Chim Cụt Lê La Starlight bupbecaumua giovotinh_ji Tẫn Tuyệt Tình Phi Lâm Diệu Anh mEothMeoth có chương mới nhé.
Chương 32: Cuộc hội ngộ bất ngờ
Lần nào gặp hắn số tôi cũng đen như ông nội của ông nội của con chó mực.
Lúc tôi xoay người lại, Lê Khắc đã đứng ngay phía sau tôi, lặng lẽ như một bóng ma. Cái đầu cao ngạo che khuất mặt trời, tấm lưng sừng sững chắn trọn nắng mai. Hoá ra trên đời này lại tồn tại một một kẻ chỉ cần xuất hiện thôi, và chẳng phải làm gì cả, đã có thể cùng lúc cướp đi cả ánh sáng lẫn hơi ấm của tôi.
“A, cậu Khắc, tình cờ quá!” Tôi vân vê chiếc nút thắt trên cổ áo choàng, cất giọng hân hoan, nhưng lại là sự hân hoan nửa mùa vừa nghe đã nhận ra. Dù sao hỉ nộ ái ố cũng là bản năng của con người. Lộ quá nhiều thì không tốt, mà giấu quá nhiều cũng không hay. Đối với kẻ từng hai lần đẩy mình vào chỗ chết, thái độ của tôi như thế đã là rất nhún nhường rồi.
Hắn đáp lại tôi bằng ánh mắt thờ ơ, bàn tay rám nắng ẩn hiện những vết xước mờ uể oải giơ lên một túi quần áo màu nâu sẫm, đung đưa qua lại trước mặt tôi một hồi lâu. Giống như đang chờ đợi phản ứng của tôi, lại giống như đang tiêu khiển. Từ đầu đến cuối chẳng nói một lời.
Tôi lơ đễnh nhìn sang hướng khác, cố tình để hắn đứng đấy chơi với cái túi một mình như tên ngốc. Nắng nhạt dần, gió lạnh từng cơn ào ạt tràn qua, thổi nghiêng bãi cỏ lau vốn đã xơ xác bên bờ. Trong tiếng gió ù ù, thứ mùi hương cay cay thoảng trên người hắn bất chợt phả vào tôi. Hình như là mùi rượu thuốc.
Chà chà, bị thương rồi?
Thích thế!
Tôi hất lọn tóc xoăn phủ loà xoà trên trán, xoay lưng về phía hắn, tủm tỉm cười nhấm nháp niềm vui nhỏ bé. Thật ra đôi lúc tôi cũng thấy mình hơi hèn hạ.
“Này nhóc, có đi không? Trời đã bắt đầu kéo mây rồi đấy!” Ông lão lái đò khua nhẹ mái chèo, cất tiếng to như hét dù tôi chỉ đứng cách ông mấy bước chân.
“Cháu xuống ngay đây ạ.” Tôi chán nản lê bước ra phía bờ sông, ánh mắt đảo sang kẻ không màng thế sự đang thong thả gặm chiếc đùi gà bóng mỡ kia, sau đó lại ái ngại nhìn đôi bàn tay cùng mái chèo khẳng khiu của ông lão lái đò.
Nếu lỡ mưa…
Chắc con đò này không đến nỗi vì hắn mà chìm đâu nhỉ?
…
Dường như toàn bộ nước mưa chất chứa suốt mấy ngày qua đều trút cả vào trận bão này.
Đò đã cập bến từ lâu, nhưng tôi và Lê Khắc không có chỗ trú mưa, đành cùng ông lão ngồi co ro dưới tấm mái lá tả tơi, nhìn trời nhìn nước chờ mưa tạnh. Gió càng lúc càng to, mang theo cái lạnh cắt da cắt thịt. Thấy ông lão ngồi run lẩy bẩy, Lê Khắc cho ông ta mượn chiếc áo choàng, sau đó lại quét mắt qua tôi, nhìn tôi chăm chú.
“Tôi không…” Chữ LẠNH quật cường vừa định thốt ra đã bị tôi vội vàng nuốt lại, đổi thành: “…đủ áo.”
“Thì sao?” Hắn tựa người vào một góc, hai mắt lim dim.
Tôi ôm túi quần áo vào lòng, cắn môi do dự, rồi dịu giọng: “Cậu Khắc có thể cho tôi mượn tạm cái áo nào to to của cậu không?”
Hắn ngáp một hơi dài: “Lý do đâu?”
“Tôi sẽ tha thứ cho cậu vụ dùng tôi làm mồi nhử dụ tên kia.” Ông lão lái đò vẫn còn ngồi đấy nên tôi cũng không tiện nói rõ việc ở Lạng Sơn.
“Mày có tha thứ hay không thật ra chỉ có mình mày biết.” Hắn cười nhạt, cổ ngả sang một bên, nửa trêu tức nửa mỉa mai: “Tại sao tao phải tin mày?”
“Cậu chỉ cần biết nếu hôm nay không cho tôi mượn áo thì tôi sẽ càng ghét cậu được rồi.” Tôi cứng giọng.
Chiếc túi nặng trịch của hắn bay đến va vào đầu tôi đau điếng.
“Chậc chậc, lỡ tay.” Hắn lại ngáp thêm cái nữa, giọng nhừa nhựa kéo dài.
Lục lọi giữa núi thức ăn của hắn một hồi, rốt cuộc tôi cũng tìm được một cái áo đủ dày, đủ rộng để trùm từ đầu xuống chân như một chiếc chăn. Đúng là ra đường mới biết trời cao đất dày. Thầy tôi vừa chu đáo vừa sạch sẽ, dù nhà chẳng khá giả gì nhưng lúc nào cũng tinh tươm. Phạm Nguyên lại không cần phải nói, từ đầu đến chân đều thơm phưng phức, áo lúc nào cũng thoang thoảng mùi bạc hà dễ chịu. Còn Lê Khắc…
Mãi đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi suy nghĩ của hắn về mình.
Hắn chẳng đắn đo mang tôi ra làm bia chắn, nhưng ngay sau đó lại ôm vết thương bế tôi suốt hai mươi dặm về thành. Lẽ nào hắn không biết nếu sống tôi sẽ căm hận hắn? Có căm hận sẽ có trả thù?
Nói hắn áy náy lại càng nực cười hơn. Tôi vừa cứu hắn đêm hôm trước, ngay đêm hôm sau hắn đã dùng tôi làm vật thế mạng, dụ nội gián ra tay, rồi cứu thoát tôi trong gang tấc. Cứ như tôi sẽ ngốc nghếch tin rằng hắn cho mình cơ hội lập công, cứ như tôi sẽ vì chút ân huệ mà bỏ qua hai lần hắn hại tôi suýt chết.
Tôi không nghĩ hắn lại ngây thơ đến vậy. Lúc mang tôi ra làm mồi nhử, hẳn là hắn đã phải lường trước tôi sẽ ghi hận việc này. Có ghi hận sẽ có trả thù, chỉ riêng lý do này cũng đủ để hắn xem tôi là mối hoạ ngầm rồi, chỉ là chẳng biết tại sao đến giờ hắn vẫn cứ hồn nhiên vô tội cười cười nói nói trước mặt tôi như vậy.
Quyền lực của Phạm Nguyên không đủ để bảo vệ tôi. Muốn an toàn, tôi phải dựa vào Lê Sát. Mà muốn dựa vào Lê Sát, tôi không thể đối chọi với đứa con cưng là Lê Khắc của ông ta, dù chỉ trong vòng nửa tháng hắn đã mang mạng tôi ra tung hứng đến hai lần.
Chính con số hai chết tiệt này đã khiến tôi tiến thoái lưỡng nan. Tôi có thể giả vờ rộng lượng một lần, nhưng không thể giả vờ rộng lượng hai lần. Quá tử tế sẽ trở thành giả tạo, Lê Sát sẽ không tín nhiệm người giả tạo. Trong khi đó, căm ghét Lê Khắc được xem là thành thật, nhưng sự thành thật này lại giết chết mối quan hệ giữa Lê Sát và tôi. Ông ta sẽ không nâng đỡ, bảo vệ kẻ có khả năng sẽ trả thù đứa con nuôi yêu dấu của mình. Huống hồ, thằng con trai nhỏ của Lê Sát có vẻ cũng chẳng vừa mắt tôi cho lắm. Tuy trong buổi tiệc lần trước Lê Sát đã bênh tôi thay vì con ruột của ông ta, nhưng địa vị một đứa học trò hờ như tôi rất bấp bênh, không thể nào sánh với đám con cái của ông ta được. Nếu Lê Khắc xem tôi là cái gai trong mắt, cùng đứa con trai nhỏ của Lê Sát tìm thời cơ nói xấu tôi trước mặt ông ta, tôi sợ ông ta sẽ thay đổi thái độ đối với tôi.
Những người bị Lê Sát ghét kết cục chỉ có từ thảm đến vô cùng thảm. Chết thì có Lưu Nhân Chú, sống vật vờ thì có tổng quản Cung, bị đẩy đến xứ khỉ ho cò gáy thì có Trịnh Khả, Nguyễn Lý, Trịnh Khắc Phục, Bùi Cầm Hổ. Tôi không muốn sa vào con đường u tối ấy.
Lần trước Lê Sát chỉ cảm ơn tôi việc “cứu” Lê Khắc trong rừng, không đề cập đến chuyện hắn mang tôi ra làm mồi nhử tên gian tế, có lẽ vì trong thư hắn đã không nhắc đến việc này. Lúc ấy tôi cũng không lo xa đến vậy. Mãi đến khi hắn xuất hiện trước mặt tôi, khiến tôi mỗi lần nhìn hắn lại phải tìm lý do để bắt bản thân kềm chế, suy nghĩ xem nên phản ứng thế nào, nỗi lo này của tôi mới bắt đầu trỗi dậy.
Muốn nóng không được mà muốn lạnh cũng chẳng xong.
Lê Khắc… Lê Khắc… Trong giấc mơ, tôi đã nguyền rủa cái tên này không dưới một nghìn lần.
“Đến giờ cơm rồi, hai đứa ăn tạm đi cho đỡ đói.” Ông lái đò ngủ gà ngủ gật nãy giờ chợt mở mắt ra, dúi vào tay mỗi đứa một củ khoai lang.
Tôi lắc đầu: “Ông cứ ăn đi ạ, cháu có mang theo thức ăn mà.” Thấy ông lão đã nghèo đến vậy mà còn chia sẻ cho mình, tôi không khỏi xấu hổ, lôi từ trong túi ra mấy nắm xôi, lại sợ ông tự ái, nên vừa đưa xôi cho ông vừa xin lại củ khoai, cười cười bảo: “Ông cháu ta ăn mỗi thứ một ít thế này cho phong phú ạ.” Sau đó lại sực nhớ đến đống đồ ăn đầy ắp của tên khốn kiếp kia, bèn hồn nhiên quay sang hắn: “Cậu Khắc ơi, mớ chuối, cá khô, bánh gai, xôi đỗ trong túi cậu còn ăn được không?”
Từ câu trả lời đến ngữ điệu ôn hoà dễ dãi của hắn đều nằm ngoài dự liệu của tôi: “Ừ, thích thì cứ lấy đi.”
Tôi sững sờ nhìn hắn như nhìn một con gà trống đang loay hoay đẻ trứng.
Nước mưa theo gió vùng vẫy giữa trời, tạt qua mái lá, vương thành những hạt nước nhỏ li ti trên tóc hắn. Hắn rút từ trong ngực ra một chiếc khăn thêu, lau mặt qua loa rồi lại nhét trở vào. Tôi thoáng nhìn thấy một đóa hoa màu đỏ trên khăn, nhưng mũi thêu vừa thô vừa cứng. Không giống hoa thật, cũng chẳng giống hoa văn cách điệu. Thêu ra được cái khăn xấu thế này, chỉ có một người…
“Mặt thằng này sao đỏ thế?” Ông lão lái đò chợt đưa tay áp lên trán Lê Khắc. “Bị sốt rồi. Chậc, thanh niên trai tráng gì mà yếu quá!”
Hắn cười cười đẩy tay ông lão ra: “Nóng một chút thôi, không sao đâu ạ.”
Tôi nhìn hắn, thấy hắn liếc sang mình liền quay mặt đi tỏ vẻ chẳng muốn liên quan.
Tuy ngoài trời mưa gió bão bùng, nhưng chúng tôi không bị mắc mưa, tên trâu bò này nãy giờ cũng không hắt hơi cái nào, có lẽ hắn sốt không phải vì nhiễm lạnh.
Hắn đang bị thương. Có lẽ cơn sốt là do vết thương kia. Xem ra bị thương cũng hơi nặng đấy.
Ôi, tôi thích!
Lê Khắc ơi, mày gục xuống đi, rên rỉ đi, khóc lóc đi, van xin tao đi…
“Đứa nào đã ăn xôi, ăn bánh của tao…” Hắn thấp giọng đe dọa. Tuy không nhìn hắn, nhưng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt hắn đang khoét hai cái lỗ trên bàn tay đang cầm thức ăn của tôi. “Lát nữa phải có trách nhiệm với tao.”
Tôi mím môi liếc sang hắn, ánh mắt vừa cam chịu vừa bất mãn.
Thằng khốn này… tôi đang cố tìm cơ hội để hắn ban ơn cho tôi, cũng là tạo cho chính mình cơ hội cảm động vì hắn, tha thứ cho hắn, để mọi người không nghi ngờ việc tôi quên đi những hiềm khích trước đây với hắn. Thế mà hắn lại hết lần này đến lần khác hiếp đáp tôi, đá đổ kế hoạch của tôi.
“Thằng chó con nhà lão hồi bé cũng lớn xác nhưng yếu ớt thế này.” Lúc hai chữ ‘yếu ớt’ ấy của ông lão vang lên, nét mặt Lê Khắc trông hơi ngơ ngác, rất buồn cười. Thế nhưng rốt cuộc hắn cũng chẳng nói gì, chỉ im lặng nhìn bàn tay ông lão thoăn thoắt nhúng chiếc khăn trùm đầu đã hơi nhàu xuống nước, vắt khô, rồi ấn lên cái trán đang phát sốt của mình. “Được mỗi cái chân thằng ấy nhanh như gió, mỗi lần nghịch phá gì là cả làng không ai đuổi kịp, nên chẳng bao giờ bị đánh. Có lần nó đi trêu đứa con gái nhà hàng xóm, bị ông nội người ta thả nguyên bầy chó ra rượt chạy cả buổi chiều, vậy mà vẫn không cắn được nó cái nào, ngược lại ông cụ lại tức đến nỗi đau tim. Sau nó thấy có lỗi nên ngày nào cũng sang rửa chân cho ông cụ, chẳng biết tranh thủ nịnh bợ kiểu gì mà rốt cuộc lại được ông cụ hứa gả cháu gái cho. Nếu năm đó nó không đi tòng quân mà ở nhà cưới vợ, chắc giờ đã được ba bốn mặt con rồi.”
Ông nói không ngừng, tiếng được tiếng mất giống như chỉ để mỗi mình nghe. Miệng cười, nhưng ánh mắt lại buồn thăm thẳm. “Nó chạy khắp làng trên xóm dưới mười mấy năm trời, rốt cuộc lại chạy không thoát được một mũi tên.”
Ngoài trời, tiếng mưa đã thưa dần.
Tôi nhớ đến một ngày đông nhiều năm về trước.
Trong cái đầu non nớt của tôi lúc ấy, chạy giặc giống như một trò chơi. Tôi là một quả cầu nhỏ được chuyền từ tay thầy sang tay mẹ, rồi từ tay mẹ về lại tay thầy suốt một ngày dài, khi ngủ gà ngủ gật, khi háo hức nhìn đất nhìn trời. Tôi chẳng hiểu thế nào là chiến tranh, thế nào là chết chóc, trên đường đi cứ hồn nhiên chỉ vào những cái xác trải đầy bờ ruộng: “Thầy ơi, các chú này hư quá, không ngủ trong nhà mà ngủ ngoài đường”. Những lúc như thế, thầy lại lặng lẽ che mắt tôi, không đáp. Mãi cho đến một ngày chúng tôi tình cờ gặp lại vài người bạn cũ của thầy, được họ cứu khỏi tay bọn giặc, để rồi sau đó lại phải cắn chặt môi, nấp vào bụi rậm, tận mắt chứng kiến họ bị một toán quân khác đông hơn, giết. Chết.
Những ngày ấy, cái chết có thể đến thật dễ dàng.
Thầy mẹ tôi vẫn may mắn sống sót sau cuộc chiến, nên ấn tượng của tôi về chiến tranh cũng không sâu sắc lắm, nhưng những người từng vì nó mà mất đi thân nhân lại khác.
Giống như ông lão lái đò. Cũng giống như… Lê Khắc.
Tôi không cảm nhận được thế giới của họ lúc này.
Tôi nép vào một góc, ngồi bó gối nhìn ra cảnh vật đang dần dần hiện rõ sau cơn mưa tầm tã.
Có lẽ năm xưa, cha mẹ ruột cũng vì chiến tranh mà bỏ rơi tôi.
“Giờ nhà ông còn ai không ạ?” Lê Khắc cất giọng khàn khàn.
“Vợ chồng lão hơn bốn mươi mới được mụn con. Thằng bé chết, u nó sao sống nổi…” Ông lão nghẹn ngào, khẽ lắc đầu. “Con bé được hứa hôn với nó lúc đầu còn sang thăm nom vợ chồng lão, nhưng chưa đầy nửa năm sau cũng theo dì nó đi tải gạo cho nghĩa quân, bị giặc giết rồi vứt xác xuống sông, mãi vẫn không tìm được. Giờ lão…”
Ông đưa tay quệt vội giọt nước mắt vừa chực tuôn ra, cười gượng: “Thôi thôi, không nhắc chuyện xưa nữa, tự dưng lại bắt chúng bây buồn theo lão.” Ánh nắng nhàn nhạt xuyên qua màn mây rọi xuống mặt sông lấp lánh, nét mặt ông lão lúc này cũng đã tươi tắn hơn đôi chút. “Mưa cũng tạnh rồi, hai đứa tranh thủ lên đường đi kẻo muộn. Lão cũng phải về bến chèo thêm vài chuyến nữa kiếm tiền sống qua ngày chứ, từ sáng đến giờ chỉ chở có mỗi hai đứa bây là lỗ lắm đấy nhé!”
Tôi dúi một ít tiền vào tay ông: “Giờ cháu được sống yên bình, chỉ cần lo ăn lo học cũng là nhờ những người như con ông hy sinh vì đất nước. Mấy đồng này xem như chút lòng biết ơn của cháu.”
Miệng thì nói vậy, nhưng thật ra tâm trạng của tôi lúc ấy không phải biết ơn, mà là hổ thẹn. Ông lão mất cả con trai lẫn con dâu vì đất nước, nhưng đến giờ vẫn phải sống kham khổ, già như vậy còn phải ngày ngày lái con đò cũ kĩ này để mưu sinh. Trong khi đó, tôi… tôi chỉ giỏi nịnh bợ Phạm Nguyên, tính ra cũng chẳng phải làm gì cả, nhưng lại được rất nhiều tiền.
“Cất vào, cất vào đi, lão chỉ lấy tiền đò thôi, không có nhận thêm gì nữa hết. Đã đến nỗi chết đói đâu mà lại vòi tiền con nít!” Ông lão kiên quyết xua tay, ánh mắt rất nghiêm túc, tựa như chỉ cần tôi nài thêm lần nữa là ông sẽ nổi giận ngay.
Tôi thấy vậy cũng không miễn cưỡng ông thêm nữa. Chỉ nói vài câu cảm ơn, rồi từ biệt ông, cùng Lê Khắc lên bờ.
Mưa đã tạnh, nhưng trời đông vẫn lạnh. Nắng vừa le lói, gió đã từng đợt từng đợt nổi lên. Con đò nhỏ rách nát chở theo ông lão gầy gò giống như một chiếc lá khô lênh đênh giữa mặt nước mênh mông. Lại giống như một mũi tên, vượt sóng vượt gió, trở về nơi nó phải trở về.
Có lẽ một ngày nào đó ông lão sẽ hoàn thành được tâm nguyện lớn nhất của đời mình. Tìm được hài cốt cô gái nọ, đưa về nhà, hợp táng cùng chàng trai mà năm xưa cô vẫn chưa kịp nên duyên nên phận.
…
Ánh mắt tôi vừa rời khỏi con đò, Lê Khắc đã hất hàm ném ngay chiếc túi của mình về phía tôi, không báo trước tiếng nào. Nếu tôi không kịp lùi về sau vài bước thì hẳn đã bị núi thức ăn trong túi hắn đập gãy mũi rồi.
“Sao nhẹ vậy?” Tôi ngạc nhiên nâng chiếc túi của hắn lên, vừa vò vò vừa lẩm bẩm.
Hắn không đáp, chỉ cười khẩy nhìn tôi rồi quay lưng đi trước.
Trong chiếc túi này chỉ còn quần áo, lúc nãy trên thuyền thật ra mọi người cũng chưa kịp ăn được bao nhiêu, vậy số thức ăn kia vẫn còn đang ở…
…
Tôi và Lê Khắc thuê cùng một chiếc xe bò. Suốt quãng đường, ánh mắt tôi cứ đảo qua đảo lại quanh người hắn, nhưng lúc hắn liếc sang thì lại làm mặt lạnh. Cứ vài lần như vậy, cuối cùng hắn cũng không quan tâm đến việc tôi nhìn hắn nữa.
“Bị đuổi khỏi nhà à?” Khoé môi tôi khẽ nhếch lên, giọng nửa chế giễu nửa tò mò.
Lúc này lẽ ra hắn phải đang ở quân doanh. Tuy Lê Sát tương đối dung túng thuộc hạ của mình, nhưng với con cái thì lại khác. Việc Lê Khắc rời khỏi Lạng Sơn tôi đoán có đến bảy phần là Lê Sát không đồng ý. Với thân phận của Lê Khắc hiện giờ, nếu hắn muốn về quê, lẽ ra sẽ phải có người hầu kẻ hạ đi theo, ngựa xe đưa rước. Đằng này, hắn lại đi cùng một con đò, ngồi cùng một chiếc xe giống như tôi, có vẻ không phù hợp với thân phận lắm, vẻ kiêu ngạo thường ngày hôm nay cũng giảm ít nhiều.
Mưa nắng thất thường. Hơi trầm tư…
Hơn nữa, lại bị thương.
“Mày có vẻ vui.” Nét mặt hắn không giống tức giận, mà giống như đang đề cập đến một việc hiển nhiên, và việc ấy chẳng liên hệ đến mình. “Trong đầu mày đang hy vọng tiếp theo sẽ moi được tin tức nào đó về hoàn cảnh thê thảm của tao hiện tại, càng thảm thì càng tốt.”
Tôi thoáng ngỡ ngàng, nhưng ngay sau đó lại nhoẻn miệng cười, gật đầu khẳng định: “Đúng rồi!”
“Mà tao thì đang mệt.” Hắn nói.
Cằm tôi hơi hếch lên: “Thì sao?”
“Nên mày ra góc đằng kia tiếp tục tưởng tượng đi, để chỗ này cho tao duỗi chân ngủ cho thoải mái.”
“Nếu tôi không chịu thì sao?”
“Nhật Lệ có thường nhắc đến tao không?” Hắn đột ngột chuyển chủ đề khiến tôi hơi chưng hửng, chưa kịp suy nghĩ đã buột miệng đáp: “Lần nào chả nhắc.”
“Ừ.” Hắn kê hai tay ra sau gáy, từ từ nằm xuống. “Mà mày thường gặp Nhật Lệ lắm hả?” Lúc quay sang tôi, ánh nhìn của hắn hình như hơi lạ.
“Không, cũng ít thôi.” Tôi nhún vai, giọng cũng không còn hùng hổ như lúc ban đầu nữa. Rốt cuộc thì tôi vẫn là kẻ yếu, hắn là kẻ mạnh. Dù có đang vào vai bất mãn, hay thách thức hắn đi chăng nữa, tôi cũng không dám thách thức chuyện nhạy cảm này.
Gần đây tôi càng lúc càng lười, thường xuyên trốn học, nên thỉnh thoảng lại tình cờ gặp cô nàng ở góc hồ phía tây ngự hoa viên, cũng đang trốn học như tôi. Cùng hoàn cảnh khiến chúng tôi dễ cảm thông, trò chuyện cũng hợp nhau hơn, nhất là từ khi tôi dạy cô nàng trốn ở góc nào thì ném đá người đi đường khó bị người ta phát hiện. Nhật Lệ rất thơm, da thì mịn. Đôi lúc tôi thừa cơ ngồi sát một tí, ngửi ngửi tóc cô nàng, hoặc mượn cớ xem bói để nắm tay, cô nàng cũng chẳng ngượng ngùng hay bài xích gì tôi cả, nhiều khi còn ngồi tựa vào tôi nữa, nên tôi thích lắm.
Chỉ tiếc, cứ nói ba câu, thể nào cũng có một câu cô nàng dùng ánh mắt lấp lánh và đôi môi đỏ mộng ngọt ngào thủ thỉ lúc nhỏ anh Khắc thế nọ, anh Khắc thế kia. Cứ như trên đời này chỉ còn mỗi mình hắn là giống đực! “Mày thích Nhật Lệ à?” Nụ cười của hắn khiến tôi không hiểu nổi.
“Cô ấy là tiểu thư cao quý, còn tôi chỉ là một kẻ nghèo hèn, tôi làm sao dám…” Giọng tôi càng lúc càng lí nhí.
“Nghèo? Sao tao nghe đồn mày từng được thưởng một căn nhà?” Câu nói này, hắn chỉ nói đủ để chúng tôi nghe. “Thật ra giàu nghèo đôi lúc cũng không quan trọng lắm.” Hắn ra vẻ hiểu đời, ánh mắt như đang ban phát thứ ân huệ hiếm hoi là an ủi trái tim tự ti yếu đuối của tôi. “Chỉ là nhiều lúc nó rất quan trọng thôi.”
“Cậu trêu chọc tôi thì có ích gì, người cha cô ấy muốn chọn làm con rể cũng không phải cậu.” Tôi thở dài. “Nếu phải sống ở nơi đó cả đời, cô ấy sẽ rất buồn.”
Tuy mục đích chính của tôi là dùng Nhật Lệ để xoá nhoà hiềm khích giữa tôi và Lê Khắc, nhưng việc tôi lo lắng cho tương lai của cô nàng cũng không phải là giả tạo. Cô gái này tạo cho tôi cảm giác có chút gì đó hơi giống Phạm Nguyên. Nhìn thì vậy, bên trong lại khác. Phạm Nguyên muốn được lòng tiên đế nên luôn ra vẻ mẫu mực, chăm ngoan, nhưng chỉ cần thoát khỏi chiếc lồng kia, cậu ta liền biến thành đứa trẻ bốc đồng, nhiều khi xấu tính. Nhật Lệ bề ngoài vừa điệu đà lại mỏng manh, nhưng một khi rời khỏi những người cần phải lấy lòng, cô nàng sẽ ngay lập tức biến thành đứa con trai mặc váy. Nhiều lúc tôi cảm thấy họ tuy giàu sang nhưng cuộc sống còn bất hạnh hơn mình. Ít ra, từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ phải nguỵ trang trước mặt thầy mẹ của mình để được họ thương yêu.
Mi mắt hắn hơi rũ xuống: “Lẽ ra tao không nên đẩy con bé vào con đường đó.”
Đường đá vốn đã gập ghềnh, sau mưa lại còn bị khoét thêm những ổ gà, ổ voi xăm xắp nước, khiến chiếc xe bò nhiều lúc lắc lư dữ dội tưởng chừng sắp lật. Tôi bám vội vào thành xe, nghiêng người tránh đi tia nước vừa bị bánh xe hất lên cao. Vô tình nhìn sang Lê Khắc, lại thấy hắn vẫn nằm đấy như pho tượng, giống như những chấn động vừa rồi chẳng là gì với hắn.
“Nếu…” Tôi liếc nhìn người đánh xe phía trước, bốn chữ ‘quan Đại tư đồ’ sắp bật ra khỏi miệng liền nhành chóng được chuyển thành từ khác. “Nếu cha nuôi cậu chịu ra mặt, giúp cậu cầu hôn tiểu thư Nhật Lệ, tôi nghĩ gia đình cô Nhật Lệ sẽ suy nghĩ lại.”
Hắn vạch tay áo lên, gõ gõ ngón trỏ chai sần vào những vết đỏ dày đặc trên cánh tay mình, cười cười hỏi: “Biết cái này là bị ai đánh vì tội gì không?”
Tôi ngỡ ngàng nhìn trân trân cánh tay đen sạm đầy vết thương kia, đợi đến khi hắn phủ tay áo xuống, mới nhẹ giọng hỏi: “Vậy giờ cậu tính sao?”
“Còn biết tính sao?” Hắn xoa xoa mái đầu tua tủa như bó chổi của mình. “Người lớn này không ra mặt thì phải tìm người lớn khác thôi. Tao sẽ về quê tìm bà nội.” Nói xong, hắn lại nhấn mạnh. “Bà nội ruột.”
Tôi khẽ thở dài, cảm thấy giải pháp này cũng chẳng khả thi là mấy. Qua lời Nhật Lệ, gia cảnh hắn tôi cũng biết được ít nhiều. Nếu Lê Sát chịu nói chuyện với Lê Ngân, may ra Lê Ngân còn đồng ý gả con. Đằng này, bà nội ruột của Lê Khắc chỉ là một thường dân, không quyền không chức không gia thế, hơn nửa lại tỉnh khi đãng trí vì thương nhớ đứa con trai chết trận, làm sao xoay chuyển được tình hình!
Có lẽ hắn hiểu được điều này, nên vẻ cứng cỏi kia cũng chẳng tồn tại được lâu trên nét mặt.
“Quan đại tư đồ không ngăn cản cậu về đưa bà nội lên sao?” Đánh hắn tả tơi, nhưng lại để mặc hắn cố chấp theo đuổi lựa chọn của mình, tôi thật không hiểu nổi cuối cùng Lê Sát muốn gì.
Chẳng lẽ ông ta không muốn lục đục với Lê Ngân, nhưng đồng thời cũng không muốn con gái Lê Ngân có cơ hội tranh giành địa vị với con gái của mình, nên ngoài mặt thì bắt, sau lưng lại thả?
“Cha nuôi nói có những chuyện đàn ông chỉ dám làm khi còn bồng bột. Một khi trưởng thành, sẽ không còn đủ dũng khí để hy sinh những thứ khác trong đời mình nữa… Nên để tao đi.”
Hoàng hôn đổ bóng ngập đường quê. Tre rung như tiếng hát, nhịp xe như tiếng phách, ru tôi mơ mơ tỉnh tỉnh suốt quãng đường chông chênh còn lại.
Năm ấy, tôi mười ba tuổi. Chưa chạm vào quyền lực để biết quyền lực có thể gặm nhắm bao nhiêu phần của trái tim, càng chưa dấn thân vào tình ái để biết những thứ gọi là yêu thương nồng nhiệt, là thề non hẹn biển, là ngọt ngào thuần khiết mong manh đến thế nào. Vẫn nghĩ rằng chỉ cần cố gắng, nhất định sẽ có một con đường. Chỉ cần quyết tâm, niềm tin ấy vĩnh viễn sẽ không thay đổi.
…
Chúng tôi về đến cổng làng lúc những tia nắng cuối cùng sắp sửa mất hút giữa nền trời. Lê Khắc muốn nghỉ lại ở nhà tôi, tôi cũng không tìm được lý do từ chối, đành úp úp mở mở dặn hắn rằng mẹ tôi khó tính, nếu lỡ bà có hỏi nhớ bảo rằng tôi đang ở nhà Phạm Vấn, giống như Phạm Nguyên từng bịa chuyện, đừng để bà biết tôi đang làm việc trong cung.
Xưa nay tôi hiếm khi làm việc tốt mà không mong người ta báo đáp, với Lê Khắc lại càng không. Thế nên vừa kéo hắn vào làng, tôi đã huyên thuyên cười nói giới thiệu cho hắn nhà nào làm mắm khéo, nhà nào có gái xinh, cốt để người trong làng chú ý. Tôi không thể tiết lộ việc mình làm thư đồng cho hoàng đế, nhưng tôi có thể rêu rao mình là người thân thiết của con trai cưng quan đại tư đồ Lê Sát trong triều.
Tuy là nước xa không cứu được lửa gần, nhưng có lẽ đám người họ nội tôi sau khi biết chuyện sẽ dè chừng một chút. Tôi đi rồi, họ cũng sẽ không dám hà hiếp mẹ tôi.
“Phương, ôi trời ơi… Phương con…” Phía sau tôi, một tiếng gọi quen thuộc chợt vang lên.
Tôi vội ngoái đầu nhìn, hớn hở: “A… vú Thắm!”, rồi chạy đến bên bà. Trong làng, nhà tôi cũng chỉ thuộc hạng trung, vốn dĩ không có tiền để thuê vú nuôi. Vú già là người từng được thầy tôi cứu trên đường cả nhà tôi khăn gói trở về làng. Cả nhà không còn ai sống sót, nên vú xin ở với chúng tôi, khi thì làm việc vặt, khi thì chăm sóc tôi để mẹ đi chợ, thầy đi hái thuốc. Ngoài thầy mẹ tôi ra, vú là người duy nhất biết chuyện tôi là con gái.
“Trời ạ, mới gần một năm mà nó lớn thế này rồi, sang năm chắc cao hơn vú mất thôi.” Bà dùng bàn tay thoang thoảng mùi hành xoa đầu tôi, cười tươi roi rói. “May quá, nhà ta đang nấu cháo lươn, vú vừa sang nhà bà Hến xin tí ớt đây, con vừa về đã có lộc ăn ngay nhé.”
“Ơ, hôm nay có dịp gì hay sao mà nhà ta lại ăn cháo lươn thế vú?” Từ lúc thầy qua đời, mẹ tôi chỉ ăn chay, nhà ngoài tôi ra có còn ai động đến thịt cá đâu?
“À, tối qua nhà ta có khách quý từ kinh thành xuống. Vú ở trong bếp nghe lóm được, cậu này hình như là…”
“A!” Tôi hét lên một tiếng to, vội vàng cắt đứt những lời sắp bật ra của vú già. “Con nhớ mẹ quá rồi, chúng ta vào nhà thôi vú.”
Không đợi bà phản ứng, tôi ngay lập tức nắm lấy tay bà lôi đi xềnh xệch. Gia đình tôi quanh năm suốt tháng ở trong làng, may mắn lắm cũng chỉ quen biết được vài người trên trấn. Thế nên vừa nghe đến hai chữ “kinh thành”, linh cảm của tôi đã rung lên mãnh liệt.
“Mẹ!” Tôi cất tiếng gọi, bước nhanh về phía vườn mướp trước hiên nhà.
“Đình Phương!”
Thế nhưng, đáp lại tôi lúc này không phải tiếng mẹ. Mà là tiếng của Đỗ Huy.
Đúng là tên khốn Lê Khắc này khiến số tôi đen như chó mực mà!
“Chào… bác gái.” Sau lưng tôi, Lê Khắc lễ phép cất tiếng.
Mẹ tôi đứng dậy, quay lại nhìn chúng tôi một thoáng rồi khẽ mỉm cười: “Cháu là bạn của Phương à?”
“Vâng ạ.” Hắn đáp lại nhẹ nhàng như cún.
Xưa nay mẹ vốn kiệm lời. Thấy tôi dẫn “bạn” về nhà, cũng không hỏi gì nhiều. Dù không âu yếm hỏi han, ít nhất bà cũng không lạnh nhạt với tôi ngay trước mặt mọi người.
Lúc mẹ vào nhà, tôi để ý thấy ánh mắt Lê Khắc cứ dõi theo bà.
“Mẹ tôi đẹp lắm đúng không?”
“Hình như tao từng gặp mẹ mày ở đâu rồi.” Hắn nói nhỏ với tôi. “Hoặc là, mẹ mày rất giống một người nào đó tao quen.”
“Mẹ tôi mấy năm nay chỉ ở trong làng, sao cậu gặp được, có gặp cũng không nhớ được.”
Thấy lời của hắn cũng chẳng có gì đặc biệt, tôi bắt đầu chuyển sự chú ý về phía Đỗ Huy, người từ nãy đến giờ vẫn trưng ra bản mặt thư sinh hiền lành tử tế.
Anh ta đến đây rốt cuộc là có ý đồ gì?