Chương 3: Đứa trẻ thứ hai
Tám giờ sáng, ả quỳ mọp trên nền đá cẩm thạch sáng bóng nơi cửa lớn, đầu cúi thấp, đều đều chất giọng không hàm chứa cảm xúc: "Chúc bố ngày mới tốt lành!" Ông ta vận âu phục sang trọng màu xám, áo sơ-mi xanh nhạt, cà-vạt xanh đậm bước ngang qua ả với vẻ mặt vênh vênh tự đắc, mắt không buồn liếc hờ một lần. Lập cập bước theo sau ông ta, ả nghiến răng nuốt vội chất dịch dạ dày đắng nghét trong vòm họng xuống. Hai cánh cổng bằng đồng nặng nề mở rộng ra trước sự cố gắng đến run rẩy từ đôi tay còm cõi, ả đứng nép vào sát cánh cổng bên trái, khom lưng chờ đợi. Chiếc xe màu trắng thanh khiết lướt nhanh qua, để lại dăm chiếc lá vàng còn đẫm sương đêm đang xoay nhè nhẹ trên nền sỏi trải đường. Ả khóa vội cổng, lao nhanh vào nhà và lại sung sướng được nôn ra tất thảy những gì còn sót lại trong dạ dày. Chẳng có gì khác ngoài chất dịch lỏng màu vàng nhàn nhạt!
Mười một giờ trưa, ả vừa cọ rửa nhà vệ sinh, bếp và cầu thang xong, dạ dày liền cồn cào những đợt sóng dữ dội chứ không âm ỉ như lúc sớm. Lững thững đi vào bếp, ả mở cửa tủ chứa thức ăn của riêng mình, nhón tay lấy một gói mì ăn liền, bật ấm đun, rửa sạch hai quả cà chua, thái lát và chờ đợi nước sôi. Cũng giống như các loài vật ăn một loại thức ăn từ năm này sang năm khác, mỗi ngày của ả đều làm bạn với mì ăn liền nấu cà chua, hơn chín năm ròng rã - từ ngày mẹ ả qua đời. Thật lòng, ả chẳng thiết ăn nên chỉ cần không đói đến chết là được bởi ả không thể chết, không được phép chết. Ả lại cười, nụ cười man mác chứa đựng một ý chí sinh tồn duy nhất là hết lòng bảo vệ điều gì đó thật hư huyễn.
Tiếng chuông cổng reo lên trong tiếng chó sủa ầm ĩ, ả e dè đi ra rồi sợ sệt đưa mắt quan sát qua khe cửa hẹp. Dẫu yêu thích được nôn ọe một mình nhưng dạ dày ả đau lắm, nó chẳng còn sót lại thứ gì khác để nôn ra nên ả không mong muốn vị khách nào đó lại đến trong lúc này. Tuy nhiên, cây mai chiếu thủy lớn đặt cạnh lối đi vào đã choáng mất tầm nhìn ra cổng nên ả đành len lén hé cửa, như một chú chuột nhắt đang nép mình đằng sau cây cột lớn, gương mặt căng thẳng hướng ánh nhìn về cánh cổng đáng sợ. Bỗng dưng, nét mặt ả giãn ra, ánh mắt cũng lấp lánh sự ấm áp hơn.
Sau những hoa văn của cánh cổng, một cô gái trẻ hơn ả chừng đôi tuổi đang đứng tréo chân điệu đàng bên cạnh chiếc xe máy có kiểu dáng trông như chú vịt con với những hoa bướm, cỏ cây sặc sỡ trên thân hình màu đỏ rực. Chiếc váy suông ngắn trên gối màu xám buồn bã cùng đôi giày cao gót chênh vênh, mái tóc ngắn uốn xoăn, mắt kẻ đen sắc nét, môi tô son đỏ thẫm khiến cô ta càng chẳng thể toát lên vẻ tươi nhuận. Nếu soi từng đường nét, ngoài khuôn mặt góc cạnh hốc hác, cô ta và ả còn có ánh mắt mênh mang cô độc hệt nhau.
Ả hối hả mở khóa cổng, nửa muốn lao đến ôm cô gái kia nửa lại sợ hãi đứng chôn chân: "Nhu!" Đôi môi khô nứt mấp máy kêu lên một từ ngắn ấy rồi lại im bặt, hai bàn tay ả đan vào nhau, mắt nhìn cô ta chăm chú. Ba năm có lẽ, ả đã không nhìn thấy người đang đứng trước mặt mình, quen thuộc mà xa lạ ngút ngàn: "Vào nhà đi!" Ả lí nhí nói, sau khi cả hai người yên lặng nhìn nhau đã đủ.
Cô ta im lặng dắt xe vào sân, mở hộc chứa đồ rồi lấy ra chiếc xách tay cùng chiếc túi giấy. Ánh mắt cô ta luôn tránh né nhìn thẳng vào căn biệt thự xinh đẹp nhưng âm u ngay sau khoảng sân xanh mướt một màu cỏ cây. Tùy tiện ngồi xuống bậc thềm trước nhà, cô ta hững hờ châm thuốc, trao điếu thuốc ấy cho ả và châm điếu khác cho mình: "Chị còn đợi đến bao giờ?" Chỉ tay về hướng cánh cổng, giọng cô ta khản đục những phẫn uất: "Đó là cơ hội cuối cùng của chị, rời khỏi đây và sống như một con người. Đi đi!"
Khói trắng nhờ nhờ bao trùm lấy nét mặt tê dại của cả hai người đàn bà, họ không nhìn nhau, chỉ cùng nhìn về phía cánh cổng nặng nề như những song sắt giam cầm đời người, cách họ chỉ vài mươi bước chân. Ả rít thuốc liên tục, âm giọng đã khản đi vì nôn, vì nhựa thuốc lá: "Em sống tốt không? Trông em gầy quá, phải biết tự chăm sóc cho bản thân chứ!"
"Thế nào là sống tốt, thế nào là tự chăm sóc, tôi không biết, không cần biết nhưng chắc chắn, tôi đang sống còn chị thì không. Chị vì cái gì mà phải lệ thuộc ông ta, phải nhẫn nhục đớn hèn như thế này? Chị nhìn lại mình xem..." Cô ta quẳng điếu thuốc còn nửa xuống nền sân, dí mạnh mũi giày như đang dẫm đạp kẻ thù rồi trừng mắt nhìn ả, ánh mắt giận dữ - oán ghét - chua xót: "Chị còn chẳng giống con người nữa!"
Ả gật đầu, nhếch môi cười vô hồn: "Chị ổn! Em sẽ không hiểu được nên đừng bận tâm thêm..."
"Hiểu? Hiểu cái chết tiệt nhà chị!" Chưa đợi ả dứt lời, cô ta đã rít lên, xương quai hàm căng cứng khi đôi tay run rẩy châm lửa điếu thuốc mới. Vòng khói thứ nhất được thả lên trời, cô ta cười nửa miệng, nghiến chặt đầu lọc giữa hai hàm răng: "Nếu chị muốn tồn tại như 'con' thay vì sống như 'người' thì tôi không có ý kiến; cuộc đời của chị, chị bảo được là được." Nói đoạn, ả thả tiếp vòng khói thứ hai, đôi vai gầy rũ xuống dẫu âm giọng vẫn chao chát: "Nhưng đừng nói với tôi về những lý do vớ vẩn do chính bản thân chị tự trói buộc mình vào. Cái hang rắn này không phải là gia đình chị, ông ta không có bất kỳ ơn nghĩa nào với chị dẫu chỉ là cái ơn tụt quần qua khỏi gối, gồng mình phóng tinh vào tử cung mẹ chúng ta." Dứt lời, cô ta trừng mắt nhìn về ngôi biệt thự mái vòm cong che chở hai hàng cột đá cẩm thạch nâng đỡ cả khuôn trang lạnh lẽo bên trong và nhăn mặt cố nén cơn buồn nôn đang kéo đến.
Bên cạnh cô ta, ả hốt hoảng rít thuốc liên tục nhưng cơn buồn nôn không kéo đến vì trong tâm khảm ả Nhu là người - một cô gái đáng yêu và xinh đẹp nhất cõi trần gian này. Đến dăm lần, bàn tay xương xẩu của ả khẽ khàng với đến gần thân hình gầy gò kia như muốn chạm vào, lừng khừng thoáng chốc rồi lại rụt về. Ả cúi đầu nhìn sững vào khoảng cỏ dưới chân mình: "Em đã biết? Từ khi nào?"
"Biết cả hai chúng ta đều là con hoang của một bà mẹ diễn viên nổi tiếng hay biết chị biến thành nô lệ tình dục cho ông bố pháp lý của mình? Vế đầu, tôi chỉ mới được biết gần đây; còn vế thứ hai thì đủ lâu trước khi mẹ chúng ta qua đời. Chị nhớ không? Tôi nhiều lần xa xôi rằng chị hãy ra đi cùng tôi nhưng chị luôn chối từ." Cô ta vẫn giữ nụ cười nửa vời trên đôi môi đỏ tím loang lổ không còn đều màu khi tâm thái đang dần quay ngược thời gian, lê từng bước nặng nề lên tầng hai trên kia. Cô gái mười tám tuổi thức giấc giữa đêm muộn bởi cơn đói bất chợt ghé thăm. Cả nhà đều đã chìm vào bóng đêm tĩnh mịch nên cô lần dò theo những ánh trăng xiên vào cửa sổ, tự tìm đường xuống tầng trệt. Ngang qua căn phòng hình tam giác kỳ lạ của người chị cả thi thoảng mới được gặp mặt vừa chuyển về sống cùng tầm hơn hai năm nay, cô bỗng chú ý đến thứ ánh sáng hắt ra từ khe hẹp bên dưới cửa và cả tiếng người đang mắng nhiếc dẫu chỉ là loáng thoáng. Người chị gái bí ấn ngày ngày ra vào như chiếc bóng ẩn dật, nét mặt luôn u uẩn và chẳng được tình thương từ bố lẫn mẹ khiến cô tò mò dừng chân, rón rén đến gần, áp sát tai vào cánh cửa gỗ. Phòng này ngày trước vốn là nơi chứa những phục trang diễn cũ hoặc chưa dùng đến của mẹ cô nên cửa không quá chắc chắn như những phòng khác, tất nhiên cách âm lại càng không có nên chỉ cần chú tâm, cô đã có thể nắm bắt được câu chuyện bên trong. Là giọng bố cô! Không thể nhầm lẫn bởi chẳng gia đình chỉ có hai người đàn ông nếu tính cả cậu em trai "trên trời rơi xuống" mười ba tuổi đang du học tận trời Tây xa xôi nào đó. Ông đang mắng chị cả, chính xác hơn là miệt thị... Cô bịt chặt miệng mình, đôi mắt to tròn trợn lên kinh hãi theo từng âm lời, nhịp thở vọng ra từ căn phòng tam giác ấy. Mười tám tuổi, cô bắt đầu mất ngủ mỗi đêm, chờ đợi người cô gọi là bố trở về nhà, chờ đợi ánh sáng rọi ra từ khe hẹp bên dưới cửa căn phòng tam giác, chờ đợi bà mẹ diễn viên nổi tiếng đóng tròn vai diễn của đời bà, chờ đợi người chị khốn khổ kia một lần lên tiếng, chờ đợi điều gì đó mà chính cô còn chẳng biết. Chờ đợi mỏi mòn như thế được gần hai năm, mẹ mất, cô từ bỏ giảng đường vào giữa năm hai và cũng rời khỏi nhà. Như thoáng mưa qua mắt, đã hơn chín năm cô thành kẻ vô gia can, lang bạt từ quán rượu đến phòng xăm. Những ngày tháng đầu, cô cùng mấy người bạn "bất hảo" cùng nhau điều hành một phòng xăm nghệ thuật, đêm về, họ tựa vai nhau, chìm vào rượu và khói thuốc. Cô vẫn chờ đợi... Đợi chờ gì ư? Đợi chờ chị gái được sống một lần trọn vẹn chữ "người"; chờ đợi bà mẹ quá cố về trong cơn mê chập chờn, bảo cô hãy buông bỏ lời thề trước bà khi lâm chung và giải thích hết thảy nguồn cơn điếm nhục. Ngày ấy, bà biết cô phát hiện ra một nửa sự thật nhưng chưa một lần có ý định tiết lộ một nửa sự thật còn lại. Vì danh hão, vì sĩ diện của chính mình và người bố học giả đã qua đời; bà viết nên một kịch bản gian trá nửa vời từ sự thật nửa vời kia để buộc cô phải giữ im lặng, mặc kệ chị em cô không thể đối mặt nhau, mặc kệ những khốn nạn mà hai đứa con gái bà mang nặng đẻ đau phải gánh chịu trong suốt quãng ngày phải mỏi mòn sống tiếp.
"Nhu ơi!" Ả kêu lên cay đắng, âm thanh bỗng dưng nghẹn lại nơi lồng ngực đang nhói đau như sắp vỡ vụn thành nghìn mảnh. Thì ra em gái ả biết nhiều hơn những gì ả vẫn tưởng, thế mà ả còn cho rằng mình đã giữ lại được phần lớn thương tổn cho cuộc đời con bé. Em gái ả ngồi cách ả chỉ một tầm tay với, bàn tay có dăm ba hình xăm đang run run kẹp chặt điếu thuốc lá rúm ró, mắt nhìn xa xăm mất thấu thị. Ả muốn ôm em vào lòng như ngày xưa, ông ngoại vẫn thường làm mỗi khi ả ốm nhưng ả không dám, không thể và không đủ sức: "Xin lỗi..., chị xin lỗi... hãy xem như tất cả chỉ là cơn mê, đừng nhớ đến nữa, được không?" Mười ba năm, ả cố sức bảo vệ hai điều quan trọng, đến nay một trong hai điều ấy đã thất bại; ả như một kẻ tội đồ đang chuẩn bị lên pháp trường, pháp trường ấy chính là quãng đời thanh xuân héo rũ của người đàn bà đang chong mắt lên trời mà chẳng biết mình đang nhìn gì bên cạnh. Giọng ả trầm xuống, tựa tiếng thét gào vọng đến từ cõi âm tịch mịch nào đó: "Phận chị đã khốn nạn, đừng để mọi việc cũng khốn nạn theo, em cứ xem như chưa từng có người chị này. Chị chỉ xin em tiếp tục giữ kín câu chuyện bởi cuộc sống này có những ràng buộc vô hình."
Miệng cắn chặt điếu thuốc, tay bấu mạnh vào chiếc túi giấy vẫn được trân giữ trong lòng mình từ đầu đến giờ, cô ta quay phắt sang nhìn ả bằng ánh mắt oán giận ngút ngàn: "Ràng buộc? Chị đang cố nói với tôi rằng chị mắc chứng khổ dâm hay bạo dâm nên dù căm ghét ông ta vẫn không thể rời bỏ? Hay vì tôn nghiêm của những người đã chết?" Cô ta cười khan từng tiếng lạnh, trời không mưa, nắng vàng rực rỡ mà sao đáy mắt người tràn ngập những tảng băng trôi vật vờ: "Vứt mẹ nó cái mớ suy nghĩ ấu trĩ ấy đi! Người chết là hết, lũ khốn nào muốn làm kềnh kềnh bâu xác thối thì kệ bố chúng nó. Ông ngoại, bà mẹ diễn viên của chúng ta cũng chẳng thể đội mồ ngồi dậy mà cảm thấy điếm nhục hay xấu hổ. Chỉ có người sống là còn cảm giác, còn sĩ diện nên tôi cược rằng lão ta chỉ hù dọa chứ chẳng dại cào tất cả học hàm học vị, danh tiếng cao quý để vứt xuống hầm xí vì một con đàn bà. Chị còn muốn ngớ ngẩn đến bao giờ?"
Sống với ông ta mười ba năm, có lẽ ả đã thông suốt được nhiều điều về bộ mặt thật ẩn sau diện mạo đạo mạo, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của ngài giám đốc một trường đại học tư danh tiếng kia. Người chết không đối chứng, có đến hàng ngàn cách để bôi nhọ và ả không đủ can đảm để mạo hiểm dẫu chỉ là vài phần triệu nhỏ nhặt. Mười ba năm, ả dần đánh mất những bản năng con người nên có, ngoại trừ bản năng bảo vệ điều ả cho rằng cần thiết.
"Chị không thể," ả tựa cằm vào hai đầu gối, nửa nhìn vào gương mặt giận dữ của người bên cạnh nửa dõi mắt về hướng chân trời xa thẳm, nơi ông ngoại ả đang say mê truyền lại kiến thức giữa giảng đường nào đó.
Vứt thẳng chiếc túi giấy xuống trước mắt ả, cô ta nghiến răng: "Quà cưới! Đêm qua, lão ghé gọi cho tôi, huênh hoang rằng nuôi chị chẳng tốn bao nhiêu, dùng chán chê rồi vẫn có thể bán kiếm lãi. Biết chị sẽ cun cút vâng theo mệnh lệnh nhưng tôi vẫn cố xuẩn ngốc hy vọng rằng chị sẽ sống giống con người một lần." Cô ta lại nhìn ả mà cười, cười điên dại: "Đã thế, cố mà thoát khỏi cái địa ngục này để sang một địa ngục khác. Chồng tương lai của chị là Lê Quý, gã con cưng đồng tính của bà Ba nhà họ Lê. Gia đình ấy khá phức tạp, lão Lê hốt trọn một nhà ba chị em và cả ba bà ấy đều nổi tiếng nanh nọc, khó hầu hạ nhất nhì thành phố này. Khốn nạn hơn, bà Ba lại là mụ đàn bà kiểu cách, đanh đá nhất trong bọn. Chị liệu đường mà sống..."
Ả chẳng bận tâm nhiều đến gia đình họ Lê kia, Lê Quý đồng tính lại càng tốt, mong muốn duy nhất của ả là được nhanh chóng rời khỏi nơi đây nhưng không phá vỡ những giao kết với ông ta thì địa ngục hay rừng thiêng nước độc đón chờ phía trước đều nhẹ tênh. Mân mê cầm lên hai chiếc váy vải lụa mềm mại từ túi giấy trước mặt, áp má vào chiếc váy màu trắng - xanh, chất lụa mát mịn tựa như bàn tay dịu dàng của người mẹ đang vuốt má con thơ, ả bất giác nhoẻn cười ngây ngô, tự hỏi liệu bàn tay mẹ ả có như lụa? Một câu hỏi vĩnh viễn không thể giải đáp. Trời nắng oi nồng, ả nghe lòng mình ướt nhèm những giọt mưa hạnh phúc. Thì ra... hạnh phúc là thế này, phải không nhỉ?
"Nhà bên kia dẫu chẳng ra sao thì vẫn là thế gia trong xã hội trọng đồng tiền ham hư danh này nên nếu muốn thằng đồng tính kia nó rước về làm nô lệ thì cũng phải trông giống con người hơn. Nhỡ nó đổi ý, chị đã không thoát khỏi hang rắn này lại còn chẳng thể chết yên với lão ta. Hiểu không?" Cô ta nhích đến gần ả hơn, thở dài đắng chát rồi đưa tay vén mớ tóc lòa xòa che cả một nửa khuôn mặt ả. Nhìn vết thương chưa kịp cũ trên trán ả, giọng cô ta hơi nghẹn lại: "Trưa rồi, tôi đưa chị ra ngoài ăn. Sau này, biết còn cơ hội hay không..."
Hành động thân thiết kia khiến ả vừa sợ hãi vừa hân hoan, sợ hãi vì cô ta vẫn chỉ là một người thân xa lạ với cuộc đời ả; hân hoan vì ả nghe lòng ấm áp lạ thường, cảm giác này đã không hề tồn tại suốt mười ba năm qua. Khẽ co bờ vai gầy lại, ả muốn lập tức gật đầu nhưng những lời răn đe ban sáng ta vẫn văng vẳng bên tai; ả sợ chọc cơn giận thường trực của ông ta bùng lên, thiêu rụi rẻo hy vọng mỏi mòn bên trong ả nên đành lí nhí trả lời như van nài: "Ở nhà, ăn mì cùng nhau được không?"
Cô ta nhìn ả khá lâu rồi cười buồn, gật đầu. Sợ hãi đã là máu thịt, ả sẽ chẳng rời khỏi nơi ghê tởm này nếu chưa được phép, dẫu bản thân luôn mong muốn một ngày được thoát khỏi đây. Ông ta như một gã phù thủy trấn yểm ả bằng thứ bùa làm từ sự tôn nghiêm của những người đã chết, nó công hiệu diệu kỳ. Ả chưa từng bước chân khỏi căn biệt thự trong suốt mười ba năm, còn ông ta chưa từng mất sức giam cầm. Mỗi ngày, mặc cho cửa nhà có rộng mở hay ông ta tàn độc đến đâu đi chăng nữa, ả vẫn ngoan ngoãn quẩn quanh nơi góc nhà. Sáng nay, cô ta đã sắp xếp hàng nghìn lý lẽ, hàng trăm câu mắng hòng thuyết phục ả thay đổi nhưng khi đối diện nhau, mọi câu lời đều trở nên vụn vỡ bởi nỗi ám ảnh xa xưa vẫn luôn hiện hữu trong đáy mắt cả hai. Chín năm trước, cô ta vì mẹ mà câm lặng; bảy năm trước, cô ta vì ả mà câm lặng; bây giờ, cô ta vẫn vì ả mà câm lặng - cuộc đời cô, cuộc đời ả vĩnh viễn là những chuỗi dài câm lặng ư?
Hai chị em ngồi cạnh nhau trên bậc thềm lát đá trước hiên nhà, cùng chia bát mì ăn liền nấu cà chua. Ăn xong, cả hai tròn mắt nhìn nhau, nhoẻn cười như quãng ngày thơ dại xưa cũ. Thuở ấy, ả sống cùng ông bà ngoại còn cô ta sống cùng mẹ trong căn biệt thự này; cả hai chỉ được thăm nhau dăm lần trong năm nên tình cảm chẳng thân thiết như chị em gái nhà người, chỉ nhạt nhòa tựa hai cô bé cùng trang lứa hợp tính. Châm một lần cả hai điếu thuốc, trao cho ả một điếu, cô ta nhả khói rồi nhìn ả chăm chú: "Tôi biết chị sẽ tự nguyền rủa bản thân mình đến nghìn kiếp cũng chẳng thể thoát thai nếu sự việc này phơi bày ra ánh sáng, vì vậy tôi sẽ tiếp tục vô tri." Nói đoạn, ả mở túi xách, lấy ra tấm danh thiếp màu đen cùng mấy tờ tiền lớn, đặt vào tay ả và nhẹ giọng dặn dò: "Chúng ta dẫu thể nào cũng do một người mẹ sinh ra, hãy tìm đến tôi khi chị không còn nơi nào để về.
Ả máy móc cầm lấy tấm danh thiếp, tiền rồi trân trối nhìn người đối diện mình. Trong đáy mắt có nhiều hơn một tia xúc cảm, ả run rẩy chạm khẽ vào bàn tay gầy gầy có những chiếc móng vuông ngắn sơn màu đen của cô ta và rụt về thật nhanh: "Đừng giận mẹ, tâm lý bà có vấn đề."
"Tôi biết!" Cô ta nói nhanh và uể oải đứng lên. Bóng nắng đã chênh chếch đỉnh đầu, báo hiệu buổi trưa vừa qua, cũng như đời hai người bọn họ đã bước qua thời niên thiếu nhục nhằn nên hoa mộng quá vãng ấy sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ có thể tìm lại được nữa. Một ông ngoại đức cao vọng trọng, một bà mẹ thần kinh, một người chị nhẫn nhục đến xuẩn dại, đấy chính là máu thịt của cô ta. Sinh ra giữa cuộc đời này, chẳng một ai được phép chọn lựa người thân! Hai chị em lại sánh bước bên nhau, cô ta dắt xe, ả đi chầm chậm, không ai nói với ai lời nào khác. Ra đến trước cổng, ả ngồi lên xe nhưng chưa vội nổ máy, chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn cánh cổng nặng nề, nhìn thân hình ả còm cõi, khốn khổ trong bộ quần áo bạc thếch: "Chị vào đi, nhớ ăn mặc cho đàng hoàng." Tiếng lời lẫn vào tiếng thở dài, tiếng máy xe khi bóng dáng cô ta khuất sau khúc quanh rợp nắng vàng ươm.
Dõi mắt theo chiếc bóng ấy đến khi tất cả đều trở nên nhạt nhòa hư không, ả mới lững thững trở vào. Khóa cổng xong, ả đứng tựa lưng vào cánh cổng to lớn, hai bàn tay xoắn chặt vào nhau, phân vân nên dọn dẹp khu chuồng chó trước hay chuẩn bị bề ngoài theo dời cô gái kia dặn bởi hình như lúc ban sáng, sau khi răn đe xong, ông ta đã bảo chiều nay cậu Quý gì đó sẽ ghé qua. Đúng là lão hồ ly, đến chi phí tân trang món hàng tồn kho trước khi mang ra rao bán cũng tính toán trước sau để không phải tốn kém khi thông báo tin hỷ với em gái ả, đồng nghĩa vừa trêu gan người vừa nhắc khéo cô ta phải đầu tư nếu muốn chị gái mình thoát khỏi tay lão. Nhưng lão lại quên mất rằng tư duy của ả chẳng đủ tinh mẫn như số tuổi đời, vì thế ả đã quyết định xắn tay áo chăm sóc cho nơi ăn chốn nằm của những người bạn nhỏ trước - ba chú chó Béc-giê. Chúng có vẻ quý mến ả khi liên tục ư ử những âm thành chào đón theo từng bước chân qua. Ả cũng hồn nhiên cười đùa với chúng...
Ba giờ chiều, ả liên tục nhảy mũi khi xoa xoa đầu chú chó già đang nằm bẹp, thở phì phò nặng nề trong góc chuồng: "Bạn già này, mày sẽ thế nào nếu tao đi khỏi đây? Tao cũng muốn mang mày theo lắm nhưng không được, xin lỗi mày..." Vừa tỉ tê tâm sự, ả vừa luyến tiếc ngoái nhìn ba người bạn, chẳng đành lòng quay lưng đi.
Ả trầm mình dưới dòng nước mát lạnh khiến cơn ngứa đến từ những đốm đỏ trên khắp làn da xanh tái cũng dịu bớt phần nào. Sau mỗi lần dọn dẹp chuồng chó hoặc bị ông ta chạm vào thân thể, ả đều tắm rất lâu.
Tiếng chuông cửa lại vang lên giữa tiếng chó sủa ầm ĩ lần nữa, ngay khi ả vừa rời khỏi phòng tắm. Buộc túm vội mớ tóc còn ướt nước ra sau, ả cuống cuồng cầm chùm chìa khóa, nửa vui mừng nửa sợ hãi đi ra cửa lớn. Có lẽ, ông ta về sớm với người tên Quý kia.