16.1
Milan mùa này thật lãng đãng chất thơ. Nắng vàng ươm dịu dàng ve vuốt làn da thiếu nữ giữa tiết trời trong xanh điểm dăm áng mây trắng phau hững hờ trôi. Cỏ cây vạn vật rạng ngời nét xuân, hoa đã lác đác khoe sắc hương mời gọi những cánh chim di quay về. Nét thanh nhàn, tao nhã lướt nhẹ trên từng nét mặt người, dẫu là khách thập phương hay dân bản địa đều ra phố với những phục trang đẹp nhất của mình. Nơi đây chẳng quá náo nhiệt như New York của nước Mỹ, không tĩnh lặng đắm say hồn người như một Brugge trong lòng Bỉ quốc, Milan đơn giản là cung điện khổng lồ mang hơi thở nghệ thuật nửa cổ điển nửa phóng khoáng, trong hoài cổ có sức sống mãnh liệt tựa các anh hùng La Mã xa xưa. Thế nên cung đường Brera cũng trở nên ngọt ngào hơn thường nhật, mở rộng vòng tay chào đón khách quý ghé thăm Viện Trưng bày Nghệ Thuật Brera.
Các quý bà vận phục trang quý phái, yểu điệu sánh bước bên những quý ông lịch lãm. Họ đi thật chậm để ngắm nhìn, để chiêm ngưỡng, để hít thở bầu không khí bay bổng, thăng hoa của hội họa. Triển lãm lần này không phô trương, chỉ mời năm danh họa trẻ đương thời với lượng khách đến thăm rất hạn chế, có chọn lọc nhưng danh tiếng lại vang xa và được cả Họa đàn lẫn giới truyền thông dõi mắt trông theo. Ban tổ chức muốn thoát khỏi lối mòn trước kia nên quyết định đặt tạo năm không gian nhỏ trong một không gian lớn, các phòng sẽ được liên kết với nhau bằng những vách ngăn lụa mỏng. Ban đầu, ý tưởng này gặp không ít phản hồi tiêu cực, tuy nhiên thực tế lại minh chứng điều người lại. Khách thưởng tranh có thể tự do thả hồn đi hoang, chìm vào thế giới cảm xúc riêng của từng họa sĩ.
Phòng tranh của chàng nằm ở cuối dãy, bày biện giản đơn với màu trắng nguyên thủy của tường nhà. Dưới ánh đèn vàng, năm bức tranh xếp thành hình ngũ giác tựa tòa tháp hút chặt tâm trí người. Cảm giác đơn độc, trầm mặc bao phủ cả không gian. Có lẽ vì thế nên khách ghé thưởng lãm cũng trở nên lặng hơn. Trong những ánh mắt tán thưởng, kinh ngạc xen lẫn hoài niệm, tiếng bước chân thật khẽ, tiếng trò chuyện thầm thì bỗng như khúc nhạc lòng trầm bỗng dạo lên.
Chàng cũng là họa sĩ duy nhất không tiếp nhận phỏng vấn từ giới truyền thông, ngoại trừ buổi họp báo khai mạc trong ngày đầu tiên. Triển lãm diễn ra năm ngày, cả năm ngày chàng đều ghé qua phòng tranh, lặng lẽ cúi chào và nói lời cảm ơn tất thảy những vị khách đã dừng bước ghé lại nhưng tuyệt đối không có đến nửa lời giới thiệu hay quảng bá cho tác phẩm của mình. Do bởi chủ đề là "Sắc", năm bức tranh - năm chân dung nữ giới lồng ghép vào những loài hoa, có bức rất u hoài sâu lắng tuy nhiên có bức lại khá nhạy cảm vì thế đã dấy lên không ít tranh cãi, bình luận trái chiều. Người ta không thể nhận định được "Sắc" ở đây phải hiểu thế nào là chuẩn mực nhất; sắc trong sâu sắc, sắc trong sắc đẹp hay sắc trong sắc giới. Trước mọi lời phản hồi, chàng chỉ luôn mỉm cười chân thành.
Ngày cuối cùng của triển lãm vừa kết thúc, chàng đứng nhìn theo xe bảo hiểm mang năm bức tranh đi. Triển lãm thành công ngoài mong đợi nhưng sao nét mặt chàng chẳng vui, ánh mắt luôn lẩn khuất nét cay nghiệt khi môi cười chỉ là cử động cơ học của xương hàm. "Sắc" trong xuân sắc, có lẽ chẳng ai nghĩ đến bởi tranh của chàng không rực rỡ, chủ đạo vẫn là trắng và đen hờ hững cùng một tông màu nóng duy nhất trong mỗi bức. Năm bức tranh, ba nhân ảnh nữ giới, một người hiện diện nơi đây, cạnh bên chàng.
Không dùng xe, chàng cởi bỏ cà-vạt, tháo khuy măng-sết, thả bộ về khách sạn với chiếc áo vest vắt hờ trên vai. Ngang những khu phố rộn rịp tiếng nói cười, tiếng nhạc điệu ồn ã, chàng nghiêng tai chờ nghe tiếng chuông thánh đường vang lên. Giữa Milan hoa lệ, chàng thả hồn về Maryland, nơi có căn phòng với chằng chịt dây nhợ và máy móc đang duy trì hơi thở của một người, duy trì linh hồn chàng. Quảng trường Plazza del Duomo vẫn hào nhoáng như vốn dĩ, những bóng hồng xinh đẹp trong váy áo thời thượng lướt nhanh qua đáy mắt hờ hững, chàng ghé vào tiệm cà-phê có dăm khóm hoa trước cửa, mua cốc Caffè Espresso cổ điển và đặt tờ năm đồng vào hộp gỗ trên nắp dương cầm rồi vội vã lướt tay trên phím ngà. Khúc "Für Elise" của thiên tài âm nhạc Beethoven vang lên, mãnh liệt nhưng gãy đứt...
"Anh vẫn như ngày nào!" Âm giọng phụ nữ thiết tha vang lên cùng những tiếng vỗ tay rất khẽ, ngay sau khi chàng rời tay khỏi phím đàn, uống cạn cà-phê trong chiếc cốc bé và đứng lên.
Mắt chàng liếc nhanh về phía sau, một nửa chân dung thấp thoáng qua ánh nhìn. Chàng quay người lại, đối diện người phụ nữ trạc tuổi ba mươi có dung nhan xinh đẹp, nền nã bằng nét mặt bình thản xa cách, "Hạ tiểu thơ, đã lâu không gặp."
"Hạ tiểu thơ!?" Khóe môi anh đào cong lên nét rũ buồn trong âm giọng oán hờn có chút đắng cay của người phụ nữ kia, "Có lẽ, em cũng nên gọi anh là Chử thiếu gia cho đúng lễ nghi."
Chàng nhún vai, cúi chào tỏ ý xin phép đi trước và bước nhanh qua. Hạ Bội Nghi, cô bé mười bảy nhí nhảnh luôn lẽo đẽo theo sau chàng giờ đã là trưởng nữ tài sắc vẹn toàn của Hạ gia. Dăm lần bố chàng bóng gió xa xôi về sự chờ đợi của cô, mười sáu năm xuân xanh của một người phụ nữ đã hủy hoại trong tay chàng. Lần gần đây nhất, bốn năm trước, đôi bên cũng từng suýt lao vào nhau trong cơn say chếnh choáng nhưng rồi chàng đã dừng lại trước khi chiếc váy của cô rơi xuống sàn xe. Tuổi trẻ ngày cũ, chàng lấy đi trinh tiết nhưng không mặc được váy cưới cô. Bao nhiêu năm sau, chàng càng không thể trao đi gì khác ngoài sự tôn trọng cần nên có. Đôi lần cô có tìm gặp, chàng tránh mặt và cho đến hôm nay...
"Triết," Bội Nghi kêu lên bằng sự uất nghẹn trong lồng ngực. Thuở ấy, chàng thường cùng bà nội sang nhà cô và thi thoảng họ trò chuyện cùng nhau khi người lớn bàn việc riêng. Cứ thế, chàng trai có ánh mắt lành lạnh cùng những tiếng dương cầm da diết ấy cứ từng bước âm thầm xâm chiếm trái tim non nớt của nàng thiếu nữ. Năm mười bảy, cô nguyện tâm ngã vào vòng tay chàng mà chẳng cần một lời hứa hẹn dẫu là thoáng chốc. Chàng sang Mỹ du học, một năm sau cô cũng quyết tâm thi đỗ vào đúng trường chàng đang theo học. Cô tiếp tục lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời chàng, vẫn không một lời hứa hẹn cho ngày mai. Người ta bảo chàng hiền hòa, không ngông cuồng phóng túng như bao công tử con nhà quyền thế khác; cô chỉ biết cười buồn vì sự thật hoàn toàn trái ngược mà bản thân lại chẳng thể rời xa chàng. Mẹ cô luôn dạy cô rằng, phụ nữ sinh ra bởi hi sinh và nhẫn nại, như mẹ cô đã yêu, chờ đợi, khoan dung với bố cô suốt cả cuộc hôn nhân. Cô tin lời mẹ, cũng chờ đợi vào niềm tin xa vợi nơi chàng. Rồi chàng cũng mỏi cánh chim di, dừng bước bên người phụ nữ của đời mình nhưng người ấy chẳng phải là cô. Cô chưa từng chạm mặt người phụ nữ kia, tất thảy những gì cô biết chỉ là hình ảnh trong tranh của chàng - người đàn ông cô đã yêu từ khi còn là cô bé con. Chớp mắt đã tàn nửa tuổi xuân, cô chưa thể yêu ai khác ngoài chàng. Vì sao bốn năm trước chàng không giày vò cô lần cuối, để cô có thể một lần đau thương cho đến tận cùng? Bốn năm sau, chàng bước ngang qua cô, tựa người lạ từng quen.
Giữa Milan rực nắng chiều nay, họ cách nhau một tầm tay với, vẫn là một người hướng mắt theo sau bóng lưng một người. Hai tay đút túi quần, chàng dừng bước nhưng không quay đầu nhìn lại và nói với âm giọng chân thành nhất, thứ chân thành mà Bội Nghi chưa từng nhận được trong suốt thời thanh xuân ngày cũ. "Bội Nghi, đừng chờ tôi nữa nếu cô vẫn đang chờ. Xin lỗi cô!"
Tiếng gót giày cao nghiến trên nền đá của quảng trường tạo nên âm thanh trĩu nặng, oán thán. Bội Nghi liêu xiêu đối mặt chàng. Cô khóc! Lệ chảy dài theo khuôn mặt thanh tú, ướt đẫm từng câu chữ, "Ai cũng có thể nói với em những lời này nhưng riêng anh thì không." Mười sáu năm đánh đổi bằng một lời xin lỗi nhẹ hẫng, cô không cam lòng. Từ ngày chàng trở về Chử gia đến nay, những ai biết qua chuyện hai người đều khuyên cô nên từ bỏ. Bố cô, người muốn kết thông gia với nhà họ Chử trong cả những giấc mơ cũng đã dăm lần khuyên cô phải quên đi. Chính bản thân cô, cô từng thử tiếp xúc với khá nhiều đối tượng, cố gắng bắt đầu một mối quan hệ mới nhưng đều thất bại bởi chiếc bóng của chàng quá lớn, như đã chật đầy tâm trí. Chẳng phải vô tri, cô nào không biết kết cuộc sẽ ra sao tuy nhiên hôm nay, giữa Milan xa xôi, tim cô vẫn ngừng đập khi nghe những lời ấy. Tình yêu tựa một cuốn tiểu thuyết hay, đọc đến trăm lần, thuộc từng câu chữ vẫn thổn thức khôn nguôi với kết cuộc dở dang.
Chàng tiếp tục bước đi. Mỗi người đều có quyền sống cuộc đời theo cách họ mong muốn.
"Rốt cuộc là tại sao?" Ánh mắt đớn đau của Bội Nghi vẫn không rời khỏi chàng, như mười sáu năm trước khi chàng hững hờ nhìn dấu son trên nền khăn rải giường.
Lần này chàng đã quay đầu nhìn lại. Mắt chàng phủ một màn sương giá trong nét mặt bình lặng ngược ánh nắng chiều, "Tôi đã kết hôn!"
Từng đàn chim bỗng nháo nhát bay lên giữa những hồi chuông ngân vang từ thánh đường Duomo di Milan. Dưới ánh tà dương nhạt nhòa, Bội Nghi sững sờ nhìn chàng, hồn rỗng, phải chăng hồi chuông kia đang than khóc hộ một cuộc tình đã chết ngay từ khi bắt đầu? Cô lắc đầu liên tục, khóe môi anh đào run rẩy từng cơn,"Không thể nào! Mấy hôm trước, em còn gặp bác trai cơ mà..."
Chàng vẫn đứng ngược ánh sáng, hướng về Bội Nghi ánh nhìn dứt khoát, "Cô đừng tự làm tổn thương bản thân thêm nữa! Tôi tin cô hiểu, đại diện cho hôn nhân không phải là lễ cưới long trọng hay mảnh giấy pháp nhân." Rồi bóng chàng dần chìm sau những hoa đèn giăng giăng.
Giữa quảng trường rộn rịp đêm cuối tuần, Bội Nghi tê dại dõi theo bóng chàng. Milan sao rét buốt đến thế? Cô sang đây từ hôm đầu triển lãm nhưng chưa từng có đủ cam đảm đối diện với sự thật, nên chỉ lặng lẽ đứng nhìn. Đến tận chiều nay, tiếng dương cầm như tiếng lòng gào thét kia khiến bước chân cô trở nên bất tuân mệnh lệnh của lí trí, để đón nhận kết cuộc đau lòng này. Mười sáu năm trước hay mười sáu năm sau nữa, chàng sẽ không đổi thay và cô cũng chẳng thay đổi, hai người vĩnh viễn là hai đường thẳng song song, một đường thẳng mãi chờ đợi một giao điểm từ đường thẳng kia dẫu biết trước hoài công.
Cuộc tương ngộ cùng Bội Nghi không đọng lại trong tâm trí quá lâu, chàng dường như đã quên cô khi về đến khách sạn bởi ngay từ thuở ban đầu, lòng chàng chưa từng có cô. Mười sáu năm trước đã thế, huống chi mười sáu năm sau, chàng còn quá nhiều điều quan trọng cần phải bận tâm.
"Chiều Milan thật đẹp, đúng không con trai?" Tiếng bố chàng vang lên, ngay khi chàng vừa đến sảnh lớn của khách sạn. Trên chiếc sô-pha bọc nhung đen tuyền giữa đại sảnh ngập tràn ánh sáng từ những chùm đèn pha-lê rực rỡ, ông trông còn rất trẻ so với tuổi sáu mươi, phong thái đĩnh đạc uy quyền, mắt vẫn ngời sáng tinh anh, vận âu phục cổ điển có đường cắt may tinh xảo.
Chàng hơi ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của ông nhưng vẫn lễ phép cúi chào và tỏ ý quan tâm,"Thưa, con nghĩ bố đã trở về cùng ông bà."
Bố chàng đứng lên rồi khẽ cười hiền, "Không! Cầu tháp tùng ông bà về trước. Ta còn vài việc ở đảo Sicily."
Sicily là hòn đảo thiên đường trong lòng nước Ý được cả thế giới biết đến qua nhân vật Don Vito Corleone trong tác phẩm kinh điển "Bố già" của đại văn hào Mario Puzo. Ngoài đời thực, Sicily có đôi nét tương đồng, bên cạnh màu nước biển xanh như ngọc mang đến cảm giác êm dịu thì ngọn núi lửa Etna lớn nhất Châu Âu vẫn đang gầm thét dữ dội, tương đồng với con người nơi đây. Sicily còn được biết đến bởi hải cảng Messina, thuyền bè tấp nập ngược xuôi. Nên chàng không hỏi thêm về công việc của bố, chỉ đưa mắt nhìn đồng hồ trên tay mình rồi ẩn ý nhìn sang ông, "Mẹ và con có hẹn dùng bữa tối vào lúc tám giờ. Bố đi cùng con nhé!"
Hình như đã lâu, ông chưa dùng bữa cùng bà. Hai lần chàng tham dự triển lãm tranh, họ đều tham dự nhưng tránh chạm mặt nhau. Milan bảo nhỏ chẳng nhỏ, rộng cũng chẳng rộng, cả gia đình ở cùng một khách sạn, thế mà ông bà cứ tựa ngày và đêm. Bà chọn phòng trên tầng ba mươi, ông cùng bố mẹ mình ngụ tại tầng mười lăm, còn chàng lại ở tận tầng sáu mươi bảy. Nghĩ đến bà, bước chân ông bỗng dưng chậm dần khi môi nở nụ cười kém vui, "Đừng khiến bà ấy mất nhã hứng," nói đoạn, ông hướng mắt về phía bức tường kính, bên ngoài, ánh tà dương vẫn luyến tiếc chưa phai. Bàn tay ông chạm nhẹ vào đôi vai rộng của chàng, "Bố con ta uống chút gì đó trước, chắc vẫn kịp giờ hẹn của con."
"Vâng," chàng gật đầu, bước theo sau ông rồi bỗng nghĩ đến điều gì đó liền nhẹ giọng đề nghị, "Bố có muốn ghé qua phòng con, thử chai rượu đỏ vừa được tặng chiều qua không ạ?"
Nét cười nhuận tươi lập tức hiện hữu trong đáy mắt khi ông gật đầu đồng ý. Từ bé, chàng vốn đã có những khác biệt, phòng riêng luôn là phạm vi tuyệt mật, thậm chí gia trưởng trong nhà muốn vào cũng cần thông báo trước. Rồi đến tuổi trưởng thành, những sự khác biệt trong tính cách càng thể hiện rõ hơn, chàng thâm trầm đến mức đáng sợ. Cho đến năm năm trước, cuộc sống của chàng đã vượt hẳn ra khỏi tầm tay ông. Chàng vẫn là con trai ông hết mực thương yêu, kì vọng; ông vẫn là người bố chàng hằng tôn kính nhưng đôi bên không có nhiều cơ hội ngồi cạnh nhau hay trò chuyện thân mật như ngày xưa bởi công việc, đời tư và một khoảng trống vô hình nào đó chắn ngang.
Chàng bừa bãi vắt áo khoác ngoài lên thành ghế sô-pha rồi xắn tay áo sơ-mi lên cao, mở nắp chai rượu đỏ, rót vào hai chiếc cốc và lễ phép dùng cả hai tay trao cho ông. Đợi ông nếm trước, chàng mới thong thả đưa cốc lên ngang mũi, hít một hơi nhẹ trước khi chạm môi vào thành cốc.
Phía đối diện, ông đang thoải mái tựa lưng vào ghế, mi mắt nhắm hờ để cảm nhận vị rượu đậm, hương rượu đủ nồng đủ thanh. "Rượu ngon," ông nhận xét.
Mắt chàng ánh lên nét tự hào khi nghe được những lời ấy, bởi bố chàng luôn rất kĩ tính khi thưởng thức rượu. Với ông, rượu có linh tính như con người nên cách uống rượu nói lên rất nhiều điều. Chàng được thừa hưởng từ ông rất nhiều điều, bao gồm cả những thú tiêu khiển. Nét môi chàng cong lên thành nụ cười ấm áp hiếm hoi rồi kính cẩn cất lời, "Con cảm ơn bố!" Nói xong, chàng không giấu vẻ xúc động chân thành của mình qua ánh mắt dạt dào sự hàm ơn. Năm năm qua, chàng chỉ chánh thức tham dự hai cuộc triển lãm và dù bận rộn đến đâu đi chăng nữa, ông chưa bao giờ vắng mặt, ngay từ ngày đầu tiên cho đến tận khi bế mạc. Chàng đã từng khiến ông thất vọng tưởng chừng ngã quỵ, cũng như ông không ít lần khiến chàng tổn thương cùng nhưng cả hai luôn hiểu nhau, dẫu chỉ qua làn hơi thở mong manh.
Ông nheo mắt nhìn chàng rất lâu rồi đưa chiếc cốc trống về phía chàng và gật gù ra chiều khó thổ lộ. Ngần ngừ thoáng chốc, ông trầm giọng tỏ ý tiếc nuối, "Nhẽ ra ta cũng nên sớm nói câu xin lỗi con."
"Xin bố đừng day dứt vì chuyện xưa cũ ấy! Ngần này tuổi, con hoàn toàn thấu suốt nỗi bận lòng của bố và Vũ rời bỏ con không bởi sự cản ngăn của bố." Chàng vội vàng đáp lời bằng âm giọng trầm xuống thấp, thành thật nhưng nỗi buồn vẫn hiện hữu trong ánh mắt sâu thẳm.
Ông cau mày, trầm tư hồi lâu vẫn chưa thể tìm ra lý do thực sự. Ngày ấy, ông nhận báo cáo về chàng mỗi ngày, tất nhiên sẽ bao gồm cả cô gái kia. Ba năm bảo đủ dài thì quả hồ đồ nhưng chẳng ai dám nói ngắn, ông chứng kiến đôi trẻ tựa vai nhau vượt qua biết bao bão giông, đã có những lúc quẫn bách đến cùng cực, con trai ông thà bán rẻ tôn nghiêm của bản thân cũng nhất định phải bảo vệ cô ta. Đứa con ông yêu thương như sinh mệnh mình đã đánh đổi địa vị, danh dự, gia đình vì một người phụ nữ thua kém về mọi mặt. Nhẽ đâu tất cả đều chưa đủ để giữa người ta bên nhau? Giọng ông có chút không hài lòng khi nghĩ đến tháng ngày cậu quý tử nhà ông phải lao nhọc tìm kế mưu sinh từ những công việc thấp kém nhất, "Cô ta còn dám không hài lòng về con?"
Chầm chậm lắc đầu, chàng cố nén tiếng thở dài đắng chát bằng cái mím xót xa, "Thưa không! Vì những gì mẹ đã nói với cô ấy. Đúng hơn, Vũ yêu con nhưng không tin tưởng con, cũng như chính bản thân cô ấy. Khi mẹ tìm gặp, đó như là làn roi cuối cùng khiến cô ấy buông tay."
Sylvie ư? Ông thầm hỏi bà đã nói gì với cô gái kia, đồng thời lại lo lắng với bản tính cố chấp đến tận cùng của chàng thì quan hệ mẹ con khó lòng có thể nồng ấm như xưa. Giờ thì ông đã hiểu vì sao suốt năm năm qua, chàng chưa từng chủ động trực tiếp liên lạc với mẹ mình, những món quà tặng hoặc lời quan tâm đều thông qua ông. Ngược lại, bà luôn nhạy cảm với tất cả những thông tin có liên quan đến chàng, đề tài trong câu chuyện giữa hai người luôn là cuộc sống và tâm trạng của chàng. Nuôi con mấy mươi năm, cùng mang suy nghĩ nam nhi Chử gia, ông biết chàng nghiêm túc với mối quan hệ ấy ngần nào, đây cũng là lí do năm đó ông không bắt tội cô gái tên Vũ kia.
Trong lúc mãi suy tư, chàng đã đến ngồi cạnh lúc nào ông không hay biết. Chàng hơi khom người để vai mình không cao hơn vai ông khi đối diện và khẽ nhếch môi vẽ nên nụ cười chứa nhiều ẩn ý, nửa cảm thông nửa tự ủi an, "Bố có thể yên tâm rằng trong chuyện xưa, con cũng không dám buồn trách mẹ. Mỗi người đều có mỗi nhân sinh quan riêng và không thể phân định đúng hay sai, lỗi vẫn là do con yêu thương chưa đủ."
Ông xót xa nhìn chàng nhưng cõi lòng lại yên bình đến lạ. Chử gia đã có nguời thừa kế xứng đáng như ông vẫn hằng mong.