Giới thiệu truyện dài: Chuyện chưa kể của Tuyên Phi -
Ivy_Nguyen
"Chuyện chưa kể của Tuyên Phi" của
Ivy_Nguyen dù vẫn chưa đi đến hồi kết nhưng tác giả đã vạch ra rất rõ ràng cốt truyện có 4 phần. Phần đầu viết về thời thơ ấu thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng đầy kỉ niệm đẹp của Hân (Huệ) và Vũ (Bảo) khi còn ở trấn Sơn Nam. Phần hai là những sóng gió bất ngờ ập đến phá tan những tháng ngày êm đẹp của cả hai. Phần ba kể về cuộc sống của Hân sau khi từ bỏ thân phận tiểu thư con nhà danh giá để trở thành Huệ - con gái của thầy đồ Đặng. Và phần cuối cùng tác giả viết về những sóng gió trong cung cấm khi Huệ tiến phủ chúa và khoác lên mình chiếc áo Tuyên Phi.
Xuyên suốt truyện sợi dây tình cảm lúc gần lúc xa, lúc mờ ảo lúc sâu đậm của hai nhân vật chính. Tuy nhiên tình yêu nam nữ không phải là tất cả những gì tác giả muốn gởi gắm, có chăng mối tình giữa Huệ và Bảo chỉ cái cớ để tác giả dẫn dắt câu chuyện. Do đó chúng ta có thể dễ dàng nhận ra trong tác phẩm của mình
Ivy_Nguyen đã xây dựng rất nhiều mối quan hệ cảm động giữa cha-con, thầy-trò, chủ-tớ, chị-em... Mỗi nhân vật, mỗi mối quan hệ tác giả không tô vẽ nó quá đậm màu nhưng cũng không quá nhạt, vừa đủ để để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên. Chính vì lối viết truyện "không trộn màu" như vậy nên truyện của
Ivy_Nguyen cho độc giả cảm giác rất chân thực, thực như cuộc sống của người dân Đại Việt thế kỉ XVII, thật như lòng người thâm sâu khó lường...
Kết cục của Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong lịch sử chắc hẳn ai cũng biết và điều tôi thích thú nhất ở tác phẩm này chính là cách xây dựng diễn biến tâm lí nhân vật. Tác giả đã không màu mè, không sa vào giải thích nhiều về nội tâm mà chỉ cần dùng vài câu nói ngắn gọn, vài chi tiết đơn giản đã có thể cho người đọc cảm nhận được hết những phức tạp trong suy nghĩ của nhân vật. Qua ngòi bút của tác giả, người đọc có thể ấn tượng với nhiều nhân vật như thằng Ốc với những bông hoa lụa giấu trong áo, như thằng Lân suốt ngày đòi "bán chị" nhưng khi xảy ra chuyện thì nhất quyết bảo vệ chị mình đến cùng hoặc có thể sẽ mỉm cười với những tình cảm dễ thương của hai nhân vật chính xoay quanh hình ảnh bát cháo cám lợn... Riêng tôi, điều gây cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất cho đến lúc này chính là câu nói của Huệ với thầy đồ Đặng khi cô muốn tiến cung để đổi lấy tiền thuốc thang cho thầy mình:
"Thầy nói gì vậy, con không báo ân, con cái sao có thể báo hết cái ân của cha mẹ, con là báo hiếu thầy ơi. Thầy để con đi, để con được tận hiếu với thầy".
Thành ngữ Việt Nam có câu
nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ, có nghĩa
một ngày làm thầy, cả đời là cha để tôn vinh người thầy, ý nói công lao dạy dỗ của họ sánh ngang với núi Thái Sơn, cao cả như đức cha trong đời mỗi người con đất Việt. Với Huệ, thầy đồ Đặng dù không không sinh ra cô nhưng ông đã cho cô một cái tên, một thân phận, thậm chí ông đã "hi sinh" đứa con gái bạc mệnh của mình để cứu cô thoát chết khỏi tay người cha ruột Đỗ Minh. Có người sẽ cho rằng thầy đồ Đặng đương nhiên phải làm thế vì cha con họ chịu ơn cô nhiều, nhưng dù ơn có cao đến mấy cũng không thể sánh bằng khúc ruột.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Đối với gia đình của Huệ, cô coi họ là máu mủ, nhưng với họ cô chỉ như nước lã nếu cần có thể hất đi nhưng đau đớn thay khi cái chết cận kề trước mặt Huệ mới chua xót nhận ra điều đó. Với thầy đồ Đặng, cưu mang Huệ tức là mang họa nhưng ông vẫn đưa tay về phía cô, dịu dàng xoa đầu cô như một người cha mong muốn mang lại sự bình yên cho con mình
"Đứa bé này, sao nghĩ nhiều cho người khác thế. Nghĩ cho bản thân mình đi, từ giờ con là con gái ta, chỉ cần nhớ như thế là đủ.". Cha mẹ sinh ra cô nhưng người dạy cho cô đạo lí làm người lại chính là thầy đồ Đặng, bởi vậy trong lòng Huệ, thầy đồ Đặng chính là Cha, là người đã sinh ra cô lần thứ hai. Chính ở thầy đồ Đặng, Huệ đã hiểu được một điều: người thực sự xem cô là con sẽ không vì lí do gì mà bán cô đi hay xem cô như con chốt thí trên bàn cờ, là món hàng trên con đường mua quan bán tước...
Huệ đã sống một cuộc đời không sung sướng nhưng hạnh phúc và yên bình bên gia đình thầy đồ Đặng. Ở vùng quê này, cô không còn là tiểu thư nhưng cũng không phải là đầy tớ, cô dù không được mang tên thật của mình, không ăn mặc lụa là đẹp đẽ nhưng bù lại cô được sống, được bảo bọc bởi một gia đình đúng nghĩa, được làm tròn bổn phận của người con, đóng vai một người chị gái yêu thương em trai hết mực. Đó chính là hạnh phúc!
Việc làm của Huệ là “báo ân hay báo hiếu”, chính bản thân Huệ cũng không rõ. Huệ chỉ biết rằng, ngày nào cô còn mang họ Đặng, ngày đó cô nguyện hi sinh vì gia đình này vì
“dù sao cô cũng sống ở nơi này năm năm trời, nơi này còn có gia đình cô, có thầy, có em trai, có những người thực sự yêu thương cô”.
Con đường phía trước mây giăng mù mịt, chính bản thân Huệ cũng không nhìn thấy ánh mặt trời nhưng Huệ vẫn cứ bước đi, vì cô đã không còn đường lui, và vì cô hi vọng lựa chọn của mình sẽ ít nhiều giúp được cha và em. Cánh cổng son đỏ từng hiện ra trong giấc mơ của Huệ, ám ảnh cô suốt một thời nay đã dần hiện ra trước mắt. Phải chăng đó là khởi đầu của những sóng gió mới?!
“Chuyện chưa kể của Tuyên Phi” không thiếu những tình tiết đấu đá, tranh quyền lợi nhưng trong chính xã hội phong kiến đang trong quá trình mục ruỗng với nhiều thói hư tật xấu của người đời ấy lại nổi lên những điểm sáng. Đó chính là tình người. Là tình cảm trong sáng của Hân và Vũ, là sự cưu mang không vụ lợi của thầy đồ với Hân, là sự hi sinh của Huệ đối với gia đình… Tất cả những điều này đã làm nên một tác phẩm hay và chân thực.