Vạn Dặm Hùng Ca - Cập nhật - Tại Tâm

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Hay quá, bạn lại quên tag nha bạn Tại Tâm .
Lời văn phóng khoáng, lúc đầu mình nghĩ bạn là nam nhân cơ đấy hì hì.
Ôi không phải mình không muốn tag mà là mình chưa thạo đó :(( tha cho mình lần này nha. Phóng khoáng ư? Mình sẽ coi đó là một lời khen nhé.
 

purple.lavend3r

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
11/10/16
Bài viết
24
Gạo
0,0
Hay quá đi thôi, giọng văn rất phong phú, miêu tả tình tiết tốt... giờ thì tôi đi tìm lỗi đây!
bên cạnh vết bớt liên hoa
Theo tôi nghĩ thì bạn đang viết truyện theo ngôi thứ nhất, mà nhân vật chính là người hiện đại thì nên để chữ "hoa sen" thì hơn
Anh ta nói xong, còn thở dài một tiếng
Hình như chỗ này phải là dấu hai chấm
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Vạn dặm hùng ca – Chương 4 – Chu Tước

ban-biet-gi-ve-huyen-thoai-tu-linh-trong-van-hoa-viet-nam.png


Tôi biết làm sao được giặt một chiếc áo cũng có thể gặp chuyện phiền phức !

Vì là thân gái, nhiều điều bất tiện nên trời hơi tối, tôi với A Dung mới ra giếng sau chùa tắm táp. Mấy ngày không được tắm, lúc này, thân thể tôi như tan ra dưới làn nước trong vắt. Những giọt nước rơi xuống từ tóc tôi, lấp lánh dưới ánh tà dương, chảy tràn xuống thành giếng. Hương bồ kết vương trên tóc tôi, thơm ngát.

Ánh dương tắt dần, chúng tôi cũng tắm xong xuôi. Tôi bảo A Dung trở về phòng xếp đồ đạc còn mình ở lại giặt áo, định bụng giặt áo xong sẽ đưa cô bé đi thăm thú cảnh náo nhiệt của Thăng Long về đêm, nhân tiện thăm phủ của huynh trưởng tôi.

Trong chùa, đèn lồng, đèn nến dần được thắp lên, tỏa ánh sáng dìu dịu.

Chiếc áo ngự tôi cầm trên tay là loại áo bào màu tía dát vàng, làm bằng loại tơ mềm mại. Trên áo bào thêu một con rồng ngậm ngọc, thân rồng ẩn mình trong sóng. Sau gáy rồng, từ hai bên dưới mang tai có dải bờm nhiều tua kết vào nhau bay thả uốn lượn vút nhọn ra phía sau. Chòm râu dưới cằm rồng cũng kết xoắn uốn lượn tương tự phía dưới, nhưng nhỏ và ngắn hơn. Quanh đầu có những viên ngọc lơ lửng và có mây quấn. Miệng rồng há rộng để hứng viên ngọc báu. Trên hai hàm có răng nhọn, hai nanh cuối hàm kéo dài uốn cong qua mép liền sát mũi.

Tôi ngâm chiếc áo trong chậu đồng, dùng nước bồ hòn để giặt. Áo chẳng hề bẩn nên tôi giặt hết sức nhẹ nhàng “nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa” vì hỏng áo ngự thì tôi sẽ mất đầu. Giặt xong, tôi còn xông bằng lông não một lúc rồi mới treo lên dây phơi, vui vẻ tráng sân, vừa làm vừa hát khe khẽ.

Việc kỳ lạ bắt đầu xảy ra vào giây phút tôi tưởng rằng mình có thể nghỉ ngơi.

Chiếc áo trên dây phơi tỏa rạng hào quang, bao trùm lấy tôi.

Con rồng được thêu trên áo bỗng chuyển mình, bộ móng vuốt sắc nhọn vươn ra khỏi áo. Nó như vừa thức dậy sau một giấc ngủ say, vươn mình bay ra ngoài. Tôi khiếp vía, đánh rơi chậu nước, nhanh chóng rút ra con dao găm trong người.

Con rồng hình như không có ý định tấn công tôi, nó vờn đến tai tôi và nói:

- Hóa ra cô thực sự đã trở lại.

Tôi nhíu mày không hiểu, vô thức lùi lại một bước.

- Chủ nhân vẫn chưa biết cô. Nhưng cô trở về thời đại này là vì ngài ấy. Ngài là Bắc Đẩu thất tinh, ngài là ánh sáng giữa nhân gian, ngài là vầng nhật nguyệt. Mệnh căn của cô, thật trùng hợp, lại là mảnh ghép cuối cùng. Cô là ngôi sao cuối cùng trong bảy ngôi sao chúng ta đang tìm kiếm.

Tôi nheo mắt , biết con rồng sẽ không hại mình:

- Đưa ta trở về thế giới hỗn loạn này rồi các người muốn ta phải làm gì? Chủ nhân các người rốt cuộc là ai, không phải thái tử điện hạ đó chứ?

Nói đến đây, tôi chợt ồ lên, đã chắc tám phần. Người sinh ra đã có bảy ngôi sao chiếu mệnh chỉ có thể là Lý Phật Mã.

Ánh sáng của nó làm lóa mắt tôi. Nó vuốt vuốt chòm râu của mình, cao giọng nói:

- Cô cũng nhanh trí lắm. Ta xuất hiện là để đưa cô đến gặp chủ nhân.

- Ta không đồng ý. Ta không quen không thân chủ nhân các người, tại sao phải phục tùng ngài ấy?

Con rồng ngẫm nghĩ một lát rồi thương lượng với tôi:

- Nếu cô đồng ý đi gặp chủ nhân, ta sẽ tặng cho cô ba điều ước của Rồng.

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt sáng rực như có lửa của nó, hơi chần chừ.

Con rồng phe phẩy cái đuôi, chầm chậm nói:

- Ta biết sau này cô sẽ phải cứu một người. Hơn nữa, ba điều ước sẽ giúp cuộc sống của cô được dễ dàng hơn.

Tôi cúi đầu suy nghĩ, liền nghe có tiếng bước chân đi ra từ nhà chính. Khi đạo sĩ Tuệ Long lại gần, ông chuyển từ ngạc nhiên sang vui mừng.

Con rồng đảo mắt nhìn tôi rồi biền trở lại chiếc áo. Tôi ngỡ ngàng, là mơ hay thật đây?

Tuệ Long bình thản nhìn tôi, đôi mắt ông lóe lên trong bóng tối, sau cùng ông thở dài xoay bước:

- Con về phòng nghỉ đi, sớm mai đến nhà chính tìm ta.

Đợi bóng ông đi khuất, tôi tự bấu vào tay mình một cái. Những chuyện hoang đường vừa rồi thực sự đã xảy ra.

Tôi quay về phòng, khép chặt cửa, mỏi mệt đặt mình xuống giường trúc, bắt đầu liên kết các sự việc. Tôi trở về thời đại này không đơn giản vì tiền duyên chưa dứt mà là mang một sứ mệnh nào đó. Cha không vội đưa tôi tiến cung mà lại bảo tôi đến chỗ Tuệ Long đạo sĩ lần tránh. Có lẽ đạo sĩ đã đoán ra điều gì đó từ trước nên mới bảo tôi giặt áo ngự.

Tất cả mọi chuyện đều bắt đầu từ thái tử Lý Phật Mã, không, nói đúng hơn là vì ngài ta.

Liệu gặp thái tử rồi, tôi có hy vọng trở về thế giới kia nữa không? Sự tò mò của tôi đối với con người được coi là thần của bọn họ càng lúc càng lớn. Cuối cùng, tôi tặc lưỡi, nhắm mắt lại. Gặp thì gặp, trời có tuyệt đường người bao giờ.

-------------

Sớm hôm sau, tin chiếc áo ngự do thái tử ban tặng đạo sĩ Trần Tuệ Long phát sáng. Sau bao năm, rồng thần một lần nữa xuất hiện làm cả kinh thành xôn xao. Thái tử càng lúc càng nhận được sự sùng kính của dân chúng Thăng Long. Thời đại này, người được lòng dân là người nắm giữ được cả thần quyền.

Còn tôi, người trực tiếp gặp rồng thần, quả thực chẳng cảm thấy thú vị mấy. Trên đường từ Báo Ân tự đến cung Long Đức, lòng tôi rối như tơ vò .
Đạo sĩ đi trước, tôi kính cẩn theo sau.

- Điện hạ là người nhân đức, con không cần căng thẳng.

Giọng điềm tĩnh ấm áp của ông khiến lòng tôi dịu lại.

Cung Long Đức xây dựng riêng cho thái tử, tráng lệ đến mức ẩn mình trong khói sóng Tây hồ mà vẫn tỏa rạng hào quang . Lính canh dường như đã được báo trước, để mặc cho chúng tôi vào.

Tôi xoa xoa mặt cho đỡ lạnh khi đi ngang hồ sen. Sen mùa này đã tàn, mặt hồ rộng mênh mông như biển như trời. Đình đài lầu gác nguy nga bao quanh hồ được sắp xếp theo một trật tự cân đối, hài hòa giữa trời và người. Năm bước một lầu, mười bước một gác, hành lang uốn cong như tấm lụa.

Đạo sĩ được thái tử mời vào trước. Tôi đứng đợi bên mái hiên, phóng tầm mắt ra xa, chỉ thấy bầu trời cao rộng, chim non sải cánh mất hút giữa tầng không. Một lúc sau, Tuệ Long trở ra, đôi mắt ông có chút trầm tư.

- Ta về trước.

Tôi thở hắt ra, tươi cười tạm biệt ông, hiên ngang bước vào trong. Có phải chỉ cần bước qua cánh cửa này, mọi việc sẽ sáng tỏ?

Trong phòng, hương trầm ngan ngát. Tôi theo phép tắc quỳ xuống:

- Dân nữ Dương Tố Nghi bái kiến điện hạ.

Thực ra, tôi và thái tử được ngăn bởi một tấm rèm châu ngọc, không phải đối mặt trực tiếp nhưng tôi vẫn căng thẳng toát mồ hôi.

Tôi nghe thấy một tiếng ừm nhẹ.

- Được rồi, ngươi vào đây đi.

Tôi vén rèm bước vào, châu ngọc va vào nhau tạo nên tiếng đinh đinh đang đang khe khẽ. Giữa chúng tôi là thời gian ngàn năm dài dằng dặc, là màn sương phủ mờ cả quá khứ lẫn tương lai, là mộng là thực, cũng là hư không thăm thẳm.

Tôi có thể cảm nhân được ngài ta chính là người tôi vẫn hay gặp trong mơ, rất rõ ràng. Thần thái khiến cả thần và người đều kính ngưỡng nằm ở đôi măt sáng tỏ, tinh anh tuyệt bậc. Mày như trăng sáng, mắt như sao sa, an tĩnh như Phật, cơ trí như thần. Đối diện với con người này, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy mình thật phàm tục.

Thái tử đang ngồi trên thư án, mấy cuốn sách còn dang dở. Đôi mắt tinh tường quét qua khuôn mặt tôi, đôi mày hơi nhíu lại như đang hồi tưởng lại chuyện gì đó.

- Tuệ Long đạo sĩ nói cô chính là một trong thất tinh tới từ ngàn năm sau. Ta cảm thấy gương mặt cô có chút quen quen, như đã gặp ở đâu.

- Là trong mơ sao, thưa điện hạ?

Lý Phật Mã có chút ngẫm nghĩ rồi gật đầu:

- Có lẽ là vậy.

Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn, bình thản nói:

- Dân nữ không biết mình có thể giúp gì cho điện hạ?

Hắn mỉm cười, xoay xoay chiếc nhẫn ngọc trong tay:

- Bản mệnh của cô có ảnh hưởng tới bản mệnh của ta, ta chẳng còn cách nào khác ngoài tạm thời giữ cô bên cạnh.

Tôi cảm thấy chuyện này càng lúc càng hoang đường.

- Điện hạ là người cơ trí, sao có thể tin chuyện như vậy?

- Ta chỉ đề phòng vạn nhất thôi. Mẫu hậu từng nói với ta Dương tướng quân có một người con gái tinh thông văn võ, tài sắc vẹn toàn, là cô sao?

Hắn từng bước tiến lại gần, những ngón tay lạnh lẽo chạm vào khuôn mặt tôi. Lần đầu tiên từ khi trở về thế giới này, tôi biết thế nào là sợ hãi đến đóng băng.

- Nạp cô làm thiếp, cũng là một ý kiến hay.

- Không thể được, thưa điện hạ !

Đầu tôi xoay chong chóng mong tìm ra một lối thoát. Phải rồi, tại sao tôi không nghĩ đến Loạn tam vương? Tôi ngẩng đầu, bình thản nói với hắn:

- Dân nữ biết một kiếp nạn chắc chắn sẽ xảy ra với điện hạ. Dân nữ sẽ phò tá điện hạ vượt qua kiếp nạn đó.

Hắn nhíu mày:

- Kiếp nạn đó là gì? Dựa vào đâu ta có thể tin cô?

Tôi đắc ý nói:

- Dựa vào dân nữ là người đến từ ngàn năm sau. Còn kiếp nạn đó là gì? Trước mắt, dân nữ chỉ có thể tặng điện hạ bốn chữ “ Họa từ trong nhà”.

- Vậy được, cô sẽ trở thành thuộc hạ của ta. Ta đã có Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, cô sẽ là Chu Tước. Cô có yêu cầu gì khác không?

Tôi quỳ xuống, nói rõ ràng từng chữ:

- Chủ nhân, xin hãy sắp xếp cho Chu Tước ở bên cạnh hoàng thượng, chỉ có như vậy, thuộc hạ mới có thể giúp người ứng biến.

Chu Tước, tên này tôi thích, kiêu ngạo phóng khoáng.

- Đươc thôi, ta sẽ cho cô cơ hội. Nên nhớ, nếu cô dám hai lòng, Dương gia từ trên xuống dưới sẽ không có đường sống.
Từng lời từng chữ như sấm giữa trời quang.
Tôi nắm chặt tay, đã chẳng còn đường lùi nữa rồi. Nhưng tôi là người duy nhất biến tất cả những gì sẽ xảy ra, nếu tôi không đặt cược, ai sẽ bảo vệ người tôi thương? Tôi không thể để câu “ Thiếu niên đăng quang đại bất hạnh” của cha thành hiện thực.
-----------
purple.lavend3r suongthuytinh phongnhi2183
Chú thích:
- Tình tiết rồng thần xuất hiện trong chương này dựa vào sự kiện: năm 1027, thái tử Lý Phật Mã tặng áo bào cho đạo sĩ Trần Tuệ Long ở Nam Đế quán. Nửa đêm, rồng vàng hiện ra, chiếu sáng khắp quán khiến đạo sĩ hoảng hốt tỉnh dậy. Thời bấy giờ, người ta coi đó là điềm lành.
- Thái tử Lý Phật Mã được Bắc Đẩu thất tinh chiếu mệnh ngay từ khi sinh ra.
- Long Đức là cung điện dành riêng cho thái tử nhà Lý.
- Trong thiên văn, Nhị Thập bát tú là 28 chòm sao lấy Sao Bắc Đẩu làm khởi điểm mà sắp xếp. Tên gọi của 28 chòm sao có liên quan tới Tứ tượng gồm: 7 sao Thanh Long ở phương Đông, 7 sao Huyền Vũ ở phương Bắc, bảy sao Bạch Hổ ở phương Tây, 7 sao Chu Tước ở phương Nam.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

suongthuytinh

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/6/14
Bài viết
423
Gạo
300,0
Dạo này bận quá nên không có thời gian vào gác mấy. Được đọc liền một lúc hai chương của bạn. Càng đọc càng cảm thấy nể phục vì bạn bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu về thời Lý, kể cả những tình tiết nhỏ nhặt nhất.
Bạn vẫn còn mắc nhiều lỗi cơ bản nha:
Chương 3:
“ Tiền duyên chưa dứt, cô phải trở lại thôi, trở lại đi thôi…”
Lỗi cách sau dấu ngoặc kép.
An Nam La Thành và Đại La thành Cao Biền xây thưở trước.
Thuở.
Trong sân, một tiểu hoà thượng đang quét sân.
Lặp 2 từ "sân". Có thể sửa là "Phía trong, một tiểu hoà thượng đang quét sân." được không?
Chương 4:
Tôi biết làm sao được giặt một chiếc áo cũng có thể gặp chuyện phiền phức !
Tôi nheo mắt , biết con rồng sẽ không hại mình:
trong khói sóng Tây hồ mà vẫn tỏa rạng hào quang . Lính canh dường như đã được báo trước
Trước dấu câu không có dấu cách.
Tôi có thể cảm nhân được ngài ta chính là người tôi vẫn hay gặp trong mơ
Cảm nhận.
Đươc thôi, ta sẽ cho cô cơ hội
Được.
bốn chữ “ Họa từ trong nhà”
Tôi không thể để câu “ Thiếu niên đăng quang đại bất hạnh” của cha thành hiện thực.
Lỗi cách sau dấu ngoặc kép.
 

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Vạn dặm hùng ca - Chương 5 - Dân

Chu Tước đại diện cho bảy chòm sao ngự trị phương Nam thuộc Bắc Đẩu thất tinh, có thể hình dung dễ hiểu chu tước trong văn hóa phương Đông thường được hiểu là phượng hoàng. Xăm hình là một cách thần phục chu tước.

Thái tử nói rằng đây là nguyên tắc bất di bất dịch, tôi chỉ đành cắn răng xăm thử một lần.

Người xăm cho tôi không nói một lời , từng mũi từng mũi dao rạch lên da thịt. Tôi đau đớn đến mức khi tưởng như bị nung trên lửa, lúc lại giống bị dìm trong băng.

Quá trình đó diễn ra nhanh chóng. Xong việc, người kia lui ra ngoài, trong phòng chỉ còn tôi và Lý Phật Mã. Phượng hoàng trên vai đốt mình trong lửa nóng, càng nhìn càng nhức mắt.

- Xăm thực chất là một hình thức khống chế. Người được xăm phải có đủ bản lĩnh để gánh hình xăm. Sự phản bội, sự yếu đuối, sự khuất phục đều sẽ hủy hoại vận mệnh của cô. Trước mắt cô có thể nghỉ ngơi trong chùa Báo Ân, một thời gian nữa ta sẽ đưa cô vào cung.

Tôi bỗng thấy nực cười:

- Điện hạ, đừng quên bản mệnh của tôi là một phần bản mệnh của ngài.

Người này làm tôi đau, tôi ghim hận!

Hắn đưa cho tôi một viên đan dược màu nâu đậm rồi đi mất.

- Nếu cô đau quá thì uống vào, đừng cử động quá mạnh.

-------

“Nghêu ngao vui thú sơn hà

Mai là bạn cũ, hạc là người quen” (1)


Trong thời gian đợi thái tử sắp xếp, tôi tá túc ở Báo Ân tự. Thấm thoát đã một tháng trời từ ngày đặt chân đến Thăng Long, vì biết tự do chẳng còn bao lâu, tôi tranh thủ dạo chơi khắp kinh thành.

"Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông"

Nơi nào ở kinh đô có bán sản vật ấy, tôi đều đi thăm thú cả.

Ông chủ tiệm gốm biết tôi là khách vãng lai chẳng bao giờ mua hàng.

Bà chủ hàng lụa đã chẳng còn đon đả khi thấy một công tử dẫn theo cô nương tên A Dung. Nhưng vài vóc ở đây quá đẹp hết the Cát Liễu đến lĩnh, là, hài, tơ, làm sao chúng tôi có thể không say mê?

Tất cả chỉ vì tôi không còn bạc, thời buổi khó khăn, không có bạc thì cũng sẽ chẳng còn tình. Không phải cha tôi không đưa bạc mà là tất cả bạc đều đắm dưới đáy sông mất rồi.

Tôi ăn cơm nhà chùa nên chẳng lo chết đói, nhưng cảm giác tay nải chẳng còn một xu sao mà khó chịu.

Tôi ngày ngóng đêm trông, chẳng thấy Long Bồ tới tìm. Nhưng tôi cũng chẳng rảnh mà nhớ hắn lâu.

Những ngày giáp tết, khách thập phương đến chùa ngày một đông. Đạo sĩ Tuệ Long rời chùa đi thăm một người bạn cũ, trong chùa chỉ còn chúng tôi bận bịu nấu cháo phát chẩn cho người dân nghèo tứ xứ.

Nhìn bánh chưng xanh bày biện trên các ban tam bảo, A Dung không kìm được nói:

- Tiểu thư, mọi năm lão gia đánh trận trở về luôn mang theo cành đào bích.

Tôi múc cháo ra bát đưa cho một em bé, lòng có chút nao nao nhớ nhà.

Tôi nhớ mùa xuân khi đào thắm nở đỏ rực núi Mã Yên, Long Bồ sẽ dẫn tôi leo núi. Mã Yên sơn nơi Đinh Tiên Hoàng an nghỉ, phóng tầm mắt ra xa sẽ có cảm giác như ngồi trên yên ngựa nhìn ngắm khắp sơn hà. Sơn hà chìm trong núi bạc, lẫn vào màn sương, như hư như thực giữa mảng trời xanh vời vợi.

Năm nay nhà chùa được triều đình ban tặng đào thế long giáng hình con rồng xà xuống mặt đất, đào đâu đã nở mà cành đã chi chít lộc non.

Từ sáng đến giờ, số người đến xin cháo mỗi lúc một đông, tôi cứ phải làm việc luôn tay luôn chân. Tôi loay hoay định bắc thêm nồi cháo mới, ngẩng đầu nhìn người tiếp theo, ngạc nhiên suýt đánh đổ hết.

- Điện hạ?

Lý Phật Mã hôm nay mặc áo tứ diên đen cổ tròn, đầu đội mũ hình ốc tết từ lạt trúc, tay phe phẩy một chiếc quạt làm từ lông chim hạc, thật giống một văn nhân bình thường (2). Tôi ngơ ngác nhìn quanh quẩn, vẫn chẳng thấy người hầu đi theo.

- Cô không định múc cháo à?

Tôi múc cháo ra bát, rắc thêm chút hành, nhỏ giọng:

- Điện hạ, những người dân ngoài kia cần cháo hơn ngài. Tôi nghe nói hạn nặng đến mức đất đai nứt toác cả ra.

- Cô hiểu nhầm rồi, ta đâu định tranh ăn với họ, ta chỉ muốn giúp cô phát cháo thôi.

Hắn giản dị nói, đón lấy bát cháo trong tay tôi rồi lễ phép đưa cho bà cụ phía sau.

Tôi nhìn hắn bằng ánh mắt không thể tin được đến khi hắn quay ra tôi mới cụp mắt xuống, tiếp tục việc của mình.

Suốt cả ngày hôm ấy, thái tử cùng tôi phát hết sạch cháo, chẳng nề hà việc gì. Nhìn khuôn mặt bủng beo u ám của mọi người bừng sáng vì có đồ ăn, mệt mỏi cực nhọc của tôi đều tiêu tan hết. Thấy mấy giọt mồ hôi vương trên trán hắn, tôi còn tốt bụng đưa khăn cho hắn lau.

Giữa trưa, mọi người trong chùa mới được nghỉ ngơi ăn cơm một lúc. A Dung bưng mâm cơm đạm bạc lên, chúng tôi cùng ngồi xếp bằng trên phản gỗ. Cơm chỉ có rau với đậu, tôi cố ăn được một ít. Lý Phật Mã lại ăn rất ngon lành. Hắn đâu có giống hình tượng thái tử uy nghiêm tôi gặp ngày trước, sư sãi trong chùa coi hắn là phật tử mà đối đãi. Đến lúc họ đàm luận Phật pháp, tôi nghe nhưng không có hứng thú lắm.

Tôi đứng dậy trước, ra sau giếng đọc sách. Giếng xanh màu rêu phủ, mặt nước trong vắt thi thoảng sóng gợn lăn tăn như mi ai chớp nhẹ.

Võng mắc cạnh thành giếng, mai chiếu thủy thơm ngát xòa cả xuống mặt tôi.

Tôi nhắm mắt tưởng tượng mình đang nằm trong một giáo đường ngập nắng có vòm được kết bằng những chùm mai đượm hương trắng muốt, nhỏ li ti.

Có ai đó đưa tay gạt chùm hoa làm chiêm bao đứt đoạn. Những cánh hoa rơi lả tả xuống mặt tôi khiến tôi không chịu được mà hắt hơi mấy cái.

Tôi bực bội ngồi dậy.

- Điện hạ, tôi mới chợp mắt được chút thôi.

Hắn đợi tôi ngồi ngay ngắn rồi mới nghiêm giọng nói:

- Cô là thuộc hạ hay ta là thuộc hạ?

Tôi ngậm miệng. Nhìn kỹ mới thấy đôi mắt thái tử đượm nét lo âu, không giấu được vết quầng thâm nơi khóe mắt.

- Sức khỏe của phụ hoàng dạo gần đây không được tốt, ta cần một người đáng tin cậy ở bên chăm sóc người, cũng là thời điểm thích hợp để đưa cô vào cung.

- Ồ việc này đáng để điện hạ đích thân tới tìm tôi?

- Nào phải, ta nghe nói chùa Báo Ân phát chẩn cho dân nên muốn tới xem thử, hình thức này nên được nhân rộng. Trận hạn hán kéo dài năm qua thực sự ảnh hưởng đến bách tính nhiều lắm.

Tôi đã hiểu mối lo của hắn xuất phát từ đâu. Kinh tế Đại Việt thời này phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng lúa nước, mùa vụ bội thu thì an cư lạc nghiệp, hạn hán mất mùa thì chết đói chết khát. Thăng Long không phải chịu hậu quả nặng nề vì hạn hán nhưng các tỉnh ngoại thành thì có, bản thân tôi sống đủ đầy đã quen làm sao thấm thía nỗi lòng những người nông dân nay lo bão lụt mai lo hạn hán.

- Nhiều tháng qua trăng quầng (3) liên tục xuất hiện, hạn hán mất mùa khiến phụ hoàng lo phiền. Ta sẵn sàng ăn đói nằm sương với dân chúng, nhưng kể cả có như vậy cũng không giải quyết được tình hình, phải tìm ra kế lâu dài.

- Điện hạ, trước mắt nên giúp những người dân lưu tán này qua được Tết năm nay bằng cách tập trung họ lại thành một khu, triều đình trích ngân khố cứu nạn. Ở các tỉnh miễn giảm tô thuế đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn nước ngầm. Còn về phần ngân khố, Chu Tước có một kiến nghị không biết có thể áp dụng không?

Tôi thấy hắn đồng ý mới dám nói tiếp:

- Những hào trưởng khá giả nếu tích cực đóng góp cho triều đình sẽ được phong các chức quan ở phủ, huyện, châu, đóng góp càng cao chức vị càng cao.

- Ý kiến hay, cô cũng nhanh trí lắm. Phong quan cho hào trưởng (4) là một con dao hai lưỡi. Dùng dao sắc dễ bị đứt tay nhưng ta đã có cách để tay mình lành lặn.

Thời này chưa có hình thức tuyển chọn quan lại. Quan trong triều đa phần là sư sãi, người được quan lớn trong triều tiến cử, tập ấm, nhiều quan lại địa phương là hào trưởng triều đình cần lôi kéo. Những điều này tôi đã chứng kiến từ ngày còn ở Trường Yên nên mới dám nêu ý kiến dù biết đó chỉ là một hạ sách.
Hạ sách đến tay người có tư chất đế vương sẽ thành thượng sách.

Chú thích:
(1) Hai câu thơ của Nguyễn Du.
(2) Trang phục phổ biến của nam giới thường dân thời Lý.
(3) Trăng quầng là một hiện tượng thời tiết xuất phát từ câu " Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa"
(4) Người có quyền lực lớn nhất trong một địa phương ở nông thôn thời phong kiến

purple.lavend3r suongthuytinh phongnhi2183
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Vạn dặm hùng ca – Chương 6 – Vòng xoáy.

Tôi trở thành thị nữ phục vụ tại điện Long An - trung tâm quyền lực kinh kỳ.

Long An điện bề thế nguy nga gấp mấy lần cung Long Đức của thái tử. Chính giữa điện là hình tượng lá đề bằng đá chạm đôi rồng uốn chín khúc vờn ngọc, đôi phượng chầu ở hai bên. Các ngói ống gắn lá đề trang trí diềm mái khắc rồng phượng một cách kỳ công. Tôi nghe nói để thực hiện một lá đề gắn phượng bốn mươi nghệ nhân phải thay phiên nhau trạm khắc trong hai ngày, mỗi nghệ nhân chỉ được làm trong mười phút để có sự tập trung cao độ.

Tổng quản nội cung Lý Nhân Nghĩa nghe theo sự sắp xếp của thái tử, giao cho tôi việc dâng thuốc thang, ngự thiện lên nhà vua.

Long An là nơi đức vua nghỉ ngơi, tất cả thái giám, cung nhân đều bận rộn đến mức không có thời giờ chỉ bảo tôi.

Công việc của tôi nói khó chẳng khó nhưng dễ mất đầu.

Thuốc thang thái y chuẩn bị, đồ ăn ngự thiện phòng đem tới. Tôi chỉ việc thử độc rồi theo đúng giờ quy định dâng lên, phải nhớ giờ nào nên dâng thuốc nào.

Thâm cung sâu tựa biển, đã bước chân vào nơi này, sự sống cái chết chỉ trong gang tấc mà thôi.

Đêm xuân khá lạnh, tôi túc trực ngoài điện, kéo áo cho khỏi gió. Màn sương lặng lẽ trùm phủ không gian, trời tối mịt chẳng có bóng trăng sao.

Tôi nghe phía trong điện có tiếng ho dữ dội, vội vã bưng thuốc vào. Hương long não dịu nhẹ lặng lẽ lan tỏa.

Đằng sau màn trướng màu vàng, đức vua đã tỉnh, có thái giám bê chậu tới, ngài gập mình nôn thốc nôn tháo.

Tôi tiến lại bên long sàng, nâng nhà vua dậy rồi bón từng thìa thuốc. Lúc sau, người ổn định trở lại, ra hiệu cho chúng tôi lui xuống.

Khi đã ra khỏi điện, tôi thấy tổng quản Lý Nhân Nghĩa cau mày rất sâu khi nhìn vào chậu của vua. Dưới ánh đèn lồng chập chờn, tôi nhìn rõ có vệt sẫm màu đỏ như máu.

Người ngoài có thể không nắm rõ nhưng những người trong điện này đều biết, bệnh tình của đức vua đã nghiêm trọng, những việc xử lý triều chính đều giao cả cho Thái tử.

Sớm hôm sau, tình trạng của nhà vua có đỡ hơn, các vị Tá Quốc hoàng hậu, Trinh Minh hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu, Lập Giáo hoàng hậu yết kiến. Tôi đứng phía sau rèm sắc thuốc, biết rằng ông đang cố nén ho.

Đến lúc các vị hoàng hậu cáo lui, tôi mang ống nhổ ra, nhà vua lúc này mới ho mạnh. Tôi vuốt vuốt lưng ngài rồi đỡ ngài nằm xuống giường. Ông nằm một lúc rồi trở dậy.

- Ngươi bê chồng tấu chương lại đây.

Trong lúc ngài xem tấu chương, tôi được phép lui xuống châm trà. Trà được một tuần cũng vừa lúc thái tử đến.

Mỗi ngày sau khi thiết triều, thái tử Lý Phật Mã đều trình tấu chương quan trọng lên đức vua.

Tôi dâng trà rồi khẽ khàng rời khỏi điện. Hương sen đậm đà vấn vít.

Cuộc sống của tôi ở đây là chuỗi tuần hoàn khép kín, tôi âm thầm chờ đợi đến Tết bởi lẽ nghe nói năm nay triều đình mở hội to để cầu phúc cho hoàng thương và bách tính.

Trước Tết vài ngày, người ta đem đặt trước sân rồng một cây nêu cao lắm. Cây nêu thực ra là một cây tre đẵn tới gốc để dài còn đủ ngọn lá, một cỗ mũ vàng với một tảng vàng buộc thân cây trên cao để xua đuổi ma qủy.
Thực ra ở quê tôi, người ta hay treo trên cây mấy chiếc khánh bằng đất nung, khi gió thổi keo leng keng sẽ vui tai hơn.
Xung quanh cây nêu là mấy đứa trẻ hoàng tộc nắm tay nhau múa hát.
Tôi gọi chúng lại, bọn trẻ túm tụm quanh tôi nghe kể sự tích cây nêu, có đứa bé gái nhát gan khóc ré lên khi nghe đến đoạn con quỷ quấy rầy dân làng. Đứa lớn nhất là trưởng tử của Dực Thánh vương, đứa bé nhất và lém lỉnh nhất là hoàng tôn Lý Nhật Tôn.
Bọn trẻ tầm hơn chục đứa tay cầm ống bương đựng đồng tiền kẽm. Từ tờ mờ sáng, chúng lũ lượt kéo đến từng cung vòi quà.

"Xúc xắc xúc xẻ

Nhà nào còn đèn còn lửa

Mở cửa cho chúng tôi vào

Bước lên giường cao: Có đôi rồng ấp

Bước xuống giường thấp: Có đôi rồng chầu

Bước ra đằng sau: Có nhà ngói lợp

Ngựa ông còn buộc

Voi ông còn cầm

Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ

Vợ ông sinh đẻ

Những con tốt lành

Những con như tranh

Những con như đối..."

Tiếng cười nói của trẻ thơ làm náo nhiệt cả cung cấm uy nghiêm.
Đêm tất niên, đức vua mặc cổn phục ra ngự ở cửa Đoan Cung giữa tiếng hô “ Vạn tuế” của trăm quan. Thái tử đội mũ Củng thần ba bậc trang trí ong bướm bằng vàng mình vận áo bào tía dát vàng dẫn đầu vương tôn quý tộc cùng bá quan văn võ hành đại lễ. Cha tôi đứng trong hàng Thượng tướng quân, kính cẩn cúi đầu.

Ánh vàng kim của cổn miện hòa cùng trăm vạn ngọn đèn làm lóa mắt tôi, vàng son phú quý đến độ tưởng như trường cửu.

Hôm nay, sắc mặt của nhà vua đã hồng hào hơn trước, ai nấy đều an tâm. Đức vua ngự giữa một đoàn cờ tán võng lọng, vô cùng cao hứng xem các phường chèo, phường hát có tiếng lần lượt phô diễn tài năng của mình. Trinh Minh hoàng hậu sắc mặc rạng rỡ ngồi cạnh nhà vua, đế hậu giống một đôi phu thê ân ái hạnh phúc. Người ta nói đã cả chục năm trôi qua, sự ưu ái của Lý Công Uẩn với người vợ thưở tấm cám này chưa bao giờ dứt.

Tôi không quan tâm lắm đến các tích chèo, chỉ mải ngó nghiêng nhìn về hàng ghế các vương gia tìm Khai Quốc vương, tôi chưa kịp nhìn kỹ đã nghe tiếng nói của nhà vua vang khắp không gian.

- Dực Thánh Vương, trẫm nghe nói đệ có thứ kỳ trân dị bảo muốn dâng tặng?

Dực Thánh Vương bước khỏi hàng ngũ các thân vương, trên tay cầm hộp đồng tinh xảo, tiến về phía nhà vua. Lập tức xung quanh có tiếng xôn xao.

Vương gia quỳ một chân, cúi đầu, dâng chiếc hộp lên:

- Hoàng huynh, thần đệ tình cờ được một ngư ông tặng viên dạ minh châu này. Đây chắc chắn là bảo vật trong truyền thuyết, chỉ xứng với bậc thánh quân.

Tôi không nhìn rõ dung mạo Dực Thánh vương nhưng giọng nói sang sảng này thực sự rất quen.

Đức vua mở chiếc hộp, tức thì ánh sáng từ viên minh châu phát ra, biến đêm trở thành ngày, chẳng thua kém vầng dương là mấy.

Ông cao hứng vỗ tay liền mấy cái:

- Trẫm thưởng cho hoàng đệ trăm xấp lụa quý, vàng bạc châu báu Chiêm Thành tiến cống.

- Đội ơn bệ hạ.

Sau khi Dực Thánh vương về chỗ, nhà vua bắt đầu tiến hành lễ trừ tịch tiễn và đón các vị hành khiển Phán quan,Thành hoàng, Thổ địa. Hương án được giữa sân rồng, trên có hoa quả xôi gà, trầu rượu vàng mã. Trống chiêng vang dậy đêm khuya, tiếng pháo đốt vang nghe thật náo nức lòng người.

Tối mồng Một, nhà vua đãi yến chúng quan ở điện Thiên An, vua tôi chung niềm vui sum họp, không phân biệt sang hèn. Tôi lần lượt bưng các món ăn lên, đều là vật phẩm trân quý được mệnh danh là Sơn Tây tứ quý: Dơi mặt ngựa Xài Sơn, Cá chép vàng Cần Xá, Cua Kềnh Khánh Hiệp, Rau muống Linh Chiều.

Không hiểu vì sao, đầu tôi đột nhiên đau nhói, bàn tay run lên. Tôi gượng đứng dậy nhưng không thể trụ được nữa, chén ngọc vỡ tan tành. Họng và bụng tôi đau quặn, nóng rát, chân tay tê cứng lại, mắt mờ đi…

Có ai đó nâng tôi dậy, xem hơi thở của tôi.

- Cỏ đoạn trường!

Tôi không thể mở mắt.

- Mang cho ta ba quả trúng gà, mau lên. Mang thêm nước sắc cam thảo, gọi cả thái y đến đây.

Tôi sợ hãi, vô thức nắm vạt áo người đó.

- Không sao đâu, cô đừng náo loạn.

Ba quả trứng sống đổ vào miệng tôi, trơn tuột qua cuống họng. Tôi thấy lợm giọng, tối tăm mặt mũi, phút chốc nôn ra hết.

Người đó thở phào:

- Tốt lắm, sống rồi. Các ngươi mang cam thảo cho cô ấy uống đi.

Tôi nói nhỏ, rất nhỏ, bàn tay chạm đến vết bớt hoa sen trên khuôn mặt người đó.

- Là anh phải không?

Không có tiếng đáp lời, anh ta đi rồi, tôi chỉ kịp nghĩ vậy trước khi bị đưa đi.

Nằm trong căn phòng nhỏ hẹp, mê man đến tận sáng, tôi làm sao biết ngoài kia sóng ngầm đã nổi.

-------------------

Nếu chỉ mình một thị nữ nhỏ bé như tôi do thử độc mà trúng cỏ đoạn trường thì không phải chuyện quá to tát, nhưng nghe đâu cả Vũ Đức Vương và Đông Chinh vương trúng độc nhẹ.

Xảy ra chuyện hạ độc động trời như vậy, đức vua nào còn tâm trạng thưởng thức lễ hội. Những kẻ không trúng độc hoặc không có mặt, từ quý tộc quan lại đến ngự thiện phòng đều nằm trong diện khả nghi.

Đối tượng đầu độc không rõ ràng, có kẻ muốn ly gián tất cả mọi người.

Khai Quốc vương bởi vì đến muộn, không xuất hiện trong yến tiệc mà bị gọi vào Long An điện.

Tôi vừa đỡ mệt liền chạy tới trước cửa điện, thấy hắn bình thản bước ra.

Long Bồ nhíu mày, mấp máy môi như muốn hỏi tôi có ổn không. Tôi gật đầu, cố mỉm cười, tôi thoáng thấy hắn có chút đau lòng.

Khi chúng tôi đi lướt qua nhau, tôi cố gắng nói đủ để hắn nghe thấy:

- “Bồ đề bản vô thụ. Minh kính diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật. Hà xứ hữu trần ai” (1)… Long Bồ, rời khỏi đây đi.

- Muội cảm thấy ta có thể từ bỏ tất cả, sống cuộc đời an phận, ngày ngày tụng kinh ư?

Hắn thở dài, chừng như muốn vươn tay xoa đầu tôi như trước, nhưng giữa chừng liền rụt tay, cân nhắc một chút, hắn nói:

- Muội còn nhớ lần trước ta tặng muội con dao găm chứ? Khi nào cảm thấy bất an, hãy đi đến cung Thúy Hoa, tìm một thái giám tên Phúc, ông ấy sẽ giúp muội, đừng tự giải quyết bất kỳ việc gì một mình.

Hắn vẫn lo lắng cho tôi như ngày xưa, tôi thấy lòng ấm áp tựa hoa xuân nở giữa đêm tuyết lạnh giá. Hắn không hỏi tôi tại sao ở đây, hắn cũng không cần biết tôi vì lý do gì đột ngột bỏ đi, hắn chỉ một lòng một dạ lo lắng cho tôi, đúng là bạn bè tốt.

Thấy tôi vỗ ngực đảm bảo, hắn mới yên tâm bỏ đi.

Bóng lưng thẳng tắp cao ngạo đó càng đi càng xa.

Về sau tôi mới biết, nhà vua đã bắt Khai Quốc vương quay về Trường Yên, trong một thời gian ngắn không được rời khỏi đó nửa bước, không phải ngài không tin hắn, mà là vì quá yêu thương nên càng phải đẩy hắn khỏi vòng xoáy tranh giành khốc liệt này.

Sau khi Lý Long Bồ rời khỏi Thăng Long, thái tử tiến hành một cuộc điều tra nửa bí mật nửa công khai trong hoàng cung. Nhiều thái giám, cung nữ bị tống giam rồi biến mất không vết tích. Không có bằng chứng, không tìm ra được kẻ chủ mưu, vụ việc này cứ thế rơi vào dĩ vãng.

Mưu toan chốn cung đình là cuộc chơi của kẻ có quyền, còn thái giám hay cung nữ cũng chỉ là “ con sâu cái kiến” trong trò chơi của họ.

Nhiều đêm, tôi nằm co ro trên giường, nghe thấy những tiếng than khóc khe khẽ trong màn đêm tối tăm, lạnh cả sống lưng.
purple.lavend3r suongthuytinh phongnhi2183 đây là quà mừng năm mới sắp đến :P


Chú thích:
- Bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng hiểu nôm na là "sắc tức thị không, không tức thị sắc" .
"Bồ đề vốn chẳng cây,
Gương sáng cũng chẳng phải là đài
Nguyên bản không là gì cả.
Trần ai là nơi đâu?"
Chữ Bồ (菩) trong Long Bồ chính là Bồ đề bởi vậy Tố Nghi mới khuyên Long Bồ từ bỏ những tham luyến, trở thành bồ đề không vương bụi.
- Cỏ đoạn trường là lá ngón của tộc người miền núi. Nếu ăn phải, không chữa kịp thời sẽ chết ngay tức khắc. Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh " Khi biết ăn phải lá ngón thì đập ngay ba quả trứng gà đổ vào miệng, nuốt xuống. Nếu nôn ra được thì sống"
 
Chỉnh sửa lần cuối:

phongnhi2183

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/16
Bài viết
530
Gạo
0,0
Truyện rất hay bạn à! Mình vốn rất thích cổ trang Việt có điều chương hơi ngắn nên đọc hụt hẫng hì.
Mình thấy ok cả riêng có cái này theo ý mình thì:
Lý Công Uẩn
Bạn nên gọi là Lý Thái Tổ và để ghi chú ở dưới nghe trang trọng hơn.
 

Tại Tâm

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/10/16
Bài viết
50
Gạo
0,0
Truyện rất hay bạn à! Mình vốn rất thích cổ trang Việt có điều chương hơi ngắn nên đọc hụt hẫng hì.
Mình thấy ok cả riêng có cái này theo ý mình thì:

Bạn nên gọi là Lý Thái Tổ và để ghi chú ở dưới nghe trang trọng hơn.

Uhm tại vì Thái Tổ là miếu hiệu truy sau khi vua băng hà, Lý Công Uẩn lại là tên thật của vua nên mình hơi bối rối. Nhưng dù sao bạn Tố Tố cũng xuyên không nên từ chương sau mình sẽ gọi là Lý Thái Tổ
À còn ngắn thì...chương sau sắp có rồi và dài hơn ó
 

phongnhi2183

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/16
Bài viết
530
Gạo
0,0
Uhm tại vì Thái Tổ là miếu hiệu truy sau khi vua băng hà, Lý Công Uẩn lại là tên thật của vua nên mình hơi bối rối. Nhưng dù sao bạn Tố Tố cũng xuyên không nên từ chương sau mình sẽ gọi là Lý Thái Tổ
À còn ngắn thì...chương sau sắp có rồi và dài hơn ó
Chắc ông ta phải có hiệu. Theo mình biết thì gọi thế là phạm húy á.
 
Bên trên