Chương 1 (IV)
Tiếng pháo nổ khiến Hồng Huyên tò mò rời khỏi giường. Nàng chỉ dám đứng bên bậu cửa nghe ngóng, hi vọng có thể hỏi chuyện từ bọn nô tài. Nhưng chắc bọn chúng đã đi làm việc của mình, cho nên xung quanh phòng nàng chẳng có ai ngoài trừ Hà Hương. Nàng hờ hững hỏi ả:
- Tiếng pháo đó... vậy là Thái Trưởng công chúa đã đến phủ ta rồi sao?
- Tiểu thư, em không rõ. Nhưng chắc là thế rồi. Chứ nếu không thì phủ ta sao lại đốt pháo mừng chứ.
Hồng Huyên chẳng hỏi gì thêm. Nàng chậm rãi quay vào trong, im lặng ngồi xuống. Đã định uống một chung trà, nhưng vừa nhấp được một ngụm thì vị đắng chát đã khiến nàng đặt nó xuống. Hồng Huyên nhăn mặt nhìn chung trà nguội trước mắt mình, rồi quay sang hỏi Hà Hương:
- Cha ta không cho gọi ta đến sao?
- Tiểu thư, đại nhân dặn dò em chuyên tâm săn sóc tiểu thư. Nếu tiểu thư cần gì, cứ tiện miệng sai bảo, không phiền tiểu thư phải ra ngoài.
Hồng Huyên ngơ ngác tự hỏi, chẳng lẽ cha mẹ nàng đã bỏ ý định đó rồi sao. Thật là kì lạ, tính mẹ nàng xưa nay rất quyết đoán, sao bây giờ lại có thể thay đổi dễ dàng như vậy. Chẳng lẽ cha nàng đã thuyết phục bà? Hồng Huyên tự nhìn gương mặt hốc hác của mình trong gương. Chắc là thế rồi, cha mẹ nào mà chẳng thương con cái. Suốt mấy ngày nay, nàng cứ khóc lóc ủ rũ trong phòng, ai khuyên ngăn gì nàng cũng chẳng chịu bước ra khỏi phòng. Cha nàng không quản nàng nữa, cũng chẳng thăm hỏi câu nào. Hồng Huyên cứ nghĩ ông giận nàng lắm. Nhưng hóa ra là nàng phụ tấm lòng yêu thương của cha mẹ rồi. Ông đã không ép nàng nữa, thì nàng cũng không nên làm nhọc lòng hai người. Hồng Huyên vội bước đến bàn trang điểm rồi bảo Hà Hương đến chải tóc cho mình.
- Tiểu thư, người định đi đâu à?
- Phủ ta có khách quý. Dù cha ta đã cho phép, ta cũng không nên làm mất mặt người. Mau trang điểm cho ta, ta phải ra đón tiếp công chúa.
Hà Hương im lặng không đáp, chiếc lược trên tay nàng cứ mãi bất động trên suối tóc. Hồng Huyên thấy lạ, bèn tự nắm lấy lược mà tiếp tục chải.
- Hôm nay ngươi sao thế?
- Tiểu thư, đại nhân đã dặn em phải giúp tiểu thư tịnh dưỡng…
- Ta có bệnh khi nào đâu mà cần tịnh dưỡng. Hôm nay ả hầu như ngươi có bản lĩnh nhìn người đoán bệnh chắc? Ngươi nhìn ta xem, ngươi thấy được ta đang mắc bệnh gì? Cứ nói ra để ta cho người đi hốt thuốc!
Hà Hương sợ hãi quỳ xuống. Nàng biết thân phận mình không thể nhiều lời hơn nữa nên đành im lặng chịu lỗi. Hồng Huyên khó chịu ném chiếc lược vào đầu ả rồi ra lệnh.
- Lời của cha ta, tự bản thân ta hiểu lấy. Không cần đến thứ người ở như ngươi ở bên cạnh nói theo.
Hồng Huyên thoáng quay lại trước gương, hình ảnh phản chiếu của nàng thật đáng để khiến cho người ta cảm thấy chán ghét. Nhợt nhạt, méo mó, phẫn uất… tất cả cũng chỉ tại ả Hà Hương này! Hồng Huyên cố giữ cho hởi thở của mình nhẹ lại, nàng cúi xuống nhìn ả rồi nói như trấn an.
- Cha ta chỉ sợ ta ra ngoài lại chuốc thêm mệt nhọc. Ngươi thấy ta không phải là quá tiều tụy rồi sao? Mau giúp ta trang điểm đi.
Trong lúc đó, ở ngoài phủ, đoàn ngựa xe của Thái Trưởng công chúa đã dừng lại trước cửa. Đích thân Đặng Tham tri cùng Kì phu nhân bước xuống bệ cửa cùng cúi chào vị khách quý. Công chúa là người bình dị, vốn không câu nệ lễ tiết, nên vội vàng nắm tay Kì phu nhân mà cùng nhau bước vào phủ, mấy câu chào hỏi xã giao cũng giản lược đi rất nhiều. Nhưng dù vẻ ngoài thì có vẻ qua loa, nhưng thoáng cái cũng đủ để bà nhìn qua khắp lượt đám đàn bà con gái trong phủ, thật chẳng thấy ai ra dáng là tiểu thư của phủ. Bà khẽ chau mày tỏ vẻ khó hiểu với con dâu mình. Lương thị cũng vờ như không hiểu chuyện, chỉ trưng ra bộ mặt hiền hòa vô lo. Vốn chẳng phải là người biết nhẫn nại, công chúa dừng bước lại, định quay sang hỏi Đặng Tham tri thì chợt nghe thấy tiếng vó ngựa đang ngày một đến gần. Ở trước phủ quan lớn, lại có đoàn người của hoàng gia ở đây, chẳng biết kẻ nào lại dám kiêu dũng phóng ngựa như thế. Công chúa cảm thấy có chút thú vị, bèn quay đầu bước ra cổng phủ để nhìn cho rõ mặt kẻ đó.
Trong đám bụi đường mù mịt, một con ngựa trắng đang phi nước đại đến gần. Trên lưng ngựa, thân hình nhỏ nhắn của người kỵ mã như bị mất hút trong tấm áo choàng màu lục. Khi ngựa dừng trước cổng phủ, công chúa kinh ngạc khi nhận ra người trên ngựa hóa ra chỉ là một cô bé con tuổi không quá trăng rằm. Thân người nhỏ nhắn nhanh nhẹn, nàng xuống ngựa rồi chạy ngay đến trước vợ chồng Đặng tham tri mà hành lễ.
- Di mẫu! Di trượng! Con là Bích Tiệp đây! Đã lâu không về thăm hai người rồi, dì còn nhận ra con không?!
Kì phu nhân hai mắt ánh lên tia vui mừng, nhưng trước mắt đông người không thể không giữ phép tắc đúng mặc. Bà làm ra vẻ chau mày mà nhắc nhở nàng ta.
- Xem con kìa! Còn không mau xin lỗi Thái Trưởng công chúa rồi lui vào trong rửa mặt!
Bích Tiệp mặc dù bị mắng nhưng miệng nàng vẫn tươi cười, đôi mắt to tròn lấp lánh nổi bật trên gương mặt có chút lấm lem bụi đường. Một cô bé đáng yêu hoạt bát như vậy, người như công chúa vừa nhìn thoáng đã mười phần cảm mến. Bà ta ra hiệu cho nàng miễn hành lễ, rồi nhíu mày nhìn về phía bạch mã của nàng.
- Vừa nhìn qua tuấn mã đã biết vị tiểu thư này chắc hẳn phải xuất thân từ nhà võ tướng. Bộ dáng phi ngựa lúc nãy thật đúng là khí thế át người, khiến ta đây được mở to mắt tầm mắt. Từ thời Cao Tổ đoạt được thiên hạ, thật chưa thấy vị nữ kiệt nào oai phong lẫm liệt như thế.
Công chúa nói xong lại cười lớn một tràng sảng khoái. Bích Tiệp thấy thế cũng nhoẻn miệng thêm vào, điệu bộ chẳng có vẻ gì là biết e thẹn.
- Đó là người chưa thấy ta lúc ở Ma Thành thôi, chứ lúc nãy đã là ta tự kiềm chế mình rồi đấy. Ở Lam Kinh này đường lộ đông người, xe hàng lại như mắc cửi. Đã thế, người Lam Kinh giống như là ăn không đủ no, đêm không ngủ đủ hay sao mà ta thấy ai trên đường lộ cũng chậm chạp ù lì. Đến cả phu kéo xe ngoài chợ cũng lúng túng tay chân, lúc nãy suýt chút nữa là đã va vào ngựa của ta rồi đấy...
Bích Tiệp vừa nói vừa cười, đối đáp với công chúa như thể bạn bè lâu ngày không gặp. Dù cho đã biết trước công chúa là người hào sảng không chấp nhặt chuyện nhỏ, nhưng Đặng Tham tri lại không ngờ bà ấy lại tỏ ra sảng khoái đến thế. Có thể thấy nàng ta đã trở thành nhân tuyển trong mắt công chúa rồi, Đặng Tham tri không khỏi mừng thầm không bụng. Nhưng dù cho thế nào đi nữa, cũng không thể trước mặt đông người mà thất thố, Đặng Tham tri trừng mắt nói lớn:
- Cái con bé này! Nhiều năm như vậy mà vẫn chẳng sửa được cái thói xấu đó. Lúc nào cũng liến thoắng như trẻ con, ngươi khiến ta xấu mặt trước công chúa rồi!
Như đã quá quen với những lời trách mắng, hoặc giả như nàng ta có thuật đọc tâm người, Bích Tiệp hiểu thấu dượng nàng cũng chỉ đang mắng lấy lệ chứ chẳng phải thực tâm muốn trách phạt. Nàng nhìn gương mặt ôn hòa sảng khoái của công chúa mà càng thêm tin tưởng bản thân mình chẳng làm gì khiến cho người tức giận. Nhưng dượng nàng đã diễn tuồng thì nàng cũng không thể là người gỗ, Bích Tiệp cũng giả vờ ra vẻ tiu nghỉu, lui xuống bệ cửa mà định làm lễ khấu đầu tạ lỗi với công chúa. Quả nhiên là bà ta chỉ xoa tay mà miễn lễ cho nàng. Như chưa thỏa hết tò mò, công chúa lại ôn tồn hỏi nàng.
- Đã đứng đây nửa ngày rồi mà vẫn chưa biết tên của nữ hiệp. Không rõ nàng hành tẩu giang hồ tứ phương như thế liệu có thể tiện cho bổn công chúa nghe qua danh tánh?
Bích Tiệp khúc khích cười rồi lắc đầu nguây nguẩy đáp lời.
- Công chúa người thích đùa, ta nào có phải nữ hiệp gì như người nói. Ta đây họ Mai, tên gọi là Bích Tiệp. Nhà ta vốn là ở Ma Thành, nhưng hôm nay theo lệnh chủ mẫu mà mang tặng phẩm đến cho nhà di trượng, nên ta mới phải tức tốc phóng ngựa đến đây kẻo lỡ việc của người lớn.
Kì phu nhân cười ngượng mà nói thêm với công chúa.
- Con bé này thuộc hàng con cháu bên nhà mẹ của thiếp. Từ nhỏ đã do một tay em gái thiếp dưỡng dục mà lớn khôn. Nữ nhi này, mặc dù đã có mẹ cả bên cạnh giáo dưỡng, nhưng chắc do sống ở vùng hoang dã phóng túng, khó tránh lễ nghĩa có phần thiếu sót. Xin công chúa đừng trách phạt nặng.
Công chúa gật đầu hiểu ý, bà ta nhìn về con bạch mã của Bích Tiệp rồi hỏi.
- Chẳng phải nữ hiệp nói mình mang tặng phẩm đến đây sao? Ta nhìn thấy ngựa của nàng chẳng mang quá hai hòm bạc. Không rõ là mẹ nàng muốn dâng lễ vật gì cho tỷ phu?
Vừa nghe thấy lời của bà ta, Bích Tiệp hất cao mặt lên trời mà thưa lớn.
- Tặng phẩm của Hồi Hồ và Ma Thành vốn toàn là ngự phẩm để làm lễ mừng sinh thần cho Thục thái phi. Vàng ngọc châu báu, sản vật địa phương, tơ tằm ngũ sắc, cả thảy bốn xe ngựa đang ngày đêm tiến về Lam Kinh. Chắc độ một ngày nữa sẽ nhanh chóng đến đây thôi. Riêng bản thân ta phải một mình phi ngựa đến trước để kịp giao một thứ đặc biệt…
Đặng Tham tri ra lệnh cho bọn lính hầu đến chỗ ngựa của nàng, nhưng Bích Tiệp đã vội can ngăn.
- Ngựa của con chỉ quen hơi chủ thôi, để bọn gia nô đến gần lại khiến nó hoảng. Mà bọn chúng tay chân e lại vụng về, con chẳng yên tâm. Để con đích thân mang đến cho dượng!
Khi Bích Tiệp quay lại, tay nàng mang theo một vò rượu nhỏ, vẻ mặt trông rất đắc ý. Công chúa thích thú nhận lấy vò rượu từ tay nàng, không chần chừ mà tự tay mở nắp để ngửi thử hương rượu. Vừa ngửi xong, bà ta đã cười lớn.
- Rượu hoa là rượu của thi nhân. Không ngờ nữ hiệp như nàng cũng chịu khó mất bao công sức tìm được loại rượu này. Lại nói, rượu hoa quý là rượu cúc cuối thu, rượu sen cuối hạ. Bây giờ xuân cũng vừa mới chớm, nàng cũng thật là có bản lĩnh!
Hai má Bích Tiệp ửng hồng vì được khen ngợi. Nàng ta cao hứng mà lại tiếp tục thưa rằng:
- Người còn chưa biết hết công phu đâu. Rượu này vốn là từ sen bách hoa, không phải nơi nào cũng trồng được. Ta phải lặn lội qua nhiều thành mới có thể tìm được loại rượu này đấy. Vả lại, công người tìm đã khó, công người làm ra nó còn khó hơn vạn lần. Người không biết đâu, một trăm bông mới được một lạng gạo. Khi hái sen thì phải dậy từ tinh mơ, khi bóc gạo thì phải tỉ mỉ để giữ được hương thơm của nó. Đây phải nói là rượu thượng phẩm đấy!
Nhìn thấy vẻ mặt hài lòng của công chúa, Bích Tiệp càng thêm trịnh trọng mà thưa rằng:
- Tiểu nữ theo lệnh cha mẹ tìm phẩm vật cực hạng dâng tiến cho Thục thái phi. Đi chuyến này lại biết Thái trưởng công chúa người sẽ đến phủ của di trượng làm khách. Chủ mẫu tiểu nữ từng dặn rằng, công chúa có giao tình nhiều năm với di mẫu, có ơn nghĩa không nhỏ với gia tộc, Ngọc Lặc Đinh thị lại là bậc anh hùng của giang sơn, đi chuyến này đến Lam Kinh không thể không tỏ lòng thành kính mà đối đãi người.
Công chúa nghe thế rất lấy làm hài lòng, ra hiệu cho nàng đứng dậy mà bảo:
- Tấm lòng của cha mẹ nàng, bổn công chúa đã hiểu. Nàng về báo với họ, ta đây rất lấy làm cảm kích. Vò rượu này ta nhận!
Đột nhiên, Bích Tiệp lại khẽ nói:
- Công chúa, ngài nói thế là sai rồi.
Công chúa nhíu mày nhìn nàng. Trông nàng ta còn trẻ nhưng lại rất khí khái thẳng thắn. Bích Tiệp lại nói tiếp:
- Cha bảo tiểu nữ dâng quà cho người. Nhưng chẳng qua chỉ là một đống vàng bạc châu báu. Lúc đó tiểu nữ đã trộm nghĩ người như công chúa chắc hẳn phải yêu thích thứ gì đó khác. May mắn mà nghe người mách nước công chúa rất thích rượu hoa, tiểu nữ đích thân bôn ba mà tìm được thứ rượu quý này tặng người. Vậy nếu như công chúa người đặc biệt yêu thích vò rượu này, thì lòng cảm kích phải là dành cho tiểu nữ mới đúng chứ.
Mọi người trong phủ đều im lặng, chờ đợi ý tứ của vị trưởng công chúa. Bà ta chau mày một lúc rồi chép miệng nói:
- Nàng thật là… Vậy theo nàng nói thì bổn công chúa phải tỏ lòng cảm kích với nàng thế nào đây?
Bích Tiệp nhìn sắc mặt của bà ta mà ấp úng trả lời:
- Tiểu nữ tửu lượng không cao, nhưng vài chung thì vẫn có thể.
Công chúa nghe nàng nói thế thì lại bật cười:
- Được! Vậy chúng ta vào trong! Ta sẽ đích thân mời nàng vài chung để tỏ lòng cảm kích!
Đặng Tham tri và Kì phu nhân thở phào nhẹ nhõm. Bà ta đã ưa thích nàng ta rồi. Chuyện đưa người vào cung như vậy là vẫn ổn thỏa. Mà thật ra nếu so sánh với Bích Tiệp, người như Hồng Huyên thì làm sao có thể thu hút được quân tâm chứ. Vẫn là con gái lão vô năng vô phúc. Thôi cứ giao trọng trách lên vai của đứa cháu gái này. Nghĩ thế nên lão ta cũng không còn cảm thấy cảm thán vì con gái mình nữa.
Cả nhóm người đang vui vẻ bước vào trong, Bích Tiệp chợt reo lên:
- Chị! Sao chị lại ra đây! Em cứ nghĩ chị bị ốm nặng không thể ra khỏi giường chứ?
Hồng Huyên biến sắc không nói được lời nào. Nàng nhìn cha mình trân trối, không thể nào giấu được hết nỗi hổ thẹn. Công chúa cũng quay sang quan Tham tri mà cứng nhắc dò hỏi.
- Ta cũng nghe ngài từng nói tiểu thư đang ốm nặng… nên không thể tham gia tiệc sinh thần sắp đến?
Đặng Tham tri còn ấp úng chưa biết đáp thế nào thì ả người hầu Hà Hương bên cạnh đã khấu đầu nhận lỗi.
- Là do con hầu hạ tắc trách, không thể giữ tiểu thư ở yên trên giường tịnh dưỡng. Xin ông đừng trách phạt tiểu thư. Nàng mặc dù thân thể suy nhược nhưng vì nghĩ cho thể diện của ông nên không thể không ra đây nghênh đón công chúa.
Hồng Huyên ho khan mấy tiếng, gật đầu đồng thuận.
- Dù cha cho phép, nhưng con thật không dám thất lễ mà khiến công chúa hiểu lầm rằng nhà ta bất kính.
Cũng coi như là còn đầu óc, đuôi mắt bà lạnh lẽo nhìn nàng ta rồi vẫy tay nói.
- Ta hiểu rồi. Nàng quay về phòng nghỉ ngơi đi. Ta không phật lòng đâu.
Đặng Tham tri cũng mau chóng cho người dìu nàng vào trong. Hồng Huyên nhìn vào mắt ông mà thấy bao nhiêu tia thất vọng hòa lẫn với hổ thẹn. Nàng ở yên trong phòng, im lặng mà nghe tiếng người ta nói cười bên ngoài. Những lời của họ, có lời nào là nhắc đến tên nàng không? Tiêng cười của họ, phải chăng là đang nhạo báng nàng? Hồng Huyên nhìn chung trà lạnh ngắt trên bàn mình, trong phút chốc hất tung nó xuống sàn. Một ả người hầu vội chạy vào trong xem tình hình. Hồng Huyên tức giận nhìn ả hỏi:
- Sao lại là ngươi? Hà Hương đâu?! Bảo ả đun bình trà khác cho ta! Các ngươi có còn xem ta là tiểu thư của phủ này không hả? Đến trà cũng để cho nguội lạnh như thế!
Ả người hầu vội vàng thu dọn những mảnh vỡ trên sàn, miệng thì lí nhí giải thích.
- Em sẽ đi làm ngay! Còn về phần Hà Hương… Nàng ta đã được ông cho đi theo hầu Mai tiểu thư rồi ạ…
Hồng Huyên kinh ngạc thốt lên:
- Tại sao lại có chuyện như thế?
- Dạ, ông có dặn lại rằng: Mai tiểu thư vừa đến Lam Kinh, cần người lanh lợi bên cạnh để hầu hạ. Phiền tiểu thư nhường lại cho nàng ta ạ.
Bất giác, Hồng Huyên lại chợt nhớ lại lời cha nàng nói khi ông đưa Hà Hương đến hầu nàng.
- Trong cung thâm hiểm, con cần người tin cậy khéo léo bên cạnh mình. Hà Hương là đứa theo hầu phủ ta từ nhỏ, tuyệt đối trung thành, lại là đứa hiểu chuyện lanh lợi. Sau này, ả sẽ theo hầu con, cùng con vào cung mà hưởng phúc.
Lời cha nói là thế. Vậy mà chỉ chớp mắt một cái thì người đã được đem đi. Hồng Huyên nhìn mình trong gương, không biết là nên vui mừng hay ca thán. Cuối cùng thì nàng sẽ chẳng phải vào cung. Chẳng phải đó là điều nàng muốn sao? Hồng Huyên mỉm cười buồn bã. Tiếng nói cười chúc tụng của họ đang vang lên bên tai nàng, và điều đó lại đang khiến nàng cảm thấy lòng mình lạnh lẽo. Nàng rùng mình nhớ đến ánh mắt lạnh lùng của cha nàng lúc nãy… Dường như đối với ông, đứa con gái như nàng đã chẳng còn tồn tại nữa rồi. Hồng Huyên ho khan lên mấy tiếng. Ngoài sân kia, gió thổi lay cành, cánh mai rụng đã vun đầy cả gốc. Tiết xuân dù có đến cũng chẳng thể cứu nổi một cành mai.