Ý Như học chuyên ngành Điều dưỡng, mặc dù đó không phải là công việc cô thích, nhưng vì bố mẹ mà cô vẫn phải đi thực tập ở bệnh viện đã được bố sắp xếp.
Ý Như còn nhớ hồi cô học hết cấp ba, mẹ đã khóc hết nước mắt khi cô nói rằng cô sẽ không thi Đại học và muốn mở một tiệm hoa, nơi mà cô có thể vui vẻ giới thiệu đến mọi người ngôn ngữ của từng loài hoa, nét đẹp mà người ta đã dần quên lãng. Nhưng quả thật Ý Như không phải là cô gái mạnh mẽ, cô rụt đầu rụt cổ trong “biển” nước mắt của mẹ, không một chút ý thức gật gà gật gù mỗi khi mẹ đưa ra một yêu cầu. Và đến khi tỉnh lại bởi nụ cười chói chang của mẹ, Ý Như biết mình đã sa vào lưới như một con cá tham ăn biết bị lừa vẫn cắn câu. Đại loại mẹ cô nói rằng cô nhất định phải trở thành bác sĩ, cùng lắm là học Điều dưỡng, ra trường bố cô sẽ xin việc cho cô.
Ý Như đã chôn vùi ước mơ của mình trong ba năm với cái môn học nhàm chán, và tự động viên mình thôi thì cứ gắng học đi. Thực ra trở thành Điều dưỡng viên cũng tốt, mọi lúc đều có thể cứu người khác, trở thành người hùng trong lòng họ. Nhưng Ý Như biết mình đã sai rồi, đã sai thật rồi, cuộc đời cô đã sai quá rồi. Đó là khi cô đi thực tập ở một nơi sặc mùi thuốc sát trùng, nơi mà hồi bé nếu không bệnh quá nặng thì đừng hòng mang bất cứ cái gì ra để dụ dỗ cô đến đây. Cô sợ tiêm, sợ bác sĩ, sợ những viên thuốc, và kể cả đã học về chúng rồi thì đến bây giờ cô vẫn sợ. Thế mà cô lại trở thành người sẽ tiêm cho người khác, sẽ chăm sóc cho người khác, và hàng ngày làm việc ở môi trường đậm mùi (khói) thuốc này.
Cuộc đời cô đúng là “bó tay”.
Đỉnh điểm là cô chẳng làm sao có thể quen được với ông bác sĩ không có “y đức” như những gì cô được dạy khi mới vào trường.
Ý Như uể oải đi theo trưởng khoa đến thăm bệnh từng phòng một. Khi mà Tiến – một sinh viên thực tập khác đưa cho trưởng khoa bệnh án của một người được chẩn đoán là bị viêm ruột thừa, ông ta thậm chí còn không thèm mở ra xem, hỏi một câu: “Bệnh nhân này đã đóng viện phí chưa?”
“Chưa ạ!” Tiến hoang mang trợn mắt, rồi đáp.
Trưởng khoa ném trả bệnh án cho Tiến, nói: “Người tiếp!”
Ý Như “đau mắt”, cô không thể tưởng tượng nổi một người đang trong cơn đau ruột thừa có thể chờ đến khi người nhà xoay đủ tiền viện phí mới được phẫu thuật thì như thế nào? Nhưng cô chỉ có thể giữ im lặng, khi bố thả Ý Như trước cửa bệnh viện, đã vừa đe doạ vừa nài nỉ cô: “Đừng làm bố xấu hổ nghe con?” Thế rồi Ý Như có thể làm gì, thôi thì đành lao theo con đường mà cô đã “chọn lựa”. Tự an ủi rằng mình sẽ quen thôi. Ai mà chẳng lạ lẫm chút xíu khi tiếp nhận một môi trường mới cơ chứ?
Ý Như lật đật theo nhóm thực tập và trưởng khoa vào một căn phòng khác. Bệnh nhân là một đứa trẻ mười tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh. Khuôn mặt đứa bé xanh xao, môi tím tái, nó nằm trên giường lim dim mắt, chẳng biết là đang ngủ hay do quá mệt mỏi mà trông nó thiếu sức sống lắm. Ý Như hỏi Tiến về tình trạng của thằng bé, Tiến nói nó đã tiến hành phẫu thuật một lần nhưng hình như không thành công lắm. Trưởng khoa xem xét tình hình, rồi bỗng chật lưỡi nói một câu với mẹ đứa trẻ: “Tình trạng của thằng bé không tốt!”
Nếu chỉ nói thế thôi thì còn chấp nhận được, đằng này ông ta còn nói thêm: “Chị nên để nó về nhà với bố!”
Mẹ đứa bé luống cuống ngã xuống ghế, tay bịt chặt miệng để ngăn tiếng khóc. Có lẽ bà không muốn đứa con bé bỏng của mình lo lắng. Một việc như vậy đến một người không trong ngành cũng biết, vậy mà vị trưởng khoa đáng kính ấy lại không biết “có duyên” mà truyền đạt đến người nhà một cách ý nhị. Trước lúc rời đi, Ý Như có cảm giác như thấy một giọt nước trong mắt đứa trẻ lăn xuống má.
Cô nắm chặt hai bàn tay, định đưa ra câu hỏi chất vấn, nhưng Tiến đã nhanh hơn: “Bác sĩ, tình trạng của em ấy thực sự đã…”
Trưởng khoa gạt phăng: “Đúng vậy, dù có ở lại thì cũng ngoi ngóp thôi! Gia đình thằng bé khá nghèo, tiền chữa bệnh đều dựa vào bảo hiểm y tế!”
“Nhưng không phải… còn nước còn tát sao?”
Trưởng khoa liếc Tiến: “Muốn tát nước thì phải có tiền thuê người làm!”
Ý Như liếm môi, nỗi xót xa tràn vào ngực giống một cơn thuỷ triều. Cô dừng lại, cố gắng tìm một cách nào đó để ngăn cơn bất mãn trong lòng. Nhưng vị trưởng khoa kia không màng đến sự cố gắng của cô, nói: “Còn một ông già phòng 153 gần đất xa trời nữa. Già rồi thì an phận về với Chúa đi còn cứu chữa gì nữa!”
Dĩ An không thể mím chặt môi nữa, cô bước đến trước mặt vị trưởng khoa, nói như hét: “Ông có biết cái gì gọi là y đức không?”
Trưởng khoa vô cùng ngạc nhiên, bất ngờ đến nỗi chỉ tay loạn xạ, thốt mãi mới được nửa cái họ tên của cô: “Dương… Ý, cô có muốn tôi cho cô trượt không hả?”
“Ông cứ làm những gì ông muốn đi!” Ý Như hùng hổ nói: “Thật tiếc là tôi không có mấy cành hoa cúc dại ở đây, tôi thấy ông cần nó lắm đấy!”
Nói rồi, cô quay người đi thẳng. Cô có thể bình yên trải qua mấy năm học trên ghế nhà trường, nhưng cô không thể nào chấp nhận nổi một môi trường làm việc như vậy. Nếu cô làm việc ở đây, nghĩa là để hoà đồng với họ, cô sẽ phải trở thành một trong họ. Thiếu thương cảm, thiếu tình yêu,… cô thực sự không muốn trở thành người như vậy. Ý Như nhìn bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên mặc chiếc áo trắng tinh khôi đang bận bịu công việc, bỗng nhiên Ý Như hiểu ra rằng, cô không thuộc về họ, cô không thể trở thành một phần trong họ.
Ý Như quay đầu lại, nơi vị trưởng khoa và những thực tập sinh khác đang ngơ ngác nhìn cô, cô liền nói: “Và để ông biết hoa cúc dại đại diện cho cái gì, đó là Đạo đức đấy. Thứ mà ông cần củng cố trước khi muốn cứu người!”
Đoạn, Ý Như cởi áo blouse mặc trên người, vốn định ném vào sọt rác bên cạnh, nhưng cuối cùng quyết định giữ lại. Những người mặc chiếc áo này, không phải tất cả đều xấu. Nhưng cô là một người nhạy cảm, vì một người như vậy, cô đã cảm thấy mọi năng lượng và sự cố gắng cô dành cho nó đã trôi đi phương nào thật xa rồi.
***
Ý Như tìm thấy một tiệm hoa cách bệnh viện khoảng một trăm mét. Cô mua năm đoá hoa cẩm chướng và một cái xốp để cắm hoa. Từ chối chị nhân viên khi chị yêu cầu được giúp cô, Ý Như ngồi xuống một chiếc ghế trong cửa hàng và tỉ mỉ cắm hoa.
Những bông hoa cẩm chướng đỏ rực đẹp đẽ khi cắm chung với nhau toả sáng lung linh, thật giống như niềm hy vọng mãi mãi được nuôi nấng trong từng cánh hoa của chúng.
Lẵng hoa đơn giản và nhỏ bé, rất thích hợp được bày đặt trong phòng bệnh.
Ý Như trở lại bệnh viên, tiện mắt thấy một góc sân mọc đầy cỏ bốn lá. Cô quan sát xung quanh thấy không ai nhìn mình, liền chạy đến lục tìm.
Đứa trẻ bị bệnh tim kia nửa ngồi nửa nằm trên giường bệnh, đang há miệng ăn từng muỗng cháo mẹ bón. Người mẹ có vẻ ngạc nhiên khi thấy cô, chắc bà không nhận ra Ý Như khi cô không mặc áo blouse. Cô mỉm cười đặt lẵng hoa lên chiếc bàn cạnh giường bệnh, nói: “Hoa cẩm chướng ạ. Nó đại diện cho niềm hy vọng bất diệt.” Ý Như đặt tay lên tay cậu bé: “Thằng bé sẽ được chữa khỏi thôi ạ. Không biết cô có biết truyện Chiếc lá cuối cùng không?”
Người mẹ còn chưa đáp, thằng nhóc đã vui vẻ nói, bờ môi bớt tím tái hơn hồi nãy: “Dạ, em biết. Câu chuyện nói về Johnsy đã chiến đấu với bệnh tật của mình!”
“Đúng đấy em ạ!” Ý Như nói, giọng tự nhiên mềm mỏng hơn: “Thứ đã cứu Johnsy thoát khỏi tử thần là niềm hy vọng. Cô ấy hy vọng được sống, vì vậy cô ấy đã sống. Em cũng phải thế nhé?”
Thằng nhóc gật đầu. Nụ cười hiếm hoi nở trên môi. Ý Như tiếp tục: “Em có muốn khỏi bệnh không?”
“Có ạ!” Thằng nhóc hí hửng: “Em muốn khỏi bệnh để có thể đi chơi với bạn, đi học, và giúp mẹ!” Nó liếc nhìn mẹ, khuôn mặt đầy buồn bã.
Mẹ nó đưa tay xoa đầu nó, nước mắt đã lăn khỏi bờ mi, mặc dù trên môi vẫn nở nụ cười. Ý Như vội vã đưa cho thằng bé một bông cỏ ba lá. Thực ra nó là cỏ bốn lá, đại diện cho sự may mắn, nhưng Ý Như đã gặt bỏ một chiếc lá, đại diện cho ước mơ thành sự thực. Ý Như nói với thằng nhỏ: “Chị đã tìm được bông cỏ ba lá này trong hàng ngàn bông bốn lá khác đấy. Mọi điều ước sẽ thành hiện thực.”
Thằng bé vui vẻ nhận lấy, nó đưa cỏ ba lá lên trước mặt, nhắm mắt lại lẩm bẩm. Ý Như xoa đầu khi nó mở mắt ra, hỏi: “Em tên là gì?”
“Thiệu Khánh ạ. Hoàng Thiệu Khánh!”
***
Ý Như mở cửa một tiệm hoa có tên “Hoa trên tay ai?”, cô bước vào và thấy bà chủ cửa hàng đang ngồi cắt móng tay, thậm chí còn không thèm chào hỏi cô lấy một câu.
Tiệm hoa này là ý tưởng của Ý Như, là ước mơ của cô, được Hằng Nga – bạn cô biến nó thành hiện thực. Ý Như chỉ góp vốn, và bên cạnh đó, cô còn kiêm luôn tư vấn chọn hoa, cắm hoa,… Thế ra Hằng Nga chỉ là bà chủ bù nhìn thôi.
“Sao tưởng bà đi thực tập chiều mới về?”
Ý Như điềm nhiên đặt bó hoa hướng dương trên tay xuống bàn, tìm một chiếc lọ và cắm hoa vào. Hoa hướng dương có rất nhiều ý nghĩa, một trong những thông điệp tuyệt vời của nó là sự khởi đầu mới.
“Tôi bỏ rồi!”
“Bỏ á? Bỏ gì cơ?” Hằng Nga thốt lên.
“Bỏ thực tập.” Ý Như nói ngắn gọn.
Cô không buồn vì mình đã sai trong ba năm qua, chọn một ngành nghề cô không thích theo lời động viên của bố mẹ. Cũng không trách mình quá ngốc nghếch và u mê. Luôn có một điểm mốc để cô khám phá ra bản thân mình, và điểm mốc đó là ngày hôm nay.
Thứ cô cần bây giờ là một khởi đầu mới. Thật tốt đẹp để có thể đấu tranh với bố mẹ rằng, niềm đam mê cũng quan trọng ngang với việc có một công việc ổn định, và được mọi người trọng vọng.
Tiếng chuông gió vang lên nghe êm dịu, Ý Như biết là có một vị khách vừa mở cửa ghé vào. Cô nở nụ cười thật tươi và quay ra, bắt gặp một anh chàng điển trai vô cùng.
Giống như tài tử điện ảnh, khuôn mặt như được tạc tỉ mỉ bởi một đôi bàn tay tài hoa, và được vẽ bởi một hoạ sĩ thiên tài.
Trên tất cả những nét đẹp trong khuôn mặt ấy, Ý Như để ý đôi mắt của chàng trai, sâu và đượm buồn, vô cùng cuốn hút người nhìn.
Khi chàng trai mỉm cười cất tiếng chào, Ý Như nhận ra anh có một lúm đồng tiền duyên bên má trái.
Một chàng trai, đẹp hơn hoa.