Vạn Dặm Hùng Ca - Cập nhật - Tại Tâm

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Tên truyện: Vạn dặm hùng ca
Tác giả: Tại Tâm
Tình trạng sáng tác: Cập nhật
Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: 1 chương 1 tuần
Thể loại:xuyên không, truyện lãng mạn lấy bối cảnh lịch sử triều Lý.
Độ dài: 50 chương.
Giới hạn độ tuổi đọc: không
Giới hạn nội dung: không nên và không thể đánh đồng truyện với chính sử.
Nhân vật Thiên Cảm hoàng hậu trong truyện thuộc về sử sách
Và về tôi

Giới thiệu nội dung:​
Ngẩng đầu coi
Trăng sáng buổi đầu soi thành cũ
Lầu cao nghiêng ngả
Rượu nhạt hương phai biết tìm đâu?
Họa từ trong nhà không tránh nổi.
Hùng ca vạn dặm
Bi ca một đời.

Giang sơn Đại Việt muôn phần tú lệ, bình Chiêm Thành, diệt giặc Nùng, vạn dặm hùng ca vọng mãi muôn đời. Lý Thái Tông - một vị vua kiêu hùng cùng cô gái trở về từ ngàn năm trước, giữa họ là một cuộc hôn nhân chính trị.
Mưu kế trùng trùng, máu chảy thành sông, xác tiên hoàng còn chưa lạnh, cốt nhục đã tương tàn, tang thương khôn xiết kể. Ai mưu đoạt, ai lợi dụng? Ai vượt thời gian ngàn năm, ôm mối duyên sâu nặng khó đứt rời ?
Từ một tiểu thiếp bên người hoàng đế đến Thiên Cảm hoàng hậu - người đưa gia tộc họ Dương bước lên đỉnh cao quyền lực, nàng là người yêu tự do nhất cũng thiếu tự do nhất.
Thăng Long là chốn rồng bay lên, thế nhưng thiên hạ này vốn chỉ có một con rồng, kẻ sinh ra mang chân mệnh thiên tử, người còn lại, dù có tài ba tuyệt thế, cũng phải cam chịu số phận chiếc bóng vô danh, vĩnh viễn chìm sâu vào bóng tối.
Dực Thánh Vương ( Lý Dực ) hùng tài thao lược, như hùng ưng trên cao, rong ruổi khắp sơn hà, liệu có từ bỏ tham vọng?
Khai Quốc Vương ( Lý Long Bồ) tuổi trẻ tài cao chẳng kém huynh trưởng, người người ca tụng, vì đâu cam chịu quỳ gối xưng thần?
Thăng Long, rồng bay lên, thành bị vây bởi sông, người bị vây trong thành, vốn đã chẳng có lối thoát.
Thời gian xoay chuyển, đến vầng trăng còn chẳng thể sáng như xưa.

Giới thiệu nhân vật:
Nhân vật chính: Lý Thái Tông ( Lý Phật Mã)- Thiên Cảm hoàng hậu ( Dương thị) ( trong truyện là Dương Tố Nghi còn gọi là Tố Tố)
Các nhân vật khác: Khai Quốc vương, Uy Minh Vương, Dực Thánh Vương Lý Dực, Đông Chinh Vương Lý Lực, Lý Thánh Tông ( Lý Nhật Tôn ), Lý Thường Kiệt ( Ngô Tuấn), Thượng Dương hoàng hậu Dương Hồng Hạc, Ỷ Lan nguyên phi....

Danh mục tham khảo: sẽ cập nhật và thống kê sau.
Mục Lục
 
Chỉnh sửa lần cuối:

purple.lavend3r

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
11/10/16
Bài viết
24
Gạo
0,0
Chờ đợi tác phẩm của bạn!
 

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Ninh-Binh1000-400x280.jpg

Nguồn ảnh : Internet
Vạn dặm hùng ca- Chương 1- Niên thiếu

Phủ Trường Yên.
Năm Thuận Thiên thứ 17 đời vua Lý Thái Tổ .

Ai ở Trường Yên đều biết Dương tướng quân có một người con gái suốt ngày bỏ nhà ra đi nhưng đều bị bắt về, cuối cùng bị cấm túc ở nhà quanh năm ngày tháng.
Đứa con gái đó chính là tôi.
Việc lạc đến thời đại này như một cơn ác mộng, hãy thử tưởng tượng thật tồi tệ khi một sớm bạn tỉnh dậy trong môt căn nhà lạ, ở một thời đại xa lạ và phải chịu đựng một người cha khắc nghiệt.

Tôi họ Dương, tự Tố Nghi, gia tộc tôi có truyền thống theo nghiệp binh đao, từng có thời quyền khuynh thiên hạ, vinh hiển đến tận bây giờ. Cha tôi Dương Đức Thành lẽ dĩ nhiên cũng là một võ tướng nhưng tham vọng của ông vượt xa chức Thượng tướng quân mà ông đang nắm giữ. Ông luôn muốn đưa họ Dương trở về thời Dương Đình Nghệ, Dương Vân Nga, dùng võ an thiên hạ, dùng sắc trấn sơn hà. Huynh trưởng tôi Dương Đạo Gia tìm mọi cách để thoát khỏi sự kiềm chế của ông, năm ngoái đã lên Thăng Long làm một quan văn. Nhị huynh của tôi Dương Đức Uy từ nhỏ đã đam mê binh nghiệp, đối với huynh ấy, cha tôi đặt rất nhiều kỳ vọng. Tôi là nữ nhi với gia thế như vậy, tất nhiên không thể lớn lên bình thường như các tiểu thư khác. Từ nhỏ, cha bắt tôi cầm kiếm trước khi cầm bút, đọc binh thư trước khi học nữ công và những trận đòn roi thay cho lời giáo huấn.
Hôm nay, tôi đọc không thuộc binh thư, giữa ngày đông giá rét phải bê chậu nước mà quỳ trước thư phòng cha. Ngày mẹ tôi còn sống, người sẽ xin cha tha cho tôi nhưng từ ngày mẹ không còn, tôi chỉ có thể cắn răng mà chịu, bàn tay lạnh đến không còn cảm giác.

Nếu Khai Quốc vương Lý Long Bồ, người cha tôi coi trọng nhất Trường Yên tới chơi, tôi may ra có thể thoát tội. Từ năm 13 tuổi, hắn đã từ Thăng Long về trấn thủ Trường Yên, từng cùng cha tôi đánh đông dẹp bắc, trăm trận trăm thắng. Mỗi lần hắn qua chơi, tâm tình cha tôi sẽ tốt lên. Năm trước, sau khi đánh châu Đô Kim, hắn đến thăm, mang cả hơi thở của vùng đất ấy đến chỗ tôi.
- Châu Đô Kim là nơi thế nào vậy? - Tôi nằm vắt vẻo trên cây, tò mò hỏi.
Hắn tươi cười giơ ra mấy quả cam sành:
- “Chẳng chua cũng thể là chanh
Chẳng ngọt cũng thể cam sành Hàm Yên.”

Đô Kim là nơi sản vật vô cùng phong phú. Tôi nghe vậy cười hì hì tụt xuống từ trên cao, một loáng là ăn hết mấy thứ quả đó.
- Cam ngọt mát quả là hiếm thấy, có thể đem về trồng ở đây không?
Hắn lắc đầu:
- Cam này chỉ phù hợp trồng ở nơi có khí hậu tốt như Đô Kim thôi.
- Huynh sướng thật đấy, có thể mặc sức tung hoành.
Tôi nhớ đến hình dáng oai phong lẫm liệt của hắn, cả lúc hắn cười ngượng ngùng, lòng chợt ấm áp lên hẳn. Gió rét thúc sau lưng cũng bớt gào rú.

Năm nay lâu rồi hắn không tới, tôi thì bị cấm túc trong nhà. Tôi đang nghĩ miên man, lòng có chút buồn bực, thị nữ A Dung của tôi đã vui mừng chạy đến.
- Tiểu thư, Khai Quốc vương đến rồi. Lão gia lệnh cho tiểu thư pha trà tiếp khách.
Tôi như nắng hạn gặp mưa rào, mừng muốn rơi lệ. A Dung đỡ tôi đứng dậy đi sửa soạn y phục. Tôi thay bộ viên lĩnh trường tụ màu tím nhạt, tóc tết đuôi sam, xinh xắn như một con bướm nhỏ, nhìn thế này ai có thể liên tưởng đến cô bé nhếch nhác quỳ gối một canh giờ trước.
Lúc tôi đến thư phòng, cha đang cùng vương gia chơi cờ tướng. Lần đầu tôi thấy cha bị chiều tướng mà vẫn điềm nhiên.
- Kỳ nghệ của vương gia càng lúc càng xuất chúng, lão phu bội phục.
- Là tướng quân đã nhường.
Hắn cúi đầu, nói một cách cung kính. Ngay cả khi cúi đầu cũng có tư thái cao ngạo khó ai có thể bì kịp.
Tôi thấy thế, tươi cười tiến lại:
- Cha và vương gia ngơi tay ăn thử bánh mật Tố Tố mới học được.
Tôi tự hào chỉ vào bánh như một khối ngọc trong suốt gói trong lá dong. Hắn nếm thử sau đó uống một ngụm trà ướp hương nhài.
- Bánh đậm vị mà ngọt sắt, quả là mĩ vị nhân gian.
Cha vuốt râu, có vẻ tự hào . Một lúc sau, cha có việc ra ngoài, dặn tôi ở lại tiếp đãi vương gia.

Tôi chỉ chờ có vậy, liền kéo hắn ra ngoài, đã lâu rồi tôi không được bước chân khỏi cửa. Tôi leo lên con ngựa màu mận chín còn hắn cưỡi một con tuấn mã màu tía tên là Tiểu Bảo. Lúc không có ai, chúng tôi giống như những người bằng hữu tốt, chẳng cần câu nệ.
Con ngựa của tôi hí một tiếng to rồi phi nước đại. Hắn tuy xuất phát sau nhưng lại phóng nhanh hơn tôi.Từ nhỏ tới lớn, lần nào gặp tôi với hắn cũng đấu nhau một trận sống mái. Hắn bắn cung giỏi hơn tôi, đánh võ luôn thắng tôi, phi ngựa cũng tốt hơn, tôi mãi chẳng thể nghĩ ra mình hơn được hắn cái gì.

Ngựa càng phi nhanh, không gian trước mặt càng mở ra đến vô cùng vô tận. Nương dâu mái tranh, dòng sông Hoàng Long lững lờ trôi, màu xanh của nền trời màu nâu của đất mẹ, và máu áo của hắn, như hợp thành một thể . Những người nông dân chất phác nhìn thấy hắn đều vui mừng. Có một ông lão nông phu còn gọi với theo:
- Vương gia có rảnh thì qua nhà lão ăn cơm.
Hắn vui vẻ đáp lại:
- Lão đã nói vậy thì tối nay con qua được không?
Ông lão gật đầu, luôn miệng nói được, được. Năm ngoái Khai Quốc vương đánh thắng giặc, hắn không nhận một chút tiền thưởng nào, tất cả đều dùng để mua thóc gạo cho dân nghèo, nhờ đó mà lão có một mùa đông không lo bị đói.
Đối với họ, hắn không chỉ là vương gia, là quan trấn thủ, mà còn là con, là thân nhân. Trường Yên đã nuôi dưỡng ra một người con xuất sắc như vậy nên quanh năm trù phú ấm no.
Mặt trời sắp lặn, chúng tôi dừng ngựa, ngồi xuống triền cỏ ven sông.
- Muội đưa tay ta xem.
Những ngón tay tôi chẳng hề mềm mại, chỉ có những vết chai do tập kiếm. Hắn tỉ mỉ xem từng ngón, bàn tay to lớn ấm áp của hắn nắm chặt bàn tay tôi.
- Muội tập chăm chỉ như vậy, chắc cũng sắp đánh thắng ta rồi.
Tôi lườm hắn, không đáp.
- Muội năm nay đã mười lăm tuổi, đừng giận dỗi như trẻ con thế. Muội giỏi hơn ta để làm gì chứ, đằng nào sau này ta cũng sẽ bảo vệ muội.
Hắn đặt vào tay tôi một con dao găm có chuôi khảm ngọc lam. Tôi tò mò xem thử, lưỡi dao sắc bén, chạm vào lành lạnh.
Tôi ngẩng đầu nhìn hắn, nhưng hắn không nhìn tôi nữa. Hắn nhìn sông núi xa xa, dưới những áng mây bàng bạc. Cả ráng chiều đỏ au ôm trùm lấy hắn, tôi không thể nắm bắt được những suy nghĩ của hắn, thứ tôi nắm được chỉ là hư vô.
Tôi bỗng có dự cảm không tốt, tự nhiên vô thức kéo kéo tay áo hắn. Tôi không hiểu những suy tính của cả cha lẫn người trước mặt. Hắn dịu dàng hôn lên tóc tôi. Tôi vùi đầu vào ngực hắn. Tôi không biết khóc, nhưng hắn vẫn cứ xem như tôi đang khóc mà vỗ về.

Trời mùa đông tối nhanh, vầng trăng lưỡi liềm chẳng biết từ bao giờ đã hiện ra trên bụi tre đầu làng. Dọc đường về, Tôi hát vu vơ, hắn im lặng lắng nghe. Những lúc hắn im lặng, tôi luôn cảm thấy bất an, giống như tâm hồn hắn đang đặt ở một nơi nào đó mà tôi không đặt chân đến được.
- Long Bồ, huynh thổi sáo cho muội nghe đi.
Hắn thổi sáo hay tới mức động cả trăng cao thế mà suốt đời chỉ thổi đúng một điệu. Từng âm từng âm lúc hào hùng như tiếng vó ngựa rền vang khắp sơn hà khi bi thương tựa cõi lòng tráng sĩ cô độc giữa khói lửa nhân gian.
Tiếng sáo vút lên mãi vút lên mãi, như muốn thách thức cả trời xanh.
Khi hắn ngừng thổi, tôi cân nhắc một chút rồi nói:
- Mỗi lần huynh thổi sáo, chẳng hiểu sao muội đều nghĩ tới một bài thơ của Vương Chi Hoán đời Đường .
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?”

Khai Quốc vương có chút giật mình, đôi mắt lạnh đi như ánh trăng trên kia. Hắn bật cười lớn, tiếng cười vô cùng ngạo nghễ , vỗ tay mấy tiếng.
- Hay cho câu “ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Muội đã nghĩ nhiều rồi.
Chúng tôi về gần đến nhà, xa xa thấy cháu gái tôi đang chơi ô ăn quan với một cậu bé khôi ngô. Hồng Hạc mặc váy màu hồng cánh sen, đôi má đỏ hây hây, lấm tấm chút mồ hôi.
Con bé thấy tôi thì vui vẻ reo lên:
- A cô cô đã về rồi. Cô cô cõng con đi.
Tôi để nó trèo lên lưng, con bé này gầy nhom, chẳng bằng một bao gạo. Hồng Hạc cười khanh khách, đắc ý nói với cậu bé kia:
- Ngô Tuấn, huynh thấy chưa, cô cô ta rất giỏi đó.
Cậu bé không đáp lời nó, từ lúc nhìn thấy vương gia, vẻ mặt cậu đã xanh mét.
Lý Long Bồ nghiêm mặt gọi cậu bé kia ra:
- Từ sớm đã không thấy ngươi, ra là không chịu tập võ, bỏ đi chơi. Cha ngươi biết thì còn ra thể thống gì. Đi về phủ, chép một trăm lần binh pháp Tôn Tử.
Ngô Tuấn biết lỗi cúi mặt. Hồng Hạc không hài lòng:
- Vương gia cùng cô cô có thể đi chơi, sao huynh ấy không thể đi chơi một chút chứ?
Tôi đưa mắt, con bé im re. Hắn không tức giận, thậm chí còn cười xòa với con bé.
Tôi thầm nghĩ cậu bé kia thật may mắn. Tôi lúc trước bỏ học đi chơi khi về nhà sẽ bị đánh bằng thiết bản, đau ê ẩm hàng tháng trời, phạt chép binh thư đã là gì.
Hắn trở về rồi, tôi mới nhớ ra mình đã quên không hỏi bao giờ hắn lại đến. Hắn không đến, bao giờ tôi mới được đi ra ngoài chơi?
-----------------------
Tối hôm ấy, cha tôi không trách mắng vì tôi về muộn nhưng ông có vẻ đang suy tính gì đó. Sau bữa tối, ông đưa tôi đến nhà tổ. Ánh nến hắt vào những tấm hoành phi sơn son thiếp vàng cắt thành những vệt sáng tối trên nền đất. Cha tôi thành kính thắp nén nhang lên bài vị tổ tông rồi kính cần quỳ xuống. Sau khi làm lễ, ông bảo tôi nhấc thử thanh long đao treo trên tường.
Tôi vận nội công, cố nâng thanh đao. Thanh đao trăm năm tuổi lạnh toát như thực sự có linh hồn, tôi nội lực không đủ, không thể khống chế được.
- Dòng họ ta vốn là một sứ quân ở Ái Châu, cụ tổ Dương Đình Nghệ từng dùng bảo đao này đánh đuổi Lý Khắc Chính và Lý Tiến, chiếm thành Đại La, tự xưng Tiết độ xứ. Sau này, con trai ông, Dương Tam Kha khi tham gia trận Bạch Đằng, lại dùng chính thanh đao này mà giết giặc. Tố Tố, con có biết tại sao từ nhỏ đến lớn ta luôn khắc nghiệt với con không?
Tôi cắn môi, lắc đầu.
- Người của Dương gia, khi sinh ra đã mang trọng trách đối với gia tộc, không được phép là một kẻ yếu đuối. Con là phận nữ, càng mạnh mẽ kiên cường bao nhiêu, sau này càng bớt khổ bấy nhiêu.
Tôi bật cười:
- Vậy giờ cha muốn con phải làm gì?
- Trinh Minh hoàng hậu muốn đón con vào cung.
Tôi nhướng mày. Trinh Minh hoàng hậu, vợ đích của Thái Tổ, là con gái của Dương Vân Nga và vua Lê Đại Hành.
- Cha, hoàng hậu muốn con vào cung là có ý gì?
- Sợ rằng người muốn gả con cho thái tử - Ông nhíu mày, trầm giọng.
Tôi nghe mà lạnh toát sống lưng.
- Ta biết con khó mà chấp nhận được, nên đã tìm cớ thoái thác. Ta quen đạo sĩ Trần Tuệ Long ở Báo Ân tự, con theo ông ấy tu tập một thời gian, ta sẽ nói với hoàng hậu con một lòng hướng đạo, chưa thể nhập cung.
Cha không phải luôn muốn tôi gả cho bậc đế vương ư? Sao giờ lại sắp xếp để tôi trốn tránh hôn sự này? Cho dù bụng nghi ngờ, tôi vẫn phải thừa nhận đây là kế hoãn binh tốt nhất.
Cha chầm chậm nói:
- Ta biết con có cảm tình với Khai Quốc vương, chính ta nhiều lúc cũng rất khâm phục ngài ấy. Chỉ tiếc “Thiếu niên đăng quang đại bất hạnh”, người không biết cúi đầu trước trời, không biết cúi đầu trước người, khó có thể bình an.
Thiếu niên đăng quang đại bất hạnh…
Thiếu niên đăng quang đại bất hạnh…
Tôi sửng sốt nhìn cha, chỉ thấy ông thở dài. Trăng sáng vằng vặc ngoài song, tương lai mịt mùng như màn sương đang phủ kín nền trời.

Chú thích:
Châu Đô Kim: Tuyên Quang. Hàm Yên thuộc Tuyên Quang.
Phủ Trường Yên: Đây là tên của Cố đô Hoa Lư vào thời Lý.
Khai Quốc vương Lý Long Bồ: hoàng tử thứ hai của Lý Thái Tổ và Trinh Minh hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân. Từ ngày chưa đầy 13 tuổi đã trở về trấn thủ phủ Trường Yên.
Bài thơ của Vương Chi Hoán đời Đường có tên:
LƯƠNG CHÂU TỪ
Dịch nghĩa
Rượu bồ đào cùng với chén lưu ly
Muốn uống nhưng tỳ bà đã giục lên ngựa
Say khướt nằm ở sa trường bác chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

suongthuytinh

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/6/14
Bài viết
423
Gạo
300,0
Wao, truyện chính sử kìa! Dù mình không có nhiều thời gian, tốc độ đọc như rùa bò vẫn xin một slot truyện bạn nha. :)
 

purple.lavend3r

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
11/10/16
Bài viết
24
Gạo
0,0
Vừa mới mò lên thì đọc ngay được bài mới. Truyện hay lắm bạn!
 

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Vạn lý hùng ca - Chương 2 - Hành trình không suôn sẻ

hinh-3-1442286884.jpg

Sớm hôm sau, tôi cùng với A Dung từ biệt cha, lên đường tới Thăng Long. Quay đầu lại vẫn thấy con bé Hồng Hạc chùi nước mắt, tôi bỗng thấy không nỡ. Trước khi đi, tôi bảo nó nhờ Ngô Tuấn gửi mũi tên đồng của tôi cho Lý Long Bồ, dặn hắn sớm đến chùa Báo Ân tìm tôi. Xong xuôi, tôi hít một hơi thật sâu để cảm nhận linh khí đất trời Trường Yên rồi lên thuyền rời đi. Lúc còn nhỏ, từng có thầy tướng số đi qua phán tôi mệnh đại phú đại quý nhưng suốt đời tha hương. Tôi thực muốn xem tha hương có gì không tốt.

Đường đến Thăng Long vào thời đại này thực vô cùng hiểm trở và phải đi bằng đường thuỷ. Bến thuyền không đông, vào mùa đông lạnh thế này, nếu không có việc gấp, chẳng ai muốn lên tận kinh đô. Tôi chờ mãi mới kiếm được một con thuyền đóng ván cũ, chuyên chở hàng. Người lái thuyền đã sáu mươi, phương phi béo tốt, khuôn mặt phúc hậu.

- Cháu muốn đi đâu ? - Con thuyền chưa tiến lại bờ, người lái thuyền đã hô lớn.

- Cháu muốn đi Thăng Long

Nghe vậy, lão có hơi chần chừ.

Khi thuyền cập bến, lão bảo tôi:

- Mùa này đi lại khó khăn, kể ra Tết mới đi thì tốt hơn. Nhưng không sao, ít lũ, cũng bớt nguy hiểm.

- Lão đừng lo, cháu cũng biết chút võ nghệ, có thể bảo vệ hàng.

Tôi với A Dung vui vẻ lên thuyền. Sau khi rời bến Hoàng Long, thuyền xuôi về đông đến ngã ba Giản Khẩu thì ngược dòng theo sông Đáy lên hướng Bắc. Thuyền rất kiên cố nhưng ở đoạn ngược dòng thì chòng chành như sắp lật. Tôi nôn vài lần, lão lái thuyền đưa cho ít cháo ăn tạm mới đỡ hơn chút. Đi qua những thôn làng trù phú, tôi không khỏi trầm trồ.

Đại Cổ Việt thời Lý sao mà đẹp đến thế, vẻ đẹp toát ra từ màu xanh mướt của lũy tre, màu đỏ tươi của những bụi chuối. Thời đại này, người dân vừa khéo léo vừa hiền hoà. Thuyền tôi đang đi chở không ít gốm sứ, đều là gốm men ngọc thượng hạng. Tôi thấy trong đó có nhiều loại ấm trông rất ngộ hình quả bí, quả bầu. Vỏ ấm hình đầu rồng, quai hình chim vẹt. Ông lão chỉ cho tôi nét đặc sắc nằm ở chỗ người thợ trang trí hoa văn khắc chìm trên ấm giúp men đọng giọt đậm nhạt không đều nhau.

Tôi vốn thích những thứ thủ công, nghe vậy lại càng hạ quyết tâm ngày nào đó sẽ đi thăm các làng nghề làm gốm.

- Nếu cháu muốn tham quan thì ở ngoại đô Thăng Long nhiều làng nghề lắm.

Tối đến, lão ngơi tay lái, bắt đầu trò chuyện với tôi.

- Cháu còn nhỏ, thân gái dặm trường, đi đường phải cẩn thận. Mà cháu có người quen ở kinh đô hay sao?

- Vâng ạ, cháu lên kinh gặp một người bằng hữu cũ của cha.
Ông lão gật đầu. Thấy A Dung đã dựa vào thành thuyền ngủ mất, tôi liền đắp chăn cho cô ấy.

Chiều hôm sau chúng tôi đến Phủ Lý nghỉ ngơi một lúc. Chúng tôi chuẩn bị khởi hành thì có ba người cũng muốn đi nhờ đến Thăng Long.

Người đàn ông ở giữa gây chú ý nhất, trạc ngoại tam tuần, mày rậm, giữa đôi chân mày có một vết bớt, mắt vừa xếch vừa sắc.

Ông lão cười khổ, chỉ chỉ vào con thuyền:

- Có mỗi một cái thuyền chở hàng rách nát mà mấy người cùng muốn đi nhờ.

Người đàn ông kia có vẻ hơi khó xử :

- Chúng tôi có việc gấp cần đến Thăng Long, mong lão giúp cho. Nói xong, anh ta đưa mắt nhìn hai người đi cùng, tức thì họ đưa cho ông lão nhiều bạc và lương khô.

Ông lão thở dài, thấy tôi cũng thản nhiên liền đồng ý.

Từ đây lên Thăng Long chắc phải mất một ngày một đêm nữa, cứ coi họ là bạn đồng hành thôi. Tôi lên thuyền, mặc kệ bọn họ tuỳ ý chọn chỗ, trải chiếu ngủ một giấc. Xế chiều, tôi tỉnh dậy trong mùi cá nướng thơm lừng. Tôi dụi dụi mắt, người đàn ông trước mặt tôi cười nói:

- Vừa nãy cô ngủ say đến mức không ai gọi dậy nổi, may còn phần lại ít cá.

Tôi đón xiên cá từ tay anh ta, nở nụ cười gượng, nhân thể bắt chuyện:

- Anh là người Thăng Long sao?

Anh ta lắc đầu, có vẻ ngẫm nghĩ :

- Ta sinh ra ở Cổ Pháp, lớn lên ở Thăng Long. Tuổi trẻ đi khắp nơi, có thể nói bốn bể là nhà. Ta họ Lý, tên Dực, còn cô?

- Quê tôi ở Trường Yên, đó là một nơi xinh đẹp. Tôi là Dương Tố Nghi.

Tôi nói, mắt nhìn ra khoang thuyền nơi tuỳ tùng của anh ta đang canh gác. Người này thân phận không tầm thường, ý nghĩ này thoáng qua đầu tôi.

Cá chép vừa mềm vừa ngọt, càng ăn càng đã. Miếng cá mới nướng bằng than hoa còn ám khói thơm lừng.

- Là anh nướng cá sao? Nướng khéo lắm.

Anh ta cười cười, thản nhiên như thể không phải lần đầu được khen.

Tối đến, xui cho chúng tôi là trời bắt đầu nổi giông bão bất thường. Đêm tối gió lùa lạnh buốt, nhìn xuống lòng sông đen ngòm, tôi có dự cảm chẳng lành. Nước sông tung bọt trắng xoá, mưa lớn đổ xuống ào ào như vỡ trận. Ông lão nhíu mày, chèo thuyền một cách uyển chuyển về phía bờ. Nước lên thuyền lên nước xuống thuyền xuống, len lách qua những bãi đá ngầm đáng sợ. Tôi cùng Lý Dực cố sức giữ cho thuyền thăng bằng nhưng thuyền bị đá ngầm đâm thủng một chỗ. Ông lão xanh mét nhìn thuyền chìm dần.

Tôi nghĩ: " Hỏng rồi". Tức thì Lý Dực lôi tôi cùng nhảy xuống lòng sông đen ngòm. Anh ta điên rồi! Tôi có biết bơi đâu. Tôi sực nhớ ra A Dung, cố nhoi lên ra hiệu.

Anh ta cau mày:

- Thị nữ của cô đã có tùy tùng của ta. Cô còn vùng vẫy ta sẽ tát cho cô ngất đi.

Tôi im lặng, mặc cho anh ta lôi đi giữa dòng nước xiết. Nước còn lạnh nữa, tôi như thấy mình sắp đông cứng lại, may mà cha hay bắt phạt nên tôi vẫn chịu được lạnh.

Biết thế trước đừng có lười học bơi. Tôi nghĩ lung tung, cứ ngụp rồi lặn, vài lần sặc nước, rồi ngất đi lúc nào không biết.

Sớm hôm sau, tôi tỉnh lại, ho ra một bụm nước, mắt mũi nhoè nhoẹt, đầu óc váng vất. Mở mắt ra vẫn thấy bầu trời và ánh nắng, tôi cứ tưởng mình chết rồi chứ. A Dung trước mặt tôi mắt sưng húp. Tôi vỗ vỗ vai trấn an cô ấy
- A Dung, không có việc gì đâu, ta mệnh lớn chết thế nào được.

Trước kia do tôi quá bướng, cha từng dọa dìm tôi xuống giếng, A Dung cũng sợ phát khóc như vậy. Cô bé này rất dễ khóc.

Lý Dực thấy tôi đã tỉnh, đưa bịch nước cho tôi uống.

- Cô uống chút đi, ngâm nước lâu cơ thể dễ mất nước.

Tôi cầm lấy, ngửa đầu uống ực.

Anh ta nhăn mặt:

- Trông cô chẳng giống tiểu thư khuê các gì cả.

Tôi làm như không nghe thấy câu nói này, nhìn quanh không thấy ông lão, tôi có chút lo lắng hỏi:

- Lão lái thuyền đâu rồi?

Anh ta lơ đãng đáp, nghe trong giọng nói có chút bất lực:

- Ông lão đó vừa tỉnh đã hỏi đến đống gốm kia rồi chạy quanh vùng tìm người vớt hộ thuyền. Không tìm lại được hàng, chắc ông ấy không rời khỏi đây đâu.

Tôi buồn bực:

- Đây là vùng nào vậy? Giờ chúng ta lên Thăng Long bằng cách nào?

- Đây là vùng ngã ba sông Châu. Thời tiết thất thường thế này, đi đường thủy chỉ sợ lại gặp trục trặc. Ta đã sai người đi thuê mấy con ngựa, đi ngựa tuy có lâu chút nhưng an toàn. Cô cũng biết cưỡi ngựa chứ?

Tôi tươi cười, không phải đi thuyền là tốt rồi:

- Đi ngựa là thứ tôi giỏi nhất đó.

Anh ta gật đầu, nói:

- Nhìn tay cô là biết từ nhỏ đã cưỡi ngựa bắn cung nhưng học hành không đến nơi đến chốn nên thân thể yếu đuối.

Tôi trừng mắt với anh ta. Cho dù anh ta có cứu tôi cũng không được tự cho mình cái quyền mỉa mai tôi. Một lúc sau, người của anh ta mang ngựa đến. Tôi cùng A Dung cưỡi chung một con ngựa ô. Ngựa ô đen tuyền, rất khoẻ, xứng là thiên lý mã.

Tôi cưỡi con ngựa này, tự dưng nghĩ đến một tích xưa:

- Ngựa này mà là Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi hay ngựa Ô Truy của Hạng Vũ thì giờ chắc chúng ta đã sắp đến Thăng Long.

Anh ta bật cười:

- Ngựa có thể là bảo mã Ô Vân Đạp Tuyết nhưng nếu không phải là chủ tốt thì cũng không cưỡi nổi đâu.
"Sức ta dời núi, khí khái nhất đời.
Thời thế bất lợi, Ô Truy không chùn bước.
Ô Truy không chùn bước, biết làm sao đây?
Ngu Cơ ơi, Ngu Cơ ơi, biết làm sao đây?"


Tôi không nói gì được nữa lại nghe anh ta có chút cảm khái:

- Ngựa quý ở lòng trung, người quý ở lòng nhân. Những con ngựa đó có thể nổi danh muôn đời không phải vì sự trung nghĩa bất phàm hay sao?

Tôi và anh ta phi nước đại đến khi trời tối mịt, ước chừng chỉ độ một ngày nữa là tới ngoại thành Thăng Long.

Trời khuya, không tìm được nhà dân, chúng tôi chỉ có thể nghỉ trong hang đá. Thuộc hạ của Lý Dực bắt ở đâu về một con gà rừng. Tôi đang loay hoay không biết đánh lửa ra sao, anh ta liền đưa cho tôi cái ống giữ lửa. Tôi vừa mở ống, lửa đã phụt lên:

- Kỳ diệu quá. Ống này làm thế nào vậy?
Lý Dực châm lửa vào đống củi rồi mới chậm rãi nói:

- Ống này làm khá đơn giản. Cô lấy dây khoai trắng hoặc tím ngâm trong nước, vớt ra đập đập, lại ngâm chung thêm với bông vải bông lau vớt ra đập đập phơi khô, trộn thêm các vật liệu dễ cháy như lưu huỳnh, nhựa thông, long não. Xong xuôi bện lại thành dây thừng rồi châm lửa cho cháy ngút rồi đậy kín lại. Lúc cần rút ra sẽ có lửa.

Nghe đã biết là phức tạp chứ có đơn giản đâu nhưng tôi vẫn cứ cố ghi nhớ.

Trong lúc đợi gà chín, anh ta buồn chán nói:

- Cô biết hát không, hát hay ta tặng cô một cái ống giữ lửa.

Tôi nghe thế mắt sáng lên:

- Anh phải giữ lời đấy. Tôi biết hát một bài đảm bảo anh chưa nghe bao giờ.

" Đêm phương Nam nằm nghe dòng sông nước chảy

Nghe một tiếng ầu ơ nửa đêm bão giông

Đêm phương Nam nằm nghe đường xa vó ngựa

Nghe từ thuở hồng hoang ngựa qua bến sông

Đêm phương Nam nằm nhìn lên mây bay khói tỏa

Nhìn hòn đá lăn ..... Nghiêng !.. Nghiêng !..

Nghiêng nghiêng câu ca dao, nghiêng nghiêng mái chèo

Dưới bóng cây ngô đồng, có con ngựa dừng chân

Có hai người .... yêu nhau !

Khớp, khớp, khớp, khớp con ngựa ô (ngựa ô) ngựa ô ngàn năm thương nhớ

Đất.. nước.. có bao bài ca tình yêu ngựa ô ... để anh đón nàng

Cho ai yêu thương nhau bên nhau mãi mãi… "

Anh ta hứng thú lắng nghe. Rừng núi lặng thinh, chỉ còn tiếng ca của tôi ngân nga và tiếng mấy con ngựa thi thoảng hí lên từng hồi phụ hoạ. Tôi hát không thể gọi là hay nhưng vì lời ca lạ giai điệu lạ nên vẫn chấp nhận được. Tôi hát xong, anh ta liền vỗ tay mấy cái rất hào sảng.

Chú thích:

1.Đường thủy từ Hoa Lư lên Thăng Long chính là con đường Lý Thái Tổ thiên đô sông Hoàng Long – sông Đáy – sông Châu – sông Hồng – sông Tô.

2.Gốm men ngọc là loại gốm tiêu biểu thời Lý.

3. Ô Vân Đạp Tuyết còn có tên là Vương Truy Mã, sống ở thế kỷ thứ hai, toàn thân màu đen nhưng bốn vó màu trắng. Đây là ngựa của Trương Phi, người anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Quan Công, được coi là anh hùng tuấn mã. Ngựa của Trương Phi có tên rất ý nghĩa, Vương Truy Mã có nghĩa là con ngựa đi theo hầu hạ Đại Vương. Tương truyền Trương Phi và Ô Vân Đạp Tuyết đều đen như nhau. Trương Phi quý chú ngựa này như con đẻ, thường xuyên tự tay tắm rửa cho ngựa quý.

Ngưa Ô Truy của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là con chiến mã lông đen tuyền, to lớn, dũng mãnh. Khi Hạng Vũ bại trận dưới tay Hán Vương Lưu Bang, Hạng Vũ đã dùng kiếm tự sát bên dòng sông Ô Giang. Khi thấy chủ nhân tự sát, ngựa Ô Truy cũng nhảy xuống sông chết theo. Người đời sau vẫn nhắc về ngựa Ô Truy như một biểu tượng đẹp của lòng trung thành.

Bài thơ Lý Dực ngâm là bài thơ của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ:

Lực bạt sơn hề, khí cái thế,

Thời bất lợi hề, Truy bất thệ

Truy bất thệ hề khả nại hà,

Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.

Tạm dịch

Sức ta dời núi, khí khái nhất đời,

Thời thế bất lợi, Ô Truy không chùn bước

Ô Truy không chùn bước, biết làm sao đây?

Ngu Cơ ơi, Ngu Cơ ơi, biết làm sao đây?

4. Bài hát Tố Tố hát là bài Ngẫu hứng lý ngựa ô.


purple.lavend3r suongthuytinh phongnhi2183 Hi hi hôm nay mình mới biết tag, mọi người ủng hộ nha.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

phongnhi2183

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/16
Bài viết
530
Gạo
0,0
Hay quá a. Đọc đến đoạn cuối ta ngớ ra rồi à một cái tự cười mình. Lý ngựa ô mang về hát cho dân cổ đại nghe mà chưa thấy miêu tả cảm xúc gì ^^.
Góp ý xíu :
bông lau vớt ra đập đập phơi khô,

Là "đập dập" phải không?
Mình khá thích cách hành văn của bạn. hi vọng các chương sau vẫn cuốn hút.
 
Bên trên