14.1
Mưa lâm thâm rơi ướt vai áo bạc phếch vì đất và mồ hôi của bác Cần. Đứng giữa khoảnh sân nhỏ trước nhà, bác đăm chiêu nhìn mảnh gốm mẫu trên tay. Sau nhiều bận nung hỏng. Bác Cần chuyển sang nung mẫu để tiết kiệm. Nhưng rồi hàng trăm mẫu ra khỏi lò đều chết một màu. Cái đạt nhất chỉ có màu như lòng tôm. Số lượng đất thì có hạn…
Xoẹt… xoẹt…
Bác cần giật mình. Bác Nhu cầm chổi quét sân, nhát chổi lộ rõ bực dọc. Bác Cần nhìn trời rồi lại nhìn vợ:
- Mưa mà bà quét sân chi vậy?
Dường như bác Nhu chỉ chờ có thế, bác quẳng cả chổi ra sân, chống nạnh:
- Mưa, ông cũng biết trời mưa? Con gà con chó thấy mưa còn chạy đi tìm chỗ trú. Còn ông, ông đứng đực ra đấy làm gì? Muốn quay lại thời cởi truồng tắm mưa hay sao? Nhà chưa đủ thứ cần tiêu tiền à? Tiền đổ vào mồm còn không có, còn muốn tốn tiền thuốc nữa à?
- Thôi, thôi, thôi… Thôi giùm tôi cái, nhá! Bà cứ xoen xoét cái mồm thế rồi chả ai dám làm dâu nhà bà, rồi hai thằng con bà ế cả đời nhá, như cái thằng Tiến ấy...
- Ông nói ai xoen xoét cái mồm, giời ơi, ông thì làm được gì cho cái nhà này, ngoài đem hết vốn liếng của tôi đi cho thiên hạ? Ông giỏi giang cái gì, nào, nào, nói tôi nghe xem ông đã làm được gì cho các con ông? Hay là một tay con lắm mồm này cả?
- Bố mẹ làm gì thế? Hàng xóm người ta cười cho kìa. – Chức dựng vội xe đạp ngay cổng, chạy vào can ngăn.
Quyền hầm hầm đi phía sau, lúc ngang qua mặt bác Nhu, cậu bảo:
- Mẹ vừa vừa phai phải thôi, bố mà bỏ đi, mẹ coi ai thiệt.
- Ơ cái thằng này… - Bác Nhu trợn mắt. – Mày…
Chức kéo tay bác Nhu, khịt mũi:
- Mẹ ơi, mẹ nấu món gì mà thơm thế, ngửi mùi thôi đã thấy đói bụng rồi này.
- Ôi bỏ bố, đang kho cá. – Bác Nhu vội vã chạy vào bếp. Hôm nay đi chợ, có mấy con lóc đồng ngon ơi là ngon, mua về kho cho bố con nó ăn, mà cháy mất thì phí.
Mẹ vào rồi, Chức mới lại gần bố, vỗ nhẹ lên vai ông thể hiện sự đồng cảm. Hai bố con nhìn nhau, thở dài.
- Mày sau này lấy vợ, kiếm con nào ít nói thôi, mồm cũng nhỏ một chút.
- Vâng!
Mưa mỗi lúc một dày hạt hơn. Trời sầm sầm tối và khắp các ngõ ngách hơi lạnh xộc ra lấn chiếm chút ấm áp còn vương lại.
Phụng kéo luôn thanh chống, sập hết của sổ xuống. Rồi lôi hai chai nước nóng đã nguội bớt khỏi chăn, quay sang gọi bà:
- Bà ơi, bà đi nghỉ đi ạ, chăn mền đều ấm rồi.
Bà Tỉnh ngồi trên ghế tựa, không biết đang nghĩ gì, phải đợi Phụng nhắc đến lần thứ ba mới nghe thấy.
- Để mấy hôm trời hửng nắng, đem đống mùng màn này đi giặt cho thơm bà nhỉ, cháu nghe mùi mốc rồi. – Phụng cười, cô vừa dém màn, vừa nói chuyện phiếm với bà. Dạo này cô thấy bà có vẻ buồn, hay ngồi thừ ra và chẳng để ý gì xung quanh. Phải chăng do chuyện của bà cố? Bà nhớ chuyện cũ đâm buồn phiền, rồi nhớ ông, nhớ con cái… Nghĩ đến đây Phụng giật mình, mùa hè rồi không thấy bà mang áo ấm của bố mẹ ra phơi cho bớt mốc nữa.
Bà Tỉnh nhắm mắt nhưng chưa ngủ. Phụng ngồi ghế đẩu bên cạnh, lặng lẽ nhìn bà. Đến khi nghe thấy tiếng thở đều đặn, cô mới khẽ khàng đứng dậy.
Phụng khép cửa lại bà Tỉnh liền mở mắt, bà vẫn băn khoăn về việc có nên hay không nói cho Phụng biết rõ ràng hơn về bà cố của cô. Bà sợ rằng với trái tim nhạy cảm hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa, cô sẽ buồn thật nhiều.
Đóng cửa chuồng lợn, chuồng gà cẩn thận, Phụng đội nón lá, xách đèn pin qua xưởng. Đống lu đất chắc bụi bám trắng phớ cả rồi, chẳng ai buồn lau đâu. Phụng bỗng thấy thương màu men bóng loáng nhọc nhằn nâu thẫm, thứ màu chẳng khác gì bùn ruộng, bùn ao… lấm lem chân tay người dân nơi đây. Bà cô vẫn bảo ngày nào tay chân còn vấy bẩn, còn dính đất là ngày đó cái bụng còn được no, cái thân còn được ấm. Đôi lúc cô nghĩ, có phải cuộc sống chỉ đơn giản như thế, vỏn vẹn quanh cái bếp và khoảnh sân.
Phụng mở cửa, cô đặt đèn pin xuống rồi tìm công tắc điện. Sau tiếng tách nho nhỏ, bóng đèn tròn vàng treo trên xà ngang vụt sáng. Phụng lấy chổi lông gà, nhẹ nhàng phủi bụi bám trên thân gốm.
Màu vàng nhợt nhạt của đèn hắt lên thân gốm lấm tấm trắng, khiến Phụng thở dài. Đã nằm ở đây bao lâu rồi? Đến nỗi bụi đóng lớp dày và nấm cũng mọc lên.
- Em không làm vậy cũng được mà.
Chức lặng yên nhìn Phụng tỉ mẩn lau bụi một lúc rồi mới lên tiếng.
- Sắp thi rồi, em nên nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Còn sớm mà. Với lại, làm như vầy em cũng thấy thoải mái hơn.
Phụng đập nhẹ chổi lông gà xuống nền, rồi tiếp tục phủi bụi. Cô biết gốm có bụi có bẩn hay nầm mốc cũng chả sao cả. Chỉ cần mang ra dội nước, phơi qua một cái nắng trưa là lại sáng loáng. Nhưng, chúng nằm một chỗ có phải cũng rất cô đơn, cũng mong có ai đó vỗ về không?
- Mà anh ra xưởng có việc gì à?
- Ừm, bố nhờ anh lấy ít đồ.
Phụng nhìn Chức, cười:
- Mẹ anh không nói gì à?
- Chắc quen rồi.
Chức cười, anh đóng cửa kho lại cho đỡ lạnh, rồi bảo:
- Lát anh đưa em về nhé!
- Vâng.
Chức lấy một cái giẻ rồi phụ Phụng lau. Anh nhớ những ngày xưởng tấp nập người ra vào. Gốm khô mẻ nào là chất lên xe, đi thẳng ra bến thuyền. Anh nhớ cả những ngày đi học, trưa ăn vội chén cơm, rồi tất tả chạy ra xưởng phụ việc. Nhớ luôn những đêm thức canh lò, phải hít đất để quên đi cơn buồn ngủ… Những ngày tháng ấy vất vả mà vui đến lạ…
- Có phải xưởng sắp đóng cửa không anh Chức?
- Sao em hỏi thế?
- Em nghe cô Sương bảo bố anh đã bán mảnh vườn rồi…
Chức dừng tay. Bố đã bán mảnh vườn để kiếm chút tiền trả nợ và mua đất. Bác Cả, bác Đại, cô Sương… cũng bán thứ này thứ kia để hùn tiền duy trì xưởng. Nhưng nếu vẫn không được, thì có lẽ…
- Xưởng không cứu được nữa rồi…– Giọng Phụng vẫn đều đều. – Gần đây em thấy bác Cả không còn ra đình chơi cờ với mấy cụ nữa.
Phụng nhìn Chức, anh cũng nhìn cô. Ánh mắt hai người tĩnh lặng như nước hồ, man mác buồn.
- Có khi vậy thật, dạo này bố mẹ anh hay cãi nhau lắm. – Chức thở dài.
Nỗi buồn khiến người ta thay đổi thói quen, thay đổi tính tình. Bất cứ sự hi vọng nào cũng luôn len lỏi nỗi sợ hãi trong đó. Và bất cứ giấc mơ nào cũng có ngày kết thúc, đó là ngày hoặc hi vọng hoặc sợ hãi chiến thắng.
…
Quyền đút tay vào túi quần, mũi chân đá đá hòn sỏi cho đỡ chán. Hôm nay Phụng rõ lề mề, cậu chờ trước cổng cũng dễ hơn mười phút rồi ấy chứ.
Sốt ruột, Quyền đi đi lại lại trước cổng, miệng huýt sáo. Cậu định chở Phụng vòng qua ruộng cải. Nghe tụi con gái kháo nhau độ này cải nở rộ, khắp cánh đồng một màu vàng ươm, đẹp lắm. Mà đi ruộng cải buổi sớm, xem nắng mai vương trên những cánh hoa còn ướt sương thì mới thi vị. Nhưng, giờ này Phụng còn chưa ra thì đi sao được.
- Hù, chờ lâu không? - Phụng đập nhẹ lên lưng Quyền, toét miệng cười, hai bím tóc lúc lắc.
Quyền xoay người lại, ánh mắt lấp lánh với lúm đồng tiền của Phụng khiến cậu quên luôn cả việc đi ngắm hoa cải. Mọi ngày cô đều cột tóc đuôi gà, nhưng hôm nay lại bím tóc. Quyền đếm đầu ngón tay, số lần mà Phụng chịu khó bím tóc cũng chưa hết một bàn. Hôm nay là ngày đặc biệt gì chăng?
- Trưa nay đi đường qua nhà bà gì bán rau ở chợ Đồng nha, tao muốn xem hoa cải nở.
Phụng vừa nói vừa leo lên xe. Thấy Quyền vẫn đực mặt nhìn mình, cô phì cười:
- Sao thế? Bực vì tao ra trễ à?
- Không. – Quyền lắc đầu.
Xong rồi cậu vò đầu, liếc Phụng:
- Thật chẳng biết mày là con gái kiểu gì nữa!
- Sao?
- Sao con khỉ?
- Mới sáng muốn kiếm chuyện à?
- Ai thèm. Tự dưng rủ tao ra ruộng cải.
- Tiện thì rủ, không đi thôi.
- Mắc gì không đi.
- Dẹp, không đi nữa.
- Không dẹp, cứ đi đấy.
Phụng ngồi sau đấm bùm bụp vào lưng Quyền. Đấm rồi nhéo đủ kiểu, còn Quyền thì cứ la oai oái, vừa phải uốn éo lưng né từng cái nhéo của Phụng vừa phải điều khiển xe.
- Để im tao đạp không? Tao cho xuống ruộng cả lũ bây giờ. – Quyền đe.
Phụng bĩu môi:
- Thách mày đấy.
- Hừ, chẳng qua hôm nay tao mặc áo mới thôi, tao là tao sợ mẹ đánh chứ không phải sợ mày nhá.
Phụng đút tay vào túi áo, lén nhìn mấy vết cáu bẩn ở lưng áo Quyền, bụm miệng nhịn cười.
- Áo mới con khỉ. – Cô lẩm bẩm.
- Gì?
- Không gì, trễ giờ rồi kìa.
- Tại ai?
Phụng im lặng, cô tựa trán vào lưng Quyền, nghĩ về những bông cải vàng ươm đung đưa trong gió. Quyền có hơi ngoái lại để nhìn Phụng, cậu chỉ thấy bím tóc đen nhánh và sợi ruy băng đỏ bay phất phơ nhưng lại có cảm giác Phụng đang cười. Bởi thế, lòng cậu bỗng dưng ấm áp hơn. Quyền siết chặt lòng bàn tay đỏ lửng vì lạnh, co giò đạp thật nhanh, xe băng băng chạy trên triền đê buổi sớm, ngang qua những con trâu đang đứng ngơ ngác giữa ruộng.
Buổi trưa, Quyền chở Phụng vòng qua ruộng cải. Từ xa đã trông thấy một thảm vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời, đẹp đến nao lòng.
Hai đứa dừng xe, men theo lối đi nhỏ vào giữa ruộng cải. Giữa ruộng có một mương nước và gầu sòng để tát nước, còn có cả thùng và quang gánh kế bên. Quyền chọn một chỗ khô ráo, gạt hết sỏi rồi kéo Phụng ngồi xuống.
- Đẹp thật đấy, chắc chỉ mỗi quê mình có thôi nhỉ.
- Chỉ có quê mình ăn cải thôi sao?
- Hừ, nhưng tao chắc chắn là cải quê mình ngon nhất và hoa cũng đẹp nhất.
Phụng liếc cái mặt vênh vênh của Quyền, phì cười:
- Ừ, đồng ý.
Quyền nhìn Phụng, cô cũng nhìn lại, mắt cười ấm áp. Hai đứa nằm xuống, Quyền đưa tay chắn nắng rọi vào mặt Phụng, mặc cho nắng chói chang chiếu thẳng vào mắt mình.
- Tao hái một bó cho mày nhé.
Phụng lắc đầu:
- Đừng. Hái xuống không đẹp nữa.
- Ừm. – Quyền tiu nghỉu.
- Xòe tay ra đi. – Phụng đột nhiên bảo.
- Hả? Ờ. – Quyền lúng túng làm theo lời cô.
Phụng đặt vào tay Quyền một vật nhỏ. Khi tay cô chạm vào lòng bàn tay cậu, Quyền cảm giác các mạch máu trong người đều ngưng đọng lại, mặt đỏ ửng.
Phụng nghiêng đầu về phía Quyền, mỉm cười nói:
- Mày từng nói muốn làm thủy thủ hả?
- Ừm… - Quyền ấp úng. – Tao sẽ vẽ mọi thứ mà tao thấy khi dừng chân ở mảnh đất xa lạ nào đó. Tao nghĩ tao sẽ vẽ được khối ra đấy, vì sẽ đi được nhiều nơi mà.
- Chúc mừng sinh nhật mày nhé. – Phụng vẫn cười, nhành hoa cải trong mắt rung rinh.
Quyền ngắm màu hoa trong đôi mắt to tròn của Phụng, tim đập rộn ràng. Phụng thu tay lại, đặt trước ngực, mắt thôi nhìn Quyền mà nhìn lên những đường chỉ tay của cậu.
- Đường học của mày ngắn ngủn thế kia, nên chắc là mày sẽ sớm thực hiện được ước mơ thôi.
Quyền cầm vật Phụng đặt vào tay mình giơ lên, đó là một con cá gỗ màu sắc sặc sỡ và có đôi mắt rất đẹp.
- Đi sông nước thì nên có cái này… - Phụng giảng giải về ý nghĩa của con cá.
Ồ thì ra Phụng cũng rất quan tâm tới mình, Quyền tự nghĩ rồi tự cười, mắt cong tựa trăng lưỡi liềm đầu tháng.
- Giữ kĩ đừng làm mất đấy. – Phụng nhíu mày, dặn.
Quyền gật đầu, e dè liếc Phụng. Phụng hôm nay trông thật xinh và cũng thật hiền. Không biết nếu cậu bảo ước mơ của cậu thay đổi qua mỗi năm thì cô có đòi lại con cá này không.