Yêu phải bọ cạp - Cập nhật - A Thụy

A Thụy

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/10/16
Bài viết
358
Gạo
0,0
Lạy hồn. :)) Hồn muốn viết để giải khuây thì chọn đề tài nào đó nhẹ nhàng hơn tí ấy. :)) Chứ đâm đầu vô cái mớ cẩu huyết này đòi giải khuây thì đúng là khẩu vị của hồn quá nặng rồi. :))

Thực ra nếu bạn đã coi viết để thỏa mãn cá nhân thôi thì cũng chẳng vấn đề gì. :D Cứ thoải mái mà lăn thôi. Còn mình chẳng qua cũng chỉ là thế hệ cũ, vẫn mang nặng tính mô phạm, kiểu như tác phẩm thì phải hướng tới chân thiện mỹ khỉ gió gì đó, chứ ý nghĩa của văn chương đương đại không hẳn nằm trong tầm nhìn của tác giả mà thuộc tầm cảm nhận cá nhân của mỗi độc giả rồi.

Khẩu vị nặng thì đúng rồi ấy! Cơ mà lúc đầu cũng không dự tính viết u ám quá. Kiểu pha hài vô tự giải khuây. Nhưng cứ viết rồi giờ muốn giải quyết mà muốn stress luôn. :))
Tự lấy đá đập chân mình. 'Thông minh" dễ sợ. :))

Tôi không rõ ý nghĩa văn chương hiện nay là gì. Đúng hơn là tôi chả bao giờ quan tâm tới việc truyền tải thông điệp hay có chủ đích sâu xa khi viết. Hoàn toàn mang tính cá nhân và rất ích kỷ. :D

Bởi thế, không ai ưa nổi cả thằng trong truyện lẫn thằng viết truyện. :v
 

A Thụy

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/10/16
Bài viết
358
Gạo
0,0
Ý em cũng chỉ có vậy... Muốn nói là, anh đừng nhất nhất nói câu tôi không quan tâm đến người ta nói gì về nhân vật của tôi, chỉ cần tôi hiểu anh ta là được. Mình hiểu, nhưng để người đọc hiểu còn cả một vấn đề nan giải. Chuyện có niềm tin vào nhân vật lại khác, làm gì cũng vậy, bản thân mình phải có niềm tin vào nó thì mới chân thực và không xa rời thực tế.

Cái vấn đề "để cho người đọc hiểu" thì nó rất rộng và phức tạp em ạ. Người đọc không chỉ một, mà chín người mười ý, đủ ý kiến trái chiều. Tôi chỉ có thể cố gắng viết trong khả năng của mình thôi.
Đương nhiên tôi coi trọng và đặt niềm tin vào nhân vật của mình. Nhưng nhân vật đấy "chân thực" đến đâu, lại tùy vào cách nghĩ riêng của mỗi độc giả. Mỗi người một nhân sinh quan, nên việc cảm nhận về nhân vật sẽ chẳng ai giống ai. Cũng tương tự như việc em thích và hướng đến những điều tốt đẹp, tích cực, vui vẻ... Và quan niệm đọc là để giải trí, để nhìn nhận cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn tôi thì hoàn toàn ngược lại. Nên để cho những người có cùng cách nghĩ như em có thể hiểu được nhân vật của tôi thì chẳng thể dựa vào việc tôi quan tâm đến thì sẽ thỏa mãn được.
Tính cách trái ngược nên không tránh khỏi việc khi đọc lẫn khi viết sẽ có chọn lựa khác nhau. ^^

Chị Nhâm nói chuẩn đấy, động đến tâm lý nhân vật là khẩu vị nặng rồi...:))

Chị Nhâm, em là thích cái đó, hướng tới chân thiện mỹ, hoặc nói nôm na là hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống!:x

Đấy, nên người thích xem phim hài hước nhẹ nhàng lãng mạn và người thích xem phim kinh dị ám ảnh mà ngồi lại bàn về gu xem phim của mình thì chỉ đi vào ngõ cụt thôi. :3
 

S.Ngư

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/8/16
Bài viết
580
Gạo
180,0
Không hiểu lắm... Nhưng thôi. Không cùng tiếng nói. Sayonara!
 

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.511
Gạo
2.620,0
Chương 6 thật cảm động quá.
 

gumiho_lanh_lung

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
27/11/14
Bài viết
488
Gạo
0,0
Nhưng mờ tớ thấy Trân như thế là đúng tâm lí mà. Theo Soạn chẳng qua là tại vì thích, còn nếu đi cùng người đàn ông khác, ở một đất nước khác cũng phải có quyền lấn cấn chứ nhỉ. Hihi. Dù sao đọc truyện của bạn thấy tự nhiên lắm ý.
 

A Thụy

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/10/16
Bài viết
358
Gạo
0,0
Chương 10: Phía trước là ánh sáng

Tôi gắng gượng bước ra khỏi bóng tối của ga tàu điện ngầm. Cạnh cổng ra băng qua một làn đường có cửa hàng tiện lợi, tôi vào mua vội chai nước suối. Đến khi dòng nước mát lạnh trôi qua cuống họng mới đè ép được cảm giác nôn nao, khó thở trong người. Tôi lưu luyến bóng dáng của An, nhưng đành lắc mạnh đầu xua đi hình ảnh cậu ấy vẫy tay với mình. Hít một hơi thật sâu, tôi đi đến chiếc ghế trống kê dưới hàng cây phía đối diện. Vừa ngồi xuống thì một người đàn ông chống gậy đi từng bước nhỏ về phía này, tôi vội ngồi dịch sang nhường chỗ trống. Người đàn ông lớn tuổi mỉm cười nói cảm ơn.

Nghỉ ngơi chừng hơn mười phút đồng hồ, định bụng đứng dậy rời đi thì mới chú ý đến người bên cạnh nãy giờ đều chăm chú quan sát phía xa. Tôi không có thói quen tò mò chuyện riêng của người khác, chỉ là gương mặt điềm tĩnh của ông ấy mang đến cảm giác bình yên kì lạ. Trong đám đông con người kia, có điều gì khiến người này nhập tâm đến vậy?

Tôi đưa mắt nhìn theo, hướng đến nơi ánh mắt người đàn ông lưu chuyển. Mới đầu còn đoán có lẽ ông ấy nhìn thấy người quen cũ, sau nhận ra ông ấy không chỉ nhìn một người. Có lúc ông nhìn một cô gái trẻ, nhưng khi cô gái ấy đi khuất, ông lại nhìn đến người thanh niên mặc đồng phục quán ăn chạy xe mô tô dừng trước vạch đường khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ. Hồi sau ông lại như đang chăm chú quan sát người đàn ông trung niên đứng trước cửa hàng đồ chơi phía bên kia. Mỗi lần tập trung ánh nhìn vào ai đó, gương mặt người bên cạnh có cảm giác hiền hòa và đôn hậu thật dung dị. Nhưng vì ông ấy không chào hỏi những người kia nên đoán chừng bọn họ đều không phải người quen của ông. Cuối cùng không nén nổi cảm giác hiếu kỳ lạ lẫm, tôi nhẹ giọng hỏi:

"Ông ơi, ông đang nhìn gì vậy?".

"Con người".

Khi nói ra hai tiếng ấy, giọng người đàn ông nghe rất ấm áp. Tôi lại hỏi:

"Ông quen những người lúc nãy ạ? Cô gái ôm bó hoa, người thanh niên đi mô tô mặc đồng phục quán ăn nhanh, còn có người đàn ông mới rời khỏi cửa hàng đồ chơi nữa?".

Người bên cạnh chậm chạp lắc đầu.

"Không quen".

Có lẽ ông ấy muốn yên tĩnh ngồi đây một mình hơn là trò chuyện với một người trẻ tuổi xa lạ, tôi định chào hỏi để rời đi thì người đàn ông không ngắm nhìn phía trước nữa mà quay đầu sang đối diện ánh mắt với tôi. Đôi mắt ông rất sáng, không hề giống ánh mắt của một người cao tuổi.

"Cậu còn rất trẻ, nên quý trọng bản thân hơn". Thấy tôi tỏ vẻ ngỡ ngàng khó hiểu, ông điềm đạm nói tiếp, "Lúc nãy, trong nhà ga, tôi cũng có mặt ở đấy".

Giật mình trước câu nói kia, tôi cúi đầu như đứa trẻ phạm lỗi.

"Không phải cháu cố ý... làm thế đâu. Lúc nào cháu cũng tự nhắc nhở bản thân không được từ bỏ, thật đấy ạ! Nhưng giây phút nhìn thấy cảnh tượng kia, không hiểu sao ngực như bị bóp nghẹt không thở nổi, cũng không nghĩ ngợi được điều gì nữa".

"Vậy à. Cậu, từng đánh mất một điều rất quan trọng phải không?".

Không rõ sao ông ấy lại đoán được, song tôi vẫn gật đầu.

"Một người rất quan trọng ạ".

"Vậy à". Người đàn ông chuyển ánh nhìn sang nơi khác, "Khi mất đi thứ mà bản thân cho là quan trọng nhất, con người thường không để tâm đến những điều khác nữa".

Khi ông nói câu ấy, ánh mặt trời xuyên qua tán cây trên người ông như bị dời đi, trong khoảnh khắc lại đột ngột phủ lại lên người ông. Bóng của người đàn ông in trên mặt đường như đang chuyển động, mặc dù người ngồi cạnh tôi vẫn bất động nãy giờ. Tôi yên lặng suy nghĩ về điều người đàn ông vừa nói. Thứ quan trọng nhất và những thứ không quan trọng bằng song lại mang ý nghĩ đủ nhiều để tôi phải trân trọng là gì?

"Cô gái lúc nãy cậu thấy, cô ấy đi thăm em trai đang nằm bệnh viện. Cậu bé đó bị tai nạn tháng trước, ngay chỗ kia kìa". Người đàn ông chỉ tay, rồi lại nói tiếp, "Cậu thanh niên đi mô tô chính là người tông phải cậu bé. Chỉ vì không kịp dừng xe khi đèn giao thông đã chuyển sang màu vàng. Chị gái cậu bé không thưa kiện. Mỗi ngày cậu thanh niên đều làm thêm rất nhiều việc, tiền viện phí cũng không rẻ mà. Còn người đàn ông mua đồ chơi, lúc xảy ra vụ tai nạn, ông ta đứng gần cậu bé nhất".

Một cơn gió ngang qua, thổi đám lá trên đầu chúng tôi kêu xào xạc. Người đàn ông hơi ngước lên nhìn.

"Con người chúng ta ở gần nhau lắm, chỉ là do không để ý nên chẳng nhìn thấy đấy thôi".

Giọng ông hơi nhẹ, bị cơn gió cuốn lấy, mang đi đâu mất. Tôi nhìn theo hướng gió thổi, dường như cảm xúc hỗn độn nơi đáy lòng cũng trở nên bình ổn. Cũng đến lúc quay trở lại với công việc rồi. Chào tạm biệt người đàn ông, tôi đẩy nhanh bước chân đi đến bảo tàng. Hoàn thành việc thu thập tư liệu xong lại đón xe bus đến chỗ hẹn với Hattori. Từ xa đã trông thấy hai người bạn đồng hành của mình đứng đợi bên ngoài cổng thành. Hattori phát hiện thấy tôi thì hệt như lính canh cổng nhìn thấy quân đồng minh đến cứu viện, vẫy tay hô lớn:

"Alex-san".

Những con sóng lăn tăn còn sót lại bên trong bị đánh bay đi bởi tiếng gọi của cậu ấy, tôi mỉm cười đi đến.

"Hai người đợi lâu chưa, tôi không trễ giờ hẹn chứ?".

Hattori lắc đầu.

"Còn chưa đến ba giờ mà anh. Cô bạn này của anh cứ giục đến đây sớm kẻo để anh đợi đấy. Hai người thật sự chỉ là quen biết thôi à? Cô ấy đi công viên mà không hào hứng gì cả, toàn hỏi chuyện của anh thôi".

Hattori và tôi vẫn trò chuyện bằng tiếng Nhật nên Trân không nghe hiểu những gì bọn tôi vừa nói. Tôi nhìn cô nàng, trước sau vẫn là cảm giác bất đắc dĩ. Không thể lý giải nổi cảm xúc và sự ương bướng của cô gái này. Đành giải thích qua loa với Hattori.

"Cô nàng còn trẻ con lắm, cậu đừng để ý. Cô ấy không gây rắc rối gì cho Hattori-chan đấy chứ?".

Hattori nhảy dựng lên.

"Ôi trời, đã bảo anh đừng gọi thế nữa mà. Anh cũng không cần cả ngày khách sáo với em thế đâu".

Thành công đánh lạc hướng cậu ấy, tôi hài lòng gật đầu:

"Vậy thì tốt. Chúng ta vào thành thôi".

Mua vé xong, tôi cùng hai người họ đi qua cổng để vào tham quan lâu đài. Theo hướng dẫn cách tham quan hiệu quả nhất là đi thang máy lên tầng cao nhất sau đó xem triển lãm từng tầng riêng biệt, từ tầng tám xuống tầng một. Tầng trên cùng được thiết kế để quan sát, thời chiến tất nhiên là để quan sát kẻ địch còn hiện nay tác dụng duy nhất là giúp khách du lịch ngắm cảnh cho thích mắt. Nhưng cô gái bên cạnh tôi có vẻ không thỏa mãn cho lắm. Thấy cô nàng nhìn ngó xung quanh với biểu cảm như đứa trẻ không vừa ý với món đồ chơi, tôi không nhịn được bèn hỏi:

"Sao vậy?".

"Ở ngoài nhìn vào thì thật tráng lệ, vàng ở khắp nơi cơ mà. Nhưng từ trên này nhìn xuống thì xung quanh chẳng có gì đặc biệt cả. Hơi chán đúng không anh?".

Các mái ngói của lâu đài đều được dát vàng, nghe cô nàng diễn tả tôi có chút buồn cười.

"Tại chúng ta đến không đúng lúc, nhỉ, Hattori?".

Hattori chống tay lên tấm lưới chắn, gật gù rồi giải thích cho Trân:

"Chỗ này mùa xuân đúng kì hoa anh đào nở sẽ rất náo nhiệt. Du khách đến tham quan chủ yếu để ngắm hoa nữa cơ. Cũng có không ít gia đình dắt nhau đến ngồi dưới hàng cây hoa anh đào vừa ăn vừa thư giãn, chỗ này lý tưởng để đi picnic đấy. Đến mùa thu thì hàng cây bao quanh công viên nối từ chỗ lối vào đến tận xung quanh lâu đài, sắc lá toàn bộ sẽ chuyển sang màu đỏ. Đẹp mắt lắm. Còn giờ em thấy chán cũng phải, màu vàng lấp lánh nhưng không có phông nền đẹp của cảnh sắc tôn lên. Hay em quay lại vào mùa thu đi, đảm bảo sẽ thích mê cho mà xem".

Trân phụng phịu đầy vẻ tiếc nuối:

"Em không có số hưởng rồi. Muốn sang đây đâu có dễ chứ".

Hattori và tôi nhìn nhau cười trừ. Tôi đành khích lệ:

"Khó mới có dịp, chúng ta còn chưa xem hết các tầng mà. Bên dưới có trưng bày rất nhiều món đồ thú vị, còn mở cả gian hàng bán quà lưu niệm. Em nhăn nhó như vậy Thái Cáp đại nhân sẽ nổi giận đấy!".

"Sao anh biết tầng dưới có gì, anh đã đến đây rồi à? Mà Thái Cáp đại nhân là ai, sao ông ấy lại nổi giận với em chứ!".

Tôi chịu thua lắc đầu, chỉ tờ hướng dẫn tham quan trong tay cô nàng.

"Em chẳng chịu xem gì cả. Bên trong có ghi rất chi tiết, còn chú thích bằng tiếng Anh mà. Thái Cáp đại nhân là chủ nhân nơi này: lãnh chúa Hideyoshi Toyotomi. Nghe bảo là rất đẹp trai, đúng không Hattori?".

Nghe tôi dùng tiếng Anh hỏi, Hattori làm bộ suy nghĩ nghiêm túc rồi đáp:

"Chắc cỡ Alex-san đó. À, ở tầng hai có cho thuê mũ Kabuto với cả giáp sắt luôn đấy". Còn quay sang Trân hỏi, "Em có muốn xem anh ấy hóa thân thành Hideyoshi-sama không?".

Trân hai mắt phát sáng, reo lên:

"Muốn xem. Muốn xem".

Nhìn vẻ mặt hai người bên cạnh, nếu không có lưới sắt sau lưng chắc tôi đã trượt chân ngã xuống mặt đất phía dưới rồi. Thật là... Thái Cáp đại nhân, không phải ngài về phe với hai người họ muốn trêu tôi đấy chứ? Tôi chắp tay sau lưng, ngửa cổ nhìn lên trời một hồi rồi nói với giọng buồn rầu:

"Ông ấy bảo tôi thế này mới là đẹp trai nhất. Hattori-chan trông rất giống ông ấy, biết không chừng là cháu đời sau của ổng nữa".

Trân trố mắt. Hattori lập tức phản bác:

"Em với ông ấy đâu có cùng họ, anh đừng có mà nói lảng".

Tôi nắm thóp ngay.

"Thế thì tôi càng không thể giống ông ấy, không thể mặc giáp hóa thân thành Hideyoshi-sama rồi. Tổ tiên của tôi còn chưa bao giờ đến Nhật nữa là".

Hattori bĩu môi.

"Em chẳng bao giờ nói lại anh cả".

Tôi híp mắt, hỏi người còn lại:

"Em thì sao, có ý kiến gì không?".

Cô nàng xị mặt.

"Em càng không phải đối thủ của anh...".

Hai cô cậu này, như thế mới ngoan chứ. Tôi đủng đỉnh đi trước dẫn đường xuống tầng dưới, còn không quên quay đầu gọi:

"Tiếp tục nào. Hai người không đói à, tham quan xong tôi mời hai người bữa tối".

Trân đuổi theo bắt kịp tôi.

"Em sẽ ăn cho anh nhẵn túi".

Hattori phụ họa theo: "Đúng đấy, em chọn nhà hàng. Sau đấy chụp lại vẻ mặt khóc không ra nước mắt của anh lúc thanh toán. Anh nên chuẩn bị tiền trước đi kẻo không kịp".

Tôi nhún vai: "Không cần chuẩn bị. Không đủ cứ gán Hattori-chan cho chủ quán, cậu ở lại rửa chén cho người ta trừ nợ".

Cậu ta ôm đầu rên rỉ: "Anh đừng có gọi như thế nữa mà...".

Đoạn đối thoại quen thuộc này làm tôi nhớ đến tên kia. Mỗi khi bị tôi gọi là "công công", tên thái giám chuyên gây rối đó lại gào lên, bảo tôi im miệng. Điều mà người đàn ông trên chiếc ghế đá nói đến, có lẽ tôi đã hiểu ra được phần nào. Từ rất lâu rồi, tôi tự phong bế cảm xúc của chính mình mà không nhận ra. Không phải tôi xem nhẹ những người thân, người bạn của mình. Chỉ là trong vô thức tôi đã cố xây nên bức vách nhằm bảo trì nguyên vẹn ký ức về cậu ấy. Cậu không muốn nhìn thấy một Quân Soạn hèn nhát như vậy đâu, đúng không An? Xin lỗi nhé, đã để cậu và mọi người lo lắng.

Tôi mỉm cười, năm nay về thăm nhà, có lẽ nên mua hai chiếc vé.
 

A Thụy

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/10/16
Bài viết
358
Gạo
0,0
Chương 11: Hồi ức xa nhất

"Đá nó đi, đá nó! Sao mày cứ đứng im vậy, xông lên đi chứ!?".

Cậu bé với mái đầu ngắn ngủi thở phì phò nhìn con dế của mình đang ở thế yếu, tức giận giậm chân bịch bịch. Đám trẻ xung quanh cười ầm ĩ. Con dế của cậu có thân hình nhỏ hơn, đang chúi đầu thoái lui về sau, đối thủ của nó là con một dế trông rất "hổ báo", đầu to vai rộng, chân dài bụng nhỏ chả khác gì siêu mẫu của loài dế, oai vệ như một ông tướng. Chủ nhân con dế đó là một cậu bé khác lớn tuổi hơn, lúc này đang đắc ý ưỡn ngực trêu chọc đối thủ:

"Thằng em còi cọc này của mày sắp ị ra quần tới nơi rồi Soạn ơi, còn không nhận thua coi chừng bị cắn cho đứt ruột nhé".

Mấy đứa trẻ gật đầu phụ họa, ánh mắt thương hại nhìn sang khiến cậu bé càng thêm bực mình. Mắt thấy con dế của mình sắp không trụ được nữa, cậu bé vừa gấp vừa lo lắng vò đầu thì tay áo bị ai túm lấy, giật giật hai cái từ đằng sau. Một cô bé trạc tuổi, đôi mắt to tròn như hai viên bi thủy tinh đang lo lắng nhìn cậu.

"Soạn ơi, về thôi. Đừng chơi nữa".

Con dế nhỏ trong lồng gáy lên một tiếng bất lực, rồi... trút hơi thở cuối cùng. Quân Soạn sáu tuổi mặt đỏ bừng hất mạnh tay đứa bé gái vừa lên tiếng, trừng mắt liếc nó:

"Om sòm quá, cậu tự đi mà về. Ai mượn cậu lẽo đẽo theo tớ, con gái con đứa về chơi búp bê đi, theo bọn này làm gì".

"Lêu lêu, thằng Soạn bị vợ quản nè tụi bây ơi".

Đám trẻ hùa nhau trêu chọc rồi ôm bụng cười to. Quân Soạn nhăn mặt gắt gỏng:

"Đừng có bám theo nữa, đồ lùn".

Cô bé lại rụt rè bước tới lắc lắc tay cậu, mắt đỏ lên mếu máo gọi:

"Nhưng mà... nhà bác Long có chó dữ lắm, tớ không dám về một mình...".

Quân Soạn nhổ cọng cỏ ngậm trong miệng xuống đất, đẩy cô bé kia loạng choạng, khịt mũi nhăn nhó:

"Kệ cậu chứ. Khóc cái gì mà khóc, suốt ngày chỉ biết khóc thôi, đúng là mít ướt".

Mấy đứa khác xúm lại vạch mắt lè lưỡi cười um lên:

"Đồ mít ướt. Đồ mít ướt".

Quân Soạn bĩu môi:

"Nghe thấy chưa. Ai thèm chơi với thứ con gái đụng tí là khóc nhè. Xì".

Nói xong không thèm nhìn cô bé nữa, nghênh ngang cùng mấy đứa con trai lớn tuổi hơn mình rời đi. Một đứa trong đám trẻ đề nghị:

"Lên vũng Voi tắm cho mát đi tụi bây. Mày chưa biết bơi đúng không Soạn, lát tao dạy mày cho".

Mấy đứa khác reo lên hưởng ứng. Quân Soạn vẫn còn nhớ lời mẹ dặn, không được tự ý lên vũng Voi nhưng nếu cậu không đi thể nào cũng bị mấy đứa kia nói cậu nhát gan, hơn nữa cậu cũng muốn học bơi cho biết, không thể để thua kém tụi nó được. Lũ trẻ đi một mạch từ trưa đến tận khi mặt trời lặn mất mới dắt nhau về.

Vừa đẩy cánh cổng tre bước vào sân, một bóng người trong nhà vụt lao ra, là bố cậu bé.

"Mày đi đâu giờ mới chịu mò về? Bé An có đi cùng mày không?".

Cậu bé lắc đầu nguầy nguậy.

"Không có. Con đuổi nó về từ trưa rồi cơ mà".

"Trưa giờ mày đi đâu?".

Nhìn bố đang nổi giận với mình, Quân Soạn sợ hãi rụt cổ, nhưng lại không muốn làm một kẻ nói dối, mở miệng lí nhí đáp:

"Con lên vũng Voi tắm...".

Cậu thấy cánh tay bố mình vung lên cao như muốn giáng xuống một cái tát nảy lửa. Lúc này thì mẹ cậu bé chạy vội từ ngoài cổng vào nói với chồng:

"Tình xảy ra chuyện rồi".

"Sao vậy? Bác sĩ cho xuất viện bảo là không sao rồi mà?".

Mẹ Quân Soạn lắc đầu.

"Tim em ấy vốn không khỏe, đợi mãi không thấy bé An về, anh Phong đi tìm cả buổi, tìm khắp xóm vẫn không thấy con bé đâu cả. Tình lo quá nên... Anh Phong chở em ấy đi cấp cứu rồi".

Bố cậu bé quay đầu dòm xuống thằng con với ánh mắt giận dữ, đá nó ngã lăn ra đất.

"Ngoan ngoãn ở nhà đó cho tao. Cả ngày chạy loạn khắp nơi, mẹ con cô Tình mà có việc gì xem tao có đánh gãy chân mày không!".

Nói rồi gấp gáp dắt xe đạp, đèo vợ cùng đi xuống bệnh viện.

Quân Soạn lồm cồm bò dậy, chạy ra ngoài được mấy bước thì xoay người lạch bạch chạy lại vô nhà, lục thùng đồ nghề của bố, tìm thấy chiếc đèn pin liền ba chân bốn cẳng nhằm hướng vũng Voi để đi tìm cô bé. Từ trong xóm muốn đi lên vũng Voi phải trèo lên đồi. Hôm qua trời mưa to, sáng nay lại có nắng, trên đồi cây mọc cả rừng ẩm ướt như vậy mấy hôm này thể nào lũ vắt cũng sinh sôi cả đàn. Ban ngày bọn cậu men theo đường mòn để đi nên không đáng sợ nhưng giờ trời tối rồi, đám vắt đó mà ngửi được hơi người sẽ bò ra để hút máu. Trong đầu hiện ra hình ảnh cô bé bị cả đàn vắt bu kín người mà cậu rùng mình. Quân Soạn chạy thục mạng. Trời tối, đường đồi dốc lên dốc xuống, cậu té ngã không biết bao nhiêu lần, đã vậy còn bị đám gai nhọn khắp nơi cào rách bươm áo quần. Trong bụng như có ai đốt lò, nóng phừng phừng thật khó chịu. Cậu cố xua đi hình ảnh đáng sợ kia mà tiến về phía trước.

Bịch một tiếng, lần này Quân Soạn ngã sấp mặt, trán đập phải khúc cây gãy chắn giữa đường. Cậu chống tay ngồi dậy, cảm thấy trên đầu sao bay tán loạn. Chẳng rõ do bị đập đầu hay không mà cậu đột nhiên tỉnh táo. Con bé mít ướt đó không biết đường, cũng không theo kịp bọn cậu, cái mỏm đá lúc nãy cậu trèo lên, sức mấy đứa con gái không leo nổi đâu, nó lại lùn tịt như vậy... Chắc là không đuổi kịp cậu, lại không tìm được đường xuống để về nhà nên nó lạc vô đám keo với bạch đàn rồi. Quân Soạn chắc mẩm như thế, gật mạnh đầu quyết định quay trở lại.

Cậu vừa đi vừa gào tên cô bé. Cả ngày chưa có hạt cơm vào bụng, mình mẩy còn xây xước khắp chỗ, vừa đói vừa đau rát khiến bước chân cậu dần trở nên chậm chạp. Quân Soạn không dám dừng lại để nghỉ. Cậu là đứa bé thông minh lanh lợi nhất cái xóm núi này, lại có mẹ là cô giáo kèm cặp từ sớm, chưa vào lớp một cậu đã đọc sách vanh vách, học qua cái gì là nhớ ngay. Thế nhưng dù đã nghe người lớn dặn bé An tim yếu, không được bắt nạt mà phải bảo vệ bé thì cậu cũng chỉ nghe tai này ra tai nọ, chẳng thèm nhớ lấy, còn nghĩ thầm, "tim yếu" là do nó nhát gan, không lớn nổi nhất định là do nó biếng ăn nên mới còi cọc. Hơn nữa lúc nào cũng bị một đứa con gái lẽo đẽo theo đuôi, thật là phiền! Cậu chỉ thích chơi với mấy thằng con trai lớn tuổi hơn mình, cùng tụi nó leo đồi lội suối, đào dế bắt cá, đá gà chọi cút, chỗ nào cũng dám đi, trò nào cũng dám thử, chả biết sợ là gì. Thế nhưng bây giờ cậu lại thấy sợ. Trên đồi này có không ít ngôi mộ nằm rải rác, còn có rắn rết nữa. Song điều khiến cậu sợ hãi là hình ảnh trong đầu mình, nó còn đáng sợ hơn ánh mắt giận dữ của bố. Hình ảnh cô bé bị bầy vắt bu kín.

Quân Soạn đau rát cuống họng, không nổi gào to nữa, cậu cẩn thận lia đèn pin xung quanh, lòng thấp thỏm. Bên cạnh có tiếng động lạo rạo khiến cậu giật bắn mình. Rọi đèn pin tới chỗ đó liền thấy một vật đen thùi lùi, cậu nuốt nước bọt nhích tới, nhìn rõ rồi thì vui mừng chạy lại lay mạnh, gọi liên hồi:

"An, An ơi. Dậy đi. Tớ dẫn cậu về".

Cô bé dụi dụi mắt, nhìn thấy là cậu thì lập tức khóc nấc lên. Đột nhiên cô bé im bặt, bặm môi thật chặt. Ngực vẫn phập phồng, mũi cũng đỏ lựng như quả cà chua chín nhưng cô bé vẫn cắn răng cố để không "mít ướt". Quân Soạn dùng đèn pin rọi lên thân cây sau lưng cô bé thật kĩ, lại soi xung quanh xem có vắt bò tới không. Sau vẫn chưa yên tâm kéo cô bé đứng dậy, kiểm tra cẩn thận khắp người cô bé, mới thở phào nhẹ nhõm.

"An tự đi về được không?".

Cô bé vội túm áo cậu, lắc đầu nguầy nguậy.

"Tớ... không biết đường...".

Quân Soạn ngẩn người, thì ra đối phương tưởng cậu định bỏ rơi mình.

"Đâu... đâu bảo cậu đi về một mình. Tớ hỏi cậu tự đi được không, có bị đau chân không? Tớ mệt chết đi được, không cõng nổi cậu đâu".

Cô bé gật đầu lia lịa trong khi vẫn bặm chặt môi. Quân Soạn gỡ bàn tay nhỏ đang níu áo mình ra, nắm tay cô bé dắt đi, cúi đầu ngượng ngùng nói:

"Tớ sẽ không chê cậu mít ướt nữa, nên... nếu... cậu sợ thì cứ khóc một chút đi...".

Cô bé ngạc nhiên dừng bước, tròn mắt nhìn cậu. Sau đó không hề khóc mà bật cười khúc khích. Quân Soạn bị cười thì ngượng chín mặt, giả bộ mắng:

"Đồ ngốc, cậu làm ồn coi chừng bị ông kẹ bắt đi bây giờ".

Thân mình bé nhỏ bên cạnh run lên, vội vàng nép sát vào cậu, rụt cổ dáo dác nhìn quanh như sợ bị bắt đi mất. Cậu bé đắc ý cười thầm. Đúng là thỏ đế.

Về đến nhà, chiếc cổng trẻ bị cậu đẩy phát ra âm thanh kẽo kẹt. Bố cậu nghe thấy liền từ trong nhà phóng ra, vừa định quát lên thì trông thấy cô bé đằng sau lưng cậu, khựng lại thở mạnh một hơi rồi ngồi xuống, dịu giọng nói:

"Mẹ con không khỏe, bác Sáo chở con xuống bệnh viện thăm mẹ nhé!".

Quân Soạn vội lên tiếng:

"Con đi nữa".

Bố cậu im lặng không đáp, Quân Soạn tưởng bố còn tức giận với mình nên không đồng ý, định năn nỉ thì bố cậu lại gật đầu. Lúc quay lưng đi lấy xe đạp, ông còn thở dài một tiếng.

Khi ba người đến bệnh viện, Quân Soạn thấy mẹ đứng dậy khỏi ghế, nhìn bố cậu khẽ lắc đầu. Hai mắt mẹ đỏ au, rõ ràng là mới khóc xong. Cậu nghe thấy quả tim trong lồng ngực mình đập bình bịch, bất giác siết chặt tay cô bé. Mẹ cậu đi tới trước mặt hai đứa, vuốt tóc cô bé.

"Vào với mẹ đi con".

Thấy cậu không chịu buông ra, mẹ cậu mới gỡ tay Quân Soạn rồi dắt cô bé đi vào phòng bệnh. Mẹ cậu quay trở ra thì bố cậu vội hỏi:

"Tình hình chuyển biến xấu hả? Lúc anh về, Phong bảo đã ổn định rồi mà?".

"Cơ thể Tình yếu quá, anh cũng biết em ấy vốn bị đủ bệnh trong người mà. Bác sĩ bảo trước mắt theo dõi hai hôm, nếu không ổn chắc phải đưa lên tuyến trên".

Bố cậu lẩm bẩm nho nhỏ:

"Trong nhà còn ít tiền để dành, mai anh làm gấp mấy đơn hàng, giao cho người ta đủ cũng thêm được vài triệu. Nếu chuyển xuống dưới tỉnh chắc đủ, còn phải ra Đà Nẵng sợ là còn thiếu. Bệnh viện lớn viện phí chắc đắt hơn trên mình, chi phí đi lại rồi Phong nó phải ở lại chăm bệnh nữa...".

"Sáng em xuống chị Út Hạnh mượn, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thiếu thì mình bán mấy con gà, lứa mớm đuôi tôm cũng đủ cân bán rồi...".

Những lời bàn tính thì thầm của bố mẹ đi vào tai Quân Soạn khiến đầu cậu ong ong. Sao hai người phải tính tới cả việc bán gà kia chứ? Lần nào cô Tình cũng chỉ nhập viện mấy ngày là lại về nhà, cười cười nói nói mang đồ ăn sang cho nhà cậu. Lần này sao lại không giống? Là do lỗi của cậu ư? Quân Soạn đứng chôn chân một chỗ, mắt không chớp nhìn cửa phòng bệnh đóng kín cho đến khi cánh cửa kia mở ra. Chú Phong bế con gái khẽ giọng nói gì đó với bố mẹ cậu rồi đi đến bên này.

"Cô Tình muốn gặp con. Con vào thăm cô không?".

Quân Soạn chớp mắt một cái, cần cổ cứng ngắc gật nhẹ rồi một mình đi vào phòng bệnh.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

A Thụy

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
7/10/16
Bài viết
358
Gạo
0,0
Chương 12: Lời hứa đầu tiên

Quân Soạn đi học về, vừa bước vào sân đã trông thấy mẹ cậu một tay cầm mấy cuốn sách, một tay cầm... roi nhìn mình chằm chằm, ánh mắt xem chừng sắp sửa vụt cho cậu một trận. Bố cậu ngồi dưới bóng râm trong sân, đang bào gỗ, vừa làm việc vừa liếc về phía này, môi còn nhếch lên như đợi xem kịch hay. Bởi vì thằng con ranh mãnh của ông mọi lần thấy mẹ nó cầm roi thể nào cũng chạy khắp sân vừa cười vừa trêu mẹ nó, chẳng biết sợ là gì; thế mà hôm nay lại thẳng lưng đứng im ở đó.

"Bé An nói bữa nào con cũng nhịn đói vô lớp. Trước trường có bán xôi với bánh mì, tại sao không ăn sáng? Con để tiền mua đồ linh tinh hay cầm đi chơi cái gì rồi?".

Quân Soạn ngoẹo đầu không trả lời.

"Mấy quyển sách con giấu dưới gối là ai đưa cho con? Nào là Cẩm nan Mẹ và con gái, Sinh lý nữ,... mấy sách này con đọc làm gì? Rồi thì Dược học tham luận, Y học cổ truyền phương Đông, con có hiểu không mà đọc?".

Quân Soạn quay đầu lại nhìn mẹ.

"Đọc một lần không hiểu thì con đọc một trăm lần".

Mẹ cậu sững người, còn định hỏi chuyện thì bố cậu đã đi đến, cầm lấy mấy quyển sách, tiện thể rút luôn cái roi mây trong tay vợ, cười cười.

"Đổi ca nào. Em vào nấu cơm trưa đi, để anh nói chuyện với con".

Mẹ Quân Soạn nghi ngại nhìn chồng rồi gật đầu đi xuống bếp. Bố cậu lật mấy trang sách ra xem. Có cuốn rất phức tạp, nhiều thuật ngữ chuyên ngành, giới thiệu hàng chục, hàng trăm vị thuốc, bài thuốc; đừng nói một đứa con nít mới lớp một, ngay cả người lớn như ông đọc còn thấy khó hiểu. Cuốn thì hướng dẫn toàn tập cách chăm sóc con gái từ nhỏ đến khi dậy thì. Những cuốn sách này đều đã không còn mới nữa. Đây không phải là có người đưa cho, ai lại đưa một đứa con nít mấy cuốn sách như này? Bố Quân Soạn ho một tiếng, giơ mấy cuốn sách ngang tầm mắt, hất cằm hỏi:

"Con mua mấy cuốn sách cũ này bằng tiền ăn sáng phải không?".

Quân Soạn cúi đầu gật một cái. Bố cậu bèn ngồi xuống đối mặt với con trai. Ngày đó, mẹ bé An nhập viện cấp cứu xong thì chuyển viện, có lúc khá lên, có hôm lại hôn mê, tiêm thuốc truyền dịch cả tháng trời, cuối cùng vẫn không qua khỏi. Trong phòng bệnh mẹ bé An gọi Quân Soạn vào, ngoài hai người bọn họ ra, người khác ở bên ngoài đều không biết hai người đã nói những gì. Thằng con trai ông tính cách hiếu động, ham chơi lại chẳng bao giờ nghe lời người lớn. Nhưng kể từ hôm ở bệnh viện về, nó trở nên im lặng, hiền như cục đất, không còn chạy nhảy khắp nơi nữa. Bố mẹ Quân Soạn lo lắng cho nhà bên kia nên cũng không để tâm đến thằng con bỗng dưng đổi tính đổi nết. Bây giờ cách tang lễ cũng gần trăm ngày rồi mà cu cậu vẫn im phăng phắc, mặt mày trầm ngâm không còn giống một đứa con nít tiểu học. Bố cậu nhìn thấy không khỏi suy nghĩ. Ông không muốn đứa nhỏ này gánh trên vai cảm giác tội lỗi và trách nhiệm quá lớn cả đời. Vợ ông tuy không nói ra nhưng ngày nào cũng thở dài, nhìn thấy mấy cuốn sách này cũng không còn giữ được bình tĩnh như bình thường để xem xét cẩn thận, nghĩ ngợi tiêu cực cho là con trai sinh hư, bị kẻ xấu tác động. Thật ra con trai ông ông biết chứ. Nó đáo để lắm! Lễ thanh minh năm ngoái, cả xóm tập trung ở chỗ đền thờ ông Cọp, nhà nào cũng vắng tanh. Có thằng trộm chó vô xóm "kiếm ăn", thấy thằng Sáo con nhà ông một mình ngồi chơi với mấy con chó, mặt mũi cu cậu kháu khỉnh, còn cực kì lễ phép cười tươi rói nói chào chú! Thằng trộm chó thấy dễ ăn quá mà, muốn phỉnh thằng nhỏ rồi lừa bắt mấy con chó ai dè bị cu cậu chơi cho một vố. Cũng không biết nó làm cách nào xua nguyên đàn chó mười mấy con rượt theo cha nội kia, dí thằng chả chạy té khói. Về nhà đắc ý kể lại, ông hỏi thì nó bảo là chú người xấu đó ăn thịt chó, giết mổ chó nhiều quá nên người ám mùi, chó trong xóm ngửi được nên gầm gừ, cảnh giác dữ lắm. Nó rình đi theo thì thấy chú ta lén la lén lút mở bọc "đồ hành nghề trộm chó" ra, nó liền xua chó rượt cho chạy sút quần. Đấy, thằng con ông như vậy làm gì có chuyện nhiễm thói hư tật xấu từ ai. Nó không phải đứa ngờ nghệch dễ bị ảnh hưởng từ người khác. Càng như vậy, ông lại càng thấy lo, chỉ sợ ai khuyên nó cũng không nghe.

Bố Quân Soạn nhìn thẳng vào mắt con trai.

"Chuyện cô Tình, không phải lỗi của con. Cô Tình bị bệnh từ nhỏ rồi, mấy năm nay sức khỏe cũng không được tốt, hết bệnh này đến bệnh khác. Năm nào cũng phát bệnh mấy lượt phải nhập viện, đi đi về về suốt, con cũng biết mà".

"Nhưng hôm đó do con, cô Tình có đi mà không có về".

"Không phải do con!".

"Là lỗi của con!".

"Không phải!".

"Nếu là bố thì sao?".

Bố Quân Soạn lặng người trước câu hỏi ngược của con trai. Ông biết con mình, nó cãi nhau chưa bao giờ thua. Chỉ không ngờ nó lại cương quyết với ông lúc này, trong trường hợp này... Nếu là ông hay bất kì ai cũng không thể không cảm thấy tự trách. Nhưng mà...

"Mọi người không ai trách con cả. Cô Tình cũng...".

Quân Soạn đột nhiên siết chặt quai cặp, hai vai rung rung, cậu ngẩng phắt đầu, nước mắt lăn dài trên hai gò má, nói trong tiếng nấc nghẹn:

"An... buồn... lắm...".

Bố cậu sững sờ, đưa tay kéo cậu vào lòng, ôm thật chặt.

"Bé An không trách con".

"...Con biết".

"Cô Tình không trách con".

"Con biết".

"Chú Phong cũng không trách con".

"Con biết".

"Con không cần phải tự trách mình".

Lần này Quân Soạn không đáp nữa, cậu bấu vào lưng áo của bố, cắn chặt môi mình. Đó là lần đầu tiên và duy nhất nếu không tính ngày cậu chào đời, Quân Soạn cho phép mình bật khóc.

Một ngày hè oi ả, ve kêu râm ran khắp xóm. Chú Phong đã quyết định ra Đà Nẵng làm việc trong một khu công nghiệp. Không giống bố Quân Soạn to lớn vạm vỡ, giọng nói vang dội ầm ầm trong lồng ngực; chú Phong dáng người cao gầy, rất kiệm lời. Bố Quân Soạn giỏi đánh nhau, còn chú Phong thích đọc sách viết chữ. Chữ của chú rất đẹp. Đôi tay thon dài của chú lúc cầm bút ai nhìn cũng mê mẩn. Từ ngày mai, đôi bàn tay ấy sẽ không còn thơm mùi mực nữa, thay vào đó nó sẽ ám mùi dầu mỡ và hóa chất.

Chú Phong trầm ngâm ngồi bên bàn ăn. Quân Soạn bước qua bậc thềm, nhìn chú rồi lại nhìn mâm cơm còn nguyên xi trên bàn. An bó gối ngồi trên phản gỗ, vùi mặt trước ngực, bất động như một con búp bê. Ánh nắng gay gắt chiếu qua khung cửa sổ đang mở, bao trùm lên tấm lưng nhỏ gầy guộc. An vẫn không nhúc nhích.

Cậu bé leo lên tấm phản, đứng dậy kéo hai cánh cửa gỗ, cài móc sắt cách ly ánh nắng ở bên ngoài rồi trượt xuống, đi tới trước mặt An, cầm lên chiếc giày vải dưới đất, tay kia nắm cổ chân cô bé kéo về phía mình. An ngẩng đầu nhìn cậu, sau đó lại trở về tư thế cũ, rút mạnh chân. Nhưng Soạn lại rất cương quyết, kéo chân An, kéo theo cả người cô bé về trước, dứt khoát đi giày cho An bằng được. Cậu lôi An xuống khỏi phản, một mạch dắt cô bé đi tới trước bàn ăn, ấn cô bé ngồi xuống.

An đứng bật dậy, xoay người chạy về chiếc phản, lại bị Soạn tóm lấy. Cô bé vùng vẫy không được thì trừng mắt nhìn cậu, cúi đầu cắn mạnh lên cánh tay đang giữ lấy mình, không chịu nhả ra, giống như đang vận hết sức lực chỉ để cắn cậu. Quân Soạn đau đến thiếu chút nữa thì đã hét lên. Chú Phong vội đứng dậy muốn chạy tới ngăn cản, lại thấy Quân Soạn lắc đầu ra hiệu bảo chú đứng yên. Chú đành đứng đó im lặng nhìn hai đứa trẻ.

Soạn mặc kệ cô bạn nhỏ đang vừa cắn vừa đá mình, tiếp tục kéo cô bé trở lại chiếc bàn.

"Bỏ ra. Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu! Bỏ tớ ra!".

An vừa khóc vừa giãy giụa. Soạn khẽ khựng lại, câu nói và nước mắt nóng hổi của An rơi xuống vết thương của cậu, giống như trộn lẫn vào trong da thịt khiến cậu chỉ muốn khóc theo An. Bàn tay giữ lấy cô bé lơi ra trong khi An vẫn đang vùng vẫy dữ dội.

Cốp. Quân Soạn bị đẩy ngã, phía sau đầu đập vào cạnh bàn. An giật mình, mím môi nhìn cậu, lo lắng nhưng không dám đi đến. Chú Phong vội đỡ Soạn dậy, sờ thấy đầu cậu sưng lên một cục nhưng may mắn không chảy máu. Chú nổi giận quát con gái:

"Sao con bướng thế!? Con...".

An vừa nín lại khóc nấc lên.

"Bố không cần con nữa. Mẹ bỏ con rồi, bố cũng muốn bỏ con một mình. Bố không thương con nữa...".

Chú Phong sắc mặt trắng xanh, đau lòng nhìn con gái nhỏ, giọng nói chua xót:

"Mẹ không bỏ con, mẹ đến chỗ ông bà. Bố cũng đi vắng một thời gian thôi, rồi sẽ về thăm con".

"Bố nói dối. Mẹ không có lên thiên đường. Ông bà chết rồi, mẹ cũng chết rồi. Do con không nghe lời nên mẹ mới chết. Con làm mẹ giận, bố cũng nổi giận với con...".

An lại khóc to. Quân Soạn chê An mít ướt song trước giờ cô bé đều chỉ thút thít khóc, lúc này lại ngửa mặt khóc toáng lên, ngực phập phồng như trống trận dồn dập. Soạn đi tới, dùng ống tay áo lau nước mắt nước mũi trên mặt An.

"Cô Tình rất thương An, cô không giận An đâu".

"Tớ làm mẹ lo nên mẹ mới phát bệnh".

"Không phải".

"Phải! Là lỗi của tớ!".

"Không phải lỗi của cậu!".

"Là lỗi của tớ!". An hét lên.

"Không phải lỗi của cậu. Là lỗi của tớ".

"...".

Giọng nói cứng rắn của Soạn khiến bé An không dám mở miệng cãi lại. Cô bé lại khóc nấc lên.

"Nín đi. An khóc cô Tình sẽ đau lòng. An nhịn đói, An bị ốm cô Tình sẽ lo lắng, chú Phong cũng sẽ lo lắng. Tớ cũng... sẽ lo lắng".

An ngẩng đầu nhìn cậu, hít hít mũi.

"Chú Phong phải đi làm, nhưng cuối năm chú sẽ về mà. Ngày nào tớ cũng qua nhà chơi với An, không để An ở một mình nữa. Tớ đã xin mẹ rồi, buổi tối sẽ sang ngủ cùng cậu. Nên An phải ngoan nhé. Không được nhịn đói, không được cãi lời bố, không được đái dầm...".

"Tớ không có đái dầm!".

"Thật không?".

"Thật mà!".

Quân Soạn làm bộ gật gù tin tưởng, tay kéo cô bạn nhỏ đi tới bàn ăn. Lần này An không giãy ra nữa. Soạn nhìn chú Phong, nháy mắt một cái. Chú ngạc nhiên nhìn cậu. Đứa nhỏ này... Không chỉ thông minh nhanh trí, nay còn biết an ủi người khác rồi. Chú vừa vui mừng vừa xót xa. Chỉ qua một năm, "thằng Sáo con" từ một cu cậu nghịch ngợm cả xóm ai thấy cũng lắc đầu chặc lưỡi giờ lại chững chạc lên rất nhiều, rất nhiều. Ngắm cậu bé dỗ con gái mình ăn mà chú có cảm giác trước mắt không phải hai đứa con nít mà như một người lớn đang dỗ dành một đứa bé.

Soạn dỗ cho An ăn trưa xong, đợi cô bé leo lên phản đi ngủ rồi mới chào chú Phong ra về. Nhớ câu nói ban nãy của cậu, chú thấy lòng lo lắng, vội đuổi theo.

"Soạn! Chuyện của cô Tình... không phải lỗi của con đâu. Con đừng buồn nữa nhé!".

Giữa dàn giao hưởng của lũ ve, giọng nói trong trẻo của Quân Soạn gần như vậy lại như vọng từ nơi xa đến, cậu đáp mà không quay đầu nhìn chú:

"Con biết. Bố mẹ và cô chú không ai trách mắng con cả. Cô Tình cũng không giận con chút nào. Nhưng con đã hứa với cô. Con sẽ bảo vệ An cả đời".

Chú Phong quệt đuôi mắt lau đi giọt lệ nóng rát, thấy ngực mình nghẹn lại, không biết phải nói gì. Bỗng Soạn quay người lại, cậu mỉm cười nhìn chú.

"Bệnh của An phải ăn uống đầy đủ, không được chạy nhảy, không được hoảng sợ, không được tức giận, không được ở một mình. Con nhớ cả rồi. Chú cứ an tâm đi làm, con sẽ chăm sóc An thật tốt. Chú đi mạnh khỏe nhé! Nhớ viết thư gửi về cho An, chữ nào con đọc cũng hiểu, con sẽ đọc thư cho An nghe".

Cậu vẫy tay chào chú rồi nhanh nhẹn bước đi. Trời đã xế chiều, ánh nắng chiếu lên người Quân Soạn kéo bóng cậu đổ dài. Chiếc bóng cao lớn trông như một người đàn ông trưởng thành. Chú Phong nhìn theo bóng lưng cậu bé, cười nhẹ nhõm, lẩm bẩm một mình:

"Đứa nhỏ này... nói ra những lời như vậy, ai nghĩ con chỉ mới bảy tuổi chứ. Thiệt tình...".
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tue_lonton

Gà tích cực
Tham gia
19/7/17
Bài viết
133
Gạo
0,0
Soạn ơi là Soạn, có cần phải cố chấp như vậy không? Truyện này sao em thấy Trân chả có đất để mà diễn. Nói chung anh viết về những mối quan hệ xung quanh Soạn rất hay, rất chân thật, tới nỗi dìm hàng nữ chính không thương tiếc. -_-

Em thấy anh có duyên với truyện hiện đại hơn. Mạch truyện cô đọng, lời văn hài hước, chỉ thiếu nước chưa full. Đọc truyện chờ mỏi tim lắm.

Mà cho em hỏi ngu một tí, Trân cảm nắng Soạn từ khi nào ợ? Chương một thấy Soạn gây thù, chương hai tiếp tục chuốc oán. Không lẽ Trân khi biết bút danh thật của Soạn thì đâm vào thích anh í?

Thích một người có thể bất chợt như vậy ạ? Túm lại, em rất dỏm mấy vụ tình cảm kiểu này...
 
Bên trên