1.2
Rít... rít... rít...
Tiếng dế mèn kêu động cả một góc. Phụng hai tay chống cằm, đầu gục lên xuống, chốc chốc lại giật mình, mở to mắt nhìn xung quanh, sau đó nhanh chóng lim dim trở lại.
Póc!
- A! - Phụng nhăn mặt, theo phản xạ rờ lên chỗ đau.
Chức đặt đèn pha lên đáy của chậu gốm úp ngược gần đó. Ánh sáng đột ngột xộc đến khiến Phụng bị chói, cô chớp chớp mắt:
- Mười hai giờ rồi hả anh?
- Chưa, mới mười giờ thôi! - Chức vần một chậu gốm nhỏ khác lại gần Phụng, ngồi xuống.
- Vậy anh ra đây làm gì? Còn những hai tiếng nữa mới đến lượt anh mà. – Phụng đã thích nghi với ánh sáng, mở to mắt nhìn Chức.
- Ra sớm cho em về ngủ chứ còn sao nữa?
- Em có buồn ngủ đâu? Thôi, anh về đi, mười hai giờ rồi ra!
Chức trợn mắt:
- Em hâm à? Ra rồi còn kêu về, đi đi lại lại cũng mất ngần ấy thời gian ấy chứ có gì khác đâu. Thôi, không dông dài, nhấc mông dậy về đi!
Chức ẩy Phụng đứng lên nhưng cô trụ chân lại.
- Anh cứ như vậy rồi mẹ anh lại la cho coi!
- Xời, em khéo lo. Mà mẹ anh lỡ có nói gì không phải với em thì em đừng để bụng nghen, em cứ dạ dạ cho qua là được rồi. Người lớn đôi khi kì cục vậy đó, xong rồi chả sao cả đâu.
Phụng bĩu môi, anh thì biết gì, cứ luôn tỏ ra già đời.
- Em bĩu môi đó à?
Phụng giật mình:
- Không có!
Chức nhấc đèn pha đưa cô:
- Cầm đèn về đi! Cẩn thận!
- Dạ! – Phụng lấy đèn, đi được vài bước sực nhớ ra, cô ngoảnh lại:
- À, em chưa bỏ củi thêm đâu, anh xem rồi tự bỏ nhé!
Chức nhìn ánh lửa đỏ rực trong cửa bầu lò, khẽ gật đầu với Phụng.
- À này... – Phụng lại dừng bước, ngoái lại nói. – Sau này cấm được búng trán em nữa, đau chết được!
Chức nhe răng cười:
- Vậy còn phải xem em có ngủ gật không đã!
- Xì! Thôi em về đây. – Phụng vừa ngáp vừa đáp.
Phụng chọn lối đi tắt ngang qua xưởng gốm để rút ngắn thời gian. Đó là nơi đặt các bể ngâm đất sét và cũng là nơi diễn ra toàn bộ quá trình làm gốm, chỉ trừ khâu nung. Lò nung tập trung ở bãi đất khác, cách xưởng chỉ độ một ki lô mét.
- Phụng đấy à cháu?
Bác Đại cùng với mấy người nữa đang lúi húi kiểm tra độ tơi của đất sét thô trong bể đánh, thấy quầng sáng của đèn pha thì ngước lên hỏi.
- Vâng ạ, cháu đây. Bác vẫn chưa về ạ? – Phụng dừng lại trả lời.
Bác Đại nói vài câu với người kia rồi đi ra chỗ Phụng.
- Phụng này, mai cháu đi học về thì qua đây phụ nhóm anh Mạnh tráng men nhé! Chỗ lò để bác Cả với đám thợ đốt trông nốt.
- Vâng ạ!
- Cháu bảo thằng Chức hộ bác luôn nhé!
- Vâng ạ!
Phụng đáp như cái máy, mắt cứ ríu cả lại.
Bác Đại đưa cho Phụng chiếc đèn pin nhỏ đang cầm trong tay, bảo:
- Cháu cầm cái này đi cho chó nó đỡ sủa. Mấy con chó nhà Tiến Lợi cực ghét ánh đèn pha, nó sủa inh ỏi khéo cụ Tỉnh lại thức giấc, người già khó ngủ lại lắm.
- Dạ vâng ạ!
Phụng đổi đèn với bác Đại xong, lễ phép chào bác rồi lững thững đi về. Ánh đèn pin lờ mờ càng khiến cô muốn lăn ra ngủ luôn tại chỗ. Phụng lắc đầu, cố gắng banh mắt nhìn đường, luôn miệng tự nhắc không được ngủ, không được ngủ, về đến nhà mới được ngủ...
...
Trước đây, cả làng Phụng đều làm gốm, hầu như mỗi nhà đều có một lò cóc trong sân. Nhưng dần dà, đồ nhựa du nhập vào nước, vì nhiều mặt tiện lợi khác đã lấn át cả đồ sành sứ, khiến đầu ra của nghề này bị thu hẹp dần. Nhiều nhà trong làng bắt đầu đập bỏ các lò cóc trong nhà mình, cũng bỏ luôn cả lò đàn ở khu nung chung. Những người già thì chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi sống qua ngày. Lớp trẻ hơn, có sức và có chí hơn thì khăn gói rời làng đi tha phương, kiếm đường làm ăn.
Bố mẹ Phụng cũng không ngoại lệ, họ bỏ lại đứa con gái sáu tuổi cho mẹ già trông nom, rồi vào Nam lập nghiệp. Thời gian đầu, bà Tỉnh và con trai, con dâu vẫn thường xuyên thư từ cho nhau. Mỗi bận nhận thư, đều mang sang nhờ dì Tiến đọc cho. Sau này Phụng biết mặt chữ, thì cô tự đọc lấy cho hai bà cháu nghe, cô cũng tự viết thư lại cho bố mẹ. Nhưng thời gian càng trôi thì những lá thư Phụng nhận được lại càng ít đi. Có khi cả năm bố mẹ mới gửi một lá, mặc cho cô gửi không biết bao nhiêu lá thư vào trong đấy. Kết thúc mỗi lá thư cô đều nhắc lại lời hứa của họ, họ hứa nếu cô học hành chăm chỉ, đoạt loại giỏi thì sẽ về đón hai bà cháu vào. Lần nào họ cũng bảo sớm thôi, sớm thôi... vậy mà cuối cùng, họ chả thể làm như họ nói.
Phụng rất nhớ bố mẹ, vừa nhớ vừa tủi thân. Ba năm rồi, họ không liên lạc với cô nữa, còn cô thỉnh thoảng không đành lòng, lại viết thư vào hỏi họ. Đáp lại, chỉ là sự im lặng.
Phụng sợ cái ý nghĩ bố mẹ đã quên nơi này rồi, quên rằng có một người mẹ già và một đứa con thơ ngày đêm trông ngóng họ. Nhiều lần cô cứ dối lòng là bố mẹ bận quá, bố mẹ đang gặp khó khăn... nhưng trong thâm tâm cô biết tất cả chỉ là ngụy biện.
Có một lần cô đã gào khóc thảm thiết với bà, nằng nặc đòi bà dẫn vào Nam tìm mẹ. Khi ấy, cô học lớp bốn.
Bà mặc cho cô cào cấu, đấm đá bình bịch, la hét thảm thiết... nhất định không đồng ý với yêu cầu của cô. Bà chỉ vào những tờ giấy khen dán chi chít trên tường vôi cũ đã ngả màu, rồi ra dấu.
Phụng lắc đầu, cô lớn rồi, không bị lừa nữa.
- Không phải đâu, không phải cứ học giỏi là bố mẹ sẽ về đâu. Họ, sẽ không về nữa, không về nữa... – Phụng nói trong tiếng nấc và nước mắt giàn giụa. Linh tính đã mách bảo với cô điều tồi tệ đó.
Bà Tỉnh thở dài, các nếp nhăn trên mặt xô lại trên khuôn mặt khắc khổ, bà đưa tay chận nước mắt. Bà cũng nhớ chứ, con bà dứt ruột đẻ ra, một tay bà chăm bẵm từ khi đỏ hỏn đến khi trưởng thành cơ mà...
Bà nhớ, nhớ chứ... nhưng biết làm sao? Bà không có cách nào khác ngoài chờ đợi. Nếu tụi nó không về, ắt có lí do riêng. Bà vào đó, lỡ đâu lại thành gánh nặng cho tụi nó...
Phụng ôm lấy bà, hai bà cháu tủi thân tự vỗ về, an ủi lẫn nhau. Hôm ấy là một ngày nóng của tháng Năm, khi ráng chiều hãy còn đỏ rực một góc làng.
Phụng vân vê đầu khăn quàng đỏ, suy nghĩ. Đó là lần duy nhất cô đòi bà đưa mình đi tìm bố mẹ. Kể từ lần đó trở đi, cô tuyệt nhiên không một lần nhắc đến họ trước mặt bà.
Đã có lúc cô muốn bỏ học, muốn làm việc quần quật cả ngày ở xưởng gốm để kiếm tiền. Cô sẽ dành dụm tiền, sau đó sẽ tự mình đi tìm họ. Cô muốn đứng trước mặt hai người ấy, hỏi rằng họ thực sự không nhớ cô sao? Không nhớ bà sao?
Ý định này cho đến giờ, cô vẫn chưa từ bỏ. Nhất định sẽ có ngày, có ngày cô vào Nam tìm họ.
- Mày làm gì mà mặt đần thối ra thế? – Thằng Quyền huých nhẹ vào vai Phụng.
Cô giật mình, quay qua nhìn nó.
- Sao? – Thằng Quyền trợn mắt hỏi.
Phụng hừ một tiếng, cô liếc nó:
- Chả biết ai mới là đồ đần!
- Ờ!
Thằng Quyền bâng quơ trả lời, rồi để chùm me xanh trên bàn Phụng, đút tay vào túi quần, vênh váo về chỗ.
- Me của mày này!
Phụng cầm chùm me thảy về phía thằng Quyền, nhưng thằng Hưng lại chụp lấy, toe toét:
- Ơ, có me à, cho tao nhé!
Thằng Quyền chẳng nói chẳng rằng, hùng hổ sấn tới chỗ thằng Hưng, giựt quả me đã chui được một nửa vào miệng thằng Hưng. Rồi hai ngón tay như hai gọng kiềm, bóp chặt miệng thằng nhỏ.
Thằng Hưng há ngoắc miệng theo cách khổ sở nhất, đau chảy cả nước mắt, muốn nói mà không cử động miệng được.
Thằng Quyền thò hai ngón tay vào miệng thằng Hưng, móc nốt nửa quả me còn lại ra. Trừng mắt quát:
- Ai cho mày ăn? Muốn chết không?
Thằng Quyền đe xong thì buông tay, lầm lì xách chùm me về bàn.
Thằng Hưng xoa xoa mép, tức tối nói:
- Có mấy quả me mà cũng...
- Sao? Quyền quét mắt qua chỗ thằng Hưng, hất hàm hỏi.
Thằng Hưng xanh mặt, nó vẫn chưa quên cái màn vừa nãy, vội mút miệng, lắc đầu.
- Hừ!
Quyền sải người ra bàn, khịt khịt mũi, chuẩn bị đánh giấc.
Rõ là nó không có thiếu ngủ, vậy mà lúc nào lên lớp cũng phải ngủ ít nhất một tiết, Phụng chẳng thể hiểu nổi.
...
Póc!
Quyền gãi gãi đầu, rồi lại ngủ tiếp.
Póc! Póc! Póc!
Kèm theo âm thanh chọi phấn là tiếng cười khúc khích của bọn trong lớp. Cô Vân dạy Toán đứng trên bục giảng, kiên nhẫn bẻ phấn chọi vào đầu thằng Quyền.
Đến khi hộp phấn vơi phân nửa thì Quyền mới tỉnh. Nó ngóc mái tóc loang lổ phấn lên nhìn nhìn, trên mặt hiện rõ vẻ ngái ngủ. Nó nhăn mặt:
- Cái quỷ gì vậy?
Quyền mất mấy giây mới nhìn thấy gương mặt như bị nướng chín của cô Vân, nó ngồi sột* dậy.
- Em, nhặt hết số phấn kia lên đây cho tôi! – Cô Vân giận dữ quát.
Giọng cô bình thường đã to, khi quát lên còn to khủng khiếp. Thằng Quyền phủi phủi tóc, rồi cúi xuống nhặt phấn. Nhặt xong lết thết lên bục giảng, bỏ vào hộp phấn như cũ.
Cô Vân tay ngoay ngoáy viết lên bảng, tiếng phấn nện vào mặt bảng thể hiện rõ sự bực dọc.
- Em biết phải làm gì rồi đấy!
Dĩ nhiên là Quyền biết chứ, nó lặng lẽ ra góc lớp, quỳ xuống, giơ hai tay lên cao.
Phụng ngồi đầu bàn nhất, ngay phía cửa, nhìn lên lắc đầu chán ngán. Ngày nào cũng thấy Quyền quỳ ở đó, không tiết Toán thì tiết Văn, không Văn thì Sử... Hình như chỉ có mỗi tiết Họa là Quyền không ngủ gật buổi nào, cũng không quậy trong giờ này, thậm chí còn được điểm mười tuyệt đối.
Nhân lúc cô Vân ra ngoài, thằng Quyền nhỏ giọng gọi:
- Phụng! Phụng!
Phụng ngước mắt lên, thấy nó nhăn nhở thì trừng mắt. Gọi gì mà gọi, quen nó rõ muối cả mặt. Nếu không phải nó là em anh Chức, thì cô cũng chả thèm nói chuyện với nó.
- Phụng! Phụng!
Quyền kiên trì gọi, mắt hấp háy cười.
Phụng bực mình, gắt nhẹ:
- Gì?
- Mặt mày dính cứt mũi kìa!
Phụng vội vàng đưa tay sờ mặt, mắt lộ rõ xấu hổ.
Quyền nhìn Phụng vặn vẹo cái mặt như đang nhào bột thì cười ha hả.
Ơ, khoan, Phụng dừng tay. Cô có ngoáy mũi đâu mà mặt dính thứ đó được. Nghĩ xong nhìn lên thì thấy thằng Quyền cười, cô biết ngay mình lại bị nó lừa. Phụng mím môi, cố nén tức giận mà đọc sách.
- Ê Phụng! Phụng! Phụng! Phụng... – Quyền lại nhỏ giọng gọi.
Phụng đập mạnh cây bút xuống bàn:
- Gì nữa?
- Miệng dính ke** kìa! – Thằng Quyền chỉ chỉ rồi bụm miệng cười.
Phụng hít một hơi thật sâu, rồi từ từ thở ra. Lấy được bình tĩnh cô coi thằng Quyền như con trâu già, mặc xác nó cứ giở trò đùa dai.
Có điều, khổ thân Phụng, thằng Quyền lại nói thật. Miệng cô tuy không hẳn là dính ke, nhưng có dính một thứ trăng trắng, đó là bọt kem đánh răng, nhìn cũng na ná nhau. Lúc con Hồng cũng nói như thằng Quyền, Phụng xấu hổ muốn chết. Cô liếc thằng Quyền, cái thằng quỷ sứ, ai ngờ trong một trăm câu nói đùa của nó lại lòi ra một câu nói thật. Hừ!
Chú thích:
* từ địa phương, ngụ ý là tỉnh ngủ vì giật mình, ngồi sột dậy là lập tức tỉnh ngủ và ngồi ngay ngắn.
** là nước miếng khi ngủ bị chảy ra và khô lại, có màu trắng tương tự như bọt kem đánh răng khô vậy.