"Thì sách Soạn đang đọc, chẳng phải là sách nâng cao môn Lịch sử còn gì? Thích Sử đến thế cơ à?".
"Hàn Mặc Tử dúi cho đấy, còn ngang nhiên dúi trước mặt Mai Hắc Đế và Thủy Tinh, vừa dúi vừa vênh cằm bảo là: Cụ non đã đầu quân dưới trướng tôi rồi, hai ông không có cửa tranh phần đâu, khỏi lôi kéo làm gì cho tốn nước miếng, đợi Cụ non ẵm giải to rồi tôi mời hai ông mỗi người ly nước mía trước cổng", Quân Soạn ngẩng mặt khỏi sách, nhái giọng cười nói.
"Thầy í nhìn như que củi khô ấy, vậy mà cũng anh hùng ghê nhỉ, không sợ đắc tội với hai ông thần của trường".
"Thấy lợi thì mờ mắt, gan cũng to lên mà", người nào đó vô cùng đắc ý vỗ ngực.
"Rồi, rồi, cậu là cục vàng của trường. Các thầy ấy mà biết mấy biệt danh đều từ miệng cậu mà ra xem cậu còn cười nổi nữa không", An lườm, "cơ mà tên "cúng cơm" của thầy Lĩnh với thầy Việt thì tớ nghe cậu giải thích rồi, còn biệt danh Hàn Mặc Tử ở đâu ra đấy?".
"Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, trùng tên với que củi của bọn mình. Mà lão ấy lại vừa gầy vừa lắm cô theo tính thì xởi lởi, giống y Hàn Mặc Tử, gọi thế hợp quá còn gì. Lão ấy đặt biệt danh cho tớ, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đương nhiên phải có qua có lại chứ".
An phì cười.
"Thôi đi, miệng cậu dẻo cứ như kẹo kéo í. Nhưng mà môn nào Soạn cũng điểm cao ngất, thi Sử thì uổng quá. Với còn mấy tháng nữa mới đến kỳ thi mà, thi cấp trường xong thể nào cũng mở lớp bồi dưỡng, cậu đọc sớm thế làm gì, đến chừng ấy là quên hết cho xem".
"Hàn Mặc Tử đồng ý rồi, chỉ cần điểm cấp trường tớ được tối đa thì khỏi cần đi học bồi dưỡng buổi tối, lão ấy sẽ nói giúp. Nếu thi môn khác thì phiền lắm, bỏ cậu một mình, tớ ngồi trong lớp thể nào cũng nóng ruột có khi lẻn về hoặc bỏ quách vụ thi học sinh giỏi luôn. Dù sao cũng rảnh, lão đưa thì đọc thôi, không quên chữ nào đâu. Qua Tết là cậu tới kỳ tái khám, chừng đó bận".
"Chỉ có cậu chưa thi đã khoác lác sẽ được điểm tối đa, đến lúc ấy mà chín phẩy bảy lăm điểm như môn Toán năm ngoái xem cậu có bẽ mặt không".
Quân Soạn nghe thế cũng chẳng hề ngượng, năm ngoái đi thi cậu đâu có ôn bài trước, năm nay lập giao kèo với lão Trí thì phải khác chứ. Nên cậu lại cầm sách lên đọc, được vài trang thì liếc sang, chép miệng:
"Đã hơi lạnh rồi, giờ mới đan được vài sợi. Đợi cậu đan xong đông qua hè tới luôn rồi, tớ còn tiền đấy, mai tan học về tớ dắt đi mua".
An ngừng động tác, chớp chớp mắt, chỉ quả bóng ngoài sân.
"Soạn dành tiền để mua bóng mới còn gì?".
"Chưa thủng là còn đá được", bàn tay lật sách vươn sang nắm đuôi tóc cô bạn lắc lắc, "ồ, cột tóc cũng cũ rồi này, mai mua luôn một thể".
Cậu cười rồi tiếp tục đọc sách. An khẽ khàng đứng dậy đi vô nhà.
Cảm giác có vật mềm mềm choàng lên quanh cổ, Quân Soạn cúi xuống nhìn chiếc khăn len màu xanh như mặt biển trong một ngày nắng rồi ngẩng đầu, quay lại nhìn cô bạn đứng sau lưng với vẻ ngạc nhiên.
An ngồi lại chỗ cũ bên cạnh cậu, vừa đan những sợi len màu hồng phấn, vừa cười khoe:
"Cái của cậu chưa quen tay nên hai tuần mới xong, còn cái này...", còn đang nói dở, sắc xanh đã đong đầy trong mắt.
Quân Soạn choàng khăn cho cô bạn, ngắm nghía rồi gật gù:
"An thích mặc váy trắng, choàng khăn nào cũng hợp. Cái kia cứ từ từ đan đi, đừng có thức khuya, tháng chạp tớ vẫn tắm nước lạnh như thường, không thấy lạnh đâu".
An giơ vật trong tay lên, cười tinh nghịch: "Nhưng Soạn không thích màu hồng mà?".
"Khăn choàng là để cho ấm, An tự đan từng mũi, xanh hồng gì cũng tốt cả. Tớ lại bảnh bao thế này, mặc gì chả đẹp".
An còn định trêu cậu bạn thì nhác thấy chiếc bóng cao lớn xuất hiện ở cổng, liền đứng dậy chạy vội vào bếp. Soạn gọi với theo:
"Từ từ thôi, vội vàng cái gì, đã bảo không được chạy cơ mà".
An bê bát chè đi ra, trừng mắt với cậu:
"Còn ngồi đấy mà nói tớ, bảo cậu mang về cho dì, cứ ngồi lì từ trưa đến giờ cơ".
Bố Soạn đón lấy bát chè, xoa đầu An cười nói: "Dì còn ở trường chưa về đâu", khi quay sang thằng con của mình nét mặt lại trở về vẻ nghiêm khắc, nóng nảy như cũ, "đài báo sắp có bão, mày te bớt mấy cây quế với mận, cây sát vách gần phòng bé An te cho cẩn thận vào đấy".
Xóm núi của Soạn không hứng bão trực tiếp như mấy huyện dưới biển nhưng hễ có bão thì cũng bị ảnh hưởng gây gió to mưa dầm, thỉnh thoảng còn sạt lở đất, gãy cây cối. Đàn ông nhà nào chu đáo thì nghe tin đều lo sửa sang lại nhà cửa cho yên tâm. Soạn cởi chiếc sơ mi trắng đang mặc trên người xuống, móc vào chiếc đinh đóng trên cột nhà cao quá đầu một chút, lại xắn gấu quần lên cho gọn rồi nhặt lấy cây rựa bố mình đem sang, khiêng cái thang tre định đi, chợt nhớ ra quay đầu lại hỏi:
"Bộ bàn ông Tám Hiệp đặt chưa làm xong phải không, bố cứ lo làm nốt đi, te xong đây rồi con về giải quyết mấy cây mít ở nhà".
Bố Soạn cười nhạo:
"Vợ bố thì bố lo, ai mượn mày quản".
Soạn nhún vai khiêng thang đi te cây, miệng còn lẩm bẩm:
"Bố cứ đắc ý đi, có vợ thì giỏi lắm đấy, bảy năm nữa tôi cũng có vợ".
An nhìn theo cái lưng của Soạn, có chút lo lắng:
"Để Soạn đi te cây có được không đấy ạ?".
Nhà khác chẳng ai để thằng nhóc cấp hai đi làm công việc vừa đòi hỏi sức lực, vừa phải có tính cẩn thận như thế. Nhưng Soạn từ nhỏ đã phụ bố làm đủ việc, lại hiểu chuyện sớm, dường như chẳng gì có thể làm khó được bố con nhà này. Bố Soạn phẩy phẩy tay chẳng mấy quan tâm:
"Chút chuyện ấy mà làm không xong thì bác cho mặc váy".
An cười nắc nẻ.
Người đàn ông thân hình cao lớn như quả núi bình thường đều mang vẻ mặt khó đăm đăm, lúc này một tay bưng bát chè một tay gãi gãi ót.
"Trời đẹp quá nhỉ".
An nén cười đáp:
"Vâng, sắp có bão ạ".
"...", bố Soạn cố vớt vát, "dạo này mẹ thằng Soạn cứ quạu quọ với bác, còn chê kẻ to xác không biết lãng mạn, nếu có đứa con gái dễ thương chiều chiều ngồi ngắm hoàng hôn với mình thì hay biết mấy...".
An vừa nghe đã biết tỏng, ông bác này lại kiếm cớ để mình sang ở cho yên tâm đây mà.
"Tối con phải thắp nén nhang cho mẹ".
"Nhà sát rạt, thằng Soạn cùng con về thắp là được mà".
"Nhà phải có hơi người, sau bố con về sẽ thấy thoải mái hơn", An giương đôi mắt cún con lên, "hay bác khuyên Soạn đi, bảo cậu ấy đừng ở đây với con nữa, hai bữa trước Soạn còn đánh nhau đấy".
Bố Soạn chẳng chút ngạc nhiên, thằng con ông có đánh nhau thì cũng chỉ có một nguyên nhân thôi.
"Đánh với đứa nào đấy?".
"Thằng Ốc với thằng Đức cống xóm ngoài, một chọi hai mà thắng đấy bác. Hai thằng ấy học ở lò ông Ba Phi, mặc đồ oách lắm cơ. Bác dạy Soạn đánh võ à?".
"Võ vẽ gì, đánh nhau với mấy thằng nhóc cần gì dùng tới võ", bố Soạn nói mà chẳng để tâm tới việc hai cu cậu kia còn lớn tuổi hơn thằng con ông, "con nhất định không qua bác Sáo?".
An lắc lắc đầu.
"Được, chịu thua con đấy. Không qua thì cho thằng Soạn ở đây trông con vậy, hai vợ chồng bác cũng đỡ lo, có bảo về nó cũng không về đâu. Ai nói bậy nói bừa thì cứ bảo bác, đứa nhỏ Soạn nó xử, "đứa" lớn bác đập cho".
"Được ạ", An cười, tiếp tục đan khăn.
"Nói thằng trên cây kia xong thì vác thang với rựa đem về cho bác nhé".
"Dạ".
Bố Soạn bê bát chè đi về, chẳng thèm liếc thằng con lấy một cái.
Soạn te cây xong, dọn sạch vườn rồi mang một ôm vỏ quế phơi lên hàng rào. An cao giọng hỏi:
"Cậu lột bằng tay không đấy à?".
"Ừ, non nên lột dễ ẹc hà".
"Nắng sắp tắt rồi, đem cất đi, mai trời không mưa thì tớ phơi".
"Đằng nào tối cũng ra cắm cây nhang, mang vào luôn thể, không quên được đâu".
"Thế nhớ bữa nào khô thì mang về nhà cậu đấy nhé, nhiều thế tớ dùng đâu có hết".
"Có mỗi mình cậu mới hay đau bụng. Lấy hộ tớ cái khăn với quần đùi, mồ hôi mồ kê không vô phòng được".
"Tắm hả?".
"Ừ".
"Mang thang với rựa về cho bố đi rồi tắm".
Soạn vác thang về rồi quay lại tắm gội, giặt đồ phơi lên sào. Hoàn tất xong việc mới trở lại chỗ ngồi bê bát chè An vừa múc lên thư thái ăn. An lau tóc cho cậu, nhìn chân trời đỏ ối tấm tắc:
"Đẹp quá".
"Cái gì đẹp? Tóc hay ót?".
"Thôi đi", An đập vai cậu, chỉ tay về phía trước mặt hai đứa, "hoàng hôn ấy".
"Trông có vẻ ngon, hệt như lòng đỏ trứng gà chứ có gì đâu mà đẹp. Ngắm gáy tớ đi, đẹp hơn nhiều".
An xỉa xỉa tay vào ót cậu.
"Trông chả khác gì cổ gà bị vặt lông".
"Này!".
An cười phá lên.
Mảng đỏ trên trời nhỏ dần rồi biến mất khỏi những dãy núi xa xa. Khoảnh sân thoang thoảng hương quế, gió đêm se se lạnh. An hắt hơi một cái, xoa xoa mũi. Soạn tiện tay vớ lấy chiếc lá rụng bay lạc bên cạnh kẹp vào trang sách đang đọc dở, đứng lên đi vào trong nhà mang áo bông ra cho An, còn ôm theo cây ghita gỗ Hồng Đào, vỗ vỗ thùng đàn nói:
"Nghe thử bài mẹ tớ mới biên nhé".
An mặc áo bông, nhích tới gác tay lên bàn con, chống cằm nhìn cậu chăm chú. Soạn vừa đàn vừa hát, giọng trong trẻo như nước suối đầu nguồn, thanh lạnh như sương buổi sớm, tiếng ca của một cậu bé còn chưa đến tuổi vỡ giọng mang theo nét hồn nhiên vô tư, nét mặt lại có vẻ từng trải, chững chạc hơn hẳn những đứa trẻ đồng trang lứa.
Soạn hát hết bài, híp mắt hỏi:
"Hay không?".
An mỉm cười gật đầu.
"Tựa là gì?".
"Hương quế".
"Ca thêm lần nữa đi".
Lần này An lẩm nhẩm hát theo. Bão còn ở đâu đó ngoài kia, trong không khí chỉ có hương quế lúc thoảng lúc nồng.