Ngoại truyện 3
Một thời để nhớ
1.
Hai bàn tay tôi đan vào nhau đặt nhẹ lên bụng. Tôi khẽ dựa mình vào một cái ghế tựa không chân đặt sát sàn nhà còn nửa người nằm trong bàn Kotatsu*. Đôi mắt tôi nhìn hai vật để ngay trên bàn mà như nhìn vào rừng rậm âm u không lối ra.
*Kotatsu: Kiểu bàn ngồi có gắn máy sưởi và phủ chăn của người Nhật.
Một thứ là tờ siêu âm màu. Cái vết sần trên hình ảnh siêu âm ấy là bào thai hai tháng tuổi.
Thứ còn lại trên bàn là chiếc điện thoại.
Gọi hay không gọi?
Nếu tôi gọi, anh ấy sẽ lập tức quay trở lại Osaka và đưa tôi về Hà Nội bởi anh ấy yêu tôi và anh ấy rất có trách nhiệm. Là tôi bỏ rơi anh ấy chứ anh ấy nhất định không bỏ rơi tôi. Nhưng sau đó thì sao? Một đám cưới? Nếu muốn điều đó thì tôi đã không bỏ lại anh mà tới vùng đất Osaka lạnh lẽo này, nơi tới một người thân quen cũng không có và một ngày phải làm việc tới mười hai tiếng đồng hồ.
Nếu không gọi? Tôi phải làm gì với đứa con đang thành hình đây?
2.
“Này, chuẩn bị đón nhận quà sinh nhật bất ngờ tui đóng gói bưu kiện gửi sang đấy.”
Tôi cười, nhắn lại một cái icon “rất háo hức” cho con bạn thân đang ở Hà Nội. Tôi luôn muốn được giống như nhỏ bạn này, được một lần nhìn thế giới màu hồng phấn. Nhỏ kể khi tám tuổi, nhỏ mất tuổi thơ vui chơi hồn nhiên vì bị mẹ ép buộc đưa tới các lớp học thêm; còn tôi chưa bao giờ kể, tám tuổi, dành cả mùa hè để làm việc vặt cho một bà Tây mà tôi tình cờ quen để bà ấy dạy tôi tiếng Anh mỗi ngày một giờ đồng hồ. Tám tuổi tôi đã đi bán đồ lưu niệm lang thang từ bãi biển tới những địa điểm mà người nước ngoài hay lui tới. Tám tuổi tôi đã biết, học ngoại ngữ sẽ bán được nhiều đồ lưu niệm hơn. Và tám tuổi tôi đã biết, không có tiền khi mùa thu tới tôi sẽ không được tới trường.
Ngày ra Hà Nội, tôi mới mười lăm tuổi. Chị gái cùng cha khác mẹ với ba tôi không có con cái, còn ba tôi một nách bốn đứa con. Đáng lí một đứa nhỏ ở làng chài ven biển, sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em và làm chị cả như tôi, biết đọc, biết viết là phải nghỉ để phụ giúp gia đình. Nhưng tôi đã ích kỉ, khóc lóc đòi được đi học. Vì thế ba tôi đã gửi tôi ra Hà Nội. Ông nói, coi như cho chị gái một đứa con. Nhưng tôi biết, ông vì muốn tôi được đi học nên mới dứt ruột gửi tôi đi.
Mười sáu tuổi tôi gặp anh ấy.
Ngày hôm đó tôi đi tìm một người bạn bên lớp chuyên Lý vì nghe nói ba mới gửi cho tôi một chút quà quê. Tôi tìm thấy khi cậu ta đang làm thủ môn trong một trận banh với mấy cậu con trai cùng lớp. Tôi đi về phía cầu môn, khẽ giơ tay chào khi cậu ta nhìn về phía mình. Tôi biết rõ cậu bạn này thích tôi và cũng biết rõ bản thân không ưa gì cậu ấy. Nhưng tôi lại không thể tỏ thái độ được vì cứ hai tháng cậu ấy lại về quê một lần, và mỗi lần như thế tôi sẽ nhận được một chút gì đó của ba, để nhắc nhở bản thân rằng, tôi còn được nhớ tới, còn được yêu thương.
Bất ngờ trái banh đáng lý phải rơi vào cầu môn thì lại nhằm thẳng vào mặt tôi mà hạ cánh. Khi tôi bớt choáng váng và hé mắt ra nhìn thì người đang đỡ tôi là anh ấy, cũng chính là người vừa sút trái banh vào tôi. Sau này anh ấy nói:
- Nhìn em khi đó, mặt mày nhăn nhó, chảy máu cam ròng ròng mà chẳng biết thế nào, anh lại thích, lại yêu.
Sau này khi nghĩ lại tôi đã cười tự giễu mình rất nhiều lần. Ai bảo anh yêu một cô gái có mặt mày nhăn nhó làm gì? Để tình yêu của chúng ta rồi cũng nhăn nhó, đau đớn như lần đầu gặp mặt ấy?
Bác tôi rất nghiêm khắc, bà nuôi tôi vì bà muốn có một suất bảo hiểm cho tuổi già, tôi không nhận ra được một chút yêu thương nào từ bác. Bác nhiều tuổi, lại sống cô độc bao năm vì thế vô cùng khó tính. Tôi không bao giờ dám trái ý bác, không dám yêu đương và chơi bời với bạn bè, chỉ biết học và học. Tôi sợ bác biết tôi không ngoan sẽ đuổi tôi về quê, mặc dù luôn nhớ bố và thương các em nhưng tôi phải học, phải có điều kiện tốt hơn thì tôi mới giúp bố và các em được. Ấy vậy mà anh và cả con bạn với cuộc sống toàn màu hồng của anh lại nhảy bổ vào cuộc đời của tôi, bất ngờ hệt như trái banh đập vào mặt tôi.
Con bạn thân của anh vì giúp anh mà tiếp cận tôi, nó nói về anh nhiều tới mức tôi muốn đau đầu. Còn anh thì “mặt dày” theo đuổi tới mức tôi phát sợ. Thế rồi chẳng biết cuộc sống quá thiếu thốn tình thương và sự cô đơn nơi đất Hà Thành hay sự kiên trì của anh mà cuối cùng đã giúp tôi thắng được nỗi sợ hãi bị bác phát hiện để có một anh chàng người yêu và một cô nàng bạn thân.
3.
Đêm qua trận tuyết đầu tiên đã tới, bận rộn khiến tôi không nhận ra điều đó cho đến sáng nay mở cửa, nhìn thấy một lớp tuyết dày tôi mới bật cười, chụp ngay một bức ảnh gửi qua facebook cho con bạn thân vì tôi biết, nó sẽ tức điên lên khi nhìn thấy tuyết. Nó luôn thao thao bất tuyệt với tôi về giấc mơ được ra nước ngoài, nhưng ba mẹ nó không cho phép nó đi, họ chỉ có một cô con gái duy nhất sao dám mạo hiểm để nó đi quá xa. Nó nói nó ghen tỵ với tôi, nào biết tôi đâu có muốn phải đánh đổi tình yêu của mình vì chuyến đi này.
Kết thúc giờ giảng tôi lại tất tả với công việc làm thêm ở một tiệm tạp hóa. Tiếng Nhật của tôi không tốt lắm nên chỉ có thể làm việc sắp xếp các món đồ lên giá và nhận hàng được giao tới. Lương chỉ bằng đứng quầy thanh toán nhưng vất vả hơn nhiều. Có điều công việc này sẽ không còn kéo dài nữa bởi tôi mới kí được hợp đồng cho công việc sau khi tốt nghiệp. Điều kiện làm và đãi ngộ cuộc sống sau đó sẽ tốt hơn nhiều. Cả buổi chiều hùng hục làm việc trong kho hàng, tôi quên xừ mất là mình muốn ngắm tuyết rơi. Ông chủ cho tôi về sớm vì biết hôm đó sinh nhật tôi nhưng lúc trở về kí túc xá thì sắc trời cũng đã sâm sẩm tối.
Tuyết rơi lất phất như mưa phùn mỗi đợt tết về ở Hà Nội. Tôi nhớ mưa phùn. Tôi nhớ anh da diết. Một đứa con gái làng chài có cái đáng tự hào nhất là sức khỏe như tôi, bị anh giữ lại, kéo cái áo khoác rộng và phủ lên đầu tôi vì sợ mưa phùn làm tôi ốm. Tôi như con chim nhỏ nép vào cánh tay đang dang rộng của anh. Bóng dáng cao lớn và tà áo khoác của anh khi đó, tôi đã nghĩ rằng đủ sức để che chở suốt cuộc đời tôi. Nhưng tôi đã nhanh chóng nhận ra, mình đã nhầm. Anh có thể che chở cho tôi nếu tôi chỉ là tôi mà thôi. Bác gái ngày một già, ba mẹ tôi cũng vậy, những đứa em thơ của tôi ngày một lớn. Tôi ao ước có người che chở cho tôi, nhưng tôi còn có trách nhiệm phải che chở cho người khác.
4.
Tôi học Y tế công cộng, còn anh học Bách khoa, vì thế tôi ra trường trước anh một năm. Anh nói:
- Chờ anh ra trường rồi mình kết hôn.
Ngày anh ra trường cũng là ngày đứa em sau tôi vào đại học, hai đứa còn lại đều vào cấp ba. Mẹ anh có thể chấp nhận một đứa con dâu ngoại tỉnh, trong tay không có gì hết nhưng sao có thể chấp nhận việc nuôi báo cô ba đứa em của con dâu và để nó phụng dưỡng ba mẹ cùng một người bác? Cho dù chấp nhận thì lòng tự trọng của tôi cũng không cho phép. Vấn đề này sớm muộn cũng là lí do khiến tình cảm của chúng tôi rạn nứt. Tôi đã nhìn ra điều ấy từ rất sớm vì tôi vốn là một con bé làng chài nghèo khổ, luôn biết suy tính trước sau.
Lễ tốt nghiệp của tôi, anh và nhỏ bạn thân đã không thể tin được khi tôi nói tôi nhận được học bổng của Nhật và tôi chắc chắn sẽ đi.
Tôi nhìn thấy nét kinh ngạc và hoảng hốt trong mắt anh nhưng tôi lựa chọn im lặng. Anh biết tôi đủ rõ để hiểu vì sao tôi làm vậy. Khi tôi lấy được Visa sang Nhật, anh đưa tôi tới đại sứ quán để nhận nó. Anh đã nói “Anh chờ em!”, ba từ ấy khiến tôi run rẩy vì anh đã nói cho tôi sự lựa chọn của anh. Tôi ích kỉ nhưng anh vẫn lựa chọn sẽ yêu thương tôi. Có điều tình yêu ấy có thể kiên trì đến khi tôi có thể đáp lại được không? Tôi bảo anh rằng:
- Đừng chờ em!
Tôi biết ba chữ ấy tổn thương anh sâu sắc đến mức nào nhưng tôi không còn cách nào khác. Trách nhiệm mà tôi phải gánh vác không biết chừng nào mới buông bỏ được, và tôi không muốn níu giữ anh để rồi mất anh. Thà tôi làm anh đau chứ nhất định tôi không muốn một ngày người bị bỏ rơi là tôi. Là tôi hèn nhát và sợ bị tổn thương.
5.
Tôi đi bộ độ mười lăm phút từ chỗ làm thêm về đến kí túc xá. Từ xa, tôi nhìn thấy dưới ánh đèn cao áp lối vào kí túc xá là một anh chàng trong bộ đồ xám màu, đứng co ro trong tuyết lạnh, hai chân cứ chốc chốc lại co lên, chắc vì đi giày đế mỏng bị tuyết lạnh thấm vào. Anh chàng ấy bị mọi người chú ý vì đang quàng một chiếc khăn màu xanh nõn chuối, quấn hai vòng trên cổ mà vạt khăn buông xuống còn chạm gối.
Hóa ra đây chính là “món quà” sinh nhật mà con bạn thân nói tới hay sao? Tôi bật khóc và bật cười cùng một lúc. Khi tôi đan chiếc khăn ấy, đã cố tình chọn cái mày sắc chói mắt này là vì muốn trách anh bắt tôi phải làm một việc vô vị. Còn con bạn tôi lần đầu nhìn thấy cái khăn kinh khủng ấy đã phán rằng:
- Nếu Phong nó dám quàng cái khăn này, đứng trước cổng trường đợi mày thì đời này kiếp này mày không cần thử thách tình yêu của nó nữa.
Rõ ràng là anh ấy đứng ở cổng kí túc xá chứ không phải cổng trường mà sao tình yêu của anh ấy tôi vẫn cảm nhận chân thực và rõ ràng thế này? Tôi biết anh ấy yêu tôi, luôn vì tôi mà theo đuổi, từ lớp Lý sang lớp Toán, từ trường Bách khoa sang trường Y tế cộng công, và bây giờ từ Hà Nội sang Osaka. Nhưng đuổi theo như thế để làm gì khi mà cả hai chúng tôi không thể đi trên cùng một con đường?
Đáng lí tôi không nên khóc, chẳng nên cười mà nên lạnh lùng bước qua anh. Nhưng tôi đã khóc, cười và nhào mình vào vòng ôm của anh. Giây phút đó tôi đã yếu lòng, đã quên đi mất hợp đồng làm việc năm năm vừa được kí kết sáng nay.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy thấy anh nằm sấp trên giường, một cánh tay cứ cố chấp đặt trên ngực tôi dù tôi đã hai lần nhẹ nhàng gạt nó ra. Tôi đưa tay chạm nhẹ má anh, trái tim muốn nở một nụ cười hạnh phúc nhưng lí trí lại lắc đầu nói không thể. Tôi rời giường trước khi anh tỉnh lại và trở về khi đã mệt nhoài. “Món quà” này không được thông báo trước vì thế tôi không sắp xếp được lịch học và làm việc. Tôi nhìn thấy sự thất vọng trong mắt anh mỗi khi tôi trở về từ chỗ làm thêm nhưng tôi dằn lòng lẩn tránh ánh mắt đó và âm thầm hối hận vì giây phút yếu lòng của mình.
Visa du lịch của anh hết hạn, anh phải trở về. Đứng ở sân bay anh vẫn nói câu mà hai năm trước anh nói với tôi.
- Anh chờ em!
Còn sáu tháng nữa là tôi tốt nghiệp. Anh ấy chờ được sáu tháng nhưng năm năm thì sao? Tôi cần năm năm đó, gia đình tôi cần nó. Tôi ấp úng giải thích:
- Em… sau khi tốt nghiệp, em… có một bản hợp đồng năm năm.
- Em đã kí nó?
Giọng nói của anh bất chợt cao và đanh lại. Tôi níu tay anh, cúi đầu không đáp.
Tôi biết tôi ích kỉ và sự chịu đựng của anh đã đi tới giới hạn. Phút cuối cùng tôi mới để anh biết về bản hợp đồng hệt như cái lần tôi nói sẽ đi Nhật, cả hai lần đều là tôi thông báo với anh chứ không phải hỏi ý kiến hay thảo luận cùng anh. Tôi luôn quyết định con đường cho mình mà không đếm xỉa gì đến cảm xúc của anh. Khi anh gỡ những ngón tay mà tôi đang níu chặt áo anh ra, tôi đã hiểu. Con đường tôi đã đi luôn có anh mải miết đuổi theo nhưng bây giờ anh không thể đi trên con đường ấy cùng tôi nữa.
Anh im lặng cho tới khi đi vào làm thủ tục xuất cảnh mới quay đầu lại nhìn tôi và nói:
- Giữ gìn sức khỏe.
Anh nói bốn từ “Giữ gìn sức khỏe.” chứ không phải ba từ “Anh chờ em.” nữa. Tôi nhìn theo bóng lưng thẳng tắp của anh cho đến khi nó bị che khuất bởi các lớp cửa. Một lần ngoảnh đầu lại anh cũng không. Rõ ràng tôi nói anh đừng chờ tôi vậy mà khi anh quyết định không chờ tôi nữa, trái tim tôi lại đau đớn đến vậy?
6.
Hana nghĩa là hoa. Hồi còn yêu nhau, anh hay bảo:
- Con gái sẽ đặt tên là Hoa.
Tôi nghĩ cái tên ấy thật quê mùa, thô thiển. Nhưng rồi khi con gái chào đời, cô nữ hộ sinh hỏi đặt tên con là gì, tôi đã như phản xạ mà nói:
- Hana Hoàng.
Kể từ lần chia tay ở sân bay ấy, ba năm rồi, tôi vẫn chưa liên lạc với anh. Ban đầu tôi rất sợ anh biết chuyện, sợ anh lôi tôi về Việt Nam, bắt tôi làm một cô vợ, một bà mẹ ngoan ngoãn vì thế đến con bạn thân tôi cũng cắt đứt liên lạc. Nhưng tôi lo lắng quá nhiều thì phải, con bạn thân vẫn đều đều nhắn tin thăm hỏi và không hề đả động một chữ nào đến anh, điều này thật lạ với tính cách của nó. Chỉ có một cách để lí giải cho việc này, anh đã thực sự buông tay. Suy nghĩ này ngày càng ám ảnh tôi khiến tôi không có dũng khí để liên lạc với anh. Là tôi luôn hèn nhát và sợ bị tổn thương.
7.
Hana hai tuổi, gã người Nhật đó cũng làm hàng xóm với mẹ con tôi được ba năm. Gã đã ở bên tôi và giúp đỡ tôi rất nhiều trong ba năm vất vả và khó khăn này. Hana rất thích gã và gã đã lợi dụng lúc tôi không để ý để mà dạy con tôi gọi gã là papa. Tôi giận lắm nhưng nhìn nụ cười ngọt ngào của con gái lại không nỡ bắt nó sửa miệng. Nhưng tôi đã lặng người đi khi nó ngây ngô hỏi:
- Vì sao các bạn khác có papa và mama ở chung một chỗ, còn nhà mình mama toàn đuổi papa ra khỏi nhà vào buổi tối?
Câu hỏi này chắc chắn là gã người Nhật trời đánh đã dạy con tôi nói. Tôi lườm gã một cái và trốn tránh việc trả lời con gái. Tôi viện cớ rằng nó quá bé bỏng, tôi có giải thích nó cũng không hiểu thay vì đổ lỗi tại sự ích kỉ của bản thân mà ba nó còn chưa biết đến sự tồn tại của nó. Tối đó khi tôi đẩy gã người Nhật ra khỏi phòng như mọi khi, gã đã lừa mà ôm chặt lấy tôi, gã khỏe nên tôi giãy giụa thế nào cũng không thoát. Gã bảo:
- Anh mệt mỏi vì chờ đợi rồi. Em về Việt Nam đi, nếu người đó còn chờ em, thì em ở lại, nếu không em quay trở về với anh.
8.
Miệng gã bảo tôi là ở Nhật chờ tôi, vậy mà lúc rời Nhật, ghế bên cạnh mẹ con tôi trên máy bay lại là gã. Nhưng thật may vì gã đã theo tôi bởi đau đớn gặm nhấm một mình mùi vị chẳng dễ chịu chút nào.
Tôi hẹn gặp con bạn thân vì muốn hỏi một chút tình hình của anh. Nó ngập ngừng mãi mới nói với tôi rằng, anh có đã bạn gái, cũng được một năm rồi. Dù đã chuẩn bị cho tình huống ấy mà sao trái tim vẫn đau đớn quặn thắt đến vậy? Tôi tới quán café manga mà tôi thích nhất hồi sinh viên, nơi anh ấy vẫn luôn bị tôi ép buộc đi cùng. Chị chủ quán không nhớ ra tôi, cũng phải thôi, đã năm năm rồi mà. Tôi quay lại đây vì muốn một chút hoài niệm để vỗ về con tim và cũng để suy nghĩ thật kĩ nên gặp anh hay không?
Nhưng chưa kịp nghĩ thì ở đó tôi gặp lại anh. Nói đúng hơn là tôi nhìn thấy anh bởi anh không hề biết tôi ở đó. Chỗ anh ngồi vẫn là chỗ khi xưa chúng tôi thường chọn, nhưng người ngồi kế bên anh không còn là tôi nữa.
Anh ngồi cùng một cô gái ít tuổi, có lẽ còn là sinh viên. Cô ấy ôm chặt hông anh, mặt vùi vào lồng ngực anh khóc lóc, chốc chốc lại ngước mắt nhìn anh nghẹn ngào nói gì đó. Thứ biểu cảm ngây thơ, hồn nhiên của cô gái ấy luôn là thứ khiến tôi bĩu môi chê bai nhưng tận sâu trong lòng là thèm khát. Có lẽ họ vừa cãi nhau. Ánh mắt anh ấy khi đối diện với cô gái đầy vẻ bất đắc dĩ nhưng cũng tràn đầy yêu thương. Trước đây mỗi lần tôi thẳng thừng từ chối sự theo đuổi bám dính của anh, anh cũng nhìn tôi bằng ánh mắt ấy.
Tôi quay lưng bước đi, bàn chân như đeo chì. Rõ ràng anh ấy đã buông tay, vì lí gì mà tôi cứ cố chấp tin rằng anh ấy vẫn ở một chỗ và chờ tôi ngoảnh đầu lại? Một cô gái ngây thơ có đôi mắt trong sáng không gợn chút sầu lo, một cô gái anh có thể dang tay bảo vệ chứ không phải một cô gái muốn gánh trên lưng một đống trách nhiệm mới là sự lựa chọn tốt nhất dành cho anh ấy.
Tôi trở về khách sạn, gã người Nhật đang bế Hana chờ tôi ở sảnh lớn. Hana bi bô nói:
- Con và papa chờ mama mãi.
Tôi kéo con bé vào lòng để nó không nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của tôi. Gã người Nhật cười. Tôi biết gã đang cười trên sự đau khổ của tôi, nhưng sao tôi trách gã được, tôi đã hứa với gã nếu anh ấy không chờ tôi thì tôi sẽ đồng ý để gã đi bên tôi.
Tôi ôm chặt Hana, ôm chặt một thời để nhớ của mình, và chìa bàn tay ra cho gã nắm.
HẾT