Nhất bối tử (Một đời) - Cập nhật - Mưa miên man

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0

- Tên truyện:
Nhất bối tử (Một đời)

- Tên tác giả: Mưa miên man

- Tình trạng truyện: đang sáng tác

- Thể loại: ngôn tình cổ đại.

- Giới hạn độ tuổi đọc: truyện có yêu đương, đánh nhau nên chắc giới hạn độ tuổi 13+ ^^

- Cảnh báo về nội dung: tất cả các nhân vật, sự kiện và địa danh được nhắc đến trong truyện đều mang tính chất hư cấu, mọi sự trùng khớp với lịch sử chỉ để tham khảo. Truyện sử dụng tư liệu lịch sử và văn hóa Trung Quốc trong việc xây dựng nội dung là dựa trên sở thích riêng của tác giả, độc giả nào cảm thấy không phù hợp có thể bỏ qua. Xin cảm ơn.

- Giới thiệu truyện:

Giang sơn là gì để người quân tử phải đem cả tính mạng ra mà bảo vệ?

Quyền lực là gì để đấng minh quân phải đánh đổi bằng tất cả hạnh phúc của bản thân?

Ta không phải là quân tử, cũng không phải là đấng minh quân.

Ta chỉ là một nữ nhi, đã đem lòng yêu thương một người quân tử và một đấng minh quân.

Vì yêu, ta không sợ tổn thương.

Vì yêu, ta không sợ hy sinh.

Vì yêu, ta không sợ bất cứ điều gì.

Thế nên, ta chỉ còn cách, đem tình yêu cháy bỏng, nồng nhiệt của một thời thanh xuân ấy, biến thành nghị lực kiên cường, dốc lòng dốc sức, mà bảo vệ giang sơn, xã tắc của người quân tử; nếm trải khổ cực, mà giữ vững quyền lực, ngai vàng của đấng minh quân.

Khi nước mắt ta tuôn rơi, ngập tràn những con sông của vùng Giang Nam.

Khi máu của ta chảy xuống, nhuộm đỏ từng ngọn núi của vùng Tây Bắc.

Khi thể xác và linh hồn của ta, vì quyền lực mà hóa tro tàn, vì giang sơn mà quay về với cát bụi.

Thì liệu bọn họ, có nhớ đến ta, có dành cho ta, một phần nào đó của thứ tình cảm ấm áp như ngọn gió đầu xuân mà họ từng nói hay không?

- Giới thiệu nhân vật:

1) Cảnh An Huy: con trai duy nhất của đại tướng quân Cảnh Bình, phiêu kị tướng quân của Trần quốc.

2) Trương Bối Tử/ Trương Hy Nhàn: con gái thứ hai của thừa tướng Trương Quyền.

3) Mạc Thịnh Quân: con trai trưởng của đại thượng thư Mạc Khanh.

4) Cao Dương (Tề Hiếu Chiêu Đế): hoàng đế của Bắc Tề, mắc bệnh lạ từ khi còn nhỏ, ít khi lộ diện trước mặt người khác.

5) Trương Hạc Nhàn: con gái lớn của thừa tướng Trương Quyền, có hôn ước với Mạc Thịnh Quân.

6) Mạc Cầm Vân: em gái của Mạc Thịnh Quân.

7) Trần Bá Tiến (Trần Vũ Đế): quan đại thần dưới triều Lương Nguyên Đế, cùng bốn người bằng hữu Trương Quyền, Cảnh Bình, Mạc Khanh và Liễu Khiêm phế truất ấu vương, độc chiếm giang sơn của nhà Lương, lập ra nhà Trần. Sau trở thành Trần Vũ Đế, là một vị vua nhiều mưu lược, ôm mộng thống nhất đại lục.

8) Trương Quyền: thừa tướng của Trần quốc, cha của Trương Hạc Nhàn và Trương Hy Nhàn.

9) Mạc Khanh: đại thượng thư của Trần quốc, cha của Mạc Thịnh Quân và Mạc Cầm Vân.

10) Cảnh Bình: đại tướng quân của Trần quốc, cha của Cảnh An Huy.

11) Liễu Khiêm: huynh đệ kết nghĩa của Trần Bá Tiến, Trương Quyền, Mạc Khanh và Cảnh Bình. Vì bị vu oan mà trở thành phản thần, bị tru di tam tộc.

12) An Nhược Linh: vợ của Liễu Khiêm.

13) An Nhược Hoan: em gái của An Nhược Linh.

- Cảm nhận và một số trích đoạn trong truyện:

Từ khi biết hiểu chuyện, trên cổ nàng lúc nào cũng đeo một mặt dây chuyền có khắc hai chữ “bối tử”. Thế nên, tên của nàng là “Tiểu Bối Tử”.

Nàng ghét cái tên nghe như tên của một tiểu thái giám, nàng cũng đã từng oán hận phụ mẫu vì đã đặt tên cho nàng như vậy.

Nhưng trước khi mẫu thân rời bỏ thế gian, bà đã dặn dò nàng phải luôn giữ gìn mặt dây chuyền ấy mà đi tìm phụ thân nàng.

Ngày phụ thân tìm thấy nàng, ông cầm mặt dây chuyền ấy trong tay mà khóc lên từng tiếng nghẹn ngào, rồi hứa rằng nhất định sẽ bù đắp cho nàng.

Vì những người sinh thành nên mình, nàng trân trọng mặt dây chuyền ấy, cũng tập cho bản thân yêu thích cái tên Tiểu Bối Tử xấu xí kia.

Thế nhưng…

Gia đình của nàng là những người chưa từng nhìn thấy nàng, cũng chưa từng quan tâm nàng.

Mẫu thân nàng mất sớm, phụ thân không thật lòng yêu thương nàng. Kế mẫu và tỷ tỷ từng bước, từng bước độc chiếm mọi ưu ái đáng lẽ phải thuộc về nàng trong gia tộc.

Từ thân phận đại tiểu thư, con gái của chính thê, nàng trở thành thứ nữ, trước sự ghẻ lạnh của mọi người mà phải rời bỏ phủ đệ, sống lang thang bên ngoài nhiều năm trời.

Vậy mà…

Cho dù nàng có cố gắng thu mình, để tự bảo vệ bản thân trong một vỏ bọc lạnh lùng. Hết lần này đến lần khác, ông trời đều bắt nàng phải đem con tim chân thành của nàng cho người khác giày vò.

Đến khi trưởng thành, nàng nhận ra, nàng là kiểu người một khi đã yêu thương ai đó thì suốt đời này nàng cũng không thể buông bỏ được.
----​
Bắt đầu từ năm sáu tuổi, nàng đã quyết tâm, cả đời này chỉ hướng lòng về một mình người đó.

“Ta còn nhỏ như vậy, thì biết gì là yêu thương cơ chứ. Ta chỉ biết, ngày xưa mỗi khi nhớ đến phụ thân, mẫu thân đều để dành cho ông những thứ tốt nhất. Vào ngày hôm đó, chiếc bánh cam mà ta đang ăn dở, miếng ăn duy nhất và cuối cùng ta được phát trong ngày, dù bụng ta vẫn còn rất đói, ta cũng muốn đem cho huynh ấy. Thế thì… đó có phải là tình yêu hay không?”

Vậy mà mười năm sau…

“Huynh ấy cùng tỷ tỷ của ta khoác trên mình hỷ phục, bước vào lễ đường có thắp nến long phụng đỏ rực, nơi cả không gian ngập tràn niềm hạnh phúc ấm áp. Ta không khác mọi người, nở một nụ cười rạng rỡ trên môi thay lời chúc phúc họ. Nhưng trong lòng ta, giông bão của bầu trời tháng mười lạnh lẽo, cứ thế mà thổi bay, mà xóa sạch hy vọng cuối cùng của cuộc đời ta.”
----​
Bắt đầu từ lúc cùng người ấy vào sinh ra tử, nàng đã quyết tâm cho dù không được nắm lấy tay người ấy, cho dù không được danh chính ngôn thuận bước đi bên cạnh người ấy, nàng cũng sẽ lặng lẽ đi theo sau người ấy, bảo vệ người ấy đến cuối đời.

“Có lẽ hắn không biết, cảm giác mơ hồ nhưng lại chân thật nhất trên đời mà ta từng trải qua, đó chính là suy nghĩ hắn sống thì ta sống. Hắn chết thì ta quyết tâm dùng cả mạng sống của mình để đổi lấy mạng sống của hắn. Cho dù có phải chiến đấu với cả Diêm vương, Ngọc đế và vận mệnh, ta cũng sẽ không bao giờ từ bỏ hắn.”

Vậy mà mười năm sau…

“Chàng an vị trên ngôi cao, khí phách uy nghiêm lẫm liệt, được vạn dân kính phục, người người ngưỡng mộ. Còn ta, chỉ là một thần tử không hơn không kém, ngay cả ngước nhìn chàng bằng ánh mắt yêu thương cũng không thể làm được, chỉ biết đem chôn chặt mọi tình cảm trong tim, để ngày ngày được kề cận bên chàng.”

***​

Dưới bầu trời sao lấp lánh, trong từng tán lá đọng sương long lanh đang ôm trọn những ngọn gió lướt qua, thổi mát cả tâm hồn ta, huynh ấy và ta nằm cạnh nhau trên bãi cỏ mềm mại. Ta khẽ nghiêng đầu mà nhìn khuôn mặt lúc nào cũng tỏa ra một nét cười mộc mạc của huynh ấy, khi huynh ấy chỉ tay lên trời cao, hỏi ta:

- Tiểu Bối này, muội đã nghe chuyện về Dao Quang chưa?

- Chưa.

- Đó là ngôi sao cuối cùng của chòm sao Bắc Đẩu, nằm ở hướng chính Bắc, cũng là ngôi sao sáng nhất trong số bảy ngôi sao.

- Huynh cũng thích ngắm sao ư?

- Huynh thích Dao Quang.

- Ừ, muội biết rồi.

- Muội phải nhớ cho kỹ, huynh thích Dao Quang, huynh… yêu Dao Quang.

Rất nhiều năm sau đó, ta mới biết, Dao Quang trong lời nói của huynh ấy, là để chỉ một người con gái.

***​

Trên một sườn đồi được ánh trăng bạc chiếu rọi, ta và hắn vai kề vai, ngồi cạnh nhau, cùng phóng tầm mắt xuống kinh thành phồn hoa, tráng lệ bên dưới. Trong cảnh đêm vô tận, những ngọn lửa nhập nhòe thắp sáng nơi phố thị ấy không hiểu sao lại sưởi ấm hai trái tim đã từng nguội lạnh vì những cơn gió tuyết nơi chiến trường. Hắn hướng ánh mắt về một nơi tập trung nhiều ánh lửa nhất, sáng rực nhất trong kinh thành, chính là hoàng cung lầu son gác tía, nơi cất giữ giấc mộng vinh quang của hắn, mà hỏi ta:

- Bối Bối, ngươi đã nghe chuyện về Dao Quang chưa?

- Chưa.

- Nhiều năm trước, phụ thân của ta có một người bằng hữu thân thiết, con gái ông ấy tên là Dao Quang. Cô bé đó nhỏ hơn ta bảy tuổi, từ khi sinh ra đã có hôn ước với ta.

- Hóa ra là vị hôn thê của huynh ư? Rồi sao nữa, hồi nhỏ được gia đình hứa hôn, nhưng giờ lớn lên huynh muốn bội ước, không muốn cưới cô nương ta nữa à?

- Không phải, là cả đời này ta chỉ muốn thành thân với một mình nàng ấy.

- Vậy… khi huynh trở thành hoàng đế, thì huynh có phong cô nương ấy làm hoàng hậu của huynh không?

- Vào lễ đầy tháng của nàng ấy, ta đã tặng cho nàng ấy một mặt dây chuyền, trên đó có khắc ba chữ “nhất bối tử”*. Đó là lời hứa của ta, ta nhất định sẽ thực hiện được. Khi ta trở thành chủ nhân của giang sơn này, nàng ấy sẽ là hoàng hậu duy nhất của ta. Cả đời này, ta sẽ chỉ yêu thương một mình nàng ấy.

(*Nghĩa là một đời)

Nghe những lời đó, cuối cùng ta mới biết được mặt dây chuyền ta luôn đeo trên cổ hơn hai mươi năm trời, thứ chưa bao giờ rời xa ta, không phải là di vật của mẫu thân ta. Nếu không phải do bị thời gian vô tình bào mòn, trên ấy đáng lẽ phải khắc tới ba chữ. Nếu như thế, tên của ta sẽ không bao giờ là cái tên “Tiểu Bối Tử” xấu xí kia.

***​
Người ta nói duyên phận là do trời định, vậy thì tình yêu đến chết cũng không thể buông bỏ giữa nàng và hai người nam nhân ấy, đến cuối cùng, liệu ông trời có thể trả lời cho nàng là thứ duyên phận gì được hay không?

Hữu tình chung cổ tự vô tình

Giang sơn như họa, lãnh tựa băng

Kim sinh bất kiến, khả bất hối?

Sinh ly tử biệt cách thiên nhai.


(Cả đời này đã đem lòng yêu người thì như biến thành kẻ vô tình

Cho dù giang sơn có đẹp như tranh, cũng chỉ lạnh lẽo như băng tuyết

Nếu kiếp sau không thể gặp lại, thử hỏi có hối hận hay không?

Giữa sống chết và ly biệt, ta và người đã cách xa nhau cả một bầu trời.)

Mục lục
Tiền truyện

Cuốn 1: Duyên do thiên định - Nợ tại nhân tâm

Chương 1: 1.1 - 1.2
Chương 2: 2.1 - 2.2

Chương 3: 3.1 - 3.2
Chương 4: 4.1 - 4.2
Chương 5: 5.1 - 5.2
Chương 6: 6.1 - 6.2
Chương 7: 7.1 - 7.2
Chương 8: 8.1 - 8.2
Chương 9: 9.1 - 9.2
Chương 10: 10.1 - 10.2
Chương 11: 11.1 - 11.2
Chương 12: 12.1 - 12.2
Chương 13: 13.1 - 13.2
Chương 14: 14.1 - 14.2
Chương 15: 15.1 - 15.2
Chương 16: 16.1 - 16.2 - 16.3
Chương 17: 17.1 - 17.2 - 17.3
Chương 18: 18.1 - 18.2
Chương 19: 19.1 - 19.2 - 19.3
Chương 20: 20.1 - 20.2 - 20.3


Cuốn 2: Tuyết rơi Nghiệp Thành - Mưa phủ Tây An
Cuốn 3: Sinh ly tử biệt - Biển trời chia xa

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Kem Dâu

...Cô hàng xóm...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
11/7/14
Bài viết
1.290
Gạo
0,0
Hức... Mình rất khâm phục những bạn viết truyện về lịch sử, vì mình rất ngu Lịch sử.:((:((:((
Nghe cái giới thiệu của bạn đã thấy bác đại tinh thâm rồi, chúc bạn viết truyện thật hay a.:D:D:D
Bài đăng trên có vài lỗi, bạn sửa nhé!;)
Trình (Tình) trạng truyện: đang sáng tác
Khi nước mắt ta tuôn rơi, ngập tràn những con sông của vùng giang nam.
Khi máu của ta chảy xuống, nhuộm đỏ từng ngọn núi của vùng tây bắc.
Viết hoa tên địa danh nhé! ^^
Cảnh Bình: đai tướng (đại tướng) quân của Trần quốc, cha của Cảnh An Huy.
 

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0
Hức... Mình rất khâm phục những bạn viết truyện về lịch sử, vì mình rất ngu Lịch sử.:((:((:((
Nghe cái giới thiệu của bạn đã thấy bác đại tinh thâm rồi, chúc bạn viết truyện thật hay a.:D:D:D
Bài đăng trên có vài lỗi, bạn sửa nhé!;)

Hi hi, bạn nhanh chân quá, mình mới post chưa kịp sửa lại lỗi bạn đã vào nhặt sạn giùm rồi.

Hy vọng bạn sẽ ủng hộ truyện nhé :D
 
Chỉnh sửa lần cuối:

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0
Tiền Truyện

Năm 420, Lưu Dụ soán ngôi Đông Tấn, lập ra nhà Lưu Tống ở miền Nam. Cùng lúc đó, các tộc người Tiên Ti, người Hồ và người Nhu Nhiên ở phương Bắc ngày càng lớn mạnh, cùng liên thủ với nhau lập ra nhà Bắc Ngụy ở miền Bắc. Kể từ đó, đã mở ra thời kỳ Nam-Bắc triều kéo dài hơn một trăm năm với những cuộc binh biến và tranh chấp quyền lực giữa các vương triều. Các nước lần lượt thay quân chủ, đổi triều đại, khiến lòng dân hoang mang, tình hình không ổn định cứ thế tiếp diễn.

Đến năm 554, thế cục các nước càng trở nên hỗn loạn bởi sự lớn mạnh của Bắc Chu. Các vương triều bắt đầu xâu xé lẫn nhau để mở rộng lãnh thổ, giành quyền sống còn, mở đầu bằng chiến tranh giữa Tây Ngụy và Hậu Lương.

Trong cuộc chiến đó, Hậu Lương từng bước thất thủ, quân chủ vừa qua đời, ấu chúa mới lên ngôi không có thực quyền, khiến triều chính lung lay, quân sĩ đang chiến đấu ngoài sa trường từng bước mất đi nhuệ khí. Tuy vậy, cuối cùng trong triều xuất hiện năm nhân tài là Trần Bá Tiến, Cảnh Bình, Mạc Khanh, Trương Quyền và Liễu Khiêm, đã từng bước thay đổi cục diện chiến tranh. Ban đầu từ chức những chức hiệu úy nhỏ nhoi, họ mặc kệ lệnh rút lui của triều đình, cùng nhau hợp sức, bảo vệ được thành Quảng Lăng, rồi dần dần đẩy lùi quân Tây Ngụy ra khỏi biên giới Hậu Lương.

Sau khi đánh bại được quân xâm lược, đồng thời thừa thắng xông lên chiếm lấy một phần giang sơn của Tây Ngụy, dưới sự ủng hộ của nhân dân, cả năm người họ cùng quay về Kiến Khang đoạt ngôi ấu chúa, lật đổ nhà Hậu Lương, lập ra Trần quốc.

Trần Bá Tiến là người lớn tuổi nhất trong số năm người, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của những huynh đệ kết nghĩa của mình mà bước lên ngôi quân chủ, trở thành Trần Vũ Đế. Sau khi lên ngôi, ông phong cho Trương Quyền làm thừa tướng, Mạc Khanh làm đại thượng thư, Liễu Khiêm làm đại tư mã, Cảnh Bình làm đại tướng quân, ban hiệu khai quốc công thần, trở thành rường cột của nước nhà.

Hai năm đầu sau khi lên ngôi, vì tham vọng thống nhất đại lục, Trần Vũ Đế cử Liễu Khiêm và Cảnh Bình thống lĩnh những cuộc chinh phạt về phía Tây Bắc. Họ liên tục thắng trận, công thành đoạt đất của Tây Ngụy, mở rộng lãnh thổ cho Trần quốc.

Tây Ngụy dần thất thủ trước thế lực lớn mạnh của Trần quốc, khiến cho giang sơn đứng trước nguy cơ diệt vong. Sau đó tộc người Dạ Lang lãnh đạo nhân dân nổi dậy, lật đổ triều đình, cuối cùng bảo vệ được một phần lãnh thổ trước làn sóng xâm lược của các nước lân bang, thành lập nước Tây Lương.

Bắc Chu tuy lớn mạnh nhưng cũng bắt đầu kiêng dè Trần quốc. Còn Bắc Tề trước tình trạng hoàng đế còn trẻ tuổi, chưa thể làm chủ triều chính, vì giữ vững lãnh thổ, thái hậu Bắc Tề đã quyết định kết làm đồng minh của Trần quốc, cùng nhau hợp tác kìm hãm thế lực của Bắc Chu.

Năm 558, cục diện bốn nước dần đi vào ổn định, vì tránh hao binh tổn tướng, các nước đều không động đao binh, bắt đầu bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0
CHƯƠNG 1: YÊU NỮ (1)


Trần quốc, năm Thừa Dụ thứ hai (năm 567).

Leng keng… leng keng…

Tiếng lục lạc vui tai kéo ta về thực tại, chợt nhận ra bản thân đã đứng ngây ngốc nhìn một cây kẹo hồ lô đến điên đảo hồn phách.

Chậm rãi đưa cây kẹo lên miệng, ta cắn thử một miếng, vị ngòn ngọt, chua chua cứ thế thấm dần vào lưỡi ta.

Nỗi tê tái trong lòng phút chốc cũng tiêu tan.

Có lẽ thích ăn đồ ngọt là một thói quen rất xấu của ta. Hễ cứ buồn bực, ta lại ăn đồ ngọt. Nhưng không dừng lại ở đó, khi vui vẻ ta cũng ăn, khi đăm chiêu suy nghĩ cũng ăn, nhớ nhà cũng ăn, khóc cũng ăn, giận dỗi cũng ăn. Thậm chí ta có thể ăn đồ ngọt trừ cơm.

Nói tóm lại, lúc còn nhỏ, ta đã có ý định ăn đồ ngọt mà lớn lên.

Nếu không phải có một người lúc nào cũng can ngăn ta, hứa rằng nếu ta dừng ăn đồ ngọt một cách vô độ mà tổn hại sức khỏe, thì sẽ cho ta nhìn mặt y, ta tuyệt đối sẽ không bao giờ kiêng thứ đồ ăn gây nghiện này. Y chính là kẻ xấu xa nhất trần đời, vì tính đến thời điểm này, ta đã kiêng ăn đồ ngọt suốt sáu năm, vậy mà mặt mũi y ra sao, ta cũng chẳng hay chẳng biết.

Bởi vậy việc đầu tiên ta làm khi vừa thoát khỏi tầm kiểm soát của y, đó chính là đứng ăn ngon lành một cây kẹo hồ lô đường phèn, mặc cho bộ dạng ăn kẹo như hổ đói của ta đã thu hút khá đông ánh nhìn trên đường phố.

Ăn kẹo xong, ta thản nhiên tìm kiếm tiếng lục lạc lúc nãy, phát hiện gần chỗ ta đứng là một sạp hàng bán đồ dùng của nữ nhi. Ta đến gần, liếc mắt nhìn qua những trang sức bày bán trước mặt, ra sức tìm kiếm thứ nào đã phát ra tiếng leng keng lúc nãy. Tất nhiên chẳng mất nhiều thời gian khi miếng ngọc bội hình hồ điệp ấy lọt vào tầm mắt ta. Ngọc bội màu trắng, nét chạm khắc cũng đơn giản, mộc mạc. Ở dưới nút thắt đồng tâm (1) màu xanh lam là mấy cái chuông lục lạc nhỏ màu bạc đã phát ra tiếng leng keng kia, tất cả được kết lại với nhau một cách tinh tế.

Ta thích những thứ có thể phát ra âm thanh như vậy.

Ta nhanh chóng bỏ ra vài đồng mua miếng ngọc bội ấy. Cô bán hàng còn khá trẻ, nhìn ta với ánh mắt mang ý cười mà hỏi:

- Công tử mua cho ý trung nhân sao?

Ta hơi khựng lại mất một giây, sau đó gật đầu mà nói:

- Là mua cho một mĩ nhân.

- Cô nương ấy thật có phúc. - Cô bán hàng cười đầy ẩn ý.

Ta nhướng mày, tỏ ý không hiểu, cô ta lại tiếp lời:

- Công tử trông khôi ngô tuấn tú như vậy, cô nương nào lọt vào mắt xanh của ngài, quả là phúc khí tu được từ kiếp trước.

Một cảm giác lành lạnh chạy khắp sống lưng khi người trước mặt dường như đang phóng tình ý tung toé về phía ta. Rùng mình một cái, ta cười khách sáo trong lúc nhanh tay cầm lấy ngọc bội mà bước ra khỏi chỗ đó.

Vừa đi ta vừa vỗ vỗ mặt mình:

- Đẹp quá cũng là một cái tội đấy.

Đi được một lúc, phát hiện cổ họng khát khô, ta đành tìm chỗ nghỉ chân. Nhìn quanh quất, chỉ thấy có vài hàng quán nhỏ, ta lắc đầu ngán ngẩm. Không ngờ thành Quảng Lăng chỉ sau vài năm lại trở nên tiêu điều đến thế này, những phố thị phồn hoa ngày đó dường như đã mất tích không còn dấu vết.

Ta đành hỏi thăm một người đi đường:

- Vị đại ca này, cho hỏi trong thành, quán ăn nào là sang trọng nhất vậy?

Tên đó liếc ta từ trên xuống dưới rồi đáp:

- Hồng Hải tửu lâu, đi hết dãy phố này sẽ gặp.

Ta khách sáo cảm ơn một tiếng, sau đó đi theo lời chỉ dẫn, cuối cùng cũng tìm được chỗ nghỉ chân cũng coi là… tạm được. So với ở Kiến Chương, nơi này quá lắm chỉ được gọi là một quán ăn nhỏ.

Bước vào tửu lâu, tiểu nhị hăm hở ra đón khách, ta bảo hắn chọn cho ta chỗ ngồi tốt nhất. Hắn hiểu ý, đưa ta lên tầng hai, ngồi ở một cái bàn gần lan can, nơi những ngọn gió mát lạnh không ngừng lùa qua màn sáo bên ngoài hành lang, phát ra những âm điệu thanh thoát. Nếu là buổi đêm, thì có thể miêu tả bằng bốn chữ: “trăng thanh gió mát”.

Ta hài lòng thưởng cho tên tiểu nhị mấy đồng, nụ cười của hắn lại càng rạng rỡ, cho đến khi ta gọi món:

- Khinh hoa nguyên viện, tửu khí hàn tâm, hoạt sắc lai châu, lục liên nhã văn, mỗi thứ một đĩa. Thêm một bình Hàn Tuyết Lưu Ly hai mươi năm, một bình bạch trà Đằng Long. À, ngươi nhớ dặn đầu bếp rau cải chỉ lấy cuống không lấy lá, hạt sen phải bỏ tim đi, cá phải làm sạch vảy, mực phải lột sạch da, tôm lột vỏ, trứng luộc lòng đào,…

- Khách quan! - Mặt tên tiểu nhị xanh lét, ngắt lời ta.

- Chuyện gì?

- Khách quan thứ lỗi, những món ngài vừa gọi, tiểu nhân chưa từng nghe qua. Còn những dặn dò kia, thật là quá khắt khe, tửu lâu này đông như vậy, e rằng phòng bếp không thể đáp ứng. Rượu thì chúng tôi chỉ có Nữ Nhi Hồng mười năm, trà thì chỉ lục trà, chứ bạch trà Đằng Long quý giá như vậy, thật sự đi khắp thành Quảng Lăng này cũng tìm không ra.

Ta hơi nhíu mày nhìn tên tiểu nhị này, sau đó đập bàn, lớn tiếng gọi:

- Ông chủ đâu!

Ông chủ này tính ra cũng là một người nhanh nhẹn, chưa gì đã hấp tấp chạy tới, trên môi nở một nụ cười nghề nghiệp, cố gắng xoa dịu ta:

- Khách quan có điều gì dặn dò ạ?

Ta không nhiều lời, chỉ lấy từ trong tay áo ra một thỏi bạc trắng đặt lên bàn, nhẹ nhàng buông một câu:

- Thực hiện được yêu cầu của ta, thì chỗ bạc này là của ngươi.

Một khắc (2) sau, tất cả những món ta gọi đều được dọn lên bàn, không thiếu một thứ.

Thế mới nói, có tiền mua tiên cũng được!

Ông chủ quán và tên tiểu nhị trước khi rời đi, còn niềm nở hỏi xem có gì sai sót không. Ta lười trả lời, phất tay ra hiệu cho họ đi khuất mắt, rồi từ từ thưởng thức bữa ăn của mình. Ta ăn được lưng chừng bụng, cảm thấy khắp người cứ nhồn nhột liền ngẩng đầu lên, mới phát hiện tất cả mọi người đều đang trố mắt nhìn ta.

Trời đánh còn tránh bữa ăn nha, bộ bọn họ là lần đầu tiên nhìn thấy người đẹp ăn nên ngạc nhiên vậy sao.

May thay vừa lúc đó, bỗng đâu có một ông lão từ dưới cầu thang bước lên, ăn vận chỉnh tề, tiến ra chiếc bàn đặt giữa nơi này, nơi nãy giờ vẫn để trống dù quán rất đông, ung dung ngồi xuống, thu hút hết sự chú ý của mọi người. Không còn biến thành sinh vật lạ nữa, ta thoải mái đánh chén bữa ăn của mình. Nhưng trong lòng ta đang ngầm bái phục, ông già này cũng lợi hại nha, mắt đã mù như vậy, mà vẫn tìm được đúng đường đi mà không cần nhờ gậy.

Phải, lúc ông ta vừa bước lên thì ta đã nhận ra ông ta chẳng thấy gì, bằng chứng là đôi mắt trắng dã của ông ta chẳng hề còn khả năng nhìn về phía ta với vẻ mặt tò mò như đa số mọi người. Đột ngột ông ta lên tiếng:

- Các vị thân hữu, vẫn khoẻ chứ?

Rất nhiều tiếng trả lời đáp lại, lúc này ta mới biết, ông ta là khách quen của nơi này. Thảo nào không cần người chỉ đường, ông ta vẫn có thể thông thạo mọi thứ như vậy. À, thực ra tất cả mọi người đang ngồi trên lầu hai này, đều là khách quen, ai nấy đều biết nhau, xưng hô cũng thoải mái.

Có lẽ ta chính là người lạ duy nhất.

Nhưng ta không quan tâm, vì ta vốn dĩ cũng chỉ là một người qua đường.

Sau màn chào hỏi, ông lão mù kia bắt đầu đứng lên mà kể chuyện. Ta thì không lấy làm lạ trước cái kiểu kể chuyện hay xuất hiện trong tửu lâu này, lại càng không hứng thú với mấy chuyện chiến tranh, vương quyền trong sử ký mà ông lão ấy đang kể vanh vách. Bởi thế lúc ông ta kể đến đoạn Hạng Vũ tự tử bên Ô Giang (3), cả một tửu lâu như lặng đi, chỉ còn vang lên một tiếng “khà” thật sảng khoái của ta sau khi nhấp xong một ngụm rượu Hàn Tuyết Lưu Ly hảo hạng mà thôi.

Một lần nữa ta lại là nhà vô địch trong việc thu hút sự chú ý của mọi người. Ta cũng thật thất đức mà, không nhường nhịn cả người già.

Có chút áy náy, ta liền giả vờ tỏ ra hứng thú, đập bàn mà nói:

- Một kẻ hữu dũng vô mưu, thật là thiệt thòi cho Ngưu Cơ rồi, lấy phải loại phu quân như vậy.

Ta vừa dứt lời, mọi người lại một lần nữa nhìn ta bằng ánh mắt kinh ngạc pha lẫn khinh bỉ.

Ông lão mù chợt đứng phắt dậy, cười nhạt mà nói:

- Tiểu huynh đệ nói sai rồi, phải là cái chí hùng tráng của Tây Sở Bá Vương, chỉ vì một Cai Hạ ca, mà hoá tro bụi. Người anh hùng trước nay phải có chí tiến thủ mới làm nên nghiệp lớn. Nhưng nếu không phải vì ý muốn tự tử cùng Ngưu Cơ, thì có lẽ Tây Sở Bá Vương đã nghĩ ra được cách đào thoát. Ai biết được liệu rằng nếu còn sống thêm vài năm nữa, Lưu Bang chắc gì đã là đối thủ của ông ta?

- Vậy ra là lỗi của nữ nhân sao?

- Hồng nhan họa thủy (4), trước nay chưa từng sai.

Ta cười khinh miệt một tiếng, trọng nam khinh nữ, quả thật ta ghét cái kiểu suy nghĩ này.

Đột nhiên một người lên tiếng:

- Tôn sư phụ, nhắc đến hồng nhan họa thủy, vậy ngài có nghe qua về lời sấm truyền ấy chưa?

Ông lão mù thở dài một hơi:

- Ta cũng đang rất phiền não, nhưng ai bảo cô ta lại là con gái của thừa tướng kia chứ?

Nhận ra ánh mắt tò mò của nhiều người, người vừa cất tiếng nhanh nhẹn đứng lên giải thích:

- Vào năm Nguyên Bình thứ nhất, lúc Trần quốc vừa mới thành lập, tại kinh thành bỗng nhiên xảy ra một trận động đất lớn. Từ trong những kẽ nứt, dưới đất mọc lên một cột đá, trên đó có đề một lời sấm truyền rằng Trần quốc sẽ bị diệt vong vào tay một nữ nhân có ký hiệu của cửu vĩ hồ (5) trên người. Mấy năm sau, nữ nhân đó thật sự đã xuất hiện, với một cái bớt hình đuôi cữu vĩ hồ trên trán. Nữ nhân ấy là con gái của thừa tướng Trương Quyền. Tương truyền cô ta chính là hoán thân của hồ ly Đát Kỷ thời Trụ Vương ngày xưa. Nếu còn lưu giữ cô ta thì Trần quốc sẽ gánh phải cái hoạ mất nước.

Thế nhưng lúc ấy cô ta chỉ là một đứa bé mới mười tuổi, còn chưa hiểu chuyện. Thêm vào đó, phụ thân của cô ta lại là thừa tướng, một trong những khai quốc công thần, bằng hữu cùng vào sinh ra tử với hoàng đế năm xưa, nên cô ta đã thoát chết. Hoàng đế vốn là người nhân hậu nên hạ chiếu chỉ nói rằng, nhân chi sơ tính bổn thiện (6), chỉ cần dạy dỗ cô ta cho thật tốt, hồ ly chuyển thế cũng có thể hoá kiếp thành tiên.

Bởi vậy cô ta mới được gửi đến núi Doãn Duật cho “thần tiên sống” Tử Minh Họa Vi chân quân nuôi dưỡng suốt bao năm qua. Vậy mà mấy tháng nay bá tánh Trần quốc đều ăn ngủ không yên vì tin tức Họa Vi chân quân đã cho phép cô ta hạ sơn, trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy rằng chân quân khẳng định đã diệt trừ mọi vận hạn của cô ta, nhưng có tin đồn rằng cô ta là một nữ tử rất xảo quyệt, lươn lẹo, lại có nhan sắc hơn người, hoàn toàn có khả năng khuynh quốc như trong lời sấm truyền.

- Loại yêu nữ như vậy nên bị thiêu sống mới phải, sao còn cho cô ta quay về?

- Phải đó, rốt cuộc là hoàng thượng hồ đồ hay là thừa tướng lộng quyền, bao che cho con gái mình.

- Nghe nói đoàn hộ tống cô ta đang ở Quảng Lăng, hay là chúng ta nên hợp lực diệt trừ cô ta?

Lời qua tiếng lại, nhất thảy đều ủng hộ diệt trừ yêu nữ.

Ta đảo mắt nhìn hết một lượt mọi người, từng câu từng chữ của họ đều giống hệt những lưỡi gươm sắc nhọn xuyên thẳng vào đầu óc ta.

Ngày đó đứng giữa Hồi Quang điện, ta cũng được nghe những lời tương tự như vậy, thậm chí là còn gay gắt hơn. Bọn họ đâu chỉ đòi thiêu sống ta, mà còn đòi phải chặt xác ta làm nhiều mảnh, đem chôn khắp tứ phương để ta hồn bay phách tán, đời đời kiếp kiếp không bao giờ có thể đầu thai được nữa.

Khi đó ta còn quá nhỏ để phản kháng, chỉ biết khóc gọi phụ thân mình, liên tục khẳng định ta không phải yêu nữ. Nhưng tiếc thay cho những người học rộng hiểu nhiều, những người được vạn dân kính phục, gọi là quan phụ mẫu, gọi là thiên tử, mà tầm nhìn lại hạn hẹp như vậy. Hoặc giả, trong lòng họ chứa đựng những âm mưu đen tối mà một đứa trẻ quá trong sáng không bao giờ có thể nhìn thấu.

Để rồi trong cuộc chiến quyền lực đó, ta là người duy nhất phải lãnh nhận hậu quả.

Vậy mà kỳ lạ thay, bây giờ nhớ lại, một chút đau lòng ta cũng không có. Ta chỉ hối hận, sao ngày đó ta không khẳng định mình chính yêu nữ, rồi nguyền rủa tất cả bọn họ đến chết cũng không được siêu sinh. Ít ra nếu một yêu nữ nguyền rủa, thì nhất định sẽ có ngày quả báo ứng nghiệm lên những kẻ đáng bị trừng phạt. Chứ những giọt nước mắt của một đứa trẻ mười tuổi vô tội, cũng chẳng thể làm cho họ áy náy, dù chỉ là trong một giây phút.

Trước lúc rời khỏi tửu lâu đó, sau khi nghe đến đầy lỗ tai những lời nguyền rủa mình, ta đã để lại một lời nhắn trên tường rằng: “Yêu nữ đã đặt chân đến nơi đây, tất cả các người sau khi chết đi sẽ bị biến thành cô hồn dã quỷ để phục vụ cô ta ở dưới âm phủ”. Đảm bảo không cần đến tri phủ đại nhân dọn đường vào sáng mai, đoàn người ngựa của ta cũng có thể ra khỏi Quảng Lăng một cách an toàn. Vì những kẻ muốn giết ta đều sẽ trốn chui trốn nhủi ở nhà trong nỗi sợ hãi phải nhìn thấy yêu nữ.

Đổ lỗi vong quốc cho một nữ nhân, trong khi nam nhân khoẻ mạnh thì không dám đi ra biên cương đánh giặc, mà chỉ suốt ngày quanh quẩn nơi tửu lâu tìm niềm vui chè chén.

Đó mới chính là họa thủy!
----
(còn tiếp)​

<< Tiền truyện
 
Chỉnh sửa lần cuối:

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0
CHƯƠNG 1: YÊU NỮ (2)

Khi ta nhảy xuống từ trên tường của phủ tri huyện thành Quảng Lăng để vào hậu viên thì cũng là lúc trời sập tối.

Chưa nghe thấy những thanh âm ồn ào, ta chắc mẩm người hầu chưa phát giác việc ta trốn ra ngoài nên rất bình tĩnh leo vào cửa sổ phòng tắm. Lúc nãy trước khi ra ngoài, ta đã nói với nha hoàn hầu hạ rằng mình đi tắm, chỉ mới qua có hai canh giờ, chắc bọn họ chưa đến mức gọi thị vệ đâu nhỉ. Cùng lắm có gọi cửa mà không nghe ta trả lời, thì họ sẽ cho rằng ta đã ngủ quên mà đứng chờ bên ngoài cho đến lúc ta tỉnh dậy.

Ấy vậy mà ta không ngờ, trên đời này chỉ có mình ta là không nghiêm trọng hoá vấn đề.

Ta chỉ mới vừa trút bỏ bộ y phục nam nhân trên người, thì cánh cửa phòng tắm bên ngoài đã bị đánh bay ra. Tất nhiên tình huống bình thường khi một nữ nhân nhìn thấy một nam nhân xông vào phòng tắm của mình, lúc trên người chẳng có một mảnh vải che thân, thì chắc chắn cô ta sẽ phải hét lên vài tiếng thất thanh trong hoảng loạn.

Chỉ trách là ta không hề giống những nữ nhân khác ở cái khoản thích la hét.

Nam nhân đứng trước mặt cũng không phải chưa từng nhìn thấy ta khỏa thân. Sự khác biệt duy nhất là lúc đó ta sáu tuổi, còn bây giờ ta mười sáu tuổi. Huynh ấy hai mươi hai tuổi chứ không phải mười hai tuổi.

Và nhất là, đôi mắt huynh ấy, có thể nhìn thấy ta một cách rõ ràng.

Vì vậy lúc ta thản nhiên nhìn huynh ấy mà hỏi:

- Có chuyện gì sao, Mạc hiệu úy (7)?

Người trước mặt đã vội vã quay về hướng khác, bối rối nói:

- Tại hạ mạo phạm... mong tiểu thư thứ lỗi.

Dứt lời, chưa kịp để ta chớp mắt đến lần thứ hai, bóng dáng huynh ấy đã hoàn toàn mất hút sau những cánh cửa và màn trướng che phủ dày đặc trước tầm nhìn của ta.

Ta bất giác thấy lạnh, không phải vì trên người không mặc gì, mà là lạnh trong tim.

Sau khi mặc y phục chỉnh tề, ta hít sâu vài hơi để điều hòa tâm trạng rồi từ tốn bước ra ngoài. Trước cửa phòng tắm, mấy cô nha hoàn hầu hạ ta trưng ra vẻ mặt sợ sệt mà quỳ xuống nhận tội. Ta không nói một lời, lạnh lùng bước ngang qua bọn họ, đi vào phòng mình, ngồi đường hoàng trên trường kỷ (8). Những nha hoàn kia vội vàng đi theo ta, sau đó lại tiếp tục quỳ trước trường kỷ của ta, bắt đầu khóc lóc đến nhức cả đầu:

- Nô tỳ gọi cửa rất lâu, không nghe thấy tiếng tiểu thư trả lời nên cho rằng tiểu thư đã xảy ra chuyện.

- Nô tỳ ban đầu chủ trương gọi Lương cô cô, nhưng vừa may Mạc hiệu úy đến thỉnh an tiểu thư mới nhờ ngài ấy giúp đỡ.

- Nô tỳ cũng không ngờ ngài ấy gọi cửa mấy lần mà tiểu thư không trả lời, thì liền lo lắng đến mức phá cửa đi vào một cách thình lình như vậy, mạo phạm đến tiểu thư.

Trong lúc họ nói, ta thảnh thơi nhịp nhịp đầu ngón tay lên chiếc bàn được phủ một nước sơn sáng loáng, phản chiếu rõ ràng một phần hình ảnh đã biến dạng của ta trên ấy. Đầu ngón tay tê rần đi, nhưng nụ cười cứng ngắc của ta thì vẫn không thay đổi. Đợi bọn họ báo cáo xong xuôi, ta hỏi:

- Còn gì nữa không?

Bọn họ đồng loạt lắc đầu.

Ta quay sang Lương cô cô đứng bên cạnh, thản nhiên cất tiếng:

- Đem xuống đánh gãy chân rồi đuổi đi, đừng để ta nhìn thấy bọn chúng nữa.

Nhiều tiếng hít sâu kinh hãi vang lên, đi kèm với tiếng kêu khóc xin tha mạng. Lương cô cô cũng ra sức năn nỉ:

- Tiểu thư bớt giận, là bọn họ lo lắng cho tiểu thư, hành sự không cẩn trọng, lần đầu tái phạm, mong tiểu thư nương tay.

Ta chỉ nhẹ nhàng hỏi:

- Lương Trữ, bà làm người hầu trong phủ thừa tướng bao lâu rồi?

- Dạ bẩm tiểu thư, là mười năm.

- Vậy bà nói việc đánh gãy chân bọn chúng với việc bắt Mạc hiệu úy chọc mù hai mắt vì đã mạo phạm ta, thì việc nào dễ hơn?

Nhìn thấy rõ nét bàng hoàng trong mắt Lương cô cô, ta không dây dưa nữa, liền đứng lên vào phòng trong nghỉ ngơi. Quả nhiên ta còn chưa đặt người xuống giường, thì tiếng kêu khóc cũng im bặt.

Thân phận người hầu, thì phải hiểu ý chủ nhân, chứ không phải là đòi hỏi lòng thương hại.

Ta thường ngủ không sâu, nhất là khi lạ giường nên chỉ chợp mắt một chút là tỉnh như sáo. Huống chi đêm nay có người nhất quyết không muốn cho ta ngủ.

- Tiểu thư, Mạc hiệu úy nói, nếu tiểu thư không tiếp kiến ngài ấy, thì ngài ấy sẽ đứng trước cửa suốt đêm đấy ạ.

Những lời đầy khó xử đó của Lương cô cô đã lặp lại đến lần thứ mười, làm ta không cách nào giả vờ ngủ được nữa. Ta thở dài một hơi, bước xuống giường, sửa soạn thật chỉnh tề rồi mới nói vọng ra:

- Bảo ngài ấy đến hồ sen đợi ta.

Một lúc sau, khi ra đến hồ sen lớn trong phủ, ta hạ lệnh cho người hầu thắp đèn lồng chiếu sáng mọi dãy hàng lang. Nhờ vậy mà đứng bên này hồ nhìn qua cái đình nhỏ nằm ở giữa hồ, ngay cả người đứng bên đó chớp mắt một cái cũng nhìn thấy rất rõ ràng. Ta đi đến đây mang theo hơn hai chục người hầu, cộng thêm thị vệ gác đêm ở phủ này, thì có cả thảy gần năm chục người nhìn thấy cuộc gặp gỡ giữa ta và cái người sống chết muốn gặp ta kia.

Ta bước rất nhanh, làm sương đêm đọng trên chiếc cầu nhỏ thấm ướt cả đôi hài. Trong lòng lại thầm cảm thán, khung cảnh này nếu không phải có cả trăm con mắt đang dõi theo nhất cử nhất động của ta, thì chắc hẳn ta sẽ cho rằng bản thân đang “dời gót ngọc, đạp sương mai, tìm tình lang” như trong các câu hát dân ca mất.

Vào đến đình rồi, ta lễ phép cúi người chào:

- Mạc hiệu úy an hảo.

- Xin tiểu thư nương tay, tha cho người những tỳ nữ đã phạm lỗi.

Cười nhạt một tiếng, huynh ấy vẫn bộc trực như ngày nào, chưa gì đã đi thẳng vào vấn đề như vậy.

Thật là mất hết cả nhã hứng của ta!

Ta từ tốn ngồi xuống bậc thềm nhỏ ngay cạnh lan can của đình, theo thói quen dùng ngón trỏ quấn lấy một lọn tóc, mân mê trong lòng bàn tay một chút mới hỏi:

- Là hiệu úy đại nhân giả vờ ngốc, hay thật sự ngốc?

- Tại hạ chỉ biết làm người thì không nên tuyệt tình như vậy.

- Nương tay với kẻ thù, là tự hại chết mình. Lý lẽ này chẳng lẽ người ở trong quan trường như đại nhân không hiểu?

- Tại hạ xuất thân quân binh, đã quen chiến đấu trên sa trường, chứ không phải quan trường. Những lý lẽ đó, thật sự không hiểu được.

- Thế nên ta chưa bao giờ yêu cầu đại nhân phải làm gì cả. Bày mưu tính kế, cứ để yêu nữ như ta làm là được rồi.

- Tiểu Bối!

Huynh ấy cuối cùng cũng chịu nhìn thẳng vào ta, gọi tên ta. Nhưng sao ta lại thấy trong lòng đắng nghét như ăn nhầm rất nhiều tim sen vậy?

Là bởi vì, mất một thời gian dài như vậy, huynh ấy mới chịu tin ta.

Là bởi vì, ngay cả khi đã sáng mắt, huynh ấy vẫn mù quáng.

Là bởi vì, nét đau đớn trên khuôn mặt ta, huynh ấy không thể nhìn thấy, cũng giống như tấm lòng của ta vậy.

Ta khẽ đưa tay lên, chỉnh lại chiếc mũ đang đội trên đầu, để tấm mạn che mặt màu trắng đục xung quanh mũ phủ kín, không cho huynh ấy nhìn thấy sự yếu đuối của ta. Từ lúc xuống núi, ta vẫn luôn đội chiếc mũ này mỗi khi gặp người khác trong thân phận thừa tướng tiểu thư, để giấu kín dung nhan của mình.

Chỉ có lúc nãy, khi huynh ấy đột ngột xông vào phòng tắm, lúc ta chưa kịp khoác lên người bất cứ thứ gì, huynh ấy mới được tận mắt nhìn thấy khuôn mặt ta. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng ta chắc chắn đã thấy rõ sự kinh ngạc trong mắt huynh ấy. Vì huynh ấy đã nhận ra cái bớt hình đuôi cửu vĩ hồ đã biến mất nơi giữa trán ta.

Phải, thứ khiến ta thành yêu nữ mà tất cả người dân của Trần quốc đều ghét bỏ, cái bớt oan nghiệt ấy, đã mất tích trên khuôn mặt ta. Nực cười phải không, dấu ấn của yêu tinh, sao chỉ có mấy năm mà đã mất dạng như vậy.

Chỉ có hai khả năng.

Một là ta không phải yêu nữ.

Hai là tiên pháp của Tử Minh Họa Vi chân quân quá lợi hại rồi.

Mà ta thì biết rõ, tất cả mọi người đều tình nguyện tin vào lý do thứ hai hơn.

Huynh ấy cũng không ngoại lệ.

- Muội… không phải yêu nữ, chân quân đã chữa khỏi cho muội rồi. - Huynh ấy khẽ khàng cất tiếng.

Lúc nói ra câu đó, ánh mắt huynh ấy trong thoáng chốc dường như cũng dịu dàng giống hệt ánh trăng trên bầu trời đêm bên ngoài. Nhưng ta lại không có được diễm phúc tắm mình trong ánh trăng như những đoá hoa sen trên mặt hồ, nên bao nhiêu cảm xúc dạt dào khi đến đầu lưỡi, lại biến thành những lời băng lãnh:

- Huynh nghĩ những tỳ nữ ấy là vô tội sao? Bọn chúng chẳng qua cũng muốn chứng thực xem ta có còn là yêu nữ năm xưa hay không mà thôi. Đợi đến lúc ta đi tắm mới hành động, để xem thử dung mạo thực sự của ta. Mục đích thì, một là để báo cáo cho chủ nhân đã sai khiến chúng, hai là để bọn chúng an tâm hơn khi hầu hạ ta.

Còn nữa, huynh hãy nhớ lại xem lúc nãy khi huynh xông vào phòng tắm của ta, bọn họ có đi theo vào không, hay là để huynh cùng ta cô nam quả nữ cùng ở trong một tình huống khó xử như vậy. Huynh nghĩ chuyện ngày hôm nay khi truyền về kinh thành, thì sẽ chỉ đơn giản là Mạc hiệu úy trong lúc cấp bách đã vô tình mạo phạm thừa tướng tiểu thư thôi sao? Nhẹ thì bảo ta đã dùng yêu thuật quyến rũ huynh, khiến huynh làm ra chuyện trái lễ giáo. Nặng thì bảo chúng ta là đôi cẩu nam nữ, không biết kiềm chế dục vọng, làm ra những chuyện bại hoại gia phong.

Ta phạt bọn chúng nặng như vậy, là để cảnh cáo chủ nhân của bọn tỳ nữ ấy đừng hy vọng có thể tiếp tục gài bẫy ta, cũng là để giữ gìn thanh danh cho ta và huynh. Mai này khi trưởng bối hỏi tới, ta sẽ bảo rằng do quá uất ức trước việc bị mạo phạm, ta đã muốn tự tử. Đám tỳ nữ ấy là nguyên nhân gián tiếp gây ra việc này, có bị xử chết cũng không phải là nặng tay. Chẳng qua nể mặt Mạc hiệu úy có lòng thương người, nên thừa tướng tiểu thư chỉ đánh gãy chân bọn chúng mà thôi.

Ta vừa dứt lời, ánh mắt huynh ấy nhìn ta đã dần trở nên phức tạp. Cuối cùng, huynh ấy như nghĩ ra điều gì, hồ nghi hỏi ta:

- Muội muốn tự tử lúc nào chứ?

- Ngay bây giờ.

Nói rồi ta không do dự ngã người ra sau. Lan can của cái đình này vốn không cao, nên ta cứ thế rơi tõm xuống hồ sen phía dưới. Chỉ trong một khoảnh khắc, nước lạnh ồ ạt tràn vào khoang miệng ta, như đóng băng cả thể xác và tâm trí ta.

Cũng may ta vốn lớn lên trên núi, kỹ thuật bơi lội phải nói là… ngay cả con vịt cạn cũng không bằng. Thế nên ta chẳng phải vất vả diễn kịch không biết bơi làm gì, cứ thế, chìm sâu hơn xuống nước, không cách nào ngoi lên được. Trước lúc hoàn toàn mất đi ý thức, một niềm vui vu vơ len lỏi vào trái tim ta. Bởi vì hình như đã lâu lắm rồi, ta mới nhìn thấy khuôn mặt hoảng loạn của huynh ấy, nguyên nhân cũng do lo lắng cho ta.

Có niềm hạnh phúc nào đáng giá hơn, được người khác thật lòng quan tâm, nhất là đó lại là người mình vô cùng yêu thương chứ.
***
(hết chương 1)

Chú thích:

(1) Nút thắt đồng tâm: loại nút thắt được người Trung Quốc được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống. Thường được tết thành từ dây gấm đỏ, dưới có tua rua trên có nút thắt. Người ta thường dùng nút thắt này làm đồ trang sức để đeo, cũng có loại được dùng để trang trí cho quần áo hoặc làm vật phụ kiện cho những thứ khác.

(hình ảnh minh họa)
9rVP8xf.jpg

(2) Khắc: đơn vị tính thời gian ngày xưa, một khắc bằng mười lăm phút.

(3) Hạng Vũ, hay còn được gọi là Tây Sở Bá Vương, là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ (Lưu Bang) đầu thời nhà Hán. Phu nhân của ông, Ngưu Cơ, trước lúc tự tử khi thấy Hạng Vũ sắp bại về tay quân Hán đã cùng ông hát lên Cai Hạ ca để ly biệt. Vì quá thương tâm trước cái chết của Ngưu Cơ, Hạng Vũ cũng bỏ mình bên dòng Ô Giang sau khi bị quân Hán đuổi cùng diệt tận.

(4) Hồng nhan họa thủy: ý chỉ người con gái đẹp là nguồn gốc của mọi mối họa.

(5) Cửu vĩ hồ: hồ ly chín đuôi.

(6) Nhân chi sơ tính bổn thiện: câu mở đầu của Tam Tự Kinh, ý nói con người khi sinh ra đều là vô tội, bản chất lương thiện. Chỉ khi hoàn cảnh sống ảnh hưởng mà sau này lớn lên trở thành người tốt hay người xấu.

(7) Hiệu úy: một chức võ quan, đứng hàng ngũ phẩm, dưới tướng quân một bậc.

(8) Trường kỷ: một loại ghế dài giống như giường, dùng để nằm hoặc ngồi đều được, thường có đặt một chiếc bàn nhỏ ở giữa.
(hình ảnh minh họa)
nDInjD8m.jpg

<< Chương 1.1
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Kem Dâu

...Cô hàng xóm...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
11/7/14
Bài viết
1.290
Gạo
0,0
Hi hi, bạn nhanh chân quá, mình mới post chưa kịp sửa lại lỗi bạn đã vào nhặt sạn giùm rồi.
Hy vọng bạn sẽ ủng hộ truyện nhé :D
Ừa... Mình lúc nào cũng ủng hộ.:D:D:D
Tính mình hay quên lắm, sợ đọc chương hai quên chương một nên khi nào cậu đăng nhiều nhiều thì tag tên mình đọc luôn thể ha. Phải đọc vậy mình mới thông mạch được.:D
 

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0
CHƯƠNG 2: TIỂU THƯ TRỞ VỀ (1)

Ta ốm nặng một trận sau lần ngã nước đó.

Kết quả là cho đến khi về đến Kiến Khang, ta hầu như không thể tự bước ra khỏi giường. Xe ngựa chở ta cũng phải đi chậm hết mức có thể, làm lộ trình trễ mất mấy ngày. Mỗi ngày ta đều thầm than trong lòng, đáng lẽ không nên dùng khổ nhục kế thật tình như thế. Lúc đó ta chỉ nên giả vờ đập đầu vào cái cột nào đó, huynh ấy chắc chắn sẽ ngăn cản ta kịp lúc. Bọn người hầu đứng ở bờ bên kia cũng sẽ nhìn thấy rõ tình cảnh lúc ấy mà làm chứng mọi chuyện. Chỉ là ta rất sợ máu, nên không dám liều mạng đập đầu vào cột. Hơn nữa làm vậy phải diễn một màn kịch khóc lóc mới đủ thương tâm, mà tuyến lệ của ta, hình như đã bị tê liệt từ năm ta mười tuổi mất rồi.

Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn là đêm trăng thanh gió mát, làm một con vịt cạn suýt chết trôi trong hồ sen mới phải đạo.

Nhưng ta vẫn buồn đến độ nước mắt giàn dụa trong lòng khi rời khỏi Quảng Lăng mà không được hù doạ người dân ở đó một phen. Làm yêu nữ thì điều kiện tiên quyết là phải độc ác chứ. Bỏ qua cho bọn họ, những người căm ghét ta đến nỗi ban đầu còn không muốn mở cửa thành cho ta vào, thì đã quá nhân đạo rồi.

Cũng may là mọi việc không hề đi sai lệch khỏi tính toán của ta. Trong cơn sốt mơ hồ, ta nghe Lương cô cô nói ở trên ban lệnh xuống, giết chết hết tất cả những nha hoàn đã phạm lỗi trong việc hầu hạ ta. Mạc hiệu úy dù không cố ý mạo phạm ta nhưng cũng bị phạt mấy tháng bổng lộc vì đã hành động khinh suất. Huynh ấy còn nhận được một bức thư giáo huấn của phụ thân đại nhân, đảm bảo rằng khi huynh ấy về Kiến Khang nhất định sẽ lãnh đủ gia pháp của nhà họ Mạc. Ta còn nghe tin Mạc thượng thư đích thân qua phủ thừa tướng để tạ lỗi với phụ thân ta.

Làm cho bọn người âm mưu lợi dụng huynh ấy để hãm hại ta phải tự động cảnh giác mà gác lại mọi kế hoạch, ta cũng an tâm hôn mê cho đến lúc về đến kinh thành, cho quên đi cảm giác ngồi xe ngựa đến ê cả mông.

Vậy mà không hiểu sao trận sốt lần này lại mang về nhiều ký ức đến vậy.

Có lẽ vì ta sắp trở về Kiến Khang.

Mọi cảm giác cũng lạ lẫm giống như lần đầu tiên ta đến nơi ấy...

Đó là một ngày mùa đông tuyết phủ trắng xoá khắp đất trời, tuyết dày đến nỗi ta bị chôn vùi trong đó hơn một ngày một đêm cũng không ai nhìn thấy ta. Nếu không phải do mẫu thân trước lúc máu đông lại vì lạnh, tự cắt vào cổ tay mình, dùng máu của bà mà nhỏ vào miệng ta để cho ta cầm cự qua trận bão tuyết đó, thì chắc ta đã sống hạnh phúc cùng bà ở nơi chín suối rồi. Thế nên ta mới sợ máu đến vậy. Cảm giác tội lỗi khi uống cạn máu của mẫu thân mình để mà tồn tại, có lẽ cả đời này ta cũng không bao giờ vượt qua được.

Vì chấn động tâm lý đó mà sau khi được cứu sống, ta dường như đã biến thành một đứa ngốc nghếch. Ai hỏi gì cũng không trả lời, cả ngày lầm lầm lì lì, nửa câu nói cũng không bật ra khỏi miệng.

Trận bão tuyết dữ dội năm ấy xảy ra ở thành Hồ Lăng, giết chết hơn cả ngàn sinh mạng. Ta được tính là may mắn khi sống sót cùng với những người dân đang chờ chết trước đợt thiên tai ấy, cho đến khi quân triều đình tới cứu viện.

Ta đã đi theo đoàn quân ấy về tới tận kinh thành.

Trước bộ dạng mồ côi đáng thương của ta, cũng có một số người quan tâm đến hỏi han, có lẽ muốn nhận ta về nuôi. Nhưng tiếc thay ta lại là đứa ngốc, ngoài việc ngồi im thin thít, thì chỉ biết đưa mặt dây chuyền trên cổ mình ra cho họ xem. Quãng thời gian trước đó, dù còn nhỏ nhưng ta vẫn nhớ rõ chuyện mẫu thân đã đưa ta đi khắp nơi, không khi nào dừng chân ở đâu quá ba tháng. Phải di chuyển nhiều chỗ rất khổ cực, nhưng ta chưa bao giờ thấy chán nản vì mẫu thân luôn bảo, chỉ cần kiên nhẫn một thời gian, ta nhất định sẽ có một cuộc đời hạnh phúc viên mãn sau này.

Mẫu thân còn hay nhắc đến phụ thân với ta, bảo rằng phụ thân ta là nam nhân tốt nhất trần đời. Khi mẫu thân hấp hối sắp chết trong trận bão tuyết ngày đó, bà không ngừng bắt ta giữ gìn thật kỹ mặt dây chuyền kia. Ta nghĩ mặt dây chuyền ấy là tín vật, bà muốn ta dùng nó để đi tìm phụ thân. Thế nên ai hỏi chuyện ta cũng đưa mặt dây chuyện đó ra, hy vọng mọi người sẽ giúp ta tìm phụ thân.

Ấy vậy mà nó lại là nguyên nhân khiến ta có một cái tên vô cùng xấu xí. Bởi vì trên mặt dây chuyền bằng bạc ấy, chỉ khắc đúng hai chữ “bối tử”. Mọi người nghĩ đó là tên của ta, nên ai cũng gọi ta là Tiểu Bối Tử.

Thật là một cái tên đặc sắc nha!

Ta đã có một cuộc sống không mấy dễ chịu gì trong những ngày vừa mới đến Kiến Khang. Vì là dân tị nạn, lại không ai muốn nhận nuôi ta bởi ta quá ngốc nghếch, nên ta nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của một tên la đạo (1). Chẳng qua lúc đó do ta gầy nhom, lại đen nhẻm xấu xí, không bán được tiền như những đứa trẻ khác nên hắn giữ lại ta làm phục dịch. Nói là phục dịch nghe cho hoa mĩ, chứ thực chất mỗi ngày hắn đều bắt ta ra ngoài đường ăn xin, đến tối mang tiền về nộp cho hắn.

Đổi lại mỗi ngày ta sẽ không sợ bị chết đói, được cho ở trong chuồng với con chó canh cổng nhà hắn, có một chỗ để chui ra chui vào. Ban ngày thì ta giả câm điếc đui mù để được người ta thương mà cho tiền. Tối đến về nhà hắn cũng không cho ta nói chuyện, vì sợ ta nói chuyện sẽ quen miệng, ra đường không xin được tiền nữa. Được một thời gian, người duy nhất chịu lắng nghe ta cũng chỉ có con chó tên Ngô Mễ của tên la đạo kia. Lắm lúc ta còn thấy nó hiểu rõ ta hơn tất cả mọi người, nên nó đã biến thành một điều thân thiết, không thể thiếu trong cuộc sống của ta.

Ban đầu tên la đạo bảo ta gọi hắn là “đại ca” giống như những đứa trẻ khác, nhưng rồi vì cái tên Tiểu Bối Tử của ta, tên đại ca ấy chỉ cho ta gọi hắn là “bệ hạ”. Hắn bảo đây là biệt danh thân mật, chứng tó hắn coi ta là người trong nhà mới để ta gọi như vậy. Ta ngây ngô tin lời hắn, ngày ngày đều gọi hắn là “bệ hạ”, còn hắn thì cứ thét gọi ta là “Tiểu Bối Tử”.

Ta còn cảm thấy những biệt danh này thật hay, thật đặc biệt!

Mất một thời gian sau, ta mới biết hắn đã tự cho mình là hoàng đế, biến ta thành tiểu thái giám của hắn, bởi vì mấy vị công công trong cung hay được gọi bằng “Tiểu Lý Tử”, “Tiểu Tường Tử”, “Tiểu Thuận Tử” gì đó. Nhưng đến khi biết được sự thật đó thì ta đã quen với việc gọi bản thân là Tiểu Bối Tử rồi, đi đâu cũng trả lời mình tên như vậy, làm người phụ thân cao quý của ta mất mặt mấy phen.

Thực ra việc được tên đại ca coi là tiểu thái giám cũng là một cái lợi với ta. Do rất vui lòng với tiếng gọi “bệ hạ” ngọt xớt của ta, hắn đã chuyển nhượng phần thưởng mỗi ngày là một cái bánh cam của Ngô Mễ sang cho ta. Nhờ vậy mà nếu lỡ như bữa nào ta không xin được đủ tiền, bị hắn bỏ đói, ta vẫn còn một cái bánh cam dự phòng. Ngô Mễ cũng rất tốt bụng, ngày thường nó thích nhất là ăn bánh cam, giờ bị ta cướp mất mà nó vẫn cho ta ngủ chung. Ta cũng không phải người vô ơn, thế nên nó một nửa, ta một nửa, chia đôi tất cả mọi thứ.

Vậy mà có một ngày ta đã không chia phần cho nó, bởi lẽ ta cũng chẳng giữ cho mình bất cứ thứ gì.

Hôm đó trời mưa rất to, chẳng ai muốn ra ngoài đường. Phố xá vắng tanh, chỉ có vài bóng người mặc áo rơm chạy vụt qua. Cơn mưa lớn trút xuống phủ trắng cả không gian, bọn họ ngay cả bước chân mình còn nhìn không rõ, huống chi là một nhóc con nhỏ người như ta nằm chực chờ bên vệ đường xin tiền.

Không phải lần đầu tiên ta trở về tay không, nhưng xui xẻo thay bữa đó “bệ hạ” của ta lại tới cơn thèm rượu. Lúc nhìn thấy cái âu (2) xin tiền không một cắc bạc ta đưa ra, hắn nổi cơn thịnh nộ, lột sạch y phục của ta, dùng roi mây đánh cho đến khi ta thương tích đầy mình mới buông tha.

Vừa mệt vừa đói, lại không có cả y phục mà mặc, ta co ro lê bước về chuồng chó. Ngô Mễ ngửi thấy mùi máu, liền lè cái lưỡi nóng hổi của nó ra mà liếm vết thương cho ta. Nó kêu ăng ẳng vài tiếng xót xa trong cổ họng, ta cũng ăng ẳng lại vài tiếng với nó, bảo rằng ta không sao.

Nó đưa đôi mắt ươn ướt nhìn ta, sau đó nghe bụng ta réo vài tiếng, nó đã nhanh nhẹn dùng chân đẩy cái âu đựng bánh cam đến trước ta. Trong lòng ta thầm nghĩ, tên đại ca này có lẽ bình thường cũng không thua gì súc vật, nên hắn khá là coi trọng súc vật. Bằng chứng là hắn thường hay quên cho ta ăn cơm, nhưng không bao giờ quên cho Ngô Mễ ăn bánh cam. Ta cầm cái bánh cam lên, không dám ăn liền mà chỉ đưa lưỡi liếm thử từng chút vị ngọt trên vỏ bánh, có như vậy, ta mới thưởng thức hết mùi vị của thứ bánh thơm ngon nhất trần đời ấy.

Đột nhiên, sét đánh ầm ầm mấy tiếng giữa màn mưa trắng xoá. Ngô Mễ ngày thường sợ sấm nên sủa liên hồi. Ta giang tay ra, đang định ôm nó vào lòng thì bỗng dưng nó lại chạy vụt ra bên ngoài. Dù biết rằng mưa rất lạnh, dù trên người ta hầu như chẳng còn gì che thân, ta cũng liều mình xông thẳng vào giữa cơn mua buốt giá để tìm Ngô Mễ, sợ rằng trong lúc hoảng loạn nó sẽ bị lạc.

Sau một lúc chạy vòng vòng, nhìn thấy một cái bóng nhỏ màu vàng đang nằm sấp trên mặt đất, ta vui mừng chạy lại gọi Ngô Mễ vài tiếng. Nhưng rồi ta chợt phát hiện nó không nằm một mình, bên cạnh nó còn có một người nằm hôn mê bất tỉnh.

Người này nhìn không giống người lớn lắm, nhưng cũng không thể gọi là người nhỏ được. Bằng chứng là dưới sự kiên trì của Ngô Mễ, sau một một hồi chật vật, ta cũng được bưng người đó vào cái ổ ấm áp của bọn ta, thì ta phát hiện người này dài gấp đôi ta và Ngô Mễ, nằm không vừa trong chuồng chó.

Thấy tiểu tử này vừa chiếm chỗ, y phục trên người lại ướt nhem làm chảy nước khắp cái mền của ta và Ngô Mễ, ta liền cởi hết y phục của tiểu tử đó quăng ra ngoài. Sau khi lau khô người cho tiểu tử đó, ta gập tay gập chân tiểu tử ấy lại, dùng chăn cuộn tròn cả người tiểu tử ấy.

Tối đó ta và Ngô Mễ để tiểu tử ấy nằm ở giữa, cả ba ôm nhau ngủ, thiệt là ấm nha.

Dù cả người tên tiểu tử này lạnh ngắt, cũng không có lông dày để ta dụi mặt vào giống Ngô Mễ, nhưng không hiểu sao ta lại cảm thấy nằm trong lòng tiểu tử ấy rất thích. Có lẽ vì tiểu tử ấy cao hơn ta, bờ vai cũng rộng hơn ta, dựa đầu vào vừa in, nên trông chẳng khác gì cái gối ôm trong phòng ngủ của đại ca.

Lúc nhìn kỹ vào khuôn mặt của tiểu tử ấy, ta nhận ra tiểu tử này rất khôi ngô. Khuôn mặt vuông vức, sống mũi cao, da dẻ còn trắng bóc như trứng gà luộc. Còn nữa, đó là lần đầu tiên ta thấy con trai có hàng lông mi dài như tiểu tử này. Ta nghịch ngợm đưa ngón trỏ lên vuốt nhẹ lông mi của tiểu tử ấy, có cảm giác đang sờ vào quạt lông.

Thích chí vì nghĩ rằng mình đã tìm được một cái gối ôm xịn, đêm hôm đó ta đã thiếp đi thật ngon.

Nhưng ta không ngủ được bao lâu, bởi vì cơn mưa đêm đó quá lớn, làm nước ngập lênh láng, cuối cùng là làm ngập cả cái ổ ấm áp của ta và Ngô Mễ. Khi nước gần như ngập hết mặt ta, ta mới bàng hoàng tỉnh lại, vội ôm lấy Ngô Mễ, tính chạy ra ngoài. Ấy vậy mà ta chỉ vừa mới đứng lên, thì đã vấp phải thứ gì đó, làm ta đập mặt xuống đất một cái đau điếng.

Lúc ta ngẩng đầu lên nhìn lại thì thấy tên tiểu tử kia đã tỉnh từ lúc nào. Tiểu tử ấy cố gắng lăn lóc trên mặt đất, nằm ngáng ngay đường đi của ta. Dù ban đầu hơi bực bội, nhưng ta chợt nhớ ra tiểu tử này cũng đang bị ngập trong nước, vì cái mền ta quấn chặt lên người tiểu tử ấy lúc nãy, đã khiến tiểu tử ấy bị buộc lại, dính cứng ngắc y chang một cục giò chả.

Vừa buồn cười lại vừa thấy có lỗi, ta nhanh chóng chạy lại gỡ cái mền ra cho tiểu tử ấy. Nhưng rồi ta chợt nhận ra trên mặt nước dưới chân ta có những vệt đỏ thắm sắc đang lan ra. Một cảm giác buồn nôn xộc thẳng lên cổ họng, khi ta sờ vào mũi mình, thấy cả đống máu đang ồ ạt chảy xuống. Ta rất sợ máu, nên chỉ ba giây sau, đã ngã lăn quay bất tỉnh.

Thứ cuối cùng ta nhìn thấy, là khuôn mặt hoảng hốt của tên tiểu tử kia, càng lúc càng lớn ra, lớn đến mức cực đại.

---
(còn tiếp)
<< Chương 1.2
 
Chỉnh sửa lần cuối:

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0
CHƯƠNG 2: TIỂU THƯ TRỞ VỀ (2)

Khi ta tỉnh lại thì trời đã sáng.

Đầu của ta gối lên một thứ gì đó rất mềm, rất ấm. Bên cạnh ta, Ngô Mễ cũng đang nằm thở đều đặn, cái lưỡi nó thè ra làm nước dãi dính đầy tóc ta. Ta vòng tay qua ôm Ngô Mễ, đang tính ngủ tiếp vì vẫn nghe thấy tiếng mưa rơi. Mưa thế này ta cũng không định đi ăn xin làm gì, chỉ tổ ướt người.

Nhưng rồi ta chợt nhận ra, Ngô Mễ đang nằm bên cạnh ta, vậy thứ ta đang gối đầu lên là gì vậy?

Ta ngước đầu nhìn, thì giật bắn người khi phát hiện ta đang nằm trên đùi tên tiểu tử kia. Vì ta ngồi dậy quá bất ngờ, nên tiểu tử ấy cũng bị ta làm hoảng hốt theo, kết quả là trán của cả hai đập vào nhau, sưng hai cục to tướng. Tuy đau đến choáng váng mặt mày, nhưng ta không mất một lúc lâu để lùi ra xa khỏi tiểu tử ấy mấy bước. Thấy ánh mắt ta đầy vẻ cảnh giác, tiểu tử ấy lại nở một nụ cười hiền:

- Tiểu muội muội không sao chứ? Xin lỗi muội, hôm qua ta đã sơ ý làm muội bị thương. Nước ngập làm muội sợ lắm phải không? Đừng lo nữa, ta đã mang một miếng ván gỗ vào lót trong này, cũng lấy gạch chặn bên ngoài cửa, sẽ không sợ nước tràn vào nữa đâu.

Ta ngần ngừ một lúc mới trả lời không sao, tiểu tử ấy lại nhìn ta bằng ánh mắt khó hiểu, hỏi lại:

- Tiểu muội muội không sao chứ?

Ta trả lời thêm mấy tiếng nữa, Ngô Mễ lúc này cũng đã bị ta làm thức giấc nên ra sức cùng ta trả lời, cả hai chúng ta đều không sao cả.

Tiểu tử ấy đột ngột giơ tay lên, xoa đầu ta mấy cái rồi nói:

- Thảo nào muội lại ngủ ở đây, trên người lại không mặc thứ gì. Muội coi con chó này là người nhà của muội phải không?

Ta vòng tay qua ôm Ngô Mễ, gật đầu mấy cái, tiểu tử ấy lại càng nhìn ta bằng ánh mắt kỳ quái:

- Muội nghe hiểu tiếng người, sao lại không nói chuyện?

Ta đang nói chuyện với ngươi kia mà, bộ ngươi nghe không hiểu sao. Trước nay ta cũng nói chuyện với đại ca như thế, nói với Ngô Mễ cũng như thế, họ đều hiểu cả, sao tiểu tử này lại không hiểu?

Giữa lúc ta đang tức mình giải thích loạn xạ, thì ta chợt nhận ra trên người ta đang mặc y phục của tiểu tử ấy. Còn tiểu tử ấy lại đang quấn cái chăn của ta và Ngô Mễ lên người, miễn cưỡng nhìn cũng giống một bộ y phục. Y phục của tiểu tử ấy khô hơn hôm qua, khoác lên người cũng thấy ấm áp hơn hẳn lúc không mặc gì, nhưng ta không thích mùi hương trên thứ vải vóc này. Ngô Mễ cũng không thích, bằng chứng là nó cứ hắt hơi mãi khi ta ôm nó, thế là ta cởi phăng y phục ra, ném về phía tiểu tử ấy, tiếp tục khẳng định ta biết nói chuyện.

Tiểu tử ấy có hơi bất ngờ trước hành động của ta, tự nhiên lại không nhìn thẳng vào ta nữa, chỉ cầm y phục hướng về chỗ ta, nói với giọng dỗ dành:

- Muội đừng sủa nữa, mau mặc y phục vào đi được không?

Ta không mặc, cớ gì ta phải y phục của ngươi. Mà sao ngươi lại dùng từ “sủa”, sủa là cái gì, ta đang nói chuyện với ngươi cơ mà?

Có lẽ nếu ta được làm một cuộc bình chọn nhưng thời khắc xấu hổ nhất trong cuộc đời, thì giây phút đó sẽ xếp đầu tiên. Nhiều năm sau nghĩ lại, ta chỉ mong có thể hoàn toàn quên đi hình ảnh ta không mặc gì trên người và ngồi sủa như một con chó trước mặt mối tình đầu của mình.

Ông trời thật là đối đãi với ta… quá lưu manh rồi!

Sau một hồi ngồi đôi co với tên tiểu tử ấy, bụng ta bắt đầu réo lên từng hồi. Ta nhìn quanh quất, thở phào một hơi vì phát hiện ra mình vẫn ở trong chuồng chó. Chỉ là nước đã không còn ngập, dưới chân cũng không phải nền đất lạnh lẽo mà là một miếng ván gỗ lót rất sạch sẽ. Ta nhanh chóng tìm thấy cái âu đựng bánh cam quý giá của ta và Ngô Mễ. Đưa mắt nhìn nó một cái, nhận ra sự đồng lòng của đối phương, ta và nó liền xông tới chỗ cái bánh.

Cầm bánh lên, ta theo thường lệ bẻ một nửa đưa cho Ngô Mễ. Bỗng nhiên một tiếng cười vang lên sau lưng ta, quay người lại, ta nhìn thấy tiểu tử kia vừa xoa đầu ta vừa nói:

- Đáng yêu thật, lại còn chia sẻ cho cả động vật. Muội thương con chó này lắm phải không?

Dở hơi à, ta không thương Ngô Mễ chẳng lẽ lại thương ngươi?

Thế nhưng ta chợt nhìn lại, cả ta và Ngô Mễ đều có đồ ăn, tiểu tử ấy lại không có. Mà bụng của tiểu tử ấy dường như còn réo to hơn bụng của hai chúng ta. Dù tiểu tử ấy cố gắng không thể hiện ra bên ngoài, nhưng ta biết, tiểu tử ấy đang lén lút nuốt nước bọt trong cổ họng. Chẳng hiểu sao lúc đó, ta lại nhường cho tiểu tử ấy phần bánh của mình. Trong đầu ta cũng không suy nghĩ gì nhiều, chẳng qua ta biết, ngày mai thể nào ta cũng có bánh cam mà ăn tiếp thôi. Đợi đại ca hết giận, không chừng còn có cả cơm canh.

Còn tiểu tử này, liệu ngày mai có ai cho ngươi bánh cam nữa hay không?

Ngô Mễ thấy ta không ăn thì cũng nhường phần của nó cho tiểu tử ấy. Ban đầu tiểu tử ấy còn ra vẻ từ chối mấy lượt, nhưng Ngô Mễ và ta đồng lòng nhét cả cái bánh vào miệng người đó. Cuối cùng trong lúc mồm vẫn nhai nhồm nhoàm, tiểu tử ấy nghẹn ngào nói từng chữ:

- Cảm ơn… tiểu muội muội.

Ta cười hì hì, đưa tay lau miệng cho tiểu tử ấy.

Tiểu tử ấy lại chỉ im lặng nhìn ta, khiến ta có chút không quen, vội vàng quay mặt đi. Nếu biết đó là lần cuối cùng người ấy có thể nhìn ta bằng ánh mắt chan chứa tình cảm như vậy, thì ta nhất định sẽ không rời mắt khỏi khuôn mặt anh tuấn của người ấy, dù chỉ là trong một giây phút.

Đột nhiên ta nghe thấy tiếng bước chân lẹp bẹp giữa màn mưa, biết là đại ca đang tới, ta vội vàng bò ra ngoài, la to mấy tiếng “bệ hạ” để được cho ăn. Vậy mà hắn không thèm nhìn đến ta, chỉ lôi xềnh xệch Ngô Mễ đi. Bóng dáng họ mất hút sau màn mưa trong chốc lát, còn ta chỉ biết bần thần nhìn theo. Cũng may, đại ca đã không phát hiện ra trong chuồng chó có người lạ, nếu không thì chắc sẽ nổi khùng lên đánh ta thêm một trận nữa. Thế nên ta ngay ngáy lo sợ, cả buổi cứ dán mắt nhìn ra ngoài cổng, đề phòng đại ca trở về.

Nhưng mọi lo lắng của ta đã trở nên thừa thãi, cả ngày hôm đó, Ngô Mễ và đại ca không hề trở về. Ta vẫn ngây ngốc ngồi ở nhà chờ họ, không nhớ tới cả việc phải ra ngoài xin tiền. Tên tiểu tử kia thì suốt buổi trốn trong chuồng chó, không dám ra ngoài nửa bước. Ta thử kéo tiểu tử ấy ra ngoài sân chơi, tiểu tử ấy nhất quyết từ chối, còn bảo cái gì mà kẻ thù truy sát, cái gì mà mắt bị thương, ra ngoài nơi có ánh sáng mặt trời sẽ không nhìn rõ được.

Ta nghe mà chẳng hiểu được gì cả.

Tuy vậy, ở yên một chỗ không có nghĩa là tiểu tử phiền phức đó chịu im lặng. Tiểu tử hỏi ta rất nhiều, nào là:

- Người đàn ông vừa nãy là phụ thân của muội sao?

Là đại ca của ta.

- Người đàn ông đó đã đánh muội ra nông nỗi này sao?

Không bị đánh thì sẽ không có cơm ăn đâu.

- Hắn ta đã dạy muội gọi hắn bằng “bệ hạ” sao? Từ này đừng gọi như vậy nữa, đó là khi quân phạm thượng đấy.

Khi quân phạm thượng là cái gì?

- Hoá ra muội cũng biết nói, chỉ là muội không chịu nói. Có khi nào muội ở cùng con chó riết rồi học theo nó nói tiếng chó không? Hay là tên thất đức kia muốn biến muội thành chó canh nhà mới không dạy muội nói chuyện?

Ta không biết canh nhà, đó là việc của Ngô Mễ.

- Như vậy là không tốt đâu, muội là người, phải tập nói chuyện đi. Để huynh dạy muội nói nhé. Trước tiên, hãy tập gọi tên huynh, gọi là Quân ca ca.

Ta không gọi đâu, tại sao lại phải gọi ngươi bằng cái tên buồn cười như vậy?

Tiểu tử ấy hỏi nhiều đến thế, ta cũng trả lời rất nhiều. Nhưng rốt cuộc ta và tiểu tử ấy lại biến thành một đôi “ông nói gà, bà nói vịt” suốt buổi mà chẳng ai hiểu ai.

Quả thật là ức chế muốn thổ huyết!

Tuy vậy đến lúc tiểu tử ấy bảo ta gọi cái tên “Quân ca ca” nghe rất buồn nôn kia, thì tự nhiên trở nên rất kiên quyết, bắt ta phải gọi cho bằng được. Cũng may đại ca ra ngoài cả ngày, nên đã không nghe được những tiếng động huyên náo trong chuồng chó do ta và tiểu tử ấy gây ra.

Số là ta rất bướng, tiểu tử ấy dạy thế nào cũng không chịu gọi. Tiểu tử ấy lại dùng đủ mọi biện pháp, từ dỗ dành đến đe doạ, cứ lải nhải cái tên kia bên tai ta. Cuối cùng, sau một hồi đánh nhau với tiểu tử ấy mà đánh không lại. Tiểu tử ấy lại cao to hơn ta rất nhiều, cứ khoá chặt ta bằng hai cánh tay cứng như sắt nếu ta không chịu gọi, vì quá nghẹt thở, ta đành ngọng nghịu gọi:

- Quân ca ca.

Tiểu tử ấy cười khanh khách mấy tiếng, thả hai bàn tay đang kẹp chặt vai ta ra, xoa đầu ta mấy cái mà nói:

- Ngoan quá, từ nay phải gọi huynh là Quân ca ca nghe chưa. Còn muội, muội tên gì?

Ta “hức” lên một tiếng đầy uỷ khuất, nhưng rồi cũng miễn cưỡng đưa ra mặt dây chuyền trên cổ mình cho tiểu tử ấy coi. Chỉ trong một thoáng chốc, khuôn mặt của tiểu tử ấy đã thay đổi. Thần thái đó, pha lẫn giữa kinh hỷ với sợ hãi, làm lòng ta vô cùng hoang mang.

Hoá ra tên của ta xấu đến như vậy!

Đương lúc ta băn khoăn đến cắn nát cả móng tay trước vẻ mặt trầm ngâm của tiểu tử ấy, thì tiểu tử ấy đột nhiên lại dùng vũ lực, bắt ta mặc cho bằng được thứ y phục có mùi khó chịu kia mà ta đã quăng trả cho tiểu tử ấy. Biết rằng chống trả là vô ích, cuối cùng ta cũng đành mặc y phục của tiểu tử ấy. Sau đó tiểu tử ấy cài lên tóc ta một chùm lục lạc nhỏ, làm mỗi lúc ta lúc lắc đầu mình, những tiếng leng keng vui tai lại phát ra liên hồi.

- Nghe lời Quân ca ca, không được cởi y phục này ra, cũng không được cởi chiếc lục lạc trên tóc xuống. Đây là quà Quân ca ca tặng muội, muội nhất định phải giữ gìn thật kỹ… cho đến ngày chúng ta gặp lại nhau. Có nhớ chưa? - Tiểu tử ấy nghiêm túc dặn dò ta.

Ta chẳng có một chút khái niệm về những gì tiểu tử ấy đang nói, chỉ là trước nay ta quen thói làm ăn xin rồi, nếu tiểu tử ấy đã nói là cho, thì ta nhận vậy. Đêm đó do không có Ngô Mễ, ta không tài nào ngủ được, cứ ngồi trước cửa chuồng chó, gọi tên nó liên hồi. Tiểu tử kia có lẽ bị ta làm phiền mà bực mình, ra sức bế ta vào lại trong chuồng chó, nhắc nhở ta:

- Đừng làm ồn, đã khuya rồi, muội sẽ đánh thức hàng xóm đấy. Ngày mai thể nào phụ thân muội cùng con chó đó cũng sẽ về thôi.

Không phải ta làm ồn, là ta đang nhớ Ngô Mễ. Đồ vô tâm vô phế như ngươi thì làm sao hiểu được tình cảm ta dành cho Ngô Mễ chứ, suốt ngày gọi Ngô Mễ là con chó này, con chó nọ. Còn nữa, đại ca không phải phụ thân ta, nói bao nhiêu lần sao ngươi lại không hiểu nhỉ.

Thấy ta lắc đầu liên tục làm chiếc lục lạc trên tóc cứ thế mà phát ra tiếng leng keng, tiểu tử ấy cười xoà rồi hỏi:

- Không ngủ được sao?

Ta gật gật.

- Huynh ru muội ngủ nhé.

Ta lại gật gật.

Bên tai ta bỗng vang lên một giai điệu rất quen thuộc. Tiểu tử ấy đang hát ru ta, bằng một giọng rất trìu mến:

Thượng da!

Ngã dục dữ quân tương tri, trường mệnh vô tuyệt suy.

Sơn vô lăng, giang thủy vi kiệt, đông lôi chấn chấn,

Hạ vũ tuyết, thiên địa hợp, nãi cảm dữ quân tuyệt!
(3)

Trong vòng tay ấm áp của tiểu tử ấy, ta chợt nhớ về người mẫu thân đã qua đời của mình.

Ngày đó, bà cũng hát cho ta nghe một khúc ca giống hệt thế này. Bà bảo, lời của khúc ca ấy, là tấm lòng bà dành cho phụ thân. Thế nên đối với ta, dù chẳng hiểu một chút gì, nhưng đó vẫn là bài hát hay nhất trần đời. Nếu không phải ta đã thiếp đi ngay sau đó, ta nhất định sẽ nói với tên tiểu tử ấy, có thể nào mỗi đêm đều hát cho ta nghe khúc ca này được không?

Nhưng có lẽ vì ta quên hỏi, nên đó là đêm cuối cùng tiểu tử ấy hát ru ta.

---​

Sáng hôm sau, khi ta tỉnh dậy thì tiểu tử kia đã biến mất. Tuy vậy ta đã không có thời gian mà đi tìm tiểu tử ấy, bởi vì ta nhìn thấy rất đông người kéo đến nhà ta. Họ bưng vào một cái cáng, phủ vải trắng.

Họ nói với ta rằng đại ca đã bị đánh chết vì dám đi trộm rượu.

Tất cả bọn họ đều là chủ nợ của hắn, đến đây để đòi nợ, rốt cuộc phát hiện hắn đã chết. Rất nhanh sau đó, họ tịch thu nhà của đại ca, ném ta cùng cái xác của đại ca ra ngoài đường, đến ngay cả cái chuồng chó cũng không để lại cho ta. Hàng xóm xung quanh thấy ta tội nghiệp, nhưng không ai muốn nhận nuôi ta vì họ còn nghèo hơn cả đại ca, lấy đâu ra cơm canh và bánh cam mà cho ta mỗi ngày. Cuối cùng họ khiêng xác đại ca ra ngoài phố, mặc cho ta một bồ đồ bằng vải xô, bắt ta cột khăn trắng lên đầu. Sau đó họ rêu rao khắp nơi, ta bán thân để lấy tiền chôn phụ thân.

Đúng là nói năng bậy bạ, tên nát rượu ấy là phụ thân của ta lúc nào chứ.

Vậy mà suốt ba ngày ba đêm quỳ ngoài phố bên xác đại ca, ta đã khóc rất nhiều. Nhưng hoàn toàn không phải vì khóc thương kẻ đã đánh đập ta bấy lâu nay, mà là vì lúc trước khi rời khỏi nhà, ta loáng thoáng nghe được mọi người nói, đại ca đã mang Ngô Mễ đi bán mất rồi. Ngô Mễ mà ta yêu thương đã bỏ ta đi, đại ca mà ta căm ghét cũng bỏ ta đi, ngay cả tên tiểu tử kỳ lạ mà ta không ưa kia… cũng bỏ ta mà đi.

Ta chỉ còn lại một mình.

Tuy vậy, vào buổi sáng ngày thứ tư ta quỳ ngoài phố với tấm bảng “bán thân để lấy tiền chôn phụ thân” bên cạnh, thì ta đã gặp được phụ thân thật sự của mình. Khi một đoàn người ngựa sang trọng đi ngang qua dãy phố ta đang quỳ, tất thảy mọi người đều quỳ xuống hành lễ, tung hô mấy tiếng: “Thừa tướng đại nhân”. Một người cao quý như vậy, lẽ ra chỉ nên đi ngang qua ta, nhưng rồi khi ta bắt chước mọi người dập đầu hành lễ, chiếc lục lạc tiểu tử kia tặng ta đã phát ra rất nhiều tiếng leng keng, thu hút sự chú ý của ông.

Người đàn ông ấy ban đầu chỉ nhìn ta bằng ánh mắt tò mò mà hỏi:

- Chiếc lục lạc này, ngươi lấy ở đâu ra?

Vì đã quen giả câm giả điếc khi ở chốn đông người, ta không biết phải đáp lời ông ấy ra sao.

Ông ta nhíu mày, lại hỏi tiếp:

- Tên ngươi là gì?

Ta lại theo thói quen đưa mặt dây chuyền ra cho ông ta xem, líu lưỡi mãi mới phát âm được:

- Tiểu Bối Tử.

Một tràng cười nhạo rộ lên từ những người mặc quan phục đứng cạnh ông ta. Đoán rằng vì tên ta xấu nên họ mới cười, ta cúi gằm mặt không dám ngẩng đầu nhìn ai. Nhưng rồi trong tiếng kêu sửng sốt của nhiều người, ta bàng hoàng ngẩng lên thì vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy trên khuôn mặt cương nghị của ông ấy, tự lúc nào đã lăn dài hai dòng nước mắt. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ông ấy khụy gối xuống trước mặt ta, ôm ta vào lòng, nghẹn ngào gọi:

- Con gái của ta… đúng thật là con gái của ta rồi. Con… con vẫn còn sống sao?

Sau này ta mới biết, vào cái đêm mưa gió đó, con trai của thượng thư đương triều bị bắt cóc tống tiền. May nhờ nhanh trí nên đã trốn khỏi bọn người xấu, lánh nạn ở nhà dân, đợi qua một ngày một đêm thì tự tìm đường về phủ, thoát nạn bình an vô sự. Ai cũng khen vị công tử ấy còn nhỏ tuổi mà tài trí, nhưng tiểu tử ấy chẳng hề đề cập về người ân nhân đã chứa chấp mình suốt một ngày một đêm kia lấy một lần.

Phải rồi, vì có ai ngờ tiểu tử ấy lại trốn trong một cái chuồng chó đâu. Tuy vậy chỉ có mình ta biết, tiểu tử ấy đã trả ơn cho ta rồi. Nếu không có chiếc lục lạc của tiểu tử ấy, thì cả đời này, có lẽ ta đã không thể đoàn tụ với phụ thân mình. Nhiều năm sau nghĩ lại, ta vẫn không biết, rốt cuộc là do tình cờ hay là do tiểu tử ấy cố ý giúp đỡ ta?

Nhưng nói thế nào, cũng là người đó, đã đưa ta trở về.

Còn ta, thì lại không tài nào quên được nụ cười hiền lành của tiểu tử ấy.

Suốt một thời gian dài, ta ngây ngốc cất giữ mảnh vải có ghi một hàng chữ viết bằng máu ở trên. Đó là thứ mà vào buổi sáng sau khi tiểu tử ấy rời khỏi, ta tìm thấy trong ngực áo của mình. Dù ta rất ghét máu, cũng không biết đọc chữ, nhưng ta lại vô cùng trân trọng mảnh vải đó, lúc nào cũng nhét nó vào trong áo, nơi ngực trái của mình. Ta đã từng rất tò mò muốn biết trên đó viết gì. Tiểu tử ấy, rốt cuộc, đã muốn nhắn gửi với ta điều gì?

Một hình ảnh hiện rõ trước mắt ta, trên nền vải trắng, sắc màu đỏ thẫm ấy chỉ khắc hoạ vỏn vẹn ba chữ: “Mạc Thịnh Quân”.

Quân ca ca… là Quân ca ca của ta.

- Tiểu thư.

Nghe tiếng gọi đó, ta giật mình tỉnh dậy.

Tấm rèm mỏng của chiếc xe ngựa đung đưa trước mắt ta, làm nhòe đi hình bóng của người mặc áo giáp đang đứng ngay bên ngoài. Giống hệt mảng ký ức trong giấc mơ vừa qua của ta, chưa gì đã trở nên mông lung rồi mất hút hẳn.

Một chút hoài niệm cũng không để lại.

Ta mơ hồ hỏi:

- Đến nơi rồi sao?

- Tiểu thư còn sốt sao? Có cần tại hạ nói với thừa tướng đại nhân một tiếng, để miễn phần đón tiếp này không?

Ta vén rèm xe ra, để người đó nhìn thấy cái lắc đầu của ta. Người đó cũng chẳng nhiều lời nữa, nhẹ nhàng đưa một tay đến trước mặt ta. Ta dùng một chiếc khăn lụa phủ kín bàn tay ấm áp đó, rồi mới đặt tay mình lên, để người đó nắm lấy tay ta, giúp ta bước xuống xe ngựa. Lúc đã đứng vững trên mặt đất, ta khẽ nghiêng người, lễ độ nói:

- Lần này, thật sự cảm tạ Mạc hiệu úy đã đưa ta an toàn về tới Kiến Khang.

- Trương tiểu thư quá lời, đó là vinh hạnh của tại hạ. - Người đó cũng cúi đầu đáp lễ.

Nhân lúc mọi người xung quanh không chú ý, ta tiến đến thật gần người đó, vờ như để lấy lại chiếc khăn tay. Thế nhưng qua đôi môi khẽ hé mở, ta nghe thấy tiếng bản thân mình gằn giọng mà nói nhỏ vào tai người đó:

- Tiện thể, phải nhắc cho huynh nhớ, huynh vẫn còn nợ ta đấy… Mạc Thịnh Quân.

Dứt lời, ta khoan thai quay người, bỏ lại ánh mắt phức tạp như mọi khi của huynh ấy vẫn nhìn ta ở sau lưng. Ta nhanh chóng tiến bước về phía trước, thấy phụ thân đang đứng trước cửa phủ thừa tướng, trên khuôn mặt đong đầy vẻ xúc động chào đón ta trở về. Khi đến gần ông, ta nhẹ nhàng tháo chiếc mũ trùm trên đầu xuống, hạ gối quỳ trên nền đất lạnh lẽo bên dưới, dập đầu lạy ông rồi mới đáp:

- Phụ thân an hảo, con gái bất hiếu, đến hôm nay mới trở về thỉnh an người.

Nếu là mười năm trước, ông nhất định sẽ đỡ ta đứng dậy, thoải mái gọi ta là Tiểu Bối Tử, cái tên ta ngọng nghịu nói với ông ngày đó, mặc cho người ta có cười nhạo ta ra sao. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã khác xưa, ánh mắt ông nhìn ta đầy vẻ đau xót, nhưng mọi yêu thương, dường như đã biến mất. Thay vào đó là vẻ kinh ngạc, pha lẫn một chút chán ghét lúc ông nhận ra cái bớt hình đuôi cửu vĩ hồ trên trán ta đã không còn.

- Con….

Ta đỡ lời ông:

- Con gái Hy Nhàn xin thỉnh an phụ thân.

- Hy Nhàn… Trương Hy Nhàn sao?

- Dạ phải, là Trương Hy Nhàn. Tên do sư phụ của con đặt cho, phụ thân có phật lòng nếu con dùng cái tên này không?

Lúc này ông mới nở được một nụ cười gượng gạo, nhanh chóng đỡ ta đứng lên:

- Tên của Tử Minh Họa Vi chân quân đặt cho, tất nhiên là vinh dự, phụ thân mừng cho con còn không hết.

Nói rồi ông đột nhiên giang tay ra, ân cần ôm ta vào lòng, giọng nói nhàn nhạt lướt qua tai ta:

- Chào mừng con trở về.

Khoé mắt ta bỗng chốc cay xè, bởi vì giây phút đó ta đã không còn là Trương Bối Tử, đứa con gái thất lạc được ông tìm về nữa rồi.

Ta cũng thật sự đã lãng quên, cách ta gọi huynh ấy là Quân ca ca như ngày xưa. Người đó, bây giờ là hiệu úy Mạc Thịnh Quân, con trai của thượng thư Mạc Khanh.

Chỉ có điều, cũng giống như mười năm trước, chính là người đó… đã đưa ta trở về.

Ta, Trương Hy Nhàn, con gái của thừa tướng Trương Quyền, tiểu thư của phủ tướng quốc, trở về rồi.

***
(hết chương 2)​

Chú thích:

(1) La đạo: những kẻ chuyên buôn bán trẻ con.

(2) Âu: một vật gần giống cái tô nhưng lớn hơn một chút, làm bằng sành, dùng để đựng cơm cho chó.

(3) Bài hát Thượng da, bài dân ca bắt nguồn từ thời Hán, có nghĩa là:

"Hỡi trời cao!
Ta và chàng nguyện yêu thương nhau, để tình yêu của chúng ta mãi không tàn lụi.
Khi núi không còn đỉnh, nước sông khô cạn, mùa đông có sét,
Mùa hạ tuyết rơi, trời đất hợp làm một, mới dám cùng chàng ly biệt."

<< Chương 2.1
 
Chỉnh sửa lần cuối:

hquyen01224

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
13/8/14
Bài viết
82
Gạo
180,0
CHƯƠNG 3: CẦM VÂN HẠC NHÀN (1)

Ta chỉ mới về phủ ba ngày thì đã có hỷ sự.

Thế mới nói, đâu phải lúc nào yêu nữ cũng mang lại điềm xấu phải không?

Chỉ là, hỷ sự thì là của người ta, chứ ta đâu nào có phần.

Lúc ấy ta đang đi dạo trong hậu viên, đột nhiên thấy rất nhiều người hầu xôn xao chạy ra tiền viện. Nha hoàn của ta từ đâu chạy đến, hớt hải thông báo:

- Bẩm tiểu thư, thượng thư đại nhân cùng công tử đến thăm phủ chúng ta, lão gia bảo tất cả mọi người sửa soạn ra đón tiếp.

Ta nghe vậy, ừ hử một tiếng, rồi cất bước chuẩn bị ra ngoài tiền sảnh, nhưng nha hoàn lại giữ tay ta, ra vẻ nhắc nhở:

- Tiểu thư, phải thay y phục chứ ạ.

Ta nhìn lại cách ăn mặc của mình, cũng đâu đến nỗi quá xuề xoà, gặp mặt bằng hữu của phụ thân, chứ có phải là đi xem mặt đâu mà cần xa hoa lộng lẫy.

Nhưng đó chỉ là suy nghĩ trong lòng ta, thực chất thì vẫn phải tốn công quay về phòng mà thay đổi y phục. Có lẽ vì ta vốn quen sống trên núi cùng sư phụ, nơi mà mọi sự giản dị đều được ưu tiên, không cần quá phô trương làm gì, thế nên mới cảm thấy không thoải mái với những nghi thức rườm rà nơi kinh thành này.

Tiểu Hồng, nha hoàn của ta dường như có biết chút ít gì đó về cuộc viếng thăm bất ngờ này. Cô ta vừa chải tóc cho ta vừa thủ thỉ:

- Nô tỳ biết tiểu thư vốn xinh đẹp, chỉ cần ăn vận giản dị cũng toát lên cốt cách cao quý. Nhưng hôm nay nô tỳ nghe nói thượng thư đại nhân đến đây là để bàn chuyện cầu thân cho con trai ông ấy. Mạc công tử và cái người ở Ức Trai viện đã có đính ước từ năm công tử ấy mười bảy tuổi. Nhưng vì công tử ấy muốn lập công cho triều đình trước, thành gia lập thất sau, nên đến giờ mới bàn đến chuyện hôn sự. Cho dù hỷ sự không phải là của tiểu thư, nhưng ít nhất tiểu thư cũng nên nhỉnh hơn cô ta về phần nhan sắc, thì mới không thiệt thòi cho những năm tháng sống bên ngoài của tiểu thư.

Ta đưa mắt nhìn khuôn mặt thấp thoáng một nét cười sâu xa của Tiểu Hồng hiện rõ trong gương.

Khoé môi ta phút chốc cũng ẩn hiện một nụ cười như có như không. Những người này tưởng ta vẫn còn là Tiểu Bối Tử ngốc nghếch của sáu năm trước, để họ muốn giở thủ đoạn ra sao cũng được ư?

Người mà Tiểu Hồng vừa nhắc tới, không phải ai xa lạ mà chính là tỷ tỷ của ta. Phải, là tỷ tỷ cùng cha khác mẹ của ta. Khác với ta, từ khi sinh ra, tỷ ấy đã sống với thân phận thừa tướng tiểu thư cao quý, là kim chi ngọc diệp, viên minh châu được phụ thân ta vô cùng trân trọng.

Bắt đầu từ năm sáu tuổi được phụ thân đưa về phủ, ta đã biết, cuộc đời này của ta, đã được định sẵn là lúc nào cũng thua kém tỷ ấy về mọi mặt. Thứ duy nhất ta hơn được tỷ ấy, đó chính là tình yêu của phụ thân dành cho mẫu thân ta nhiều hơn dành cho mẫu thân tỷ ấy.

Ngày đó ta còn chưa hiểu chuyện, nên đã ngây thơ tin rằng phụ thân đối với ta, cũng yêu thương như tỷ ấy vậy. Nhưng mà, thứ phụ thân dành cho ta, đến cuối cùng, cũng chỉ có sự áy náy vì cái chết của mẫu thân ta mà thôi. Lúc còn nhỏ ta nghe mọi người trong phủ bảo, vừa tìm được ta trở về, phụ thân đã tức tốc đòi ghi tên ta vào gia phả nhà họ Trương, với thân phận là đại tiểu thư trong khi ta nhỏ hơn tỷ tỷ một tuổi.

Việc này đã làm Nhã thị, mẫu thân của tỷ tỷ, uất ức đến nỗi muốn tự tử. Bởi vì cho ta vị trí đại tiểu thư cũng đồng nghĩa với việc mẫu thân của ta đứng hơn bà ta về thân phận. Cho dù bà ta có là thừa tướng phu nhân đi chăng nữa, mẫu thân ta vẫn được Trương gia thừa nhận là người chính thê đầu tiên của phụ thân ta. Đến giờ, bài vị của mẫu thân ta trong từ đường của phủ đệ này vẫn được đặt ở nơi dành cho chính thê phu nhân, trong khi chỗ dành sẵn cho Nhã thị, là chỗ của thứ thiếp.

Một thời gian sau khi hỏi han nhiều người, ta biết được ngày đó mẫu thân của ta đã thành hôn với phụ thân từ lúc ông còn chưa trở thành thừa tướng. Bà là người đồng cam cộng khổ cùng ông trong những ngày tháng ông gây dựng nghiệp lớn với hoàng đế, thế nên tình nghĩa của hai người họ rất sâu đậm. Nhưng vì mẫu thân ta xuất thân bần hàn, không phải là tiểu thư nhà quý tộc như Nhã thị, nên gia gia (1) ta ngày đó nhất quyết không cho mẫu thân bước vào cửa Trương gia.

Bị gia đình ép buộc, phụ thân ta đành phải thành thân với Nhã thị, nhưng trong lòng ông vẫn luôn thương nhớ mẫu thân ta. Còn mẫu thân ta thì lại là một người có tính cách quật cường, có chết cũng không chịu làm thứ thiếp. Thế nên ngày đó, dù đã sinh ra ta, bà cũng không ở lại bên cạnh phụ thân, mà lẳng lặng bỏ đi, không một lời từ biệt, không chút tin tức suốt bao nhiêu năm trời.

Người ta nói bà không muốn ta trở thành con của thứ thiếp, sau này phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi, mới thà một mình nuôi con, cũng không trở về với phụ thân. Phụ thân có lẽ cũng chưa bao giờ quên đi tình nghĩa với bà, mới nhất quyết để cho bà mang thân phận chính thê, để cho ta trở thành đại tiểu thư của Trương gia. Mẫu thân ta ở trên trời cao biết được phụ thân đối xử với ta tận tình tận nghĩa như vậy, âu cũng an lòng nhắm mắt.

Tiếc thay, ngày còn nhỏ, ta lại ngốc nghếch đến mức không biết rằng, đằng sau mỗi nụ cười thân thiện, mỗi một việc làm tận tâm mà mọi người xung quanh dành cho ta, đều là dao găm.

Việc ta trở thành đại tiểu thư của Trương gia đã vô tình biến ta thành cái gai trong mắt Nhã thị. Cho đến ngày bị đuổi ra khỏi phủ ta mới biết được sự thật ấy. Còn trước đó, ta cứ nghĩ, bà ta chính là người kế mẫu tốt nhất thế gian này.

Thời điểm hiện tại, ta đường hoàng trở về như thế này, chắc hẳn cũng làm bà ta ăn không ngon, ngủ không yên mất rồi.

Sau khi được Tiểu Hồng giúp sửa soạn, nhìn bản thân trong gương, ta cứ nghĩ mình là một con công vừa lạc bước tới kinh thành này. Áo màu xanh lá lại kết hợp với váy màu hồng cánh sen, ngọc phỉ thuý lại kết hợp với trân châu. Chưa kể đến các thứ trang sức vàng, bạc trên tóc ta bị sắp xếp một cách lộn xộn, trông nhức mắt vô cùng.

Ả người hầu này không mù màu thì cũng là bị mất hết khiếu thẩm mĩ.

Xem ra cô ta cũng khá cố gắng trong việc làm ta mất mặt trước thượng thư đại nhân, hoặc giả, là mất mặt trước Mạc công tử theo như lời dặn dò của người ở Ức Trai viện. Tỷ ấy có lẽ quá coi thường ta, nếu sợ ta cướp mất Mạc Thịnh Quân, đáng lẽ tỷ ấy nên giết chết ta mới phải. Đợi đến khi ta muốn cùng tỷ ấy tranh giành, thì cho dù bọn họ có bái đường rồi, ta cũng có cách khiến cho huynh ấy tự nguyện quay về bên ta.

Có lẽ vì tỷ ấy không biết, người ta hiểu rõ nhất trên thế gian này, không phải là bản thân ta, mà chính là Mạc Thịnh Quân.

Tiểu Hồng thấy ta tỏ ra khá hài lòng với dáng vẻ của mình thì hớn hở ra mặt, nhanh nhẹn hối thúc ta nên ra tiền sảnh chào hỏi. Ta đưa tay cho cô ta đỡ đi, khoan thai bước ra khỏi Lục Liên viện. Băng qua mấy hành lang cửu khúc (2) quanh co trong phủ, lúc gần đến tiền sảnh, ta bỗng la lên một tiếng. Tiểu Hồng bất ngờ hỏi:

- Sao vậy tiểu thư?

- Miếng ngọc bội của ta rơi đâu mất rồi?

Tiểu Hồng nghe thế vội vàng cúi người nhìn xuống đất tìm kiếm. Ta nhân lúc cô ta không để ý, kéo nhẹ chiếc khăn tay cô ta giắt bên hông áo, làm nó rơi xuống đất. Một cách tự nhiên nhất, ta đạp lên chiếc khăn lụa trơn tuột ấy, trượt chân, ngã sóng xoài trên mặt đất.

Ngã xuống rồi, tất nhiên việc đầu tiên ta làm là kêu đau. Tiếng kêu của ta rất lớn, vừa kịp đánh động đến phụ thân ta đang trên đường đến tiền sảnh ngang qua hành lang này.

Vẻ mặt ông không vui thấy rõ, cất tiếng hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Ta khó khăn cất lời:

- Con… cô nha hoàn này, không hiểu sao lại tự dưng ngáng chân con, làm con vấp ngã.

- Sao cơ? - Phụ thân ta lên giọng với Tiểu Hồng.

Tiểu Hồng không ngờ tới tình huống này, vội quỳ xuống thanh minh:

- Lão gia minh xét, nô tỳ nào dám mạo phạm tới tiểu thư. Là lúc nãy tiểu thư làm rơi ngọc bội, nô tỳ mới lo tìm giúp tiểu thư. Không ngờ chỉ quay đi một lúc, tiểu thư lại té ngã thế này.

Ta đưa một ống tay áo lên che mặt, ra dáng đang lau nước mắt trong sự run rẩy:

- Sao ngươi… ngươi đã làm mà lại không dám nhận như vậy? Ngươi bảo tìm ngọc bội cho ta, nhưng ta đánh rơi ngọc bội lúc nào chứ? Hơn nữa, ngươi có biết ngọc bội ta hay mang theo bên mình có hình dạng ra sao không?

- Nô tỳ… nô tỳ… - Tiểu Hồng do quá hoảng sợ nên đã không nói nên lời.

Ta nhanh chóng đưa bàn tay có giữ miếng ngọc bội hình hồ điệp mà ta luôn mang theo kia đưa ra trước mặt phụ thân, khẳng định:

- Trước nay con không dùng nhiều trang sức, trên người chỉ mang theo một miếng ngọc bội này. Suốt từ lúc về phủ đến giờ nó vẫn ở bên thắt lưng con. Phụ thân có nhớ hay không?

Thấy ánh mắt phụ thân bắt đầu trở nên tin tưởng ta, Tiểu Hồng mới hoang mang thật sự, nhìn ta với vẻ oán hận, lắp bắp:

- Tiểu thư… sao tiểu thư lại vu oan cho nô tỳ? Rõ ràng lúc nãy…

- Tiểu Hồng! - Phụ thân ta quát lên một tiếng.

Tiểu Hồng sợ đến tái mét mặt mày, còn ta thì vẫn không ngẩng đầu nhìn phụ thân, chỉ cúi gằm mặt, nói xa nói gần:

- Xin phụ thân bớt giận, đều tại con không tốt. Con chỉ mới về phủ không lâu, chưa quen với việc có người hầu hạ, nên không biết cách đối đãi với kẻ dưới, khiến cho họ đem lòng oán ghét mới muốn tổn hại con. Con gái lâu nay sống với Họa Vi chân quân trên núi Doãn Duật, đã quen thanh bần, nên từ nay xin phụ thân đừng đối đãi với con quá trọng làm gì. Chỉ cần cho con một nơi trú chân là đủ rồi, chuyện sinh hoạt hằng ngày, cứ để con tự lo liệu.

- Có chuyện gì vậy tướng công? - Một giọng nói bất ngờ vang lên.

Ta không cần ngước mắt nhìn cũng nhận ra đó là giọng của Nhã thị. Khoé môi khẽ cong, ta đang đợi bà ta đến xem kịch hay từ nãy đến giờ đấy.

Phụ thân ta phất tay áo giận dữ:

- Phu nhân xem, sắp xếp người hầu hạ thế nào mà để bọn chúng dám mạo phạm đến Hy Nhàn như vậy?

- Tướng công bớt giận, chắc là có hiểu lầm gì rồi. Nhà đang có khách, tướng công đừng nổi giận. Thôi, Hạc Nhàn, con lại đỡ muội muội đứng dậy đi. Dù có thế nào cũng nên giữ đúng tư thế của con nhà gia giáo, ai lại nằm dưới nền đất khóc lóc như vậy. Thượng thư đại nhân cùng công tử đang ở đây, không nên thất lễ như thế.

Ta cười nhạt trong lòng, quả là bà ta chẳng thay đổi chút nào, chưa gì đã nghĩ ra cách đối phó. Muốn cùng con gái mình diễn một màn kịch nhân hậu sao, nhưng ta không chịu thua dễ dàng như vậy đâu. Lúc tỷ tỷ tiến đến gần ta, ta hơi ngẩng đầu nhìn qua vai tỷ ấy, thấy thượng thư đại nhân và Mạc Thịnh Quân đang đứng ngay phía sau phụ thân ta. Ta không để ý đến vẻ mặt tò mò của thượng thư đại nhân, ta chỉ nhìn thẳng vào đôi mắt đã thoáng hiện lên vẻ đau xót của Mạc Thịnh Quân.

Cứ cho rằng ánh mắt đó là dành cho ta đi.

Ta liền làm điệu bộ giống như rất khó xử, cố gắng vươn người đứng dậy, cất tiếng nói với hai người họ:

- Tiểu nữ thất lễ rồi, đã để cho thượng thư đại nhân và Mạc hiệu úy chứng kiến bộ dạng xấu hổ này.

Tuy vậy, ta chỉ vừa mới đứng dậy chưa đến ba giây thì cả người đã ngã nhào ra phía trước. Tỷ tỷ vì đỡ ta mà cũng suýt té ngã, làm cả đám người hầu nháo nhào cả lên. Thời điểm đó, ta chỉ cảm thấy tiếc nuối vì mình đã không còn nước mắt để diễn kịch đến cùng, nếu không chắc chắn có người sẽ bị ta làm đau lòng đến chết thôi.

Phụ thân lúc này đã không còn đứng nhìn được nữa, vội vàng tiến đến gần ta, lo lắng hỏi:

- Con sao vậy? Bị thương rồi ư?

Ta nhíu mày:

- Chân con… chân con đau quá!

Vừa lúc đó, một bóng người dường như đã bước rất nhanh, vội vã lướt qua cả tỷ tỷ đến bên cạnh ta.

Huynh ấy quỳ một chân xuống trên nền đất để bằng với tầm nhìn của ta, dù nói chuyện với phụ thân ta, nhưng ánh mắt vẫn không rời khỏi ta:

- Trương bá bá, cháu có biết y thuật, để cháu xem qua vết thương của nhị tiểu thư một chút được không?

Phụ thân ta đang lo lắng nên không nghĩ ngợi nhiều, chỉ gật đầu qua loa. Huynh ấy ngay lập tức cầm chân ta lên, vừa cởi hài của ta vừa nói:

- Đã mạo phạm rồi, xin tiểu thư thứ lỗi.

Tất nhiên huynh ấy vẫn còn để lại lớp vớ trắng, tránh cho việc da thịt trần trụi của ta bị nhiều người nhìn thấy. Nhưng qua lớp vải khá dày của chiếc vớ kia, những ngón tay thuần thục của huynh ấy vẫn cảm nhận được vết thương của ta là nghiêm trọng đến mức nào.

Trương Hy Nhàn ta trước nay không bao giờ giả vờ bị thương cả.

Ta thấy rõ huynh ấy nhíu chặt hàng mày kiếm, rồi nhìn ta bằng ánh mắt rất không vui mà nói:

- Hình như là bị thương không nhẹ đâu, có thể là bong gân, nên gọi đại phu tới thôi.

Phụ thân ta lúc này liền đứng phắt dậy, giận dữ quát lên:

- Thế này còn là hiểu lầm gì nữa? Phu nhân nói xem, chẳng lẽ Hy Nhàn có thể tự làm bản thân bị thương nặng đến vậy sao? Rõ ràng là đang muốn hãm hại con gái ta, coi thường ta. Người đâu, đem ả người hầu này xuống đánh hai mươi gậy cho ta.

Một cách đột ngột, thượng thư đại nhân lại lên tiếng:

- Lão Trương à, hoá ra sự quan tâm ông dành cho con gái chỉ có như vậy thôi sao?

- Sao cơ? - Phụ thân ta dường như rất ngạc nhiên trước lời thượng thư đại nhân vừa nói.

Thượng thư đại nhân chậm rãi bước về phía ta, liếc mắt qua vết thương trên chân ta thì ít, mà để mắt tới bộ dạng loè loẹt của ta thì nhiều. Ông ta cất giọng đầy sắc bén:

- Ông xem tình cảnh của nhị tiểu thư bây giờ, giống một chủ nhân lắm hay sao? Chuyện của phủ ông, ta không tiện nhiều lời. Chỉ là chúng ta vốn là bằng hữu lâu năm, nên mới muốn nhắc nhở ông mấy câu. Đám người dưới này, là đang có mưu đồ làm nhị tiểu thư mất mặt. Tiểu thư từ nơi xa trở về, còn nhiều chuyện không quen, tất nhiên sẽ không biết hôm nay là tiết thanh minh (2). Ngày lễ này, tối kỵ nhất chẳng phải là ăn vận loè loẹt sao? Ta tin rằng, thẩm mĩ của người đã từng làm đệ tử của Họa Vi chân quân cũng không tệ tới mức lại có thể biến bản thân thành một… thứ lỗi cho ta nói thẳng, bộ dạng này thật sự quá lố lăng. Từ điều này có thể suy ra, chín phần là do ả người hầu này bảo tiểu thư trang điểm như vậy rồi.

Giọng nói của phụ thân phút chốc mang theo ý sửng sốt mà hỏi:

- Hy Nhàn, có đúng như vậy không?

Ta không trả lời, chỉ có bàn tay phút chốc khẽ siết chặt, càng lúc càng cúi gằm mặt, nhưng trong lòng ta lại đang vui mừng như mở hội. Bởi vì những lời ta muốn nói, thượng thư đại nhân đã thay ta lên tiếng. Tuy rằng không biết vì sao thượng thư đại nhân chịu ra mặt giúp ta, nhưng ta biết, lần này ta đã thắng rồi.

Phụ thân tất nhiên coi sự im lặng của ta là một lời thừa nhận, liền nổi giận đùng đùng, đòi đánh chết Tiểu Hồng, còn bắt quản gia điều tra hết một lượt những người dưới có mưu đồ với ta. Ấy vậy mà vẻ đắc thắng trong lòng ta lại bị người đang ở gần ta nhất nhìn thấu. Huynh ấy nhân lúc mọi người không để ý, khẽ lắc đầu với ta, bàn tay siết chặt lấy vạt áo ta, như đang thỉnh cầu ta.

Thôi được rồi, coi như ta xui xẻo, gặp phải một người nhân hậu như huynh ấy.

Ta ngẩng đầu nhìn phụ thân, giọng nài nỉ:

- Phụ thân bớt giận, con gái cũng chỉ là bị ngoại thương, không nguy hiểm tới tính mạng. Con vốn là người tu đạo, sư phụ đã dặn không nên sát sinh nên xin phụ thân tha cho Tiểu Hồng đó một mạng. Chỉ cần đuổi ra khỏi phủ để răn đe những người khác là được rồi.

Phụ thân thở dài một hơi, đưa tay xoa nhẹ đầu ta:

- Con quá nhân hậu rồi, ai biết nếu ngày hôm nay không có thượng thư đại nhân cảnh báo, để bọn chúng tiếp tục ở bên cạnh con, thì mai này bọn chúng có thể lập mưu hại chết con thì sao.

- Con gái trước nay chưa bao giờ đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần được trở về phụng dưỡng phụ thân để làm tròn đạo hiếu mà thôi, không ngờ lại khó khăn như vậy. Nhưng dù sao phụ thân cũng đừng nên lạm sát vô cớ, sẽ giảm thọ đức đấy ạ.

- Cũng chỉ có con là thật lòng lo lắng cho ta.

Phụ thân buông một câu như thế, rồi đột nhiên quay sang nói với Mạc Thịnh Quân:

- Quân Nhi à, phiền cháu giúp ta đưa Hy Nhàn về phòng, ta sẽ cho người gọi đại phu ngay lập tức. Bây giờ trong phủ này ta không thể tin tưởng vào ai có thể tận tuỵ với con gái của ta nữa rồi.

Phụ thân đã nhờ vả như vậy, tất nhiên huynh ấy chỉ xin phép ta một câu, rồi chẳng chờ ta trả lời, đã nhanh chóng bế ta lên, đưa ta về phòng. Trước khi rời khỏi hành lang cửu khúc đó, ta thấy nơi ánh mắt Nhã thị nhìn ta đã không còn che giấu được sự giận dữ. Trong lúc phụ thân phật ý ra mặt, thẳng thừng chê trách bà ta. Tỷ tỷ thì cố gắng cười gượng, nhưng không ai là không nhìn ra được hai viền mắt tỷ ấy đã đỏ hoe, lúc chứng kiến cảnh tượng ta khẽ khàng dựa đầu vào vai Mạc Thịnh Quân đầy thân mật trước mặt tỷ ấy.

Điều duy nhất làm ta băn khoăn, chính là nụ cười đầy ẩn ý trên môi thượng thư đại nhân lúc nhìn theo bóng dáng ta và Mạc Thịnh Quân đã dần mất hút khỏi chốn thị phi ấy.

Do ta chỉ có mình Tiểu Hồng hầu hạ, nên lúc Mạc Thịnh Quân đưa ta về Lục Liên viện, cả không gian rộng lớn chỉ còn hai người ở cùng nhau. Để giữ lễ, ta nói nhanh sau khi huynh ấy đặt ta ngồi xuống giường:

- Nơi này là khuê phòng của tiểu nữ, Mạc hiệu úy không nên ở lâu, sẽ không tốt cho cả hai đâu.

Huynh ấy không thèm trả lời ta, đẩy ta nằm xuống giường rồi cứ thế cầm chân ta lên, lột hẳn cả lớp vớ xuống mà xem xét. Ban nãy do phải lo đối phó với nhiều người, ta không chú ý lắm đến việc đụng chạm này. Bây giờ, hai gò má ta bất chợt nóng ran khi nhìn bàn chân trần của mình nằm gọn trong lòng bàn tay to lớn của huynh ấy.

Bỗng dưng bàn tay huynh ấy dùng lực, làm một cảm giác nhói đau truyền thẳng đến tận đỉnh đầu ta. Ta gần như hét lên:

- Đau quá! Huynh làm gì vậy?

- Biết đau mà còn đem thân thể mình ra đùa giỡn như vậy sao?

- Ta đùa giỡn lúc nào chứ?

- Còn có lần sau, huynh nhất định sẽ mặc kệ muội.

Ta bị lời nói đó làm cho choáng váng trong phút chốc. Có nghĩa là từ trước đến giờ, huynh ấy đều quan tâm đến ta phải không?

Lúc này không phải là giả vờ, ta thật sự không dám ngẩng đầu nhìn huynh ấy nữa, chỉ lí nhí nói:

- Ta cần huynh quan tâm lúc nào chứ.

Do cúi đầu nên ta không nhìn thấy thần thái trên khuôn mặt huynh ấy, ta chỉ biết, huynh ấy làm ta rất khó chịu nếu cứ nhìn ta chằm chằm như thế. Tuy rằng trong lòng không thoải mái, nhưng vết thương trên chân ta dường như đã không còn đau như lúc nãy. Có lẽ huynh ấy không hề nói dối, huynh ấy thật sự biết y thuật. Vừa rồi, chắc là huynh ấy giúp ta sơ cứu bàn chân bị thương.

Bị một chút cảm kích len lỏi vào tâm trí, ta bất giác lên tiếng:

- Là bọn họ muốn hại ta trước.

- Muội không cần phải tự mình đối phó tất cả mọi chuyện như vậy. Nếu muội chịu nói ra những ấm ức của mình, nhất định sẽ có người bảo vệ muội, như phụ thân muội, như…

Ta ngắt lời huynh ấy:

- Ta có khả năng tự bảo vệ mình.

Nói rồi ta lại giả vờ đánh trống lảng:

- Giúp ta lấy giấy bút qua đây được không?

- Muội muốn làm gì?

- Không nhớ sao, huynh vẫn còn nợ ta đấy. Lần này, chắc phải phiền huynh một chuyến rồi.

Sau lúc cầm lấy giấy bút trên tay, ta nhanh chóng viết một bức thư. Viết xong, ta gấp lại bỏ vào phong thư dán kín rồi đưa cho huynh ấy mà nói:

- Huynh đến phố Bạch Mi, con hẻm thứ hai quẹo phải sẽ gặp một trà quán tên Thương Ca. Huynh mang thư này cho chủ quán, rồi đem thứ ông ta đưa huynh về cho ta là được rồi.

Huynh ấy phút chốc nhíu mày:

- Từ lúc nào muội đã có người quen ở kinh thành này như thế?

- Mạc hiệu úy không có tư cách soi mói đời tư của ta như vậy.

- Huynh sẽ không giúp muội nếu muội không chịu nói rõ.

Con người này càng lúc càng không nói lý lẽ, làm ta mất kiên nhẫn, đành phải thành thật trả lời:

- Là thuốc trị thương, họ có thuốc trị thương rất hiệu quả, nên muốn nhờ huynh lấy về giúp ta một ít được chưa. Ta diễn khổ nhục kế cũng phải chừa đường lui cho bản thân chứ. Giúp ta một lần đi, dù gì trong phủ này, ta cũng không thể tin tưởng bất kỳ người nào.

Vừa lúc đó, phụ thân ta cùng đại phu đã lục đục kéo vào Lục Liên viện, huynh ấy cũng không tiện nhiều lời, nhanh chóng cất bức thư của ta vào tay áo.

Ta ngầm coi đó là đồng ý.

Sau lúc đại phu xem xét vết thương của ta rồi kê đơn thuốc, huynh ấy hỏi han vài câu xong thì nhanh chóng rời đi. Do uống thuốc của đại phu xong ta cảm thấy rất buồn ngủ, nên đã thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh lại thì đã thấy bên đầu giường có một cái túi nhỏ màu đen. Ta nhanh chóng mở túi vải ra, trong đó có lọ thuốc trị thương bằng sứ thanh từ (4) quen thuộc.

Ngoài ra còn có một phong thư.

Mở thư ra, nụ cười trên môi ta thấp thoáng một cảm giác ấm áp lúc đọc những hàng chữ trên đó:

“Hy Nhi, giữ gìn sức khoẻ, đừng làm sư huynh lo lắng.

Nếu huynh còn nghe muội cần đến thuốc trị thương lần nữa, huynh sẽ bất chấp tất cả bắt cóc muội về núi Doãn Duật đấy.”

Ta giơ giơ bức thư ngang tầm mắt, tưởng tượng người đã viết nó đang ở trước mặt, liền theo thói quen ra vẻ nhõng nhẽo mà nói:

- Muội không tin đâu, sư huynh mới là người xấu xa, rõ ràng là đang ở kinh thành mà không thèm đến thăm muội.

Đêm hôm đó, chẳng biết là do thuốc trị thương hiệu quả làm cơn đau đớn trên chân ta biến mất, hay là do cảm giác cô quạnh trong lòng ta được bức thư kia xua tan, ta đã ngủ một giấc thật ngon, không mộng mị hay âu lo nữa.
---
(còn tiếp)​
<< Chương 2.2
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên