Ktmb Quỳnh Anh. Tẫn Tuyệt Tình Phi Ivy_Nguyen
Chương 3
Hôm nay là đám mần tuần(1) của Hai Rớt; con Diễm chẳng hiểu vì sao phải cúng bái rắc rối sau khi một người chết đủ bảy ngày, bốn mươi chín ngày, một trăm ngày. Với nó, chết là hết, nắm xương trắng hếu còn hóa thành tro tàn thì một ngày, một năm, một đời có gì khác nhau đâu. Tuy nghĩ vậy nhưng nó vẫn không muốn Hai Rớt ở dưới kia tủi thân với chúng bạn ma.
Người ta hay nói “dương sao âm vậy” mà xã hội này phân biệt sang hèn ghê gớm lắm. Lúc còn sống, cái phận đĩ nghèo như bà cháu nó đôi khi còn chẳng đáng giá bằng lũ chó, mèo nhà giàu – giờ chết rồi, chẳng lẽ cũng phải làm ma đĩ nghèo nữa hay sao?
Đưa cái túi đựng mấy trái cam xanh lè, nhỏ xíu lên ngang mặt, con Diễm vừa cụp mắt ngó ngó vừa tặc lưỡi miễn cưỡng rồi nhanh chân bước tới hàng hoa. Nói hàng hoa cho sang, chứ thực chất chỉ là chục bó hoa rẻ tiền cắm trong năm ba cái thùng sơn cũ. Nó chỉ tay vô bó cúc vàng rực rỡ, duy nhất giữa đám vạn thọ màu vàng xỉn:
- Nhiêu?
- Mười đồng. - Dưới cái nắng cuối trưa gay gắt, bà chủ hàng chừng bốn mươi có dáng người mập mạp mệt mỏi trả lời, tay huơ hươ bó cúc về phía con Diễm. – Sáng giờ chế bán mười hai đồng không đó, giờ còn mấy bó, bán đại đi dzìa cho rồi.
Con Diễm nhìn bó cúc chăm chăm, lẩm nhẩm đếm bông, lẩm nhẩm tính toán. Lúc còn sống, Hai Rớt thích màu vàng hoa cúc lắm, quần áo mười cái thì có đến năm sáu cái màu này. Lại tặc lưỡi, nó một tay mân mê mấy tờ giấy bạc nhàu nát trong túi quần, miệng cố rặn ra nụ cười nịnh:
- Tám đồng nghen chị gái đẹp?
Bà chủ hàng nghe đến chữ "chị" và "đẹp liền liếc con Diễm một cái dài dù miệng cười tươi hơn mớ hoa vàng trên tay. Giả bộ chần chừ vài giây xong, bà ta liền gật đầu:
- Thấy cưng dễ thương, chế bán lỗ vốn luôn đó nhe.
Miệng bà ta nói chưa dứt câu, bó cúc vàng đã nằm gọn trong miếng giấy báo cũ, cột bên ngoài là sợi dây chuối phơi khô.
Dù sợi dây chuối có một nút thắt để móc vào ngón tay cho tiện nhưng con Diễm không xách mà cẩn thận ôm bó cúc trên tay. Nó đi thẳng, rẽ trái rồi lại rẽ phải mấy bận trong cái chợ sắp giải tỏa nên đất rộng, người thưa, lúc nào cũng bì bõm nước đọng này chừng mươi phút, trước khi ghé lại sạp hàng nhỏ, xập xệ nép đằng sau một ngôi nhà đang đập phá dở dang.
- Lấy tui xấp giấy tiền, bộ đồ nữ với bó nhang thơm.
Vẫn cái giọng đàn ông khàn khàn ừ nhỏ một tiếng. Nó đặt bó hoa với túi cam xuống mé sạp trống, đưa tay vô túi quần, móc ra nắm tiền vo tròn rồi lẩm nhẩm đếm. Gương mặt nó hơi lo lắng:
- Tổng cộng hết nhiêu đó ông già?
- Hết bốn hai ngàn. – Giọng đàn ông khàn khàn ấy trả lời.
Người đàn ông vẫn chưa xuất hiện nhưng con Diễm gật đầu cái rụp, nét lo lắng nhanh chóng tan biến. Giọng nó có gì đó thoải mái hơn:
- Ông có bán mấy cái nhạc cải lương gì đó không?
- Hả? Quần áo cải lương hả? Không có.
- Không phải! – Con Diễm lắc đầu nguầy nguậy: - Ý tui là cái gì để ở dưới nghe cải lương được á.
Bóng người nhỏ thó, lọm khọm đi ra. Một ông cụ với gương mặt chằng chịt những nếp nhăn, tóc lơ thơ bạc trắng, trên sóng mũi là chiếc kính dày cộp, gọng kính đã gẫy được quấn băng keo tạm.
- Hồi xưa, ông cũng có bán băng cát-xét, giờ không ai mua nữa rồi bây ơi. Thời buổi này, ma cũng toàn đi xe hơi, ở nhà lầu, coi phim Mỹ không hà.
Cái miệng móm mém nở nụ cười nhưng là nụ cười chán chường thế thái nhân tình. Ông cụ cẩn thận đặt mấy món đồ của khách vào miếng lá sen khô thay vì túi ni – lông xanh đỏ như thường thấy và rì rầm nói như kiểu con Diễm nghe cũng được mà không nghe cũng không sao:
- Túi ni-lông ngó vậy chớ dơ lắm, qua tay đủ loại người, có khi còn bị giẫm chân lên, ngồi lên. Đối đãi giả tạo với người sống thì được nhưng với người chết, quan trọng nhất là lòng thành. Đốt nhà lầu, xe hơi, tiền bạc phủ phê cho người chết để cầu xin tiền bạc, lợi lộc cho người sống, đốt chi?
Nói xong, gọng kính dù mờ xước vẫn lấp lánh sáng dưới ánh nắng, chầm chậm ngước lên nhìn con Diễm. Ông cụ nhíu mày quan sát cô gái gầy gò có đôi mắt to tròn nhưng không tồn tại sức sống, sự yêu đời trước mặt mình hồi lâu và thở dài thương xót:
- Người nhà bây thích nghe cải lương hả, con gái?
Con Diễm giật nảy người trước hai tiếng “con gái”, lúng ta lúng túng gật gật đầu:
- Bà ngoại tui hát cải lương hay lắm…
Hồi còn chưa đau bệnh, Hai Rớt thà nhịn ăn cũng nhất định không bán cái tivi và đầu đĩa vì bán rồi, lấy cái gì để coi cải lương? Thú vui duy nhất trong mấy mươi năm lất lay xa nhà của Hai Rớt là chiều chiều ngồi trên cái ghế bố, một tay phe phẩy quạt nan, miệng ngân nga theo điệu vọng cổ từ mấy cô đào, anh kép trong ti vi. Con Diễm còn nhớ như in những giọt nước mắt nức nở trên gương mặt bất lực của Hai Rớt, khi bà nhìn theo bóng người thu mua ôm cái ti vi màu hàng nội địa đã hư một bên loa với cái đầu đĩa, bước ra khỏi cửa phòng trọ.
Trong đầu con Diễm ong ong những suy nghĩ bâng quơ, phải chi nó sinh ra đẹp đẽ, trắng trẻo hơn, dễ được khách ham thích hơn thì đâu đến nỗi phải bán đi cái ti vi với đầu đĩa, Hai Rớt nằm một chỗ cũng đỡ buồn hơn. Rồi khóe mắt tự dưng ươn ướt, nó đưa mu bàn tay đang cầm nắm tiền lên quệt mắt vội. Da tay thô ráp, làm xước mi mắt, ran rát. Nó cảm thấy nắng trên đầu chiếu thẳng vào sống lưng, lành lạnh nên theo quán tính, bờ vai chợt co lại, để lộ ra hai chiếc xương đòn khẳng khiu nhô cao, tựa hai cây cột chống trơ trọi, xiêu vẹo.
Ông cụ cầm gói lá bằng cả hai tay, chăm chăm nhìn con Diễm không chớp mắt. Những nếp nhăn như xô đẩy nhau, tập trung vào giữa khuôn mặt già nua. Cô gái trẻ đứng trước mặt ông có đôi gò má khá cao, lúc nào cũng ưng ửng hồng dù da dẻ chẳng trắng trẻo, tóc thì nửa dưới vàng hoe xơ xác, nửa trên đen; ăn mặc cẩu thả, để lộ cả rốn nhưng vẫn có một nét nào đó không giống mấy đứa nhỏ tóc xanh tóc đỏ, nói tục chửi thề chí chóe, hàng đêm vẫn tụ tập quanh khu chợ cũ này. Nghĩ vậy, ông liền chép miệng, nói:
- Số bây sinh ra là phải chịu truân chuyên rồi, không cãi lệnh trời được. Muốn đỡ khổ thì đừng có dính vô mấy chuyện tình ái, nghen con gái.
Nói xong, ông cụ đưa gói lá đựng giấy tiền vàng mã cùng bó nhang cho con Diễm bằng nét mặt thương mến.
- Ông già biết xem bói hả? – Con Diễm buột miệng hỏi lại khi tay đang vuốt thẳng lại các tờ tiền. Nó thích vo viên tiền, nhét vô túi nhưng không thích đưa tiền cho người khác trong hình dạng vo viên ấy.
Xua xua tay, ông cụ cười móm mém:
- Bói toán gì đâu bây!? Ông bán đồ cúng, gặp đủ loại người nên riết hồi cũng có chút kinh nghiệm nhìn tướng người.
Con Diễm gật đầu, cười theo. Nụ cười của nó lúc nào cũng như vừa mới khóc xong liền cố nhoẻn cười. Đôi tròng mắt đen ngả ánh nâu nhìn ông cụ bằng ánh hiền lành, biết ơn:
- Bốn hai ngàn nè ông già. Ông đếm lại đi!
Chìa mớ tiền nhàu nhĩ vừa được cố sức vuốt thẳng về phía ông cụ xong, nó lại vê tròn tờ năm ngàn duy nhất, nhét vào túi quần.
- Ông lấy ba lăm ngàn thôi.
Khéo liếc qua bàn tay còn đang trong túi quần của con Diễm, ông cụ vừa gật gù đồng cảm vừa dứt khoát chọn tờ năm ngàn và hai ngàn mới nhất, phẳng phiu nhất trong mớ tiền lẻ ra. Bàn tay trơ những đốt ngón gầy khẳng khiu, mạnh mẽ dúi hai tờ tiền vào tay con Diễm cùng ánh mắt rực sáng tia ấm áp, sẻ chia.
Trừng trừng nhìn vào hai tờ tiền, con Diễm nửa muốn chối từ nửa không muốn làm trái ý. Cả đời nó chưa từng được ai đối tốt như lúc này. Giọng nó thấp xuống:
- Thôi đi, chợ này ế như gì, ông bớt nữa thì hít khí trời mà sống chắc?
Nhưng ông cụ đã không cho con Diễm cơ hội giằng co thêm, khi dúi gói lá vô tay nó rồi tất tả quay đi. Tấm lưng nhỏ thó, còng như dấu chấm hỏi chìm khuất vào đống giấy màu mè sặc sỡ. Cái giá bốn mươi hai ngàn đó đã là giá gần sát gốc, ông chỉ lời được hơn một ngàn. Cách đây đúng chín ngày, con Diễm cũng đến đúng cửa hàng ông để mua giấy tiền vàng mã đưa tang. Lúc đó, nó không khóc lóc nhưng từ ánh mắt đến bước chân đi đều lộ rõ sự hoang mang, lạc lõng. Cũng là lần đầu tiên ông gặp một vị khách trẻ nhìn bề ngoài lấc cấc giống phường lưu manh, tận tâm thăm hỏi từng thủ tục cúng bái người chết. Nó không biết chữ nên đã cẩn thận hỏi đi hỏi lại một vấn đề đến mấy lần, mỗi lời ông nói ra đều được nó bặm môi, gồng cứng người lên để ghi nhớ. Ông chỉ vẽ còn chưa mệt thì nó tỏ ra rất mệt, vì sau khi uống cạn một hơi ly nước ông cụ đưa, nó liền ngồi bệt xuống thềm nhà của cửa hàng bỏ hoang phía trước, hút hết hai điếu thuốc mới thất thểu ôm gói giấy tiền, nhang đèn đi về. Có lẽ cả đời này, ông sẽ không quên được dáng vẻ vô hồn, đớn đau mà không biết vì sao đớn đau của nó.
Hết chương 3.