Hoàn thành Quà từ trong nhà, quà ra ngoài ngõ - Hoàn thành - Ki No

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Quà từ trong nhà, quà ra ngoài ngõ
(Một thoáng quay về)
Tên tác giả: Ki No
Thể loại: Hồi ký, tâm lý tình cảm
Tình trạng truyện: Hoàn thành
Giới hạn độ tuổi: Không giới hạn
Cảnh báo nội dung: Kể nhiều, là hồi ức, là tuổi thơ, là kỉ niệm
Giới thiệu truyện:

“Bạn phải biết nguyên nhân tại sao lại có người ngưỡng mộ bạn

Là vì họ cũng từng trải qua thời thanh xuân như bạn.

Bạn phải hiểu lý do tại sao lại có người ghen tị với bạn.

Chính là vì họ không thể giữ lại tuổi xuân.”

Bỗng nhiên một sáng thức dậy chào ngày mới, bạn chợt nhận ra rằng xung quanh mình thật xa lạ, là bởi vì nơi bạn đang ở chẳng phải là nhà.​
Hai mươi ba tuổi bước qua cái ngưỡng của tuổi thơ vụng dại, bước ra xa khỏi vòng tay bảo bọc của mẹ cha, từng bước hòa nhập vào cuộc sống tự lập đầy thách thức. Cố gắng vùng vẫy trong những chuỗi ngày cơm, áo, gạo, tiền. Cố gắng chống lại những dòng đời vồ vập. Thế mới biết, không đâu bằng nhà, không đâu bằng một vòng tay cha mẹ.




 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Chương 1: Ba là cái phích nước của đời con

Ba mẹ tôi đều là người xa xứ. Ba sinh ra ở gần biên giới phía Bắc, nơi gắn liền với những di tích của Bác Hồ để lại ngày Bác trở về từ Trung Quốc. Nhà của ba thời đó ở ngay gần hang Pác Bó. Ở chốn núi rừng hoang sơ đó, tôi đã từng được nghe bà nội và bác gái của tôi kể về những chiến tích huy hoàng của ba. Từ cái thời mà tôi chỉ là một hạt cát còn phiêu du đâu đó trong cái thế giới rộng lớn này, ba còn là một cậu bé gầy còm và đen nhẻm, ba đã phải lao động như những đứa trẻ chạc tuổi ông thời đó. Việc làm hằng ngày của ba chính là chăn trâu. Không phải lúc nào ba cũng làm tốt nhiệm vụ của mình. Có lần ba đi chăn trâu mà mãi tối mịt với về nhà, mặt mũi tèm lem nước mắt, ai hỏi cũng không nói. Tới lúc nội tôi phát hiện ra trâu đã đâu mất thì mới vỡ lẽ. Ba vì mải chơi nên để trâu sa xuống hố cạn. Ba không dám nói, cũng không có cách nào kéo nó lên, đành khóc lóc chạy về nhà. Đến lúc mọi người lôi được con trâu lớn lên khỏi hố cạn thì con trâu cũng chết mất rồi. Sau đó ba có nhiệm vụ mang thịt trâu ra chợ bán. Nhưng đâu dám rao là thịt trâu, còn nói dối là thịt bò nữa. Tối hôm sau, cả nhà được thêm một bữa cơm thịt trâu no đủ.

Bà tôi kể rằng, có những lúc ba trở về lúc trời đã xế, bụng thì đói mà nhà thì không có gì để ăn. Ba ngồi chổm hổm một mình ở trong góc nhà, đầu gối cao quá tai. Bà nhìn mà thấy thương. Lúc bà kể lại, bà vừa cười vừa nói, nhưng sâu trong ánh mắt đã kèm nhèm vì tuổi tác, tôi lại thấy lấp lánh những giọt lệ đau lòng. Ừ, biết là ai cũng từng có một thời nghèo đói, nhưng để cái hình ảnh nghèo đói đó in sâu trong đáy thành một giọt lệ khó tràn khỏi mi thì ngày xưa khắc khổ đó đã không còn là nỗi ám ảnh nữa rồi.

Lại kể, ông nội tôi đi lính và hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Tấm ảnh của ông đặt trên bàn thờ nhà tôi là một tấm ảnh trắng đen mờ ảo. Vào thời điểm đó, ông còn là một chàng thanh niên tràn đầy lòng yêu nước, xa mảnh đất quê hương, xa con suối cạn, xa khoảng đồi lớn để đánh đổi an bình cho gia đình nhỏ của mình. Sáu mẹ con nội ở nhà chăm sóc lẫn nhau, để cho đứa con thứ tư phải ôm bụng thui thủi vì đói. Bà đau lòng, cũng thương những đứa trẻ không cha.

Kể ra ba còn may mắn, ba sinh ra ở cái thời mà chiến tranh đạn lạc cũng gần kết thúc. Có lần ba kể, vào ngày Bác Hồ mất, cả nước đeo tang, ba cũng được người ta phát cho một miếng vải đỏ nhỏ bằng hai ngón tay để đeo tang Bác. Có lẽ trong ký ức của một đứa trẻ chưa hiểu quá nhiều chuyện đời, ba cũng không hiểu ý nghĩa của những hành động đó, nhưng sâu trong tâm khảm của một người dân giành lại được độc lập, của một người con có cha làm lính, sự trân trọng và biết ơn đó còn lớn lao hơn cả việc chỉ giữ một miếng vải đỏ để tượng trưng. Ngày đó, cả nước đau lòng. Ngày đó, có một đứa trẻ còn nhớ như in miếng vải đỏ nhỏ hơn cả lòng bàn tay.

Thực ra tôi không gần gũi với ba tôi lắm. Tôi nghe người ta nói, con gái thường quấn ba, tôi cũng thấy bạn bè tôi thân thiết với ba nó như thế nào. Nhưng tôi không thể giống như họ. Ngày tôi còn bé, tôi đã sợ ba. Sợ đến mức không dám nói với ba câu nào cả. Trong ký ức của tôi, ba hay bảo tôi đi mua thuốc lá. Một ngày có khi mua đến hai hộp. Ba tôi hút rất nhiều, nên người ba rất gầy, còn trí nhớ tuổi thơ tôi thì gắn liền với mùi thuốc lá quấn quít quanh ba. Ba cũng từng cố cai thuốc, nhưng thói quen đó giống như đã ngấm vào máu thịt, rất khó cắt bỏ. May mắn biết bao khi mẹ tôi sinh bé thứ hai, là một đứa con trai bảo bối của ba mẹ. Vào năm tôi tám tuổi, ba tôi đã bỏ được thuốc. Lúc nghe mẹ tôi nói ba bỏ thuốc vì em trai, tôi đã rất buồn. Trong suy nghĩ của tôi, hóa ra tôi không quan trọng như vậy, ba sợ em trai bị bệnh từ khói thuốc, còn tôi thì không sao cả. Tôi đã rất tủi thân, hóa ra một đứa con gái lại có thể ít giá trị đến như vậy. Suy nghĩ ấy ám ảnh tôi đến suốt cả những tháng ngày cấp ba non dại.

Sau này khi tôi lên đại học, những lúc gọi điện về nhà, tôi đều gọi cho mẹ, nếu gọi cho ba thì cũng chỉ có một câu hỏi duy nhất: “Mẹ đâu rồi ba?” rồi cúp máy. Tình cảm cha con xa lạ đến mức năm lớp mười một, tôi đã khóc lóc kể với con bạn thân vì tôi cho rằng ba không hề yêu thương gì tôi cả. Mẹ tôi lâu lâu cũng hỏi:

“Nhân sợ ba lắm hả? Ba hiền mà, thương Nhân nhất nhà mà.”

Tôi biết ba thương tôi. Tôi cũng biết ba chiều tôi hơn em trai tôi rất nhiều. Những ngày nghỉ hè về quê cùng gia đình, tôi ở nhà, em trai tôi đi học, còn ba mẹ tôi đi làm. Sáng ba luôn hỏi xem tôi có muốn đi ăn sáng cùng ba hay không, nhưng tôi đều không thể dậy nổi. Ba cũng chỉ cười. Sáng tôi ngủ dậy trễ, cứ đến gần chín giờ sáng là ba tôi lại tạt ngang qua nhà chỉ để gọi tôi thức dậy. Ba không la con gái, cũng không trách mắng con lười như sâu trong kén. Một đứa con gái sống xa nhà từ năm lớp mười hai có lẽ phải giỏi giang trong việc sắp xếp cuộc sống và nấu ăn, dọn dẹp. Nhưng mỗi khi về đến nhà, tôi liền trở thành một cô tiểu thư đỏng đảnh. Trưa tôi nấu cơm, thực chất chỉ là cắm một nồi cơm điện, rửa một ít rau và chuẩn bị một ít thịt cá, còn đầu bếp chính của nhà tôi lại là ba. Tất cả những bữa ăn trong ngày hè nóng bức đó, đều là bóng lưng của ba đứng bếp, đều là những yêu chiều của ba dành cho con gái lâu ngày mới về thăm nhà. Nghỉ hè của tôi, thực sự là những ngày tháng quá nhàn hạ.

Nội tôi sống cùng với chú tôi, là em trai út của ba tôi, chỉ cách nhà tôi chừng hai mươi phút đi xe máy. Thế nhưng một năm tôi cũng chỉ có hai lần về thăm nội. Bên nội nhà tôi là người dân tộc thiểu số, nên mỗi lần về nội, ba và nội đều sử dụng thứ ngôn ngữ kì lạ đó để nói chuyện với nhau. Có lần mẹ tôi bảo ba dạy cho tôi nói thứ tiếng của người dân tộc mình. Ba cũng chỉ cười cười, rồi chối đẩy đi mất:

“Học làm gì đâu.”

Ba nói vậy, nhưng những lần sau tôi cùng ba về thăm nội, ba tôi lại ít sử dụng thứ ngôn ngữ kia hơn, mọi người cũng chú ý sử dụng tiếng phổ thông để tôi có thể theo cùng câu chuyện. Ba tâm lý như thế, cũng thầm lặng như thế. Nhưng nhiều lúc ba cũng thật khó hiểu. Tôi cũng luôn mang theo một chút khúc mắc trong lòng, mỗi khi bị ai đó gọi mình là “đứa mất gốc”, khi mà một cô gái mang danh dân tộc phía Bắc, không thể nói sõi bằng thứ ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

Hằng năm vào những ngày giáp tết, ba và tôi đều mang quà tết về biếu nội. Sau đó vào ngày tết cả nhà tôi sẽ cùng về thăm nội dịp đầu năm. Ngày tôi còn bé, con đường về nội không được suôn sẻ như bây giờ. Trong trí nhớ của tôi, mỗi lần về nội đều là mỗi lần tôi tập đếm suối. Cứ qua con suối thứ năm, đi qua một cái dốc cao thật cao mà người ta gọi là dốc đỏ, căn nhà đất của nội sẽ hiện lên trong tầm mắt. Ngày đó ba mẹ còn ở tập thể, không có tiền để xây cho nội một căn nhà đàng hoàng. Ngày đó, căn nhà đất đó cũng ghi dấu ấn thật sâu trong ký ức của tôi. Trước nhà còn có một cái cối thật to cùng một cái chày giã được thiết kế để dùng chân đạp là có thể giã. Đó chính là thứ kì lạ nhất mà tôi thấy từ trước đến giờ. Tiếc là thời đó tôi không có máy ảnh, càng không có điện thoại, nếu không tôi thực sự muốn ghi lại hình ảnh căn nhà vách đất siêu vẹo cùng với cái cối nơi cửa nhà. Bây giờ nội đã có một căn nhà thật lớn, thật mát, bên cạnh một thửa ruộng xanh rờn. Ngày về thăm nội, vẫn thấy nội mỉm cười hiền từ ra đón cháu gái từ cửa. Cháu gái của nội, xa nội lâu ngày, nhưng nội vẫn nhớ, vẫn nhắc hoài.

Tết năm rồi, hai ba con tôi vẫn theo đúng lịch trình, hai chín tết ôm một đống quà bánh cùng rượu và gà về thăm nội. Lúc trở về nhà, nội lại chặt cho tôi một buồng chuối xanh thật lớn. Nội bảo mang về đặt bàn thờ làm ngũ quả. Tôi hớn hở cho buồng chuối vào một cái bao tải lớn, nhẹ nhàng nâng lên xe rồi ôm chặt trong lòng để buồng chuối không bị gãy. Con đường từ nhà nội về nhà tôi đã được sửa sang lại thành đường nhựa, sạch sẽ và êm ru, không còn đồi và suối như ngày xưa nữa. Xe bon bon trên đường nhựa lớn. Nhưng ở quê mà, người ta vẫn luôn thả rông trâu ra đường và mọi sự cố đều có thể xảy ra nếu thình lình xuất hiện một chú chó tạt ngang qua đường. Hai ba con tôi té lăn ra giữa đường. Khi tôi còn chưa kịp định hình chuyện gì đã xảy ra, thì đã thấy ba chạy lại đỡ tôi dậy, ba cứ liên miệng hỏi han, có sao không, có đau chỗ nào không? Lúc đó tôi còn chẳng thấy đau, tôi chỉ lo cho buồng chuối của nội. Vì tôi đè cả cái thân hình hơn mét sáu của mình lên nó. Tôi thấy mặt ba tôi có vết xước, đầu gối có vết rách và tay áo có vết bị chà xát. Nhưng ba còn không quan tâm, chỉ nhìn quanh người tôi xem tôi có sao không.

“Tay ba chảy máu rồi kìa.”

“Không sao. Con có sao không?”

Lúc đó tôi chỉ muốn khóc, nhưng rốt cuộc cũng không mở miệng nói được một lời, chỉ mím môi lắc đầu liên tục. Ba dựng xe dậy, chở tôi về nhà, lúc này tốc độ chỉ còn 20 km/h thôi. Tôi ôm buồng chuối trong ngực, lòng đau đau nhồn nhột. Ba của tôi, lo cho tôi nhiều như vậy.

Tối hôm đó, là lần đầu tiên tôi nghe ba tôi nói với tôi nhiều như vậy, nhưng những câu đó lại cứ lặp đi lặp lại như một cuốn phim cũ khiến lòng tôi nhức nhối thật nhiều: “Con không sao chứ? Ba chỉ sợ con bị sao thì làm gì còn tết.”

Đêm hôm đó, khi cơn đau ập về, ba tôi mới biết từ đùi mình trở xuống có một đám bầm tím thật lớn.

Ba tôi lúc nào cũng quan tâm tôi theo cách của ba, lúc tôi đi chơi về trễ, hơn chín giờ vẫn chưa về, ba cũng không gọi điện nhắc, chỉ là ở nhà cứ mãi càu nhàu với mẹ, không biết nó đi đâu, có sao không, sao giờ này chưa về, rồi lại chong đèn sáng trưng, ngồi ở ghế gỗ coi tivi đợi tôi về, mặc dù ba đã buồn ngủ tới mức ngủ gật ở ngoài ghế. Ba không bao giờ hỏi tôi chuyện gì, nhưng mọi chuyện về tôi, ba đều biết, thông qua mẹ. Ba hỏi mẹ, còn mẹ nói lại cho tôi. Mẹ như một người liên lạc giữa tôi và ba, nên nhiều lúc mẹ cũng thực sự cảm thấy lo lắng. Có những lúc mẹ chơi đòn tâm lý để kéo gần khoảng cách ba con chúng tôi.

“Ba suốt ngày lên kiểm tra tài khoản xem thẻ Nhân còn tiền không đó. Thấy hết là lại la mẹ, bảo sao không gửi tiền cho nó, nó hết tiền nó có dám kêu đâu.”

Tôi biết mẹ nói thật, cũng hiểu ba lo lắng cho tôi, tôi lớn rồi, cũng hiểu được yêu thương không phải cứ cần nói ra lời mới là yêu thương chân thực. Nhưng cái khoảng cách giữa ba con tôi, đã trở thành thói quen khó bỏ. Tôi thương ba, cũng tôn trọng ba. Những tình cảm đó ba con tôi đều che giấu trong lòng, chỉ cần hướng về nhau là quá đủ. Tôi và ba giống nhau như thế đấy. Một người ba ngoài lạnh trong ấm, ba chính là phích nước của lòng con, yêu thương lúc nào cũng đầy tràn không vơi.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Chương 2: Răng mẹ đều như hạt bắp.

Mẹ tôi cũng là con gái miền Bắc. Khác với ba là dân miền núi, mẹ là người đồng bằng. Ở quê mẹ, xa xa chỉ thấy những cánh cò trắng lả lơi lượn lờ trên những cánh đồng lúa bát ngát. Không có một bóng núi, nhìn xa chỉ thấy một đường chân trời mờ nhạt. Ngày tôi về quê mẹ, gặp người anh họ cùng tuổi là con của chị gái mẹ tôi. Nghe anh bảo chưa từng thấy núi, tôi hớn hở rủ anh về nơi mình sống. Trên quãng đường dài dọc theo dải đất miền Trung, tôi tận tình chỉ dẫn cho anh tôi biết rằng, đây là núi, có núi đá và núi đất khác nhau. Ở Ninh Bình là núi đá, còn Tây Nguyên nơi tôi sống lại là núi đất. Ngày đó trong ký ức của đứa trẻ năm tuổi, tôi cũng mơ hồ về khái niệm của những ngọn núi. Nhưng sự mong muốn được chứng tỏ bản thân đã khiến tôi tự tin khoe khoang vốn kiến thức hạn hẹp của mình với người anh chưa từng một lần được thấy núi. Anh họ của tôi, người mà sau này khiến cho cả họ ngoại tự hào vì sự thông minh tài giỏi của mình, lại ngây ngô gật gù nhìn đứa em gái nhỏ với ánh mắt đầy khâm phục.

Nhà mẹ cùng nhà ba có một điểm chung, đó là họ đều không có cha. Ông ngoại tôi cũng đi lính. Mẹ lại là đứa con gái thứ hai trong nhà. Nhà ngoại tôi không có con trai nối dõi. Ông ngoại mất sớm để lại bà ngoại tôi cùng hai đứa con gái. Mặc dù cuộc sống của một căn nhà không nóc không hề dễ dàng gì. Nhưng bà ngoại còn có chị em, còn có những người anh em nhà chồng giúp đỡ. Ngoại tôi là một người phụ nữ giỏi giang. Bà cứ thế chăm lo cho hai đứa con gái lớn khôn thành người. Còn khiến cho mẹ có một tuổi thơ vui vẻ không hờn trách.

Vì là con gái út trong nhà, nên mẹ được cưng chiều hơn so với chị gái, nhưng mẹ và bá đều được đi học. Có lần bà ngoại tôi kể. Bá đi học về mở nồi cơm tìm cơm nguội, thấy cơm chỉ còn một ít nơi đáy nồi, bá chê ít, thế là đổ luôn toàn bộ canh vào nồi cơm, ôm nồi ngồi ăn một mình. Nhưng nồi cơm của ngoại năm đó cũng giống như nồi cơm Thạch Sanh, bá ăn hoài mà không hết. Đến lúc bà về thì thấy đúng cảnh bá tôi đang ôm nồi cơm nước mắt lưng tròng, ráng nuốt cho hết mà miệng thì nghẹn ứ. Bá tôi như vậy, còn mẹ sung sướng hơn nhiều. Ngày ngày đi học, còn có những ngày đi chơi lê la khắp xóm. Tôi có rất nhiều dì, là những người dì họ hàng mà mẹ gọi là em. Mẹ kể, ngày đó, hôm nào học xong cũng chạy qua nhà bà Thiên bế em giúp bà để được thưởng quả lê - ki - ma. Nhà bà Thiên có một cây thật to, thật nhiều quả. Trong ký ức của mẹ, lê - ki - ma là quả cây ngọt nhất, thơm nhất, ngon nhất trên đời này. Có một điều mà mãi sau này mẹ tôi còn kể lại để chọc dì tôi. Mẹ tôi hay hỏi dì:

“Rốt cuộc nhà mày có mấy đứa vậy? Tao nhớ ngày xưa hè nào cũng sang bế em, mà năm nào cũng có em để bế là sao?”

Dì bật cười ha hả.

“Chuyện thường mà chị, có khi mẹ em còn chẳng nhớ rốt cục mình đẻ bao nhiêu đứa.”

Vậy đấy, tâm hồn của một đứa trẻ mà lúc nào cũng treo trên cành lê – ki – ma, đến bây giờ trong trí nhớ cũng là thứ quả vàng thơm, chứ không phải là đàn em nheo nhóc chờ bế.

Nói vậy chứ mẹ vẫn phải làm việc nhà. Ngày còn nhỏ tôi hay vuốt ve bàn tay mẹ. Tay mẹ khô và cứng như có lớp bì bóng vậy. Nhưng không phải là do mẹ làm nhiều đâu mà là do cấu tạo da vậy thôi. Ở móng tay tại ngón giữa tay trái của mẹ lồi lên một đoạn. Tôi vẫn hay thắc mắc:

“Sao móng tay mẹ lại bị chẻ đôi ra vậy?”

“Ngày xưa băm bèo đó, vừa làm vừa chơi, hậu quả là chém luôn vào tay mình.”

Tôi bật cười, mẹ cũng cười. Nhưng trong câu chuyện của mẹ, tôi biết mẹ muốn nhắn nhủ tôi làm gì cũng phải tập trung, làm gì cũng phải cẩn trọng. Vì cái tật đểnh đoảng đó của mẹ, mà trên người mẹ có nhiều hơn một chứng tích thương vong.

Có lần tôi mở chiếc tủ gỗ lớn trong phòng mẹ ra, tôi thấy một bộ răng giả. Đúng ra tôi cũng không hiểu thứ đó có phải là răng giả hay không, chỉ là tôi có cảm giác nó giống như lợi của tôi lúc tôi nhe răng nhìn vào gương, và cái thứ đáng sợ đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài khi tôi còn là một đứa trẻ.

Đến khi cảm thấy có chút không thể chịu đựng được, tôi e dè hỏi mẹ.

“Mẹ ơi, con thấy có thứ gì đáng sợ lắm, ở trong tủ của mẹ ý.”

Mẹ bật cười ha hả.

“Răng giả chứ gì?”

“Sao mẹ phải mua răng giả?”

“Ngày xưa nghịch quá, vập mặt vào thềm xi măng ở sân hợp tác xã, đi luôn hàng tiền đạo rồi.”

Rồi mẹ nhe răng của mẹ ra, chỉ chỉ.

“Đây đều là răng giả.”

Tôi khiếp sợ, hóa ra là vậy, thảo nào răng mẹ đẹp thế. Sau này, khi tôi đi học cấp hai, có những đề văn yêu cầu tả về cô giáo hay về mẹ. Trong văn mẫu lúc nào cũng có câu: “răng cô/mẹ đều như hạt bắp.” Lúc đạo câu văn đó đó vào bài văn tả mẹ của mình, tôi cảm thấy rất hài lòng, bởi vì thực sự răng mẹ tôi đều như hạt bắp, chỉ có điều, nó là hạt bắp bằng sứ mà thôi.

Đó là thời mà tôi học văn, còn đến thời em trai tôi, nó tả mẹ chân thực và vĩ đại hơn nhiều. Tôi đọc bài văn của thằng nhóc cho mẹ nghe, mà hai mẹ con đều cười nghiêng ngả. Nhưng cái kiểu cười của mẹ, rõ ràng ánh lên chút tự hào về… nhan sắc của mình trong bài văn của thằng bé.

Nó tả mẹ mặc váy công sở, tóc nhuộm vàng và đi đôi cao gót. Mẹ trong mắt nó, rất sang trọng và hiện đại. Đúng với những gì mẹ có ở thời điểm đó. Đến bây giờ, mỗi lần tôi nhắc lại chuyện bạn tôi khen mẹ đẹp khi mẹ mặc đồ công sở đi họp phụ huynh cho tôi vào năm lớp tám, mẹ tôi vẫn cười híp mắt. Phụ nữ mà. Thích được khen. Càng thích con cái của mình tự hào về mình lắm chứ.

Từ lúc ra đời, mẹ đã được định là số sướng nhưng ai biết được mẹ của bây giờ là kết quả của cả một quãng đường dài nỗ lực. Một người con gái xuất thân từ gia đình nông dân, được một người mẹ chân lấm tay bùn tự mình nuôi dạy, cuối cùng đã dũng cảm bỏ xứ đồng bằng để đi học xa xứ. Cuối cùng có được ngày hôm nay, cũng là những sự nỗ lực không ngừng và sự can đảm của mẹ. Ai nghĩ được cô bé tinh nghịch sún răng ngày đó, được bà ngoại đổi nguyên một bao thóc để sửa răng cho, lại có thể trở thành người phụ nữ hiện đại tư tưởng thoáng đạt như mẹ hiện nay chứ?

Mẹ độc lập. Độc lập đến mức nhiều lúc tôi cảm thấy xót xa cho mẹ. Mẹ có rất nhiều bệnh trong người. Mãi sau này khi tôi lớn, tôi mới biết điều đó. Có lần mẹ vô Sài Gòn nhân dịp lễ ba mươi tháng tư, hai mẹ con lang thang khắp các con phố bằng xe buýt. Mẹ không than mệt, còn hớn hở bảo:

“Sao đi được nhiều mà rẻ thế, đi hết cái Sài Gòn này chắc cũng chỉ hết năm chục thôi, chả bù cho ngày xưa mẹ toàn đi taxi.”

Tôi mới hỏi:

“Mẹ đi Sài Gòn hồi nào?”

“Hồi mẹ đi mổ u.”

Thế tôi mới biết, mẹ toàn lẳng lặng đi khám, lẳng lặng chịu đau một mình. Có hồi mẹ đi học ở Tuy Hòa, khi đang đi xe ôm thì bị ngất, té xuống xe giữa đường. Có người đưa mẹ vào bệnh viện, hồi đó mẹ bị ung thư cổ tử cung. Cũng vì căn bệnh đó mà mẹ phải cắt đi một bên buồng trứng. Vì vậy, tôi sém chút trở thành đứa con gái duy nhất của ba mẹ. Có lẽ bởi vì bù đắp cho sự cố gắng của những người sống lương thiện, tám năm sau khi sinh tôi, ba mẹ cũng nhận được một cậu bé thiên thần. Cám ơn ông trời vì đã khiến cho gia đình tôi tròn đầy hạnh phúc.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Chương 3: Chuyện tình của những con cá khô.

Nói như vậy để biết cuộc sống của ba và mẹ là hai thái cực, dù có những điểm chung nhưng điểm chung đó không tạo thành giao điểm cho họ. Giao điểm của họ chỉ được hình thành khi cả nhà nội tôi đi chạy nạn từ Bắc vào Nam, cuối cùng định cư ở Tây Nguyên. Còn mẹ là người con gái có học thức bỏ đi xa xứ để kiếm cái nghề đổi vận tương lai.

Thuở ba mẹ gặp nhau, chính là lúc nơi tôi sinh ra còn là núi rừng hoang dại. Tôi nghe các bác trong xóm kể lại những lúc mọi người quây quần tám chuyện. Họ đều là những người tiên phong, những người mở lối. Lúc huyện tôi còn là một khu rừng rậm, chỉ có một khu liên hiệp khai thác rừng ở đó. Mọi thứ đều hoang sơ đến cực điểm, không có điện, không có đất, không có lúa, chỉ có núi rừng hoang vu. Còn khó khăn hơn nơi ba và mẹ sống trước đây nhiều lần. Nhưng cuối cùng họ vẫn bám chặt nơi phố núi. Để đến bây giờ, phố núi rực rỡ đèn hoa, họ kết thành một gia đình đầm ấm.

Chuyện tình của ba mẹ cũng không lãng mạn và sâu sắc như những câu chuyện tình của ba mẹ bạn tôi mà tôi được nghe kể. Ba là người trầm lặng, mẹ là người lạnh nhạt. Mẹ bảo ngày đó mẹ nghĩ mình xấu xí, nên ai tỏ lời yêu cũng không dám nhận lời, chỉ âm thầm nghĩ trong đầu, mình xấu như vậy không xứng với họ. Có lẽ sự tự ti của tôi là bị lây từ chút gene ngầm này của mẹ. Mẹ ngày đó ám ảnh về nhan sắc, về da dẻ không được mịn màng và về mái tóc xoăn gợn sóng lăn tăn như những triền núi. Nhưng tôi cũng nghe nhiều người hàng xóm kể lại, mẹ tôi ngày đó đẹp nhất nhì huyện. Tôi chỉ biết mỉm cười, có lẽ mẹ tôi đã nghĩ quá về những nhược điểm của mình. Đến bây giờ khi tóc mẹ đã được duỗi thẳng, mẹ tự tin hơn nhiều bởi làn da trắng nhưng vẫn hơi khô, mẹ tôi vẫn bài xích tóc xoăn như thuở ban đầu.

Có một cái tết kia, mẹ dẫn tôi đi thăm nhà một người quen của mẹ. Đây là lần đầu tôi gặp ông ấy, ông ấy là một người đàn ông hơi nhỏ bé, có lẽ tôi cảm thấy vậy vì ba khá cao lớn khiến tôi hay âm thầm so sánh ba với những người khác. Nhà ông ấy rất lớn với nhiều đồ gỗ giá trị và nội thất sang trọng. Lúc chở tôi về, mẹ tôi chậc lưỡi:

“Ông ấy ngày xưa theo mẹ dữ lắm, mà mẹ không chịu.”

“Sao vậy mẹ?”

“Vì mẹ xấu.”

Tôi âm thầm may mắn, may mà mẹ lấy ba, nếu không tôi sẽ không có mặt trên cuộc đời này. Tôi không biết nếu mẹ lấy ông ấy, liệu mẹ có hạnh phúc hơn bây giờ hay không, nhưng tôi biết, mẹ chỉ nói thế thôi, chứ mẹ không hề hối hận khi lấy ba, cũng như sinh ra tôi và em trai của tôi. Vậy đó, người ta luôn tiếc nuối vì những điều mình đã bỏ qua, nhưng không thể phủ nhận những điều tốt đẹp mà mình đang có.

Tôi tò mò hỏi mẹ:

“Ba cũng đẹp hơn mẹ, tại sao mẹ đồng ý lấy ba?”

“Ba mày mà đẹp, giờ ba mày đỡ rồi, chứ ngày xưa ba mày y sì con cá khô, tao lấy cho là may mắn lắm rồi.” Nói rồi vừa cười vừa kiếm tấm ảnh cưới thời đó của ba mẹ ra chứng minh điều mình nói.

Ba ngày đó gầy và đen, chỉ thấy hõm mắt sâu hoắm và hai má gồ cao, thân hình lênh khênh hơn một mét bảy hai của ba khiến ba trông như một cây bạch đàn khẳng khiu trong gió. Mẹ tôi thì vẫn trắng và có da có thịt. Tôi đã hiểu tại sao người ta nói mẹ tôi đẹp vào ngày đó. Nhìn mẹ không khác gì nhiều so với bây giờ cả, vẫn trẻ, vẫn xuân như ngày mẹ hai mươi đó.

Tôi có chút bật cười khi xem những tấm ảnh cưới của ba mẹ. Tôi đùa:

“Trông mẹ giống hệt mấy cô yêu tinh trong Tây Du Ký.”

“Toàn mỹ nữ không đó.”

Tôi lại cười.

“Giống thật mà.”

Cái kiểu thời trang thời đó thật lạ mắt. Mẹ được làm tóc chỉn chu, không phải là những kiểu sang trọng và gọn gàng như bây giờ mà cầu kỳ hơn nhiều. Tóc được bới cao và gài rất nhiều hoa cùng bông màu nho nhỏ. Có tấm ảnh mẹ mặc váy cưới màu trắng dài quét đất với nhiều ren, còn có tấm chụp với váy vàng ngắn trên đầu gối, trong khi đôi tất mẹ mang chỉ vừa đến đầu gối mà thôi.

Mẹ xem rồi cũng cười, là đang nhớ về những ngày ngọt ngào trong quá khứ, tôi thấy mắt mẹ tôi lấp lánh hạnh phúc.

“Hồi đó hai người yêu như thế nào?”

“Làm gì có yêu.”

“Không yêu mà cưới!?”

“Ừ, đến tuổi thì lấy thôi. Ngày đó mẹ ế rồi, hai mươi tuổi mà chưa lấy chồng, mẹ sợ giống bà Thặng, không lấy được chồng nữa nên có người cầu hôn liền vội vã đồng ý.”

Hóa ra mẹ tôi cũng là cá khô, không phải khô về ngoại hình, mà là khô về tình cảm. Mẹ tôi có yêu, chỉ là không hiểu rõ về tình yêu mà thôi. Tôi biết thế, vì nếu mẹ không yêu, mẹ sẽ từ chối, giống như mẹ đã từ chối người đàn ông kia vậy.

“Ba cầu hôn mẹ như thế nào?”

“Ba mày mà biết cầu hôn cái gì. Ông ấy bảo “lấy nhé” mẹ “ừ” thế là xong thôi.”

Tôi phì cười, hóa ra duyên phận của ba mẹ chỉ vì “nó phải như thế”, có lẽ họ chính là những người có duyên vì gặp đúng người, đúng thời điểm trong truyền thuyết.

Nói về duyên phận, ba mẹ lại bị nói là khắc nhau khá nhiều. Mẹ tuổi Tuất, ba tuổi Thìn. Nghe người ta bảo hai tuổi xung khắc nhau ghê gớm lắm. Mẹ cũng bảo mở miệng ra là cãi nhau tới tận trời. Ba trầm lặng nhưng khi đã nổi khùng lên thì rất đáng sợ. Mẹ lại là người hay cãi, chẳng bao giờ nhường ai. Có lần ba giận mà mẹ còn nói, ba tức quá đạp nồi cơm điện một cái, nồi cơm văng ra hai mét, tôi tái mặt ngồi im ôm chén cơm đang ăn dở, không dám hó hé gì. Sau này chiếc nồi đó nhà tôi vẫn còn giữ, nó bị móp một bên nhưng vẫn nấu tốt, bà ngoại vẫn dùng nó để hầm xương. Nồi Liên Xô thời đó, thật là bền!

Có lần khác ba mẹ lại đại chiến. Hôm đó tôi đi chơi với đứa bạn gần nhà, lúc về thấy ba mẹ cãi nhau, cũng không biết nguyên nhân là gì. Chỉ là đấy là lần đầu tôi nghe ba mẹ tôi nhắc đến hai chữ “ly hôn”. Tôi sợ. Đối với một con bé lớp tám vào thời điểm đó, tôi thực quá nhát gan, chỉ biết nép mình sau chiếc tủ nhỏ rồi khóc. Sau đó, mẹ có nói với tôi rằng:

“Sao Nhân nhát quá vậy, thấy ba mẹ cãi nhau phải lại can chứ. Chỉ cần Nhân lại nói một câu, là ba hết giận liền mà.”

Tôi chỉ im lặng không nói. Mẹ có lẽ không biết, chuyện lúc đó đã khiến tôi để lại bóng ma lớn đến như thế nào. Tôi lo sợ những cơn giận của ba, cũng sợ ba mẹ không thể gìn giữ được hạnh phúc này dài lâu. Có lẽ ba mẹ cũng hiểu mình sai, từ sau lần đó, tôi không thấy ba mẹ cãi nhau trước mặt tôi, hai từ “ly hôn” đó, tôi cũng chưa từng nghe lại thêm một lần nào nữa.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Chương 4: Nỗi buồn của con gái là nỗi đau của mẹ

Phố núi luôn có những thời điểm se lạnh một cách kì lạ. Mỗi khi chuyển mùa như vậy, bệnh lười của tôi lại tái phát, hai mẹ con tôi hay đủng đỉnh cùng nhau đi gội đầu ở một tiệm quen. Ở tiệm gội đầu đó, có một cô gái trạc tuổi tôi, cô ấy làm việc ở đó cũng một năm rồi, hiện tại cũng đã sinh được một bé trai ba tuổi. Mỗi lần như vậy, lúc về, mẹ lại hay chọc tôi.

“Người ta bằng tuổi mày mà người ta đã đi làm kiếm tiền nuôi con, còn mày lại để mẹ dắt đi gội đầu.”

Tội ngại, cũng chỉ biết cười trừ. Tính ra khi mẹ mang thai tôi cũng là năm mẹ hai mươi ba tuổi. Năm nay tôi cũng đã hai ba tuổi rồi. Bằng mẹ ở vào thời điểm đó, nhưng thời đó, lấy chồng như mẹ đã là trễ, có con như vậy cũng là chuyện bình thường. Tôi biết mẹ cũng chỉ chọc tôi vậy thôi, chứ mẹ không hề mong tôi lấy chồng sớm, để rồi có một cuộc sống bươn trải cực khổ như cô gái đó.

Ai cũng bảo hai mẹ con tôi giống nhau, giống như hai giọt nước. Nhưng thực ra tôi lại là phiên bản lỗi của mẹ. Nếu thực sự giống mẹ, tại sao mẹ tôi hay được người ta khen trẻ, khen đẹp, còn tôi lại hay bị chê chứ? Tôi đành tự an ủi mình, có lẽ đến khi tôi bằng tuổi mẹ tôi rồi, tôi cũng sẽ được người ta khen đẹp như mẹ vậy.

Mẹ hay trêu tôi, cũng hay đau lòng cho tôi. Mẹ cũng là người hay chê bai nhan sắc của tôi nhất. Câu cửa miệng của mẹ tôi là:

“Xấu như mày lai mười đời cũng không hết.”

Mỗi lần như vậy tôi lại vờ trách mẹ: “Ai bảo mẹ đẻ ra con xấu như vậy?”

Mẹ tôi lại bảo: “Hỏi bà mày ấy. Bà thì da dẻ hồng hào mịn màng, ai bảo bà đẻ ra mẹ xấu xí làm chi.”

Tôi bật cười: “Thế sau này con con xấu, con lại bảo nó là tại mẹ.”

Bà ngoại tôi nằm trên phản, cười rung cả người.

Có lúc tôi đang nằm trên phản xem tivi, mẹ ngồi ngay bên cạnh, đưa tay đặt trước ngực tôi kéo một đường từ trên cổ xuống bụng rồi bật cười ha hả.

“Con gái gì mà phẳng lì thế này.”

Tôi bảo: “Thì con có mặc áo ngực đâu.”

Theo lý thuyết của tôi, mặc áo ngực mới có ngực, còn không mặc thì… cứ vậy đi.

Mẹ tôi lại bảo: “Không có gì thật luôn hả, cởi ra mẹ coi nào.”

Tôi lấy hai tay che trước ngực, la lên oai oái: “Mẹ kỳ quá đi.”

Mẹ bị ám ảnh nhan sắc còn nhiều hơn cả tôi. Mẹ luôn tìm những thứ rau quả mát cho tôi ăn, mỗi lần tôi về nghỉ hè, ngày nào mẹ cũng bắt tôi đắp mặt nạ dưa leo hoặc mặt nạ sâm. Rồi còn mua cả kem dưỡng da cho tôi, bắt tôi bôi, còn không quên lải nhải bên cạnh: “Con gái gì mà không biết tự chăm sóc bản thân.” Lâu lâu mẹ còn hỏi những câu rất kỳ lạ:

“Hay mẹ mua thuốc nở ngực quảng cáo trên tivi cho Nhân uống nhé.”

“Hay mẹ dẫn Nhân đi phẫu thật nâng ngực, nâng mũi nhé.”

Mẹ cũng hay đau lòng bảo:

“Sao Nhân tồ quá vậy, giống ba không giống, cứ giống mẹ làm gì cho xấu.”

Đó là vì tôi có làn da giống mẹ, khô ráp và không được mịn màng. Mẹ sợ tôi buồn, cũng sợ tôi tủi thân vì không được như người ta, nên mẹ hay chủ động chê tôi. Lâu dần tôi nghĩ lại, có lẽ nào mẹ tôi đang luyện cho tôi tinh thần thép, để tôi quên đi rằng tôi là một con bé không được xinh xắn cho lắm.

Mẹ phát hiện ra tai tôi bé như tai chuột, giống ba, ngón chân cái thì hay nhếch lên khi đi, lại giống ba. Mẹ lại thở dài ngao ngán:

“Sao lại toàn tổng hợp những cái xấu thôi. Chả bù cho thằng Thiện. Mà cũng may là mày giống mẹ, chứ thằng Thiện giống mẹ chắc nó chả dám mặc quần đùi đi đá bóng nữa.”

Vậy đấy, vì cái làn da không mấy mịn màng của mình, mà một cô gái hơn hai mươi tuổi như tôi chẳng bao giờ dám mặc quần đùi ra đường. Tủi cũng có, nhưng riết rồi quen à. Chẳng phải mẹ có nói đó sao, dù sao mình cũng được cái cao ráo. Có lần nói chuyện với mấy đứa bạn cùng phòng kí túc xá của tôi, tôi có nói mẹ tôi lùn nhất nhà. Chúng nó mới hỏi mẹ mày cao bao nhiêu. Tôi bảo tròn mét sáu. Chúng nó lao vào đập tôi túi bụi, vì cái tội trêu ngươi những đứa hai mét bẻ đôi như chúng nó. Tôi lại cười, may mắn vì nhà tôi toàn chân dài, tôi giống ba, giống mẹ được điểm đó. Cũng không tính là hoàn toàn xấu xí!

Nhưng cái xấu của tôi không chỉ đơn thuần tới từ làn da, mẹ đau lòng tôi còn vì từ lúc lọt lòng tôi đã mang theo tật bẩm sinh. Mẹ hay kể ngày tôi bé, nhắm mắt rất đẹp, nhìn rất ngoan, rất xinh. Nhưng mãi cho đến lúc tôi tròn một tuổi, mắt phải của tôi vẫn không mở được. Mẹ lo sợ, đi khám đủ nơi. Bác sĩ đều nói mắt tôi không có vấn đề gì, là do mí bị sụp, cơ mắt bị liệt, nên tôi không mở được mắt. Ngày đó mẹ đã khóc, đau lòng cho đứa con gái đầu lòng của mẹ. Tôi còn nhớ như in ngày tôi năm tuổi. Mẹ đưa tôi ra Hà Nội chữa bệnh. Hai mẹ con đùm đùm bọc bọc ôm nhau giữa thủ đô xa lạ. Mẹ dẫn tôi đi ngang qua Lăng Bác, nhưng Lăng Bác không mở cửa nên cho đến giờ tôi cũng chưa được bước chân vào nơi đó. Mẹ còn dẫn tôi đi hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc. Thế nhưng ký ức sâu sắc nhất của tôi về Hà Nội lại là ánh đèn phòng phẫu thuật sáng chói và một bên mắt bị băng cùng với thuốc khử trùng đỏ lòm màu máu. Tôi cũng nhớ những lúc mẹ tôi lén lau nước mắt vì thương tôi, nhớ lúc hai mẹ con co quắp nằm trên chiếu trong một góc hành lang của bệnh viện.

Sau này khi tôi tròn mười tám, tôi lại một lần nữa được mẹ đưa đi mổ mắt. Lần này là Sài Gòn. Lần này tôi đã lớn. Nhưng sau khi mổ, tôi vẫn khóc, vẫn sợ như thuở ban đầu. Tôi còn gào lên với mẹ:

“Sau này con có xấu chết đi nữa, con cũng không mổ xẻ gì thân thể con nữa đâu.”

Mẹ còn xót hơn tôi, chỉ biết ôm tôi an ủi, rồi quay mặt đi lau giọt nước mắt vừa chực trào. Sau này mẹ tôi cũng không còn nói sẽ cho tôi đi thẩm mĩ nữa, chỉ là gợi ý nếu tôi muốn làm gì mẹ đều sẽ ủng hộ. Mẹ không sợ con gái mẹ xấu, chỉ sợ con gái mẹ bị người khác chê cười.

Sau hai lần đau, mắt tôi đã mở, nhưng vẫn là “mắt bồ câu, con đậu, con bay”. Thời tôi học cấp hai, có lần học môn Sinh học. Bài học hôm đó có phần nói về những bộ phận của con người nếu không có công dụng cho sự phát triển, tiến hóa của loài người sẽ bị tiêu giảm dần đi. Có một cậu trai trong lớp tôi đã vô tình gọi tôi là: “Mắt tiêu giảm”. Tôi biết cậu ta trẻ con, cũng biết cậu ta trêu đùa, cũng đã giận cậu ấy, nhưng ai biết được sau này, đó lại là người không để ý đến ngoại hình của tôi mà yêu tôi. Tôi cũng không khóc lóc, không kể với ai nhưng vẫn âm thầm ghi nhớ trong lòng. Sau này tôi bị cận, đeo kính, cũng đỡ sợ bị người ta để ý đến đôi mắt không được bình thường của mình. Có lẽ tôi để ý nhiều đến ngoại hình, cũng tự ti nhiều về nó, nhưng nhờ mẹ, nhờ những người thân và bạn bè tôi, tôi cũng đã dần quên đi mình là một đứa trẻ mang khiếm khuyết.

Tôi có thể quên, nhưng mẹ thì không. Mẹ vẫn luôn ám ảnh về việc đó. Nhiều lúc mẹ lại hoang mang nghĩ là do mình nên tôi mới bị tật. Mẹ đã từng đi hỏi nhiều nơi, liệu có phải do ngày mang thai tôi, mẹ lại nghĩ mình bị đau bụng nên bôi dầu nóng mới khiến tôi mới bị tật hay không. Mẹ kể, ngày mẹ sinh em trai, dù mệt chết đi được, nhưng mẹ còn phải lật lên xem hết tay chân của nó, xem nó có bị tật gì không. May mắn thay, em trai tôi là một đứa bé xinh đẹp hoàn hảo.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

hiya_shinsu

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/10/14
Bài viết
760
Gạo
500,0
Đọc chương bốn em thấy cảm động lắm, nhất là đoạn cuối chị ạ.
Văn phong em thấy hay hơn rất nhiều rồi đó chị!
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
Tuổi trẻ, ai rồi cũng bước chân qua một lần đời.
cái thời mà bất cứ một con người nào đã từng trải qua như thế.
-> ?
cũng không xứng đáng để cất lên tiếng lòng thay cho những người đang hoài niệm tuổi trẻ.
-> Thế nào thì mới là xứng đáng hả bạn? ^^ Mình nghĩ rằng nó quá nặng nề, sao lại tự ti vậy chứ?
bước chân đầu tiên ra ngoài thế giới ngoài kia.
-> lặp. (bỏ chữ ngoài thứ nhất đi). Hoặc: lần đầu tiên bước/đặt chân ra thế giới ngoài kia/bên ngoài.
^^. Klq nhưng mà do ảnh đại diện hay sao mà cứ mặc định bạn là nam, nên lúc bạn xưng là nữ thấy cứ buồn cười.
 

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
-> ?

-> Thế nào thì mới là xứng đáng hả bạn? ^^ Mình nghĩ rằng nó quá nặng nề, sao lại tự ti vậy chứ?

-> lặp. (bỏ chữ ngoài thứ nhất đi). Hoặc: lần đầu tiên bước/đặt chân ra thế giới ngoài kia/bên ngoài.
^^. Klq nhưng mà do ảnh đại diện hay sao mà cứ mặc định bạn là nam, nên lúc bạn xưng là nữ thấy cứ buồn cười.
Cám ơn bạn đã sửa nhé. Hy vọng bạn sẽ tiếp tục sửa những chương sau giúp mình. :">
Mình nói không xứng là vì mình còn quá trẻ thôi.
Còn hình đại diện nam là do mình thích anh này. =))
 
Bên trên