Hoàn thành Lụa - Hoàn thành- Cam

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 6

Mới sáng sớm, đã có thợ cày đến gọi cổng để đem trâu ra đồng. Thị Mầu đương trong bếp nghe tiếng chó sủa vội vàng chạy ra giữ chó cho người ta vào.

Nhà ông phú nuôi tận bốn người ở, thế nhưng đến ngày mùa mỗi người mỗi việc, chẳng có ai ra đánh chó cho thợ cày đến dắt trâu đi.

Việc giữ chó không phải chuyện Mầu mới làm, cơ mà tình cảnh bây giờ khiến nàng có chút xấu hổ. Anh Lộ đang đứng trước mặt, cũng lâu rồi hai người chưa gặp nhau.

Hai con chó bị Mầu giữ lại vẫn cứ trực xông ra khiến nàng rất vất vả. Trong lòng Mầu thầm trách thầy mình sao lại mua cái thứ chó hung hãn như vậy.

Nhớ cái hôm, thầy đem chúng nó về nhà. Ông hào hứng kể về hai con chó đến độ nước miếng văng tứ tung như mưa phùn mùa xuân. Ông say mê đến độ đem Mầu với anh Tịu đứng đó mãi mới chịu cho đi chỉ vì ông rất ưng hai con chó kia. Ông chỉ tay vào một con lông màu xám đen nói nó có tướng “bát long cẩu” là thứ chó tốt nhất trong tất cả các loại huyền đề, nhà nào có con chó này thì phát phú quý nhanh vô cùng. Con chó còn lại toàn thân màu đen, dong dỏng cao, trên lưng nó lông mọc xuôi từ đầu cho đến đuôi, làm thành hình một cây kiếm nằm dọc theo lưng. Theo như lời ông phú, con này là “bối kiếm cẩu” thuộc vào loại “đệ nhị cẩu tướng”, tạo ra uy quyền sinh sát, trông nhà rất tốt. Rồi thì ông còn không quên nể phục tài chọn chó của chính mình, rồi thì chốc nhát ông lại quay ra hỏi câu “Thế nào?” xong tự đáp luôn rằng “Đúng là giống tốt”.

Cái gì mà “bát long cẩu” với chả “bối kiếm cẩu” chẳng phải đều là chó thôi sao. Thế mà chúng làm Mầu trông quẫn bách như thế này đây. Mầu nghiêm giọng quát chó nhưng chúng chẳng chịu nghe lời. Nàng buồn bực lắm, vốn dĩ trước mặt anh Lộ muốn ăn nói nhẹ nhàng từ tốn, thể hiện sự duyên dáng, dịu dàng của mình ấy thế mà chỉ vì hai con bát long với chả bối kiếm làm cho chất giọng vốn không được hay của Mầu càng thêm chói tai, cái dáng người giữ chó cũng đã đánh bay mong muốn tạo sự tao nhã của nàng.

Cảm thấy ái ngại khi trông cảnh Thị Mầu giữ lấy hai con chó, anh Lộ rất nhanh đi về phía chuồng trâu, đây có lẽ là cách tốt nhất để giúp nàng. Anh Lộ đã giúp việc cho nhà ông phú từ lâu đâm ra rất rành chỗ để trâu nên chỉ một chốc đã dắt theo hai con ra khỏi cổng.

Tiễn chân anh Lộ, Mầu đỏ bừng mặt vì xấu hổ cùng tức giận hai con chó của thầy. Xong rồi, trong đầu Mầu băn khoăn không biết anh Lộ nghĩ gì về đám hỏi của nàng với cậu út Lạc. Với Thị Mầu, nàng có thể không để tâm đến chuyện người khác nghĩ mình thế nào nhưng những người khác này không bao gồm cả anh Lộ.

Mầu biết anh Lộ là chuyện đã lâu. Lần gặp ban đầu vì sự tò mò mà Mầu nhớ mãi.

Năm em trai Bính của Mầu lên mười, mẹ nàng biên một bức thư rồi bảo nàng sang đưa cho bác cả, người sắp sửa chuyển lên kinh sinh sống. Trong thư mẹ nàng có lời cậy nhờ bác cả chăm sóc cho thằng Bính, đem nó theo cùng.

Mầu vâng lời đem thư tới nhà bác. Trên đường về, qua một cái ngõ chỗ gốc cây bồ kết bên ngoài nhà thầy đồ, một người con trai đứng ở đó. Hôm ấy trời trong vắt, nắng vàng ruộm những mái nhà. Ánh nắng chiếu xiên qua tán lá bồ kết tạo thành những chấm đậm nhạt đậu trên khuôn mặt người con trai đó. Có lẽ là vì thần thái quá mức chuyên chú kia làm cho mặt anh ta rất thu hút, Mầu tò mò bước thêm vài bước mới biết anh ta đang học lỏm bài giảng của thầy bên trong. Mầu đoán anh ta không có tiền vì hành vi và thứ áo quần đã vài chỗ vá vận trên người anh. Điều làm Mầu thắc mắc hơn chính là anh ta không còn bé nữa, học như vậy thì chẳng thể nào mà đi thi cho được.

Mầu đương nghĩ ngợi thì anh ta phát hiện ra nàng. Sau một thoáng hốt hoảng anh chàng cảm thấy xấu hổ, vội bước đi ra khỏi cái ngõ nhỏ.

Đó là lần đầu tiên Mầu gặp anh, khi đó nàng mười ba tuổi.

Đối với lần gặp ấy Mầu chỉ biết đó là một người ham học nhưng không có tiền. Bẵng một thời gian, Mầu thấy trong đám người làm thuê cho nhà mình có một khuôn mặt xa lạ mà như quen thuộc. Rồi nàng biết tên của anh là Lộ.

Để có tiền thuốc thang cho mẹ. Anh Lộ việc gì cũng làm, nhà anh không có ruộng, cái vườn nhỏ chẳng gieo trồng được gì. Bệnh tật rơi vào đầu nhà nghèo chả khác gì chó cắn áo rách. Tiền kiếm được chẳng có bao nhưng phải trang trải tiền ăn uống, thuốc thang, tiền mời thầy lang khám chữa. Người ta thấy hoàn cảnh túng bấn của anh cũng chẳng buồn cho vay nữa chỉ có ông phú là người đưa tay ra giúp đỡ. Chẳng phải ông tốt bụng gì mà vì ông nhìn ra được sức dài vai rộng của anh Lộ, mang ơn của ông một thì phải trả cho ông gấp mười.

Anh Lộ tận tình chăm sóc mẹ già tới tận khi bà nhắm mắt xuôi tay, chữ hiếu coi như đã vẹn tròn. Chuỗi ngày sau đấy của anh Lộ là quãng thời gian bắt đầu trả nợ cho ông phú.

Biết chuyện của anh Lộ, Mầu cảm động lắm. Nhân gian có câu chớ thấy áo rách mà cười. Người ta nghèo nhưng sống có tình nghĩa còn hơn những kẻ giàu sang lòng dạ lại bạc bẽo như vôi.

Người trong làng ai cũng quý anh Lộ, vì cái đức hiếu thảo, vì bản tính tốt đẹp thiện lương của mình, anh chăm chỉ, cần cù nết nào cũng được. Nhưng đám con gái lại chẳng ai muốn lấy anh làm chồng.

Họ thấy anh nghèo.

Cái hôm đám cưới em Hồng với cậu nghè. Nhà ông phú từ sáng sớm đã rất nhộn nhịp, từ nhà trên xuống nhà dưới lúc nào cũng thấy bóng người xuôi ngược. Mầu ở trong đám đàn bà con gái tất bật quét tước, têm trầu, đi gánh nước, lấy mâm, lấy nồi, lau rửa bát đĩa… Lẫn trong đám đàn ông dựng rạp, kê bàn ghế, sắp mâm cỗ… Mầu thấy anh Lộ.

Chẳng phải Mầu chủ ý tìm anh, hay là làm biếng chỉ đứng một chỗ ngắm người qua lại. Anh Lộ không chọn việc nhẹ chỗ mát mới làm mà chẳng nề hà những việc nặng nhọc. Từ nhà bếp, ngoài sân, bên cầu ao hay ở vườn, Mầu gặp anh Lộ nhiều lắm.

Ngày ấy, Thị Mầu ngây ngấy sốt, hơi thở nóng ran thế nhưng nàng vẫn cố gắng làm. Đám cưới em Hồng, họ hàng làng xóm người ta còn nhìn cả vào Mầu. Biết bao con mắt thương hại trông đến nàng, cũng có biết bao ánh mắt khinh nhờn nàng, người ta nhỏ to sau lưng, người ta xì xào ngay trước mặt. Mầu một mực gánh đỡ tới tận khi cậu nghè tới rước em Hồng, cho tới khi thấy đám người rồng rắn nhau ra khỏi cổng.

Buổi chiều hôm ấy, anh em, họ hàng nhà ông phú vẫn tới chúc tụng tuy thế người đã vãn hẳn. Trời tối, Mầu chưa nghỉ ngơi, nàng còn phải đi gánh thêm nước ở ngoài ao.

Lúc bước lên bậc thềm, đầu nàng choáng váng. Gánh nước chao nghiêng rơi xuống đất. Mầu may thay được người ta đỡ nên không bị ngã.

Đó là anh Lộ.

Anh Lộ chỉ mới chạm qua tay Mầu mà như phải bỏng.

- Cô Mầu, người cô nóng quá. Hay là cô đi nghỉ đi, để tôi gánh giúp cho.

Đó là một sự quan tâm đầy thiện ý, là người đầu tiên lo lắng cho Mầu.

- Tôi không sao, ngồi một lúc là khỏi.

Mầu rất thực sự cảm thấy rất biết ơn anh Lộ ra tay giúp đỡ. Tuy nàng mạnh miệng nói không sao, nhưng cả người đã ngồi bệt xuống đất.

Mầu thực sự mệt mỏi rồi, bị ốm mà phải kiên trì ra vẻ bình thường cho đến lúc này đã đạt đến cực hạn chịu đựng của nàng.

Mầu giả bộ tươi cười chỉ vì muốn giữ lấy tôn nghiêm của mình. Mang tiếng xấu đã đành, nàng không muốn chồng chất thêm những dị nghị. Rằng họ đã nhầm về nàng rồi, nàng sẽ không để cho người ta có cơ hội được phép thương hại mình, nàng cũng sẽ không cho phép bọn họ được thỏa mãn thú vui khinh thường nàng. Ý chí của Mầu hóa thành nụ cười đáp trả lại tất cả ý xấu mà người ta dành cho nàng.

Lần đầu tiên nàng thấy có người không dùng ánh mắt thương hại, khinh thường nhìn mình thì đã là cuối ngày. Nhưng thế đối với Mầu như là cả một ân huệ trời ban. Nàng yếu lòng, bỗng muốn thanh minh một chút cho mình với người trước mặt. Thế rồi nàng ngước lên hỏi:

- Anh Lộ, anh có nghe được người ta đồn đoán về chuyện của tôi không?

Anh Lộ hơi ngạc nhiên khi Mầu chuyển câu chuyện sang hướng này, anh do dự gật đầu.

Mầu không biết tiếp tục như thế nào nữa. Chuyện nàng với anh mõ chẳng thể nói cho rõ ràng, chỉ phủ nhận nhưng lại chẳng thể chứng minh. Nàng thở dài, trông về phía vườn tối, cố vớt vát bằng một câu nói.

- Dù sao, chuyện tôi với anh mõ không phải như mọi người nghĩ.

- Tôi tin cô không phải người như vậy.

Mầu đưa mắt nhìn anh Lộ, nhưng nàng chẳng thể thấy rõ hết khuôn mặt anh. Vui mừng chỉ thoáng qua trong đôi mắt Mầu, nàng nghi ngờ hỏi lại:

- Anh thực sự tin sao?

- Trước giờ tôi chưa từng nói dối.

Không thấy Mầu nói gì thêm, anh Lộ bèn lên tiếng:

- Công chuyện cũng đã thư thả, cô về nghỉ ngơi đi thôi. Tôi xin phép.

Nói rồi, anh Lộ đi xuống dưới ao gánh nước, lúc đi lên anh còn trông thấy Mầu vẫn ngồi bệt ở dưới đất, có chút không đành lòng.

- Cô có đi được không, tôi gọi người đưa cô về nhé.

Mầu gật rồi lại lắc đầu. Nàng từ từ đứng dậy, dưới cái nhìn chăm chú của anh Lộ, Mầu nhoẻn miệng cười bảo mình có thể tự đi. Anh Lộ cũng không nói lời dư thừa chào Mầu rẽ qua lùm dâm bụt đi về phía nhà bếp.

Dõi theo bóng lưng anh, đôi mắt Mầu ươn ướt, nàng nhanh chóng gạt đi những giọt lệ đương thành hình. Mẹ nói đúng: Hóa ra ở đâu cũng có người tốt chỉ là Mầu chưa gặp được mà thôi. Có lẽ anh Lộ sẽ chẳng nhớ gì chuyện hôm ấy, nhưng với Mầu thì nàng đã khắc trong tim.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Mình thì rất ấn tượng qua các vở Thị Mầu, hi vọng sự lí giải cho cái thói lẳng lơ của Thị sẽ tạo được đột phá.
:x Xem vở chèo Thị Mầu lên chùa mình mới có cảm hứng phóng tác đấy. Cảm ơn bạn đã đọc nhé.
Truyện hay quá!
:x Cảm ơn đã ghé qua. Cơ mà mình đang đuối ở các chương cuối nên là mới đầu thì hay thôi. ~X(
thích đọc về thời phong kiến, nửa phong kiến
>:D< Mình cũng thích lắm ấy, kiểu vừa quen lại vừa lạ. Mình thích văn phong của Ngô Tất Tố và học theo, giờ thì thấy đuối rồi :D:D:D
 

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 7

Ông phú quý trâu còn hơn người cày. Thói thường, buổi sáng thợ cày đem trâu đi, nhất định đến gần trưa ông phú sẽ sai người mang trâu về nhà dù cho ruộng đã được cày xong hay là chưa. Nếu chưa xong sẽ phải có người thay trâu kéo cày. Ông phú không quan tâm và coi việc đó là chuyện đương nhiên phải làm của bọn thợ cày ông mướn.

Người làm thuê cho ông nhọc lắm, song chẳng dám hé răng chỉ nuốt cái cực vào người mà cam chịu. Tất cả cũng có nguyên do của nó.

Ông phú Lục là kẻ rất biết làm ăn, đồng tiền của ông không nằm yên một chỗ bao giờ. Ngoài việc bỏ tiền làm ăn buôn bán, ông còn cho người ta vay tiền. Giống những kẻ cho vay khác, lãi của ông nặng lắm, nhưng cũng chẳng giống như kẻ khác, ông phú không sai sử mấy thằng bặm trợn đi đòi nợ người ta khi quá hạn. Ông cực kỳ khinh ghét việc dằn mặt, đánh nhau. Chuyện gì cũng có cách giải quyết. Ông đâu cần mấy đồng tiền từ bọn dân nghèo mà gấp gáp đi dằn mặt, phá nhà phá cửa của họ. Ông siết nợ bằng cách bắt bọn họ làm thuê cho ông. Tính ra cách đấy lời gấp vạn lần việc nọc cổ họ ra mà đòi từng đồng lẻ.

Thế nên đa phần, người làm thuê cho ông phú là vì nợ tiền ông không cách nào trả phải bán sức cho ông.

Tới gần trưa, ông phú đã gọi Mầu lại, bảo nàng ra chỗ đồng Ba ngấn đem trâu về, tiện thể đưa cơm nước cho thợ cày luôn.

Mầu vâng dạ, cắp thúng, đội chiếc nón lá ra đồng.

Thửa ruộng nhà ông phú ở đồng Ba ngấn không lớn, đất cằn hơn chỗ khác lại ở cách xa làng. Trong đám chị em có lẽ Mầu là người thăm nom cái ruộng ấy nhiều nhất.

Mầu không ngại phải vất vả vì nơi này có lắm thứ nàng thích. Như cây dâu gia cô độc ở giữa đồng, hay những cây găng gần đó mọc lên xanh tốt. Lần nào nàng làm ở đồng Ba ngấn, nhất định sẽ có thêm nắm lá găng hay khi dâu gia đỏ trái nàng cũng phải ngắt vài cành đem về.

- Mới được hơn nửa sao anh Lộ? – Mầu cắp thúng, đi dọc theo đường bờ ruộng, lúc song song với anh Lộ mới hỏi.

- Vâng, đất ở đây chặt quá mà lưỡi cày cũng không còn tốt nữa. – Anh Lộ ngừng lại không tiếp tục thúc trâu nữa.

Mầu nhìn đám ruộng đường cày còn dang dở. Giờ mang trâu về anh Lộ phải xoay sở như nào, mà về muộn thì lại bị trách. Anh Lộ nhận ra vẻ mặt bất đắc dĩ của Mầu, nói:

- Để tôi cày nốt đường này rồi cô mang trâu về nhé. Tôi sang bên Lộng xem có ai xong thì nhờ qua đây giúp làm nốt.

Mầu ngồi xuống chỗ gốc cây dâu gia, đặt cái thúng xuống đợi anh Lộ. Anh Lộ trên đầu quấn khăn, cởi trần, mặc cái quần nâu kéo cày. Làn da màu bánh mật, cánh tay nổi những bắp, thân hình cường tráng của anh Lộ làm Mầu đỏ mặt.

Mầu chẳng biết đã thương anh Lộ tự lúc nào. Chỉ biết càng ngày càng nhiều thêm nhớ nhung. Bọn họ vốn không thường xuyên ngồi cùng với nhau thế nên nàng tham lam vẫn cứ nhìn anh cho dù xấu hổ. Biết đến khi nào mới có lúc như thế này chứ.

Lúc trông thấy Mầu với khuôn mặt đỏ bừng khác thường, anh Lộ sợ cô cảm nắng quan tâm hỏi:

- Cô Mầu, cô không sao chứ? Trời nắng nóng cô về trước đi, bát đũa để đây chiều tôi mang về giúp cô.

Mầu lắc đầu nói không sao, trong lòng rất đỗi ngọt ngào. Tìm đâu ra người tốt tính như anh Lộ đây, lúc nào cũng lo lắng, biết nghĩ cho người khác.

Mà Mầu làm sao về trước được, chỉ có lúc ăn trưa nàng mới được ngồi với anh Lộ, nói với anh dăm ba câu. Lại chỉ có hai người, cơ hội tốt thế này nàng phải nắm chắc.

Anh Lộ bắt đầu ăn trưa, còn Mầu lẳng lặng ngồi bên cạnh. Trên đồng Ba ngấn, chỉ có ruộng nhà ông phú là nghỉ trưa sớm, vài ba thửa ruộng bên cạnh người cùng trâu vẫn miệt mài làm việc. Rồi Mầu quay sang nom anh Lộ. Nghỉ sớm không có nghĩa là xong việc, tí nữa anh Lộ còn cực nhọc hơn nhiều. Nàng khẽ thở dài.

- Anh Lộ, anh qua bên chỗ núi Bộc may ra có người, chứ bên Lộng thầy tôi gọi một người về phụ việc cho ông rồi, chưa chắc họ sang giúp anh được.

- Vâng.

- Cơm canh thế nào? – Cơm trưa nay cho đám thợ cày là do Mầu nấu, nàng đặc biệt đơm thêm một muôi cơm, lén để một quả trứng gà luộc cho anh Lộ. Là nàng lo anh ăn không đủ.

- Rất ngon thưa cô. – Anh Lộ làm sao mà không biết Mầu đã thêm thức ăn cho mình nhưng lời cảm ơn anh giữ lại trong lòng.

- Anh biết chuyện cậu út Lạc với tôi chứ? – Mầu cố tỏ ra thản nhiên, giọng nàng nhẹ bẫng như đó chỉ là một chuyện vặt vãnh. Nhưng có trời biết, đất biết lòng Mầu đang loạn lắm, nàng muốn biết anh Lộ nghĩ gì về chuyện này. Từ lúc nhận ra mình thương anh, nhiều thứ Mầu đâm lo. Tỉ dụ như lo anh tin miệng lưỡi người đời mà chê cười nàng.

- Cô buồn sao? – Anh Lộ hỏi lại.

- Không, tôi vui còn chả hết sao lại buồn được. Anh biết cậu út Lạc là người như nào mà.

- Tôi cũng mừng cho cô.

Một người như Mầu xứng đáng có được hạnh phúc, mà cậu Lạc thì không bao giờ đem lại điều đó cho nàng được. Lời này anh Lộ lại nuốt vào trong bụng. Có nhiều thứ không nói ra thì tốt hơn.

- Anh vẫn còn luyện chữ chứ?

- Vâng, phải cảm ơn giấy mực cô cho tôi. Nó ích lắm.

- Tôi cũng chỉ giúp được vậy thôi, anh không cần khách sao đâu.

Mầu biết anh Lộ ham học, không phải để đi thi làm quan. Anh Lộ muốn sau khi trả xong nợ, dành dụm ít vốn, rồi bán căn nhà ở để đi buôn. Cái ý định rời làng kiếm sống của anh đã có từ nhiều năm trước nhưng ngặt nỗi nhà nghèo, mẹ già đau yếu. Anh Lộ không có cơ hội để thỏa chí đi buôn của mình. Giờ thì anh chỉ cần làm thuê trả nợ cho ông phú hơn năm nữa, sau đó chẳng còn điều gì vướng bận. Anh muốn dời khỏi cái làng này. Mầu phục cái nghị lực của anh Lộ lắm, nàng cũng ủng hộ con đường đi buôn của anh nên có thể giúp được gì nàng sẵn lòng giúp. Mà thời gian trôi đi trong cái niềm vui khi thấy mong ước của anh có thể thực hiện thì Mầu lại buồn rầu. Chân tình của nàng chắc đời này chẳng thể nào thổ lộ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 8

Năm cũ qua đi một năm mới lại đến.

Xuân về, trời đất giao hòa, hoa cỏ tươi tốt, lòng người hân hoan.

Ngày mười lăm tháng giêng, dân làng nô nức trẩy hội. Tại đình Xước các nghi thức tế lễ đã bắt đầu từ đêm trước. Sau buổi tế lễ và rước kiệu thánh đầy long trọng, hội diễn ra các trò vui. Buổi tối trên sân còn có phường hát chèo, tích trò cũ nhưng dân làng tán thưởng không thôi, phường chèo năm nay xướng hay hơn hẳn năm trước. Màn hát đối đáp của nam thanh nữ tú cũng rộn ràng không kém. Đêm này ai thầm thương trộm nhớ ai sẽ có cơ hội thổ lộ, người nào không được nên duyên cũng có thể thở than cõi lòng. Vì là hội nên ai cũng có thể tham gia, dù đối đáp quá phận, trêu trọc khiến người ta đỏ mặt tía tai cũng không hẳn là chuyện lớn.

Mầu lẫn trong đám con gái, nàng chỉ ở một bên nghe, thi thoảng liếc mắt đến chỗ anh Lộ. Nhịp điệu trống từng hồi đều đặn. Anh Lộ cũng như Mầu, cười nói vui vẻ nhưng không tham dự vào cuộc vui.

Có người đã thổ lộ và được thỏa nguyện nhưng cũng có người bị từ chối phũ phàng từ cô gái mình ưng.

- Anh về trẻ lạt bó tro

Rán sành ra mỡ em cho làm chồng.

Con bác Cử hàng xóm nhà Mầu đang làm khó một người có ý với mình. Mầu nhìn sang bên kia, anh chàng hụt hẫng ra mặt. Nàng thầm than thở trong lòng, giá mà đó là lời anh Lộ nói cho mình, mình sẽ chẳng suy nghĩ mà gật đầu với anh. Thói đời, người cần chẳng có, người có được lại chẳng cần.

- Em về gọt đá nấu canh

Thì anh bắc chảo rán sành được ngay.

Anh chàng kia dường như không nhụt chí, đáp trả lại, điều này khiến Mầu thật ngưỡng mộ. Con bác Cử bên này đã đỏ hồng đôi má, bị mấy cô gái xung quanh trêu chọc gán ghép một phen.

Lâu sau, một giọng nam cất tiếng trêu cợt.

- Cau già quá lứa bán buôn

Em già quá lứa có buồn không em?

Cả đám phá ra cười. Một anh chàng ế vợ đi chê cười một cô gái quá lứa lỡ thì. Những người xung quanh được thể gán ghép họ thành đôi, người này đẩy, người kia kéo thế nào mà ngay sau đó hai anh chị đã ngồi chung một chỗ. Anh Lộ dường như không mặn mà với việc tìm duyên cho mình, Mầu vừa vui lại vừa buồn. Nàng chưa từng hình dung ra việc anh đã có người thương trong lòng vì mới chớm nghĩ thôi là lòng dạ nàng cảm thấy tê tái rồi. Mầu vui vì anh không có ý hò hẹn với người con gái nào ở đây mà nàng cũng rầu vì chính điều ấy. Nàng cũng muốn mượn mấy lời của người xưa để thổ lộ tấm lòng mình như những cô gái khác, ngặt nỗi lại lo lắng anh Lộ có thể chê mình, hoặc là trước mặt bao người anh Lộ sẽ cảm thấy ngại, hoặc là khó chịu, hoặc ghét bỏ Mầu. Chỉ nghĩ thôi đã thấy ê chề.

Năm nay, khí thế nghiêng hẳn về cánh trai làng, còn các chị em có đối lại được vài ba lần song so ra vẫn thua sự bỗ bã, phũ phàng của cánh bên kia.

Có người gọi tên nàng Xoan, lời gọi da diết mà sau thành ra bỡn cợt.

- Này Xoan ơi,

Em về cất gánh cứt trâu

Lại đây đậu vốn buôn trầu với anh.

Lại một tràng tiếng cười giòn tan. Mầu liếc nhìn Xoan, nàng ấy bằng tuổi Mầu, ít nói cùng nhút nhát. Nhà nghèo, nàng phải phụ mẹ gánh phân từ nhỏ, cái công việc mà chẳng ai muốn làm. Năm nay Xoan mới dám ngồi chiếu hoa sân đình, chẳng ngờ lại bị trêu chọc như vậy nhất thời không nói năng được gì, nghiêng mình nấp sau lưng một người khác. Trêu chọc con gái nhà người ta trong ngày hội là một điều thường nhưng quá lời đối với cô gái xấu hổ hay mặc cảm tự ti lại thành ra không hay. Năm sau đố ai dám kéo Xoan ngồi cùng chúng bạn được nữa.

Năm trước, năm trước nữa bên đám con gái còn có chị Sâm được coi là người mồm miệng sắc bén, chẳng ngán mấy vị thư sinh nho nhã đến mấy kẻ thô tục bỗ bã nhưng chị ấy đã đi lấy chồng. Thành ra đằng gái lép vế hơn hẳn, câu nào hóc hiểm thô thiển quá liền trả lời qua loa hoặc không đáp lại. Sẵn tiện ruột gan Mầu buồn rầu, nàng mới cất lời:

- Buôn trầu lỗ lắm anh ơi

Để em lượm cứt lần hồi nuôi anh.

Âm thanh lanh lảnh vang lên, lời đáp tuy không được ngọt ngào của Mầu vẫn may là hợp nhịp trống, mang theo chút chua ngoa, đanh đá trong đó. Thế có khác gì bảo anh chàng kia ăn phân để sống. Nàng tuy mang danh thiếu nữ mà dùng từ khiếm nhã song mấy người bên cạnh xem ra thích ý lắm.

Cả đám lại phá ra cười, không khí càng về đêm lại càng náo nhiệt. Màn đối đáp giữa hai bên không có dấu hiệu ngưng nghỉ.

Thị Mầu không còn cười được nữa. Nàng biến sắc mặt khi thấy cậu út Lạc cùng thằng tớ đang nhìn về chỗ mình. Cậu út Lạc ánh mắt sáng rực như con sói trông thấy con mồi. Cái miệng cười của cậu khiến Mầu ớn lạnh. Với tính tình cậu Lạc, Mầu đoán cái gì cậu cũng có thể làm. Giữa ban ngày ban mặt cậu còn có thế đánh người, sàm sỡ con gái nhà người ta thì lúc này có là gì. Ai cũng ngại đụng vào cậu liệu có người dám giúp nàng. Con Nếp đã theo chị ba về, chị Tiền và thằng Đức đang ở chỗ phường chèo chắc chẳng thể nhờ vả. Bọn họ là con bà cả ghét bỏ nàng làm sao có thể đưa tay giúp đỡ được. Nghĩ sự chẳng lành, Mầu rẽ đám đông rời khỏi sân đình, bước qua chính điện, rồi cứ chỗ tối mà đi theo lối nhỏ ra nhà hậu. Chỉ mong bóng tối có thể giúp nàng ẩn núp. Bước chân loáng thoáng phía sau. Mầu nấp ở một góc khuất, nàng nghe đằng xa có tiếng người:

- Bẩm cậu, mới nãy con thấy cô Mầu chỗ này, chắc không đi xa đâu ạ.

- Mày nhanh tìm đi.

Cậu út Lạc đã lấy vợ chỉ sau ba tháng hủy mối hôn với Mầu, tuy vậy vợ cậu cũng chẳng thể khiến cậu thay đổi tâm tính. Thói hư tật xấu của cậu chỉ có nhiều lên chứ chẳng bớt bỏ được thứ nào. Tối nay thấy Mầu ở đình xem hội, cậu Lạc quả quyết nhất định phải có được nàng. Muốn đợi đến đêm muộn sẽ ra tay lại chẳng ngờ nàng chạy nhanh thế. Nhưng không sao, càng vậy cậu càng thích, trò mèo vờn chuột này rất kích thích cậu. Cậu hưng phấn cười ra tiếng.

Tiếng cười của cậu Lạc như âm thanh của ma quỷ. Mầu run rẩy, cắn chặt môi để giữ mình bình tĩnh.

Cậu Lạc ở chỗ mành tre, chẳng mấy mà họ sẽ đến gần đây. Mầu xách váy chạy thục mạng ra phía sau đình. Mầu tưởng như tim mình đã nhảy lên tận cổ rồi, nàng hít thở khó khăn, chỉ cố sống cố chết chạy.

Một sức lực cực lớn kéo giật lại Mầu, nàng thảng thốt, lông tơ trên người thi nhau dựng đứng, sống lưng lạnh toát hệt ma vuốt. Mầu định kêu lên nhưng đã bị một bàn tay bịt kín miệng. Nàng ú ớ, giãy người ra khỏi sự kìm kẹp kia, bỗng trên đầu có tiếng nói rất thấp.

- Là tôi, cô Mầu.

Là anh Lộ!

Mầu nghe ra giọng anh, mới thôi không giãy dụa. Sự hoảng loạn cùng cảm động đan xem trong đôi mắt Mầu. Anh Lộ kéo nàng vào kẽ hở của gian nhà hậu với một nhà thờ.

Chỗ ẩn nấp chật hẹp nhưng lại khéo che mắt được người ngoài.

Anh Lộ trước đó đã thấy Mầu hốt hoảng rời đi, lại trông cậu Lạc ở phía sau. Anh mới lo lắng đi tìm Mầu. Rốt cục, anh nhanh chân hơn bọn họ.

Mầu nép vào người anh Lộ, cả người vẫn còn run rẩy, đôi tay nắm chặt vạt áo anh. Mầu cắn chặt môi chỉ sợ mình phát ra tiếng động. Nàng có thể nghe thấy âm thanh náo nhiệt ở chỗ sân đình văng vẳng lại đây, tiếng hít thở kìm nén và cả tiếng trái tim nàng cùng anh Lộ đập rộn. May mắn thay thằng tớ nhà cậu Lạc đã không để ý kỹ chỗ bọn họ đương trốn.

Cậu Lạc đã mất dần kiên nhẫn, tìm một lượt phía sau đình mà không thấy Mầu đâu, cậu lại bắt thằng tớ tìm ngược lại.

Anh Lộ cầm lấy tay Mầu chạy khỏi chỗ ẩn nấp, ánh sáng nhá nhem giúp che dấu phần nào cho đôi nam nữ. Tường chỗ này khá thấp, anh Lộ giúp Mầu trèo qua cũng theo sau mà thoát khỏi đình.

Cậu Lạc chỉ thấy bóng của hai người lại không nhanh chân bắt kịp. Cửa sau đã đóng, trời tối nên không trông rõ mặt người nhưng cậu dám chắc trong đó có Mầu. Cậu Lạc giận cá chém thớt đá vào chân thằng tớ cũng vừa mới chạy tới, thầm rủa: Thằng ôn nào mà dám qua mặt cậu cướp Mầu, cậu mà bắt được thì chỉ có đường chết. Cậu Lạc bừng bừng tức giận, chẳng quan tâm đến lễ nghĩa, cậu chẳng tiếc bộ quần áo đương mặc, bắt thằng tớ giúp mình trèo qua tường, đuổi theo Mầu.



Đã là đêm khuya, có người từ hội đình trở về nhà, thấp thoáng bóng một người đàn ông đỡ một người đàn bà trong đêm làm hắn giật mình, người đàn ông kia còn kêu lên hai tiếng cô Mầu thì phải, bọn họ có vẻ gấp gáp lắm. Hắn bèn tặc lưỡi: Đúng là ngày hội xuân!

Khi cảm thấy đã an toàn, Mầu cùng anh Lộ mới dừng lại. Nàng thở dốc, bấy giờ mới nhận ra một chiếc hài của mình đã rơi tự lúc nào, chân có chút đau buốt. Chắc là trong khi chạy đá sắc đã cứa bàn chân nàng.

Tiếng côn trùng kêu cùng tiếng lá cây lao xao. Mầu chưa nhận ra chỗ mình đang đứng là đâu bèn hỏi:

- Anh Lộ, đây là chỗ nào?

- Bãi tha ma.

Người Mầu chợt lạnh, vô thức lại gần anh Lộ.

- Cô không phải sợ, so với nơi này thì chỗ cậu Lạc còn đáng sợ hơn ấy chứ. – Anh Lộ an ủi.

Đúng vậy, chỗ này có gì đáng sợ, anh Lộ còn ở bên cạnh nàng nữa mà. Nương theo ánh trăng Mầu cũng chẳng thể nào trông rõ nét mặt anh Lộ, phần vì sợ làm kinh động đến những âm hồn nơi đây phần còn lại lo người nhà cậu Lạc có thể đuổi đến giọng nàng bé như muỗi kêu:

- Anh Lộ, cảm ơn anh. Không có anh thì tôi không biết mình ra sao nữa.

Anh Lộ nhìn dáng vẻ nhỏ bé của Mầu, trông nàng rất đỗi đáng thương. Biết bao nhiêu con người có ở đó nhưng Mầu lại phải bỏ chạy, chẳng ai chú ý đến nàng hay phần vì không dám động đến cậu Lạc. Anh Lộ biết trong đám hội ấy vẫn có anh chị của Mầu, vậy mà đến những người ruột thịt như thế nàng cũng chẳng thể trông cậy. Làm con gái phú ông - người có chút máu mặt trong làng mà cũng chẳng bằng bọn dân nghèo. Không thể nén được sự thương xót, anh Lộ thở dài.

Hai người chọn một chỗ ngồi không vội rời đi. Chẳng ai nói thêm điều gì, chỉ lẳng lặng ở cạnh nhau. Mầu nhớ về chuyện vừa xảy ra, nghĩ đến việc anh Lộ đã cứu mình. Rồi nàng nghĩ về chuyện của mình cùng anh. Chẳng lẽ nàng phải chôn giấu tình cảm của mình rồi nhìn anh Lộ lấy vợ, rồi những đứa con anh ra đời. Còn Mầu, nàng sẽ phải lấy chồng hoặc là sẽ phải ở vậy đến già. Bây giờ không thổ lộ liệu nàng còn có cơ hội nào để nói với anh? Mầu lại lo sợ nói ra anh Lộ chê mình, hai người không thể nào như trước kia được nữa. Bao nhiêu là suy diễn nhảy nhót trong đầu. Mầu chẳng biết mình đã thở dài bao nhiêu lần.

Trên đỉnh đầu của Mầu có tiếng nói trầm ấm, anh Lộ đã đứng dậy tự khi nào.

- Đi thôi, tôi đưa cô về.

Mầu ngẩn người, nàng còn mải suy nghĩ xem nên nói hay là không nên. Nghe lời anh Lộ, Mầu đứng dậy, phủi đi bụi đất ở váy áo nhưng xem chừng phía sau hãy còn bẩn lắm.

Anh Lộ đi trước bước chân không vội như chờ Mầu theo kịp mình.

Trăng tỏa thứ ánh sáng dịu dàng, một cơn gió nhẹ lướt qua hai người. Ánh trăng không khiến Mầu nhìn rõ người trước mắt nhưng lại chiếu sáng rõ lòng nàng. Mầu khi ấy có một dũng khí rất lớn. Lúc tối trời như thế này đây, chỉ có hai người như thế này đây nếu không nói ra chân tình của mình, Mầu nghĩ nàng chẳng còn cơ hội nào nữa.

Bàn tay anh thực Lộ ấm nóng, trái ngược hẳn với sự lạnh giá của bàn tay Mầu. Mầu mặt mũi nóng bừng, dù là ban đêm anh Lộ chắc sẽ không nhận ra nhưng nàng cảm thấy rất xấu hổ. Tay cũng đã cầm rồi, người cũng quay lại nhìn nàng rồi. Đột nhiên Mầu lại không biết phải nói sao.

Anh Lộ tưởng Mầu vẫn còn sợ chuyện cậu Lạc, không cảm thấy hành vi cầm tay này có gì quá phận. Anh không rút tay về mà bàn tay kia còn nắm lấy tay Mầu an ủi.

- Cô không phải sợ cậu Lạc, tôi ở đây giúp cô.

Mầu không phải muốn nói chuyện này. Nàng ngẩng đầu tìm đến ánh mắt anh, nàng nghe thấy tiếng trái tim đập rộn rã, nghe cả những lời từ tận đáy lòng mình nói với anh:

- Anh Lộ, tôi thương anh.

Mọi thứ như ngưng đọng trong thời khắc Mầu thổ lộ tâm tình. Anh Lộ nhìn nàng đầy ngỡ ngàng rồi bối rối. Sực nhớ ra bàn tay họ vẫn đương nắm anh vội buông ra.

Mầu đã lường được việc này, anh Lộ không có tình cảm gì với nàng, nhưng điều diễn ra trước mắt vẫn làm nàng hụt hẫng. Cái buông tay vội vàng này có phải đồng nghĩa với việc anh từ chối nàng? Mầu cảm thấy như có ai kéo ghì đôi vai nàng xuống, sức lực chẳng còn chút nào.

- Cô Mầu, cô đừng nói đùa thế. Chúng ta vẫn là đi thôi. – Anh Lộ chẳng biết phải làm sao, bối rối đứng đó nhìn dáng vẻ ủ rũ của Mầu.

- Chắc anh cũng coi thường tôi, giống như bọn họ. – Mầu trong lòng chua xót, nếu đây là sự thực nàng quả là không chịu được, nhưng Mầu không nghĩ được lý do nào khác nữa.

- Cô đừng nói vậy. Là tôi không xứng với cô. Tôi chỉ là con nhà cua ốc sao dám trèo cao. Chuyện này không thể được, không thể nào.

Nghe anh Lộ vội vàng phân bua, Mầu xúc động: anh nói vậy có phải chỉ vì chuyện giàu nghèo nên mới muốn trốn tránh không tiếp nhận tình cảm của nàng, nàng vẫn có thể kết duyên với anh được chứ? Trong lòng Mầu có chút hy vọng hỏi anh:

- Anh có chê tôi không?

Anh Lộ lắc đầu nói:

- Gia cảnh tôi nghèo hèn, đến thân mình còn lo chưa xong, tôi không dám thương ai đâu cô Mầu.

Mầu nhìn vào mắt anh Lộ. Anh nói vậy có phải là có chút tình cảm với mình, hay chỉ là nói lời từ chối một cách uyển chuyển.

- Tôi chỉ cần biết một điều thôi, anh có chút nào thương tôi không?

Anh Lộ biết Mầu có tình ý với mình, song anh coi như không có chuyện gì. Anh từng bao lần bắt gặp nàng lén nhìn anh, lần nào đưa cơm cũng nhiều hơn so với người khác, lần nào làm cùng nàng cũng đều đỏ mặt ngượng ngùng, nàng còn giúp đỡ anh không ngại bất cứ điều gì. Mầu đẹp, đám đàn ông con trai khi bàn luận về nàng đều chú ý đến dáng người của nàng, làn da trắng hồng, môi đỏ, mặt trái xoan. Với anh Lộ Mầu đẹp nhất ở đôi mắt. Cái đôi mắt lá dăm đáng trăm quan tiền kia lại lúc nào cũng hướng về anh. Làm sao không khiến anh động lòng cho được. Quan trọng hơn cả anh biết Mầu không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết. Nàng hiếu thuận với người mẹ đau yếu, nàng cần cù chăm chỉ, nàng rất khéo tay, nàng cũng rất hiểu biết. Chắc có lẽ phận má hồng luôn khiến người đời ghen ghét, nàng tốt đẹp là vậy nhưng lại phải chịu bao lời gièm pha, chếu giễu. Anh Lộ thương Mầu nhưng chỉ dám nhìn từ xa.

Anh Lộ đã từng có giấc mơ về đám cưới của mình với Mầu. Tỉnh mộng, nghĩ đến việc phải nộp cheo cho làng, rồi đời nào ông phú chấp nhận thằng con rể nghèo kiết xác như anh. Chuyện ấy chỉ làm anh thấy ê chề, khốn khổ. Anh Lộ lắc đầu để mình tỉnh táo lại, cứng rắn nói:

- Cô Mầu, chúng ta về thôi. – Anh Lộ xoay người định đi trước lại bị Mầu giữ lại. phải lấy bao nhiêu can đảm Mầu mới nói ra được lòng mình, nàng muốn biết câu trả lời thực sự của anh. Giọng nàng thì thào yếu ớt chỉ có đôi mắt đen kia là còn chút kiên định:

- Anh Lộ, đừng nói chuyện giàu nghèo. Em chỉ cần biết một điều rằng anh có thương em không thôi.

Anh Lộ không thể tránh được ánh mắt Mầu. Cả khuôn mặt nàng phủ đầy ánh trăng, đôi mắt nàng giờ đã mở lớn đầy chờ mong. Sao anh không thương Mầu cho được. Anh Lộ thở dài, cả tâm hồn anh đều bị giam trong đôi mắt ấy rồi, chẳng thể dối lòng mình, anh nhẹ giọng:

- Tôi cũng thương em.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
Cảm động. Bạn khiến độc giả như mình thực sự có cái nhìn không những khác mà rất khác về Mầu "ẳng lơ". Đằng sau cái lẳng lơ ấy là sự phòng bị, là tâm hồn cũng nhạy cảm như bao thiếu nữ "con nhà lành" khác. Càng về sau thì càng thấy truyện là của riêng bạn rồi, mình không liên đới được với nguyên tác nữa. (Có chăng chắc Mầu sẽ có con với Lộ hả? ^^)
 

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Cảm động. Bạn khiến độc giả như mình thực sự có cái nhìn không những khác mà rất khác về Mầu "ẳng lơ". Đằng sau cái lẳng lơ ấy là sự phòng bị, là tâm hồn cũng nhạy cảm như bao thiếu nữ "con nhà lành" khác. Càng về sau thì càng thấy truyện là của riêng bạn rồi, mình không liên đới được với nguyên tác nữa. (Có chăng chắc Mầu sẽ có con với Lộ hả? ^^)
Cảm ơn Ô nhiều nhiều. >:D<>:D<
Mình vẫn đi theo nguyên tác. Thị Mầu lên chùa thấy tiểu Kính Tâm (Thị Kính) thì trêu ghẹo. Mầu chửa hoang bị làng phạt vạ, Thị Kính chịu tiếng oan và sau đó nuôi dưỡng đứa trẻ.
Chương sau Thị Kính xuất hiện rồi Ô. Nhưng dù sao vẫn chỉ là nhân vật phụ. b-)
(Ô nói đúng truyện đứa con đấy, không với anh Lộ thì còn có thể là ai được. :x)
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
(Ô nói đúng truyện đứa con đấy, không với anh Lộ thì còn có thể là ai được. :x)
Yeah! ^^ Ý Ô là sau câu "Tôi cũng thương em" là "..." luôn í.
Thị Mầu lên chùa thấy tiểu Kính Tâm (Thị Kính) thì trêu ghẹo. Mầu chửa hoang bị làng phạt vạ, Thị Kính chịu tiếng oan và sau đó nuôi dưỡng đứa trẻ.
Ùa Ô hiểu rồi, nhưng mà Ô đọc nguyên tác thì ngắn lắm với không rõ tên nhân vật, nên Ô thấy Cam đặt tên nhân vật còn phác họa cả tính nết riêng thì thấy nể lắm luôn í. Nói chung là Ô thích truyện này lắm, nếu mà không phải dự thi thì thực ra cũng không cần để phóng tác phía trước.
 

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 9

Dạo này con Nếp thấy cô Mầu lạ lắm.

Sau cái đêm hội làng, người ta đồn thổi cô Mầu nhà nó chim chuột với cậu Lạc, rồi lại cùng người đàn ông khác tình tự, thói lẳng lơ đã thành nết chẳng có thuốc nào chữa nổi. Con Nếp bực thay cho cô Mầu, thật là mấy cái người đã không biết rõ sự tình mà lại làm như mình trong cuộc. Cho dù đêm hội làng con Nếp không tường tận mọi sự, thế nhưng nó dám chắc một chuyện rằng: cô Mầu nhà nó ghê sợ cậu Lạc như loài rắn rết thì chả có cớ gì lại đi chim chuột với cậu ấy được. Mà mấy kẻ nói xấu cô Mầu để nó nghe thấy đều mở miệng ra là “Tao nghe người ta nói”. Thế mà nó hỏi “người ta là ai” thì họ chẳng trả lời được còn bực bội mắng nó trẻ ranh. Hễ thấy ai buông lời gièm pha cô là con Nếp đều tức giận gân cổ nói lại nhưng cái miệng nhỏ của nó làm sao đấu được cả một đám người lớn nhiều chuyện. Như hôm nay ở chỗ gốc đa đầu làng cũng vậy, con Nếp cùng cô Mầu đi ngang qua tình cờ nghe được đám ba, bốn người cười cợt, chế giễu về cô. Cô chủ nhà nó với vẻ mặt bình tĩnh, thản nhiên cắp thúng bỏ đi, để lại sau lưng mấy người đàn bà có phần thất thố và một đứa ở bừng bừng tức giận. Con Nếp đứng đó hồi lâu, đến khi nói không lại được người ta mới chịu trở về, nó đem theo sự buồn bực lên đến tận thềm nhà.

Con Nếp thấy cô Mầu đang ngồi thủng thẳng vót nan miệng khẽ ngân nga vài câu hát bèn ngồi phịch xuống thềm cách cô vài bước chân. Miệng nó làu bàu trách móc:

- Cô Mầu, sao cô lại không nói gì. Cô phải mắng cho bọn họ một trận chứ. Đằng này cô mặc kệ, còn để con ở đó một mình. Bọn họ cậy nhiều người lại thấy con bé thì xúm vào bắt nạt.
Con Nếp càng nói càng tức mình. Người ta oan ức một tí đã cuống cuồng giải thích, oán thán ông trời rồi tranh đấu một phen còn cô Mầu nhà nó thì dửng dưng chẳng thèm để bụng. Đừng nghĩ con Nếp bé mà không biết gì, nó thấy mình còn hơn khối kẻ chỉ thích đơm đặt gieo tiếng xấu như mấy người ở gốc đa kia. Cô Mầu nhà nó tốt lắm. Vậy nhưng nó chẳng giúp gì cho cô được, tại nó còn nhỏ, tại nó chỉ là một đứa ở thành ra lời nó nói không chút phân lượng nào và còn tại cả lòng dạ xấu xa của những kẻ ngoài kia nữa chứ, nếu thiện lương như nó có phải là hay không.

Mầu đương ngồi đan lại cái cạp rổ tre chỉ liếc mắt nhìn con Nếp một cái, chẳng thèm đáp lời nó. Con Nếp bất mãn lắm, nó thấy cô Mầu cứ dửng dưng như không phải chuyện của mình lại nói:

- Cô Mầu, bọn họ bảo cô quen thói lẳng lơ, gái hư trắc nết, cô không biết giận ạ?

Mầu nín cười khi nhìn bộ dạng “gà mẹ bảo vệ gà con” của con Nếp. Liệu có đứa ở nào như con Nếp này không? Cô chủ nó đường đường ngồi trước mặt mà nó dám ở đó mà sổ ra mấy từ bất kính như thế. Mầu không giận, chỉ thấy yêu thương con Nếp hơn. Được thể nàng càng đùa giỡn nó. Đôi tay Mầu từ từ siết nan tre cho chặt, nàng vừa làm vừa thảnh thơi cất giọng đọc hai câu thơ:

Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng.​

Mầu hơi ngẩng đầu, giả bộ thở than.

- Ôi, ai rồi cũng phải khiêng ra ngoài đồng.

Con Nếp xụ mặt rất không thích kiểu nói chơi của cô Mầu. Nó hiểu cô chẳng để bụng, không hề tức giận vì bị gièm pha, nhưng lỡ vào tai người khác thì chẳng phải là cô Mầu thừa nhận mình lẳng lơ, còn có thái độ trêu ngươi nữa. Con Nếp bĩu môi, vờ hỏi:

- Cô Mầu, thế mai con đọc thơ này cho họ nghe nhé?

Thị Mầu không nín cười được nữa, nàng nói với con Nếp:

- Con bé này, là cô nói chơi thôi. Mày không phải phí sức đi đôi co với bọn họ, cô biết mày có lòng với cô là cô vui rồi, không cần tức giận như thế.

- Nhưng con vẫn tức lắm. – Con Nếp phùng má, ngúng nguẩy không chịu.

- Ôi, con bé này. Mày tức không làm gì được họ lại về đây xị mặt với cô à.

Dáng vẻ của con Nếp khiến Mầu phì cười, nằng không để ý đến nó nữa mà thu dọn xung quanh. Thấy Mầu chuẩn bị xuống bếp, con Nếp vẫn cố dò hỏi cô chủ nó thêm lần nữa:

- Cô thật không để bụng ạ?

Mầu chẳng buồn đáp lại đi xuống bếp.

Con Nếp tự nhận mình không hiểu suy nghĩ của cô Mầu. Cô bảo không để bụng vậy mà nó vẫn bắt gặp cô khi ngẩn người, mặt thẫn thờ trông ra cổng. Thế nhưng nếu để bụng thì những khi cô ngồi mỉm cười một mình là có ý gì, mà có khi cô vừa cười xong lại ủ ê thở dài lại là có ý gì nữa? Cứ vài bận thấy cô Mầu vậy làm con Nếp nhớ đến bà góa dở ở làng. Nó lo cô Mầu không chịu được miệng lưỡi độc địa của thiên hạ mà phát điên giống bà góa dở ấy: suốt ngày khóc khóc cười cười thì thật là khốn nạn. Con Nếp chợt rùng mình một cái, nó không dám nghĩ xa xôi hơn nữa, như bây giờ vẫn là tốt lắm. Thế rồi nó đứng dậy lon ton theo bước cô Mầu.

Mà Thị Mầu trong bếp chẳng hề hay biết sự lo lắng của con Nếp với mình, nếu có chắc nàng phải kháo vào đầu nó một cái cho hả giận vì dám so nàng với bà góa dở. Bụng dạ Mầu lúc này đây chỉ nghĩ đến một người. Đêm hội qua đi, dù bị trêu ghẹo cùng nhiều lời đàm tiếu thì Mầu vẫn cảm thấy ngọt ngào. Với Mầu, chẳng gì mừng vui hơn việc người mình thương cũng thương mình. Song cái niềm vui của nàng thực cũng chẳng trọn vẹn. Nàng không biết phải làm sao để thành đôi với anh Lộ, khi thầy mình chỉ coi trọng chuyện bạc tiền.

Mầu ủ ê rồi Mầu cũng nhanh lạc quan trở lại vì nàng nghĩ: thanh danh bị mất của mình sẽ khiến những ông tơ bà nguyệt e ngại mối mai, những nhà muốn tìm dâu hiền, vợ thảo chắc cũng chẳng để nàng vào mắt và khéo như vậy lại có thể làm cho thầy mình suy nghĩ chuyện hôn sự của Mầu với anh Lộ. Chứ nếu nàng không mang tiếng xấu, ai đời ông phú sẽ gả con gái cho một kẻ phải làm công trả nợ như anh. Rồi Mầu đã vẽ ra cái cảnh mà ở đó: ngày ngày nàng cùng anh ra đồng làm ruộng. Tối đến nàng dệt vải còn anh ngồi chẻ nan đan giỏ, thi thoảng hai người bọn họ sẽ nói với nhau đôi câu. Họ sẽ sống một cuộc sống thanh bình tận cho đến khi bạc đầu. Anh Lộ tuy nghèo nhưng Mầu thấy được cái chí ở anh, nàng lạc quan lắm. Nàng cùng anh còn trẻ, sức dài vai rộng, nếu có khốn khó cũng không phải cả đời được.

Thật đúng như câu ngày vui ngắn chẳng tày gang. Một tối khi Mầu lén gặp anh Lộ, nàng có dự cảm chẳng lành. Sau những chần chừ cùng ngập ngừng, anh Lộ kể cho nàng chuyện mình mới gặp người chú họ vừa trở về làng. Chú muốn anh đi theo giúp việc cho ông. Trông thấy Mầu cúi đầu buồn bã, anh Lộ vội cầm lấy tay nàng vỗ về.

- Tôi không đi em đừng lo.

Nếu là trước đây anh Lộ đã quần áo tay nải rời làng không do dự. Anh muốn thoát khỏi kiếp nghèo, thẳng lưng mà sống chứ chẳng muốn cả đời cúi mặt khom lưng làm thuê, làm mướn ngoài ruộng. Anh Lộ thực đắn đo. Anh đã sắp trả xong nợ ông phú, chỉ cần bán ngôi nhà cùng vườn nhỏ cũng đủ trả số tiền nợ và còn dư chút ít để anh đi cùng chú họ. Thế nhưng sau cùng anh vẫn là từ chối vì anh Lộ nghĩ đến Mầu. Nàng đã trao thân gửi phận nơi anh và anh thực sự muốn cưới nàng làm vợ.

Anh mà đi chẳng biết khi nào mới trở về, có thể là một năm cũng có thể mười năm. Con gái có lứa có thì nếu anh làm lỡ dở đời Mầu hoặc là nàng sẽ làm vợ người ta cả hai điều này anh đều không muốn.

- Lời anh nói muốn cưới em là giả sao?

- Không phải. Mọi điều tôi nói với em đều là thật lòng. Tôi thương em, muốn hai ta chung một nhà. Ở làng thật ra cũng tốt, tôi không ngại khổ cực, sẽ chăm chỉ cần cù, chỉ mong em tin tưởng, tôi nhất định làm cho em được hạnh phúc. – Anh Lộ nắm chặt bàn tay của Mầu, từng lời nói chứa chan chân thành.

Mắt Thị Mầu ươn ướt. Nàng cảm động vì chân tình anh Lộ dành cho mình. Cảm động như vậy nên nàng mới nói:

- Nếu anh đi thì sẽ thay lòng đổi dạ sao?

- Lòng dạ tôi trước sau như một. Tôi sẽ không đi em đừng lo lắng quá.

- Em cũng vậy.

Mầu tựa đầu lên vai anh Lộ, nàng nói:

- Anh học chữ để làm gì, anh làm lụng vất vả để làm gì? Chẳng phải là muốn thoát khỏi cảnh nghèo sao? Chính vì chí lớn ở anh mà em lại càng thương anh. Nếu vì em mà anh không được thóa chí tang bồng thì em thấy mình tội lỗi lớn lắm. Anh cứ đi đi, em chờ ngày anh trở về. Trở về đem trầu cau sang nhà thầy mẹ em.

- Ngộ nhỡ tôi không làm nên trò chống gì, lại phiền lụy đến em, bắt em phải chờ đợi.

- Đời người đâu có phải ai cũng gặp được nhân duyên của mình. Là em cam tâm tình nguyện. Được anh thương là em cảm thấy đủ đầy rồi. Em tin anh nên hãy cứ đi đi.

- Tôi lại lo người ta đem trầu cau đến hỏi em.

- Họ không tìm đến kẻ lẳng lơ đâu. – Mầu trêu đùa.

- Đừng nói vậy. Em không phải người như thế. Em là một cô gái tốt đẹp nhất mà tôi biết.

- Vậy là đủ rồi.

Trên ngực áo anh Lộ đã bị vệt nước mắt của Mầu thấm ướt. Đời này, Mầu nghe được những lời của anh là nàng thỏa nguyện rồi.

Nói thương với nhau chưa bao lâu, trao cho nhau lời ước hẹn trăm năm trong một tối hẹn vội vã, cuối cùng Mầu vẫn rời tay anh Lộ.

Tình duyên này thôi đành gửi gió đưa mây để mà từng ngày trông ngóng.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: AFK

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 10


Ngày rằm tháng hai, Mầu cùng mẹ cả và chị ba lên chùa lễ Phật.

Chùa Vân trông ra sông Phấn, lưng dựa vào núi Vĩnh An. Bốn bề phong cảnh đều khiến lòng trần ngợi khen. Trông từ xa chốn thiền lâm như khoác trên mình chiếc áo xanh biếc. Bên trong ngôi chùa cổ kính vang lên thanh âm tiếng gõ mõ tụng kinh. Cảnh chùa thực hòa hợp với thiên nhiên hoa cỏ.

Thị Mầu cùng chị không vào ngay Phật điện mà ở gian nhà cho khách hành hương sắp lễ trước.

Một thầy tiểu đang quét sân, Mầu thấy lạ bèn hỏi chị ba – người rất năng lên chùa:

- Thầy tiểu này trông lạ quá. Mới đến hả chị?

- Vài tháng trước. – Chị ba trả lời cụt ngủn đẩy mâm lễ sang cho Mầu sắp, còn mình ngồi hẳn xuống ghế tre nghỉ ngơi.
Mầu cứ đứng nhìn thầy tiểu mãi, miệng cười tươi, đuôi mắt cong cong thích ý lắm. Chị ba một chốc không thấy Mầu làm gì bèn ngước nhìn lên, trông theo ánh mắt Mầu thì thấy thầy tiểu. Ả nguýt dài:

- Chốn thanh tịnh thế này mà mày làm gì vậy Mầu. Người ta trông vào lại ra làm sao. Nhanh, sắp lễ nhanh lên kẻo mẹ đợi lâu. Thật không nên đem mày đi mà.

Mầu không nhìn thầy tiểu nữa, tay lanh lẹ lấy quả đem đặt lên mâm, nhỏ giọng tiếc nuối:

- Chị ba, chị không thấy tiểu rất đáng nhìn sao. Người gì đâu mà đẹp vậy, như trăng dưới nước, như sao trên trời.

Chị ba trừng mắt với Mầu, giọng điệu khinh ghét:

- Chốn này mà mày còn nảy lòng xuân được hả Mầu.

Thị Mầu liếc mắt trông thầy tiểu lần nữa, chép miệng:

- Em đâu có, chỉ là chị không thấy thầy tiểu rất lạ sao?

- Im miệng mà làm đi.

Bị chị ba đá vào chân, Mầu biết điều khẽ vâng một tiếng. Lễ được sắp xong, chị ba đến chỗ Phật điện, Mầu đội mâm lễ bước theo sau.

Thị Mầu đi chùa trước cầu bình an cho gia đình, sau cầu bình an cho anh Lộ. Cũng đã được ba hôm rồi anh Lộ rời làng. Chỉ ba hôm mà lòng Mầu trống trải, anh đi chuyến này chẳng biết khi nào nàng mới được gặp lại, chẳng rõ chốn anh ở ra sao, nàng chỉ mong anh bình yên mà trở về. Lúc Thị Mầu vái lạy trước tượng Phật xong, quay sang bên cạnh, mẹ con bà cả hãy còn chắp tay, miệng lẩm nhẩm cầu khấn. Thị Mầu rón rén lui ra ngoài, tản bộ quanh chùa một vòng.

Đi đến gốc cây bồ đề Mầu vô tình gặp thầy tiểu ban nãy. Thị Mầu lại gần tiểu, nàng cúi chào lễ phép, hỏi ra mới biết tiểu tên là Kính Tâm.

Mầu tự nhận mình có đôi mắt sáng, nàng nhìn ra tiểu Kính Tâm là phận nữ ngay từ lúc thấy nàng. Chẳng biết duyên cớ chi mà nàng ta lại phải giả trai, xa lìa cõi tục nương nhờ nơi cửa Phật như này. Thị Mầu thực tò mò nhưng cũng không vạch trần tiểu.

Kính Tâm có dáng hình thanh tao, áo tu đơn giản, nói năng lễ độ đúng khuôn phép. Nói được dăm ba câu tiểu đã vội chào bước đi. Còn Mầu cũng rảo bước trở về Phật điện.



Mùng một tháng ba, Thị Mầu lại theo bà cả đi chùa. Em Hồng đi lấy chồng mà chưa nghe được tin vui, bà cả thấy thế đâm ra sốt ruột. Bà ta có hai cô con gái, một đứa đanh đá chua ngoa chưa ai thèm rước đi, còn một đứa tức Thị Hồng về đường con cái lại chưa có gì. Vậy nên từ đầu năm bà cả đã năng lên chùa, công đức không ít bạc tiền cầu mong Phật tổ phù hộ cho con bà. Về phần Mầu, vốn chuyện lễ Phật một năm nàng chỉ đi có vài bận thế nhưng vì muốn mưu sự cho mình nàng liền đi nhiều thêm một chuyến.

Nhác trông thấy thầy tiểu, Mầu liền lân la đến gần. Mầu mới bắt chuyện với tiểu được đôi câu thì lại giống như bữa trước. Tiểu Kính Tâm đáp vội rồi xin phép đi làm cho xong việc sư thầy giao phó.

Sau đó Thị Mầu còn gặp tiểu những hai lần. Nhân lúc tiểu nhận lễ nàng cố tình chạm vào tay tiểu. Chạm được rồi còn cố tình nắm lấy. Kính Tâm thất sắc vội vàng vùng thoát. Đến lúc tiểu quét sân, nàng lại xán đến nhất quyết muốn cầm chổi quét giúp. Tiểu Kính Tâm kinh sợ, nói một câu khách sáo rồi vội vã tránh Mầu. Mà Mầu thấy vậy càng sỗ sàng sấn tới. Tiểu lùi một bước, Mầu tiến một bước, tiểu tránh qua phải, Mầu nghiêng sang phải. Hai bên đẩy qua kéo lại đã bị vài cặp mắt ngang qua để ý tới. Mầu làm bộ như không biết cứ nhiệt thành muốn giúp tiểu quét sân trong khi ấy tiểu Kính Tâm đã rất lúng túng, nàng tamím môi lại, lạnh lùng từ chối ý tốt của Mầu, còn nói bóng gió xa gần mấy câu.

Trong câu nói của Kính Tâm, Mầu nhận ra nàng ta coi mọi sự đời như là bọt nước, một lòng theo con đường đạo, không có bất cứ lòng trần tục nào. Mầu trông trán tiểu đã rịn mồ hôi mà cười thầm. Bấy giờ nàng mới thôi không làm khó tiểu nữa, vờ buồn bực ra về.

Còn chưa đến hôm rằm, Thị Mầu lại lên chùa lễ Phật, lần này nàng đi có một mình. Tiểu Kính Tâm tránh né mấy phen rốt cục không tránh được số kiếp phải gặp Mầu. Lại để đến khi Mầu làm Kính Tâm phải mím môi, nhíu mày nàng mới buông tha không làm phiền thầy tiểu nữa.

Thực ra duyên cớ sâu xa của việc Mầu lên chùa là vì nàng muốn mang tiếng xấu. Vâng! Là tiếng xấu chứ không phải tiếng thơm. Nghĩ cũng thực chua chát, thử hỏi ai đời lại có người tự bôi tro trát trấu lên mặt mình như Mầu không?

Mầu chỉ muốn kết tóc se duyên với người mình thương mà sao khó quá. Giờ Mầu đã biết lòng anh Lộ, anh muốn rời làng đi buôn, nàng không cản. Nàng ủng hộ anh ra đi. Mầu nguyện ý chờ đợi, chỉ muốn làm vợ anh nhưng ông phú làm sao cho phép chuyện như vậy xảy ra. Mầu không nắm được trong tay chuyện hôn sự của mình, cái mối lo bị ép duyên vẫn luôn canh cánh trong lòng nàng. Thế nên, hôm gặp tiểu Kính Tâm ấy, Mầu có chủ ý thật táo bạo, mượn cái tiếng xấu lẳng lơ để mà tránh các đám hỏi. Càng bị chế nhạo coi thường, cười cợt bao nhiêu lại là một chuyện đáng mừng với nàng.

Tiếng Mầu đã xấu, giờ thêm cả việc nàng dám trêu ghẹo tiểu trong chùa, thử hỏi có ai dám hỏi nàng làm vợ, làm dâu con cho nhà bọn họ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: AFK

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 11

Trời mưa không ngớt đã mấy ngày nay. Con Nếp từ tinh mơ đã phải lên nhà hầu ông phú và bà cả rửa mặt chải đầu. Sáng nay ông bà phú có công chuyện gấp, đến cả trời mưa lớn cũng không thể hoãn được. Xấu trời lại thêm công chuyện gấp gáp nên ông bà phú tính tình cũng xấu theo luôn. Ông bà mắng xơi xơi con Nếp từ lúc nó vào. Bà cả mắng nó chả được tích sự gì, nuôi tốn cơm tốn gạo. Ông phú giận con Nếp chậm chạp, có lấy cái gậy cho ông mà cũng mãi không xong, rồi dọa bỏ đói, đánh roi nó... Khổ nỗi con Nếp khi đó vẫn còn đương chải đầu cho bà cả chứ nó nào có dám chậm. Vừa mới nhận từ con Nếp cái gậy, ông phú đã đánh nó một roi coi như trừng phạt rồi bước nhanh ra ngoài. Con Nếp đau lắm, mắt nó đã ầng ậng nước mà cố nhịn, chỉ khom lưng cúi đầu vội theo phía sau cầm đồ cho bà cả. Rốt cuộc ông bà phú cũng lục tục ra khỏi nhà, lên xe ngựa rời đi cùng anh Tịu.

Con Nếp đóng cổng. Nó thở hắt ra một hơi như trút được gánh nặng, cầm ô trở lại phòng bà cả.

Cây lộc vừng ở mé sân đương lúc trổ hoa. Con Nếp nhớ tầm này năm ngoái cây cũng vậy. Tháng năm năm trước hoa nở gặp trời mưa gió, mà tháng năm của năm nay trời vẫn mưa không ngừng.

Con Nếp không thích cây lộc vừng này. Mà không, phải nói là nó không thích cây lộc vừng ra hoa. Mà xác hơn nữa là con Nếp không thích cảnh hoa lộc vừng những hôm trời mưa. Vì khi đó, con Nếp quét sân sẽ bị quở mắng là lười biếng, là ăn hại, là vô tích sự, nó thậm chí còn bị đòn roi nữa. Mặc cho nó quét thế nào sân nhà ông phú vẫn có những tàn hoa đo đỏ hồng hồng, hoa rơi hoa rụng sau mỗi cơn mưa. Cây lộc vừng gợi lại chuyện buồn cho con Nếp, nó không nhìn nữa bước nhanh đến chỗ ở bà cả. Nó còn phải đi đổ bô nước tiểu cho bà. Lúc ra khỏi cửa, mưa vẫn rơi rả rích. Con Nếp đưa mắt dáo dác xung quanh, thấy không có ai, nó cầm bô chạy nhanh đến chỗ gốc cây lộc vừng.

…​


Mầu sáng nay đi thăm ruộng, mấy bà mấy chị ngoài đồng thỉnh thoảng lại nhìn nàng như tìm tòi, như nghi hoặc. Mưa đã tạnh từ hôm trước, bầu trời xanh ngắt một màu, nắng trải dài khắp cánh đồng, mấy con chim chích vui mừng chào ngày nắng bằng tiếng hót ríu rít. Tiết trời không nóng mà thực dễ chịu.

Mới được nửa buổi mà Mầu đã trở về trước.

Trên đường về ngang qua căn lều rách của mẹ con cái Gái, Mầu nghe thấy tiếng ho lụ khụ phát ra từ trong lều, xen lẫn cả tiếng khóc ỉ ôi đứt đoạn. Tâm tư nàng bỗng trùng xuống, khẽ đặt tay lên bụng mình, Mầu rảo bước chân.

Mầu về đến cổng tâm tình vẫn không khá lên được, cả người nàng uể oải, bước chân nặng nề. Nhà giờ này chắc chỉ có mẹ và anh Tịu.

Ngang qua mấy cái lồng chim của thầy mình, cái sắc vàng rực rỡ của chim hoàng oanh nổi bật khiến Mầu phải lại gần. Đây là con chim ông phú mấy hôm trước mang về. Ông phấn khởi lắm, miệng thao thao bất tuyệt, nước miếng văng tung tóe do quá hưng phấn kể về con chim này. Ông kể cho Mầu nghe: rằng bộ lông nó tuyệt mĩ thế nào, giọng hót nó ngọt ra làm sao, rằng ông đã phải mất tiền và mất sức thế nào mới đem được nó về nhà. Cho đến giờ Mầu chưa được nghe hoàng oanh hót. Bộ lông của nó đã không còn trơn mượt, bóng bẩy như hôm đầu mua về. Trông nó sầu lắm Mầu tưởng vậy.

Bàn tay Mầu đã chạm đến cửa lồng tự khi nào, rồi nàng trông theo bóng chim được tự do bay lên bầu trời cao, bay xa dần cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ rồi mất hút. Tâm trạng của Mầu bấy giờ mới khá hơn một chút, nàng đi tìm mẹ mình để thưa chuyện.

Bà hai không ngờ hãy còn sớm mà Mầu đã trở về, nom sắc mặt của nàng không khỏe. Dạo gần đây thấy tinh thần con gái có phần sa sút, bà hai lo lắng hỏi chuyện thì Mầu chỉ nói do trở trời hay cảnh làm đồng vất vả. Bà hai thương con khuyên nàng ăn uống cho tốt, làm việc không cần quá sức rồi cũng không nghi ngờ điều chi.

Khi Mầu quỳ xụp người trước mặt, bà hai đương ngồi trên giường nghĩ đến sự chẳng lành. Bà hai kéo Mầu lên ngồi cạnh mình, lo lắng hỏi nàng có việc gì sảy ra. Thị Mầu bấy giờ không dám giấu giếm mẹ nữa. Nàng kể chuyện của mình và anh Lộ. Từ lúc biết mình mang bầu, Mầu mừng thì ít mà lo thì nhiều. Tình duyên đã kết trái, nhưng giờ anh Lộ không có ở đây, nàng phải làm thế nào? Mầu lo lắng đủ điều và nàng sợ. Vậy là nàng giữ kín bí mật này, thấy có lỗi với mẹ nàng còn chẳng dám thưa chuyện cho bà biết.

Mầu đã nghĩ giấu được ngày nào hay ngày ấy. Nhưng đến lúc bụng nàng to ra, thứ vải vóc nàng vận không còn có thể che giấu hoàn hảo bí mật kia thì nàng đâm hoảng.

Mầu kể rất ngập ngừng, đôi mắt tràn ngập sợ hãi, vừa kể vừa nhìn mẹ. Nàng thấy có lỗi với bà lắm , xấu hổ vì đã gây ra tội.

Lòng dạ bà hai rối như tơ vò. Kinh ngạc có, thương xót có, đau đớn có, tức giận cũng có. Con mình lỡ dại bà hai giận mình làm mẹ lại không lo được cho con. Viền mắt đã đỏ hoe, bà hai trông Mầu đương cúi đầu, dáng vẻ rầu rĩ. Miệng nàng không ngừng nói câu xin lỗi, hai bàn tay vần vò góc áo làm chỗ ấy nhăn nhúm lại. Nghe Mầu kể bà hai mới thấy con gái bà không mạnh mẽ như bà hằng nghĩ. Nó cũng chỉ là một thiếu nữ mới lớn, vẫn có những yếu đuối tự ti. Giận con dại dột bà đồng thời căm ghét bản thân vô năng không thể làm chỗ dựa để Mầu phải tự đương đầu mọi chuyện, đến cả cái chuyện lớn như thế mà nàng không dám nói ra. Bà hai mắng Mầu một câu ngốc nghếch song lại ôm nàng vào lòng. Bà vỗ vai nhẹ nhàng an ủi nói với Mầu mọi chuyện sẽ ổn cả. Hai mẹ con bà hai ôm nhau khóc một hồi cũng thôi. Bà hai bắt mình bình tâm trở lại. Đầu óc bà xoay chuyển nghĩ đến những việc sẽ xảy ra nếu mọi thứ vỡ lở. Bà hỏi thêm Mầu đôi điều rồi bảo nàng không được kể sự thực cho ai biết, mọi thứ cứ để bà ra mặt lo liệu.

…​


Ông phú từ nhà cụ Bát trở về. Vừa mới từ trong nhà bước ra ngoài hiên. Ông phú rú lên, mắt trợn trừng nhìn về những cái lồng chim phía xa. Ông đứng như trời trồng, bàn tay to béo run run, không tin sự tình trước mắt. Miệng gào lớn:

- Thằng Tịu, thằng Tịu đâu rồi.

Anh Tịu ở cạnh bếp nghe ông phú gọi vội vàng dạ một tiếng thật to, nhanh nhẹn chạy lên nhà trên xem xảy ra sự gì.

Ông Phú đứng đó thất thần, miệng lẩm bẩm:

- Chim của ông, chim của ông đâu rồi?

Anh Tịu nghe vậy lấy làm kỳ lạ, tầm mắt mới vừa đặt trên mặt ông phú Lục di chuyển xuống phía dưới quần ông. Rồi anh Tịu bị ông phú đánh cho một cái điếng người. Ông phú đầy tức giận, tiếng ông rít qua kẽ răng:

- Mày nhìn đi đâu đấy hả thằng này. Con chim của ông, con chim quý của ông đâu rồi? Mày ở nhà mà trông nom thế hả Tịu.

Vừa nói ông phú vừa xách tai kéo anh Tịu đến chỗ lồng chim. Chỉ vào cái lồng trống không.

Anh Tịu mặt nhăn nhó, tay xoa cái tai đau bấy giờ mới hiểu đã xảy ra sự gì, cơ mà sáng nay sau khi anh cho lũ chim ăn hẵng còn đầy đủ. Sau đó cũng chỉ có ông phú lại ngắm con chim hoàng oanh và lấy thêm thức ăn cho nó. Giờ chim bay mất, cái tội này chả lẽ anh phải gánh. Anh Tịu vội vàng thưa:

- Lạy ông, thật con đâu dám làm việc qua quýt. Như ông thấy sáng nay con chăm chim cửa nẻo đều đóng kỹ càng. Nếu là quân trộm cắp có vào chả lẽ nó bắt mỗi con chim, mà không xách luôn cái lồng hay trộm thứ khác. Chim bị mèo xơi con nghĩ chắc không phải vì nhà ta đâu có nuôi. Hay… hay là lúc ông cho chim ăn chẳng may, chẳng may.

Anh Tịu ấp úng, không dám nói hết câu. Ông phú đương tức giận thì ngẩn người. Rồi ông mới ngẫm ngợi. Sáng nay ông cho hoàng oanh ăn, sau đó chính ông mở cửa lồng vì muốn chạm một chút vào bộ lông tuyệt đẹp của nó. Rồi bà vợ ông gọi, sau đó ông không thể nhớ là mình đã đóng cửa lồng hay chưa.

Đến đây ông phú nghĩ khéo chim bay là do mình bất cẩn. Ông phú như đứt từng khúc ruột, con chim hoàng oanh quý giá ông chơi chưa được mấy ngày đã bay đi mất, ông thậm chí còn chưa được nghe nó cất giọng hót. Thật tiếc lắm thay.

Nghĩ vậy ông lại quay qua tức bà cả, nếu bà không gọi thì ông đã chẳng vội vàng mà đến việc đóng cửa lồng cũng không nhớ. Thật đáng giận mà, giờ này bà ấy hẵng còn đang ở chơi nhà bà Kế.

Dặn dò anh Tịu trông nom cẩn thận mấy con chim ông phú buồn bực lên nhà nằm nghỉ. Chân còn chưa đến bậc thềm, thứ màu vàng úa của cây lộc vừng gần nhà ngang đập vào mắt. Ông phú lật đật chạy qua, lại được thêm một phen sầu não.

Cây lộc vừng lá chuyển màu vàng, mặt sân rải rác xác lá, những cành non thì héo rủ xuống. Ngày hôm qua ông đã thấy lá cây hơi úa màu, cho là do trở trời nắng nóng nên ông nghĩ hẳn không làm sao. Ai ngờ qua một đêm những chiếc lá vàng vọt nhiều thêm, cành lá non không còn tươi tắn. Cây lộc vừng đã từ lâu đời, có cái bộ gốc xù xì và tán cây khá lớn. Chả có lẽ số cây đã tận nên nó mới trút lá ghê gớm thế.
Rồi ông phú gọi anh Tịu lại, hai chủ tớ ngâm cứu cái cây một hồi rốt cuộc không nghĩ ra khả năng nào khác ngoài việc cây lộc vừng già chết. Ông phú phiền muộn, rồi trông ra cái lồng chim trống không, phiền muộn thêm chất chồng. Giá mà ông nhớ đóng cửa lồng, giá mà bà vợ ông không gọi khi ấy.

Vừa nghĩ đến bà cả thì bà cả xuất hiện. Cái tướng bà hớt hải từ tận ngoài cổng đi vào, vừa bước vừa gọi khiến ông phú bực mình.

Chưa kịp giận vợ vì liên quan đến chuyện mất chim. Ông phú đã bị bà phú với khuôn mặt rất ư là trầm trọng kéo lên trên nhà.

Mới ngấp nghé ngồi xuống sập, bà cả vội vã nói với ông phú:

- Ông ơi, to chuyện rồi.

Ông phú nhíu đầu mày còn chuyện gì mà to hơn việc ông bị mất chim chứ, song rồi ông vẫn ra hiệu cho vợ nói tiếp.

- Con Mầu nó làm điều trắc nết, hủy hoại thanh danh nhà ta kia kìa. Giời Phật ơi, thế này thì tôi sao dám ra đường nhìn mặt ai nữa chứ.

- Nói bậy cái gì thế? Con Mầu làm sao?

- Người ta đương đồn ầm lên con Mầu nó không chồng mà chửa kia kìa.

- Bà đừng có nói bừa.

- Tôi sao lại đi nói bừa chuyện này được. Ông không tin cứ gọi con Mầu đến đây, hỏi nó xem có phải không. Chứ tôi rỗi mồm mà đi đặt điều cho nó à.

Ông phú sa sầm nét mặt, sao cái ngày hôm nay tin xấu cứ dồn dập tới thế này? Con Mầu nó dám làm ra cái chuyện tày trời như vậy sao?

Chim quý sổ lồng, cây lộc vừng héo úa tất thảy đều là điềm gở.

Ông phú cả người bốc hỏa kêu anh Tịu gọi Mầu đến.

...​


Mầu mới vừa bước chân vào cửa là ông phú đã nhìn về phía bụng nàng. Khuôn mặt ông lạnh lùng, còn bà cả ở bên thư thả nhấp ngụm trà, ánh mắt hả hê trước cảnh người gặp họa. Ông phú không để Mầu chào hết câu đã to tiếng:

- Mầu, mày nói cho thầy biết chuyện người ta đồn mày có chửa là thật hay giả hả?

Mầu sững sờ ngước mắt nhìn ông phú, cái tin dữ này rốt cục cũng đến tai thầy nàng. Mầu hốt hoảng nhưng rất nhanh đã tự mình trấn tĩnh, phủ nhận:

- Thầy đừng nghe người ta nói bừa, chắc người ta xấu bụng mới đặt điều nói xấu cho con. Chứ con phận nữ vẫn luôn giữ đạo tam tòng thưa thầy.

Bà cả bĩu môi, đay nghiến:

- Mày có chối thì cái bụng mày nó cũng chả chối được.

Rồi bà quay sang nói với ông phú:

- Ông xem xem, cái bụng con Mầu nó đã nhô ra thế kia. Nói không phải chửa, thử hỏi ai tin. Con hư tại mẹ, tôi còn tưởng em hai tài hoa ra sao thế mà lại sinh ra cái đứa con gái mất nết. Đến dạy con cũng không biết đường dạy. Thế nên ông trời mới không thèm thương, mới dày vò em hai cho bõ.

Bà lại trở giọng nói với Mầu:

- Mầu ơi, mày đừng có ở đấy nhiều lời bao biện. Mày có biết là ngoài kia người ta đang chê cười nhà mình hay không. Mày bôi tro trát trấu vào cái nhà này rồi đấy. Cái nhà này đã bạc đãi gì mày mà mày lại làm ra cái sự tày trời như thế hả Mầu.

Cơn uất ức nghẹn lại trong ngực Mầu, cả người nàng run lên tức giận vì bà cả lôi mẹ nàng vào mắng nhiếc. Mọi sự đều do Mầu chứ nào đâu liên quan đến mẹ.

Thấy Mầu im lặng không phản bác, ông phú xem chừng cái sự việc tày trời này là thật. Ông tức giận, tiện tay ném chén trà vào người Mầu không chút thương sót, rồi ông chửi:

- Cái con đĩ, tao nghĩ mày ngoan hiền mà lại đi làm điều xằng bậy như thế hả. Mày nói xem, mày ngủ với thằng nào. Sao mày ngu thế hả, ông đây không thừa bạc tiền mà nộp vạ cho mày đâu nhé. Ông để mày phải cạo đầu bôi vôi như cái Gái ấy.

Chén trà ném trúng vai Mầu. Nàng đau điếng, nước mắt tủi nhục thi nhau rơi xuống. Ông phú lại xa xả mắng, bà cả được thể đay nghiến đến cùng.

Bà hai được con Nếp dìu đến, mới ở ngoài thềm bà đã nghe thấy tiếng khóc lẫn tiếng xin lỗi của con gái, tiếng chửi mắng, chê bôi của chồng và bà cả.

Trông thấy mẹ của Mầu thì bà cả càng thêm phấn chấn, thế này bà được chửi cả mẹ lẫn con. Vậy nhưng rốt cục bà ta lại bị lờ tịt đi.

Bà hai chỉ muốn nói chuyện riêng với chồng, còn không chịu để bà cả tham gia cùng. Ông phú giận con song đối diện với người vợ này vẫn có vài phần nể trọng. Nhùng nhằng một chốc, Mầu và bà cả ai trở về phòng nấy.

Gian nhà chính trở lại vẻ bình yên, thế nhưng hai người ở trong đó đều biết rằng cơn bão tố đã nổi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: AFK
Bên trên