Chương 2: Quái dị
Ngôi làng Lâm Thuỷ nằm ở một nơi hẻo lánh, âm u cách xa ánh sáng đô thị; dân cư lạc hậu, cổ hủ vốn đã đáng sợ. Nhưng khi chìm vào đêm đen, con đường làng chỉ còn leo lét thứ ánh sáng ngà ngà từ ba, bốn cây đèn đường lúc chớp lúc sáng còn đáng sợ hơn nhiều.
Đoạn đường trở về căn phòng trọ nơi tôi và Thanh Phong, Tâm Phương, Yến Linh mới thuê sáng nay tựa như đang kéo dài thêm hàng cây số.
Tôi là Tử Lâm, một tay nhà văn trẻ lập dị (theo như lời Yến Linh hay gọi) chuyên viết sách về những chủ đề ma mị, quái đản nên dù là bóng đêm hay những thứ tương tự cũng chẳng khiến tôi sợ hãi. Thậm chí là cả tiếng đám mèo trên nóc căn nhà nào đó vừa gào thét tựa tiếng em bé khóc trong đêm cũng chẳng làm tôi thấy run.
Nhưng chuyến độc hành tối muộn hôm nay của tôi với mục đích “hít thở không khí trong lành” và hút hết cả bao thuốc lá lại khá sai lầm.
Tiết trời mùa đông, gió lạnh không kể, mà là bầu trời tối đen một cách khủng khiếp. Và cảm ơn ánh đèn nhập nhoạng của cái làng này, nó khiến con người ta dễ trông gà hoá cuốc.
Mà chính xác thì cái “con người ta” ở đây chính là tôi. Cách đây ít phút, tôi dám khẳng định là có kẻ nào đó đang theo dõi tôi.
Sau vài tác phẩm trinh thám, tôi nghĩ mình đã bị nhiễm một chút. Giác quan của tôi khá nhạy bén. Tôi khẳng định lần nữa, hắn (kẻ theo dõi tôi) khá chuyên nghiệp. Hắn lợi dụng được bóng đêm cùng cái thứ thời tiết chỉ toàn gió rét này mà bám theo tôi dễ dàng.
Cảm giác có ánh mắt luôn đau đáu dõi theo từ phía sau luôn khiến gai ốc sởn khắp người, lạnh gáy.
Tôi buộc phải sải bước chân dài hơn để trở về nhà trọ cùng mọi người thật nhanh. Bất chợt trong giây lát, óc tò mò khiến tôi tự hỏi: “Kẻ nào đang ở phía sau tôi? Tại sao lại phải theo dõi tôi? Tôi mới chỉ đến thăm ngôi làng này sáng nay cùng vài người bạn. Chúng tôi không mang thứ gì giá trị. Vậy hắn muốn gì ở tôi?”
Một ý nghĩ điên rồ loé lên trong đầu. Trước mặt là một ngã tư, chắn bởi một cái cây khá lớn nằm ở đầu ngõ bên tay phải. Tôi đi chậm lại, rồi bất ngờ rẽ nhanh vào trong. Nép người vào mép tường một căn nhà đã tắt đèn im lìm. Chờ đợi hắn sẽ xuất hiện. Tôi sẽ tóm lấy hắn hỏi cho ra nhẽ.
Về phần tôi? Tôi chẳng ngại mấy chuyện về bạo lực. Thời còn học sinh, tôi cũng đã va chạm khá nhiều. Nên mấy vấn đề này tôi cũng không lo lắng cho lắm.
Tôi chờ một phút, hai phút vẫn chưa thấy hắn xuất hiện. Bất ngờ có một âm thanh “sột soạt” phát ra từ phía thân cây đầu ngõ. Tiếng động khá lớn nên tôi nghe thấy ngay.
Phải leo hẳn lên cây để quan sát tôi ư? Kỳ quái quá rồi đấy. Tôi quyết định rút đèn pin, tay tiện thể với luôn một thanh gỗ nhỏ trước cửa căn nhà, lao về hướng cái cây, sau đó rọi đèn pin về phía hắn. Cũng như cho hắn một phen bất ngờ.
Trên cành cây, tôi lờ mờ nhìn thấy một khuôn mặt đang lấp ló. Tôi chiếu nhanh đèn pin lên chỗ hắn đang trốn.
Một khuôn mặt tròn to, trắng bệch dần dần xuất hiện dưới mấy tán lá.
Đôi mắt to đen đặc nhìn trực tiếp vào tôi không chớp. Hết pin, ánh đèn vụt tắt. Chỉ còn mờ ảo thấy hắn đang thu mình ngồi trên cành cây. Tôi bắt đầu cảm thấy có chút bất an. Tay tôi nắm chặt thanh gỗ, nín thở.
Đột nhiên, hắn thét lên một thứ tiếng ghê rợn tựa tiếng lợn kêu. Sau đó vươn sải cánh khá rộng, bay khuất tầm mắt. Phải, đích thị tôi cũng nhìn ra. “Hắn” ở đây là con cú mèo.
Không, chính xác nhất để mô tả thì nó phải là một con cú lợn.
Khuôn mặt của nó thật đáng sợ, trắng toát. Khác với họ cú mèo, cú lợn có đôi tai rất ngắn. Thoáng nhìn rất dễ bị nhầm lẫn với mặt người nếu không chú ý cái mỏ của nó. Đôi mắt chỉ có đặc một màu đen huyền ảo. Con cú này khá lớn. Trong bóng tối, nó khiến tôi tưởng tượng ra hình ảnh một người đàn ông đang ngồi ôm mình thu lu trên cành cây chăm chú theo dõi xung quanh. Khi nó vỗ cánh bay đi, thứ nó để lại bên tai tôi là một tràng âm thanh “eng éc” vô cùng chát chúa.
Đối với những người yếu tim, bấy nhiêu đó cũng đủ để đầu óc bị ám ảnh hàng tuần lễ.
Vậy mà đâu chỉ có một mình nó. Trong khoảnh khắc đó vài giây sau, tiếng thét ghê tởm lại cất lên. Lần này là con cú khác vừa bị tôi quấy rầy.
Nó đánh rơi cái xác con mèo con một cái “bộp” ngay trước mũi chân tôi. “Bữa tối” tội nghiệp của nó bị xé phanh tan nát cả hốc bụng. Một vài nội tạng nhỏ lòi ra ngoài cùng một vũng máu.
Tôi rùng mình sởn gai ốc lần nữa. Từ trước đến nay, loài cú chỉ bắt chuột (món ăn khoái khẩu của chúng). Vậy mà cú ở cái làng Lâm Thuỷ này lại đổi “khẩu vị”, ăn thịt cả mèo sao? Thật đáng sợ.
Con cú thứ hai bay mất cũng để lại chín tiếng kêu như con đầu tiên. Nếu theo như mê tín dân gian, cú lợn (cũng là chim lợn) kêu là điềm gở. Kêu bảy tiếng thì cái chết ứng vào nam giới còn chín tiếng thì ứng vào nữ giới.
Tôi khẽ lắc đầu gạt bỏ mớ suy nghĩ mơ hồ kia ra khỏi tâm trí. Thứ tôi cần lúc này là một ly cà phê nóng, vài điếu thuốc và một chiếc giường ấm áp để ngả lưng. Cả tối nay tôi đã mệt mỏi khi cái giác quan điên rồ của chính mình cảnh báo về một kẻ không có thật đã theo dõi tôi ngay từ khi tôi bước chân ra khỏi phòng trọ.
Cuối cùng tôi cũng đã về đến trước cửa quán trọ.
Nơi đây có lẽ là quán trọ khá khẩm nhất của cái làng Lâm Thuỷ này rồi. Nó nằm trên một mảnh đất cũng khá rộng, mặt trước là căn hộ của chủ quán, bên tay trái là một cánh cổng nhỏ bằng sắt đã rỉ sét lâu ngày. Mở cổng đi thẳng vào là một con đường nền xi măng lồi lõm dẫn qua khu vườn khá rộng (nằm sau lưng căn hộ của chủ quán trọ) toàn đất đen mà chủ quán trồng vài loại cây ăn quả. Đi khoảng mười mét là tới dãy phòng trọ.
Dãy phòng trọ có duy nhất ba phòng cận kề nhau. Chúng tôi thuê hai phòng, còn một phòng bên cạnh để trống. Có lẽ bốn người chúng tôi là một trong số ít những khách thuê phòng trong thời gian gần đây của quán trọ này.
Bởi khi vừa bước chân vào hai căn phòng, những lớp bụi dày phủ kín giường, mạng nhện giăng khắp trần nhà. Hai vợ chồng chủ quán trọ phải mất hai tiếng đồng hồ để quét dọn lại phòng và thay chăn đệm mới cho chúng tôi.
Họ chẳng hề phàn nàn mà ngược lại rất vui vẻ vì chúng tôi đã trả giá thuê phòng cao hơn. Khởi đầu có vẻ suôn sẻ, tôi nghĩ vậy.
Bên kia đường, đối diện quán trọ chí ít còn có cây đèn đường thắp sáng, giúp cho bớt đi phần nào cái lạnh và lạc hậu quanh đây.
Ban sáng, khi thuê phòng xong ông chủ quán trọ có đưa cho bọn tôi mỗi người một chiếc chìa khoá cổng để thoải mái ra vào và không quên dặn: “Đi đâu cũng nên về trước mười hai giờ đêm. Dân làng ở đây không thích gặp người ngoài làng lảng vảng trước cổng nhà họ muộn như vậy đâu. Các cô cậu biết đấy, vấn đề an ninh tài sản ấy mà.”
Tôi nhìn lại đồng hồ. Mười hai giờ hai mươi phút. Có chút hỗn hào, tôi cười thầm, cho rằng lời dặn thật vớ vẩn. Ở cái làng này thì có thứ quỷ gì đáng giá để lo bị mất trộm cơ chứ? Một con gà, một quả trứng hay vài quả cam trong vườn? Nhảm nhí.
Vừa chuẩn bị mở khoá cổng thì bất ngờ tôi nhìn thấy trên then cài có gắn ba cây hương đang cháy gần hết. Mùi hương trầm vẫn phảng phất nãy giờ. Bởi vì có gió nên tôi không nhận ra hương thơm toả ra từ đâu.
Sự khó hiểu bỗng dưng tràn ngập trong đầu.
Chợt có tiếng mèo kêu phá tan sự yên tĩnh xung quanh. Tiếng kêu “meo” rất ngắn mà lại có cảm giác vang vọng trong đầu. Nghe vừa thực vừa hư đến lạnh sống lưng. Tôi bị giật mình quay cả người lại.
Bên kia đường, dưới chân cây cột đèn, một con mèo đen đang ngồi hướng mắt về phía tôi.
Ánh sáng đèn đủ để tôi quan sát thấy nó là một con mèo khá lớn. Nó ngồi yên như bất động, không kêu một tiếng nào nữa. Duy chỉ có đôi mắt xanh của nó là sáng đến đáng sợ.
Trong tôi lúc này là cảm giác bồn chồn, lo lắng và xen chút sợ hãi. Mất vài giây định thần lại, con mèo đen vẫn ngồi im như thể đang quan sát tôi. Tôi bất động, nó cũng bất động.
Suy nghĩ trong đầu hiện giờ mông lung đủ thứ. Giữa đêm màu đông rét buốt, lũ mèo sao lại mò ra ngồi giữa đường giờ này? Tôi chợt nghĩ: “Hay là ma?” Rồi tôi dập tắt ngay suy nghĩ vớ vẩn ấy. Ma quỷ không có thật.
Tôi quyết định từ từ bước sang bên kia đường, tới chỗ con mèo đen. Chí ít nó cũng dễ thương, mà rét buốt thế này tội nghiệp cho nó. Tôi đi được nửa đường, nó vẫn không di chuyển. Đến khi chỉ còn cách mấy bước chân thì nó bật dậy bỏ chạy, phóng mình lên bờ tường căn nhà đằng sau, rồi mất hút cùng với màu đen của bóng đêm cũng như chính màu lông của nó.
View attachment 18239
Có chút hụt hẫng, tôi nhìn theo hướng bờ tường nơi nó vừa chạy qua. Thứ đập vào mắt tôi là cánh cổng căn nhà này, nơi then cài, cũng gắn ba cây hương cháy dở gần hết.
Chuyện ma quỷ gì đang diễn ra ở nơi đây vậy? Tôi chạy tới cổng các căn nhà xung quanh kiểm tra thử. Tất cả đều có gắn ba cây hương cháy gần hết như nhau.
Vậy chứng tỏ có ai đó, không, phải là nhiều người cùng đốt và gài lên then cổng cùng khoảng thời gian thì các cây hương mới cháy đến cùng một giai đoạn như thế.
Hàng tá suy nghĩ lại đổ ập lên đầu tôi lúc này. Theo chút ít kiến thức tôi được biết về việc thắp hương thì ở triều đại nào, thời kỳ nào cũng thấy nhang, hương được thắp ở khắp nơi từ nhang vòng trên các bát sứ và lư đồng hay nhang nén được cắm vào những bát nhang gốm sứ dưới những chân tường, bệ tượng, gốc cây, hòn đá,… khi chưa thắp gọi là nhang, thắp rồi là cây hương. Nhưng tôi chưa từng thấy nơi đâu có phong tục kỳ quái đến thế này.
Đây là loại hương nhà, mỗi cây cháy hết trong khoảng ba mươi phút. Vậy tính theo thời điểm tôi nhìn đồng hồ và thời tiết có gió thế này. Hẳn là họ thắp hương đồng loạt lúc mười hai giờ đêm (thời điểm mà theo tín ngưỡng không bao giờ được phép thắp hương).
Rồi, rồi, hẳn là một buổi tối “vui vẻ” đối với tôi. Đầu tiên là gặp cú lợn ăn thịt cả mèo, sau đó là con mèo đen “thân thiện” giúp tôi phát hiện ra thêm một vụ nữa là dân làng thắp hương lúc mười hai giờ đêm rồi gắn trên cổng.
- Tôi nhớ là đã nhắc tất cả các cậu lúc sáng nay là không được lang thang trong làng lúc tối muộn rồi cơ mà. - Giọng ông chủ quán trọ đang đứng trước cổng ngắt mạch suy nghĩ của tôi.
- Cháu xin lỗi. Hồi tối cháu đi dạo, chẳng may lạc đường. May mắn sao vừa về được đến đây. - Tôi lấp liếm, cười trừ.
- Dân làng ở đây không thích người lạ lảng vảng, tôi dặn rồi. Mà cũng một phần tôi lo cho đám du khách các cậu thôi. - Ông ta vừa nói vừa quay lưng lại với tôi mở khoá cổng, tôi phát hiện ông ta rút vội ba cây hương cháy hết nhét nhanh vào túi quần. - Cậu cũng biết rồi đấy, làng tôi nằm cạnh khu rừng. Đêm xuống ít người, chỉ sợ gặp chó hoang từ rừng mò xuống. Lúc đấy thì các cậu tiêu đời, mà chúng tôi cũng bị liên luỵ.
Tôi cảm ơn qua loa rồi chào ông ta đi về phòng trọ. Tôi cũng không có ý định hỏi ông ta về vụ mấy cây hương. Vì hẳn ý của ông ta cũng đang giấu giếm chuyện gì rồi. Có hỏi cũng bằng thừa mà còn bị cảnh giác.
Trong đầu tôi lại chợt loé lên cuộc gặp gỡ với ông lão bán hàng nước ban sáng, khi bọn tôi vừa đặt chân đến làng.
Đó là một ông lão khoảng hơn bảy mươi tuổi. Dáng người cao, gầy. Mái tóc và đôi lông mày đều đã bạc trắng. Khuôn mặt hằn lên nhiều nếp nhăn của tuổi tác.
Ông lão từ đầu đến cuối câu chuyện đều mang chủ ý đuổi chúng tôi về. cả bốn người chúng tôi đều bắt đầu cảm thấy khó chịu và bực mình với ông ta.
Những lời nói của ông lão luôn mang hàm ý chế giễu chúng tôi “ngu ngốc”, “ham vui” và “đua đòi”. Đến đây tham quan ngôi làng và khu rừng này chỉ vì mấy lời đồn đại nhảm nhí.
Ông lão cho chúng tôi hay, khu rừng của làng tên thật là rừng Luân Hồi. Một cái tên khá “kêu” (theo lời Thanh Phong và Yến Linh nhận xét). Sau tin đồn thất thiệt về cô ca sỹ cũng như bài hát nào đó mà ông ta không hề biết, đã có rất nhiều thanh niên tầm tuổi bọn tôi tới đây và bắt đầu làm “rối loạn” cả làng. Thái độ của ông lão càng lúc càng khó chấp nhận khiến cho Yến Linh tức giận đến nỗi xô ghế đứng bật dậy, bỏ ra ngoài.
Tôi nhắc Tâm Phương và Thanh Phong đuổi theo Yến Linh, tôi thanh toán tiền rồi ra sau. Chính tôi cũng không thích thái độ và lời nói khó nghe của ông lão. Thật là một ông già lẩm cẩm và khó ưa!
Mọi người vừa đi được cách xa một quãng, ông lão bỗng dưng bắt chặt lấy cánh tay tôi, hai mắt trợn lên và nói:
- Lũ trẻ ngốc này, ta thấy ở đây cậu là kẻ chín chắn hơn ba đứa chúng nó. Ta khuyên cậu thật lòng, cố gắng cùng chúng rời khỏi làng này đi. Càng sớm càng tốt. Ta không thể nói rõ nguyên nhân vì bọn chúng rình rập, theo dõi ở khắp nơi. Ta cũng không mong cậu tin ta ngay lúc này. Nhưng nhớ lời ta dặn đây: Đừng tin một ai trong làng cả. Một tuần nữa là ngày trăng tròn. Máu đỏ sẽ nhuộm đất. Rừng Luân Hồi chính là cánh cổng. Đừng cố vào rừng những ngày này, nếu có chuyện gì xảy ra. Ta không giúp được đâu. Hắn đến rồi. Nhớ dặn bạn cậu cẩn thận. Hắn rất nguy hiểm và đáng sợ không lường hết được đâu. Ta không thể nói thêm được gì nữa. Sớm muộn cậu cũng sẽ tự đến tìm gặp ta thôi.
Thái độ ông lão có vẻ thay đổi, giọng nói có vẻ run rẩy khi nhắc đến người kia. Sau đó ông ta buông tay tôi rồi đi vào trong. Những lời ông ta vừa nói tôi chẳng hiểu nổi chút nào.
Nhìn ra phía ba người bạn tôi đang đứng, tôi thấy họ đang nói chuyện với hai người đàn ông. Một người tuổi trung niên, dáng thấp, béo, ăn mặc lịch sự và có phần “hiện đại”, có lẽ không phải người ở đây. Đứng sau ông ta là một anh thanh niên cỡ lớn hơn chúng tôi vài tuổi, dáng người dong dỏng, điệu bộ có phần “khúm núm”.
Vậy ra câu nói “hắn đến rồi” của ông lão là ám chỉ một trong hai người đàn ông kia. Và “hắn” ở đây là kẻ nào mà khiến “cụ già khó tính” của tôi cũng phải run rẩy đến thế?