17.
"Ngày Hai mươi sáu tháng Mười một...
Mới đấy đã hai tháng, quãng thời gian có Triết bên cạnh và mình không ra phố, đêm hằng đêm. Cuộc sống vì thế cũng nhẹ nhàng hơn đôi phần.
Triết vẫn chưa tìm được việc làm. Nhìn anh ấy lo lắng, chật vật ngược xuôi, lòng mình như se lại nhưng chẳng dám ủi an lấy nửa lời. Mình hiểu, đàn ông không thích cảm giác bị thương hại từ một phụ nữ thua kém họ về mọi mặt.
Mình đã tìm được công việc làm thêm, một tuần chỉ ba buổi, dọn dẹp nhà cửa trong ngoài cũng chẳng nặng nề chi, nên mong rằng Triết sẽ không phản đối..."
Đúng như tiên liệu của chàng, ngày hôm sau buổi chạm mặt với bố, công ty Kiến Trúc kia khi đã gọi lại với lời xin lỗi nhẹ bẫng rằng nhân sự có vài sự biến động ngoài mong muốn, vị trí của chàng tạm thời để trống. Hai tháng ròng rã tiếp theo, với bằng tốt nghiệp loại ưu, khả năng phát họa chi tiết bằng tay lẫn trên máy tính đều tốt cộng thêm vốn ngoại ngữ lưu loát, chàng vẫn không thể tìm được một công việc chính thức nào. Hầu như những nhà tuyển dụng luôn bày tỏ thái độ hài lòng khi phỏng vấn nhưng sau đấy lại im lặng hoặc hồi đáp vài dòng từ chối ngắn ngủi. Chàng biết bố sẽ có động thái nên đã cố tình chọn những công ty bé, quy mô nội địa, tuy nhiên kết quả cũng chẳng khả quan hơn. Thì ra bàn tay ông rộng lớn hơn chàng biết và đang quyết tâm dùng kinh tế là sức ép sống còn lên vai cậu quí tử xưa nay chỉ biết tiêu tiền của mình. Bố nào còn nấy, ông cố chấp một thì chàng còn ương ngạnh đến mười nên sau hai tháng dài, chàng quyết định tạm dừng tìm việc, tập trung tìm kiếm kế mưu sinh khác thay vì chán nản, nhụt chí bởi trăm mối lo toan, chưa kể đến sự phản đối gay gắt từ gia đình, bạn bè.
Mỗi ngày, ả rời khỏi nhà từ tinh mơ đến tận đêm mới trở về. Công việc nhà dường như do một tay chàng lo liệu sau trước dẫu chàng cũng mệt nhoài chẳng thua kém là bao. Chưa tìm được công việc ổn định nên buổi sáng, chàng loanh quanh khu phố gần nhà, tìm bất kỳ công việc nào có thể kiếm được tiền mà không cần phải trưng ra hộ chiếu ra; nắng vừa dịu xuống, cơm nước xong là chàng lại lang thang đến tận những nơi có nhiều người nước ngoài tập trung, đặt chiếc ghế nhỏ bên hè phố cùng thêm dăm tờ giấy, ít cọ màu để vẽ thuê; nhân tiện để ý xem có nơi nào cần người hay không. Thu nhập có phần bấp bênh nhưng xem như không thâm lạm vào khoản dự phòng quá nhiều, ả cũng đỡ phải nén tiếng thở dài trong những đêm muộn khi nghĩ đến tương lai. Hai tháng, chàng gầy đi ít nhiều, làn da trắng hồng thuở nào đã được thế chỗ bằng làn da nâu sạm bởi nắng gió Đông Dương. Chàng chẳng cảm thấy buồn lòng về những đổi thay ấy, chỉ có ả là hay lặng lẽ nhìn chàng rồi mím môi ưu tư như có điều áy náy khôn nguôi.
Hôm nay, như thường nhật, chàng trở về nhà trên chuyến xe buýt cuối cùng. Mới là đêm thứ Năm mà ngoài phố đèn đóm đã giăng giăng, dòng người hòa vào dòng xe ngược xuôi huyên náo như chuẩn bị cho ngày cuối tuần. Cuối tuần xa xưa, chàng chẳng mấy khi ra phố, thường cùng Francois cùng vài người bạn lên du thuyền ra biển hoặc lên núi mở tiệc tùng. Còn hiện tại, chàng ngồi cạnh cửa đón khách lên, ánh mắt lướt theo cuộc sống rộn rã bên ngoài; xe buýt chỉ có dăm vị khách cùng bác tài và người nhân viên bán vé, ai cũng nôn nóng đến bến cuối, trở về nhà. Chàng cũng như họ, luôn nôn nao khi trở về nhà, mừng rỡ khi nhìn thấy ả hoặc hốt hoảng nếu ổ khóa bên ngoài cánh cửa phòng vẫn im lìm phong kín. Trăm lần như một!
Bến cuối còn cách nhà hai dãy phố dài. Chàng xuống xe, ghé ngang cửa hàng chạp phô mua vài vật dụng cần thiết và chiếc bánh bông lan nho bé xíu cùng chai nước ngọt. Chân chàng dừng lại trước nấc thang cuối cùng dẫn đến căn phòng trọ, cửa nhà khép kín, bên trong chẳng một tia sáng le lói hắt ra. Trống ngực bắt đầu dồn dập liên hồi từng hơi thở nặng nhọc khiến bàn tay chàng có phần phần run rẩy...
Giữa bóng tối mù mờ, tiếng nước chảy mạnh từ phòng tắm vọng ra khiến chàng buông vội chiếc ba-lô sờn cũ nặng trĩu xuống chiếc bàn ăn kiêm kệ bếp, đưa tay đẩy mạnh tấm cửa lùa nơi phòng tắm. Trong hơi nóng oi ả quẩn quanh mái tôn thấp lè tè càng khiến ánh sáng vàng vọt từ bóng đèn nhỏ xíu thêm bức bối, ả đang cặm cụi giặt quần áo, mái tóc chớm dài buộc cheo leo sau gáy, mồ hôi ướt đẫm cả vùng lưng áo. Vừa thở phào nhẹ nhõm, đôi mày rậm của chàng vẫn cau lại như chưa tan sợ hãi, "Vũ, sao cô không khóa cửa? Tôi đã dặn khi ở nhà một mình là phải khóa cửa trong, mở đèn."
Dùng lưng bàn tay còn lấm lem bọt xà phòng vén lại phần tóc mái lòa xòa, ả ngơ ngác nhìn vẻ mặt lo lắng xen lẫn đôi phần giận dữ của chàng rồi nhoẻn cười hiền, tựa đã biết lỗi, "Tôi nghĩ anh gần về nên chỉ khép cửa, bên ngoài chẳng cần ánh sáng nên tôi cũng không bật đèn, tiết kiệm được phần nào hay phần ấy mà." Nói xong, ả tiếp tục công việc còn dở dang, để mặc chàng dở cười dở khóc đứng đó.
Cả tầng áp mái này chỉ có ba phòng, bên dưới là nhà chủ. Hai phòng bên cạnh đều là hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động tự do nên thường rời đi từ sớm tinh mơ đến tối muộn mới trở về. Nhà chủ chỉ có hai vợ chồng già túc trực ở nhà, các con đều đi làm xa hoặc có gia đình riêng ở gần đó. Khi thuê căn phòng này, ngoài giá cả tương đối thì điều ả lẫn chàng yêu thích nhất đó là yên tĩnh, an ninh. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, sự thuận tiện ấy luôn khiến chàng phập phồng không yên. Từ sau hôm rời khỏi khách sạn, bỏ lại sau lưng một ông bố quyền lực đang trong cơn phẫn nộ, chàng bắt đầu thận trọng đến độ ám ảnh bởi tính cách của bố mình thế nào, chàng là con nhẽ đâu không hiểu. Liên tiếp trong một tháng đầu, chàng viết năm lá thư điện tử gửi đến mẹ, nội dung chỉ xoay quanh vấn đề thuyết phục bà chấp nhận ả. Bà hồi đáp chàng bằng những lời lẽ thống thiết, phân tách thiệt hơn và luôn khuyên nhủ chàng trở về. Tháng thứ hai, chàng nhận được từ bà một dòng thư ngắn gọn rằng, "Con đã giết ta, chôn vùi ta mà chẳng cần một vòng hoa, một nấm mộ!" Hai ngày sau, chàng lại nhận được lá thư khác đến từ người bạn thân duy nhất - Francois, nội dung không khác biệt mấy với sự thấu hiếu của chàng dành cho bạn; anh ta kịch liệt lên án mối quan hệ hiện tại của chàng. Một ả gái làng chơi không xứng đáng để lên giường cùng bọn họ, nói chi đến chuyện nghiêm túc hay gia thất. Đúng! Francois nói chẳng sai, từ năm mười bảy tuổi cho đến tận lúc gặp ả, chàng chưa từng làm tình với bất kỳ cô gái nào không sạch, không ngoan nếu xét theo những quy tắc xã hội chung. Giữ sự im lặng, không hồi đáp bạn, chàng chỉ viết một lá thư khác gửi đến mẹ mình với những lời lẽ đủ thiết tha van nài thừa mạnh mẽ áp đặt hòng mong bà can thiệp, đừng để bố chàng gây tổn thương cho ả. Dẫu tin rằng bà sẽ hiểu nhưng chàng vẫn không thể thôi nghĩ ngợi âu lo. Ả tất nhiên không biết, chàng chẳng thể giải thích ngọn nguồn và thật may, ả hiểu biết ý người nên chưa từng đi quá giới hạn ứng xử thông thường. Chàng đứng ngay bậc cửa phòng tắm hồi lâu, miên man suy tư xa gần rồi khẽ mỉm cười hiền khi nhoài người đến, đưa tay lau đi mớ bọt xà phòng còn bám trên tóc ả, "Ăn tối đã! Cứ để đấy, tý nữa tôi giặt nốt một thể."
Ả ngẩng đầu nhìn chàng trong nét cười mong manh mà đáng yêu như tẩm mật cõi lòng người đối diện. Tay ả đang tỉ mẩn vò thật nhẹ vùng cổ chiếc sơ-mi trắng duy nhất của chàng. Từ ngày chuyển về thành phố, ả bỏ những chiếc váy diêm dúa nơi góc phố đèn vàng lại mảnh đất biên thùy để ra đi với hình dung cô gái bé nhỏ có mái tóc mềm ngắn ngang vai, nụ cười trong veo giữa nét mặt chông chênh. Quan hệ đôi bên thật khó hình dung, ả vẫn ít nói nhưng cười nhiều hơn, nụ cười thuần khiết đã bớt phần gượng gạo; chàng chăm sóc ả rất chu đáo, ngày càng tận tâm hơn. Tuy nhiên hàng rào ngăn cách còn nguyên đấy, dường như chẳng ai trong hai người muốn phá dỡ dẫu sớm chiều bên nhau. Nụ cười an phận thoáng qua đôi môi khô nhạt màu khi ả quay lưng về phía chàng, nhanh tay xả nước vào chậu, giọng ả hòa vào tiếng nước chảy, "Xong rồi! Anh đi tắm đi, tôi phơi xong vào hâm lại thức ăn là vừa."
"Cảm ơn cô, Vũ!" Bất giác, chàng bỗng buông lời dẫu nghe chừng thật khách sáo nhưng có lẽ câu cảm ơn ấy chẳng giản đơn chỉ dành cho hành động giặt hộ chiếc áo. Bởi qua nét mặt trầm ổn, ánh mắt sáng sâu thẳm của chàng nhìn ả thật tha thiết, an yên.
Phì cười, ả nhí nhảnh cong môi, nheo mắt như trêu ghẹo rồi khom lưng đứng lên, tay bê chậu giặt và bước ngang qua chàng. Lòng ả bỗng cồn lên cảm giác là lạ trước thái độ không mấy tự nhiên của chàng từ khi chuyển về thành phố đến nay. Chiếc áo sơ-mi trắng trên tay trở nên nặng nề hơn khi ả cẩn thận giũ phẳng, lồng vào mắc, treo lên dây phơi. Đêm nay, mảnh trăng già lười nhác ẩn mình sau những đám mây nên chỉ còn ánh sáng lờ nhờ từ bóng đèn cao áp gần đó soi lên gương mặt thấm đẫm ưu tư của ả. Cuộc sống bấp bênh, lo toan oằn nặng đôi vai khiến con người ta chẳng thể vô tư, một thoáng xao động vụt qua cũng khiến cõi hồn chênh chao. Ả sợ! Sợ chàng mệt nhoài với chặng đường gập gềnh trước mặt; sợ ván cờ tàn mình đang liêu xiêu học cách chơi này sẽ kết thúc trước khi kịp bắt đầu; sợ rẻo lòng tin còn sót lại vỡ tan. Đôi vai gầy co ro trước làn gió đêm, ả thở dài đắng chát bởi nói đến tận cùng thì chẳng ai được quyền trách ai. Chàng nợ gì ả và ả là gì trong cuộc đời chàng? Tự hỏi, tự nhún vai phản hồi, ả ngước mắt nhìn lên bầu trời rồi khẽ khàng cười buồn cho riêng mình. Trời đêm chẳng một ánh quang báo hiệu mưa sẽ ghé về, nụ cười buồn kia dường đông cứng trên môi khi ả thẫn thờ dời quần áo vào khung phơi bên trong mái hiên. Dẫu đêm nay có mưa, ngày mai nắng có lên thì đời ả liệu có gì khác ngoài những cuộc đấu vật mệt nhoài với cơm áo?
Từ chân trời phía Nam, những tia sét nổ lớn như xé toang một phần đêm đen kèm theo tiếng gió rít lên dữ tợn. Mưa cuối mùa dội vào nét mặt tái nhợt của ả những hạt nặng nhọc, rát da người. Chiếc chậu giặt bằng kim loại trên tay ả rơi xuống nền xi-măng, tạo nên âm thanh khô khốc đáng sợ tựa hồ hồi chuông chiêu hồn vụt qua tâm trí. Ả cuống cuồng trốn chạy nhưng tay chân bỗng dưng thừa thãi trước những ánh chớp kia...
"Tôi ở đây..."
Giọng chàng vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ vang vang bên tai khi ả cảm nhận được thân hình ướt sũng nước của mình đang được bao bọc bởi một vòng tay ấm áp. Tựa vào lồng ngực chàng với đôi mắt nhắm chặt, ả chẳng đủ sức để nghĩ nhiều hơn. Sự sợ hãi căng tràn buồng tim cũng dần lắng dịu xuống bởi hơi thở vững chãi đều nhịp từ chàng, ả e dè hấp háy mắt như muốn được nhìn thấy nét mặt của người đang kề sát bên mình.
Từ nhà tắm, chàng nghe tiếng sấm vang lên nên chẳng kịp ăn vận chỉnh tề đã lao nhanh ra đây, dùng thân trần bảo vệ lấy ả. Hình ảnh ả run lẫy bẩy trong hơi thở khó nhọc thoát ra khỏi lồng ngực giữa cơn mưa trắng nhòa đêm đen khiến lồng ngực chàng nhoi nhói đau. Ôm ả trong lòng, giữ con gương mắt hốt hoảng kia áp vào vòm ngực mình, chàng dìu ả đứng lên bằng cử chỉ dịu dàng nhất như cố xua tan những sợ hãi, hoài nghi bên ngoài vòng tay. Ả nép thật chặt vào ngực chàng, bàn tay ả bấu thành những nốt đỏ hằn trên cánh tay chàng nhưng hơi thở đã thôi khó nhọc. Chàng thấy tim mình đã bớt đau, chỉ cồn cào nỗi xót xa mặn đắng vòm họng khi đây chẳng phải là cuộc sống chàng muốn dành cho ả.
"Cảm ơn anh," ả lí nhí nói rồi cúi đầu bước nhanh vào nhà tắm khi làn môi còn chưa tan cơn run rẩy vô tình trượt ngang qua vòm ngực trần của chàng. Dẫu chẳng là gái trinh, số lần chung đụng cùng đàn ông còn nhiều hơn số tháng tuổi nhưng ả vẫn nghe lòng tựa mái nhà tranh xiêu trước cơn bão lớn chỉ bởi cú chạm kia. Cảm giác mềm mại, nóng ẩm từ làn da chàng như vẫn lưu luyến trên môi, ả vốc từng vốc nước to lên mặt, lắc đầu tự nhắc bản thân về sự thật trần trụi rằng đôi bên mãi mãi không thể thuộc về nhau. Ả không từng đề cập hay gợi nhắc đến cuộc sống bên kia mặt phẳng của chàng, không vì ả vô tâm mà đơn thuần vì sợ phải đối mặt, sợ lại xuẩn dại tựa mẹ mình xưa kia. Một lần ra đi, một sự đánh cược cả niềm tin mong manh còn lại, ả chỉ nguyện đổi lấy nửa vòng tay ôm bởi nửa kia luôn buông lơi để ả có thể quay lưng mà bước đi. Chênh vênh nửa vời, ả cong môi khô nở nụ cười tự ủi an chính mình.
Mùi thức ăn thơm lừng kéo ả quay lại với hiện tại. Bên ngoài cánh cửa lùa, ánh đèn sáng choang in bóng chàng di chuyển qua lại. Ả hít một hơi dài và đấy cửa bước ra, không quên với tay lấy chiếc áo phông duy nhất còn lại cho chàng. Ánh mắt ả mang mang bao nỗi niềm xa xăm khi chạm tay vào chiếc áo ấy; chàng chỉ có ba chiếc áo, hai chiếc quần đã cũ sờn nhưng cuộc mưu sinh giữa thành phố rộng lớn này chẳng cho phép người ta nghĩ đến những mưu cầu tưởng chừng đơn giản nhất. Dăm lần, ả muốn mua thêm ít phục trang, chàng đều gạt phăng đi; tiền của chàng, ả nào dám tự tiện. Sức đã tàn, nhan chẳng còn thắm nên cuộc sống nơi góc phố đèn vàng ngoài kia quả thật tàn khốc, ả sợ hãi phải quay lại. Với công việc hiện tại, may lắm chỉ đủ nuôi thân không đói rách bờ bụi, nói chi đến lo lắng cho Phong. Thêm lần nữa, ả lại nợ chàng, món nợ cưu mang chẳng thể đếm đong. Bất chợt, ả buông tiếng thở dài trong ánh mắt đong đầy cảm xúc khi bắt gặp hình ảnh chàng đang tất bật bên mâm cơm. Ngoài trời, mưa nhạt nhòa, lòng ả cũng ướt nhèm.
Trao chiếc áo phông màu nâu đất cho chàng, ả tranh phần xới cơm ra bát như cố lảng tránh ánh mắt luôn dịu dàng từ người đối diện. Căn phòng trọ bé xíu, tềnh toàng với hai manh chiếu đơn, dăm thùng giấy thay tủ và kệ bếp từ chiếc bàn gỗ cũ của chủ nhà cho mượn dùng nên hai người cũng chẳng đủ khuất lấp tịch liêu. May thay tiếng mưa rơi đều trên mái tôn khiến không khí bớt phần tĩnh lặng, ả đưa tai nghe mưa rồi cúi đầu so đũa. Đặt đôi đũa tre thẳng thớm nhất, toàn vẹn nhất cạnh bát của chàng, giọng ả hòa vào âm mưa, "Anh ăn cơm!"
Gạo cũ lại là lúa thiếu nước từ vụ Xuân Hè trước nên hạt cơm cũng khô khốc, có mùi ngai ngái. Mâm cơm không lớn bỗng dưng lỏng chỏng hơn với bát canh rau trong veo cùng đĩa cá vụn kho mặn. Chàng bình lặng cầm bát cơm lên, ăn ngon lành. Đối diện chàng, ả cúi đầu cố che dấu ánh mắt len lén hồi lâu, trước khi đứng lên lấy thêm đôi đũa mới. Thả vào bát chàng mấy con cá bé tí bằng nửa ngón tay út đã chuyển sang màu nâu đen, ả mím môi cười ngại ngần như thể thầm trao đến chàng lời tạ lỗi. Bởi nếu không vì chị em ả, cuộc sống này vốn chẳng từng hiện diện trong đời chàng dẫu chỉ là một cơn ác mộng.
Chàng yên lặng nhìn nét mặt e dè của ả, cảm giác nhoi nhói lại vụt qua lồng ngực khi tự hỏi đến bao giờ thì ánh mắt kia thôi chông chênh? Đoạn đường phía trước sẽ còn gập gềnh hơn bội phần nhưng chàng chưa hề quản ngại, chỉ bất an theo từng ý tứ của ả bởi đây chẳng là cuộc sống ả xứng đáng được sống. Nghĩ đến đây, vị cá kho mặn cũng trở nên đắng chát, chàng dừng đũa trong chốc lát rồi dùng chính đôi đũa của mình gắp lại cho ả con cá to nhất. "Vũ, sau này có lẽ chúng ta sẽ khó cùng nhau ăn tối như bây giờ," chàng nói xong, vành môi dày tươi màu đã hiện ra nụ cười phấn khởi.
Đôi đũa trên tay ả khẽ run lên. Căn phòng của họ ở cuối góc nhà nên chẳng có cửa sổ, mà sao gió từ đâu thổi thốc lên từng cơn rét buốt. Ả nghe lòng chùng xuống muôn nỗi vỡ tan dẫu biết từ ly chỉ là sớm hoặc muộn. Chàng phải ra đi, quay về cuộc sống của mình, ả biết nhưng vẫn hụt hẫng chấp chới. Không nhìn chàng thêm giây phút nào nữa, ả cúi gầm mặt, trệu trạo nhai khi sóng mũi cay xè. Rất lau sau, ả buông đũa, khóe môi trĩu nặng thành nụ cười như mếu, "Không sao, tôi hiểu! Anh định bao giờ thì đi?"
"Cô hiểu?" Hai đầu chân mày rậm xếch của chàng cong lên, tạo thành vệt hằn sâu chắn giữa. Ánh mắt chàng nhìn ả rất lạ, nửa ngạc nhiên nửa hoài nghi. Ả vẫn cúi đầu, hai tay mân mê vạt áo, đau đáu nhìn vào mâm cơm tựa hồ đôi bờ đại dương mông mênh chia cách hai người. Sau rốt, chàng đã hiểu được ý lời trong câu nói của ả, thể hiện nét mặt thêm phần trầm mặc giữa muôn vàn lo toan.
Bữa cơm tối muộn cứ như thế mà lặng lẽ trôi qua. Chàng không dỗ dành ả ăn thêm như thường nhật mà để mặc ả dừng bữa với non bát cơm, dăm con cá bé cùng nửa bát canh. Phần mình, chàng vẫn điềm đạm, kiệm lời khi ăn không khác mọi ngày và khẩu phần luôn rất lớn. Ả cũng chẳng ngồi nán lại bên mâm cơm theo thói quen cũ, mà ôm cốc nước ra phía cửa, bó gối nhìn mưa qua khe cửa hẹp. Họ quay lưng về nhau, mỗi người mỗi miền du miên chênh chao như mưa gió bên kia trời đêm.
"Vũ!" Giọng chàng trầm như dòng suối ngầm, vang đến từ phía sau. Thoắt cái, hơi thở nóng ấm đã kề cận khi chàng choàng vòng tay ôm trọn thân hình bé nhỏ của ả vào lòng. Ả bất động, nhịp tim cũng khẽ khàng hơn, lặng im so đôi vai lệch dẫu vẫn ngoan ngoãn trong vòng tay thực hư mơ hồ ấy. Chàng nhẹ nhàng thả nụ hôn lên bờ vai ả rồi tựa cằm vào đó, "Chúng ta sống cùng nhau thì nhất định phải đặt lòng tin vào nhau. Khi tôi nói sẽ không cùng ăn cơm tối cùng cô nữa, nghĩa là tôi đã tìm được công việc và thời gian làm việc đến tận đêm muộn. Nếu cô không bằng lòng, không thấu hiểu vấn đề nào đó; xin đừng dấu trong lòng để tự dằn vặt bản thân mà hãy nói ra, tôi muốn thay cô giải quyết. Được không, Vũ?"
Trống ngực bỗng đập dồn những nhịp dữ dội rồi bình ổn hiền hòa trở lại khiến ả chẳng kìm nén được tiếng thở phào nhẹ bẫng. Bẽn lẽn giấu mặt vào vòng tay của chàng, ả khẽ trề môi trêu ghẹo chàng nhưng cũng là tự trách hờn chính bản thân mình vì thói cả nghĩ, hay tự suy diễn, "Tại anh cứ luôn ăn nói rào trước đón sau, hoa văn trong khi tiếng Việt của anh chắc ngoài tôi ra, chẳng mấy người hiểu được." Nói xong, đôi môi ấy lại cong cong nụ cười rất tươi tắn, vai ả đã thôi so lại và dè dặt tựa hờ vào ngực chàng. Đoạn, ả bỗng rụt cổ, mắt hướng về phía sau rồi nhìn chàng bằng ánh mắt hối lỗi. Bởi tiếng Việt chính là khuyết điểm lớn nhất trong quá trình tìm việc của chàng; những công việc chỉ cần sức khỏe thì họ không nhận chàng, thậm chí còn trêu ghẹo ác ý bởi hộ chiếu mang quốc tịch nước ngoài, còn là một nước giàu hơn Việt Nam; công việc cần học vị, kiến thức thì yêu cầu bằng cấp luôn kèm theo kinh nghiệm công tác mà điều này chàng chưa có; cuối cùng là công việc biên dịch hoặc phiên dịch, chàng thông thạo nhiều ngôn ngữ là lợi điểm nhưng tiếng Việt không đủ tốt lại phủ định trắng tất cả lợi điểm kia vì hầu hết các yêu cầu đều là chuyển đổi từ tiếng Việt sang ngôn ngữ thứ hai hoặc ngược lại. Trong thực tế, chỉ riêng ả là có thể hiểu được tất thẩy những ý tứ của chàng nên đã mấy tháng qua, chàng vẫn chưa tìm được công việc mong muốn. Không có được sự nghiệp chính là nỗi điếm nhục lớn nhất của những người đàn ông có liêm sĩ, ông ngoại ả đã dạy như thế và ả luôn cố gắng không đề cập đến vấn đề nhạy cảm ấy, dẫu chỉ dăm lời động viên thông thường.
Cằm vẫn tựa vào đôi vai xương gầy của ả, chàng cất lời bằng âm giọng nhẹ nhàng trong nét mặt hiền hòa, "Không sao, tôi sẽ cố gắng học tiếng Việt tốt hơn." Vòng tay chàng cũng siết chặt hơn, để nghe nhịp tim mình hòa vào nhịp tim ả, những chiếc xương sườn của ả chỏi vào lồng ngực chàng, âm ỉ đau. Ngón trỏ miết nhẹ trên bàn tay ả, giọng chàng trầm lắng bao nỗi niềm ray rứt khôn nguôi về hiện tại khó khăn, "Bắt đầu từ đêm mai, tôi sẽ chơi nhạc cho một quán rượu trong khu phố Tây, từ tám giờ tối đến tận đêm muộn. Cô gầy lắm, người chỉ toàn xương nên dù ăn cơm một mình cũng không được lười, nghe không?"
Ả gục gặt đầu rồi ngoái cổ nhìn chàng bằng ánh mắt cảm động xen lẫn đôi chút tò mò, ả hỏi, "Anh sẽ hát hay đánh đàn? Tôi thật không biết anh đa tài vậy!"
"Tôi sẽ đệm ghi-ta cho khách hát hoặc vừa đánh đàn vừa hát khi khách chỉ muốn nghe. Lương chỉ hơn hai triệu nhưng được nhận tiền thưởng từ khách. Vì vậy mỗi ngày, tôi tranh thủ hoàn tất việc nhà sớm, ba giờ bắt đầu sang bên đó, vẽ đến tám giờ là vừa kịp." Chàng đều giọng hoạch định tương lai bằng công việc vẽ thuê và đệm đàn dạo. Bố mẹ chàng sẽ phẫn nộ nhường nào khi chứng kiến hình ảnh cậu quí tử của họ ngồi bên hè phố, vô hồn di chuyển cọ màu theo yêu cầu của khách hàng và đêm đêm lại cười nói giữa quán rượu ô trọc? Rồi ả sẽ phản ứng ra sao nếu sự thật rằng chàng chẳng phải là cậu thanh niên thất chí bởi chuyện học hành lận đận, sinh trưởng trong một gia đình cơ bản như bao gia đình khác; hoặc giả lí do chàng không thể tìm được công việc đâu đơn thuần vì chàng chưa nhận được bằng tốt nghiệp lại chẳng có kinh nghiệm thực tiễn. Có quá nhiều chướng ngại mà chàng phải đơn độc đối đầu nhưng một nụ cười thuần khiết của ả đã đủ xóa nhòa tất cả. Trước mặt chàng, ả đang nhoẻn cười hân hoan.
"Oa, anh thật giỏi. Chẳng bù cho tôi, không biết hát cũng chẳng biết đánh đàn," mắt ả tít lại vì cười nhưng âm giọng lại chùng xuống tỏ ý chẳng hài lòng với bản thân mình
Ngoài trời, mưa vẫn lất phất bay, không khí cũng nhờ thế mà mát dịu, trong trẻo hơn. Hay bởi chính thân hình nhỏ bé đang cuộn tròn trong vòng tay khiến cõi hồn an yên đến lạ kỳ, chàng không muốn tìm câu trả lời. Chàng áp má mình vào má ả, dịu giọng đáp lời, "Một ngày nào đó, tôi muốn được dạo dương cầm và hát cho riêng cô."
Ả lại cười trong veo, hai má ửng hồng như cô thôn nữ e ấp nép sau rèm cửa vào một ngày đầu Xuân có nhà người ghé thăm. Một ngày nào đó - thời gian xa xôi, hư ảo chẳng để đếm đong, dẫu thế ả vẫn hân hoan nhận lời hứa này. Bỗng, ả sực nghĩ đến đoạn đường giữa khu nhà đang ở và phố Tây trung tâm và lo lắng buông lời, "Chuyến xe buýt cuối cùng lúc tám giờ, vậy anh sẽ đi về bằng gì?"
"Cô nghĩ thế nào nếu tôi có ý định mua một chiếc xe đạp?"
Cắn môi tính toán, ả vốn chẳng mấy khi ra đến trung tâm thành phố. Khu trọ gần viện cô nhi nơi Phong đang ở, lại ngay cạnh xưởng may nên đoạn đường quen thuộc của ả thường loanh quanh chẳng quá hai cây số. Nhưng theo trí nhớ trong vài lần có dịp sang phố thị thì khoảng cách giữa hai nơi không ít hơn mười cây số, ả tròn mắt nhìn chàng, "Đường xa lại còn đêm khuya mưa gió, anh liệu có đủ sức mà đạp xe đi về không?"
Chàng gật đầu rất nhanh, chắc chắn và kiên định. Đôi môi dày rõ nét mím thành đường vòng cung tròn vành khiến người đối diện thêm tin tưởng. Bất giác, chàng chợt muốn gửi lời tạ ơn đến bố mình. Khi còn là cậu bé lên sáu lên bảy, chàng đã luôn thức sớm hơn chúng bạn, nghiêm ngặt chạy bộ và luyện Nhu Thuật hai giờ liền, bất kể thời tiết khắc nghiệt ra sao. Lớn hơn dăm tuổi, ông trao cho chàng quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước một vài vấn đề cá nhân khá quan trọng so với độ trưởng thành. Nên dẫu là công tử con nhà quyền quí, chàng được nuông chiều hơn người nhưng cũng gánh nặng quy cũ hơn người. Nếu ông không rèn chàng vào khuôn khổ từ những ngày thơ dại thì có lẽ hôm nay, trong hoàn cảnh này, chàng sẽ chẳng đủ sức thích nghi nhanh đến thế. Lưng bàn tay lướt nhanh trên xương hàm của ả trước khi chàng đột ngột đứng lên, rời đi và quay trở lại tựa cơn gió thoảng qua, trên tay là chiếc bánh bông lan cùng chai nước ngọt có ga, hai thức ăn có lượng đường xấu mà ngày trước chàng luôn tuyệt đối tránh. "Lễ Tạ Ơn an bình," chàng mỉm cười thân thiết khi ngồi xuống cạnh ả.
"Lễ Tạ Ơn?" Ả cau mày, môi hơi cong lên khi đưa ánh mắt tròn xoe nhìn chàng.
Tay chàng nhanh nhẹn mở nắp chai. Chiếc bánh be bé được bẻ làm đôi, trao cho ả phần lớn hơn, chàng nhẹ nhàng giải thích, "Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ truyền thống của người Mỹ và Canada bản địa, nhằm để cả gia đình sẽ đoàn tụ bên nhau, cùng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống an lành, no đủ và ngày mùa bội thu, diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng mười một. Tôi không theo tôn giáo nào nhưng vẫn luôn tôn trọng ngày lễ này." Nói xong, chàng lại nhìn ả và cười, nụ cười rất bình yên nhưng nét mặt vẫn hằn lên những ưu tư như chưa can tâm với hiện tại, "Theo truyền thống, người ta thường ăn gà Tây nướng và bánh bí ngô," nói đến đây, chàng ngừng lời, nghiêm túc nhìn ả tựa các kỵ sĩ tuyên thệ quyết tử trước giờ ra sa trường, "Ngày sau, chúng ta nhất định sẽ cùng nhau trải qua lễ Tạ Ơn tươm tất hơn. Tôi hứa!"
Đời ả chưa từng được nếm qua hương vị gà Tây hay bánh bí ngô, lại càng không biết ngày lễ kỳ lạ đến từ nước Mỹ xa xôi bên kia bờ đại dương nhưng chỉ cần một lời hứa, không khí ấm áp của ngày lễ Tạ Ơn đã hiện diện ngay bên trong căn phòng trọ nhỏ hẹp này. Mẩu bánh bông lan sản xuất công nghiệp đại trà bỗng dưng ngon đặc biệt, nồng nàn hương vị đoàn viên; hớp nước ngọt có ga nơi đầu lưỡi nồng ấm tựa men rượu cay khiến lòng người thêm lâng lâng. Ả ngước nhìn chàng bằng khóe mắt long lanh nước, ngút ngàn những cảm xúc hư huyễn đan xen. Lời hứa, tận cùng cũng chỉ là lời nói, người nhớ kẻ quên, ai có thể trách ai? Bảo rằng tin chàng, ả chẳng dám tin tuy nhiên được biết trong góc hẹp nào đó giữa cuộc đời này, có người từng vì ả nghĩ đến ngày sau, âu đã quá hạnh phúc với đời một con điếm. Ả cắn chặt môi, đôi vai gầy run run trong tiếng cười giòn tan.