Vạn dặm hùng ca – Chương 8 – Tam vương chi loạn - 1
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”
Trích trong Thị đệ tử của Vạn Hạnh thiền sư có nghĩa là “ Thân như ánh chớp có rồi không”
Cuối mùa xuân năm ấy, mưa phùn triền miên chẳng dứt, trời đất u ám như đang hờn oán gì người, cấm cung lầy lội ẩm ướt. Những cánh hoa đào rụng dưới chân cũng xám ngoét vì lạnh.
Nhà vua đã sốt suốt từ đêm, một cơn gió lay mành trúc như gọi ngài trở dậy.
- Tố Tố…
Tôi nghe có tiếng gọi, lập tức chạy vào. Nhà vua đã tỉnh, thái y được truyền vào, sờ trán thấy ngài đã hạ sốt.
- Bệ hạ, để nô tì mang chút cháo lên.
Nhà vua mệt mỏi nhìn quanh, ngoài tôi ra cũng chẳng có ai. Tổng quản Lý Nhân Nghĩa vừa sang cung Long Đức truyền thái tử.
- Tố Tố, mang giấy bút lại đây.
Tôi mang giấy bút đến, bàn tay ngài run rẩy không cầm nổi bút. Tôi vừa sợ hãi vừa bối rối không biết làm sao. Nhà vua trầm giọng nói:
- Những điều trẫm nói sau đây, một chữ ngươi cũng không thể quên, sau đó nhắc lại với thái tử. Trẫm vốn là thần tử nhà Lê, vì gặp buổi loạn lạc, nhờ lòng người ưng thuận mà gánh vác ngôi trời. Thái tử từ nhỏ thông minh mẫn tuệ, nhìn người chuẩn xác, hành sự quyết đoán khiến trẫm rất an tâm. Sau khi trẫm băng hà, không cần làm tang lễ lớn, nhất định phải trấn an lòng dân. Trong triều người có thể tin tưởng được cũng như di chiếu và ngọc tỉ truyền ngôi, trẫm đã để sẵn trong hộp gỗ dưới long sàng. Nếu có loạn, lấy nhân mà trị, không được lạm sát. Mệnh trời đã tận, không thể níu kéo, đừng quá đau buồn mà ảnh hưởng đến đại cục.
Tôi nghe giọng ngài lạc đi, như đang trôi về miền ký ức thẳm xa:
- Ngày nhỏ, người ta mang oản lên chùa cúng Hộ Pháp, trẫm moi hết ruột oản ăn. Đêm đến Hộ Pháp báo mộng cho cha nuôi (2) , trẫm liền bị trách phạt, trẫm tức quá lên chùa đánh tượng, viết lên lưng tượng “đày đi xa ba nghìn dặm”. Sau này, trẫm được gửi đến chỗ thiền sư Vạn Hạnh, một ngày trẫm trốn học, bị phạt trói ở cổng tam quan. Đêm đó muỗi lắm, trẫm không ngủ được liền viết bài thơ này:
"Thiên vi khâm chẩm địa vi chiên
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên
Dạ thâm bất cảm tràng thân túc
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên." (3)
Ngươi nói hoàng nhi hãy ngẫm lấy. Bao nhiêu năm rồi, cha nuôi không còn nữa, Vạn Hạn thiền sư cũng viên tịch, giờ đến lượt trẫm…
(2) Từ năm Lý Thái Tổ 3 tuôi, mẹ ông đã gửi ông đến nhờ Lý Khánh Văn, anh trai sư Vạn Hạnh nuôi hộ, nên ông mang họ Lý của cha nuôi.
(3) Bài thơ Tức Cảnh của Lý Công Uẩn, tạm dịch nghĩa:
"Trời làm màn gối, đất làm chiếu
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng."
Tôi không muốn đức vua cứ thế mà lịm dần, cố níu tay người mà hỏi:
- Bệ hạ, bài thơ này có nghĩa là gì ạ?
- Hùng tâm tráng chí đến mấy cũng phải cẩn trọng, sai một bước sẽ nghiêng đổ cả sơn hà. Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà mộ chỉ cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý.
Bàn tay ngài lạnh như băng. Nhà vua mỉm cười hiền hậu rồi thanh thản nhắm mắt xuôi tay. Tôi kinh hãi ôm mặt khóc, những người xung quanh cũng không kìm được nước mắt. Các con ngài, những hoàng tử tài giỏi giờ đang ở đâu?
Tôi có cảm giác ngài đã mãn nguyện rồi. Ngài có thời niên thiếu lang bạt, đi qua chốn quan trường khốc liệt, đi qua mưa rơi đạn lạc chốn sa trường, đi qua những thây người chồng chất khi huynh đệ tương tàn, đi qua thiên đường và địa ngục.
Ngài từng tuyệt vọng ôm trong tay thân xác lạnh buốt của vị hoàng đế xấu số Lê Trung Tông (4) , nước mắt khô cạn biến thành những cơn ác mộng không có điểm dừng, ngài cũng từng chứng kiến những hành động ngông cuồng coi thường cả quỷ thần của Lê Long Đĩnh (5).
(
4) Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư :"Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông."
(5) Lý Công Uẩn lớn lên thời Lê Hoàn, ông theo giúp hoàng tử Lê Long Việt . Năm 1005, Lê Hoàn mất, các con tranh giành ngôi vua. Năm 1006, Lê Long Việt giành được ngôi vua, trở thành vua Lê Trung Tông. Nhưng chỉ được 3 ngày Trung Tông bị em lầ Lê Long Đĩnh giết hại giành ngôi. Lúc đó các quan đều sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Lý Công Uẩn đến ôm xác Trung Tông khóc. Lê Long Đĩnh cho đó là biểu hiệu của lòng trung thành nên sau này rất trọng dụng Lý Công Uẩn.
Ba vị vua đã chết, một triều đại đã chết.
Và giờ đến lượt ngài, bình thản đổi diện với cái chết.
Quá nhiều máu đã đổ trong suốt một đời người.
Quá nhiều nước mắt, quá nhiều nụ cười, quá nhiều nỗi kinh hoàng và cả vinh quang tột bậc.
Việc đầu tiên ngài làm sau khi lên ngôi là rời khỏi Hoa Lư, mảnh đất thấm đẫm máu và nước mắt, đổi tên nơi ấy là Trường Yên.
Ngài, chạy trốn khỏi mảnh đất ấy, để kiến tạo một vương triều của riêng mình, một vương triều lấy dân làm gốc.
Ngài, thiên đô ra Thăng Long, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, nhìn sông tựa núi, là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.
Ngài, nhân vật lịch sử vĩ đại mà trước kia tôi chỉ đọc trong sách giáo khoa, đã ra đi ngay trước mắt tôi. Hóa ra cung vàng điện ngọc thênh thang không giữ nổi sinh mệnh như ngọn đèn trước gió.
Trên dưới cung Long An như rắn mất đầu, thái tử vẫn chưa đến, tổng quản chưa quay lại. Tôi nhớ ra lời đức vua dặn, lục tìm hộp gỗ dưới chân long sàng.
Khi tôi vừa tìm được hộp gỗ, bên ngoài bỗng có tiếng đao kiếm va vào nhau, máu bắn cả lên cửa điện, trượt xuống tạo thành một vệt dài.
Cửa điện mở toang, một toán người mặc áo đen xông vào. Người dẫn đầu bọn họ chính là thuộc hạ của Lý Dực, tôi đã từng gặp nên nhận ra ngay. Người đó liếc mắt đã thấy tôi, nhanh như chớp dùng kiếm kề sát cổ tôi. Lưỡi kiếm lạnh ngắt, cái lạnh nhuốm mùi tử khí, máu tươi trên kiếm còn nóng hổi, bò ngoằn ngoèo như một con rắn vờn mồi.
- Tố Tố cô nương, mau giao chiếc hộp này cho vương gia. Chỉ cần cô thuận theo, chúng tôi sẽ không làm hại cô.
Tôi vẫn ôm khư khư chiếc hộp. Dực Thánh vương đã tạo phản, tôi có nên giúp anh ta để bảo tồn mạng sống? Nhớ lại ánh mắt tha thiết của Lý Thái Tổ, vào giờ phút này, quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng đến vòng xoay lịch sử, tôi có thể vì chút tình cảm riêng tư mà làm trái với lương tâm sao?
Câu trả lời là không.
Tôi xoay chân, đá vào chỗ hiểm của kẻ kia, tìm đường tháo chạy. Kẻ kia đau đớn rít lên, lập tức cả lũ thuộc hạ bao vây tôi. Một kẻ khác xông đến, tóm lấy tôi, ép sát vào chân tường. Hơi thở bị rút dần, tôi sợ hãi nhìn chiếc hộp trượt dần khỏi tay, loay hoay mãi mới lần được con dao găm Long Bồ tặng khi trước. Giả vờ lỡ tay đánh rơi chiếc hộp xuống thảm, tôi lấy hết sức bình sinh đâm một nhát sâu vào bụng kẻ kia.
Tôi nhặt lại hộp gỗ.
- Các người dám lại gần, ta sẽ hủy ngọc ấn.
May cho tôi, vào giờ phút sinh tử cận kề, cấm quân đã tới kịp. Người của Lý Dực đều là cao thủ nhưng đấu với cấm quân đông đúc cũng khó lòng lấy ít thắng nhiều, cuối cùng phải phi thân bỏ chạy.
Tôi nhân lúc đó nhanh chân trốn vào sau màn trướng, chỉ thò nửa khuôn mặt ra quan sát.
Tam vương tạo phản, biến loạn này tôi nhớ nhưng kết cục thế nào, tôi lại chẳng rõ ràng.
- Chu Tước, ra đây đi, vất vả cho cô rồi.
Đến tận khi nghe thấy giọng nói ôn hòa của thái tử, tôi mới nhận ra mình vừa thoát chết.
Lý Phật Mã nhìn thấy tẩm điện tan hoang bê bết máu, khuôn mặt hắn có chút trắng bệch, tóc hơi rối, môi mím lại, mày cau chặt. Theo sau hắn là cha tôi mặc giáp phục chỉnh tề, một vị tướng quân trẻ tôi không rõ tên, tướng quân Lê Phụng Hiểu cùng tổng quản Lý Nhân Nghĩa, khuôn mặt ai cũng rất nặng nề sau trận ác chiến.
Tôi bình tĩnh quỳ xuống trước thái tử, dùng hai tay nâng hộp gỗ, dõng dạc hô:
- Hoàng thượng, vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!
Tiếng hô của tôi khiến mọi người sực tỉnh, đồng loạt quỳ xuống hô vạn tuế. Lý Phật Mã chậm rãi đón lấy chiếc hộp, khuôn mặt không lộ rõ vui buồn.
Nhưng không ai trong điện này có thể yên tâm bởi ngoài kia, trùng trùng lớp lớp quân phản loạn đang bao vây hoàng cung. Tiếng gươm giáo, tiếng ngựa đạp cửa cung hòa cùng tiếng người khóc vang trời lở đất.
Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, cùng đợi Thái tử đến thì đánh úp. Nhưng họ đã không ngờ rằng, thái tử không hề đi qua cửa Quảng Phúc mà đi thẳng từ cửa Thần Phù dẫn đến âm mưu phản loạn bước đầu thất bại.
Người duy nhất lặng yên và bình tĩnh đến mức đáng sợ chỉ có Lý Phật Mã. Hắn bất động hồi lâu trước long sàng, lâu đến mức tôi tưởng như hắn sắp hóa đá. Cho đến khi vị tướng quân trẻ tuổi kia định tiến đến nhắc nhở, hắn mới đứng dậy.
Một lúc sau, hắn cùng nhiều tướng lĩnh chuẩn họp kín tại điện Càn Nguyên. Tôi có thể tham dự một phần bởi cần phải truyền đạt lại nguyên vẹn khẩu dụ của nhà vua.
Tôi quỳ xuống, thuật lại một lượt lời của đức vua, cảm giác lạnh lẽo truyền khắp thân thể tôi lúc đó vẫn còn nguyên.
Hắn nghe xong, ra hiệu cho tôi đứng dậy, ánh mắt sắc bén lướt qua những vị tướng đang vô cùng nóng ruột :
- Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay tam vương làm việc bất nghĩa, quên di mệnh của tiên đế, muốn mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?
Tổng quản Lý Nhân Nghĩa quỳ tâu:
- Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp sức bàn mưu, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay tam vương làm phản, thì là anh em hay là kẻ thù? Xin cho chúng thần được đánh một trận để quyết được thua.
Lý Phật Mã bước xuống từ bục rồng:
- Ta lấy làm xấu hổ là tiên đế mới mất, thi thể chưa quàn mà cốt nhục đã đánh nhau, há chẳng để cho muôn đời chê cười sao?
Lý Nhân Nghĩa mặt đỏ phừng phừng:
- Thần nghe rằng, muốn mưu xa thì phải quên ơn gần, giữ đạo công thì phải dứt tình riêng. Đó là việc Ðường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm. (Ý muốn chỉ việc Ðường Thái Tông giết hai anh, Chu Công Đán giết em là Quản Thúc để giữ ngôi vua cho Ðường Thái Tông và cho Chu Thành vương). Nay, điện hạ có cho Ðường Thái Tông và Chu Công là chăm mưu xa và giữ đạo công chăng? Hay hai người ấy chỉ tham công gần và đắm tình riêng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái Tông và Chu Công thì đời sau ca tụng công đức còn chưa hết, còn đâu mà chê cười? - Nhân Nghĩa lại nói - Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, có tài để làm việc lớn, nên đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bức cửa cung mà ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của tiên đế ra sao?
Hắn xoay người, giọng nói đượm vẻ buồn rầu. Nhưng từ góc nhìn của tôi, có thể thấy nửa khuôn mặt thái tử chìm trong bóng tối, chẳng rõ buồn vui, như đã có tính toán từ trước.
- Ta há lại không biết việc làm của Ðường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của tam vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội để được vẹn toàn tình cốt nhục là hơn. Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy tam vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục (lễ mặc đồ tang) đến hầu tiên đế, ngoài ra đều uỷ thác cho các khanh cả.
Các lời thoại có đánh dấu được trích nguyên văn từ Đại Việt sử ký toàn thư.
Sau khi cha tôi, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu lui ra hết, trong điện chỉ còn tôi và vị tướng trẻ kia.
- Chu Tước, Nguyễn tướng quân chính là Huyền Vũ. Nếu quân tam phủ bỏ chạy, nhất định ngươi phải bắt sống hoàng thúc.
Tôi quan sát Huyền Vũ, mày kiếm sắc bén, có thể thấy là một kẻ cơ mưu. Tôi nhìn lại mình, không thể coi là võ nghệ siêu đẳng, sao lại giao cho tôi bắt sống Lý Dực?
- Dương tướng quân dẫn đội kỵ binh Vũ Thắng
, Nguyễn tướng quân dẫn đội Ngự Long
.
Vũ Thắng và Ngự Long đều thuộc Thiên Tử binh.
Hóa ra là phụ giúp cha, hắn thực có tính toán cả. Quân tam phủ làm sao đấu lại hai nghìn quân tinh nhuệ, hơn nữa lại còn được sắp xếp theo kiểu nội ứng ngoại hợp.
Tôi nghĩ đến đây, lòng lại lo lắng không yên. Rời khỏi điện Càn Nguyên, phi ngựa một mạch qua cửa Quảng Phúc, từ xa đã nhìn thấy ngọn cờ thêu chữ Dực chói lọi đang tung bay. Khi gặp lại, chẳng ngờ lại trên chiến trường.
Huyền Vũ dẫn một toán quân liên tục hạ gục quân địch, xua quân phá vỡ trận địa do Vũ Đức Vương bày ra.
Đánh rồi lại đánh, máu bắn cả lên mặt, bùn đất nhão nhoét khiến tốc độ của ngựa chậm hẳn. Tôi ghìm cương ngựa, quay người đã thấy một kẻ dùng kiếm đâm vào hông khiến con ngựa của tôi điên lên, hất thẳng tôi xuống đất, đau đến mức chẳng thấy trăng sao gì nữa.
Một bàn tay đưa đến trước mặt tôi, tôi bắt lấy, lồm cồm bò dậy. Bàn tay đó thô ráp thân quen, tôi ngớ người:
- Cha?
- Nguyễn tướng quân, nhờ cậy ngài trông chừng nó.
Khuôn mặt cha hơi bẩn một chút, trông rất dữ tợn, cha chỉ kịp nói vậy rồi bắt đầu ra hiệu. Những binh lính dưới cờ lệnh nhanh chóng xếp thành bát quái trận đồ.
Thứ gọi là bát trận này trước kia cha từng nói qua, giờ mới thấy sức công phá của nó thực hiểm hóc. Trận đồ của cha, tôi đã từng xem qua, dĩ nhiên có thể hiểu được về mặt lý thuyết.
Trong trận lấy 5 người làm 1 ngũ (ngũ hành), 55 người thành 1 đội (số sinh thành của trời đất, trời 25, đất 30), 8 đội thành 1 trận (440 người), 8 trận thành 1 bộ (3.520 người) là trận tiểu thành. 8 bộ thành 1 tướng (28.160 người) là trận trung thành. 8 tướng là 1 quân (225.280 người) là trận đại thành. Từ bát quái biến ra trùng quái (64 quẻ), lấy 8 làm cơ sở mà nhân lên, càng đông người thì trận càng lợi hại, chính như Hàn Tín nói “Đa đa ích thiện” càng nhiều càng tốt.
Quân của ba vương không hẹn mà hỗn loạn, không cách nào thoát được. Vũ Đức Vương nóng vội thoát thân liền bị tướng Lê Phụng Hiểu một đao chém chết. Tôi tận mắt chứng kiến Vũ Đức Vương ngã khỏi lưng ngựa, lòng hoảng mắt hoa, quân của Vũ Đức Vương bị diệt hết rồi. Huyền Vũ dẫn một toán quân địch tiến vào cửa tử, y cứ lao phăm phăm nào quan tâm đến tôi.
Lá cờ thêu chữ Dực vẫn tung bay trong gió như thách thức cả tiếng trống thu quân:
- Dực Thánh vương trúng tên rồi, rút thôi.
Lui binh? Lý Dực đã lâm nguy, ngoài Đông Chinh vương đang bị bao vây ở Long Thành, ai có thể điều binh?
Trong đầu tôi lóe lên một kế, tuy không hay ho mấy nhưng trong tình cảnh này miễn cưỡng phải dùng.
( Chương này hơi dài, mọi người cố gắng đọc chú thích nha
purple.lavend3r suongthuytinh phongnhi2183 )