Chương Tám
Sức Lan tỏa của Quidditch trên Toàn Thế giới
Âu Châu
Quidditch chính thức được xác nhận tại Ái Nhĩ Lan vào thế kỷ thứ mười bốn, nhờ ghi chép trận đấu của Zacharias Mumps năm 1385: “Một đội gồm những tên thầy pháp bay từ thành phố Cork tới thi đấu tại làng Lancashire và đã xúc phạm người bản xứ bằng cách đánh bại hoàn toàn những người anh hùng của họ. Những gã người Ái Nhĩ Lan này biết những mánh lới khi chơi Quaffle mà trước giờ ở Lancashire chưa từng trông thấy, và họ đã phải chạy trối chết khỏi ngôi làng khi đám khán giả bắt đầu vung đũa phép và rượt đuổi.”
Nhiều chứng cớ cho thấy trò chơi đã lan tới các vùng Châu Âu khác vào đầu thế kỷ mười lăm. Như chúng ta đã biết, Na Uy là nơi cải đạo theo môn thể thao này từ rất sớm (liệu có phải người em họ Olaf của Goodwin Kneen đã phổ biến trò chơi tại đây?) bằng chứng là đoạn thơ theo nhịp I-am-bơ do nhà thơ Ingolfr viết vào đầu những năm 1400:
Lao vun vút, ôi cao trào rượt đuổi
Trái Snitch kia ngay trước mũi tôi rồi
Sắp tóm được nên đám người láo nháo
Bludger lao và tôi đã té nhào.
Cùng thời kỳ đó, pháp sư người Pháp Malecrit đã viết những dòng sau trong vở kịch có tên
Hélas, Je me suis Transfiguré Les Pields (“Alas, Em Đã Hóa phép Đôi chân mình”):
GRENOUILLE: Hôm nay mình không thể ra chợ cùng cậu được, Crapaud à.
CRAPAUD: Nhưng mà Grenouille ơi, mình không thể mang con bò ra chợ một mình được.
GRENOUILLE: Cậu biết mà Crapaud, sáng nay mình phải làm Thủ quân. Ai sẽ cản trái Quaffle nếu không phải là mình cơ chứ?
Năm 1473 là năm chứng kiến giải Cúp Quidditch Thế giới đầu tiên, dù tất cả các nước tham gia đều là các nước châu Âu. Việc các đội tuyển từ các nước khác không hiện diện có thể quy tại tình trạng kiệt quệ của những con cú vì phải kham quá nhiều thư mời, cũng có thể tại những người được mời không muốn đi một chuyến dài lê thê lại quá ngặt nghèo, hoặc đơn giản là có lẽ họ thích ở nhà hơn.
Trận chung kết giữa Transylvania và Flanders đã ghi dấu vào lịch sử là trận đấu bạo lực nhất mọi thời đại và xác nhận kỷ lục có nhiều chiêu gian lận nhất lúc bấy giờ - ví dụ, biến Truy thủ thành con chồn hôi, cố chém đầu Thủ quân bằng đao, và cả trăm con dơi cà rồng hút máu bay ra từ áo chùng của Đội trưởng đội Transylvania.
Cúp Thế giới từ đó tới nay được tổ chức bốn năm một lần, dù đến tận thế kỷ mười bảy, các đội tuyển châu Âu mới lộ diện tranh tài. Vào năm 1652, Cúp Châu Âu bắt đầu khởi xướng, và được tổ chức ba năm một lần.
Trong các đội tuyển châu Âu xuất sắc, có lẽ đội
Kền kền Vratsa của Bun-ga-ri là đội lừng danh nhất. Bảy lần vô địch Cúp Châu Âu, Kền kền Vratsa chắc chắn là một trong những đội tuyển khiến khán giả kích động nhất, là những nhà tiên phong cho cú ghi bàn tầm xa (dứt bóng từ nơi rất xa khu vực ghi bàn), và luôn sẵn lòng cho những tuyển thủ mới có cơ hội để tự làm nên tên tuổi.
Tại Pháp, quán quân thường trực của cúp Liên đoàn, đội
Những Tay đấm Quaffle xứ Quiberon, nổi tiếng với lối chơi màu mè như chính màu áo hồng gây choáng của họ vậy. Tại Đức, chúng ta biết tới đội
Chim ưng Heidelberg, đội trưởng người Ái Nhĩ Lan tên là Darren O’Hare từng có câu nói nổi tiếng “hung hãn hơn một con rồng và bằng hai lần khéo léo.” Luxembourg luôn là quốc gia có thế mạnh về Quidditch đã sản sinh cho chúng ta đội bóng
Những Kẻ Đánh bom vùng Bigonville nổi danh với chiến thuật tấn công và luôn lọt top những đội ghi bàn nhiều nhất. Đội
Chiến hạm Chổi Braga của Bồ Đào Nha mới đây đã công phá giới tuyến đỉnh cao của môn Quidditch bằng dấu ấn mang tính đột phá trong cách dùng Tấn thủ; đội
Yêu tinh xứ Grodzisk của Phần Lan lại có Josef Wronski, có thể nói rằng đó là Tầm thủ sáng tạo bậc nhất thế giới.
Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan
Quidditch du nhập vào Tân Tây Lan trong giai đoạn thế kỷ mười bảy, tương truyền là do một nhóm Dược thảo sĩ châu Âu đến đó thám hiểm với mục đích nghiên cứu cây cỏ và nấm ma thuật. Chúng tôi nghe kể rằng sau một ngày dài thu thập mẫu vật rã rời, các phù thủy và pháp sư này đã xả hơi bằng cách chơi Quidditch dưới cái nhìn lom lom đầy hoang mang của những phù thủy bản địa. Bộ Pháp thuật Tân Tây Lan đã mất rất nhiều thời gian và tiền của để ngăn dân Muggle tìm ra ý nghĩa của nghệ thuật Maori thời đó, rõ ràng là các hình này mô tả cảnh những người pháp sư da trắng đang chơi Quidditch (những bức phù điêu và các bức họa hiện đang được trưng bày tại trụ sở Bộ Pháp thuật ở Wellington).
Người ta cho rằng Quidditch lan tới nước Úc Đại Lợi trong giai đoạn thế kỷ mười tám. Có thể nói Úc là vùng đất lí tưởng để chơi Quidditch, vì có những khoản đầu tư lớn để xây dựng nhiều sân đấu Quidditch tại nơi hẻo lánh, không người qua lại.
Các đội đối địch nhau luôn khiến khán giả châu Âu hồi hộp bởi tốc độ và sức hấp họ mang lại. Nằm trong số những đội xuất sắc nhất là
Vẹt đuôi dài Moutohora (Tân Tây Lan), đỏ, vàng và xanh là màu áo trứ danh của đội này, và linh vật là phượng hoàng Sparky.
Thần Sấm Thunderlarra và
Những Chiến binh Woollongong đã thống trị Liên đoàn Úc vào thời kỳ hoàng kim nhất thế kỷ. Sự ganh đua giữa hai đội trở thành truyền kỳ tại giới pháp thuật Úc, để mỗi khi đáp trả lại những đòi hỏi hay khoe khoang ba xạo, ai cũng sẽ nói rằng “Vâng, tôi nguyện làm trọng tài cho trận Thần Sấm-Chiến binh tới đây.”
Phi Châu
Chổi bay được các phù thủy và pháp sư châu Âu mang tới lục địa Phi khi công du qua đó để tìm hiểu về thuật giả kim và thiên văn học, các pháp sư Phi châu là bậc thầy trong lĩnh vực này. Dù vẫn chưa có nhiều người chơi như ở châu Âu, nhưng trên khắp lục địa Phi châu, Quidditch ngày càng được ưa chuộng.
Đặc biệt là Uganda nổi lên là một đất nước có phong trào chơi Quidditch sôi nổi.
Cán chổi Ngạo mạn Patonga là câu lạc bộ trứ danh nhất tại đây đã từng cầm hòa đội Ác là Montrose vào năm 1986 trong nỗi kinh ngạc của giới Quidditch thế giới. Sáu tuyển thủ từ đội Cán chổi Ngạo mạn mới đây đại diện cho Uganda thi đấu tại Cúp Quidditch Thế giới, chưa từng có câu lạc bộ nào có nhiều tuyển thủ đại diện cho quốc gia đi thi đấu như vậy. Các đội tuyển Phi châu đáng chú khác gồm
Bùa mê Tchamba (Togo), những bậc thầy về kĩ thuật chuyền bóng qua vai;
Sát nhân Khổng lồ Gimbi (Ethiopia) hai lần giành cúp Toàn Phi châu;
Tia nắng Sumbawanga (Tanzania) là đội rất được ưa chuộng với kĩ thuật nhào lộn khiến khán giả khắp thế giới đều thích thú.