3.1
Mấy cây phượng trong trường đã trổ nụ hàng loạt. Vậy là chỉ dăm ba bữa sau thôi sẽ đỏ rực cả góc sân. Khi đó, Phụng tha hồ lấy những cánh phượng có màu sắc tươi và hình dáng kì lạ nhất để làm bươm bướm. Cô cũng không rõ mấy cái lá nhỏ ngay sát cánh hoa gọi là gì, nó có hai mặt, mặt trong màu đỏ, mặt ngoài màu đen, cô thường dùng nó làm thân bướm, cần những hai lá cho một con bướm. Đầu tiên cô sẽ bóc lớp màu đỏ của một lá ra, dán những cánh phượng vào, dĩ nhiên cô sẽ căn chỉnh các cánh phượng tầng tầng lớp lớp, đan xen lẫn nhau, sao cho cái hình dáng và màu sắc phải sống động nhất có thể. Nhụy hoa phượng dùng để làm râu bướm, cái này phải cực khéo léo, không phần nhụy sẽ bị rụng mất, chỉ còn lại cuống mà thôi. Cuối cùng áp nốt cái lá đã được lột lớp màu đỏ vào, cẩn thận đặt vào giữa trang vở, gập lại. Phụng đã có một quyển vở đầy nhóc những chú bướm xinh như thế, nó khiến cô hãnh diện với đám con gái trong lớp. Bởi, những con bướm của tụi nó trông rất đơn giản, đơn giản đến mức đơn điệu.
Với con gái thì thế, còn tụi con trai thì chỉ chăm chăm bứt nhụy để chơi trò “đá gà” thôi. Đôi khi thứ đem ra để cược xem gà nhà ai rụng đầu trước chỉ là một viên kẹo bạc hà xanh đỏ, một que kem đá mát lạnh... nhưng tụi nó vẫn máu chiến cực kì.
Rồi khi tụi con gái ngậm ngùi vì hoa tàn thì tụi con trai lại sướng rên, bởi tụi nó biết sắp có quả để ăn rồi. Tụi nó bảo quả phượng ăn vừa ngọt vừa bùi, ngon hơn cả khoai nướng. Phụng chưa ăn bao giờ nên không rõ có đúng như lời miêu tả của tụi nó không.
- Mày làm gì mà ngây như phỗng thế?
Thằng Quyền sau khi huơ tay trước mặt Phụng mà không thấy cô phản ứng, liền thắc mắc.
Phụng lườm nó:
- Kệ tao!
Nói xong bỏ đi, cô chẳng thích nói chuyện với Quyền tẹo nào, khéo lại chửi nhau om sòm cả lên.
Nhưng thằng Quyền nhanh chóng đuổi theo cô. Nó níu vai Phụng lại, bảo:
- Ê, khi nào phượng nở, tao... hái cho mày nhé!
- Chi? – Phụng khó hiểu nhìn nó.
Thằng Quyền khịt mũi:
- Ờ, thì tao thích, thế thôi!
Phụng trề môi:
- Khùng, tao không cần!
Quyền mím môi, nó nheo mắt nhìn Phụng, có chút tức giận nhen lên. Phụng thấy Quyền không nói nữa thì tiếp tục đi về lớp.
Bất ngờ, thằng Quyền hét lên:
- Vậy sao mày cứ nhờ anh Chức hái suốt ấy?
Ơ, Phụng quay lại. Việc cô nhờ anh Chức hái thì liên quan gì tới nó?
- Không phải mày tự hái được à? – Phụng nói thế vì cô nghĩ thằng Quyền đang ghen với việc cô được anh Chức hái cho, tương tự như ghen vì anh Chức hay chở cô đi học mà không đèo nó, để nó phải đi bộ.
Thằng Quyền ném hòn sỏi đang cầm trên tay ra xa, hằn học chửi:
- Đồ ngu!
Bị mắng ngu đột xuất, Phụng há hốc miệng. Thằng Quyền chửi nó? Lần đầu tiên đấy.
Đến lúc Phụng hết sững sờ thì thằng Quyền đã biến đi chỗ nào, cô đành ôm bực về lớp, vì trống đã đánh rồi. Định bụng, lát nó đi ngang qua, cô sẽ thò chân ngáng cho nó vồ ếch chơi.
Ai ngờ, Quyền vào lớp nhưng không đi ngang qua chỗ Phụng. Nó đi tắt bằng cách nhảy trên mặt bàn và cũng không thèm liếc Phụng lấy một cái.
Hừ, được thôi, không chửi lại được hôm nay thì còn ngày mai, ngày mốt, lo gì... Phụng nghĩ thầm, cô nhếch môi cười.
Nhưng chuỗi ngày mai mốt ấy chẳng đến nổi, vì Phụng vốn không phải đứa thù dai, và cũng vì Quyền lánh mặt Phụng cả ở trường lẫn ở xưởng. Chỉ cần nhác thấy bóng Phụng từ xa là Quyền lập chuồn trước.
Cái thằng quỷ coi vậy mà giận dai, được thôi, cô cũng đâu làm gì có lỗi với nó? Nghỉ chơi thì nghỉ chơi.
...
Thấy Phụng lấp ló ngoài giậu, bác Nhu theo thói quen nói vọng ra:
- Tìm Chức hả cháu, nó đi lên Tỉnh lấy thư rồi!
Lấy thư? Tim phụng bỗng đập nhanh dữ dội, cô đưa tay lên vuốt vuốt ngực.
Cô nhớ lại ngày trước...
Bất kể Phụng đang làm gì, chỉ cần nghe thấy tiếng bọn trẻ líu lo hát
“Kính coong kính coong
Bác đưa thư đang tới nhà em
Xe đạp kêu kính kính coong
Thấy chiếc xe em chạy lon ton ...”
là Phụng sẽ bỏ việc đó mà chạy ào ra, nhập bọn với đám con nít ấy, chạy đuổi theo sau đuôi xe đạp.
Nhưng, cô chạy theo là vì muốn hỏi có thư nào từ Nam gửi cho bà cháu cô không, chứ không phải ham vui như tụi nó.
Và mỗi lần anh đưa thư đáp không có em ạ, là mỗi lần Phụng lại lọt thỏm ở phía sau, thẫn thờ nhìn theo đám con nít vẫn cứ hồ hởi hát và bám theo xe đưa thư. Tiếng hát tụi nó xa dần và niềm hy vọng của cô cũng dần xa như thế...
Bây giờ, Chức hoạt động bên Đoàn, nên anh kiêm luôn nhiệm vụ đưa thư ấy. Thế là, chỉ cần anh không nói gì, Phụng sẽ tự hiểu, cô không hỏi anh bởi cô biết, nếu anh trả lời cô sẽ càng buồn hơn mà thôi. Tội gì cứ đào bới nỗi buồn lên để ngắm? Nó có đẹp đâu?
Với Phụng, buồn là một thứ gì đó xấu xí vô cùng, nó khiến cho con người ta trở nên mỏng manh, yếu đuối.
- Phụng, Chức chắc đến tối mới về lận đấy!
Bác Nhu vừa cào sắn trải đều sân, vừa nói. Thấy Phụng đứng im không trả lời, bác dừng tay, nói lớn hơn:
- Phụng, cháu tìm Chức có việc gì à?
- Dạ? – Phụng giật mình. - À, cháu...
Bác Nhu đưa tay che nắng, nheo mắt chờ cô nói. Phụng ấp úng, không biết nói gì, đành cúi chào:
- Dạ, thôi cháu chào bác cháu về ạ!
- Ừ, rảnh lại ghé bác chơi nhé!
- Vâng ạ!
Phụng quay lưng, tiếng bồ cào soàn soạt đều đặn vang lên.
Thực ra, cô định tìm Quyền, bình thường thấy phiền phức khi nó cứ chọc ghẹo cô hoài. Nhưng, không có nó cô thấy mỗi ngày trôi qua thật phẳng lặng, chẳng còn thú vị nhiều như trước.
...
Bà Tỉnh lúi húi tách bụi xả ra thành nhiều cụm nhỏ rồi trồng sang chỗ đất đã bới bên cạnh.
Bà trồng xả để lúc đun bồ kết gội đầu, bỏ thêm vào, tóc vừa mượt vừa thơm. Với lại, trồng xả còn giúp xua bớt muỗi.
Phụng vân vê vạt áo, dọc đường cứ suy nghĩ về bài toán khó cân[1] sáng, đi vượt qua nhà cũng không nhận ra.
Bà Tỉnh ngó thấy cháu tới cổng mà không vào liền nhặt mảnh sành liệng ra.
Phụng giật mình ngẩng lên.
Tuy nhiên cô không giật mình bởi tiếng chọi sành, mà giật mình bởi tiếng chó sủa ăng ẳng. Con chó con nhà dì Tiến mõm nhọn hoắt, hai chân bắc lên cổng, ngoạc mõm ra mà sủa lấy sủa để.
Phụng trợn mắt, quát:
- Muốn chết không?
Gâu! Gâu! Gâu!
Con chó con không những không sợ lời đe dọa của cô mà còn sủa dữ dội hơn, khiến con Vàng nằm ngủ ở miệng giếng phải bật dậy, chạy lại giúp bạn.
Phụng chỉ cả hai con, hếch mặt nói:
- Rựa mận! Hấp riềng! Thui rơm! Tiết canh!...
Hai con chó nhìn nhau, rồi im bặt, lồi mắt nhìn Phụng, cái đuôi dựng đứng lên, thè lưỡi thở hồng hộc, nhưng tuyệt đối không sủa nữa. Phụng đắc chí cười ha hả.
- Giỏi quá! Thắng cả chó luôn!
Bộp! Bộp!
Thằng Quyền nãy giờ đứng im quan sát, sau khi thấy Phụng cười thì cậu vỗ tay, khen.
Phụng nghe thấy giọng Quyền thì toàn thân cứng ngắc. Cô nhìn xuống, hai con chó ngồi gọn gàng, ngếch mõm lên nhìn cô. Phụng nhìn sao cũng cảm giác hình như tụi nó đang cười mình.
- Hừ!
Phụng liếc Quyền, giơ nắm tay lên, đe:
- Cấm nói thêm câu nào nữa!
Quyền rụt cổ, làm như sợ hãi lắm, cậu đưa hai ngón tay ngang miệng, động tác như kéo khóa vậy.
Không thấy Phụng vào nhà, bà Tỉnh đành chống gậy đi ra cổng. Bà gõ cái gậy lên cột rào.
Thằng Quyền ngó lại, rồi nói:
- Bà kêu kìa Phụng!
- Dạ, cháu đây bà ơi! – Phụng nói thật to, rồi co chân chạy.
Trước khi vào nhà, cô còn trừng mắt với thằng Quyền một cái. Thằng Quyền ngửa mặt cười ngặt ngẽo. Cậu nhớ lại điệu bộ hùng hổ cãi tay đôi với chó của Phụng thì không sao nín được...
Phụng thừa biết Quyền cười cái gì, nhưng cũng không cách nào dán miệng nó lại.
...
Phụng định giúp bà trồng nốt chỗ xả, nhưng bà lắc đầu, chỉ vào trong bếp rồi xoa bụng.
- À, bà đói ạ? Cháu nấu cơm nhé!
Bà Tỉnh gật đầu, hẩy[2] tay giục.
Phụng quấn dây thừng vài vòng qua tay rồi quăng thùng gỗ xuống giếng. Mỗi lần cô chỉ kéo nửa thùng nước, bù lại cô kéo rất nhanh.
Đổ nước đầy lu, Phụng đong gạo ra rá[3] mang đi vo. Cô nói với bà:
- Bà ơi, mấy bữa nữa mình làm bánh đúc ăn không ạ?
Bà Tỉnh vỗ tay đồng ý. Phụng lại tiếp:
- Vậy mai cháu sang nhà cô Sương xin ít vôi ạ!
Bà vỗ tay rồi ra dấu rất nhiều. Phụng cười:
- Cháu nhớ rồi, không cho lạc vào đâu ạ! Cháu cũng định làm quá lên để biếu dì Tiến và bác Cần luôn, bà yên tâm ạ!
Phụng vo gạo xong trút vào nồi đất, chỉnh lại kiềng cho ngay ngắn rồi đặt lên. Cô quẹt que diêm thả vào bếp, lửa bùng lên ngay tắp lự, uốn éo ôm trọn đáy nồi.
Phụng tủm tỉm cười. Mấy hôm trước, Chức có nói cậu thèm ăn bánh đúc, còn khen mẻ bánh đợt trước cô làm rất ngon.
[1] cân sáng: từ địa phương, có nghĩa như ban sáng, buổi sáng.
[2] hẩy tay: bàn tay rủ xuống, vẩy lên.
[3] rá: rổ, rá, nong, nia, dần, thúng, mủng, sàng... là các vật dụng đan bằng nứa, dùng trong sinh hoạt hàng ngày, hay thấy ở các vùng thôn quê.
Hình minh họa rá
Hình minh họa phượng ép
Mấy cây phượng trong trường đã trổ nụ hàng loạt. Vậy là chỉ dăm ba bữa sau thôi sẽ đỏ rực cả góc sân. Khi đó, Phụng tha hồ lấy những cánh phượng có màu sắc tươi và hình dáng kì lạ nhất để làm bươm bướm. Cô cũng không rõ mấy cái lá nhỏ ngay sát cánh hoa gọi là gì, nó có hai mặt, mặt trong màu đỏ, mặt ngoài màu đen, cô thường dùng nó làm thân bướm, cần những hai lá cho một con bướm. Đầu tiên cô sẽ bóc lớp màu đỏ của một lá ra, dán những cánh phượng vào, dĩ nhiên cô sẽ căn chỉnh các cánh phượng tầng tầng lớp lớp, đan xen lẫn nhau, sao cho cái hình dáng và màu sắc phải sống động nhất có thể. Nhụy hoa phượng dùng để làm râu bướm, cái này phải cực khéo léo, không phần nhụy sẽ bị rụng mất, chỉ còn lại cuống mà thôi. Cuối cùng áp nốt cái lá đã được lột lớp màu đỏ vào, cẩn thận đặt vào giữa trang vở, gập lại. Phụng đã có một quyển vở đầy nhóc những chú bướm xinh như thế, nó khiến cô hãnh diện với đám con gái trong lớp. Bởi, những con bướm của tụi nó trông rất đơn giản, đơn giản đến mức đơn điệu.
Với con gái thì thế, còn tụi con trai thì chỉ chăm chăm bứt nhụy để chơi trò “đá gà” thôi. Đôi khi thứ đem ra để cược xem gà nhà ai rụng đầu trước chỉ là một viên kẹo bạc hà xanh đỏ, một que kem đá mát lạnh... nhưng tụi nó vẫn máu chiến cực kì.
Rồi khi tụi con gái ngậm ngùi vì hoa tàn thì tụi con trai lại sướng rên, bởi tụi nó biết sắp có quả để ăn rồi. Tụi nó bảo quả phượng ăn vừa ngọt vừa bùi, ngon hơn cả khoai nướng. Phụng chưa ăn bao giờ nên không rõ có đúng như lời miêu tả của tụi nó không.
- Mày làm gì mà ngây như phỗng thế?
Thằng Quyền sau khi huơ tay trước mặt Phụng mà không thấy cô phản ứng, liền thắc mắc.
Phụng lườm nó:
- Kệ tao!
Nói xong bỏ đi, cô chẳng thích nói chuyện với Quyền tẹo nào, khéo lại chửi nhau om sòm cả lên.
Nhưng thằng Quyền nhanh chóng đuổi theo cô. Nó níu vai Phụng lại, bảo:
- Ê, khi nào phượng nở, tao... hái cho mày nhé!
- Chi? – Phụng khó hiểu nhìn nó.
Thằng Quyền khịt mũi:
- Ờ, thì tao thích, thế thôi!
Phụng trề môi:
- Khùng, tao không cần!
Quyền mím môi, nó nheo mắt nhìn Phụng, có chút tức giận nhen lên. Phụng thấy Quyền không nói nữa thì tiếp tục đi về lớp.
Bất ngờ, thằng Quyền hét lên:
- Vậy sao mày cứ nhờ anh Chức hái suốt ấy?
Ơ, Phụng quay lại. Việc cô nhờ anh Chức hái thì liên quan gì tới nó?
- Không phải mày tự hái được à? – Phụng nói thế vì cô nghĩ thằng Quyền đang ghen với việc cô được anh Chức hái cho, tương tự như ghen vì anh Chức hay chở cô đi học mà không đèo nó, để nó phải đi bộ.
Thằng Quyền ném hòn sỏi đang cầm trên tay ra xa, hằn học chửi:
- Đồ ngu!
Bị mắng ngu đột xuất, Phụng há hốc miệng. Thằng Quyền chửi nó? Lần đầu tiên đấy.
Đến lúc Phụng hết sững sờ thì thằng Quyền đã biến đi chỗ nào, cô đành ôm bực về lớp, vì trống đã đánh rồi. Định bụng, lát nó đi ngang qua, cô sẽ thò chân ngáng cho nó vồ ếch chơi.
Ai ngờ, Quyền vào lớp nhưng không đi ngang qua chỗ Phụng. Nó đi tắt bằng cách nhảy trên mặt bàn và cũng không thèm liếc Phụng lấy một cái.
Hừ, được thôi, không chửi lại được hôm nay thì còn ngày mai, ngày mốt, lo gì... Phụng nghĩ thầm, cô nhếch môi cười.
Nhưng chuỗi ngày mai mốt ấy chẳng đến nổi, vì Phụng vốn không phải đứa thù dai, và cũng vì Quyền lánh mặt Phụng cả ở trường lẫn ở xưởng. Chỉ cần nhác thấy bóng Phụng từ xa là Quyền lập chuồn trước.
Cái thằng quỷ coi vậy mà giận dai, được thôi, cô cũng đâu làm gì có lỗi với nó? Nghỉ chơi thì nghỉ chơi.
...
Thấy Phụng lấp ló ngoài giậu, bác Nhu theo thói quen nói vọng ra:
- Tìm Chức hả cháu, nó đi lên Tỉnh lấy thư rồi!
Lấy thư? Tim phụng bỗng đập nhanh dữ dội, cô đưa tay lên vuốt vuốt ngực.
Cô nhớ lại ngày trước...
Bất kể Phụng đang làm gì, chỉ cần nghe thấy tiếng bọn trẻ líu lo hát
“Kính coong kính coong
Bác đưa thư đang tới nhà em
Xe đạp kêu kính kính coong
Thấy chiếc xe em chạy lon ton ...”
là Phụng sẽ bỏ việc đó mà chạy ào ra, nhập bọn với đám con nít ấy, chạy đuổi theo sau đuôi xe đạp.
Nhưng, cô chạy theo là vì muốn hỏi có thư nào từ Nam gửi cho bà cháu cô không, chứ không phải ham vui như tụi nó.
Và mỗi lần anh đưa thư đáp không có em ạ, là mỗi lần Phụng lại lọt thỏm ở phía sau, thẫn thờ nhìn theo đám con nít vẫn cứ hồ hởi hát và bám theo xe đưa thư. Tiếng hát tụi nó xa dần và niềm hy vọng của cô cũng dần xa như thế...
Bây giờ, Chức hoạt động bên Đoàn, nên anh kiêm luôn nhiệm vụ đưa thư ấy. Thế là, chỉ cần anh không nói gì, Phụng sẽ tự hiểu, cô không hỏi anh bởi cô biết, nếu anh trả lời cô sẽ càng buồn hơn mà thôi. Tội gì cứ đào bới nỗi buồn lên để ngắm? Nó có đẹp đâu?
Với Phụng, buồn là một thứ gì đó xấu xí vô cùng, nó khiến cho con người ta trở nên mỏng manh, yếu đuối.
- Phụng, Chức chắc đến tối mới về lận đấy!
Bác Nhu vừa cào sắn trải đều sân, vừa nói. Thấy Phụng đứng im không trả lời, bác dừng tay, nói lớn hơn:
- Phụng, cháu tìm Chức có việc gì à?
- Dạ? – Phụng giật mình. - À, cháu...
Bác Nhu đưa tay che nắng, nheo mắt chờ cô nói. Phụng ấp úng, không biết nói gì, đành cúi chào:
- Dạ, thôi cháu chào bác cháu về ạ!
- Ừ, rảnh lại ghé bác chơi nhé!
- Vâng ạ!
Phụng quay lưng, tiếng bồ cào soàn soạt đều đặn vang lên.
Thực ra, cô định tìm Quyền, bình thường thấy phiền phức khi nó cứ chọc ghẹo cô hoài. Nhưng, không có nó cô thấy mỗi ngày trôi qua thật phẳng lặng, chẳng còn thú vị nhiều như trước.
...
Bà Tỉnh lúi húi tách bụi xả ra thành nhiều cụm nhỏ rồi trồng sang chỗ đất đã bới bên cạnh.
Bà trồng xả để lúc đun bồ kết gội đầu, bỏ thêm vào, tóc vừa mượt vừa thơm. Với lại, trồng xả còn giúp xua bớt muỗi.
Phụng vân vê vạt áo, dọc đường cứ suy nghĩ về bài toán khó cân[1] sáng, đi vượt qua nhà cũng không nhận ra.
Bà Tỉnh ngó thấy cháu tới cổng mà không vào liền nhặt mảnh sành liệng ra.
Phụng giật mình ngẩng lên.
Tuy nhiên cô không giật mình bởi tiếng chọi sành, mà giật mình bởi tiếng chó sủa ăng ẳng. Con chó con nhà dì Tiến mõm nhọn hoắt, hai chân bắc lên cổng, ngoạc mõm ra mà sủa lấy sủa để.
Phụng trợn mắt, quát:
- Muốn chết không?
Gâu! Gâu! Gâu!
Con chó con không những không sợ lời đe dọa của cô mà còn sủa dữ dội hơn, khiến con Vàng nằm ngủ ở miệng giếng phải bật dậy, chạy lại giúp bạn.
Phụng chỉ cả hai con, hếch mặt nói:
- Rựa mận! Hấp riềng! Thui rơm! Tiết canh!...
Hai con chó nhìn nhau, rồi im bặt, lồi mắt nhìn Phụng, cái đuôi dựng đứng lên, thè lưỡi thở hồng hộc, nhưng tuyệt đối không sủa nữa. Phụng đắc chí cười ha hả.
- Giỏi quá! Thắng cả chó luôn!
Bộp! Bộp!
Thằng Quyền nãy giờ đứng im quan sát, sau khi thấy Phụng cười thì cậu vỗ tay, khen.
Phụng nghe thấy giọng Quyền thì toàn thân cứng ngắc. Cô nhìn xuống, hai con chó ngồi gọn gàng, ngếch mõm lên nhìn cô. Phụng nhìn sao cũng cảm giác hình như tụi nó đang cười mình.
- Hừ!
Phụng liếc Quyền, giơ nắm tay lên, đe:
- Cấm nói thêm câu nào nữa!
Quyền rụt cổ, làm như sợ hãi lắm, cậu đưa hai ngón tay ngang miệng, động tác như kéo khóa vậy.
Không thấy Phụng vào nhà, bà Tỉnh đành chống gậy đi ra cổng. Bà gõ cái gậy lên cột rào.
Thằng Quyền ngó lại, rồi nói:
- Bà kêu kìa Phụng!
- Dạ, cháu đây bà ơi! – Phụng nói thật to, rồi co chân chạy.
Trước khi vào nhà, cô còn trừng mắt với thằng Quyền một cái. Thằng Quyền ngửa mặt cười ngặt ngẽo. Cậu nhớ lại điệu bộ hùng hổ cãi tay đôi với chó của Phụng thì không sao nín được...
Phụng thừa biết Quyền cười cái gì, nhưng cũng không cách nào dán miệng nó lại.
...
Phụng định giúp bà trồng nốt chỗ xả, nhưng bà lắc đầu, chỉ vào trong bếp rồi xoa bụng.
- À, bà đói ạ? Cháu nấu cơm nhé!
Bà Tỉnh gật đầu, hẩy[2] tay giục.
Phụng quấn dây thừng vài vòng qua tay rồi quăng thùng gỗ xuống giếng. Mỗi lần cô chỉ kéo nửa thùng nước, bù lại cô kéo rất nhanh.
Đổ nước đầy lu, Phụng đong gạo ra rá[3] mang đi vo. Cô nói với bà:
- Bà ơi, mấy bữa nữa mình làm bánh đúc ăn không ạ?
Bà Tỉnh vỗ tay đồng ý. Phụng lại tiếp:
- Vậy mai cháu sang nhà cô Sương xin ít vôi ạ!
Bà vỗ tay rồi ra dấu rất nhiều. Phụng cười:
- Cháu nhớ rồi, không cho lạc vào đâu ạ! Cháu cũng định làm quá lên để biếu dì Tiến và bác Cần luôn, bà yên tâm ạ!
Phụng vo gạo xong trút vào nồi đất, chỉnh lại kiềng cho ngay ngắn rồi đặt lên. Cô quẹt que diêm thả vào bếp, lửa bùng lên ngay tắp lự, uốn éo ôm trọn đáy nồi.
Phụng tủm tỉm cười. Mấy hôm trước, Chức có nói cậu thèm ăn bánh đúc, còn khen mẻ bánh đợt trước cô làm rất ngon.
[1] cân sáng: từ địa phương, có nghĩa như ban sáng, buổi sáng.
[2] hẩy tay: bàn tay rủ xuống, vẩy lên.
[3] rá: rổ, rá, nong, nia, dần, thúng, mủng, sàng... là các vật dụng đan bằng nứa, dùng trong sinh hoạt hàng ngày, hay thấy ở các vùng thôn quê.
Hình minh họa rá
Hình minh họa phượng ép
Chỉnh sửa lần cuối: