Hoàn thành Quà từ trong nhà, quà ra ngoài ngõ - Hoàn thành - Ki No

Ivy_Nguyen

...quy ẩn...
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
29/8/14
Bài viết
5.515
Gạo
1.500,0
Mầy ra chương thế chị đu dây theo cũng không kịp em ơi. Từ từ... :((:((:((
 

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Song Nhân Ta thấy nàng like. Cám ơn nàng đọc truyện của ta nhé. Rất mong nhận được nhận xét của nàng. :3
 

Song Nhân

Gà con
Tham gia
22/11/14
Bài viết
52
Gạo
250,0
Song Nhân Ta thấy nàng like. Cám ơn nàng đọc truyện của ta nhé. Rất mong nhận được nhận xét của nàng. :3
Em thấy truyện khá hời hợt, không ấn tượng, các kỉ niệm cứ trôi tuột đi mà không thấm: ở chương 1, nhân vật Nhân lúc bé thấy bố không thương mình đến lớn thì ngược lại nhưng chị chưa miêu tả được sự thay đổi lớn lao đó, những gì chị viết chỉ là lời bao quát tóm gọn, các kỉ niệm trôi qua rất nhanh nên em chưa cảm nhận được tình cha con mà chị muốn gửi gắm. Các chương sau cũng vậy, cảm xúc chưa được chạm tới thì đã kết thúc, cảm giác giống như đang đọc một bản tóm tắt truyện hơn là đọc truyện. Thay vì ra chương ào ào như đổ nước chị nên trau chuốt từng chút thì hơn.
Đây chỉ là góp ý của riêng em, hoàn toàn không phải ném đá và không có ý làm mất lòng chị. Em sẽ theo dõi truyện chị đến chương cuối, mong là chương sau sẽ hay hơn. :)
 

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Em thấy truyện khá hời hợt, không ấn tượng, các kỉ niệm cứ trôi tuột đi mà không thấm: ở chương 1, nhân vật Nhân lúc bé thấy bố không thương mình đến lớn thì ngược lại nhưng chị chưa miêu tả được sự thay đổi lớn lao đó, những gì chị viết chỉ là lời bao quát tóm gọn, các kỉ niệm trôi qua rất nhanh nên em chưa cảm nhận được tình cha con mà chị muốn gửi gắm. Các chương sau cũng vậy, cảm xúc chưa được chạm tới thì đã kết thúc, cảm giác giống như đang đọc một bản tóm tắt truyện hơn là đọc truyện. Thay vì ra chương ào ào như đổ nước chị nên trau chuốt từng chút thì hơn.
Đây chỉ là góp ý của riêng em, hoàn toàn không phải ném đá và không có ý làm mất lòng chị. Em sẽ theo dõi truyện chị đến chương cuối, mong là chương sau sẽ hay hơn. :)
Cám ơn em nhé, chị biết là em góp ý để chị viết tốt hơn mà, nên chị không buồn đâu. Tiếp tục đọc và nhận xét giúp chị với nhé. :3
Song Nhân Quên không giải thích một chút. Thực ra không phải chị ra chương nhanh đâu, mà là tại chị viết được kha khá rồi chị mới đăng. Thấy nhiều người hỏi về tốc độ ra chương của chị quá. :v
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Lâm Diệu Anh

Gà BT
Nhóm Tác giả
Tham gia
2/8/14
Bài viết
1.705
Gạo
600,0
Trung bình một tuần 2 - 3 chương là được rồi Ki No, nhanh quá hơi ngán!
 

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Trung bình một tuần 2 - 3 chương là được rồi Ki No, nhanh quá hơi ngán!
Không phải đâu. :'( Mình viết cả tháng mới được 4 chương mà. Tại vì mình viết được gần 10 chương mình mới đăng lên. Ai cũng bảo tốc độ ghê quá. Với cả hời hợt với cốt truyện. Trong khi mình nhai nó lâu lắm đấy. >.<
 

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Chương 5: Bà là bà tiên trong cổ tích.


Ngày bé tôi ở với bà ngoại. Là bà chứ không phải là ba hay mẹ. Ngày mẹ sắp sinh tôi, bà ngoại từ miền đồng bằng lần đầu tiên trong đời bước chân ra khỏi lũy tre làng. Bà đi chăm đứa nhỏ đang còn là một bào thai nằm trong bụng mẹ. Từ lúc mới lọt lòng tôi đã ở cùng bà, hơi thở trong ký ức cũng là của bà, lồng ngực cũng là của bà, mọi cái ôm ấm áp đều là của bà. Ngày đó ba mẹ tôi hay phải đi công tác xa, có những lúc lâu đến mức tôi tưởng chừng như quên mất mình còn có ba mẹ.

Có hôm cả xóm tụ tập phía sân nhà hàng xóm. Mấy đứa nhỏ tíu tít đùa vui bên ba mẹ chúng, bỗng dưng lòng tôi trỗi lên một cảm xúc buồn thảm sâu sắc. Tôi ghé cái miệng nhỏ nhắn vào tai bà thì thầm:

“Bà ơi, sao con không có ba mẹ?”

Bà đưa tay quẹt hàng nước mắt vừa mới chực trào ra. Còn tôi vẫn tròn xoe con mắt ngước lên nhìn bà. Ngày đó trẻ con, còn chưa hiểu chuyện, đâu biết ba mẹ đi công tác xa, đến mức con gái bé nhỏ ở nhà quên mất mình cũng có ba có mẹ như bao nhiêu người khác. Nếu họ biết tôi nói câu đó, có lẽ họ sẽ buồn, rất buồn.

Con cũng xin lỗi bà, vì khiến bà đau lòng vì con nhiều như vậy.


Tối tối phố núi buồn chán, hai bà cháu ăn cơm xong thì sáu giờ đã lên giường đi ngủ. Đối với một đứa trẻ sáu tuổi hiếu động thì giờ đó khó mà yên giấc được. Bà không biết kể chuyện, cũng không biết hát ru, bà chỉ biết quát khẽ:

“Ngủ đi mai còn đi học.”

Cứ thế những ngày ba mẹ vắng nhà là những ngày cùng bà ngủ sớm.

Đến khi trong xóm có chiếc tivi đầu tiên, cũng là lúc thời gian đi ngủ của bà cháu tôi bị rút ngắn lại chút ít. Hồi đó tivi chiếu bộ phim Hoàn Châu Cách Cách. Vì có bữa xem được, bữa không, nên tôi không biết toàn bộ nội dung phim như thế nào. Tôi chỉ nhớ cô gái xinh đẹp Hàm Hương đội mũ trắng với đàn bướm bay lượn xung quanh. Bà luôn bắt tôi về nhà ngủ sớm. Để đến bây giờ khi mọi cô gái trạc tuổi tôi đều ghi dấu ấn sâu đậm về bộ phim nổi tiếng đó, thì tôi chỉ nhớ đến những lần phụng phịu giận bà lúc đêm về.

Ngày tôi còn bé, bà muốn bán quán. Ba mẹ tôi dựng lên cho bà một cái quán nhỏ nhỏ xinh xinh ở ngay trước cửa nhà tôi. Bà bán xôi. Ngày ngày bà đều thức dậy lúc trời còn chưa sáng. Bà cứ thế lục đục mãi, để nấu một nồi xôi thơm ngát mùi nếp. Tới khi gà gáy sáng, ông mặt trời cũng dần hé mình ra từ sau rặng núi phía xa, bà lại gọi tôi dậy. Hai bà cháu mặc áo khoác thật dày, rồi đi thể dục. Bà bảo đi thể dục, nhưng thực ra là hai bà cháu tôi đi lấy bánh mì ở lò bánh mì để về bán. Trong màn sương rét mướt ấy, bà nắm bàn tay nhỏ nhắn của tôi, dung dăng dung dẻ hiên ngang đi giữa con đường. Trời còn quá sớm, phố xá vẫn lặng ngắt như tờ, đến cả khuôn mặt của bà lúc đó tôi còn không nhìn rõ vì mắt vẫn kèm nhèm ngái ngủ.

Mỗi ngày bà sẽ nấu một loại xôi khác nhau. Có hôm xôi đậu, hôm xôi gấc… Hôm nào có xôi gấc bà đều sẽ nhặt lại hạt gấc cho tôi. Tôi rất thích thứ hạt đen đen nhẵn bóng đó. Bà bảo để tôi chơi thảy thay cho những viên đá xanh cứng ngắc. Tôi cứ tích trữ đống hạt đó đầy dần, đầy dần cho tới lúc bà không còn bán xôi nữa.

Bà mở hàng rất sớm. Tôi cũng hay ngồi cạnh nhìn bà dọn hàng trong lúc trời còn nhá nhem. Ánh sáng yếu ớt từ cái đèn quả nhót không đủ chiếu sáng xung quanh nhưng nó tạo nên một màng sáng nhàn nhạt, dường như đang tỏa ra hơi ấm. Bà nhóm một cái bếp than nho nhỏ để đặt nồi xôi lớn hai tầng lên trên. Những lúc đó tôi sẽ hơ hơ hai bàn tay của mình trên bếp lửa, rồi ngồi xuýt xoa mãi. Bà cứ lụi cụi, còn tôi cứ mơ màng nhìn màn sương trắng phía sau lưng bà. Bà bán xôi rất đắt hàng. Bởi vì bà nấu xôi rất ngon, bà còn phát minh ra một món ăn mới: bánh mì kẹp xôi. Cứ thế hàng xôi của bà nổi tiếng khắp xung quanh khu phố nhỏ. Mới sáu giờ đã bắt đầu có người tới mua đồ ăn sáng. Một người, rồi hai người… Đến lúc quán hơi đông rồi, tôi đã ngủ gục trên ghế. Sáu rưỡi bà lại gọi tôi dậy, nhét cho tôi một đùm xôi ấm nóng vào tay, rồi gửi tôi sang nhà hàng xóm nhờ người ta đưa tôi đi học. Trưa trưa tôi sẽ tự mình đi bộ về.

Tính tôi không được tập trung lắm, làm gì cũng mơ mơ hồ hồ. Có hôm tôi đem chiếc áo khoác vác trên vai, đến lúc về tới cửa nhà, áo rớt ở đâu tôi cũng không rõ. Tôi lại là một đứa trẻ khá yếu ớt, mẹ hay gọi tôi là “con mèo hen” hay “một tháng hai lăm ngày đau”. Đến mức năm lớp hai tôi đã phải bỏ thi chỉ vì bị ốm, cuối cùng mẹ tôi phải “đi cửa sau” để tôi được lên lớp cho bằng bạn bằng bè. Vì tôi yếu như vậy, nên bà rất lo cho tôi. Trưa nào tôi cũng cà kê khắp nơi, ngó bên này một ít, bên kia một ít nên tôi hay về nhà trễ, bà sẽ vì lo lắng mà đứng ở cửa đợi tôi về. Khi thấy bóng dáng siêu vẹo của tôi từ phía xa, bà đã tất tả chạy lại đỡ cặp cho tôi. Chiếc cặp chứa đầy sách vở, còn to gấp đôi cái lưng mảnh khảnh của tôi ngày đó. Mỗi lần đi học về thấy bà, tôi lại thở phào một cái. Sống lại rồi!

Quán xôi của bà mở tới năm tôi lên lớp bốn thì đóng. Mẹ không cho bà dậy sớm làm việc nữa. Điệp khúc một ngày xôi, một ngày bánh mì của tôi từ đó cũng chấm dứt. Thế nhưng hình ảnh của cái quán nhỏ lúp xúp trước cửa nhà vẫn in sâu trong ký ức của tôi. Tôi còn nhớ hồi đó mỗi khi tay tôi bị xước măng rô. Bà lại bế tôi lên, bảo tôi vỗ vỗ vào mái của cái quán nhỏ, vừa vỗ vừa đọc:

“Xước măng rô thì xô mái nhà.”

Thực sự cho đến lúc này tôi vẫn không hiểu hành động đó có ý nghĩa là gì. Nhưng lúc đó, tôi rất thích làm như vậy. Lòng cảm thấy vui vui, những miếng da bị xước ra cũng không còn đau nữa.

Đến khi em trai tôi ra đời, bà lại bận chăm sóc thêm cho một sinh linh bé nhỏ, nên bà không còn đứng ở cổng chờ tôi về nữa. Hôm đó tôi đi học về, có lẽ là do say nắng nên khi vừa tới cửa nhà, tôi đã úp mặt xuống bậc thềm. Tôi nằm im ở đó một phút, sau đó một trận đau buốt chạy dọc từ cằm tới não khiến tôi thức tỉnh. Tôi khóc ré lên. Bà nghe tiếng tôi, lao thẳng ra cửa, bế tôi dậy, hai tay bà đầy máu. Bà không biết làm gì, đặt tôi xuống thềm, rồi vừa khóc vừa chạy qua nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ. Hồi đó mẹ còn đang ở cữ, không thể bước chân ra khỏi nhà, ba vẫn đang đi công tác xa chưa về. Bà đưa tôi xuống phòng khám gần nhà, bác sĩ may cho tôi năm mũi ngay cằm. Hàng xóm thì vây quanh rất nhiều, tôi thấy bà cứ thỉnh thoảng lại ló đầu ra từ phía sau đám đông. Cứ thấy bóng bà, tôi lại khóc. Cằm rung rung khiến bác sĩ không thể may được. Bác hàng xóm kéo bà tôi ra ngoài, không cho bà ngó tôi nữa, tôi mới ngừng khóc. Ngày đó, có thuốc tê nên tôi không thấy đau chút nào, chỉ là thấy bóng bà khiến tôi tủi thân mà thôi. Nghĩ lại, tôi đau vì cái cằm rách thì ít, còn bà xót cho tôi lại quá nhiều.

Bà rất đẹp, còn đẹp hơn mẹ nhiều. Da bà mịn và tóc bà thẳng. Vậy nên mẹ mới hay trách bà sao đẻ ra mẹ da xấu, tóc xấu. Tiếc là, lúc tôi thấy bà đẹp thì tóc bà đã ngả qua hai màu từ rất lâu rồi. Tôi hỏi mẹ:

“Ngày xưa bà trông như thế nào hả mẹ?”

Mẹ tôi cười:

“Từ lúc mẹ biết suy nghĩ đã thấy bà trông như vậy rồi.”

Tôi khẽ gật đầu, một người phụ nữ tự mình bươn trải hơn nửa cuộc đời, tự mình nuôi dạy con cái thành người, bà đâu còn thời gian để mà chăm sóc cho bản thân. Tôi đau lòng. Nhưng lại càng quý trọng hình ảnh của bà hơn nữa. Bởi vì khi tôi sinh ra, bà tôi đã đẹp như vậy rồi.

Bây giờ bà nhiều tuổi rồi, lại thêm bệnh tiểu đường. Bà không ăn được đồ ngọt, cũng có nhiều thứ khác cần phải kiêng ăn. Tôi lại đùa bà:

“Ngày xưa không có mà ăn, bây giờ có nhiều thứ ngon thì lại không được ăn, số bà khổ quá.”

Bà lườm tôi rồi bảo:

“Bà thèm vào. Mấy đứa ăn đi.”

Vậy đấy, bà số khổ. Sống cả một đời, hết vì con rồi lại vì cháu. Bà không biết kể truyện, không biết hát ru, nhưng bà chính là bà tiên trong truyện cổ tích của cuộc đời tôi.

Chương 4< > Chương 6
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Chương 6: Em trai là đại gia.

Năm nó một tuổi, tôi tám tuổi.

Năm nó mười lăm tuổi, tôi hai mươi ba tuổi.

Khoảng cách giữa hai chị em tôi, cũng chính là cả một thế hệ. Lúc nó còn nhỏ như hạt đậu, tôi đã là một cô bé. Thế mà chỉ vài năm sau khi tôi đi học trở về nhà, nó đã cao hơn tôi một tấc. Con trai lớn thật nhanh. Còn nhớ ngày nào bụng mẹ tôi thật lớn, hai mẹ con ngồi chèo queo trên chiếc ghế gỗ ở phòng khách, mẹ tôi thủ thỉ:

“Nhân có thích có em không?”

“Con chẳng biết.”

“Sao không biết, có em trai để bế em đi chơi nè.”

“Con chẳng biết đâu.”

“Thế Nhân đặt tên cho em trai đi?”

“Đặt tên như thế nào ạ?”

“Tên phải hợp với chữ Nhân và phải có chữ T.”

Tôi hơi khoai khoái rồi, vì tên của em trai phải phụ thuộc vào tên của tôi để có vần, có điệu. Tôi đâu biết được, hóa ra số phận cái tên của những đứa em tôi đều dựa hết vào tôi, chứ không phải chỉ có duy nhất đứa em trai này. Chẳng là tên tôi do nội tôi đặt. Đến khi chú tôi sinh hai bé gái, bà nội tôi lại nổi hứng đặt tên, bà bảo:

“Con nhà thằng Chương đã là Nhân rồi, thì đứa này đặt là Nhàn đi.”

Và theo cái đà đó, đứa em họ tiếp theo của tôi tên là Nhã. Tóm lại thì, chỉ có mỗi mình tôi là sướng. Bởi vì Nhân Nhàn Nhã mà. Nhà tôi vẫn luôn có cái duyên đặt tên như thế.

“Tại sao lại là chữ T mà không phải chữ nào khác?”

“Vì chữ T thông minh. Hồi mẹ đi học, mấy bạn chữ T bạn nào cũng học giỏi hết. Chữ N học hành chán lắm. Phòng mẹ hồi đi thi chẳng có ai học giỏi cả.” Bởi vì tên của mẹ tôi cũng bắt đầu bằng chữ N.

Tôi bật cười khanh khách, rồi sau đó mới ngộ ra điều gì, tôi xị mặt xuống như cái bánh tráng nhúng, khều khều vào tay mẹ.

“Thế là con cũng sẽ học dốt sao?” Năm đó tôi mới học lớp ba, và chẳng có năm nào tôi được học sinh giỏi cả. May mắn thay, lời nguyền học dốt đó đã bị chính tôi đẩy lùi khi tôi lên lớp năm rồi.

Mẹ lại cười rộ lên. Đến khi cái cục thịt trong bụng mẹ đạp đạp mấy cái, mẹ mới nhớ đến vấn đề đặt tên cho nó.

“Có thể là Nhân Tài, Nhân Tuấn, Nhân Thiện… ”

“Thiện có phải là chữ T đâu mẹ?”

“Là chữ T mà.”

“Sai rồi, là chữ thờ mà.” Tôi gân cổ lên cãi.

“Kệ, có chữ T là được rồi.” Hóa ra yêu cầu của mẹ đơn giản như vậy. Nếu sau này thằng nhóc nhà tôi có học kém đi nữa, tôi sẽ chỉ nó trách mẹ là vì mẹ đặt tên nó chữ “thờ” chứ không phải là chữ “tờ” như đúng ý của mẹ ban đầu.

Cuối cùng tên của thằng nhóc được quyết định. Sau này mẹ hay bảo, nhà mình đặt tên nghe cứ phúc đức thế nào ấy, hết Nhân lại Thiện. Tôi lại thấy buồn cười. Đến khi tôi gặp ông Nam (chồng của bà cô bên ngoại nhà tôi), ông Nam hay lẩm bẩm một câu có cả tên hai chị em tôi:

Nhân chi sơ tính bản thiện.”

Sau này nữa, tôi lại phát hiện ra, tên của chị em tôi cùng nằm trong tên của Bộ trưởng bộ giáo dục, cũng nhờ vậy mà ông ấy là nhà chính trị đầu tiên trong nước mà tôi biết đến.

Ngày mẹ trở dạ đi bệnh viện, là lúc tôi còn đang say ngủ. Đến lúc thức dậy thì nhà cửa vắng hoe, chẳng thấy bà đâu, cũng chẳng thấy mẹ đâu cả. Tôi lết cái khuôn mặt bơ bơ của mình đi vòng vòng quanh nhà, không thấy ai thì tôi lại tót đi chơi, chẳng có chút gì lo lắng. Mẹ nằm ở viện từ hai giờ sáng tới chín giờ sáng thì em bé đã được ra đời, là vì mẹ tôi đẻ mổ. Bây giờ trên bụng mẹ có một vết sẹo thật to, trông như một con rết, lớn hơn cả ngón tay út của tôi, lại dài cả một gang tay lận. Mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại thấy sợ, đến bây giờ mỗi khi nhìn thấy tôi lại càng sợ hơn, mẹ lại cười bảo bây giờ người ta mổ đẹp lắm, không để lại sẹo đâu. Tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Vết sẹo của mẹ lớn như vậy, nhưng thằng bé lại nhỏ chút xíu. Ngày mẹ mới về, mẹ với em nằm trong căn phòng thứ hai, tôi ló đầu vào cánh cửa nhìn lén xem em bé trông như thế nào. Chỉ thấy một cục đỏ hỏn, nhỏ tí xíu, trông rất gớm. Từ đó tôi không bao giờ dám lại gần cánh cửa đó nữa. Đến khi em tôi ú na ú núc vì sữa, cả người vừa trắng vừa thơm, tôi mới dám lại gần ôm nó một cái. Ba tôi cũng giống tôi như đúc, nhưng ba không ôm nó là vì ba sợ làm rớt nó xuống đất, chứ không phải là vì nó xấu xí và đỏ lòm như tôi vẫn nghĩ.

Em trai rất xinh, vì thế rất nhiều người thích bế nó, nhưng hồi đó tôi lại chẳng thích thú gì với trẻ con. Tôi chỉ thấy nó vừa phiền toái, vừa ồn ào. Cứ suốt ngày lăn lăn bò bò, thỉnh thoảng lại khóc ré lên. Tôi thà đi sang nhà hàng xóm, chơi banh đao hoặc bắn bi với mấy đứa bạn tôi còn thích hơn nhiều. Nhưng các chị ở xóm tôi lại cực kỳ thích thú với nó. Các chị bảo thằng nhóc làm con gái sẽ xinh hơn nhiều. Thế là có chị chạy về nhà, lấy một cái áo dây màu đen với chấm bi trắng, mặc vào cho nó. Lại còn lấy cái tóc giả màu vàng hoe cài lên đầu nó. Úm ba la một cái, em trai đã thành một cô búp bê Pháp xinh đẹp. Mẹ cười ngả nghiêng tới mấy ngày sau.

Hồi bé nó xinh, đáng yêu và nghe lời như thế. Nhưng mà càng lớn nó càng ranh mãnh và đáng ghét. Chị em tôi ở nhà lúc nào cũng chí chóe giành máy tính. Hồi đó mẹ mua lại một cái máy tính cũ của công ty mẹ. Tôi cũng không biết xài gì nhiều lắm, nhưng thằng em tôi thì trở thành game thủ chuyên nghiệp ngay từ năm nó học lớp hai. Kết quả thì chưa thấy đâu, nhưng hậu quả đã thấy rõ rành rành. Bây giờ hai con mắt của nó lúc nào cũng chỉ mở he hé, thẳng gần như một đường chỉ nhỏ. Thỉnh thoảng tôi nghiêng đầu săm soi khuôn mặt nó, lại dụ dỗ nó trừng mắt thật to lên cho tôi nhìn. Đau lòng thay, chỉ thấy trán thằng bé nhăn tít lại, còn hai con mắt vẫn là đường chỉ nhỏ huyền bí.

Không giống như các nhà khác, chị phải nhường em hay đứa út hay được bênh. Ở nhà tôi thì tôi là số một. Mỗi lần tranh giành thứ gì mà có ba mẹ ở nhà thì tôi luôn được phần thắng. Lý do rất đơn giản, vì tôi ngoan. Em trai tranh cãi gì với tôi, nghĩa là do nó hư. Thực tế cũng đúng thế. Tôi chẳng bao giờ giành ăn giành uống với nó thứ gì cả. Chỉ là ở nhà, lâu lâu đi ngang qua buồn buồn lại giơ chân đạp mông nó một cái. Thế là hai chị em đuổi nhau quanh nhà. Có lúc còn cười muốn gập bụng lại. Nhà tôi có hai đứa trẻ, cười giỡn ầm ĩ, lại cảm thấy như thế mới trọn vẹn niềm vui.

Đến khi tôi đi học xa nhà, thằng nhóc ở nhà được nuông chiều vô cùng. Đến lúc nó dậy thì, nhảy giò cũng thật nhanh, mặt thì dài nhẵng ra, không còn đáng yêu như trước nữa. Thế nhưng cái trò đùa giỡn, đạp mông, làm siêu nhân của chị em tôi thì dường như vẫn không có hồi kết. Chỉ khác là bây giờ nó lớn rồi, cao hơn tôi, khỏe hơn tôi. Tôi đu lên lưng nó, nó còn cõng được chị hai chạy một vòng quanh nhà. Dù cho em trai còn nhỏ, ham chơi, ngốc nghếch, lì lợm... đủ mọi thói hư tật xấu thì em trai vẫn là con trai mà.

Thật ra tôi thích có anh trai, nhưng có em trai cũng thật tốt. Em trai tôi thông minh. Ít ra thì nó thông minh hơn chị nó. Nó học tại trường cấp một ngày xưa tôi học, cấp hai cũng vậy. Chị nó, là tôi, lúc đi học khá im lặng, học lực tốt nhưng không phải đặc biệt xuất sắc, nên thầy cô hầu như không ai nhớ tới tôi. Còn thằng nhóc thì khác. Nó quậy và tự tin hơn tôi nhiều. Về cái độ tự tin của nó, tôi có thể chứng minh bằng đoạn hội thoại vào một ngày đẹp trời của hai chị em tôi. Hôm đó thằng nhóc đang chơi facebook, tôi ngồi ngay bên cạnh, thằng nhóc hú lên:

“Hai ơi, thằng này nè hai, nó học giỏi lắm.”

“Ghê vậy, Thiện chơi với nó hả?”

“Dạ, bạn thân em á.”

“Thế nó giỏi hơn Thiện nhiều hề.”

“Không có, vẫn thua em một tí.” Nhe răng nhìn tôi cười.

Tôi quay qua nháy nháy nó một cái, hai chị em cười như nắc nẻ.

Vậy nên nó nổi tiếng. Mặc dù thằng nhóc không thực sự là đứa giỏi nhất trong lớp, nhưng ít ra nó cũng khiến cho ba mẹ tôi được tự hào. Tôi thầm cảm thấy may mắn vì em trai đã giúp tôi hoàn thành những điều tôi còn tiếc nuối. Ít nhất, có nó, ba mẹ tôi còn có cái để nở mày nở mặt trước mặt hàng xóm láng giềng. Tôi được khen ngoan, còn nó được khen giỏi. Chắc ba mẹ tôi vui lắm.

Lâu lâu mẹ gọi điện cho tôi, mẹ lại nhắc khéo:

“Nhân gọi điện về cho em nhắc nó học hành đàng hoàng vào nhá, dạo này cô giáo phản ánh với mẹ là nó đi học hay không tập trung lắm.”

“Mẹ nói đi chứ sao con nói được.”

“Thì mẹ nói rồi, nhưng mà con cũng phải nói nữa, em nó mới nghe.”

“Dạ, thì con cũng chỉ nói thế thôi, chứ mẹ đừng tạo áp lực cho nó quá.”

“Thì mẹ cũng chỉ sợ nó ham chơi thôi, suốt ngày cắm đầu vào máy chơi game, đợt rồi thi học sinh giỏi còn suýt rớt kia kìa.”

Hôm rồi em trai gọi điện cho chị, đòi chị mua đàn ghi-ta. Tôi sém nữa gào lên: "Mày có phải là em trai của tao không?" Thật lòng mà nói, cả nhà tôi có gene "kì thị" âm nhạc. Thằng em bỗng nhiên đổi tính, khiến tôi hơi bất ngờ một chút. Nhưng chầm chậm nghĩ lại, con trai mà, đi từ tương tư đến cây đàn, đánh một vòng thật lớn cũng chỉ để khoanh vùng "nàng thơ" thôi. Vỗ đùi cái đét, chị già lại thở dài một cái, dạo này em trai "lớn rồi", dẫu cho ba mẹ hay chị vẫn luôn coi em trai là bé bỏng nhất nhà, thì em trai cũng đã đủ lớn để hiểu chuyện và... biết yêu.

Em trai bước vào thời kỳ nổi loạn, mẹ lo sốt vó cả lên. Tôi cũng không có cách nào để dạy bảo nó từ xa cả. Tôi không hy vọng em trai sẽ trở nên toàn năng, chỉ hy vọng nó ngoan và vâng lời ba mẹ. Lâu lâu chị em tôi có nói chuyện với nhau qua mạng, thằng nhóc hay lảng tránh khi tôi bắt đầu nghiêm túc giảng giải cho nó. Tôi cũng chẳng muốn làm cái việc mà đáng lẽ ra người phải làm là mẹ. Vậy nên tôi cũng không gặng hỏi gì nhiều, càng không ép buộc gì cả. Em trai tự có cách sống của riêng mình, tôi cũng chỉ cho nó biết, có nhiều người đang lo lắng cho nó mà thôi.

Em trai là một món quà bất ngờ. Từ khi có thêm đứa em, tôi cảm thấy nhà tôi rực sáng. Cái không khí âm u của khói thuốc cũng được tan đi nhờ sự xuất hiện của nó. Sự yên lặng của ngôi nhà cũng bị phá hỏng bởi tiếng khóc của nó. Vậy nên, tôi mong rằng, sau này, nhà tôi cũng luôn tràn ngập tiếng cười nhờ sự thành công của nó.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ki No

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/6/15
Bài viết
599
Gạo
1.200,0
Chương 7: Những người hàng xóm tí hon.


Ký ức của tôi ngày còn bé, không có bao nhiêu sách vở, chỉ có những trưa hè nắng nóng, len lút trốn bà chạy nhông nhông ngoài đường chơi với lũ trẻ hàng xóm. Hồi đó trước cửa nhà tôi có một cây trứng cá. Tôi không biết nó ở đó từ khi nào, nhưng tôi vẫn luôn nhớ cái dáng nghiêng nghiêng của nó dựa vào cái quán nhỏ của bà tôi. Cây trứng cá đó chính là địa điểm cư trú của chúng tôi mỗi buổi trưa hè nắng gắt. Cây lúc nào cũng có quả, quả nào quả nấy căng mọng tròn đầy. Tôi thích những trái trứng cá đỏ, cứ cho vào miệng cắn phập một cái, vỏ quả bể ra, chất thịt ngọt sẽ tan vào đầu lưỡi. Tôi còn nhớ hồi đó lũ nhóc chúng tôi ham ăn trứng cá đến nỗi ngày nào cũng vắt vẻo trên cây giành nhau từng trái đo đỏ, có những quả mới hơi ươm vàng chúng tôi còn không buông tha. Cho đến khi có một đứa nhóc nào đó méc với tôi rằng ăn quả trứng cá đỏ sẽ bị ung thư. Mặc dù tôi chẳng biết ung thư là gì, nhưng tôi biết nó là một thứ rất đáng sợ, từ đó tôi không ăn trứng cá đỏ nữa. Tôi chỉ ăn những quả trứng cá có quả màu xanh và ruột hơi mềm mà thôi. Nhưng thói quen vắt vẻo trên một chạc cây trứng cá thì tôi vẫn không bỏ được. Tôi thích nằm trên cây, đu đưa đón từng cơn gió nhỏ vuốt ve vào khuôn mặt. Chạc cây trứng cá già đó, chính là cái võng đưa tôi vào giấc ngủ trưa hè.

Thời đó con nít bọn tôi ít đồ để chơi, nên chúng tôi toàn tự bày trò để phá. Nhà tôi có một cái vỏ chăn mỏng hình hoa hồng màu đỏ. Cả đám con nít chui vào trong cái vỏ chăn đó, sau đó lồng vào quạt, bật quạt lên thì vỏ chăn phồng to thành một cái lều. Chúng tôi cứ ngồi trong cái lều đó, rồi hú hí kể cho nhau nghe hàng trăm thứ chuyện. Chủ đề của bọn con nít chúng tôi cực kỳ phong phú, từ chuyện cây nhãn nhà bác Mai sắp có quả, đến cây xoài, cây mận nhà bác Thìn trái thật to. Chẳng hiểu sao những câu chuyện như vậy lại có thể thu hút chúng tôi đến thế, chúng tôi có thể ngồi cả ngày để lảm nhảm về hoa cỏ cây lá, về thế giới xung quanh, rồi cũng có thể bật cười khúc khích chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Thế giới của con nít, rộng lớn và lạc quan hơn của người lớn rất nhiều.

Sự hấp dẫn của những trái nhãn khi đến mùa khiến đám con nít xóm tôi rôm rả hẳn lên. Tối đó chúng tôi lên kế hoạch trộm nhãn trên vườn của ngân hàng gần nhà tôi. Thực ra không phải vì chúng tôi nghèo đói nên đi ăn trộm. Chỉ cần chúng tôi nói một câu, ba mẹ chúng tôi sắn sàng mua cả rổ về cho lũ nhóc ăn đến nóng phát ban luôn, nhưng chúng tôi không thích. Người ta có nói mà, của chùa ngon hơn của nhà. Với lại, lén lén lút lút rồi gặt hái được thành quả cũng hưng phấn lắm thay.

Tôi cùng thằng Bờm và thằng Hải đúng sáu giờ hẹn nhau ngay đầu xóm, chúng tôi phân công nhiệm vụ. Tôi cầm bì bóng, theo đuôi hai thằng. Hai thằng đó có nhiệm vụ đột nhập và trèo cây. Hồi đó trên ngân hàng có bác Châu làm bảo vệ, bác rất khó tính, hay quát mắng chúng tôi nên lũ con nít xóm này ai cũng sợ bác. Chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt đầy nếp nhăn vạn năm không đổi của bác, lũ chúng tôi đã nhớn nhác chạy dài. Thế nên đối tượng cảnh giác duy nhất của biệt đội trộm nhãn chúng tôi chính là bác.

Ngân hàng rất rộng, có hai dãy nhà lớn được xây theo kiểu chữ L. Tối đến, những cái đèn lớn được bật dọc theo bức tường xanh đã loang lổ sơn tróc, trên bờ tường đó, từng đám từng đám bướm ma bám dày đặc trên tường. Hồi đó tôi rất sợ bướm, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ những con bướm ma này. Chúng to hơn hai bàn tay tôi ghép lại, có màu nâu, và trên đôi cánh lúc nào cũng dập dờn có hình hoa văn như những con mắt lớn. Chúng bám ở đó, khoe những cái đôi mắt nâu đáng sợ, như đang nhìn chằm chằm vào đám con nít chúng tôi. Các chị xóm tôi hay kể rằng, ngày xưa ngân hàng chính là bệnh viện. Ở dưới nền đất chúng tôi đang đứng là nơi chôn cất những người xấu số, còn những con bướm ma đó chính là linh hồn của họ còn đang khắc khoải nơi trần gian. Có một thời gian tôi sợ đến mức không dám nhấc nửa bước chân vào sau cánh cổng lớn của ngân hàng. Nhưng mùa nhãn đến còn hấp dẫn hơn cả những nỗi sợ bóng ma chập chờn đó.

Để đến được khu vườn, chúng tôi phải vượt qua bức tường đầy bướm ma trú ngụ. Tôi nín thở bám áo thằng Bờm, lon ton đưa chân ngắn chạy một mạch theo nó cùng Hải. Tôi sợ vã cả mồ hôi. Cảm giác như ba mét đó là ba mét dài nhất trong cuộc đời tôi. Trong đầu tôi hỗn loạn hàng ngàn ý nghĩ, chỉ cần tôi chậm chân một chút, cả đám bướm ma với những đôi mắt đen nâu đó sẽ bám chặt vào người tôi không buông. Ý nghĩ đó khiến cả người tôi lạnh toát.

Chúng tôi lần theo bờ tường dò dẫm từng bước trong bóng tối, vừa phải canh chừng bác Châu, vừa phải xác định vị trí cây nhãn dưới ánh sáng mờ nhạt của trăng đêm khiến chúng tôi càng thêm căng thẳng. Cây nhãn nằm sát cạnh một cái nhà vệ sinh cũ để hoang. Ba chúng tôi luồn ra phía sau nhà vệ sinh để đến gần cành nhãn thấp nhất. Bỗng “Soạt” một cái, một bóng đen lao xuống trước mặt tôi, tôi tái mặt, hét lên:

“Á… ”

Thằng Bờm nhanh tay bịt chặt miệng tôi lại, tôi gấp đến muốn khóc. Nó từ từ bỏ tay xuống, đưa ngón trỏ lên môi suỵt khẽ một cái, rồi thì thầm:

“Chỉ là con mèo thôi.”

Tôi mếu máo gật gật cái đầu nhỏ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nó đáng tin như vậy, dù nó bằng tuổi tôi, và học sau tôi một lớp. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời, tôi dựa dẫm vào một đứa con trai sàng tuổi tôi, và cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy rõ ràng nhất sự khác biệt giữa con trai và con gái. Tôi cứ thế bám chặt vào vạt áo của nó, nhìn bóng lưng nho nhỏ của thằng nhóc mà lòng cũng thấy an tâm lạ.

Tôi dọ dẫm từng bước sau lưng thằng Bờm, mồ hôi cũng từng giọt từng giọt ướt đẫm lưng áo. Thằng Hải đi sau lưng tôi nên tôi cũng không rõ nó thế nào. Thấy nó mãi không có động tĩnh gì, tôi lầm bầm hối thúc.

“Đi mau đi mày.”

Nó vẫn im thim thít. Một bàn tay lạnh toát chộp lên vai tôi.

“Đi đâu mà đi.” Chất giọng chầm chậm, lành lạnh đó vang lên trong bóng tối, chắc chắn không phải là giọng the thé của thằng Hải. Tôi như muốn ngừng thở, hét cũng không hét ra hơi. Tôi từ từ xoay cái cổ cứng ngắc lại nhìn, bắt gặp khuôn mặt như sắp khóc của thằng Hải. Mặt nó trắng bệch hơn ma, đáng sợ hơn cả bóng con mèo đen vụt qua trước mặt tôi lúc nãy. Tôi la lên thất thanh rồi giật tay thằng Bờm dông thẳng. Hôm sau thằng Hải bị một trận đòn roi nhớ đời, còn tôi thì không bao giờ thích ăn nhãn nữa.


Ngày bé tôi rất ngốc, ngốc đến độ không biết đếm số, không biết xem đồng hồ. Người thầy đầu tiên của tôi lại là Duy – một cậu nhóc hàng xóm bằng tuổi với tôi. Lúc đó, tôi đã nghĩ cậu ấy là người thông minh nhất trên thế giới này. Cậu ấy đếm rất nhanh, cộng cũng nhanh, trừ cũng nhanh. Tôi thì chỉ biết nhăn nhó đếm từng ngón tay, đếm hết tay rồi lại xoay qua đếm ngón chân. Đếm xong còn lẫn lộn linh tinh. Cậu ấy nhìn tôi cười đầy coi thường, tôi rất xấu hổ. Nhưng có lúc cậu ta lại tỏ ra tử tế bất thường. Cậu ấy chỉ tôi xem đồng hồ kim. Tôi thích thú nhìn chiếc đồng hồ xinh đẹp trên tay cậu ấy. Cậu ấy là chỉ tôi xem giờ kém. Tôi lại máy móc học thuộc theo, vì tôi không hiểu tại sao khi kim ngắn gần đến số ba, kim dài chỉ vào số chín lại là 3 giờ kém 15. Đến khi tôi học cấp hai, tôi vẫn rất ghét đồng hồ kim, vậy nên suốt quãng thời gian đó cho đến cuối năm cấp ba, một đứa con gái như tôi lại gắn liền với một chiếc đồng hồ điện tử to gần bằng cổ tay khẳng khiu của mình.

Duy cũng là người dạy tôi biết hát. Nhưng tôi lại không phải là đứa có năng khiếu với âm nhạc. Tôi luôn luôn hát lệch tông và thậm chí không nhớ nổi lời bài hát quá dài. Thật đau lòng khi phải thừa nhận rằng, đến giờ phút này, khi đã là một đoàn viên thanh niên ưu tú, tôi vẫn luôn hát nhép Đoàn ca. Thằng nhóc phát điên lên khi có một đứa bạn như tôi. Lâu lâu chúng tôi nổi hứng lên song ca, nó hát đoạn đầu, tôi hát đoạn sau, nhưng đến khi tôi hát được đến câu thứ hai thì nó đã thở dài ngao ngán, phẩy tay: “Thôi bỏ đi.” Tôi cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ là ngừng la eo éo lại và lon ton chạy theo sau lưng nó. Đến năm tôi học lớp chín, hát nhạc vẫn là môn học mà tôi ghét nhất. Tôi học nhạc kém tới mức mà khi thi đọc nhạc, tôi hát nguyên bài vẫn thua điểm con bạn tôi hát được hai câu. Lần đầu tôi gian lận trong thi cử cũng là môn nhạc. Tôi đưa luôn tờ giấy thi cho con bạn tôi để nó viết từ khóa nhạc tới nốt đen, nốt trắng (gọi thế đúng không nhỉ?), còn tôi thì ngồi khểnh chân chờ kim đồng hồ chạm mốc. May mắn thay, năm đó là năm cuối cùng tôi phải học môn học thần thánh liên quan mật thiết tới năng khiếu đó.

Duy có rất nhiều trò nghịch ngợm để chúng tôi chơi cùng nhau. Nó còn dẫn tôi ra đường nhìn xe cộ qua lại, sau đó nó chỉ vào một cái ô tô chở gỗ to đùng, nó bảo xe đó giống chiếc xe trong phim “Mười tám bánh xe công lý”. Tôi cũng gật gù tán thưởng, mặc dù tôi chẳng hề biết chiếc xe trong bộ phim đó trông như thế nào. Hồi đó nhà nó mới xây, nên bên hông nhà chất đầy gạch cùng gỗ. Nó vác từng viên gạch, xếp thành một cái nền sạch sẽ, sau đó gác thêm vài viên chồng lên nhau, bao kín xung quanh. Nó bảo với tôi đó là ô tô của nó. Hai đứa hí hửng leo lên ngồi. Nó lái xe, còn tôi ngồi hóng. Rốt cuộc thì chiếc ô tô đó cứ chạy bon bon trên đường lớn… trong trí tưởng tưởng của chúng tôi. Nhà Duy có một cái vườn rất lớn ngay bên hông nhà, nhưng trong vườn đó chỉ toàn cỏ là cỏ, chỉ có duy nhất một cây xoài nhỏ đứng giữa vườn. Có hôm hai bọn tôi đi nhặt những miếng gỗ lớn dựng thành một ngôi nhà. Đáng lẽ đó phải là nhà trên cây, nhưng vì khả năng có hạn, cuối cùng nó chỉ có thể là một ngôi nhà nhỏ dựa bên gốc cây xoài mà thôi. Tối hôm đó tôi bị ngứa khắp người vì vụn gỗ.

Thằng nhóc có thể được coi là bạn thân nối khố của tôi. Vì hai đứa ở gần nhà, cùng đi chơi, cùng đi học suốt những năm tháng trẻ thơ đó. Nhưng nó chỉ là bạn ở nhà của tôi mà thôi. Đi học tôi còn cả tá bạn khác để chơi, vậy nên tôi liền quẳng nó ra sau đầu. Đến hồi tôi xem lại tấm hình chúng tôi chụp vào cuối năm lớp năm, tôi mới ngộ ra một chân lý là thằng nhóc đẹp trai đứng ngoài cùng bên trái của lớp tôi là nó. Duy học cùng tôi năm lớp năm, mãi đến năm nhất đại học tôi mới phát hiện ra sự thật này.

Năm cấp hai chúng tôi học chung trường nhưng không chung lớp. Hồi đó trường tôi có yêu cầu học sinh phải đeo bảng tên bằng một miếng mica nhỏ màu tím trên ngực áo trái. Tên của Duy có một chữ đệm là Nhị. Xui xẻo sao cho thằng nhóc, tấm mica của nó bị in tên là Trần Thị Khánh Duy. Cậu nhóc đẹp trai đó bị trêu đùa cho đến hết những năm cấp hai đầy nắng gió.

Duy có một người chị, chị hơn cậu hai tuổi, tên là Hằng. Chị Hằng rất khéo tay, chị hay may đồ búp bê và thiết kế rất nhiều kiểu đẹp mắt. Tôi rất ngưỡng mộ chị nên mỗi khi đến chơi với Duy, tôi lại theo chị may đồ búp bê. Có ngày đi chợ cùng mẹ, tôi đòi mẹ mua cho một con búp bê như của chị Hằng. Sau đó tôi học may, học cắt. Con gái và búp bê có lẽ là tuổi thơ không chỉ của riêng tôi. Ngày đó tôi cũng từng đem theo mơ ước làm thiết kế thời trang. Tiếc rằng ước mơ ngày bé chỉ như lời nói đùa gió thổi bay, càng lớn càng khiến lời nói đùa đó trở nên mơ hồ vô vọng.

Chị Hằng làm gì cũng khéo, chị cũng rất đẹp. Mãi đến sau này chị vẫn là thần tượng trong lòng tôi. Năm tôi học lớp tám, chị lên lớp mười. Chị học trường chuyên ở trên thành phố nên một năm chị chỉ về nhà lúc hè và tết. Mỗi lần chị về, tôi đều bám theo chân chị, để được nghe chị kể chuyện về thành phố của những cơn mưa. Chị kể chuyện rất hay, nghe cứ như một bộ phim về tuổi trẻ. Có giang hồ, có đánh nhau, có tình bạn, tình yêu… Nếu ai đó bảo rằng chị nói xạo, tôi sẵn lòng gân cổ lên cãi thay cho chị, bởi tôi biết chị nói thật, biết chị kể chuyện thật. Có thể bạn cũng nghi ngờ tôi, nhưng thực sự, ở nơi tôi sống, cái từ “giang hồ”, “dặt dẹo” vốn không hề xa lạ. Tưởng chừng một con người cá tính như chị, có lẽ sẽ sẽ có một tuổi trẻ sôi nổi không kém, thế nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, chị lại là cô gái đầu tiên trong cái xóm tràn đầy học thức của tôi lên xe hoa. Cô gái ngày ấy, giờ đã là một bà mẹ sắc sảo, ngọt ngào.

Cạnh nhà tôi còn có chị Ngân bằng tuổi với chị Hằng. Tôi đã được chị ấy giải thích cặn kẽ nguồn gốc ý nghĩa của cái tên. Chị ấy hỏi tôi:

“Mày có biết Ngân có nghĩa là gì không?”

Tôi lắc đầu.

“Ngân nghĩa là tiền.”

“Dạ, thì sao ạ?”

“Nghĩa là vì ba tao thích nhiều tiền, nên ba tao đặt tên tao là Ngân.”

Tôi cũng gật gù theo vì cảm thấy hợp lý. Sau này nhà chị ấy có thêm hai bé trai sinh đôi bằng tuổi em trai tôi, hai đứa đó cũng được đặt tên là Ngân, một là Hoàng Ngân, một là Hoàn Ngân. Còn lý do vì sao lại thế thì cứ coi như tôi… không biết gì hết đi.

Tôi rất ít chơi với các chị. Nhưng một khi đã chơi cùng rồi thì toàn chơi trò… người lớn. Bởi vì các chị lớn hơn tôi, nên tư tưởng cũng đi nhanh hơn một bước. Hồi đó tôi còn chẳng biết thế nào là thích, thế nào là khác biệt nam nữ. Tôi chỉ biết đứa nào tôi muốn chơi cùng, và đứa nào vừa nhìn mặt đã thấy ghét mà thôi. Minh là con trai của một bác làm cùng cơ quan với ba mẹ tôi. Mỗi khi ba nó đi làm, nó hay được chở sang nhà tôi chơi. Hai đứa con nít cứ bày ra đủ thứ trên trời để nghịch. Cho đến khi chúng tôi chơi cùng các chị lớn. Các chị ấy bảo tôi với thằng nhóc đó là một cặp. Bảo chúng tôi thích nhau vì lúc nào chúng tôi cũng đi cùng nhau. Rồi sau đó là thảm họa khi mấy chị bảo thằng nhóc thơm vào má tôi đi. Thật tình hồi đó tôi chẳng hiểu gì về việc tiếp xúc thân mật giữa hai người khác giới. Nhưng tôi cũng cảm thấy có chút gì đó không đúng. Tại sao tôi lại phải cho thằng nhóc đó chét nước miếng vào mặt tôi. Tôi không chịu làm. Mấy chị bảo sẽ không cho tôi chơi cùng nữa. Rốt cuộc tôi với thằng nhóc phải lén lút núp sau cánh cửa để thơm nhau. Mặc dù tôi còn chả nhớ cái thơm đó có được thực hiện hay không nữa, nhưng nếu làm rồi, quả thật tôi nên đau lòng vì đã mất luôn nụ hôn đầu đời một cách lãng nhách như thế.

Xin lỗi mối tình đầu của em, xin lỗi luôn cả chồng tương lai của em. Em thực vô tội mà!


Tính tôi làm gì cũng tỉ mỉ và cẩn thận nên ngày bé tôi rất ít khi tự mình té. Những vết sẹo trên người tôi hầu hết là do... dòng đời xô đẩy. Lúc các chị xóm tôi bắt đầu đủ tuổi để đi xe đạp, thì việc cần làm đầu tiên chính là tập lái xe. Nhà tôi ở ngay chân dốc. Nên mấy chị hay dắt xe lên đầu dốc, rồi từ trên đó thả xuống, đến lúc phanh xe lại thì dùng… chân. Bởi vậy, đám con nít chúng tôi, ai ai cũng có hai ba đôi dép bị mòn dẹt cả đế. Ấy vậy mà hầu như không có ai bị té. Cho đến khi chị Ngân hùng hổ thét lên là muốn tập chở. Và tôi tất nhiên trở thành nạn nhân đầu tiên của chị. Tôi leo lên yên sau của chiếc xe mini Nhật màu hồng tím của chị mà lòng cứ thon thót. Đến lúc xe xổ xuống dốc, gió thổi vù vù kéo tóc tôi dạt hết về hai bên tai, tôi mới mơ hồ hưởng thụ cái cảm giác như là đang bay đó thì tôi được… bay thật. Xe lao xuống dốc, và tôi phanh xe bằng mặt. Hôm đó tôi thay cái răng đầu tiên trong đời.

Bà tôi bảo, thay răng hàm trên thì ném răng xuống gầm giường, thay răng hàm dưới thì quăng răng lên mái nhà, như thế răng với mau mọc. Vậy nên tôi đi ra đường, tìm chiếc răng mới rụng của mình, để ném xuống gầm giường nhà tôi, vì tôi rất sợ cái cảm giác gió lùa vào trong miệng.

Lúc còn bé tôi luôn mong mình có thể mau lớn. Lớn rồi thì sẽ không cần thay răng nữa. Lớn rồi thì không cần đi học nữa. Cao hơn một chút có thể dễ dàng chạm tay vào thế giới ngoài kia. Thế nhưng khi lớn lên rồi, lại nhận ra rằng, làm người lớn khiến ta càng xa rời với những ước niệm ta hằng mong thời thơ trẻ. Đúng là lớn thì không cần thay răng nữa, cũng không cần đi học nữa, nhưng cũng vì thế mà người ta cứ phải vương vấn nỗi nhớ xa xăm về những bóng áo trắng chiều chiều tan học. Nhiều người luôn có những nỗi ám ảnh về tuổi thơ. Cũng có hàng ngàn người muốn được một lần đặt chân lên chuyến tàu trở về quá khứ. Cuộc sống sau này chèn ép và áp lực quá nhiều, người ta chỉ muốn lại được sống vô tư như thuở ban đầu.

Bởi vì đã từng có, nên mới nhớ mong. Bởi vì đã từng sống, nên mới mong quay về.

Giống như trong bài hát “Nhân lúc bạn còn trẻ” của Hoa Thần Vũ đã có câu:

“Bạn phải biết nguyên nhân tại sao lại có người ngưỡng mộ bạn

Là vì họ cũng từng trải qua thời thanh xuân như bạn.

Bạn phải hiểu lý do tại sao lại có người ghen tị với bạn.

Chính là vì họ không thể giữ lại tuổi xuân.”

 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên