Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Cover.png.crdownload.png


QUIDDITCH QUA CÁC THỜI ĐẠI

Tác giả: J.K Rowling
Dịch: Gravity
Thể loại: Giả tưởng
Tình trạng tác phẩm: Full
Tình trạng dịch: Full

Độ dài: 10 chương
Cảnh báo: Không
***
Bản dịch chưa được sự đồng ý của tác giả.
***

GIỚI THIỆU:

Kennilworthy Whisp

Nhà xuất bản Arthur A. Levine
Chuyên về ấn phẩm học đường


Cùng

Nhà xuất bản Whizz Hard
Số 129B Hẻm Xéo, Luân Đôn

Lời khen tặng dành cho cuốn Quidditch Qua Các Thời đại:

Bằng việc nghiên cứu miệt mài, Kennilworthy Whisp đã mở ra cả một kho tàng thứ thiệt, những sự thật, mà đến giờ vẫn còn là bí ẩn, về môn thể thao của giới phù thủy. Một cuốn sách hấp dẫn.”

- Bathilda Bagshot, tác giả cuốn Một Lịch sử Pháp thuật.
“Whisp đã viết nên cuốn sách thực thú vị; chắc chắn nó sẽ mang lại những khoảnh khắc thư giãn và thông tin bổ ích cho những ai mến mộ môn Quidditch.”
- Biên tập Tạp chí Chổi nào.
“Cuốn sách chân thực nhứt về nguồn gốc và lịch sử Quidditch. Nên đọc.”
- Brutus Scimgeour, tác giả cuốn Cẩm nang Tấn thủ.
“Ông Whisp đây là người có tiềm năng. Cứ đà này, chắc ông ấy sẽ được chụp hình với tôi nay mai thôi.”
- Gilderoy Lockhart, tác giả cuốn Cái tôi Nhiệm mầu.
“Cá chắc cuốn này sẽ được săn đón nhiều nhứt. Cá đi, tôi cá luôn đó.”
- Ludovic Bagman, Tấn thủ Đội tuyển Quốc gia Anh và Đội tuyển Wimbourne Wasps.
“Tôi đã từng đọc những cuốn tệ hơn thế kìa.”
- Rita Skeeter, phóng viên Nhật báo Tiên tri.

Về Tác giả
KENNILWORTHY WHISP là chuyên gia Quidditch trứ danh (và, theo lời ông, là một fan hâm mộ cuồng nhiệt). Ông là tác giả của hàng loạt tác phẩm nói về Quidditch, như Điều diệu kỳ của Đội tuyển Những Kẻ lang thang Wigtown, Bay như Gã điên (tiểu sử của Dai Llewellyn “Nguy hiểm”) và Đập trái Budger – Một nghiên cứu về chiến lược thi đấu trong Quidditch.

Kennilworthy Whisp chỉ dành thời gian của mình để ở nhà và đến bất cứ nơi nào diễn ra trận đấu của đội Những Kẻ lang thang Wigtown. Ông thích chơi cờ thỏ cáo, nấu đồ chay, và sưu tầm chổi bay cổ.



 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

LỜI TỰA

QUIDDITCH QUA CÁC THỜI ĐẠI nằm trong số tựa sách được yêu thích nhất tại thư viện Hogwarts. Bà Pince, thủ thư của chúng ta, kể với tôi rằng cuốn sách được “cào cấu, nhễu nước miếng, nói chung là hành hạ” gần như mỗi ngày – quả là lời tán dương dành cho bất kỳ cuốn sách nào. Những ai chơi hoặc theo dõi môn Quidditch thường xuyên hẳn sẽ đón chờ cuốn sách của ông Whisp, bởi vì số người đó trong chúng ta luôn hiếu kỳ về lịch sử pháp thuật khắp mọi nơi. Chúng ta phát triển bộ môn Quidditch, môn Quidditch cũng khiến chúng ta phát triển; Quidditch gắn kết mọi phù thủy, pháp sư trong xã hội, đem chúng ta lại gần nhau để sẻ chia những khoảnh khắc phấn khích, vinh quang, và (với những ai ủng hộ đội Đại bác Chudley) là tuyệt vọng.

Thật là khó khăn, tôi phải thừa nhận điều này, khi thuyết phục bà Pince giao ra một trong số những cuốn sách của bà ấy, rồi sao ra thành nhiều bản với mục đích tiêu thụ rộng khắp. Với cả, lúc tôi bảo rằng việc này là để cho dân Muggle cùng đọc, bà ấy nhất thời cứng họng, không thèm nhúc nhích cũng chẳng chớp mắt cả phút liền. Khi bình tĩnh lại, bà ấy mới chu đáo hỏi tôi có mất trí không. Tôi đã phấn khởi trấn an bà ấy và giải thích lý do tôi đưa ra quyết định chưa từng có này.

Bạn đọc Muggle chẳng cần bất kỳ lời giới thiệu nào về công tác của tổ chức Comic Relief Vương quốc Anh thêm nữa (kì lạ là, nó chẳng liên quan gì đến tổ chức cùng tên bên Mỹ), nên giờ tôi sẽ nhắc lại những gì tôi đã giải thích với bà Pince vì lợi ích của các phù thủy và pháp sư đã sắm cuốn sách này. Tổ chức Comic Relief Vương quốc Anh dùng tiếng cười để đấu tranh với nghèo đói, bất công, và tai họa. Khi niềm vui lan rộng sẽ được đổi ra thành một khoản tiền lớn (khoảng 250 triệu đô từ khi thành lập năm 1985, tương đương với hơn 175 triệu bảng, bằng 34 triệu Galleons).

Những ai góp phần vào việc đưa cuốn sách này đến tay quý vị, từ tác giả, người xuất bản đến người cung cấp giấy, người in, người đóng sách, cả người bán sách đều đầu tư thời gian, công sức, và vốn kiến thức của họ mà không nhận tiền công, hoặc nhận tiền công thấp, để 20% giá bán lẻ cuốn sách chịu ít thuế hơn với mục đích ủng hộ vào một quỹ được thành lập bởi tổ chức Comic Relief và J.K Rowling dưới tên Harry Potter. Quỹ này chuyên hỗ trợ những trẻ em cần sự giúp đỡ trên khắp thế giới. Bằng việc mua cuốn sách này – mà tôi khuyên các vị nên mua, vì lỡ các vị đọc quá lâu mà không nộp tiền ra, các vị sẽ trúng Lời nguyền Trộm cắp – các vị cũng góp phần hoàn thành sứ mệnh nhiệm màu này.

Nếu tôi nói với quý vị rằng lời giải thích này khiến bà Pince vui mừng mà giao sách của thư viện cho dân Muggle thì đó chính là lừa đảo. Bà ấy đã đề xuất một loạt phương án khác, ví như nói với những người ở tổ chức Comic Relief Vương quốc Anh là thư viện đã bị thiêu rụi, hay đơn giản giả là tôi đã chết quách đi mà chẳng để lại trăn trối gì. Lúc tôi bảo rốt cục tôi vẫn thích phương án ban đầu của tôi hơn, bà ấy mới không đành lòng giao ra cuốn sách, dù vậy, ngay lúc cuốn sách được đưa ra, bà Pince đã căng thẳng đến độ ngất xỉu, và tôi buộc lòng phải gỡ từng ngón tay của bà ấy ra khỏi gáy sách.

Dù đã loại bỏ các bùa ếm thông thường mà một cuốn sách của thư viện thường có, nhưng tôi không chắc là còn bùa ếm nào mà tôi chưa phát hiện ra hay không. Ai cũng biết là bà Pince hay ếm những bùa xúi quẩy lên những cuốn sách mà bà coi giữ. Năm ngoái, chính tôi từng lơ đãng vẽ nguệch ngoạc vào cuốn Các học thuyết về Biến hình Vật chất, giây tiếp theo tôi bị cuốn sách đập tới tấp vào đầu. Làm ơn hãy cẩn trọng với cuốn sách này. Đừng làm rách. Đừng làm rơi vào nước. Vì tôi chắc là bà Pince sẽ lao ngay vào các vị, dù các vị đang ở đâu, và đòi khoản phạt lớn.

Sau cùng, tôi xin cảm ơn các vị đã ủng hộ cho tổ chức Comic Relief Vương quốc Anh và xin dân Muggle chớ thử chơi Quidditch tại nhà; cái bộ môn này, dĩ nhiên, hoàn toàn là giả tưởng và chẳng có ai chơi cả. Tôi cũng xin phép tận dụng cơ hội này để chúc đội tuyển Quidditch Liên bang Puddlemere thật nhiều nhiều may mắn ở mùa giải tới.

Index22_clip_image006_0000.gif

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Một

Quá trình Tiến hóa của Chổi bay

Vẫn chưa có câu thần chú nào giúp các pháp sư giữ nguyên hình dáng con người trong khi bay lượn. Cũng có các Pháp sư Hóa thú có thể bay khi biến thành động vật có cánh, nhưng chỉ là số hiếm. Phù thủy, pháp sư có thể bay khi biến thành dơi, tuy vậy, với bộ óc của một con dơi, chắc chắn họ sẽ quên mình định đi đâu ngay khắc vỗ cánh. Tuy Bùa Bay rất thông dụng, nhưng lơ lửng cách mặt đất cỡ năm thước không làm tổ tiên chúng ta thấy hài lòng. Các ngài ấy muốn bay lượn như chim mà không bị mớ lông vũ phiền hà mọc khắp người.

Ngày nay chúng ta đã quen với việc mỗi gia đình phù thủy Anh đều có ít nhất một cây chổi bay mà chẳng khi nào tự hỏi tại sao. Tại sao một cây chổi tầm thường lại trở thành phương tiện di chuyển phép thuật một cách hợp pháp như vậy? Tại sao người phương Tây chúng ta lại không dùng loại thảm bay rất được ưa chuộng ở xứ sở phương Đông? Tại sao chúng ta không làm thùng bay, ghế bay, bồn tắm bay – mà lại là chổi bay?

Thiết nghĩ, mấy người Muggle nhà bên sẽ tìm đến mà xin xỏ phép màu nếu họ biết được sự thật về phép thuật, bởi vậy các pháp sư và phù thủy đã sống ẩn dật rất lâu trước khi Đạo luật Quốc tế về Bảo mật Phép thuật có hiệu lực. Nếu chứa chấp một phương tiện bay lượn trong nhà, thì phương tiện này không được phô trương, lại dễ cất giấu. Một cây chổi hoàn toán đáp ứng được điều kiện này; lỡ bị dân Muggles phát hiện cũng chẳng cần phải giải thích nguyên do, vừa tiện cho việc mang theo, lại không đắt đỏ. Vậy mà những cây chổi thần đầu tiên vẫn gặp phải vài hạn chế.

Có ghi chép cho thấy ngay từ năm 962 sau Công nguyên, các phù thủy và pháp sư ở châu Âu đã sử dụng chổi bay. Một bản thảo Đức thời kỳ này ghi rằng có ba phù thủy trèo từ chổi xuống với khuôn mặt cực kỳ khó chịu. Pháp sư người Tô Cách Lan Guthrie Lochrin ghi lại năm 1107 có nói về việc phải chịu “cặp mông đầy dằm và lòi cả trĩ” sau chuyến bay ngắn từ Montrose đến Arbroath.

Nhìn chiếc chổi bay thời trung cổ được trưng bày tại Bảo tàng Quidditch ở Luân Đôn, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi khó chịu của Lochrin (xem Fig. A). Cán chổi tần bì thô mộc đầy mắt gỗ, với những nhánh cây phỉ được buộc cẩu thả phía đuôi chổi vừa không thoải mái, lại chả có tính khí động học gì cả. Cây chổi cũng chỉ được trang bị những bùa chú cơ bản: một tốc độ bay duy nhất, chỉ có thể bay lên, bay xuống, và dừng lại.

Vì các gia đình pháp thuật ngày đó đều tự làm chổi, nên có vô vàn tốc độ bay, mức độ thoải mái, và cách điều khiển miễn là phù hợp với họ. Tuy vậy, tới thế kỷ hai mươi, các phù thủy bắt đầu biết đổi chác thành phẩm. Một người làm chổi tốt có thể đổi chổi lấy độc dược của người hàng xóm có kỹ năng pha chế giỏi hơn. Khi cưỡi chổi bay trở nên dễ chịu hơn, người ta thường cưỡi chổi để giải trí nhiều hơn là chỉ để di chuyển từ chỗ nọ đến chỗ kia.

Fig A.gif
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Hai
Những Trò chơi Cổ xưa

Ngay khi những chiếc chổi có thể quẹo được góc, biến hóa đa dạng về tốc độ cũng như độ cao, các môn thể thao trên chổi cũng theo đó xuất hiện. Các bản ghi chép và các bức họa giới phù thủy thời kỳ đầu làm sáng tỏ một vài điều về những môn thể thao mà tổ tiên ta chơi ngày trước. Trong đó có những trò hiện đã không còn nữa, số khác vẫn được duy trì hoặc biến đổi thành các môn thể thao chúng ta chơi ngày nay.

Cuộc đua chổi thường niên danh tiếng của Thụy Điển có từ thế kỷ thứ mười. Các tuyển thủ phải đua một chặng hơn ba trăm dặm chút xíu từ Kopparberg đến Arjeplog. Lộ trình đua xuyên qua một khu bảo tồn rồng, và chiếc cúp bằng bạc khổng lồ là hình con Mũi Cụt Thụy Điển. Ngày nay, nó đã trở thành sự kiện quốc tế. Các pháp sư ở tất cả các nước sẽ tụ hội ở Kopparberg để cổ vũ cho người dự thi, sau đó Độn thổ đến Arjeplog để chúc mừng những người sống sót.

Bức họa danh tiếng Gunther der Gewalttatige ist der Gewinner ("Gunther Bạo Chúa là kẻ Vô Địch"), ra đời năm 1105, nói về môn thể thao Stichstock cổ xưa của người Đức. Người ta đặt một trái banh da rồng căng hơi trên đỉnh cây cột cao hai mươi thước. Một người sẽ có nhiệm vụ bảo vệ trái banh này. Người này sẽ được cố định với cây cột bằng sợi dây thừng cỡ mười thước quấn quanh thắt lưng, để không thể bay xa hơn. Những người còn lại có nhiệm vụ tiếp cận và đâm thủng trái banh bằng đầu chổi bay đã được làm nhọn. Người bảo vệ banh được dùng đũa phép để loại bỏ những người tấn công. Trò chơi kết thúc khi trái banh bị chích thủng, hoặc tất cả đối thủ bị loại vì trúng phép của người giữ banh hoặc không chống cự nổi vì kiệt sức. Stichstock bị mai một dần vào thế kỷ mười bốn.

Môn Aingingein khởi nguồn và lan rộng ở Ái Nhĩ Lan, là nguồn cảm hứng của rất nhiều bản tình ca Ái Nhĩ Lan (tương truyền rằng pháp sư huyền thoại Fingal Can đảm là một quán quân Aingingein). Từng người chơi sẽ giữ trái Dom, hay trái banh (được làm từ túi mật dê), và bay thật nhanh qua những cái ống đang bốc cháy lơ lửng trong không trung được đặt trên những cây cột trụ. Dùng trái Dom để thảy qua cái ống cuối cùng. Người nào thảy được trái Dom qua cái ống cuối cùng trong thời gian nhanh nhất mà không bị bén lửa sẽ là người chiến thắng.

Tô Cách Lan là quê hương của môn thể thao trên chổi nguy hiểm bậc nhất thế giới – Creaothcreann. Một bài thơ bi thảm tiếng Gaelic thế kỷ mười một đã miêu tả trò chơi này, khổ thơ đầu tiên dịch là:

Mười hai chàng nhiệt huyết, tụ với nhau
Buộc mình vào vạc, đứng lên mau
Giây phút kèn vang, cùng cất cánh
Nhưng mười người, số chết định đã lâu.

Ai chơi Creaothceann đều buộc một cái vạc vào đầu. Khi tiếng kèn hoặc tiếng trống hiệu lệnh vang lên, hơn trăm viên đá được phù phép lơ lửng trên không trung cả trăm thước bắt đầu tuôn ào ào xuống đất. Người chơi phải di chuyển thật nhanh để bắt càng nhiều viên đá vào vạc càng tốt. Được nhiều pháp sư Tô Cách Lan coi là thử thách độ nam tính và lòng dũng cảm đỉnh cao nhất, nên dù số người thiệt mạng cực kỳ nhiều nhưng Creaothcreann vẫn được yêu thích nồng nhiệt vào thời Trung cổ. Vào năm 1762, trò chơi này bị cấm, dù Magnus Macdonald “Đầu Sẹo” khơi mào phong trào chơi Creaothreann vào những năm 1960, nhưng Bộ Pháp thuật vẫn không bỏ luật cấm.

Shuntbumps rất được ưa chuộng ở Devon, Anh. Là hình thức sơ đẳng của môn cưỡi chổi đấu thương, luật chơi chỉ là đánh càng nhiều người bay khỏi chổi càng tốt, trụ lại trên chổi cuối cùng là thắng.

Swivenhodge bắt nguồn từ xứ Herefordshire. Tương tự Stichstock, nó cũng có một trái banh da căng hơi, thường làm bằng da lợn. Người chơi sẽ ngồi dịch về phía sau chổi và đánh những trái banh qua một hàng rào bằng đuôi chổi. Người đánh trượt sẽ mất một điểm cho đối thủ. Ai giành được năm mươi điểm trước là người chiến thắng.

Ngày nay, người Anh vẫn chơi Swivenhodge dù môn thể thao này chưa từng được yêu thích rộng rãi; Shuntbumps chỉ còn được coi như trò chơi của con nít. Thế nhưng, tại vùng đầm lầy Queerditch, có một trò chơi đã ra đời mà sau này trở thành môn thể thao được chào đón nhất ở thế giới pháp thuật.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Ba
Môn Thể thao Từ Vùng Đầm lầy Queerditch
Nguồn gốc sơ khai của Quidditch được biết đến qua những dòng nhật ký của một phù thủy có tên là Gertie Keddle, sống ở vùng biên giới Đầm Queerditch vào thế kỷ mười một. May thay, bà ấy giữ lại cuốn nhật ký, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quidditch Luân Đôn. Những đoạn văn sau đã được dịch từ tiếng Xắc-xông sai chính tả tùm lum trong cuốn nhật ký.

Thứ Ba. Nóng. Cái lũ bên kia đầm lợi đến nữa. Chơi cái trò ngớ ngẩn với cây chổi của chúng. Một trái banh da bự chảng hạ cánh xuống đám bắp cải của ta. Ta đã ếm cái gã tới nhặt banh. Ta khoái nhìn gã bai với cái đầu gối quay ngược ra sau, đúng là con heo đầy lông tổ chảng.

Thứ Ba. Mưa. Đang ngoài đầm nhổ tầm ma. Mấy thằng ngu cưỡi chổi chơi nữa. Rềnh một lát từ sau tảng đá. Bọn nó có quả banh mới. Thảy banh cho đứa khác và cố sức ghim banh vào lùm cây ở phía bên kia đầm. Đồ tào lao ba xàm ba láp.

Thứ Ba. Gió lớn. Gwenog đến uống trà tầm ma, rồi rủ ta ra ngoài bả bao. Rút cụt lại nhìn thấy lũ đần đó đang chơi trò của chúng trên đầm. Tên thầy pháp Tô Cách Lan bự con sống trên đỉnh đồi cũng ở đó. Giờ chúng có hai cục đá bự chảng đang bay vòng vòng cố đập văng tất cả lũ chúng nó khỏi chổi. Xui thiệt là hông có chuyện gì lúc ta coi. Gwenog kể bà ấy hay tự chơi ở nhà. Dzề nhà trong bực dọc.

Những đoạn văn này tiết lộ nhiều điều hơn những gì Gertie Keddle có lẽ biết, trừ điều duy nhất bà ấy chắc chắn biết là tên của một trong những ngày trong tuần. Thứ nhất, trái banh đáp xuống luống cải bắp của bà ấy làm bằng da, chính là trái Quaffle thời nay – hiển nhiên là những trái banh được căng đầy hơi dùng trong các môn thể thao chổi thời bấy giờ khó mà thảy chính xác, nhất là khi có gió. Thứ hai, Gertie kể với chúng ta về những người đang “cố sức ghim trái banh vào lùm cây ở phía bên kia đầm” – chắc hẳn đây là dạng sơ khai của gôn ghi điểm. Thứ ba, Gertie cho chúng ta thấy thoáng qua nguyên mẫu đầu tiên của trái Bludger. Thật phấn khích khi đó là món quà từ “tên thầy pháp Tô Cách Lan bự con”. Anh ta từng là tuyển thủ Creaothceann chăng? Phù phép những viên đá vọt vèo vèo quanh sân đấu phải chăng là ý tưởng được anh ta lấy cảm hứng từ những viên đá được sử dụng trong trò chơi của quê hương mình?

Không thấy thông tin nào đề cập về môn thể thao được chơi trên vùng Đầm lầy Queerditch nữa cho tới tận một thế kỷ sau đó, khi một pháp sư tên Goodwin Kneen nhấc cây bút lông viết thư cho cậu em họ Olaf người Na Uy của mình. Kneen sống ở xứ Yorkshire, nơi minh chứng cho sự lan tỏa của môn thể thao khắp nước Anh suốt trăm năm sau lần đầu tiên Gertie Keddle chứng kiến. Lá thư của Kneen được lưu giữ trong hồ sơ của Bộ Pháp thuật Na Uy.

Olaf yêu quý,
Em có khỏe không? Anh khỏe, nhưng Gunhilda bị mọc vài nốt đậu rồng.
Đêm thứ Bảy tuần trước bọn anh đã có một trận Kwidditch đáng nhớ, dù Gunhilda đáng thương không thể chơi ở vị trí Bắt bóng, và bọn anh phải cho Radulf thợ rèn chơi thay. Đội Ilkley chơi cũng tốt nhưng không theo kịp được bọn anh vì bọn anh đã tập luyện cả tháng trời cơ mà, cũng ghi bàn bốn mươi hai lần. Radulf lãnh nguyên trái Truy sát vào đầu vì lão Ugga chậm chạp vung cây chùy của gã. Mấy cái ống mới làm để ghi bàn dùng khá được. Mỗi đầu sân có ba cái cố định trên cột, bà chủ quán trọ Oona cho bọn anh đấy. Bà ấy còn đãi bọn anh rượu mật cả đêm vì bọn anh đã thắng. Gunhilda có hơi giận vì anh về trễ quá. Anh đã phải hụp đầu xuống né đôi ba lời nguyền khủng khiếp nhưng giờ mấy ngón tay anh mọc lại rồi.
Anh dùng con cú cừ nhất của anh để gửi thư này cho em. Hi vọng nó gửi tới nơi tới chốn.
Anh họ,
Goodwin

Đến đây có thể thấy, môn thể thao này đã tiến xa thế nào trong một thế kỷ. Vợ của Goodwin đã chơi ở vị trí “Bắt bóng” – hẳn là tên gọi cũ của Truy thủ. Trái “Truy sát” (chắc chắn là trái Bludger) đập vào đầu Radulf thợ rèn hẳn là do Ugga đánh, người này hiển nhiên chơi ở vị trí Tấn thủ, bởi vì ông ta mang theo cây chùy. Gôn không còn là lùm cây nữa, mà là những cái ống trên cây cột trụ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nhân tố quan trọng của trò chơi, đó là trái Snitch vàng. Trái banh Quidditch thứ tư vẫn chưa xuất hiện cho đến tận giữa thế kỷ mười ba, và nó đã xuất hiện theo một cách thật lạ lùng.


 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Bốn

Sự Ra đời Của Trái Snitch Vàng

Kể từ đầu những năm 1100, săn Snidget được giới pháp thuật ưa chuộng. Chim Snidget Vàng ngày nay là loài được bảo vệ, nhưng vào thời đó loài Snidget Vàng cư trú ở vùng Bắc Âu rất đông, dân Muggle khó mà phát hiện được chúng bởi đặc tính ẩn nấp và di chuyển cực mau lẹ.

Snidget có thân hình nhỏ bé cùng khả năng bay linh hoạt, bản năng chạy trốn kẻ thù thiên bẩm, nên bắt được chim Snidget chỉ khiến người ta có thêm vị thế mà thôi. Tấm thảm thêu từ thế kỷ mười hai được lưu giữ ở Bảo tàng Quidditch khắc họa cảnh một nhóm người đang bắt một con chim Snidget. Phần đầu tấm thảm, có người mang lưới, người dùng đũa phép, người thì bắt bằng tay không. Nó phản ánh một sự thật là loài Snidget thường xuyên bị nghiến nát bởi những kẻ bắt nó. Phần cuối là cảnh một gã pháp sư được thưởng một túi vàng vì bắt được con Snidget.

FIg B.png

Trên nhiều phương diện, săn Snidget là một trò chơi đáng bị lên án. Những người hướng thiện hẳn đều xót thương trước cảnh loài chim nhỏ bé yêu chuộng hòa bình này bị tàn sát ngay khi nghe tên trò chơi. Thế nhưng săn Snidget, lại được diễn ra một cách công khai, dẫn đến việc hoạt động cưỡi chổi bay bị dân Muggle trông thấy nhiều hơn những hoạt động khác. Hội đồng Pháp thuật lúc bấy giờ lại không thể kiểm soát được phong trào chơi trò chơi này – nói cách khác, xem ra chính Hội đồng cũng không nhận thấy trò chơi này là bất cập, như chúng ta thấy sau đây.

Rốt cuộc, săn Snidget cũng kết hợp với Quidditch vào năm 1269 trong một trận thi đấu với sự có mặt của chính Trưởng ban Hội đồng Pháp thuật, ông Barberus Bragge. Còn tại sao chúng ta biết được điều này là do lá thư của bà Modesty Rabnott xứ Kent gửi cho chị gái Prudence ở Aberdeen (lá thư này hiện cũng được trưng bày tại Bảo tàng Quidditch). Theo như bà Rabnott, Sếp Bragge mang theo lồng chim Snidget đến trận đấu và nói với các tuyển thủ rằng ông ta sẽ trao một trăm năm mươi Galleon (1) cho người nào bắt được con chim trong thời gian diễn ra trận đấu. Bà Rabnott đã giải trình những gì diễn ra sau đó:

Các tuyển thủ cùng lúc vọt vào không trung, phớt lờ trái Quaffle, lạng lách khỏi những trái Truy sát. Cả hai Thủ quân cũng mặc kệ rổ gôn, lao vào cuộc săn. Chú chim Snidget bé nhỏ đáng thương cứ vọt lên lại vọt xuống quanh sân đấu cố tìm đường thoát thân, nhưng lũ pháp sư trong đám khán giả cứ ép nó quay lại bằng Lời nguyền Xua đuổi. Ồ, Pru à, chị biết thái độ của em với trò săn Snidget như thế nào và biết em sẽ làm gì khi em nổi khùng. Em đã chạy ra sân đấu và hét: “Sếp Bragge, đây không phải là thể thao! Hãy để cho con Snidget được yên và để cho chúng tôi xem trận Cuaditch tuyệt vời mà tất cả chúng tôi đã đến đây để xem”. Chị có tin nổi không, Pru, những gì cái tên súc vật đó làm là cười và ném cái lồng chim vào em. Ừ, em đã vô cùng tức giận Pru à, em thực sự tức giận. Khi con chim Snidget bé nhỏ đáng thương bay ngang qua, em đã dùng thần chú Triệu hồi. Chị biết Bùa Triệu hồi của em linh nghiệm thế nào mà Pru – dĩ nhiên em đạt được ý nguyện hết sức dễ dàng, hơn là cưỡi lên một cây chổi. Chú chim bé nhỏ bổ nhào vào tay em, em dúi nó vào vạt áo chùng và chạy như điên.
Ờ, chúng tóm được em, nhưng trước đó em đã thoát khỏi đám đông và thả con Snidget đi rồi. Sếp Bragge hết sức giận dữ, trong một khắc em nghĩ sẽ bị biến thành một con cóc mọc sừng, hoặc tệ hơn, nhưng may thay mấy ông cố vấn đã trấn tĩnh ông ta và em chỉ bị phạt mười Galleons vì làm gián đoạn trận đấu. Đương nhiên là trong đời em chưa bao giờ có mười Galleons, nên căn nhà cũ kĩ đã đi tong.
Em sẽ đến ở với chị vài ngày, may mà đám đó không tịch thu con Bằng mã. Em phải nói với chị điều này, Pru à, nếu em có phiếu bầu, Sếp Bragge sẽ mất một phiếu.
Em gái thân thương,
Modesty

Hành động dũng cảm của bà Rabnott có thể đã cứu sống một con Snidget, nhưng không cứu được tất cả bọn chúng. Ý tưởng của Sếp Bragge đã vĩnh viễn thay đổi bản chất của Quidditch. Sau đó trong tất cả các trận đấu Quidditch đều có Snidget Vàng, một tuyển thủ ở mỗi đội (Thợ săn) có nhiệm vụ duy nhất là bắt nó. Khi giết chết con chim, trận đấu sẽ kết thúc và đội đó sẽ được thêm một trăm năm mươi điểm, gợi nhắc về một trăm năm mươi Galleon mà Sếp Bragge treo thưởng. Khán giả phụ trách việc giữ con Snidget trên sân đấu bằng Lời nguyền Xua đuổi mà bà Rabnott đã nhắc tới.

Thế nhưng, khoảng giữa thế kỷ sau đó, số lượng loài Snidget Vàng đã giảm đến độ Hội đồng Pháp thuật, hiện do Elfrida Clagg muôn-phần-văn-minh-hơn lãnh đạo, quyết định đưa Snidget Vàng thành loài động vật cần được bảo vệ, cấm giết và sử dụng trong thi đấu Quidditch. Khu Bảo tồn Snidget Modesty Rabnott được thành lập tại Someret và người ta cuống cuồng tìm kiếm thứ thay thế cho Snidget để những trận đấu Quidditch được tiếp diễn.
Trái Snitch Vàng ra đời là thành quả của pháp sư Bowman Wright ở Thung lũng Godric. Trong khi các đội Quidditch trên khắp cả nước truy tìm loài chim thay thế Snidget, thì Wright, một tay phù thủy lò rèn cừ khôi, đã lên kế hoạch chế tạo một trái bóng mô phỏng hành động và đường bay theo nguyên mẫu từ loài chim Snidget. Và ông hoàn toàn thành công, điều này được minh chứng bởi những cuộn giấy da ông để lại sau khi chết (hiện là vật sở hữu cá nhân của một nhà sưu tầm), đó là danh sách đặt hàng mà ông đã nhận được từ khắp đất nước. Trái Snitch Vàng, theo cách gọi của Bowman, là trái bóng cỡ quả óc chó có trọng lượng đúng bằng một con chim Snidget. Đôi cánh bạc của trái bóng có những khớp xoay giống như cánh Snidget, khiến trái bóng chuyển hướng nhanh như chớp và chính xác như bản thể sống. Tuy nhiên, không giống như Snidget, trái Snitch đã được phù phép giới hạn bay trong sân đấu. Có thể nói, sự ra đời của trái Snitch Vàng đã kết thúc thời kỳ ba trăm năm trên vùng Đầm lầy Queerditch. Quidditch đã thực sự ra đời.

(1) Tương đương với hơn một triệu Galleon vàng thời nay. Còn Sếp Bragge có thực sự trao hay không còn là điều tranh cãi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Năm

Các Biện pháp Phòng chống Muggle

Vào năm 1398, pháp sư Zacharias Mumps lần đầu tiên chắp bút mô tả về trận đấu Quidditch. Ông bắt đầu bằng các phân tích về nhu cầu bảo mật chống-Muggle khi trận đấu diễn ra: “Chọn những vùng hoang vắng cách xa nơi Muggle cư trú và đảm bảo rằng các vị không bị trông thấy khi đang bay trên chổi. Bùa Xua đuổi Muggle rất hữu ích khi các vị có ý định làm luôn một sân thi đấu. Cũng khuyến khích các vị nên chơi vào ban đêm.”

Từ thực tế là năm 1362, Hội đồng Pháp thuật cấm chơi Quidditch gần khu dân cư trong vòng bán kính năm mươi dặm, ta suy ra rằng chẳng ai nghe theo lời tư vấn tuyệt vời của Mumps. Hiển nhiên là phong trào chơi Quidditch nhanh chóng lớn mạnh, vì năm 1368 Hội đồng đã thay đổi lệnh cấm: cấm chơi Quidditch gần khu dân cư trong bán kính một trăm dặm. Năm 1419, Hội đồng ban hành sắc lệnh cấm chơi Quidditch “bất kỳ đâu gần với bất kỳ nơi nào có khả năng bị Muggle trông thấy hoặc chúng tôi sẽ trông thấy các vị chơi giỏi tới thế nào khi bị xích trong nhà đá.”

Phù thủy thiếu niên đều biết, bay bằng chổi chắc chắn là cách khiến bí mật của chúng ta dễ bị bại lộ nhất. Không có hình minh họa phù thủy nào của dân Muggle mà không có hình ảnh cây chổi, dù những bức vẽ ấy có ngớ ngẩn đến thế nào đi chăng nữa (vì những cây chổi bay dân Muggle vẽ chẳng thể bay lên không trung dù một khắc), nhưng họ nhắc chúng ta rằng chúng ta đã bất cẩn trong nhiều thế kỷ qua tới nỗi kinh ngạc khi biết trong tâm trí dân Muggle, chổi bay và phép thuật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Những biện pháp bảo mật cần thiết không được tuân thủ cho đến khi Đạo luật Quốc tế về Bảo mật Pháp thuật 1692 buộc các Bộ Pháp thuật phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho các hậu quả từ việc chơi các môn thể thao phép thuật trong lãnh thổ thuộc quyền quản lý. Sở Thể thao Phép thuật ở Anh ra đời từ đó. Các đội Quidditch chống đối lại chỉ thị của Bộ sẽ bị giải thể ngay lập tức. Ví dụ điển hình nhất là đội Xúc xích Banchory, một đột bóng Tô Cách Lan nổi danh không chỉ vì kỹ thuật Quidditch dở tệ mà còn vì những bữa tiệc hậu-thi-đấu. Sau trận đấu 1814 với đội Mũi tên Appleby (xem Chương Bảy), đội Xúc xích không chỉ để mấy trái Bludger phóng ra ngoài trong đêm, mà còn định bẫy một con rồng Hebrides Đen để làm linh vật. Họ đã bị đại diện của Bộ Phép thuật bắt khi đang bay qua Inverness, và không bao giờ được thi đấu nữa.

Ngày nay, các đội tuyển Quidditch không thi đấu tại địa bàn, mà di chuyển đến các sân đấu đã được xây dựng bởi Sở Thể thao Phép thuật, nơi này đã được trang bị hệ thống bảo mật chống Muggle đầy đủ. Sân đấu Quidditch an toàn nhất là ở nơi đồng không mông quạnh, như Zacharias Mumps đã đề xuất một cách quá chính xác sáu trăm năm trước.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Sáu

Những Thay đổi trong Quidditch Từ Thế kỷ Mười bốn

Sân đấu

Zacharias Mumps mô tả sân đấu Quidditch thế kỷ mười bốn có hình bầu dục, dài năm trăm thước, rộng một trăm tám mươi thước, cùng một vòng tròn nhỏ (đường kính khoảng hai thước) ở giữa sân đấu. Theo Mumps, trọng tài (hay sau này gọi là Quijudge) mang bốn trái banh vào vòng tròn trung tâm, còn các tuyển thủ đứng xung quanh. Khi các trái banh bay ra (trái Quaffle được tung ra bởi trọng tài), các tuyển thủ sẽ rượt vào không trung. Vào thời Mumps sống, cột gôn vẫn là những chiếc rổ lớn gắn trên các cột trụ, như trong Fig. C.
Fig. C.png

Năm 1620 Quintius Umfraville viết một cuốn sách có tiêu đề Môn Thể thao Quý tộc Giới Phù thủy, trong đó có một lược đồ về sân đấu thế kỷ mười bảy (xem Fig. D). Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về phần mà chúng ta gọi là “khu vực ghi điểm”. Những chiếc rổ thời kỳ này nhỏ hơn, được đặt cao hơn nhiều so với thời của Mumps.
Fig. D.png

Khoảng năm 1883 người ta không sử dụng rổ để ghi bàn nữa mà thay vào đó là những cột gôn như ngày nay chúng ta vẫn sử dụng, cải biến này được đăng trên Nhật báo Tiên tri lúc đó (xem phía dưới). Còn sân thi đấu Quidditch không hề thay đổi kể từ đó.

Hãy Trả Lại Rổ Cho Chúng Tôi!
Đó là lời kêu gọi của các tuyển thủ Quidditch khắp cả nước tối ngày hôm qua khi hai năm rõ mười là Sở Thể thao Pháp thuật đã quyết định đốt bỏ những chiếc rổ ghi bàn được sử dụng trong Quidditch hàng thế kỷ qua.

Khi được yêu cầu đưa ra lời bình hồi tối qua, một đại diện Sở có vẻ đổ quạu đáp, “Chúng tôi sẽ không đốt, đừng có rối lên. Các vị thấy rồi đó, mấy cái rổ có quá nhiều kích cỡ. Chúng tôi nhận thấy rằng chuẩn hóa kích thước rổ để đồng bộ hóa cột gôn trên khắp nước Anh là nhiệm vụ bất khả thi. Rõ ràng các vị có thể nhận thấy đây là vấn đề về tính công bằng. Ý tôi là, có một đội bóng gần Barnton dùng những cái rổ nhỏ tí xíu, rồi gắn vô mấy cây cột của đối thủ, đến quả nho các vị cũng chẳng thảy vào được. Lại chính họ tự gắn cho đội mình mấy cái hang bự chảng bằng liễu gai đu đa đua đưa. Sẽ không tiếp diễn nữa. Chúng tôi đã quy định sẵn kích cỡ vòng gôn, và thế đó. Mọi chuyện sẽ êm đẹp và công bằng.”

Đến đây, đại diện Sở buộc phải thối lui dưới trận mưa rổ liệng ra bởi những người biểu tình phẫn nộ đang tụ tập ở tiền sảnh. Dù sự náo loạn sau đó được cho là do bọn yêu tinh nổi loạn, nhưng điều chắc chắn là đêm nay người hâm mộ Quidditch toàn nước Anh sẽ than khóc cho sự ra đi của môn thể thao mà chúng ta vẫn biết.

Một lão pháp sư có đôi gò má phúng phính nghẹn ngào nói, “H…hông có rổ, nó ch…ẳng như trước nữa. Tôi nhớ khi còn nhỏ, chúng tôi đã từng châm lửa đốt mấy cái rổ, vui vẻ suốt cả trận đấu. Mấy người không thể làm như vậy với mấy cái vòng gôn được đâu. M…ột nửa c…cái niềm vui đã mất r…rồi.”
Nhật báo Tiên tri, 12/2/1883
Banh

Trái Quaffle
Từ nhật ký của Gertie Keddle chúng ta đã biết từ thuở sơ khai trái Quaffle đã làm bằng da. Trong bốn trái banh Quidditch, chỉ có riêng trái Quaffle là không cần ếm bùa, chỉ là một trái banh từ những miếng da chắp lại, và thường có dây quai kèm theo (xem Fig. E) vì các tuyển thủ phải bắt và ném trái Quaffle bằng một tay. Một vài trái Quaffle còn có những cái lỗ để đặt ngón tay. Tuy nhiên, vào năm 1875, khi Bùa Giữ được phát minh, dây quai và lỗ đặt ngón không còn hữu dụng, vì các Truy thủ có thể giữ một tay bằng miếng da đã được ếm bùa mà không cần công cụ hỗ trợ nào.

Trái Quaffle hiện đại có đường kính mười hai tấc và trơn láng, không có đường chỉ. Lần đầu tiên, sau một trận đấu trời mưa tầm tã khiến các tuyển thủ không thể nhận diện được khi trái Quaffle rơi xuống đất, nó đã có màu đỏ tươi, đó là vào mùa đông năm 1711. Không lâu sau đó, các Truy thủ ngày càng phát cáu khi phải liên tục lao xuống mặt đất để tìm trái Quaffle mỗi khi bắt trượt, bởi vậy, một phù thủy tên Daisy Pennifold có sáng kiến phù phép trái Quaffle để lỡ có rơi xuống đất thì sẽ rơi từ từ giống như chìm xuống nước, nghĩa là, các Truy thủ có thể chụp được ngay trong không trung. “Trái Quaffle Pennifold” vẫn còn được sử dụng đến ngày nay.
Fig. E.png

Trái Bludger
Những trái Bludger đầu tiên (hay trái “Truy sát”), như chúng ta đã biết, là những tảng đá bay, vào thời của Mumps, Bludger chỉ là những tảng đá được đẽo thành hình trái banh. Những trái banh này có nhược điểm nghiêm trọng là: những cây gậy đã được yểm lực bằng phép thuật của các Tấn thủ vào thế kỷ mười lăm có thể làm vỡ đá, trong trường hợp này, tất cả các tuyển thủ sẽ bị các miểng đá vỡ truy đuổi suốt phần còn lại trận đấu.

Chắc chắn vì lý do này mà vào đầu thế kỷ mười sáu, một vài đội Quidditch bắt đầu thử nghiệm những trái Bludger bằng kim loại. Agatha Chubb, một chuyên gia nghiên cứu đồ pháp thuật cổ, đã nhận định rằng hơn mười hai trái Bludger làm bằng chì trong giai đoạn này đã được tìm thấy ở đầm than Ái Nhĩ Lan và ở đầm lầy Anh. Bà Agatha viết, “Chắc chắn là Bludger chứ không không phải đạn đại bác.”

Chúng ta có thể thấy những vết lõm mờ do những cây gậy được yểm lực bằng phép thuật và những dấu hiệu dễ thấy do phù thủy gia công (trái lại với Muggle) – đường nét mềm mại, độ cân đối hoàn hảo. Điểm cuối cùng là mỗi trái đều rít vèo vèo quanh phòng làm việc của tôi và ra sức đánh bật tôi vào cửa mỗi khi được thả ra khỏi hộp đựng.

Rốt cuộc người ta cũng phát hiện ra rằng chì quá dẻo để làm trái Bludger (bất kỳ vết lõm nào đều ảnh hưởng đến khả năng bay thẳng của trái Bludger). Ngày nay, các trái Bludger đều làm bằng sắt, có đường kính mười tấc.

Bludger được ếm bùa đuổi theo bất kỳ tuyển thủ nào. Nếu chọn ngẫu nhiên, Bludger sẽ tấn công tuyển thủ gần nhất, vì thế nhiệm vụ của các Tấn thủ là đập trái Bludger càng xa đội mình càng tốt.

Trái Snitch Vàng
Trái Snitch Vàng kích cỡ bằng quả óc chó, giống như là chim Snidget Vàng. Snitch được ếm để tránh bị truy bắt càng lâu càng tốt. Có một giai thoại về việc bắt một trái Snitch Vàng trong sáu tháng trên trảng Bodmin vào năm 1884, cuối cùng cả hai đội đành bỏ cuộc trong nỗi chán nản với màn thể hiện kém cỏi của hai Tầm thủ. Cho tới ngày nay, các pháp sư người Cornwall thân thuộc vùng này vẫn khẳng định trái Snitch còn nhởn nhơ trên trảng, dù tôi chẳng thể biết được thực hư câu chuyện ra sao.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Sáu (tiếp)

Tuyển thủ


Thủ Quân
Chẳng nghi ngờ gì, rằng, vị trí Thủ quân có từ thế kỷ mười ba (xem Chương Bốn) dù kể từ đó, vai trò đã dần biến đổi.
Theo Zacharias Mumps, Thủ quân

phải là người với tới giỏ gôn trước nhất bởi vì cản trái Quaffle không lọt vô trỏng là nhiệm vụ của anh ta. Thủ quân cần thận trọng khi rời vị trí của mình quá xa, phòng khi cái giỏ gôn nhà anh ta bị tấn công lúc anh ta vắng mặt. Nhưng nếu là một Thủ quân nhanh nhẹn thì có thể ghi điểm rồi trở lại giỏ gôn kịp thời cản đối thủ san bằng tỉ số. Đây là một vấn đề đối với lương tâm riêng của Thủ quân.

Hiển nhiên là vào thời của Mumps các Thủ quân chơi như các Truy thủ kèm thêm nhiệm vụ khác. Họ được phép di chuyển khắp sân đấu và được phép ghi bàn.
Tuy nhiên, khi Quintius Umfraville viết cuốn Môn Thể thao Quý tộc Giới Phù Thủy vào năm 1620, nhiệm vụ của Thủ quân đã được lược đi. Lúc này sân đấu có thêm khu vực ghi bàn và dù Thủ quân được phép bay ra khỏi khu vực ghi bàn nhằm đánh tâm lý hoặc cản đường các Truy thủ đội khác, nhưng người ta khuyến khích Thủ quân nên ở trong khu vực này, bảo vệ giỏ gôn.


Tấn thủ
Qua các thế kỷ, nhiệm vụ của các Tấn thủ dần thay đổi chút ít và có thể vị trí Tấn thủ đã có từ khi trái Bludger được đưa vào thi đấu. Nhiệm vụ đầu tiên của các Tấn thủ là bảo vệ các thành viên của đội mình khỏi trái Bludger với sự hỗ trợ của các cây gậy đánh bóng (một thời là cây chùy, xem lá thư của Goodwin Kneen ở Chương Ba). Các Tấn thủ chưa bao giờ là người ghi bàn, cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy họ từng đụng vào trái Quaffle.

Các Tấn thủ cần có sức khỏe tốt để chống trả lại những trái Bludger. Đó là lý do vì sao mà vị trí Tấn thủ, hơn bất kỳ vị trí nào khác, thường do pháp sư đảm nhận chứ không phải phù thủy. Các Tấn thủ cũng cần có khả năng thăng bằng cực kỳ tốt, vì thi thoảng họ phải thả cả hai tay khỏi chổi để thực hiện cú đập Bludger bằng hai tay.


Truy thủ
Truy thủ là vị trí lâu đời nhất trong Quidditch, bởi vì ngày trước tất cả những gì cần làm khi chơi môn này là ghi bàn. Các Truy thủ ném trái Quaffle cho nhau và mỗi lần thảy Quaffle qua vòng gôn sẽ được mười điểm.

Lần thay đổi quan trọng duy nhất là vào năm 1884, một năm sau khi vòng gôn thay thế cho giỏ gôn. Luật mới được đề ra rằng chỉ Truy thủ mang trái Quaffle mới được tiến vào khu vực ghi điểm, nếu nhiều hơn một Truy thủ ở trong khu vực này, thì bàn thắng không được công nhận. Luật này được đề ra nhằm ngăn chiêu "kèm người" (xem phần “Các chiêu Gian lận” phía dưới), sẽ có hai Truy thủ tiến vào khu vực ghi điểm và ép Thủ quân về một bên để vòng gôn trống cho Truy thủ thứ ba ghi điểm. Phản ứng về luật mới này được tường thuật trên tờ Nhật báo Tiên tri thời đó.

Truy Thủ Của Chúng Tôi Không Hề Gian Lận!
Đó là phản ứng kinh thiên động địa của người hâm mộ Quidditch trên khắp nước Anh tối ngày hôm qua khi Sở thể Thao Pháp thuật thông qua cái gọi là “Phạt đền Kèm người”.
Đại diện Sở nhìn có vẻ căng thẳng cho hay, “Những trường hợp kèm người ngày càng nhiều. Chúng tôi thấy rằng luật mới sẽ loại bỏ những chấn thương nghiêm trọng của các Thủ quân mà chúng ta chứng kiến nhiều như cơm bữa. Từ nay trở đi, sẽ chỉ có một Truy thủ nỗ lực mà vượt qua, thay vì những ba Truy thủ hè nhau dập Thủ quân. Mọi chuyện sẽ trở nên trong sạch và công bằng hơn rất nhiều.”
Nói đến đây, đại diện Sở buộc phải thối lui vì đám đông đang giận dữ bắt đầu oanh tạc tới tấp những trái Quaffle. Các pháp sư của Sở Cưỡng chế Thi hành Luật Pháp thuật đã tới giải tán đám đông đang đe dọa sẽ kèm chính Bộ trưởng Bộ Pháp thuật.
Một cậu bé sáu tuổi mặt đầy tàn nhang nhấn chìm cả cái tiền sảnh trong nước mặt.
Cậu nức nở với Nhật báo Tiên tri, “Con thích chiêu kèm người. Con cả bố con đều thích coi mấy Thủ quân bọn họ bị hạ bẹp hoàn toàn. Con chả còn muốn đi coi Quidditch nữa.”
Nhật báo Tiên tri, 22/3/1884​

Tầm thủ
Thường là người nhỏ con nhất và nhanh nhất, Tầm thủ phải vừa có con mắt nhạy bén vừa có khả năng buông một hoặc cả hai tay khi bay. Tầm thủ có tầm ảnh hưởng rất lớn tới kết quả chung cuộc trận đấu, bởi vì chỉ cần bắt được trái Snitch là sẽ giành lấy được chiến thắng dù trên bờ vực thất bại, nên Tầm thủ thường là đối tượng bị các đối thủ chơi xấu nhiều nhất. Quả thực, vị trí Tầm thủ có một sức hút khó có thể cưỡng lại, bởi trong sân đấu, trước giờ Tầm thủ là người bay tốt nhất, và thường là người bị chấn thương nghiêm trọng nhất. “Trục xuất Tầm thủ” là nguyên tắc đầu tiên trong cuốn Cẩm nang Tấn thủ của tác giả Brutus Scimgeour.


Luật chơi
Các luật sau đây đã được Sở Thể thao Pháp thuật ghi vào hệ thống luật năm 1750:
1. Dù chẳng có quy định nào giới hạn độ cao mà một tuyển thủ được phép di chuyển trong suốt trận đấu, thì vẫn không được phép lấn đường biên. Nếu có tuyển thủ nào bay quá đường biên, thì đội của anh ta phải nhường lại trái Quaffle cho đối thủ.
2. Đội trưởng có thể đề nghị “tạm ngừng” bằng cách ra hiệu cho trọng tài. Trong cả trận đấu, chỉ có quãng thời gian này các tuyển thủ mới được phép chạm chân xuống đất. Thời gian tạm ngừng có thể kéo dài trong hai giờ đồng hồ nếu trận đấu đã kéo dài hơn mười hai tiếng. Đội nào không trở lại sân thi đấu sau hai giờ sẽ bị mất tư cách thi đấu.
3. Trọng tài có quyền cho phép phạt đền. Truy thủ thực hiện cú phạt đền sẽ bay từ khu vực vòng trung tâm thẳng vào khu vực ghi điểm. Tất cả các tuyển thủ khác trừ Thủ quân của đội bị phạt phải giữ khoảng cách nhất định khi cú phạt đền diễn ra.
4. Được phép giật trái Quaffle từ tuyển thủ khác nhưng dù trong bất kỳ trường hợp nào người chơi cũng không được phép chộp nắm bất kỳ phần da thịt nào của người khác.
5. Trong trường hợp bị chấn thương, sẽ không có người thay thế. Đội chơi sẽ tiếp tục chơi mà vắng mặt tuyển thủ bị thương.
6. Được phép mang đũa phép vào trong sân đấu nhưng không được phép sử dụng đũa phép để trù ếm tuyển thủ, chổi bay của đội khác, trọng tài, banh thi đấu, hay bất kỳ người nào trong khán đài trong mọi trường hợp.
7. Một trận Quidditch chỉ kết thúc khi bắt được trái Snitch Vàng, hoặc có sự đồng thuận của cả hai Đội trưởng.

Các chiêu Gian lận
Lẽ dĩ nhiên, luật “được tạo ra là để phá vỡ”. Có bảy trăm chiêu gian lận được ghi lại trong kỷ lục của Sở Thể thao Pháp thuật, và đều được trình diễn trong trận chung kết tại mùa Cúp Thế giới đầu tiên năm 1473. Tuy nhiên, danh sách liệt kê toàn bộ bảy trăm chiêu gian lận này chưa bao giờ được công khai trước công chúng. Sở cho rằng các pháp sư và phù thủy xem xong danh sách này “chắc sẽ nảy ra ý tưởng.”

Thật may cho tôi đã được tiếp cận với những tư liệu có liên quan đến các chiêu gian lận này khi đang trong quá trình tìm hiểu cho cuốn sách này và xin khẳng định rằng chẳng có một ấn phẩm nào hiện nay là thảnh quả của bản danh sách này. Miễn là lệnh cấm sử dụng đũa nhằm hạ đối thủ còn được duy trì thì đến chín mươi phần trăm các chiêu gian lận đã được liệt kê đều không khả thi trong mọi trường hợp (lệnh cấm này được ban hành năm 1538). Mười phần trăm còn lại, cứ yên tâm là hầu hết sẽ không xảy ra kể cả khi có tuyển thủ bẩn tính nhất; ví như, “khiến đuôi chổi đối thủ bén lửa”, “tấn công chổi của đối thủ bằng gậy”, “tấn công đối thủ bằng cây rìu.” Điều này không có nghĩa là các tuyển thủ Quidditch ngày nay không chơi ăn gian. Dưới đây là danh sách liệt kê mười chiêu gian lận thường thấy. Thuật ngữ chính xác về các chiêu gian lận trong Quidditch nằm trong cột đầu tiên.

Fouls.png


Trọng tài
Giám sát một trận đấu Quidditch là nhiệm vụ chỉ dành cho những pháp sư, phù thủy gan dạ nhất. Zacharias Mumps kể rằng một trọng tài ở hạt Norfolk tên là Cyprian Youdle đã thiệt mạng trong trận đấu hữu nghị của các pháp sư bản địa vào năm 1357. Người ta chẳng thể bắt được kẻ đã phóng ra lời nguyền nhưng họ cho rằng kẻ đó là một khán giả trên khán đài. Trong khi chẳng có vụ ám sát trọng tài nào có chứng cứ xác thực từ bấy đến giờ, thì cũng có hàng loạt những vụ ếm chổi nhiều thế kỷ qua, nguy hiểm nhất là biến chổi của một trọng tài thành Khóa Cảng, khiến người này biến mất hút khi trận đấu đang diễn ra nửa chừng và xuất hiện trên Sa mạc Sahara hàng tháng sau đó. Sở Thể thao Pháp thuật đã đề ra đường lối chỉ đạo nghiêm khắc về vấn đề bảo an liên quan tới chổi của các tuyển thủ và những tai nạn bất ngờ giờ đây, ơn giời, gần như không còn nữa.

Một trọng tài Quidditch hiệu quả không chỉ là một người cưỡi chổi giỏi. Người này còn phải quan sát hết chiêu trò của cả mười bốn tuyển thủ một lúc, bởi vậy chấn thương trọng tài thường gặp là trẹo cổ. Tại những trận đấu chuyên nghiệp, trọng tài được trợ giúp bởi trọng tài biên đứng quanh đường biên, đảm bảo việc không có tuyển thủ hoặc trái banh nào vượt quá biên.

Tại Anh, trọng tài Quidditch do Sở Thể thao Pháp thuật lựa chọn. Họ phải vượt qua bài kiểm tra bay khắt khe và bài thi viết thực lực về luật Quidditch và chứng tỏ, bằng hàng loạt các bài thử nghiệm chuyên sâu, rằng họ sẽ không gây rắc rối hoặc nguyền rủa các tuyển thủ chướng mắt dù đang chịu áp lực khủng khiếp.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Gravity

Gà con
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
19/12/16
Bài viết
40
Gạo
443,2
Re: Quidditch Qua Các Thời Đại - Full - J.K Rowling

Chương Bảy

Các Đội tuyển Quidditch ở Anh và Ái Nhĩ Lan
Vì nhu cầu giữ bí mật về Quidditch với Muggle nên Sở Thể thao Pháp thuật phải hạn chế số trận đấu diễn ra mỗi năm. Trong khi các giải nghiệp dư được phép diễn ra miễn là tuân theo các nguyên tắc chỉ đạo thích hợp, thì các đội tuyển Quidditch chuyên nghiệp lại bị giới hạn về số lượng kể từ khi Liên đoàn thành lập năm 1674. Vào thời đó, mười ba đội bóng Quidditch xuất sắc nhất của Anh và Ái Nhĩ Lan được phép gia nhập Liên đoàn, những đội còn lại được yêu cầu giải thể. Mỗi năm, mười ba đội bóng lại tiếp tục tranhh tài để giành Cúp Liên đoàn.


Đội Mũi tên Appleby
Đội tuyển bắc Anh này được thành lập vào năm 1612. Màu áo của đội này là xanh nhạt, phù hiệu là một mũi tên bạc. Người hâm mộ đội tuyển sẽ đều thống nhất rằng thời kỳ hoàng kim nhất của đội tuyển là năm 1932 đánh bại đội tuyển Kền kền Vratsa đang là nhà vô địch châu Âu thời bấy giờ trong một trận đấu kéo dài mười sáu ngày với điều kiện trời mưa và sương mù dày đặc. Cách ăn mừng quen thuộc của các cổ động viên ủng hộ câu lạc bô này là dùng đũa bắn những mũi tên vào không trung mỗi lần Truy thủ đội họ ghi bàn, cách ăn mưng này đã bị Sở Thể thao Pháp thuật cấm vào năm 1894 sau khi một mũi tên xuyên vào mũi trọng tài Nugent Potts. Giữa đội Mũi tên và đội Ong vò vẽ Wimbourne có sự ganh đua dữ dội truyền kiếp (xem phía dưới).


Đội Những Chú dơi Ballycastle
Đội tuyển Quidditch danh tiếng nhất bắc Ái Nhĩ Lan này đến nay đã vô địch giải Quidditch Liên đoàn tổng cộng hai mươi bảy lần, trở thành đội xuất sắc thứ hai trong lịch sử Liên đoàn. Những chú dơi mặc áo màu đen có hình con dơi đỏ tươi choán trước ngực. Linh vật trứ danh Dơi quạ Barny cũng được biết đến là chú dơi được khắc họa trong quảng cáo Bia bơ (Barny phát biểu: Anh chỉ dơi dở vì Bia bơ!).


Đội Nỏ đá Caerphilly
Nỏ đá xứ Wales, thành lập năm 1402, mặc áo sọc xanh lá nhạt và đỏ tươi. Lịch sử cao quý của câu lạc bộ gồm mười tám lần vô địch Liên đoàn và một chiến thắng vang dội trong trận chung kết Cúp Châu Âu năm 1956 đã hạ gục đội tuyển Những Cánh diều Karasjok Na Uy. Bị quái vật Ki-mê-ra nuốt chửng trong ngày quốc lễ tưởng niệm các phù thủy, pháp sư xứ Wales ở đảo Mykonos, Hy Lạp là kết cục bi thảm của tuyển thủ danh tiếng nhất đội tuyển, Dai Llewellyn “Nguy hiểm”. Huân chương Kỷ niệm Dai Nguy hiểm ngày nay được trao vào cuối mỗi mùa giải cho tuyển thủ Liên đoàn có màn trình diễn liều lĩnh nhất và gây phấn khích nhất trong suốt trận đấu.


Đội Đại bác Chudley
Nhiều người cho rằng những ngày vinh quang của Đại bác Chudley đã qua rồi, trái lại, những fan hâm mộ hết lòng hết dạ vẫn đặt hi vọng vào thời phục hưng của đội bóng. Những khẩu đại bác đã vô địch Liên đoàn hai mươi mốt lần, nhưng lần gần đây nhất là từ năm 1892 và họ thể hiện một phong độ mờ nhạt suốt thế kỷ qua. Đội Đại bác Chudley mặc áo màu cam sáng có biểu tượng viên đạn đại bác đang vọt ra cùng một đôi chữ “C” màu đen. Tôn chỉ của đội đã thay đổi vào năm 1972, từ “Chúng ta là kẻ ngự trị” thành “Tất cả chỉ là đan tay và khẩn cầu điều kỳ diệu.”


Đội Chim cắt Falmouth
Những chú chim cắt mang áo màu xám đậm và trắng có biểu tượng đầu chim cắt trước ngực. Những chú chim cắt được biết tới là một đội chịu chơi, tiếng tăm càng vang xa hơn khi hai Tấn thủ lừng danh thế giới, Kevin và Karl Broadmoor, đã chơi trong câu lạc bộ từ năm 1958 đến năm 1969, những trò quái của hai người này đã nhận từ Sở Thể thao Pháp thuật không dưới mười bốn lần treo giò. Tôn chỉ của đội là: “Để cho chúng tôi thắng, nhưng nếu chúng tôi không thể thắng, hãy để cho chúng tôi đập nát mấy cái đầu.”


Đội Nữ yêu Holyhead
Đội Yêu quái Hollyhead là một câu lạc bộ lâu đời của xú Wales (thành lập năm 1203), là đội Quidditch độc nhất vô nhị trên thế giới chỉ mướn nữ phù thủy. Áo của Nữ yêu có màu xanh lá đậm có móng vuốt vàng kim trước ngực. Trận chiến hạ gục đội tuyển Chim ưng Heidelberg năm 1953 được coi là một trong những trận Quidditch rực rỡ nhất trước giờ. Chiến đấu ròng rã bảy ngày, trận đấu rốt cuộc cũng đi tới hồi kết nhờ màn bắt Snitch đẹp mắt của Tầm thủ đội Nữ yêu Glynnis Griffiths. Đội trưởng đội Chim ưng Rudolf Brand đã có một màn xuống chổi nổi danh khi trận đấu kết thúc và đã cầu hôn đối thủ của anh ta, Gwendolyn Morgan, người đã khiến anh chàng rung động bởi cây chổi Cleansweep 5 của mình.


Đội Chim cắt Kenmare
Đội thuộc Ái Nhĩ Lan này thành lập năm 1291, được cả thế giới ưa chuộng vì những màn trình diễn đầy sức sống từ các yêu tinh, linh vật của đội, và vì những giai điệu đàn hạc hoàn mỹ từ những cổ động viên. Những chú chim cắt mang màu áo xanh ngọc có hai chữ “K” đối ngược nhau trên ngực. Darren O’Hare làm Thủ quân cho đội Chim cắt giai đoạn 1947-60, ba lần là đội trưởng Đội tuyển Quốc gia Ái Nhĩ Lan và được cho là người đã sáng tạo ra Đội hình Tấn công Hawkshead dành cho Truy thủ (xem Chương Mười).


Đội Ác là Montrose
Những chú Ác là là đội tuyển thành công nhất trong lịch sử Liên đoàn Anh và Ái Nhĩ Lan, họ đã vô địch ba mươi hai lần. Là Nhà vô địch Châu Âu lần thứ hai, những chú Ác là đã có fan hâm mộ trên toàn cầu. Nhiều tuyển thủ nổi bật trong đội bao gồm Tầm thủ Eunice Murray (mất năm 1942) đã từng kiến nghị làm “trái Snitch bay nhanh hơn vì thế này thì dễ quá,” và Hamish MacFarlan (Đội trưởng giai đoạn 1957-68) đã đạt sự nghiệp Quidditch đỉnh cao khi đồng thời giữ chức Lãnh đạo Sở Thể thao Pháp thuật. Những chú Ác là mang áo màu đen và trắng có một con ác là trên ngực và một con trên lưng.


Đội Niềm Kiêu hãnh xứ Portree
Đội tuyển này đến từ Đảo Skye, tại đây đội đã thành lập năm 1292. “Những Niềm Kiêu hãnh”, như cách fan hâm mộ nhắc đến họ, mang áo màu tím đậm có ngôi sao vàng trên ngực. Truy thủ lừng danh nhất của họ là Catriona McCormack dẫn dắt đội dành hai lần vô địch cúp Liên đoàn những năm 1960, và chơi cho Tô Cách Lan ba mươi sáu lần. Cô con gái Meaghan của McCormack hiện đang làm Thủ quân cho đội tuyển. (Còn cậu con trai Kirley hiện là tay ghi-ta solo trong ban nhạc phù thủy đang được ưa chuộng Ba Mụ Phù thủy.)


Đội Liên bang Puddlemere
Thành lập năm 1163, Liên bang Puddlemere là đội bóng lâu đời nhất Liên đoàn. Puddlemere đã vô địch cúp Liên đoàn hai mươi hai lần và củng cố danh tiếng bằng hai lần chiến thắng Cúp Châu Âu. Bài hát truyền thống của đội là “Anh em đập Bludger đi, và liệng Quaffle đây” đã được thu âm gần đây qua giọng ca của mụ phù thủy Celestina Warbeck nhằm gây quỹ cho Bệnh viện Thánh Mungo. Các tuyển thủ trong đội Puddlemere mang áo xanh nước biển còn kham thêm hai cây cỏ chỉ xếp hình chữ thập là biểu tượng của đội.


Đội Cơn lốc Tutshill
Những Cơn lốc mang áo màu xanh da trời có chữ “T” kép màu xanh đậm trên ngực và lưng. Thành lập năm 1520, Cơn lốc đã tận hưởng thời kỳ đỉnh cao vào đầu thế kỷ hai mươi dưới sự dẫn dắt của Tầm thủ Roderick Plumpton, họ đã vô địch năm lần liên tiếp Cúp Liên đoàn, xác lập kỷ lục tại Anh và Ái Nhĩ Lan. Roderick Plumpton chơi ở vị trí Tầm thủ cho Anh hai mươi hai lần và hiện đang giữ kỷ lục là người bắt trái Snitch nhanh nhất tại Anh (ba giây rưỡi, đánh bại đội Nỏ đá Caerphilly năm 1921).


Đội Những Kẻ lang thang Wigtown
Câu lạc bộ thuộc Khu vực Biên giới Tô Cách Lan này thành lập năm 1422 do bảy người con của một pháp sư bán thịt tên là Walter Parkin. Bốn người con trai và ba người con gái tạo thành một đội hình khủng khiếp, họ chẳng mấy khi thua trận nào, nghe nói, phần vì các đối thủ sợ chết khiếp khi nhìn cảnh ông Walter đứng ngay vạch biên, một tay cầm đũa phép, một tay cầm con dao phay xẻ thịt. Hậu duệ nhà Parkin đều chơi trong đội tuyển Wigtown hàng nhiều thế kỷ qua và để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên của mình, các tuyển thủ trong đội mặc áo màu đỏ máu có con dao phay xẻ thịt màu bạc trên ngực.


Đội Ong vò vẽ Wimbourne
Đội Ong vò vẽ Wimbourne mang áo có màu vàng sọc ngang màu đen cùng một con ong vò vẽ trên ngực. Thành lập năm 1312, những chú Ong vò vẽ đã mười tám lần là nhà vô địch cúp Liên đoàn và hai lần lọt vào bán kết Cúp Châu Âu. Nghe đồn, cái tên của họ là từ một tai nạn tồi tệ xảy ra trong trận đấu với đội Mũi tên Appleby vào giữa thế kỷ mười bảy, khi một Tấn thủ bay ngang qua cái cây cạnh sân đấu đã nhìn thấy một tổ ong vò vẽ trên cành, và đánh về phía Tầm thủ của đội Mũi tên, Tầm thủ nay đã bị đốt túi bụi và buộc phải ngừng thi đấu. Wimbourne đã giành chiến thắng, sau đó quyết định chọn ong vò vẽ làm linh vật của đội mình. Người hâm mộ Ong vò vẽ (được gọi là “Tinh nhân”) có truyền thống kêu vo vo thật to khiến các Truy thủ đội đối thủ phân tâm mỗi khi làm bàn phạt đền.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên