(Ảnh: Minh Anh)
Các bạn đọc Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Alexeevich Ostrovsky chưa nhỉ? Có nhớ tên nhân vật hông? Có nhớ nội dung hông? Và liệu... bạn có thể viết đôi dòng cảm nhận, hay đơn giản là tóm tắt về tác phẩm ấy, một cách bài bản nhất không?
Câu trả lời của mình cho tất cả các câu hỏi trên là: Không.
Mình nhớ có nhân vật tên Paven, có hình ảnh một con người đau ốm bệnh tật, có hình ảnh những đường ray xe lửa, nhưng thế không đủ để mình dám khẳng định là mình đã đọc Thép đã tôi thế đấy.
Mình nhớ mang máng nội dung nói về cuộc sống gian khổ và ý chí đấu tranh của những thanh niên Xô Viết thời chiến tranh, nhưng như thế không đủ để mình dám khẳng định là mình đã đọc Thép đã tôi thế đấy.
Mình đã đọc nhưng lại vô cùng xấu hổ khi thừa nhận điều đó. Bởi lẽ, mình chả nhớ gì, ngoài những con chữ trên. Và xin nói lại là mình cũng không chắc là mình nhớ đúng.
Nhiều bạn đọc rất nhiều, thậm chí rất rất nhiều. Và mình tự hỏi liệu bạn nhớ được bao nhiêu trong số sách mà bạn đã đọc.
Mình có anh bạn, hơn mình gần một giáp, đọc quyển Tạp văn Phan Thị Vàng Anh mà mất hơn một tuần vẫn chưa xong. Chị bạn hỏi: "Cụ xơi mãi chưa hết chị Vàng Anh à?", hoặc chị khác hỏi: "Nhai mãi vẫn không xong à? Dai nhỉ?". Và anh ấy trả lời có ý như này: "Em nhấm chậm lắm, mà còn nhai đi nhai lại. Mỗi câu mỗi chữ đều đặt câu hỏi: sao cô ấy lại dùng từ này, nếu thay từ khác vào thì sao...? Đọc đoạn sau lại quay lại đoạn trước để nghĩ xem nó liên kết thế nào." Theo mình, đây là một cách đọc đáng học hỏi, đặc biệt là nếu bạn có ý định theo nghiệp viết lách. Đừng nhủ bụng: Già thế mà không đọc vậy mới lạ. Nào có, tuổi tác chẳng ảnh hưởng gì đến tốc độ "luyện" một quyển sách, có chăng là người ta khó tính hơn với con chữ, với nội dung và với tác giả.
Một cô bạn khác, nhỏ tuổi hơn mình, hình như thích viết lách thật. Cứ đọc xong một quyển sách là cô ấy có ngay bài cảm nhận. Điều này quả thật không dễ nếu bạn không thật sự thích đọc cũng như không thật sự thích viết, và hơn hết là bạn phải thích viết về quyển sách mà bạn thích đọc. Có lẽ các bạn sẽ hỏi: Cô ấy đọc sách gì?. Mình xin thưa, chủ yếu là ngôn tình Trung Quốc, hoặc ít nhất là mình thấy như thế. Theo mình, đây là một cách đọc cũng đáng học hỏi, nếu bạn đọc quá nhiều mà lại không có trí nhớ tốt. Đừng nhủ bụng rằng, ngôn tình có gì hay ho mà cảm với chả nhận. Nào có, thể loại văn thơ nào cũng có giá trị nhất định đối với một số người, vả chăng là bạn có đang đứng trong đối tượng độc giả mà nó hướng đến hay không thôi.
Thêm một bạn nữa nhé? Bạn này, mình không quen, chỉ biết, biết ít hơn cả sơ sơ. Bạn ấy đọc nhiều, rất nhiều truyện, đặc biệt là ngôn tình Trung Quốc. Cứ hỏi đến các tình tiết abc... xyz trong truyện là bạn ấy nói ro ro tên nhân vật, tên tác giả, tác phẩm... E hèm... Sẽ có một vài người cho rằng biết cái này nhiều thì không có gì đáng ngưỡng mộ. Mặc dù mình không hoàn toàn mê mẩn ngôn tình Trung Quốc, nhưng mình thật sự ngưỡng mộ bạn ấy. Đúng vậy, không phải cứ là chuyên gia của lĩnh vực gì ghê gớm thì mới đáng ngưỡng mộ. Chỉ riêng "chuyên gia" thôi thì cũng đáng ngưỡng mộ, dù là chuyên gia đọc ngôn tình hay chuyên gia làm thơ tình... tán gái.
Quay lại tiêu đề bài viết: Thái độ đọc sách.
Bài này, trước hết là viết cho mình: Chỉnh đốn và nhắc nhở thái độ đọc sách của bản thân. Mình cần đọc chậm và cần viết lại đôi dòng cho những sách đã đọc. Sau nữa, mình hi vọng các bạn, dù đọc nhanh hay chậm, nhiều hay ít thì khi nhắc đến một tác phẩm mà mình đã đọc, sẽ không buột miệng nói rằng: Tao đọc rồi mà tao chả nhớ nó như thế nào nữa...
Hi vọng rằng sẽ không có độc giả nào phải nhen nhóm nỗi xấu hổ như mình khi nhắc đến Thép đã tôi thế đấy.
Chỉnh sửa lần cuối: