2.1
Tùng! Tùng! Tùng!
Trống đánh bao hiệu tan học.
Chức đứng trước cổng trường đợi Phụng. Hôm nay do có tiết kiểm tra cuối tiết nên lớp Phụng về hơi trễ.
Nộp bài xong, Phụng hớt hải chạy ra ngoài. Cô sợ Chức không thấy cô, tưởng cô về rồi.
Phụng không phải sợ phải cuốc bộ về, mà chỉ là cô thấy vui khi được anh chở, nghe anh hát mấy bài thiếu nhi rất hay.
Phụng nhìn về phía lớp 9A, bàn ghế trống trơn, không còn ai trong đó cả. Cô lại vừa đi vừa nghển ra cổng, ngoài những đứa nấm lùn giống cô, không thấy một bóng dáng cao ráo nào hết.
Phụng tiu nghỉu như mèo gặp nước, xốc cặp rồi nhập vào đám bạn cùng khối đang ùa ra cổng.
- Phụng! Đi đâu thế?
A, tiếng của anh Chức, Phụng quay ngoắt lại, cười tươi:
- Anh chưa về ạ?
- Chưa, anh chờ em mà!
Chức cười, hai má lúm đồng tiền càng lún sâu xuống, nhìn rất đẹp trai.
Phụng cũng có lúm đồng tiền, nhưng chỉ có một cái bên má trái, còn bên phải là “lúm gạo”. Lúm gạo là mẹ cô gọi thế, bởi vì nó nhỏ như hạt gạo và chỉ hơi lõm vào thôi.
- Em làm bài được không? – Chức vừa đạp xe, vừa hỏi.
Phụng lúc lắc đầu, cười:
- Được chứ ạ!
- Ừ, anh quên mất, Phụng nhà mình giỏi mà!
Phụng nhà mình? Cô mỉm cười. Nhiều người trong làng vẫn hay đùa là trông cô và Chức giống hai anh em ruột hơn là Chức với Quyền, vì hai đứa đều học giỏi, ngoan và còn có lúm đồng tiền như nhau nữa.
Không biết Chức thấy thế nào, chứ Phụng mỗi lần nghe được mấy lời như thế thì vui lắm. Cô là con một, không có anh chị em nào cả, trong nhà quanh đi quẩn lại mỗi hai bà cháu. Vậy nên mỗi khi thấy người ta chị chị em em thì cô tủi thân ghê gớm. May mà có anh Chức, anh coi cô như em gái và đối xử rất tốt với cô.
- Anh Chức! – Phụng gõ gõ lên lưng áo ướt đẫm mồ hôi của anh.
- Sao Phụng?
- Em ghét cái người làm ra bài thơ “Làm anh” kinh khủng!
- Là bài nào? – Chức có chút mệt. Mệt vì trời nắng gắt chứ không phải vì Phụng nặng.
- Bài này nè: làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa, với em gái nhỏ, phải người lớn cơ... – Phụng hào hứng đọc.
Chức bật cười:
- Ơ, anh thấy đúng mà, sao ghét?
Phụng lí nhí:
- Lẽ ra em mới là người làm ra bài này mới đúng!
Kít...
- A!
Chức phanh gấp, Phụng đâm sầm vào lưng cậu. Lưng cậu cứng cáp, nhưng đầu cô cũng không đau.
Phụng ngơ ngác hỏi:
- Sao thế ạ?
Chức vén tóc mái cô lên, xem trán có đỏ không. Xác định không bị đỏ, anh mới bảo:
- Mải nghe em nói, sém chút lọt ổ gà!
Phụng nghến phía trước nhìn, cô tặc lưỡi:
- Đó là ổ voi rồi, ổ gà chỉ thế này thôi. – Phụng dùng hai bàn tay vẽ vẽ trong không trung để Chức dễ hình dung.
Cậu phì cười:
- Ừ, thì ổ voi. May né được ổ voi, ha ha...
Phụng mỉm cười hài lòng, cô ngồi dịch lại phía sau, chần chừ hỏi:
- Có cần em xuống xe không ạ?
- Không! - Chức trả lời dứt khoát. - Em ngồi cho vững là được rồi!
Phụng ngoan ngoãn làm theo lời Chức, đặt chân ngay ngắn trên gác chân, hai tay nắm chặt áo cậu.
Chức chống chân xuống, hai tay dùng lực nhấc bổng đầu xe nhích sang bên trái.
- Woa, anh khỏe quá! – Phụng phấn khích reo lên.
Chức vuốt mồ hôi trên mặt, cười đầy tự hào:
- Chuyện! Anh mà lị!
Sau đó, đề phòng bị lọt vào ổ gà, ổ voi, hay ổ gì đó... Phụng không luyên thuyên nữa mà chỉ nghe Chức huýt sáo. Lúc thì cậu huýt sáo theo nhạc, lúc thì hát thành lời.
“Nhìn bao khăn thắm tươi
Lòng ngập bao sướng vui
Hát vang lên chào đón tương lai
Màu khăn tươi nhắc em
Học tập luôn gắng xinh
Làm sao cho khăn quàng thắm mãi vai em.”
Xe chạy bon bon, lên dốc hay xuống dốc đều cùng một tốc độ. Phụng vui vẻ vỗ tay theo nhịp bài hát, mặc kệ cái nắng thiêu đốt đang gắt gao đuổi theo sau.
...
Bà Tỉnh bắc chảo gang lên bếp, rút thêm vài búi rạ nhét vào cho lửa cháy to hơn.
Bà bốc từng nắm bồ kết thả vào lòng chảo, dùng đũa cả đảo đều. Bồ kết dưới sức nóng của lửa nhanh chóng ngả sang màu đen kịt, khói trắng bốc nghi ngút, thi thoảng còn nổ lách tách. Bà Tỉnh nheo mắt, mùi bồ kết cay xè theo khói tạt vào mắt, xộc vào mũi, khiến bà cứ phải đưa tay quệt nước mắt, nước mũi chảy ra.
Bà Tỉnh rang bồ kết để mấy bận nữa họp chơ trên xã thì đem lên bán, kiếm chút đỉnh.
Trong làng chỉ có vài ba nhà có trồng bồ kết, trong đó bồ kết nhà bà Tỉnh là quả đen bóng và thơm nhất, quả nào quả nấy đều nây nẩy.
Bồ kết là do con dâu bà, tức mẹ của Phụng, trồng sau nhà, cạnh cây ổi đào da trơn láng. Sau, thấy nhiều người mua, bà xúi con trai chặt cây ổi đi, trồng thêm một cây bồ kết nữa nhằm kiếm thêm tiền. Ai ngờ người tính không bằng trời tính, qua nhiều đợt mưa bão, cây thứ hai bật gốc, chỉ còn mỗi cây đầu tiên là trụ được.
Bồ kết sống lâu năm, gốc to như gốc me già nhà cô Sương cuối làng. Lá trông y chang lá me, có mỗi hoa là khang khác. Hoa bồ kết li ti, mềm mại như xiêm y của vũ công nữ, mang màu trắng tinh khôi, thường nở vào mùa xuân. Trong cái se lạnh và mưa phùn, hoa tỏa một mùi thơm dịu nhẹ, thứ hương thơm phải để ý kĩ mới thấy được. Nhưng đã ngửi một lần thì cả đời cũng chẳng thể nào quên.
...
Phụng đi học về, cất cặp xách xong là cô lật đật xuống bếp ngay.
Lúc này, khói đã dày đặc cả bếp, lan tới tận cửa. Phụng bịt mũi xông vào.
- Bà ơi, cháu đã bảo để cháu làm mà!
Mắt bà Tỉnh mở không nổi nhưng vẫn cố mở to để nhìn cô, hai mí hấp háy. Thấy cô rồi thì cười, xua tay.
Phụng với cái quạt mo cắm trên vách bếp, xua khói loãng bớt rồi đỡ bà dậy.
- Bà ra rửa mặt rồi ngồi nghỉ đi ạ, để cháu rang nốt!
Phụng dùng chân khều bớt mấy búi rạ ra, để bồ kết không bị khét trong lúc cô đưa bà ra ngoài.
Bà Tỉnh ra đến cửa bếp thì lùi lại, đập đập vào tay Phụng rồi chỉ vào trong bếp.
Phụng lắc đầu, cô nắm tay bà:
- Không được ạ. Bà nghe cháu đi mà!
Bà Tỉnh thở dài, bà không nói thêm nữa nhưng cũng không cần Phụng đưa ra ngoài, mặt bà buồn buồn.
Phụng biết bà dỗi, cô chạy lại, đỡ bà:
- Bà ơi, cháu thèm canh mùng tơi nấu mướp quá. Hay bà gọt giùm cháu mấy quả mướp, với lại hái mấy cọng mùng tơi leo ngoài giậu nhé. Rồi bà cháu mình cùng nấu!
Nghe Phụng nói vậy, nét rầu rĩ trên mặt bà lập tức biến mất, mắt bà ánh lên niềm vui nho nhỏ, bà gật đầu cười.
Phụng nhìn theo từng bước đi chậm chạp của bà, trong lòng thắt lại. Lưng bà ngày càng còng rạp xuống, đi lại thêm phần khó khăn hơn trước, nhưng việc gì cũng muốn đụng tay vào, không chịu ngồi một chỗ nghỉ ngơi.
Còn nhớ, ban đầu vì thương bà và cũng vì nóng tính, cô thấy bà làm nhiều mệt thì giành hết việc, không cho bà làm. Khi ấy, bà buồn ra mặt. Bà ngồi trên cái chõng tre cũ trước hiên nhà, mắt vô hồn nhìn về nơi nào đó xa xôi lắm, Phụng đi qua bà cũng chẳng chớp mắt.
Một bận, dì Tiến gọi Phụng lại bảo:
- Sao cháu không để bà làm việc gì hết vậy?
Phụng trả lời:
- Cháu không muốn bà mệt, chỉ độc đi lại thôi bà đã mệt lắm rồi ạ!
Dì Tiến lắc đầu:
- Cháu nghĩ người già, người ta cố sống lâu như vậy là vì cái gì?
- Dạ? – Phụng không hiểu, cô nhìn dì Tiến.
Dì Tiến thở dài:
- Người già họ có ý chí muốn sống, là vì nghĩ con cháu cần mình, chứ không phải để hưởng thụ an nhàn. Nếu cháu để bà cảm thấy bà không giúp được gì cho cháu nữa, lúc ấy bà sẽ cảm thấy mình vô dụng, có sống hay không cũng không cần thiết nữa, sẽ buồn chán, ăn uống không được rồi đổ bệnh...
- Không! Cháu... cháu không muốn bà bệnh đâu, cháu muốn bà luôn khỏe mạnh cơ... – Phụng mím môi, mắt long lanh.
Dì Tiến xoa đầu cô, dịu dàng nói:
- Dì hiểu, nhưng quan trọng cháu phải để bà hiểu nữa!
Đêm ấy, Phụng suy nghĩ rất nhiều về lời của dì Tiến. Cuối cùng, cô cũng nhận ra điều mà dì muốn truyền đạt. Cô chia công việc trong nhà thành hai mục nặng và nhẹ. Sau đó đem những việc nhẹ nói với bà, lúc nào cô cũng thêm câu “bà giúp cháu nhé” vào. Từ đó, bà vui vẻ hẳn, ăn nhiều hơn và ngủ cũng trọn giấc hơn.
Nhưng dần dà về sau, bà làm xog việc rồi thì ngứa chân ngứa tay lấn sang cả việc của Phụng. Thành ra, ngày nào cũng như ngày nào, đều có cảnh hai bà cháu giành nhau mà làm việc, rộn ràng cả lên.