ngay sau đó một năm. Tôi nghĩ mình nên trở lại thành phố để tìm việc. Khi lên đây, tình cờ tôi gặp lại người quen cũ của bố, hiện đang làm việc ở tổng công ty Việt Á. Ông ấy nể tình xưa nên giới thiệu tôi vào Minh An. Tiếp theo thì như em biết rồi đó.
Hóa ra, gia đình Lâm Đạt lại gặp phải chuyện đau lòng như vậy. Ba năm không dài nhưng cũng đủ để cuộc sống của một người hoàn toàn bị đảo lộn. Từ người có trong tay mọi thứ nay trở nên trắng tay, cảm giác mới khổ sở làm sao, vì phải bắt đầu lại từ con số 0. Tôi thấy anh Chinh và Lâm Đạt thật trái ngược, xoay chiều một chút là người này từ thấp lên cao, người kia từ cao rớt xuống thấp. Ôi, số phận đâu ai đoán trước được cái gì. Phân nửa thắc mắc đã được giải đáp, còn phân nửa kia thì tôi đang phân vân, bởi nó liên quan đến chiếc nhẫn đính hôn. Nếu đó là một lời giải đáp buồn thì tôi sợ câu hỏi của mình sẽ gợi lại nỗi đau cho anh.
- Sao, em còn muốn hỏi gì nữa à?
Ngạc nhiên vì Lâm Đạt hiểu được suy nghĩ của mình, tôi tròn xoe mắt. Trông vậy, anh thản nhiên nói rằng, nhìn cái mặt đầy suy tư của tôi là đoán ra ngay. Cười gượng gạo do ý đồ bị lộ, tôi gãi đầu vẻ khó xử, nhưng im lặng thì không được.
- Em muốn hỏi... chiếc nhẫn đính hôn trên tay sếp đâu rồi.
Thu hết can đảm để hỏi điều quan trọng ấy, tôi quan sát biểu hiện của Lâm Đạt. Khác với những gì tôi nghĩ, anh không có vẻ gì là trốn tránh hay đau khổ, chỉ một nỗi buồn thoáng qua thôi, như thể người ta sẵn sàng nhìn lại quá khứ lần nữa cho dù nó có khổ đau. Miết nhẹ vệt trắng nơi ngón áp út, anh cười buồn:
- Tôi và cô ấy chia tay sau khi gia đình tôi phá sản khoảng vài tháng.
- Tại sao? Chị ấy chê bai anh ư?
- Tôi không biết, cô ấy chỉ nói không còn yêu tôi nữa.
Thật tàn nhẫn! Dẫu biết rằng, nếu đã hết tình cảm mà vẫn ở bên nhau thì sẽ khổ nhưng tôi vẫn thấy câu nói “không còn yêu nữa” đó nhẫn tâm quá. Tôi tự hỏi, sao cô gái ấy lại chọn sự rời bỏ ngay lúc người yêu của mình đang rơi vào khó khăn. Nếu yêu nhau thật lòng thì liệu người ta có dễ dàng rời bỏ nhau thế chăng? Nhìn Lâm Đạt điềm nhiên uống bia, tôi nghĩ anh thật mạnh mẽ bởi còn đứng vững sau khoảng thời gian tồi tệ đó. Sự nghiệp, bố mẹ, tình yêu, anh đều mất hết.
- Tại sao đã yêu nhau mà lại còn thay đổi nhỉ?
Tự dưng tôi lại buột miệng nói ra một câu kỳ lạ, đến nỗi anh cũng nhìn tôi trong một thoáng. Rất nhanh, anh trả lời nhưng nghe chả ăn nhập gì cả:
- Vậy nên mới bảo con người rắc rối. Nãy giờ toàn nói chuyện của tôi, còn em thì sao, tại sao lại đến Minh An làm việc? Em và Đinh Huy thế nào?
Cái tên “Đinh Huy” vừa vang lên là tôi cảm giác ai đó vừa ném hòn sỏi xuống mặt hồ tĩnh lặng trong lòng tôi. Quá khứ cùng vết thương lòng đã ngủ yên, nay bất giác nhen nhúm. Tôi cố quên và gần như đã quên được, nhưng hóa ra mọi chuyện vào buổi chiều định mệnh ấy vẫn còn đó, chỉ là nó đang ngủ say trong thinh lặng thôi.
- Em đã chia tay Đinh Huy... vì vài lý do. - Tôi nói dối - Để cả hai không khó xử nên em nghỉ việc. Suốt ba năm, em đổi chỗ làm nhiều lần, mãi cho đến một tuần trước, em xin ứng tuyển vào Minh An.
Tôi thấy anh nhìn mình, vài giây sau thì thu hồi ánh nhìn lại, có vẻ không muốn khơi gợi lại chuyện buồn của đối phương. Hoặc cũng có thể anh đang đồng cảm với tôi, người có cùng hoàn cảnh giống mình. Nhận ra bầu không khí đang vui vẻ bỗng nhiên chuyển qua buồn bã, tôi liền sửa giọng, nói to hơn:
- Nào, chuyện đã qua rồi, nhớ làm gì nữa. Hai chúng ta cứ uống cho thật say, coi như là bữa ăn tối của hai kẻ đồng cảnh ngộ.
Tôi cầm lon bia chạm khẽ vào lon bia trên tay anh, rồi ngửa cổ ra tu ừng ực...
>>> Chương 13